Khoằm

22 tháng 9 2010

Hiệp ước Plaza 1985

Trong giao dịch ngoại thương, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chưa hẳn phản ánh chính xác sức mua của chúng. Lấy ví dụ chuyện hớt tóc, giá một lần hớt tóc ở Việt Nam chỉ vào khoảng 50.000 đồng trong khi ở Mỹ mất khoảng 10 đô-la. Nếu giả dụ toàn bộ giao thương giữa Mỹ và Việt Nam chỉ xoay quanh chuyện hớt tóc và giả dụ người ta có quyền chọn lựa bất kỳ nơi nào để hớt tóc mà không phải lo các chi phí khác, chắn chắn dân Mỹ sẽ đổ sang Việt Nam, lấy chừng hơn 1 đô-la, đổi sang tiền Việt để được hớt tóc với giá quá hời. Cũng chắc chắn trong tình hình đó, giới hớt tóc ở Mỹ sẽ phản đối dữ dội, đòi đồng nghiệp ở Việt Nam nâng giá hớt tóc lên 500.000 đồng hay nếu không, đòi Việt Nam phải nâng giá tiền đồng lên để đạt tỷ giá chừng 50.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ.
Trong quá khứ chuyện tương tự đã từng xảy ra. Năm 1985, năm nước Pháp, Đức, Nhật, Anh, Mỹ qua Hiệp ước Plaza đồng ý định giá lại đồng đô-la Mỹ trong tương quan với đồng yên Nhật và đồng mark Đức vì lúc đó hàng hóa của Nhật đang tràn ngập thị trường nhờ giá rẻ và Mỹ đang chịu cảnh thâm hụt mậu dịch lớn với nước này. Ngay lập tức đồng yên lên giá mạnh, từ 239 yên/1 đô-la vào năm 1985 lên 128 yên/1 đô-la vào năm 1988, một mức tăng gần gấp đôi. Chúng ta hãy xem xét chi tiết hơn trường hợp này.
Sự suy giảm của đồng đô-la vào cuối thập niên 70 kết hợp với Cuộc Cách mạng ở Iran và chiến tranh Iran- Iraq đã để lại những di chứng nặng nề lên nền kinh tế thế giới: lạm phát trên toàn cầu, lãi suất tăng vọt, kèm theo đó là một trong những đợt phục hồi kéo dài nhất và mạnh nhất của đồng đô-la Mỹ. Mặc dù giảm 75% trong giai đoạn 1981-1986, nhưng trước đó, giá dầu đã tăng vọt 200% trong hai năm cuối thập niên 70, nguyên nhân là do đồng đô-la bị mất giá 20%. Đợt tăng giá trong một khoảng thời gian tương đối ngắn đó là minh chứng cụ thể nhất cho sự mất ổn định của nền kinh tế thế giới và thúc đẩy lạm phát lan rộng trên toàn cầu dưới sự trợ lực của một đồng đô- la suy yếu trong suốt giai đoạn 1977-1979.
Bên cạnh việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu, lạm phát cũng bị đẩy lên do chiến tranh Việt Nam, chủ trương dồn tiền cho chương trình Đại Xã hội [Great Society] của chính quyền Lyndon Johnson, yêu sách đòi tăng lương từ phía các tổ chức công đoàn vượt cả mức tăng trưởng sản xuất, và cuối cùng là hành động liên tục bơm tiền vào nền kinh tế được Cục Dự trữ Liên bang thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Arthur Burns. Tỉ lệ lạm phát tăng lên 11,3%, 13,5%, rồi 10,4% lần lượt vào các năm 1979, 1980 và 1981. Chỉ số giá cả tại các nền kinh tế lớn khác cũng tăng theo lần lượt là 9,5% , 12,3%, và 10,2%.
Khi niềm tin vào đồng đôla gần như tan vỡ, người ta tuyệt vọng trông chờ vào một chính quyền mới cùng với những những chính sách mới. Mỹ đã tìm thấy cả hai điểm này khi Tổng thống Jimmy Carter chỉ định Paul Volcker vào ghế chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang vào tháng 8/1979 và Ronald Reagan trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1980. Khi Paul Volcker được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang trong nhiệm kỳ của tổng thống Jimmy Carter thì lạm phát ở mức 14%. Phải mất đến hai tháng, Cục Dự trữ Liên bang mới ý thức được tính chất cấp bách của việc thông qua các biện pháp cứng rắn nhằm chống lại sự tàn phá của vấn nạn giá cả leo thang đối với thu nhập và sức mua. Chính sách thiết lập mức lãi suất mục tiêu đã không còn đạt hiệu quả trong việc ổn định mức tăng trưởng của tiền tệ trong khoảng lý tưởng 1,5% – 4,5%. Vào mùa thu năm 1979, lạm phát tăng tới mức 13%, vượt qua mức cao nhất của năm 1974 và lập kỷ lục trong vòng 32 năm. Khi FED quyết định nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 5 năm là 10,9%, khối tiền M-l (tổng hợp chi tiêu tiền cơ bản) đạt mức 8,0%.
Tháng Mười năm 1979, Cục Dự trữ Liên bang ban hành một quyết định mang tính chất lịch sử là áp dụng một hệ thống hoạt động mới có nhiệm vụ tính toán lượng cung tiền mục tiêu thay vì thiết lập mức lãi suất mục tiêu. Khi Fed áp đặt mục tiêu cho lượng tiền (cung tiền) và từ bỏ việc ấn định giá cả của tiền (lãi suất), lãi suất đã trải qua một đợt biến động rõ nét chưa từng có kể từ sau chiến tranh. Một vài tuần sau quyết định của Fed, lãi suất cơ bản của Fed nhảy vọt lên 17% chỉ trong một ngày, rồi giảm xuống 14% vào ngày hôm sau, trước khi bật lại 17% rồi trở về mức 10%. Liều thuốc mới mang tên chính sách tiền tệ thắt chặt có tác dụng trong 2 năm đã đẩy lãi suất cơ bản của FED lên tới mức 20% vào năm 1981.
Khi mức lãi suất của Mỹ cao hơn so với các nước công nghiệp khác, nhu cầu đối với đồng bạc xanh cũng theo đó mà tăng lên, nguyên do là vì giới đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm mức lợi tức cao hơn để bù đắp cho mức lạm phát hai con số hiện thời. Từ tháng Giêng năm 1980 tới tháng Hai năm 1985, chỉ số đô-la đã vọt lên 49%. Một đô-la có thể đổi được 238,45 yên vào đầu giai đoạn này trước khi tăng lên 259,45 yên vào 5 năm sau đó. So với đồng mác Đức, đồng đô-la Mỹ đã leo từ mức 1,7245 mác lên 3,2980 mác đổi 1 đô-la trong khi nó cũng tăng hơn gấp đôi so với bảng Anh, từ 45 cent lên 93 cent.
Đồng đô-la đã tăng vọt lên trong suốt nửa đầu thập niên 1980 do lãi suất Mỹ tăng cao và khiến các quốc gia khác phải bỏ ra nhiều nội tệ hơn để nhập khẩu dầu.
Hình trên thể hiện diễn biến của đồng đô-la Mỹ so với yên Nhật, mác Đức và bảng Anh. Vào năm 1981, khi giá dầu tăng đột biến do châu Âu và Nhật mạnh tay cắt giảm lãi suất, đồng tiền của các khu vực này cũng giảm giá so với đồng bạc xanh. Sự lên giá của đồng đô-la càng gia tăng gánh nặng đối với những người mua dầu ngoài nước Mỹ vì họ phải trả tiền mua nhiên liệu bằng đồng đô-la lúc này có giá trị cao hơn so với đồng tiền đang bị mất giá của nước mình.
Mối tương quan khác biệt giữa lãi suất của đồng bạc xanh với lãi suất của các đồng tiền còn lại trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của đồng đô-la. Tháng Mười năm 1979, Fed giữ lãi suất ở mức 15,5% so với mức 7,0% của Đức và 6,2% của Nhật. Lợi tức của đồng đô-la cũng tăng vọt lên sau khi Fed nâng lãi suất lên 20,0% so với mức 9,5% và 9,0% của Đức và Nhật. Sau đợt suy giảm giá tạm thời về mức 8,5% vào tháng Sáu năm 1980, lãi suất của Mỹ lại bật trở lên mức 20% trong hơn 10 tháng sau đó khi mức lạm phát 2 con số bắt đầu khó kiểm soát. Một lần nữa, chính sách tiền tệ thắt chặt lại khiến lãi suất Mỹ tăng gấp đôi so với mức lãi suất mà Đức và Nhật đưa ra khi NHTW các nước này đã ngừng tăng lãi suất. Sự khác biệt về bức tranh lãi suất giữa Mỹ và các nước còn lại chính là yếu tố chủ yếu đằng sau sự tăng giá chóng mặt của đồng đô-la vào đầu thập niên 1980.
Đồng đô-la tăng với tỷ lệ cao kéo theo nhu cầu nắm giữ đồng tiền này tăng. Chỉ số USD thể hiện trên đồ thị chính là mức lãi suất của Fed trừ đi lãi suất trung bình của Nhật và Tây Đức.
Hình trên mô tả vai trò của việc nâng lãi suất của Mỹ trong việc thúc đẩy sự hồi phục của đồng bạc xanh. Trong phần lớn trường họp, đồng đô-la không chỉ phục hồi khi lãi suất của Mỹ tăng mà ngay cả khi lãi suất của Mỹ xuống thấp hơn so với các quốc gia khác. Chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang hướng đến việc thiết lập hạn mức cung tiền, đã khiến cho lãi suất tăng lên gấp đôi đạt 20%. Lợi nhuận cao của đồng đô-la đã kích thích nhu cầu nắm giữ chúng.
