09 tháng 1 2012

Những người từng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị sau đó thế nào?

Những người từng bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (sau này là Bộ Chính trị) sau đó ra sao?

Trong lịch sử Đảng đã có một số trường hợp những người từng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã bị cách chức hoặc bị mất chức vì nhiều lý do. Song sau đó số phận của họ ra sao không phải ai cũng biết. Có những người bị mất chức nhưng sau đó đã trở lại giữ chức vụ cũ hoặc được giữ trọng trách cao hơn, có người bị tuyên án tử hình, có người vẫn còn là đảng viên đến khi mất, có người bị khai trừ ra khỏi Đảng. Dưới đây là những người đó:

Năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 25/8 đến 24/9 quyết định tiến hành sửa chữa những sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng ban. Tổng Bí thư Trường Chinh là Phó trưởng ban,nhưng phụ trách Đảng tổ Cải cách ruộng đất, là người cao nhất về Đảng lãnh đạo công cuộc Cải cách ruộng đất. Hai Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương là ông Hoàng Quốc Việt và ông Lê Văn Lương - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ đạo. Từ đợt 2, ông Hồ Viết Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, Trưởng ban Liên lạc Nông dân toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Nông lâm được giao nhiệm vụ là Ủy viên thường trực điều hành công việc hàng ngày, từ tháng 7 năm 1954, ông Hồ Viết Thắng được giao trách nhiệm là Phó ban, trực tiếp phụ trách cơ quan Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương. Thành viên Uỷ ban Cải cách ruộng đấtTrung ương có một số Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, người đứng đầu các Ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

Cải cách ruộng đất đã đem lại những kết quả mang tính chiến lược song cũng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Để lấy lại lòng tin của nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam triển khai ngay hai việc: Một là thi hành kỷ luật những người trực tiếp chỉ đạo và điều hành công cuộc Cải cách ruộng đất.Hai là tiến hành sửa sai. Các ông Trường Chinh, Trưởng ban; ông Hồ Viết Thắng, Phó ban Thường trực; ông Lê Văn Lương, Ủy viên; ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên, Trưởng ban chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất ở tỉnh Thái Nguyên bị thi hành kỷ luật.

- Ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư đã đảm nhiệm từ năm 1941, sau đó được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đứng đầu Ban chỉ đạo công tác sửa sai, đến năm 1958 được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1960, ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bầu vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác lý luận của Đảng, được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Năm 1976, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1981, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 14 tháng 7 năm 1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Trường Chinh được bầu làm quyền Tổng Bí thư Đảng thay cho ông Lê Duẩn vừa mất, ông Trường Chinh sau 30 năm lại làm Tổng Bí thư và là “người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước” như dư luận trong nước và cả nhiều người nước ngoài đánh giá.

- Ông Hồ Viết Thắng là người thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc đó, chịu trách nhiệm nặng nề nhất trước nhân dân trong Cải cách ruộng đất, bị ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, trở thành chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng. Gia đình ông Hồ Viết Thắng tất cả 9 nhân khẩu và gia đình ông Hoàng Du, nguyên là Chánh Văn phòng Ủy ban Cải cách ruộng đấtTrung ương, dọn ra ở xóm lao động bãi Nghĩa Dũng, ngoài đê sông Hồng. Hai gia đình ở trong ba gian nhà tranh không điện, không máy nước. Năm 1958, ông Hồ Viết Thắng được phân công về phụ trách trường Hợp tác xã nông nghiệp Trung ương thuộc Ban Công tác nông thôn Trung ương.Tháng 6/1961, sau một khóa học tại trưởng Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ Viết Thắng được bổ nhiệm làm Ủy viên, rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ông làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Chủ nhiệm cơ quan này trong suốt hơn 20 năm. Tháng 3/1979, đang là thành viên Đoàn chuyên gia kinh tế văn hóa giúp Chính phủ Campuchia, ông được gọi về nhận nhiệm vụ mới. ÔngNguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị tiếp đón và thông báo cho ông biết Trung ương vừa quyết định bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm. Tháng 12/1980, khi đã 62 tuổi, Bộ Lương thực Thực phẩm tách thành Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp Thực phẩm, ông trở lại Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước. Về Ủy ban Kế hoạch nhà nước hay ở Bộ Lương thực Thực phẩm, ông đều phụ trách ngành liên quan đến nông nghiệp và nông thôn như trước đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Đầu năm 1983, ông Hồ Viết Thắngchính thức nghỉ hưu ở tuổi 65.

- Ông Lê Văn Lương phải rút khỏi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thôi làm Trưởng ban Tổ chức, chỉ còn là Ủy viên dự khuyết Ban Thường vụ Trung ương. Tháng 11 năm 1956, được chỉ định làm Bí thư Khu uỷ Tả ngạn. Tháng 8 năm 1957, làm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đầu năm 1959, giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu lần thứ III của Đảng, ông Lê Văn Lương là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Ban Bí thư. Năm 1973, ông được được phân công kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương lần thứ 2. Từ năm 1976 đến năm 1986, ông được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Thường vụ Đảng bộ Hà Nội. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV của Đảng, ông tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội ông được bầu làm Bí thư Thành ủy và đảm nhiệm chức vụ này liên tiếp 3 nhiệm kỳ cho đến khi về hưu cuối năm 1986, nhưng vẫn được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

- Ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ năm 1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 năm 1956 đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Đến năm 1960, ông được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội IV của Đảng ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, không được bầu trở lại vào Bộ Chính trị. Ông giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983) đến khi nghỉ hưu.

- Ông Nguyễn Văn Linh là Ủy viên Trung ương Đảng từ năm 1960, năm 1976 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước Đại hội lần thứ V của Đảng ông bị phê phán là “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa theo kiểu Nam Tư”, ra khỏi Bộ Chính trị và mất cả chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, được điều động ra Hà Nội làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, ông Nguyễn Văn Linh lại được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 năm 1986, sau khi ông Lê Duẩn mất, ông Trường Chinh làm quyền Tổng bí thư, ông Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Thế là sau 6 năm ra khỏi Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Linh đã trở lại cương vị cũ và còn được bầu vào vị trí cao hơn, là Tổng Bí thư của Đảng, đúng vào thời kỳ bắt đầu công cuộc Đổi Mới đất nước.

- Ngoài hai ông Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh, từng ra khỏi Bộ Chính trị nhưng sau đó đã trở lại Bộ Chính trị và đảm nhận cương vị cũ và cao hơn, còn có ông Trương Tấn Sang cũng bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách". Ông Trương Tấn Sang được bầu vào Bộ Chính trị năm 1996, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2000, ông trở thành Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Năm 2001, ông tiếp tục vào Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tháng 1/2003, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa IX, ông Trương Tấn Sang đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỷ luật khiển trách vì "trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ". Ba năm sau đó, năm 2006 ông được cử giữ chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và năm 2011 ông được bầu làm Chủ tịch nước.

Những trường hợp dưới đây là những người bị kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị, có người bị tuyên án tử hình, có người vẫn còn là đảng viên đến khi mất, có người bị khai trừ ra khỏi Đảng:

- Ông Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1956, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 1958. Trong một chuyến đi nước ngoài năm 1979 ông ta đã phản bội lại Tổ quốc, bỏ trốn sang Trung Quốc, bị Tòa án Tối cao kết án tử hình vắng mặt. Ông ta đã chết tại Bắc Kinh năm 1991.

- Ông Trần Xuân Bách là Ủy viên Bộ Chính trị từ Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều khóa liền. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 3 năm 1990, ông Trần Xuân Bách đã bị phê phán gay gắt về quan điểm chính trị và bị kỷ luật, cách chức Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương "vì đã tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây nhiều hậu quả xấu".

- Ông Nguyễn Hà Phan từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1986, đến năm 1991 đã là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và năm 1992 là Phó Chủ tịch Quốc hội. Năm 1993 ông được bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Song trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VIII, ông Nguyễn Hà Phan bị nhiều đơn thư tố cáo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi bị địch bắt đã đầu hàng, phản bộ và khai báo. Ngày 17/4/1996, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo kết quả kiểm tra và xác minh các đơn thư tố cáo đã biểu quyết khai trừ ông Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng, sau đó ông bị tước hết mọi chức vụ đã đảm nhiệm, về sống tại Cần Thơ, xem thêm ở đây https://fddinh.blogspot.com/2012/06/nguyen-ha-phan.html

