24 tháng 3 2015

24/03/1999: NATO không kích Nam Tư

Tất cả những lý do NATO ném bom liên bang Nam Tư là dối trá.

Chưa bao giờ có những cuộc thảm sát, những nấm mồ chôn tập thể dưới thời ông Milosevic cho tới ngày bom của NATO rơi xuống liên bang Nam Tư.

Phim tài liệu : Cuộc chiến bắt đầu bằng sự dối trá - Kênh ARD, đài truyền hình nhà nước Đức, sản xuất năm 2001



Có 2 cuộc chiến liên quan đến khái niệm Chiến tranh Nam Tư. Cuộc chiến thứ nhất là cuộc nội chiến diễn ra từ 1991 đến 1995, cuộc chiến thứ hai là giữa Nam Tư với các nước NATO năm 1999.

Cuộc nội chiến Nam Tư xảy ra tháng 6-1991, nguyên nhân là mâu thuẫn giữa các sắc tộc trong nước, dẫn đến việc các sắc tộc tự tuyên bố tách khỏi nhà nước Nam Tư. Lần lượt các vùng có đa số dân cùng sắc tộc tự lập thành các quốc gia độc lập và chống lại quân đội, cảnh sát và chính quyền trung ương. Việc này dẫn đến sự phản đối của chính quyền trung ương nhà nước Nam Tư và nội chiến tất yếu nổ ra. Kết thúc cuộc nội chiến năm 1995, Nam Tư cũ bị chia thành 5 nước: Slovenia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Nam Tư mới (liên bang gồm Serbia và Montenegro).

Cuộc chiến Nam Tư 1999, liên quan đến việc đòi tuyên bố độc lập của vùng Kosovo thuộc Serbia - Nam Tư. Vùng đất này có đa số là người gốc Albani so với thiểu số dân Serbia. Đối với người Serbia thì đây là nơi thiêng liêng, nơi khởi nguồn và là cái nôi văn hoá của dân tộc mình. Một nhóm người gốc Albani đã thành lập 1 lực lượng phản kháng gọi là KLA và chiếm được 1 phần vùng Kosovo năm 1998. Quân đội Nam Tư tiến đánh và giao chiến với KLA khiến rất nhiều người dân phải bỏ nhà cửa và đe doạ gây ra 1 thảm hoạ nhân đạo với số người chết và bị thương do chiến tranh ngày càng tăng. Các nước NATO gây sức ép buộc Nam Tư phải ngừng bắn và đàm phán với KLA. Trong khi Nam Tư ngừng bắn thì KLA tiếp tục tập hợp thêm lực lượng và tấn công lại. Tổng thống Nam Tư khi đó là Milosevic ra lệnh cho quân đội phản công. Các nước NATO lại yêu cầu Nam Tư và KLA ngồi vào đàm phán, Milosevic đã bác bỏ bản kế hoạch hoà bình do NATO đưa ra, trong đó NATO sẽ đưa quân vào Kosovo và có quyền triển khai quân không hạn chế trên toàn lãnh thổ Nam Tư. Tháng 3/1999, dưới sự chỉ huy của Mỹ, quân đội NATO tiến hành cuộc không kích Nam Tư bằng máy bay và tên lửa. Sau nhiều lần đàm phán với sự trung gian của Nga, cuối cùng Nam Tư đồng ý rút quân ra khỏi Kosovo và để Liên Hiệp Quốc quản lý vùng đất này. Tháng 6/1999, khi quân đội Nam Tư bắt đầu rút khỏi Kosovo, NATO ngừng không kích. Trong cuộc chiến này, các nước NATO bắt đầu tấn công bằng đường không. Về phần mình, Nam Tư cũng không mang sức mạnh nào đáng kể ra chống trả nhằm bảo toàn lực lượng và đợi NATO đem bộ binh đến, vì vậy hầu hết các nước NATO phản đối ý định của Mỹ mang quân bộ đến Nam Tư. Những thiệt hại của Nam Tư hầu hết là về cơ sở hạ tầng như cầu đường, nhà cửa, trạm điện, nhà máy...

Căng thẳng giữa hai cộng đồng đã được nhen nhóm trong suốt thế kỷ 20 và thỉnh thoảng trở thành những cuộc bạo lực, đặc biệt trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất, Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. Chính quyền cộng sản của Josip Broz Tito đã đàn áp có hệ thống các cuộc biểu tình của những nhà chủ nghĩa dân tộc trên khắp nước Nam Tư, nhằm chắc chắn rằng không một nước cộng hòa nào thống trị các nước khác. Đặc biệt, sức mạnh của Serbia - nước cộng hòa rộng và đông dân nhất - đã giảm dần bởi sự thành lập chính phủ tự trị ở tỉnh Vojvodina phía bắc Serbia và tỉnh Kosovo ở phía nam. Biên giới của Kosovo không chính xác đúng với vùng sinh sống của người thiểu số Albania ở Nam Tư (lượng lớn người Albania đã rời đến Cộng hòa Macedonia, Montenegro và Serbia trong khi ở phía bắc tỉnh Kosovo vẫn còn rất nhiều người Serbia). Tuy nhiên, đa số cư dân ở đây là người Albania ít nhất là từ 1921.

Nền tự trị chính thức của Kosovo, thiết lập theo Hiến pháp Nam Tư 1945, ban đầu có rất ít trên thực tế. Năm 1956, rất nhiều người Albania bị bắt ở Kosovo và bị buộc tội gián điệp và lật đổ. Nguy cơ của chủ nghĩa ly khai thực tế rất ít, vì các nhóm nhỏ bí mật hoạt động vì sự thống nhất với Albania không quan trọng lắm về mặt chính trị. Tuy vậy, ảnh hưởng lâu dài là có thật, vì một vài nhóm, đặc biệt là Phong trào Cách mạng cho sự thống nhất Albania, thành lập bởi Adem Demaci, sau đó đã trở thành nhân tố chính trị quan trọng của Quân Giải phóng Kosovo. Bản thân Adem Demaci cũng bị bắt vào năm 1964 cùng với rất nhiều người trong phong trào.

Nam Tư đã trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế và chính trị vào năm 1969, vì một chương trình cải cách kinh tế hàng loạt của chính phủ đã tăng thêm khoảng cách giữa vùng phía bắc giàu có và vùng phía nam nghèo đói của đất nước. Các cuộc biểu tình của sinh viên và các cuộc nổi loạn ở Beograd vào tháng 6 năm 1968 đã lan rộng đến Kosovo vào tháng 11 cũng năm đó, nhưng bị đàn áp bởi các lực lượng an ninh Nam Tư. Tuy nhiên, một vài đề nghị của sinh viên, đặc biệt là quyền lực đại diện thật sự cho người Albania ở cả Serbia và Nam Tư, và sự công nhận tiếng Albania, đã được Tito chấp nhận. Đại học Pristina được thành lập như là một tổ chức độc lập vào năm 1970, đã kết thúc một thời kỳ dài khi mà tổ chức này hoạt động như một chi nhánh của Đại học Beograd.

Năm 1974, địa vị chính trị của Kosovo được nâng lên cao nữa khi được một hiến pháp mới của Nam Tư trao thêm nhiều quyền chính trị. Cùng với Vojvodina, Kosovo được tuyên bố là một tỉnh và đạt được nhiều trong số các quyền lực của một nước cộng hòa bình thường: một ghế trong Đoàn chủ tịch liên bang và có quốc hội riêng, lực lượng cảnh sát và ngân hàng quốc gia. Quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản, nhưng giờ đây được ủy thác cho những người cộng sản Albania.

Cái chết của Tito vào tháng 5 năm 1980 đã dẫn tới một thời kỳ dài bất ổn định chính trị, càng làm tồi tệ thêm bởi khủng hoảng kinh tế gia tăng và sự nổi loạn của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Sự bùng nổ lớn đầu tiên xảy ra ở thành phố chính của Kosovo, Pristina, vào tháng 3 năm 1981 khi các sinh viên Albania tụ tập thành hàng dài trong căng tin của trường. Tranh cãi tưởng là bình thường này nhanh chóng lan rộng khắp Kosovo và mang những đặc điểm của một cuộc khởi nghĩa, với hàng loạt các cuộc biểu tình của dân chúng ở nhiều thị trấn ở Kosovo. Người biểu tình yêu cầu rằng Kosovo phải được trở thành là một nước cộng hòa thứ bảy của Nam Tư. Tuy nhiên, điều này đối với Serbia và Cộng hòa Macedonia là không thể chấp nhận được về mặt chính trị. Một vài người Serbia (và có thể một vài người theo chủ nghĩa dân tộc Albania nữa) nhìn nhận những yêu sách này như là mà mở đầu cho một "Đại Albania", có thể bao gồm cả những phần của Montenegro, Cộng hòa Macedonia và chính cả Kosovo. Chủ tịch nước Nam Tư đưa cảnh sát và quân đội đến và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, mặc dù không hủy bỏ được nền tự trị của tỉnh này như một vài người Serbia cộng sản yêu cầu. Báo chí Nam Tư cho rằng đã có 11 người chết (mặc dù những bên khác tuyên bố số người bị chết lên tới 1.000) và 4.200 người khác bị bắt.

Đảng Cộng sản Kosovo cũng phải chịu sự thanh trừng, một vài nhân vật chủ chốt (bao gồm chủ tịch đảng) bị trục xuất. Kosovo phải chịu đựng sự hiện diện của cảnh sát mật trong suốt thập niên 1980, đàn áp thẳng tay không thương tiếc những biểu thị của chủ nghĩa dân tộc trái phép, cả người Albania và người Serbia. Theo như một báo cáo được trích bởi Mark Thompson, khoảng 580.000 cư dân của Kosovo bị bắt, chất vấn, giam giữ hoặc là bị khiển trách. Hàng nghìn người trong số này đã mất việc hoặc là bị đuổi khỏi các cơ sở giáo dục.

Trong suốt thời gian này, căng thẳng giữa người Albania và cộng đồng người Serbia tiếp tục leo thang. Năm 1969, Giáo hội Chính thống của Serbia đã ra lệnh cho các tăng lữ thu thập dữ liệu về vấn đề đang tiếp diễn của người Serbia ở Kosovo, nhằm gây áp lực cho chính phủ ở Beograd phải tăng cường bảo vệ sự trung thành của người Serbia. Tháng 2 năm 1982, một nhóm thầy tu từ Serbia thỉnh cầu Giám mục của mình đưa ra câu hỏi "Tại sao Giáo hội Serbia lại im lặng" và tại sao không có chiến dịch chống lại sự "hủy diệt, đốt phá, xúc phạm thần thánh của Kosovo". Những lo ngại như vậy đã thu hút sự chú ý của Beograd. Chuyện này được xuất hiện hết lần này đến lần khác trên báo chí Beograd, tuyên bố rằng người Serbia và Montenegro đang bị ngược đãi. Có một sự nhận thức xác thực giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia là người Serbia đang bị đuổi ra khỏi Kosovo. Một thực tế quan trọng góp phần vào mối lo sợ và sự bất ổn định này là sự vận chuyển mai túy quy mô lớn của mafia ở Kosovo và Albania.

Một nhân tố khác nữa là tình trạng ngày càng tồi tệ của nền kinh tế Kosovo, khiến người Serbia không chọn nơi này để tìm việc. Người Albania cũng như người Serbia có xu hướng thích người cùng sắc tộc hơn khi thuê nhân viên mới, nhưng lượng công việc trong hoàn cảnh nào cũng quá ít so với dân số.

Tháng 1/1999, vụ thảm sát người Albania ở Racak trở thành giọt nước tràn ly. Phương Tây, vốn có quá nhiều vấn đề ở Bosnia, đã vào cuộc. Hội nghị Rambouillet tại Paris, Pháp, được triệu tập mùa xuân năm đó với ý định áp đặt một giải pháp chính trị cho quân nổi dậy nhưng không thành.

Ngày 24 tháng 3 năm 1999, NATO phát động một chiến dịch ném bom trên không nhằm vào Serbia. Hàng trăm ngàn người Albania bị các nhóm quân của Milosevic đuổi khỏi Kosovo. Sau 78 ngày ném bom, Belgrade nhượng bộ. Tại Kosovo, lực lượng Serbia được thay thế bằng lính của NATO và Liên hợp quốc. Kosovo trở thành xứ bảo trợ quốc tế, đặt dưới sự chỉ đạo của LHQ. Quy chế của tỉnh này được đóng băng trong 5 năm.

Suốt mùa hè năm 1999, bạo lực tăng cao chống lại người Serbia sống trong các khu vực toàn người Albania ở phía nam đất nước. Sau Bosnia, Kosovo là một bằng chứng mới cho thấy thất bại chính trị của phương Tây khi định khởi động chủ nghĩa đa sắc tộc ở Balkans.

Tại Belgrade, hậu quả trực tiếp của cuộc oanh tạc của NATO là Milosevic bị lật đổ ngày 5 tháng 10 năm 2000. Phương Tây khi đó muốn thiết lập một chính quyền thân châu Âu ở Belgrade, mà người Albania ở Kosovo có thể chấp nhận hợp tác. Nhưng tháng 3 năm 2003, vụ ám sát Zoran Djindjic, chính khách duy nhất của Serbia muốn giải quyết vấn đề Kosovo, đã dập tắt hy vọng này. Và chủ nghĩa dân tộc Serbia sống lại.

24/03/1999: NATO không kích Nam Tư


Nguồn:NATO bombs Yugoslavia,” History.com (truy cập ngày 22/03/2015).
Ngày 24 tháng 3 năm 1999, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc không kích nhằm vào Nam Tư, tấn công các căn cứ quân sự của Serbia ở tỉnh Kosovo. Cuộc tấn công của NATO nhằm đáp trả làn sóng thanh lọc sắc tộc của các lực lượng Serbia chống lại người Albania ở Kosovo hôm 20 tháng 3.

Vùng Kosovo nằm ở trung tâm đế chế Serbia cuối thời Trung Cổ, nhưng rồi rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ dưới đế chế Ottoman năm 1389 sau thất bại của người Serbia trong Trận Kosovo. Tới lúc người Serbia giành lại quyền kiểm soát Kosovo từ tay Thổ Nhĩ Kỳ năm 1913 thì số người Serbia ở lại đã bị người Albania áp đảo (về số lượng). Năm 1918, Kosovo chính thức trở thành một tỉnh của Serbia, nó tiếp tục đóng vai trò như vậy sau khi lãnh đạo cộng sản Josip Broz Tito thành lập Cộng hòa Nhân dân Liên bang Nam Tư năm 1945, bao gồm các nước vùng Balkan là Serbia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Slovenia, và Macedonia. Tuy nhiên, Tito cuối cùng cũng trao quyền tự chủ cho Kosovo, và sau năm 1974, Kosovo thực tế đã tồn tại như một nhà nước độc lập, chỉ trừ cái tên.

Serbia không hài lòng trước quyền tự chủ của Kosovo, thứ cho phép Kosovo hành động đi ngược lại những lợi ích của Serbia, và đến năm 1987, Slobodan Milošević được bầu làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Serbia với lời hứa khôi phục quyền cai trị của người Serbia đối với Kosovo. Năm 1989, Milošević trở thành Tổng thống Serbia và hành động rất nhanh chóng để trấn áp Kosovo, tước quyền tự chủ của nó và đến năm 1990 thì gửi quân đội đến để giải tán chính phủ Kosovo. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc Serbia đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư vào năm 1991, và đến năm 1992 khủng hoảng Balkan trở thành một cuộc nội chiến. Một nhà nước Nam Tư mới được thành lập, chỉ bao gồm Serbia và một quốc gia nhỏ là Montenegro, và Kosovo bắt đầu 4 năm kháng chiến bất bạo động chống lại chính quyền Serbia.

Tổ chức Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) nổi lên từ năm 1996 và bắt đầu tấn công cảnh sát Serbia ở Kosovo. Với vũ khí thu được ở Albania, KLA tăng cường các cuộc tấn công trong năm 1997, kích động một cuộc tấn công lớn của quân đội Serbia nhằm vào khu vực Drenica do phiến quân kiểm soát từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1998. Hàng chục dân thường thiệt mạng, số người gia nhập KLA gia tăng đáng kể. Tháng 7, KLA phát động một cuộc tấn công ở Kosovo, giành quyền kiểm soát gần nửa tỉnh này trước khi phải tháo chạy sau cuộc phản công của Serbia cuối mùa hè năm đó. Binh lính Serbia đã buộc hàng ngàn người Albania phải rời bỏ quê hương và bị buộc tội tàn sát dân thường ở Kosovo.

Tháng 10 năm 1998, NATO đe dọa không kích Serbia, và Milošević đã đồng ý cho hàng ngàn người tị nạn trở lại quê hương. Tuy nhiên, cuộc chiến nhanh chóng tiếp diễn, và các cuộc đàm phán giữa người Albania ở Kosovo và người Serbia ở Rambouillet (Pháp) hồi tháng 2 năm 1999 đã kết thúc trong thất bại. Ngày 18 tháng 3, các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris tiếp tục thất bại sau khi phái đoàn Serbia từ chối ký một thỏa thuận cho phép Kosovo độc lập và cho phép triển khai quân đội NATO để thực thi thỏa thuận. Hai ngày sau đó, quân đội Serbia phát động một cuộc tấn công mới ở Kosovo. Đến ngày 24, NATO bắt đầu cuộc không kích.

Bên cạnh những căn cứ quân sự của Serbia, chiến dịch không kích của NATO còn nhắm đến các tòa nhà chính phủ Serbia và cơ sở hạ tầng của nước này trong một nỗ lực nhằm gây bất ổn cho chính quyền Milošević. Các vụ đánh bom và chiến dịch tấn công Serbia tiếp tục buộc hàng trăm ngàn người Albania ở Kosovo phải di tản sang các nước láng giềng là Albania, Macedonia, và Montenegro. Nhiều người tị nạn đã được đưa an toàn tới Mỹ và các quốc gia NATO khác. Ngày 10 tháng 6, cuộc không kích của NATO kết thúc khi Serbia đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia sẽ rút khỏi Kosovo và thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Ngoại trừ hai phi công Mỹ thiệt mạng trong một nhiệm vụ huấn luyện ở Albania, không có nhân viên NATO nào thiệt mạng trong chiến dịch kéo dài 78 ngày này. Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro, chẳng hạn như vụ đánh bom nhầm khiến một số người tị nạn Albania ở Kosovo, các thành viên KLA, và dân thường Serbia thiệt mạng. Sự kiện gây tranh cãi nhất là vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hôm mùng 7 tháng 5, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trong quan hệ Mỹ – Trung.

Ngày 12 tháng 6, lực lượng NATO tiến quân vào Kosovo từ Macedonia. Cùng ngày, quân đội Nga cũng tới thủ đô Priština của Kosovo và buộc NATO phải đồng ý một thỏa thuận chiếm đóng chung. Bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình, những người Albania ở Kosovo quay trở lại đã trả đũa người thiểu số Serbia ở Kosovo, buộc họ phải chạy về Serbia. Dưới sự chiếm đóng của NATO, quyền tự chủ của Kosovo được khôi phục, nhưng nó vẫn chính thức là một phần của Serbia.

Slobodan Milošević bị lật đổ bởi một cuộc cách mạng nổi tiếng ở Belgrade hồi tháng 10 năm 2000. Thay thế ông là Thủ tướng dân cử Vojislav Koštunica, một người Serbia có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ôn hòa đã hứa hẹn sẽ tái hòa nhập Serbia với châu Âu và thế giới sau một thập niên cô lập.

Slobodan Milošević chết trong tù ở Hà Lan vào ngày 11 tháng 3 năm 2006, ít ngày trước khi phiên tòa xét xử ông về các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng kết thúc.


Có thể bạn chưa biết: Tên gọi “Nam Tư” trong tiếng Việt là giản xưng của “Nam Tư Lạp Phu,” dịch danh tên gọi “Yugoslavia” trong tiếng Trung Quốc, trong đó [phía] “Nam” là dịch nghĩa từ “Yugo” và Tư Lạp Phu /sīlāfū/ là phiên âm của “Slav” – ND.




Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng




Nhìn lại quan hệ Nga - Mỹ từ đầu 1999

Tác giả: Hoàng Vân.
1991 - Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, đồng thời cũng kết thúc luôn tình trạng đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, đưa lại sự hợp tác mang sắc thái mới giữa Liên bang Nga và Mỹ. Mối quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm và tưởng như trên đà phát triển trong những năm 1992-1997 với hàng loạt các cuộc viếng thăm, hợp tác trao đổi, ký kết từ cấp cao nhất đến cấp chuyên viên, giờ đây đang bị nguội lạnh bởi những đòi hỏi phi thực tế và ý đồ áp đặt từ phía Mỹ, đặc biệt trong khủng hoảng Kosovo, cùng những biểu hiện thù địch thời chiến tranh lạnh. Có thể nói kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, chưa bao giờ quan hệ Nga - Mỹ lại "xui xẻo" và căng thẳng như thời điểm khủng hoảng Kosovo.
Mọi hy sinh, mọi ảo tưởng của Nga về một sự trợ giúp chân thành từ phía Mỹ và NATO cho công cuộc cải cách đều bị đổ vỡ từ 1998, đặc biệt sau khi Nga phá giá đồng Rúp. Trong khuôn khổ ngưỡng thời gian từ đầu 1999, chúng ta hãy xem xét một số mâu thuẫn, phản ứng của hai phía, nguyên nhân, ý đồ đã làm cho quan hệ "đối tác chiến lược" Nga - Mỹ giờ đây trở nên tiêu điều. Cụ thể được thể hiện trong các vấn đề sau:
+ Viện trợ kinh tế của Mỹ để Nga tiếp tục cải cách;
+ Vấn đề vũ khí chiến lược;
+ Mở rộng NATO và an ninh của Liên Bang Nga;
+ Vấn đề Iraq và khủng hoảng Kosovo.
I. Viện trợ cải cách để tiếp tục cải cách:
Ngày 23/2/1999, tổng thống Nga Enxin đã ký đạo luật về ngân sách Liên bang 1999, (Đuma thông qua 5/2 và thượng viện phê duyệt 17/2) với phần thu ngân sách 1999 được ấn định là 473,67 tỷ rúp; phần chi - 575,04 tỷ; thâm hụt ngân sách 101,37 tỷ (2,54% GDP); GDP - 4000 tỷ rúp, bội thu ngân sách (không tính chi phí trả nợ nhà nước) - 1,64% GDP, chi cho trả nợ trong nước 66 tỷ, trả nợ nước ngoài 9,5 tỷ USD. Theo chính giới Nga, đây là một ngân sách khắc khổ. Tuy nhiên Mỹ, và cụ thể là Quỹ tiền tệ thế giới IMF vẫn không hài lòng. (Nguồn: Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow từ tháng 2 - tháng 8 / 1999).
Ngay sau khi Nga phá giá đồng rúp 17/8/1998, thị trường chứng khoán của Nga trở nên chao đảo, các khoản tín dụng của IMF và WB cho đến nay vẫn chỉ là trên lời hứa. IMF tuyên bố: ngân sách Nga với bội thu 1,64% GDP sẽ không khắc phục được tình trạng nợ ngày một chồng chất. Theo IMF, bội thu ngân sách phải là 4% GDP. Đây là một đòi hỏi phi lý không tưởng và không thể làm được. 4,8 tỷ USD mà Mỹ hứa cho vay để trả lãi cho chính IMF cho đến nay vẫn không được giải ngân. Đối với Nga, không thể có một phương án kinh tế nào thay thế được cho những thoả thuận đã đạt được với IMF. IMF sẽ chỉ cấp tín dụng và cơ cấu lại nợ cho Nga sau khi Quốc hội Nga đã thông qua một số dự luật (như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, rượu và tăng thu đối với người sử dụng ô tô...). Việc các chính phủ tiền nhiệm của Nga luôn bị mất uy tín với các tổ chức tài chính quốc tế vì những cam kết đạt được trong các cuộc đàm phán với IMF không được Quốc hội Nga thông qua hoặc trì hoãn đã gây nhiều phiền toái cho những thoả thuận để có được "tín dụng lòng tin" của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay. Từ trước tới giờ, các vốn cho vay rải rác không có mục đích và hệ thống của Mỹ đối với Nga không thể tạo ra cơ sở hiệu quả cho việc cơ cấu lại nền kinh tế Nga theo mô hình phương Tây. Tỷ lệ Mỹ trong cán cân thương mại của Nga chỉ bằng 7%, nhỏ hơn nhiều lần so với các quốc gia SNG và châu Âu, đổi lại tỷ lệ của Nga trong cán cân thương mại của Mỹ cũng chỉ bằng 0,1%, nhỏ hơn kim ngạch buôn bán giữa Mỹ và Singapo. Viện trợ của Mỹ cho Nga sau chiến tranh lạnh cũng chỉ mang tính tượng trưng, không đủ giúp cho các cải cách kinh tế của Nga - chỉ bằng 0,0005 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Moskva chưa được chấp nhận làm thành viên của nhiều tổ chức quan trọng.
Thực chất của vấn đề là, Mỹ không bao giờ muốn một nước Nga đủ mạnh, trở thành đối thủ tiềm năng của mình. Bằng mọi cách Mỹ ép và áp đặt những điều kiện kinh tế ngặt nghèo đối với Nga, không xoá bỏ những sửa đổi của đạo luật Jackson - Vanix đối với Liên Xô cũ, ngăn chặn không cho Nga nhảy sâu vào Mỹ và "sân sau" Mỹ Latinh. Dưới nhan đề "Nga lại bị mất thêm một thị trường", tờ Độc Lập 24/2 đã nêu ra việc ngành luyện kim Nga trong năm 1999 xuất khẩu vào Mỹ chỉ còn 30% so với mức năm 1998 (còn 345 ngàn tấn), chỉ vì Mỹ ép Nga 2 điều kiện: hoặc giảm khối lượng xuất, hoặc chịu thuế nhập khẩu cao. Sau nhiều vòng đàm phán gay cấn, kết cục là Nga đành ngậm ngùi giảm khối lượng.
Như chúng ta đã thấy, nếu cứ trên đà này thì nền kinh tế Nga sẽ không những không đứng vững nổi, mà sẽ ngày một sa sút, đình đốn nếu như Nga không có được những giải pháp tốt hơn trong nền kinh tế chuyển đổi. "Kinh tế luôn là nạn nhân muôn thuở của chính trị", muốn có tiền để tiếp tục cải cách, Nga phải chịu nhượng bộ trước Mỹ, chính phủ Nga phải dàn xếp các mâu thuẫn, phải thuyết phục Đuma quốc gia thông qua các dự luật, phải đạt được nhất trí giữa hai ngành lập pháp và hành pháp. Đây là những câu hỏi vẫn còn để ngỏ và cái mộng tưởng về một kế hoạch Mac-san cho nước Nga sau khi Nga đã đoạn tuyệt với quá khứ có lẽ còn rất lâu mới là hiện thực.
II. Vấn đề vũ khí chiến lược:
a/ Mỹ với việc đơn phương triển khai hệ thống ABM hạn chế:
Ngày 21/1/99, tổng thống Clintơn gửi Tổng thống Enxin thư riêng đề nghị Cremli xem xét lại hiệp ước phòng thủ chống tên lửa ABM được ký giữa Liên Xô và Mỹ vào 1972 với lý do triển khai các kế hoạch chống khủng bố quốc tế và bảo vệ an ninh. Thực chất là Mỹ muốn đơn phương huỷ hiệp ước này và trên thực tế , từ lâu Mỹ đã không tôn trọng hiệp ước ABM, tiến hành hàng loạt các nghiên cứu hệ thống chống tên lửa vũ trụ. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí laser hoá học "Miracle" bắn vào một vệ tinh có chiều dài nửa mét ở độ cao cách mặt đất hơn 400km, và trong lần thử nghiệm gần đây, vệ tinh mục tiêu đã ghi nhận bị bắn trúng, và chỉ cần một lệnh của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể triển khai các loại vũ khí thuộc kho vũ khí "Chiến tranh giữa các vì sao". Mới đây hãng "Boeing" đã tiến hành một loạt các thử nghiệm khác, phóng tên lửa từ căn cứ không quân California và bắn tan nó trên bầu trời Thái Bình Dương bằng một quả tên lửa chống tên lửa điều khiển từ quần đảo Marshall. Cho đến cuối quý 2, Mỹ đã xin quốc hội tiến hành 4 cuộc thử nghiệm như vậy. Chính quyền Mỹ đã xin quốc hội chi 6,6 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống rada chống tên lửa trong 6 năm tới và triển khai cái gọi là "Hệ thống ABM hạn chế". Bộ quốc phòng Mỹ tuyên bố: không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa chiến lược ABM nếu như Mỹ và Nga không nhất trí được trong vấn đề này.
Hành động của Mỹ đã gây nên phản ứng quyết liệt từ phía Nga, đặc biệt trong giới quân sự. Nga coi hiệp ước ABM là cơ sở của các hiệp ước đã ký với Mỹ về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược SALT-1 và SALT-2. Nga cho rằng những kế hoạch nhằm thay đổi tình hình hiện tại trong lĩnh vực phòng chống tên lửa (kể cả việc Mỹ định rút khỏi hiệp ước ABM) sẽ phá huỷ những nền tảng ổn định chiến lược trên thế giới, dẫn đến phá vỡ sự cân bằng về lực lượng hạt nhân đã giữ cho hai siêu cường thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nga cũng không tin rằng các hệ thống ABM của Mỹ sẽ chỉ có "hoạt động hạn chế" là chống lại bọn khủng bố quốc tế. Bình luận về sự kiện trên, các báo của Nga cho rằng Mỹ chơi trò chính trị với Nga nhằm gây áp lực buộc Nga nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước SALT-2, đồng thời trong thời gian ngắn sẽ thử và bố trí các hệ thống mới, rồi sau đó sẽ lại thay đổi hiệp ước với những điều kiện mới có lợi cho mình.
Nga đã dự định đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể để trả đũa hành động của Mỹ. Tuy nhiên các biện pháp đó lớn và đòi hỏi phải có kinh phí bổ xung. Và đây chính là một nước cờ đau đầu của Nga. Kinh phí sẽ lấy ở đâu trong khi kinh tế Nga đang bị khủng hoảng? Rõ ràng là "lực bất tòng tâm" phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trong những lần gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Albright, phía Nga nêu lên yêu cầu "mọi bất đồng giữa Nga và Mỹ cần phải bàn bạc trên tinh thần đối tác, sự bàn bạc là tối quan trọng nhằm tránh mọi sự bất ngờ". Tuy nhiên Mỹ vẫn lấn tới và làm những sự đã rồi buộc Nga phải nhân nhượng.
b/ Trừng phạt kinh tế :
Ngày 26/2 Bộ thương Mại Mỹ chính thức tuyên bố "danh sách đen" gồm 10 tổ chức của Nga sẽ bị áp dụng trừng phạt kinh tế vì bị nghi ngờ hợp tác với Iran trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ áp dụng biện pháp trên đối với Nga. Trước đó 13/1 chính quyền Mỹ đã buộc tội 3 trung tâm khoa học của Nga : Viện nghiên cứu khoa học và thống kê kỹ thuật năng lượng, Đại học hoá công nghệ Mendeleev và viện hàng không Moscow bán công nghệ tên lửa cho Iran và cấm các công ty và tổ chức nhà nước Hoa Kỳ quan hệ với 3 trung tâm này.
Việc Mỹ tuyên bố trừng phạt 10 tổ chức của Nga không phải ngẫu nhiên. Năm 1993 khi hội nghị thượng đỉnh G7 tại Tokyo thảo luận về tín dụng cho Nga, Mỹ cũng đặt điều kiện với Nga, yêu cầu phải ngừng bán bệ phóng tên lửa cho ấn Độ để đổi lấy tín dụng. ở đây rõ ràng Mỹ lợi dụng tình trạng nợ nần, kinh tế khó khăn của Nga để áp đặt một chính sách đối ngoại "theo Mỹ" trong quan hệ với Iran, Iraq.
Tín dụng luôn luôn là con bài để mặc cả, áp đặt đối với Nga, Mỹ đã đe doạ sẽ cắt giảm viện trợ hàng năm cho Nga 50 triệu USD cũng như áp dụng các hình phạt khác nếu Nga bán các vũ khí chống tăng cho Siry. Trước năm 1991 hợp tác quân sự giữa Liên Xô và Siry đã được ký kết, Liên Xô đã bán cho Siry tổng cộng 26 tỷ USD vũ khí và kỹ thuật quân sự. Hiện nay 90% quân đội của Siry được trang bị bằng vũ khí của Liên Xô và Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ này bị đình trệ. Duy nhất chỉ có một hợp đồng bán tăng T-72 cho Siry những năm 92-93. Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Siry trong năm năm tới trị giá khoảng 2 tỷ USD: Siry sẽ mua một số hệ thống phòng không trong đó có 5300 các vũ khí chống tăng, súng tiểu liên, phóng lựu cũng như các phương tiện để hiện đại hoá máy bay và xe thiết giáp.
Từ trước đến nay, Mỹ luôn quan trọng hoá một cách có chủ ý mối đe doạ hạt nhân trong tay các quốc gia không nghiêm chỉnh (rogue states) do đó Mỹ bằng mọi cách cản trở tiến bộ khoa học hạt nhân ở những nước chưa có lĩnh vực này. Việc ấn Độ rồi Pakistan liên tiếp thử bom hạt nhân đã làm cho Mỹ đau đầu. Bởi vậy sự tuyên bố trừng phạt các cơ quan khoa học Nga với lý do là cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho các quốc gia thù địch cũng không nằm ngoài ý đồ trên.
Về phía Nga, chính giới Nga kiên quyết bác bỏ những lời buộc tội của Mỹ, khẳng định Nga trung thành với các nguyên tắc không phổ biến vũ khí huỷ diệt và tên lửa, và "mọi mưu toan nói chuyện với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực" đều không thể chấp nhận được. Mục đích trừng phạt kinh tế của Mỹ là nhằm không để công nghệ tiên tiến của Nga xuất hiện trên trường quốc tế và đây là vấn đề "cạnh tranh công nghệ và địa chính trị". Theo lời một chuyên gia quan trọng trong lĩnh vực hợp tác khoa học quân sự, Nga sẵn sàng "thi hành các biện pháp thích đáng chống lại các chính sách có chủ định của Mỹ nhằm gạt Nga ra khỏi thị trường vũ khí béo bở ở Trung Đông và Phi Châu".
III. Mở rộng NATO và An ninh của Nga:
Dùng con bài mở rộng NATO về phía Đông, với chiêu bài "viện trợ" "đầu tư phát triển" vào các nước Liên Xô cũ, Mỹ theo đuổi mục đích mở rộng địa bàn, chặt đứt dần vây cánh của Nga.
Nga đã mạnh mẽ chống lại việc Đông tiến của NATO bằng nỗ lực tham gia vào các vấn đề của NATO. Giữa Nga và NATO đã ký những thoả hiệp về quan hệ Nga - NATO. Nga có phái bộ đại diện tại bộ tham mưu NATO, thoả thuận hợp tác trên thực tế, thiết lập một nhóm chuyên viên và thành công trong các hoạt động cứu hộ thiên tai và bảo vệ hoà bình. Về vấn đề NATO mở rộng về phía đông, Nga luôn tuyên bố "những ý đồ đặt liên minh Bắc Đại Tây Dương làm trung tâm của một hệ thống an ninh tập thể ở Châu Âu về bản chất là không có tính xây dựng. Nga công khai nói về điều này bởi vì quá trình mở rộng NATO tiến triển thì mối đe doạ của sự bất đồng mới trên lục địa này càng lộ rõ. Nước Nga cũng như các quốc gia khác không bao giờ chịu làm ngơ trước kỳ vọng của NATO".(Đời sống quốc tế (nga) 1991).
