20 tháng 6 2013

Viên công sứ Pháp quyên sinh vì dân bị lụt ở Thái Bình

Giao Blog

CANH ĐỘC NHÀN TRUNG TẠP LỤC


Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách

20/06/2013


Chuyện kể hiện đại về viên công sứ Pháp quyên sinh vì dân bị lụt ở Thái Bình (1913-2013)

Lời dẫn: Có một viên công sứ Pháp được cử về Thái Bình hồi đầu thế kỉ XX. Tổng đốc Thái Bình lúc đó là ông Phạm Văn Thụ. Hai ông, một Pháp và một Việt đã đi thị sát dân sinh vùng vỡ đê. Vỡ đê và chạy lụt là chuyện cơm bữa ở vùng đất Thái Bình.

Cuối cùng, viên công sứ đã quyên sinh vì tự thấy mình có lỗi. Xin được chết để chia sẻ với người nông dân bản xứ.

Đó là câu chuyên lưu truyền trong dân gian, bây giờ đã đi vào truyện ngắn của nhà văn Đức Hậu. Hãy đọc đúng như là văn học, tạm bỏ qua những gì như là truy vấn hiện thực lịch sử ở trong đầu.

---

Ngài công sứ



30-01-2013 06:53:40 PM
----
Trích đoạn cuối:




Giờ đây ngồi nhớ lại tất cả, Perret thấy lòng quặn thắt buồn đau. Có lẽ Destenay cố tình bắt ông phải chờ đợi điện đàm để tỏ rõ quyền uy của ông ta. Ông ta không thể không biết điều gì đã xẩy ra với sinh mạng của hàng vạn người dân. Chắc chắn chánh mật thám Jean Gasket đã báo cho ông ta rồi. Perret thấy người như ngây ngấy sốt, cố lê bước tới chiếc ghế bành quen thuộc. Không dám nghĩ tiếp nữa. 
Người thư ký từ phòng trong bước ra thưa: “Thưa ngài, quan Thống đã ở đầu dây ạ”. 
Perret vừa cầm máy, thống sứ Destenay liền nói ngay: “Chào ngài Công sứ, ngài vất vả quá. Tình hình dưới đó ra sao?” 
Perret thuật lại sự việc, nhấn mạnh thiệt hại về người và tài sản và nguy cơ nạn đói cận kề. Thống sứ cắt ngang: “Tóm lại ngài cần gì, hay nói cách khác, tôi giúp gì được ngài?” 
Perret nói: “Thưa ngài, không phải tôi, mà người dân cần giúp đỡ lương thực để sống, tiền bạc để đắp lại đê điều, sửa chữa nhà ở. Tôi khẩn thiết xin ngài xuất quốc khố ra giúp dân qua cơn hoạn nạn này”. 
Thống sứ hỏi: “Kho lẫm của tỉnh không còn gì sao?” 
Perret nói: “Thưa ngài, từ năm 1911 ngài Toàn quyền Klobukowski đã bãi bỏ ngân sách hàng tỉnh, sưu thuế thu cả về trung ương, hai năm nay tỉnh không có ngân sách cũng như lương thảo dự trữ. Điều này hẳn ngài biết rõ chứ ạ”. 
Phía đầu dây Hà Nội im lặng  hồi lâu, rồi Thống sứ nói: “Hãy huy động sức dân, để họ cứu giúp nhau. Người An Nam có câu lá lành đùm lá rách đó thôi. Quốc khố dùng cho việc làm cầu đường, hỏa xa, khai thác mỏ, xây dựng bến cảng và các công trình Quốc gia. Dân phải tự nuôi sống và đóng góp cho Quốc khố, thưa ngài Công sứ”. 
Perret gần như thét lên: “Nhưng thưa ngài, người dân đã kiệt quệ rồi!” 
Thống sứ Destenay giọng dịu dàng: “Cầu Chúa cứu giúp người dân của ngài, ngài Công sứ.  Hãy tìm ra cách gì đó. Đây là lúc cần đến tài cai trị của ngài đó, thưa ngài Perret”. Thống sứ cúp máy. 
Công sứ Peret ném điện thoại xuống sàn, loạng choạng bước ra ngoài. Anh bồi Julient bưng liễn cháo đỗ xanh bốc hơi thơm phức lên, múc ra cái bát sứ và nói: “Thưa quan lớn, mời ngài ăn một chút cho lại sức ạ”. 
Người thư ký và anh bồi đứng chờ. Vừa húp được thìa cháo, Công sứ kêu lên: “Trời ơi Julient, anh cho tôi ăn món gì  mà đắng thế này?”. 
Julient xin phép nếm thử và nói: “Thưa quan lớn, cháo nấu với nước gà hầm ngon đấy chứ ạ”. 
Perret bưng bát cháo lên, ăn thêm một thìa rồi bỏ xuống: “Đắng lắm, không thể nuốt được”. 
Viên thư ký và anh bồi kinh hãi nhìn nhau. Thấy cái nhìn của họ, Công sứ nói: “Hai người ra ngoài cả đi.  Dặn lính gác là khi tôi không gọi thì không ai được vào.Tôi cần nghỉ một lát. Cảm ơn”.  
Viên thư ký và anh bồi chạy đi tìm bác sĩ Caseaux thuât lại sự việc. Bác sĩ  kêu lên: “Quan lớn nguy mất”. Ông vơ vội túi thuốc rồi cùng hai người chạy đến dinh Công sứ. 
Giữa buổi trưa yên tĩnh, một tiếng súng nổ vang trong phòng Công sứ. Khi viên bác sĩ và hai người đến nơi đã thấy một tốp lính đứng vây quanh cánh cửa khóa kín. Viên cai sai lính đi tìm người hầu phòng và nhà chức trách. 
Một lát, tổng đốc Phạm Văn Thụ và chánh mật thám Jean Gasquet cùng hớt hải chạy bộ đến. Người hầu mở cửa phòng rồi cúi đầu lui ra. Tất cả lính gác và người bồi đứng ngoài cửa, tổng đốc Thụ cùng chánh mật thám, bác sĩ Caseaux và viên thư ký vào phòng. Công sứ Perret còn mặc nguyên bộ quần áo bùn đất nằm gục trên bàn, tay trái đặt trên một tờ giấy, tay phải cầm hờ khẩu súng lục, mái tóc vàng nhuộm máu che kín mặt. 
Tất cả đứng chết lặng trước cảnh bi thương được chiếu sáng bởi ánh nắng thu chói lọi hắt qua cửa kính. Jean Gasquaet thận trọng cầm tờ giấy dưới tay người quá cố đưa cho tổng đốc Phạm Văn Thụ. Đó là bút tích của  ngài công sứ viết bằng tiếng Pháp. 
“Tôi được bổ về Thái Bình giúp dân khai hóa, sống an hòa ấm no. Vỡ đê Phú Chử làm chết hại bao dân lành có phần trách nhiệm của tôi, mà tôi không thể làm gì giúp dân trong nỗi thống khổ này. Tôi xin lấy cái chết để chia sẻ với người dân”. 
Công sứ Perret để lại chỉ có thế. Ông chết ngày 16 tháng 8 năm 1913, đúng vào ngày Rằm tháng Bẩy năm Quý Sửu, ngày tết Vu Lan của người Việt Nam. Tin đồn về cái chết của ông nhanh chóng lan truyền trong dân chúng. Nhiều nhà dân đã sắp lễ cúng ông bên cạnh lễ cúng tổ tiên. Ban đêm, trên con đê bao  thị xã, người dân coi đê thắp hương cúng ông đỏ rực cả một vùng. 
Một trăm năm đã trôi qua, nông thôn Thái Bình đã đô thị hóa, Phú Chử nay trở thành một thị tứ sầm uất với phố xá tràn ngập hàng hóa và san sát nhà cao tầng. Lớp người mới hôm nay ít biết về thảm họa và cái chết trên quê người của một viên Công sứ. 
Những miếu thờ ông do người dân lập nên ở thị xã và Phú Chử ngày ấy nay không còn, nhưng vẫn còn một hồ nước lớn và sâu nơi đê vỡ, và cái chết của công sứ Perret đã được ghi trong Từ điển địa chí Thái Bình.
Tìm kiếm thông tin trên mạng về nhân vật Công sứ Thái Bình tên Perret Khoằm thấy có đoạn sau trong truyện ngắn “Tôi tự tử” (1938) của Nguyễn Công Hoan:
Có đoạn tôi đặt được những câu thống thiết, đến nỗi chính tôi cũng cảm động. Một ông Công sứ Thái Bình, vì để đê vỡ, lo phải cách, nên tự tử bằng súng lục. Một ông tướng ở Quy Nhân, vì không giữ nổi thành mà tự thiêu bằng thuốc đạn. Hai vị đó được bọn nịnh thần ca tụng, lập đền kỉ niệm. Thì tôi tự tử, dẫu không chết, song, tất được ít nhiều tiếng khen. 
Mấy tờ báo hàng ngày đang đói tin mà vớ được việc này, thì tha hồ mà phóng đại. Vậy tuy toà án lương tâm có trừng phạt tôi nghiêm ngặt, nhưng toà án dư luận sẽ tha bổng tôi. Và biết đâu, lại khen ngợi tôi là khác nữa. Và do thế, có lẽ tôi sẽ cũng vô tội với kỉ luật của quan trường chăng.
Trong truyện của "Ngài công sứ" Đức Hậu thấy có nhắc đến "Từ điển địa chí Thái Bình" tìm kiếm thì thấy có "TỪ ĐIỂN THÁI BÌNH" toàn tập, tại mục 2903-3364, N - Q có chép:
3026. Pe-rê (Perret) 

Công sứ Thái Bình (1913), quan cai trị hạng ba. Tốt nghiệp trường Hành chính thuộc địa Paris (Pháp), vào hạng chính trị danh tiếng xứ Đông Dương. Nhậm chức ở Thái Bình từ ngày 2-4-1913, mới đi kinh lý được 3 phủ huyện, chưa kịp khám đến đê điều, thì đột nhiên h. Thư Trì báo vỡ đê Phú Chử. Công sứ Pê-rê, Tuần phủ Phạm Văn Thụ và Lục lộ đến thì chỗ vỡ đã to lắm rồi. 
Chỉ trong 1 ngày đã huy động được 10 vạn dân phu toàn tỉnh và điện lên Thống sứ Bắc Kỳ xin trợ cấp tiền gạo để hàn đê. Cách mấy hôm sau, nước lên mạnh quá, không thể đắp theo được nữa, mới chịu rút phu về đắp giữ quanh vòng thành phố. 
Phạm Văn Thụ kể lại trong tập Đàn Viên ký ức lục : “Quan Sứ thường ở các tỉnh thượng du, chưa từng thấy cảnh lụt lội. Lòng thương dân quá. Cứ kêu:- Không biết dân họ ăn ở thế nào cho sống được?” 
Đêm rằm tháng bẩy (17-8-1913), Pê-rê tự bắn vào thái dương. Bác sĩ Caseaux lập biên bản, nói: 

- Quan Sứ vì thương dân quá. Ba ngày đêm không ăn không ngủ, phát chứng điên, tự bắn mình chết. 

Người bồi nói với Phạm Văn Thụ: 

- Quan Sứ tiếp cơm quan Thống, xin các khoản điều tễ được cả. Duy khoản giảm thuế thì quan Thống không ưng. Xem ý quan Sứ lấy làm buồn. Nằm không yên. Gần sáng truyền đốt nến, viết bức thư để bàn quan Thống. Rồi lại đi nằm. Một lúc thì nghe tiếng súng nổ.  Nội dung bức thư ấy viết: “Tôi phụng mệnh về đây, cốt khai hóa cho tỉnh Thái Bình. Không giữ được đê Phú Chử, di hại cho dân. Xin chết thay cho dân Thái Bình”. 

Hết thảy xa gần, nghe nói đều thương tiếc. Nhân dân Thái Bình đã xây miếu thờ ông ở tx. Thái Bình và trên đê Phú Chử. Nay miếu không còn.
Đoạn trích trên cũng thấy trong mục Bạn đọc & Toà soạn của tạp chí Xưa & Nay số 343 (11/2009) trang 41-42, với người gửi ký tên Q. A. (st)


Tiếp tục tìm kiếm về trận "đại hồng thủy" năm 1913, Khoằm tìm thấy trên trang Minh Đạo bài viết "NHÌN LẠI PHẠM VĂN THỤ" của Nguyễn Văn Chiến, có đoạn:

Đến năm 1910 ông được bổ làm Tuần phủ Phúc Yên. Phạm Văn Thụ đã vận động các quan lại khác ủng hộ ông, cải tiến cách ăn mặc, họp hành chào tết nên vận áo chẽn xanh, bỏ lối mặc lụng thụng, cầu kỳ đi. Vừa nhậm chức chưa được bao lâu thì xảy ra vỡ đê An Hội. Lần này, ông đã xuất tiền nhà ứng trước để mộ phu từ Thái Bình. Vì đã quen việc giữ đê nên ông làm ngay trước mặt quan trên, mọi người đều khâm phục khi thấy đê được giữ chắc chắn … 
Ông còn trình bày theo địa đồ, chỗ nào không nên ngăn nước, chỗ nào có thể làm được. Nhân dịp này Phạm Văn Thụ đã xin xá thuế cho tỉnh Phúc Yên. Việc làm của Phạm Văn Thụ khi đó được đánh giá cao, nhiều lần được đề nghị tặng thưởng, nhưng ông từ chối, ông nói: “Đó chỉ là làm đủ bổn phận thôi, không đáng lấy thưởng”. 
Năm 1913, ở Thái Bình xảy ra ném tạc đạn, quan tuần phủ ở đó bị chết, cấp trên chuyển ông về Thái Bình thay thế và lo giải quyết hậu quả. Lần vỡ đê Phú Chử, ông đã huy động trong một ngày đủ mười vạn dân phu. Tất cả các quan về hưu, ông cử, ông tú, hào mục đều phải đi đôn đốc, các quan phân đoạn cùng làm. Ông xin thuyền, gạo phát chẩn cứu từng làng, lại xin cấp các khoản tiền cho dân, giảm kỳ thuế, tăng cường an ninh, tránh cướp bóc. Ông lại vận động những người giàu làm từ thiện. Số tiền sau này được đưa vào công quỹ xây trường học, tu bổ miếu tỉnh Thái Bình. 
Năm 1920, tỉnh Thái Bình đã yên ổn, ông được đổi sang làm Tổng đốc Bắc Ninh. Tám tháng sau, ông lại được chuyển về làm Tổng đốc Nam Định.
Ông quan phủ bị ném tạc đạn chết là ai?

Theo bài "ĐÀN VIÊN KÝ ỨC LỤC" của PHẠM ĐỨC DUẬT - Hội văn nghệ Thái Bình đăng trên Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.102-107 thì:
Sau vụ Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn bị ám sát trước dinh thự Thái Bình ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Sửu (13-3-1913), Phạm Văn Thụ được thăng Tổng đốc Thái Bình. Tháng 8 – 1923, ông vào Huế làm Thượng thư Bộ Hộ dưới triều Khải Định. Tháng 6 năm 1926, Phạm Văn Thụ về hưu ở quê làng Bạch Sam.
       Năm 1913, Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn bị ám sát bằng tạc đạn ở cửa dinh, Phạm Văn Thụ ghi: “Năm 1913, mùng 6 tháng 2 Quý Sửu, tỉnh Thái Bình phát sự tạc đạn, cụ tuần Hành Thiện Nguyễn Duy Hàn bị hại. Ta phải đổi về chịu lấy gánh nặng, chối từ không được. Thầy tớ cũ phần nhiều lo thay cho ta. Vì tạc đạn đã lâu chỉ thấy đồn, chưa ai biết rõ hình dạng nó thế nào. Đột nhiên, một tiếng thực như sấm dậy đất bằng, ai cũng choáng váng. Vậy mà ta khổ tâm đối phó, nhất ngôn nhất động, may trúng cơ nghi...”       
Mùa nước năm ấy (Quý Sửu 1913), đê Phú Chử huyện Thư Trì bị vỡ, mấy huyện bị lụt, công sứ Perret tự tử. Sau nạn lụt lớn này, Phạm Văn Thụ làm bài thơ song thất lục bát gần một trăm câu để uý lạo đồng bào.
Theo Hoàng Cơ Thụy, Việt sử khảo luận, Paris: Nam Á, 2002. trang 1665 thì vào trưa ngày 19 Tháng Tư, 1913 Phạm Văn Tráng và Phạm Đề Quy ám sát quan tuần phủ tỉnh Thái Bình Nguyễn Duy Hàn bằng tạc đạn.

Theo sách 284 ANH HÙNG HÀO KIỆT CỦA VIỆT NAM của tác giả Vũ Thanh Sơn, Nxb Công an Nhân dân 01/2009 thì các ông Phạm Văn Tráng và Phạm Đề Quy là hội viên Việt Nam Quang phục hội.
Nguyễn Khắc Cần tức Nguyễn Văn Túy, quê ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội. Ông là hội viên Việt Nam Quang phục hội. Mùa đông năm Nhâm Tý (1913), Nguyễn Khắc Cần sang Trung Quốc nhận mệnh lệnh của Trung ương Việt Nam Quang Phục hội thi hành bản án tử hình đối với tên trùm thực dân Abbert Sarraut và các tên tay sai đầu sỏ Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn. 
Ngày 25/4/1913, Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Thụy điều tra biết bọn sĩ quan Pháp thường tụ tập ăn uống ở khách sạn Hotel tại đường Paulbert, nay là phố Tràng Tiền. Nguyễn Văn Thụy cảnh giới Nguyễn Khắc Cần liệng bom vào, giết chết hai trung tá Pháp là Monggơra và Sapuy (Chapuis) chết tại chỗ, một số tên Pháp và tay sai người Việt bị thương(1). Thi hành xong bản án lợi dụng lúc bọn giặc đang hoảng loạn, la hét, hai chiến sĩ ung dung đi bộ trên đường rồi lên một chiếc xe tay kéo nhanh qua Gia Lâm về Yên Viên. Hai anh em ẩn náu ở Yên Viên, vài hôm thấy giặc không lùng sục, Nguyễn Khắc Cần và Phạm Văn Thụy được lệnh trở về Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới.  
Trên đường đi, ngày 7/5/1913, hai ông vừa từ trên ga xe lửa bước xuống một ga xép thì bị lính kín áp tới lục soát. Vì trong người hai ông có một số giấy tờ khả nghi, nên chúng bắt cả 2 người giải về Hà Nội. 
Sau hành động làm kinh hoàng giặc Pháp và bọn Việt gian bán nước ở Thái Bình và Hà Nội, giặc Pháp điên cuồng khủng bố các cơ sở Việt Nam Quang Phục hội ở trong nước. Chúng bắt cả những người chúng nghi ngờ có liên quan đến phong trào Đông du và vụ Hà Thành đầu độc. Tại các tỉnh Bắc Kỳ, các nhà tù chật ních các chiến sĩ cách mạng. Tổng số chiến sĩ Việt Nam Quang phục hội ở Hà Nội và những người có liên quan lên tới 254 người. Tất cả những người bị bắt đều bị chúng tra tấn dã man để ỉấy khẩu cung. 
Ngày 5/9/1913, Hội đồng Đề hình Pháp họp mở phiên tòa tra hỏi 84 người trong số 254 người được coi là liên quan. Chúng xử tử 7 người với tội danh: âm mưu ám sát hoặc đồng lõa ám sát là: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thịnh, Phạm Hoàng Khuê (Quế) Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiên - người ám sát chủ đồn điền Đặng Vũ Hành ngày 25/5/1913. Lương Văn Phúc bị kết tội đồng mưu trong vụ ném bom ở Thái Bình chỉ bị kết án khổ sai chung thân vì mới 18 tuổi. 8 người bị lưu đày trong đó có ông Tư Diếc ở Quan Nhân, 5 người phát phối, 2 người bị kết án 5 năm, 11 án khổ sai hữu hạn, 5 án cầm cố, 9 án tù từ 20 tháng đến 2 năm. 
Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng và các đồng chí của hai ông tuy chưa đạt được mục tiêu mà Trung ương Việt Nam Quang Phục hội đề ra, đế quốc Pháp khủng bố, lực lượng Việt Nam Quang Phục hội bị thiệt hại nặng nề nhưng đã thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào Hà Nội cũng như đồng bào cả nước.
 (1) Sách "Nhân Chính trên những chặng đường lịch sử”, Nxb Chính trị quốc gia viết quả bom (lựu đạn) do Nguyễn Khắc Cần ném là do ông Tư Diếc (Nguyễn Vãn Diếc) ở làng Mọc Quan Nhân chế tạo, giặc Pháp bắt ông đày đi Côn Đảo.
Sách Việt Nam nghĩa liệt sử, Đặng Đoàn Bằng viết "Hiệp sĩ Nguyễn Khắc Cần" viết quả tạc đạn ném ở khách sạn Hà Nội là do Hán Minh (?) ném nhầm vào quan binh Pháp. Pháp truy nã ráo riết người đảng, bọn chó săn cũng đề phòng rất nghiêm ngặt, nên ông không thục hiện được kế hoạch của mình. Ông lại cùng Nguyễn Thế Trung định ra ngoại quốc. Đến Lạng Sơn thì gặp phải người Pháp, nên cả hai bị bắt. Nguyễn Khắc Cần muốn cho Hán Minh chạy thoái cho nên mới nhận với người Pháp chính ông là người ném tạc đạn ở khách sạn. Vì vậv ông bị giết cùng Nguyền Thế Trung.


9 nhận xét:

  1. Cụ Phạm Văn Thụ viết (dẫn theo Từ điển Thái Bình) : "Nội dung bức thư ấy viết: “Tôi phụng mệnh về đây, cốt khai hóa cho tỉnh Thái Bình. Không giữ được đê Phú Chử, di hại cho dân. Xin chết thay cho dân Thái Bình”.

    Mình cho là chuyện có xảy ra, nhưng ghi chép (Đàn viên ký ức, nếu có) của cụ Phạm Văn Thụ kém tin cậy, vì :

    1. Cụ Thụ cùng là tòng phạm với Perret, nếu quả thật có cái lỗi cùng là "lãnh đạo ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão" (Tuần phủ + Công sứ) mà không giữ được đê.

    2. Một ông quan Tây, (thương dân Anamit đến mức bánh đúc có xương???) lại có thể viết được: Xin chết thay cho dân Thái Bình - Câu này, nếu có, chỉ có thể là của một ông Nho học viết ra.

    3. Ghi chép của cụ Thu lại nhầm ngày: ngày 17/8/1913 là ngày Mười sáu âm, không phải ngày rằm, trong truyện, Đức Hậu có lẽ đã nhận ra và sửa lại thành 16/8/1913

    4. Bức thư trên được viết ở đâu, mà lại "để bàn quan Thống", không lẽ ngài Công sứ viết và tự sát ở Dinh quan Thống (Thống sứ Bắc Kỳ), tức là ở Hà Nội.

    Vì thế nhận xét của Cụ Nguyễn Công Hoan, ngắn gọn, nhưng chuẩn xác:

    "Một ông Công sứ Thái Bình, vì để đê vỡ, lo phải cách, nên tự tử bằng súng lục".

    Chả phải bố thương dân Thái Bình đâu, bố lo bị cách.

    Chuyện này tương tự như chuyện Ô sin khen mấy sĩ quan VNCH "tuẫn tiết"

    Trả lờiXóa
  2. Thêm chút:

    Từ điển Thái Bình: "Hết thảy xa gần, nghe nói đều thương tiếc. Nhân dân Thái Bình đã xây miếu thờ ông ở tx. Thái Bình và trên đê Phú Chử. Nay miếu không còn..."

    Nhân dân Thái Bình còn đang sống dở chết dở với bão lụt và nghèo đói, tiền đâu mà xây miếu thờ...???

    Miếu thờ ở đâu ra, ai lập, cụ Nguyễn Công Hoan trả lời tưởng cũng đã rõ:

    "Hai vị đó được bọn nịnh thần ca tụng, lập đền kỉ niệm"

    Lưu ý, truyện ngắn Tôi tự tử được cụ Nguyễn Công Hoan viết năm 1938, nghĩa là không phải có "lập trường, tư tưởng" như sau này.

    Về đận vỡ đê 1913, chép tặng bác Khoằm đoạn này:

    1913: Tháng 8, trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình, xảy ra lũ lớn cả miền núi, trung du và đồng bằng, gây vỡ đê ngập lụt trên diện rộng ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 9/8/1913, khi lũ tại Hà Nội là 11,35 m đã vỡ đê sông Hồng, đoạn ở tỉnh Vĩnh Phúc trên 2 đoạn phía tả ngạn tại Nhật Chiên, Cẩm Viên và Hải Bối, Yên Hoa thuộc Phúc Yên; vỡ đê Phu Chu thuộc tỉnh Thái Bình. Ngày 14/8, khi lũ Hà Nội xuống mức 10,69 m vẫn vỡ đê Lương Cổ, tả ngạn sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam. Ngày 17/8, vỡ đê Phương Độ, Sơn Tây phía hữu ngạn sông Hồng khi mực nước Hà Nội là 11,11m. Ngày 18/8, vỡ đê Nghĩa Lộ phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 11,03 m. Ngày 19/8, vỡ đê Quang Thừa, Lỗ Xá sông Đáy phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 10,99m. Nước lũ làm ngập gần hết tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), một phần Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh. Tổng diện tích lúa bị ngập là 307.670 ha, trong đó mất trắng 118.640 ha. Lụt đã gây tổn thất nhiều tài sản và nhà cửa, hầu hết các đường giao thông 1A, 2, 3, 10, 11A, 13A, 18; đường sắt Hà Nội - Hải Phòng bị ngập đoạn gần thị xã Hải Dương.

    (Lưu trữ của TT Dự báo khí tượng thủy văn)

    Lee ghi chú thêm: Phu Chu tức là Phú Chữ đọc mất dấu theo hồ sơ Pháp để lại, như vậy đê Phú Chữ vỡ vào ngày 09/1913, khoảng một tuần sau, Công sứ Thái Bình mới tự sát.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thêm link cho Lee: Trận lụt do vỡ đê tháng VIII-1913 http://www.nchmf.gov.vn/web/vi-VN/71/28/46/Default.aspx


      Xóa
    2. Năm 1873, thực dân pháp chiếm Hà Nội.

      Dưới chế độ cai trị của người pháp, nạn vỡ đê liên tiếp xảy ra nhất là dọc tuyến đê sông Hồng.

      Pháp cũng đã tổ chức đắp đê sông qui mô từ 1908 - 1913. T

      ại Hà Nội, năm 1926 đã xây dựng công trình phân lũ đập Đáy I.

      Thực tế việc đầu tư của người pháp cho lĩnh vực đê điều ít có hiệu quả.

      Ở Hà Nội, từ năm 1905 đến 1945 đã xảy ra vỡ đê trong 10 năm và có 25 đoạn đê bị vỡ.

      http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2486

      Xóa
  3. 1913 là năm có tương đối nhiều sự kiện ở Việt Nam.

    Thành lập tỉnh Kontum (9-2)
    Lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám bị ám hại ngày 10-2.
    Hội kín Phan Phát Sanh biểu tình ở Sài Gòn ngày 24-3.
    Phạm Văn Tráng nổ bom giết tuần phủ Thái Bình ngày 12-4.
    Nguyễn Khắc Cần diệt hai sĩ quan Pháp ở khách sạn Hà Nội ngày 26-4.
    Ngày 9-5 tại Hỏa Lò, Hà Nội, thực dân đưa các nhà yêu nước lên đoạn đầu đài, xử tử hình vắng mặt Phan Bội Châu và Cường Để.
    Đông Dương Tạp Chí ra số đầu tiên ngày 15-5.
    Viện Vệ sinh và vi trùng được thành lập ở Bắc Kỳ ngày 29-5.
    Chiếc máy bay do Marc Pourpe điều khiển đi tàu biển đến Hải Phòng, cất cánh ngày 6-6 bay vào Sài Gòn rồi ra Hà Nội ngày 14-6 gặp toàn quyền Albert Sarraut.
    Khánh thành đường xe lửa Sài Gòn - Nha Trang dài 462km ngày 16-7.
    Lắp điện thoại ở Đà Nẵng và Hội An ngày 26-9.
    Ở Huế, Hội Đô thành hiếu cổ (AVH) được thành lập ngày 16-11...

    Cuối năm đó, Nguyễn Tất Thành rời Mỹ sang Anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày 10-2-1913, kẻ thù sát hại Đề Thám tại rừng Tổ Cú trong căn cứ Phồn Xương (Yên Thế - Bắc Giang).
      Tháng 6-1913, hơn 500 công nhân mỏ kẽm Lang Hít tổ chức bãi công chống lại việc giảm lương của bọn chủ. Cuộc đấu tranh tuy không giành được thắng lợi nhưng đã làm cho bọn chủ phải lo lắng và chùn tay.

      Năm 1913, người Hà Nội đầu tiên mua xe hơi là nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Đó là chiếc xe hiệu Peugeot chạy xăng có giá 1 triệu franc Đông Dương.

      Xóa
  4. Năm 2013 thì ra sao rồi?

    Trả lờiXóa