Khoằm
29 tháng 10 2010
27 tháng 10 2010
25 tháng 10 2010
Chiến tranh Giải phóng Việt Nam: I-si-ca-oa Bu-ny-ô - Phần XXXI
Vì là hình sưu tầm lại nên không còn số trang để gép vào cho đúng chỗ, các bạn thông cảm.
Topic này sẽ dành để bổ xung hình ảnh từ cuốn sách, có thể có cả bản in khác nữa!
Bổ sung ảnh chụp cuốn sách, bản tiếng Nhật
Chiến tranh Giải phóng Việt Nam: I-si-ca-oa Bu-ny-ô - Phần XXX
Đây là cuốn sách ảnh "Chiến tranh Giải phóng Việt Nam" của I-si-ca-oa Bu-ny-ô (Ishikawa Bunyo - The war of the liberation of Vietnam) xuất bản tại Nhật.
Cuốn sách này sẽ được trình bày theo đúng trình tự của nó.
Khổ ảnh: Chiều ngang tối đa 1600 pixel
Người sưu tầm tài liệu: Lonesome@ttvnol.com Cám ơn chú em NguyenQuangHuy_Korea đã săn được cuốn này và tặng anh (Lonesome) từ 2003
Cám ơn bác tuaans Dienthai@ttvnol.com đã dày công ngồi scan hết hơn 400 trang của cuốn Album này.
Chỉnh sửa: Excocet@ttvnol.com
Như vậy là cuốn sách này đã hết, một lần nữa xin chân thành cảm ơn NguyenQuangHuyKỏea đã tìm được cuốn này, bác Lonesome giữ mấy năm mà không phổ biến được,bác Dienthai đã scan sách này, cảm ơn Excocet đưa lên mạng và cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Di chúc Lenin - một bài báo đặc biệt của Trotsky
Trong số 6 nhân vật được nhắc tên trong Di chúc - Stalin, Trotsky, Zinovyev, Kamenev, Bukharin, Pyatakov nên ủy ban quyết định không công bố công khai. Ủy ban Trung ương cho rằng di chúc là hậu quả của tình trạng tâm thần bất ổn của Lenin trong những năm cuối đời, và vì thế, những lời phán xét cuối cùng của ông không đáng tin cậy. Việc không đếm xỉa tới những ý kiến của Lenin sau này được cho là một sai lầm nghiêm trọng.
Sau khi nắm quyền lãnh đạo sau đại hội, Stalin đã trục xuất Trotsky khỏi Nga và sau đó ông bị ám sát, 4 người còn lại lần lượt bị Stalin hãm hại, bị kết án “tổ chức chống phá nhà nước Xô-viết”, “kẻ thù nhân dân” và bị xử bắn.
THƯ GỬI ĐẠI HỘI
23-12-1922
Theo tôi trong kì đại hội này nên tiến hành một loạt thay đổi trong chế độ chính trị của đảng ta.
Tôi muốn chia sẻ với các đồng chí những dự định tôi cho là quan trọng nhất.
Điều đầu tiên, tôi đặt vấn đề tăng số lượng ủy viên BCHTW lên vài chục cho đến một trăm. Tôi nghĩ BCHTW đang đứng trước hiểm họa to lớn trong trường hợp diễn biến sự kiện xảy ra không có lợi cho ta (ta chưa thể lường trước việc này), - nếu như chúng ta không áp dụng cải cách này.
Tiếp theo, tôi đề nghị đại hội lưu ý đến đặc trưng pháp lí của nghị quyết Ủy ban kế hoạch nhà nước, trong những điều kiện nhất định; vấn đề này liên quan trực tiếp đến đồng chí Trotsky, đến một mức độ nào đó trong những điều kiện nhất định.
Liên quan đến điểm đầu tiên, tức là vấn đề tăng số lượng ủy viên BCHTW, tôi nghĩ việc này thật sự cần thiết để nâng cao uy tín của BCHTW, và quan trọng để hoàn thiện bộ máy nhà nước của ta, hầu ngăn chặn xung đột của một bộ phận nhỏ trong BCHTW có thể gây nên hậu quả lớn, có hại cho số phận của đảng ta.
Theo tôi, đảng ta có quyền đòi hỏi từ giai cấp công nhân 50-100 ủy viên BCHTW và có thể đạt được mà không phải cố gắng quá sức.
Cải cách này tăng cường đáng kể sự vững mạnh của đảng và làm giảm bớt áp lực của cuộc đấu tranh giữa các nước thù địch, mà theo tôi có thể và chắc chắn sẽ gay go khốc liệt hơn trong những năm tới. Tôi nghĩ sự ổn định của đảng ta nhờ biện pháp này sẽ tăng lên cả ngàn lần.
24-12-1922
Vì sự ổn định của BCHTW, như tôi đã nói ở trên, tôi nhận thức được những biện pháp ngăn chặn sự chia rẽ, trong một chừng mực nào đó, những biện pháp này có thể được thực hiện. Vì lẽ, tất nhiên, tên bạch vệ trong tạp chí “Tư tưởng Nga” (hình như là S.S. Oldenburg) đã có lí, một là, khi đặt vấn đề về sự chia rẽ của đảng ta, trên quan điểm chống lại nước Nga Xô-viết của chúng, hai là, đặt vấn đề về mâu thuẫn nghiêm trọng trong nội bộ đảng đối với sự chia rẽ đó.
Đảng ta dựa trên hai giai cấp và vì thế, tình trạng mất ổn định có thể xảy ra và sự sụp đổ cũng không tránh khỏi, nếu giữa hai giai cấp này không thể đạt được một sự đồng thuận. Trong trường hợp đó, thực hiện biện pháp này hay biện pháp khác, nói chung, bàn về sự bền vững của BCHTW là một việc vô ích. Không biện pháp nào trong trường hợp này có thể ngăn chặn được sự chia rẽ. Nhưng tôi hi vọng đó còn là một tương lai rất xa và là một biến cố có xác suất rất nhỏ để chúng ta phải bàn luận trong lúc này.
Tôi nói đến sự bền vững, đảm bảo không xảy ra chia rẽ trong một tương lai gần và tôi có ý định xem xét ở đây một loạt dự định có tính cách hoàn toàn cá nhân.
Tôi nghĩ rằng vấn đề chính yếu của sự ổn định từ quan điểm này là các ủy viên BCHTW, như Stalin và Trotsky. Theo tôi, quan hệ giữa hai người chiếm hơn một nửa hiểm họa chia rẽ, có thể tránh khỏi và để tránh được nó, theo ý kiến tôi, chỉ bằng cách tăng số ủy viên BCHTW lên 50 hoặc 100 người.
Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này. Mặt khác, đồng chí Trotsky, được chứng tỏ qua việc chống lại BCHTW về vấn đề Bộ dân ủy giao thông, không chỉ nổi bật về khả năng xuất chúng mà thôi. Về phương diện cá nhân, có lẽ Trotsky là người có năng lực nhất trong BCHTW hiện nay, nhưng lại tự tin quá mức và hay bị lôi cuốn bởi khía cạnh hành chính thuần túy của công việc.
Những phẩm chất ấy của hai nhà lãnh đạo xuất sắc của BCHTW hiện nay có thể vô tình dẫn tới sự chia rẽ, và nếu đảng ta không thực hiện những biện pháp đề phòng, sự chia rẽ ấy có thể bùng nổ bất ngờ.