Nga luôn luôn khẳng định "chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để làm cho Cựu Thế giới lại trở thành động lực của sự phát triển, thành lá chắn đảm bảo cho các khu vực khác. Và cái cơ hội này cần phải được sử dụng một cách có trách nhiệm". Y' đồ của Nga về vấn đề NATO là tương đối rõ, một khi không thể giải tán và làm suy yếu tổ chức này thì phải can dự tích cực để hạn chế và kiềm chế hoạt động của nó. Tuy nhiên các nước thành viên NATO cũng không để Nga có vai trò gì thật sự trong tổ chức này, bởi vì cơ cấu "an ninh cứng" không bao giờ có chỗ cho Nga cả.
Việc kết nạp 3 nước đồng minh cũ của Liên Xô (Ba Lan, Hung, Séc) vào NATO mới đây là một đòn giáng mạnh vào Nga trong những nỗ lực của NATO về phía đông, làm sống lại hồi ức cay đắng của chiến tranh lạnh, đẩy Nga vào tình thế phải đối đầu. Nga hiện nay không có "sân sau" mà ngay cả "sân nhà" cũng đang rất nhiều vấn đề. Tình thế địa chính trị ở Châu Âu đối với Nga rất không thuận lợi. Trên thực tế Nga đã bị tách khỏi Châu Âu: Các nước Ban-tích đã tách Nga ra khỏi Scandinavơ và Ba Lan, Ucraina cắt Nga khỏi Đông- Nam châu Âu; về phần mình, các nước Đông Âu cũ đã trở thành hành lang kinh tế lọc những vốn đầu tư đầy tiềm năng của phương Tây. Đồng thời chúng cũng là hàng rào chính trị, là cái gai cắm vào cạnh sườn Nga. Giờ đây sợi dây dẫn duy nhất và tương đối chắc chắn chỉ còn lại Bêlorussia. Đồng thời ở Trung A' cũng xuất hiện những thách thức trực tiếp đến an ninh của Nga. ở khu vực này, Mỹ đã hào phóng tài trợ cho các nước khu vực như Adecbaigian, Acmênia, Udơbekistan, Tuocmenistan, Cazacxtan: Mỹ phát triển hợp tác quân sự khu vực bao gồm sử dụng chung hệ thống thông tin địa chấn (kể cả cho mục đích quân sự) ở Acmênia; trang bị lại quân đội theo chuẩn phương Tây (ở Grudia); đề nghị lập căn cứ quân sự của NATO tại biển Caxpi (với Adecbaigian). Ngày càng nhiều sĩ quan của khu vực được đào tạo ở NATO, tại phía đông biển Caxpi đã xuất hiện liên minh quân sự Trung A' nhiều lần tập trận chung với quân đội của Mỹ... rõ ràng ảnh hưởng của Nga ở khu vực đã bị xói mòn, an ninh quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.
Nga coi việc NATO và Mỹ có mặt ở khu vực là một sự bội ước cam kết song phương 1990. Tuy nhiên vì "sức cùng, lực cạn", Nga tránh không để sa vào một cuộc "tranh chấp công khai" với NATO bởi vì "các quan hệ của Nga với NATO và Mỹ là vấn đề rất nhạy cảm, tinh tế và khó khăn. Chúng ta sẽ không có bất kỳ một cuộc tranh chấp công khai nào với Mỹ và NATO, nhưng chúng ta cũng không cùng tham gia vào các trò chơi của họ" (lời của Enxin, Moscow 8/7).
IV. Khủng hoảng KOSOVO và IRAQ :
Mỹ đơn phương ném bom Iraq lần thứ hai, phớt lờ những nỗ lực hoà bình của Nga, dùng vũ lực giải quyết vấn đề Kosovo.
a/ Việc Mỹ không ngừng cảnh cáo Iraq, ném bom, phóng tên lửa vào các vị trí của Iraq trong chiến dịch "Cáo sa mạc" lần 2, gây nhiều thiệt hại về người và của cho phía Iraq có những lý do của nó. Ở đây vấn đề không phải là Iraq không trung thực trong việc thanh tra vũ khí mà là Mỹ muốn lật đổ chính phủ Saddam. Việc oanh tạc uy hiếp chỉ là một trong 3 mũi giáp công: oanh tạc, tụ tập phe chống đối và lập kế hoạch lật đổ. Song song với mục tiêu lật đổ là động tác thăm dò dư luận và thách thức các nước đối lập, chủ yếu là Nga. Chúng ta hãy xem phản ứng của Nga ra sao?
Tại Moscow từ chính giới đến báo chí đều lên án việc Buttler đơn phương ra lệnh rút các thanh tra của Uỷ ban đặc biệt về thanh sát vũ khí Liên Hiệp Quốc ra khỏi Iraq và việc Mỹ đơn phương có hành động quân sự ở đó. Nga coi đó là hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự của mình. Duma quốc gia Nga cho rằng ở thời điểm này việc phê chuẩn Hiệp ước SALT-2 là vô nghĩa. Tuy nhiên những nỗ lực của Nga chẳng cải thiện được tình hình tại Iraq và rõ ràng vấn đề Iraq cũng là một tác nhân làm cho quan hệ Nga- Mỹ thêm căng thẳng.
b/ Về cuộc khủng hoảng Kosovo, trong khi Nga kiên quyết bảo vệ người anh em Milosevic, tránh để xảy ra một Chesnia trong lòng Nam Tư, chống lại bất kỳ những hành động bạo lực trong việc giải quyết Kosovo thì Mỹ và NATO luôn đe doạ dùng vũ lực. Nga và Mỹ luôn bất đồng trong nhìn nhận nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở Kosovo. Theo Nga thì hàng năm cái gọi là "Nước cộng hoà Kosovo" nhận được từ nước ngoài từ 150-400 triệu USD được góp từ phần thu nhập và lời do buôn bán ma tuý của kiều dân Anbani sống trên 20 nước khác nhau. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số tiền này được chi dùng cho quân đội giải phóng Kosovo (KLA) còn phần lớn để trả công cho hãng thông tin Mỹ "Ruder Finn" chuyên tuyên truyền cho các lực lượng ly khai Kosovo ở nhiều nước trên thế giới. Nga còn chỉ rõ dưới sức ép của Mỹ, Tây Âu hưởng ứng rất nhạt nhẽo và không kiên quyết đối với các đề nghị của Beograt đòi đóng ngay các tài khoản ngân hàng chuyên nhận tiền từ nước ngoài chuyển chi cho bọn khủng bố Kosovo. Nga coi "Quân giải phóng Kosovo (KLA)" là người chịu trách nhiệm chính trong tình hình căng thẳng ở Kosovo, chính KLA là nguyên nhân của nỗi lo ngại việc thực hiện các hiệp định ký kết sẽ không thành công. Nhưng Mỹ lại luôn khẳng định phía Xecbia mới là người chịu trách nhiệm trước những sự leo thang tình hình căng thẳng. Và khi đến đỉnh điểm của tình hình, vẫn chiến thuật cổ xưa của Mỹ: tạo ra xung đột giữa các sắc tộc ở những vùng có lợi ích của Mỹ rồi sau đó mang lực lượng đến "cứu giúp" khi tình hình không kiểm soát nổi.
Việc Mỹ và NATO tấn công Kosovo 24/3/1999 làm cho quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ hơn. 77 ngày đêm Mỹ và NATO tiến công một Quốc gia có chủ quyền nhằm thử nghiệm khái niệm chiến lược mới đã làm méo mó hình ảnh của Mỹ trên khắp thế giới. Ngay từ đầu cuộc không kích của NATO vào Nam Tư, Nga đã phản đối hành động đơn phương tiến công bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, coi đây sẽ là một tiền lệ xấu cho những can thiệp quân sự mới của Mỹ ở mọi nơi, mọi chỗ với lý do "nhân đạo". Đài truyền hình Nga đã phát đi bản tuyên bố của Tổng thống Nga Enxin, trong đó chỉ rõ đó là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và âm mưu của Mỹ và NATO bước vào thế kỷ 21 với sắc phục của cảnh sát thế giới. Với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh, ông Enxin đã ra lệnh huỷ chuyến thăm Mỹ của cựu thủ tướng Primakov, triệu hồi đại diện Nga tại NATO về Moscow, hoãn các cuộc thương lượng và hoạt động của Nga trong NATO và tuyên bố trong trường hợp xấu, Nga vẫn giữ quyền có các biện pháp thích đáng, kể cả biện pháp quân sự để tự vệ và bảo vệ an ninh của toàn châu Âu. Tuy nhiên đây chỉ là những hành động trên lời nói, không có sức mạnh, phản ánh sự thay đổi cục diện to lớn đã diễn ra sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Phẫn uất vì bị qua mặt và bị dư luận trong nước chỉ trích đã "bỏ rơi người anh em truyền thống", sau những chuyến công du hoà giải của cựu thủ tướng Primakov không thành, Tổng thống Enxin đã cử đặc sứ Checnomưdin về vấn đề Kosovo để vớt vát thể diện cho mình. Sau khi đã có một vai trò "trung gian hoà giải" nhưng vẫn bị lép vế với Mỹ, Nga đã cho đổ quân vào Kosovo. Bằng việc đổ 200 lính dù bất ngờ vào khu vực sân bay Pristina, cán cân lực lượng nghiêng theo hướng thuận lợi hơn cho Nga. Nước Nga đã ghi được "điểm tốt" đối với dư luận quốc tế, phần nào rửa được nỗi nhục "qua mặt" trong vấn đề Kosovo. ở đây Nga đã rất linh hoạt thay đổi lập trường: từ vị trí "đồng minh của Nam Tư" sang vị trí "trung gian hoà giải" và cuối cùng trở thành "can dự trực tiếp" vào tiến trình giải quyết khủng hoảng Nam Tư.
Thay lời kết: Quan hệ Nga - Mỹ hậu Kosovo
sẽ nồng ấm trở lại?
Cuộc không kích đơn phương một quốc gia có chủ quyền là Nam Tư của Mỹ và NATO đã kết thúc sau 77 ngày oanh kích với tổng số tổn thất lên tới 200 tỷ USD, với những dòng thác người tị nạn và biết bao vấn đề nảy sinh mà để giải quyết không phải chuyện một sớm một chiều. Từ cuộc chiến tranh Nam Tư có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, cuộc chiến Nam tư là nơi thử nghiệm chiến lược quân sự mới với công cụ là khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nơi Mỹ muốn khẳng định trật tự thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến không có người thắng và tất cả đều thua. Lý luận Nhân quyền cao hơn chủ quyền của Mỹ đã tạo ra cục diện nghiêm trọng ở Ban căng. Nó không những không bảo vệ được nhân quyền mà ngược lại làm nhân quyền ngày càng xấu đi. "Tại Bancăng không phải chỉ mình Milosevic thất bại, mà tất cả đều thất bại, thất bại thảm hại và chẳng bao lâu điều đó sẽ được minh chứng". NATO cũng đã thất bại mặc dù họ có những vũ khí cực kỳ chính xác và hiện đại "họ mới chỉ chiến đấu với thường dân không được vũ trang, nghĩa là những người chỉ có thể chiến đấu trên mặt đất, họ còn chưa đánh nhau với những hệ thống vũ khí tối tân có thể hạ máy bay ở độ cao 10-15km" (lời tổng thống Belarussia Lukashenko trả lời phỏng vấn các nhà báo 10/6).
Thứ hai, ý đồ phớt lờ Nga, phớt lờ cơ chế Liên Hợp Quốc của Mỹ trong giải quyết các vấn đề châu Âu, cụ thể là cuộc chiến Nam Tư đã thất bại. Tuy đã buộc được Nam Tư rút quân khỏi Kosovo, đưa người tị nạn Anbanie hồi hương và đổ được lực lượng gìn giữ hoà bình vào Kosovo, nhưng Mỹ đã không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Cuộc không kích của Mỹ kéo dài hơn dự kiến do Mỹ đánh giá thấp khả năng kháng cự của Nam Tư và những bất ngờ và "nhầm lẫn" do sa lầy ngày càng nhiều đã buộc Mỹ phải cầu viện đến Liên Hợp Quốc và vai trò trung gian hoà giải của Nga. ở đây có vai trò của Nga không phải là vì Mỹ muốn đỡ thể diện cho Nga vì bị phớt lờ mà thật sự NATO cần Nga, gần giống như "một người sắp chết đuối vớ được cọc". Thay vì hạ nhục Nga, Mỹ cuối cùng đã phải cầu cứu đến Nga. Cơ cấu gìn giữ hoà bình ở Kosovo là dưới ngọn cờ bảo trợ của Liên Hợp Quốc, thành viên của lực lượng gìn giữ hoà bình bao gồm các nước NATO cũng như các nước không phải thành viên NATO.
Thứ ba, liệu có một Kosovo ở trong lòng nước Nga hoặc ở các nước SNG hay không? Đây là một câu hỏi chưa có đáp án, điều này còn tuỳ thuộc vào so sánh lực lượng. Vì lý do "nhân đạo" Mỹ và NATO đã can thiệp vào Kosovo, thì rất có thể vì lý do này hay khác, để thể hiện vai trò cảnh sát quốc tế không loại trừ khả năng can thiệp vũ trang vào Nga, một đất nước có đến hai chục vùng tự trị và nhiều sắc tộc tôn giáo khác nhau. Liên tiếp Grudia, Adecbaigian, Acmenia... đã công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và NATO giải quyết giùm các tranh chấp Nagorưnưi - Abkhadia như kiểu Kosovo. Song với lực lượng vũ trang hiện nay của Nga cùng kho vũ khí hạt nhân có khả năng huỷ diệt mấy lần thế giới, thì một Kosovo trong lòng Liên Xô cũ là một điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên thế giới ngày nay là một thế giới của những biến động không lường trước được và chỉ có thời gian là thước đo của mọi giả thiết, mọi dự đoán.
Cuộc chiến ở Nam Tư đã làm thay đổi tư thế của Nga trong con mắt của các nhà chiến lược phương Tây. Quan hệ Nga - Mỹ phần nào được cải thiện sau khi đạt được thoả thuận về lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga tại Kosovo. Mỹ và Nga đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược đối ngoại: Mỹ công nhận Liên Bang Nga là thành viên đầy đủ của nhóm G8; 27/7 tại Singapore trong cuộc họp ngoại trưởng các nước APEC, ngoại trưởng Mỹ đã gặp bộ trưởng ngoại giao Nga và tại Mỹ, cựu thủ tướng Nga Stepashin cũng đã có những tiếp xúc với tổng thống Mỹ. Cả hai phía đều tỏ ra tôn trọng nhau hơn, cả hai đều cố gắng khắc phục bất đồng để xích lại gần nhau. Mỹ sau Kosovo đã thấy rằng không thể bỏ qua vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Bancăng và Châu Âu. Có lẽ các lời hứa về việc giải ngân tín dụng IMF sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn bởi vì Mỹ cũng chẳng có lợi lộc gì với một nước Nga bất ổn định và do các lực lượng bảo thủ, chống cải cách nắm quyền. Về phần mình, Liên bang Nga sau Kosovo cũng thấy rằng sự mềm dẻo có nguyên tắc, chính sách cân bằng Âu - A', đề cao các lợi ích dân tộc là đúng đắn, "chỉ có thể hiện vai trò cường quốc Châu A' - Thái Bình Dương mạnh mới có thể cho Nga sức mạnh trong các công việc ở Châu Âu. Và ngược lại, đường lối Châu Âu truyền thống mạnh mẽ mới cho phép nước Nga gìn giữ uy tín trong quan hệ với các đối tác Châu A'" (Kortunov, Đời sống quốc tế (Nga) 6/ 1998). Quan hệ Nga - Mỹ nhất định sẽ khởi sắc, nhưng là "sắc" gì thì còn phải chờ đợi và nó phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai phía./.
Copyright © Diplomatic Academy of Vietnam

