Khoằm

13 tháng 12 2011

TIẾN THÀNH - Giọng ca không thể thay thế


|dinhphdc wrote on Mar 16, '12
Tiến Thành- giọng hát sau một phần tư thế kỷ chưa có người thay thế

“Không ai là không thể thay thế, nhưng chắc chắn có những người khó thay thế hơn những người khác ».

Câu nói trên dường như rất chính xác để nói về Nghệ sỹ Tiến Thành (1950-1984), giọng hát chủ lực trong các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, một viên ngọc sáng trong nền thanh nhạc Việt Nam kể từ cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, có thể nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x không còn biết nhiều về cái tên Tiến Thành bởi anh đã mãi mãi đi xa từ ngót một phần tư thế kỷ. Tuy vậy, một điều chắc chắn là bất kỳ ai, hễ có chút yêu mến, quan tâm tới dòng nhạc mà tạm gọi là nhạc Đỏ thì đều biết đến, thuộc nằm lòng, thậm chí say mê những bài hát như Nơi đảo xa (Thế Song), Tiếng gọi sông Đà (Trần Chung), chùm ca khúc của Hoàng Vân gồm các bài Tình yêu Hà Nội, Tình ca Tây Nguyên, Tình yêu người thợ mỏ, hay những ca khúc song ca kinh điển như Gửi em ở cuối sông Hồng (Dương Soái & Thuận Yến), Dòng sông quê anh dòng sông quê em (Lai Vu & Đoàn Bổng) ... Đó là một số trong rất nhiều ca khúc đi vào lòng thính giả và còn mãi với thời gian nhờ giọng hát « rất khó thay thế » của nghệ sỹ Tiến Thành.

dinhphdc
 wrote on Dec 12, '11
Sinh năm 1950 tại Nam Định, Nghệ sỹ Tiến Thành là ca sỹ cùng thời với các nữ nghệ sỹ Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa, Ái Vân, Vân Khánh, Thúy Lan, Bích Việt ..., các nam nghệ sỹ như Ngọc Tân, Dương Minh Đức, Huy Hùng, Trọng Nghĩa, Hữu Nội..., là thế hệ tiếp nối của thế hệ thứ hai với những Tường Vy, Bích Liên, Tuyết Thanh, Vũ Dậu, Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu..., và xa hơn nữa là thế hệ đầu đàn với những Thương Huyền, Khánh Vân, Kim Oanh, Tân Nhân, Mai Khanh, Trần Thụ, Quốc Hương, Văn Hanh ... Nếu hệ thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai đã xây dựng nên những tượng đài của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với những bản anh hùng ca và tình ca bất hủ trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc thì thế hệ ca sỹ thứ ba mà Tiến Thành là đại diện tiêu biểu là thế hệ kế thừa, phát huy những giá trị âm nhạc của của các thế hệ đi trước, đồng thời là thế hệ cất lên những tiếng hát ngợi ca non sông đã thu về một mối, tiếng hát của thời kỳ dựng xây lại đất nước với biết bao đam mê, kỳ vọng và cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức lòng người.

Trong bài Đất nước, Tạ Hữu Yên viết Mẹ Việt Nam « ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ ». Rất có thể con số 3 và số 2 ở đây là những con số có tính tượng trưng vì trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mình, Mẹ Việt Nam đã nhiều hơn ba lần tiễn con đi và cũng nhiều lần khóc thầm lặng lẽ. Nhưng nếu đó là hình ảnh Mẹ Việt Nam của thế kỷ 20 thì lần thứ 3 Mẹ khóc chính là lúc những đứa con của Mẹ phải ra đi để bảo vệ những miền biên ải ở hai đầu đất nước. Và nếu như thế hệ thứ nhất của Quốc Hương, Mai Khanh là thế hệ của Điện Biên, của 9 năm, thế hệ thứ hai của Bích Liên, Vũ Dậu, Trung Kiên là thế hệ của những « giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn » thì thế hệ nghệ sỹ thứ 3 của Tiến Thành chính là thế hệ cất tiếng hát và trưởng thành từ cuộc chiến đấu vì lý tưởng « độc lập, tự do » của cả dân tộc.

Ngày nay, bạn trẻ yêu nhạc cách mạng nào cũng có thể dễ dàng liệt kê hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc ra đời trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu có điều kiện nghe lại hoặc được cha anh kể chuyện các bạn cũng có thể kể ra cả trăm ca khúc ra đời giữa những ngày nóng bỏng nhất của « cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ ». Đó là những bản tráng ca cũng rực lửa hờn căm, ngập tràn hào khí như « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới » (lời trong ca khúc « Chiến đấu vì độc lập tự do » của Phạm Tuyên), Đường lên biên giới (Lê Mây), Bài ca biên giới anh hùng, Chiến thắng vinh quang (Nguyễn Đức Toàn), Ý chí Diên Hồng (Lưu Hữu Phước), Không được đụng đến Việt Nam (Phan Nhân), Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (Hồng Đăng), Bảy Núi (Hoàng Hiệp) ... đến những bản tình ca lay động lòng người như Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến), Chiều biên giới (Trần Chung), Tình ca tuổi trẻ (Tôn Thất Lập), Tiếng đàn bên bờ sông biên giới (Phạm Tuyên)... Và có một điều hết sức đặc biệt là rất nhiều trong số hàng trăm ca khúc giai đoạn này đều gắn liền với tiếng hát của nghệ sỹ Tiến Thành. Tiến Thành là người lĩnh xướng hoặc nam ca sỹ hát song ca hầu hết các ca khúc của giai đoạn này. Vì thế, hoàn toàn không quá lời nếu ai đó nói Tiến Thành là « ca sỹ chống bành trướng ». Nhưng cũng chính vì thế nhiều người nói Tiến Thành ... « thiệt thòi » bởi sau này, do điều kiện lịch sử, hầu hết các ca khúc ra đời trong thời kỳ này không còn được phổ biến nữa.

Là ca sỹ của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cái nôi nuôi dưỡng lớp lớp các nghệ sỹ hàng đầu của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, nếu theo cách nói tương đối mang tính phê phán hiện nay thì sẽ có người gọi Tiến Thành là một « công chức đi hát ». Bởi lẽ trong một thời kỳ mọi thứ đều được thực hiện theo kế hoạch, theo phân công công tác và đều được bao cấp từ vật chất đến tinh thần thì ngoài những cảm xúc xuất thần, vô tư, trong sáng và cao cả, thì cũng có cả những cảm xúc được tạo ra theo tem phiếu, theo lịch công tác và bảng chấm công, hoàn toàn đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử. Nếu có dịp nghe lại các băng tư liệu của Tiến Thành, chúng ta sẽ không khỏi tủm tỉm cười khi nghe ca từ của những bài như « Mùa tôm gọi », « Em về hồ nuôi cá », « Nói với em về Đảng », « Đảng dệt mùa xuân » ... 

dinhphdc wrote on Dec 12, '11, edited on Dec 12, '11

Ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, con đường ca hát chuyên nghiệp theo kiểu công chức của Tiến Thành không phải là con đường bằng phẳng ngay từ đầu. Trong những năm đầu (từ khoảng 1976 đến 1978) Tiến Thành hầu như chỉ được đứng trong dàn đồng ca, hợp xướng. Phải từ năm 1979-80 người ta mới thấy Tiến Thành hát lĩnh xướng và song ca, rồi mới đến đơn ca. Đặc biệt, những năm đầu 80, các bạn nhỏ cả nước không thể quên giọng nói và tiếng hát của thầy giáo Tiến Thành trong các chương trình dạy nhạc, dạy hát trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Nghe Tiến Thành hát từ những bản tráng ca, lĩnh xướng trong dàn hợp xướng, với dàn nhạc giao hưởng, những bản tình ca hát cùng dàn nhạc nhẹ, cho đến những « ngành ca, địa phương ca » thuần túy theo phân công công tác, người ta đều cảm nhận được một giọng hát hết chỉn chu, chuẩn mực có nền tảng thanh nhạc vững chắc. Tiến Thành có làn hơi khỏe, chắc, đầy đặn, âm vực rộng. Có những nghệ sỹ mà đẳng cấp của họ thể hiện ở khả năng chuyển giọng, có kỹ thuật vững vàng nhưng lại không bị gò bó bởi kỹ thuật. Ở các nữ nghệ sỹ thì Lê Dung là một trường hợp điển hình. Còn Tiến Thành là điển hình trong các nam nghệ sỹ. Ông có thể hát hết sức kinh viện trong Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hồ Chí Minh giai điệu bốn mùa (Trần Chung),Lá xanh (Hoàng Việt). Nhưng rồi Tiến Thành ngay lập tức lại có thể thiết tha, nồng nàn, trải rộng cảm xúc đến độ mênh mang như sóng biển như trong bài Nơi đảo xa (Thế Song), Hát cùng trời nước Hạ Long (Tân Huyền).... Giọng Tiến Thành đằm thắm, nồng đượm trong các bản tình ca như Hương thầm (nhạc Thanh Phúc, thơ Phan thị Thanh Nhàn), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân), Rồi Tiến Thành lại rất sôi nổi, trẻ trung trong những ca khúc nhạc nhẹ như Hà Nội những công trình (Quốc Trường), Tình yêu người thợ mỏ (Hoàng Vân). Tiến Thành còn hát rất nhiều làn điệu dân ca. Tiến Thành hát quan họ đặc biệt hay. Thỏa nỗi nhớ mong mà ông song ca cùng liền chị Thanh Hiếu là một làn điệu quan họ mẫu mực.

Để thành công trong xử lý ca khúc, ngoài giọng hát, điều tối quan trọng là nghệ sỹ có khả năng tiết chế cảm xúc và tạo ra những mảng sắc thái khác nhau (nuance) giữa các phần của một ca khúc, thắt, mở, cao trào... Tiến Thành hết sức xuất sắc trong việc làm này, khiến người nghe luôn giữ được cảm giác hào hứng khi đón nhận những bài hát do anh thể hiện. Đặc biệt, Tiến Thành có thể hát bằng cả giọng tenor (nam cao) rất hùng tráng, khoáng đạt hoặc baritone (nam trung) rất đằm thắm, êm ái . Ở cả hai giọng Tiến Thành đều mang đến cho người nghe cảm giác về một giọng hát hết sức vừa vặn với từng ca khúc. Tiến Thành cũng hát giả thanh (falsetto) rất hoàn hảo. Đây là một kỹ thuật khó trong thanh nhạc đối với nam ca sỹ vì nếu không xử lý tốt giọng sẽ bị biến thành « giọng mái ». Tựu chung lại, những người yêu ca hát cảm nhận ở Tiến Thành không chỉ một giọng hát đẹp, có sức truyền cảm đặt biệt mà còn ở cảm xúc lãng mạn, tinh khôi. Tuy vậy, ở một số ca khúc, Tiến Thành cũng thể hiện một ‘tật’ nhỏ đó là việc dồn hơi lên mũi hơi sớm ở cuối câu hát, tạo ra cảm giác « hát đóng âm cuối ». Nhưng nhiều người lại coi đó là nét đặc biệt của Tiến Thành.

dinhphdc wrote on Dec 12, '11

Một ngày cuối năm 1984, công chúng yêu văn nghệ bàng hoàng hay tin về một vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nạn nhân là các nghệ sỹ của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đi trên một chiếc xe ca trên đường lưu diễn phục vụ đồng bào tại một địa phương phía Bắc. Nghệ sỹ chèo lừng danh Như Hoa đã qua đời ngay khi chiếc xe nạn. Nghệ sỹ Thúy Lan khi đó bị bất tỉnh. Những người chứng kiến vụ tai nạn thấy Nghệ sỹ Tiến Thành tuy bị thương nhưng vẫn rất cố gắng đỡ các bạn đồng nghiệp bị thương lên băng-ca đi cấp cứu. Tuy nhiên chỉ sau đó vài giờ, Tiến Thành đã quỵ xuống và rồi người nghệ sỹ ấy đã ra đi mãi mãi... « Người nghệ sỹ lãng mạn ấy đã vĩnh biệt chúng ta quá sớm... Anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhưng người yêu ca hát » (Dihavina). Chắc chắn còn quá nhiều kế hoạch Tiến Thành chưa kịp thực hiện và những người yêu ca hát hoàn toàn có quyền nói về nhiều tốt lành cho nền âm nhạc nước nhà mà Tiến Thành có thể còn tiếp tục cống hiến « giá như, giá như, và giá như »...

Cũng may, năm 1984 là năm kỷ niệm 30 giải phóng thủ đô, Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức remix và phát động sáng tác hàng các ca khúc mới về Hà Nội. Những tác phẩm cuối của Tiến Thành, có thể vì lý do đó hoăc có thể hoàn toàn ngẫu nhiên, đều là các bài hát về Hà Nội. Và như thường lệ, Tiến Thành lại trở thành người hát nhiều nhất và hay nhất về Hà Nội thời kỳ đó với Người Hà Nội (hát cùng Tuyết Nhung và Hợp xướng Đài) ; Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân-hai versions với hai cách phối khí khác nhau) ; Hà Nội bài ca năm tháng (Cát Vận) ; Hà Nội những công trình (Quốc Trường, lĩnh xướng cùng Thúy Lan) ; Hà Nội những tầng cao (Văn An, song ca cùng Quỳnh Liên) ... Cho đến nay các ca khúc này đã được nhiều ca sỹ thể hiện lại với nhiều phong cách khác nhau nhưng với nhiều người bản Người Hà Nội do Tiến Thành thể hiện là bản hay nhất từ xưa đến nay. Còn Tình yêu Hà Nội thì đúng là tác phẩm mà Hoàng Vân viết riêng cho Tiến Thành. Và như thế, Tiến Thành còn được coi là môt « Người Hà Nội » đích thực.

Tiến Thành ra đi để lại một khoảng trống không dễ bù lấp trong lớp nghệ sỹ cùng thời và cả những lớp sau đó. Có lẽ thanh nhạc là như vậy, dù cho có khuôn mẫu, có bàn bản, thì đây vẫn chủ yếu là thứ nghệ thuật gần như vô hình của làn hơi, của âm thanh, của cảm xúc mà trời cho người này nhưng chẳng cho người khác, thậm chí cho một lần và không bao giờ cho lại, cũng giống như người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông vậy. Sau này bạn yêu nhạc thấy Trung Đức hát lại nhiều bài hát Tiến Thành đã thể hiện, cũng rất thành công nhưng vẫn là Trung Đức mà không phải là Tiến Thành. Trong số các ca sỹ trẻ thì Trọng Tấn cũng hát nhiều ca khúc gắn với tên tuổi của Tiến Thành và cũng được thính giả đón nhận nồng nhiệt. Nhưng Trọng Tấn khác xa Tiến Thành vì nhiều lẽ. Gần đây, trong giải Sao Mai 2007, giới chuyên môn cũng liên hệ giọng hát của quán quân Lê Anh Dũng với Tiến Thành. Họ thật có lý. Tuy nhiên, những sự liên hệ như vậy cũng chỉ để khẳng định thêm một lần và nhiều lần khác nữa, rằng « có những người khó thay thế hơn những người khác ».

TMH (2008)

dinhphdc wrote on Dec 12, '11, edited on Dec 12, '11


GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG

Lên chốt, 1983
Mai Thanh Hải Blog - Đêm thành phố đầy sao, nghe chống chếnh lời hát "Gửi em ở cuối Sông Hồng" từ tiếng chuông điện thoại của cậu bạn ở chung phòng. Tự dưng lại nhớ lời thơ uất nghẹn của người lính trên tuyến đầu đánh trả quân xâm lược Trung Quốc, trong những ngày đầu nổ súng và bài viết của mình, về người viết những lời thơ ấy, về bài thơ ấy, không biết khi nào được đăng tải trên báo...

Trân trọng giới thiệu bài viết 
---------------------------
Trong tuyển tập "Văn học dân tộc và miền núi" do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1998, bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" được giới thiệu cùng 87 bài thơ của các tác giả khác. Tuy nhiên, những dòng giới thiệu về tác giả rất ngắn ngủi: "Dương Soái, dân tộc Kinh; tên khai sinh: Dương Văn Soái; sinh năm 1950; quê quán: tỉnh Hà Nam"... 

Tôi lên biên giới phía Bắc tìm hiểu mới biết, tác giả của "Gửi em ở cuối sông Hồng" hiện đang là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái. Xin số điện thoại và gọi xin gặp, ông bỏ cuộc liên hoan, ngồi đợi tôi và rưng rưng kể lại những cảm xúc đã viết thành bài thơ, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc cho bài hát cùng tên, vẫn nguyên giá trị đến hôm nay.

Nhà thơ Dương Soái
Năm 1979, ông mới tròn 29 tuổi đời và đang công tác tại Đài Phát thanh - truyền hình Hoàng Liên Sơn (khi đó chưa tách 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái), sau khi đã phục vụ thời gian dài trong ngành địa chất và làm thơ, cộng tác với nhiều đầu báo, được khá nhiều giải thưởng về thơ ở cả tỉnh và Trung ương.

Hồi tưởng lại thời điểm tháng 2-1979, ông kể: Hồi đó đúng dịp sau Tết, ông mới đi công tác cả tháng trời tại các xã của mấy huyện vùng cao Văn Chấn. Mù Căng Chải, Nghĩa Lộ... Mới về đến cơ quan vài ngày và viết xong bài phản ánh về công tác chuẩn bị vào vụ lúa đông xuân thì sáng 17-2-1979, ông được tin có chiến sự nổ ra ở biên giới. Cấp trên yêu cầu: "Phải có ngay bài phản ánh về tình hình" khiến lãnh đạo Đài cuống quýt tìm và rút cục phải gọi "cậu phóng viên trẻ, khoẻ, đi miền núi xa xôi - gian khổ nhiều hơn đi đường nhựa" lên động viên, giao nhiệm vụ "lên ngay biên giới".

Nhận lệnh, ông xách balô, đi nhờ xe bộ đội ngược lên Lào Cai. Buổi chiều 17-2 lên đường, tờ mờ sáng ngày 18-2-1979, ông đã có mặt tại huyện lỵ Cam Đường, Lào Cai (bấy giờ là Hoàng Liên Sơn).

Vừa chân ướt chân ráo, ông đã "dính đủ" trận pháo của đối phương và chứng kiến cảnh 1 chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ Trạm thu phát sóng của Đài Phát thanh bị thương nặng, máu loang đỏ cả nền đất, mấy giẻ xương sườn gãy vụn. Hết trận pháo, ông đi bộ lên phía súng nổ và ngược dòng người sơ tán lên cây số 4. Ông cùng một số anh em bộ đội tìm ra tuyến trên và chứng kiến cảnh người dân gồng gánh tài sản, ngơ ngác - gào khóc tìm người thân con cái, trên mặt ai cũng biểu lộ sự ngỡ ngàng, không hiểu nổi những gì vừa mới và đang xảy ra ở mảnh đất họ đã "chôn nhau, cắt rốn"..
Thám báo Trung Quốc bị bắt sống

Đi đến khu vực Cty Dược thị xã Lào Cai, cách biên giới chừng 2 km, bộ đội ta ngăn lại, không cho ông đi tiếp dù có trình bày là phóng viên. Không thể quay lui, ông tìm đến Sở Chỉ huy Tiền phương (SCH) của mặt trận Hoàng Liên Sơn, lúc đó đang đóng tạm tại khu vực Cam Đường, thị xã Lào Cai để... xin vào vùng chiến sự.

Dẫu là "người nhà" nhưng ông vẫn không được phép vào khu vực chiến sự, chỉ được ở lại SCH lấy thông tin, viết bài. Cũng tại đây, ông đều đặn chuyển các tin bài về cho Đài tỉnh kịp thời phát sóng. Loanh quanh ở SCH, cứ thấy bộ đội, dân quân từ mặt trận về tập trung, ông lại sán đến hỏi han, chi chép làm tư liệu viết bài.

"Kỷ niệm tôi không thể nào quên là gặp những chiến sĩ C117, Công an Vũ trang bảo vệ mục tiêu Thị uỷ rút về SCH thay quân!" - Nhà thơ Dương Soái nghẹn ngào: "Người ở tuyến dưới lên cứ tưởng đồng đội mình hy sinh hết. Khi gặp nhau cứ ôm nhau khóc, mặc cho máu từ các vết thương chảy ròng ròng!". Các chiến sĩ Công an Vũ trang nói với ông: "Anh là nhà báo, nói hộ với người thân của là chúng em vẫn sống và đang bảo vệ đất của mình!".

Những ngày ở SCH, nhà thơ Dương Soái đã chứng kiến cảnh các đơn vị bộ đội thay quân, đưa người bị thương về tuyến sau, đưa người còn khoẻ lên tuyến trước và các chiến sĩ tranh thủ gặp gỡ, nhắn nhủ ngay trước khi di chuyển. Cũng chính ông thành người được bộ đội gửi gắm, nhắn nhủ nhiều nhất. Ai cũng nhờ ông gửi thư, đánh điện về báo tin cho gia đình: Người nhờ chuyển phong thư đã viết sẵn; người lại "bắt" ông ngồi đợi để xin mảnh giấy, cây bút ghi vài chữ về cho gia đình; có người quá vội, chỉ đưa ông mảnh giấy ghi địa chỉ người thân và nhờ "Anh cứ viết báo tin là em vẫn còn sống, vẫn chiến đấu!"; người nói sơ qua nội dung thư và nhờ ông... viết báo tin. Rút cục, sau mấy ngày ở SCH, những lá thư bộ đội nhờ ông gửi hộ, được đựng đầy chặt chiếc túi 3 đồng, mậu dịch bán lúc bấy giờ.
Công an Vũ trang phục kích đón lõng thám báo

Hôm rời Lào Cai về Yên Bái, trong lúc ngồi đợi tàu tại sân ga Phố Lu, ông mang thư của bộ đội ra sắp xếp lại: Thư đã có tem, địa chỉ cụ thể; chưa có tem; chưa có phong bì; chưa có nội dung... Khi đã "phân loại" hàng trăm lá thư, ông ngỡ ngàng bởi hầu hết bộ đội ta đều quê ở các tỉnh nằm dọc theo bờ sông Hồng (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...) và đa số thư đều gửi cho vợ, người yêu ở những địa phương nằm dọc sông Hồng.

Ngỡ ngàng và liên hệ đến tình hình chiến sự đầu thắng 2 -1979, cảm nhận cái giá rét - gió mùa Đông Bắc hiện tại, nhớ màu nước sông Hồng quanh năm đỏ rực phù sa và tháng 2 đúng mùa con nước... ông quặn lòng nhớ tới vợ con ở Duy Tiên, Hà Nam cũng chung tâm trạng như hàng vạn, hàng triệu người vợ - người mẹ - người yêu khác, đang mong ngóng, lo lắng tin của chồng, con, người yêu nơi biên g...

Xúc động, Dương Soái ngồi bệt xuống sân ga Phố Lu viết bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" chỉ trong đúng 2 tiếng đồng hồ. "Vừa viết, nước mắt tôi vừa chảy ra giàn giụa!" - Ông đỏ hoe mắt và ngước mắt nhìn cây đào núi nở hồng rực ngoài cửa sổ.

Giữa đường hành quâ
Nhà thơ Dương Soái kể: Về thị xã Yên Bái, ông dành nửa ngày để ra bưu điện cây số 5 gửi điện, viết thư hộ lính và mua tem, phong bì "hoàn thiện" những lá thư chưa đủ "quy chuẩn". Hôm đó, thùng thư bưu điện cây số 5 đầy chật thư bộ đội do ông gửi và cô nhân viên bưu điện đã phải gom thêm bao tải..

Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" của Dương Soái mãi thời gian sau mới được đăng tải bởi ông lại tất tả ngược lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ của phóng viên chiến trường. Ngay sau khi được gửi đi, bài thơ đã được in ở rất nhiều báo, tạp chí và các tuyển tập thơ văn khác và trở thành bài thơ... truyền thống với bộ đội ta lúc đó.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, bài thơ mới trở nên nổi tiếng sau khi được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc với cái tên "Gửi em ở cuối sông Hồng". Dương Soái cũng chỉ biết "đứa con tinh thần" của mình... thành danh khi nghe lời nhắn của 1 người bạn: "Bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát! Hay lắm!".
Cột mốc biên giới Cao Bằng
Vài năm sau, Dương Soái mới gặp nhạc sĩ Thuận Yến tại nhà Giám đốc nhà máy Thủy điện Thác Bà, Yên Bái nhân dịp nhạc sĩ lên công tác. Nhà thơ rất xúc động khi được biết: Vừa lên đến Yên Bái, nhạc sĩ Thuận Yến đã hỏi ngay địa chỉ của Dương Soái để tìm gặp cảm ơn và nói lời tri kỉ... Mặc dù, nhạc sĩ Thuận Yến đã không giữ nguyên một số câu chữ trong bài thơ của Dương Soái, nhưng vẫn giữ nguyên được hồn của bài thơ và thổi bùng vào trong đó sức sống mãnh liệt. Chẳng thế mà bài thơ - bài hát đó vẫn sống cho đến bây giờ.

Trong lời bình bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng", tác giả Ngô Vĩnh Bình đã viết: "Tứ của bài thơ không có gì mới, nhưng lời thơ lại rất mới, rất thời sự và thật Việt Nam. Bài thơ cũng nói về nỗi nhớ của người ở đầu sông với người ở cuối sông nhưng là nỗi nhớ của người lính đnag chiến đấu bảo vệ biên cương với người thương nơi quê nhà. Nỗi nhớ, niềm thương được biểu hiện bình dị, nhưng nỗi nhớ, niềm thương ấy cũng thật lãng mạn... Bài thơ đến với đông đảo bạn đọc không chỉ ở sự bình dị mà còn được chắp thêm cánh bởi giàu nhạc điệu và giàu chất dân ca".

(15-2-2009)

------------------------------------------

Gửi em ở cuối sông Hồng

(Dương Soái)

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng


Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh

Lào Cai, 1979
------------

dinhphdc wrote on Dec 12, '11, edited on Dec 12, '11

4 nhận xét:

  1. Tác giả: Thanh Bình

    Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
    Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà
    Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
    Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua
    Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
    Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi
    Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
    Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
    Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới
    Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
    Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
    Đẩy con tầu ra khi, đẩy con tầu ra khơi

    Vàng trăng sáng trên biển xa, vầng trăng sáng ngoài đảo xa
    Vẳng nghe tiếng ngân nga ru lòng ta bao lời ca quê nhà
    Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
    Quần đảo đứng hiên ngang trên vùng xa ngời sáng
    Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển
    Nước cả hồ nắng phơi giòn thêm ánh thép
    Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi
    Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em
    Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
    Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
    Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
    Đẩy con tầu ra khơi, đẩy con tầu ra khơi

    Trả lờiXóa
  2. Ca khúc Hương Thầm do Thanh Chúc viết nhạc, NSƯT TIẾN THÀNH - Giọng ca không thể thay thế - thể hiện với một phong cách khác hẳn, lời ca gần như nguyên bản bài thơ Hương thầm (chỉ thiếu, khác đoạn in nghiêng) của nữ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.



    Cửa sổ hai nhà cuối phố
    Không hiểu vì sao không khép bao giờ
    Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
    Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa

    Giấu một chùm hoa trong (sau) chiếc khăn tay
    Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
    Bên ấy có người ngày mai lên đường (ra trận)

    Họ ngồi im không biết nói năng chi
    Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
    Nào ai đã một lần dám nói?

    Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
    Anh không dám xin
    Cô gái chẳng dám trao
    Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
    Không dấu được cứ bay dịu nhẹ

    Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
    Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu

    (Anh vô tình anh chẳng biết điều
    Tôi đã đến với anh rồi đấy...)

    Rồi theo từng hơi thở của anh
    Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực

    Anh lên đường
    Hương thơm sẽ bay (theo) đi khắp

    Họ chia tay
    Vẫn chưa (chẳng) nói điều gì
    Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc được bài thơ trong Blog của bạn , nhớ tới bài hát mà tôi rất thích ( vô tình gợi lại ) . Cám ơn sưu tầm của bạn .

    Trả lờiXóa
  4. Nguyên bản bài thơ Hương Thầm:

    Cửa sổ hai nhà cuối phố
    Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
    Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
    Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.

    Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
    Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
    Bên ấy có người ngày mai ra trận

    Họ ngồi im không biết nói năng chi
    Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
    Nào ai đã một lần dám nói ?

    Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
    Anh không dám xin,
    Cô gái chẳng dám trao
    Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
    Không dấu được cứ bay dịu nhẹ.

    Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
    Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.

    (Anh vô tình anh chẳng biết điều
    Tôi đã đến với anh rồi đấy...)

    Rồi theo từng hơi thở của anh
    Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
    Anh lên đường
    Hương thơm sẽ theo đi khắp

    Họ chia tay
    Vẫn chẳng nói điều gì
    Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

    1973
    Phan Thị Thanh Nhàn
    Tập thơ Nghiêng về anh (1992)

    Trả lờiXóa