Tôi miễn nêu tính cách những ủy viên BCHTW khác theo phẩm chất cá nhân của họ. Tôi chỉ lưu ý, biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev, tất nhiên, không phải là tình cờ, nhưng không thể quy đó là lỗi lầm cá nhân của họ, cũng như không thể quy cho Trotsky không phải là bôn-sê-vích.
Trong số những ủy viên BCHTW trẻ tuổi, tôi muốn có vài lời về Bukharin và Pyatakov. Theo ý tôi, họ là những lực lượng xuất sắc nhất (trong số lực lượng trẻ) và đối với họ, cần chú ý như sau: Bukharin chẳng những là lí thuyết gia quý báu nhất và cứng cáp nhất của đảng, mà còn có quyền được xem như con cưng của toàn đảng, tuy nhiên, khó mà chắc chắn được những quan điểm lí luận của đồng chí có thể được coi là hoàn toàn Mac-xit, bởi có gì kinh viện giáo điều trong đó (đồng chí chưa bao giờ học hỏi, và theo tôi, chưa bao giờ thông hiểu toàn bộ biện chứng pháp).
25-12-1922
Về Pyatakov, không nghi ngờ gì, là người có ý chí sắt đá và khả năng xuất chúng, nhưng lại quá thiên về quản lí hành chính và khía cạnh hành chính của công việc, thành thử không thể dựa vào đồng chí trong những vấn đề chính trị quan trọng.
Dĩ nhiên, những nhận định này khác của tôi chỉ có giá trị trong giai đoạn hiện tại, giả sử như hai cán bộ xuất sắc và trung thành này không có dịp bồi dưỡng thêm kiến thức và thay đổi quan điểm phiến diện của mình.
Bổ sung thư ngày 24-12-1922
4-1-1923
Stalin là người quá thô lỗ và nhược điểm này hoàn toàn có thể chịu đựng được trong quan hệ giữa chúng ta, những người cộng sản, song không thể chấp nhận được trên cương vị tổng bí thư đảng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít thất thường hơn v.v... Tình huống này có thể là không đáng kể. Tuy nhiên, tôi nghĩ, trên quan điểm ngăn ngừa sự chia rẽ như những gì tôi trình bày ở trên về quan hệ giữa Stalin và Trotsky, thì điều này hoàn toàn không hề nhỏ nhặt, bằng không, đó là sự nhỏ nhặt có thể mang một ý nghĩa quyết định.
Ghi chép tiếp theo
26-12-1922
Việc tăng số lượng ủy viên BCHTW lên đến 50 hoặc thậm chí 100 người, theo tôi, phải phục vụ cho hai mục đích hoặc thậm chí ba mục đích, càng nhiều ủy viên BCHTW, càng phải tăng cường việc bồi dưỡng công tác cho các ủy viên và càng giảm nguy cơ chia rẽ do sự bất cẩn nào đó. Việc lôi kéo nhiều công nhân vào BCHTW sẽ giúp công nhân hoàn thiện bộ máy nhà nước của ta, hiện đang rất non kém. Bộ máy của chúng ta, về bản chất, được thừa kế từ chế độ cũ, vì lẽ hoàn toàn không thể cải tạo nó trong một thời gian ngắn, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh, nạn đói xảy ra, v.v.... Vì vậy, đối với những búa rìu “phê bình”, với sự mỉa mai hay ác cảm, đang chỉa mũi dùi vào những yếu kém của bộ máy chúng ta, có thể bình tĩnh trả lời rằng những người này hoàn toàn không hiểu gì về điều kiện cách mạng hiện đại. Nói chung không thể nào đủ thời gian trong vòng 5 năm cải tạo lại bộ máy nhà nước, đặc biệt trong những điều kiện như cuộc cách mạng xảy ra ở ta. Sẽ đủ thời gian nếu như trong vòng 5 năm chúng ta thiết lập được nhà nước kiểu mới, trong đó công nhân tiên phong cùng nông dân chống lại tư sản, và trong tình trạng tồn tại hận thù giữa các dân tộc thì vấn đề này là một công cuộc vô cùng to lớn. Tuy nhiên chúng ta không bao giờ được phép lơi lỏng nhận thức về vấn đề này, là về bản chất, chúng ta giành lại bộ máy từ tay phong kiến và tư sản và giờ đây bắt đầu thời kì hòa bìnhvà đảm bảo nhu cầu tối thiểu do nạn đói tất cả nhiệm vụ phải tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy.
Tôi hình dung sự việc theo khía cạnh này, vài chục công nhân tham gia vào thành phần BCHTW có thể tốt hơn bất kì một ai khác đảm trách nhiệm vụ kiểm tra, hoàn thiện, và tái lập bộ máy nhà nước ta. Chức năng này đầu tiên thuộc về Ban thanh tra nhà nước công nông, mà hầu như không đảm đương nổi nhiệm vụ và có lẽ sẽ được sử dụng như “cánh tay phụ” hoặc người trợ giúp, trong những điều kiện nhất định, cho những ủy viên BCHTW. Những công nhân tham gia vào thành phần BCHTW, theo ý tôi, phải được ưu tiên không phải từ những người đã kinh qua quá trình phục vụ lâu dài trong nhà nước Xô-viết (thành phần công nhân trong thư này bao gồm cả nông dân), bởi vì trong con người họ đã hình thành những truyền thống nhất định, những thành kiến nhất định cần phải đấu tranh để khắc phục.
Những công nhân từ tầng lớp thấp, thuộc tầng lớp công nhân tiên phong và nông dân, trực tiếp hay gián tiếp, không nằm trong hàng ngũ giai cấp bóc lột, phải được ưu tiên tham gia vào thành phần ủy viên BCHTW, để rồi sau 5 năm họ được đưa vào đội ngũ những người phục vụ nhà nước Xô-viết. Tôi nghĩ, những công nhân ấy, hiện diện tại tất cả các phiên họp của BCHTW, các phiên họp của Bộ Chính trị, nghiên cứu các văn kiện của BCHTW, có thể lập ra bộ khung gồm những đồng sự trung thành với chế độ Xô-viết, một là, có khả năng tạo sự ổn định cho chính BCHTW; hai là, có khả năng thực sự thực hiện đổi mới và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc Lenin" được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Từ thời điểm bị trục xuất khỏi Liên Sô vào tháng 2-1929, Trotsky đúng là chưa hề buông bút, tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại Stalin, người đã ra lệnh trục xuất ông. Ông xuất bản tạp chí, sách, bài đăng báo, tuyên bố, trả lời phỏng vấn, trao đổi thư từ với cộng sự tại nhiều nước trên thế giới.
Bài báo "Di chúc Lenin" cũng không ngoài thể loại quen thuộc của ông là bút chiến chính trị. Tuy nhiên nội dung bài báo không gói gọn trong di chúc Lenin. "Di chúc" mà Trotsky quyết định hồi tưởng sau 10 năm kể từ khi Lenin viết nó, chỉ là cái cớ kế tiếp để tiếp tục cuộc chiến chống lại Stalin. Vì vậy tựa đề của bài báo, trong chừng mực nhất định, chỉ là một phần nội dung của nó.