- Ông Vũ Ngọc Hải được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI năm 1986. Năm 1987 làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Năng lượng. Ông cũng là bị can và bị án phạt 3 năm tù giam trong vụ án đường dây 500 kV vào những năm 90 của thế kỷ trước, vì tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", mà theo trả lời báo chí của ông thì ông đi tù vì chót phê vào đơn tham gia đấu thầu của một doanh nghiệp là "Đề nghị thứ trưởng, nếu thấy đủ điều kiện thì cho tham gia đấu thầu"..
Trong thời gian thụ án ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tận trại giam gắn kỷ niệm chương đường dây 500 kV; Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải và 28 Bộ trưởng, Thứ trưởng vào thăm nom. Ông được đặc xá sau khi thụ án 1 năm tại Trại Thanh Xuân (V26, Bộ Công an).
Ông Vũ Ngọc Hải kể lại thời gian ở trong tù: 
Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là thứ trưởng bộ Nội vụ (nay là bộ Công an), vào kiểm tra trại giam và cho "giải phóng" một cái trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại, một nửa nằm nhô vào khu tập thể của cán bộ trại. Vì hàng ngày khách đến thăm tôi nhiều, thấy tôi tiếp khách trong phòng bất tiện nên anh em trong trại bố trí một phòng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Tôi tiếp khách không có công an ngồi kèm đâu. Nhưng phòng đó chỉ tiếp khách thường, còn từ thứ trưởng, bộ trưởng trở lên lãnh đạo bố trí tiếp ở phòng tiếp khách của trại.
...
Tôi vào trại nhưng ngày nào cũng tiếp khách. Thấy thế anh em họ cũng ái ngại, bàn đi bàn lại sau đó quyết định dọn bỏ một cái gara ô-tô để làm chuồng gà cho tôi chăn nuôi. Tôi bàn với vợ mua vài chục gà giống, thức ăn mang vào. Thế là hàng ngày tôi chỉ phải làm mỗi việc là nuôi gà. Cứ vỗ béo xong thì "anh em" trong trại lại mang bán.
Tôi bị án ba năm tù, thụ án được một năm mấy ngày thì được đặc xá. Thông thường, khi đặc xá thì mỗi phạm nhân phải viết bảng tường trình ghi lại nhận thức về quá trình cải tạo của mình nhưng tôi chỉ viết là "tôn trọng quy chế của trại, tích cực lao động...". Ngay như giờ sinh hoạt của phạm nhân họ cũng cho tôi miễn. Hôm ra trại, tôi mới hỏi ông Hân (giám thị): "Vì sao trong các buổi sinh hoạt chung của trại không thấy triệu tập tôi?". Ông Hân bảo: " Thì anh biết rồi còn gì". Tôi cười: "Thế tôi đơán nhé, khi sinh hoạt, các phạm nhân ngồi dưới đất, còn cán bộ trại ngồi trên ghế. Như thế, tôi sinh hoạt mà các anh để tôi ngồi trên ghế cũng khó mà ngồi dưới đất cũng khó". Thế là anh em cười. Nói chung, "anh em" đối xử với tôi rất tốt.
Có lẽ do những việc phát sinh trên của ông Vũ Ngọc Hải trong Trại Thanh Xuân nên sau này trên Tam Đảo có trại giam đặc biệt dành cho những trại viên vip. Ra tù, ông được cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng và Cố vấn của Bộ trưởng Năng lượng cho đến năm 1998, thì được cho nghỉ hưu, với mức lương hưu chuyên gia cao cấp bậc hai: 8,0 (Bộ trưởng là 8,2).

- Ông Hồ Đức Việt có lẽ là một trong số không nhiều Ủy viên Bộ Chính trị có học hàm Tiến sĩ, từng làm Phó trưởng khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ Đại hội VII, năm 1991 và là Ủy viên Bộ Chính trị năm 2006, làm Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Khác với các trường hợp trên, ông không bị kỷ luật, nhưng tại Đại hội Đảng lần thứ XI (12-19/01/2011), ở tuổi 64 ông không tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương và ngày 1 tháng 10 năm 2011 ông nghỉ hưu.

6 nhận xét:

  1. Nhà văn Phạm Viết Đào gọi Trương Duy Nhất, Trương Thái Du là những kẻ “phò Hoa” tinh vi

    Nhà văn Phạm Viết Đào không bình luận chỉ dẫn lời bình luận của Ba Sàm: “bài của Trương Thái Du, cây viết-blogger mấy năm trước hay xuất hiện trên mạng với nhiều bài mà Ba Sàm đánh giá là “phò Hoa” một cách tinh vi”.

    Tư Mã Thiên: tự gieo quẻ thì Tư Mã Thiên cũng sẽ được Ba Sàm và nhà văn Phạm Viết Đào đưa vào danh sách những kẻ “phò Tàu” tinh vi. He he, TMT sẽ đưa Ba Sàm, nhà văn Phạm Viết Đào vào danh sách những kẻ “phò Chú Sam” tinh vi.

    Trả lờiXóa
  2. Những người bị kỷ luật gần đây:

    - Ông Vũ Huy Hoàng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X. Tháng 8 năm 2007, khi sáp nhập hai Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Bộ trưởng.
    Ông Vũ Huy Hoàng tiếp tục được tái cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, ông Vũ Huy Hoàng được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Công Thương. Dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương có 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng, mà bộ là cơ quan chủ quản, nay đều trong tình trạng thua lỗ nặng nề, nguy cơ phá sản.
    Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông. Ngày 2/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp và quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016 của ông Vũ Huy Hoàng.
    Ngày 23/01/ 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016, cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Ông Đinh La Thăng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X,XI. Được bầu vào Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng lần thứ XII, đầu năm 2016. Ngày 7/5/2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã họp hội nghị lần thứ V xem xét và thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vì đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ thời kỳ ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 10/5/2017, Bộ Chính trị phân công ông Thăng đảm nhiệm chức Phó ban Kinh tế Trung ương. Ngày 8/12/2017 ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đã bị Bộ chính trị đình chỉ sinh hoạt Đảng, bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội và bị Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
      Ngày 8/1/2018, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng những thuộc cấp có liên quan bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 22/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án hình sự số 33/2018/HS-ST đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Tòa quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.
      Ngày 19 /3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa thứ hai xét xử ông Đinh La Thăng cùng các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Ngày 29/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra phán quyết tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 (bản án sơ thẩm số 110/2018/HS-ST), tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN, trong đó, bị cáo buộc là người phải chịu trách nhiệm chính, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng.
      Tổng của hai bản án là 31 năm nhưng ông Thăng chịu mức án 30 năm vì theo luật, tổng mức án tù có thời hạn không quá 30 năm, và bồi thường hơn 630 tỷ đồng, 600 tỷ đồng trong vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và 30 tỷ đồng trong vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
      Ngày 8/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Đinh La Thăng và 13 bị cáo khác.
      Ngày 9/5, tại Hội nghị Trung ương VII đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
      Ngày 14/5, hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã y án 13 năm tù đối với Đinh La Thăng tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
      Ngày 20/1/ 2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố tiếp Đinh La Thăng tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 224 Bộ luật Hình sự trong dự án 2.400 tỉ đồng sản xuất ethanol làm nguyên liệu để sản xuất xăng sinh học ở Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ.

      Xóa
    2. - Ông Nguyễn Xuân Anhđược bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 26/1/2016 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ngày 6/10/2017, tại Hội nghị Trung ương VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Nguyễn Xuân Anh, đồng thời cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII của ông này.

      - Ông Trần Quốc Cường được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vào ngày 26/1/2016 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ngày 12/4/2018, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, bằng hình thức cảnh cáo do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục 5 Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án Đại Kim giai đoạn 2009 - 2012.

      - Ông Trương Minh Tuấn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 26/1/2016, sau đó được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông. Ngày 12/7/2018, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin - Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021, do những sai phạm của ông Tuấn trong vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ngày 18/7, Thủ tướng đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn do có vi phạm, khuyết điểm. Tới 23/7, ông Tuấn bị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; ngày 27/7, ông Tuấn được điều động về làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
      Ngày 23/2 /2019, Trương Minh Tuấn bị bắt với tội danh "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", cùng bị bắt là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son.
      Ngày 12/4, Trương Minh Tuấn tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bổ sung về tội danh "Nhận hối lộ" theo Khoản 4, Điều 354 của Bộ luật hình sự. Còn ông Nguyễn Bắc Son đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thôngnhiệm kỳ 2011 -2016.

      Xóa
    3. - Ông Tất Thành Cang được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; tới ngày 26/1/2016, được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ngày 26/122018, tại Hội nghị Trung ương IX khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP. HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Sau đó, ông Tất Thành Cang được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử TP HCM", một loại ban rất chi là chán, dành để nhét mấy anh bị phốt hay các cụ hay đáo tụng đình vào ngồi chờ.... rụng.

      - Ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011 - 2016, là trường hợp bị kỷ luật Đảng gần đây nhất, bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần cảng Quy Nhơn; công ty cổ phần cảng Quảng Ninh; công ty cổ phần cảng Nha Trang; để hai Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vi phạm nghiêm trọng để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước vào ngày 19/7/2019.

      Xóa
    4. - Ông Tất Thành Cang được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; tới ngày 26/1/2016, được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ngày 26/122018, tại Hội nghị Trung ương IX khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP. HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Sau đó, ông Tất Thành Cang được phân công làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử TP HCM", một loại ban rất chi là chán, dành để nhét mấy anh bị phốt hay các cụ hay đáo tụng đình vào ngồi chờ.... rụng.

      - Ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2011 - 2016, là trường hợp bị kỷ luật Đảng gần đây nhất, bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần cảng Quy Nhơn; công ty cổ phần cảng Quảng Ninh; công ty cổ phần cảng Nha Trang; để hai Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vi phạm nghiêm trọng để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước vào ngày 19/7/2019.

      Xóa