27 tháng 5 2011

TÌM GẶP GIA ĐÌNH CÁC ĐỊA CHỦ THỜI CẢI CÁCH

3 nhận xét:

  1. Hết mấy ngày ở Hà Tĩnh. Cũng A Lec và Phạm Xuân Nguyên về Thạch Linh. Trước gọi là xã Thạch Linh, giờ đã thành phường nhưng vẫn toàn tre và lúa, và nếp sống vẫn trùng lắng, nhẹ êm như một vùng quê xưa cũ. Đây là quê ngoại anh Nguyên, và thưở học trò anh sống-học tại nơi này. Chơi thân với nhau quá lâu rồi, nhưng chỉ khi về quê trong chuyến này mới biết ông ngoại anh Nguyên bị kết tội địa chủ trong thời cải cách ruộng đất. Anh Nguyên là cháu ngoại địa chủ, cháu nội lính khố xanh. Nghe nói khi làm hồ sơ kết nạp đảng cũng gian truân lắm. Ừ mà gian truân gì thì đến nay anh cũng đã gần 30 năm tuổi đảng. Trong khi một người có lý lịch 3 đời đỏ lòm như tôi lại vẫn là “thằng” ngoài đảng.

    Cả làng Thạch Linh thời cải cách ruộng đất có đến 8 người bị qui địa chủ. Một bị xử bắn, một chết trong trại giam, một người uất quá thắt cổ tự tử sau nhiều ngày bị trói ném vào ổ kiến lửa. Ông ngoại anh Nguyên là Lê Văn Hằng, bị kết tội địa chủ, chết trong lúc giam trong trại. Cho đến mãi bây giờ, con cháu vẫn không biết đích xác ngày chết của ông, chỉ biết chọn ngày khi đó được trại báo lên nhận xác về chôn làm ngày giỗ.

    Con, dâu và cháu chắt ông Hằng vẫn còn sống tại làng. Họ vẫn nhớ như in cái cảnh người ta lôi xềnh xệch ông Hàm như lôi… lợn đi đấu tố và ngày nhận xác ông về. Bà Lê Thị Tám, 82 tuổi, con gái ông Hằng (tức dì anh Nguyên) kể: Bà vào đảng năm 1949, đi dân công hỏa tuyến, tăng cường cho tiền tuyến. Nhưng đến năm 1955 vướng vụ cải cách, cha bị kết án địa chủ nên tổ chức nhủ (khuyên bảo) làm đơn xin ra khỏi đảng để “khỏi làm ảnh hưởng đến thanh danh của đảng”.

    Vừa rồi, nghe trên bảo làm hồ sơ, kê khai lại thành tích và quá trình tham gia cách mạng để nhận tiền “đền bù”, nghe đâu 3 triệu. Nhưng bà không thèm làm, bởi “lấy chi đền bù nổi và khơi gợi lại nỗi đau uất đó mần chi?”.

    Nhưng cũng có người làm. Họ làm không phải vì muốn nhận 3 triệu tiền “đền bù” sai phạm từ thời cải cách, mà vì bây giờ họ đã là đảng viên, là cán bộ quan chức trong bộ máy nhà nước rồi, không nhận lại sợ qui tội thiếu ý thức cách mạng, chống đối chủ trương. Người viết, người không, nhưng dù có viết hay không viết thì đến nay vẫn chưa nghe thấy ai nhận được số tiền 3 triệu gọi là “đền bù” này.

    Duy có chung một điều khiến tôi (và có lẽ cả A Lec) xúc động đến khâm phục sau mấy ngày tìm gặp hầu hết con cháu 8 địa chủ làng Thạch Linh: Họ sẵn sàng gạt bỏ tội lỗi sai lầm một thời của đảng, không ai nuôi mãi sự hận thù. Tôi tin là A Lec nhìn ra được điều này, một tính cách rất Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có được.

    Gần tối ghé tìm một người con địa chủ đặc biệt khác. Đó là ông Mai Văn Niệm, chủ nhân của 3 khách sạn mang tên Đại Bàng ở Hà Tĩnh. Ông Niệm 68 tuổi. Gia đình 4 thế hệ theo cách mạng. Bố ông là Mai Văn Giới, tham gia Việt Minh từ 1939 và trở thành cán bộ Ban chấp hành Việt Minh, vào đảng năm 1944. Ông Giới từng làm Chủ tịch 5 xã trong vùng cho đến năm 1946 lên làm huyện ủy viên. Mẹ ông Giới (tức bà nội ông Niệm) là người phụ trách hũ gạo nuôi quân. Vậy mà đến thời cải cách, ông Giới bị qui địa chủ, thành viên Quốc dân đảng, bị bắt giam 4 tháng rồi xử bắn. Khi đó ông Giới chưa được 30 tuổi. Nghe đâu có qui định ở trên rằng chỉ bắn người trên 30 tuổi, dưới 30 không được bắn. Thế nhưng người ta đã khai man cho ông Giới thành 31 tuổi để bắn ông.

    Xem tiep http://truongduynhat.org/?p=494

    Trả lờiXóa
  2. Khi chiến tranh thì thường có biết bao sai lầm khủng khiếp . Ba chị hay bảo là bỏ qua được thì là người cao thượng , sống yêu người được thì người cũng yêu lại ta . Tất cả cũng do chiến tranh và tầm nhìn của loài người trong chiến tranh ko có tầm nhìn xa mà thôi .

    Trả lờiXóa
  3. Vâng, trong phóng sự trên, có ai nuôi thù hận đâu, có là người ta muốn có 1 lời nói công bằng thôi.

    Hồ Chủ Tịch đã đứng ra xin lỗi đồng bào sau khi phát hiện sai lầm trong CCRĐ, trong phóng sư có đoạn:

    “Nếu nỗi oan Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên là bi kịch của một giai đoạn bi hùng trong lịch sử dân tộc thì nỗi oan của gia đình tôi là câu chuyện “Lệ Chi Viên Hà Tĩnh”. Đây là một nỗi oan của gia đình. Tôi không hận ai, càng không hận đảng. Chỉ cần một sự công bằng lịch sử chứ không cần một xu nào”.

    Ông gửi cho chúng tôi một tập hồ sơ dày gần gang tay với chi chít những chữ ký, con dấu của vị này, cấp nọ trong hành trình mấy mươi năm kêu oan cho cha. “Tôi sẽ còn gặp Bí thư tỉnh đề nghị minh oan. Không xong tôi ra gặp tiếp Chủ tịch nuớc. Chủ tịch nước cũng không xong thì tôi tới… Liên Hiệp Quốc. Có thể không được, có thể tôi sẽ nằm lại đâu đó, hay gửi xác lại nơi bên kia địa cầu ngay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, nhưng tôi vẫn sẽ đi, quyết đi đến cùng sự việc”- Ông Niệm vừa kể vừa rút khăn lau nước mắt. Những giọt nước mắt cố kìm nén trên khuôn mặt khắc khổ của một ông chủ hàng đại gia đất Hà Tĩnh này.

    Cha bị bắn, ông bị qui là con địa chủ, con của thành phần Quốc dân đảng phản động, không được sinh hoạt thiếu niên tiền phong, không được vào đoàn. Bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, ông đi chăn vịt, nuôi tằm. Vịt nuôi thì bị đập chết. Nuôi tằm thì bị bị phá, bị đốt vì “tội” có mưu mô làm giàu bất chính như bố. Khi tậu được một chiếc xe đạp thồ để chở vật liệu xây dựng, củi gạo kiếm sống thì cũng bị tịch thu.

    Khi tình hình hơi lỏng (sau thời sửa sai cải cách ruộng đất), ông chuyển sang làm xe bò kéo, rồi nhận thầu. Từ từ thầu từ bé sang lớn, từ cái cổng chợ đến ngôi nhà, rồi sau đó tích cóp dần xây khách sạn… ông bước lên dần dần thành một ông chủ doanh nghiệp hàng đại gia của Hà Tĩnh với hệ thống 3 khách sạn sừng sững mang tên Đại Bàng. Vậy mà mới đây thôi. Khi cho thợ đúc cái hình con đại bàng trên nóc khách sạn liền bị một anh nhà báo tới hỏi thăm, vặn vẹo tại sao lại đúc tượng đại bàng vì đó là loài ăn thịt, và có ý đồ gì khi xây cái mỏ đại bàng chĩa về hướng Thạch Đài?

    ---------

    Những người thực thi ở cấp gần dân nhất lại là những người làm khó dân nhất, và làm khó cho cả Nhà nước.

    Trả lờiXóa