Từ ngày đầu của cuộc chiến đấu giành quyền lực giữa Trotsky và các phe nhóm khác của Bộ Chính trị, trong đó luôn có Stalin, Trotsky viện dẫn đến Lenin, mặc dù đã qua đời, nhưng được tất cả các phe nhóm đối thủ tôn sùng như một biểu tượng của chủ nghĩa bôn-sê-vich chân chính. Trotsky trung thực trong vấn đề này. Ông hoàn toàn không kém cơ sở hơn Stalin để cho rằng mình là người kế tục thứ nhất của sự nghiệp Lenin.
Vào những tháng cuối đời, Lenin thực sự đã "tha thứ" cho Trotsky về việc xa rời chủ nghĩa Lenin và thẳng thắn đề nghị Trotsky liên kết để chống lại Stalin, người có mối quan hệ xấu đi rất nhiều trong thời gian Lenin bị bệnh. Tuy nhiên, chính vào năm 1923 Lenin khi đó sắp qua đời đứng về phe Trotsky, Stalin đối phó bằng cách củng cố vị trí của mình trong bộ máy của đảng. Cuối cùng Trotsky đã bị đánh bại.
Trong quãng thời gian còn lại của đời mình, Trotsky luôn chứng minh cho tất cả mọi người, bất cứ lúc nào có thể, Stalin không phải là người theo chủ nghĩa Lenin chân chính, mà chính là ông - Trotsky. Không thể bác bỏ sự đúng đắn của ông trong tuyên bố này, tuy nhiên chỉ đúng một nửa: Stalin cũng là người bôn-sê-vich kế tục ở mức độ không kém Trotsky. Họ là những người kế tục theo những cách khác nhau: Trotsky dựa trên giáo điều, lí thuyết cách mạng, còn Stalin dựa trên thực lực và quyền lực...
Bài báo "Di chúc Lenin" của Trotsky gồm 11 tiểu mục:
- Trường phái tâm lí thuần túy
- "Sáu từ"
- Quan hệ giữa Stalin và Trotsky
- Thái độ của Lenin đối với Stalin
- Sverdlov và Stalin - những hình mẫu của nhà tổ chức
- Bệnh tình của Lenin
- Mâu thuẫn giữa Lenin và Stalin
- Nửa năm đấu đá khốc liệt
- Giả thiết "hai lãnh đạo" (duumviratus)
- Radek - nhân chứng gốc
- Huyền thoại về "chủ nghĩa Trotsky"
Di chúc Lenin
Trường phái tâm lí thuần túy
Thời kì hậu chiến đã phổ biến lối viết tiểu sử nhân vật theo kiểu phân tâm học mà những tác giả thể loại này thường hoàn toàn lí giải từ xã hội. Sự trừu tượng của cá nhân hóa ra là động lực cơ bản của lịch sử. Sự nghiệp của một "động vật chính trị", như Aristotle (1) đã định nghĩa con người một cách thiên tài, bao gồm những ham muốn và bản năng cá nhân.
Những từ ngữ về một cá nhân trừu tượng có thể được thể hiện bằng sự phi lí. Phải chăng sức mạnh vượt lên trên cá nhân của lịch sử không phải là trừu tượng trong thực tế? Và điều gì có thể cụ thể hơn một con người sống? Tuy nhiên, chúng ta cứ nằng nặc theo í mình. Nếu như gột sạch một cá nhân, kể cả xuất chúng nhất, khỏi cái nội hàm đem lại cho nó bởi môi trường, dân tộc, thời đại, giai cấp, phe nhóm, gia đình, thì nó chỉ còn là một cái máy tự động trống rỗng, một con rô bốt tâm-vật-lí, một đối tượng của khoa học tự nhiên chứ không phải khoa học xã hội và nhân văn.
Những nguyên nhân tách rời khỏi lịch sử và xã hội, bao giờ cũng thế, cần phải tìm kiếm trong lịch sử và xã hội. Hai thập kỉ chiến tranh, cách mạng và khủng hoảng đã bào mòn mạnh mẽ cá nhân con người tự chủ. Điều gì muốn đạt được í nghĩa trong cán cân lịch sử hiện đại phải được đo bằng con số không ít hơn 7 chữ số. Cá nhân bị xúc phạm sẽ tìm cách phục hận.
Không biết nó xoay xở nổi với cái xã hội được tháo dây cương như thế nào, song nó quay lưng lại với xã hội. Không đủ năng lực diễn giải bản thân qua quá trình lịch sử, nó toan diễn giải lịch sử từ bên trong bản thân.
Đó là cách những triết gia Ấn Độ đã xây dựng những hệ thống toàn năng trong khi quán tưởng vào đan điền (2) của mình.
Ảnh hưởng của Freud (3) lên tân trường phái viết tiểu sử không có gì phải bàn cãi, nhưng chỉ mang tính bề mặt. Về bản chất, những nhà tâm lí học sa-lông có khuynh hướng thiên về thiếu trách nhiệm một cách hư cấu. Họ sử dụng không hẳn phương pháp của Freud mà là nhiều thuật ngữ của Freud, không hẳn cho mục đích phân tích mà là để tô điểm văn chương.
Trong những tác phẩm gần đây nhất của mình, Emil Ludwig (4), một đại diện nổi tiếng nhất của thể loại này, đã tiến một bước mới trên con đường đã chọn: nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của nhân vật mà ông phỏng vấn. Bằng những câu trả lời của chính khách cho những câu hỏi ông đặt ra, bằng sự nhấn nhá và điệu bộ của mình, nhà văn mở ra sự khêu gợi thực sự. Cuộc trò chuyện hầu như trở thành lời xưng tội.
Về mặt kĩ thuật, cách tiếp cận của Ludwig với nhân vật tương tự như Freud với bệnh nhân: chuyện là làm thế nào để bóc trần cá nhân đó với sự hợp tác của chính nó. Tuy nhiên, trong cái vẻ giống nhau ở bề ngoài, về mặt bản chất thì khác nhau xa! Thành quả công trình của Freud đạt được bằng giá trị sự đoạn tuyệt của nhân vật với mọi ước lệ. Nhà phân tâm học vĩ đại thẳng tay không thương xót. Trong công việc ông giống như nhà phẫu thuật, thậm chí như một anh hàng thịt với tay áo xăn lên. Gì thì gì, chứ trong kĩ thuật của ông không hề có chút xã giao, dù chỉ một phần trăm. Uy tín, phong thái đĩnh đạc, vẻ giả dối và hào nhoáng của bệnh nhân là những điều Freud ít quan tâm hơn cả. Chính vì thế ông có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện của mình không thể nào khác hơn là câu chuyện rất riêng tư, không có thư kí và tốc kí, đằng sau cánh cửa bọc nỉ.
Ludwig lại là chuyện khác. Ông trò chuyện với Mussolini hay với Stalin, để giới thiệu với thế giới chân dung đích thực của tâm hồn họ. Nhưng cuộc trò chuyện được tiến hành theo một kịch bản thỏa thuận trước. Mỗi lời đều được tốc kí lại. Những bệnh nhân có địa vị cao hiểu khá rõ điều gì có thể phục vụ lợi ích của họ, điều gì có hại. Nhà văn đủ kinh nghiệm để phân biệt những mánh lới của mĩ từ sáo rỗng, và đủ tính toán để không bận tâm đến chúng. Cuộc trò chuyện được tiến hành trong điều kiện đó, nếu có giống như lời xưng tội, thì cũng giống như được dựng sẵn cho một bộ phim có lời.
