04 tháng 12 2012

Miền Nam chia lửa với miền Bắc kiên cường

Ngay từ những ngày đế quốc Mỹ đánh bom miền Bắc, quân và dân miền Nam rất đau xót, nôn nóng tìm cách trả thù cho đồng bào miền Bắc.

Tháng 8-1965, tôi đang công tác ở Ô Môn (Cần Thơ). Các đồng chí cán bộ xung quanh cơ quan tỉnh chất vấn tôi rất dữ dội về việc Tại sao giặc Mỹ hỗn láo đánh miền Bắc mà ta trừng trị kém như vậy?. Số là cũng vào dịp đó, báo chí phương Tây nói nhiều đến tên lửa SAM của Liên Xô giúp ta. Chúng đề cao tên lửa này, chắc để nói máy bay chúng bị rớt là do tên lửa chứ không phải từ tầng tầng lớp lớp vũ khí phòng không các loại của ta. Lý lẽ của anh em ta và lời bà con ta là: “Có tên lửa SAM thì có thể hạ bất cứ máy bay nào, sao cứ để chúng lộng hành như vậy?”. Các đồng chí và đồng bào đâu có hiểu hết khó khăn của chúng ta lúc đó, song tấm lòng thì thật đáng quý.

Cuối năm 1965, Sư đoàn 9 đã tổ chức trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa tiêu diệt hàng trăm máy bay chiến đấu của Mỹ. Khẩu đội pháo do chiến sĩ Mai Tôi phụ trách đã vừa đánh vừa động viên nhau: “Hãy trả thù cho đồng bào miền Bắc”. Quân và dân miền Nam muốn ngăn chặn tội ác của giặc Mỹ ngay tại dinh lũy của tội ác.

Cuối năm 1966, máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội rất ác liệt. Quân và dân miền Nam rất lo ngại. Từ căn cứ Vườn Thơm (Long An), Lê Minh Xuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bình Tân (Sài Gòn - Gia Định) quyết định mời Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) phụ trách lực lượng biệt động F100 của nội đô, bàn cách đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Anh nói:

- Từ đây bọn chúng bay ra Bắc giết hại đồng bào ta. Vậy mà ta để chúng yên ổn, ngang nhiên phá hoại? Phải đánh dập đầu chúng ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thế là một trận đánh “Trả thù cho Hà Nội” đã được tổ chức và đánh thắng. Hàng trăm máy bay Mỹ bị tiêu diệt cùng bọn phi công và lính bảo vệ. Trận đánh ấy đã để lại một hình ảnh đẹp: một chiến sĩ của chúng ta là Nguyễn Văn Mao dựa vào chiếc máy bay đã bị tiêu diệt để đánh trả kẻ thù đang vây chặt. Anh hy sinh, nhưng không gục xuống mà vẫn dựa lưng vào chiếc máy bay, sừng sững trước mặt kẻ thù. Câu chuyện ấy đã đến với Lê Anh Xuân và trở thành bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam.


Từ đầu tháng 12-1972, quân và dân miền Nam rất nóng lòng trước những trận B52 đánh vào Hà Nội ngày càng ác liệt. Chúng tôi ở trong này đã chịu bao trận B52, hiểu rõ sự tàn bạo của những loạt bom Mỹ đối với rừng núi, xóm làng ở miền Nam. Song chúng tôi chưa thể hình dung được: phố phường chật hẹp, nhân dân đông đúc ở Hà Nội sẽ bị đau thương tang tóc to lớn đến mức nào, nếu những loạt B52 đổ xuống. Và rồi, từng ngày, từng ngày nỗi đau của chúng tôi càng lớn bởi giặc Mỹ càng leo thang. Quân và dân miền Nam ở bất cứ đâu đều tổ chức các trận đánh trả thù cho miền Bắc, cho Hà Nội.



*

* *

Từ cuối năm 1972, chúng tôi đã được thông báo nội dung cơ bản của Hiệp định Paris mà ta và Mỹ sắp ký kết. Cuộc chiến tranh chống Mỹ khá ác liệt nên ai cũng mong có đôi lúc “thư giãn” để chuẩn bị đi tiếp đến giai đoạn giành chiến thắng hoàn toàn. Chúng tôi nghiên cứu kỹ từng điều khoản của hiệp định dự thảo và rất vui về thắng lợi to lớn của ta trên bàn hội nghị. Chúng tôi thán phục các đồng chí ở bàn đàm phán Paris.

Thế rồi, được tin: phía Mỹ đã lật lọng, bày vẽ thêm nhiều điều khoản, kéo dài ngày ký Hiệp định Paris. Chúng tôi khá buồn, bởi một khi hiệp định chưa ký thì cuộc chiến tranh sẽ ngày càng ác liệt. Chúng ta phải giành thắng lợi to lớn hơn nữa trên chiến trường mới buộc kẻ thù ký hiệp định. Bom đạn ngày càng dữ dội, lại có thêm nhiều đồng bào, đồng chí thương vong. Chiến dịch Nguyễn Huệ đã mở ra một vùng giải phóng mới ở Lộc Ninh, Bù Đốp... song những trận đánh ác liệt ở Phước Long, An Lộc, Đường 14... vẫn kéo dài. Những đơn vị xe tăng của quân giải phóng đã xuất hiện trên miền Đông Nam bộ...

Miền Nam tiếp tục chiến đấu kiên cường và nóng lòng chờ đợi ngày ký kết hiệp định. Đồng bào miền Nam lại xót xa khi được tin: kẻ địch đánh phá rất ác liệt trên miền Bắc. B52 kéo cả đàn vào Hà Nội. Thế là giặc Mỹ không muốn ký kết hiệp định lập lại hòa bình. Chúng muốn buộc chúng ta trả giá cho tự do, yên bình. Hà Nội đánh mạnh lập nên “Điện Biên Phủ trên không”. Miền Nam đánh mạnh mở những vùng giải phóng rộng lớn. Chúng tôi biết có thể Hiệp định Paris sắp được ký và đồng nghĩa với sự đánh phá ác liệt của kẻ thù trước khi đặt bút ký hiệp định. Tin báo địch đánh phá dữ dội miền Bắc cùng với những trận B52 dội xuống căn cứ cách mạng miền Nam. Riêng tôi đã được nghe đài báo tin: máy bay Mỹ thả bom, bắn rốc két vào số 35 và 37 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Gia đình tôi lại ở số 33A. Có ai hy sinh trong trận bom này không? Tôi ôm mặt bàng hoàng, ra bìa rừng ngồi lo lắng. Các anh trong ban biên tập gọi tôi đến phân công viết bài chia sẻ đau thương với Hà Nội và nêu quyết tâm của quân và dân miền Nam đánh mạnh để trả thù. Tôi ngồi vào chiếc bàn tre. Nhà bên cháu bé bập bẹ hát bài mà chúng tôi yêu thích:

...Ta muốn vươn lên bay về Hà Nội, dù có hy sinh tay súng không rời...

Tôi vừa khóc, vừa viết ngay trong đêm bài tùy bút “Hà Nội ơi, có chúng tôi đáp lời...”, bài được đăng ngay trên tuần báo Giải Phóng số đầu tháng 1-1973. Báo Giải Phóng được gửi đến các chiến trường, được các chiến sĩ và đồng bào hưởng ứng. Có một chuyện cảm động: một cán bộ tuyên truyền từ miền Tây Nam bộ lên R học (sau này anh là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh tận cùng Tổ quốc) đã khóc khi đọc bài báo đó. Anh lấy sổ tay chép toàn bài báo và giữ cho đến bây giờ...

Từ trước đến mãi sau này, đặc biệt từ năm 1972, quân và dân miền Nam với những trận đánh vào Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, vào Sài Gòn... đã thực hiện lời thề: “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”. Bây giờ và mãi sau này, chúng tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh những chiến sĩ, đồng bào quây quần bên chiếc radio, đã nhảy lên hoan hô quân và dân Hà Nội, hoan hô miền Bắc bắn hạ những chiếc B52. Thế rồi có tin từ khoảng cuối tháng 1-1973 sẽ ký kết Hiệp định Paris. Chúng tôi vui mừng chờ đợi - kể cả chờ đợi sự trả thù ác liệt của Mỹ. Ai cũng biết, trước khi Kít-sinh-giơ hạ bút ký Mỹ sẽ dội bom đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng chúng ta để đỡ tức cho thất bại này. Các cơ quan đơn vị củng cố hầm hào, không cho anh em đi xa công sự. Các lớp học đêm, các bữa ăn cũng ở dưới hầm lớn có nắp. Tất cả chuẩn bị cho một thắng lợi to lớn nhưng sẽ phải trả thêm máu.

Đêm 26-1-1973, lệnh báo động sắp có máy bay B52 đánh vùng giải phóng. Chúng tôi cho tất cả anh em xuống hầm. Hàng đàn máy bay B52 liên tiếp đánh vào khu căn cứ trong đó có Ban tuyên huấn Trung ương Cục. Nhiều căn hầm của Đài phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng... bị sập. Lại có thêm anh em hy sinh.

Chúng tôi biết: Hiệp định sắp được ký kết. Kẻ thù đang điên cuồng say máu cho đến phút cuối cùng. Và sáng 27-1-1973, Đài phát thanh Giải Phóng báo tin Hiệp định Paris được ký kết. Một “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội chưa đủ làm cho chúng tỉnh ngộ. Phải có nhiều “Điện Biên Phủ trên không” và dưới đất ở miền Nam.

Cả cơ quan nhảy lên khỏi miệng hầm sung sướng reo hò. Lúc đó chúng tôi tin hòa bình sẽ được lập lại, sẽ không còn chiến tranh và ai cũng tin mình đã sống đến giờ phút hòa bình.

Chúng tôi được lệnh di chuyển cơ quan từ rừng núi biên giới về vùng giải phóng Tân Biên (Tây Ninh). Trên đường trong vùng giải phóng đã có xe hơi, xe gắn máy, xe bò kéo đi lũ lượt giữa ban ngày. Đồng bào từ các nơi tránh giặc cũng về vùng giải phóng cất nhà giữa đồng trống, ở các trảng tranh. Quân đội Sài Gòn rút chạy khỏi vùng giải phóng. Con đường vận chuyển súng đạn, lương thực đã có thể đi từ Hà Nội đến Lộc Ninh, Thiện Ngôn rồi theo đường sông đến tận đồng bằng sông Cửu Long.

Huyện Tân Biên - trong đó có sân bay Thiện Ngôn - được giải phóng. Theo quy định của Ủy ban Liên hiệp bốn bên, vùng giải phóng Xa-mát sẽ xây dựng một chốt của ủy ban quốc tế và sân bay Thiện Ngôn sẽ trở thành nơi trao trả tù binh của hai bên.

Hiệp định Paris mới được thi hành trên đất Việt Nam. Vùng giải phóng Campuchia vẫn còn bom đạn ác liệt. Các cơ quan đơn vị của ta đóng gần biên giới lại chịu mất mát, hy sinh. Chúng tôi vui vì đồng bào miền Bắc không còn bị máy bay Mỹ tàn phá. Vượt qua bom đạn Mỹ, miền Nam đã nhận thêm súng đạn, lương thực và cả trà, thuốc lá từ miền Bắc gửi vào.

Nhân dân miền Nam hiểu rất rõ ràng: sự phối hợp chặt chẽ giữa những trận “Điện Biên Phủ” ở miền Nam và “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội đã buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Paris. Quân và dân miền Nam đã tiếp tục giáng cho kẻ thù nhiều trận “Điện Biên Phủ” nữa để đi đến toàn thắng.

ĐINH PHONG
04/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét