Khoằm

22 tháng 12 2010

Phùng Gia Lộc - Cái đêm hôm ấy... đêm gì?

Khi ai ông Đào Tùng và Đỗ Phượng đến gặp tổng bí thư Lê Duẫn xin cho phép thông tấn xã Việt Nam mở báo tuần tinh tức. Chưa để hai ông trình bày hết tổng Bí thư Lê Duẩn đã quát lớn :

- Các anh làm thông tin hay Bộ Chính trị làm. Đây là việc của các anh, vì thế các anh phải là người quyết định chứ.


Thế là hai ông Đào Tùng và Đỗ Phượng tự ý mở ra tờ báo tuần tin tức.


Câu chuyện ký của nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc người làng Láng, xã Phú Yên huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa, viết về của người dân xã Phú Yên và nạn cường hào ác bá lộng hành ở xã này và các vấn đề liên quan đến cán bộ cấp cao của tỉnh này thời ông Hà Trọng Hòa đương nhiệm ủy viên trung ương đảng bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.


Câu chuyện kể về đêm năm 1983, ông Phùng Gia Lộc lên cơ quan ứng gạo về trong đêm thì gặp phải việc xã phát động đồng khởi việc thu sản tổng vét cả xã cho đủ với kế hoạch đề ra (Thu sản và đóng sản là việc các xã viên nộp thóc gạo đã thu hoạch được theo quy định đưa lên nộp kho hợp tác xã). Chuyện ký viết ra miêu tả chi tiết thái độ hách dịch của các cán bộ xã và tình trạng khổ cực của người dân xã Phú Yên trong thời điểm đó.

Phùng Gia Lộc  , tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu


Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:
- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.
- Hừ! Lại thế nữa...
Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?
Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:
- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.
Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.
Anh gạn tôi:
- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.
Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:
- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.
Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...
Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.
Thấy tôi về thằng Thức reo lên:
- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?
- Có cái rét cóng đây này!
Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:
- Ứng được năm cân gạo.
Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:
- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!
Tôi hỏi:
- Nhà ăn rồi hả mẹ?
Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:
- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.
Tôi thấy cay sè trong mắt.
- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?
Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:
- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...
Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:
- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.
Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.
- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.
- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...
Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.
Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:
- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?
- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.
Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:
- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi
- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.
Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.
Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...
Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:
- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?
Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:
- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!
Tôi vỗ về:
- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?
- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.
- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.
Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:
- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...
Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.
- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!
Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.
Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.
Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.
Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.
Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.
- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.
Cạch cạch cạch.
- Chị cò Lộc, mở cửa ra!
Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.
- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?
- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.
Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.
Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!
Bà cụ tôi đáp thay con dâu:
- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?
- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?
Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:
- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.
Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.
Anh Miện bảo nhỏ tôi:
- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.
Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:
- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.
Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bút mũi. Chúng xoay vòng quanh, mgửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...
Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:
- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.
Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.
- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?
- Bắt cái xe đạp ni, bay!
Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:
- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.
- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?
Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:
- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.
Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.
Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:
- Cái gì trong này, chị Lộc?
Im lặng...
- Cái gì trong này, chị nói mau?
Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.
- Có cái gì đâu...
Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:
- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.
Mẹ tôi chống gậy vái dài:
- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.
Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.
Bà cụ nói như rên rẩm:
- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!
Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:
- Chị có gánh đi hay không thì bảo?
Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:
- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.
Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.
- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!
- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!
Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:
- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.
Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.
- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...
Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:
- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!
Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...
Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.
Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?".
Cuối năm 1987
PHÙNG GIA LỘC 
Theo Báo Văn Nghệ

"Cái đêm ấy đêm gì?" buộc Nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc phải chạy chốn khỏi quê, lên Hà Nội nương nhờ bạn là Bế Kiến Quốc. Được nhiều bạn bè nhà văn nhà báo trên trung ương Hà Nội thương cảm giúp đỡ. Cảm tác trước việc bạn mình ra Hà Nội lánh nạn nhà thơ Bế Kiến Quốc lưng trùng nước mắt đọc câu thơ:

Bạn từ Thanh Hóa ra Hà Nội
Bát cơm chia nửa mắt rưng rưng

Nhà thơ Bế Kiến Quốc giúp bạn đăng hai bài lên báo văn nghệ là Cái đêm hôm ấy đêm gì và Sau cái đêm hôm ấy đêm gì. Làm cho dư luận cả nước ầm ĩ hết cả lên.

Nhà báo của báo tuần tin tức, Vũ Tâm (sau này là tổng biên tập báo) lấy tên con gái và vợ là Thơ Linh Cơ phê phán bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa với loạt bài báo "chơi với lửa"

Khi nhà báo Vũ Tâm đăng bài Lan Lừa là ai, nhà báo Đỗ Phượng đã đích thân đem bài báo đến gặp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rằng:

- Chúng tôi đã đăng bài báo này và chúng tôi biết chắc chắn ngày mai sẽ có chuyện. Hoặc thông tấn xã Việt Nam sẽ bị kỷ luật hoặc ông Hà Trọng Hòa sẽ bị kỷ luật.

Tổng bí thư xem xong báo cáo liền nói với nhà báo Đỗ Phượng rằng báo tuần tin tức cứ tiếp tục như kế hoạch. Sau loạt bài kể trên ông Hà Trọng Hòa bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bị khai trừ khỏi ban chấp hành trung ương đảng, cắt chức bí thư tỉnh ủy. Vấn đề của nhà báo nhà văn Phùng Gia Lộc và chuyện của xã Phú Yên cũng được xem xét.

Năm 1992, nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc qua đời, nhà thơ Bế Kiến Quốc về Phú Yên cảm tác:

Ta theo như mộng
Bạn đã mùa đông
Cát trơ bờ cạn
Chu đấy ư sông? (sông Chu chảy qua địa phận xã Phú Yên)
Đời người thấm thoát
Tri kỷ nhiều đâu
Đời sông bao chốc
Thay mấy phen cầu
Đầu làng cổ thụ
Chờ ta mà già
Bạn đừng khuất nữa
Sông đừng nước qua.

Chính sự xuất hiện kịp thời của tờ báo tuần tin tức một tờ báo chuyên viết về đề tài bài viết chống tiêu cực, và có những nhà văn nhà báo dám đứng lên viết bài theo đề tài chống tiêu cực tham mưu cho các nhà lãnh đạo cấp cao mà tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mới thuận lợi tiến hành các việc cần làm ngay và những thay đổi chính sách, chiến lược, giúp đất nước thay đổi và phát triển.

Ngày nay, khi quốc gia dân tộc, đảng cầm quyền đang đối mặt với các khó khăn, thuận lợi mới,... thì sức ì của xã hội và nền kinh tế khiến cho các nhà lãnh đạo và người dân có chung một trăn trở mới những trăn trở nghĩ suy hành động ấy ấy có thể giúp cho đất nước phát triển trong vài chục năm tới hoặc cũng có thể phá vỡ tất cả buộc con người ta phải làm lại từ đầu... Dù là phát triển hay phá hoại thì trước hết người ta phải biết nhìn vào chính mình, nhìn vào những sự thật bày ra trước mắt họ và cả những cái họ bị che mắt.

Nhớ mãi cái đêm hôm ấy


Bùi Kiến Quốc


Đêm nay, Hà Nội mưa và lạnh. Tôi khóc.
Đêm hôm ấy, tôi cũng khóc khi đọc bản thảo bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? mà Lộc vừa trao cho. Đêm ấy là một đêm thứ bảy. Lộc từ nhà sáng tác bên hồ Đại Lải về Hà Nội. Hai đứa lên phòng làm việc của ban văn trong toà soạn Văn Nghệ ngồi chuyện trò. Rồi Lộc, từ cái túi vải cũ kỹ tuỳ thân rút ra một tập giấy đưa cho tôi: “Ô ng đọc thử xem. Cái này tôi mới làm xong hôm qua trên Đại Lải” . Chỉ mỗi đêm thứ bảy trước đó, Lộc về, tôi đưa Lộc đọc bản thảo một bài bút ký viết về nông thôn của Kiều Vượng (cũng ở Thanh Hoá). Lộc đọc chăm chú, xong, không nói gì. Đêm, nằm bên tôi, Lộc ho nhiều, mất ngủ. Sáng hôm sau lên Đại Lải và bắt tay viết Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Lộc được lên nhà sáng tác Đại Lải một tháng để viết, đó là cả một sự đặc biệt. Hội nhà văn đề nghị, rồi Bộ văn hoá giải quyết ý tất cả đều là những việc ngoài nguyên tắc. Vì Lộc chưa phải là hội viên Hội nhà văn. Tôi vẫn nhớ, ngay cả người đánh máy chữ trong văn phòng Bộ văn hoá cũng “à” lên khi biết cái người gầy gò nhỏ thó kia là Phùng Gia Lộc, tác giả của truyện ngắn Được vật báu. Vâng, đúng là vì viết cái truyện ngắn ấy mà Lộc phải ra Hà Nội, đến ở cùng với gia đình tôi ngay trong toà soạn báo Văn Nghệ. Lộc rất ý tứ, không muốn tiếp xúc nhiều, suốt ngày ngồi ở căn phòng chín mét vuông của gia đình tôi, im lặng nghĩ ngợi, lo lắng cho vợ và đàn con nhỏ đang sống ở quê nhà. Tuy vậy, tất cả anh chị em toà soạn, biên tập cũng như hành chính, đều thương yêu, quý mến Phùng Gia Lộc. Ngày Lộc về lại Thanh Hoá là một ngày vui chung của cả toà soạn. Người góp tiền, người góp gạo, người mang đến bộ quần áo trẻ con, người tặng cái chăn, cái màn... Lộc chỉ còn biết chắp hai tay cảm tạ, và khóc. Mãi cho tới sau này, tình cảm đó vẫn là nguyên vẹn. Gần đây nhất, mới vài ba tháng trước thôi, có người từ Thọ Xuân ra Hà Nội cho biết Lộc đang ốm, toà soạn quyết định trợ cấp ngay cho Lộc một số tiền, và anh chị em Văn Nghệ thì làm một cuộc quyên góp cấp tốc trong vòng nửa giờ: ai còn bao nhiêu tiền trong túi cũng sốt sắng ủng hộ; cả mấy bạn viết cộng tác viên ghé qua toà soạn, biết chuyện, cũng xin được góp phần. Mà chẳng riêng gì anh chị em làm báo Văn Nghệ. Lâu nay, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh), Sàigòn giải phóng... Vẫn thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp Phùng Gia Lộc, chưa kể Hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá là chỗ gần gũi Lộc hơn cả. Và còn bao nhiêu bạn đọc trong cả nước nữa chứ, họ đã gửi thư, gửi quà, gửi tiền cho Lộc. Mà chủ yếu chỉ là vì bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Phùng Gia Lộc ơi, anh có biết bao điều không may mắn trong cuộc đời, nhưng để bù đắp lại, số phận đã mang tới cho anh cái hạnh phúc lớn nhất mà một người cầm bút có thể có được: được người đọc yêu mến, quý trọng.
Phùng Gia Lộc sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven bờ sông Mã, gần quê hai ông vua nhà Lê (Lê Hoàn và Lê Lợi). Lộc làm giáo viên trường huyện, rồi làm cán bộ phòng văn hoá huyện. Năm ấy, Đỗ Bạch Mai đang học sau đại học, đi thực địa sưu tầm văn học dân gian ở Lam Kinh (Thọ Xuân) nơi có một truyền thuyết lịch sử về Lê Lợi. Tôi đi cùng Mai, và nhờ chuyến đi ấy mà quen biết Lộc. Ngay nhất kiến, Lộc coi chúng tôi như bạn bè thân thiết. Vừa may, Lộc đang dựng một vở cải lương ngắn (do chính anh sáng tác) cho đội văn nghệ xứ Lam Kinh. Suốt chuyến đi, Lộc không những đưa chúng tôi vào không khí folklore của vùng đất cổ kính ấy, mà còn cho chúng tôi thấy đời sống thực tế của người dân quê mình. Người ta không thể “bất ngờ” viết ra được Cái đêm hôm ấy...đêm gì? nếu không gắn bó, từng trải tất cả những buồn vui sướng khổ của người nông dân đích thực như Lộc.
Rồi đây, và có lẽ giờ đây, người ta quên đi những bài viết “nhất thời” như Cái đêm hôm ấy...đêm gì? (Tôi cầu mong người ta sẽ không bao giờ phải nhớ lại những cảnh huống như cái đêm hôm ấy ở quê Lộc, người ta sẽ quên cả trong văn chương cũng như trong cuộc đời). Nhưng tư cách của một người cầm bút như Phùng Gia Lộc thì sẽ mãi mãi không bao giờ có thể bị quên lãng. Trước khi in Cái đêm hôm ấy... đêm gì? , chúng tôi hỏi lại Phùng Gia Lộc một lần nữa: có nên ký bằng một bút danh nào đó không? Lộc bảo: “Ký bằng tên gì thì viết như thế họ cũng nhận ra tôi viết. Hơn nữa, nếu ký bút danh, tính chân thực của bài viết sẽ bị giảm đi”. Lộc nói đúng. Tôi làm theo, mà trong lòng thì lo và buồn. Và khâm phục. Quả nhiên, sau đó gia đình Lộc ở quê gặp bao nhiêu rắc rối. Trong khi đó, từ khắp nơi, thư bạn đọc gửi và cảm ơn anh, ủng hộ anh. Những người bạn đọc ấy, hôm nay, khi biết tin Lộc không còn nữa, họ sẽ khóc. Và, những người bạn đọc ấy không ít đâu, Lộc ơi!
Hà Nội, 28.2.1992
(Văn Nghệ, số 10, 7.3.1992)

Đọc "Đêm trước", nhớ Phùng Gia Lộc

20/12/2005 05:04 GMT+7
TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.
Phùng Gia Lộc tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu
TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.
Quả thật không thể không nói đến tác dụng tích cực của báo chí, đặc biệt của thể loại phóng sự, được khôi phục một cách đúng lúc vào thời điểm đó đã thật sự góp phần không nhỏ tạo nên chuyển động xã hội quan trọng nhất của đất nước kể từ sau năm 1975.
Trong sự sống dậy mạnh mẽ, sinh động của phóng sự hồi ấy, Cái đêm hôm ấy đêm gì... của Phùng Gia Lộc có một vị trí đặc biệt: nó gây xúc động lớn hơn cả, chấn động tâm trí người đọc khắp nước (bấy giờ báo Văn Nghệ(*) ở Hà Nội vừa đăng xong lập tức được báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ở TP.HCM đăng lại ngay), và có lẽ trong hàng trăm phóng sự sôi nổi hồi ấy, riêng nó chắc sẽ còn sống lâu dài như một giá trị văn học độc đáo, khó quên, đánh dấu một thời.
Hoàn cảnh ra đời của phóng sự cũng thật đặc biệt. Tôi nhớ những ngày ấy...
Đang là những ngày âm ỉ mà nóng cháy của “Đêm trước”, và Thanh Hóa là một trong những điểm nóng nhất. Ở đấy cuộc đấu tranh giữa các lực lượng bảo thủ và các lực lượng đòi hỏi đổi mới có thể nói đã đến mức sống mái, thậm chí theo nghĩa đen của từ này. Một không khí khủng bố thật sự, uy hiếp đến cả tính mạng của nhiều người dũng cảm đấu tranh, trong đó có nhiều anh chị em cầm bút.
Anh Phùng Gia Lộc, một người viết nghèo, đau yếu, hiền lành mà hết sức trung thực và can trường, là một mục tiêu trọng điểm của người đứng đầu tỉnh này và tay chân của họ. Lo lắng cho tính mạng của anh, các bạn viết và cả bạn đọc của anh bàn nhau phải tìm cách đưa anh đi lánh nạn.
Đưa đi đâu? Các vùng nông thôn khác cũng đều đang khá căng. Chỉ ra Hà Nội mới có thể tương đối an toàn. Nhưng thoát ra được đến Hà Nội cũng chẳng dễ: có cả một mạng lưới dày đặc theo dõi, bao vây chặt các “mục tiêu”. Anh em phải năm lần bảy lượt mưu mô mới lén đưa được anh Phùng Gia Lộc đến một ga nhỏ, nhanh chóng bí mật đẩy anh lên tàu rồi cử người canh gác chặt hai đầu toa... hệt như thời các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch... cho đến khi tàu tới ga Hà Nội.
Ra đến Hà Nội rồi vẫn còn phải rất cảnh giác, vẫn phải giấu kín anh, đề phòng còn có thể bị “truy kích”. Giấu ở đâu bây giờ? Anh Phùng Gia Lộc vốn quen thân với anh Bế Kiến Quốc, biên tập viên văn xuôi ở báo Văn Nghệ. Anh Quốc báo với chúng tôi và chúng tôi quyết định đưa anh Lộc về giấu ngay ở tòa soạn báo.
Anh Lộc ở ngay trong cơ quan, hết sức hạn chế đi ra bên ngoài, đêm ngủ ngay trên chiếc bàn lớn chúng tôi vẫn dùng làm chỗ giao ban và duyệt báo hằng ngày. Chúng tôi cũng căn dặn nhau rất kỹ, tuyệt đối không ai được tiết lộ sự có mặt của anh ở đây. Hồi đó báo chúng tôi còn rất nghèo. Các chị em ở phòng trị sự chung nhau mỗi người góp mấy lon gạo nấu cơm nuôi anh. Anh chị em biên tập thì góp mỗi người một ít tiền.