Emil Ludwig luôn tận dụng mỗi một cơ hội để tuyên bố: "Tôi không biết gì về chính trị". Điều đó phải có nghĩa: tôi đứng trên chính trị. Thực tế, đó chỉ là hình thức của trung lập chuyên nghiệp, hay nói theo cách vay mượn từ Freud, đó là sự kiểm duyệt nội tại, khiến nhà tâm lí iên tâm khỏi chức năng chính trị. Đó là cách những nhà ngoại giao không can thiệp vào sinh hoạt bên trong một đất nước mà họ được ủy nhiệm làm đại diện, tuy thế, điều gì không cản trở họ trong trường hợp ủng hộ những âm mưu và tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Một và chỉ một con người trong những điều kiện khác nhau sẽ phát triển những khía cạnh khác nhau của tính cách cá nhân. Có bao nhiêu Aristotle chăn heo và có bao nhiêu kẻ chăn heo đội vương miện trên đầu! Trong khi đó, Ludwig thậm chí chẳng khó khăn gì hòa lẫn mâu thuẫn giữa chủ nghĩa bôn-sê-vich và chủ nghĩa phát-xít vào tâm lí một cá nhân. "Trung lập" rất có khuynh hướng không thể đi qua mà không bị trừng phạt, kể cả đối với nhà tâm lí sắc sảo nhất. Cắt đứt với tính ước định xã hội của í thức con người, anh ta bước vào vương quốc của võ đoán chủ quan. "Tâm hồn" không có ba chiều, và vì thế, không có khả năng phản kháng như vốn có ở các vật liệu khác. Nhà văn đánh mất hứng thú nghiên cứu sự kiện và tài liệu. Tính xác thực nhạt nhẽo để làm gì khi có thể thay thế bằng sự phỏng đoán rực rỡ?
Trong tác phẩm về Stalin, cũng như sách viết về Mussolini, Ludwig đứng ngoài "chính trị". Điều đó chẳng cản trở những tác phẩm của ông là vũ khí chính trị chút nào. Của ai? Trong một trường hợp – của Mussolini, còn trong trường hợp khác – của Stalin và băng nhóm của ông ta. Tự nhiên không chịu đựng được sự trống rỗng. Nếu Ludwig không làm chính trị, không có nghĩa là: chính trị không "làm" Ludwig. Vào thời điểm ra đời "Tự truyện" (5) của tôi, gần ba năm trước đây, Pokrovsky, một sử gia Sô-viết chính thống, nay đã qua đời, đã viết: cần thiết phải nhanh chóng đáp lại cuốn sách này, huy động những nhà khoa học trẻ vào việc, phản bác lại tất cả những gì cần phản bác, v.v... Nhưng thật lạ lùng: không ai đáp lại, hoàn toàn không một ai, không một điều gì bị xem xét lại, bị phản bác lại. Chẳng phản bác điều gì và cũng chẳng ai viết cuốn sách nào hầu tìm được người đọc.
Không đủ khả năng tấn công trực diện, người ta dùng lối đánh thọc sườn. Tất nhiên, Ludwig không phải nhà sử học thuộc trường phái Stalin. Song chính qua một nhà văn xa lạ với chính trị, đôi khi lại thuận tiện nhất để phổ biến những tư tưởng không còn cách nhấn mạnh nào khác, ngoài cách thông qua một cái tên nổi tiếng. Bây giờ chúng ta hãy xem điều này trên thực tế trông ra làm sao.
"Sáu từ"
Viện dẫn lời của Karl Radek (6) như một nhân chứng, Emil Ludwig thuật lại tình tiết: "Sau khi Lenin chết, 19 người chúng tôi trong BCHTW ngồi cùng nhau, căng thẳng chờ đợi vị lãnh tụ, người mà chúng tôi vừa mất đi, đang nằm trong cỗ quan tài, căn dặn lại những gì. Bà góa phụ Lenin trao cho chúng tôi bức thư của người. Stalin đọc lớn nó lên. Trong lúc đọc thư không một ai nhúc nhích. Khi đến đoạn về Trotsky "quá khứ không phải bôn-sê-vich của đồng chí ấy không phải tình cờ". Đúng tại chỗ ấy, Trotsky ngắt lời và hỏi: "Viết thế nào?". Lời đề nghị được lặp lại. Đó là những từ duy nhất vang lên trong giờ phút long trọng ấy".
Lúc này với tư cách là người phân tích chứ không phải người kể chuyện, Ludwig đưa ra nhận xét: "Thời điểm đáng sợ khi tim Trotsky như muốn ngừng đập: sáu từ ấy về bản chất đã quyết định cuộc đời ông". Hóa ra, thật đơn giản để tìm được chìa khóa của bí ẩn lịch sử! Những dòng lâm li của Ludwig có lẽ đã hé mở cho tôi biết bí mật của số phận tôi, nếu như... Nếu như câu chuyện của bộ đôi Radek - Ludwig không phải là bịa đặt từ đầu chí cuối: từ nhỏ đến lớn, từ không đáng kể đến đầy í nghĩa.
Bắt đầu từ thời điểm Di chúc được Lenin hoàn thành, không phải là hai năm trước khi chết như tác giả của chúng ta khẳng định, mà là một năm: nó được ghi ngày 4-1-1923, còn Lenin chết ngày 21-1-1924; sự nghiệp chính trị của đồng chí thực chất đã kết thúc từ tháng 3-1923. Ludwig khẳng định, dường như Di chúc chưa từng được công bố đầy đủ. Thực chất, nó đã được xuất bản hàng chục lần trên thế giới bằng mọi thứ tiếng. Lần công bố chính thức đầu tiên tại điện Kremlin không phải trong phiên họp của BCHTW, như Ludwig viết, mà trong phiên họp hội đồng tối cao của đại hội lần thứ XIII ngày 22-5-1924. Người đọc Di chúc không phải là Stalin mà là Kamenev, trong tư cách không thể thay thế là chủ tịch cơ quan trung ương đảng. Và sau cùng, chủ iếu nhất, là tôi không ngắt lời bằng tiếng thốt đầy lo lắng vì chẳng có một duyên cớ nào: những từ đó, như Ludwig ghi lại theo lời kể của Radek, không có trong Di chúc - nó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chẳng có gì khó khăn để kiểm tra, nhưng nó vẫn cứ được viết ra như thế!
Nếu như Ludwig không quá xem thường nền tảng sự kiện đối với những thêu dệt phân tích tâm lí của mình, ông ta có thể dễ dàng tìm được toàn văn chính xác của Di chúc, xác lập những sự kiện và ngày tháng cần thiết và tránh được những lỗi lầm thảm hại, thật đáng tiếc, đầy nhan nhản trong tác phẩm về điện Kremlin và những người bôn-sê-vich của ông ta.
Thư gửi đại hội, dưới cái tên là Di chúc, được viết xong trong hai khoảng thời gian cách nhau 10 ngày: 25-12-1922 và 4-1-1923. Khởi thủy, chỉ có hai người biết về tài liệu này: thư kí tốc kí M. Volodicheva, người đã ghi lại theo lời đọc của Lenin, và vợ của Lenin - N. Krupskaya. Trong khi còn le lói chút hi vọng về sự hồi phục của Lenin, Krupskaya cất kĩ tài liệu này trong két sắt. Sau khi Lenin mất, không lâu trước đại hội lần thứ XIII, bà trao lại Di chúc cho ban bí thư BCHTW, để thông báo trước toàn đại hội, như đã được định trước.
Lúc đó, bộ máy lãnh đạo đảng bán chính thức nằm trong tay tam đầu chế (Zinovyev, Kamenev, Stalin), mà thực tế là trong tay Stalin. Bộ ba kiên quyết phản đối công bố Di chúc tại đại hội: động cơ gì thì quá dễ hiểu. Krupskaya dứt khoát bảo lưu í kiến mình. Thời kì đó tranh cãi xảy ra trong hậu trường. Vấn đề được đưa ra hội nghị tối cao, nghĩa là lãnh đạo đoàn đại biểu các tỉnh. Ở đây, lần đầu tiên những ủy viên BCHTW phe đối lập, trong đó có tôi, mới được biết về Di chúc. Sau đó, theo quy định, không ai được ghi chép lại, Kamenev đọc lớn toàn văn. Không khí trong hội trường lúc ấy thực sự căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, có thể phần nào khôi phục lại toàn cảnh bức tranh theo trí nhớ, tôi có thể nói ai là người lo lắng nhất thì nội dung văn kiện đã cho biết rồi. Bộ ba thông qua một người đã đưa ra đề nghị, được thỏa thuận trước với những lãnh đạo cấp tỉnh, là văn kiện sẽ được công bố đến từng đoàn đại biểu riêng biệt, tại cuộc họp kín, không ai được ghi chép, không được phổ biến tại hội nghị toàn thể. Bằng sự kiên trì nhẹ nhàng vốn có, Krupskaya chứng minh rằng làm như thế là đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng của Lenin, không được từ chối việc thông báo lời nhắn nhủ cuối cùng của người đến toàn đảng. Tuy nhiên, những ủy viên của hội đồng tối cao buộc phải tuân thủ kỉ luật của băng nhóm: đa số tán thành đề nghị của bộ ba.
Để làm rõ í nghĩa của "sáu từ" bí ẩn và hoang đường, dường như đã quyết định số phận của tôi, cần nhắc lại một số tình huống đi kèm đã xảy ra trước đó. Trong thời kì tranh cãi quyết liệt về biến chuyển tháng Mười, "những người bôn-sê-vich cựu trào", trong số những phần tử hữu khuynh, đã không ít lần giận dữ chỉ ra rằng Trotsky trước kia không phải là người bôn-sê-vich; Lenin luôn chống đối kịch liệt những luận điệu này. Đồng chí nói, Trotsky từ lâu đã hiểu không thể liên kết với những người men-sê-vich, chẳng hạn vào ngày 14-11-1917, "từ khi không có người bôn-sê-vich nào tốt hơn". Từ chính miệng Lenin những lời này có í nghĩa nhất định.
Hai năm trôi qua, giải thích trong thư gửi những đảng cộng sản nước ngoài về điều kiện phát triển đường lối bôn-sê-vich, những mâu thuẫn và chia rẽ trong quá khứ, Lenin chỉ ra "trong thời khắc quyết định, trong thời điểm giành chính quyền và thiết lập Cộng hòa Sô-viết, đường lối bôn-sê-vich là duy nhất, nó lôi kéo tất cả những cái tốt nhất trong những khuynh hướng tư tưởng xã hội gần nó nhất..." Những khuynh hướng gần với đường lối bôn-sê-vich, như tôi hình dung trước năm 1917, không tồn tại ở Nga, cũng như ở phương Tây. Sự liên kết của tôi với Lenin được định sẵn bởi tính lô-gich của tư tưởng và lô-gich của sự kiện. Trong thời khắc quyết định, đường lối bôn-sê-vich lôi kéo vào hàng ngũ của nó "những cái tốt nhất trong những khuynh hướng gần nó nhất" – như đánh giá của Lenin. Tôi chẳng có cơ sở gì để phản đối nó.
Trong thời gian hai tháng thảo luận về vần đề công đoàn (mùa đông 1920/21) Stalin và Zinovyev lại có í định nêu ra vấn đề quá khứ không phải bôn-sê-vich của Trotsky. Đáp lại việc này những diễn giả thiếu kiềm chế của phe đối lập nhắc lại hành vi của Zinovyev trong thời kì chuyển biến tháng Mười. Trong thời gian nằm trên giường bệnh, suy nghĩ từ mọi khía cạnh quan hệ trong đảng sẽ ra sao nếu thiếu đồng chí, Lenin không thể không thấy trước, Stalin và Zinovyev có í đồ lợi dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich của tôi để lôi kéo những đảng viên bôn-sê-vich cựu trào chống lại tôi. Di chúc đồng thời có í định cảnh báo mối nguy hiểm này. Thế là ngay tiếp theo đoạn nói về tính cách của Stalin và Trotsky, trong Di chúc trực tiếp đề cập: "Tôi miễn nêu tính cách những ủy viên BCHTW khác theo phẩm chất cá nhân của họ. Tôi chỉ lưu í, biến cố tháng Mười của Zinovyev và Kamenev, tất nhiên, không phải là tình cờ, nhưng không thể quy đó là lỗi lầm cá nhân của họ, cũng như không thể quy choTrotsky không phải là bôn-sê-vích".
Việc chỉ ra biến cố tháng Mười "không phải là tình cờ", có thể suy ra mục đích hoàn toàn xác định để cảnh báo đảng, là trong những tình huống cấp bách Zinovyev và Kamenev có thể lại thể hiện nhược điểm thiếu chín chắn. Tuy nhiên, cảnh báo không giống như liên quan đến việc nhắc về Trotsky: đối với đồng chí ấy không được sử dụng quá khứ không phải bôn-sê-vich để làm cái cớ. Như vậy, tôi không có cớ gì để đặt câu hỏi như Radek thêu dệt về tôi. Đồng thời suy đoán của Ludwig về "tim như ngừng đập". Di chúc chẳng hề có mục đích gây khó khăn cho tôi trong công tác lãnh đạo đảng. Như chúng ta sẽ thấy tiếp theo, nó còn có mục đích hoàn toàn ngược lại.
Quan hệ giữa Stalin và Trotsky
Hai trang đánh máy chiếm vị trí trung tâm trong Di chúc là nói về đặc điểm mối quan hệ giữa Stalin và Trotsky, "hai lãnh đạo kiệt xuất của BCHTW hiện nay". Nhấn mạnh "khả năng xuất sắc" của Trotsky ("người có khả năng nhất trong BCHTW hiện nay"), sau đó Lenin nêu ra những nhược điểm: "tự tin quá mức" và "bị lôi cuốn về khía cạnh hành chính thuần túy của công việc". Bản thân những khuyết điểm được nêu ra chẳng có gì nghiêm trọng, nhân tiện tôi nhận xét thêm, nó chẳng liên quan gì đến "không đánh giá hết giai cấp nông dân", hay "không tin tưởng vào nội lực cách mạng", cũng như những thứ khác do những người kế tục bịa đặt trong những năm sau này.
Mặt khác, Lenin viết: "Từ khi nắm trọng trách tổng bí thư đảng, đồng chí Stalin đã thâu tóm vào tay mình quyền lực vô hạn mà tôi không dám chắc đồng chí sẽ đủ thận trọng để sử dụng quyền lực này". Chuyện muốn nói ở đây không phải về ảnh hưởng chính trị của Stalin, vào thời kì đó còn chưa đáng kể, mà về quyền lực hành chính ông ta thâu tóm vào tay mình, "nắm trọng trách tổng bí thư". Đó là công thức chính xác và được cân nhắc thận trọng: chúng ta sẽ quay lại nó.
Di chúc khẩn khoản về việc tăng số lượng ủy viên BCHTW lên đến 50, thậm chí 100 người, để họ có thể bằng áp lực thu nhỏ ủng hộ khuynh hướng tập trung của Bộ Chính trị. Đề xuất về tổ chức có tầm nhìn bảo đảm trung lập chống xung đột cá nhân. Nhưng 10 ngày sau đó Lenin cảm thấy còn chưa đủ, và đã viết thêm đề xuất, đã cho toàn bộ văn kiện một diện mạo sau cùng: "... tôi đề nghị các đồng chí hãy suy nghĩ về biện pháp thuyên chuyển Stalin khỏi trọng trách này và đề cử vào vị trí đó một đồng chí khác, với những phẩm chất ưu tú hơn so với Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, nhã nhặn hơn, chu đáo với đồng chí hơn, ít thất thường hơn v.v..."
Vào những ngày khi đọc cho thư kí chép Di chúc, Lenin hướng đến việc đánh giá có tính chất phê bình Stalin một cách kiềm chế nhất đến mức có thể. Vào những tuần cuối cùng giọng điệu Lenin trở nên gay gắt hơn, và càng như thế cho đến những giờ phút cuối cùng, khi giọng của đồng chí vĩnh viễn tắt hẳn. Nhưng trong Di chúc đã nói đủ, để thấy cần thiết phải thay tổng bí thư. Cùng với tính cách thô lỗ và thất thường, Stalin còn bị phê bình khuyết điểm không trung thực. Tại điểm này việc nêu tính cách chuyển thành lời buộc tội nặng nề.
Từ lâu đã rõ, Di chúc không có gì là bất ngờ đối với Stalin. Nhưng điều này cũng không xoa dịu được cú đòn ấy. Sau lần đầu tiếp xúc với tài liệu, giữa những cộng sự gần gũi trong ban bí thư, Stalin đã buông ra câu nói cho thấy cách thể hiện hoàn toàn không cần che dấu những cảm xúc thật của ông ta với tác giả của Di chúc. Tình huống mà câu nói được lan truyền rộng hơn, và cái chính là tính xác thực của phản ứng, theo quan điểm của tôi, là đảm bảo cho tính xác thực của tình tiết. Đáng tiếc, những lời vàng ngọc có cánh ấy lại không được công bố trên sách báo.
Không có tính nước đôi, đề xuất then chốt của Di chúc chỉ rõ, theo Lenin, nguy cơ khởi nguồn từ đâu. Bãi nhiệm Stalin – chính ông ta và chỉ ông ta mà thôi – có nghĩa là tách ông ta khỏi bộ máy nhà nước, loại bỏ khả năng nắm cánh tay đòn dài của đòn bẩy, tước mọi quyền lực mà ông ta đã dùng cương vị tổng bí thư để thâu tóm.
Bổ nhiệm ai vào cương vị tổng bí thư? Nhân vật có phẩm chất ưu tú hơn Stalin, cụ thể là kiên nhẫn hơn, trung thực hơn, ít thất thường hơn. Stalin đã đón nhận chính câu nói này một cách cay cú nhất: rõ ràng Lenin không cho rằng ông ta là người không thể thay thế được, một khi đã đề xuất tìm kiếm người thích hợp hơn cho cương vị đó. Lên tiếng từ chức, cho có hình thức, tổng bí thư nhắc lại một cách giận dỗi: "Sao nào, tôi thực sự thô lỗ... Ilich đề xuất các đồng chí tìm một người khác tôi chỉ vì có tính cách lịch sự hơn. Đấy, các đồng chí cứ thử tìm xem". – "Không vấn đề gì, – đáp lại là giọng nói cất lên của một người khi đó còn là chiến hữu của Stalin, – chúng tôi không ngại sự thô lỗ, đảng ta toàn người thô lỗ, đảng của giai cấp vô sản mà". Khái niệm lịch sự Lenin ám chỉ ở đây có tính chất sa-lông. Về việc kết tội khuyết điểm không trung thực cả Stalin lẫn phe nhóm của ông ta không ai nhắc đến. Thật thú vị là giọng nói ủng hộ lại phát ra từ A.P. Smirnov, khi đó là ủy viên Bộ dân ủy điền địa, còn hiện nay đang bị thất sủng, bị quy kết thuộc phe hữu khuynh. Chính trị đâu đếm xỉa gì đến ơn huệ.
Radek, khi ấy còn là ủy viên BCHTW, ngồi cạnh tôi lúc công bố Di chúc. Nhân khoảnh khắc hơi mất trật tự nội bộ do ảnh hưởng quá mạnh của Di chúc, Radek nghiêng qua tôi thì thầm: "Bây giờ họ không dám đứng lên chống lại đồng chí nữa". Tôi trả lời: "Ngược lại, bây giờ họ sẽ đi đến cùng và sẽ dùng mọi khả năng để nhanh nhất có thể". Những ngày sau đó tại đại hội XIII chứng tỏ đánh giá của tôi khá tỉnh táo. Bộ ba cần ngăn chặn tác động có thể xảy ra của Di chúc, tìm cách nhanh chóng đặt đảng vào chuyện đã rồi. Việc công bố văn kiện đến các đại biểu khối điền địa, không cho "người lạ" tham gia, thực chất đã biến thành cuộc đấu tranh trực diện chống lại tôi. Các đại biểu tối cao nghe đọc một đằng những từ này, người ta lại nhấn mạnh một nẻo những từ khác và giải thích, bình luận với ngụ í như bức thư do một người đang lâm bệnh nặng viết ra, bị tác động bởi những mưu đồ và toan tính. Bộ máy đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Một thực tế là bộ ba có thể đạt mục đích làm trái nguyện vọng của Lenin, từ chối công bố Di chúc tại đại hội, đủ để xác định thành phần đại hội và không khí của nó như thế nào rồi. Di chúc đã không ngăn chặn và xoa dịu bớt đấu đá nội bộ, trái lại, còn khiến nó trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
....
Huyền thoại về "chủ nghĩa Trotsky"
Mặc dù, như chúng ta đã thấy, Lenin không tìm được căn cứ để chỉ ra trong Di chúc quá khứ không phải bôn-sê-vich của tôi là "không phải tình cờ", nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận nhận định này về phía mình. Trong thế giới tinh thần, luật nhân quả không giống như trong thế giới vật lí. Trong í nghĩa chung ấy, quỹ đạo chính trị của tôi tất nhiên là "không phải tình cờ". Song tình huống khiến tôi trở thành bôn-sê-vich, cũng "không phải tình cờ". Vấn đề là tôi đi theo chủ nghĩa bôn-sê-vich một cách kiên quyết và nghiêm túc đến đâu, thì không phải tài liệu biên niên sử thuần túy hay những phỏng đoán của tiểu phẩm phân tâm học có thể xác quyết được, mà cần có phân tích chính trị và lí luận. Tất nhiên, đây là đề tài quá lớn, hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ bài viết này. Mục tiêu của chúng ta chỉ cần là, khi gọi hành động của Zinovyev và Kamenev năm 1917 là "không phải tình cờ", Lenin không nêu ra một ám chỉ triết học về quy luật thuyết tiền định, mà là một cảnh báo chính trị cho tương lai. Chính vì thế mà Radek phải thông qua Ludwig để quy chụp lời cảnh báo đối với Zinovyev và Kamenev ấy lên đầu tôi.
Ta hãy nhắc lại những điểm mấu chốt của vấn đề. Từ năm 1917 đến 1924 vấn đề đối lập của chủ nghĩa Trotsky với chủ nghĩa Lenin không được đặt ra. Trong giai đoạn này xảy ra hàng loạt biến cố: cách mạng tháng Mười, nội chiến, xây dựng nhà nước Sô-viết, thành lập Hồng quân, soạn thảo cương lĩnh đảng, thành lập Quốc tế cộng sản, thành phần nhân sự và soạn thảo các văn kiện chủ iếu. Những mâu thuẫn nghiêm trọng đã nảy sinh sau khi Lenin không còn trong thành phần hạt nhân chủ iếu của BCHTW. Vào năm 1924, bóng ma "chủ nghĩa Trotsky" - sau khi được dàn dựng công phu trong hậu trường - được tung ra sân khấu. Từ đó, tất cả đấu đá nội bộ đảng được thể hiện trong khuôn khổ sự đối đầu của chủ nghĩa Trotsky với chủ nghĩa Lenin.
Nói cách khác, những mâu thuẫn nảy sinh trong tình hình và nhiệm vụ mới giữa tôi và những kẻ kế tục được thể hiện bằng sự tiếp diễn những mâu thuẫn cũ của tôi với Lenin. Những tác phẩm về đề tài này không sao đếm xuể. Tác giả của chúng không phải ai khác ngoài Zinovyev và Kamenev. Với tư cách những cộng sự lâu năm và thân cận nhất của Lenin, họ giương cao khẩu hiệu "đội cận vệ của những người bôn-sê-vich cựu trào" chống lại chủ nghĩa Trotsky. Tuy nhiên, dưới áp lực của những quá trình xã hội sâu sắc, nhóm này cũng chia rẽ. Zinovyev và Kamenev sau cùng cũng phải thú nhận những người được gọi là "Trotskist" dường như đã đúng trong những vấn đề gốc rễ. Hàng ngàn người mới trong những người bôn-sê-vich cựu trào đi theo "chủ nghĩa Trotsky".
Tại hội nghị toàn thể BCHTW vào tháng 7-1926, Zinovyev tuyên bố cuộc đấu tranh của ông chống lại tôi là sai lầm lớn nhất đời ông, "còn nguy hiểm hơn sai lầm năm 1917". Orjonikidze không phải vô căn cứ khi quát lớn từ chỗ ngồi của ông ta: "Đồng chí định dở trò lừa phỉnh đảng à?" (Xem trích đoạn báo cáo tốc kí.) Zinovyev không tìm được câu trả lời chính thức cho phản ứng có trọng lượng này. Nhưng ông đưa ra lời giải thích không chính thức trong hội nghị của phe đối lập vào tháng 10-1928. "Cần phải hiểu rằng những gì đã xảy ra là cuộc chiến đấu giành chính quyền. - Ông nói, lúc có mặt tôi, với các chiến hữu, những công nhân Leningrad tin tưởng vào huyền thoại chủ nghĩa Trotsky - Tất cả nghệ thuật trong đó là làm sao để kết nối được những mâu thuẫn cũ với những vấn đề mới. Để thực hiện điều đó cần nâng quan điểm chủ nghĩa Trotsky..."
Trong khoảng thời gian 2 năm đứng về phe đối lập, Zinovyev và Kamenev đã kịp tiết lộ toàn bộ vận động hậu trường của giai đoạn trước, khi họ còn trong băng nhóm với Stalin, đã mưu đồ dựng lên huyền thoại chủ nghĩa Trotsky thế nào. Một năm sau, khi sự việc đã rõ ràng là phe đối lập nếu cứ tiếp tục chiến đấu kiên trì và dai dẳng thì chẳng khác nào bơi ngược dòng, Zinovyev và Kamenev đã đầu hàng mong hưởng sự khoan hồng của người chiến thắng. Điều kiện đầu tiên người ta iêu cầu họ là phải làm sống lại huyền thoại chủ nghĩa Trotsky để phục hồi đảng tịch cho họ. Họ đã chấp nhận. Khi đó tôi quyết định xác tín tuyên bố lúc trước của chính họ qua hàng loạt nhân chứng có uy tín. Radek, không phải ai khác, chính Karl Radek, đã cung cấp chứng cứ văn bản sau đây: "Tôi có mặt trong buổi nói chuyện của Kamenev về việc Kamenev sẽ phát biểu tại hội nghị toàn thể BCHTW là họ (Kamenev và Zinovyev) cùng với Stalin đã quyết định lợi dụng những mâu thuẫn xưa kia giữa Trotsky và Lenin để ngăn cản không cho Trotsky nắm quyền lãnh đạo đảng sau khi Lenin mất. Ngoài ra, tôi nhiều lần được nghe từ chính miệng Zinovyev và Kamenev về việc họ đã "dàn dựng" chủ nghĩa Trotsky thành một khẩu hiệu mang tính thời sự như thế nào. 25-12-1927. Kí tên: Radek".
Preobrazhensky, Pyatakov, Rakovsky và Eltsyn cũng cung cấp những chứng cứ văn bản tương tự. Pyatakov, thứ trưởng Bộ dân ủy công nghiệp nặng, tổng kết tuyên bố của Zinovyev bằng những lời sau: "Chủ nghĩa Trotsky đã được nặn ra để đánh tráo những mâu thuẫn có thực bằng những mâu thuẫn ảo, có nghĩa là những mâu thuẫn được moi lại từ quá khứ mà bây giờ chẳng còn í nghĩa gì, song lại được mạ lên một lớp giả tạo cho mục đích nói trên". Thế đã quá rõ ràng? "Không một ai - đến lượt Eltsyn, đại diện cho thế hệ trẻ, viết - không một ai trong phe Zinovyev có mặt tại đó phản đối. Mọi người đều coi như thông báo đó của Zinovyev là một sự thật hiển nhiên".
Dẫn chứng nêu trên do Radek cung cấp vào ngày 25-12-1927. Sau đó ít tuần, ông ta cũng bị lưu đày, rồi sau đó ít tháng tại thành phố Tomsk, lại khẳng định sự đúng đắn của Stalin, mà ông ta không công nhận hồi còn ở Moskva. Tuy nhiên chính quyền đặt điều kiện đòi hỏi cả Radek cũng phải thú nhận huyền thoại chủ nghĩa Trotsky là có thực. Sau khi Radek thỏa hiệp, ông ta chẳng còn gì khác hơn là lập lại công thức cũ của Zinovyev mà chính Zinovyev đã thú nhận vào năm 1926, để rồi quay lại với nó vào năm 1928. Radek còn làm được nhiều hơn: trong cuộc trò chuyện với nhà văn nước ngoài đáng tin cậy, ông ta đã chế biến lại Di chúc Lenin để có thể tìm thấy trong đó căn cứ cho huyền thoại của chủ nghĩa Trotsky.
Từ tài liệu lịch sử ngắn ngủi này, thuần túy dựa trên dữ liệu văn bản, rút ra được nhiều kết luận; một trong số đó nêu rõ: cách mạng là một quá trình khắc nghiệt, và nó không hề nương tay với sống lưng của con người.
***
Diễn biến những sự kiện tiếp theo tại điện Kremlin và tại Liên Xô được xác định không phải bằng tài liệu riêng, dù rằng đã có Di chúc của Lenin, mà bởi những nguyên nhân lịch sử có chiều sâu hơn rất nhiều. Phản kháng chính trị sau những năm chuyển biến căng thẳng tột độ và nội chiến là không thể tránh khỏi. Cần phải phân biệt một cách tách bạch khái niệm phản kháng với khái niệm phản cách mạng trong mối quan hệ này. Phản kháng không tạo bước chuyển biến xã hội bắt buộc, nghĩa là sự thay đổi chính quyền từ một giai cấp này bằng một giai cấp khác. Thậm chí trong chế độ phong kiến đã có những thời kì cải cách tiến bộ và thời kì phản kháng. Tâm trạng và định hướng của giai cấp thống trị thay đổi tùy thuộc tình hình. Điều này liên quan đến giai cấp công nhân. Áp lực tiểu tư sản lên giai cấp vô sản, đã mệt mỏi vì những chấn động, làm sống lại khuynh hướng tiểu tư sản ngay trong lòng giai cấp vô sản, cùng với nó là phản kháng sâu sắc đầu tiên mà trên đỉnh cao ngọn sóng là bộ máy nhà nước quan liêu ngày nay, do Stalin đứng đầu.
Những tố chất mà Lenin đánh giá trong con người Stalin - ngoan cố và lắm mưu mẹo - tất nhiên đến nay vẫn còn, nhưng nó đã có trường tác động khác và điểm tựa khác. Những nét tiêu cực trong quá khứ của cá nhân Stalin như tầm nhìn hạn hẹp, thiếu óc tưởng tượng sáng tạo, chủ nghĩa kinh nghiệm - bây giờ đã có í nghĩa thực tế ở mức độ cao: chúng cho phép Stalin trở thành một thứ vũ khí bán í thức của nền quan liêu Sô-viết, chúng đánh thức hệ thống quan liêu nhìn vào Stalin như một lãnh tụ được thừa nhận. Cuộc đấu đá mười năm trên đỉnh cao của đảng bôn-sê-vich, không còn nghi ngờ gì, đã cho thấy, trong điều kiện giai đoạn mới của cách mạng, Stalin phát triển đến cùng những khía cạnh tính cách chính trị của mình, mà Lenin vào cuối đời đã tuyên bố đấu tranh không khoan nhượng. Nhưng vấn đề này hôm nay vẫn còn nằm trong tiêu điểm chính trị Sô-viết, đưa chúng ta đi xa khỏi giới hạn của đề tài lịch sử này.
Biết bao con nước đã trôi qua kể từ thời điểm xảy ra những sự kiện kể trên. Nếu như mười năm trước thực sự đã có những iếu tố mạnh mẽ hơn những lời căn dặn của Lenin, thì giờ đây thật vô cùng ngây thơ khi phản bác lại Di chúc cũng như luận cứ chính trị này. Cuộc đấu tranh trên bình diện quốc tế giữa hai phe nhóm, trưởng thành từ đường lối bôn-sê-vich, từ lâu đã vượt lên trên số phận của những cá nhân riêng lẻ. Thư của Lenin, được biết dưới cái tên Di chúc, đến nay vẫn còn chiếm được sự quan tâm của lịch sử. Nhưng lịch sử, như suy nghĩ của chúng ta, có những quyền riêng của nó, mà không hiếm khi cũng xung đột với quyền lợi chính trị. Iêu cầu khoa học cơ bản nhất - là xác lập đúng đắn sự kiện và kiểm tra những gì nghe nói với tài liệu, trong mọi trường hợp, có thể đồng thời được khuyến nghị cho cả chính khách lẫn sử gia. Nó cũng cần được phổ biến thậm chí cho cả nhà tâm lí học.
Chú thích của ND:
(1) Aristotle (384-322 trước CN), triết gia Hi Lạp cổ đại, được xem là người sáng lập môn luận lí học.
(2) Nguyên văn là "chăm chú vào cái rốn của mình". Ở đây, có lẽ tác giả hơi nhầm, dẫn khí về đan điền (khí thủ đan điền) là căn bản khí công Trung Hoa, không phải yoga Ấn Độ.
(3) Sigmund Schlomo Freud (1856-1939), nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lí người Áo, nhà phân tâm học vĩ đại của thế kỉ XX, được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.
(4) Emil Ludwig (1881-1948), nhà văn - nhà báo Đức gốc Do Thái, nổi tiếng về thể loại tiểu sử nhân vật.
(5) Tiểu sử tự thuật của Trotsky "Đời tôi" 2 tập, Nxb Granit, Berlin 1930.
(6) Karl Radek (1885-1939), tên thật Karol Sobelsohn, bí danh Radek, nhà hoạt động chính trị, ủy viên BCHTW ĐCS bôn-sê-vich từ 1920, bị kết án 10 năm tù vào 1937 trong thời kì Đại thanh trừng của Stalin và bị mưu sát trong tù năm 1939.
Chiến tranh Giải phóng Việt Nam: I-si-ca-oa Bu-ny-ô - Phần XXIX
Đây là cuốn sách ảnh "Chiến tranh Giải phóng Việt Nam" của I-si-ca-oa Bu-ny-ô (Ishikawa Bunyo - The war of the liberation of Vietnam) xuất bản tại Nhật.
Cuốn sách này sẽ được trình bày theo đúng trình tự của nó.
Khổ ảnh: Chiều ngang tối đa 1600 pixel
Người sưu tầm tài liệu: Lonesome@ttvnol.com Cám ơn chú em NguyenQuangHuy_Korea đã săn được cuốn này và tặng anh (Lonesome) từ 2003
Cám ơn bác tuaans Dienthai@ttvnol.com đã dày công ngồi scan hết hơn 400 trang của cuốn Album này.
Chỉnh sửa: Excocet@ttvnol.com
Chiến tranh Giải phóng Việt Nam: I-si-ca-oa Bu-ny-ô - Phần XXVIII
Đây là cuốn sách ảnh "Chiến tranh Giải phóng Việt Nam" của I-si-ca-oa Bu-ny-ô (Ishikawa Bunyo - The war of the liberation of Vietnam) xuất bản tại Nhật.
Cuốn sách này sẽ được trình bày theo đúng trình tự của nó.
Khổ ảnh: Chiều ngang tối đa 1600 pixel
Người sưu tầm tài liệu: Lonesome@ttvnol.com Cám ơn chú em NguyenQuangHuy_Korea đã săn được cuốn này và tặng anh (Lonesome) từ 2003
Cám ơn bác tuaans Dienthai@ttvnol.com đã dày công ngồi scan hết hơn 400 trang của cuốn Album này.
Chỉnh sửa: Excocet@ttvnol.com