30 tháng 5 2011

Руки прочь от Вьетнама


Natalia Shemankova (Brodyagin), 1969 người chiến thắng của cuộc thi All-Union "Xin chào, chúng tôi đang tìm kiếm tài năng" (sau này là nghệ sĩ độc tấu VIA "Ca hát Heart", "Blue Guitar" và các tác giả của một chương trình truyền hình hàng đầu "Golden Hit").
Mẹ keyboard và accordionist Elena Shemankovoy (Red Elvises, Garik Sukachev).
www.shemankova.ru
Bài hát của Liên Xô trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Natalia Shemankova 1969 người chiến thắng của cuộc thi All-Union "Xin chào, chúng tôi đang tìm kiếm tài năng", sau đó là một nghệ sĩ solo VIA "Ca hát Heart", "Blue Guitar".


http://vk.com/video23433461_169618116

19 tháng 5 2011

THƯ GỬI CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ CỦA NHÀ VĂN M. BULGAKOV

Moskva, 28 tháng 3 năm 1930.

Tôi là Mikhail Aphanasevich Bulgakov


(Moskva, phố Bolsaia Pirogorskaia, nhà 35a, phòng 6).

Tôi xin gửi lên Chính phủ Liên Xô bức thư sau:


1


Sau khi toàn bộ các tác phẩm của tôi bị cấm, nhiều công dân biết tôi là một nhà văn đã lên tiếng cho tôi cùng một lời khuyên như sau:

Viết một “vở kịch cộng sản” (tôi để những đoạn trích trong ngoặc kép), và ngoài ra, gửi lên Chính phủ Liên Xô một bức thư hối lỗi, trong đó bày tỏ việc từ bỏ những quan điểm trước đây của tôi được thể hiện trong các tác phẩm văn học của tôi, và hứa rằng từ nay sẽ làm việc như một nhà văn đồng hành(1) trung thành với lí tưởng cộng sản.

Mục đích: tự cứu mình thoát khỏi những vùi dập, đói khổ và cuối cùng là cái chết tất yếu.

Tôi đã không nghe theo lời khuyên đó. Chắc gì tôi đã cải thiện được vị thế của mình trong con mắt Chính phủ Liên Xô sau khi viết một bức thư dối trá và thể hiện cú nhào lộn chính trị dơ dáy và ngây thơ như vậy. Còn vở kịch cộng sản thì tôi cũng không thử viết, bởi vì tôi biết trước rằng sẽ không thành.

Cái khao khát đã đến độ trong tôi muốn chấm dứt những đau khổ của người viết văn buộc tôi gửi lên Chính phủ Liên Xô một lá thư trung thực.

2

Trong khi phân tích những bài báo được lưu trữ trong hồ sơ của tôi, tôi phát hiện ra qua mười năm hoạt động văn học của tôi trên báo chí Liên Xô đã có 301 bài viết về tôi, trong đó có ba bài khen, còn số bài thù địch chửi rủa là 298.

298 bài báo này là tấm gương phản chiếu cuộc đời viết văn của tôi.

Trong một bài thơ đăng báo người ta gọi Aleksei Turbin, nhân vật vở kịch Những ngày của anh em Turbin của tôi, là “ĐỒ CHÓ ĐẺ”(2), còn tác giả của vở kịch được giới thiệu như một kẻ bị ám ảnh bởi cái “THỜI MỤC NÁT CHÓ MÁ”. Người ta viết về tôi như một gã DỌN BÀN đi nhặt nhạnh những thứ cơm thừa canh cặn sau khi cả tá khách ăn đã NÔN MỬA ra đấy.

Người ta viết rằng:

“MISKA(3) Bulgakov ông bạn vàng của tôi, XIN LỖI VỀ CÁCH DIỄN ĐẠT, CŨNG LÀ NHÀ VĂN KIA ĐẤY, lục lọi TRONG ĐỐNG RÁC THỐI RỮA… Gì thế này, tôi hỏi, người anh em, CÁI MÕM của anh… Tôi là người tế nhị, cứ VÁC CHẬU MÀ KHỤC VÀO GÁY HẮN… Không có lũ Turbin bọn phàm tục đâu cần đến chúng ta cũng như CHÓ CÁI CẦN GÌ ĐẾN NỊT VÚ. Tòi đâu ra, ĐỒ CHÓ ĐẺ, TÒI ĐÂU RA MỘT GÃ TURBIN, cầu cho gã TRƠ KHẤC CẢ TIẾNG LẪN MIẾNG. (Sinh hoạt NGHỆ THUẬT, số 44 năm 1927).

Người ta viết: “Về Bulgakov, kẻ trước sau vẫn là một QUÁI THAI TƯ SẢN MỚI, phun nước bọt tẩm thuốc độc nhưng vô tác dụng lên giai cấp công nhân và lí tưởng cộng sản của họ (báo Sự thật Đoàn thanh niên cộng sản, ngày 14 tháng 10 năm 1920).

Người ta thông báo rằng tôi thích KHÔNG KHÍ ĐÁM CƯỚI CHÓ MÁ xung quanh bà vợ tóc hung nào đó của một người bạn (A. Lunatrarski(4), báo Tin tức, ngày 8 tháng 10 năm 1926), và rằng từ vở kịch của tôi Những ngày của anh em Turbin BỐC MÙI THỐI (Biên bản cuộc họp Ban tuyên huấn vào tháng Năm năm 1927), và vv…, và vv…

Xin thông báo ngay, tôi trích dẫn không phải để kêu ca các nhà phê bình hay để khơi ra một cuộc tranh luận nào đó. Mục đích của tôi nghiêm túc hơn nhiều.

Tôi xin chứng minh bằng các tư liệu có trong tay rằng toàn bộ báo chí Liên Xô, và cùng với báo chí là tất cả các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát các chương trình biểu diễn, trong suốt những năm hoạt động văn học của tôi đều nhất trí với một sự HUNG HÃN KHÁC THƯỜNG chứng minh rằng các tác phẩm của Mikhail Bulgakov không thể tồn tại được ở Liên Xô.

Và tôi tuyên bố rằng báo chí Liên Xô HOÀN TOÀN ĐÚNG.

3

Điểm xuất phát của bức thư này đối với tôi là tác phẩm đả kích(5) của tôi, vở kịch Đảo thắm(6).

Toàn bộ giới phê bình Liên Xô, không trừ một ai, đều tuyên bố rằng nó “bất tài, bất lực, nghèo nàn” và rằng nó là một “tác phẩm bôi nhọ cách mạng”. Một sự nhất trí hoàn toàn, nhưng nó bị phá vỡ một cách bất ngờ và hết sức đáng ngạc nhiên.

Trong số 12 của Thông tin biểu diễn (năm 1928) xuất hiện một bài điểm tin của P. Noviski, trong đó thông báo rằng Đảo thắm là một “vở kịch trào phúng hay và sắc sảo”, trong đó hiện lên bóng dáng đáng sợ của một Đại pháp quan bóp nghẹt sự sáng tạo nghệ thuật và cổ xuý những KHUÔN MẪU KỊCH BẢN NÔ LỆ, PHI LÍ MỘT CÁCH XU NỊNH, xóa bỏ cá tính của người diễn viên và nhà văn, rằng Đảo thắm nói về một thế lực đen tối, đáng sợ nhào nặn nên những kẻ NÔ BỘC, XU NỊNH VÀ TÂNG BỐC…

Trong bài nói rằng “nếu thế lực đen tối đó đang tồn tại thì SỰ PHẪN NỘ VÀ CHÂM CHỌC ĐỘC ĐỊA CỦA NhÀ VIẾT KỊCH ĐƯỢC GIỚI TƯ SẢN CA NGỢI LÀ CÓ CƠ SỞ”

Xin dám hỏi: chân lí ở đâu?

Rốt cuộc thì Đảo thắm là cái gì? Là “vở kịch bất tài, nghèo nàn” hay một “tác phẩm đả kích sắc sảo”?

Chân lí ở trong bài báo của Noviski.

Tôi không tự đánh giá vở kịch của tôi sắc sảo đến đâu, nhưng tôi thừa nhận rằng trong vở kịch quả hiện lên một bóng dáng đáng sợ, và đó là bóng dáng của Ủy ban Biểu diễn. Chính Ủy ban này đã đào tạo nên những kẻ nô bộc, tâng bốc và những kẻ nịnh bợ nơm nớp lo sợ. Chính nó giết chết các tư tưởng sáng tạo. Nó đang giết và sẽ giết chết nền kịch Xô Viết.

Tôi không nói thầm trong các xó xỉnh những suy nghĩ trên. Tôi đưa chúng vào vở kịch châm biếm và dựng nó trên sân khấu. Báo chí Xô Viết bênh vực Ủy ban Biểu diễn, viết rằng Đảo thắm là một vở kịch vu khống(7) cách mạng. Đó là lời lẽ thiếu nghiêm túc của trẻ con. Trong vở kịch không có sự vu khống cách mạng vì nhiều nguyên nhân, do thiếu chỗ tôi chỉ xin nêu lên một trong số đó: KHÔNG THỂ vu khống được cách mạng vì cách mạng quá sức lớn lao. Tác phẩm đả kích không phải là sự vu khống, và Ủy ban Biểu diễn không phải là cách mạng.

Nhưng khi báo Đức viết rằng Đảo thắm là lời kêu gọi tự do báo chí đầu tiên ở Liên Xô (Cận vệ trẻ, số 1 năm 1929), thì họ viết đúng. Tôi thừa nhận điều đó. Đấu tranh với kiểm duyệt, dù nó là như thế nào và tồn tại dưới chính quyền nào, là nghĩa vụ nhà văn của tôi, cũng như kêu gọi tự do ngôn luận. Tôi là người ủng hộ nhiệt thành sự tự do đó và thiết nghĩ nếu có ai trong số các nhà văn định chứng minh rằng nó không cần cho anh ta, thì anh ta chẳng khác gì một con cá công khai tuyên bố rằng nó không cần nước vậy.

4

Đó là một trong những đặc điểm của sáng tác của tôi, và chỉ một mình nó cũng đã hoàn toàn đủ để các tác phẩm của tôi không tồn tại được ở Liên Xô. Nhưng gắn liền với đặc điểm thứ nhất này là tất cả những đặc điểm còn lại được thể hiện trong các tác phẩm trào phúng của tôi: những sắc thái đen tối và thần bí (tôi là MỘT NHÀ VĂN THẦN BÍ) mà tôi dùng để mô tả vô số những điều quái dị trong cuộc sống của chúng ta, cái chất độc địa trong ngôn ngữ của tôi, thái độ hoài nghi sâu sắc đối với quá trình cách mạng diễn ra trong đất nước lạc hậu của tôi và việc đem đối lập nó với sự Tiến Hóa Vĩ Đại mà tôi ngưỡng mộ, và cái quan trọng nhất là sự mô tả những đặc điểm đáng sợ của nhân dân tôi, những đặc điểm mà từ rất lâu trước cách mạng đã gây ra những đau khổ khôn tả cho người thày của tôi là M. E. Saltưkov – Sedrin(8).

Khỏi cần nói rằng báo chí Liên Xô không nghĩ đến việc chỉ ra một cách nghiêm túc tất cả những cái đó, mà chỉ lo đưa ra những thông báo thiếu sức thuyết phục rằng văn trào phúng của M. Bulgakov là “SỰ VU KHỐNG”.

Chỉ một lần, khi tôi mới bắt đầu nổi tiếng, có người đã nhận xét với vẻ ngạc nhiên trịch thượng:

“M. Bulgakov ĐANG MUỐN trở thành một nhà văn trào phúng của thời đại chúng ta” (Phát hành sách, số 6 năm 1925).

Than ôi, động từ “muốn” đặt ở thời hiện tại là vô ích. Phải đưa nó về thời quá khứ hoàn thành: M. Bulgakov ĐÃ TRỞ THÀNH NHÀ VĂN TRÀO PHÚNG, và đúng vào lúc mà không một thứ văn trào phúng thực sự nào (dám xâm nhập vào các vùng cấm) lại có thể được tồn tại ở Liên Xô.

Không phải tôi là người có vinh hạnh nói lên cái ý tưởng hình sự đó trên báo chí. Nó được thể hiện hết sức rõ ràng trong bài báo của V. Blium (số 6, Báo Văn học), và ý tưởng của bài báo đó được tóm lược một cách xuất sắc và chính xác vào một công thức sau:

BẤT KÌ NHÀ VĂN TRÀO PHÚNG NÀO Ở LIÊN XÔ ĐỀU MƯU HẠI CHẾ ĐỘ XÔ VIẾT.

Vậy tôi có thể tồn tại được ở Liên Xô hay không?

5

Và cuối cùng, những đặc điểm sau chót của tôi trong các vở kịch đã bị giết chết như Những ngày của anh em Turbin, Chạy trốn và Bạch vệ là: kiên trì mô tả giới trí thức Nga như tầng lớp ưu tú nhất ở đất nước chúng ta. Cụ thể, mô tả gia đình trí thức – quý tộc bị số phận lịch sử nghiệt ngã ném sang phe Bạch vệ trong những năm nội chiến, theo truyền thống của Chiến tranh và hòa bình. Sự mô tả như vậy là hoàn toàn tự nhiên đối với một nhà văn gắn bó máu thịt với giới trí thức.

Nhưng những sự mô tả như thế dẫn đến hậu quả là tác giả của chúng ở Liên Xô, cùng với các nhân vật của mình, bị gán cho – bất chấp những cố gắng to lớn ĐỨNG TRÊN CẢ PHE ĐỎ LẪN PHE TRẮNG MỘT CÁCH VÔ TƯ – cái danh hiệu bạch vệ thù địch, và với danh hiệu đó thì, như ai cũng hiểu, có thể coi mình là kẻ bỏ đi ở Liên Xô.

6

Chân dung văn học của tôi đã hoàn tất, và đó cũng là chân dung chính trị. Tôi không thể nói có thể tìm thấy ở đó một tội phạm nặng đến mức nào, nhưng tôi xin đề nghị một điều: không đi tìm một cái gì ở ngoài chân dung đó. Nó được dựng lên hoàn toàn trung thực.

7

Hiện nay tôi đã bị hủy diệt.

Sự hủy diệt đó được dư luận xã hội Xô Viết đón nhận hết sức vui mừng và được gọi là THÀNH TỰU.

R. Pikel, khi nói về sự hủy diệt đó (báo Tin tức, ngày 15 tháng 9 năm 1929), đã phát biểu một ý tưởng đầy bao dung như sau:

“Bằng điều đó chúng ta không muốn nói rằng tên của Bulgakov đã bị gạch khỏi danh sách các nhà viết kịch Xô Viết”.

Và an ủi nhà văn bị cắt cổ rằng đây là “chỉ nói về những tác phẩm kịch quá khứ của anh ta”.

Nhưng cuộc sống, mà đại diện là Ủy ban Biểu diễn, đã chứng minh rằng sự bao dung của R. Pikel là không có cơ sở nào cả.

Ngày 18 tháng 3 năm 1930, tôi nhận được công văn của Ủy ban Biểu diễn thông báo một cách ngắn gọn rằng kịch bản Sự nô dịch của những kẻ đạo đức giả (Molier), một vở kịch không phải quá khứ mà là mới viết của tôi, KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TRÌNH DIỄN.

Nói tóm lại, bằng hai dòng chữ của tờ công văn đã chôn vùi công sức làm việc ở các kho sách, trí tưởng tượng của tôi, kịch bản được các chuyên gia sân khấu hàng đầu đánh giá là một tác phẩm xuất sắc.

R. Pikel đã lầm. Đã bị giết chết không chỉ các tác phẩm quá khứ, mà cả những vở kịch hiện tại và tất cả những vở kịch tương lai của tôi. Và tự tay tôi, tôi đã ném vào lò sưởi một tập bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về quỷ sứ, một tập bản thảo hài kịch và phần đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi – Tiểu thuyết sân khấu(9).

Tất cả các tác phẩm của tôi đều vô vọng.

8

Tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết lưu ý rằng tôi không phải là một nhà hoạt động chính trị, mà là một nhà văn, toàn bộ sản phẩm của tôi, tôi đã trao cho sân khấu Xô Viết.

Tôi đề nghị lưu ý đến hai nhận xét sau đây về tôi trên báo chí Xô Viết.

Cả hai đều thuộc về những kẻ thù không khoan nhượng đối với các tác phẩm của tôi, và vì vậy, chúng rất có giá trị.

Năm 1925 có người viết:

“Xuất hiện một nhà văn thậm chí không khoác áo kẻ đồng hành” (L. Averbakh, báo Tin tức, ngày 20 tháng 9 năm 1925).

Và năm 1929:

“Tài năng của anh ta cũng hiển nhiên như tính phản động xã hội trong sáng tác của anh ta”. (R. Pikel, báo Tin tức, ngày 15 tháng 9 năm 1929).

Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống.

9

TÔI ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ RA LỆNH CHO TÔI KHẨN CẤP RỜI BỎ LÃNH THỔ LIÊN XÔ CÙNG VỚI VỢ TÔI LÀ LIUBOV EVGHENIEVNA BULGAKOVA(10).

10

Tôi kêu gọi lòng nhân đạo của chính quyền Xô Viết và đại lượng cho phép tôi, một nhà văn không thể có ích ở trong nước, được tự do.

11

Nếu như tất cả những gì tôi đã viết không đủ sức thuyết phục và tôi phải chung thân im lặng ở Liên Xô, tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết cho tôi việc làm theo chuyên môn và giới thiệu tôi vào làm việc ở nhà hát với tư cách đạo diễn trong biên chế.

Tôi cố tình nhấn mạnh lời đề nghị về một MỆNH LỆNH DỨT KHOÁT, về SỰ GIỚI THIỆU, vì rằng tất cả những cố gắng của tôi tìm việc làm trong cái lĩnh vực duy nhất mà tôi có thể có ích cho Liên Xô như một chuyên gia đặc biệt lành nghề đều đã thất bại hoàn toàn. Tên tuổi của tôi đã bị làm cho vấy bẩn đến mức những lời đề nghị hợp tác từ phía tôi đều khiến mọi người hoảng sợ, mặc dù ở Moskva rất nhiều diễn viên và đạo diễn, và cùng với họ là các giám đốc nhà hát, đều biết rất rõ sự am hiểu sân khấu hoàn hảo của tôi.

Tôi đề nghị Liên Xô chấp nhận một chuyên gia đạo diễn và diễn viên hoàn toàn trung thực, không hề có một ý đồ phá hoại nào, sẵn sàng dựng một cách tử tế bất kì vở kịch nào, từ kịch của Shakespeare đến kịch của những tác giả hiện đại.

Tôi đề nghị bổ nhiệm tôi làm đạo diễn thử nghiệm ở Nhà hát Nghệ thuật số Một, trường học tốt nhất do các bậc thầy K. S. Stanislavski và V. I. Nemirovich-Dantrenko(11) lãnh đạo.

Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu.

Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin Chính phủ Xô Viết xử trí tôi như Chính phủ thấy cần thiết, nhưng hãy xử trí như thế nào đó, bởi vì đối với tôi, một nhà viết kịch đã có năm vở kịch, nổi tiếng ở Liên Xô và nước ngoài, ngay trước mắt, VÀO THỜI ĐIỂM NÀY, là đói rách, bị vứt ra đường phố, và chết.

M. BULGAKOV

 
ĐOÀN TỬ HUYẾN dịch từ nguyên tác tiếng Nga

(1) … Nhà văn đồng hành: chỉ những nhà văn không phải xuất thân giai cấp vô sản, nhưng sau cách mạng hoặc tự nguyện hoặc buộc phải đi cùng (đồng hành) với giai cấp vô sản..

