Khoằm

24 tháng 4 2012

Về một sỹ quan QL VNCH phản chiến tháng 4 năm 1972


Từ ngày 30-3 đến ngày 2- 4-1972 quân Giải phóng tấn công cứ điểm 241 của VNCH ở Tân Lâm, Quảng Trị, Trung tá Phạm Văn Đính, Trung tá Vĩnh Phong và phần lớn binh sĩ trung đoàn 56 đã ra hàng sau khi chịu không nổi áp lực.
Pháo 175mm tại Camp Caroll. 
Hình này chụp trước khi căn cứ này được QĐ Mỹ bàn giao cho QL VNCH và được mang tên căn cứ Tân Lâm (hay cứ điểm 241), do Trung đoàn 56/SĐ3 BB trấn giữ. 
Lt colonel Pham Van Dinh surrendered his entire regiment and defected to the enemy during the Easter Offensive of 1972. Người đội mũ giải phóng và mang súng ngắn là HỒ VĂN DUYỆT trong buổi tiếp nhận sự đầu hàng của Trung tá Phạm văn Đính và trung tá Vĩnh Phong cùng 600 binh sĩ dưới quyền.

Trung tá quân đội SG Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng TĐ 56 và trung tá Vĩnh Phong TĐ phó.
Quân Giải phóng kiểm đếm vũ khí trang thiết bị tại Căn cứ Tân Lâm (trước đây là Camp Carroll của Mỹ). Căn cứ này có 3 khẩu pháo tự hành 175 (đặt trên bánh xích) được mệnh danh là "vua chiến trường", tất cả đã rơi vào tay quân Giải phóng cùng rất nhiều vũ khí khác khi căn cứ Tân Lâm đầu hàng vào ngày 2-4-1972.



Bắt sống sĩ quan ngụy ở Quảng Trị
QĐND - Thứ Bẩy, 10/03/2012, 22:53 (GMT+7)

QĐND Online - Kỷ niệm 40 năm chiến dịch tiến công Quảng Trị (tháng 3-1972), các CCB Trung đoàn Pháo binh 38 (Đoàn Bông Lau) mới có dịp gặp nhau và ôn lại chuyện cũ. Ngồi trò chuyện với các CCB, nhóm phóng viên chúng tôi đã ghi lại được câu chuyện thú vị về sự đầu hàng của Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 ngụy ở căn cứ 241.
Chiến dịch tiến công Quảng Trị bắt đầu từ cuối tháng 3 năm 1972, giai đoạn đầu lấy pháo binh là hỏa lực chủ yếu, có nhiệm vụ hiệp đồng chi viện cho khối binh chủng hợp thành tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch tiến tới tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sư đoàn 304 chủ lực phối hợp với Trung đoàn Pháo binh 38 nhận nhiệm vụ phối hợp tấn công và tiêu diệt quân ngụy trên hướng Tây (hướng chủ lực của chiến dịch ở các cứ điểm Mai Lộc, Đầu Mầu, Ái Tử).
Đại tá Nguyễn Quý Hải. Ảnh: Tuấn Tú
Ngày 2-4-1972, trời mây mù mãi đến gần trưa mới hửng nắng. Hỏa lực của ta vẫn tiếp tục tấn công mạnh vào tuyến phòng ngự vành đai của địch. Một chốt địch bị trúng đạn pháo, hàng chục tên chết nằm ở dọc đường. Ta tiếp tục tiến. Đến 13 giờ, ở đài quan sát Sao Mai, đài tiền tiêu của Trung đoàn pháo binh Bông Lau do đồng chí Trần Thông-Trung đoàn phó chỉ huy nhận được tín hiệu của lính thông tin ngụy nói chỉ huy của Trung đoàn 56 xin gặp chỉ huy cao nhất của Bông Lau. Chiến sĩ thông tin nhận được không dám báo cáo, sợ rằng mình quan hệ với địch vô nguyên tắc. Nhưng Trung đoàn 56 tiếp tục gọi nhiều lần xin gặp, đồng chí Thông điện về sở chỉ huy báo cáo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 lúc đó là đồng chí Cao Sơn. Đồng chí Cao Sơn ngay lập tức họp hội ý, trao đổi với Chính ủy Trương Linh Huyên và sau khi báo cáo Sư trưởng 304, Đại tá Hoàng Đan, anh cầm máy nói chuyện trực tiếp với Phạm Văn Đính.  Đầu dây bên kia là giọng nói Thừa Thiên của Phạm Văn Đính "Tôi, Phạm Văn Đính, Trung tá, Trung đoàn trưởng trung đoàn 56 cùng toàn thể sĩ quan thuộc bộ chỉ huy Trung đoàn đã họp tại phòng làm việc của tôi, trên dưới bàn bạc quyết định không đề kháng nữa để ra với Quân giải phóng".
Trung đoàn trưởng Pháo binh Bông Lau, Cao Sơn nói: "Hoan nghênh các anh hạ súng đầu hàng tập thể. Pháo sẽ ngừng bắn... Sẽ có người tới dẫn đường cho các anh".
Khoảng 20 phút sau từ đài quan sát Sao Mai, đồng chí Trần Thông báo về đã thấy cờ trắng trên điểm cao 241 và các binh sĩ Trung đoàn 56 cầm cờ trắng đi ra phía Đầu Mầu theo quy định. Ngay lúc đó, trên bầu trời phía cao điểm 241 xuất hiện hai máy bay trực thăng. Đồng chí Hoàng Đan yêu cầu pháo binh bắn, nhưng lúc này binh sĩ địch đang trên đường ra nơi tiếp nhận đầu hàng, nếu bắn thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng. Sở chỉ huy lệnh cho cao xạ bắn, nhưng cao xạ của cả pháo binh và bộ binh lúc này chưa tiếp cận được căn cứ 241. Lợi dụng tình huống khó xử đó hai chiếc trực thăng đã tiếp cận đội hàng quân để giải cứu hai cố vấn Mỹ.
Khẩu pháo vua chiến trường đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Tuấn Tú
Trung đoàn trưởng Cao Sơn lệnh cho Trung úy Giáp, cán bộ quân lực của Trung đoàn, cùng Trung úy Đạo, chỉ huy Đại đội 8, khẩu đội trưởng Tô Văn Thành và các chiến sĩ khẩu đội 4 đi trên chiếc xe ATC 55 do đồng chí Lương Minh Nghĩa lái tới tiếp nhận sự phản chiến đầu hàng của Trung đoàn 56. Gần tới nơi xe bị trúng mìn, mấy chiến sĩ bị thương. Đồng chí Đạo và mọi người tiếp tục đi bộ tới gặp Phạm Văn Đính. Trung úy Giáp một mặt cử người đưa Trung tá Phạm Văn Đính và Trung tá Vĩnh Phong về tuyến sau một mặt cùng với Trung sĩ Hẩu lái xe của Trung đoàn 56 thu chuyển khí tài của địch ra khỏi căn cứ đem đi cất giấu.
Vậy là trước nguy cơ bị tiêu diệt, toàn bộ Trung đoàn 56 trong căn cứ và các trận địa hỏa lực trực thuộc do Trung tá Phạm Văn Đính chỉ huy chấp nhận đầu hàng. Ta thu được một khẩu pháo vua chiến trường, một pháo 155mm. Tiếp tục sẵn sàng cho đợt 3 của chiến dịch…
Bích Trang
Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Quý Hải, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Pháo binh 38 (Đoàn Bông Lau)

Bài viết trên blog của con gái bác Sao Hôm - Hồ Văn Duyệt về sự kiện:


Thứ bảy, ngày 07 tháng một năm 2012

Người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972





Ba tôi và các cháu trong vườn nhà ngày Thượng thọ 80 tuổi năm 2010
Đôi lời thưa cùng quí vị,
Năm nay năm 2012, vừa đúng 40 năm “Chiến dịch xuân hè 1972” (Việt Nam Cộng hòa gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”, Mỹ gọi là “Easter Offensive – Cuộc tấn công Lễ Phục Sinh”). Một sự kiện lớn báo chí đăng tải lúc bấy giờ là Người trung tá quân đội Sài Gòn phản chiến năm 1972”. 

Ba tôi là một Sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam là người trong cuộc của sự kiện này. Ba thuộc TRUNG ĐOÀN PHÁO BÔNG LAU, chiến dịch bắt đầu từ tháng Giêng (tháng 2 năm 1972). Trong chiến dịch này, ở trận đánh trại Caroll. Ba được lệnh thay cho ông Th. (ba ko nói tên vì nói rằng "còn con cái ông ấy khi nghe về điều này") đã đi họp vào đêm trước chuẩn bị vào trận hỏa lực pháo binh căn cứ 241 và lệnh cho ba thay vị trí ông trên đài quan sát. Các chi tiết về số, loại pháo, đạn và một số chi tiết diễn biến, thương vong... mà ba còn nhớ kể cho tôi nghe tôi sẽ kể vào tháng 3/2012 -40 năm trận đánh này.

Ba năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ba đã yếu lắm và phải ngồi xe lăn có con cái chăm sóc hàng ngày. Tôi là con thứ 2 trong 6 anh chị em con của ba mẹ. Tôi năm nay ngoài 50 là bác sĩ, chưa biết chiến trường, thương vong khói đạn là gì ngoài mấy đợt tập quân sự thời sinh viên, có bắn 3 viên đạn thật ở trường bắn trong đợt tập ấy vào bia đạt 10-9-9 điểm, chỉ có một lần bị bắt vì đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn biển Đông tại Quận 1 TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi ở chiến trường Căm pu chia, ba là Chủ nhiệm pháo Binh mặt trận 579 là mặt trận quan trọng giải phóng Cămpuchia khỏi nạn diệt chủng Pôn-pốt về nhà năm 1987. Cả đất nước đều lấy năm 1975 là năm hòa bình lập lại, gia đình sum họp. Nhưng gia đình tôi thì năm 1987 này mới chính thức là năm sum họp gia đình.

Chiến trường liên miên, từ Cămpuchia trở về vẫn mang hai căn bệnh: Sốt rét và bệnh ngoài da. Bệnh sốt rét cuối cùng cũng hết. Căn bệnh viêm nang lông ở chân tóc của ba khiến ở chiến trường ba đã già đầu tóc bạc thế mà bị cạo trọc vì chẩn đoán nghi là nấm. Chữa mãi cũng chẳng khỏi, người ta chẩn đoán ba bị ngứa do “căng thẳng chiến trường và bị tự kỷ ám thị”. Họ phát cho ba hàng trăm viên amynazin- một loại thuốc chữa bệnh tâm thần phân lập. Tôi về nhà lấy ba-lô quần áo ba ra giặt rũ, diệt rệp, thấy bên túi cóc nhỏ gói thuốc ấy. Tôi hỏi và ba kể. Căn bệnh ngứa da đầu ấy được tôi xét nghiệm và chữa khỏi trong 1 tuần. Thế là hoàn thành bổn phận tấm bằng bác sĩ vi trùng!, tôi thầm nghĩ. Ba vẫn thường la hét trong giấc ngủ mỗi đêm, mẹ không dám nằm riêng sợ đêm ba ngã. Bà mắc bệnh tim sau thời gian dài như vậy. Ở Việt Nam người lính không mắc bệnh “Hội chứng chiến tranh”, có thân thì lo hay gia đình lo. Đến cơ quan thỉnh thoảng vẫn nghe mắng nhiếc: “Thế hệ chúng tôi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (họ chưa từng nửa ngày chiến trường vì còn học ở nước ngoài để về phục vụ đất nước thời bình).

Nay mỗi lần về thăm nhà nhìn ba trên chiếc xe lăn, biết là tuổi cao nhưng lúc nào trong lòng cũng nghẹn ngào. May còn có mẹ và cô dâu nhà chăm sóc ba hết mực.

Tháng 12 năm 2011 tôi có việc ra Huế, tôi đã tìm đến nhà ông Phạm Văn Đính nhưng được tin ông đã mất. Hỏi thăm nghe nói có con gái ông là chủ khách sạn Hướng Dương ở đường Hai Bà Trưng, đến nơi cô lễ tân nói khách sạn đã đổi chủ được hơn một năm. Đi lòng vòng hỏi thăm nghe nói bên Tây Lộc. Ngồi một hồi, lăn tăn nghĩ có lẽ ông không muốn nhắc lại chuyện này nên việc như không thuận. Đành thôi. Muốn có vài kiểu ảnh của gia đình ông nhưng chưa có duyên.

Tôi viết lại bài viết của ba đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Số 222 tháng 10-2004. Tôi biết ba muốn thông tin sự thực đã diễn ra như thế nào nó quan trọng cho ít nhất một con người trong cuộc luôn bị phán xét. Tôi cũng vậy, mặc dù không được mạnh mẽ nhưng vẫn luôn muốn biết sự thật.



Xem tiếp phần II.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét