Khoằm

10 tháng 1 2012

Ngày Giỗ Tổ ở đâu ra? | Blog của 5xu

http://5xublog.org/2010/04/16/ngay-gi%E1%BB%97-t%E1%BB%95-%E1%BB%9F-dau-ra/
Thấy 5xu và Trương Thái Du tranh luận vui vui bê về đây để.

Giỗ Tổ (10 tháng 3)

“Những ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”

“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

***

Đại khái là ngày 10/3 này cũng được quốc lễ hóa chưa lâu lắm. Cụ thể là năm 1917 vua Khải Định mới ký sắc lệnh coi ngày này là ngày giỗ tổ trên cả nước. Công văn của vua Khải Định cũng là dựa vào công văn đề xuất ý kiến của tuần phủ Phú Thọ.

Ngày 10 tháng 3 thì trong ca dao nói đến nhiều rồi.

Nhưng ông Lê Văn Lan nói (từ cái công văn của vua Khải Định ) là ở bia cổ đền Hùng có ghi ngày là ngày 11/3. Sau đó tính toán lịch mới lịch cũ thế nào đấy thì ra ngày 10/3. Cho nên dân cả nước thì giỗ tổ mùng 10, còn dân địa phương vẫn giỗ 11.

Thế nên cái câu ca dao kia ra đời sau năm 1917?!

Còn nếu ra đời trước thì hóa ra cái lập luận của công văn Khải Định mà ông Lê Văn Lan nói lại hóa ra là sai (hoặc ăn theo ca dao nhưng cũng biện chứng tí cho khoa học)?!

4 nhận xét:

  1. Chim Lạc là con chim gì?
    Vua Hùng tên thật là gì?
    Đất Nước có từ bao giờ?

    Các entry về lịch sử của tôi thường đặt ở dưới category là nhảm và tag cũng là nhảm.

    Là bởi vì tôi rất ghét cái cách dạy sử, học sử, làm sử của cái xứ Vina này suốt hơn 50 năm qua. Một chính sử ngây ngô, thô thiển và nhạt nhẽo.

    Tôi thích đọc sử và kể lại sử bằng cách của tôi, rất nhảm nhí và nhắng nhít, nhưng bù lại hơi hấp dẫn và hơi gợi mở.

    Mặc dù đọc sử cho vui rồi lên blog kể sử một cách nhảm nhí, nhưng tôi luôn có trong đầu các câu hỏi kiểu như tại sao có cái ngày Giỗ Tổ, ngày đó gốc gác là ngày gì. Hoặc cái con chim Lạc ấy, sự thực là con chim gì. Là con Ngỗng Giời (hồng hộc) vừa biết bay vừa biết bơi? Hay là con Gõ kiến như giải thích nhảm nhí của tôi? Rồi chữ Lạc và chữ Âu Lạc từ đâu mà ra. Tôi xoay vần và mày mò các câu hỏi ấy trong đầu và trên internet. Khi có cách lý giải của mình, mà tôi tin là độc đáo, thuyết phục (dù chưa chắc 100% đã đúng), tôi lại lên blog viết đáp án của mình ra một cách nhảm nhí và …hấp dẫn.

    Trả lờiXóa
  2. Giỗ tổ thực ra bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng 3. Ở gần đền có làng gì, tôi đã quên mất tên. Từ thời xa xưa đã được vua ban cho một thửa ruộng miễn thuế. Người dân trồng cấy trên đó để lấy gạo cúng. Ngày mùng 10 tháng 3 là ngày mưa rửa đền. Năm nào cũng vậy, ngày hôm ấy theo các cụ mưa rất to. Hễ năm nào không mưa là năm ấy bị hạn hán mất mùa. Cách đây gần 30 năm thì tôi thấy chỉ có vùng quê tôi ăn giỗ ngày này, còn lại những vùng khác, kể cả Hà nội họ chỉ ăn ngày mùng 5 tháng 5.
    Mỗi năm khi bắt đầu lễ là vùng quê tôi người qua lại tấp nập qua sông. Vì từ nhà tôi sang đền Hùng chỉ qua sông, rồi đi xe vài phút là tới. Năm 198x tôi không nhớ rõ, một chuyến đò bị chìm giữa ngã ba sông Hồng và sông Lô, hàng lọat người chết. Ngoài ra còn một câu chuyện về đền Hùng mà tôi nhớ mãi. Số là người đi thăm đền Hùng từ bắc tới nam, năm nào cũng rất đông. Phần đa họ trải bạt, dựng lều ngủ ngay gần đó. Đêm đến là phải cho dép guốc tất cả các thứ vào ôm, kẻo mất. Mà ở đâu có người ngủ, ở đó có dịch vụ các loại phát sinh. Bởi thế có một cô gái làm tiền, ăn mặc phong phanh, sáng hôm sau nằm chết cóng vì lạnh. Người quê tôi mới có câu ví "Phong phanh như con đĩ chết rét tháng 3".

    Trả lờiXóa
  3. Ra thế, có lẽ bác batgioi nên làm một công trình chăng?

    Chi chép lại những gì các cụ còn có thể nhớ, bác nhỉ!

    5xu thì tung hoành ở đây http://tathy.com/thanglong/showthread.php?t=23750&page=1&pp=20

    Lâu hơn về trước, Trương Thái Du đã từng "tiếp tục lịch sử" bằng nick Ledung18 ở đây http://ttvnol.com/f_533/621665

    Trả lờiXóa
  4. Thật tình mà nói, ngày ấy đói khổ. Mà ông bà mình dậy "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời". Lại giữa tháng 3 ngày 8, đang kỳ giáp hạt, sắn lát là ẩm thực chủ yếu, món mà tôi nghe đâu ở nhà mình bây giờ cũng thành đặc sản, lại có một bữa bánh trôi và bánh chay, làm sao mà quên được! Cho nên năm nào cũng vậy, trừ ngày tết ra là đám trẻ ở quê như tôi chỉ mong sao nhanh tới mùng 10 tháng 3. Tuy cũng chẳng được ăn nhiều, ăn no, nhưng cho một viên bánh trôi vào miệng, cắn đứt cái vỏ nếp bên ngoài, rồi để từ từ cho mật ngọt nó thấm vào miệng, chao ôi, ngon làm sao!
    Hồi đó tôi nhớ là mỗi năm chỉ có đúng 3 lần cúng bái, trừ ngày giỗ ông bà: giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng 3, Xá tội vong nhân rằm tháng 7 và tết. Ngày xá tội vong nhân thì chỉ nấu cháo, rồi đổ lên những lá khoai, gài ngoài hàng rào. Năm nào có gạo thì nấu cháo gạo, còn đâu chủ yếu nấu cháo bằng bột đao. Nói ra xấu hổ, ở thời đó cúng ma đói, ma khát xong thì mình cũng ăn tuốt. Vì chỉ có thành phố mới có ăn mày, ăn xin, họ tới ăn. Còn làng quê nhà nào cũng làm, xong chẳng nhẽ lại đổ bỏ, trong khi ngay chính mình cũng đói!

    Trả lờiXóa