Tình hình lạm phát theo đường xoắn ốc trong giai đoạn 1979- 1980 đã khiến các NHTW phải tăng gấp đôi lãi suất, và nền kinh tế toàn cầu phải đón nhận một đợt suy giảm đột ngột vào đầu năm 1981.
Tác động kép từ sự gia tăng lạm phát cùng với tỷ lệ thất nghiệp đã gây ra những hiệu ứng vô cùng tiêu cực, buộc các NHTW vào thế phải đối đầu với chính phủ, trong khi NHTW tập trung tập trung hơn vào mục tiêu chống lại lạm phát bằng cách tiếp tục đẩy lãi suất lên cao thì mối quan tâm hàng đầu của chính phủ lại là tìm cách khống chế tỷ lệ thất nghiệp thông qua các chính sách tài khóa nới lỏng. Liều thuốc mang tên chính sách tiền tệ thắt chặt của Paul Volcker với thời gian 2 năm đã thành công trong việc khống chế tỷ lệ lạm phát từ mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, nhưng lại đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ sau chiến tranh ở mức 10,7%.
Khi tình trạng suy thoái ngày càng trầm trọng hơn và tỷ lệ lạm phát lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 1980, Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong vòng 3 năm, giảm bớt lãi suất từ mức 20% vào tháng Năm năm 1981 xuống còn 3% vào tháng Hai năm 1984. Mặc dù lãi suất suy giảm tới 87% nhưng đồng đô-la vẫn không hạ nhiệt trong suốt khoảng thời gian đó, vẫn tăng gấp đôi so với đồng mác Đức và bảng Anh, và tăng 9% so với yên Nhật. Mức tăng khiêm tốn nhất so với yên là bởi vì những ảnh hưởng tích cực từ sự tăng vọt kim ngạch xuất khẩu của Nhật và thực sự thì trước đó, lãi suất của Nhật cũng đã giảm so với Đức và Nhật.
Đối với các quốc gia còn lại, sự tăng giá của đồng đô-la sẽ khiến cho nội tệ của nước họ giảm giá và tỷ lệ lạm phát tăng lên. Cú sốc dầu thứ hai trong giai đoạn 1978-1979 đã làm tăng giá trị của các hóa đơn nhập khẩu dầu trên toàn thế giới. Khi đồng đô-la mạnh lên, các quốc gia phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua những hàng hóa được định giá bằng đồng đô-la. Những tác động bên ngoài của lạm phát đã buộc các NHTW phải duy trì mức lãi suất cao hơn mức bảo đảm của kinh tế quốc gia, đặc biệt là hai cường quốc Tây Đức và Nhật đang thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách. Trong cuộc chiến chống lại áp lực lạm phát do giá dầu tăng, Tây Đức đã nâng lãi suất từ mức 3,5% năm 1979 lên mức 9,5% năm 1980, khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này bị sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi lên 2,3 triệu người vào năm 1982. Số lượng người thất nghiệp của châu Âu chiếm một nửa trong tổng số 32 triệu người thất nghiệp tại các nước thuộc OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development). Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nhật không bị sụt giảm là nhờ vào sự khởi sắc của xuất khẩu. Nhưng mức tăng GDP vẫn mấp mé ở ngưỡng suy thoái, theo quy định là tỷ lệ tăng trưởng dưới 3%.
Phản ứng trước cái chết dần chết mòn của hệ thống Bretton Woods, các quốc gia chủ lực ở Tây Âu đã bắt đầu một cuộc hành trình tìm kiếm sự thống nhất tiền tệ kéo dài 30 năm, đỉnh điểm là sự ra đời ở EU và đồng Euro, ch1inh thức được công bố vào năm 1999. Khi châu Âu từng bước chập choạng tiến đến sự ổn định tiền tệ thì hai cái neo song sinh trước đây của hệ thống tiền tệ thế giới, đôla Mỹ và vàng, vẫn còn ở rất xa mục tiêu ấy. Mặc cho những kỳ vọng về tăng trưởng và việc làm xuất phát từ việc phá giá đồng đôla, nước Mỹ vẫn phải chịu đựng thêm ba cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981. Tổng cộng sức mua của đồng đôla từ năm 1977 đến năm 1981 giảm đến 50%. Giá dầu tăng gấp bốn lần trong khảong thời gian suy thoái từ năm 1973 đến năm 1975 và tiếp tục tăng ấp đôi từ mức đó vào năm 1979. Giá vàng thường niên trung bình nhảy từ 40,80 đôla/ounce vào năm 1971 lên đến 612,56 đôla/ounce vào năm 1980, trong đó bao gồm một cú nhảy vọt ngắn hạn lên mức 850 đôla/ounce vào tháng 1/1980.
Trong con mắt của nhiều người, thế giới thật sự trở nên điên đảo. Một thuật ngữ mới, “đình lạm, hay lạm phát đình đốn (stagflation)”, đã được dùng để mô tả sự kết hợp chưa từng xảy ra giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ ở Mỹ. Cơn ác mộng kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981 là sự đối lập hoàn toàn với sự tăng trưởng bằng con đường xuất khẩu mà hành động phá giá đồng đôla hướng tới. Những động cơ của phá giá đã hoàn toàn phá sản.
Volcker đã giữ vai trò Thứ trưởng Ngân khố từ năm 1969 đến năm 1974 và cũng đã tham gia sâu vào các quyết định bãi bỏ Bản bị vàng và thả nổi đồng đôla trong khoảng thời gian từ 1971 đến 1973. Giờ đây ông ta phải sống với hậu quả của những quyết định đó, nhưng kinh nghiệm bản thân đã giúp ông hoàn toàn tự tin sử dụng các đòn bẩy lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở và hạn mức hoán đổi để đảo ngược tình thế khủng hoảng của đồng đôla, giống như ông ta và Arthur Burns đã thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng đồng Bảng Anh vào năm 1972.
Đối với lạm phát, Volcker đã áp dụng chiến thuật “buộc garô và xiết chặt để cầm máu”. Ông tăng lãi suất FED lên mức đỉnh 20% vào tháng 6/1981 và liệu pháp sốc này đã có tá dụng. Một phần nhờ Volcker, lạm phát hàng năm giảm mạnh từ 12,5% vào năm 1980 xuống còn 1,1% vào năm 1986. Vàng cũng theo sau, giá trung bình rơi từ 612,56 đôla năm 1980 xuống còn 317,26 đôla vào năm 1985. Lạm phát đã bị đánh bại và vàng cũng bị chinh phục. Hoàng đế đôla đã trở lại.
Mặc dù những nỗ lực của Volcker là vô cùng quả cả, nhưng đây không phải là lý do duy nhất làm giảm tình trạng lạm phát và làm cho đồng đôla mạnh hơn. Ngoài ra còn phải kể đến tín ụng công bằng, có được do việc giảm thuế và các ch1inh sách giảm điều tiết Nhà nước của chính quyền Ronald Reagan. Tổng thống chính thức điều hành công việc vào tháng 1/1981, vào thời điểm mà niềm tin vào nền kinh tế của Mỹ đã bị đập tan do các cuộc suy thoái, tình trạng lạm phát và giá dầu tăng trong thời kỳ Nixon – Carter.
Mặc dầu FED hoàn toàn độc lập với Nhà Trắng nhưng Reagan và Volcker đã cùng nhau xây dựng một đồng đôla vững mạnh, thi hành một chính sách thuế thấp, điều được cho là một liều thuốc tăng lực cho nền kinh tế Mỹ, và đã đưa nước Mỹ bước vào một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Các chính sách thắt chặt tiền tệ của Volcker cùng với việc cắt giảm thuế của Reagan đã giúp GDP tăng trưởng liên tục, đạt mức 16,6% trong vòng 3 năm, từ 1983 đến 1985. Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ có được mức tăng trưởng như vậy trong một khoảng thời gian 3 năm bất kỳ kể từ khi ấy.
Đồng đôla mạnh không hề gây tác hại mà dường như còn đẩy mạnh tăng trưởng, thông qua việc kết hợp với các chính sách ủng hộ tăng trưởng khác. Tuy nhiên, nạn thất nghiệp vẫn còn cao rtong nhiều năm sau khi đợt suy thoái cuối cùng trong ba đợt suy thoái kết thúc vào năm 1982. Thâm hụt thương mại với Đức và Nhật Bản đang tăng lên do đồng đôla mạnh hơn đã khiến người Mỹ mua xe hơi Đức và đồ điện tử Nhật Bản, cùng những hàng hóa khác.
Đến đầu năm 1985, việc các ngành công nghiệp Hoa Kỳ cùng nhau tìm kiếm sự bảo hộ trước hàng nhập khẩu, kết hợp với việc người Mỹ tìm kiếm việc làm đã dẫn đến việc Công đoàn các chính trị gia thuộc các bang công nghiệp liên tục kêu gọi phá giá đồng đôla để thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Việc chính sách này đã từng thất bại thảm hại vào năm 1973 đã không hề làm nhụt chí đám đông ủng hộ một đồng đôla yếu. Sự cám dỗ của một giải pháp nhanh chóng cho các ngành công nghiệp đang suy yếu và những ngành công nghiệp thiếu năng lực tổ chức thực sự khó cưỡng, xét về mặt chính trị. Vì vậy, theo sự hướng dẫn của một Bộ trưởng Ngân khố khác đến từ Texas, James A. Baker, một người kế nhiệm xứng tầm với John Connally, Mỹ lại yêu cầu thế giới để có được một đồng đôla rẻ.
Lần này phương pháp phá giá hoàn toàn khác biệt. Không còn bất kỳ tỷ giá hối đoái cố định hay tỷ lệ chuyển đổi vàng – đôla nào nữa để loại bỏ. Các đồng tiền đã được mua bán trao đổi một cách tự do với nhau và tỷ giá hối đoái được thiết lập bởi thị trường hối đoái, bao gồm hầu hết những ngân hàng quốc tế lớn và những khách hàng công ty. Một phần sức mạnh của đồng đôla vào đầu những năm 80 bắt nguồn từ sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn có đôla để đầu tư vào Mỹ do sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia này. Đồng đôla mạnh là một lá phiếu tạo nên sự tự tin cho nước Mỹ, chứ không phải là một vấn đề cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, các quan điểm chính trị trong nước đã gán ghép một số phận khác cho đồng đôla, một điều lặp đi lặp lại trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Do đồng đôla đang lên giá trên thị trường nên để giảm giá nó thì bắt buộc chính quyền phải can thiệp vào các thị trường hối đoái trên diện rộng! Kiểu can thiệp sâu rộng này đòi hỏi sự nhất trí và hợp tác của các chính quyền các nước có liên quan.
Tây Âu và Nhật Bản không hề mong muốn việc phá giá đồng đôla; tuy nhiên, ký ức về Cú sốc Nixon vẫn như còn mới và không ai có thể chắc rằng Baker sẽ không sử dụng đến khoản thuế suất nhập khẩu như Connally đã làm năm 1971. Hơn nữa, Tây Âu và Nhật Bản vẫn còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong vấn đề phòng vệ và vấn đề an ninh quốc gia như họ đã từng ở trong tình thế đó vào những năm 1970. Tóm lại, tốt hơn là nên thương lượng với Mỹ về việc phá giá đồng đôla, hơn là lại bị… ngạc nhiên lần nữa.
Trong quá trình phát triển kéo dài gần suốt nửa cuối thế kỷ XX của Nhật Bản, bước ngoặt xảy ra dưới tác động đột phá của sự lên giá đồng Yên sau Hiệp ước Plaza 1985. Từ một nền kinh tế hoang tàn sau chiến tranh Thế giới thứ II, đến giữa thập niên 1980, Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ và “tham gia vào bộ ba quyền lực đứng đầu thế giới gồm Mỹ, Tây Đức và Nhật Bản (K. Seitz 2004). Yếu tố cơ bản tạo ra điều thần kỳ đó chính là mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu mà một trong những trụ cột quan trọng nhất là chính sách tỷ giá hối đoái “đồng Yên yếu”. Việc Chính phủ Nhật Bản kiên trì duy trì một đồng Yên yếu so với đồng USD kéo dài mấy thập niên đã giúp cho hàng hóa Nhật Bản tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa của các nền kinh tế phát triển ở Tây Âu, Bắc Mỹ.
Nhờ đó, trong suốt thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980, Nhật Bản đánh bại hầu như tất cả các địch thủ kinh tế ở bất cứ lĩnh vực nào mà các công ty Nhật Bản chọn làm chiến trường cạnh tranh. Các nền kinh tế - đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản bị mất dần thị phần của nhiều sản phẩm mang tính biểu tượng vào tay Nhật Bản. Được mệnh danh là “những kẻ luôn luôn chiến thắng”, các ngành công nghiệp và các công ty Nhật Bản đã đẩy đối thủ phương Tây vào cuộc tháo chạy kéo dài, kể cả ở những mặt trận vốn được coi là niềm tự hào của họ. Ô tô và hàng điện tử gia dụng là những ví dụ điển hình cho chiến thắng kinh tế huy hoàng của Nhật Bản và là nỗi cay đắng của các đối thủ cạnh tranh Mỹ và Tây Âu trong giai đoạn này1. “Chẳng có quốc gia công nghiệp nào có được thặng dư mậu dịch về sản phẩm chế tạo với Nhật Bản” (L. Thurow 1994). Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng nặng nề trong quan hệ buôn bán với Nhật.
Khi phân tích nguyên nhân sinh ra mối đe dọa từ phía Nhật Bản, một cường quốc công nghiệp bị chiến tranh tàn phá chỉ mới phục hồi nhưng lại luôn luôn có thặng dư thương mại với phần còn lại của thế giới, các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của các nền kinh tế phương Tây nhận thấy vai trò đặc biệt to lớn, thậm chí có thể coi là quyết định, của chính sách tỷ giá hối đoái mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng. Thực tế của Nhật Bản phù hợp với nguyên tắc lý thuyết về mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và thành tích xuất, nhập khẩu, được phản ánh trong một nguyên lý kinh tế học đơn giản, thông thường nhưng rất hiệu quả: một chế độ tỷ giá, trong đó, đồng nội tệ bị “đánh giá thấp” so với đồng ngoại tệ, sẽ có tác động thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu, giúp nền kinh tế thu được thặng dư thương mại; ngược lại, đồng nội tệ được “đánh giá cao” trong quan hệ tỷ giá sẽ khuyến khích nhập khẩu và cản trở xuất khẩu, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây thâm hụt mậu dịch.
Nhận thức được sức mạnh thực tiễn của nguyên lý đó trong trường hợp Nhật Bản, các Chính phủ phương Tây đã sử dụng chính nó để "phản đòn". Họ đi tới kết luận vốn rất thông thường về mặt lý thuyết rằng việc thay đổi tỷ giá theo hướng giảm giá đồng USD, tăng giá đồng yên sẽ “triệt tiêu” động lực tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản, giúp các nền kinh tế phương Tây thoát khỏi tình trạng thâm hụt mậu dịch trường kỳ trong quan hệ thương mại với Nhật.
Nhận định trên là cơ sở để 5 cường quốc tài chính là Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật gặp nhau ngày 22/9/1985 tại khách sạn New Yorker Plaza để tìm kiếm một giải pháp nhằm chặn đứng xu hướng gia tăng thặng dư thương mại theo cấp số nhân của Nhật và giảm thiểu mức độ tăng thâm hụt thương mại tương ứng của Mỹ. Giải pháp được chọn để đạt mục tiêu là phá giá mạnh đồng đôla, tăng giá các đồng tiền khác, trong đó, đích ngắm chính là đồng Yên. Hiệp ước Plaza là kết quả của những nỗ lực đa phương nhằm hạ giá đồng đôla. Các Bộ trưởng Tài chính Tây Đức, Nhật Bản, Pháp và Anh đã gặp gỡ với Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ tại khách sạn Plaza ở New York để vạch ra một kế hoạch phá giá đồng đôla, chủ yếu là là so với đồng Yên Nhật và đồng Mark Đức. Các ngân hàng trung ương đã cam kết số tiền hơn 10 tỷ đôla cho vụ này, sẽ được thực hiện theo kế hoạch trong vòng vài năm.
Tại cuộc gặp, trước áp lực rất mạnh của Mỹ và các đối tác châu Âu, Nhật Bản buộc phải chấp nhận nâng giá đồng Yên. Hiệp ước Plaza có tác dụng tức thì. Giá trị đồng Yên nhanh chóng tăng vọt, trong năm 1985, đồng Yên lập tức tăng giá 30%. Và chỉ sau đó chưa đầy một năm rưỡi, đồng Yên lại tăng giá thêm 50%. Từ cuối năm 1985 đến đầu năm 1987, giá trị tỷ giá của đồng Yên đã nhân đôi. Từ năm 1985 đến năm 1988, đồng đôla giảm 20% so với Mark Đức, 40% so với đồng Franc Pháp và 50% so với Yên Nhật. Thật sự đã diễn ra một sự đảo ngược tỷ giá.
Tỷ giá Yên - đôla (P.A. Donnet 1991, K. Seitz 2004):
Thời điểm 1971 1985 1986 1/1987
Yên/1 đôla 60 245 200 121
Theo lý thuyết, không có động lực tăng trưởng xuất khẩu nào có thể tồn tại sau cú đòn tỷ giá mang tính “hủy diệt” như vậy. Một “thảm họa” xuất khẩu hay đại loại như vậy là điều được nhiều người dự báo sẽ nhanh chóng xảy ra đối với nền kinh tế Nhật Bản với việc áp dụng giải pháp “đảo ngược” tỷ giá. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Và chính cái sự không - xảy - ra như vậy lại tạo nên một trong những điều “thần kỳ” ấn tượng nhất trong toàn bộ sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản diễn ra trong các thập niên 1950-1980.
Hiệp ước Plaza là một thành công nếu được đánh giá riêng biệt như là một cách thức phá giá, nhưng các kết quả kinh tế lại gây thất vọng. Tình trạng thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao – 7% vào năm 1986, trong khi tốc độ tăng trưởng thì chậm chạp đáng kể, chỉ ở mức 3,2% vào năm 1987. Một lần nữa, một giải pháp “ăn xổi” đã tỏ ra hão huyền; và một lần nữa cái giá đắt phải trả là lạm phát, chầm chậm bắt đầu ngay sau Hiệp ước Plaza, vọt lên mức 6,1% vào năm 1990. Phá giá và các cuộc chiến tranh tiền tệ chưa bao giờ mang lại sự tăng trưởng hay việc làm như được hứa hẹn, mà chỉ chắc chắn mang lại lạm phát.
Hiệp ước Plaza được các bên đánh giá là cực kỳ thành công và được điều chỉnh lần cuối nhằm ngăn chặn việc xuống dốc nhanh chóng của đồng đôla vào năm 1985. Nhóm G7, bao gồm các bên đã ký Hiệp ước Plaza, cộng thêm Canada và Ý, đã họp ở Louvre, Paris vào đầu năm 1987 để ký Hiệp ước Louvre, nhằm ổn định đồng đôla ở một mức giá mới, thấp hơn. Với Hiệp ước Louvre, Chiến tranh Tiền tệ lần thứ II đã kết thúc, khi các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G7 quyết định mọi chuyện đã quá đủ sau hai mươi năm hỗn loạn.
Đến năm 1987, vàng không còn thuộc hệ thống tài chính quốc tế, đồng đôla bị phá giá, đồng Yen và đồng Mark nắm ưu thế, đồng Bảng bất ổn, đồng Euro có triển vọng và Trung Quốc vẫn chưa có chỗ đứng riêng của mình trên sàn diễn. Từ đây, hòa bình tương đối được lập lại đối với các vấn đề tiền tệ quốc tế, nhưng cái gọi là hòa bình này lại chẳng dựa trên thứ gì lớn lao hơn niềm tin vào đồng đôla như là phương tiện cất trữ, dựa trên một nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển và chính sách tiền tệ ổn định của Hệ thống dự trữ Liên bang Mỹ. Những điều kiện ày phổ biến suốt những năm 1990 và sang cả đầu thế kỷ XXI, bất chấp hai cuộc suy thoái nhẹ trong quãng thời gian đó. Các cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra đã không hề dính dáng đến đồng đôla, như là khủng hoảng đồng Bảng Anh vào năm 1992, khủng hoảng Peso Mexico vào năm 1994, và khủng hoảng tài chính Á – Nga và năm 1997 – 1998. Không có cuộc khủng hoảng nào trong số này đe dọa đồng đôla – trên thực tế, đồng đôla đã trở thành nơi trú ẩn khi khủng hoảng xảy ra. Dường như chỉ có sự sụp đổ trong tăng trưởng (của nước Mỹ) hoặc sự nổi lên của một cường quốc kinh tế khác, hoặc cả hai, mới có thể đe dọa được uy quyền của đồng đôla Mỹ mà thôi. Và thực tế là khi những yếu tố này cùng xảy ra vào năm 2010, kết quả là một cơn sóng thần tiền tệ quốc tế.
Trên thực tế, tác động của chính sách tăng giá đồng Yên có làm cho thâm hụt xuất khẩu của Mỹ giảm đi phần nào nhờ tăng trưởng xuất khẩu từ Tây Âu giảm xuống (vì các đồng tiền Tây Âu cũng bị lên giá mạnh) và xuất khẩu từ Nhật Bản bị chững lại. Song chính nhờ thay đổi tương quan tỷ giá, nước Nhật, các công ty Nhật và người Nhật trở nên giàu lên, cũng đột ngột như sự lên giá của đồng Yên. Thực chất của vấn đề là: việc tăng giá đồng Yên làm tài sản của người Nhật và nước Nhật tăng tương ứng. Sau hơn hai thập niên trường kỳ tăng trưởng với tốc độ cao, Nhật Bản đã kịp tích luỹ một khối lượng tài sản tài chính khổng lồ. Khối lượng tài sản đó được chuyển đổi từ đồng Yên sang đồng USD và nhờ "đòn tỷ giá" đã nhân đôi chỉ sau hai năm. Đó đích thực là bước nhảy thần kỳ, làm ngỡ ngàng cả những bộ óc lạnh lùng nhất.
Năm 1982, trong bảng xếp hạng ngân hàng toàn cầu, hai ngân hàng lớn nhất thế giới đều là của Mỹ - NY Citicorp và Bank of America. Còn các ngân hàng Nhật Bản xếp hạng cao nhất chỉ đứng thứ 8 và 10.
Tuy nhiên, đến 1989, trật tự xếp hạng đã đảo ngược: cả 10 ngân hàng lớn nhất đều của Nhật Bản. Trật tự cũng tương tự như vậy với các hãng kinh doanh chứng khoán: 4 hãng lớn nhất là của Nhật Bản: Nomura, Daiwa, Nikko và Yamaichi; sau đó mới là các hãng Mỹ đã từng đứng đầu, gồm Merrill Lynch (K.Seitz. 2004, tr. 93). Như vậy là từ một cường quốc xuất khẩu, chỉ sau một thời gian rất ngắn, ngắn đến mức khó tưởng tượng cho cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng, Nhật Bản đã trở thành một siêu cường tài chính và công nghiệp toàn cầu. Đằng sau bước nhảy kỷ lục này là vai trò nổi bật của “cú đòn tỷ giá Plaza 1985”.
