04 tháng 12 2011

Giữ gì sự trong sáng của tiếng Việt - TỪ HÁN VIỆT

Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. 


Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác. 

Dưới đây là sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai từ Hán - Việt trong tiếng Việt hiện nay.

Có thâm nhiên là có cái gì?



Thâm niênlâu năm (Lê Văn Đức, 1971b:1528). 

Thời bao cấp chỉ tính thâm niên cho người đi làm công nhân viên nhà nước. 

Vì vậy thâm niên được định nghĩa trong từ điển là khoảng thời gian (tính bằng năm) làm việc liên tục trong cơ quan nhà nước, đặc biệt là liên tục trong một nghề (Nguyễn Kim Thản, 2005:1497 ; Hoàng Phê, 2006:921). 

Nhưng cũng vì vậy nhiều người, nếu không dính dáng đến nhà nước, không biết thâm niên là cái gì, cả đời không hề nghe nói đến chuyện thâm niên.

Hậu quả là hôm nay người ta có thể hồn nhiên viết có thâm nhiên mà không biết là sai. 

Google cho biết có số trang đúng chính tả (thâm niên) tính được hàng triệu trang chỉ có vài chục ngàn trang viết sai (thâm nhiên). 

Tất cả đều là trang Web trong nước, trong số đó phần nhiều là báo mạng VnExpress, Dân Trí, Người Lao Động... 

Không có trang tiếng Việt nào ở hải ngoại viết sai trong trường hợp này. 

TỪ HÁN VIỆT, TỪ THUẦN VIỆT CÓ THỂ VÀ KHÔNG THỂ

Trên báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) số 22 ngày 31-5-2008, mục “Nói chuyện chữ nghĩa” có bài“Thay từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt” của Phan Điển Ánh. Tác giả đưa ra một số  trường hợp cho rằng không thể thay thế và có thể thay thế từ Hán-Việt bằng từ thuần Việt. Xin có đôi lời trao đổi:
Ông Đồ và học trò xưa
Từ “cá nhân” Phan Điển Ánh xếp vào những từ “không thể dùng từ nào khác thay thế được” là không đúng. Bởi theo tôi, trong trường hợp cụ thể vẫn có thể thay thế. Ví dụ từ “cá nhân” có thể thay bằng một người/một mình (Câu: Lợi ích cá nhân không thể đặt trên lợi ích tập thể = Lợi ích của một người không thể đặt trên lợi ích của nhiều người, hoặc câu: Cá nhân tôi không thể quyết định = Một mình tôi không thể quyết định, hay câu: Chiếc giường cá nhân = Chiếc giường một (người), v.v…Những từ thay thế từ “cá nhân” đều là từ thuần Việt và có ý nghĩa tương đương, không hề khiên cưỡng.
Với những từ Hán Việt Phan Điển Ánh đề xuất có thể thay thế bằng từ thuần Việt cũng không hợp lý, cho dù tác giả lưu ý “những từ cần thay đi và nhưng từ cần thế vào không hoàn toàn tương đương ở mọi trường hợp”.
Ví dụ:
- Từ “quan sát” không thể thay bằng “xem xét”. Mặc dù khi giải nghĩa từng chữ, quan có nghĩa là xem, sát có nghĩa là xét (như giải thích của Đào Duy Anh trong “Từ điển Hán Việt”). Trong thực tế, từ “quan sát” được hiểu là cách nhìn mang tính đại thể, tổng quát, nhìn từ xa, để thấy được, nắm được tình hình hoạt động hay tình trạng (thường là bề ngoài) của một sự vật, hiện tượng nào đó. Trong khi từ “xem xét” lại có nghĩa tìm hiểu, xét đoán một cách cặn kẽ, thấu đáo sự việc, bản chất vấn đề nào đó (không đơn thuần là bề ngoài). Ví dụ, ta không thể thay thế từ quan sát trong cụm từ Đài quan sát = Đài xem xét, hoặc Địch quan sát thấy mục tiêu = Địch xem xét thấy mục tiêu.  Ngược lại ta không thể viết: Toà xem xét lá đơn kêu oan của bị can = Toà quan sát lá đơn kêu oan của bị can. Như vậy, “quan sát” và “xem xét” không phải là hai từ có nghĩa từ vựng tương đương, không thể hoán đổi vị trí cho nhau trong mọi trường hợp.
-Từ “khiếm thị” không thể thay thế bằng từ “kém mắt” như Phan Điển Ánh khẳng định. Bởi “khiếm” đây có nghĩa là thiếu (trong từ khiếm khuyết), “thị” có nghĩa là sự cảm nhận của con mắt đối với sự vật (trong từ thị giác).  Từ “khiếm thị” thường chỉ những người thiếu chức năng thị giác do dị tật bẩm sinh, không có khả năng nhìn thấy. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, từ “khiếm thị” không thể thay thế bằng  từ “kém mắt”, (hay mắt kém) chỉ có nghĩa thị lực kém hoặc mắt không nhìn thấy rõ. Từ “khiếm thị” có thể thay thế bằng một từ Hán Việt khác, đó là từ  (chỉ chung những người không có, hoặc không còn khả năng nhìn thấy, do dị tật bẩm sinh, do tai nạn hoặc do tuổi già). Cần lưu ý, người ta có thể gọi người khiếm thị là mù, nhưng không phải người mù nào cũng có thể gọi là khiếm thị. 
-Từ “phát biểu” không thể thay thế bằng từ “nói”. Bởi vì, “phát biểu” thường chỉ ý kiến của người nào đó trước một tập thể, hội nghị, buổi toạ đàm hay cuộc họp, nhằm khẳng định, bày tỏ quan điểm chính thức của mình. Trong khi từ “nói” thiên về nghĩa ngôn ngữ giao tiếp thường ngày nói chung. Sẽ là khiên cưỡng nếu thay thế từ “phát biểu” trong câu: Phát biểu ý kiến trước Quốc hội = Nói ý kiến trước Quốc hội.
Ngoài ra, còn rất nhiều từ, cụm từ Phan Điển Ánh đề xuất thay thế bằng từ, cụm từ thuần Việt khác chưa hợp lý. Ví dụ cụm từ“người và phương tiện” không thể thay thế bằng “người và xe”, vì phương tiện không nhất thiết phải hiểu là xe, mà có thể là tàu thuyền, ngư cụ hoạt động trên sông biển. Hoặc cụm từ “người tham gia giao thông” không thể thay thế bằng “người đi đường”, bởi người đi đường có khi không bao hàm ý nghĩa tham gia giao thông, ví dụ người đi đường một mình, đi bộ trên đường vắng vẻ. Trong khi đó, cụm từ người tham gia giao thông được hiểu là đi trên đường có nhiều người và phương tiện giao thông khác, chịu sự ảnh hưởng hoặc tác động qua lại. Hay từ “giải thích” không thể thay bằng “phân bua”, vì phân bua không chỉ có nghĩa giải thích mà còn bao hàm ý thanh minh, phân trần cho một hành động, việc làm hay sự hiểu lầm nào đó. Mặt khác, Phan Điển Ánh “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” bởi từ “phân bua” không hoàn toàn là từ thuần Việt, nó là sự kết hợp Hán + Việt khá phức tạp, v.v…
Cần thấy rằng, việc thay thế từ Hán Việt bằng từ thuần Việt, hoặc đã được Việt hoá để ngôn ngữ nói và viết hay hơn, phù hợp hơn, dễ hiểu và đại chúng hơn như Bác Hồ từng dạy. Ví dụ thay thế những từ khó hiểu, tạo hiệu quả rõ rệt trong mọi trường hợp như: quầy thu ngân nên thay bằng quầy thu tiền,đáo hạn nên thay bằng đến hạn. Không có lý do gì chúng ta cố tìm từ thuần Việt để thay thế cho từ Hán Việt, ngay cả khi không cần thiết, hoặc khiên cưỡng. Thậm chí thay thế cả những từ đã được Việt hoá như: “cường điệu-thổi phồng, vĩ đại-to lớn, thiếu nhi/nhi đồng-trẻ em/trẻ nhỏ, giải thích-phân bua, chưa chính xác-chưa đúng”, v.v…như cách đề xuất của Phan Điển Ánh. Trong khi đó, những từ thay thế không hay hơn, không ngắn gọn hoặc dễ hiểu hơn, thậm chí trở nên ngô nghê, khó hiểu.

HOÀNG TUẤN CÔNG 
29/06/2008

SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT

và vấn đề "giải pháp"



Từ Hán Việt - đó là câu chuyện đã được bàn luận từ rất lâu nhưng luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Bởi lẽ, ngoài tư cách là đối tượng nghiên cứu của khoa học ngôn ngữ (trực tiếp là của bộ môn từ vựng học), nó còn là một hiện tượng thường đụng chạm tới trong giao tiếp hàng ngày. Việc dùng từ Hán Việt như thế nào được gọi là đúng, thế nào là sai hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Vì những lẽ đó, trong mấy năm gần đây, báo Văn nghệ của Hội nhà văn đã dành nhiều trang đăng tải ý kiến của các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc về vấn đề này. Đây là một việc làm rất hữu ích.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc quan niệm thế nào là đúng, thế nào là sai trong cách dùng từ Hán Việt, cũng như việc định ra một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện loại từ này hiện vẫn còn nan giải. Tình hình đó cho thấy tính phức tạp của vấn đề, đồng thời cũng phản ánh những yêu cầu cấp bách của xã hội.

Trứơc hết, chúng tôi tán thành với quan niệm của tác giả Vũ Cao Phan là, nếu như không có giải pháp cho vấn đề trên thì tình hình dùng từ Hán Việt sẽ ngày càng bừa bãi (xem thêm Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008). Hậu quả tất yếu là, tiếng Việt không những bị mất đi sự trong sáng mà bức tranh ngôn ngữ của thời hiện đại sẽ ngày càng biến loạn.Điều này sẽ tạo ra những trở ngại lớn cho việc tiếp thu và truyền thụ những kiến thức của khoa học công nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở chúng ta cần phải quan tâm đến việc "giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".

Nhưng trước khi đi tới giải pháp, chúng ta cần có sự thống nhất với nhau trên một số quan niệm căn bản. Dù rằng, quan niệm bao giờ cũng mang tính cá nhân, song chí ít cũng phải xuất phát từ góc độ khoa học. Có như vậy, câu chuyện mới không trở thành cuộc tranh luận bàn tròn, không có hồi kết thúc.

Như đã nói, từ Hán Việt là một hiện tượng phức tạp. Nó là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai dân tộc Hán và Việt trong nhiều thế kỷ. Do những nguyên nhân lịch sử và địa lý đặc biệt, cuộc tiếp xúc ngôn ngữ của hai thứ tiếng này có những đặc trưng riêng khó tìm thấy ở các cuộc tiếp xúc ngôn ngữ khác. Bởi thế, tính chất, đặc điểm và cách sử dụng của từ Hán Việt cũng hoàn toàn khác với các loại từ như Hán- Nhật, Hán-Hàn, Hàn - Triều...cũng do tiếp xúc ngôn ngữ mà nên. 

Sự khác biệt ấy thể hiện trước hết ở phương diện, khối lượng từ Hán Việt trong kho từ vựng tiếng Việt là rất lớn (Theo các kết quả thống kê từ vựng học, trong một số phong cách chức năng, chẳng hạn, trong phong cách hành chính,số lượng các từ Hán Việt lên tới 80-85%). 

Thứ hai, quá trình xử lý các yếu tố gốc Hán (các từ gốc Hán) trong tiếng Việt cũng hoàn toàn khác với các ngôn ngữ khác trong vùng cùng có quan hệ tiếp xúc với tiếng Hán. Đây là những lý do khiến cho các nhà nghiên cứu không chỉ của Việt Nam mà ngay cả của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt. Nó không thuộc lớp từ vay mượn mà là của tiếng Việt đích thực. Bấy lâu nay, trên báo chí cũng như các tài liệu nghiên cứu, việc bỏ dấu gạch nối giữa hai chữ Hán và Việt (không viết là "Hán-Việt" mà viết "Hán Việt" ) chính là nhằm thể hiện quan niệm này.

Có lẽ, do chưa có điều kiện quan tâm đầy đủ đến vấn đề mà một số tác giả, trong đó có tác giả Vũ Cao Phan từng viết "Mặc dù được sử dụng nhiều và phát triển ngày càng phong phú trong ngôn ngữ Việt, về mặt chính thức từ Hán-Việt vẫn bị coi là thứ từ vay mượn"  (Vũ Cao Phan "Thử đề xuất một giải pháp" Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008, tr 21). 

Theo chúng tôi được biết, cho đến nay chưa có một tài liệu chính thức nào của Nhà nước (tức các Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị hoặc các văn bản luật, sách giáo khoa...) công bố một quan niệm như trên. Cho đến nay, một quan niệm có thể được coi như có tính thống nhất gần như hoàn toàn ở hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ, chính là: "Từ Hán Việt là các từ mà người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách của người Việt Nam". 

Theo các kết quả được được đông đảo giới học giả chấp nhận thì, từ Hán Việt là các từ gốc Hán được du nhập vào Việt Nam khỏang từ đời Đường. Sở dĩ người ta vạch ra một điểm mốc như vậy là vì, từ trước đời Đường cũng đã có một số từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Những từ này được người Việt quen dùng tới mức quên cả nguồn gốc của nó nên được coi như là từ thuần Việt. Tuy nhiên về mặt khoa học, để gọi tên chính xác các từ loại này người ta đã dùng khái niệm từ "Hán cổ" hay "Hán Việt cổ" để phân biệt với các từ Hán Việt xuất hiện từ đời Đường trở về sau (có tác giả còn phân chia chi tiết hơn các từ loại này thành từ Hán thượng cổ và từ Hán cổ).

Mặc dù định nghĩa như đã nêu, nhưng không có một nhà nghiên cứu nào lại không nêu thêm một vấn đề thứ hai: Từ Hán Việt là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt. Nó hoàn toàn không giống như các từ mà tiếng Việt vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.

Như vậy, hoàn toàn không có vấn đề như tác giả Vũ Cao Phan đặt ra là: do chưa nhìn thấy đúng vai trò và tầm quan trọng của từ Hán Việt nên chúng ta chưa có giải pháp khoa học về vấn đề này. Đặc biệt là chưa chú ý dạy nó ở bậc học phổ thông.

Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng dùng từ Hán Việt bừa bãi và sai nhiều như hiện nay ? Chúng tôi đồng tình với tác giả Vũ Cao Phan, trước hết đó là do sự am hiểu ngôn ngữ và tính cẩn trọng của người viết. Thứ hai là do trách nhiệm của những người biện tập trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và xuất bản. Tuy nhiên, để cho minh bạch, cũng cần làm rõ giới hạn giữa sự cẩu thả trong công tác biên tập và trình độ xử lý loại từ này trong các văn bản.

Thực ra, cái gọi là từ Hán Việt chỉ tồn tại trong nhận thức của các nhà nghiên cứu hoặc các trí thức có am hiểu ít nhiều về ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ chứ nó không tồn tại trong nhận thức của toàn dân. Nếu chúng ta thử làm một công tác điều tra về xã hội học thì sẽ thấy rằng, không phải chỉ với học sinh mà ngay cả với các giáo viên cấp phổ thông trung học (thậm chí một số giáo viên dại học) việc nhận diện đâu là từ Hán Việt, đâu là từ thuần Việt cũng chẳng phải dễ dàng gì.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao đại bộ phận người dân Việt Nam (khoảng trên 90%) không phân biệt được Hán Việt hay không phải là Hán Việt nhưng trong giao tiếp họ vẫn sử dụng được nó một cách khá thuần thục mà lại ít mắc lỗi (tức là không có sự hiểu nhầm trong việc trao dổi thông tin)? 

Trong khi đó, các hiện tượng sai lệch trong việc sử dụng loại từ này lại chủ yếu rơi vào các nhà báo, các nhà văn, nhà thơ, ...những người có điều kiện xuất hiện tên tuổi của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng? Một câu hỏi vui vui có tính phản biện cho định đề của nhiều học giả đã bàn về vấn đề này là: Phải chăng, chính vì được học về từ Hán Việt, biết ít nhiều về từ Hán Việt mà họ lại càng hay sử dụng sai? Điều đó tưởng như nghịch lý, nhưng thực tế, những đối tượng như vừa dẫn chính là những người có điều kiện học hành và tiếp xúc với từ Hán Việt nhiều nhất! Vậy thì cái giải pháp áp dụng dạy từ Hán Việt cho học sinh từ bậc phổ thông có đủ lý do tồn tại?

Để thực sự có một giải pháp hữu hiệu cho việc khắc phục tình trạng dùng từ Hán Việt khá bừa bãi hiện nay, trước tiên chúng ta cần có một quan niệm chung thống nhất, việc dùng từ Hán Việt thế nào gọi là đúng, thế nào gòi là sai?

Chúng tôi nhất trí với tác giả Vũ Cao Phan khi cho rằng, nếu cứ dùng từ Hán Việt như một vài tác giả trên tờ Thể thao và Văn hóa (và một số báo khác...) thì quả là tình hình sẽ rất lộn xộn trong việc hiểu và giải nghĩa thông tin. Vì rằng, thực ra vấn đề không phức tạp và khó hiểu nhưng chính người viết lại làm cho nó rắc rối và khó hiểu do cách sử dụng từ ngữ của mình. Điều này có thể do người viết chưa hiểu nghĩa từ, có thể do người viết sính nói chữ, muốn rút tít đề bài báo cho ấn tượng nhàm câu khách nên hậu quả là đã đưa đến tình trạng như tác giả Vũ Cao Phan đã phân tích.

Tuy nhiên, chúng tôi lại không hoàn toàn nhất trí với ông trong khá nhiều trường hợp. Chẳng hạn, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt ông lại thường thiên về việc đối chiếu từ nguyên. Đây là việc làm có phần cứng nhắc, dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam. Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt. Có nghĩa là, chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Có thể dẫn ra vô số trường hợp để nói về điều này. 

Chẳng hạn, từ "hy sinh" trong tiếng Hán có nghĩa chỉ con vật dùng tế Trời hoặc thần linh. Nhưng khi vào tiếng Việt nó lại có ý nghĩa là " chết vì một lý tưởng cao cả" hay " tự nguyện nhận về phần mình những thiệt thòi mất mát vì lợi ích chung của cộng đồng" (Vd "anh ấy đã hy sinh vì tổ quốc" hoặc "Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiếp đấu tranh giải phóng dân tộc"). 

Từ "đáo để" trong tiếng Hán có nghĩa là "đến đáy", nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ "vô cùng", "rất", "lắm" (Ví dụ " Nó nói hay đáo để!"...). Không một người Việt Nam nào khi uống rượu lại nâng cốc và nói " Nào, ta cạn đáo để đi!" chính là vì từ "đáo để" với tư cách là từ Hán Việt đã khác hoàn toàn với nghĩa từ nguyên của nó. 

Cho nên, phải tùy trường hợp để xem xét cái sai, cái đúng là nằm ở đâu để phân tích cho sát hợp chứ không thể chỉ căn cứ vào nghĩa gốc của từ nguyên để bắt bẻ. Trong bài báo của mình, tác giả Vũ Cao Phan có đưa ra phê phán một số trường hợp dịch. Chẳng hạn, ông quan niệm, dịch cụm từ "thuyết ba đại biểu" của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành "thuyết ba đại diện" là chưa phù hợp mà phải dịch là "thuyết ba đại biểu" mới đúng. Điều này thật khiên cưỡng. Vì rằng, như đã nói, từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. 

Sở dĩ người dịch cụm từ trên đã phải chuyển thành "thuyết ba đại diện" là vì, từ "đại diện" ngoài các nghĩa khác cũng có nghĩa là "đại biểu". Còn nếu dịch là "thuyết ba đại biểu" thì người Việt Nam tuyệt đại đa số sẽ hiểu thành học thuyết chỉ "ba người tiêu biểu" hoặc học thuyết " ba người". Sự lựa chọn cách dịch bị tác giả Vũ Cao Phan phê phán, chúng tôi lại cho rằng đó là một sự sáng tạo cần thiết. Cũng như vậy, việc dịch cụm từ "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" chưa hẳn đã thiếu chuẩn xác như tác giả Vũ Cao Phan nhận định .Vì rằng, khi phê phán cách dịch này, tác giả Vũ Cao Phan mới chỉ tính đến cái nghĩa phát triển mà không tính đến cái nghĩa gốc- nghĩa từ nguyên còn được bảo lưu đối với từ Hán Việt này. Với nét nghĩa mới này thì từ "đặc sắc" còn có nghĩa dùng để chỉ một sự vật hiện tượng mang đậm màu sắc địa phương.

Hơn nữa, muốn biết dịch như vậy là sai hay đúng còn phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn khác nữa đối với yêu cầu dịch thuật. Đối với các văn bản như văn bản hành chính, pháp luật, khoa học, thì ngoài yêu cầu về nghĩa còn phải chú ý đến cả tính thuật ngữ của nó. Với tiêu chuẩn này thì cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc" rõ ràng dài dòng hơn vì phải dùng đến một cụm từ. Còn cách dịch"xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" mang tính thuật ngữ rất cao. Về sắc thái, ý nghĩa của nó cũng "đầy" hơn so với cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc".

Ngoài ra, trong trường hợp này lại còn chú ý phải thái độ, quan điểm của người dịch (tán đồng hay không tán đồng, tin hay chưa tin vào mô hình CNXH kiểu này). Nghĩa là, đứng trên quan điểm của lý thuyết giao tiếp có thể đánh giá, cách dịch "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" là một cách dịch thông minh. Nó cho ta hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất "đây là mô hình xây dựng CNXH mang đậm/ đặc màu sắc Trung Quốc". Còn cách hiểu thứ hai thì hàm một ý nghĩa chưa tin: dù sao, mô hình xây dựng CNXH kiểu như vậy mới chỉ là một thử nghiệm ở Trung Quốc. Nó sẽ ra sao thì còn phải chờ thời gian mới có câu trả lời. Điều này, xét cho cùng, cũng đúng với tinh thần của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Những điều chúng tôi vừa phân tích cho thấy, việc đánh giá tính đúng, sai trong quá trình sử dụng từ Hán Việt, dựa vào quan hệ với từ nguyên chỉ là một phần, điều quan trọng là phải dựa vào hai điểm mấu chốt: một là, cách tri nhận của cộng đồng người Việt đối với cái vỏ âm thanh vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán; hai là mục đích nói năng của người tạo lập văn bản/ ngôn bản. Điểm thứ hai cho phép tính sáng tạo, năng động của người dịch (tất nhiên, sáng tạo thế nào để được cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận là một vấn đề). 