Khủng hoảng Kosovo và tác động đối với quan hệ quốc tế

Tác giả: Trần Thị Hoàng Mai
Bom đạn lại một lần nữa dội xuống ngay châu Âu mà cách đây chục năm còn tràn đầy hy vọng vào một tương lai hoà giải, hoà bình. Thực tế trong 10 năm qua chưa một ngày nào trên lục địa này im tiếng súng, Nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa hai "phe" mất đi thì lập tức xuất hiện một loạt những nguy cơ bất ổn mới : Các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ, nguy cơ "rò rỉ" hạt nhân, buôn lậu ma tuý quốc tế , v.v... Nhưng cuộc chiến tranh ở Nam Tư lần này vẫn là một sự kiện đặc biệt nghiêm trọng. Lần đầu tiên NATO do Mỹ cầm đầu tấn công một nước có chủ quyền và có quan hệ thân thiện với Nga ngay trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước này ở châu Âu. Điều gì đã dẫn đến tình hình khủng hoảng Kosovo như ngày nay? Lý do thực sự nào thúc đẩy NATO tấn công một nước không hề đe dọa an ninh của bất cứ thành viên nào của Liên minh quân sự này? Tác động của chiến tranh này đến tình hình thế giới, tới quan hệ giữa các nước lớn ra sao? Đó là những vấn đề mà bài báo này cố tìm cách lý giải phần nào, trong điều kiện cuộc chiến còn đang tiếp diễn.
Nguyên nhân "khủng hoảng Kosovo".
Nói một khách quan thì trước khi phương Tây can thiệp vào Nam Tư, tình hình ở khu vực Balkan, đặc biệt là ở trên vùng đất Nam Tư cũ, cũng đã căng thẳng. Nguyên nhân đầu tiên của những căng thẳng này là các mâu thuẫn sắc tộc,tôn giáo vốn đã tiềm tàng từ lâu đời nay gặp cơ hội bùng nổ.
Người Nam Sla-vơ, trong đó có người Sec-bi đến bán đảo Balkan vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Trên mảnh đất mà Đế chế Bi-dăn-ti-um cấp cho, người Sec-bi dần xây dựng và mở rộng đất đai và lập nên vương quốc Serbia. Vương quốc này đã có thời cực thịnh vượng ( khoảng đầu thế kỷ XIV) và bao gồm cả Bosnia, Slovenia và Croatia. Kosovo từng là trung tâm của vương quốc này. Cũng chính tại Kosovo vào năm1389 Hoàng tử La-da, thủ lĩnh của Serbia đã ngã xuống trong trận chiến đấu chống đế quốc Ottoman để bảo vệ vương quốc Serbia. Tuy cuộc chiến thất bại, nhưng từ đó Kosovo được coi như cái nôi lịch sử, nơi hội tụ tinh thần dân tộc Serbia. Ottoman cai trị vùng đất của Serbia msng theo cả một sự xáo trộn dân số và tôn giáo. Người An-ba-ni, đạo Hồi cùng theo đó mà thâm nhập vào đây. Trong nhiều thế kỷ sau đó cả vùng đất Balkan bị chia sẻ, giành giật giữa đế quốc Ottoman và Triều Hã-bu-rơ, tiếp đó là đế quốc A'o-Hung. Sự di dân, quá trình đấu tranh đòi độc lập dân tộc xen kẽ với các cuộc chiến tranh triền miên giữa liên minh của từng dân tộc với các đế quốc cai trị chống lại liên minh của dân tộc khác và đế quốc khác là nguyên nhân tồn tại cùng một lúc hai quá trình trái ngược nhau : quá trình phân tách và quá trình đồng hoá dân tộc và tôn giáo. Điều này giải thích cho hiện tượng đa dân tộc, đa tôn giáo và sự bố trí nhiều khi xen kẽ giữa các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác nhau, cũng như những mối hiềm khích giữa các cộng đồng ở Balkan.
Đầu thế kỷ XIX, sau những cuộc nổi dậy của người Serbia, nhà nước Serbia ra đời và liên tục mở rộng đất đai, đặc biệt thông qua các cuộc chiến tranh Balkan. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, với Hoà ước Versailles, Serbia đã trở thành Nam Tư và bao gồm cả Kosovo, Vovoidin, Montenegro, Bosnia, Croatia và Slovenia và như vậy đạt được hai mục tiêu: thống nhất được tất cả người Serbi trong một quốc gia và lập được một liên minh bền vững của các dân tộc Nam Sla-vơ.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai đất nước Nam Tư bị phát xít Đức xâm chiếm và chia cắt (Kosovo lúc đầu bị đưa cho An-ba-ni sau đó bị Italia sát nhập), nhưng kết thúc chiến tranh, lãnh thổ nước này lại được thừa nhận như trong Hoà ước Versailles. Dưới chính quyền của tổng thống Tito, Nam Tư là một nhà nước liên bang gồm sáu nước cộng hoà : Serbia, Slovenia, Croatia, Bosnia, Montenegro, Makedonia và hai khu tự trị : Kosovo và Vovoidin. Với chính sách dân tộc cân bằng và trong bối cảnh chiến tranh lạnh, cộng với tình hình kinh tế Nam Tư còn khả quan, các mâu thuẫn sắc tộc lắng xuống hoặc được giải quyết tương đối êm thấm.
Bước vào những năm 80, kinh tế Nam Tư đi xuống, các căng thẳng trong xã hội tăng lên, trong đó đặc biệt có vấn đề mâu thuẫn dân tộc. Tình hình này đã dẫn đến việc xoá bỏ quyền tự trị của hai tỉnh Vovoidin và Kosovo vào năm 1989 dưới chính quyền của ông Milosevic, đồng thời cũng dẫn đến việc bốn trong số sáu nước cộng hoà của Liên bang tách ra độc lập : Slovenia, Croatia (năm 1991), Bosnia, Makedonia (năm 1992).
Tại Kosovo nơi có 90% là người Albani theo đạo Hồi, 10% người Serbi theo đạo Cơ đốc chính thống, mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo lên cao kể từ khi một chính phủ bí mật của người Albani thành lập tồn tại song song cùng chính phủ liên bang ; và đặc biệt từ khi "ngọn cờ đòi độc lập" của người Albani rơi vào tay của phái Quân đội giải phóng Kosovo chủ trương bạo lực và chính phủ trung ương tăng cường hành động để đối phó với phong trào này.
Cho dù chính sách của ông Milôsêvíc đối với các dân tộc không phải người Serbi, theo phương Tây,có nhiều điểm không công bằng theo quan điểm phương Tây, có nhiều phân biệt đối xử không công bằng đã đẩy các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo vốn có từ lâu đời lên cao điểm nhưng nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài có lẽ không có khủng hoảng bùng nổ và lan rộng như tình hình diễn ra mấy năm nay ở vùng đất Nam Tư cũ..
Sự việc bắt đầu từ việc nước Đức, trên cơ sở quan hệ văn hoá truyền thống gần gũi với miền Tây Nam Tư cũ, và các tính toán khẳng định vai trò ảnh hưởng của mình ở Châu Âu, đã mạnh mẽ ủng hộ Slovenia và Croatia tách ra độc lập - một hành động bất ngờ đối với chính các đồng minh Tây Âu của Đức. Các nước Tây Âu lúc đầu cho rằng nên ủng hộ giải quyết các vấn đề dân tộc của Nam Tư theo tinh thần bảo toàn thống nhất liên bang, tránh một phản ứng lây lan đòi li khai của các cộng đồng sắc tộc khác nhau, tránh tình trạng "Balkan hoá". Nhưng hành động đơn phương của Đức đặt họ vào tình thế "việc đã rồi"; hơn nữa các nước này cũng không muốn để Đức hoàn toàn chi phối chiều hướng phát triển ở khu vực, Tây Âu đã quyết định ủng hộ lập trường của Đức và đứng ra làm người bảo trợ cho các tiến trình tách khỏi liên bang của Slovenia, Croatia, Bosnia. Tuy nhiên ,do thực lực và tiếng nói còn hạn chế nên Tây Âu đã để tuột dần sang cho Mỹ vai trò chi phối các tiến trình này. Sự can thiệp bên ngoài để thúc ép tiến trình phân tách của một dân tộc là chất xúc tác mạnh mẽ cho các cuộc bạo động và khuyến khích các dân tộc khác cũng đòi hỏi được tách ra độc lập tương tự. Sự bùng nổ dây chuyền những đòi hỏi độc lập này đã gây ra một tình trạng căng thẳng leo thang khó kiểm soát nổi bên trong Nam tư, tạo thêm cớ để bên ngoài lợi dụng can thiệp sâu hơn nữa.
Tình hình bùng nổ ở Kosovo chính là diễn biến logic sau khi Slovenia, Croatia, rồi Bosnia giành được độc lập nhờ sự hỗ trợ can thiệp trực tiếp của nước ngoài. Ngươì Albani ở Kosovo rõ ràng cũng muốn theo gương các nước Cộng hoà cũ này của Nam Tư. Cứ theo logic đó thì Kosovo chưa chắc là điểm dừng cuối cùng của cuộc khủng hoảng Nam Tư, bởi vì tại Montenegro (một nước cộng hoà hiện còn nằm trong Liên bang Nam Tư ngày nay), hay ở Makedonia cũng có những cơ cấu và mâu thuẫn sắc tộc phức tạp tương tự như ở Kosovo và Nam Tư.
Động cơ tấn công Nam Tư của các nước NATO
Mỹ và các nước Tây Âu đều nhất loạt tuyên bố tấn công Nam Tư để bảo vệ nhân quyền, chống thanh trừng sắc tộc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thái độ và hành động không nhất quán của họ trong cùng một loại vấn đề "nhân quyền" đối với các đối tượng khác nhau (thí dụ họ không hề phản ứng trong vấn đề người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ), có thể nói : nếu đây không chỉ là cái cớ thì cũng không hẳn là lý do chính.
Đối với Mỹ, khủng hoảng Kosovo xảy ra đúng vào thời điểm Mỹ cho rằng thế và lực của mình đang rất mạnh và Mỹ đang muốn khẳng định vai trò siêu cường duy nhất, nắm quyền bá chủ thế giới. Muốn vậy, nhất thiết và trước hết Mỹ phải nắm được vai trò chủ đạo ở Châu Âu, khu vực "có lợi ích sống còn" đối với Mỹ, nơi vừa tập trung những đồng minh chiến lược đồng thời là các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng lâu dài, vừa có những đối tượng vốn là kẻ thù trong quá khứ và nay cần chinh phục hoặc kìm chế như các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Con đường để Mỹ thực hiện nắm quyền chủ đạo ở châu Âu không còn gì khác hơn là củng cố và mở rộng vai trò của NATO vốn do Mỹ chi phối ; và lý do đưa ra cũng không có gì thuyết phục hơn là để "bảo vệ an ninh châu Âu" và bảo vệ, phổ biến các "giá trị phương Tây".
Củng cố NATO với Mỹ có nghĩa là tăng cường vai trò chi phối của Mỹ đối với các đồng minh Tây Âu, một đồng minh ngày càng ý thức xây dựng sức mạnh toàn diện để cạnh tranh với chính Mỹ - sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu mới đây chính là một biểu hiện điển hình của ý thức này. Để đạt được mục tiêu này thông qua NATO, Mỹ nhất thiết phải chứng minh được sự cần thiết và sức sống của NATO thời hậu chiến tranh lạnh. Vài tháng gần đây Mỹ ra sức thuyết phục các đồng minh NATO tán thành "Khái niệm chiến lược mới" của liên minh này và sẽ đưa khái niệm này ra thông qua vào kỳ họp cấp cao NATO vào ngày 24 và 25/4/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của tổ chức. "Khái niệm chiến lược mới" của Mỹ nhằm biến NATO từ một tổ chức quân sự chính trị khu vực trở thành một tổ chức chính trị quốc tế, bao gồm hai nét chính : thứ nhất, chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động của NATO ra ngoài khu vực các nước thành viên, trên toàn châu Âu, thậm chí toàn cầu "toàn cầu hoá NATO", hay biến NATO thành "sen đầm quốc tế"; thứ hai, thay đổi nguyên tắc hoạt động từ phòng thủ đổi sang tiến công và trao cho tổ chức này một khả năng hoạt động hoàn toàn chủ động, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức hay thiết chế quốc tế nào khác kể cả Liên Hiệp Quốc.
Cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư lần này chính là cơ hội để thử nghiệm toàn diện "Khái niệm chiến lược mới". Tình hình căng thẳng ở Kosovo và Nam Tư hội tụ đủ các yếu tố giúp Mỹ thuyết phục đồng minh : ở đây có thể nêu vấn đề "bảo vệ các giá trị của phương Tây", vấn đề xử lý điểm yếu trong hệ thống an ninh châu Âu là Balkan và Nam Âu.
Củng cố NATO đồng thời cũng có nghĩa là mở rộng khu vực ảnh hưởng của NATO, cũng tức là mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, sang phía Đông. Các hành động trực tiếp can thiệp của tổ chức này vào tiến trình phân tách Nam Tư trước đây cũng như hôm nay đều nhằm bành trướng ảnh hưởng sang khu vực Balkan. Sự kiện tấn công Nam Tư tiếp liền ngay sau việc Hungari, Ba Lan, Séc gia nhập NATO cũng là một cách biểu dương sức mạnh Đông tiến của NATO.
Để nắm vai trò chủ đạo ở châu Âu cũng như trên thế giới, Mỹ không thể không tính đến nhân tố Nga. Mặc dù giờ đây Nga không còn là kẻ thù của Mỹ như trước đây nữa, nhưng tình hình khủng hoảng toàn diện hiện giờ ở đất nước này, cũng như một viễn cảnh về một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong tương lai đã khiến Mỹ thi hành chính sách hai mặt với Nga : vừa lôi kéo Nga thông qua giúp đỡ, viện trợ và cho Nga tham gia hay có vai trò trong một số cơ cấu hợp tác châu Âu ; vừa kiềm chế bằng cách tước bỏ dần các ảnh hưởng của Nga ở lục địa này. Mỹ dùng NATO đánh Nam Tư lần này chính là nhằm kiềm chế Nga. Mỹ và Tây Âu đã chọn thời điểm Nga đang khó khăn nhất để đánh đồng minh Serbia của Nga, gạt ảnh hưởng của Nga khỏi khu vực Balkan. Trên thực tế, Mỹ đã phủ nhận quyền vê-tô của Nga ở Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc bằng việc phớt lờ tổ chức này khi quyết định đánh Nam Tư. Cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư bất chấp sự phản đối của Nga cũng thực tế làm cho Hiệp định đôí tác chiến lược giữa Nga và NATO ký tháng 5 năm 1997 trở nên vô nghĩa.
Cuộc tiến công Nam Tư cũng là cơ hội Mỹ thử nghiệm một số loại vũ khí mới, phương thức quân sự mới của "thời đại thông tin", và kiểm chứng chiến lược quân sự mới đối phó cùng một lúc với hai cuộc chiến tranh cấp vùng (Nam Tư và Irắc).
Đối với các nước Tây Âu trong NATO, rất hiếm khi họ tỏ ra sốt sắng đồng lòng theo Mỹ trong việc tấn công quân sự một nước, đặc biệt lại là một nước nằm ngoài khu vực của Hiệp ước như lần này. Điều này có thể lý giải như sau :
Trước hết cũng như Mỹ, các nước này muốn hạn chế ảnh hưởng của Nga ở Châu Âu, muốn áp đặt các giá trị chung phương Tây.
Tiếp nữa, Tây Âu cũng thấy cần có vai trò, ảnh hưởng trong khu vực liên quan sát sườn đến lợi ích an ninh của chính mình và phải tiếp tục theo đuổi việc tìm giải pháp cho vấn đề Nam Tư mà chính họ là người khai mào. Điều này lại càng có ý nghĩa trong thời điểm mà ở Liên minh Châu Âu đang nổi lên vấn đề xây dựng một chính sách đối ngoại và an ninh chung cho các nước thành viên.
Hơn nữa, thời gian vừa qua nảy ra khá nhiều vấn đề chia rẽ Liên minh Châu Âu như vụ khủng hoảng ở Uỷ ban Châu Âu, vụ tranh cãi về đóng góp ngân sách, chính sách nông nghiệp chung... Cho nên, trong sự kiện Kosovo lần này, các nước Tây Âu đều có thái độ kiềm chế bảo vệ sự thống nhất cộng đồng hơn.
Tìm hiểu lý do Tây Âu tích cực tham gia cùng Mỹ trong NATO đánh Nam Tư không thể không phân tích động cơ của Đức và Pháp. Với Đức, nhận thức chỉ thông qua NATO Đức mới khôi phục được sức mạnh toàn diện của mình. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Đức với cả Mỹ và Tây Âu sẽ làm giảm bớt sự ngờ vực đối với một nước Đức hùng mạnh về kinh tế và muốn có một vai trò chính trị tương xứng. Nhân cuộc khủng hoảng Nam Tư, trong cái vỏ của NATO, Đức đã lần đầu tiên đem quân đội ra nước ngoài mà hầu như không gặp một sự phản ứng nào đáng kể từ bên trong cũng như bên ngoài nước. Đức đóng vai trò tích cực trong vụ "trừng phạt" Nam Tư cũng do Đức chính là nước khơi mào cho sự dính líu của Tây Âu và Mỹ vào cuộc khủng hoảng ở Balkan từ khi đơn phương thúc đẩy sự phân tách độc lập của Slovenia và Croatia. Thêm nữa, lần này Đức lại đang nắm chức chủ tịch Liên minh Châu Âu nên càng muốn tỏ rõ sự chủ động trong lĩnh vực an ninh đối ngoại hiện đang chiếm nhiều chú ý của cộng đồng.
Đối với Pháp, qua vụ Nam Tư, Pháp muốn hai điều. Thứ nhất, khẳng định lại chính sách quay trở lại NATO thực hiện từ 1995 . Với chính sách này Pháp từ bỏ việc đứng tách riêng một mình, đối lại với Mỹ, để cổ vũ xây dựng một bản sắc châu Âu riêng, nhất là trong vấn đề phòng thủ, an ninh. Từ giờ Pháp sẽ vẫn cổ vũ cho điều này nhưng ở ngay trong lòng NATO. Nhận thức này của Pháp càng được tăng cường sau bản tuyên bố chung Anh - Pháp ở Saint - Male (tháng 12 năm ngoái), bản tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên Anh chấp nhận việc xây dựng một cộng đồng phòng thủ mang bảm sác Châu Âu trong lòng NATO. Pháp tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của NATO cũng là vì không muốn để mất đi vai trò giải quyết các công việc châu Âu vào tay Anh và Đức, và cũng để lấy thế mặc cả với Mỹ ngay trong các công việc của liên minh. Hiện nay, Pháp đang đấu tranh rất mạnh để Mỹ trao việc chỉ huy bộ tham mưu miền Nam của NATO cho các nước Nam Âu trong Liên minh, do vậy một sự kiện quân sự của Liên minh ở Nam Âu là cơ hội để Pháp chứng tỏ vai trò tích cực chủ động của mình trong khu vực này.
Một số suy nghĩ về tác động của cuộc khủng hoảng Nam tư đối với tình hình thế giới và quan hệ quốc tế:
Cuộc tấn công của Mỹ và NATO vào Nam Tư còn đang tiếp diễn. Khi một cuộc chiến tranh bùng nổ, leo thang, có rất nhiều yếu tố bất ngờ, thậm chí ngoài logic thông thường có thể nảy sinh, do vậy ở thời điểm hiện nay, khó có thể đưa ra nhận xét toàn diện về tác động của cuộc chiến tranh đối với tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. Với bài báo này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số suy nghĩ ban đầu về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đối với hai vấn đề : xu thế phát triển chung của thế giới; cục diện thế giới nhìn từ góc độ đánh giá thế và lực của Mỹ trong quan hệ với một số nước lớn khác.
Cuộc chiến tranh ở Nam Tư đi ngược lại và làm phương hại nghiêm trọng đến xu thế phát triển hoà bình trên thế giới.
Thứ nhất, với cuộc chiến tranh này, Mỹ và NATO đã thách thức các nước lớn khác bằng việc vượt qua những thoả thuận về cân bằng lực lượng đã hình thành từ chiến tranh thế giới thứ hai (quyền vê tô ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và vai trò của tổ chức này đối với việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới), vượt qua thoả thuận về vai trò và phạm vi hoạt động của NATO ở châu Âu hình thành khi nước Đức tái thống nhất. Một khi các phương thức ổn định cân bằng lực lượng giữa các nước lớn không còn tác dụng nữa thì thế giới không thể không lo ngại về khả năng xuất hiện những đe doạ hành động quyết liệt hơn của nưóc lớn này hay nước lớn khác.
Thứ hai, Mỹ và NATO đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là dùng tổ chức quân sự này tuỳ ý can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Thực ra trước đây Mỹ cũng đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, xâm lược các nước khác. Song can thiệp như trong trường hợp Nam Tư lần này là một điển hình của chính sách dùng vũ lực và "cá lớn nuốt cá bé". Chính sách này khiến cho các nước trên thế giới mà nhất là các nước nhỏ lo ngại và có thể đẩy tới hai chiều hướng : các nước nhỏ tìm đến liên minh với các nước lớn và tạo ra các khối, các khu vực ảnh hưởng khác nhau (vừa qua Nam Tư cũng đã chính thức đề nghị gia nhập liên minh với Nga và Belorusia); và xu hướng "bài phương Tây" chủ yếu là bài Mỹ, thậm chí thông qua các tổ chức và bằng các hình thức cực đoan như khủng bố, có thể tăng lên.
Thứ ba, cuộc chiến tranh ở Nam Tư và việc thử nghiệm vũ khí và các phương tiện, phương thức chiến tranh hiện đại, cùng với các kế hoạch quân sự mới của Mỹ (như kế hoạch nghiên cứu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật mới -TMD )có khả năng khiến nhiều nước khác nghĩ đến việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Từ đây có thể thấy chưa thể loại trừ hoàn toàn việc chạy đua vũ trang, mặc dầu phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của mọi dân tộc. Thực tế trên thế giới dường như phương châm vừa phát triển kinh tế mạnh vừa mua sắm vũ khí hiện đại vẫn còn chi phối chính sách của một số nước, và nhìn chung việc cân đối giữa mục tiêu phát triển kinh tế và các mục tiêu bảo vệ quốc phòng vẫn là xu hướng theo đuổi của hầu hết các nước.
Cuộc chiến tranh ở Nam Tư hiện nay đang làm tổn hại đến xu hướng phát triển hoà bình trên thế giới, tuy nhiên cũng chưa thể nói được rằng xu thế này giờ đây đã bị đảo ngược. Có nhiều lý do để phản bác điều đó, ví dụ như mức độ phụ thuộc lẫn nhau rất lớn của nền kinh tế thế giới, như mức độ huỷ diệt của vũ khí hạt nhân...đặc biệt là sự tồn tại của nhiều nhân tố, lực lượng cản trở sự bá quyền của Mỹ mà chúng ta sẽ xem xét thêm trong phần phân tích tác động của cuộc chiến tranh tới cục diện thế giới sau đây.
Cuộc chiến tranh Nam tư làm cho xu hướng đa cực hoá lại tăng lên để đối phó với vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ. Thực tế sức mạnh của Mỹ đúng là hiện đang vượt trội lên so với các nước lớn khác về kinh tế cũng như về quân sự. Mỹ có khả năng thao túng trên khá nhiều vấn đề quốc tế, nhất là ở các khu vực chiến lược trọng yếu của Mỹ như châu Âu và Trung Cận Đông. Nam tư là một bằng chứng cho thấy, nếu nơi nào hội tụ những điều kiện tương tự, Mỹ cũng không ngại ngần can thiệp bằng quân sự. Việc NATO vừa mới chính thức thông qua chiến lược mới chuyển tính chất từ phòng thủ sang tấn công, mở rộng khu vực hoạt động ra ngoài phạm vi các nước thành viên và khẳng định tiếp tục mở rộng sang phía Đông càng củng cố thêm ưu thế của Mỹ trong việc nắm vai trò chủ đạo trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, cũng chính những điều kiện hội tụ khiến Mỹ và NATO đánh Nam Tư, diễn biến của cuộc chiến tranh cũng như các mối quan hệ xung quanh nó (giữa Mỹ và đồng minh của mình, giữa Mỹ và các nước lớn khác như Nga) lại làm bộc lộ những giới hạn về thế và lực của Mỹ, cho thấy không phải Mỹ muốn làm bất cứ điều gì cũng được và thế giới cũng không phải đơn cực như Mỹ muốn.
Trước hết, về khả năng làm "sen đầm" thao túng tình hình thế giới ở mọi nơi của Mỹ, cái cớ để Mỹ can thiệp không thiếu gì : có thể là để "bảo vệ nhân quyền", chống thanh trừng sắc tộc như ở Nam Tư, Kosovo; có thể nhằm chống ma tuý như ở Pa-na-ma; là để bảo vệ Mỹ kiều như ở Hai-i-ti; hay chống xâm lược, độc tài như ở Irắc...Tuy nhiên dù có mạnh về kinh tế đến đâu Mỹ cũng không thể rải quân ra toàn cầu được, và sự hỗ trợ, chia sẻ trách nhiệm với đồng minh vẫn là điều Mỹ cần. Thực tế cho đến nay, những địa điểm Mỹ đơn độc can thiệp quân sự đều thuộc khu vực trọng yếu nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. ở các nơi khác, Mỹ đều cần có sự ủng hộ của đồng minh hoặc cùng các nước khác hành động với sự uỷ quyền của Liên Hợp Quốc. ở Nam Tư đồng minh Tây Au dễ dàng đồng ý can thiệp cùng Mỹ vì đây là vùng sườn phía Nam của họ, thậm chí nằm lọt trong khu vực giữa bốn nước thành viên của NATO : Italia, Hy lạp, Thổ Nhĩ kỳ, Hung-ga-ri. Nhưng ngay trong khi can thiệp như vậy các nước Tây Âu đã lo xa mà tuyên bố với Mỹ rằng Nam Tư không phải là tiền lệ để NATO áp dụng trong mọi trường hợp, trên phạm vi toàn thế giới. Dưới sức ép của các nước Tây Âu, trong cuộc họp cấp cao NATO mới đây Mỹ đã phải nhượng bộ rằng mặc dù phạm vi hoạt động của tổ chức này được mở rộng, song không có nghĩa là bao phủ toàn thế giới mà chỉ giới hạn trong khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Hơn thế nữa, các nước Tây Âu mà đứng đầu là Pháp cũng đã buộc được Mỹ thông qua tuyên bố coi trọng quyền lực và vai trò hàng đầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà bình thế giới. Cam kết trên tuy không có sức mạnh thực tế buộc Mỹ từ bỏ được các ý đồ can thiệp của mình, nhưng cũng là một lời cảnh báo rộng, nếu lặp lại những gì đã làm như ở Nam Tư Mỹ sẽ có thể vấp phải thái độ cứng rắn hơn của dư luận cộng đồng quốc tế, thậm chí của cả đồng minh. Và từ nay, việc can thiệp quân sự của NATO ở khu vực châu Âu cũng sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể, chứ không phải cứ tự động theo tiền lệ Nam Tư như Mỹ muốn. Cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũng chỉ ra một điều rằng ngay ở châu Âu, với NATO hùng mạnh mà Mỹ và phương Tây cũng không dễ gì khuất phục được đối phương, thì ở các nơi khác trên thế giới, với những liên minh quân sự yếu hơn, can thiệp sẽ còn mạo hiểm hơn.
Cuộc chiến tranh Nam Tư một mặt cho thấy vai trò bảo trợ của Mỹ còn hết sức quan trọng đối với các đồng minh Tây Âu trong các vấn đề an ninh ở lục địa này, và liên minh giữa hai bên về lâu dài sẽ còn là một nhân tố chính trong bàn cờ chính trị ở châu Âu và trên thế giới. Nhưng mặt khác, cuộc chiến tranh này cũng làm bộc lộ rõ những mâu thuẫn giữa hai bên và thúc đẩy thêm ý thức độc lập hơn của Tây Âu.
Cuộc chiến tranh lúc ban đầu diễn ra có vẻ như trong sự nhất trí cao độ giữa Mỹ và Tây Âu, song càng vể sau càng có nhiều bất đồng nảy sinh. Ngoài Hy Lạp là nước thành viên NATO ngay từ đầu đã phản đối cuộc tấn công của tổ chức này vào Nam Tư, hiện nay Italia, đất nước trong cuộc chiến này đang là căn cứ chủ yếu xuất phát của lực lượng NATO cũng đã bày tỏ mong muốn các hành động quân sự nhanh chóng chấm dứt để đi vào giải quyết bằng đàm phán. Các nước Tây Âu, Mỹ cũng có những lập trường khác nhau trong nhiều vấn đề liên quan đến chiến tranh, như vấn đề tính chất đội quân sẽ vào Kosovo, người tị nạn, vấn đề vai trò Liên Hiệp Quốc và Nga....Dường như cuộc chiến càng kéo dài, lòng tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ ở các nước đồng minh càng suy giảm, và việc coi giải pháp quân sự do một mình NATO tiến hành là giải pháp duy nhất đúng ngày càng bị xem xét lại.Đề nghị mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, mà đứng đằng sau là các nước Liên minh châu Âu, mới đây đưa ra để chấm dứt cuộc không kích ở Nam Tư đã coi trọng hơn vai trò của Nga và Liên Hiệp Quốc trong một giải pháp cho vấn đề Kosovo và đã thay điều kiện sự có mặt của quân đội NATO ở nơi này bằng sự có mặt của một "đội quân quốc tế". Những ý kiến này cũng được Tây Âu khẳng định lại ngay trong hội nghị cấp cao của NATO vừa qua và Mỹ cũng đã phải nhượng bộ. Cũng chính trong hội nghị này, Tây Âu cũng lợi dụng triệt để việc Mỹ cần sự ủng hộ của đồng minh trong cuộc chiến tranh Nam Tư và các vấn đề an ninh nói chung để đòi lại Mỹ phải công nhận vai trò của một tổ chức quân sự chỉ mang tính chất châu Âu, nằm trong NATO, nhưng có những quyền hạn hoạt động độc lập nhất định với NATO - một cố gắng của Tây Âu nhằm thoát dần ảnh hưởng của Mỹ về lâu dài.
Đối với quan hệ Mỹ-Nga, cuộc chiến tranh Nam Tư là một cái mốc quan trọng đánh dấu một giai doạn phát triển mới, không còn thuận buồm xuôi gió giữa hai bên.
Quyết định dùng NATO tấn công Nam Tư, Mỹ và đồng minh đã lợi dụng thời điểm Nga đang khó khăn về mọi mặt để "qua mặt Nga". Hành động bỏ qua Liên Hiệp Quốc vào lúc ban đầu cuộc chiến là sự thách thức trực tiếp đối với Nga. Tuy nhiên, nếu so sánh sự kiện này với việc Mỹ đã từng trung lập được thái độ của các nước lớn khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến tranh vùng vịnh, thì đây lại là một bước thụt lùi về thế của Mỹ : Mỹ "phớt lờ" được Liên Hiệp Quốc chứ không thao túng được tổ chức này. Giai đoạn mà Mỹ ở một chừng mực nào đó khống chế được nước Nga phải chăng đã qua rồi. Trên thực tế ngay trong khi quyết định đánh Nam Tư, Mỹ đã lo phản ứng của Nga. Sự mềm dẻo của Mỹ với Nga trong vấn đề các khoản vay IMF của nước này cũng là nhằm xoa dịu phần nào thái độ của Nga. Hơn thế nữa, hiện nay khi mà cuộc không kích của NATO chưa thấy mang lại một kết quả nhanh chóng rõ rệt như Mỹ và đồng minh mong muốn, Mỹ và Tây Âu đang có xu hướng chấp nhận một vai trò nhất định của Nga trong giải pháp cho Nam Tư và Kosovo. Dù sao đi chăng nữa cuộc khủng hoảng Kosovo lần này cũng cho thấy rõ một điều rằng quan hệ Mỹ-Nga đã qua thời kỳ êm ả . Mặc dù cho đến giờ trên lời nói Nga phản đối rất mạnh mẽ cuộc tấn công của NATO, nhưng trong hành động vẫn rất kìm chế. Điều này cũng là hợp lý trong tình hình kinh tế xã hội Nga còn rât khó khăn, và cũng là một sự kìm chế có lợi cho hoà bình quốc tế. Tuy vậy, những phản ứng của Nga như việc đưa tàu quân sự vào quan sát ở vùng biển Adriatic, những tuyên bố mạnh mẽ của các nguyên thủ và chính khách nước này, sự xiết lại mối quan hệ giữa Nga và Belorusia, việc chú ý tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Â'n độ cũng thể hiện rõ ràng quyết tâm củng cố lại vai trò và vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới, không để Mỹ tha hồ chi phối tình hình quốc tế. Những phản ứng vừa qua của Nga tuy chưa đến mức gây đối đầu trực tiếp với Mỹ và Tây Âu, chưa thể gây ra chiến tranh lạnh mới, nhưng là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với các ý đồ định tiến sâu hơn nữa vào vùng Nga cho là khu vực an ninh ảnh hưởng trực tiếp của Nga. Đây cũng chính là một trở ngại không dễ gì vượt qua đối với việc thực hiện vai trò "sen đầm" của NATO và Mỹ.
Việc Mỹ và NATO tấn công Nam Tư cũng đã gây ra phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Tuy Thủ tướng Chu Dung Cơ vẫn đi Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ làm cho Trung Quốc trong lúc cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ đề cao cảnh giác hơn thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc xung quanh các vấn đề bất đồng giữa hai nước, nhất là vấn đề Đài Loan.
Cho đến giờ, không ai đoán chắc được kết cục của cuộc "khủng hoảng Kosovo". Không loại trừ khả năng quân NATO đổ bộ vào Kosovo, mặc dù có nhiều biểu hiện cho thấy kế hoạch này gặp nhiều trở ngại to lớn , những điều mà chắc chắn Mỹ và Tây Âu phải cân nhắc. Tuy nhiên có thể thấy cái giá phải trả cho một cuộc can thiệp như vậy là rất lớn, đặc biệt là về chính trị, đó là chưa nói đến tổn thất về người và tiền của của Mỹ và NATO; Cái giá phải trả cho một nền độc lập thông qua "cưỡng chế" cũng là vô cùng đắt và kết quả cũng rất bấp bênh - đây là bài học thực tế rút ra từ sau hiệp đinh Đây-tơn (1995) ở Bôx-nia Héc-xê-gô-vi-na... Hơn nữa, người ta cũng đang chứng kiến một cuộc vận động ngoại giao ráo riết mà trong đó dường như các nưóc lớn đã có cố gắng hợp tác hơn để tìm giải pháp hoà bình. Đó là con đường mà mọi dân tộc đều mong muốn kể cả nhân dân Mỹ và NATO.
Tài liệu tham khảo :
1.Clissold, Stephen (chủ biên), A Short History of Yugoslavia, Cambridge University Press, 1966
2.Zarka, Jean-Claude, "L'OTAN"- Que sais-je ? Presses Universitaire de France, 1997.
3.Gnesotto, Nicole, "La défense européenne au carrefour de la Bosnie et de la CIG", Politique étrangère, IFRI, 1/1996, tr. 113.
4.Maull, Hanns W., "Germany in the Yugoslav Crisis", Survival, t. 37, No 4, Đông 1995-1996, tr. 99.
5."Bosnia's bitter peace", The Economist, 25/11/1995, tr. 11.
6."Peace at last, at least for now". The Economist, 25/11/1995, tr.19.
7.Các báo Pháp: Le Monde, Le Nouvel Obsevateur các số từ 19/3/1999 đến 20/4/1999. Le Monde diplomatique các số từ tháng 5/1998 đến 3/1999.
Copyright © Diplomatic Academy of Vietnam

1 nhận xét:

  1. Bức hình được trích ra từ một video đoàn báo chí phương tây phỏng vấn đoàn người lánh nạn vì NATO không kích. Người được phỏng vấn trong video liên tục khẳng định sẽ trở về nhà sau khi tình hình yên ổn trở lại và không có gì khó khăn. Người đàn ông cởi trần nhìn ốm yếu ban đầu đứng mãi ở hàng sau, phóng viên gọi tới và muốn kéo sang bên này hàng rào. Anh ta tới trước hàng rào, nói vài câu rồi mặc chiếc áo cộc tay cầm ở tay phải lên người, chui qua hàng rào sang chỗ các phóng viên đứng.

    Và tấm hình được NATO, đặc biệt là Mỹ sử dụng cho việc tuyên truyền cho sự tồn tại của trại tập trung ở Kosovo nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người dân cho cuộc chiến tranh phi nghĩa, truyền thông của Mỹ đã sử dụng nó để tuyên truyền với người dân Mỹ về điều đó với hiệu quả vô cùng lớn: http://2.bp.blogspot.com/-MLiXsvIeQls/VWGkwNOXtJI/AAAAAAAAA74/DcHI3DscBTQ/s320/TimeMagazin.jpg

    http://karelphung.blogspot.de/2015/05/mot-nua-su-that-khac-ve-trai-tap-trung.html

    Phim tài liệu dài 43 phút được phát trên kênh ARD - kênh truyền hình nhà nước Đức - đưa ra những bằng chứng, hình ảnh và lời thú nhận các quan chức về sự dối trá của NATO cũng như chính quyền Đức cho cuộc chiến chống phá liên bang Nam Tư vào năm 1999. Phụ đề tiếng Việt https://youtu.be/ynhvt_tZ1OE

    Trả lờiXóa