Chính trong những ngày đó anh Lộc đã kể cho chúng tôi nghe tình cảnh bi đát của nông dân trong cái “đêm trước” vô cùng đen tối ở quê anh. Chúng tôi ngồi nghe, không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi nói với anh Lộc: “Thôi bây giờ anh ở đây với anh em chúng tôi, no đói có nhau. Và anh ngồi đây, viết lại tất cả những gì anh đã biết, đã sống qua và đã kể đi. Chỉ cần viết đúng như anh đã kể”.
Anh Lộc đã ngồi viết thiên phóng sự nổi tiếng Cái đêm hôm ấy đêm gì... như vậy đấy, đều về đêm, trên chiếc bàn lớn duy nhất của tòa soạn chúng tôi hồi bấy giờ, viết mệt quá thì nằm luôn lên bàn đó mà ngủ, nửa đêm sực thức dậy lại viết tiếp... Anh Bế Kiến Quốc là người trực tiếp biên tập bài báo ấy. Theo tôi được biết, anh Quốc hầu như không sửa bỏ chữ nào. Bài viết chỉ trong hai đêm thì xong. Và chúng tôi cho đăng ngay...
Anh Lộc còn tiếp tục phải trốn ở chỗ chúng tôi mấy tháng nữa, rau muối với anh chị em chúng tôi... cho đến khi vị đứng đầu tỉnh anh bị đổ, an toàn cho những người trung thực ở quê anh đã được khôi phục...
Như chúng ta đều biết, sau đó anh Lê Huy Ngọ được cử về làm bí thư Thanh Hóa, thay vị tiền nhiệm ghê gớm kia. Một trong những việc làm đầu tiên của anh Ngọ khi về Thanh Hóa là tổ chức một cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với báo chí, lắng nghe ý kiến của những tờ báo đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt cho một Thanh Hóa, và một nông thôn của chúng ta lành mạnh và phát triển.
Tôi đã quen anh Ngọ hồi anh còn làm bí thư Vĩnh Phú. Hôm gặp lại nhau tại Thanh Hóa, tôi còn nhớ rõ anh nói với tôi như thổ lộ một suy nghiệm chắc đã nung nấu khá sâu và khá lâu, một câu hỏi tôi mà cũng có thể là anh tự hỏi mình: “Có phải Thanh Hóa đã được dùng làm “bãi thử” cho dân chủ hóa?”.
Rất có thể đúng như vậy đấy. Dân chủ hóa xã hội không phải cứ nghĩ ra là có ngay được, cũng không phải có thể có trong ngày một ngày hai, mà là một cuộc vận động và đấu tranh xã hội kiên định, kiên trì, lâu dài. Phải “học làm dân chủ” như các bạn ta ở một nước xã hội chủ nghĩa cũ đã nói trong cuộc trăn trở chuyển mình của đất nước các bạn, một cuộc học có thể rất gian nan. Và cần có những “bãi thử”. Để mới dần dần thật sự có được.
Phùng Gia Lộc là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc “học” gian nan đó của chúng ta một thời. Anh đã mất rồi, hầu như chỉ để lại cho chúng ta một bài báo ngắn. Trong văn học có những nhà văn rất xứng đáng là nhà văn, mà chỉ có một bài.
-----------------
(*) Nhà văn Nguyên Ngọc là tổng biên tập báo Văn Nghệ giai đoạn 1987 - 1988.
NGUYÊN NGỌC
 
Thứ sáu, 21/06/2013 - 12:00 AM (GMT+7)
Tết thời bao cấp.
Văn học và báo chí thuộc lĩnh vực tuyên truyền; ở một khía cạnh khác, là tiếng nói của cá nhân, là khát vọng và sự phản ứng của nhân dân trước những vấn đề xã hội. Ở khía cạnh nào, với trái tim luôn tỉnh thức và mang nỗi đau đời, yêu người, những nhà báo, nhà văn chân chính bao giờ cũng là những con chim báo bão của cách mạng, của những đổi thay tiến bộ.
M.Gorki từng viết, trong những thời khắc đen tối của cuộc sống, mây đen che cả mặt trời, trong khi các loài chim khác rên xiết và sợ hãi thì “Riêng mình chim báo bão bay lượn ngang tàng và tự do trên biển dậy sóng bạc đầu”! Chúng cất tiếng kêu và “... trong tiếng kêu có niềm khát khao bão táp!;“Chim biết chắc mây đen sẽ không che nổi ánh mặt trời, không bao giờ che nổi”!
Rất nhiều năm, người ta đã đồng nghĩa hợp tác xã, mậu dịch quốc doanh với CNXH. Ai không vào hay vào rồi mà ra khỏi hợp tác thì bị phân biệt đối xử, con cái khó mà được đi đại học, được vào biên chế. Tư nhân mà kinh doanh, sản xuất bị coi là con buôn, là mầm mống tư bản, phải ngăn chặn, cải tạo!
Ông Nguyễn Văn Chẩn, nhân vật trong bài báo “Câu chuyện ông vua lốp” đăng trên báo Văn nghệ giữa năm 1986 của Trần Huy Quang, là người từ năm 1958 đã biết tận dụng lốp ô-tô thừa làm dép cao-su, đưa cuộc sống gia đình lên khá giả. Nhưng rồi dép nhựa lên ngôi, ông trở về nghèo đói. Ông chuyển sang nghề làm bút. “Một hôm thằng con tôi đi học về mếu máo: “Bố ơi, bố mua cho con cái bút khác chứ cái bút đang dùng vỡ cổ rồi, mực chảy nhòe nhoẹt cả tay”. Tôi đi khắp các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không nơi nào có, hoặc có thì bán phân phối. Tôi đành phải bỏ ra sáu đồng mua cho cháu một cái “Trường Sơn” mà giá phân phối chỉ có ba đồng. Tôi căm ghét cái ba đồng ngoài giá mậu dịch ấy”. Thế rồi vì ông làm bút máy cho học sinh từ phế liệu, chủ yếu là dép nhựa hỏng, mà bị tịch thu hết tài sản, bị Tòa Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù phải nằm Hỏa Lò vì tội đầu cơ. Kêu kiện mãi, Tòa Phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao chỉ phạt cảnh cáo và 100 đồng, “xí xóa” cái chuyện ngồi tù. Đó là năm 1972.
Cái con người ham làm ra cái gì cuộc sống cần, ham làm ra tiền trong ông Chẩn lúc nào cũng cựa quậy. Ông chuyển sang sản xuất nhựa vá săm, trong hai năm mà phất. Năm 1974 lại bị bắt. Được tha, lại đi làm lốp xe đạp. “Năm tám mốt, tám hai, tám ba, những năm lốp tôi bán rất chạy, khách cứ đùa tôi là “vua lốp”. Mỗi năm xuất hai ngàn đôi cho nhà nước. Sau khi được tặng huy chương đồng tại triển lãm Giảng Võ, báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai họa, chữ tài liền với chữ tai. Giữa năm tám ba, tai họa ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong”... Không những thế còn bị khởi tố, bắt giam vào ngày 25-7-1983. Nhưng rồi báo chí đã vào cuộc kịp thời, giúp đòi lại công bằng cho ông Chẩn. Chính quyền Hà Nội phải trả lại ngôi nhà ở Ngọc Hà đã tịch thu của ông. Trong phiên tòa, ông Chẩn nói: “Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí.
Vào một buổi tối năm 1987, tôi gặp anh Phùng Gia Lộc tại Hà Nội cùng anh Lã Hoan và Đỗ Xuân Thanh. “Ông Lộc đi trốn đấy, không thể ở Thanh Hóa được nữa rồi”! Còn anh Lộc vừa đau khổ, vừa mãn nguyện. Anh nói, đăng được Cái đêm hôm ấy đêm gì có chết cũng cam lòng! Cái đêm hôm ấy đêm gì là truyện ký đặc sắc nhất của cuộc đời sáng tác Phùng Gia Lộc, đồng thời là truyện ký đặc sắc của thời kỳ đầu Đổi mới.
“Việc thật ở nhà tôi đêm 26-11-1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì”? Anh từng kể về chuyện thu sản và nạn cường hào mới ở nông thôn như thế và sau này, anh viết trong bài của mình cũng như thế. Thu sản mà phải bí mật với dân, 12 giờ đêm mới đồng loạt ra quân; thu sạch xe đạp, bàn ghế giường tủ. Nhà anh mẹ già, ốm yếu, chị cò Lộc làm không đủ ăn lại còn phải tích cóp từng chút cho “hậu sự” của mẹ chồng. Năm 1983, Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân của anh Lộc bị lụt nặng. Dân mò vợt từng bông lúa dưới nước, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nộp sản! Mấy chị em thương mẹ, lo xa, dành thóc cho vào áo quan của mẹ để làm bữa cơm cho làng sau này cũng bị cạy nắp lấy hết.
Viết được cái truyện có tiếng vang, nhưng anh Lộc không dám về Thanh nữa; nương nhờ ở nhà nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai và một số anh em khác, ít lâu sau thì mất...
***
Tết năm 1986, Báo Nhân Dân có đăng bài thơ “Lẽ sống” của đồng chí Lê Đức Thọ, trong đó có đoạn Dám nhìn thẳng sự thật/ Đâu sợ ai chê cười/ Ngã xuống thì đứng dậy/ Biết tiến và biết lùi... Đấu tranh là hạnh phúc/ Lẽ sống ở trên đời. Đó là nhận thức và quyết tâm của Trung ương mà rồi đây sẽ được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội VI. Trước, trong và sau Đại hội VI, Báo Nhân Dân là nơi nêu ra và góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống. Báo đã cổ vũ mạnh mẽ cho khoán hộ trong nông nghiệp, cho quyền tự chủ của doanh nghiệp; vạch ra những yếu kém trong lưu thông phân phối, chống nạn ngăn sông cấm chợ.
Báo đã cổ vũ mạnh mẽ cho những tác phẩm văn nghệ viết về đổi mới như Cù lao Tràm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn. Báo hồi ấy bốn trang nhưng Tổng Biên tập Hồng Hà dành hẳn một trang cho “Vấn đề hôm nay”.
Cùng với loạt bài Những việc cần làm ngay, vừa phản ánh, vừa chỉ đạo xử lý các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống, làm cho báo nóng hôi hổi. Nếu như Báo Nhân Dân chọn nhiều hơn về vấn đề chung và thiên về lý luận; thì báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Lao Động lại chọn đề tài cụ thể, từng câu chuyện và số phận độc đáo, có thái độ bênh vực người dân “thấp cổ bé miệng” một cách rõ ràng, lại có lối viết hình tượng nên có sức truyền cảm và lay động mạnh mẽ.
Sau khi đọc bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ trên Báo Nhân Dân, nữ sinh văn khoa năm thứ hai ĐHTH Hà Nội Phạm Thị Xuân Khải đã gửi cho Trưởng ban Tổ chức T.Ư một bài thơ Mùa xuân nhớ Bác. Văn phòng Lê Đức Thọ gửi bài thơ này tới báo Tiền Phong. Bài thơ đăng ngày 25-3- 1986 và như một vụ nổ, châm ngòi cho những “vụ nổ” khác, phá tan sự im lặng vì rụt rè, sợ hãi và bế tắc về tư tưởng lúc đó. Thơ đặt vấn đề:
Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Tôi hỏi anh Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong rằng, khi đăng những bài như Mùa xuân nhớ Bác, Vụ án 2000 ngày... các anh có sợ không?
Dương Kỳ Anh nói: “Khi quyết định đăng những bài báo như vậy, Ban Biên tập cũng biết trước sẽ có những phản ứng dữ dội, bởi vì lúc đó chưa được cởi mở như sau này. Báo chí suốt một thời gian dài trước đó gần như không có đăng những vấn đề gai góc, là những vấn đề rất mới, rất nhạy cảm, rất khó được chấp nhận lúc đó, không phải chỉ có cấp trên mà trong người đọc, trong xã hội chưa quen với những bài báo như vậy... Nhưng Ban Biên tập vẫn quyết định đăng vì muốn nói lên sự thật, muốn bảo vệ lẽ phải, sự công bằng... Với lại lúc đó anh em trong Ban Biên tập còn trẻ, rất hăng hái, không sợ phải đối mặt với khó khăn, thách thức, vì thấy mình làm đúng, lương tâm mình trong sáng”...
Khi Trần Huy Quang viết về ông vua lốp, sự nhạy cảm của nhà báo nhận ra cần phải giải phóng sức sản xuất. Ai đời, xã hội thiếu sản phẩm lại cấm người dân sản xuất!
Cuộc Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mấy mươi năm, do biết dựa vào dân, nên đã làm được nhiều chuyện thần kỳ. Nhưng bởi thế mà có tâm lý thần thánh hóa, cam chịu bao cấp về tư tưởng, cũng chẳng mấy hay ho. Chúng ta đã giải phóng được đất nước; nhưng cũng như thời kỳ tiền đổi mới, với nhiều khủng hoảng và bế tắc, vẫn cho thấy sự chưa giải phóng hoàn toàn được chuyện cơm áo và cần có sự giải phóng tiếp tục về tinh thần. Chỉ khi có sự giải phóng về tư tưởng, về tinh thần mạnh mẽ, mới có sự phát triển đất nước mạnh mẽ.
Chỉ khi có sự giải phóng về tư tưởng, về tinh thần mạnh mẽ, mới có sự phát triển đất nước mạnh mẽ.
   NGUYỄN SĨ ĐẠI


8 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Đêm trước Đổi Mới (Trần Hoàng Tiến, 2012) : anh Ba, anh Năm, anh Văn, và khoán 100 ở Hải Phòng http://giaovn.blogspot.com/2014/09/em-truoc-oi-moi-cac-ki-bao-cua-tran.html

      Có mấy kì của nhà văn Trần Hoàng Tiến đăng trên Quân đội Nhân dân, vào năm 2012, sau được nhiều nơi cất trữ.

      Đọc để biết thế thôi, nhiều chỗ không đúng với sự thực. Vì có thể do tư duy của nhà văn thì có khác.

      http://fddinh.blogspot.com/2012/02/nhung-nguoi-mo-loi-tim-uong-i-moi.html

      Xóa