Còn điểm thứ nhất cho phép sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ cũng như khả năng kết hợp các yếu tố từ vựng để tạo lập từ mới. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều từ Hán Việt có khả năng phái sinh nghĩa rất cao (chúng tôi nhấn mạnh phái sinh chứ không phải phát sinh) khiến cho ngay cả những người Trung Quốc cũng không thể hiểu được các nét nghĩa mới của cái từ Hán vốn là gốc gác của họ. 

Ví dụ, "đồng tiền" trong tiếng Hán chỉ có nghĩa là "sự vật bằng kim loại bằng đồng, bằng kẽm, được đúc mỏng, ở giữa có lỗ vuông hay tròn và bề mặt có ghi niên đại". Nhưng khi du nhập vào tiếng Việt và trở thành từ Hán Việt, nó lại có các nét nghĩa mới mà trong nghĩa từ nguyên không có. Đó là các nét nghĩa: chỉ quyền lực (Vd Hạt tiêu nó bé nó cay /Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền- ca dao), chỉ chỗ lõm có duyên trên má người con gái (Vd Má lúm đồng tiền). Trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, từ Hán Việt này còn được bổ sung thêm một ý nghĩa mới là chỉ phương tiện quan trọng nhất cho sự tiến thân hoặc duy trì sự sống hay sự công bằng (Vd Đồng tiền là tiên là Phật/ là sức bật của tuổi trẻ / là sức khỏe của tuổi già / là cái đà của danh vọng /là cái lọng che thân / là cán cân công lý...) (Xin lưu ý là ở đây chúng tôi chỉ phân tích sự vận động về nghĩa của từ chứ chưa phân tích cái tính triết lý trong các câu nói trên là đúng hay sai).

Sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ Hán Việt là một qui luật nội tại của ngôn ngữ Việt. Qui luật này đảm bảo cho khả năng vô tận của các ký hiệu ngôn ngữ trong việc chuyển tải sự năng động và sáng tạo của từ duy. Vì rằng, vỏ âm thanh của bất kỳ ngôn ngữ nào dù lớn đến đâu vẫn chỉ có giới hạn, trong khi nhận thức của con người là vô hạn. Để cân bằng trạng thái vô lý về mặt hình thức này, việc cấp cho các vỏ âm thanh đã có những nét nghĩa mới là sự đương nhiên. Nếu xem xét tính đúng, sai trong việc dùng từ Hán Việt mà không tính tới điều này thì vô hình trung chúng ta ta đã làm chết cứng tư duy và khả năng sáng tạo của người Việt. 

Chẳng hạn, đã có một thời báo chí từng phê phán cách dùng từ " sát nhập". Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán, dùng "sát nhập" là sai mà phải dùng "sáp nhập" mới đúng. Thế nhưng, cứ sau một thời gian thì từ "sát nhập" lại được dùng trở lại như là một hiện tự nhiên. Sức sống của từ này không phụ thuộc vào ý chí của một vài nhà nghiên cứu. Vì sao vậy? Nếu xem xét kỹ ta sẽ thấy, đây hoàn toàn không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trái lại nó có căn nguyên từ các hiện tượng mang tính xã hội. Như ta đã biết, phụ âm p vốn không có trong tiếng Việt mà là một âm mượn từ tiếng Pháp, rất khó phát âm. Nó là phụ âm cuối trong âm tiết sáp. Khi phát âm cả tổ hợp từ ghép sáp nhập, do ảnh hưởng của âm nh (âm mở đầu của âm tiết đứng sau) nên âm p bị biến dạng đi.

Ở đây có một sự nhầm lẫn đáng bàn. Đó là cách định nghĩa từ Hán Việt căn cứ vào nguồn gốc hoàn toàn khác với việc xếp đặt vị trí của nó trong kho từ vựng chung.Ấy là chưa nói, tỷ lệ sai sót trong việc nhận diện ở đối tượng này còn chiếm một tỷ lệ rất cao (theo một số cứ liệu chúng tôi điều tra thì có đến trên 85% số giáo viên trung học được hỏi đều có sự nhận diện không chính xác). Điều đó cho thấy, cái tiềm thức về sự hiểu biết từ Hán Việt hay thuần Việt thực ra là không quan trọng. 

Quan trọng đối với người sử dụng ngôn ngữ là vấn đề từ khó hay không khó. Ý nghĩa này tương tự với cái nghĩa của nghĩa từ nguyên trước khi du nhập là "sắc thái riêng, sắc thái đặc biệt" (Chẳng hạn, người ta thường nói: "Chôm chôm, xoài riêng, măng cụt ...là những sản vật đặc sắc của miền Nam"). Rõ ràng, với câu nói này thì "đặc sắc" không chỉ có nghĩa là "xuất sắc tuyệt vời" tác giả đã nói.P vốn là phụ âm môi-môi, nay bị âm mặt lưỡi nh kéo lui về phía sau nên kết quả đã biến thành âm t là một âm đầu lưỡi răng

Cộng đồng người Việt chấp nhận từ ghép này vì nó thuận với cách phát âm của người Việt mà xét về nghĩa nó lại dễ hiểu và không sai với nghĩa vốn có. Quả thực, một người Việt Nam bình thường không thể hiểu "sáp nhập" là gì, vì họ không thể giải thích được nghĩa của "sáp". Nhưng "sát" thì ai cũng hiểu là " liền nhau","gần nhau", "sát cạnh nhau". Có " sát liền nhau" mới "nhập làm một được (Vd Sơn Tây sát nhập với Hà Đông thành Sơn Tây. Không thể có chuyện Sơn Tây sát nhập với Ninh Bình thành Sơn Ninhđược).




Cũng như vậy, trong thời kỳ đổi mới, việc xuất hiện từ ghép " kích cầu" lần đầu tiên trên báo chí đã bị một số người yêu thích tiếng Hán công kích quyết liệt, cho rằng đó là sự sử dụng từ Hán Việt tùy tiện, bừa bãi làm mất đi sự trong sáng của tiếng ta. Thế nhưng, chỉ sau chừng một năm thì từ ghép này đã được dùng phổ biến và đến nay thì không ai còn hoài nghi về độ chuẩn xác của nó nữa. 

Vì sao lúc đầu các tác giả của nó bị phê phán mạnh mẽ như vậy? Đó là do thói quen ngôn ngữ. Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta tuân theo lý thuyết "kế hoạch hóa" nên "kích cầu" mới chỉ được dùng với tư cách là một từ tổ chứ không phải là từ ghép với ý nghĩa là "tác động để nâng cao cây cầu lên". Nay trong điều kiện kinh tế mới, tiếng Việt cần bổ sung các thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà kinh tế đã tạo ra từ ghép này bằng cách rút gọn cụm từ "kích thích nhu cầu". Đây chính là một sự sáng tạo rất đáng khuyến khích. Bởi vì, trong tiếng Việt đã có tiền đề tạo ra từ ghép kiểu này (Vd Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết = Liên Xô). 


Sự phong phú trong cách sáng tạo rất riêng của người Việt Nam trong quá trình sử dụng các từ Hán Việt đã mở ra một sức sống mới cho các vỏ âm thanh vốn đã cũ trong việc diễn đạt những nhận thức mới của tư duy. Bởi thế, khi bàn đến việc sử dụng loại từ này thế nào cho thật chuẩn xác chúng ta không thể không chú ý đến những tác động của biến đổi xã hội, tâm lý cũng như hoàn cảnh kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của người Việt. 


Cách sử dụng từ "giải phóng" là một ví dụ. Với nghĩa gốc là " làm cho thoát khỏi ách chiếm đóng, nô dịch để được tự do", khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã tạo cho nó nhiều nét nghĩa mới (Vd, Trước khi kết thúc buổi học, thấy học trò xôn xao muốn nghỉ sớm, người thầy nói " Thôi được, cho giải phóng"; sau hồi lâu đường xá bị tắc vì xe cộ, một người reo lên "Đường được giải phóng rồi"; khi lái xe phải chờ lâu trong chuyện bốc dỡ hàng liền gọi người bốc vác "giải phóng hàng nhanh lên hộ tôii"; khi hai gia đình phải sống chung trong căn hộ tập thể nhiều năm, nay được tách ra ở riêng cũng nói" Chờ đợi mãi, nay mới được giải phóng"....). 

Nếu ta cứ căn cứ vào nghĩa của từ gốc mà bắt bẻ dùng như thế là tùy tiện thì thật cứng nhắc và chưa hiểu đúng qui luật vận động của ngôn ngữ.

Cái lý do hiển nhiên làm cho các từ Hán Việt trở thành một bộ phận đích thực của tiếng Việt chứ không phải là từ vay mượn chính là ở những điểm này. Ngoài sự thay đổi về cách đọc cũng như việc mở rộng hay thu hẹp, thậm chí biến đổi hoàn toàn về ý nghĩa, từ Hán Việt còn có khả năng sản sinh từ mới rất cao. Cái đó, người ta gọi là khả năng cấu tạo từ. Hiện tượng này xảy ra trong tiếng Việt hiện đại rất nhiều. Có thể đưa ra một loạt các từ như: nội ô, cứu hạn, cứu đói, cứu thương, cứu nguy,tiểu phẫu, đại phẫu, tiểu đoàn, trung đoàn... cách tạo ra các từ mới kiểu này xuất phát từ cách tri nhận riêng của người Việt với các yếu tố gốc Hán "nội", "cứu", "tiểu", trung", "đại"...


Nếu xem xét toàn diện hơn, các từ Hán trong quá trình du nhập vào Việt Nam không chỉ chịu áp lực của tiếng Việt nên đã biến đổi về nghĩa, về âm thanh, về khả năng cấu tạo mà còn có những khả năng hoàn toàn mới về khả năng kết hợp cú pháp. Có rất nhiều yếu tố, trong tiếng Hán không thể đứng độc lập thành một từ, nhưng khi vào tiếng Việt, người Việt lại cấp cho nó khả năng này. "Dân" là một trong các ví dụ như vậy. Trong tiếng Hán, "dân" không có khả năng tách ra thành từ độc lập. nhưng trong tiếng Việt người ta lại nói và viết: "làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân" hoặc" nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" (Văn kiện Đại hội Đảng X Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên cho thấy, từ Hán Việt là một vấn để rất phức tạp. Khi đánh giá tính đúng, sai của việc dùng nó không thể chỉ dựa vào vốn tiếng Hán là đủ mà cần có một cách nhìn bao quát ở một diện rộng, bao gồm rất nhiều vấn đề. Có như vậy, ta mới tách ra được các hiện tượng sai đích thực và các hiện mang tính sáng tạo, đặc biệt trong cách tạo từ của các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà báo và các nhà văn. Mặt khác, để tiến tới một giải pháp khả quan cho việc xử lý vấn đề này cũng cần cân nhắc tới rất nhiều mặt. Nhất là phương pháp dạy cho học sinh hệ thống vốn từ này.

Hữu Đạt.

in trên Văn nghệ số 32 ngày 9/8/2008

Một số ý kiến trên truyền thông tiếng Việt tại hải ngoại (lược bỏ những ý kiến mang tính hằn học) đăng trên Triều Thành Tuần Báo ở San José v.v để tham khảo.

Nỗi buồn tiếng Việt


Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội . Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. 

Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.

Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu? Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. 

Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.

"Khả năng": Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt nam người ta dùng chữ "khả năng" trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là 'trời hôm nay có thể mưa, thì người ta lại nói: 'trời hôm nay có khả năng mưa, nghe vừa nặng nề, vừa sai. "Có khả năng": Đây là cách sử dụng rất Tây, thí dụ: 'Hôm nay thời tiết có khả năng mưa, chúng ta tạm chấp nhận (sao không nói giản dị là: "Hôm nay trời có thể mưa"?). Thí dụ này khó chấp nhận: 'Học sinh X có khả năng không đạt điểm tốt nghiệp'. Có khả năng là ability; aptitude; capacity và luôn luôn dùng ở trạng thái tích cực (positive), không bao giờ dùng với trạng thái tiêu cực (negative). Những câu sau đây nghe rất chướng: 'Bệnh nhân có khả năng bị hôn mê'. 'Địch có khả năng bị tiêu diệt..' v.v...

"Khả thi" = fisible, applicable; ability to carry out = có thể thực hiện được, có thể thi hành được. "Khả thi" và "bất khả thi" cũng chịu ảnh hưởng nặng của Trung Quốc. Sao không dùng: "không thực hiện được" hay "không thực hiện nổi". Ngoài ra "khả thi" sẽ đưa đến sự hiểu lầm là "có thể dự thi được".

QUÁ TRÌNH. Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt
ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.
PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.
Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).
QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.
GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.
ĐỆ NHẬT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có` tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố 瀑 布, nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.
Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.
X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?
BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phu, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.
Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!
NỮ NHÀ BÁO Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?
TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều 強 潮 gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường 潮 強 thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói con nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.
HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch 核 là cái hạt, tâm 心 là cái lõi hay cái nhân bên trong . Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạt mới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.
TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc 賊có nghĩa là ăn cướp, đạo 盜 mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. . . Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt 釘 nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.
Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:
Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,
Nhóm trưởng, phải sửa lại trưởng nhóm
Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ
Siêu bền, phải sửa lại rất bên
Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn
Vân vân…
Dùng từ vô nghĩa
Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu 柳 thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!
ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.

"Đại trà" = on a large scale = cỡ lớn, quy mô lớn. Thí dụ: "đồng bào trồng cây cà phê đại trà". Tại sao không dùng như trước là "quy mô lớn"? Ngoài ra dùng "đại trà" là bắt chước Trung Quốc. Có thể gây hiểu lầm là "cây trà lớn"!!
SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.
HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?
ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.
XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

 "Cưới". Nhà văn Lê Minh Hà đi từ miền Bắc, công tác ở Đông Đức, rồi xin tỵ nạn ở Đức, viết trong tập truyện ngắn "Trăng Góa": 'Bọn này chưa cưới', 'chúng tôi cưới' đó là thói quen từ vùng cộng sản. Đây không phải là lối hành văn mới lạ, kiểu cách chỉ là thói quen dùng sai từ To marry, get married, nhưng người Việt phải nói là: 'Chúng tôi chưa làm đám cưới; bọn này cưới nhau. Câu này lại do một vai nữ tự thuật, lại càng sai nặng nữa. Chúng ta chỉ nói "cưới vợ", không bao giờ nói "cưới chồng" cả. Chỉ có hai trường hợp dùng được hai chữ "cưới chồng". Một là cô gái có lỗi lầm nào đó, nhà gái phải bỏ tiền, chịu mọi chi phí đám cưới để lấy cho được một tấm chồng. Hai là những đồng bào thiểu số, sắc dân nào còn theo chế độ mẫu hệ, cô gái cưới chồng, vì chàng rể sẽ thuộc về nhà gái. Nhà gái phải trả cho nhà trai trâu, lợn, gà, chiêng đồng, v.v. để mua rể.

Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.
NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.
KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.
TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”

"Cầu lông" = Badmington = Một môn thể thao nhẹ nhàng gần giống quần vợt, có giăng lưới cao, dùng vợt nhẹ và quả cầu có gắn lông vũ, đánh qua lại trên lưới. Trên thực tế quả cầu badmington làm giả bằng nhựa không chế bằng lông gà lông vịt nữa. Cách gọi này thô tục quá! Tại sao không gọi là cầu lông vũ hoặc bát-minh-tơn? Người viết còn nhớ có lần đã bị bà vợ một đại tá sửa lưng, khi lở miệng nói: lông quả đào. Bà kể lại, tôi bị bà Trg. Tg. Khg. một người miền Bắc chữa khéo: 'Chị nên gọi là tuyết của quả đào thì lịch sự, thanh tao hơn'. Sau đây là cách dùng sai lạc, nhằm chủ đích tuyên truyền hoặc làm giảm đi hoặc tăng mức quan trọng của sự việc. 
Dùng từ thiếu chính xác
CHẤT LƯỢNG. Chất 質là cái khối chứa bên trong một vật (matière,) lượng 量là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được ( masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.

"Chất lượng": Đây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vu. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than ôi! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, thì lượng là: đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ "phẩm chất" rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ "chất lượng". 
CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.

"Cảm giác". 'Xin anh cho biết cảm giác ra sao về hiện tượng đo những gì cảm thấy được được bằng giác quan. Có ngũ giác: xúc giác: sờ chạm, thị giác: mắt thấy, thính giác: tai nghe; vị giác: lưỡi nếm, khứu giác: mũi ngửi. Đó là các sense organs, còn cảm giác và cảm tưởng; cảm tính (feeling, khác với lý tính) dễ lầm lẫn vì đó là sensation, impression. Dùng đúng chữ phải là: 'Xin anh cho biết cảm nghĩ, cảm tưởng, về hiện tượng đo chính xác hơn là "cảm giác". (Ngoài ra impression còn có nghĩa là ấn tượng, dấu ấn). Chúng ta có thể nói : có cảm giác ghê sợ, nhờm tởm, lạt lẽo, ấm cúng.. một giác xuất phát từ não bộ, tuy cũng do từ năm giác quan vừa kể gửi tín hiệu lên óc.
THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

"Thống nhất". 'Tôi đã xuống huyện thống nhất đồng chí X .' Câu này mắc hai lỗi. Thứ nhất thiếu từ liên tự với, thứ nhì là thống nhất điều gì, chuyện gì. Thống nhất (unify; unified). Trường hợp này phải nói là "đồng ý" với; "nhất trí" với.
GIẢI PHÓNG . Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.

 "Giải phóng" = liberate, emancipate/ free, relieve, release = giải tỏa, xả ,thả, trả tự do Từ giải phóng chỉ nên dùng cho con người, không dùng cho loài vật, đất, vườn... Họ lạm dụng từ giải phóng, nghe không thuận tai và sai nghĩa. Thí dụ: ' Đã giải phóng (giải tỏa) xong mặt bằng để xây dựng nhà máy; Anh công an lưu thông tích cực công tác để giải phóng (giải tỏa) xe cộ; Em X giải phóng (thả) con chó !! Những câu sau đây mới là dùng đúng cách: 'phong trào giải phóng phụ nữ; Công cuộc giải phóng nô lệ.'
ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

"Đăng ký" = register = ghi tên, ghi danh. Nghĩa rất đơn giản, nhưng bắt chước Trung Quốc, cố dùng Hán-Việt. Câu nói sau đây nghe kỳ lạ: 'Tôi đã đăng ký mua khoai mì ở Phường...'. Tại sao không dùng "ghi danh", "ghi tên"? " Đăng ký" là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của ho đến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước. Trước đây, ta đã có chữ "ghi tên" (và "ghi danh") để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ "đăng ký" để dịch chữ 'register' từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ "ghi tên" hay "ghi danh" cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu!

"Buổi đêm". 'Buổi đêm tôi có gặp đồng chí ấỵ Từ xưa đến nay người Việt không bao giờ nói "buổi đêm" cả, chỉ nói "ban đêm", "ban ngày". "Ban" được hiểu như là một thời gian khoảng 12 giờ, ban đêm 12 giờ cộng với ban ngày 12 giờ là 24 giờ. Còn "buổi" thì chúng ta có "buổi sáng", "buổi trưa", "buổi chiều", "buổi tối". Ban ngày có 12 giờ và tạm coi như có 4 buổi, như vậy mỗi buổi có 3 giờ đồng hộ Night time, day time khác với morning; noon; afternoon; evening. Chúng ta thường nói: 'Chờ ông ấy mất cả buổi. Buổi ở đây là khoảng ba giờ. Câu nói khác: 'Thế là mất một buổi cày. Buổi ở đây lại có nghĩa mất cả một ngày công. Chế ra từ buổi đêm là làm hỏng tiếng Việt.


"Khẳng định". Thói quen dùng động từ này bị lạm dụng: 'Diễn viên X đã khẳng định được tài năng. Đồng chí A khẳng định ở vị trí giám đốc'. Khẳng định; xác định, xác nhận = affirm và confirm có nghĩa gần giống nhau, ngoài nghĩa theo luật pháp có nghĩa là phê chuẩn, chuẩn y. Tuy nhiên âm thanh của khẳng định nghe nặng nề.

"Làm rõ" 'Công an Phường 16 đang làm rõ vụ việc này. Làm rõ=clarify, cần làm rõ vì có sự mù mờ, chưa minh bạch, ngoài còn có nghĩa gần như nói lại cho rõ, đính chính. Đúng nghĩa phải là điều tra = investigate. Cách sử dụng từ làm rõ cũng giống như làm việc (với công an) chỉ nhằm xóa bớt sự ghê sợ, hãi hùng của người dân khi phải tiếp xúc với công an cộng sản. Họ cố tránh những động từ như "điều tra", "khai báo", "trình diện" v.v...

"Cuộc gặp" = meet, run into = hội kiến, gặp mặt, gặp gỡ, buổi họp. Nghe "Cuộc gặp" thấy cụt ngủn, chưa trọn nghĩa. Ý họ muốn tả một cuộc hội kiến tay đôi, một lần gặp gỡ, chưa hẳn là một hội nghị (conference). Nên dùng như thí dụ này: "Bộ trưởng Thái đã hội kiến gặp bộ trưởng Lào"...

Từ vựng lộn xộn.
LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.
YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.
NGHIÊN CỨU SINH. Sinh 生 là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc” Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!
ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn thượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ
THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”
TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.
LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”

"Trúng thưởng" = reward, award. Thế nào gọi là thưởng? Thưởng là thưởng cho những cá nhân hay tập thể có công, tài giỏi, đạt thành tích cao .. Thưởng đi đôi với phạt. Vậy không thể nói : 'Mua hàng sẽ được trúng thưởng.../ Anh X trúng thưởng xổ số thành phố X. được 50 triệu ' Đó chỉ là quà tặng, biếu không, không phải là thưởng, và chỉ là trúng xổ số chứ không lĩnh thưởng. Xổ số là hình thức đánh bạc, nên gọi tránh đi là trúng thưởng.

"Trúng tuyển" (nghĩa vụ quân sự) = select, choose/ recruit. Chúng ta vẫn nói và viết "tuyển sinh", "tuyển quân", "tuyển mộ", "tuyển dụng"... Nhưng nói : "trúng tuyển nghĩa vụ" thật là khôi hài. Nghĩa vụ quân sự là thi hành quân dịch, đến tuổi phải đi, bắt buộc phải đi, không có chuyện trúng tuyển hay không được tuyển.

"Tư liệu": Trước đây ta vốn dùng chữ "tài liệu", rồi để làm cho khác miền Nam , người miền Bắc dùng chữ 'tư liệu trong ý: 'tài liệu riêng của người viết'. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ 'tài liệu', mặc dù nhiều khi tài liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.
Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.
Cóp tiếng Tàu đang dùng.
LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban 班 là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.
TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.