(2) Viết hoa trong nguyên bản.

(3) Miska: Cách gọi thân mật hoặc suồng sã tên Mikhail của Bulgakov..

(4) A. Lunatrarski (187-1935): nhà văn, nhà lý luận, bộ trưởng Giáo dục từ năm 1917.

(5) Tác phẩm đả kích: nguyên tác là памфлет, các từ điển tiếng Việt dịch là Tác phẩm đả kích, có lẽ chưa thật chuẩn.

(6) Nguyên tác tiếng Nga: Багровый остров.

(7) Vu khống: tiếng Nga là пасквиль, từ điển dịch là văn nhục mạ, văn vu khống.

( 8) Saltưkov – Sedrin (1826-1889): nhà văn trào phúng Nga, cùng với N. Gogol được Bulgakov coi là thầy của mình.

(9) Tức là tiểu thuyết Nghệ Nhân và Margarita, kịch bản Niềm khoái lạc và Tiểu thuyết sân khấu.

(10) Liubov Evghenievna Bulgakova: người vợ thứ hai của Bulgakov, năm 1930 ông sống với bà này, khi đó chưa gặp Elena Sergeievna là người vợ cuối cùng.

(11) Stanislavski (1863-1938), Nemirovich – Dantrenko (1858-1943): các đạo diễn cách tân vĩ đại Nga.

04 tháng 5 2011

Giáo dục Cách mạng và Xoá mù chữ ở Nam Bộ

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn được duy trì. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, dù bom rơi, đạn lạc, nhưng ở nhiều vùng kháng chiến những con chữ vẫn được gieo đều đặn. Từ phong trào này đã tạo ra những hạt giống đỏ, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi.

Thành phố Hồ Chí Minh

Sài Gòn trước năm 1975 là nơi tập trung của cải và trí tuệ của chế độ cũ nhưng tồn tại cùng với nó là một bộ phận cư dân không hề nhỏ sống ở xóm nước đen, gầm cầu nghèo khó, thất học, đầy dẫy tệ nạn. Trẻ em 7-8 tuổi còn chưa được đến trường, người lớn mù chữ nhiều vô kể. Do vậy, ngay sau giải phóng, xóa mù chữ được xem là nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, những lớp học gieo ánh sáng văn hóa được mở ra ở khắp nơi trong thành phố. Thầy Nguyễn Hữu Danh, người trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ những ngày đó nhớ lại: từ 7 giờ tối là lớp học đã được mở đến khuya, người dân thuận giờ nào học giờ đó. Ở đâu có người học là ở đó có lớp, có khi ở nhà dân, lúc ở nhà thầy, trụ sở cũng biến thành lớp học. Lớp học chỉ có vài người cũng dạy, cả người lớn học chung với trẻ nhỏ. Dưới ánh đèn dầu leo loét, từ trẻ nhỏ, dến những cụ già đeo kính lão, các chị phụ nữ bụng mang dạ chữa, bế con... theo học lớp xóa mù.

Cả người học người dạy đều có chung mong muốn tốt đẹp nhất là biết chữ, có văn hóa để xây dựng đất nước, nhờ vậy mà chỉ sau một năm thành phố đã căn bản xoá nạn mù chữ. “Mình tổ chức những đoàn đi xóa mù chữ, phổ cập ở xóm lao động nghèo, vùng sâu vùng xa. Ban đêm chia 4 đoàn đi ra 4 phía, hết giờ làm việc ở Sở đoàn đi phổ cập có khi đến 11-12 giờ đêm mới về… nhất là khu vực ngoại thành như Củ Chi, đến 9 giờ đêm người dân mới đi làm đồng về, mình vận động người dân ra lớp xóa mù chữ nửa tiếng đến một tiếng”, thầy Nguyễn Hữu Danh nói. Không chỉ phong trào xóa mù chữ có độ lan tỏa mà số lượng học sinh ở những năm học đầu tiên sau giải phóng cũng tăng đột biến và có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Bởi người dân đã động viên con em của mình đi học phổ thông, có trình độ, kiến thức để sau này còn góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nỗi lo đã tới. Bởi lúc bấy giờ số trường học không đủ đáp ứng đông đảo người dân đang trong tinh thần hăng hái quyết tâm tìm con chữ. Đặc biệt, còn khu vực ven đô, ngoại thành nhiều trường cũ tạm bợ, phòng ốc rất thiếu thốn, trang thiết bị dạy học hầu như không có gì.

Quê gốc Sài Gòn, năm 1955 thầy Nguyễn Hữu Danh là một trong những người tập kết ra Bắc, được cử học đi học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dạy Trường học sinh miền Nam Đông Triều. 20 năm sau, thầy là một trong những người nhận nhiệm vụ tiếp quản giáo dục Sài Gòn và xây dựng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng hiện nay. Thầy Danh kể lại, 11h30 ngày 30/4/1975 thành phố Sài Gòn được giải phóng. 17h30 chiều hôm đó, đoàn giáo dục có 5 người gồm thầy, cô Minh Đoài, cô Loan, thầy Bảy, thầy Trung nhận quyết định về tiếp quản giáo dục Sài Gòn. Lúc đó, Tố Hữu thay mặt Bộ Chính Trị dặn mọi người “bằng bất cứ giá nào phải làm tất cả những cái làm được cho nhân dân Sài Gòn”. Ngày 2/5/1975, đoàn giáo dục cùng khoảng 600 người ở tất cả các ngành xuống tàu biển cấp tốc vào Sài Gòn tiếp quản.

Trở về quê sau 20 năm, vốn thông thạo ngoại ngữ trong quá trình học phổ thông (tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức), nhiệm vụ đầu tiên thầy được giao là giúp Sở Y tế phân loại thuốc thu được từ chế độ cũ. Sau đó, thầy được phân công làm ở phòng THPT, phòng bổ túc văn hóa (sở GD-ĐT), đồng thời giảng dạy chính trị cho cán bộ, xóa mù chữ: “Chúng tôi thống kê, năm 1976 – 1977, TP.HCM có khoảng 40.000 trẻ em thất học chưa kể người lớn không biết chữ. Nếu thực hiện xóa mù theo lớp thì mỗi năm chỉ tối đa dạy được 9.000 trẻ. Sở Giáo dục quyết định mở lớp đêm, từ 7h tối đến khuya, người dân thuận giờ nào học giờ đó. Xong công việc ở sở, đêm đến sở chia 4 đoàn đi 4 phía khác nhau, vào tận góc xóm, ở đâu có người học ở đó có lớp, lúc học ở nhà dân, nhà văn hóa, hội trường… Khu vực ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn chúng tôi chờ người dân đi làm đồng về rồi vận động ra lớp xóa mù đến 11-12 giờ đêm mới về” thầy Danh nhớ lại.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, những năm đó công tác tại trường THPT Nguyễn Hữu Cầu huyện Hóc Môn kể: Thời gian đầu sau ngày giải phóng miền Nam, một số lớp học dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, phải học tăng ca, ca 3, ca 4 mới đủ xoay vòng. Hình ảnh giáo viên chạy ngược xuôi ra vô nội - ngoại thành trên những xe đạp cà tàng hoặc bám vào thanh ngang của xe đò để kịp giờ lên lớp là rất phổ biến. “Lúc đó, trường vừa thiếu vừa ọp ẹp nên không đủ chỗ cho các cháu học, thường học buổi sáng, buổi chiều là hai buổi, xen vào khoảng giữa đó là lớp học ca trưa, cuối buổi chiều có thêm một ca nữa để tận dụng cơ sở vật chất trong điều kiện còn thiếu. Sau giải phóng tinh thần là huy động trẻ ra lớp để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đều được đến trường mà trong khi nhu cầu số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường lại nhiều, cho nên phải tăng công suất sử dụng của một phòng học”, thầy Ngai nhớ lại.

Bên cạnh nhiệm vụ xóa mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục sau giải phóng là thay thế nội dung, chương trình giáo dục của chế độ cũ bằng chương trình, sách giáo khoa của chế độ mới phù hợp với thực tiễn đất nước, xây dựng con người mới XHCN. Tuy cơ sở vật chất khó khăn nhưng không khí giảng dạy và học tập lại sôi động, đầy nhiệt huyết. Các buổi hội họp, tập huấn được tổ chức dày đặc để thông tin kịp thời, phát huy kinh nghiệm thực tế. Cô Nguyễn Thị Yến Thu, người con miền Nam ra Bắc học tập và trở về sau ngày giải phóng và gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở bất cứ nơi nào cần đến mình. Cô không thể quên không khí sôi nổi của thầy và trò với phương châm giáo dục khá mới mẻ như: “học đi đôi với hành”, “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “nhà trường gắn liền với xã hội”: “Đưa vào áp dụng ở thành phố mình, học sinh xuống nông thôn giúp nông thôn làm thủy lợi để gắn liền với lao động sản xuất. Học đi đôi với hành là học được thì làm được, nhà trường gắn liền với xã hội như xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ thì học trò tham gia những công việc phù hợp”.

Vấn đề nan giải của ngành giáo dục sau giải phóng là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp cũng đã được từng bước giải quyết với chính sách tái tuyển và tái sử dụng trên 80% giáo viên chế độ cũ. Đồng thời ngành tiếp nhận nguồn giáo viên chi viện từ miền Bắc, cộng với việc tuyển và đào tạo cấp tốc giáo viên mới nên đã giải được bài toán thiếu giáo viên. Mặc dù ở thời điểm đời sống đầy khó khăn thiếu thốn nhưng giáo viên đã hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người của mình. Thầy Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP chia sẻ: Sau giải phóng, mức lương của giáo viên trong những năm đầu chưa được đưa vào thang bậc lương cụ thể, chỉ khoảng 40-50 đồng/tháng, so với tương quan chung thì không cao và hiếm khi giáo viên nhận lương đúng hạn. Tiêu chuẩn chỉ được 2 kg gạo mỗi tháng, phải ăn độn bo bo khiến ai cũng gầy gò, sau những buổi lên lớp là chăn nuôi heo gà trong công trình phụ nhưng giáo viên vẫn sử dụng ngày nghỉ của mình phụ đạo cho học sinh.

Với cái tâm trong sáng, với tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu, người thầy luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Lúc bấy giờ, nơi nào trả được lương giáo viên đúng hạn tức là cuối tháng có lương giáo viên là thủ trưởng vui mừng như tổ chức kì thi thành công. Có thời kì thành phố còn phải ăn độn nữa, nhưng các thầy cô vẫn gắn bó với trường, thế mới thấy thầy cô mình là quý. Tâm lý lúc bấy giờ là cứ xốc tới mà làm, làm cho hoàn thành nhiệm vụ, mà hoàn thành tốt thì càng tốt, không chỉ cán bộ lãnh đạo mà giáo viên bình thường có thể làm việc quá giờ, có những cuộc họp nòng cốt đến 12 giờ đêm để bàn công việc của trường”, thầy Hồ Thiệu Hùng cho biết.

Mặc dù những năm sau giải phóng còn nhiều gian khó nhưng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ được tiến hành về mọi mặt nên những năm học đầu tiên sau giải phóng đã được khai giảng ở tất cả các trường học đúng với quy định của Bộ GD-ĐT. Chỉ sau một thời gian ngắn, việc xóa mù tại TP.HCM được làm triệt để, được UNESCO công nhận. Năm 1979, một hội nghị quốc tế đầu tiên về công tác xóa mù chữ nhằm lấy kinh nghiệm truyền lại cho các nước trong khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại TP.HCM. Bản lĩnh và quyết tâm của ngành GD-ĐT TP cũng chính là nền tảng để ngành vươn lên dẫn đầu trong giai đoạn sau. Sau "xóa cũ - thay mới", kể từ sau năm 1986, là một thành phố năng động, sáng tạo, ngành GD TP chuyển mình và có những bước tiến vượt bậc để từng bước đưa nền giáo dục hội nhập với quốc tế.

Khu Tây Nam Bộ

Sau phong trào đồng khởi 1960, liên Tỉnh uỷ miền Tây chủ trương xây dựng phong trào giáo dục trong tình hình mới. Ban Tuyên Văn Giáo thuộc liên Tỉnh uỷ đã mở một lớp đào tạo cán bộ giáo dục đầu tiên cho các tỉnh miền Tây tại ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Thuận - Rạch Giá, do đồng chí Cao Thanh Viễn (tức Mười On), Uỷ viên Uỷ ban trực tiếp phụ trách.

Từ năm 1961-1962 hoạt động giáo dục tập trung vào việc phát triển trường lớp cấp I và xoá mù chữ ở các vùng giải phóng; biên soạn, sách giáo khoa trong khi chưa có sách của R đưa về. Được sự giúp sức của hai đồng chí Hoàng Đào và Dương Minh Hồ, cán bộ giáo dục từ R về công tác, tiểu ban mở một lớp đào tạo giáo viên cấp I và một lớp cán bộ quản lý giáo dục cho các tỉnh. Để có một lớp thanh - thiếu niên được đào tạo chính quy, chu đáo phục vụ cuộc kháng chiến trước mắt và lâu dài, Khu uỷ và Ban Tuyên huấn Khu chủ trương mở một trường nội trú để đào tạo con em cán bộ, chiến sĩ. Trong Khu từ năm 1961-1962 đã có Trường Thiếu Sinh Quân đặt ở Rạch Gốc, xã Tân Ân (Cà Mau), khởi đầu là cấp I.

Năm 1963-1964, một số cán bộ giáo dục, giáo viên được đưa đi đào tạo ở miền R - tên gọi mật danh các cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Thời gian này, Tiểu ban Giáo dục được thành lập gồm các đồng chí đầu tiên là Cao Thanh Viễn (Mười On), Hồ Thế Phương (Hai Hành), Trần Thị Ngảnh (Ba Sinh) và một số cán bộ khác như: Tám Lai, Lý Ba, Út Hậu, Sáu Ánh, Hai Ánh, Chín Văn Thông... Năm 1964 Trường Thiếu Sinh Quân chuyển về vùng Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, trường phát triển lên cấp II và đổi tên thành Trường Lý Tự Trọng. Các lớp học của Trường Lý Tự Trọng đều được phân tán trong xóm, ấp. Học sinh được tổ chức theo nền nếp "Quân sự hoá". Thầy vượt khó, trò chăm chỉ học tập rèn luyện, tự cải thiện, gắn bó với nhân dân, chiến trường càng ác liệt thì mọi sinh hoạt của trường càng được tổ chức quy củ, bảo đảm an toàn và liên tục, khoá tốt nghiệp cấp II đầu tiên ra trường năm 1967.

Đại hội giáo dục năm 1965 và tiếp theo là Hội nghị giáo dục toàn khu tháng 3/1966 đã đánh giá đầy đủ tình hình và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu về vận động quần chúng đi học, xây dựng trường lớp, giảng dạy, xoá mù chữ, bổ túc văn hoá và nội trú.

Năm 1966, những cán bộ, giáo viên đầu tiên do Trung ương Cục chi viện về miền Tây Nam Bộ, thế là bộ máy giáo dục được bổ sung thêm các đồng chí Lê Đức Kế (Chín Dũng), Nguyễn Thanh Bình (Út Bình) từ Cà Mau lên, Năm Chuôn ở Khmer vận khu sang. Đồng chí Lê Đức Kế thay đồng chí Cao Thanh Viễn làm Trưởng Tiểu ban Giáo dục (C6), các đồng chí Hai Hành, Út Bình là phó tiểu ban.

Năm 1968, phong trào giáo dục phát triển khá đều, có hệ thống và nền nếp. Toàn khu Tây Nam Bộ có 96.000 học sinh cấp I (trong đó có 3.600 học sinh Khmer) và khoảng 500 học sinh cấp I, II ở các trường nội trú do khu và tỉnh quản lý. Sau Tết Mậu Thân, thời kỳ địch áp dụng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và chiến dịch "Nhổ cỏ U Minh", "Bình định cấp tốc" đánh phá ác liệt vùng giải phóng, giáo viên bỏ việc, học sinh theo gia đình lánh nạn, nên đến cuối năm 1970 chỉ còn 13.000 em.

Năm 1970, trường Trường Thiếu Sinh Quân chuyển lên cấp III (hệ 10 năm) có thêm lớp dành cho học sinh Khmer, đến ngày phải phóng miền Nam 30/4/1975 có 9 khoá và số học sinh được đào tạo là 700 em.

Năm 1972 bổ sung đồng chí Trần Văn Đăng (Sáu Đăng), Lê Văn Ánh (Ba Ánh) làm Uỷ viên Ban. Từ thực tế tình hình, Khu uỷ và Tiểu ban Giáo dục chuyển hướng chỉ đạo nhằm duy trì, khôi phục trường lớp, tổ chức chương trình dạy và học phù hợp với hoàn cảnh, đã giúp khắc phục bớt khó khăn. Kết quả đến cuối năm 1972, số học sinh trong khu nhích lên 34.000 em.

Từ sau Hiệp định Paris, được sự chỉ đạo của Khu uỷ và Ban Tuyên huấn Khu, tháng 10/1973, Tiểu ban Giáo dục triệu tập hội nghị đánh giá tình hình và đề ra chủ trương, biện pháp nhằm khôi phục giáo dục. Cuối năm 1973 thêm đồng chí Nguyễn Công Thành (Sáu Thành) từ miền Bắc về... Như vậy cho thấy, Đảng bộ khu Tây Nam Bộ lúc đó rất đặt nặng công tác giáo dục - đào tạo cán bộ ở khu.

Tháng 8/1974, ta mở hội nghị giáo dục toàn Khu, có đủ đại biểu 8 tỉnh miền Tây (thêm 2 tỉnh Bạc Liêu và Châu Hà mới thành lập). Khu uỷ, Mặt trận và các đoàn thể đánh giá tình hình và đưa ra biện pháp khôi phục, phát triển giáo dục. Lúc này trong khu đã có 63.000 học sinh phổ thông. Tất cả học sinh đều được điều động đến công tác ở các cơ quan, đơn vị bộ đội và được tiếp tục đào tạo chuyên môn kỹ thuật (điện đài, cơ yếu, y tế, điện ảnh, báo chí, văn nghệ...). Nhiều học sinh trưởng thành vượt bậc như Tiến sĩ Phan Thị Việt Nga (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang) và nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, thành phố, tỉnh và Trung ương. Đặc biệt có Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng là chiến sĩ biệt động, hy sinh anh dũng tại TP Cần Thơ năm 1969, khi mới 19 tuổi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trình độ dân trí của người dân An Giang còn rất thấp. Trường học ít, nạn mù chữ rất trầm trọng. Giai đoạn này có trên 150 ngàn trẻ trong độ tuổi đi học không được đến trường. Khi đó, mạng lưới trường học chỉ được tập trung ở các vùng thị tứ và chủ yếu đào tạo số học sinh, sinh viên chuyển tiếp từ giai đoạn trước giải phóng. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hàng năm khoảng 30%, hiệu quả đào tạo còn rất thấp.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nhân lực và cơ sở vật chất cho năm học đầu tiên sau giải phóng. Khi đó, giáo dục được tỉnh ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, công tác xóa mù chữ được đặc biệt quan tâm và diễn ra rộng khắp. Tuy nhiên, số lượng giáo viên cũng rất ít, chỉ khoảng hơn 2.900 giáo viên cấp I, 620 giáo viên cấp II và 137 giáo viên cấp III. Riêng giáo viên các trường trung học chuyên nghiệp còn thiếu trầm trọng nên trường sư phạm đã tiến hành đào tạo các lớp cấp tốc, ngắn hạn và hình thành thêm một số cơ sở giáo dục khác theo nhu cầu lúc bấy giờ.

Dù tỉnh đã hết sức cố gắng, nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới Tây Nam và trận lũ lịch sử 1978 nên hoạt động xóa mù chữ tạm lắng và tình trạng tái mù chữ xuất hiện trở lại. Vào năm 1980- 1981, khi đời sống người dân bắt đầu ổn định hơn, những khó khăn do chiến tranh và thiên tai đã phần nào giảm bớt nên nhu cầu học tập khởi sắc trở lại, quy mô giáo dục của tỉnh bắt đầu chuyển mình. Giai đoạn này, các lớp học mầm non được phủ rộng khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trường cấp I tăng gấp đôi so với năm 1975- 1976, giáo dục phổ thông cũng được phát triển rộng khắp đến các xã xa xôi. Song, các trường phân bố vẫn chưa hợp lý, chưa thật sự đồng đều. Một số điểm dân cư mới chưa có trường học, nhiều trường phải ghép cấp I và cấp II. Ngoài ra, còn phát sinh nhiều lớp học ca ba và cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy.

Bên cạnh đó, lại thêm những chính sách thay đổi vĩ mô trong ngành Giáo dục, như: Xóa bao cấp trong giáo dục, thực hiện thu một phần học phí, triển khai cải cách nội dung và chương trình, đánh giá nghiêm túc kết quả học tập, thi cử của học sinh, chống ngồi nhầm lớp… Trước tình hình đó, mỗi năm, tỉnh ta có hàng ngàn giáo viên bỏ việc. Tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học vẫn còn rất cao, công tác phổ cập giáo dục cũng giảm sút. Giai đoạn này, đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn thấp (cấp mầm non khoảng 1,78%, tiểu học 36,03%, THCS 41,38%, THPT 81,2%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đến tháng 3-1978, An Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một tỉnh bị tàn phá nặng nề, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu. Trường lớp bằng bê tông lúc bấy giờ chỉ có ở thị trấn, các xã ở huyện, thị xã nhưng rất ít. Ở các vùng nông thôn rất ít điểm trường, trẻ em phần lớn chỉ học biết chữ hoặc hết cấp 1, khi học cấp 2, cấp 3, phải lên thị trấn huyện hoặc thị xã. Năm 1975, trường lớp ở Bến Tre thiếu thốn, trẻ em nghèo ít được đến trường, người lớn mù chữ đâu đâu cũng thấy. Số người mù chữ ở Bến Tre có hơn 45.000 người, là vấn đề khó trong điều hành, xây dựng phát triển kinh tế xã hội. Đường giao thông đi lại khó khăn, mức sống người dân bấy giờ thấp nên trẻ em nghèo rơi rớt dần việc học. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành”, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương xây dựng trường lớp tạm thời bằng vật liệu có được, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều phòng học bằng cây lá được dựng lên ở xã mới giải phóng, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, đáp ứng phần nào nhu cầu học tập của con em lao động.

Khắc phục trình trạng này, Tỉnh ủy Bến Tre đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU mở chiến dịch “Đồng khởi diệt dốt” lãnh đạo toàn Đảng toàn quân, dân Bến Tre vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu thanh toán nạn mù chữ trước thời hạn Trung ương quy định. Thực hiện chỉ thị, ngành Giáo dục kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu thực hiện chỉ thị. Các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn để thành lập Ban chỉ đạo xóa mù chữ do Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội làm trưởng ban. Ban chỉ đạo tiến hành điều tra nắm chắc đối tượng trong diện: Nam từ 50 và nữ từ 45 tuổi trở xuống và đối tượng ngoài diện. Ở các xã đều có giáo viên phụ trách xóa mù chữ cho người lớn.

Cái khó khi tiếp quản ngành Giáo dục là lực lượng giáo viên kháng chiến chỉ có gần 300 người, không đủ bố trí các cấp học. Tiểu ban giáo dục của tỉnh kêu gọi giáo viên chế độ cũ nhanh chóng trở lại nhiệm sở. Tỉnh mở nhiều lớp sinh hoạt chính trị nhằm giúp họ hiểu biết về cách mạng, về chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, về nhiệm vụ của người giáo viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa; thành lập Hội đồng tuyển dụng giáo viên dưới chế độ Sài Gòn ở 8 huyện, thị xã. Lần lượt hầu hết giáo viên chế độ cũ đều được tuyển dụng, trừ một số ít là sĩ quan do địch biệt phái vào nhà trường để theo dõi, kìm kẹp giáo viên hướng về cách mạng. Cạnh đó tỉnh gấp rút đào tạo cấp tốc giáo viên mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa đáp ứng nhu cầu giảng dạy của năm học mới và những năm học tiếp theo. Đồng thời tỉnh tiếp nhận giáo viên miền Bắc chi viện miền Nam; giáo viên cấp 2, 3 của tỉnh Vĩnh Phúc kết nghĩa, giáo viên cấp 3 là con em Bến Tre tập kết ra Bắc, học tập ở miền Bắc trở về. Tỉnh đã có một lực lượng giáo viên gần 4.500 người đáp ứng nhu cầu khai giảng năm học mới. Cái khó của ngành học phổ thông là khâu quản lý, điều hành. Giáo viên chế độ cũ có gần 3.000 người. Giáo viên cách mạng quá mỏng không đủ bố trí khắp các trường. Bước vào năm học đầu tiên sau giải phóng, các trường đều chưa có ban giám hiệu. Thầy Nguyễn Kiên Cường cán bộ Tiểu ban giáo dục bấy giờ đề xuất thành lập Ban điều hành do giáo viên chế độ cũ đảm trách, cán bộ giáo viên cách mạng rải ra làm cố vấn, lãnh đạo chỉ huy. Mô hình Ban điều hành được tỉnh báo cáo với Bộ Giáo dục, được Bộ nhân rộng khắp cả nước.

Thầy Phạm Trường Thắng nguyên Phó trưởng ty giáo dục phụ trách xóa mù chữ cho biết: Nhờ quyết tâm của lãnh đạo các địa phương và nhiệt tình của các đoàn thể trong các ban chỉ đạo. Việc học xóa mù được linh hoạt hóa về giờ giấc học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho các người lớn mù chữ học nhanh đạt kết quả. Do vậy, số người trong độ tuổi xóa mù chữ ra lớp rất đông. Nhưng năm ấy chưa có điện lưới quốc gia nhưng người đến lớp xóa mù với ngọn đèn dầu leo lét rất đông vui.

Với phương thức tổ chức chặt chẽ và sức mạnh tổng hợp như vậy, tinh thần “Đồng khởi diệt dốt” tiếp tục phát huy khí thế Đồng khởi đánh Mỹ năm xưa, trở thành quyết tâm lớn, thành cao trào cách mạng. Chỉ 50/55 ngày đêm cuối năm 1976, tỉnh đã đạt mục tiêu chiến dịch xóa dốt. Tháng 5/1977, Bến Tre được Bộ giáo dục công nhận đạt mục tiêu xóa mù chữ trước thời hạn. Là tỉnh đứng hạng thứ ba trong 21 tỉnh thành phía Nam. Tỉnh có 44.198 người thoát mù chữ, đạt tỉ lệ 98,06%. Xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách và xã Bình Nguyên, thị xã Bến Tre là hai đơn vị đạt mục tiêu xóa mù chữ sớm nhất của tỉnh. Năm 1996, Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyến công tác Bến Tre, yêu cầu tỉnh báo cáo thực trạng trường lớp. Thầy Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Sở lúc bấy giờ báo cáo rõ tình trạng trường lớp tạm bợ, xuống cấp ở từng địa phương. Sau hội nghị ấy, cán bộ Văn phòng Chính phủ gặp Giám đốc Sở cho biết: Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính cho Bến Tre mượn tiền xây trường với điều kiện UBND tỉnh bảo lãnh (Lúc này chưa có kinh phí Trung ương cấp xây trường chuẩn quốc gia).

Sau ngày giải phóng, tháng 8/1975, Tiểu ban Giáo dục chính thức giải thể tại TP Cần Thơ. Cán bộ, giáo viên của tiểu ban được bố trí về các tỉnh, thành phố tiếp tục nhiệm vụ trong thời kỳ mới. TP Cần Thơ được hình thành sau 3 lần điều chỉnh về địa giới hành chính. Giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ từ sau khi giải phóng tập trung vào xóa mù chữ, năm học đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975 - 1976 đã đón tiếp trên 112 ngàn học sinh các cấp. Cơ sở vật chất thiếu thốn việc đào tạo học sinh hệ chuyên nghiệp và đại học cũng mới bắt đầu chuyển sang chương trình đào tạo mới.

Khu Đông Nam Bộ

Ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Phó tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một nhớ lại, phong trào giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh từ cuối năm 1962 đến 1966, đỉnh cao là 1965-1966. Để tránh bom đạn của kẻ thù, thầy trò phải đào hầm, giao thông hào xung quanh lớp học. Thời đó, chiến tranh vốn ác liệt, hơn nữa, trường lớp là mục tiêu địch đánh phá bằng phi pháo nên có nhiều nhà giáo, học sinh đã ngã xuống. Đầu năm 1965 phong trào giáo dục toàn tỉnh phát triển mạnh, vì vùng giải phóng của ta được mở rộng. Đến tháng 4-1973, Tiểu ban giáo dục thành lập trường nội trú dạy cho con em cán bộ và gia đình chính sách, trường đóng ở ấp Giáng Hương (xã An Lập, Dầu Tiếng bây giờ), được làm bằng tranh, tre, nứa lá.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường thời kỳ đầu còn nhớ, tuy là vùng giải phóng nhưng giặc vẫn oanh kích tự do, vẫn có biệt kích, giặc vẫn thả bom, bắn pháo. Để bảo đảm an toàn, thầy trò cùng nhau đào hầm, xây dựng căn cứ để tránh bom. Thời gian này rất thiếu giáo viên, trường chỉ có 3 giáo viên thay nhau dạy. Vì vậy trường sử dụng số học sinh lớp lớn hướng dẫn kỹ năng giảng dạy để dạy cho lớp nhỏ. Để bảo đảm an toàn thầy, trò cùng nhau đào hầm, xây dựng căn cứ để tránh bom, đạn của kẻ thù. Lớp học ban đầu chỉ có khoảng 20 học sinh, cao điểm có khoảng 60 học sinh.

Trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm như vậy, nhưng khát khao được học tập vẫn hừng hực trong mỗi học trò. Chị Nguyễn Hồng Nhung là một trong số những lứa học sinh đầu tiên của trường còn nhớ, dưới làn bom, mũi đạn của kẻ thù, hoạt động dạy học vẫn diễn ra sôi nổi, có những kỷ niệm thật sâu sắc mà những người như chị không bao giờ quên. Những ngày đó, trường lớp được làm bằng tranh tre, thầy trò cùng vô rừng cắt tranh, chặt cây về dựng lớp học. Cứ giặc bắn phá cháy trụi thì thầy trò cùng dựng lại. Lớp học phía trên, hầm phía dưới, có lúc đang học giặc pháo kích thầy trò cùng chui vô hầm tránh đạn. Trong chiến tranh, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, vừa học, các học sinh vừa sản xuất, tự túc lương thực, học sinh lớn làm nuôi học sinh nhỏ. Dù cực khổ, nhưng ai cũng quyết tâm học, bởi học tập cũng là thể hiện tinh thần yêu nước, có kiến thức văn hóa mới mở mang được tầm nhìn, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản và điều hành tỉnh Biên Hòa sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, ngày 24/4/1975, tại Gia kiệm, Thường vụ Khu ủy miền Đông công bố Nghị quyết của Khu ủy Miền Đông về chủ trương tổ chức Ủy ban Quân quản các tỉnh và thành phố.

Ngày 03/5/1975, hội nghị Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt Khu ủy miền Đông do đồng chí Lê Quang Chữ, Bí thư Khu ủy chủ trì công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quân quản các tỉnh và thành phố Biên Hòa, như sau:
Ủy ban Quân quản tỉnh Biên Hòa do đồng chí Võ Văn Lượng làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản tỉnh Bà Rịa – Long Khánh do đồng chí Phạm Lạc làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản tỉnh Tân Phú do đồng chí Võ Tấn Vịnh làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản thành phố thành phố Vũng Tàu do đồng chí Phạm Văn Hy làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa do đồng chí Lê Đình Nhơn, Phó Bí thư Khu ủy làm Chủ tịch. Các đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Thành ủy và đồng chí Nguyễn Việt Hoa, Phó Tư lệnh Quân khu, làm Phó Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Quý Nam, Ủy viên Ban an ninh Khu và đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Bí thư Thành ủy, làm Ủy viên.

Những ngày đầu giải phóng, vùng đất đất Đồng Nai ngày nay thuộc địa giới của các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh, Tân Phú, thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu. Mỗi tỉnh đều do Ủy ban Quân quản điều hành. Đến cuối năm 1975, tình hình kinh tế xã hội ổn định, chính quyền cách mạng ở xã ngày càng được củng cố; Ủy ban Quân quản tỉnh , huyện hoàn thành nhiệm vụ giữ vững ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng và chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo điều hành xã hội cho Ủy ban nhân dân cách mạng các tỉnh.

Ngày 29/9/1975, Hội nghị Ban chấp hành Trung Đảng ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về “nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó Nghị quýết chỉ rõ:…”hợp nhhất các tỉnh thành đơn vị hành chính-kinh tế với quy mô cần thiết”. Về công tác cán bộ, Nghị quyết Trung ương chỉ đạo:”…điều động và phân bố lại cán bộ theo tình hình mới, nhằm đảm bảo lợi ích chung của cách mạng cả nước; nâng cao kiến thức kinh tế cho cán bộ quân đọi, chuyển một số ra làm kinh tế. ..”

Căn cứ Nghị quyết 24 của Trung ương, ngày 20/9/1975, Trung ương cục miền Nam ra Nghị quyết số 16/QĐ.75 về việc giải thể khu, sát nhập tỉnh. Đến tháng 01/1976, Trung ương có quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh, gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là thành phố Biên Hòa, Thị xã Vũng Tàu và các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Duyên Hải.

Đến tháng 1/1976, ba tỉnh trên được Trung ương hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai. Sau nhiều lần thay đổi ranh giới hành chính, từ năm 1995, địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm 1 thành phố (Biên Hòa), 8 huyện (Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc). So với hiện nay, địa bàn tỉnh Đồng Nai lúc đó rộng hơn, bao gồm các địa phương: toàn bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Diện tích tự nhiên tỉnh Đồng Nai lúc thành lập là 8360 km2 , dân số trên 1.223.683 người. Toàn tỉnh có 154 đơn vị hành chính cấp xã (bao gôm xã, phường, thị trấn).

Khi thành lập tỉnh Đồng Nai, ông Lê Quang Chữ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 24/3/1976, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Quyết định số 21/QĐ-76 về việc công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đồng Nai theo đề nghị của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Đồng Nai, gồm các vị sau đây:
- Chủ tịch: Ông Nguyễn Văn Lá, tức Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung)
- Các Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Văn Có, tức Nguyễn Văn Hòa (Năm Hòa)
Ông Lê Thành Ba (Ba Bùi)
Ông Hoàng Vĩnh Phú (Bảy Phú)
Ông Lê Đình Nghiệp (Năm Nghiệp)
- Ủy viên thư ký: Ông Nguyễn Văn Dinh (Năm Dân)
- Các Ủy viên khác: Ông Nguyễn Hoàng Vân (Mười Vân)
Ông Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc)
Ông Lê Ngọc Bạch (Chín Hồng)
Ông Hồ Sĩ Hành (Hai Huỳnh)
Bà Lê Thị Hoa (Năm Thường)

Để giúp việc cho Ủy ban nhân dân cách mạng lãnh đạo điều hành, tỉnh đã hình thành ngay bộ máy giúp việc ban đầu với 34 đơn vị quản lý Nhà nước và 5 đơn vị đoàn thể cấp tỉnh. Đến cuối năm 1976, bộ quản lý chuyên ngành của tỉnh có 39 Ty, ban ngành và tương đương, gồm: Văn phòng Uỷ banhành chính tỉnh; Ty Công nghiệp, Ty Giao thông vận tải, Ty Giáo dục, Ty Lâm nghiệp, Ty Nông nghiệp, Ty Thủy lợi, Ty Lao động, Ty Thương binh- xã hội, Ty Tài chính, Ty Thương nghiệp, Ty Văn hóa - thông tin, Ty Xây dựng, Ty Bưu điện, Ty Lương thực, Ty Thủy sản, Ủy ban Vật giá, Ủy ban Xây dựng cơ bản, ty Công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Liên hiệp công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Ủy Ban kế hoạch, Ủy Ban vật giá, Chi cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ban Cải tạo nông nghiệp, Ban Liên hiệp xã, Ban Ngoại vụ-chuyên gia, Ban pháp chế, Ban Thanh tra, Ban Thi đua, Ban Tổ chức chính quyền.

Đúng 10 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Bộ chỉ huy tiền phương gồm các đồng chí Phan Văn Trang, Nguyễn Việt Hoa, Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Quý Nam và Trung đoàn 5 tiến vào tiếp quản tòa hành chính tỉnh Biên Hòa. Khu ủy miền Đông về đóng cơ quan tại dinh tên trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 (nay là Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh) để lãnh đạo.

Nhiệm vụ chủ yếu cấp bách trong thời gian đầu là tiếp quản vùng giải phóng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên từng khu vực, nhằm từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp. Trong ngày đầu tiên tiếp quản, Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Ban an ninh triển khai kế hoạch ổn định trật tự trong thành phố; các lực lượng vũ trang (bộ đội, an ninh) được triển khai chốt chặn các đầu mối giao thông và các tuyến đường trọng yếu như ngã 3 Tam Hiệp, ngã 3 đi Vung Tàu, cầu Đông Nai, cầu Gành, cầu Rạch Cát; các đội thông tin của Ủy ban Quân quản tăng cường tuyên truyền chính sách 10 điểm của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền giao nộp vũ khí, đăng ký trình diện; lực lượng công binh Quân khu tập trung tháo gỡ bom, mìn; thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của địch còn gài lại; lực lượng an ninh Khu miền Đông phối hợp với bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ tích cực truy lùng, truy bắt và triệt phá các tổ chức phản động, tình báo của Mỹ cài lại; triệt phá các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp; các ổ chứa mại dâm, các đối tượng xì ke, ma túy...do chế độ cũ để lại; kêu gọi các công chức, viên chức chế độ cũ, nhất là ngành kinh tế, y tế, giáo dục và các cơ sở hạ tầng như điện, nước.. ra đăng ký làm việc trở lại sau một đợt học chính trị từ 2 đến 3 ngày ...Chỉ 3 ngày sau giải phóng, các cơ sở sản xuất điện, nước ở Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào hoạt động, tình hình xã hội ổn định, mọi hoạt động của nhân dân trở lại bình thường.

Trong thời kỳ đầu mới giải phóng, do hậu quả của chiến tranh để lại, hàng trăm ngàn đồng bào từ nông thôn bỏ quê hương chạy về thành thị sống bằng con đường buôn bán, thêm vào đó hàng trăm ngàn ngụy quân, ngụy quyền của bộ máy chiến tranh và gia đình họ trước đây sống dựa chủ yếu vào viện trợ Mỹ, nay nguồn đó không còn, vì vậy tỷ lệ người thất nghiệp quá lớn, trong khi đó diện tích canh tác ở nông thôn phần lớn bị bỏ hoang, toàn tỉnh chỉ có gần 40.000 ha đất canh tác, bình quân lương thực đầu người đầu năm 1976 (bao gồm cả màu quy thóc) chỉ đạt 89 kg/ đầu người, thấp nhất cả nước…, cho nên tình trạng thiếu lương thực trở nên gay gắt, nạn đói xảy ra. Trước tình hình nạn đói đe dọa, đầu năm 1976, một mặt tỉnh phải xin Trung ương chi viện 35.000 tấn lương thực để cứu đói cho nhân dân, mặt khác phát động đợt tuyên truyền, vận động nhân dân ở đô thị chưa có việc làm trở về quê cũ sản xuất nông nghiệp, đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương mở rộng khai hoang, phục hóa trồng các cây lương thực để khắc phục nạn đói. Đồng thời vận động nhân dân tham gia phong trào làm thủy lợi, đào vét kênh mương, xây dựng hồ chứa nước để thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất lao động. Kết quả chỉ trong vòng 2 năm 1976 đến 1977, Đồng Nai đã phục hóa hơn 44.456 ha đất sản xuát nông nghiệp. Nhờ đó, từng bước cân đối được lương thực trên địa bàn, khắc phục nạn đói, ổn định đời sống các tầng lớp đân cư.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp: ngay từ ngày đầu mới giải phóng, Ủy ban Quân quản đã ra lời kêu gọi công nhân bảo vệ nhà máy, xí nghiệp. Tiếp theo đó tỉnh thành lập Ban khôi phục sản xuất công nghiệp Biên Hòa để phục vụ tiếp quản trọn vẹn khu kỹ nghệ Biên Hòa; tổ chức điều hành, thực hiện các biện pháp cần thiết để nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp. Vì vậy, ngay sau ngày 30/4/1975 đã có 38/94 nhà máy trong khu kỹ nghệ Biên Hòa đi vào hoạt động; nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngành nghề truyền thống trở lại sản xuất bình thường…, giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động. Cùng với nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm sâu sắc đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ty văn hóa thông tin các tỉnh được thành lập, các đội thông tin cổ động lưu động đi xuống các huyện xã để tuyên truyền chính sách mới của cách mạng, phát động phong trào thu gom các loại văn hóa phẩm phản động, đồi trụy do chế độ cũ để lại. Thành lập Đài phát thanh giải phóng Biên Hòa, Báo Đồng Nai để thông tin đến quần chúng nhân dân, hướng dẫn dư luận quần chúng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới xã hội chủ nghĩa…

Ngành giáo dục miền Đông lúc bấy giờ đặt dưới sự chỉ đạo của Sở giáo dục khu Đông Nam bộ, bao gồm 5 tỉnh: Biên Hòa, Vũng Tàu, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú và Thủ Dầu Một đã tiếp quản toàn bộ các cơ sở giáo dục do chế độ cũ để lại. Sở Giáo dục miền Đông, Ban Giáo dục các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa- Long Khánh, thị xã Vũng Tàu, Tân Phú mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho 3.747 giáo viên, tập huấn nghiệp vụ, định hướng chương trình, nội dung giảng dạy cho 3.292 giáo viên; khôi phục 480 trường học các cấp, với 189.614 học sinh trở lại học đường. Ngày 21/9/1975, tỉnh đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đầu tiên 1974-1975 dưới chính quyền cách mạng cho 3.199 học sinh đăng ký dự thi. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa mù chữ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Đông đã nhanh chóng sữa chữa trường lớp bị hư hại do chiến tranh và chuẩn bị xây dựng thêm trường học cho các vùng kinh tế mới ở tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và Thủ Dầu Một.

TỈ NH
Cấp I
Cấp II, III
Số trường
Phòng học
Số trường
Phòng học
Thủ Dầu Một
211
763
16
189
Vũng Tàu
35
169
12
221
Bà Rịa - Long Khánh
123
600
-
-
Tân Phú
19
211
-
27
Biên Hòa
209
607
42
370
Tổng cộng
597
2350
100
1007

Về đội ngũ giáo viên, Sở giáo dục khu Đông Nam bộ đã vận động 7.047 giáo viên từng giảng dạy trước năm 1975 ra đứng lớp, gồm: 5.118 giáo viên cấp I, 1.432 giáo viên cấp II và 497 giáo viên cấp III. Hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên (tổng cộng thiếu 1.441 giáo viên các cấp), nhưng đã nhanh chóng có những biện pháp khắc phục như: đào tạo giáo viên cấp tốc, vận động dạy thêm giờ, thêm buổi...

Ngày 17 - 6 - 1975, Ban bí thư TW Đảng đã có chỉ thị 221 - CT/TW về “Công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng” và chỉ thị 222 - CT/TW về “Công tác giáo dục Đại học và Chuyên nghiệp ở miền Nam trong thời gian tới”.

Chỉ thị 221 - CT/TW Ban bí thư nêu rõ nhiệm vụ của nền giáo dục cách mạng miền Nam là “Nhanh chóng xóa bỏ tình trạng lạc hậu và phản động của nền giáo dục Mỹ - ngụy ở vùng mới giải phóng, tích cực góp phần xây dựng con người mới và cuộc sống mới, đáp ứng yêu cầu cấp bách và lâu dài của cách mạng trên các mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng”. Chỉ thị cũng chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể: Tích cực xóa mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa; phát triển mạnh và đều khắp các trường phổ thông; tiếp bước xây dựng ngành mẫu giáo; xây dựng thật tốt các trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giáo viên;

Đồng thời, nêu lên vấn đề trước mắt về tổ chức và lãnh đạo công tác giáo dục là: Cải tạo cơ sở giáo dục cũ của Mỹ - ngụy; xây dựng bộ máy giáo dục các cấp; tiến hành điều tra cơ bản về giáo dục để có cơ sở chuẩn bị tốt cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục trong những năm tới; phát động phong trào quần chúng tham gia giáo dục.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, ngành giáo dục các tỉnh khu Đông Nam bộ đã nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ thị 221 - CT/TW của Ban Bí thư, khôi phục toàn bộ các cơ sở trường lớp do chế độ cũ để lại, cải tạo hệ thống tư thục, trường lớp; mở rộng mạng lưới trường học ở các vùng giải phóng cũ, vùng kinh tế mới, phát động phong trào toàn dân tham gia xóa nạn mù chữ, xây dựng hệ thống trường lớp BTVH cho cán bộ và thanh niên, tách các trường mẫu giáo ra khỏi các trường phổ thông để hình thành trường mẫu giáo hoàn chỉnh, tiến hành bồi dưỡng và tuyển dụng lại đội ngũ giáo chức vùng mới giải phóng, khôi phục Trường trung học sư phạm Bà Rịa và xúc tiến việc xây dựng Trường cao đẳng sư phạm, Trường sư phạm mẫu giáo tại thành phố Biên Hòa để đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho tỉnh, xây dựng bộ máy giáo dục các cấp, triển khai công tác điều tra cơ bản để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo những năm sau, tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền động viên toàn thể nhân dân tham gia xây dựng giáo dục, thành lập các “Ban vận động xóa mù chữ”, “Hội bảo trợ nhà trường”, “Hội cha mẹ học sinh”...

Sau 5 tháng chuẩn bị, ngày 19 - 10 - 1975, cùng với toàn miền Nam, các tỉnh miền Đông đã khai giảng năm học mang tính lịch sử 1975 - 1976. Sau đây là số học sinh các cấp so với năm học 1974 - 1975:


TỈNH
Học sinh cấp I
Học sinh cấp II
Học sinh cấp III
74 – 75
75 - 76
74 - 75
75 - 76
74 - 75
75 - 76
Thụ Dầu Một
Vũng Tàu
Bà Rịa - Long Khánh
Tân Phú
Biên Hòa
47.090
12.400
33.122
8.990
84.700
48.350
11.866
50.464
10.590
84.000
15.080
4.360
3.811
1.100
20.346
18.790
4.234
6.077
1.155
20.346
2.856
1.650
1.900
 -
6.445
5.056
1.445
2.900
 -
6.445
Tổng cộng
186.302
205.450
42.697
47.602
12.851
15.844

Như vậy, so với năm học trước ngày miền Nam giải phóng, học sinh các cấp của miền Đông Nam bộ, mà địa bàn chủ yếu là tỉnh Đồng Nai sau đó, hầu hết đều tăng. Ở cấp I, tăng hơn 10%; cấp II và III, tăng hơn 14%. Sở giáo dục khu Đông Nam bộ giải thích là do dân số trong khu vực tăng hơn trước, nhưng nguyên nhân chính là do đông đảo con em nông dân trước đây thất học nay được đi học lại.

Trước đó, ngành giáo dục đã tổ chức thi hết lớp Năm cho 19.457 học sinh và thi tuyển vào lớp Sáu. Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 năm học 1974 - 1975 cũng đã được tổ chức nghiêm túc cho 4.691 học sinh 4 tỉnh miền Đông. Tỉnh Biên Hòa là nơi có số học sinh thi hết lớp Năm (7.800) và hết lớp Mười hai (2.268) cao nhất các tỉnh.

Công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hóa đã được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng ngay sau khi tiếp quản các vùng tạm chiếm. Tỉnh có nhiều khó khăn như Tân Phú nhưng đã phát động được phong trào sôi nổi trong toàn dân tham gia xóa mù chữ và bổ túc văn hóa. Đến tháng 10.1975, tỉnh Tân Phú đã huy động 361 giáo viên dạy cho 525 học viên bổ túc văn hóa và 626 học viên mù chữ.

Sau ba năm học đầu tiên sau giải phóng (1975 - 1976, 1976 - 1977, 1977 - 1978), sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những thành tựu to lớn:
- Hoàn thành việc tiếp quản và cải tạo hệ thống trường lớp của chế độ cũ để lại.
- Công lập hóa 64 trường tư thục, bao gồm 4 trường mẫu giáo, 46 trường tiểu học, 14 trường trung học.
- Sắp xếp, thu gọn lại 78 trường tiểu học (chủ yếu là trường ấp) và 8 trường trung học có qui mô quá nhỏ để xây dựng thành trường có qui mô phù hợp.
- Tách 71 trường trung - tiểu học (C1+2+3 hoặc C1+2) để hình thành hệ thống trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông riêng biệt.
- Tách 96 cơ sở mẫu giáo gắn với các trường phổ thông để hình thành lại trường mẫu giáo độc lập.
- Sắp xếp lại 6 trường kỹ thuật, trong đó tập trung xây dựng 3 trường lớn ở Biên Hòa là Kỹ thuật Tân Mai, Trung học kỹ thuật Biên Hòa và Nữ công gia chánh Biên Hòa.
- Củng cố Trường trung học sư phạm Bà Rịa, hoàn thành việc đào tạo chuyển tiếp cho 305 giáo sinh đã học từ trước giải phóng.
- Xây dựng mới hệ thống trường phổ thông ở các vùng giải phóng cũ, vùng kinh tế mới của tỉnh, bao gồm 1 trường PTTH cho huyện Tân Phú, 17 trường tiểu học và trung học cơ sở cho các xã thuộc vùng kháng chiến cũ và kinh tế mới ở các huyện: Xuyên Mộc, Châu Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Long Đất.
- Xây dựng Trường sư phạm cấp 2 và Trường sư phạm mẫu giáo Đồng Nai để đào tạo giáo viên cấp 2 và giáo viên mẫu giáo cho tỉnh. Xây dựng hai trường BTVH tập trung tỉnh, 4 trường BTVH tập trung và 8 trường BTVH tại chức tại các huyện và thành phố Biên Hòa. Mở các lớp xóa mù chữ rộng khắp trong toàn tỉnh.
- Xây dựng hoàn chỉnh bộ máy quản lý từ Sở đến các trường học bao gồm cơ quan ty, 11 phòng giáo dục (Biên Hòa, Châu Thành, Duyên Hải, Long Đất, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Vũng Tàu, Xuân Lộc, Xuyên Mộc) và 468 ban giám hiệu các trường học.
- Tuyển dụng lại 3.071 giáo chức của chế độ cũ, đào tạo mới 2.006 giáo viên THCS, tiểu học và mẫu giáo. Xin chi viện từ các tỉnh bạn 287 giáo viên, chủ yếu là giáo viên PTTH và sư phạm.
- Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức đào tạo cấp tốc gần 500 giáo viên cho các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
- Xây dựng mới 793 phòng học, trong đó có 95 phòng kiên cố, 698 phòng bán kiên cố và tạm thời.

Trong ba năm học này, ngành giáo dục cũng đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 6.278 học sinh lớp 12, 17.843 học sinh lớp 9, 66.263 học sinh lớp 5 và 2.175 giáo sinh sư phạm của tỉnh. Mở gần 30 lớp xóa mù cho 4.753 học viên, hoàn thành về cơ bản xóa mù chữ cho cán bộ, thanh niên trong độ tuổi, được Nhà nước thưởng 3 huân chương Lao động hạng 3 về công tác xóa mù chữ (một cho toàn tỉnh, hai cho xã Ngãi Giao, huyện Châu Thành và phường Thống Nhất, thị xã Vũng Tàu).

Đến cuối năm 1978, hệ thống giáo dục - đào tạo Đồng Nai đã được xây dựng hoàn chỉnh và thực hiện chương trình dạy học, sách giáo khoa thống nhất do Bộ giáo dục chỉ đạo. Hệ thống giáo dục của tỉnh lúc bấy giờ như sau:

NGÀNH HỌC
SỐ TRƯỜNG
PHÒNG HỌC
GIÁO VIÊN
HỌC SINH
Mẫu giáo
Tiểu học
THCS
PTTH
BTVH
Kỹ thuật
Sư phạm
129
216
88
15
14
3
3
569
2.139
441
151
24
37
38
914
3.696
916
280
 -
73
59
30.577
189.271
40.087
7.481
5.721
547
1.746
Tổng cộng
468
3.399
6.065
275.430
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trong muôn vàn khó khăn, cả nước nói chung, Sông Bé (trước đây) nói riêng bắt tay vào kiến thiết đất nước. Đi cùng với đó, nền giáo dục cách mạng cũng sớm được điều chỉnh, không để việc học của học sinh bị gián đoạn. Giai đoạn này, vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, mất cân đối, đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ban điều hành của ngành giáo dục tỉnh đã tiến hành điều chỉnh, cải tạo cơ sở vật chất, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và tổ chức bộ máy các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ khung để hình thành các phòng giáo dục, giáo viên thiếu trầm trọng, để khai giảng năm học đầu tiên, Ty Giáo dục phải đào tạo cấp tốc đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Đức Danh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sông Bé nhớ lại, đội ngũ giáo viên giảng dạy được huy động từ nhiều nguồn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nền giáo dục mới, trong khi các trường sư phạm chưa hình thành. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã quyết định mở 3 lớp đào tạo giáo viên cấp tốc, gồm 1.234 giáo viên cấp I, 284 giáo viên cấp II. Cùng với đó, ngành tiến hành bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên ở vùng mới giải phóng, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của nền giáo dục cách mạng. Sau khi tiếp quản các cơ sở giáo dục từ trước 1975, để kịp thời phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục những năm đầu sau giải phóng, ngành GD-ĐT đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tiến hành xây dựng cơ sở vật chất, song song với sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và hình thành các cấp học. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập và quy mô phát triển giáo dục, trong 5 năm ngành đã xây dựng được 942 phòng học, trong đó 37% phòng học kiên cố và bán kiên cố. Đến năm 1985 tỉnh không còn xã trắng về giáo dục, đó là một cố gắng lớn của Đảng bộ và nhân dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Để thay đổi cuộc sống, con người cần có trình độ học vấn. Với mục tiêu nâng cao trình độ dân trí cho người dân, những năm đầu tiên sau giải phóng, tỉnh tập trung cho công tác xóa mù chữ. Năm học 1975-1976 toàn tỉnh xóa mù chữ cho 14.277 người. Đến tháng 12-1977 căn bản hoàn thành xóa mù chữ cho 30.992 người. Thực hiện Nghị quyết 221/CT-TW và Chỉ thị 115/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Sông Bé đã có Chỉ thị số 03/CT-TV của Thường vụ Tỉnh ủy về “đẩy mạnh xóa mù chữ cho nhân dân lao động và bổ túc văn hóa cho cán bộ thanh niên”, ngành bổ túc văn hóa bắt đầu hình thành và phát triển. Năm học 1976- 1977 có 3 trường bổ túc công nông được thành lập, tiếp theo đó là sự ra đời của trường bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh, các trường bổ túc văn hóa tập trung ở huyện chủ yếu là bổ túc văn hóa cơ sở. Đến năm 1985 toàn tỉnh có 14 trường bổ túc, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ cho mọi đối tượng.

Số học sinh của trường nội trú được đưa về trung tâm TX.Thủ Dầu Một, tiếp quản cơ sở của bộ phận an ninh tình báo chế độ cũ tại đường Lý Thường Kiệt (nay là Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) làm trường tạm. Trong thời gian này, đội ngũ giáo viên được tăng cường. Sau đó tỉnh tiếp quản một trường nuôi trẻ mồ côi của chế độ cũ (hiện nay là Bệnh viện Đa khoa TX.Bến Cát) lấy tên là trường Nội trú và chuyển toàn bộ học sinh trong chiến khu về trường tiếp tục học tập. Tháng 8-1976, học sinh trường Thiếu sinh quân cũng được gia nhập về trường Nội trú đồng thời tiếp nhận thêm con, em liệt sĩ vào học. Năm 1977, trường Nội trú Bến Cát đổi tên thành trường cấp 1, 2 Nguyễn Văn Lên. Do trường chỉ giảng dạy đến cấp 2 nên số học sinh học hết cấp phải ra trường cấp 3 Bến Cát học, nhưng vì chiến tranh mới kết thúc, phương tiện đi lại khó khăn, việc con em liệt sĩ tự đi học bên ngoài không bảo đảm an toàn nên lãnh đạo tỉnh quyết định chuyển nhóm học sinh học hết cấp 2 về trường Bổ túc công nông (sau có tên là trường Bổ túc văn hóa thanh niên thuộc phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát hiện nay) và lần lượt từng nhóm học sinh học hết cấp được chuyển dần về trường Bổ túc công nông. Đến năm 1983, số học sinh còn lại được đưa về trường Bổ túc văn hóa thanh niên tiếp tục học tập, trường chính thức giải thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Trong 10 năm, bậc phổ thông cơ sở đã thành lập được 164 trường. Ngành học phổ thông trước giải phóng chỉ tập trung ở những địa bàn trung tâm và khu vực có điều kiện thuận lợi, sau 10 năm đã phát triển rộng khắp các địa bàn. Bậc THPT, các huyện thị đều có từ 1 - 3 trường. Chất lượng giáo dục ở 2 bậc học này có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 1981-1985, tỉnh có 10 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp toàn quốc. Thời gian này, phong trào thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng được phát triển mạnh.




Nguồn
Đài Tiếng Nói Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh
Báo An Giang
Báo Bến Tre
Báo Bình Dương
Báo Cà Mau
Báo Cần Thơ
Kỷ yếu Chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai 1945-2004, Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai
Địa chí Đồng Nai‎, ‎Tập 5: Văn hóa Xã hội‎, ‎Chương 7: Giáo dục‎, ‎4. Giáo dục Đồng Nai thời Độc lập - Xây dựng (1975 - 1998)‎ -