Vài suy nghĩ nhân đọc những bài viết về “Bảng chữ cái gợi tình Xô viết”

Hiện nay trên mạng có những bài viết về một ấn phẩm có tên “Bảng chữ cái gợi tình Xô viết”, hay “Sách học chữ ‘khiêu dâm’ thời Stalin” (Советская эротическая азбука). Dường như ban đầu bài viết này xuất hiện trên trang pro&contra, sau đó thì các blog đã nhân bản vô tính, và sau đó nữa thì một số tờ báo điện tử cũng đăng lại. Nói chung nội dung bài viết thì đều không khác gì nhau mấy, sản phẩm của việc cắt dán thời đại bùng nổ thông tin.
Mình vốn cũng chẳng để ý lắm đến chủ đề này, tuy nhiên, khi lần thứ n đọc được nó thì cũng bắt đầu thấy bực mình. Và khi đọc hơi kỹ một chút, thì phát hiện ra mấy thứ nên quyết định viết bài này. (còn nhân tiện vì lâu nay chả có gì đăng lên blog nên mình đăng tạm).
Thứ nhất, rất nhiều bài báo cho rằng đây là sách sử dụng để xóa nạn mù chữ cho công nhân, nông dân.
Để đấu tranh chống nạn mù chữ ở dân chúng tuổi thành niên trên khắp các lãnh thổ bao la của Liên bang Sôviết, Nghệ sĩ Nhân dân Sôviết Sergey Merkurov đã nhận sứ mệnh thiết kế một cuốn sách học 36 mẫu tự Kirin trong Tiếng Nga, được minh hoạ thành 36 kiểu hấp dẫn và thật dễ hấp thu, vỏn vẹn 36 trang. Điều đáng ngạc nhiên tới mức khó tin là cuốn sách này được phát hành năm 1931 dưới điều kiện của một xã hội tưởng như không có sex.
Thế thì xuất hiện ngay một câu hỏi – ấn phẩm này được xuất bản ở nhà xuất bản nào, giấy phép số bao nhiêu, bao nhiêu bản in. Câu hỏi này có thể trả lời rất dễ dàng nếu như trang bìa (hoặc bìa lót) của cuốn sách này được công bố. Tiếc thay, mặc dù trên các trang mạng, nội dung cuốn sách được đăng lên rất chi tiết, thì chẳng ở đâu có trang bìa ấy cả. Và không chỉ trên các trang mạng Việt Nam, trên các trang mạng của Nga cũng chẳng  có thông tin này.
Vậy thì giả thiết “đây là sách học chữ đã được sử dụng trong thực tế” có đáng tin hay không?
Thứ hai, đó là vấn đề chữ ký của tác giả. Như chúng ta được biết từ các trang mạng, tác giả cuốn sách này là nhà điêu khắc nổi tiếng Sergey Merkurov. Ừ thì thôi, cũng gần với họa sĩ. Nhưng mà khi các họa sĩ vẽ tranh, họ sẽ luôn luôn để chữ ký của mình trên bức tranh đó. Tiếc rằng trên mấy chục bức tranh, tôi không hề thấy chữ ký của người vẽ. Và chỉ trên các trang blog của Nga, thì tôi tìm được một chữ ký của Sergey Merkurov, tiếc rằng lại ở một trang riêng hoàn toàn. Thực là trái với thói quen của các họa sĩ!

Thứ ba, nó là vấn đề tiếng Nga. Xin nói ngay ở đây, người viết những dòng này không phải là nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Nga, dù rằng cũng đọc được, viết được bằng tiếng Nga. Mặc dù vậy, có thể dễ dàng thấy rằng, bảng chữ cái tiếng Nga đã chịu nhiều thay đổi trong quá trình phát triển của ngôn ngữ và chữ viết. Lần cải cách lớn cuối cùng về chính tả chữ viết tiếng Nga được tiến hành trong những năm 1917-1918, tức ngay sau Cách mạng tháng Mười.
10 октября 1918 года был принят декрет Совета народных комиссаров и постановление президиума Высшего совета народного хозяйства «Об изъятии из обращения общих букв русского языка» (i десятеричное, фита и ять).
Источник: http://www.calend.ru/event/5355/
© Calend.ru
Dịch: Ngày 10/10/1918 Sắc lệnh của Hội đồng dân ủy và Quyết định của Chủ tịch đoàn tối cao  kinh tế nhân dân có tên “Về việc loại bỏ không sử dụng một số chữ cái chung của tiếng Nga” (cụ thể là các chữ cái i, phita và yat) đã được thông qua.
Tất nhiên, đây không phải là quyết định nhanh nhảu của chính quyền xô viết. Cải cách này đã được thảo luận và chuẩn bị từ lâu, do Viện Hàn lâm Khoa học Nga tiến hành từ năm 1904 cơ.
Theo cải cách này, trong bảng chữ cái tiếng Nga loại bỏ các chữ cái i, phita và yat – cách viết tương ứng của mấy chữ này là І і, Ѳ ѳ, Ѣ ѣ. Và ngoài ra, sau cải cách này ít lâu, thì chữ cái izhitsa (Ѵ ѵ – ижица) cũng từ từ biến mất khỏi bảng chữ cái tiếng Nga.
Tại sao tôi lại phải dài dòng như vậy? Là vì trong cái bảng chữ cái gợi tình kia có mặt đầy đủ cả 4 chữ cái đã không còn trong chính tả tiếng Nga thời năm 1931 nữa.
Có lẽ nào sách học vần lại chứa những chữ cái đã bị cấm không sử dụng từ 13 năm trước?
Đấy là những suy nghĩ cá nhân của mình. Tìm hiểu thêm trên các trang mạng Nga thì còn thấy một số ý kiến như sau:
-         Động cơ của ấn phẩm. Năm 1931 đúng là chẳng có động cơ nào cho các “sáng tác” theo hướng khiêu dâm này cả. Còn tại sao cái “tuyệt tác” này không được nhắc đến trong những thời kỳ xét lại, thời Eltsin? Có lẽ là do trước đây chưa có tuyệt tác, còn bây giờ thời đại Internet, một chủ đề giật gân thế này dễ câu view chăng?
-         Trên hình vẽ là các nam nhân vật rất cơ bắp. Nhưng thời những năm 1931, chuẩn mực vẻ đẹp nam giới hoàn toàn khác.
-         Theo phong cách art nouveau rõ nét trong các bức tranh, cũng như theo các mô típ cổ đại (satyr chân dê và vân vân) vốn phổ biến trong nghệ thuật gợi tình hồi những năm 1900-1910, thì có cơ sở cho rằng những bức tranh này được thực hiện trong những năm đầu thế kỷ XX
-         Trên mạng cũng chỉ có những thông tin cho rằng ấn phẩm này nằm trong một bộ sưu tập cá nhân nào đó.
Do đó, khi chưa có thông tin nào mới hơn, thì hầu như không có cơ sở nào để tin rằng đó là một quyển sách học vần thời xô viết cả.