 "Hiển thị" 'Chỉ cần ấn nút thì mọi nhu cầu sẽ được hiển thị trên máy tính...' (appear on screen). Tại sao không nói "sẽ thấy hiện rõ trên máy".

"Hùng hiểm" ' Địa thế nổi đó rất hùng hiểm...' hùng vĩ = hiểm trở (majestic greatness + dangerous).
"Xuất khẩu", "Cửa khẩu": Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói "xuất cảng", "nhập cảng", chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọi là "xuất khẩu", "nhập khẩu". Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Saigon, thương cảng Saigon. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Saigon trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong? 

"Nghệ nhân": Ta vốn gọi những người này là 'nghệ sĩ'. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ "nghệ sĩ", họ dùng chữ "nghệ nhân". Có những người tưởng rằng chữ 'nghệ nhân' cao hơn chữ 'nghệ sĩ, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ 'nghệ nhân' là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.

"Quản lý" = management = quản trị, chịu trách nhiệm. Bắt chước từ Trung Quốc và bị lạm dụng. Nói: 'Anh X quản lý một xí nghiệp' thì được, nhưng câu sau 'nhái lại khôi hài 'Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lý đời anh...'. "Quản lý" chỉ dùng để trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hành chánh. "Quản lý" không dùng cho lĩnh vực tình cảm được, tình cảm không phải là một lô hàng, không phải là một xí nghiệp.

"Sơ hữu". 'Mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ là sơ hữu. Sơ hữu + bạn mới quen, mới làm bạn (new friendship). Tại sao không nói: 'Mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ là bạn mới quen'...?

"Sự cố": "Sự cố kỹ thuật": tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như 'trở ngại hay 'trở ngại kỹ thuật' hay giản dị hơn là chữ 'hỏng'? (Nói 'xe tôi bị hỏng' rõ ràng mà giản dị hơn là nói 'xe tôi có sự cô).

Thành viên" = member = theo cách nói và viết thông thường là một người trong một tổ chức, hội đoàn, nhóm nào đó. Không thể dùng "thành viên" cho một cá nhân trong gia đình được. Thí dụ sau đây nghe rất Tây: 'Các thành viên trong hộ đó có cha, mẹ và hai con/ Bé Năm là một thành viên trong gia đình....' Tại sao không nói: 'Trong gia đình đó có cha, mẹ và hai con/ Bé Năm là một đứa con trong gia đình...'. Thí dụ sau đây mới là dùng đúng: 'Mỹ là thành viên trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết ..'

"Tham quan": đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu! Sao không nói là 'Tôi đi Nha Trang chơi, 'tôi đi thăm lăng Minh Mạng', mà lại phải nói là 'tôi đi tham quan Nha Trang', 'tôi đi tham quan lăng Minh Mạng'.

"Tranh thủ": Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừa giản dị là chữ 'cố gắng', từ cái tệ sính dùng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ 'tranh thủ'. Thay vì nói: 'anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về, thì người ta lại nói: 'anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về.

Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. 

Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.


Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.
ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.
THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”
Đảo tư kép bừa bãi và không cần thiết.
XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.
Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..
Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.
Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.
Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!
Ghép từ bừa bãi.
KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.

"Kích cầu" = to level the bridge/ needing to sitimulate = nhu cầu để kích thích/ nâng cao cái cầu lên. Cả hai nghĩa đều hàm ý là chất xúc tác, kích thích tố khiến sự việc tiến nhanh hơn. Cách dùng hơi lạ: Bên công chánh có lối dùng những con đội để nâng cao cái cầu giao thông lên. Tại sao không dùng "kích thích tố", "chất xúc tác" như trước?
GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phài một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không.

"Tai tệ nạn". 'Tai tệ nạn xảy ra khá nhiều trên đoạn đường này, tai nạn + tệ nạn xã hội (accident + social crime/evil). Cách ghép nối kỳ lạ.

"Tương thích". Giá cả đó tương thích với chất lượng mặt hàng...' tương đương = thích hợp (equal = appropriated). Cách ghép nối gượng gao.
Dùng từ dao to búa lớn
CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.
CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.
NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.

"Ngài": 'Bộ trưởng ngoại giao ta đã gặp Ngài Brown thị trưởng thành phố San Francisco . Ngài là Sir, một tước vị của Hoàng gia nước Anh ban cho một nhân vật nào đó. Sir có thể dịch ra là Hiệp sĩ, cũng có thể là Knight = Hầu tước xuống đến tòng Nam tước = Baronet. Theo nghĩa thứ nhì "ngài" là một từ dùng để xưng hô và là một từ tôn xưng như cụ, ông bà, bác, chú. Trong cả hai trường hợp câu trên đều sai. Ông W. Brown chưa bao giờ được Nữ hoàng Anh trao tặng tước hiệu Sir. Theo lối xưng hô chính thức ngoại giao của Mỹ và theo lối Việt Nam , không nên gọi ông W. Brown là Ngài viết hoa. Theo lối xưng hô chính thức của Mỹ, trên văn thư phải là:

The Honorable ..W. Brown
Mayor of San Francisco

Hình thức chào hỏi:
Sir: Dear Mayor Brown

Như thế gọi một ông thị trưởng Mỹ là Ngài đã hoàn toàn sai. Qua sách báo từ sau 1954, miền Bắc dùng sai và lạm dụng từ Ngài. Cách dùng thứ nhất để tôn xưng quá đáng giới chức ngoại quốc, thứ nhì là để chế diễu, khôi hài các nhân vật trong khối tự do dân chủ, và ở miền Nam, thí dụ: Ngài đại úy, ngài thiếu tá ngay cả có dạo họ đã gọi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là Nguyên soái! Từ sau 1954, trong miền Nam gần như không bao giờ chúng ta thấy xuất hiện từ Ngài! Chế độ cộng sản tự nhận là vô sản, đánh phong kiến, diệt quan lại, nhưng nay họ lại quan lại, phong kiến hơn ai hết. Chứng cớ qua từ tôn xưng Ngài và họ còn tự nhận và gọi các cán bộ và nhân vật quan trọng ngoại quốc là Quan chức. Quan chức = officials, có thể dịch là "viên chức", hay "giới chức ngoại giao", "nhân viên chính phủ", "phái đoàn ngoại giao", v.v...
THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.
NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.
Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.
KHẨN TRƯƠNG Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.

"Khẩn trương": Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ 'nhanh chóng'. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ 'nhanh chóng' để dùng chữ 'khẩn trương'. Đáng lẽ phải nói là: 'Làm nhanh lên' thì người ta nói là: 'làm khẩn trương lên'.
BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

"Trọng thị": Coi trọng (show consideration for/ attach important to) trong từ điển ghi là một từ cũ, không hiểu sao lại được dùng trở lại. Thí dụ: "Chúng ta phải trọng thị yếu tố đó". Cứ nôm na nói: 'Chúng ta phải coi trọng yếu tố đó là đủ và giản dị rồi.
Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.
MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.
LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

Còn hai từ nữa bị người dân miền Bắc lạm dụng vì lây cách dùng của cán bộ là "bản thân" và "chủ yếu": 

"Bản thân" = self, oneself, và "chủ yếu" = main, principal. Qua những câu chuyện thường ngày, chúng ta nghe họ dùng hai từ này bừa bãi, sai lệch: 'Thức ăn chủ yếu của đồng bào vùng này là ngô và khoai; Chúng tôi lấy gạo làm chủ yếu để qui thành giá trị trao đổi. Và: 'Bản thân tôi cũng không tránh khỏi dao động. Bản thân sự kiện đó còn nhiều tồn tại". Người ta đã bỏ quên từ "tự và chính" được dùng từ xưa đến nay, thí dụ: Thức ăn chính của đồng bào. Chính tôi cũng không tránh khỏi dao động; Tự thân sự kiện đó. Hiện nay đang có phong trào ghép chữ bừa bãi giữa hai từ Hán-Việt + Hán-Việt hoặc Hán-Việt + Nôm. Thí dụ: "động thái", "thể trạng", "siêu sao", "siêu trường". Động thái là hành động + thái độ (action + attitude); thể trạng là tình trạng thân thể (physical form sitituation); siêu sao = super-star; siêu trường = super-long. nghe lạ tai. 

Đã đành là ngôn ngữ chẳng qua chỉ là những ước hiệu con người sử dụng để hiểu nhau, thông cảm nhau. Tuy nhiên những ước hiệu đó không được khó hiểu, bí hiểm, khó nghe, chói tai, kỳ lạ.

Hiện tượng phản ngôn ngữ ở Việt Nam

Trên báo chí trong nước, thỉnh thoảng có một số người còn nhiều tâm huyết lên tiếng báo động về tình trạng khủng hoảng của tiếng Việt. Bằng chứng họ nêu lên thường là những cách viết tắt, cố tình sai chính tả hoặc pha nhiều tiếng nước ngoài của giới trẻ trên facebook hay các blog. 

Phản ứng lại sự lũng đoạn ngôn ngữ của chính quyền dưới hình thức phản-ngôn ngữ (anti-language) qua những cách nói hoàn toàn bất chấp nguyên tắc ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp thông thường. Hiện tượng phản-ngôn ngữ, vốn xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, trong vài thập niên trở lại đây, có nhiều hình thức khác nhau.

Nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam là vào cuối năm 1996. Lần ấy, tôi ở Việt Nam đến bốn tuần. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những thay đổi trong tiếng Việt. Có nhiều từ mới và nhiều cách nói mới tôi chỉ mới nghe lần đầu. 

Ví dụ, trà Lipton được gọi là “trà giật giật”; cái robinet loại mới, có cần nhấc lên nhấc xuống (thay vì vặn theo chiều kim đồng hồ) trong bồn rửa mặt được gọi là “cái gật gù”; ăn cơm vỉa hè được gọi là “cơm bụi”; khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”; hoàn cảnh khó khăn được xem là “rất hoàn cảnh”; thịt beefsteak được gọi là “bò né”. Sau này, đọc báo trong nước, tôi gặp vô số các từ mới khác, như: “đại gia”, “thiếu gia” (3), “chân dài”, “chảnh” (kênh kiệu) (4), “bèo” (rẻ mạt), “khủng” (lớn); “tám” (tán gẫu); “buôn dưa lê” (lê la, nhiều chuyện), “chém gió” (tán chuyện), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe ôm” (bạn trai), “máu khô” (tiền bạc), “con nghẽo” (xe máy), v.v. 

Trong các từ mới ấy, có từ hay có từ dở, tuy nhiên, tất cả đều bình thường. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, ngôn ngữ thay đổi theo. Những sản phẩm mới, hiện tượng mới và tâm thức mới dẫn đến sự ra đời của các từ mới. Ở đâu cũng vậy. Tất cả các từ điển lớn trên thế giới đều có thói quen cập nhật các từ mới hàng năm. Có năm số từ mới ấy lên đến cả hàng ngàn. Việt Nam không phải và không thể là một ngoại lệ. Đối diện với những từ mới ấy, có hai điều nên tránh: một, xem đó là những từ ngớ ngẩn rồi phủ nhận tuốt luốt; và hai, xem đó là từ…Việt Cộng và tìm cách chối bỏ chúng.

Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất không phải là sự xuất hiện của các từ mới hay các tiếng lóng mới ấy. Mà là những cách nói mới, rất lạ tai, thậm chí, quái gở, phổ biến khắp nơi, ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ tiếng tăm, đặc biệt ở Hà Nội. Có thể tóm gọn các cách nói mới ấy vào bốn điểm.

Thứ nhất, hiện tượng dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người, một địa phương hoặc một nước để chỉ lấy ra một từ tố trong đó. Ví dụ, thay vì nói “lâu”, người ta nói “Hà Văn Lâu” (hay “Hồng Lâu Mộng”); thay vì nói “đông” (đúc), người ta nói “Hà Đông”; thay vì nói “xa”, người ta nói “Natasha” (chỉ lấy âm cuối, “Sha”, phát âm theo giọng miền Bắc là “xa”); thay vì nói “xinh” (xắn), người ta nói “nhà vệ sinh” (âm /s/ bị biến thành /x/); thay vì nói “tiện”, người ta nói “đê tiện”; thay vì nói “cạn” (ly), người ta nói “Bắc Cạn”; thay vì nói “can” (ngăn), người ta nói “Lương Văn Can”; và thay vì nói “chia” (tiền), người ta nói “Campuchia”. 

Cuối cùng, người ta có một mẩu đối thoại lạ lùng như sau:
“Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?''
''Ừ, tại đường Hà Đông quá!''
''Từ đấy đến đây có Natasa không?''
“Không. À, mà hôm nay em trông hơi nhà vệ sinh đấy nhé!”
“Khéo nịnh! Tí nữa, đi về, có đê tiện, mua giùm em tờ báo nhé!”
“Ừ, mà thôi, bây giờ nhậu đi!”
“Ừ, Bắc Cạn đi, các bạn ơi!''
“Thôi, tôi Lương Văn Can đấy!”
''Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?''

Thứ hai, hiện tượng dùng chữ “vô tư”. Lúc ở Hà Nội, một trong những từ tôi nghe nhiều nhất là từ “vô tư”. Nó được dùng một cách lạm phát. Cái gì cũng “vô tư”. Bạn bè, gồm toàn các giáo sư và nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, rủ tôi vào quán thịt cầy. Thấy tôi thoáng chút ngần ngại, họ liền nói: “Cứ vô tư đi mà! Thịt cầy ở đây ngon lắm!” Sau khi uống vài ly rượu, cảm thấy hơi chếnh choáng, tôi xin phép ngưng, họ lại nói: “Không sao đâu, cứ vô tư uống thêm vài ly nữa cho vui. Rượu này ngâm thuốc, bổ lắm!” Cuối tiệc, tôi giành trả tiền, họ lại nói: “Không, bọn tôi đãi, anh cứ vô tư đi!” Cứ thế, trong suốt bữa tiệc hai ba tiếng đồng hồ, tôi nghe không dưới vài chục lần từ “vô tư”. Chữ “vô tư” ấy phổ biến đến độ lọt cả vào trong thơ Nguyễn Duy:
Mình vô tư với ta đi 
Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời
Vô tư thế chấp đời người
Trắng tay còn chút coi trời bằng vung
Luật chơi cấm kị nửa chừng
Vô tư đặt cọc tận cùng chiếu manh
Liền em vô tư liền anh
Không ngây không dại không đành phải không.

Thứ ba, hiện tượng dùng các phụ từ “hơi bị”. Bình thường, trong tiếng Việt, “bị”, đối lập với “được”, chỉ những gì có ý nghĩa tiêu cực và ngoài ý muốn. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết sự khác biệt giữa hai cách nói “Tôi được thưởng” và “Tôi bị phạt”. Vậy mà, ở Việt Nam, ít nhất từ giữa thập niên 1990 đến nay, ở đâu, người ta cũng nghe kiểu nói “Cô ấy hơi bị hấp dẫn”, “Ông ấy hơi bị giỏi”, “chiếc xe ấy hơi bị sang”, “nhà ấy hơi bị giàu”, hay “bức tranh ấy hơi bị đẹp”, v.v.

Cuối cùng là hiện tượng các thành ngữ mới đã được Thành Phong sưu tập và minh họa trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau đó bị tịch thu), bao gồm những câu kiểu:
ăn chơi sợ gì mưa rơi
buồn như con chuồn chuồn
chán như con gián
chảnh như con cá cảnh
chuyện nhỏ như con thỏ
bực như con mực
cực như con chó mực
đau khổ như con hổ
đen như con mèo hen
đói như con chó sói
đơn giản như đan rổ
dốt như con tốt
đuối như trái chuối
ghét như con bọ chét
già như quả cà
hồn nhiên như cô tiên
im như con chim
lạnh lùng con thạch sùng
ngất ngây con gà tây
ngốc như con ốc
phê như con tê tê
sành điệu củ kiệu
tê tái con gà mái
thô bỉ như con khỉ
tự nhiên như cô tiên
tinh vi sờ ti con lợn
xinh như con tinh tinh

Tất cả những hiện tượng trên đều có một số đặc điểm chung. Thứ nhất, có lẽ chúng xuất phát từ Hà Nội, sau đó, lan truyền ra cả nước, kể cả Sài Gòn. Thứ hai, chúng phổ biến không phải chỉ trong giới trẻ mà còn cả trong giới trí thức lớn tuổi, kể cả giới học giả, giáo sư đại học và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ ba, tất cả những cách nói ấy đều ngược ngạo, thậm chí, vô nghĩa. Chả có ai có thể giải thích được những kiểu nói như “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián” hay “im như con chim”, “xinh như con tinh tinh”… trừ một điều duy nhất: chúng có vần vè với nhau. Vậy thôi.

Trong lịch sử tiếng Việt, thỉnh thoảng lại xuất hiện những hiện tượng mới, đặc biệt trong khẩu ngữ, nhiều nhất là trong tiếng lóng. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ lại có những hiện tượng nói năng ngược ngạo và vô nghĩa như hiện nay. 

Ở miền Nam trước năm 1975, người ta làm quen với những kiểu nói như “lính mà em”, “tiền lính tính liền”, “sức mấy mà buồn”, “bỏ đi Tám”, “OK Salem”, “mút mùa Lệ Thủy”, “thơm như múi mít”, “bắt bò lạc”, “một câu xanh rờn”, v.v. 

Với hầu hết những kiểu nói như thế, người ta có thể hiểu được. Còn bây giờ? Không ai có thể giải thích được. Chúng ngược ngạo đến mức quái đản. Và chúng vô nghĩa đến mức phi lý. 

Vậy tại sao chúng lại ra đời, hơn nữa, phổ biến rộng rãi trong xã hội, ngay trong giới có học thuộc loại cao nhất nước? 

Dĩ nhiên không phải vì người ta không biết. Biết, chắc chắn là biết; nhưng người ta vẫn chọn những cách nói ấy. Đó là một chọn lựa có ý thức chứ không phải một thói quen vô tình. Sự chọn lựa ấy chỉ có thể được giải thích bằng một cách: người ta muốn nói khác. Khác với cái gì? 

Với những quy ước ngôn ngữ đang thống trị trong xã hội và thời đại của họ. Khi những cái khác ấy được thực hiện một cách bất chấp luận lý và quy luật, chúng trở thành một thách thức, một sự chối bỏ, hay đúng hơn, một sự phản kháng. Bình thường, không ai phản kháng ngôn ngữ. Bởi ai cũng phải sử dụng ngôn ngữ. Người ta chỉ phản kháng tính chất giả dối, khuôn sáo, cũ kỹ, chật chội trong ngôn ngữ hoặc đằng sau ngôn ngữ: văn hóa, chính trị và xã hội. 

Bởi vậy, tôi mới xem những cách nói ngược ngạo phổ biến tại Việt Nam hiện nay như một thứ phản-ngôn ngữ: nó là một phần của thứ đối-văn hóa (counter-culture), xuất phát từ động cơ muốn thoát khỏi, thậm chí, chống lại những giá trị, những quy phạm và những chuẩn mực mà người ta không còn tin tưởng và cũng không muốn chấp nhận nữa.


Chu Đậu
Nguyễn Hưng Quốc
Có lẽ các tác giả trên cần xem xét lại:
1. KHẢ NĂNG: tác giả nói khả năng 可能 chỉ dùng để nói về năng lực của con người, tuy nhiên từ 可能 trong từ điển tiếng Hán không có nghĩa nào là biểu thị năng lực con người cả, mà đúng là nó có nghĩa là có thể, có lẽ (biểu thị tính khả năng), còn năng lực con người phải dùng từ 能力(năng lực).Vì thế tôi thấy câu: "Hôm nay, khả năng trời không mưa." không những không sai mà còn rất chính xác.
Nếu dùng từ “ khả năng -” mang nghĩa là có thể (possible) cũng chẳng có gì là kỳ cục và đáng xấu hổ cả.  Trong Hán Văn, từ Khả năng  vẫn mang nghĩa là có thể (possible). Ví dụ như, hôm nay, rất có khả năng trời sẽ mưa  (Hôm nay, rất có thể trời sẽ mưa). Từ trước đến giờ vẫn chưa thấy một văn bản nào xác định là từ khả năng chỉ dùng để nói về năng lực của con người mà thôi?
Ý nghĩa của từng từ trong tiếng Việt hay Hán - Việt điều mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, không chỉ đơn giản là tách từng từ ra giải thích rồi ghép chúng lại là có thể giải thích được ý nghĩa của nó. Ví dụ như theo tác giả nhận định như bên dưới thì cần phải cân nhắc lại :
2. SỰ CỐ: tác giả lại dẫn từ cố sự 故事 nghĩa là chuyện cũ ra, hai từ này không liên quan đến nhau. Rõ ràng trong tiếng Hán có từ sự cố 事故 biểu thị tai nạn, sự cố mà.
3. CHẤT LƯỢNG: cái nghĩa mà tác giả giải thích chỉ là nghĩa đen, nghĩa gốc, dĩ nhiên một từ không chỉ có nghĩa đen, mà nó còn có nghĩa bóng, nghĩa chuyển. Nghĩa chuyển của từ chất lượng chính là "mức độ tốt xấu của sản phầm hoặc công việc", vì thế chúng ta hoàn toàn có thể nói những cụm từ như "chất lượng công trình/ chất lượng giáo dục v.v.“ 
4. ĐỘC LẬP: “ĐỘC LẬP Độc  là riêng một mình, Lập  là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác.”    Theo Hán Văn, thì từ độc lập- 独立 được định nghĩa như sau: 指单独的站立或者指关系上不依附- là chỉ đứng đơn độc một mình hoặc là chỉ sự không phụ thuộc nhau trên mối quan hệ. Ngoài ra nó vẫn còn những hàm ý như sau:
1、单独的站立 [stand alone] đứng đơn độc
2、不依靠他人 [independence] không dựa vào người khác
3、一个国家或一个政权不受别的国家或政权的控制而自主地存在 [independence] một quốc gia hay một chính quyền không chịu sự không chế của quốc gia hay chính quyền khác và tồn tại một cách tự chủ.
4、孤立无依 [isolate;be alone] tách biệt không chổ dựa dẫm
5脱离原来所属单位,成为另一单位. Tách rời đơn vị ban đầu để trở thành một đơn vị khác
Tác giả cũng cần cân nhắc lại vấn đế này nữa “Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.”  Bất kể một người nào từng bước trường học, thì ai ai cũng biết từ Hán-Việt có nguồn gốc từ bên Tàu (ý chỉ Trung Quốc- theo cách dùng từ của tác giả), thì ý nghĩa của từ Hán- Việt ít nhiều vẫn có liên quan đến bên Tàu. 
Theo nhận định của tác giả thì người Tàu đã dùng sai từ, ngay cả cha ông đã dùng sai từ do bắt chước bên Tàu. Như theo định nghĩa và hàm ý từ phía trên, thì từ Độc Lập mang nghĩa rất rộng và nó bao hàm cả từ tự chủ, do đó cha ông chúng ta dùng từ ĐỘC LẬP chẵng có gì là sai cả mà trái lại dùng từ rất xác đáng. Vì vậy, khi đánh giá một vấn đề, chúng ta cần đánh giá một cách khách quan và khoa học, đặc biệt hơn viết những bài viết được viết ra với mục đích dành cho công chúng đọc và xem.
Hơn thế, Ngôn ngữ là phải là một thể không cố định mà nó thay đổi thay để thích ứng với không thời gian khác nhau. Mà đặc biệt là ngôn ngữ Việt Nam không chỉ có vài dòng vai câu chữ là có thể giải thích rõ hết tất cả các vấn đề tồn tại trong Tiếng Việt của chúng ta. Ông bà ta thường có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Điều này nói lên mức độ phức tạp trong ngôn ngữ Việt Nam. Xã hội ta vẫn cần những người như tác giả của bài viết, đưa ra những vấn đề với luận điểm riêng của mình. 
Tuy trong đó có những SỰ CỐ nho nhỏ. Nhưng tác giả vẫn là người có KHẢ NĂNG nói lên và viết lên những suy nghĩ độc lập và quan điểm riêng của mình. Sự vay mượn từ vựng để thay thế cho những sự vật hiện tượng trong một xã hội không bị giới hạn bởi một không thời gian nào, mà sự vay mượn có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay không. Tại sao lại nói như thế? Đơn giản là vì ngôn ngữ để trao đổi với nhau. Khi trong ngôn ngữ của một quốc gia nào đó không có từ đối ứng thì có thể vay mượn để sử dụng. 

Sex workers spread HIV over China-Vietnam border

http://news.xinhuanet.com/english2010/indepth/2011-11/30/c_131280076.htm
Tàu hô hoán là gái mại dâm Việt Nam truyền HIV cho Tàu!

03 tháng 12 2011

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure





“Hoàng Sa Việt Nam - nỗi đau mất mát” là tên một bộ phim tài liệu quí về cuộc sống và những nỗi đau mất mát của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tác giả bộ phim là André Menras- Hồ Cương Quyết và đài truyền hình TP. HCM (HTV) thực hiện năm 2011.
Các bạn thân mến,Tôi rất vui mừng báo tin với các bạn rằng, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của một số thân hữu của tôi, mà kể từ hôm nay, các bạn có thể vào You Tube để xem trọn bộ phim” Hoang Sa Vietnam: La meurtrissure, Painfull loss, Noi dau mat mat”, phiên bản tiếng Việt.
Bất chấp việc cấm đoán thô bạo của chính quyền ở TP. HCM, và sau đó là thái độ im lặng khó hiểu của họ khi tôi đề nghị được giải thích, bất chấp việc tôi không thể nào tiếp cận được với các giới chức đã trì hoãn buổi chiếu phim của tôi ở Hà Nội, cuối cùng bộ phim cũng được phổ biến rộng rãi cho mọi người Việt Nam trong nước cũng như trên toàn thế giới.
Không ai có thể ngăn chận mãi tiếng nói của sự thật!
Tôi hy vọng bộ phim mà tôi đã hoàn thành với tất cả tâm huyết này sẽ mang đến cho mọi người cái nhìn khái quát và chân thật về tình cảnh khốn khó và đầy hiểm nguy mà các ngư dân cùng người thân của họ đang phải đối mặt từng ngày, từ đó các bạn sẽ có hành động hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất , nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của đồng bào ta.
Về phía mình, tôi long trọng cam kết sẽ là nhịp cầu nối đáng tin cậy cho hoạt động tương thân tương ái này, với sự đảm bảo và giúp sức tận tình của các bạn bè của tôi…
Hồ Cương Quyết, André Menras
Đây là một phim tài liệu về cuộc đời hàng ngày của anh chị em ngư dân miền Trung (Bình Châu và Lý Sơn). Nó cho thấy rõ hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và nguy hiểm của việc hành nghề biển xa bờ tại vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Đa số nhân vật trong phim là vợ góa của những ngư dân "mất tích" tại biển cả, do hải quân Trung Quốc bắt giữ hoặc bắn giết. Chỉ nghe họ nói không cần suy diễn thêm cũng đã biết rõ bản chất trần trụi của "16 vàng – 4 cái tốt" kiểu nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với ngư dân Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

Phim được Bộ Ngoại giao Việt Nam duyệt để xuất khẩu đúng theo luật báo chí Việt Nam. Và tôi đã bắt đầu giới thiệu nó cho khán giả Pháp. Dựa vào bộ phim, Hiệp hội ADEP France Vietnam mà tôi làm Chủ tịch đã bắt đầu quyên góp một quỹ để hỗ trợ các bà vợ góa và trẻ em mồ côi cha tại Bình Châu và Lý Sơn... 

Báo Thanh niên đã đăng một loạt bài về bộ phim. Tạp chí Thế giới điện ảnh cũng đã viết một bài dài để giới thiệu nó. Nhưng bản tiếng Việt của phim chưa được công chiếu tại Việt Nam! Tôi đã chờ đợi lâu rồi để “cấp trên” bật đèn xanh cho phép Đài truyền hình TFS tại TP Hồ Chí Minh. Tất nhiên tôi không có hy vọng vào Hãng truyền hình Quốc gia VTV1 vì họ còn bận nhiều chuyện “to tát” khác. Tôi cũng không chút hy vọng vào Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội khi mà đến những người trí thức tiêu biểu tham gia biểu tình chống bọn bành trướng xâm lược Bắc Kinh họ cũng sẵn sàng đưa hình lên để bôi nhọ và chửi bới.

Thời gian chờ đợi lâu đến nỗi tôi tin là bộ phim đã bị bỏ vào một ngăn kéo của Hãng phim TFS mất rồi. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc tiếp tục uy hiếp ngư dân mình, tiếp tục cấm vùng biển của mình. Tôi đã đọc bức thư rất xúc động và cụ thể của ngư dân Bình Châu Lê Văn Huy bị "tàu không lạ" bắt giữ, ngược đãi, đòi tiền chuộc... Tôi quyết định đưa phim lên mạng để đông đảo mọi người, đặc biệt tại Việt Nam, có thể nghe trực tiếp tiếng nói của đồng bào dân chài miền Trung, để tiếp tục đứng vững bên cạnh họ, bảo vệ họ, hỗ trợ họ nhiều hơn nữa... Còn về nhà cầm quyền Việt Nam mà tôi là một công dân, tôi chỉ xin nói thẳng một điều: nhiệm vụ thiêng liêng của một nhà nước là bảo vệ công dân của nhà nước đó. Và cho dù "nhạy cảm" đến mức nào, việc giữ im lặng trước những tội ác hàng ngày của bọn xâm lược, theo cách nói công văn báo chí là “giữ nguyên hiện trạng”, là sự bỏ mặc phũ phàng số phận của đồng bào mình đang hành nghề hiền hòa trên vùng biển của đất nước vào trong các thứ nanh vuốt hung dữ của một “thế lực thù địch” thật sự. Nhà nước Việt Nam phải có gấp một Luật Biển, một chiến lược mạch lạc, rõ ràng và toàn diện để bảo vệ ngư dân mình, vì chính họ đang ngày ngày khẳng định quyền chủ quyền của Tổ quốc trong những vùng biển đảo tại biển Đông. Không thể “xã hội hóa” trách nhiệm chủ chốt theo kiểu đó!
Rất cám ơn các bạn.
Thân mến,
H.C.Q. A.M

André Menras - Hồ Cương QuyếtHoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát09/07/2011 22:12André Menras (Hồ Cương Quyết), người mang hai quốc tịch Việt - Pháp, Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP), vừa thực hiện xong bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát tại Lý Sơn và Bình Châu.Ngày 28.6 vừa qua, tại Paris, lần đầu tiên phim được chiếu cho cộng đồng những người bạn Pháp ủng hộ Việt Nam và kiều bào xem trong buổi tọa đàm "Thách thức địa chiến lược ở Đông Nam Á và những tranh chấp ở biển Đông". Tọa đàm do Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và một số hội đoàn phối hợp tổ chức. Nhân dịp này, Thanh Niên thực hiện cuộc phỏng vấn André Menras về bộ phim do chính ông viết kịch bản và đạo diễn.Ý tưởng thực hiện bộ phim về ngư dân ở vùng đảo Lý Sơn và Bình Châu đến với ông từ lúc nào? Điều gì thôi thúc ông thực hiện cuốn phim này? Năm 2006, qua báo chí Việt Nam, tôi đọc được nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã bị các tàu đánh cá, tàu quân sự của Trung Quốc uy hiếp và bắt, tịch thu tàu thuyền, dụng cụ làm nghề bắt cá, đòi tiền chuộc đến tán gia bại sản. Tôi đi từ tâm trạng ngạc nhiên đến phẫn nộ, nhiều đêm không ngủ được. Tôi đã liên tục theo dõi thông tin, thực hiện các nghiên cứu tìm tòi và ngày càng cảm thấy lo ngại về tình trạng này. Vì thế, tôi đã quyết định phải dấn thân vào việc bảo vệ các ngư dân vì tôi nghĩ rằng, bảo vệ ngư dân cũng là bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Và rồi, tôi quyết định làm một phóng sự về họ.
 
Ông André Menras phỏng vấn vợ một ngư dân mất tích, trước ngôi mộ gió ở Bình Châu (Quảng Ngãi) - Ảnh: Lê Hưng
Tôi đã lên kế hoạch ra khơi đánh cá cùng các ngư dân ở đảo Lý Sơn và đã đến đảo 2 lần nhưng đều không thực hiện được, dù biên phòng tại đảo không cấm trực tiếp, dù một số ngư dân ủng hộ kế hoạch của tôi hết mình. Tuy nhiên, tôi biết, vì một lý do nào đó nên họ đã từ chối cho tôi đi cùng. Lần thứ 3 tôi đi Bình Châu (cũng trong năm 2011 này), được một người bạn giới thiệu gặp một ngư dân tại đó. Tôi đã có những ngày cùng sống, trò chuyện, ăn cơm với gia đình ngư dân tốt bụng này, tuy nhiên tôi vẫn chưa thể thực hiện giấc mơ ra vùng biển Hoàng Sa, có thể do người ta lo lắng cho sự an toàn của tôi chăng. Trở lại Lý Sơn lần nữa, tôi gần như trở thành vị khách quen thuộc của cư dân đảo, họ hiểu tình cảm cũng như tấm lòng của tôi đối với những mất mát của gia đình ngư dân ở đây. Cuối cùng, tôi đã được một số bạn Việt Nam yêu nước giúp đỡ, trở về Lý Sơn lần thứ tư để thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát.Ngoài những nhân vật chính trong phim là bà vợ góa, những đứa trẻ có chồng/cha là ngư dân mất tích ngoài biển, thông điệp nào ông muốn chia sẻ ở bộ phim này? 

Tôi không cầm được nước mắt khi nghe ngư dân Tiêu Viết Là kể từng bị tàu Trung Quốc bắt 4 lần, bị đánh đến thương tật, bị giam giữ, đòi tiền chuộc đến phá sản và nay còn nợ 400 triệu đồng. Nhưng anh vẫn hồn nhiên nói: Hoàng Sa gần đây lắm, làm sao không nhớ, là một phần của quê hương Việt Nam mà
 

Vấn đề ngư dân ở Bình Châu, Lý Sơn nói riêng và ngư dân ở miền Trung nói chung đều có những hoàn cảnh hết sức éo le, đau khổ. Cần sự đồng tâm, đồng lòng của người Việt ở trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ, bởi họ là bằng chứng sống động nhất khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại vùng biển Đông Nam Á. Điều tôi muốn nói ở đây là gì ? Đằng sau những mất mát, những số phận con người là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đảo của mình. Đây là vấn đề lớn và cấp bách. Qua phim này, tôi muốn cho mọi người thấy rõ sự thật hằng ngày của ngư dân Bình Châu và Lý Sơn. Sự thật đó chính là nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự phản kháng, niềm kiêu hãnh, đó chính là lòng dũng cảm, tình yêu nước của họ. Thông điệp đó rất rõ ràng: "Hãy nhìn những người này, nhìn sự đau khổ của họ, nhìn thấy họ bám víu vào biển để sống ra sao. Hãy nhìn xem họ đã sống kiên định thế nào, họ xứng đáng được giúp đỡ, được ủng hộ và bảo vệ!". Từ kết quả này, tôi muốn lập một quỹ đoàn kết, trước mắt là với những gia đình ngư dân ở vùng biển Địa Trung Hải quê hương tôi, hỗ trợ các ngư dân ở miền Trung, đặc biệt vùng Bình Châu và Lý Sơn.   Điều gì khiến ông ấn tượng nhất khi thực hiện bộ phim này?Dù tôi đã được nghe kể về những hoàn cảnh, mất mát của các gia đình ngư dân trên đảo, dù tôi đã nhận được nhiều lá thư viết vội của các cháu mồ côi cha gửi đến tôi, khi biết tôi là Chủ tịch ADEP, tuy nhiên, lúc trực tiếp phỏng vấn làm phim, tôi không cầm được nước mắt. Những bà vợ góa mất chồng, những đứa trẻ mất cha trên biển, kể lại với tôi hoàn cảnh gia đình bằng những câu đứt quãng rất xúc động. Họ ra biển ngóng chồng mỗi chiều dù chồng biệt tích cả nửa năm, 1 năm qua. Hết kiên nhẫn, họ trở về dựng những ngôi mộ gió và ngày đêm nhang khói đều đặn. Điều gì khiến họ làm điều đó? Đó là sức mạnh của niềm tin. Họ có tình yêu nước, tinh thần không nhượng bộ, tinh thần đoàn kết và sự chung thủy rất đẹp của con người. Tôi hỏi ông Bùi Thượng, năm nay đã 73 tuổi, được mệnh danh là "vua lặn" của đảo Lý Sơn: "Theo ông, cái nguy hiểm nhất trong nghề đi lặn là gì?". Ông Thượng nói: "Là khi gặp con cá mập lớn, mình đừng vội bỏ chạy, phải nhìn trừng vào mặt nó, nó sẽ không tấn công mình...". Câu trả lời của ông Thượng khiến tôi liên tưởng đến hoàn cảnh Việt Nam những khi gặp kẻ mạnh uy hiếp, gây hấn: "Hãy nhìn trừng vào con cá mập" để tồn tại! Có một chi tiết khiến tôi và anh em quay phim không cầm được nước mắt khi nghe ngư dân Tiêu Viết Là (Bình Châu) kể từng bị tàu Trung Quốc bắt 4 lần, bị đánh đến thương tật, bị giam giữ, đòi tiền chuộc đến phá sản và nay còn nợ 400 triệu đồng. Nhưng anh vẫn hồn nhiên nói: Hoàng Sa gần đây lắm, làm sao không nhớ, là một phần của quê hương Việt Nam mà".Kế hoạch cụ thể của ông với bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát như thế nào?Ngày 28.6 vừa qua, bộ phim được chiếu tại buổi tọa đàm "Thách thức địa chiến lược ở Đông Nam Á và những tranh chấp ở biển Đông" cho đông đảo bạn bè Pháp, cộng đồng người Việt tại Paris và vùng phụ cận xem. Tọa đàm này do Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và một số hội đoàn phối hợp tổ chức. Những hình ảnh chân thực của phim tài liệu dài 56 phút này đã khiến nhiều người xem rất xúc động. Tôi cho là bước đầu công chiếu rất tốt. Tôi có một kế hoạch ngắn hạn là trình chiếu tại Pháp, trên kênh truyền hình Pháp nhằm lập một quỹ đoàn kết giúp những người vợ góa, những đứa trẻ mồ côi và những ngư dân mất tài sản có thể tiếp tục bám biển, tiếp tục tự hào là ngư dân Việt Nam ở các vùng biển miền Trung. Song song đó, tôi cũng mong bản phim tiếng Việt được chiếu tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề cấp bách lắm rồi!Ông tin vào hiệu quả của phim?Nếu không có niềm tin thì không làm. Đây không phải là phim hoàn hảo về kỹ thuật, về nội dung, nhưng nó là tấm lòng của tôi, của những người bạn đã hỗ trợ tôi một cách chuyên nghiệp để quay và dựng phim trong thời gian rất ngắn. Cách đây hơn 40 năm tôi đã treo ngọn cờ của kháng chiến quân ngay giữa lòng Sài Gòn bị chiếm đóng như một sự phẫn nộ, một lời tố cáo sự tàn bạo của kẻ xâm lược, một hành động đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Nay, tôi xem bộ phim này như một ngọn cờ nhỏ của sự đoàn kết. Tôi tin ngọn cờ này sẽ kêu gọi nhiều ngọn cờ khác, vì không một con người văn minh nào chấp nhận được nạn bạo quyền, gây hấn ở thế kỷ 21 này. Bộ phim là tiếng nói chống lại sự áp bức để tôn trọng con người, tôn trọng quyền của các dân tộc. Và những việc làm của các bạn, của tôi lúc này đã góp phần nhỏ trong tiếng nói chính đáng đó!Ngự Hà (thực hiện)

Ông Hoàng Hữu Phước gọi ông Trương Tấn Sang là Tổng thống

http://hhphuoc.blog.com/archives/45/
Ông Hoàng Hữu Phước gọi ông Trương Tấn Sang là vị Tổng thống* thứ 8 của nước Việt Nam thống nhất.

Ghi chú:

*Tôi không hiểu sao ở Việt Nam vẫn còn “thẹn thùng” đối với từ “tổng thống” vì từ “chủ tịch” quá nhàm chán, quá lẫn lộn, với cấp nào cũng có “chủ tịch”, từ xã đến huyện đến thị trấn đến thành phố đến tỉnh đến mọi cấp mọi nơi, từ công việc theo nhiệm kỳ đến công việc ngắn hạn như chủ tịch giải thi đấu này nọ.. .Tôi vẫn sử dụng từ “tổng thống” cũng như tôi chỉ sử dụng từ “hàng không mẫu hạm” vì “tàu sân bay” rất yếu ớt và có nội dung hoàn toàn sai do “mẫu hạm” chính xác hơn, thực tế hơn, với danh xưng tàu “mẹ” vì mỗi hàng không mẫu hạm đều luôn có “đàn con” dữ dội gồm hàng chục chiến hạm, khu trục hạm, ngư lôi hạm và tiềm thủy đỉnh tức tàu ngầm bảo vệ dày đặc xung quanh bao trùm cả khoảng không gian mặt biển rộng khắp.

Hậu quả tâm lý chiến và tự kỷ ám thị cuả các anh chống Cộng cờ Vàng

http://xichloviet.wordpress.com/2011/12/02/h%e1%ba%adu-qu%e1%ba%a3-tam-ly-chi%e1%ba%bfn-va-b%e1%bb%87nh-t%e1%bb%b1-k%e1%bb%b7-am-th%e1%bb%8b-c%e1%bb%a7a-cac-anh-ch%e1%bb%91ng-c%e1%bb%99ng-c%e1%bb%9d-vang/
Hệ thống tâm lý chiến của Saigon tuyên truyền tạo ra hình ảnh anh cán binh VC ngu đần khát máu chuyên khủng bố, pháo kích giết hại dân lành, và hầu hết những công bộc của chế độ cờ vàng đều tin tưởng như vậy. Những hình ảnh được tâm lý chiến dựng lên như tù binh VC nhếch nhác không quân phục, không giày dép đen đúa bẩn thỉu. Những chiến sĩ miền Bắc thì được họ mô tả là “răng đen mã tấu dép râu” 7 thằng leo cây đu đủ không gãy. Họ mô tả những người CS là những kẻ dốt nát, là những tên thảo khấu chưa hề biết đến văn minh loài người. Người dân thành thị trong chế độ Sai gòn cả đời chưa bao giờ được biết mặt mũi anh cán binh cộng sản ra sao, nếu được thông tin thì hình ảnh toàn là những anh tù binh nhếch nhác bên cạnh những anh hùng lính Cộng Hòa hiên ngang đang nở nụ cười chiến thắng.

Tâm lý chiến chế độ Saigon dựng lên bộ phim “Chúng tôi muốn sống” để tố cáo chinh sách cải cách ruộng đất miền Bắc. Nó hiệu quả đến nỗi cho đến nay người ta cứ tưởng những hình ảnh trong phim là sự thật. Hầu hết những dẫn chứng hình ảnh về sự tàn bạo của chính sách cải cách ruông đất miền Bắc trên hệ thống truyền thông cờ vàng đều trích dẫn từ phim này mà hoàn toàn không hề có dẫn chứng hình ảnh nào khác. Cho đến hôm nay các anh cờ vàng cũng vẫn dùng những hình ảnh trích trong phim này để tố cộng và tha hồ phóng đại lên số nạn nhân. Cuốn tiểu thuyết “ Giải khăn sô cho Huế “ do Nhã Ca, một nhà văn tâm lý chiến được giải thưởng của Nguyễn Văn Thiệu bịa chuyện thì được xem là tài liệu “lịch sử” tố cộng tàn sát dân thường năm Mậu Thân ở Huế. Hệ thống tâm lý chiến Saigon đã làm cho nó trở thành “tài liệu” tố cộng của các anh.

01 tháng 12 2011

Họ nhà rận coi đi, coi đi mà run! :))

Lực lượng công an nhận đuợc tin báo của người dân. Có nhóm người tụ tập. Mang theo rất nhiều biểu ngữ Hò hét rất hăng Lực lượng chức năng lên đường. Diễn biến phức tạp, buộc lực lượng chức năng phải mạnh tay. Lực lượng an ninh gặp rất nhiều khó khăn, phải dùng dụng cụ ngăn chặn để trấn áp, giải tán đám đông Nhiều đối tượng manh động Ném vật cứng về phía lực lượng an ninh. Rồi chạy Đốt phá Phun vòi rồng nhưng có vẻ không có kết quả. Lực lượng chức năng cũng có thiệt hại. Có 1 số tên lợi dung phá hoại, nên cảnh sát có vũ trang vào cuộc Một số tên bị bắt. CSGT cũng phải tham gia, quăng lưới đánh cá cùng với dân quân tự vệ phối hợp, bắt đi 1 số tên Có tên giãy mạnh quá, phải mấy người khênh đi