Trở thành cường quốc tài chính, nước Nhật có điều kiện (và buộc phải) thay đổi mô hình tăng trưởng. Từ chỗ chỉ dựa vào xuất khẩu hàng hóa, sau Hiệp ước Plaza, mô hình tăng trưởng của Nhật Bản chuyển sang dựa mạnh hơn vào cầu trong nước. Trong mô hình đó, xuất hiện một trụ cột tăng trưởng mới: đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Dòng FDI từ Nhật Bản đã tăng vọt kể từ năm 1986 một cách nhanh chóng và đạt mức cao nhất vào năm 1989 là 67,5 tỷ USD. . Chính sự bùng nổ dòng FDI này của Nhật Bản đã giúp các nền kinh tế ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái lan và Indonesia) có điều kiện và cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành “rồng” trong thập niên 1970-1980. Có nghĩa là sự đột phá phát triển của nền kinh tế Nhật Bản đã gây hiệu ứng lan tỏa phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, sự trỗi dậy của các nền kinh tế ASEAN đó không có nguyên nhân đơn nhất từ dòng FDI của Nhật Bản. Phải có thêm những điều kiện bên trong chín muồi - sự sẵn sàng các điều kiện vật chất, kỹ thuật, nhân lực, một khát vọng và quyết tâm phát triển mạnh mẽ cộng với một thái độ chính sách thu hút FDI tích cực (điều kiện cần) thì dòng FDI của Nhật Bản (điều kiện đủ) mới có thể phát huy tác dụng gây bùng nổ.
Nhưng sang thập niên 90 của thế kỉ XX, sự sụp đổ nền kinh tế “bong bóng” đã đẩy Nhật Bản vào một thời kỳ cực kỳ khó khăn, kéo theo lượng FDI của Nhật cũng giảm đi đáng kể. Năm 1990 so với năm 1989 giảm 15,6% còn 56,9 tỷ USD; năm 1991 giảm mạnh 26,9% còn 41,6 tỷ USD; năm 1992 giảm tiếp 17,9% còn 34,1 tỷ USD. Song xu hướng suy giảm này đã chấm dứt vào năm 1993 khi FDI của Nhật Bản tăng lên 5,5% đạt mức 36,025 tỷ USD. Tuy giảm mạnh như vậy, song số lượng tuyệt đối FDI của Nhật Bản vẫn là con số rất lớn và điều đáng lưu ý là FDI của Nhật Bản chỉ giảm mạnh ở thị trường các nước tư bản phát triển. Chẳng hạn, năm 1989, Mỹ chiếm tới 48,2% trong tổng FDI của Nhật, thì năm 1990 chỉ còn 45,9%, năm 1991 còn 43,3%; năm 1992 còn 40,5%. Còn FDI của Nhật vào Châu Á vẫn tăng.
Nhật đã thu lợi lớn từ việc gia tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài. Thay vì xuất khẩu hàng hóa, giờ đây, nước Nhật còn là cường quốc xuất khẩu vốn. Tiềm lực sản xuất và tiềm lực vốn to lớn bảo đảm cho Nhật Bản đứng vững trên hai cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại: xuất khẩu và đầu tư. Giờ đây, trong cuộc cạnh tranh với Nhật Bản, thế giới rơi vào thế lưỡng nan: nếu tỷ giá cao (đồng Yên bị đánh giá thấp), Nhật Bản tăng cường xuất khẩu hàng hóa, đẩy thế giới lâm vào tình trạng thâm hụt mậu dịch; nếu tỷ giá thấp (đồng Yên được đánh giá cao), các công ty Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài, tổ chức sản xuất và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài tại chỗ để thu lợi.
Tóm lại, nền kinh tế Nhật Bản đã có một sự đột phá cực kỳ mạnh mẽ từ một giải pháp- sự cố giống như là đơn nhất: tăng giá đồng tiền. Giá trị to lớn của sự đột phá này không bị giới hạn lại một cách đơn giản ở thành tích thúc đẩy tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài thay cho thành tích tăng trưởng xuất khẩu, cho dù chỉ sự thay thế này cũng đã đủ tạo nên một kỳ tích phát triển, hiểu theo nghĩa nó giúp nền kinh tế Nhật Bản thoát hiểm trước sự phản công quyết liệt của tất cả các đối thủ cạnh tranh. Trên một tầm rộng lớn hơn, thực tế cho thấy rằng thông qua sự thay đổi chính sách tỷ giá, nền kinh tế Nhật Bản đã thay đổi cả một mô hình tăng trưởng.
--------------
Nguồn tham khảo:
P.A. Donnet. Nước Nhật mua cả thế giới. NXB Thông tin Lý luận 1991
MITI và sự thần kỳ Nhật Bản - Chalmer Johnson
Tại sao Nhật Bản thành công - M. Morishima
Đối đầu - L. Thurow, 1994
James Rickards – Các cuộc chiến tranh tiền tệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét