Khoằm

20 tháng 10 2009

ẤN ĐỘ - CUỘC ĐẤU TRANH ĐÒI ĐỘC LẬP TỪ 1918 ĐẾN 1945


          1. Tình hình Ấn Độ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đường lối đấu tranh của M.Ganđi.
          Ấn Độ là thuộc địa lớn nhất và giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của thực dân Anh. Về chính trị, Ấn Độ tạo lợi thế cho đế quốc Anh trong so sánh lực lượng với các đế quốc khác. Về kinh tế, thuộc địa rộng mênh mông này cung cấp cho Anh nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào (đặc biệt là bông, sợi), nguồn nhân công rẻ mạt và nguồn lợi nhuận cao. Về quân sự, đây là vị trí chiến lược giúp Anh khống chế và bảo vệ cả vùng Ấn Độ Dương, các thuộc địa ở Đông Nam Á, Trung Đông. Do vậy, thực dân Anh luôn tìm cách duy trì sự thống trị của chúng ở Ấn Độ .
          Nền thống trị của Anh ở Ấn Độ, một mặt làm cho đời sống nhân dân ngày càng trở nên bần cùng, song mặt khác, nó đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội Ấn Độ . Kinh tế tư bản chủ nghĩa xâm nhập vào các cộng đồng, liên kết người dân Ấn Độ thành một khối trong ý thức dân tộc, giai cấp tư sản Ấn Độ ngày càng lớn mạnh, vươn lên lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc thông qua chính đảng của nó - Đảng Quốc Đại. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ càng trở nên mạnh mẽ hơn kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
          Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Anh đã tìm mọi cách huy động sức người, sức của của Ấn Độ nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc của chúng. Chúng đã cướp đi của nhân dân Ấn Độ 36 triệu tấn trang thiết bị vật tư các loại, 5 triệu tấn lương thực và 1,5 triệu người. Điều này làm cho đời sống người dân càng trở nên cùng cực. Trong những năm 1918 -1919 hơn 12 triệu người Ấn Độ bị chết đói.
          Mặt khác, để bòi rút tối đa của cải ở Ấn Độ và giữ Ấn Độ trong trại thái an toàn, thực dân Anh đã đưa ra những nhượng bộ chính trị và kinh tế cho tư sản Ấn Độ. Lợi dụng hoàn cảnh này, tư sản Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh trong những năm chiến tranh. Cùng với quá trình đó số lượng công nhân Ấn Độ cũng tăng lên. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất số lượng công nhân chưa đến 1 triệu người, sau chiến tranh đã tăng lên 2,5 triệu người.
          Trong lúc những mâu thuẫn gay gắt của xã hội Ấn Độ đang diễn ra, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra đã làm cho thực dân Anh lo sợ. Một mặt chúng tìm cách trấn áp những người yêu nước bằng cách thông qua đạo luật Râulét vào tháng 3 năm 1919, mặt khác chúng tìm cách thoả hiệp với các giai cấp tư sản và địa chủ Ấn Độ bằng cách đưa ra cải cách Môntagu - Tremmơsphod hòng ổn định cục diện chính trị ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Ấn Độ đã bùng nổ một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất kể từ sau 1905, dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Đại, theo đường lối của M.Ganđi.
          Mahatma Ganđi (02/06/1869 - 30/01/1948) tên thật là Mohandas Karamchand Ganđi, xuất thân trong một gia đình quan lại xứ Porbanđa, thuộc đẳng cấp Vaxia. Từ năm 1888 đến 1891 ông học luật ở Anh và sau đó hành nghề với tư cách luật sư ở Nam          Phi (1893 - 1914). Tại Nam Phi, lần đầu tiên Ganđi họat động chính trị và nhanh chóng trở thành người lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống lại sự phân biệt đối xử ở Nam Phi. Các cuộc đấu tranh do Ganđi lãnh đạo ở Nam Phi đều được tổ chức với ý thức không sử dụng bạo lực. Ông đặt tên cho hình thức đấu tranh này là Satiagraha, tức là "kiên trì chân lý" và nó trở thành hạt nhân học thuyết "Bất bạo lực"- cốt lõi của đường lối đấu tranh do Ganđi đề xướng.
          Điều chú ý là Ganđi kiên quyết chống lại việc áp dụng cho thuật ngữ Satiagraha bằng thuật ngữ "phản kháng thụ động", bởi chúng khác nhau "như cực Bắc khác với cực Nam", đó là sự khác nhau giữa một "vũ khí mạnh mẽ nhất" với một vũ khí yếu ớt. Theo Ganđi, người Ấn Độ cần sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo lực, vì: "nếu chúng ta đối xử với người Anh một cách công bằng và hợp lý, thì ngày giải phóng đất nước Ấn Độ chúng ta càng sớm đến. Trái lại, nếu ta coi họ như thù nghịch, thì ngày đó chưa biết đến bao giờ", vả lại "bản ngã của con người là sự ôn hoà, mực thước" và "người Ấn Độ còn nhiều sứ mệnh cao cả phải theo đuổi chứ đâu chỉ có mục đích trừng trị những kẻ độc ác trên trái đất này", hơn nữa "tôn giáo không dạy ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để lòng nhân lên trên lòng yêu nước của tôi".
          Cùng với tư tưởng bất bạo lực, Ganđi đề ra tư tưởng "bất hợp tác" và xem đó là một trong những biện pháp đảm bảo sự thắng lợi của cuộc đấu tranh. Ông nói: "Ai giữ đất Ấn trong tay người Anh? chính là chúng ta vậy, chúng ta thích những sự tiện lợi của nền văn minh máy móc người Anh mang đến. Chúng ta ham lợi mà buôn bán với họ". Theo ông, "Người Ấn không thể chống lại người Anh về phương diện này, mà còn hợp tác với họ về phương diện kia", "Tẩy chay hàng hoá của người Anh chưa đủ, còn phải tẩy chay các học đường, các toà án, các công sở, tư sở, các huy chương khen tặng của người Anh; tóm lại, bất hợp tác trong tất cả mọi ngành”. Bởi vì "phong trào bất hợp tác không có tính cách tranh đấu tích cực như hội họp và kích thích dân chúng công nhiên kháng Anh, nên không thể gây ra đổ máu được".
          Để đảm bảo cho công cuộc giải phòng Ấn Độ theo đường lối "bất hợp tác trong bất bạo lực”, Ganđi chủ trương tiến hành đoàn kết các lực lượng dân tộc. Ông luôn đấu tranh cho sự hoà hợp dân tộc, đặc biệt là vấn đề đẳng cấp và tôn giáo.
          Học thuyết của Ganđi về bất bạo lực thể hiện tính chất phức tạp và hai mặt trong lập trường của tư sản Ấn Độ. Một mặt tư sản Ấn Độ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư bản Anh nên ban đầu huy động quần chúng đấu tranh, mặt khác tư sản Ấn Độ cũng không muốn quyền lợi của mình bị đe dọa nên họ đã hạn chế cuộc đấu tranh này trong phạm vi bất bạo lực. Tuy nhiên, trong một xã hội mà sự phân chia đẳng cấp và tôn giáo cùng với ách thống trị thực dân đã làm mờ đi những mâu thuẫn về giai cấp thì đường lối của Ganđi đã được chấp nhận. Ông là người đã tiến hành "Tổng kết hệ thống qua điểm triết học và đường lối chính trị, xã hội của tư sản Ấn Độ”(1) và được toàn thể nhân dân Ấn Độ gọi bằng cái tên trìu mến Mahatma (Tâm hồn vĩ đại).
          2. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1919 -1922.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc Đại theo đường lối của M.Ganđi, cuộc đấu tranh chống thực dân Anh đã nổ ra hết sức mạnh mẽ trong những năm 1919 - 1922. Nét đặc trưng của phong trào đấu tranh trong thời kỳ này là sự tham gia của đông đảo các tầng lớp, từ công nhân đến nông dân, những người buôn bán, người Ấn, người Hồi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1920 ở Ấn Độ đã nổ ra 200 cuộc bãi công với 1,5 triệu người tham gia. Công nhân đã thành lập các tổ chức nghiệp đoàn, năm 1920, Hội Công Liên Ấn Độ được thành lập.
          Từ những cuộc đấu tranh của công nhân, phong trào đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của mọi tầng lớp cư dân thành thị và các khu vực nông thôn lân cận nhằm chống lại đạo luật Râulét. Ngày 30 tháng 3 và ngày 6 tháng 4 năm 1919 ở các thành phố nhân dân đã tiến hành hartan(2). Trong quá trình đấu tranh, tình đoàn kết anh em giữa người Ấn và người Hồi được củng cố vững chắc ở phong trào Khaliphát. Trước sự phát triển của phong trào thực dân Anh đã tiến hành đàn áp hết sức giã man. đặc biệt ngày 13 tháng 4 năm 1919, dưới sự chỉ huy của Tướng Đaiơ, quân đội đã xả súng bắn vào một đám đông đang tiến hành một cuộc biểu tình ở Amritsa, giết hại khoảng 1.000 người và làm bị thương khoảng 2.000 người(3) . Sự kiện này đã làm cho cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ ngày càng mạnh mẽ. Từ Pengiáp, phong trào đấu tranh lan ra các nơi khác như Ahmêdabat, Gutgierat, Bombay, Cancuta, các tỉnh liên hiệp, Biha, Orisa. Cuộc vận động bất hợp tác được triển khai trong toàn quốc. Hoảng sợ , chính quyền thực dân đã bắt tất cả các nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng Quốc đại, trừ Ganđi (1921). Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của quần chúng đang phát triển đến đỉnh cao. Giữa lúc đó sự kiện Sauri - Saura và Bácđôli diễn ra.
          Tháng 2 năm 1922, nhân dân Sauri - Saura căm phẫn trước việc cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình nên đã tấn công đốt cháy đồn cảnh sát, giết chết 22 tên. Thực tế này cho thấy đường lối "Bất bạo lực" đã bị vượt qua. Trước tình hình đó, Ganđi vội vã triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Đảng Quốc Đại vào ngày 12 tháng 2 năm 1922 ở Bácđôli, quyết định đình chỉ phong trào bất hợp tác, thay vào đó là một chương trình "Xây dựng” (kéo sợi, giáo dục.) mang tính chất ôn hoà. Quyết định này đã làm cho phong trào đấu tranh bị giảm sút nhanh chóng. G.Nêru cũng thừa nhận là quyết định này "đã phần nào gây ra tình trạng mất tinh thần. Có thể nói rằng việc bóp nghẹ đột ngột phong trào rộng lớn đã góp phần tạo ra một tình hình bi thảm trong nước” . Phải mất 6 năm sau phong trào đấu ranh của nhân dân Ấn Độ mới phát triển trở lại.
          3. Tình hình Ấn Độ những năm 1923 - 1928.
          Sau nghị quyết Bácđôli, thực dân Anh càng tăng cường hơn nữa chính sách đàn áp phong trào đấu tranh, Ganđi bị kết án 6 tháng tù giam (tháng 3 năm 1922). Đồng thời với sự đàn áp là chính sách chia rẽ dân tộc, gây thù hằn giữa các tôn giáo, thực dân Anh đã kích động để gây ra những cuộc xung đột máu thê thảm giữa người Ấn và người Hồi vào năm 1925 nhằm phá vỡ tình đoàn kết Ấn - Hồi đã được cũng cố từ năm 1916. Cũng trong thời gian này, thực dân Anh tiến hành đàn áp gắt gao trước họat động của những người cộng sản Ấn Độ trên đường tiến đến thành lập Đảng.
          Lúc bấy giờ uy tín của Đảng Quốc Đại Ấn Độ bị giảm sút nghiêm trọng trong quần chúng nhân dân. Số lượng đảng viên từ chỗ 10 triệu người đến năm 1924 chỉ còn khoảng 30 vạn người. Đảng Quốc Đại thực hiện “chương trình xây dựng” do Ganđi đề ra, kêu gọi nhân dân khôi phục các nghề thủ công truyền thống, chống các tệ nạn xã hội (uống rượu, hút thuốc phiện), đấu tranh xoá bỏ chế độ đẳng cấp. Năm 1925, hội những người kéo sợi được thành lập do Ganđi đứng đầu. Hội có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng của Ganđi trong nhân dân, góp phần đấu tranh bài trừ hàng ngoại hoá nhằm giúp người lao động thoát khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc. Trong thực tế, Hội đã có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng ở nông thôn.
          Nhìn chung, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã lắng xuống. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đấu tranh mới.
          Từ những nhóm cộng sản đầu tiên xuất hiện vào năm 1922, đến 1924, các nhóm cộng sản đã bí mật họat động ở Ấn Độ và ngày càng tăng cường truyền bá các tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Ấn Độ . Năm 1923, nhóm những người cộng sản ở Bombay đã xuất bản tạp chí "Người xã hội chủ nghĩa” do S.A.Dange làm chủ biên. Những người cộng sản Ấn Độ tham gia họat động trong các chi bộ cơ sở của Đảng Quốc Đại và tích cực tiến hành các cuộc đấu tranh cùng với công nhân . Trong quá trình đấu tranh của phong trào công nhân trong thời kỳ này, công nhân Bombay đã dẫn đầu phong trào. Năm 1925, Bombay chiếm 51% tổng số các cuộc bãi công trong toàn quốc. Cũng trong năm 1925 đã diễn ra cuộc bãi công của công nhân đường xe lửa Tây Bắc Ấn Độ. Năm 1926 công nhân đường sắt Bengan - Nátpua đã tiến hành một cuộc bãi công lớn, chính quyền thực dân phải huy động quân đội đến đàn áp.
          Từ năm 1927 phong trào đấu tranh của nông dân Ấn Độ đã bắt đầu lan rộng và đến năm 1928 đã phát triển. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh đòi giảm tô tức, sưu thuế của hơn 8 vạn nông dân vùng Bácđôli thuộc tỉnh Bombay. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra giữa nông dân và địa chủ, bọn thu thuế và chính phủ nhiều lần phải phái quân đội đến đàn áp.
          Sự phục hồi của phong trào đấu tranh quần chúng cùng với những ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới cũng như các thành tựu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, những tin tức thắng lợi cuộc cách mạng Trung Quốc đang đấu tranh, đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ. Năm 1926, đảng Công nông ra đời ở Bengan và tháng 5 năm 1927 đã thông qua một bản cương lĩnh trong đó có những điểm mới đối với Ấn Độ như đấu tranh giành độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ, tiến tới thành lập một nước cộng hoà dân chủ Ấn Độ, thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của đại địa chủ phong kiến, quốc hữu hoá những xí nghiệp quan trọng có lợi ích công cộng, ban hành luật ngày làm 8 giờ và quy định tiền lương tối thiểu. Trong những năm 1927 - 1928, nhiều đảng Công nông khác được thành lập ở Bombay, Biha, các tỉnh biên giới Tây Bắc và nhiều tỉnh khác.
          Nhìn chung các đảng Công nông chưa phải là đội tiền phong chân chính của công nhân Ấn Độ bởi tính chất phức tạp của nó. Riêng đảng Công nông Bombay tỏ ra cách mạng nhất với tờ báo "Tia sáng” - một tờ báo chủ yếu tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục đường lối cách mạng vô sản cho giai cấp Ấn Độ .
4. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1929 - 1939.
          Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1939 ở các nước tư bản chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ trở nên hết sức khó khăn. Công nghiệp bị thu hẹp lại. Tiền lương công nhân bị hạ xuống 30-40%, số công nhân bị sa thải ngày càng tăng. Sản xuất nông nghiệp cũng bị giảm sút nghiêm trọng, đời sống của nhân dân trở nên cùng cực. Cũng trong thời gian này, quá trình tập trung và tích tụ tư bản, quá trình thành lập các công ty tư bản Anh - Ấn được đẩy mạnh. Hai ngành công nghiệp mới ở Ấn Độ ra đời là công nghiệp đường và xi măng, phần lớn nằm trong tay tư bản Ấn Độ . Thực tế cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ấn Độ đã làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc và đế quốc Anh càng trở sâu sắc và nó đã tạo ra phong trào đấu tranh sôi nổi trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
          Lúc bấy giờ, trong nội bộ Đảng Quốc Đại đã xuất hiện nhóm "tự trị” với những chủ trương cấp tiến của G.Nêru. Phái tả trong Đảng do G.Nêru đứng đầu gồm những đảng viên trẻ tuổi chủ trương họat động chính trị trong và ngoài nước, liên hệ và tìm sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mục tiêu của phái tả đề ra là "tự trị” hoàn toàn. Đại hội Laho năm 1929 đã bầu G.Nêru làm Chủ tịch Đảng Quốc Đại. Sự chuyển biến này của Đảng Quốc Đại đánh dấu một bước tiến mới của phong trào đấu tranh đòi độc lập ở Ấn Độ .
          Thực tế, sự phục hồi của phong trào quần chúng đã diễn ra từ năm 1928, khi chính phủ Anh cử phái đoàn Simơn đến Ấn Độ để "Nghiên cứu một bản dự thảo Hiến pháp” cho Ấn Độ. Đảng Quốc Đại kêu gọi quần chúng tẩy chay phái đoàn Simơn với khẩu hiệu "Simơn cút đi”.
          Với việc Đảng Quốc Đại nêu cao khẩu hiệu "Tự trị hoàn toàn”, của phong trào đấu tranh của quần chúng càng phát triển mạnh mẽ. Vào lúc nửa đêm ngày cuối cùng của năm 1929, bước sang năm 1930., G. Nêru đã trịnh trọng kéo lá cờ 3 sắc (đỏ, trắng, xanh lá cây)(1) được chọn làm Quốc kỳ của nước Ấn Độ độc lập trong tiếng hô vang của các đại biểu Cách mạng muôn năm”. Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ được tổ chức khắp đất nước vào ngày 26 tháng 1 năm 1930. Trong các cuộc biểu tình này, người Ấn Độ đã đọc lời thế đấu tranh cho nền độc lập của đất nước(2) .
          Sau ngày 26 tháng 1 năm 1930, M.Ganđi đã nêu yêu sách 11 điểm trên tờ “Ấn Độ trẻ” đòi thực dân Anh cải cách kinh tế, trả tù chính trị. Tiếp đó, M.Ganđi yêu cầu nhà cầm quyền Anh phải bỏ chính sách độc quyền về muối. Chính quyền Anh đã bác bỏ các yêu cầu này và M.Ganđi chính thức phát động một chiến dịch "phản kháng bất bạo lực” mới gọi là "chiến dịch đi lấy muối” vào tháng 2 năm 1930. Tháng 4 năm 1930, M.Ganđi tiếp tục phát động phong trào "Bất hợp tác” với mục tiêu:
          - Không tuân theo luật lệ về độc quyền muối.
          - Tẩy chay hàng vải ngoại hoá.
          - Tổ chức các đội kiểm soát việc mua bán vải vóc ở các cửa hàng.
          - Kiểm soát sự lui tới ở các quán rượu và tiệm hút.
          - Bãi bỏ sự đối xử bất công với những người thuộc đẳng cấp "không thể đụng đến”.
          - Tổ chức biểu tình chống đế quốc Anh và các cuộc bãi công, bãi khoá của công nhân học sinh sinh viên và viên chức.
          Phong trào này được mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ hưởng ứng đông đảo. Điều này làm cho thực dân Anh hết sức lo sợ. Tháng 5 năm 1930 chính quyền Anh ra lệnh bắt giam M.Ganđi và sau đó tuyên bố đặt mọi tổ chức, đảng phái chính trị (kể cả Đảng Quốc Đại) ra ngoài vòng pháp luật, chỉ trong năm 1930 có 60.000 người bị bắt.
           Sự đàn áp của thực dân Anh càng làm cho phong trào quần chúng trở nên mạnh mẽ quyết liệt. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân vùng Sôlaqua, Petsava, các cuộc bãi công ở Bombay, Bengan, Pengiáp, Mađrát. Trong phong trào đấu tranh, các tầng lớp nhân dân đã hình thành một cách tự nhiên mặt trận nhân dân thống nhất chống thực dân Anh. Tuy nhiên các cuộc đấu tranh đều tự phát, thiếu sự lãnh đạo, tổ chức chu đáo nên đã thất bại trước sự đàn áp của chính quyền thực dân.
          Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng, ngày 26 tháng 1 năm 1931 thực dân Anh vội thả M.Ganđi và nhiều lãnh tụ khác của Đảng Quốc Đại. Ngày 5 tháng 3 năm 1931, M.Ganđi ký với Phó vương Iếcuyn một bản "hiệp định Ganđi - Iếcuyn”, quy định đình chỉ phong trào bất hợp tác trong toàn quốc và tiến hành “hội nghị bàn tròn” sẽ họp ở Luôn Đôn nhằm thảo luận một bản dự thảo hiến pháp mới cho Ấn Độ .
          Tại "hội nghị bàn tròn” Ganđi hy vọng đàm phán với chính phủ Anh trên cơ sở "dự án Môtilan Nêru”(1), còn chính phủ Anh đi đến hội nghị vói ý đồ củng cố địa vị thống trị Ấn Độ bằng chính sách chia rẽ các cộng đồng tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ , do đó hội nghị không đạt được một kết quả nào. Tháng 1 năm 1932, M.Ganđi về nước và tuyên bố phát động lại phong trào bất hợp tác mới trong toàn quốc. Phong trào bất hợp tác mới kéo dài đến cuối năm 1932 mới kết thúc, tuy nhiên do sự đàn áp mạnh mẽ của chính quyền thực dân nên quy mô của nó không rộng lớn như năm 1930.
          Cũng trong thời kỳ này, phong trào công nhân Ấn Độ được củng cố qua các cuộc đấu tranh. Các tiểu tổ cộng sản đã tăng cường các họat động chung và tháng 11 năm 1933, các tiểu tổ cộng sản đã hợp nhất với nhau, thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ, cử ra Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng. Một chương trình hành động chung đã được Ban chấp hành trung ương lâm thời đưa ra nhằm tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Ấn Độ . Tuy nhiên, trong điều kiện của xã hội Ấn Độ, cùng với sự đàn áp tàn bạo những người cộng sản của chính quyền thực dân, những họat động của Đảng Cộng sản Ấn Độ được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Tháng 7 năm 1934, Đảng Cộng sản Ấn Độ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và mãi đến năm 1943 Đảng mới có thể tiến hành Đại hội lần thứ nhất.
          Năm 1933, Nghị viện Anh thông qua một đạo luật mới về việc cai trị Ấn Độ. Và đến năm 1935, nó được công bố cho nhân dân Ấn Độ với tên gọi là "Hiến pháp mới” của Ấn Độ. Thực chất đây là một đạo luật thống trị, không thừa nhận quyền tự trị của nhân dân Ấn Độ. "Hiến pháp mới” đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Ấn Độ, nhân dân   Ấn Độ gọi đây là "Hiến pháp nô dịch”, Đảng Quốc Đại tuyên bố sẽ đấu tranh đòi triệu tập Hội nghị lập hiến toàn Ấn Độ . Liên đoàn Hồi giáo cũng lên tiếng phản đối.
          Phong trào phản đối bản "Hiến pháp nô dịch” đã đoàn kết được tất cả các lực lượng chính trị thành một mặt trận thống nhất trên thực tế. Biểu hiện rõ nhất là cuộc mít tinh của nhân dân Bombay để phản đối "Hiến pháp mới”, tổ chức ngày 7 tháng 2 năm 1935, hầu hết các đảng phái chính trị và tổ chức quần chúng yêu nước đều tham gia tích cực vào cuộc mít tinh này. Tháng 4 năm 1936, Đại hội Tổng nông hội toàn quốc họp tại Lắcnao, kết án "Hiến pháp mới” và kêu gọi nông dân toàn quốc đoàn kết với các lực lượng tiến bộ đấu tranh chống thực dân. Tháng 5 năm 1936, tổng công hội Ấn Độ cũng tiến hành đại hội và ra Nghị quyết thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương hợp tác với Đảng Quốc Đại. Chính trong thời kỳ này Đảng Cộng sản Ấn Độ  đã tích cực tuyên truyền và tổ chức cho sự hình thành Mặt trận thống nhất chống đế quốc. Do vậy phong trào công nhân phát triển rất mạnh mẽ. Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng năm ở Ấn Độ có gần 400 vụ đình công, thu hút từ 40 đến 50 vạn công nhân tham gia, trong số đó có khoảng 1/2 các cuộc đình công kết thúc thắng lợi.
          Thực dân Anh đã tìm đủ mọi cách để phá họai sự thống nhất của các lực lượng tiến bộ ở Ấn Độ vào một mặt trận dân tộc phản đế. Chúng ra sức lợi dụng các lãnh tụ phản động của Liên đoàn Hồi giáo và tổ chức Hinđu Mahasabha, gây ra nhiều vụ xung đột giữa người Ấn và người Hồi. Từ năm, 1937 đến 1939, ở Ấn Độ đã xảy ra 57 vụ xung đột đổ máu giữa các cộng đồng tôn giáo. Điều này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh của quần chúng.
          Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các lực lượng dân chủ trong nước, trong đó có các lãnh tụ Đảng Quốc Đại, đứng đầu là G.Nêru, đã tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Tây Ban Nha, nhân dân Abixini (Êtiôpia ngày nay), nhân dân Trung Quốc, đang chiến đấu chống bọn phát xít xâm lược Đức, Italia, Nhật Bản. Đồng thời họ cũng ra sức chống lại âm mưu của thực dân Anh muốn lôi kéo Ấn Độ vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù điều này đã không thành công, nhưng những họat động tích cực của G.Nêru và Đảng Quốc Đại đã có ý nghĩa lớn trong công cuộc đấu tranh đòi độc lập Ấn Độ ở giai đoạn sau này.
          5. Ấn Độ trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
          Tháng 9 năm 1939, chính phủ Anh tự ý tuyên bố Ấn Độ là một nước tham chiến với Anh. Quyết định độc đoán này đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân dân Ấn Độ. Khắp cả nước nhân dân đấu tranh đòi thành lập một chính phủ quốc gia Ấn Độ. Thực dân Anh đáp lại bằng cách đưa nửa triệu quân sang Ấn Độ.
       Tình hình Ấn Độ trở nên hết sức căng thẳng .Đời sống nhân dân lao động hết sức bi đát do chính sách vơ vét lương thực để cung cấp cho mặt trận của chính quyền thực dân.Chỉ tính riêng vùng Bengan đã có gần 4 triệu người chết đói.
        Để đối phó với phong trào đấu tranh của Ấn Độ, đế quốc Anh tăng cường chính sách gây thù hằn giữa người Ấn và người Hồi. Năm 1940, các lãnh tụ Liên đoàn Hồi giáo đòi chia cắt Ấn Độ ra thành hai quốc gia, một cho người Hồi giáo và một cho người theo Ấn Độ giáo. Được chính quyền thực dân hậu thuẫn, Liên đoàn Hồi giáo ra sức lôi kéo đông đảo người Hồi về phía mình.
          Cũng như trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư sản Ấn Độ lợi dụng tình hình và phát triển nhanh chóng. Tháng 8 năm 1942, Đảng Quốc Đại một lần nữa đòi thành lập chính phủ quốc gia Ấn Độ. Để đối phó, chính quyền thực dân tăng cường chính sách đàn áp bằng vũ lực. Nhiều lãnh tụ Đảng Quốc đại bị bắt, trong đó có G.Ganđi, G.Nêru, Abun Kalam Adát ... Sau đó sự phản đối của nhân dân cũng bị đàn áp dã man. Mặc dù vậy, những lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước ngày càng lớn mạnh trong những năm chiến tranh:Tổng Công hội toàn quốc đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong giai cấp công nhân; các tổ chức nông dân cũng không ngừng phát triển. Năm 1942, Đảng Cộng sản Ấn Độ ra họat động công khai và sử dụng hình thức hợp pháp để mở rộng ảnh hưởng của mình trong quần chúng. Năm 1943, Đảng Cộng sản Ấn Độ đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức của giới trí thức tiến bộ cũng xuất hiện và phát triển mạnh mẽ như: Hội liên hiệp sinh viên và học sinh toàn quốc, Hội các nhà văn tiến bộ, Hội các nhà nghệ sỹ sân khấu...
      Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai được tiến hành với mục tiêu chủ yếu là đòi thành lập một chính phủ quốc gia ở Ấn Độ. Dù rằng những kết quả cụ thể còn bị hạn chế bởi các chính sách của thực dân Anh cũng như sự rạn nứt trong quan hệ giữa Đảng Quốc Đại và Liên đoàn Hội giáo, tuy nhiên đây là giai đoạn để nhân dân Ấn Độ chuẩn bị lực lượng để tiến sang một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong những năm 1945-1947.


PGS. TS. VĂN NGỌC THÀNH


(1) Lịch sử Cận đại Ấn Độ, M.1961, trang 657 (tiếng Nga)
(2) Hartan (Hartal), nguyên nghĩa là cửa hiệu, là một hình thưc bãi công đặc biệt, đình chỉ tất cả mọi hoạt động.
(3) Con số này ở các tài liệu khác nhau đang thiếu sự thống nhất. Ví dụ: Cuốn lịch sử hiện đại, tập 1, NXB Sự thật, H.1962, ghi là gần 2000 người bị giết; Cuốn lịch sử thế giới hiện đại, NXB. ĐH và TH chuyên nghiệp, H.1984 ghi là hơn 2000 người bị giết; Cuốn lịch sử thế giới hiện đại, N. Giáo dục, H.1995 ghi là 379 người bị giết...
(1) Sau này màu đỏ được thay bằng màu vàng nghệ.
(2) Ngày 26 -1 trở thành "Ngày độc lập" của Ấn độ
(1) Dự án này được Đảng Quốc Đại thông qua năm 1928 với nội dung để cho Ấn Độ tự trị trong khối Liên hiệp Anh.

7 nhận xét:

  1. Anh khai thác Ấn Độ (gồm 4 nước ngày nay là Ấn, Pakistan, Srilanca & Bangladesh) thông qua cty hoàng gia: Ct Đông Ấn.

    Sau thế chiến 2, phong trào CS & cánh tả lên cao, thế giới thứ 3 hình thành, xu thế phá bỏ ách thực dân lan rộng khắp Á, Phi, Mỹ latin nên Anh, Pháp, Hà Lan, TBN, BĐN.. nháo nhào thu vén tài sản tháo chạy khỏi thuộc địa.

    Đã vậy, do tổn thất chiến tranh nên ngân khố các nước trên trống rỗng.

    Vì thế, họ 'cổ phần hóa' các cty khai thác thuộc địa (chủ mới là giới lái súng, buôn dầu, rửa ti

    ền. Các tờ rớt ở Mỹ nắm >70% cổ phần các cty khai thác thuộc địa của hoàng gia châu Âu).

    Thực dân mới hình thành từ đó.

    Bản chất điếm đàng của thực dân đế quốc nằm ở chỗ: 'Chúng tôi sẵn sàng trao trả độc lập nhưng về tài sản các cty đã & đang 'làm ăn' với quý vị thì hãy xử lý sòng phẳng rạch ròi trước lúc chúng tôi bàn giao đất nước cho quý vị quản lý'.

    Thời đó Ấn Độ có 3 đảng CS: 1 theo Maois, 1 rập khuôn LX, 1 cải lương trung dung.

    Phe Maois chủ trương: Ch.quyền trên đầu mũi súng. Bần cố nông là lực lượng tiên phong.

    Phe theo LX thì xác định làm CM giai cấp.

    Phe cải lương muốn áp dụng đường lối Titô (Nam Tư).

    3 phe CS đấu nhau dữ dội (qua đó càng khâm phục tầm nhìn của Bác Hồ khi hợp nhất 3 đảng CS ở VN).

    Để tránh cho Ấn Độ rơi vào tay CS, Anh chọn Ganhdi làm đối tác thương lượng.

    Vì tham vọng quyền lực, 'Thà méo mó, có còn hơn không' nên Ganhdi nhanh nhẩu đi từ thỏa hiệp này tới nhượng bộ khác, miễn là được 'làm Thánh'.

    Kết quả, Ganhdi ký nhận nợ với Cty cổ phần Đông Ấn để đổi lấy độc lập.

    Đã nhận nợ thì phải trả nợ!

    Từ 1952, cty CP Đông Ấn làm xong sứ mệnh bước chuyển giai đoạn từ thực dân cũ sang thực dân mới nên giải thể để góp vốn & thao túng IMF, WB.

    Lê Vũ - Bình địa mộc.
    http://my.opera.com/Nhula1giacmo/blog/show.dml/36991532?startidx=3250#comment106215052

    Trả lờiXóa
  2. Hồ Chí Minh viết về tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ

    TCCSĐT - Là một trí thức châu Á, ngay từ thời còn trẻ, sau khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã để tâm tìm hiểu và nghiên cứu về nền văn minh Ấn Độ.

    Với xã hội Ấn Độ cổ truyền, Mác - Ăng-ghen nghiên cứu và đã chỉ ra rằng: “Tính chất đơn giản của hình thái kinh tế tự cung tự cấp của những cộng đồng luôn luôn đẻ ra những cộng đồng cùng một hình thức; và nếu ngẫu nhiên mà bị phá hủy đi chăng nữa, thì cũng lại được khôi phục lại trên địa điểm cũ và lấy lại tên cũ. Tính chất đơn giản đó làm cho chúng ta hiểu rõ được tính chất bất di bất dịch của những xã hội châu Á”(1). Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập châu Á đã làm đảo lộn thực tiễn đó. Và theo cuốn sách Diễn đàn Niu Oóc hằng ngày của Mác thì “nước Anh có hai sứ mệnh ở Ấn Độ, một là phá hoại, hai là phục hưng - nghĩa là tiêu diệt xã hội châu Á cũ và đem lại châu Á những cơ sở vật chất của xã hội phương Tây”(2). Đến lượt mình, Nguyễn Ái Quốc xem xét Ấn Độ như hoàn cảnh mất nước của người Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp từ năm 1858, nên Người sớm quan tâm đến việc gieo mầm và vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.

    Từ nửa sau thế kỷ XVIII, Anh và Pháp tranh nhau xâm lược Ấn Độ, và kết quả là thực dân Anh đã chiếm được toàn bộ. Tháng 8-1947, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ sau khi đã chia Ấn Độ thành hai nước: Một là, Ấn Độ bao gồm chủ yếu là người theo đạo Brahma (còn có tên gọi là đạo Hin-đu hay Bà-la-môn theo cách phiên âm Hán tự); hai là, Pa-ki-xtan chủ yếu bao gồm những người theo đạo Hồi; đồng thời họ cũng tạo ra một vùng đất tranh chấp Ca-sơ-mia giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Và lịch sử ngày một biến chuyển, ngày 26-1-1950 nước Cộng hòa Ấn Độ tuyên bố thành lập.

    Trong bài Phong trào cách mạng Ấn Độ, trên tạp chí La Revue Communiste, số tháng 8 và 9-1921 ở Pa-ri, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Ma-hát-ma Găng-đi (Mahatma Gandhi) đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi. Trẻ em rời bỏ trường học của người Anh. Các luật sư rời bỏ tòa án của người Anh. Các viên chức và thợ thuyền không làm việc trong các công sở và nhà máy mà chủ là người Anh. Không còn quan hệ, không còn buôn bán giữa người Anh và người Ấn. Để giữ vững phong trào, cần phải có những quỹ cứu tế. Trong thời gian 3 tháng, người ta đã quyên được hơn 60 triệu phrăng. Những người Ấn Độ giàu có lấy nhà mình làm trường học. Những vụ kiện được đưa ra xử trước các tòa án bản xứ mới thành lập. Một số người Ấn Độ tự nguyện góp đến ba mươi triệu đồng một năm “cho đến khi độc lập hoàn toàn”(3).

    Viết được bài báo có nhiều chi tiết cập nhật, xác thực như thế chứng tỏ ngay khi mới cầm bút, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu kỹ tình hình chính trị xã hội ở Ấn Độ. Trước tình cảnh nhân dân lao động đang bừng dậy khí thế đòi độc lập dân tộc, đòi quyền sống tự do ngay tại đất nước mình, hẳn rằng các cấp lãnh đạo đất nước và các tầng lớp nhân dân Ấn Độ cũng mong nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với tiếng nói của nhà báo yêu nước Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh đất nước và con người Ấn Độ hiển hiện trước mắt người đọc như một đoạn băng tư liệu hiếm gặp. Năm 1926 trên báo Người cùng khổ (Le Pari) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, Người đã có bài viết về sự rên xiết của nhân dân Ấn Độ dưới ách đô hộ của thực dân Anh. Trong bài Lối cai trị của người Anh, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đầu năm nay, Thủ đô chính thức của Ấn Độ thuộc Anh bỗng nhiên thấy buộc phải áp dụng Đạo luật phòng thủ Ấn Độ năm 1918, tức là đạo luật bất thường, tăng cường thiết lập trật tự giới nghiêm. Dưới chế độ ấy, tất cả những viên chức và cảnh sát người Anh, từ cấp thanh tra trở lên, đều có quyền bắt bớ và giam giữ những người Ấn Độ bị tình nghi, không làm thủ tục cũng chẳng cần xét xử gì cả. Chỉ trong một buổi sáng mà các trường trung học, các ký túc xá của sinh viên và khoảng 100 tòa nhà đã bị khám xét. Hàng trăm vụ bắt bớ đã xảy ra. Trong số những người bị bắt giam, có S. Sun-đe Rô-dơ, lãnh tụ trong ban chấp hành đảng Quốc đạo Ấn Độ; Ba-ran Roi, bí thư tỉnh ủy của đảng này. S. Mit-tơ, bí thư của đảng Sva-ra-gít; và nhiều người Sva-ra-gít khác có tiếng tăm và được tôn trọng. Văn phòng các công ty của người Ấn Độ đều bị quân đội và cảnh sát chiếm đóng. Các nhà cầm quyền Anh ở Băng-gan lại định giải quyết bằng vũ lực tất cả những khó khăn về chính trị”(4).

      Mỗi cộng đồng dân tộc châu Á đều đã trải qua hàng vạn, hàng vạn năm phát triển, tiến bước theo nhân loại, đều có độc lập tự chủ, hà cớ gì các nước tư bản phương Tây áp đặt biện pháp cai trị bằng con đường xâm lược? Chắc chắn đây là câu hỏi lớn đã được Nguyễn Ái Quốc băn khoăn suy nghĩ ngay từ khi Người chưa ra đi tìm đường cứu nước. Lúc này Người đã và đang sống tại Pa-ri và chỉ bằng tư liệu thư tịch, báo chí, Người đã theo dõi khá sát tình hình thời cuộc của hai nước rộng về diện tích, lại đa dạng về cộng đồng cư dân là Ấn Độ và Trung Quốc, để không chỉ lên tiếng ủng hộ nhân dân lao động của nước bạn, mà còn lấy đó làm cơ sở lý luận để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vì thế, quan điểm Quan san muôn dặm một nhà/Bốn phương vô sản đều là anh em của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành chân lý ngay từ khi Người mới dấn thân vào cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với ý chí sắt đá ấy, tất cả mọi diễn biến thời sự trên thế giới đương đại phải được Người nắm bắt để vận dụng trong đấu tranh nghị trường, hay ít nhất cũng khơi dòng thông tin tư liệu cho dư luận được phổ biến rộng hơn.

      Cùng nằm trong vòng kiểm tỏa của thực dân Anh, Trung Quốc và Ấn Độ cũng giống như Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Người viết: “Những người bảo thủ trở lại nắm quyền, việc đó đã làm cho chủ nghĩa đế quốc Anh thêm sức mạnh. Chủ nghĩa đế quốc Anh muốn thi hành ở Trung Quốc một chính sách tích cực và “mạnh mẽ”. Để bắt đầu, người ta đề nghị với Hội nghị Luân Đôn ngày 24-11 vừa qua rằng những đường sắt ở Trung Quốc phải do các lực lượng quân sự Mỹ, Nhật, Bỉ, Pháp và Anh kiểm soát, giám sát. Nước Anh bỏ nhiều vốn nhất vào những đường sắt ấy và sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc kiểm soát và chiếm giữ những hệ thống đường sắt đó”(5). Dẫu rằng cũng ngay tại bài báo này, tác giả biết rất rõ: “Dự án tốt đẹp ấy chưa được thông qua”(6) nhưng qua những dòng tư liệu sốt dẻo ấy, người đọc thấy ngay sự mẫn cảm của anh Nguyễn. Bức tranh giành giật, chia phần thuộc địa nhằm thu lợi nhuận lâu dài của giới tư bản phương Tây diễn ra ở châu Á, được bóc trần trước dư luận báo chí ngay ở chính quốc. Cái vòi bạch tuộc ấy, dù muốn hay không cũng phải đón nhận tương lai không lấy gì làm mĩ mãn của nó. Điều này trong bài báo viết về Ấn Độ 5 năm trước, anh Nguyễn cũng đã chỉ rõ: “Trước làn sóng như vậy lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào. (…)

      Xóa
    2. Chúng dùng Công-xtăng-tin làm cái chụp để dập tắt lò lửa của phong trào Liên Hồi giáo. Chúng nhặt Phay-xan lên để chống đỡ tòa nhà đế quốc đang sụp đổ ở phương Đông. Và sau nữa thì sao? Ít ra, chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi Ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa”(7). Có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã căn cứ vào thực tiễn cuộc xâm lược và đô hộ của Anh ở Ấn Độ mà tiên đoán được sự thất bại của chúng, rồi bi kịch này cũng sẽ diễn ra ở khắp các nước thuộc địa, cũng như ở Việt Nam!

      Song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc không phải là “món quà trời cho” mà muốn có thành tựu đó, mỗi cộng đồng dân tộc phải tự mình tìm cách đứng lên, cùng đóng góp trí tuệ và xương máu, đoàn kết nhất trí, bền bỉ lâu dài mới có được. Những bài báo của anh Nguyễn viết về Ấn Độ vào đầu thế kỷ XX như tiếng chuông cảnh báo, làm thức tỉnh châu Á vốn đang như “một con sư tử ngủ đông quá giấc” phải “bừng tỉnh” đòi lại quyền sống tự do dân chủ. Đúng là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng lao động cần có người thông tuệ, mẫn tiệp, yêu thương nhân dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế trên những chặng đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã miệt mài tìm kiếm, học hỏi, tự giác dấn thân mình vào cuộc sống cần lao, khổ ải, mong gặp được và trao đổi, đàm đạo với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, đặng tìm ra định hướng đúng hơn.

      Từ ngày 9-12-1927 khi còn đang hoạt động ở Pháp, được sự phân công của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đi dự cuộc họp của Đại hội đồng liên đoàn chống đế quốc (Grand conseil général de La ligue anti impérialistes) tại Brúc-xen, Bỉ. Nội dung chính của cuộc họp là quyết định thành lập các bộ phận của liên đoàn ở các nước, bàn về chống chiến tranh thế giới mới, thông qua nghị quyết về Trung Quốc, Ấn Độ, Ni-ca-ra-goa, In-đô-nê-xi-a, Đông Dương, I-ran; về mối quan hệ của liên đoàn Quốc tế II trong vấn đề thuộc địa. Trong thời gian họp mặt ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã gặp J. Nê-hru (Jawaharlal Nehru) - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Hồi ký của Thủ tướng J. Nê-hru cho biết: “Hội nghị này đa số không gồm những kẻ cực đoan và cũng không thuần túy ngả theo Cộng sản. Nhưng có điều chắc chắn rằng, hội nghị này có nhiều thiện cảm với cộng sản và cho dù còn thiếu sự nhất trí ở một số vấn đề, nhưng có vẻ như đã có được những cơ sở chung để mà hành động”(8). Và “Giữa lực lượng lao động của Đệ nhị Quốc tế và Đệ tam Quốc tế, tôi có cảm tình với Đệ tam Quốc tế hơn. Tất cả những hoạt động của Đệ nhị Quốc tế từ sau thế chiến đến nay đã khiến tôi chán ghét, và những người Ấn Độ chúng tôi đã nếm trải quá đủ những việc làm của một trong những kẻ đỡ đầu mạnh nhất của họ: Công đảng Anh. Thế nên tôi sẵn sàng quay về chủ nghĩa Cộng sản, vì dù có khuyết điểm gì đi nữa, ít ra họ cũng không đạo đức giả và không thân đế quốc”(9). Có lẽ sau những lần gặp gỡ G. Nêhru - khi còn là một trong những lãnh tụ quan trọng trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ - Nguyễn Ái Quốc đã có tình cảm đặc biệt bởi cả hai người đều đang ấp ủ tình yêu nước thương dân.

      Nếu chỉ tính trong năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đã có ba bài viết về phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ và cả ba bài này đều đăng trên tập san Inprekorr. Một là, Thư từ Ấn Độ, Phong trào công nhân ở Ấn Độ số 28 ra ngày 17-3; hai là, Nông dân Ấn Độ số 37, ra ngày 14-4; ba là, Phong trào công nhân và nông dân miền Đông Ấn Độ số 43, tháng 5.

      Xóa
    3. Như vậy, liên tục trong ba tháng, ba bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết về Ấn Độ, với bút danh là Wang chứng tỏ sự quan tâm của tác giả, không chỉ dành cho J. Nê-hru mà còn là tình cảm đối với toàn thể nhân dân lao động Ấn Độ. Biết rằng thế giới luôn có nhiều biến động, một vài tập đoàn phản động quốc tế toan tính xâm lược, nhằm bóc lột sức nhân công rẻ mạt và cướp đi nguồn tài nguyên quý giá của từng nước nhỏ, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ mở rộng mối bang giao hữu nghị chặt chẽ, đồng cảnh đồng sàng, giúp cho hai dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết cùng đấu tranh giành độc lập dân tộc.

      Trong gian nan hoạn nạn, Nguyễn Ái Quốc vẫn hằng nhớ người bạn Ấn Độ, Người làm thơ gửi J. Nê-hru:

      Ngã phấn đấu thì quân hoạt động

      Quân nhập ngục thì ngã trú lung

      Vạn lý dao dao vị kiến điện

      Thần giao tự tại bất ngôn trung.


      Ngã môn tao phùng bản thị đồng

      Bất đồng đích thị sở tao phùng

      Ngã cư hữu giả quyển linh lý

      Quân tại cừu nhân tất trất trung.

      Tạm dịch là:

      Hai ta cùng theo một phong trào

      Người thì vào ngục, kẻ trong lao

      Xa xăm ngàn dặm, sao gặp mặt

      Đành mượn thần giao gửi lời trao


      Cảnh ngộ đôi ta vốn giống nhau

      Nhưng khi vào ngục lại đối đầu

      Tôi bị nhốt trong tù của bạn

      Anh bị giam lao bởi kẻ thù.

      Năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập, J. Nê-hru làm Thủ tướng chính phủ. Ở Việt Nam, chưa đầy một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), tiếng súng Nam Bộ kháng chiến lại vang lên. Chính quyền non trẻ của Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh đứng đầu, đã chèo lái con thuyền cách mạng trên mọi phương diện: chính trị, quân sự và ngoại giao. Trải qua 9 năm kháng chiến kiến quốc thắng lợi, chỉ sau một tuần lễ Thủ đô Hà Nội giải phóng (ngày 10-10-1954), vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước ngoài đến với Việt Nam chính là Thủ tướng J. Nê-hru. Chuyến thăm diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-10-1954.

      Trong bữa tiệc đón mừng Thủ tướng J. Nê-hru, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nhân dịp này, tôi thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cảm ơn Thủ tướng Nê-hru; nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần to lớn vào việc đưa lại hòa bình cho Việt Nam và cho Miến Điện, Lào (…) Tôi mời các vị cùng nâng cốc, chúc Thủ tướng Nê-hru sống lâu, mạnh khỏe, để làm cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt - Ấn ngày càng tăng cường và làm cho hòa bình châu Á và thế giới thêm vững chắc”(10).

      Xóa
    4. Bốn ngày sau khi tiễn Thủ tướng J. Nê-hru về nước, ký bút danh C.B, Hồ Chí Minh viết bài giới thiệu Thủ tướng Nê-hru trên báo Nhân dân số ra ngày 22-10: “Là một chiến sĩ dũng cảm của mặt trận hòa bình, một chiến sĩ dám làm dám nói. Một thí dụ: Hôm 16 tháng 10, trả lời cho một tờ tạp san rất to của Mỹ, Thủ tướng Nê-hru nói: “Nhân dân châu Á nghi ngờ Mỹ, vì Mỹ ủng hộ những người xấu. (…) Về “Khối phòng thủ Đông Nam Á” do Mỹ cầm đầu, Thủ tướng Nê-hru nói: “Chính sách của Ấn Độ là không tham gia chiến tranh lạnh, chiến tranh lạnh không thể xây dựng hòa bình ở châu Á, vì vậy tôi không tán thành “Khối phòng thủ Đông Nam Á”(11). Hồ Chí Minh viết về Thủ tướng J. Nê-hru, nhưng thực chất là tỏ rõ quan điểm đồng tình với năm nguyên tắc hòa bình mà Thủ tướng J. Nê-hru đã ký chung với Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc. “Trong cuộc nói chuyện thân mật với Thủ tướng Nê-hru, Hồ Chủ tịch đã hoàn toàn tán thành áp dụng năm nguyên tắc ấy với các nước anh em Cao Miên, Lào và tất cả các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam trong gia đình châu Á”(12). Ngày 8-5-1956, bài Tình hữu nghị Việt - Ấn được Người viết nhân dịp đón đoàn đại biểu văn hóa Ấn Độ sang thăm Việt Nam đã khẳng định: “Châu Á chúng ta có hai nước đất rộng nhất và người đông nhất trên thế giới: phía Đông là Trung Hoa, phía Nam là Ấn Độ.

      Trung và Ấn là hai nước có nền văn hóa lâu đời nhất và phong phú nhất trên thế giới.

      Nước Việt Nam ta ở vào giữa hai nước ấy, cho nên đã được ảnh hưởng của cả Ấn Độ và Trung Hoa.

      Văn hóa Ấn Độ đã cùng đạo Phật truyền bá đến nước ta vào khoảng thế kỷ II, tức là gần 1.800 năm nay.

      Đến thế kỷ XVIII, bọn thực dân phương Tây xâm lược dần dần các nước châu Á. Chúng chia rẽ các dân tộc và ngăn cản sự quan hệ giữa các nước anh em chúng ta.

      Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc vùn vụt lên cao, chủ nghĩa thực dân sụp đổ từng mảng, nhiều nước châu Á giành lại độc lập, tự do, các nước chúng ta khôi phục lại các quan hệ láng giềng từ nghìn xưa khăng khít.

      Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân châu Á chúng ta”(13).

      Với hình thức là một nhật ký hành trình, và bút danh L.T, bài Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến được đăng tải nhiều kỳ trên báo Nhân dân từ số 1447 ngày 26 tháng 2 đến số 1474 ngày 25-3-1958, cho biết toàn bộ sự kiện chuyến thăm nước Cộng hòa Ấn Độ và Liên bang Miến Điện (nay có tên là Mi-an-ma) của đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, theo lời mời của chính phủ hai nước. Bài báo ghi lại “Can-cút-ta cách Đê-li 1.316 cây số. Để đón Bác, Tổng thống Pra-xát đã phái đến Can-cút-ta một tổ liên lạc để đi với Bác, suốt những ngày Bác ở thăm Ấn Độ. Trong tổ gồm có ba viên trung tá và thiếu tá, đại diện cho hải, lục, không quân; một người phụ trách báo chí; một người chụp ảnh; một người quay phim; ông Sê-na-va-ti phụ trách bảo vệ; và đại tá Đét-păng-di Bí thư quân sự của phủ tổng thống làm trưởng tổ liên lạc kiêm lễ tân. Đại tá Đét-păng-di và ông Sê-na-va-ti phục vụ rất tận tụy và rất kín đáo. Hai người luôn luôn ở cạnh Bác, nhưng trong mấy trăm bức ảnh đăng ở các báo không hề có hình ảnh của hai người…”

      Xóa

    5. Những liên hệ ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Ấn Độ trong những năm 1948 - 1954 chưa được công bố đầy đủ nên chúng ta chưa thể kết luận từ những đường dẫn nào mà quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đạt đến mức đặc biệt, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng Hồ Chủ tịch đóng vai trò quyết định. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bề bộn thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kịp thời gửi điện thăm hỏi nhân dân Ấn Độ sau vụ động đất ở A-sam hồi tháng 8-1950.

      Do yêu cầu cách mạng dân tộc ở châu Á và đòi hỏi cấp thiết của nền chính trị thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nhân vật lịch sử vĩ đại, người gieo mầm, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng có chiều sâu và chiều rộng hơn. Dù cho lịch sử đã trải qua hơn 50 năm, 29 tác phẩm báo chí, bao gồm đủ các thể loại: phóng sự, nhật ký hành trình, tin ngắn, thơ ca,… và 29 bức điện, thư mang tính văn kiện nhà nước của Hồ Chủ tịch chúc mừng sinh nhật của Thủ tướng J. Nê-hru và các vị tổng thống, phó tổng thống, và nhân dân nước Cộng hòa Ấn Độ liên tiếp từ sau năm 1954 đến Thư trả lời bà In-đi-ra Găng-đi (Indira Gandhi) Thủ tướng Ấn Độ tháng 9-1968, mãi mãi là di sản văn hóa quý giá./.

      15/1/2013
      PGS, TS. Trương Sỹ Hùng
      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

      ---------------------------------------

      (1) Các Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 49 , Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      (2) Các Mác - Ph. Ăng-ghen, Diễn đàn Niu Oóc, ngày 8-8-1853, dẫn theo Pan-mơ-đớt, Ấn Độ hôm nay và ngày mai, Nxb Sự thật, H, 1960

      (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      (5), (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      (8), (9) Jawaharlal Nehru, Hồi ký của Thủ tướng Nê-hru, Nxb. Từ điển bách khoa, H, 2006

      (10), (11) Báo Nhân dân, ngày 22-10-1954

      (12) Báo Nhân dân , ngày 8-5-1956, bút danh C.B

      (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000

      Xóa