Khoằm

20 tháng 2 2013

Đánh giá về triều đình Nhà Nguyễn - II

Bắt đầu từ đây http://my.opera.com/Nhula1giacmo/blog/show.dml/36991532?startidx=2650#comment104045372 bác Lê Vũ có nhờ Khoằm tra cứu, sưu tầm các tham luận của DTQ trong 3 cuộc hội thảo 'Nguyễn Ánh: Công và Tội', xét thấy vấn đề không đơn giản như lời nhờ của bác Lê Vũ, Khoằm mở topic này để lưu trữ nhưng gì Khoằm có được quanh việc đánh giá về triều đình Nhà Nguyễn (bao gồm 9 Chúa và 12 Vua) trong phong trào rửa mặt Gia Long - Nguyễn Ánh khởi phá từ thời mồ ma Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Xem trước: http://fddinh.blogspot.com/2013/02/anh-gia-ve-trieu-inh-nha-nguyen.html
Trong Đại Nam Liệt Truyện có ghi:
Huệ tàn ngược vô đạo, sơ cứ đô thành giả, Liệt thánh chư tôn giai phạm chi" (Huệ tàn bạo vô cùng, lúc mới chiếm cứ Kinh đô xâm phạm tất cả các lăng của Liệt thánh).
Tất cả các lăng tẩm của các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát đều bị phá hoại. Riêng về lăng của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Ánh) vào năm Canh tuất (1790) quân Tây Sơn khai quật hài cốt đổ xuống sông Hương.
Trong Đại Nam Liệt Truyện tiền biên, trong phần chép về Hoàng Nữ Ngọc Tuyền (con của chúa Nguyễn Phúc Khoát) có chép :
... gặp lúc giặc Tây Sơn vô đạo phạm lăng tẩm các Liệt thánh, bà mật lệnh cho con rể là Nguyễn Đức Duệ với lão ni thân tín đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chính ngầm khiến nhân dân tùy nghi bảo vệ, cho nên có người ở xã Cư Chính là Nguyễn Ngọc Huyên chôn dấu Cơ thánh lăng ở nơi an ổn". Điều trên chứng tỏ các lăng đều bị đào bới. Khi tu sửa các lăng, đức Thế Tổ cho an táng ở tại nơi cũ. Nhưng di tích cũ chẳng còn lại một gì. Ngay các lăng của Hoàng Tử, Công Chúa từ đời Thái Tổ đến Hưng Tổ cũng bị phá hủy.
Điều này có thật không hay là một trò bội nhọ của nhà Nguyễn?
Vấn đề là sử liệu ghi nhận việc Tây Sơn đào mộ cuốc mả chúa Nguyễn quá ít ỏi. Tại sao lại như thế?
Trong khi Gia Long đào mộ cuốc cả Quang Trung, Thái Đức thì lại có nhiều tài liệu để nghiên cứu, kể cả bộ biên niên sử lớn như Đại Nam Thực Lục Chính Biên? (trong khi nhà Nguyễn là "chính", Tây Sơn là "ngụy"). Vấn đề này thật là kỳ lạ.
Vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi do chỉ có tài liệu 1 chiều. 1 giả thiết đặt ra là việc đào mộ nhà Nguyễn có thể do quân Trịnh làm bởi vì ngay từ năm 1773 quân Trịnh đã chiếm Phú Xuân và chiếm đóng suốt trong 13 năm. Mãi đến năm 1786, quân Tây Sơn mới bắt đầu tiến vào Phú Xuân. Bởi vậy, khoảng thời gian 13 năm đó đủ để cho quân Trịnh phá hoại lăng mộ nhà Nguyễn xong đây mới chỉ là giả thuyết mà thôi, chưa có bằng chứng thực tế và chúng ta cũng phải biết xét cho cùng họ Trịnh và họ Nguyễn từ đời Nguyễn Hòang có mối quan hệ họ hàng khá gần nhau


Lăng Ba Vành bị quật phá để trị tội và trấn yểm

  Trần Viết Điền          14/11/2009
Ở các bài nghiên cứu công bố gần đây chúng tôi đã chứng minh lăng Ba Vành hội đủ các yếu tố của một lăng vua Tây Sơn. Như thế chủ nhân của lăng Ba Vành phải là vua Quang Trung và lăng Ba Vành chính là lăng Đan Dương. Nếu lăng Ba Vành là Đan Dương lăng thì lăng ấy từng bị vua Gia Long quật phá để “tận pháp trừng trị” và trấn yểm.Thế thì lăng Ba Vành tất phải có di vật, di chứng trị tội và trấn yểm của vua Gia Long (?). Vua Gia Long từng “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn suốt hai năm Tân Dậu [1801], Nhâm Tuất [1802] và nhà vua tuyên bố việc làm ấy nhằm “trả thù cho Miếu Xã”. Thật vậy, từ tháng 5 Tân Dậu [1801] đến tháng 11 năm Nhâm Tuất [1802], dẫu Nguyễn Vương đã tái chiếm Phú Xuân nhưng vì  quân chủ lực Tây Sơn vẫn còn tập trung ở Qui Nhơn và Thăng Long nên Nguyễn Vương có những bước đi rất thận trọng khi ở Phú Xuân. Qui Nhơn là cái nôi của phong trào Tây Sơn, các tướng tài Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng… còn đứng chân vững vàng. Thăng Long dẫu sao vẫn còn vua Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, tiết chế Nguyễn Quang Thùy, đại tư mã Nguyễn Văn Tứ, nữ tướng Bùi Thị Xuân… đang củng cố và phát triển lực lượng. Và một thế lực mà Nguyễn Vương không thể xem nhẹ, Thanh triều, đứng đầu là hoàng đế Gia Khánh, đang “tọa san quan hổ đấu”. Trong bối cảnh ấy Nguyễn Vương, rồi sau đó là vua Gia Long, đã tiến hành trị tội vua quan Tây Sơn rất bài bản; vừa trả thù, vừa thị uy, vừa thu phục nhân tâm, vừa làm vừa lòng Thanh triều để chặt vây cánh của Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản. Nguyễn Vương đã quật phá Đan Dương lăng của vua Quang Trung và lăng bà Tả cung họ Phạm, kéo quan tài khỏi huyệt mộ bằng đường toại đạo, đưa hai quan tài của vua Quang Trung và bà Tả Cung họ Phạm về thành Phú Xuân, bổ quan tài, lấy xác ướp ra để nhận diện và tất nhiên cố ý triệt bỏ nguồn phát đế vương của Tây Sơn. Có khả năng việc này được tiến hành từ tháng 5 Tân Dậu [1801], nhưng Nguyễn Vương phải chờ xem thái độ của Thanh triều, và sau khi có dụ của vua Gia Khánh (ban trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 11), đến tháng 11 Tân Dậu[1801] mới bố cáo công khai cho dân chúng biết. Sau đó giam hài cốt vua Quang Trung và bà Tả cung ở Nhà đồ ngoại gần một năm, đợi khi bắt được vua tôi Quang Toản, lại đem hài cốt vợ chồng vua Quang Trung và Nguyễn Nhạc trị tội công khai một lần nữa, trong lễ Hiến Phù,  vào tháng 11 năm Nhâm Tuất [1802]. Còn lăng mộ bị quật phá  thì có những ấn chứng trừng trị theo pháp luật và trấn yểm theo thuật phong thủy (?). Do chính sử ghi chép quá ít về việc quật phá lăng mộ vua Quang Trung nên chúng tôi không những dựa vào nguồn tư liệu chính sử mà còn bổ sung những dữ kiện rút từ những lá thư của những nhân chứng phương Tây và tư liệu điền dã. Chưa kể định kiến của một số nhà nghiên cứu trước đây, rằng vua Gia Long “tận pháp trừng trị” triều Tây Sơn bằng cách “phá tan thành bình địa”, “đốt sạch”, “giết sạch”… tất cả những gì thuộc về Tây Sơn, buộc chúng tôi phải xem xét quan điểm ấy có đúng hay không. Lăng Ba Vành có đủ di vật, di chứng của một lăng vua bị vua Gia Long “tận pháp trừng trị” hay không ? Tại sao ngôi lăng Ba Vành không bị xóa sạch hoàn toàn ? Xin được trình bày phần nghiên cứu của chúng tôi về những vấn đề đã nêu.            
Bài nghiên cứu được bố cục như sau:
A.     Vua Gia Long đã tận pháp trừng trị nhà Tây Sơn như thế nào ?
1 - Sơ lược những trận đánh khốc liệt của hai phe không đội trời chung vào năm 1801 và lòng căm thù Tây Sơn của vua Gia Long.
2 - Bắt bớ giam cầm và xử tội con cái tướng tá Tây Sơn đợt I [1801]. 3 - Bắt bớ và tận pháp trừng trị vua quan Tây sơn đợt II trong lễ Hiến Phù [1802] 4 - Tận pháp trừng trị như thế nào ? 5 - Triều Nguyễn trị tội những thân nhân đã quá cố của tội phạm như thế nào? 6 - Tại sao vua Gia Long không “phá tan thành bình địa” Đan Dương lăng ?
B.     Kiểm chứng giả thuyết công tác: Lăng Ba Vành là Đan Dương lăng dưới góc độ ngôi lăng bị vua Gia Long quật phá và trấn yểm:               
1-     Lăng Ba Vành bị quật phá nặng nề. 
2-     Lăng Ba Vành còn có những ấn chứng trị tội chủ nhân ngôi lăng và người phụng lập.
a.       Ấn chứng trị tội trên bia phụng lập.
b.      Ấn chứng trị tội với sợi xích đắp bằng vôi mật trên nấm mai rùa.
3-     Dấu hiệu trấn yểm ở lăng Ba Vành.
A - VUA GIA LONG ĐÃ TẬN PHÁP TRỪNG TRỊ NHÀ TÂY SƠN NHƯ THẾ NÀO ? Để tiếp cận phương cách và mức độ vua Gia Long trừng trị và trả thù  vua quan triều Tây Sơn, ngoài sự kiện Tây Sơn tiêu diệt dòng họ chúa Nguyễn và đào phá lăng mộ các chúa Nguyễn, thiết nghĩ nên điểm qua những trận đánh cuối cùng trong các năm 1801, 1802 nhằm loại trừ nhau giữa Tây Sơn và quân Nguyễn Vương Phúc Ánh. Do những trận một mất một còn này, thái độ của các tướng lĩnh Tây Sơn khi bị bắt, làm tăng thêm căm hờn Tây Sơn trong lòng vua Gia Long. Và cũng trong phần này chúng tôi làm rõ hai lần trong hai năm 1801, 1802, vua Gia Long đều “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn vào tháng 11âm lịch. Vì chính sử triều Nguyễn chép vua Gia Long khi trị tội nhà Tây Sơn đều dựa vào pháp quyền nên phải xem xét luật định thời Gia Long đối với các trọng phạm như thế nào, từ đó biết mức độ “tận pháp trừng trị” Tây Sơn của vua Gia Long.
1-Sơ lược những trận đánh khốc liệt của hai phe từ năm 1801 đến 1802:
     a-Tái chiếm cựu đô và việc cần làm ngay:           Ngày 3 tháng 5 Tân Dậu [1801], đại đồn của Tây Sơn ở núi Linh Thái, bên cửa Tư Hiền, do phò mã Trị chỉ huy, bị tấn công trực diện, từ sáng đến chiều, bất phân thắng bại. Đợi đêm đến, Tả quân Lê Văn Duyệt cho kỳ binh bí mật vác thuyền nhẹ và khí giới vượt qua các làng dọc bờ biển gần cửa Tư Hiền, vào phá Hà Trung, đánh bọc hậu ban đêm, đại quân Tây Sơn phòng thủ ở núi Linh Thái bị thua, phò mã Trị bị bắt sống…vua tôi Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đang đưa quân tiếp ứng ra khỏi thành nghênh chiến mặt đông, hoảng hốt chạy ra bắc, không kịp mang ấn An Nam quốc vương, và nhiều ấn tín khác…Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh vào thành Phú Xuân sáng ngày 4 tháng 5 năm Tân Dậu [1801].
Ảnh  1 Qui Sơn (Linh Thái) nơi có đại đồn của Tây Sơn, bị quân Lê Văn Duyệt đánh bại
Ảnh  2 nh chp v tinh khu vc có Túy Vân Sơn và Qui Sơn. Riêng Qui Sơn nm chơ vơ bên b bin, hai bên là hai ca, mt ca Ông cũ (tây bc núi), mt ca Ông mi (đông nam núi).
Nguyễn Vương trở lại cựu đô Phú Xuân trong bối cảnh quân Tây Sơn hai đầu bắc, nam còn mạnh và tất nhiên Nguyễn Vương vừa điều binh khiển tướng ở các mặt trận, vừa lo việc củng cố những vùng đất mới chiếm được, vừa lo việc ngoại giao với lân bang, trong đó chủ yếu là Thanh triều. Dẫu sao Nguyễn Vương vẫn kiêng dè nhà Thanh, bằng chứng Nguyễn Vương sớm thăng chức cho Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Hoàng Ngọc Uẩn …để sung chánh phó sứ của sứ bộ sang Trung Hoa dâng sớ nói rõ sự phục thù của vương đối với Tây Sơn, đồng thời dâng nạp các tên chỉ huy bọn cướp biển miền duyên hải Quảng Đông (từng được Tây Sơn dung túng), nạp  ấn An Nam quốc vương do vua Cảnh Thịnh để lại ở kinh thành Phú Xuân…Thắng lợi ngoại giao của Nguyễn Vương là vua Gia Khánh triều Thanh đã ra chỉ dụ khen ngợi Nguyễn Vương, không những thế y còn ra dụ chỉ rõ nguyên do tội phúc diệt của Nguyễn Quang Toản. Đối với triều Thanh tội phúc diệt của Tây Sơn nặng nhất là tội khi quân: đưa Quang Trung giả sang triều kiến, không theo điển lễ Thanh triều trong việc tế thiên địa, táng vua Quang Trung ở Phú Xuân lại dâng sớ báo cáo vua Càn Long rằng đã an táng vua cha ở Thăng Long, dung túng bọn giặc Tề Ngôi để đánh phá miền duyên hải Trung Quốc...
Ảnh  3 Sau khi quân Tây Sơn bị vỡ mặt trận Linh Thái-Cửa Ông, các đội quân Tây Sơn án ngữ  những cửa như cửa  Nhuyễn ( Thuận An), cửa sông An Cựu…đều bỏ trốn hoặc đầu hàng.
Trở lại Phú Xuân hỏi chuyện và chứng kiến cảnh lăng  mộ các chúa Nguyễn bị Tây Sơn quật phá, vứt hài cốt xuống sông, trong đó có mộ của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Vương), Nguyễn Vương càng đau lòng càng căm hận Tây Sơn. Hầu như lăng mộ  các chúa và các bà vợ của chúa đều phải làm phép “chiêu hồn nhập xác” vào “hài cốt giả” tạo bởi “gáo dừa, rẹn dâu” khi tôn tạo. Chỉ có đầu lâu của Nguyễn Phúc Luân là do cha con ông Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Hóa, vớt được và bí mật táng lại. Sự kiện này giúp hậu thế hiểu được vì sao vua Gia Long đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn.
 
Ảnh   SEQ Ảnh_ \* ARABIC 4 Lăng Cao Hoàng (tục gọi là Lăng Sọ), chủ nhân là  Nguyễn Phúc Luân, thân phụ của vua Gia Long.
Ảnh  5 Vua Gia long.
          b-Phá vỡ những  âm mưu quân sự lớn của Tây Sơn:               
          Khi nghe tin quân Nguyễn đánh Phú Xuân, Trần Quang Diệu tổ chức ngay một đạo quân,  cử Tư Khấu Định, Tham mưu Can chỉ huy… hành quân bí mật và gấp rút, từ nam trung bộ, theo đường thượng đạo để tập kích Phú Xuân một cách bất ngờ. Phải mất 12 ngày mới đến vùng núi gần làng Cao Đôi (Cầu Hai) thì tạm nghỉ trong núi. May mắn cho Nguyễn Vương, có người chăn trâu phát hiện được toán quân đang ngủ, đi báo cho quân Nguyễn Vương. Sau khi được tin báo, Nguyễn vương sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất chỉ huy một đạo quân đến vây bắt quân Tây Sơn, phá được âm mưu tái chiếm Phú Xuân của Trần Quang Diệu.
 
 
    Ảnh 6 Bản đồ hành quân của quân Tây Sơn ra đánh Phú Xuân và quân Nguyễn vây bắt quân Tây Sơn.
Trên đây là mưu mô của quân tướng Tây Sơn ở phía nam. Còn ở bắc với sự phò tá của Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Quang Thùy, Bùi Thị Xuân, Đại Tư mã Tứ…Hoàng đế Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã lấy Thăng Long làm kinh đô, đổi niên hiệu Bảo Hưng I vào năm Tân Dậu [1801] và tiến hành một số cải cách để thu phục nhân tâm, tuyển quân để củng cố và phát triển lực lượng. Hoàng đế Quang Toản cho đúc tiền Bảo Hưng thông bảo để lưu thông, lập gò Viên Khâu phía nam cửa Liễu Thị  để tế Trời vào ngày Đông Chí, và dựng đàn Phương Trạch ở phía Tây Hồ để tế Đất vào ngày Hạ Chí.            
    
Ảnh 7 Tiền Bảo Hưng thông bảo được đúc khi Nguyễn Quang Toản ra Thăng Long.
  
Ảnh 8 Dấu Đại tư mã chi ấn của Đại tư mã Tứ  ( Ảnh tư liệu của TS. Nguyễn Công Việt )
Sau khi đã phục hồi sức lực, Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, Tiết chế  Nguyễn Quang Thùy, nữ tướng Bùi Thị Xuân  lại nam tiến, lập kế hoạch đánh Phú Xuân. Khoảng tháng 2 năm Nhâm Tuất [1802] dưới sự chỉ huy của Tiết chế Nguyễn Quang Thùy, một đạo quân của Tây Sơn đã đánh lũy Trấn Ninh-Đầu Mâu, gần sông Nhật Lê, tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Vương trước đó đã lệnh cho các tướng Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Nhân trấn giữ Quảng Bình. Khi quân Tây Sơn nam tiến đánh mạnh vào sông Gianh, tiến thẳng lũy Trấn Ninh-Đầu Mâu… Đặng Trần Thường lui về trấn ở Động Hải thì Nguyễn Vương liền đưa quân ra Trấn Ninh-Đầu Mâu để tiếp ứng. Hai phe hỗn chiến ở lũy Trấn Ninh- Đầu Mâu , Nguyễn Vưng suýt bị nữ tướng Bùi Thị Xuân đánh bại. Nhờ diệu kế làm cho Nguyễn Quang Thùy sợ phải lui quân trong khi nữ tướng Bùi Thị Xuân đang thắng thế. Đồng thời thủy binh của Nguyễn Văn Trương  thắng lớn ở cửa Nhật Lệ, quân Tây Sơn phần lớn là tân binh gốc Băc Hà liền tháo chạy. Quân Tây Sơn đại bại… Khi nữ tướng Bùi Thị Xuân bị bắt, trước mặt Nguyễn Vương bà đã can trường trả lời những câu hỏi trực tiếp của Nguyễn Vương, đề cao vua Quang Trung  và coi thường Nguyễn Vương làm cho vương rất hận nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Ảnh 9 Tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân ở bảo tàng Bình Định.
 
 
Ảnh  10 Toàn cảnh trận chiến khốc liệt ở khu vực có lũy Trấn Ninh-Đầu Mâu.
 
Ảnh  11 Lũy Trấn Ninh - Đầu Mâu ( Hai mặt của tấm bia thứ nhất - Ảnh: Trương Quang Nam).
Ảnh  12 Bãi biển Nhật Lệ, gần cửa sông Nhật Lệ, nơi thủy quân mạnh của Tây Sơn  bị  tướng Nguyễn Văn Trương của Nguyễn Vương đánh bại.
Để tiếp tục chống đánh và thanh toán triều Tây Sơn, Nguyễn Vương trở lại thành Phú Xuân và sớm lên ngôi ( dẫu chưa chính thức) với niên hiệu Gia Long nguyên niên vào tháng 5 Nhâm Tuất [1802] và kéo đại quân ra bắc.
 
 
  
Ảnh  13 Dấu Quốc gia tín bảo, Nguyễn Vương Phúc Ánh thường dùng ( Ảnh tư liệu của TS Nguyễn Công Việt).
 
  
                           Ảnh  14 Tiền Gia Long thông bảo.
Không lâu sau khi vua Gia Long đưa đại quân ra bắc [1802] thì được tin thành Qui Nhơn bị mất, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tuẫn tiết bởi tướng tài Tây sơn Trần Quang Diệu. Vua Gia Long rất thương tiếc Võ Tánh và Ngô Tùng Chu, rất lo lắng khi thành Qui Nhơn lọt vào tay của Tây Sơn và chia cắt Phú Xuân với Gia Định, tất nhiên vua Gia Long rất gờm và rất hận Trần Quang Diệu.
Dẫu rất hận vua quan nhà Tây Sơn nhưng  vua Gia Long biết kềm chế để mưu phạt tâm công khi tha tội chết phần lớn quan văn, các võ tướng cấp vừa và cấp cao của Tây Sơn.   Khi họ về hàng thì được dùng ngay, các tù binh hàng binh  được phân bổ vào các đơn vị và cho ra trận…là bằng chứng về niềm tin của vua Gia Long về ngày thắng lợi. Nguyễn Vương rất khôn khéo khi không bố cáo ngay việc trả thù Tây Sơn  vào tháng 5 Tân Dậu [1801], đợi xem thái độ của triều Thanh đối với An nam quốc vương Nguyễn Quang Toản và khi vua Gia Khánh ra dụ cho biết lý do Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản bị phúc diệt thì vương mới công khai việc  trị tội thân nhân, tướng sĩ của vua Cảnh Thịnh vào tháng 11 năm Tân Dậu [1801].
    
Ảnh  15 Di chỉ thành Hoàng Đế được giới KCH phát lộ.
Ảnh  16 Mộ Võ Tánh trong khu Thành Hoàng Đế  (Cẩm nang du lịch Bình Định).
2- Bắt bớ giam cầm và xử tội con cái trướng tá Tây Sơn đợt I:
Hơn 25 năm vào sinh ra tử, thân bằng quyến thuộc đa phần phải chết vì Tây Sơn và hận nhất là toàn bộ lăng mộ của các chúa Nguyễn và mộ cha mình từng bị Tây Sơn quật phá, vứt hài cốt xuống sông nên Nguyễn Vương đã quyết trả thù nhà Tây Sơn. Sau khi đã nhận được chỉ dụ của vua Gia Khánh nhà Thanh, nói rõ tội phúc diệt của Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Vương bắt đầu công khai việc trả thù Tây Sơn vào tháng 11 năm Tân Dậu [1801], tiện thể lung lạc bộ phận dân chúng đang còn ủng hộ Tây Sơn. Sử liệu về việc trả thù nhà Tây Sơn  của vua Gia Long từ tháng 5 Tân Dậu [1801] đến tháng 11 Nhâm Tuất [1802] có thể lấy từ Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử di biên… Đặc biệt một nguồn sử liệu khác là thư của các nhân chứng phương tây của giai đoạn ấy. Trước hết dựa vào lá thư của Barisy gửi Marquini và Letondal ngày 16-7-1801 có thể  biết được trong hơn một tháng kể từ ngày 2-5 Tân Dậu(12-6-1801) đến ngày 6-6 Tân
Dậu (16-7-1801) Nguyễn Vương đã bắt giam một số tướng lĩnh Tây Sơn  cùng thân nhân của họ. Xin trích một đoạn thư cần thiết: “ 1801. Ngày 15-6 [4-5 Tân Dậu]Sau đó nhà vua hỏi tôi đã thấy các tướng giặc chưa. Tôi bảo là chưa thế là nhà vua ra lệnh đưa tôi đi xem. Sau đó người lại bảo tôi đi xem em gái của kẻ tiếm vị. Tôi đến đấy, các cô đều ở trong một phòng hẹp tối tăm chẳng lịch sự gì…Các phu nhân ấy gồm 5 vị: một người 16 tuổi mà theo tôi là rất đẹp, một cô nhỏ 12 tuổi là con gái của công chúa Bắc Hà nhan sắc tầm thường, 3 cô khác tuổi từ 16 đến 18 da hơi nâu nhưng khuôn mặt khả ái. Có 3 thiếu niên, cậu 15 tuổi cũng da nâu và có khuôn mặt chung chung , hai cậu khác 12 tuổi đều là con của công chúa Bắc Hà là mặt mũi khả ái và dáng điệu dễ mến. Sau cuộc viếng thăm ngắn ngủi ấy , tôi được đưa đến một ngục thất khác. Tôi gặp bà Theeu Doán [Thiệu Đoan ], vợ của tướng thủy quân địch mà nhà vua đã đốt tại Quy Nhơn. Bà rất đẹp có vẻ dịu dàng và lễ độ. Mẹ của viên tướng ấy tuổi chừng 45-50 nói chuyện lâu với tôi và than vãn về số phận. Trong một ngục thất khác không xa đó là mẹ của tướng chỉ huy quân giặc đánh thành Quy Nhơn, Thieuu Phoo [Thiếu Phó], phu nhân này tuổi chừng 55 có khuôn mặt đẹp. Trong hoàn cảnh hoạn nạn bà tỏ ra rất cương nghị, bà là người thật thà và không kiêu kỳ. Tiếp theo là vợ của tướng Foo Matthey [Phò Mã Trị], em gái của vua tiếm vị, bà là một chiến binh giỏi, bà Theuk Hauv Dinh [Tư Khấu Định], vợ của tướng pháo binh, phu nhân Ton Linh Keen, vợ của Phó đô đốc thủy quân và còn nhiều nữa v.v…Các tướng tham mưu của y [Tư Khấu Định] gồm 3 người đều bị bắt. Người thứ nhất rất nổi tiếng, tên là Dou douc Cane [Đô đốc Can], lối chừng 30 tuổi, khuôn mặt cứng cỏi nhưng cao nhã dáng dấp quân sự: cao lớn, không mập cũng không gầy, da sạm nắng, râu đen nhánh…Y bị buộc vào một cái cột, đối diện với y là em vợ của Thieuu phoo ( quan Thiếu phó) tướng tổng chỉ huy quân đội địch. Chàng trai này tuổi chừng 24 hoặc 25, còn con trai của Thieuu  phoo ( Thiếu phó) tuổi chừng 16 hoặc 17, mặt mũi dễ mến, thì chỉ chỉ bị đóng gông nhẹ.
Hai tướng tham mưu khác là Dou Douc Boune và Bahaa. Tướng thứ nhì bị mất một mắt lúc đánh thành Qui Nhơn, rất khôn lanh. Cả hai người này đều đeo cùm xích nặng ít nhất cũng tới 50 catty và xích vào cột. Lại có hơn 144 đội trưởng và phó đội bị giam trong một trại lính lớn ngay bên phải cửa ra vào cung. Mọi người đều bị xích lại, có hơn 5 hoặc 6 trăm người ít quan trọng hơn cũng mang xích nhưng nhẹ hơn.
Các tướng địch cấp bậc nhỏ hơn có từ 3.500 đến 4.000 người đều bị đóng gông…”
Nguyễn Vương sau khi bắt giam tướng tá Tây Sơn cùng thân quyến, quật mồ vợ chồng Nguyễn Huệ…phải đợi đến tháng 11 năm Tân Dậu mới chính thức xử tội nhà Tây Sơn, thông cáo cho cho đại chúng, nhất là ở Gia Định, biết. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 11, Tân Dậu [1801] phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng phơi thây bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây… Thiên hạ lấy làm khoái.
Đem việc khôi phục kinh đô cũ và giết trừ đảng giặc bá cáo cho Gia Định biết”.
Lời cáo rằng: “ Then máy trời đất không sai, đông qua rồi lại sang xuân. Khí hóa xưa nay vẫn thế, loạn hết thì đến trị. Xưa Thiếu Khang nhà Hạ dấy một quân mà trả được thù cho tổ phụ; Quang Vũ nhà Hán có mấy nghìn binh mà rửa được hận của thần người. Ta nay đến vận trung hưng, gặp cơ tái tạo tướng sĩ ùa tới, xa gần hướng theo. Cơn giận bùng lên, quét sạch gió bụi Tây tặc; quân vừa kéo tới, thu hết bờ cõi Nam hà. Hiện nay từ Phú Yên, Qui Nhơn đến Thuận Hóa, thẳng tới Hoành Sơn, đều đã thuộc vào đồ bản. Bắt được con cái, tướng tá của Nguyễn Văn Huệ nhiều không kể xiết. Thật là lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt, loạn thần tặc tử, pháp luật không dung. Nay đã phá hủy mồ mả của vợ chồng giặc Huệ, bêu đầu phơi xác. Vậy đặc biệt bá cáo, để hả lòng người.”.
Như vậy từ năm Tân Dậu [1801] thì lăng mộ của vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm ở nam sông Hương đã bị quật phá, quan tài bị kéo ra khỏi mộ, mở nắp lấy “thi thể” ( xác ướp) ra bêu đầu phơi xác ở các chợ thuộc kinh thành Phú Xuân. Hơn ba mươi mốt người trong đó có 3 hoàng tử của vua Quang Trung bị giải xuống tàu, đưa về xử lăng trì ở Gia Định. Thật vậy Đặng Xuân Bảng trong Việt sử cương mục tiết yếu từng chép: “Các em của chúa Thuận Hóa [Vua Cảnh Thịnh] Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện cùng con cái giặc, gồm hơn 30 người, bị dân bắt nộp, giải về Gia Định giết chết.”(s đ d, tr. 659).
 
Sau vài ngày bị bêu, thi thể của hai vợ chồng vua Quang Trung lại bị giam giữ ở Nhà Đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) khoảng một năm mới đem trị tội tiếp trong lễ Hiến Phù.
3- Bắt bớ giam cầm và “tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn đợt II trong “ Lễ Hiến Phù”:
Sau khi tạm ổn định tình hình, ngày 2 tháng 5 Nhâm Tuất( 12-6-1802) Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (chưa chính thức) lấy niên hiệu Gia Long nguyên niên ở Kinh Thành Phú Xuân và sau đó  đưa đại  quân ra Bắc để tiêu diệt  vua Tây Sơn Bảo Hưng. Ngày 23 tháng 6 năm Nhâm Tuất vua Gia Long vào thành Thăng Long, thanh toán xong triều Tây Sơn. Mùa đông năm Nhâm Tuất [1802], sau khi bắt sống vua Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, xa giá vua Gia Long từ Thăng Long trở về Phú Xuân và “tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn… Đại Nam thực lục chính biên chép:  “Tháng 11, Nhâm Tuất [1802] làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày quí dậu [6-11.ÂL, 30-11D.L], tế thiên địa thần kỳ. Ngày giáp tuất [7-11 Â.L, 1-12] hiến phù ở Thái miếu.
 “Sai Nguyễn Văn Khiêm là đô thống chế dinh Túc trực, và Nguyễn Đăng Hựu làm tham tri hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giả nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết”. Tương truyền quãng trường, nơi tổ chức lễ Hiến Phù và hành hình vua quan Tây Sơn,  là trước từ đường Dũng Triết Vương, trước cổng phía tây thành Phú Xuân. Khu vực này về sau có Tôn Nhân Phủ, Khâm Thiên Giám, Bộ Học và một phần của công viên Bao Viên hiện nay.                     
Ảnh  16.1 Cổng Khâm Thiên giám, tương truyền được xây dựng gần từ đường Dũng Triết Vương
 
Ảnh  17 Cổng phủ Tôn Nhân, phủ này dựng gần Khâm Thiên Giám.
 
        Ảnh  18 Công viên Bao Viên, tiền thân là bãi đất trống trước từ đường Dũng Triết Vương, trước cổng thành bên phải (phía tây) của thành Phú Xuân, nơi hành hình vua quan Tây Sơn trong lễ Hiến Phù.
4 - Tận pháp trừng trị ?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vua Gia Long  “ tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn  là “giết sạch, đốt sạch, phá tan thành bình địa các công trình kiến trúc của Tây Sơn”. Nhận định ấy với độ tin đến mức nào? Thiết nghĩ nên  trở lại vấn đề “tận pháp trừng trị” thời phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam và dựa vào tư liệu đáng tin cậy để xem xét sự kiện vua Gia Long đã đem hết luật pháp để xử tội nhà Tây Sơn trong hai năm 1801 và 1802. Trước hết dựa vào thông tin do Wikipedia cung cấp, chúng tôi xin tóm lược một số dữ liệu cần thiết:
Bộ luật Gia Long thời Nguyễnđiều luật 223: Phàm kẻ mưu phản và đại nghịch và những kẻ cùng mưu, không phân biệt thủ phạm hay tòng phạm đều lăng trì xử tử (róc thịt, phanh thây, tùng xẻo)…
Lăng trì còn gọi là Tùng xẻo hay Xử bá đao, là một trong những hình phạt dã man được dùng rộng rãi ở thời cổ xưa ở Trung Hoa, chính thức bỏ từ năm 1905. Việt Nam vì thần phục nước Trung Hoa, chịu phong vương để tránh can qua nên cơ bản theo điển lễ, luật lệ của Trung Hoa. Cố đô Hoa Lư vẫn còn địa danh Tùng Xẻo, nơi xử tội nhân thời Đinh, Tiền Lê. Lăng trì là hình phạt  ghê rợn thuộc loại “ tận pháp trừng trị”. Phạm nhân vô cùng đau đớn vì bị xẻo từng miếng thịt trên người, đao phủ phải giữ cho tử tội không chết nhanh, để biết đớn đau theo từng nhát xẻo và đủ số nhát xẻo thì tội nhân mới được chết.          
Một dạng “tận pháp trừng trị” khác là “tru di tam tộc”. Điều 225 của bộ luật Gia Long quy định những ai viết câu yêu thư, yêu ngôn đều bị tru di tam tộc. Tru di tam tộc là một hình phạt tàn bạo thời phong kiến ở các nước châu Á như Trung Hoa. Việt Nam. Tru Di đều mang nghĩa giết sạch, tam tộc là ba họ gồm: họ cha, họ mẹ, họ vợ. Hình phạt tru di tam tộc được áp dụng cho những tội phạm khi quân, phản quốc. Khi bị kết án tru di tam tộc, những người trong cả 3 họ của người phạm tội, từ trẻ đến già đều bị diệt. Họ nhà mẹ và họ nhà vợ,  bao gồm cả họ hàng của mẹ kế và vợ lẽ cũng bị tru di. Nếu mẹ kế và những người vợ lẽ của phạm nhân đã qua đời, trước khi kết án, thì họ hàng của họ vẫn phải thụ án. Trong lịch sử phong kiến, khi xảy ra án tru di tam tộc, thường có nhiều người với họ khác nhau bị giết một lúc. Nhiều người có quan hệ họ hàng khá xa với phạm nhân cũng bị chết cùng. Những người cùng họ của phạm nhân, may mắn trốn thoát nơi xa, mai danh ẩn tích, đổi sang họ khác. Sự truy nã của triều đình phong kiến đối với những người này kéo dài nhiều năm và chỉ dừng lại khi có lệnh cải chính chính thức của triều đình. Vì thế có người  sau nhiều năm trốn tránh vẫn bị bắt giết.
Một dạng hình phạt tàn khốc thuộc tận pháp trừng trị theo kiểu lăng trì  là voi giày. Hình phạt voi giày có từ xưa ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt tại Ấn Độ. Hình phạt này áp dụng cho các tử tội, thường là phạm tội nặng với triều đình. Voi  sử dụng để hành quyết thường là voi châu Á được huấn luyện thuần thục. Tội phạm thường bị voi dùng chân dẫm lên cơ thể, dùng vòi cuốn đưa lên cao và quật xuống đất. Người ta điều khiển voi làm cho nạn nhân chết nhanh hoặc chết từ từ để hành hạ.                                                                 
Ảnh  19 Louis Rousselet mô tả hình phạt voi giày trong tác phẩm "Le Tour du Monde" năm 1868.
Người ta có thể lăng trì theo phép Tứ mã phân thây, còn gọi là tứ mã phanh thây. Tứ chi của người  bị tội được cột vào bốn sợi dây nối vào bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng hoặc có nài ngựa thì người ta sẽ hét lớn hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Từ đó bốn sợi dây sẽ kéo tứ chi phạm nhân đến khi thân thể của phạm nhân bị xé thành năm mảnh gồm đầu, thân và tứ chi. Phạm nhân sẽ bị bỏ mặc cho máu chảy đến chết.
Hình phạt này còn có một biến thể khác là ngũ mã phân thây với con ngựa thứ năm  cột vào cổ phạm nhân. Thay vì dùng ngựa có thể dùng voi .
Ảnh  20 Tranh Martyrium of the Hippolyt của Dieric Bouts, diễn tả một người đang bị tứ mã phân thây.

Khi đã nghiên cứu tư liệu lịch sử viết về việc vua Gia Long trị tội nhà Tây Sơn và luật pháp thời phong kiến nói chung và thời Gia Long nói riêng thì chúng ta đã hiểu thế nào là “tận pháp trừng trị”. Một số nhà nghiên cứu đã cố tình giải thích “tận pháp trừng trị”  là giết sạch, đốt sạch, phá tan thành bình địa tất cả những gì thuộc về triều Tây Sơn, nhất là lăng mộ của “ngụy Nhạc”, “ngụy Huệ” và điều này cản trở công cuộc tìm kiếm lăng mộ trong vài chục năm qua!!!

 

Ảnh  21 Vị quan đang ngồi xử án năm 1885.
Triều vua Minh Mạng tiếp tục vận dụng luật Gia Long. Thiết tưởng chúng ta cần điểm qua việc trị tội của triều Nguyễn đối với các trọng phạm như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Văn Chất…để thấy vua Gia Long có ra lệnh quật phá lăng Đan Dương nhưng không đến mức  “cuồng nộ” rồi ra lệnh “ xóa sạch” toàn bộ lăng vua Quang Trung.
Ảnh  22 Trước giờ hành quyết trọng phạm.
 
5 -Triều Nguyễn trị tội những thân nhân quá cố của tội phạm như thế nào?
a-Trị tội vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm:
Trên đây là luật lệ thời phong kiến trong việc xử các trọng phạm. Nhờ thư của giáo sĩ Bissachèrre có thể biết khá chi tiết các bước vua Gia Long đã hành hình và làm nhục vua quan Tây Sơn trong lễ Hiến phù vào tháng 11 năm Nhâm Tuất [1802]:
 Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn. Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã mười, mười hai năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên. Người ta sắp các xương của Quang Trung, cha vua đó, và các xương của mẹ vua…rồi người ta theo lệ bề ngoài chém cổ để làm sĩ nhục, và nhất là để các xương đó không còn sinh phúc cho con cháu, theo tục mê tín của người trong xứ. Rồi tất cả xương được dồn vào trong một cái giỏ lớn để binh sĩ đến tiểu tiện vào. Xong, người ta nghiền xương thành bột, bỏ vào một giỏ khác đặt trước vua trẻ Tây Sơn để làm cho vua đó đau khổ.
Bấy giờ người ta dọn cho vua một bữa tiệc kha long trọng, chiếu theo tục trong xứ đối với nhửng kẻ sắp bị tử hình. Em vua (tức Quang Thiệu) can đảm hơn vua, thấy vua ăn thì trách, và bởi vì mâm người ta dọn đồ ăn bưng tới đó có những đặc điểm có ý tôn trọng chức vua, nên ông nói: “Nhà mình thiếu gì mâm, cần gì phải ăn mâm mướn”.
Ăn xong, người ta nhét giẻ vào miệng vua và nhiều người khác để họ khỏi chửi mắng vua mới, đoạn trói chân tay vào bốn voi để cho voi xé. Một con voi đã kéo nát đùi và lòi gân vua ra, nhưng vua còn quay về cái giỏ chứa xương cha mẹ vua. Lý Hình dùng một con dao để phanh các phần còn dính lại với nhau ra làm bốn phần, cộng với cái đùi đã xé ra nữa là năm. Người ta đem bêu các phần đó lên, ở đầu một cái cọc cao, tại năm chợ đông người hơn trong đô thành. Các cọc đó được canh giữ ngày đêm và người ta dọa phạt nặng những ai làm mất đi; nhưng phải để vậy cho thối ra hoặc cho quạ ăn…” 
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, thì vua Gia Long sau khi có những thao tác “tận pháp trừng trị” lên hài cốt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và thân xác của Nguyễn Quang Toản…, đã  chừa lại ba đầu lâu của 3 tiếm vương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản, bỏ vào 3 cái vò, đậy nắp kỹ, niêm khằng, quấn xích sắt, chú bùa để giam vĩnh viễn tội phạm trong Nhà Đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) vào tháng 11 năm Nhâm Tuất[1802]. Xưa Vũ Khố ở phía tây phường Liêm Năng trong kinh thành, nay đã biến thành trường Đại học nông lâm thuộc viện Đại Học Huế. Di vật của Vũ Khố chỉ còn cái giếng cổ ở trung tâm của trường, dưới gốc cổ thụ và một viên đá kê cột nằm trước cổng trường.
Ảnh  23 Cổng trường Đại học nông lâm thuộc Viện Đại học Huế. Trường được xây dựng trên phần đất của Vũ Khố xưa. Sọ vua Quang Trung từng ở trong vò và bị giam ở Vũ Khố từ 1802 đến 1822.
 
Ảnh  24 Giếng cổ của Vũ Khố xưa, ở ngay sân trường Đại học nông lâm Huế. Giếng này được giữ lại, không lấp, theo tục lệ xưa, khi xây dựng trường Nông lâm súc Huế ( tiền thân của trường Đại học nông lâm Huế).
Ảnh  25 Tảng đá kê cột, di vật hiếm hoi của Vũ Khố, đang nằm chơ vơ bên bờ hồ, trước cổng trường Đại học nông lâm Huế.
Ba cái vò giam ba sọ của ba tiếm vương bị giam ở Vũ Khố (tiền thân là Nhà đồ ngoại) từ 1802 đến 1822. Sau đó vua Minh Mệnh ra lệnh đưa 3 cái vò vào giam ở Khám đường.
Theo Miche, J.B. Roux, Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An thì khám đường ở phường Tây Lộc, góc tây nam của phòng thành Huế. Thời Gia Long, nó được gọi là Ngục Thất. Chính vua Minh Mạng , vào năm thứ 6(1825), đã đổi tên Ngục Thất (nhà tạm giam) thành Khám Đường (phòng xét xử), và tên chính thức trở thành Khám Đường Ngục Thất. Xưa phường Tây Lộc là nơi có đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy…, chuyên sản xuất nông nghiệp để phục vụ một phần lương thực cho triều đình và cư dân sống trong phòng thành và tất nhiên đề phòng khi xảy ra chiến tranh, phòng thành bị vây hãm. Khu vực này hình vuông mà 3 góc gồm góc tây nam của phòng thành, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây. Khám đường ở giữa vùng này, chung quanh có hồ bao bọc, chỉ có một cửa duy nhất để ra vào. Khám Đường có một số dãy nhà để giam tội nhân. Đặc biệt có phòng giam ba cái vò đựng ba cái sọ của ba tiếm vương Tây Sơn. Các chủ ngục, lính canh ngục và các tù nhân đã bí mật lập bàn thờ để thờ ba “Ông Vò”, nhằm cầu đảo khi gặp tai ương…Từ 1822 đến 1885, hằng tháng đều có ban kiểm soát của triều đình đến Khám Đường để kiểm tra ba cái vò nói trên. Hiện nay phần đất của Khám Đường đã dựng trường tiểu học Tây Lộc. Di vật của khám đường là vài viên đá kê cột lộ thiên, chỉ có một viên đá kê cột  to, còn hai viên đá  kê cột nhỏ.
Ảnh  26 Ảnh chụp vệ tinh phường Tây lộc của phòng thàmh Huế, nơi có Khám đường, từng giam giữ ba sọ của ba tiếm vương Tây sơn.
Ảnh  27 Cửa An Hòa ở phía nam phòng thành.
Ảnh  28 Cửa  Chánh Tây phía tây phòng thành.
Ảnh  29 Trường tiểu học Tây Lộc, dựng trên nền cũ của Khám Đường Ngục Thất.
Ảnh  30Đá kê cột loại to, một di vật quí hiếm của Khám Đường Ngục Thất.
Ảnh  31 Một viên đá kê cột nằm ở bờ của cái hào xưa, trước Khám Đường Ngục Thất.
Ảnh  32 Viên đá kê cột nằm ở bờ hào bên phải Khám Đường Ngục Thất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Khám Đường có từ thời Gia Long, lúc vua quy hoạch ranh giới cho phòng thành Huế, nghĩa là từ 1804. Tuy nhiên, qua kiểu thức và chất liệu của hai viên đá kê cột của Khám Đường mới phát hiện, có thể thấy ngục thất này có thể được xây dựng thời chúa Nguyễn. Triều Nguyễn sử dụng Khám Đường cho tới khoảng năm 1900, vào đầu năm 1899, vẫn còn một số tù nhân ở đó. Đêm 22 rạng 23 tháng năm Ất Dậu [1885] phòng thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng hoàng gia phải rời khỏi phòng thành, quân Pháp vào thành…có người mang 3 ông vò chạy trốn. Riêng một ông vò (sọ vua Quang Trung) được một ông họ Phan, người ở gần Cầu Ngói đã theo hào, lạch, sông đưa được vò nhốt sọ vua Quang Trung về Cầu Ngói Thanh Toàn…Giới nghiên cứu ở Huế chỉ biết thông tin chừng ấy.
Ảnh 33Cầu ngói Thanh Toàn, một di tích được xếp hạng, vật mốc trong việc tìm kiếm sọ vua Quang Trung ở Huế ( ảnh của vietnamcayda.com).
Để rõ thêm cách trị tội của triều Nguyễn đối với thân nhân của kẻ trọng tội, chúng tôi lần lượt nghiên cứu đôi nét về mức độ trị tội đối với thân mẫu của Nguyễn Văn Thành, thân phụ của Lê Văn Duyệt, nhạc gia nhạc mẫu của Lê Chất, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân, ông nội của vua Thái Đức.
b - Vua Minh Mạng trị tội thân mẫu của Nguyễn Văn Thành:
Trong các tội trạng của Nguyễn Văn Thành, có tội “sửa mộ mẹ quá phép”. Tất nhiên ngôi mộ thân mẫu của ông Thành cũng bị làm phép trị tội.
Ảnh  34Nấm và các uynh thành của lăng Trung Quân bị nứt .
Ảnh  35 Cổng lăng Trung Quân, có đắp nổi nghê mẹ và  nghê con trên đầu trụ cổng và phía trước có bồn bán nguyệt.
Ngôi mộ của mẹ ông Thành có uynh ngoài bầu dục, trục chính khoảng 13m, trục nhỏ khoảng 11m, hai đầu cuốn lại thành trụ xoáy ốc cao 2,7m, đáy trụ tròn có đường kính 1,1m, uynh cao 2,4m, dày 1,7m. Uynh trong hình tròn cao 1,9m, dày 1,2m, hai đầu cuốn lại thành trụ xoáy ốc với chiều cao 1,8m, đường kính đáy 0,64m. Hai uynh ôm nấm mộ hình nhện dài 3,4m, rộng nhất 1,95m, cao nhất 1,7m. Mồm nhện như ngậm tấm bia đá thanh cao 0,8m.  Riêng dòng chính của bia được khắc chữ Hán với phần phiên âm VIỆT CỐ NGUYỄN HẦU CHÁNH THẤT PHU NHÂN CHI MỘ”, trong đó chữ HẦU là chữ duy nhất bị đục. Dòng lạc khoản phải, góc trên được khắc chữ Hán “ TUẾ TẠI THƯỢNG CHƯƠNG ĐÔN TƯỜNG LỤC NGUYỆT CÁT NHẬT” và dòng lạc khoản phía trái, góc dưới khắc chữ Hán “HIẾU TỬ BÁI LẬP”. Hai uynh cùng nấm mộ đã bị nứt ở  giữa .
 
Ảnh  36 Bia đá Thanh của lăng Trung Quân, chỉ bị đục tước “Hầu”, không đến nổi đục phá bia thô bạo.
Qua khảo sát ngôi lăng Trung Quân nói trên, biết được triều Nguyễn khi trị tội những phạm nhân, có nghị án và có phép tắc luật lệ đối với thân nhân đã qua đời của phạm nhân vậy.              
c- Vua Minh Mạng trị tội Lê Văn Duyệt:
Năm Ất Mùi[1835], vua Minh Mạng ra lệnh đình nghị tội trạng của Lê Văn Duyệt.  Án nghị Tả quân có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân. Bản án nghị có đoạn:
“Sự biến Phiên An, hắn thực là đầu vạ nên chiếu theo luật mưu phản, khép vào tội lăng trì, song hắn đã chịu minh tru, vậy xin truy đoạt cáo sắc, phá bỏ quan quách giết thây, để tỏ gương răn cho người khác. Còn như ông bà đời trước, ông nội bà nội, cha mẹ của hắn nếu được phong tặng cáo sắc, thì xin truy đoạt cả, mồ mả cha mẹ có tiếm dụng phong cáo trái phép nào thì đục bỏ bia đi”.
        Nghị án đưa lên, Minh Mạng ra dụ có đoạn rằng:
“Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Phiên An (Gia Định) đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: “Đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước” .
      Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị đắp xiềng xích bằng vôi. Các ngôi mộ cha mẹ ông bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia. Sau sự biến Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng rất hận Lê Văn Duyệt…Nhà vua chỉ cào bằng nấm mộ của Lê Văn Duyệt, chứ không phá tan thành bình địa khu Lăng Ông.
Ảnh  37 Toàn cảnh ngôi mộ vợ chồng Lê Văn Duyệt .
 
Ảnh  38Hai nấm mộ của Lê Văn Duyệt và phu nhân, được dựng lại sau khi được vua đời sau tha tội.
Để thấy mức độ trị tội thân nhân đã khuất của phạm nhân Lê Văn Khôi và Lê Văn Duyệt, chúng tôi tìm hiểu những ấn chứng trị tội của triều Nguyễn tại ngôi mộ ông Lê Văn Toại (thân phụ của Lê Văn Duyệt). Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng viết bài “Mộ Tả quân Lê Văn Duyệt hiện ở đâu?”( VHGT, 28-5-2006) từng cho biết mức độ triều Nguyễn trị tội thân phụ Lê Văn Toại  của Tả Quân Lê Văn Duyệt:
 
 Bia mộ cũng bị đục xóa gần hết các chữ, nhưng lạ thay, cũng như ở bia mộ Ông Cố, người ra lệnh đục xóa hình như cố ý để lại một số chữ mà qua đó hậu nhân xác định được thân phận người nằm dưới mộ.
 
Ảnh  39Bản dập bia của ngài Lê Văn Toại.
  Đại để hàng bên phải ghi ngày tháng chỉ đục sơ sài một chữ trọng  nên cả câu đọc được dễ dàng: Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ cát nhật , nghĩa là: (Bia được lập) vào ngày tốt tháng năm năm Giáp Tuất (1814).Lạc khoản bên trái cũng còn mấy chữ, đó là: Hiếu tử... (chữ bị đục) Lê Văn Duyệt lập  , nghĩa là: Người con hiếu là... (bị đục) Lê Văn Duyệt lập bia. Kế là: “Hiển tỉ...(đục bỏ) Lê... chánh thất Nguyễn... chi mộ  , nghĩa là: “Ngôi mộ người mẹ qua đời của tôi là bà vợ chánh họ Nguyễn của ông Lê...”.
Và qua phân tích cũng như ở ngôi mộ thứ nhất ta biết đây là tấm mộ bia do ngài Tả quân Lê Văn Duyệt là người con hiếu thảo lập cho mẹ mình đã qua đời là bà vợ chánh họ Nguyễn của ông Lê (Văn Toại)”.
d- Vua Minh Mạng trị tội Lê Chất:
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: Án Lê Văn Duyệt phát ra năm trước thì năm sau (Bính Thân, 1836) có quan Lại bộ tả thị lang Lê Bá Tú dâng sớ truy hặc Lê Chất phạm những 16 tội. Vua Minh Mạng dụ rằng: ...Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giả thử bổ áo quan giết thây, cũng không là quá. Song lại nghĩ Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bổ áo quan giết thây, thì nắm xương khô của Chất nay cũng chẳng màng bắt tội. Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu bạn nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải, song kẻ đàn bà chẳng cần vội vàng chính pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ, đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho”
Năm1910 khi sở công chánh Hà nội đào quãng đường từ đền Quán Thánh đến phủ Toàn quyền Đông Dương để đặt trụ điện, phát hiện hài cốt của Lê Chất với cân đai, áo mũ hãy còn nguyên vẹn. Lúc bấy giờ, chính quyền sở tại đã cải táng mộ Lê Chất ở bên vườn Bách Thú Hà nội
Ảnh  40Quang cảnh vườn Bách thú Hà Nội, mộ cải táng của Lê Chất ở khu vực này.
 
            Trong cuộc điền dã ở Dương Xuân, dựa vào thực trạng công trình kiến trúc, ký ức dân gian…chúng tôi phát hiện hai ngôi mộ của vợ chồng tướng Lê Trung, nhạc gia và nhạc mẫu của Lê Chất. Vì bị nghi làm phản nên Lê Trung và vợ bị Cảnh Thịnh giết năm Mậu Ngọ[1798] (tương truyền bà vợ của Lê Trung là công chúa, con của chúa Nguyễn Phúc Chu). Con rễ của Lê Trung là Lê Chất đã về hàng Nguyễn Vương, lập nhiều công trạng nên vợ chồng Lê Trung mới khỏi tội vào thời Gia Long. Lê Chất đã xây mộ cho nhạc gia, nhạc mẫu rất bề thế…Nhưng khi Lê Chất bị khép tội vào thời Minh Mạng thì hai nấm của hai ngôi mộ bị san bằng. Hiện nay có người thuộc hoàng tộc, nhờ ngoại cảm biết “bà cô cửu  đợi”( vợ của Lê Trung, từng bị tùng xẻo) nên đã đắp lại hai nấm…(Chúng tôi sẽ công bố kỹ hơn trong một dịp khác).  
                   Ảnh 41    Mộ của Lê Trung do vợ chồng Lê Chất phụng lập, nấm từng bị cào bằng và mới đắp lại gần đây.
 
        Ảnh 42 Mộ của bà Chất (công chúa của chúa Nguyễn Phúc Chu), do vợ chồng Lê Chất phụng lập, có nấm bị cào bằng và mới được đắp lại.
Triều Nguyễn trị tội những trọng phạm thường cào bằng nấm mộ, dựng bia để răn kẻ khác. Nếu phá tan thành bình địa thì không còn di chứng của kẻ tội phạm, không có chỗ để răn đe kẻ gian tặc khác.
e-Vua Minh mạng trị tội Ngọc Hân công chúa:
Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi [1799], trong bối cảnh kinh đô Phú Xuân của triều Quang Toản khá rối ren, lo đối phó với tình hình “đất thang mộc Tây Sơn” đang bị Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh phá. Các đại thần theo lời trăn trối của tiên đế Quang Trung, muốn dời kinh đô ra Nghệ An. Có khả năng bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân, đã dâng sớ lên vua Cảnh Thịnh, xin đưa linh cửu Bắc Cung hoàng hậu về táng ở làng Phù Ninh. Người lo việc đưa linh cửu Ngọc Hân là đô đốc Hài. Khi vua Gia Long thanh toán Tây Sơn, bắt được bà Lê Thị Ngọc Bình, con nuôi bà Chiêu Nghi, vợ của Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, nhà vua quyết định lấy bà Ngọc Bình làm vợ. Vì thế bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền trở thành nhạc mẫu của vua Gia Long. Với vị thế và uy vọng của bà Huyền, hơn nữa chính sách thu phục nhân tâm Bắc Hà của vua Gia long, có khả năng thời Gia Long mộ bà Ngọc Hân chưa từng bị quật.  Khoảng năm 1804, tình hình lắng dịu, bà Huyền  cho người tìm hài cốt của hai người con của Ngọc Hân, đưa về táng ở bãi Cây Đại làng Phù Ninh. Đến đời vua Minh Mạng, do sự tố giác của người  làng Nành, vua Minh Mạng mới cho đào phá toàn bộ hài cốt của ba mẹ con Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân, xong ném xuống sông.
Ảnh  43 Miếu thờ và liếp mộ (mới sửa lại) của  mẹ con Bắc cung hoàng hậu Lê Thị Ngọc Hân ở bãi Cây Đại, làng Nành( Phù Ninh, Bắc Ninh).
Số phận ngôi mộ của Ngọc Hân ở làng Nành thời Gia Long có liên quan đến bà Lê Thị Ngọc Bình. Đệ tam cung hoàng hậu Ngọc Bình là nhân vật lịch sử có lá số khá độc đáo. Bà vốn họ Nguyễn, tên  là Nguyễn Thị Ân, sinh ở làng Nành, cháu gọi bằng cô của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà Chiêu nghi nhận cháu gái Nguyễn Thị Ân làm con nuôi, cải tên Lê Thị Ngọc Bình,  cô Ân trở thành em gái của Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Vua Quang Toản nối ngôi vua Quang Trung, Lê Thị Ngọc Bình nhập cung và sớm trở thành bà phi mà vua Tây Sơn sũng ái nhất. Năm 1801, vua Quang Toản chạy ra Thăng Long, cải niên hiệu Cảnh Thịnh thành niên hiệu Bảo Hưng, Ngọc Bình càng được vua Quang Toản sũng ái. Khi bị vua Gia Long truy bức, vua Quang Toản  chạy trốn trong rừng Phượng Nhãn, chỉ còn bà Ngọc Bình ngồi cùng với mình trên bành voi ngự, Ngọc Bình trở thành hoàng hậu của vua Tây Sơn bại vong và rốt cuộc hai vợ chồng bị quân vua Gia Long bắt.
Về Phú Xuân thì vua Quang Toản bị vua Gia Long xử tử, còn bà Ngọc Bình trở thành vợ của vua Gia Long, sinh được hai hoàng tử là Quảng Uy công và Thường Tín vương. Sau khi qua đời bà Ngọc Bình được truy  phong Đệ tam cung hoàng hậu của tiên hoàng đế Gia Long.
Mộ phần của Đệ tam cung hoàng hậu Ngọc Bình ở xứ Chầm, gần chùa Huyền Không Sơn Thượng. Khi nhà nước giải phóng mặt bằng, mộ bà Ngọc Bình trong diện phải di dời, được bà công chúa Campuchia, cháu ngoại vua Thành Thái về Huế, trực tiếp rửa từng lóng xương của bà Ngọc Bình và cúng tiền xây lăng mới cho bà Ngọc Bình vào tháng 6 năm Mậu Tí [2008].
Ảnh  44 Nấm mộ của bà Lê Thị Ngọc Bình được chừa lại khi san lấp mặt bằng ở Long Hồ.
f- Mộ ông nội của Nguyễn Nhạc:
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mỹ thì ở khu vực có gò Lăng,  làng Phú Lạc, Bình Định vẫn còn ngôi mộ của ông nội của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Mộ không bị san thành bình địa, bia chỉ bị đục một số chữ ( vẫn còn đọc được). Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Mỹ viết:
 
Ảnh  45 Anh Mai Văn Châu bên nấm mộ cổ được nhiều người cho là mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt ở đồng Lăng, làng Phú Lạc - Ảnh: H.V.MỸ
 “Cũng từ việc cải tạo đồng ruộng này, người ta đã phát hiện một bia đá khổ lớn bị chôn vùi, cách ngôi mộ cổ chừng 6m về hướng bắc. Chỉ đến khi các cán bộ ở Bảo tàng Quang Trung đến tiếp nhận và cho dịch giải những dòng Hán tự khắc trên bia thì mọi người mới hiểu đây là bia mộ của ông nội Tây Sơn tam kiệt (được khắc dựng năm Kỷ Hợi, 1779, một năm sau khi Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế). Toàn văn tấm bia (được khắc trên đá trắng nhờ, xung quanh khắc hình rồng), được tìm thấy bên cạnh ngôi mộ cổ ở đồng Lăng làng Phú Lạc: "Tuế thứ Kỷ Hợi, trọng xuân, cốc nhật.Việt cố hoàng hiển tổ khảo Cang nghị mưu lược minh triết công chi lăng. Ngự chế" (tạm dịch: Năm Kỷ Hợi, giữa xuân, ngày lành. Lăng mộ của Cang nghị mưu lược minh triết công (tước), ông nội quá cố của vua nước Việt. Nhà vua tạo lập). Những chữ "Việt cố hoàng hiển tổ khảo" bị đục một số nét chính. Phần lớn thành mộ đã bị phá vỡ, còn nấm mộ thì bị kẻ gian đào khoét để tìm của báu. Nếu ngôi mộ trên đây được xác định là của ông nội ba vị thì đây là ngôi mộ duy nhất (cùng bi ký) của dòng tộc nội - ngoại Tây Sơn tam kiệt được tìm thấy…”
Nghiên cứu các phần a, b, c, d, e, f cho thấy vua Gia Long, vua Minh Mạng không trị tội kẻ thù một cách thô bạo mà có nghị án, dựa vào pháp luật. Đối với thân nhân đã khuất của tội phạm, không phải là người nhà Tây Sơn, thì chỉ cào bằng nấm mộ, không phá tan thành bình địa lăng mộ mà dựng bia chỉ rõ việc trị tội và nhằm răn đe người khác.
6-Lăng Đan Dương bị quật phá nhưng triều Nguyễn  vẫn giữ lại một phần để làm bằng chứng  về “tội phúc diệt”của “ ngụy Toản ”đối với triều Thanh:             
a-Làm mộ giả cho vua Quang Trung ở Linh Đàm, Thăng Long:
Sau khi vua Quang Trung băng hà vào năm Nhâm Tí [1792] , các đại thần triều Tây Sơn  sớm phò Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh và vua trẻ đã cử Ngô Thì Nhậm làm chánh sứ, qua Trung Quốc để báo tang và cầu phong. Vua Thanh đã chứng tỏ sự trọng thị Tiên đế Quang Trung, tạo điều kiện tốt cho sứ bộ Ngô Thì Nhậm, chấp thuận phong Nguyễn Quang Toản làm An Nam quốc vương, cử Tề  Bồ Sâm sang lễ điếu vua Quang Trung. Như lệ thường, các phiên thần phải theo điển lễ của thiên triều nhưng  triều đình Cảnh Thịnh chỉ chấp thuận trên mặt ngoại giao mà thôi. Để chứng tỏ chủ quyền của Đại Việt, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã làm khác.  Trong tấu sớ gửi Thiên triều, Cảnh Thịnh đã  báo cáo việc táng Tiên đế Quang Trung ở Thăng Long,  để gần Thiên triều như lời trăn trối của vua cha nhưng lại táng tiên đế ở Phú Xuân. Triều đình Cảnh Thịnh đã chọn mộ của một bà phi của chúa Trịnh Cương  ở làng Linh Đàm, sửa thành mộ giả của vua Quang Trung. Vua Cảnh Thịnh cử đại thần đón tiếp sứ bộ Tề  Bồ Sâm, hướng dẫn sứ bộ nhà Thanh đi vòng vèo, sứ bộ Trung Quốc không chịu, sau đó phía Đại Việt  mới đưa  họ đến làm lễ ở mộ giả Linh Đàm. Vua nhà Thanh đã tặng một bài thơ khắc bia đá dựng ở mộ ( giả) và tặng thụy TRUNG THUẦN. Viện khảo cổ Việt Nam đã tiến hành khảo sát mộ giả vua Quang Trung (sau khi bị kẻ gian đào trộm) vào mùa đông năm Kỷ Tị [1989], biết được chủ nhân thật của ngôi mộ giả là một bà phi của chúa Trịnh Cương. Trên 200 năm mà “ nhìn lăng đá uy nghiêm đứng sừng sững cách đình làng Linh Đường chừng 300 mét về phía bắc, cách quốc lộ 1A chừng 1 km về phía đông, cửa lăng lại ngoảnh trông về khoảng trời phía nam…”(Nguyễn Quang Ân). Người ta đã giữ lại ngôi mộ giả để làm bằng về tội khi quân đối với Thiên triều.
Ảnh  46 Hiện trường khai quật khảo cổ học ngôi mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đàm.
Ảnh  47 Một số di vật là đồ tùy táng của chủ nhân thật của ngôi mộ.
Ảnh  48 Quang cảnh khu vực hồ Linh Đàm hiện nay.
b-Không tế THIÊN, ĐỊA ở một nơi, lại tế làm hai nơi:      
Về tế THIÊN ĐỊA, lệ ở Trung Quốc và phiên thần luôn tế chung ở ĐÀN NAM GIAO. Đàn Nam Giao có viên đàn tượng trời chồng lên phương đàn tượng đất. Lệ này có từ thời Minh. Minh Thành Tổ từng nói: “ Vua coi TRỜI như cha, ĐẤT như mẹ , tế cha tế mẹ làm hai nơi lòng con sao đành”. Thế nhưng Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản dựng GÒ VIÊN KHÂU NÚI BÂN để TẾ TRỜI vào ngày ĐÔNG CHÍ , dựng ĐÀN PHƯƠNG TRẠCH CHÙA THIÊN MỤ để TẾ ĐẤT vào ngày HẠ CHÍ. Đây là “trọng tội” đối với Thiên triều Trung Quốc.
Ảnh  49 Gò Viên Khâu (núi Bân) gồm 3 viên đàn đường kính 20m, 40m,60m , nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế và vua Cảnh Thịnh tế TRỜI vào ngày Đông Chí , trái với yêu cầu của nhà Thanh. Triều Nguyễn vẫn giữ lại 3 viên đàn như một bằng chứng về “tội phúc diệt” của Tây Sơn đối với thiên triều.
                                        
Ảnh  50 Các viên đàn của Gò Viên Khâu giữ lại trên 200 năm.
 
Ảnh  51 Những mảnh gạch bìa mỏng dùng để ốp, lát các viên đàn vẫn còn khá nhiều ở Gò Viên Khâu Tây Sơn, giống gạch bìa ở đàn Phương Trạch Tây sơn và gạch bìa ở lăng Ba Vành.
Ảnh  52 Ảnh vệ tinh, chụp đồi Hà Khê, có chùa  Thiên Mụ , từng trở thành ĐÀN PHƯƠNG TRẠCH  để Tây Sơn tế ĐẤT vào ngày Hạ Chí ( trái với yêu cầu của thiên triều đối với phiên thần An Nam).
Ảnh 53-US"> Những mảnh gạch bìa mỏng dùng để ốp, lát phương đàn, phát hiện ở Đàn Phương Trạch của Tây Sơn ở Phú Xuân.
Ảnh  54Môtíp rồng Tây Sơn trên tảng đá cắm cờ ở Đàn Phương Trạch của Tây Sơn ở Huế.
  Trong bài thơ “ Phỏng Thiên Mụ tự chỉ tác” (Thăm nền cũ chùa Linh Mụ), phần nguyên dẫn, Phan Huy Ích viết :  “ Mùa đông năm Bính Thìn [1793] tôi vâng mệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước đây quan quân triệt bỏ các nền chùa cũ. Mùa xuân đem chiếc khánh quí bỏ vào trong điện, nền chùa còn lại thì san đi để đắp đàn , ngày Hạ chí vua ra tế thần đất thấy còn lại một tòa Phật đường làm nơi vua ngự.Ngoài ra nào điện , nào am đều đổ nát không còn gì, chỉ còn tấm bia đá rêu phong đứngsừng sững bên đường cái”( Thơ văn Phan Huy Ích , tập II, nxb KHXH , Hà Nội,tr. 118). Trong bài thuyết “Liên Hạ Thi Minh” do Ngô Thì Nhậm  viết năm 1800  có đoạn :“ Tới ngày Hạ chí tôi hộ giá đến đàn Phương Trạch…”( Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển II, nxb KHXH, Hà Nội , 1978, tr. 226) . Và Lâm Giang thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm từng cho biết trong tập “Thu Cận Dương Ngôn” Ngô Thời Nhậm có bài thơ Đàn Nam Giao ( Hữu sở tư-kỳ thất) , Đàn Phương Trạch( Hữu sở tư- kỳ bát) ( Di sản Hán Nôm Huế, Trung tâm BTDT cố đô Huế- ĐH KHXHN &NV-ĐH QG Hà Nội, Huế 2003, tr . 159). Đàn Nam Giao Tây Sơn ở Huế là Gò Viên Khâu được dựng trên núi Bân, gần Ngự Bình. Khi chạy  ra Thăng Long năm Tân Dậu [1801] , Nguyễn Quang Toản vẫn dựng Đàn Phương Trạch và Gò Viên Khâu ở hai nơi khác nhau  như từng làm ở kinh đô Phú Xuân. Phạm Đình Hổ chép : “ Mùa hạ năm Tân Dậu [1801], vua Thiếu chủ đời Tây Sơn phải bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc thành và đổi Bắc thành thành Kinh  Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở bên Tây Hồ , chuẩn định cứ đến ngày Đông chí, Hạ chí thì tế Thiên, Địa…)( Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến , nxb Văn Hóa , Hà Nội , 1960, tr. 58). Việc làm này là bằng chứng triều Tây Sơn đã không theo điển lễ của Thiên triều, tất nhiên đây là tội phúc diệt của Tây Sơn vậy.
c-Chính sách ngoại giao khôn khéo của vua Gia Long để tước ấn “AN NAM QUỐC VƯƠNG” của Nguyễn Quang Toản:
Nguyễn Vương  bất ngờ đánh chiếm Phú Xuân vào tháng 5 năm 1801, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản vội vàng chạy ra bắc, không kịp mang theo ấn An Nam Quốc Vương do nhà Thanh ban, cùng sách phong và các ấn khác. Nguyễn Vương Phúc  Ánh  vào thành Phú Xuân , bắt nhiều tù binh và đã khoan hồng nhiều binh tướng của Tây Sơn , thu dụng và biên chế vào đội ngũ quân đội của mình. Nguyễn Ánh sớm ổn định tình hình cựu đô và lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, tế cáo trời đất ở làng An Ninh. Ngay từ khi còn đứng chân ở Gia Định, Nguyễn Vương đã khéo léo tiến hành chiến đấu với Tây Sơn trên mặt trận ngoại giao. Biết Tây Sơn dung túng bọn cướp biển Tề Ngôi, nên mỗi khi bắt được bọn này thì Nguyễn Vương cử sứ giả mang nộp cho Trung Quốc. Dưới thời vua Càn Long, do tin dùng các tín thần như Hòa Khôn, Phúc Khang An nên Tây Sơn đã khéo léo ngoại giao với triều Thanh qua Phúc Khang An, kết quả vua Quang Trung được vua Càn Long trọng thị.
Ảnh 55  Hoàng đế Quang Trung của Đại Việt.
  Thời vua Càn Long, bọn Phúc Khang An, Hòa Khôn giỏi che mắt vua già Càn Long trong việc ngoại giao với Tây Sơn. Vua Càn Long trọng thị vua Quang Trung thực lòng và bọn Hòa Khôn, Phúc Khang An tha hồ hưởng lợi. Việc này có ông hoàng tử thứ  mười một  biết được, rất hận Hòa Khôn, Phúc Khang An và Tây Sơn
                                       
Ảnh 56 Hoàng đế Càn Long của Đại Thanh. Vì thế khi hoàng tử thứ 11 nối ngôi và trở thành hoàng đế Gia Khánh, ông vua này đã tịch thu gia sản của Hòa Khôn và ra chỉ dụ mạt sát vua Quang Trung của Đại Việt. Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo từng viết:  “Dư luận ở Trung Quốc lúc đó đã xôn xao về một giả vương Quang Trung đến kinh đô Trung Quốc. Nguỵ Nguyên- một tác giả đầu thế kỷ XIX khi viết cuốn Càn Long chinh vũ An Nam ký (1842) đã có nghe ngóng dư âm về cuộc tiến kinh Trung Quốc của vua Quang Trung nên đã có nhận xét “hình như người Thanh biết đó là Quang Bình giả” .Vua Càn Long càng thoả chí bao nhiêu, thì con ông, tức là vua Gia Khánh sau này càng cảm thấy đau khổ và nhục nhã bấy nhiêu. Tây Sơn sử truyện đã tiết lộ cho chúng ta biết điều đó: “Người Thanh có kẻ hoài nghi là có sự giả mạo, nhưng Thanh đế trước sau vẫn không biết gì hết, chỉ có ông hoàng thứ mười một trong lòng lấy làm khinh bỉ”
 
Ảnh 57 Hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh, thời còn hoàng tử và khi đã nối ngôi rất căm thù Hòa Khôn và các vua Tây Sơn.
Sau khi viên Tổng binh Tàu Ô Trần Thiêm Bảo đầu thú, nạp cả sắc phong do vua Quang Trung ban cho. Đọc sắc phong này, vua Gia Khánh phẫn nộ, dùng những lời nặng nề miệt thị vua Quang Trung:
Ngày 14 tháng Một năm Gia Khánh năm thứ 6 [19/12/1801]
Dụ các Quân Cơ Đại thần: Bọn Cát Khánh tâu “Cướp biển Trần Thiêm Bảo mang cả gia quyến đầu thú, lại trình nạp sắc ấn của An Nam cấp cho.” Tấu triệp xưng “Trần Thiêm Bảo nhân đánh cá gặp bão, vào năm Càn Long thứ 48 [1783 ] bị Nguyễn Quang Bình bắt, phong chức Tổng binh v.v…”; có thể thấy trong nhiều năm hải tặc quấy phá đều do An Nam chứa chấp gây ra. Lúc Nguyễn Quang Bình còn sống, bắt người của nội địa, gia phong ngụy tước hiệu, rồi tung ra biển cướp phá. Nguyễn Quang Bình đích thân chịu ơn nặng của Hoàng khảo,  làm việc táng tận lương tâm, thực không đáng là con người. Nay duyệt lại tờ ngụy chiếu của viên Quốc vương này có câu “Thị thiên hạ như nhất gia, tứ hải như nhất nhân” [Coi thiên hạ như một nhà, bốn biển như một người]; thật thuộc vào loại ếch ngồi đáy giếng, giống như nước Dạ Lang ngu dốt tự cho mình là to lớn! [Dạ Lang tự đại] …”
Nắm được tình hình ngoại giao giữa Tây Sơn và Đại Thanh, khi đánh chiếm Phú Xuân  và sau đó lên ngôi, vua Gia Long đã cử sứ bộ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Hoàng Ngọc Uẩn qua Trung Quốc dâng sớ tố cáo tội ác của Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, dâng nạp ấn tín sách phong mà Cảnh Thịnh để lại Phú Xuân, dâng nạp bọn giặc Mạc Quang Phù mà Tây Sơn từng dung túng để quấy phá miền duyên hải Trung Quốc. Đường lối ngoại giao khôn khéo này làm vừa lòng vua Thanh và triều Thanh đã không cất quân sang cứu viện Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản ở Thăng Long. Vua nhà Thanh ra dụ khen ngợi và nói thêm tội phúc diệt của nhà Tây Sơn; tội ấy chắc chắn là tội tổ chức Quang Trung giả sang triều kiến Càn Long, không theo điển lễ của Triều Thanh, cũng như tội nói dối về việc an táng tiên đế Quang Trung. Sau khi thanh toán Cảnh Thịnh, vua Gia Long cử sứ bộ Lê Quang Định, Nguyễn Gia Cát sang Thanh cầu phong và đặt quốc hiệu.Vua Thanh từng ra chỉ dụ nói rõ về “ tội phúc diệt” của Nguyễn Quang Toản. Xin trích một đoạn trong dụ mà vua Gia Khánh từng gửi cho vua Gia long: “ Đại Thanh Hoàng đế sắc dụ cho Quốc vương Việt Nam Nguyễn…
Trước đây Trẫm coi tờ biểu của ông trình bày gốc ngọn về việc chiến tranh ở An nam là vì muốn phục thù cho đời trước, và đã kính cẩn sai kẻ bồi thiêm đệ giao sắc ấn của Nguyễn Quang Toản bỏ sót lại, cùng là bắt trói bọn cướp bể đem hiến để xin mệnh lệnh. Trẫm thấy vượt bể sang dâng tấm lòng thành, nên đặc biệt khen ngợi thâu nhận, và đã ban dụ nói rõ duyên do về việc Nguyễn Quang Toản ở An nam mắc tội phúc diệt, cùng việc ông một niềm cung thuận gắng sức, để trước tuyên cáo cho trong ngoài đều biết…”(Bửu Cầm dịch và công bố ).
 
Vì thế vua Gia Long phải để lại một phần GÒ VIÊN KHÂU, ĐÀN PHƯƠNG TRẠCH, ĐAN DƯƠNG LĂNG , MỘ GIẢ LINH ĐÀM để làm bằng chứng về tội khi quân của Quang Toản đối với thiên triều. GÒ VIÊN KHÂU, ĐÀN PHƯƠNG TRẠCH, MỘ GIẢ LINH ĐÀM trên 200 năm vẫn còn dấu tích khá rõ, vậy thì ĐAN DƯƠNG LĂNG phải còn tối thiểu một số cấu kiện để răn đe kẻ khác, chứ không thể xóa sạch như định kiến của một số nhà nghiên cứu ở Huế khi đi tìm Đan Dương Lăng . Tuy nhiên, vì sự trả thù quá ư khủng khiếp của vua Gia Long đối với những nhân vật chóp bu của triều Tây Sơn, gây cho chúng ta một định kiến; rằng cái gì thuộc về triều Tây Sơn đều bị triều Nguyễn cũng phá sạch, giết sạch. Có như thế không? Thực ra vua Gia Long đã tha bổng nhiều người, các đại thần hàng văn như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn… được tha, Ngô Thế Lân có gắn bó với Tây Sơn cũng được tha, các quan văn đều cho về quê nhà, các con cháu của những ai từng cọng tác với Tây Sơn như Ngô Kim Lân, Ngô Kim Thanh… vẫn được trọng dụng. Các chuông đồng đuợc đúc thời Cảnh Thịnh, chỉ bị đục niên hiệu, chứ không nấu chảy hết, ngay đến công trình kiến trúc tiêu biểu của Tây Sơn là gò Viên Khâu, trên núi Bân, cũng bị phá chiếu lệ, vẫn còn hình dạng của ba đàn tròn chồng lên nhau, để làm bằng chứng về tội của ngụy triều Tây Sơn với Thanh triều. Ngay mộ giả ở Linh Đàm ( Thăng Long) vẫn được giữ lại cho đến nay… Định kiến trên từng gây khó khăn khi nghiên cứu về Tây Sơn. Vậy chúng ta hy vọng vẫn còn những di vật, di chứng của Đan Dương lăng như Gò Viên Khâu của Tây Sơn (núi Bân), mộ giả Linh Đàm.
B-LĂNG BA VÀNH BỊ QUẬT PHÁ, TRỊ TỘI, BỊ YỂM.
    1-   Lăng Ba Vành bị quật phá nặng nề nhưng đúng bài bản pháp luật:
        
                a-p; a-Tân nguyệt trì bị phá:
Căn cứ vào lượng đá trái nằm ở bờ tân nguyệt trì, trước cổng tam quan cho thấy ngày xưa tân nguyệt trì có bờ kè đá, lòng hồ cũng được lát đá và tất nhiên có lan can thấp quanh hồ. Nhiều người lớn tuổi của làng Cư Chánh đều cho biết hồ trước lăng Ba Vành có đáy lát đá và nước trong xanh. Người lớn dặn dò người trẻ đừng tắm ở hồ ấy vì hồ của lăng cổ. Hiện nay tân nguyệt trì vẫn còn dấu vết của những bậc cấp xây bằng đá dẫn xuống hồ…Tất nhiên tân nguyệt trì từng bị phá để trị tội, nhưng vẫn bảo lưu hình dạng “tân nguyệt” (biểu tượng lăng vua) để chứng tỏ sự tiếm ngụy vậy
.
Ảnh 58 Ảnh chụp tân nguyệt trì của lăng Ba Vành khi có nước nhìn từ hông phải.
b.Cổng tam quan bị giựt sập, các biểu trưng lăng bị xóa:
Cổng tam quan, chứng tỏ lăng vua, của lăng Ba Vành bị giựt sập hoàn toàn. Cổng này  từng có một tảng đá có khắc tên hiệu của lăng, khắc theo lối chữ triện, đã bị đục xóa tỉ mỉ. Lại có ba tảng đá dài vừa làm lăng tô cho ba cửa vừa làm phông của ba bức phù điêu đắp nổi trên mặt đá. Bốn trụ được xây bằng đá lớn, nhưng vòm cổng xây bằng gạch bìa 14x22x3 cm, gạch múi bưởi, gạch vuông 20x20x 5cm không nung mà chỉ ép lực . Chắc chắn trên cùng của cổng tam quan có đắp nổi hai đầu rồng chầu mặt trời. Hiện nay chỉ còn hai trụ hai bên đã bị phá đầu trụ nhưng vẫn còn dấu vết bản  lề của cửa lăng. Hai trụ giữa bị xóa sạch chỉ còn dấu vết móng trụ.  
 
Ảnh 59  Cổng tam quan sau khi phát quang, phát lộ dấu vết của hai móng của hai trụ giữa, chứng tỏ cổng tam quan bị tàn phá nặng nề.
Ảnh 60 Ảnh chụp một đầu trụ trong trạng huống “dậu đổ bìm leo”
                                                
Ảnh 61 Ảnh chụp má trụ ngoài bên trái, từ trong lăng nhìn ra, còn dấu vết của bản lề của cửa lăng.
Ảnh 62 Má trong trụ phải, còn dấu vết bản lề và bậu cửa.
Ảnh 63 Tảng đã xanh từng có khắc tên lăng, bị đục nát không còn đọc được, nhưng có thể biết được tên lăng từng được khắc theo lối chữ triện.
Ảnh 64  Ảnh chụp tảng đá có đắp nổi phù điêu bằng vôi vữa, dấu vôi vuông vắn của đường viền vẫn còn.
Ảnh 65  Ảnh chụp tảng đá dài làm lăng tô của cổng tam quan của lăng.
c. Sân chầu, chiếm nửa mặt bằng của bửu thành lăng Ba Vành,  bị tàn phá do con người và do thời gian.
Sân chầu cùng bái đình chiếm gần nửa bình đồ của lăng Ba Vành, tính từ cổng tam quan của lăng đến móng của bình phong. Sân chầu còn dấu vết của gạch bìa mỏng, chứng tỏ sân chầu vừa có lát gạch, đá trên lối đi và có chỗ trồng cỏ, hoa. Trừ hoa dại, trong lăng còn di chứng hoa trang đỏ. Một phần của sân chầu bị chiếm bởi ngôi mộ giả của Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại, mà chúng tôi sẽ lý giải trong bài viết sau.
Ảnh 66 Ảnh chụp sân chầu đã bị tàn phá và cổng ngôi mộ giả .
d.Bình phong tiền bị đập phá, đến năm 1960 vẫn còn nền móng
Các cụ già ở làng Cư Chánh từng vào lăng Ba Vành săn bắn trong khoảng 1940-1960 vẫn còn thấy một bình phong tiền khá cao và rộng, chưa có ngôi mộ giả. Hiện nay không còn bình phong tiền nữa, nhưng ngôi mộ giả của Lê Quang Đại được dựng bằng đá và gạch của bình phong tiền.
Ảnh 67 Cửa mộ của ngôi mộ giả, được xây bằng đá của bình phong. Trước  năm 1961 không có ngôi mộ giả này f. Ba uynh thành
Uynh thành trong bên trái, nhìn từ trong của lăng, ban đầu là con cù dậy hoặc rồng lá cách điệu, bị “chém đầu”. Nhưng nửa uynh thành còn lại, bên phải nhìn từ trong lăng, là một con cù dậy hay rồng cách điệu,  được giữ nguyên như một bằng chứng về tội “ tiếm ngụy”.
Uynh thành thứ nhì cơ bản được giữ nguyên, hai đầu uynh có 4 bức phù điêu đắp nổi 4 con rồng cách điệu. Tuy nhiên uynh thành này cũng bị cắt phía trái một đoạn.
Uynh thành ngoài là hai con rồng mà hai đầu rồng tì trên 4 trụ của cổng tam quan. Đầu rồng bị phá hoàn toàn và con rồng bên trái cũng bị chém ngang lưng.
Như thế cả ba uynh thành của lăng đều bị phá theo kiểu trị tội chứ không xóa sạch. g. Nấm mai rùa: Mộ có nấm mai rùa thuộc loai quí hiếm, thường không có chủ nhân. Khi phát hiện được chủ nhân của những ngôi mộ có nấm mai rùa thì họ thường là phụ mẫu của các quan Tây Sơn khi còn phục vụ triều Tây Sơn hoặc khi đã về hàng vua Gia Long. Lăng Ba Vành có nấm mai rùa bị bạt một góc trái theo lối trãm để trị tội. Một số nhà nghiên cứu bị nhầm lẫn khi cho rằng nấm mai rùa bị quật để kéo quan tài ra khỏi mộ. Thực ra khi ninh lăng hay lấy quan tài ra khỏi mộ, người ta đều dùng đường toại đạo ( đường hầm).
Ảnh 68 Nấm mai rùa bị bạt góc trái, theo kiểu chém “tả đao”, không phải đục để kéo quan tài ra khỏi mộ. Quan tài bị kéo ra khỏi mộ bằng đường toại đạo. 
Ảnh 69 Ảnh chụp nấm mộ mai rùa bị trãm ở góc trái. Đầu cù trái bị chặt đầu     h. Hầm lưu giữ chứa đồ thờ Giữa uynh thành trong và uynh thành giữa, trên trục vuông góc với đường thần đạo có một hầm hình hộp, được xây bằng gạch, nấp hầm tạo tác bằng đá. Hầm này bị phá hoàn toàn. Nấp hầm bị kéo ra khỏi bửu thành, vứt ở bờ tân nguyệt trì. Hiện nay đã bị mất nhưng  vẫn còn ảnh chụp. Mặt trên thô ráp nhưng mặt dưới ghè đẽo vuông vắn.
Ảnh 70 Ảnh chụp nấp hầm bằng đá ở bờ tân nguyệt trì (hiện nay đã thất lạc).
i.Nhà bia có đế chữ thập, mái che lợp ngói và tôn trí bia thờ.
Nhà bia chứa bia thờ hoàn toàn bị triệt giải, chỉ còn nền nhà bia có đế chữ thập. Năm 1986, nền đủ 4 góc vuông khuyết, rõ ràng bình đồ của nền là chữ thập. Mái che không còn nhưng chúng tôi phát hiện nhiều mảnh ngói liệt quanh nền nhà bia. Vẫn còn mảnh pha lê của đồ tự khí và bia thờ bị đục nát, dấu vết của việc cắt đầu bia, tai bia vẫn còn. Hiện nay bia này được bảo tàng Huế lưu giữ trong kho .
Ảnh 71 Ảnh chụp nền nhà bia đã bị phá nát.
Ảnh 72 Nhà bia vẫn còn dấu vết của nền chữ thập.
Ảnh 73 Di vật ngói và gạch là bằng chứng nhà bia có mái che.
Ảnh 74 Vật liệu xây dựng nhà bia gồm có đá, gạch, ngói.         
Như thế tấm bia nằm trên đường thần đạo, trước nấm mai rùa, sau bình phong tiền,  bằng đá granit là bia phụng lập. Bia này trước đây ở liếp trên, gần nấm mai rùa, hiện nay được kéo xuống ở liếp dưới và bị đổ nghiêng về phía trước.
k- Nhà hộ lăng :
Khi Đan Viện Thiên An được thành lập thì vườn cam Thiên An sau đó cũng hình thành. Nhà quản vụ vườn cam  được dựng trên một nền móng cũ của nhà hộ lăng của lăng Ba Vành và lăng bà Tả Cung họ Phạm (thân mẫu của vua Cảnh Thịnh). Hiện nay trong sân của nhà quản vụ vườn cam của đan viện Thiên An còn lưu giữ nhiều đá kê cột, đá lát nền, một cái cối đá, nhiều chậu cảnh bằng đá rất cổ và một giếng cổ. Đặc biệt trong vườn cam còn nhiều mảnh gạch rất giống gạch bìa của lăng Ba Vành. Như thế lăng Ba Vành có nhà hộ lăng đã bị triệt hạ.
 
Ảnh 75 Quang cảnh nhà quản vụ vườn cam của đan viện Thiên An, được dựng trên nền móng cũ của nhà hộ lăng của lăng Ba Vành và lăng của bà Tả cung họ Phạm.
 
Ảnh 76 Toàn cảnh vườn lăng của lăng Ba Vành nhìn từ vệ tinh, có nhà hộ lăng (hiện nay là nhà quản vụ vườn cam).
    
Ảnh 77 Ảnh chụp các viên đá kê cột của nhà hộ lăng còn lưu giữ ở nhà quản vụ vườn cam của đan viện Thiên An.
 
2-  Lăng Ba Vành còn những ấn chứng trị tội tiếm ngụy của chủ nhân và người phụng lập.
a-Ấn chứng trị tội trên bia phụng lập:
Trong bài viết trước chúng tôi đã làm rõ chức năng của hai cái bia ở lăng Ba Vành. Và nếu lăng Ba Vành là Đan Dương lăng của vua Quang Trung thì “số phận” của hai bia, dưới góc độ ngôi lăng bị trị tội, như sau :
Bia thờ: Bia nguyên thủy không còn nữa, nhưng các bô lão của làng Cư Chánh (xưa là Cư Hóa) đều kể lại sự kiện quan trọng; rằng khi chưa có lăng Hiếu Đông (mẹ vua Thiệu Trị), lăng vua Thiệu Trị, lăng bà Từ Giũ, lăng bà vợ đầu vua Thiệu Trị thì khi xây dựng lăng Ba Vành, người xưa tạo tác bia thờ ở chỗ khác. Người xưa đã cho voi kéo bia thờ thuộc vào loại lớn, chân bia dài. Ngang ngã ba thuộc làng Cư Hóa, voi rống to và không chịu kéo nữa, dẫu nài voi đã cố điều khiển. Người xưa quyết định hớt bớt chân bia để làm phép hoặc đỡ vướng. Khúc chân bia bằng đá để lại bên vệ đường gần ngã ba. Dân sở tại thường xuyên thắp hương để thờ tảng đá thần này. Về sau làng Cư Hóa lập miếu thờ.  Hiện nay miếu đã dời vào vài mét, gạch xây miếu vẫn còn xếp một đống, tảng đá thần vẫn còn. Cụ Nguyễn Ngọc Tiên thuộc chánh hệ của An Ninh Bá Nguyễn Ngọc Huyên kể chuyện này. Như vậy bia thờ và nhà bia thờ hoàn toàn bị phá hủy bởi tận pháp trừng trị.
Ảnh 78 Bia thờ đã bị băm nát các văn khắc chữ Hán, đầu, chân, tai, hông bia dã bị đục bỏ về sau kẻ gian khắc thêm 4 chữ “SƠN NHẠC CHUNG LINH” để làm bia thờ thổ của ngôi mộ giả.
 
Ảnh 79 Một phần chân bia thờ của lăng Ba Vành bị cắt bớt, để lại bên vệ đường thuộc làng Cư Hóa. Dân sở tại liền lập miếu thờ từ 1793 cho đến nay ( ký ức dân gian về miếu thờ đá này này do cụ Nguyễn Ngọc Tiên của làng Cư Chánh kể).
  Cái bia nhỏ có hai mặt, một mặt bị băm nát, thô tháp, nhưng một mặt có khắc bốn chữ Hán rất đẹp: “SƠN NHẠC CHUNG LINH”. Chúng tôi phát hiện một dấu hiệu đáng ngờ trên tấm bia này. Tại sao khắc 4 chữ đại tự đẹp mà khung chữ nhật được viền chung quanh thì quá vụng về. Người khắc chỉ viền ba phía, còn một phía để trống. Hơn nữa, bia này lại đặt trong nhà bia có nền chữ thập, đắp bằng vôi vữa.  Nơi đây chúng tôi phát hiện nhiều cục than to, nằm trong kẻ nứt của nền… dẫn chúng tôi đi đến một giả thuyết công tác khảo cổ: Bia này mới là bia thờ của chủ nhân ngôi mộ, có minh văn với nhiều chữ Hán được khắc. Vì vậy bia đã bị băm nát, cắt đầu triệu, gọt tai bia, hủy đế bia… còn 4 chữ Sơn Nhạc Chung Linh là do kẻ gian, có tổ chức, mới khắc sau này để biến nó thành bia thờ thổ thần của mộ giả của Lê Quang Đại. Người thiết kế lăng Ba Vành không thể tạc một cái bia, văn khắc thì hay, đẹp, mà tạo dáng cái bia, dù bia thờ thổ thần, quá ư cẩu thả! Với góc nhìn phong thủy và đăng đối dịch lý, chúng tôi tin rằng bia này nguyên thủy là bia thờ, đai diện cho linh hồn chủ nhân ngôi mộ. Khi đoàn khảo sát của Nguyễn Thiệu Lâu đến thực địa lăng Ba Vành, bia này đã bị phá nát, giống như một tảng đá, không có văn khắc.  Nếu có 4 chữ “SƠN NHẠC CHUNG LINH” to và đẹp thì ông hay học trò ông đã phát hiện. Chi tiết này cho phép chúng tôi khẳng định, 4 chữ ấy là do kẻ gian mới cho khắc nhằm mục đích làm sai ý đồ thiết kế của ngôi lăng.
-Bia ghi năm phụng lập :
Nếu bia thờ và nhà bia thờ ở bên trái nấm mộ mai rùa thì bia ghi năm phụng lập được dựng trước nấm mộ.
Ảnh 80 Dòng chính giữa bị đục, về sau kẻ gian cố ý nhấn trên chữ đã bị đục một số nét để lái người đọc THỊNH thành HƯNG và NGUYÊN thành THẤT. Dòng chính giữa nguyên thủy là « CẢNH THỊNH NGUYÊN NIÊN TỨ NGUYỆT CÁT NHẬT TẠO ». Người xưa đã dùng búa đục nát, và về sau kẻ gian đã cố tình trát xi măng, trước khi trát lại cố nhấn trên nền chữ « THỊNH » và chữ « NGUYÊN » đã bị đục thành chữ « HƯNG » với chữ « THẤT ». Cụ Nguyễn Thiệu Lâu là người phát hiện và công bố dữ kiện về bia này đầu tiên trên BKSG[1960]; ông viết: “Một anh:Thành này kiểu lạ, có ba thành hình tròn ôm lấy nhau. Ba cửa mở theo một hướng.
Tôi: Sau cửa mở vào, có một cái bia to. Bia này bằng đá dày, rắn lắm. Anh nào khá chữ Hán, thử cố đọc mà xem. Mấy anh xúm xít lai đọc. Họ lấy khăn chùi bia. Họ chẳng đọc được chữ gì cả.
Một anh: Bia này mòn.
Tôi: Anh nhìn kỹ đi. Bia này không thể mòn được một cách nhanh chóng vì chất đá rắn lắm. Anh nhìn kỹ xem. Các chữ khắc sâu ở trong bia đã bị các nhát búa rấp đi.
Vết các nhát búa đó vẫn còn, tuy bia ở ngoài trời, chịu mưa chịu nắng không biết đã từ bao nhiêu năm rồi.”
Năm 1986, chúng tôi đã cạo rữa lớp rêu trên mặt bia thì phát hiện ở góc trái phía trên chữ «  LA » và dòng lạc khoản bên phải « NHÂM TUẤT MẠNH ĐÔNG »(Tháng 11năm Nhâm Tuất[1802] ». Góc phải của bia bị bạt và trên mặt cắt, sau khi bạt, người xưa đã đục chìm lưỡi đao. Dòng ở giữa bị đục sâu, chữ « LA » với ý nghĩa « BẮT ĐƯỢC », bạt góc và lưỡi đao là biểu tượng trãm quyết và ghi năm tháng trị tội đúng năm tháng vua Gia Long làm lễ Hiến Phù nhằm tận pháp trừng trị nhà Tây Sơn.
Còn chữ « PHÚ » khắc trên đầu chữ « NHÂM », cố ngang hàng chữ LA và dòng lạc khoản bên trái , phía dưới, « TỰ TÔN VÕ BÁ ĐẠM PHỤNG LẬP » là do kẻ gian thêm vào sau này để đánh lạc hướng( chúng tôi sẽ lý giải trong bài tới).
Ảnh 81 Hiện trạng  bia  phụng lập ở lăng Ba Vành, đã dời vị trí ra trước.
Ảnh 82 Dòng “Nhâm Tuất Mạnh Đông”(Tháng 11 năm Nhâm Tuất [1802]) được khắc năm 1802.
Ảnh 83 Văn khắc trên mặt bia phụng lập qua các thời kỳ.
                                         Ảnh 84 Ảnh chụp phần bên trái của lăng bị quật phá để trị tội.
Việc quật phá nêu ở phần I nói trên là một bằng chứng về trị tội của vua Gia Long đối với lăng vua Quang Trung. Nhưng bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất là vết đục mới và văn tự mới khắc trên bia phụng lập.
b-Vòng xích đắp bằng vôi mật trên nấm mai rùa:                                                      
 
Như chúng ta đã biết, vua Gia Long đã cầm tù ba đầu lâu của ba tiếm vương trong ba cái vò, có xích sắt và bùa chú  để làm phép thì trên nấm mai rùa ở lăng Ba Vành người xưa cho đắp nổi một sợi xích bằng vôi mật,  hiện nay vẫn còn dấu vết khá rõ.
Ảnh 85 Nấm mai rùa ở lăng Ba Vành, vẫn còn những vết vôi màu trắng của vòng xích .
Khoảng năm 1960 vòng xích quấn trên nấm mai rùa vẫn còn. Các cụ Châu Mậu, Trần Phương ở Ngũ Tây, thời trẻ đi săn, vào lăng Ba Vành vẫn còn thấy vòng xích bằng đắp bằng vôi mật, vắt ngang trên nấm mai rùa. Các cụ đã làm chứng về việc này và đã làm đơn xác nhận có công chứng.
Ảnh 86 Các cụ Trần Phương và Châu Mậu đứng bên  nấm mai rùa ở lăng Ba Vành,
            làm chứng vệ sự tồn tại của sợi xích đắp nổi bằng vôi mật đến 1961.
Ảnh 87 Đơn xin xác nhận, có công chứng, của cụ Châu Mậu
Ảnh 88 Đơn xin xác nhận, có công chứng, của cụ Trần Phương  
3-Những dấu hiệu lăng Ba Vành bị trấn yểm:
a-Đôi nét về trấn yểm theo thuật phong thủy :
Người xưa và thậm chí hiện nay thường tin vào thuật phong thủy. Trong thuật phong thủy có phép tránh họa bằng bùa chú trấn yểm . Ở Việt Nam và Trung quốc thuật phong thủy về cơ bản là giống nhau. Trong sách “Bí ẩn của phong thủy”( Vương Ngọc Đức, Nhân Dân Quảng Tây xuất bản xã, 1993)  do Trần Đình Hiến dịch từ nguyên bản tiếng Trung, có   đoạn: “ Phép tránh tai họa:Trong thuật tướng địa, đặc biệt là về âm trạch, nếu có triệu chứng hung họa, hoặc đã xảy ra chuyện không hay, các thầy phong thủy thường có một số biện pháp cứu vãn, biến hiểm nguy thành yên ổn, biến hung thành cát. Cảnh Tín đời Bắc Chu, tại “Cảnh tử sơn tập”-“Tiểu viên phú”:  “  Dùng mai thạch trấn trạch thần, dùng gương soi trấn sơn tinh”. “Thạch” và “kính”(gương) ở đây dùng để tránh tai họa…
Thông thường là dùng bùa yểm. Nghe nói người phát minh ra “phù”(bùa)là Hoàng công Thạch, vẽ bùa lên thân cây đào, mận, hạnh, hoặc vẽ bùa trên giấy đeo vào người, hoặc treo trước nhà, hoặc để trong nhà, hoặc chôn dưới đất, để trừ họa…”(s đ d, tr. 538).
Ảnh 89 Bùa Trấn Trạch ( ảnh TGVH).                  
Ảnh 90 Bùa Trấn Trạch Luong Huu Thuong (Theo Khongtu.com)
                           
Ảnh 91 Hóa cốt phù
Sách “Phong thủy địa lý Tả Ao”,Tập II, do tác giả Vương Thị Nhị Mười soạn, nhà xuất bản Cà Mau, 2006 có thuật việc vua Đường lệnh cho Cao Biền xem xét phong thủy nước ta và tìm cách trấn yểm: “ Cách đây 1200 năm vua Đường Trung Tông phong Cao Biền làm An Nam Đô Hộ Sứ sang cai trị nước ta. Trước khi Cao Biền đi nhà vua cho triệu vào ngự điện nhắn nhủ:
Khanh học địa lý tối vi linh diệu, trẫm nghe An Nam có nhiều quý địa kết phát tới Thiên Tử, sản xuất ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn nổi lên chống đối ta. Đến nơi, khanh nên tường suy phong thủy kiến lãm sông núi xem xét các đất kết bên đó và làm tờ biểu tấu kèm theo lời diễn ca các kiểu đất bên An Nam gửi về cho trẫm trước. Rồi bên đó khanh đem tài kinh luận, đoạt thần công cải thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất lớn đó đi, đó là cách nhổ cỏ thì nhổ cả gốc, để tránh hậu hoạn sau này…”(s đ d, tr.520). Đoạn trích này cho thấy người Việt rất tin phong thủy và các việc đào kênh, mở đường… của Cao Biền đều làm người Việt nghi ngờ y trấn yểm nước ta. Bằng chứng Lý Tế Xuyên khi viết sách “VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP” (năm Kỷ Tị, Khai Hựu nguyên niên, 1329) có chép thần  Quảng Lợi Thánh Hựu Uy Tế Phu Cảm đại vương, vị thần đã tỏ sức mạnh của mình trước phép thuật của Cao Biền.
Người xưa trấn yểm dương cơ âm phần theo phong thủy là chuyện có thật. Xin trích lại nguyên văn bài viết của tác giả Giao Hưởng trên Việt Báo:Ngôi mộ hợp chất nằm trên tuyến san ủi mặt bằng để làm đường (ven Công viên Biên Hùng) thuộc khóm 3, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa vừa được Nhà Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức khai quật. Ở độ sâu 0,5 mét đã chạm phần âm (đáy dưới) của mộ, với lớp hợp chất dày 0,6 mét gồm vôi, cát, mật và than hoạt tính. Đào xuống gần 2 mét thấy mộ trống không. Khảo sát chung quanh, ở phía tây có một ít tóc màu trắng cùng hai miếng kim loại đường kính 2,5 cm - 3 cm, xa hơn tìm thấy đồng tiền với chữ "Đại gia bảo" bên trên. Theo các nhà khảo cổ và cán bộ khai quật, đây là "mộ yểm" không chôn thi hài, chỉ chứa các vật mà thầy pháp xưa kia thường dùng, được đắp với kích thước như ngôi mộ thật, dùng bảo vệ khu lăng mộ của danh nhân Trịnh Hoài Đức và thân tộc chôn gần đó”.
Ảnh 92 Lăng mộ Trịnh Hoài Đức
Nhà nghiên cứu Phan Duy Kha thừa nhận lăng mộ Tây Sơn bị triều Nguyễn trấn yểm:
 
Chúng ta biết rằng, nhà Nguyễn khi khai quật phá lăng mộ của nhà Tây Sơn đều đào “huyệt yểm” làm cho “đứt long mạch”, làm cho nhà Tây Sơn không thể “ngóc đầu dậy được” (một quan niệm về tâm linh). Ngay mộ tổ 4 đời của Quang Trung ở làng Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) sau khi bị đào bới, quật phá cũng đã bị yểm huyệt, cho đến năm 1978, người ta còn thấy cái “huyệt yểm” đó.
Đối với cụ tổ 4 đời còn bị đối xử như thế thì đối với lăng mộ Quang Trung, việc đào huyệt yểm là không thể bỏ qua. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, muốn tìm lăng mộ Quang Trung phải thỏa mãn hai điều kiện:
-         Lăng mộ phải ở trên đỉnh núi.
-         Lăng mộ đó sau khi bị quật phá đã bị yểm huyệt.”( * Phan Duy Kha (CAND)”
b-Việc trấn yểm ở lăng Ba Vành:
Việc quật phá ở lăng Ba Vành về phía tả rất bài bản, có qui tắc hẳn hoi, không tùy tiện, nói lên quyền uy của một hoàng đế xử “tả đao” đối với kẻ “tiếm ngụy”: bia thờ hoàn toàn bị hủy, bia phụng lập thì bị bạt góc trái, hầm chứa đồ tùy táng bị phá nát, con giao long bên trái bị cắt đầu, uynh thành hai bên trái bị chặt ngang lưng, nấm mai rùa bị bạt chéo một phần tư về phía trái, quan tài có thi thể (ướp xác) bị kéo ra khỏi hầm mộ bằng đường toại đạo, nhà bia bị giựt sập...
Thế thì những di chứng về việc trấn yểm ở lăng ba vành có hay không?
Chữ “LA” trên góc trái phía trên của mặt bia phụng lập, ngoài ý nghĩa “bắt được” còn có chức năng trấn yểm.
Ảnh 93  Chữ “ LA” ở góc trái phía trên mặt bia phụng lập ở lăng Ba Vành( khắc thêm năm 1802)
Vết khắc chìm “lưỡi đao” trên mặt cắt khi bạt góa trái bia phụng lập ngoài ý nghĩa “chặt đầu” còn dùng để yểm.
   
Ảnh 94 Góc trái bia phụng lập  bị bạt và đục lưỡi đao vào năm 1802
Ở uynh thành ngoài, mặt trong, có mặt của một tảng đá gần cổng, người xưa đã khắc những nét tượng trưng “phong thủy của lăng Ba Vành” và khắc những vết cắt xéo lên những đường nét biểu trưng “long mạch”.
Ảnh 95 Tảng đá ở gần cổng lăng, ở uynh thành ngoài, khắc “bùa yểm”.
      Do những người đi đào sắt thép, để lại những hố đào ở minh đường lăng Ba Vành, chúng tôi phát hiện những mảnh vỡ của những cái om bằng gốm cổ. Có khả năng đây là những om chứa những thứ trấn yểm thuộc loại chôn dưới đất với mục đích không cho linh hồn vất vưỡng của tội nhân vào “nhà cũ”.
Ảnh 96 Những om cổ ở lăng Ba Vành.
Ở thành ngoài phía trước lại có mặt của một tảng đá, người xưa lại đục 3 vạch song song, tượng quẻ càn, có khả năng là bùa trấn yểm, không cho ngôi lăng của kẻ “tiếm ngụy” chiếu tướng “kinh thành Phú Xuân”. Dẫu sao lăng Ba Vành nằm trên đường thần đạo của kinh thành!
Ảnh 97 Tảng đá ở thành ngoài phía trước của lăng Ba Vành, có khắc quẻ càn.
Ở “não đường”, góc trái phía sau của lăng Ba Vành có dấu vết một đường rãnh lớn, đây là huyệt yểm “long mạch” của kẻ “tiếm ngụy”. Và lại có một hố đào khá lớn, thành một cái hồ hình chữ nhật, phải chăng đây là hố đào để trấn yểm lăng Ba Vành?
      Ảnh 98 Hồ đào hình chữ nhật và cái rãnh dùng để yểm lăng Ba Vành.
 
Thay lời kết:
Một giả thuyết khoa học được xây dựng trên một số cơ sở nhất định, có thể chưa đủ sức thuyết phục, muốn hoàn thiện nó thì phải tìm thêm tư liệu bổ sung dần dần. Nếu giả thuyết đặt đúng hướng thì khi có thông tin từ những tư liệu mới, những thông tin ấy  sẽ phù hợp với giả thuyết, kéo theo độ tin của giả thuyết sẽ tăng dần. Ngược lại, giả thuyết khoa học đã sai hướng thì dễ vấp vấn nạn khi gặp những thông tin mới. Các nhà nghiên cứu tìm kiếm lăng Đan Dương của vua Quang Trung thường đưa ra những tiêu chí như lăng Đan Dương phải ở trên núi, ở nam kinh thành Phú Xuân, nam sông Hương, gần sông Hương, có nhà hộ lăng, có giếng nước để sinh hoạt, bị “tận pháp trừng trị”, bị yểm và tất nhiên kiến trúc phải có những biểu trưng lăng vua và kiểu thức thuộc về triều Tây Sơn.Qua bài viết này và những bài viết trước chúng tôi đã kiểm chứng lăng Ba Vành hội đủ những tiêu chí ấy. Theo tài liệu trong bài viết của cụ Bửu Kế thì lăng Ba Vành có chủ nhân là Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại và người cháu Lê Xuân ở Đà Nẵng ra Huế cải táng lăng Ba Vành qua Ngự Bình, làng Cư Chánh nghiêm trách dữ dội. Còn nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thì cho rằng Lê Xuân đã đào trộm mộ Ba Vành để tìm của…Con cháu của chủ nhân ngôi mộ là họ Lê Quang của làng Đồng Di, thuộc hàng thế gia vọng tộc, mộ tổ bề thế bị cải táng trộm, hoặc bị đào trộm mà không một ai hay biết…Những sự kiện đáng ngờ như thế buộc chúng tôi phải điều tra làm rõ, trở lại một vấn đề quan trong: Lăng Ba vành đã bị che giấu chủ nhân thật bằng cách lập hồ sơ giả để thay chủ nhân mới, trong khi chủ nhân mới,  giành chỗ chủ nhân thật ( vua Quang Trung) ... lại có mộ thật ở làng Xuân Hòa, gần chùa Thiên Mụ. Những dữ kiện tưởng chừng như rời rạc, không liên quan với nhau  mà chúng tôi đã phát hiện trong 23 năm qua sẽ được xâu chuỗi thành một hồ sơ có tên “ Vụ án lịch sử lăng Ba Vành”. Chúng tôi xin được công bố bài viết này kỳ sau.
                                                                                       Huế, tháng 10 năm 2009.
                                                                                                                           Trần Viết Điền




Mối hận của vua Gia Long với nhà Tây Sơn: Tấn bi kịch lịch sử




Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát. Ngay cả việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu ráo máng như với Tây Sơn?

Lời người viết: Mùa Vu lan năm Canh dần 2010, tự nhiên tôi nhận được nhiều email của thân hữu gởi đến - có ngày nhận hai ba cái - kèm theo truyện ngắn “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ, viết về sự tàn ác và hèn hạ của vua Gia Long trong việc hành hình vợ chồng Trần Quang Diệu & Bùi Thị Xuân - hai dũng tướng của Tây Sơn - và gia đình (mẹ già và con gái). Nội dung của các điện thư hoặc có ý hỏi tôi sự thật có đúng như vậy không, hoặc tỏ ra đồng ý với tác giả, chê trách vua Gia Long tàn ác. Bài viết này xin xem như một câu trả lời, sự thật lịch sử là một kinh nghiệm chung ở đời…
Lăng Gia Long

Đôi nét lịch sử

Sau 25 năm chiến đấu kiên trì và gian khổ, ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (13/6/1801) Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô cũ Phú Xuân, đuổi vua tôi Cảnh Thịnh chạy dài ra Bắc. Một năm sau, ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1/6/1802), tuy chưa chính thức lên ngôi hoàng đế (1) nhưng theo lời đề nghị của bầy tôi, vua ban hành niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại mới của nhà Nguyễn. Vào đầu thế kỷ XX, vua Khải Định đã chọn ngày này (mồng 2 tháng Năm âm lịch) làm ngày quốc khánh của nước Đại Nam, đặt tên là ngày Hưng quốc khánh niệm. Những ai ở lứa tuổi trên 70 ở Trung kỳ, từng cắp sách đến trường có thể còn nhớ đôi chút về ngày này, nhất là ở Huế. Đó là ngày mừng đất nước thống nhất. Niên hiệu Gia Long bao hàm trong ý nghĩa đó - vua muốn nói ông là người đã đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành để thống nhất đất nước (Võ Hương-An, Thăng Long và Gia Long)
.

Ngay sau khi chiếm lại Phú Xuân và trong khi vua Cảnh Thịnh của Tây Sơn đang còn làm chủ ở miền Bắc thì Nguyễn Vương đã cho “Phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Thực lục I, tr.473).

Sau khi chiếm được Bắc Hà, bắt được trọn gói vua tôi, anh em vua Cảnh Thịnh, hoàn thành cuộc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc, vua Gia Long khải hoàn về kinh. Ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 (7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802) vua đem tù binh ra làm lễ hiến phù ở Thái Miếu. Hiến phù là lễ trình diện tù binh trước bàn thờ tổ tiên, và Thái Miếu là nơi thờ 9 đời chúa Nguyễn. Sau lễ, “Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản [vua Cảnh Thịnh] và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì, cho 5 voi xé xác, đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại [Ngoại Đồ Gia, cơ quan chế tạo của triều đình, sau gọi là Võ Khố] (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài" (Thực lục I, tr.531)
.

Trong chiếu bố cáo cho toàn dân được rõ về lễ hiến phù ngày 7 háng 11 Nhâm tuất, có câu mở đầu : “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu …” và kết thúc bằng câu “Nhạc Huệ trời đã giết rồi, cũng đem phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân” (Thực lục I, tr.532,533)
.

Theo tài liệu của Bissachère, trước khi nhận lãnh cái chết thảm khốc, anh em vua Cảnh Thịnh còn bị bắt phải chứng kiến cảnh lính tráng tiểu tiện vào sọt đựng hài cốt của cha (Nguyễn Huệ) và bác (Nguyễn Nhạc) (theo hồi ký của Bissachère) trước khi hài cốt bị đem “giã nát rồi vất đi”.

Phẩm bình của lịch sử

Tại miền Nam trước 1975, có hai bộ thông sử tiếng Việt thông dụng là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn. Viết về vua Gia Long, cả hai bộ sử đều giống nhau ở một điểm: có phê phán sự hẹp lượng của vua Gia Long qua việc giết hại công thần (vụ án Nguyễn Văn Thành và vụ án Đặng Trần Thường), có kể rõ việc hành hình trả thù Tây Sơn nhưng hoàn toàn không bình luận, phê phán gì đến sự “quá tay” trong việc này. Tại sao?

Hoa Bằng, tác giả "Quang Trung, Anh hùng dân tộc" (Nxb Bốn Phương, Saigon, 1953) khi kết luận thiên biên khảo đầu tiên bằng tiếng Việt về đề tài này đã ngậm ngùi viết:

Vậy mà Nã Phá Luân [Napoléon I] được gởi nắm xương trong đền Invalides để cho người sau hoài niệm, viếng thăm; còn Quang Trung: mả phải đào, xương phải tán, dòng dõi bị chu di, sự nghiệp liệt liệt oanh oanh gói tròn trong một chữ ‘Ngụy’”.

Nhà viết sử Trần Gia Phụng trong Nhà Tây Sơn (Nxb Non Nước, Toronto, 2005) cũng đã có lời bình phẩm nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc:

Cuộc trả thù được vua Gia Long xem là ‘nghĩa lớn Kinh Xuân Thu’ nhưng hành hạ di cốt địch thủ trước mắt con cái họ trái hẳn với đạo lý cổ truyền của dân tộc” (tr.240)
.

Phê bình mạnh tay, mạnh mẽ hơn có Quách Giao:

Nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền đào mồ mả của cha ông hai nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.

Còn đối với Nhà Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng [Cảnh Thịnh], cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục thất trong Hoàng Cung để làm lọ đi tiểu.

Ðể nhổ cỏ cho sạch gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những Tướng Tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã.

Hai người con Vua Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương náu nơi Mộ Ðiểu, vùng An Khê. Vua tôi Nhà Nguyễn biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) thấy tình thế đã yên, ba chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ. Bọn bất lương đi mật báo. Quân Nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.

…Ngót 150 năm, Nhà Nguyễn cố làm cho người người quên Nhà Tây Sơn. Những người yêu nước vẫn luôn nhớ đến Nhà Tây Sơn, ngọn bút yêu nước vẫn chép đi chép lại, vẫn tìm tòi trong nơi khuất tịch những tài liệu còn dấu cất, để viết về Nhà Tây Sơn.

Và tiếng Anh hùng Áo Vải, Anh Hùng Dân Tộc mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc.

Còn Nhà Nguyễn đã làm được gì?

Có người bảo rằng đã thống nhất Bắc Nam. Ðó là quên rằng chính Nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam, rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Ðông Ðịnh Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao phen bể nổi dâu chìm Nhà Nguyễn còn để lại tiếng Rước voi, cõng rắn.

Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năm bia miệng mãi còn trơ trơ.

Trong văn hóa phương Tây, đánh nhau là đánh nhau nhưng không có chuyện trả thù kẻ chiến bại một cách tàn nhẫn, nhất là đối với người đã chết. Do đó, khi bắt gặp hành động “dã man” này của vua Gia Long, Stanley Karnow, tác giả tiếng tăm bộ sử VietNam, A History (Penguin Book, 1984) đã viết:

Ông ta tỏ ra chẳng khoan dung chút nào đối với kẻ thù đã chiến bại, dù đã chết hay còn sống. Binh sĩ của ông đã quật xương cốt của một cặp vợ chồng cầm đầu Tây Sơn đã chết [Nguyễn Huệ], tiểu tiện vào xương cốt đó trước sự chứng kiến của con cái họ và những người này sau đó tay chân bị trói vào 4 con voi và xé nát.” (p.65) (He showed no mercy to his beaten adversaries, dead or alive. His soldiers exhumed the bones of a deceased Tayson leader and his wife and urinated on them before the eyes of their son, whose limbs were then bound to four elephants and ripped apart.)

Nếu Nhà Tây Sơn không có Quang Trung Nguyễn Huệ với chiến thắng quân Thanh và quân Xiêm vang dội trong lịch sử thì hành động “vì 9 đời mà trả thù” của vua Gia Long chưa chắc đã bị búa rìu dư luận nhiều như đã xảy ra. Ngoài việc ghi chép khá rõ ràng của Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn thì hồi ký sống động của giáo sĩ De la Bissachère về việc hành hình trả thù của vua Gia Long đối với anh em và vua tôi Cảnh Thịnh (2), đã gây tác động tâm lý không nhỏ trong giới sử học Đông Tây (Thực ra ông này không chứng kiến cuộc hành hình mà chỉ nghe ai đó kể lại). Thử đi vào mạng lưới toàn cầu, gõ mấy từ khóa như Gia Long, Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thì tha hổ đọc công luận phẩm bình, đa số đều chê Gia Long về việc này. Điều này cũng dễ hiễu thôi vì hào quang chiến thắng quân Xiêm và quân Thanh của vua Quang Trung rực rỡ quá, đã che mất sự thật thê thảm ở bên trong. Thêm vào đó, với mấy chục năm lịch sử triều Nguyễn do Gia Long khai sáng, đã bị miệt thị thậm tệ, đã ảnh hưởng không ít trên sự nhận thức của người đọc, nhất là giới trẻ. Mặc dầu ngày nay gió đã đổi chiều, đã bắt đầu có sự chuyển biến trong nhận thức về sự nghiệp của Nhà Nguyễn (3) nhưng không thiếu chi người vẫn tư duy trong nếp cũ.

Câu hỏi đặt ra

Các sách sử Việt Nam viết về hành vi “tàn ác” trả thù Tây Sơn của vua Gia Long đều lấy tài liệu từ các bộ chánh sử của Nhà Nguyễn (Đại Nam Thục lục đệ nhất kỷ, Đại Nam Liệt Truyện ), trước khi biết đến các chi tiết khác do nguồn sử liệu Tây phương cung cấp. Sử thần Nhà Nguyễn trong Quốc Sử Quán đã không giấu diếm gì cả, viết trắng chuyện này ra cho hậu thế cùng biết, người sau chỉ lặp lại, chỉ thêm lời bình phẩm nặng nể mà không có bớt.

Riêng người viết, trong niềm ngưỡng mộ chiến thắng oanh liệt hào hùng của vua Quang Trung trước quân Xiêm và quân Thanh xâm lăng, ban đầu thì cũng đồng ý với những bình phẩm chê trách hành động của vua Gia Long đối với Tây Sơn là thái quá, tàn nhẫn, nhưng sau đó, khi được biết những nguồn tin khác, không khỏi đắn đo tự hỏi và tìm lời giải đáp.

Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát (4)[1] .Ngay cả việc đối với họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy được nước (1802), vẫn đối xử tốt với con cháu họ Trịnh chứ đâu đến cạn tàu ráo máng như với Tây Sơn?
Sau khi làm chủ Bắc hà, vua “Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: ‘Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời” (Thực lục I, tr.508).
Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp 500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch).

Ai cũng biết La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, được coi như một Gia Cát Lượng của vua Quang Trung, một cố vấn tối cao, được vua quan trên dưới đều kính nể (4 lần vua khẩn khoản mời ra giúp, cuối cùng nhận chức Viện trưởng Viện Sùng Chính năm 1790, giúp vua chấn chỉnh việc giáo dục, văn hóa, giúp vua chọn đất Nghệ An làm Phượng Hoàng trung đô…). Khi Nguyễn Vương tái chiếm Phú Xuân, ông đang ở Huế giúp vua Cảnh Thịnh nhưng không chạy theo khi vua đào thoát (hay chạy theo không kịp?) và dường như không bị bị bắt mà chỉ quản thúc tại gia, dù phía Nguyễn Vương biết rõ lý lịch, sau đó Nguyễn Vương đã ra lệnh
:

Thả xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, đậu Hương tiến đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng. Vua [Nguyễn Vương] dụ rằng ‘Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo léo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta.’ [người viết in đậm]. Bèn sai quan quân đưa về" (Thực lục I,tr.445)
.

Lại năm 1803, phái đoàn do vua Cảnh Thịnh phái đi sứ Nhà Thanh (gồm Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Duy Nghi) bị trả về nước, bị quan Bắc thành bắt giải về Kinh, vua Gia Long tha hết cho về quê. Lại khi Bộ Hình tâu xin vua định đoạt số phận của người vợ lẻ Nguyễn Nhạc cùng 2 người em họ tên Đại và Vạn bị bắt thì vua nói: “Vợ lẻ Nhạc là một người đàn bà thôi. Bọn Đại tuy là thân đảng của giặc Nhạc mà không dự binh quyền, nay Nhạc chết rồi, giết đi thì có ích gì?” (Thực lục I, tr.544)
.

Những chứng dẫn nho nhỏ đó cho thấy vua Gia Long là con người phải chăng, tùy theo người, theo trường hợp mà có quyết định tha hay phạt , chứ không phải bạ đâu giết đó, thà giết lầm hơn bỏ sót. Vậy tại sao giết Tây Sơn chưa đủ, phải hành hạ mới hả, kể cả nắm xương khô. Thù chi mà dữ vậy?

Sự thật là đây

Về chuyện vua Gia Long trả thù Tây Sơn, nhà viết sử Trần Gia Phụng đã đi xa hơn các học giả đi trước khi lần đầu tiên ông phân tích chính xác rằng:

Không kể cá nhân ông bị quân đội Tây Sơn truy đuổi nhiều lần suýt chết, vua Gia Long thâm thù nhà Tây Sơn vì ba việc chính: thứ nhất, năm 1777 Định Vương Nguyễn Phúc Thuần [chú ruột vua Gia Long], Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương [em chú bác ruột] và Nguyễn Phúc Đồng [anh ruột] bị quân Tây Sơn bắt giết ở Gia Định. Thứ nhì, hai người em [ruột] của Gia Long là Nguyễn Phúc Mân và Nguyễn Phúc Thiển bị chết về tay quân Tây Sơn năm 1783. Thứ ba, vua Quang Trung cho quật mộ của Nguyễn Phúc Côn (phụ thân của Gia Long), đem hài cốt đổ xuống sông năm 1790” (Việt Sử Đại Cương, Tập 2, tr.445)
.

Chừng đó nợ máu nghe đã nặng (5 người cật ruột), nhất là món nợ thứ 3, nhẹ vật chất mà nặng tâm linh và đạo đức, ít người biết. Nhưng kể vậy cũng chưa đủ.

Khi đọc câu mở đầu của chiếu bố cáo lễ hiến phù: “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu…” * (Thực lục I, tr.532) tôi không khỏi mỉm cười một mình với ý nghĩ: thiệt mấy ông đời xưa văn chương lớn lối quá, cái chi cũng lôi điển tích với sách vở ra, tô vẽ cho long trọng. Nhưng sau đó, khi đọc kỹ Thực lục mới biết mấy chữ vì 9 đời mà trả thù mang một ý nghĩa rất thực, rất cụ thể, bên cạnh màu sắc điển tích văn chương tô điểm.

* “Xuân Thu, Công Dương truyện: Trang công năm thứ 4 chép: Tề Tướng công giết nước Kỷ, vì ông tổ xa đời là Ai công mà phục thù, đời gọi là mối thù 9 đời” (Chú thích của dịch giả Thực lục I, tr.532).

Ngày 13/6/1801, Nguyễn Vương (vua Gia Long) tái chiếm kinh đô Phú Xuân, nơi ông đã vội vã ra đi khi mới 13 tuổi (ta), và ròng rã 27 năm mơ ước được trở về. Tuy đã làm chủ được Phú Xuân nhưng lực lượng hùng hậu của Tây Sơn Cảnh Thịnh vẫn còn ở bên kia lũy Trường Dục (Quảng Bình), vậy mà đến đầu tháng 8 năm đó đã lo sửa sang lăng mộ tổ tiên và cấp tốc hoàn tất ngay trong tháng. Sao việc này lại làm gấp rút còn hơn cả công tác sửa sang thành trì, xây đồn đắp luỹ để phòng chống Tây Sơn? Xin đọc kỹ đoạn ghi chép của Thực lục sau đây, có thể thấy được lý do thúc đẩy (những chữ in đậm là do người viết, chữ ghi giữa hai ngoặc đứng [x] là chú giải của người viết):

Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.

Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên. Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho” (Thực lục I, tr.466).

Gạt ra ngoài những chi tiết hoa lá cành như hai con cọp trong bụi rậm nhảy ra, đang đào mả thì nhà cháy, v.v., đoạn sử ngắn ngủi do Thực lục ghi lại tiết lộ hai điều quan trọng mà ít người biết đến hoặc biết mà vì một lý do nào đó đã lơ đi hoặc chỉ phớt nhẹ nói qua:

-Thứ nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đào hết lăng tẩm của 8 đời chúa Nguyễn tại Thừa Thiên, lấy hài cốt ném xuống sông.
Việc này cộng với việc giết chết vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần tại Long Xuyên năm 1777 thì quả nhiên vua Gia Long tính sổ 9 đời không sai chậy chút nào. Vì vậy có thể nói được rằng chữ 9 đời có một ý nghĩa rất cụ thể.

Đây là 8 đời chúa Nguyễn:
1.Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613);
2.Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635);
3.Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648);
4.Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
5.Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái (1687-1691);
6.Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725);
7.Chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738);
8.Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765);

Về ông tổ Nguyễn Kim, có lẽ vì không biết đích xác mộ phần nẳm ở đâu trong cái bát ngát của núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, nên vua Quang Trung đành phải cho qua mà không tình sổ.

Tám đời chúa Nguyễn này không có hận thù gì với anh em Tây Sơn, đã có công rất lớn đối với dân tộc và đất nước khi kế tục nhau mở nước về phương Nam, đến tận Cà Mau, Châu Đốc, cống hiến cho tổ quốc non một nửa nước, trài dài từ Phú Yên trở vào Nam, với đất đai trù phú, nguồn lợi dồi dào, rộng hơn lãnh thổ nam tiến của các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê cọng lại. Không có sự nghiệp này thì hậu thế ngày nay lấy chi để khoe với thế giới rằng “nước ta hình cong như chữ S” với “rừng vàng biển bạc”?!

-Thứ hai: Phần mộ của ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long cũng bị quật lên và hài cốt ném xuống sông.

Ông Nguyễn Phúc Côn là con thứ hai của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, mất năm 1765, khi con là Nguyễn Phúc Ánh đang còn bé. Khi vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế (1806) mới truy tôn cha làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế, chứ cho đến khi chết dưới tay quyền thần Trương Phúc Loan, ông chẳng làm vua làm chúa gì. Chỉ vì con ông là Nguyễn Phúc Ánh dám chống lại Tây Sơn mà ông đã không được ngủ yên, lâm vào cảnh con làm cha chịu!

Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả cho biết thêm một chi tiết khác:
Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này (lối thử này cho biết mối liên hệ cốt nhục giữa hai người" (tr.193)
.

Thực lục có nói khi Nguyễn Ngọc Huyên chết thì được lập đền thờ và phong làm An Ninh bá. Ở thượng lưu sông Hương có một ngôi miếu, tục gọi là miếu Ông Chài, chính là miếu ông Huyên vậy.

Trong văn hóa Việt Nam, phận làm con cháu là phải lo gìn giữ mồ mả tiên tổ cha ông. Do đó chúng ta thông cảm với vua Gia Long chỉ trong 2 tháng sau khi tái chiếm Phú Xuân đã vội vã hoàn tất việc tu sửa lăng mộ bởi khi đã biết tình trạng lăng mộ bị phá tanh banh thê thảm như thế thì không một ai có thể chờ đợi được nữa.

Trong lịch sử Việt Nam, việc tranh giành quyền lực dẫn đến những hành động giết hại nhau tàn nhẫn không phải là hiếm. Điển hình, để cướp ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ không ngần ngại dồn Lý Huệ Tông vào chỗ chết, với ý đồ nhổ cỏ tận gốc, mặc dù Huệ Tông đã biết thân phận, bỏ ngai vàng, vào tu ở chùa Chân Giáo. Đã thế, Trần Thủ Độ còn bày mưu sập bẫy tôn thất Nhà Lý chôn sống trọn gói (may mà Hoàng tử Lý Long Tường nhanh chân thoát qua tị nạn ở Cao Ly, trở thành thuỷ tổ họ Lý của xứ Đại Hàn ngày nay). Nhưng có lẽ trong cuộc tranh chấp quyền lực chưa có ai trong lịch sử phải trả cái giá 5 mạng người ruột thịt và 9 ngôi mộ cha ông tiên tổ tanh banh với xương cốt không biết đâu tìm như trường hợp vua Gia Long trong khi đối đầu với Tây Sơn để phục hồi cơ nghiệp của ông cha đã tốn công xây dựng.

Ở đời, có vay thì có trả. Nợ nào cũng có tính lãi suất, chỉ có khác là nặng hay nhẹ, không hình thức này cũng hình thức khác. Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ không tạo nhân ác thì có thể đã không gặp quả ác. Hận thù luôn luôn vẫy gọi thù hận là chuyện thường của thế gian, huống chi lại có yếu tố tranh giành quyền lực trong đó, tham lam và sân hận hẳn phải bốc lên ngùn ngụt.
Phải chăng nên thử tự đặt mình vào địa vị của vua Gia Long để có nhiều thông cảm và có lời phẩm bình phải chăng hơn.

Một vài cảm nghĩ

Là hậu thế, có lẽ không mấy ai vui khi biết sự thật của tấn thảm kịch Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Gia Long. Cả hai, đối với chúng ta, đều có chỗ đáng tôn vinh lẫn chỗ bất cập. Riêng ngưởi viết, từ tấn thảm kịch lịch sử này, học hỏi được một đôi điều, xin gọi là chia sẻ.

1/ Qua việc điện thư của bạn bè và thân hữu gởi đến tới tấp kèm chuyện “Một ngày lễ Vu lan sầu thảm” của Tịnh Thuỷ, tôi nhận ra rằng té ra loại “lịch sử tiểu thuyết” dễ đi vào lòng người hơn là chính sử khô khan. Đồng ý khi tiểu thuyết hóa lịch sử thì tha hồ cho trí tưởng tượng vẽ vời nhưng cái căn bản của nó xin đừng đổi trắng thay đen. Thực lục ghi rõ vụ hành hình vua tôi anh em Cảnh Thịnh diễn ra ngày giáp tuất tháng 11 năm Gia Long thứ 1 tức ngày 7 tháng 11 Nhâm Tuất, 1/12/1802. Làm chi có ngày Vu Lan trong đó? Có lẽ tác giả muốn gây ấn tượng cho ngưởi đọc về sự tàn ác khó dung tha của vua Gia Long nên mới lựa một ngày như thế. Tội nghiệp cho vua! Vua chỉ dự lễ hiến phù, không dự cuộc hành hình, chỉ sai quan thi hành, nên cuộc đối thoại tay đôi giữa vua và bà Bùi Thị Xuân cũng chỉ là cơ hội bày ra để mạt sát thoải mái. Tội nghiệp.

2/ Việc cải táng mộ ông Nguyễn Phúc Côn có thể hiểu được, vì tìm được hài cốt và hài cốt này đã được vua Gia Long xác tín rằng đó là di cốt của người đã sinh thành ra ông. Nhưng với 8 chúa thì sao? Sử nói Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. Đồng ý là xây lên cao, làm cho to lớn đẹp đẽ hơn xưa, nhưng hài cốt không tìm thấy thì chôn cái gì trong đó? Chẳng lẽ chỉ là một ngôi mộ trống không? Một cái mả gió?

Trong một dịp về thăm Huế sau 7 năm “đi học làm người tốt” (!), tôi được biết sau năm 1975, do đói quá, người ta đã làm bậy. Việc đào trộm mồ mả lăng tẩm giới quyền quí đã xảy ra với ý đồ tìm vàng bạc châu báu tùy táng. Người bạn kể cho nghe (tôi chưa có cơ hội kiểm chứng) khi cụ Vương Hồng Sển, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của Miền Nam, biết được kẻ gian đã kiếm được nữ trang trong lăng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và đem bán thì cụ đã kêu trời. Dưới cái nhìn cơm áo của kẻ trộm, đó là vàng, tính theo thời giá của chỉ và lượng. Dưới cái nhìn của cụ Vương, đó là đổ cổ vô giá của quốc gia! Nhưng đó không phải là chi tiết tôi quan tâm, vì bảo vật quốc gia người ta bán ra nước ngoài nhiều rồi. Chi tiết lý thú mà tôi nghe được đã giúp tôi hiểu biết thêm và lý giải thắc mắc nêu trên. Chi tiết đó là, bọn kẻ trộm, khi đào đến quan tài của một ông chúa nào đó đã không thấy hài cốt mà chỉ thấy hình người ta bằng gỗ! Điều này xác nhận giả thiết mà tôi đã nghĩ trong đầu nhưng không biết cách nào để kiểm chứng, ấy là tục chiêu hồn nạp táng.

“Chiêu hồn nạp táng" là gì?

“Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu. Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: “Chiêu hồn nạp táng”.
Đó là những ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ… không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường.

Được nghe các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai, lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.
Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân.

Lễ an táng và các lễ các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.

3/ Hình như có một nhà tư tưởng nào đó đã nói: “Làm thầy thuốc lầm thì chết một người; làm thầy địa lý lầm thì giết một họ; làm chính trị lầm thì giết một nước, làm làm văn hóa lầm giết cả một đời.”

Dưới ảnh hưởng của môn phong thủy Trung Hoa, người Việt từ vua cho chí dân đều tin rằng âm phần tổ tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh và tương lai của con cháu. Bởi vậy ai cũng mong muốn tìm cho được một huyệt mả tốt để được kết phát, để con cháu được hưởng phước vinh hoa phú quí dài lâu. Bởi vậy, để tận diệt kẻ thù không gì bằng triệt long mạch, phá huyệt mộ, đào mả cha ông nhà người ta lên. Làm thế thì chắc chắn con cháu không thể nào ngóc đầu lên được, lấy gì mà chống trả. Quang Trung Nguyễn Huệ, ngoài việc sử dụng binh lực đánh Nguyễn Vương chạy dài ra biển, trốn qua đến Xiêm La hai lần, vẫn không quên sữ dụng chiêu thức này để hỗ trợ. Và để cho chắc ăn, thà phá lầm hơn bỏ sót, đã không những quật mồ thân sinh vua Gia Long là huyết thống trực hệ mà còn quật mồ cả 8 đời chúa Nguyễn xa lắc. Thật là một sự tính toán chu đáo.

Tuy toan tính chu đáo như vậy nhưng Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ chỉ tồn tại có 14 năm (1788-1802, 1788 là năm vua Quang Trung đăng quang trước khi ra Bắc phá quân Thanh), trong khi Nguyễn Vương, mặc dầu bị đánh trúng tử huyệt (theo quan niệm phong thủy) nhưng sau 25 năm bền bĩ chiến đấu nhọc nhằn, đã thống nhất đất nước, phục hưng được cơ nghiệp tổ tiên, lập ra triều đại mới, tồn tại 143 năm (1802-1945).

Vậy là thế nào? Chẳng lẽ phong thủy hoàn tòan là một thứ tin mê tín dị đoan? Không, không thể vì vậy mà kết luận phong thủy một cách hồ đổ như thế được. Cái nước Mỹ của khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới này cũng đang chạy theo Feng Shui (Phong thủy) của nền văn minh cổ Trung Hoa, có thua chi Việt Nam xưa và nay đâu, có điều họ chú trọng đến dương cơ hơn âm phần. Như vậy phải có một yếu tố gì khác làm cho độc chiêu do vua Quang Trung phát ra đã không có hiệu quả. Tôi chợt nhớ đến chữ Đức trong câu ca dao

Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau

Trong 8 đời chúa Nguyễn, không thấy ông nào làm điều gì thất đức. Ông nào cũng lo làm cho dân giàu nước mạnh. Lịch sử cuộc nam tiến đi từ Phú Yên đến Cà Mau-Châu Đốc chứng minh điều đó. Hậu thế đã được thừa hưởng biết bao phúc lợi từ sự nghiệp nam tiến đó!

Có 3 ông chúa mang danh hiệu khác người: Chúa Sãi, chúa Hiền, chúa Ngãi. Nghe nôm na và thân tình biết mấy. Nếu cai trị mà không được dân thương mến và biết ơn thì làm chi có những cách gọi kém vương giả nhưng giàu tình cảm như thế?
Có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo nhân, như Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), Vân Tuyền đạo nhân (chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) hay Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần). Đó cũng là một nét đặc biệt.

Nhiều ông chúa xây chùa (chúa Tiên lập chùa Thiên Mụ, Long Hưng, Bảo Châu, Kính Thiên; chúa Hiền lập chùa Túy Vân) hay trùng tu chùa, đúc chuông, thỉnh sư giảng Pháp (chúa Minh).
Có lẽ nhờ biết tu nhân tích đức mà Đức năng thắng số, Số bất cập đức nên tai qua nạn khỏi, như câu tục ngữ mà ông bà xưa thường nói để dạy khôn cho con cháu: Trời hại mới lo, người hại như phấn nhồi. Đó là nói nôm na, cho có vẻ chính xác và minh triết hơn thì đấy chính là nhân quả nghiệp báo. Theo thiển ý, có lẽ hiểu theo cách này mới giải thích được chỗ bất cập của phong thuỷ.
------------------------------------
Chú thích:
(1) Mãi đến mùa hạ năm 1806 (Bính dần) vua mới chánh thức làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hoà.
(2) Có thể xem: La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine, hồi ký của Bissachère viết năm 1807 do Charles B. Maybon biên tập và xuất bản năm 1920, từ trang 118 đến trang 120 tronghttp://www.archive.org/stream/larelationsurlet00labi#page/n1/mode/2up
(3) Ngày 18 và 19/10/2008 tại Thanh Hóa có một cuộc hội thảo “Đánh giá lại chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn” được phóng viên ghi nhận là “một hội thảo lịch sử”, có lẽ vì phải chuẩn bị tài liệu đến 20 năm và tỉnh Thanh Hóa đã tài trợ gần một tỉ đồng VN để tổ chức, Có hai nhận xét quan trọng được ghi nhận :
“Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”.
“Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa” (http://www.thethaovanhoa.vn/133N20081020034945468T0/danh-gia-lai-chua-nguyen-va-vuong-trieu-nguyen-mot-hoi-thao-lich-su.htm
(4) Vua Gia Long có một thanh gươm mang tên Qui Y. Sử ghi rằng thanh gươm này có tính ưa giết người (hiếu sát), Tối hôm nào gươm tự động thóat ra khỏi vỏ thì hôm sau thế nào cũng có người phạm tội bị chém bằng thanh gươm đó. Vua Gia Long ghét tính hiếu sát của gươm bèn đem qui y cửa Phật và đặt tên là Qui Y (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu).

Nhà nghiên cứu lịch sử Võ Hương An

Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh. Cuộc trùng phùng may mắn hay bất hạnh của Lịch Sử

Nguyễn Huệ


Nguyễn Ánh


Lịch sử là một chuỗi sự kiện phản ảnh quá trình tiến hóa để tồn tại của một dân tộc trên nhiều lãnh vực.
Đặc biệt không ít những sự kiện còn in đậm dấu ấn của những nhân vật đã góp phần chi phối mạnh mẽ đến sự thịnh suy của đất nước. Nhưng sau những thăng trầm, đâu phải lúc nào hậu thế cũng đánh giá đúng tầm vóc cùng bản chất đời thường vốn sẵn của họ?
Do đâu vẫn còn đó trong từng trang được gọi là chính sử đôi điều đáng tiếc, nếu không bắt nguồn từ những con người trót được mệnh danh là những nhà viết sử ?
I. SỬ GIA & SỰ KIỆN
Đã gọi là sự kiện lịch sử tất tự thân không thể có sự đổi thay, song diễn dịch chúng như thế nào điều ấy vẫn còn tùy thuộc vào quan điểm của những nhà viết sử.
Nếu nhà viết sử là công cụ của triều đại, nội dung sự kiện sẽ được nhào nặn theo chiều hướng thuận lợi cho dòng họ hay thế lực đương quyền. Họ chính thực là công thần của dòng họ vua chúa hoặc thế lực ấy chứ chưa phải là một sử gia đúng nghĩa.
Nếu viết sử chỉ để miêu tả hiện thực, người viết sử sẽ chẳng hơn kém gì một nhân viên văn thư ghi chép nhật ký hành chính, đáng trân trọng chăng về tính cần mẫn ở vị trí của một công bộc mà thôi.
Một sử gia đích thực thì khác, ngoài lòng yêu nước còn phải hội đủ những tố chất lẫn ý thức trách nhiệm khác nữa: trí phán đoán, tính khách quan, sự dũng cảm và lòng chính trực… Không chỉ chép đúng, sử gia còn phải lý giải được tính muôn mặt của mỗi sự kiện nhằm thuyết phục tầng lớp thống trị, cùng lúc dẫn dụ được quãng đại quần chúng nhìn nhận vấn đề theo một ý nghĩa tích cực nhất.
Chuyện kể về Đổng Hồ nhà Tấn (Đông Châu Liệt Quốc):
„Di Cao (Tấn Linh Công) vô đạo, mưu giết tướng quốc Triệu Thuẫn. Thuẫn trốn, gặp cháu là Triệu Xuyên can hãy đợi. Liền đó Xuyên đến Đào Viên cùng giáp sĩ giết vua. Thuẫn vốn trung nghĩa không lấy thế làm hài lòng, một hôm sang sử quán thấy bản thảo chép „thu Ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao“ Thuẫn kinh hãi bảo – „Thái sử lầm rồi, ta đã chạy xa kinh thành khi sự thể xẩy ra, sao đổ lỗi cho ta?“. Hồ nói –„Làm tướng quốc chưa ra khỏi địa giới nước nhà đã xẩy ra chuyện giết vua, lúc về lại không trị tội kẻ nghịch thần. Bảo việc này không do ngài chủ mưu thì ai tin ?“. Thuẫn hỏi chữa kịp không ? Hồ thưa – „Đã là tín sử thì có thế nào chép thế đó, đầu tôi có thể cắt chứ không thể chữa“. Thuẫn thở dài –„Thế mới biết quyền chép sử trọng hơn quyền tướng quốc. Tiếc thay, ta chưa ra khỏi địa giới để phải chịu tiếng muôn đời !“.
Đáng khen thay họ Đổng nhưng liệu ông ta có dám quyết nếu Triệu Thuẫn là một tướng quốc bất nhẫn và việc giết một hôn quân có hàm ý vị quốc hay tham vọng cá nhân ?
Đổng Hồ có làm sáng tỏ sự cố ấy theo tinh thần một sử gia hay chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một viên quan chép sử ?
Phải chăng cũng bắt nguồn từ một nguyên nhân như thế mà hằng trăm năm sau, khi ấn tượng hãi hùng về những trang sử tắm máu cuối đời hai triều Lý và Trần ít nhiều phai nhạt, hậu thế mới thừa nhận tài chỉnh trị vô song của thái sư Trần Thủ Độ lẫn tính cách mạng qua những cải cách của Hồ Quý Ly, thay vì cả hai phải chịu tiếng gian hùng hay tiếm ngôi ?
Thật đáng sợ hệ quả của ý niệm „giang sơn là riêng của một dòng họ“ hay „vua là con trời, dân là con đỏ“ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân qua các thời đại phong kiến. Từ đó, nẩy sinh một sự đánh giá thiên lệch về người lẫn sự kiện chỉ thuần dựa trên cảm tính và sự tồn tại bền lâu hoặc ngắn ngủi của kẻ thắng người bại, sau các cuộc mưu đồ vương bá ?
Thử hỏi nếu cuộc chính biến êm đềm cuối triều tiền Lê và biến cố nhằm giành ngôi báu từ Lý sang Trần kéo dài chỉ với một đời Lý Công Uẩn hoặc Trần Cảnh, liệu Lý và Trần có được xem là chính thống (1)?
Tính chính thống do đấy vẫn còn tùy thuộc vào quá trình chứng thực sau cuộc thay ngôi đổi chủ. Liệu kẻ xưng hùng hay tiếm ngôi có củng cố được một hệ thống cầm quyền vững chắc, lập những kỳ tích ổn định và xây dựng đất nước cụ thể như triều Lý mang lại sự thịnh trị cho nhân dân hoặc nhà Trần ba lần đại phá Mông Nguyên cứu nguy dân tộc, sau khi loại bỏ hậu duệ của các tiên triều thường yếu hèn và biến chất ?
Sự thành bại về mặt an sinh quả là một yếu tố quyết định, nói cách khác công và tội của những nhân vật lịch sử, lắm lúc cần phải được thẩm xét một cách nghiêm túc và công bằng hơn.
II. MỘT TRƯỜNG HỢP LỊCH SỬ KHÁC THƯỜNG
Trong tinh thần ấy, chúng ta thử lần lại một trường hợp lịch sử khác thường về Thái tổ Võ hoàng đế NGUYỄN HUỆ và Thế tổ Cao hoàng đế NGUYỄN PHÚC ÁNH (thường quen gọi theo niên hiệu là vua Quang Trung và vua Gia Long) nhằm tự hỏi : liệu sự đánh giá từ trước đến nay về sự nghiệp của hai nhân vật này có hoàn toàn đầy đủ và chân xác ?
Tinh thần thượng tôn pháp luật vốn không cho phép bất cứ ai viện dẫn như một sự hồi tố công lao của chính mình, nhằm biện minh cho những hành vi phạm pháp đương thì. Vậy thì sẽ bất công quá chăng nếu chúng ta chỉ thuần dựa vào một đối sách bất cập (2) mang tính tình thế, rồi phủ nhận gần như toàn bộ thành quả của một nhân vật tượng trưng cho cả một triều đại. Nhất là ngay đang khi tại vị, nhân vật trong cuộc này đã ý thức nhằm sửa sai (3) những di căn trót bắt nguồn từ một sự chọn lựa trong quá khứ ?
Đấy là chưa loại trừ dã tâm giăng bẫy sẵn của thực dân phương Tây qua chính sách chi viện khí tài, tận dụng sự mâu thuẫn nội bộ tại các quốc gia nhược tiểu hòng khống chế, chiếm lĩnh và bành trướng thuộc địa vào những thế kỷ trước.
Để đi đến một nhận định khách quan, tưởng cần phải gạt sang bên từng luận điểm một chiều của các tay chép sử thuộc trường phái này hay trường phái kia. Như những câu chuyện hoang đường ghi trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện của dòng họ Nguyễn Gia-Miêu (gọi theo nguồn gốc xuất thân của dòng họ chúa Nguyễn) chẳng hạn, nhằm xuyên tạc ý định dời đô ra Nghệ An cũng như nghi vấn về cái chết bất thần của Nguyễn Huệ(4). Đồng thời hãy cho lắng xuống bao mối bất bình về tham vọng khôi phục nghiệp chúa bằng mọi giá cùng cách hành xử cạn tình của Nguyễn Ánh đối với vua tôi Tây Sơn sau ngày toàn thắng. Chúng ta cũng khoan xét tới yêu cầu nặng mang tính đấu tranh giai cấp vốn là một yếu tố chính trị hiện thực, phụng sự cho một thời kỳ cách mạng „bài Phong đả Thực“ của dân tộc vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Ngõ hầu có được một cái nhìn đạt lý hơn về sự trùng phùng của hai con người „HUỆ và ÁNH“ mà lằn ranh phân định giữa sự bất hạnh và may mắn quá đỗi mong manh.
Một khía cạnh tế nhị khác, lòng yêu nước đâu chỉ để độc quyền xưng tụng các bậc cái thế, những chiến tích lẫy lừng, sự hùng vĩ của các kỳ quan… Lòng yêu nước còn phải được thể hiện chung cho những phần lãnh thổ đìu hiu, từng nỗi đau chiến bại lẫn vô vàn tình huống bi thương khác nữa. Có như thế mới lý giải được phần nào giá trị của những vinh nhục, giải phóng được phần nào từng nỗi oan khuất đầy tính bi kịch của tiên nhân.
Trở lại tình hình chính trị đất nước trước ngày Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh chào đời.
***
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê dựng ra BẮC TRIỀU ở Thăng Long (triều Mạc).
Năm 1533, Nguyễn Kim tìm con cháu nhà Lê lập nên NAM TRIỀU tại Thanh Hóa (nhà Lê trung hưng).
Kim mất, rể là Trịnh Kiểm nắm quyền củng cố vai trò CHÚA TRỊNH (đàøng Ngoài) lấn át nhà Lê và vô hiệu hóa vai trò nhà Mạc kể từ 1592 (5).
Con của Kim là Nguyễn Hoàng nhận rõ mối hiểm họa từ phía Trịnh, xin vào trấn Hóa Châu (1558) tạo dần một thế lực mới tức CHÚA NGUYỄN (đàng Trong) lần lượt mở mang bờ cõi đến tận cực Nam (Cà Mau) ngày nay.
Từ đó lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến, Trịnh-Nguyễn mở đầu một thời kỳ phân tranh lâu dài nhất trong lịch sử (1558-1786).
Năm 1655, quân Nguyễn lần đầu tiên chủ động tấn công quân Trịnh chiếm Nghệ An. Sau liệu không giữ được bèn rút về mang theo những di dân, trong số có tổ tiên họ Hồ vào ở vùng phía trên đèo An Khê lập nên ấp Tây Sơn. Giữa thế kỷ 18, một người là Hồ Phi Phúc theo vợ về sống tại Kiên Mỹ (Bình Định). Họ sinh hạ được ba con (đời thứ tư) đấy chính là ba anh em nhà Tây Sơn : Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Lớn lên cả ba chuyển sang họ Nguyễn (họ nhà chúa ?) hẳn để thuận thời và xóa bỏ mặc cảm cách biệt với cư dân bản địa, hầu hết vốn là con cháu của những di dân thân thuộc nhà Nguyễn thuở đầu Nam tiến ?
Việc đổi họ phải chăng còn manh nha từ một ý tưởng mang tính chiến lược cho cuộc dấy nghĩa sau này ?
Nguyễn Huệ sinh năm 1753 trong một môi trường dân giả, chín năm sau Nguyễn Ánh chào đời (1762) thuộc dòng dõi quyền quí : lịch sử đã có một cuộc trùng phùng, bất hạnh hay may mắn ?
Không như tuổi thơ hồn nhiên của Nguyễn Huệ, ngay từ khi còn bé Nguyễn Ánh đã mồ côi cha(6). Anh em mất sớm, chỉ mình Nguyễn Ánh sống sót trong sự bất an do tự thâm cung đầy dẫy những cuộc tranh chấp.
Năm 1771, Nguyễn Huệ 18 tuổi là một trong những thủ lĩnh nòng cốt của phong trào Tây Sơn. Việc góp phần diệt Trương Phúc Loan của Nguyễn Huệ không đơn thuần loại bỏ một tên tham quan, đấy còn là một hành động vô hình chung giúp Nguyễn Ánh trả được mối gia thù và thoát khỏi một sự thanh trừng nội bộ rất có thể xẩy ra bất cứ lúc nào : Nguyễn Huệ có là vị ân nhân đầu đời của NguyễnÁnh ?
Năm 1774 quân Trịnh tấn công Phú Xuân cùng lúc Tây Sơn đánh Quảng Nam, chúa Nguyễn Phúc Thuần giao trọng trách lại cho Nguyễn Phúc Dương để lánh vào Gia Định (mang theo Nguyễn Ánh). Trịnh lại vượt Hải Vân, quân Tây Sơn yếu thế rút về Quy Nhơn. Nhạc dâng thư tình nguyện (kế hoãn binh) làm quân tiền khu cho Trịnh đánh Nguyễn. Trịnh mừng, sai Nguyễn hữu Chỉnh mang ấn kiếm vào phong Nhạc chức Tráng Tiết Tây Sơn Hiệu Trưởng trước khi cho quân lui về Thuận Hóa (1775).
Năm 1777 Nguyễn Huệ xuôi Nam chiếm Trấn Biên-Gia Định-Vĩnh Long làm chủ đàng Trong (Thuần và Dương bị giết). Nhạc xưng đế (Thái Đức, 1778) phong Nguyễn Huệ làm Tiết Chế thống lĩnh quân Tây Sơn.
Nguyễn Ánh thoát xuống An Giang nằm gai nếm mật rồi nghiễm nhiên kế vị ngôi chúa (1780) quy tụ lực lượng phản công tái chiếm Gia Định, Bình Thuận và xưng vương. Năm 1782 tại Cần Giờ, thủy binh cùa Nguyễn Ánh có tàu đồng đại bác (Pháp, Bồ đào Nha) yểm trợ đã thua tan tác trước lực lượng thuyền chiến của anh em Tây Sơn từ Qui Nhơn vào.
Nguyễn Ánh trốn ra Phú Quốc, sai người sang Xiêm cầu viện. Từ đấy, cả hai thực sự trở thành đối thủ không đội trời chung. Mỉa mai thay, qua việc truy bức chúa Nguyễn đến phải tử vong : ai đã chính thức mở lối cho Nguyễn Ánh khởi đầu vương nghiệp nếu không là Nguyễn Huệ ?
Cuối 1782 bộ tướng nhà Nguyễn tái chiếm Gia Định, rước Nguyễn Ánh từ Phú Quốc về. Đầu năm sau Nguyễn Huệ trở vào, Nguyễn Ánh lại ra Phú Quốc và cho con đầu là hoàng tử Cảnh làm con tin theo Bá đa Lộc (giám mục Pháp) sang Pháp cầu viện. Năm 1784, Nguyễn Ánh (22 tuổi) được vua Xiêm giúp 300 thuyền và 3 vạn binh kéo về Gia Định hãm thành, bị thảm bại trước Nguyễn Huệ ở Rạch Gầm-Xoài Mút (1785). Nguyễn Ánh lại sang Xiêm, vua Xiêm muốn giúp một lần nữa nhưng do bầy tôi can ngăn(7). Nguyễn Ánh đành từ chối và lang bạt ở vùng Hà Tiên đến phải xin cơm nhà dân ăn.
Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh Phú Xuân, ngoài Võ văn Nhậm (rể Nhạc) và Nguyễn văn Lộc còn có Nguyễn hữu Chỉnh cùng đi. Chỉnh vốn là một tay giảo hoạt trước thờ Hoàng đình Bảo (tôn phò Trịnh Sâm nên bị kiêu binh giết) nay trốn vào Nam quy thuận Tây Sơn, y nhân cơ hội thuyết phục Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa „diệt Trịnh phò Lê“ tiến thẳng ra Bắc.
Nguyễn Huệ giao Phú Xuân cho Lữ rồi cử Chỉnh dẫn thủy binh đi trước, Nguyễn Huệ cùng Nhậm sẽ kéo bộ binh theo sau hẹn sẽ hội quân ở Vị Hoàng tiến ra Thăng Long.
Ngày 6/6 Bính Ngọ tức 1/7/1786, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất, Trịnh Khải cho quân nghênh chiến bị thua. Khải trốn lên Sơn Tây đến Hạ Lôi thì bị bắt và tự vẩn. Nguyễn Huệ vào Thăng Long (21/7/1786) chính thức xóa sổ họ Trịnh, thống nhất đàng Trong với đàng Ngoài. Hôm sau yết kiến Lê Hiển Tông tại cung Vạn Thọ được vua phong làm Nguyên soái Uy quốc công và gả Ngọc Hân công chúa. Ngày 17/7 Bính Ngọ (10/8/1786) Hiển Tông băng, hoàng tôn Lê Duy Kỳ nối ngôi tức Lê Chiêu Thống.
Sợ rằng Nguyễn Huệ một phương lừng lẫy khó kềm, Nhạc từ Qui Nhơn cấp tốc mang quân tín cẩn ra gọi khéo về. Nguyễn Huệ biết ý, đón dâng tờ trình rồi giữa đêm 17/7 nhuận (9/9/1786) cùng Nhạc xuôi Nam bỏ mặc Chỉnh. Chỉnh hoảng hốt đuổi theo xin trấn Nghệ An cùng với Nguyễn Duệ và Nguyễn hoàng Đức, riêng Võ văn Nhậm đóng ở Đông Hải trông chừng mặt Bắc.
Nhạc phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương cai quản từ Thuận Hóa trở ra, Lữ làm Đông Định Vương Trấn Biên (Bình Thuận trở vào) còn mình tự phong là Trung Ương Hoàng Đế đóng tại Qui Nhơn.
Ở đàng Ngoài, Lê Chiêu Thống chưa kịp yên vị thì Trịnh Bồng đã tự xưng. Chỉnh được mật gọi, ra đuổi Bồng rồi mặc sức thao túng. Hay tin, Nguyễn Huệ lệnh Võ văn Nhậm ra giết Chỉnh (Chiêu Thống hoảng sợ bỏ trốn sau khi sai người cầu viện nhà Thanh). Xong việc, Võ văn Nhậm lại tự tung tự tác mưu lập Lê Duy Cẩn, bị Ngô văn Sở cáo biến vào Phú Xuân.
Tháng 4 Mậu Thân (5/1/88) Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai chỉ trong 10 ngày, giết Nhậm. Khoảng non tháng thì quay về, giao đàng Ngoài cho Sở cùng Ngô thời Nhiệm (danh sĩ Bắc Hà) lo việc.
Nguyễn Ánh nhân thời cơ, từ Gia Định phản công khiến Lữ phải rút.
Tháng 10 năm Mậu Thân (1788) Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn sĩ Nghị dẫn đại quân nhà Thanh, chia làm ba đạo tiến sang.
Để yên lòng dân, Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất lên ngôi hoàng đế niên hiệu Quang Trung (25/11/Mậu Thân tức 22/12/1788 tại núi Bân, Phú Xuân) và ngay trong ngày thống lĩnh đại binh thủy bộ lên đường.
Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ ba ngày 22/12/1788 vây Hà Hồi, đánh Ngọc Hồi chiếm Yên Quyết và Khương Thượng… (Tôn sĩ Nghị lên ngựa bỏ chạy không kịp thắng yên cương) dẹp tan 20 vạn quân Thanh, tiến vào Thăng Long ngày 5 tháng giêng Kỷ Dậu ((30/1/1789) ở tuổi 36.
Nguyễn Ánh bấy giờ được Pháp hổ trợ, miệt mài củng cố binh bị (8).
Tháng 2 (Kỷ Dậu) Nguyễn Huệ về Phú Xuân sau khi đã hoà hiếu với nhà Thanh (cấp lương thực và phóng thích tù binh, tránh bị phục thù). Tháng 6/1790, lệnh tướng Diệu dẹp loạn Lê Duy Chỉ (liên kết với thổ dân Vạn Tượng, Xiêm toan chiếm Nghệ An) và khuất phục vua Ai Lao buộc phải triều cống và vua Miến Điện phải thông hiếu (1791).
Mùa xuân 1792 (Nhâm Tý) được tin Nguyễn Ánh sắp đánh Quy Nhơn, Nguyễn Huệ liền chuẩn bị binh mã chinh Nam nhưng tháng 7 Nhâm Tý (15/9/1792) nhà vua bất ngờ ngã bệnh, mất ở tuổi 39.
Nguyễn Quang Toản nối ngôi (Cảnh Thịnh) mới 13 tuổi, triều chính rơi vào tay cậu ruột là thái sư Bùi đắc Tuyên. Tuyên lợi dụng củng cố quyền lực, tạo băng đảng gây chia rẽ và hãm hại trung thần.
Năm 1793 quân Nguyễn Ánh chiếm Phú Yên, đánh Quy Nhơn. Nhạc cầu cứu, quân từ Phú Xuân vào. Nhạc mở cửa thành, tướng của Cảnh Thịnh bất ngờ ra lệnh giải giáp quân đội của Nhạc, chiếm giữ các kho tàng khiến Nhạc tức uất thổ huyết chết (con của Nhạc là Nguyễn Bảo cũng bị giáng).
Tây Sơn mỗi ngày mỗi suy yếu, trong lúc Nguyễn Ánh liên tục thua trận này bày trận khác, chủ động tập kích.
Năm 1793 Nguyễn Ánh rút vào Diên Khánh đào hào đắp lũy xây tổng hành dinh, lập xưởng đóng thuyền chiến giao Nguyễn văn Thành trấn giữ. Năm 1794 Tây Sơn vào vây, Nguyễn Ánh đem binh giải cứu. Diệu tạm rút, năm sau quay lại. Nguyễn Ánh lại từ Gia Định ra, thế trận hai bên cứ vậy giằng co cho đến khi Phú Xuân có biến (9), Diệu được lệnh triệu về.
Năm 1797, Nguyễn Ánh toan tái chiếm Quy Nhơn song lượng sức không được bèn dong buồm thẳng ra Quảng Nam, cuối cùng cũng phải quây về vì không đủ lương thực. Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm Quy Nhơn đổi tên thành Bình Định giao Võ Tánh và Ngô Tùng Châu giữ. Năm 1800 quân Tây Sơn vào, thành Bình Định mất, Võ Tánh tự đốt mình.
Thay vì giải vây, Nguyễn Ánh ra tấn công Phú Xuân làm chủ Thuận Hóa, các nơi khác cũng dần lọt vào tay Nguyễn Ánh. Cảnh Thịnh bỏ chạy, Nguyễn Ánh thu ấn truyền quốc và đào mả Nguyễn Huệ nghiền xương, bỏ đầu lâu giam ngục.
Tháng 7 Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Gia Long, quốc hiệu Nam Việt (1804, nhà Thanh mới sai sứ sang ban quốc hiệu Việt Nam) tiếp tục đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa… rồi ra Bắc, vua tôi Tây Sơn lần lượt bị bắt và bị hành hình.
Nhà Tây Sơn bị tuyệt diệt, Nguyễn Ánh tóm thu thiên hạ, bình định đất nước đến năm 1820 thì mất.
III- NGUYỄN HUỆ - NGUYỄN ÁNH SỰ ĐỐI ĐẦU BẤT HẠNH ?
Xuất thân là dân ngụ cư, Nguyễn Huệ cùng anh dấy nghĩa năm 18 tuổi.
Sinh thời không qua một trường lớp đào tạo chính quy nhưng ngoài tài dụng binh và thuật dùng người (10) Nguyễn Huệ đầy lòng nhân chứ không khinh mạn hoặc bạo sát như Lưu Bang hay Hạng Vũ thời Hán Sở.
Linh hoạt và quyền biến, Nguyễn Huệ thừa thắng mang quân từ Phú Xuân thẳng ra Bắc (1786) diệt Trịnh nhưng không tiếp thu ngay do ý thức rõ tình hình chính trị bấy giờ chưa đủ độ chín muồi (11) dẫu với binh lực thừa cho phép Nguyễn Huệ hiện thực hóa giấc mộng đế vương. Ngay việc bất ngờ thả nổi Chỉnh cũng là một cách Nguyễn Huệ muốn thăm dò dư luận cũng như phản ứng của các thế lực sở tại đối với tay phản thần nhà Trịnh này.
Tiếc thay, tuổi trẻ của anh em Nguyễn Huệ lẫn tập đoàn dưới trướng hầu như thiếu sự đầu tư và tiếp cận với những nguyên tắc kỹ trị cùng truyền thống an dân. Chỉ riêng sự thiếu lòng tin vào em mình của Nhạc (12) đã gián tiếp đẩy cuộc dấy nghĩa của họ vào tình huống bế tắc rồi suy vong.
Còn đáng tiếc và sinh bất phùng thời chăng cùng với Nguyễn Huệ, xuất hiện một Nguyễn Ánh không kém trí dũng vốn được phò trợ bởi môt lực lượng văn võ hùng hậu, xuất thân từ dòng tộc quan lại sĩ phu thâm niên nhà chúa ?
Chuyện kể sau nêu bật tính cách kỳ phùng của hai con người siêu hạng : Trong một trận thủy chiến tại Gia Định, tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn hoàng Đức bị bắt. Nguyễn Huệ thu dùng, nhưng tối ngủ Đức lại nằm mê mắng chưởi quân Tây sơn. Thuộc hạ muốn giết song Nguyễn Huệ cười, không bắt tội còn hậu đãi cho theo đánh Bắc thành. Sau này, Đức trốn về lại với Nguyễn Aùnh vẫn được Nguyễn Ánh tín cẩn phong làm Tổng trấn Bắc thành (1809) chứng tỏ Nguyễn Ánh chẳng phải tay vừa !
Nguyễn Ánh ngỡ may mắn là con cháu nhà chúa, nhưng vừa chào đời gia đình đã chịu sự hãm hại bởi bọn quyền thần. Không chính thức được nối dõi, Nguyễn Ánh còn là mối hiểm nguy tiềm ẩn „đối tượng chính trị“ nhiều hứa hẹn sẽ là đích ngắm, nếu Trương Phúc Loan còn sống. Ấy thế, cậu bé qúy tộc và cô độc ấy vẫn từng ngày lớn lên giữa bao mối đe dọa như một điều kỳ diệu và khó tin. Thử hình dung tuổi niên thiếu của Nguyễn Ánh theo chân chúa lưu lạc. Chúa bị giết, một mình giữa rừng quan tướng vàng thau khó lường (tướng nhà chúa, tướng cừu thù trong gia tộc, tướng sơn lâm mãi võ chiêu mộ bao phen trên đường bại vong, tướng địch quy hàng…). Phải là người trí lực song toàn, Nguyễn Ánh mới chế ngự và duy trì được một lực lượng binh tướng „vạn lý trường chinh“ sau nhiều phen tan tác đến thế.
Nguyễn Ánh là ai theo cách giải thích của người xưa, nếu không là kẻ có chân mệnh ?
IV- QUANG TRUNG & GIA LONG SỰ AN BÀI MAY MẮN CỦA LỊCH SỬ ?
a - KHÔNG CÓ NGUYỄN HUỆ, DỄ GÌ NGUYỄN ÁNH LÀ VƯƠNG ?
Thuở đầu đời Nguyễn Huệ lẫn Nguyễn Ánh hầu như không có dấu hiệu tự thân mưu cầu (13), chính do sự quay cuồng của những sự kiện mang tính “thời thế tạo anh hùng” đã đẩy đưa cả hai vào vai trò “anh hùng tạo thời thế” để rồi trở thành đối thủ của nhau.
Từng trang sử máu lửa vào thời kỳ ấy vô hình chung chứng nghiệm, phải chăng để giúp Nguyễn Ánh hội đủ bản lĩnh trị vì bá tánh, thời thế đã sinh ra non một thập niên trước một Nguyễn Huệ anh hùng làm đối trọng, huấn nhục để tôi luyện Nguyễn Ánh ?
Nguyễn Huệ chết trẻ nhưng đã kịp thời dẹp thù trong giặc ngoài, thống nhất bờ cõi tạo thuận lợi để Nguyễn Aùnh nối tiếp sự nghiệp trị quốc an dân… Điều mà anh em và con cháu Nguyễn Huệ chừng như khó hoàn tất do bất khả trong khâu “tu thân, tề gia” (14)?
Thật vậy, không có phong trào nổi dậy Tây Sơn mà Nguyễn Huệ đã vươn lên vị trí lãnh đạo chủ chốt, tính mạng Nguyễn Ánh chẳng khác chuông treo chỉ mành trước một Phúc Loan đầy tham vọng. Ngoài ra sự xuất hiện của Nguyễn Huệ trong cuộc thư hùng Nam Bắc, vô tình đẩy Nguyễn Ánh chệch khỏi tầm ngắm của nhà Trịnh, phần nào giúp kẻ thừa tự cuối cùng(15) của dòng họ chúa Nguyễn hội đủ thời gian để trưởng thành, khắc phục nghịch cảnh và tích lũy kinh nghiệm.
Và nếu không có Nguyễn Huệ thì dẫu chỉ giữ hư vị, nhà Lê (trung hưng) vẫn tiếp tục tồn tại với ưu thế chính trị nghiêng về phủ Liêu (chúa Trịnh) : liệu Nguyễn Ánh có được cơ hội để vẫy vùng ?
Nguyễn Huệ không trực tiếp diệt nhà Lê nhưng bằng sự cầu viện nhà Thanh trong lúc Nguyễn Huệ (rể vua Lê Hiển Tông) chưa thực sự là mối đe dọa, Chiêu Thống đã tự hủy danh nghĩa gián tiếp khai tử vị thế chính thống vốn sẵn của mình(16). Nguyễn Ánh nhờ vậy mới mạnh dạn xưng đế sau này thu phục nhân tâm mọi miền nhất là giới sĩ phu đất Bắc ít nhiều vẫn còn hoài niệm quá khứ (17)…
Nếu thiếu vắng Nguyễn Huệ sau ngày Chiêu Thống cầu viện, lãnh thổ nước Nam ắt khó được bảo toàn. Nguyễn Ánh (thay vì Nguyễn Huệ) sẽ phải đối đầu với quân Thanh cùng nhiều thế lực khác, kể cả bạo loạn có thể dấy lên khắp nơi dưới danh nghĩa phục Lê kiểu Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm. Nhưng nếu Nguyễn Huệ tiếp tục tại thế sau 1792, Nguyễn Ánh khó là đối thủ ngang tầm. Cuộc chiến hẳn sẽ triền miên với sự yểm trợ của lân bang (Pháp) về phía Nguyễn Ánh lẫn sự dòm ngó của nhà Thanh trong vị thế một ”ngư ông đắc lợi” mỗi khi sự phân rã quyền lực mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn giữa anh em Tây Sơn.
Nguyễn Huệ mất sớm để lại cho muôn dân sự tiếc nuối về dự tính mở mang bờ cõi ngược lên phía Bắc, qua việc cầu hôn công chúa nhà Thanh - liệu sự nuối tiếc ấy có đầy hoang tưởng ?
Với dân số và quân số cùng diện tích lãnh thổ rất ư khiêm tốn sánh với Trung Quốc, do đâu Nguyễn Huệ và nhân dân ta đánh bại 20 vạn quân Thanh chỉ trong một thời gian ngắn, nếu không vì tinh thần dân tộc bị tổn thương và kẻ ngoại xâm thiếu chính nghĩa ?
Giả dụ Nguyễn Huệ còn sống và thực hiện hoài bão, nói cách khác hoán đổi vị trí cho nhau, lẽ nào quân dân ta có chính nghĩa ? Nhân dân Trung Quốc liệu sẽ không mặc cảm bị xúc phạm bởi mất trắng Lưỡng Quảng(18) về tay người áo vải phương Nam đã hơn một lần làm bẽ mặt triều đình của họ ?
Sẽ khó lường xiết bao nếu tái diễn một cuộc so gươm ngay trên xứ người giữa vị anh hùng chưa một lần nếm mùi chiến bại “Quang Trung” và hoàng đế vũ dũng Càn Long ? Dân tộc ta dễ gì tránh khỏi từng trận đòn thù hẳn khủng khiếp bội phần so với bao cuộc tràn quân xâm lược của họ trước đây ?
Ấy là chưa xét đến vị thế của Ngọc Hân sẽ thế nào nếu vua Thanh chấp thuận lời cầu hôn của Nguyễn Huệ ? Dân chúng sẽ chịu thúc thủ để cho nàng công chúa tài hoa đất Bắc độ nào, vị Bắc Cung hoàng hậu đáng yêu bấy giờ bị phế truất ?
Ngược lại, triều đình “Đại Thanh” liệu có chịu được sĩ nhục khi công chúa của họ kém thế
b - THIẾU SỰ KẾ THỪA CỦA NGUYỄN ÁNH : ĐẠI NGHIỆP NHẤT THỐNG GIANG SAN CỦA NGUYỄN HUỆ DỄ GÌ BỀN VỮNG ?
Bằng những chiến thắng thần tốc tạo nền cho một chính sách ngoại giao mềm dẻo thời hậu chiến, thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã khéo khuất phục kẻ thù từ binh tướng đến vua quan. Triều đình nhà Thanh chẳng đã trân trọng dành một sự đón tiếp có một không hai vị anh hùng áo vải cờ đào trời Nam (19) dẫu thừa hiểu là vua… Quang Trung giả (1790) ?
Nhưng về đối nội, chưa tròn ba thập niên do đâu vương triều Tây Sơn nhanh chóng sụp đổ ?
Trước hết do Nhạc quá đa nghi và tính cách nổi loạn buổi đầu của Nhạc chỉ trên tầm một biện lại ngang tàng hay “trại chủ Lương Sơn!” hào hiệp, chứ chưa thể đạt đến tầm vóc của một bậc khai sáng. Nhạc cũng không lường được tay phản thần đàng Ngoài vốn cơ trí nên đã mặc Chỉnh sát cánh cùng Nguyễn Huệ trong lần ra Phú Xuân, mở màn cho một cuộc chinh Bắc thần kỳ của em mình sau đó. Tham vọng của Nhạc chỉ gói trọn trong một phần lãnh thổ, một không gian quyền lực thuộc đàng Trong mà thôi. Lữ thì hiền hòa, thiếu tha thiết với việc mưu bá đồ vương và chết sớm (1787).
Tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng của nhà Tây Sơn cũng chưa hẳn chỉ bắt nguồn sau khi Nguyễn Huệ mất.
Chính sự tự thỏa mãn quá sớm với những gì vừa chiếm lĩnh được vốn đã vượt sức mình, Nhạc đã xé nhỏ từng phần lãnh thổ chưa thực sự ổn định để cát cứ. Sự vội vã phi chiến lược này đã gián tiếp làm phân rã nội bộ từ gia tộc đến binh tướng và nhân dân từng vùng, từng miền theo cách “chúa ai nấy thờ” của anh em Tây Sơn. Tóm lại từ một hành động phản kháng có tính địa phương, biện Nhạc dấy lên một phong trào cứu khổ phò nguy hạn hẹp chỉ giữa hai tầng lớp : quan lại thống trị nhà chúa (Nguyễn) và quần chúng bị bóc lột.
Nguyễn Huệ sau đó mới là người trực tiếp biến sự tranh chấp quyền lợi giai cấp thành một lực lượng có chính nghĩa bao trùm “dẹp giặc trong, chống thù ngoài” kết dính toàn dân thành một khối. Sau trận đại thắng quân Xiêm, Nguyễn Huệ đã chớp thời cơ và triệt để phát huy sức mạnh, công khai tuyên chiến với toàn bộ hệ thống phong kiến đàng Trong lẫn đàng Ngoài : ranh giới sông Gianh mặc nhiên bị xóa bỏ.
Để rồi với cuộc tử chiến tiêu diệt gọn 20 vạn quân Thanh năm 1789, Nguyễn Huệ nghiễm nhiên trở thành vị đệ nhất anh hùng của chính dân tộc mình. Đối thủ thực sự của Nguyễn Huệ trên chiến trường chưa hẳn là… Nguyễn Ánh. Chỉ hiềm dưới trướng Nguyễn Huệ, quan quân ít kẻ xuất thân là khoa bảng cũng như hội đủ năng lực kinh bang tế thế. Do bị thôi thúc bởi sự căm thù ngoại xâm cùng bè lũ tham quan triều Nguyễn nên họ đã đứng lên. Nghĩa khí và sự can trường có thừa song chưa kịp kinh qua một quá trình tổ chức và điều kiện huấn luyện đủ để trở thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Quân Tây Sơn (gốc Kinh lẫn Thượng…) có thể sử dụng nhanh trong mỗi chiến dịch chứ khó duy trì bền.
Bên trong triều đình Tây Sơn lại thiếu vắng những “quan văn chính thống” nổi trội, ngoài một Nguyễn Thiếp quân sư. Riêng Ngô thời Nhiệm vốn là cựu binh của xứ Ngoài, được ủy thác có giới hạn về sứ mệnh tham mưu và đối ngoại chứ chưa thực sự được toàn quyền gách vác trọng trách, giữa lúc quanh Nhiệm là một rừng hảo hán phương Nam.
Cánh võ biền gồm vô số những tay hào kiệt nặng tinh thần nghĩa hiệp hơn là ý thức sâu sắc về quan điểm chính trị về lâu về dài. Thái độ khoan dung của Trần Quang Diệu đối với tướng sĩ của Võ Tánh (nhà Nguyễn) là một điển hình : Mùa hạ 1800 quân Tây Sơn hãm thành Bình Định, tướng giữ thành là Võ Tánh liệu bề không chống nổi bèn lên đài cao tự châm lửa đốt. Trước khi chết, Tánh gởi thư cho tướng Tây Sơn “ “trong thành lương hết không thể giữ được nữa, tướng quân thua trận đáng chết là ta nhưng quân lính vô tội, chớ nên giết hại” “ Diệu vào thành trông thấy thương chảy nước mắt lấy lễ thu chôn, tướng sĩ của Tánh không bị Diệu giết một ai và được tự do ra về”
Lẽ ra Nguyễn Ánh phải biết, quan quân của Nguyễn Ánh phải nhớ mà nương tay sau này khi đánh bại Tây Sơn . Xưa Ngũ Viên vì thù cha mà quất thây Sở Bình Vương hay Dự Nhượng trả hận cho chủ cũ không thành mà cố xin Tương Tử chiếc áo ông ta đang mặc để đâm cho thỏa mãn ước nguyện. Đấy là cách hành xử của kẻ bầy tôi thời Chiến Quốc kém thế vốn đã bị đời chê trách.
Nay qua sự xúc phạm hài cốt và hành hình dã man thân nhân cùng tướng tá của đối phương (Nguyễn Huệ) Nguyễn Ánh càng để lộ nỗi ức chế triền miên về sự bất lực của mình trước bóng dáng lớn lao của Nguyễn Huệ trong quá trình đối mặt. Nguyễn Ánh tự đánh mất ít nhiều phong cách của một bậc đế vương, lội ngược tinh thần đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận” của người Á đông. Chẳng những tự gây thương tổn mình, Nguyễn Ánh còn làm thương tổn bao thế hệ con tim vốn luôn ngưỡng vọng vị anh hùng bách chiến bách thắng Quang Trung. Nguyễn Ánh còn gián tiếp tự chọn cho mình vị thế đối nghịch với toàn dân qua những lần cầu viện ngọai bang (Xiêm, Pháp).
Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận Nguyễn Ánh cũng là một bậc anh tài. Ngoài sự kiên gan và tinh thần dám chịu mọi khổ nhục, Nguyễn Ánh còn khéo tận dụng và triển khai từng thành quả của đối thủ (Nguyễn Huệ) để tóm thu thiên hạ về tay mình cùng ổn định đất nước.

Xét về một khía cạnh khác, sao có thể trách được Nguyễn Ánh ?
Trong một tình thế thắng bại chưa thực sự nghiêng về ai, ngoài tâm trạng bất an Nguyễn Ánh còn bị chi phối bởi nhiều áp lực từ tập đoàn quan tướng phong kiến của mình. Biện pháp bất nhẫn Nguyễn Ánh áp dụng với kẻ thù ắt nhằm vuốt ve và “mua đứt” sự dốc lòng của thuộc hạ vốn phải ăn sương nằm đất bao năm theo khuông phò ? Ai cấm họ không ngầm đòi hỏi Nguyễn Ánh, bằng mọi giá phải bảo toàn cùng xác lập vai trò khanh tướng vốn đã cận kề đối với họ? Ai trong số họ không nuôi giấc mộng một ngày trở về cố hương, dọn mình đón đợi ơn mưa móc của Nguyễn Ánh ?
Nhưng dư âm của bao trận quyết tử ngày trước của quân tướng Tây Sơn, Nguyễn Ánh dễ gì thuyết phục và trấn an được những kẻ dưới quyền nếu nhẹ tay với bầy tôi trung dũng còn đó của Nguyễn Huệ ?
Vả lại sự thắng thế của Nguyễn Ánh phần nào còn dựa vào âm hưởng của quá trình mở cõi bởi các tiên chúa nhà Nguyễn, khát vọng thanh bình muôn thuở của nhân dân sau hằng trăm năm binh biến… Trong cảnh huống ấy, không chỉ Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh mà bất cứ nhân vật nào dám nhận lãnh vai trò “thế thiên hành đạo” tất nhận được sự cổ vũ của nhân dân. Đâu phải chợt dưng thiên hạ nghiêng về Nguyễn Ánh nếu Nguyễn Huệ không sớm bị tước đoạt tuổi trời ? Thiếu bóng minh chủ, quân Tây Sơn như rắn mất đầu đánh mất thế chủ động, bao phen bị dồn vào tình thế gần như trở nên cường đạo(20) và mất dần chính nghĩa.
Nguyễn Huệ, vị chiến tướng lừng lững nằm xuống giữa lúc áo bào còn vắt ngang lưng ngựa và thắng lợi cuối cùng thuộc về Nguyễn Ánh sau khi không còn Nguyễn Huệ, tất cả cũng đã … cát bụi trở về. Vẫn biết không thể lấy sự thắng bại để luận anh hùng, nhưng nếu tự thân thiếu ý chí hay không thừa hưởng cái chất anh hùng cha truyền con nối, Nguyễn Ánh làm sao hiện thực hóa được khát vọng ”trị quốc, bình thiên hạ” của mình ?
Thời thế xưa nay hiếm dung cùng lúc lắm hào kiệt “ trời sinh Du, sao còn sinh Lượng ? “Nhưng riêng với Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh thì chưa hẳn, mỗi người mỗi danh phận, mỗi khí phách và trọn vẹn cuộc đời đã hoàn thành “một nửa sứ mạng lịch sử vinh danh lẫn đau đớn” của mình, sau những gì nhận được hoặc mất đi tưởng như nghịch lý. Bao nhiêu biến cố xoay vần ý chừng cũng thuận theo vận nước, một sự định phận tại thiên thư.
Vâng, biết đâu sự trùng phùng giữa “Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh” đấy chẳng là điều may mắn thay vì bất hạnh của dân tộc : đất nước đã sinh Nguyễn Huệ, lẽ nào thiếu Nguyễn Ánh !
Đâu đó bên kia đời, hẳn cả hai - Thái tổ Võ hoàng đế NGUYỄN HUỆ và Thế tổ Cao hoàng đế NGUYỄN ÁNH khó lòng khước từ một sự tri ơn dẫu toàn tâm hay chừng mực, dẫu công khai hay thầm lặng của hậu thế ?
Chú thích:
(1) việc thí vua Lê Long Đỉnh (1009) và Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (1225)
(2) chỉ việc cầu viện ngoại bang (Xiêm,Pháp) nhằm khôi phục ngôi chúa của Ánh.
(3) Sau khi lên ngôi, Ánh ban hành luật pháp nghiêm minh; không sử dụng các quan tướng Pháp đã hổ trợ Ánh trước đây vào những vai trò quan trọng (chỉ ban thưởng chức tước,phẩm hàm tượng trưng,hậu đãi về vật chất, đặt tên Việt hay gả vợ cho mà thôi).Trước sự xâm nhập của một tôn giáo mới (TCG) vốn là hệ lụy của việc cầu viện ngoại bang (Pháp) Ánh phản ứng tự vệ bằng cách sửa sai như quảng bá mạnh mẽ hơn tư tưởng Phật, Nho giáo trong quần chúng,xây dựng nhiều đền chùa khắp nơi trên toàn quốc…
(4) Các sử gia triều Nguyễn (Gia Miêu) cho rằng Huệ chiếm Phú Xuân là “mạo phạm đất vua và lăng tẩm liệt thánh” của nhà Nguyễn nên đã mơ thấy một lão trượng dùng gậy đánh mắng sinh ra sợ hãi muốn dời đô ra Nghệ An song kết cuộc vẫn phải chết (Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện).Một nghi vấn khác càng không thể chấp nhận cho rằng Ngọc Hân đã đầu độc chồng.Thử hỏi, nhà Lê bấy giờ còn ai và Huệ mất thì Bắc Cung hoàng hậu sẽ nương tựa vào đâu, được gì và mất gì nhất là bà đang có con còn rất nhỏ.
(5) mãi đến đời chúa Trịnh Tùng, nhà Mạc bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, chạy lên hùng cứ vùng Cao Bằng cho đến 1677 mới thực sự bị tuyệt diệt.
(6) Nguyễn Phúc Luân (cha của Ánh) là con thứ nhì của Nguyễn Phúc Khoát lẽ ra được nối ngôi theo di chiếu. Nhưng do Trương Phúc Loan muốn chuyên quyền đã tìm cách sát hại (1765) để lập em Luân là Phúc Thuần còn nhỏ (thứ 16) nhằm tiện bề thao túng.
(7) 1785,vua Xiêm muốn giúp Ánh lấy lại Gia Định lần thứ hai. Nguyễn văn Thành tâu “lính Xiêm tàn ngược không nên nhờ, nếu nhờ sẽ có sự lo về sau” Ánh bèn thôi.
(8) Ánh cầu viện Pháp qua sự trung gian của giám mục Bá đa Lộc (gởi hoàng tử Cảnh làm con tin) là một sai lầm khó bào chữa bởi đã gây hệ lụy cho nhiều đời sau.
(9) Bùi đắc Tuyên bị các tướng Tây Sơn giết.
(10) việc Huệ khéo dùng người: sử dụng nhân sĩ đất Bắc (Ngô thì Nhậm) bầy tôi của chúa Trịnh (Nguyễn Hữu Chỉnh) tướng của Ánh bị bắt (Nguyễn Hoàng Đức) “ tận dụng thông tin từ Chỉnh để tiến quân ra Bắc (lần 1) ; nghe theo kế sách của quân sư Nguyễn Thiếp, khen ngợi chiến thuật lui quân của Ngô thì Nhiệm khi quân Thanh vừa tiến sang...
(11) lòng người oán Trịnh nhưng vẫn hướng về nhà Lê và tưởng nhớ Nguyễn Kim là người có công phò lập nhà Lê (trung hưng).
(12) Nhạc ra Bắc, Huệ hiểu ý đón dâng tờ trình và nộp binh phù cho anh.
(13) cả hai đều ở vị thế nhân vật “ hạng hai”: Huệ đằng sau anh mình (Nhạc) và Ánh thực sự không phải là kẻ chính thức được nối nghiệp Chúa (của Nguyễn Phúc Thuần).
(14) Nội bộ Tây Sơn về sau càng chia rẻ. Năm 1793, Cảnh Thịnh (con Huệ) vào cứu Quy Nhơn lại tịch thu ấn tín của vua Thái Đức (Nhạc) tướng Sở can không được, Nhạc uất ức thổ huyết chết. Cảnh Thịnh còn phế thái tử Nguyễn Bảo (con của Nhạc)
(15) Nguyễn Phúc Thuần tử vong và Nguyễn Phúc Dương cũng bị Tây Sơn bắt.
(16) Chiêu Thống theo đám tàn quân nhà Thanh chạy sang lưu vong ở Trung Quốc, chết ở đấy vào năm 28 tuổi (1792)
(17) khuynh hướng sùng bái chế độ quân chủ phong kiến và nhà Lê trung hưng do Nguyễn Kim phụng lập nên tâm lý ít nhiều hướng dần về Nguyễn.
(18) thực ra chỉ là phần lãnh thổ 6 châu thuộc Hưng Hóa và 3 động thuộc Tuyên Quang của nước ta trước kia bị bọn thổ tỵ nhà Thanh xâm chiếm sáp nhập vào hai tỉnh (Quảng Đông, Quảng Tây) của Trung Quốc mà thôi. Vả lại, Phúc An Khang (thay Tôn sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng) đã thay mặt triều đình nhà Thanh lấy cớ cương giới đã định mà khước từ rồi.
(19) đóng giả vua Quang Trung là Phạm văn Trị, anh họ bà vợ đầu của Huệ (Nguyễn Huệ có 3 vợ : bà Phạm thị mất sớm (mẹ Quang Thùy, Quang Bàn) bà Bùi thị (Chánh cung hoàng hậu, mẹ Quang Toản, Quang Thiệu, Quang Khanh) và Lê Ngọc Hân công chúa (Bắc cung hoàng hậu, mới có con nhỏ)
(20) con của Nhạc, Huệ đều bất tài, chia rẽ và hãm hại lẫn nhau… lắm lần thua trận, quân của Toản còn cướp bóc của dân (Phú Xuân).

Sự Trả Thù Của Nhà Nguyễn Phúc Ánh Ðối Với Nhà Tây Sơn

Nhà Tây Sơn

Lời đầu sách

... Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða lịch sử, dân tộc ta nhớ lại chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn với Quang Trung bách chiến bách thắng, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập và thống nhất Tổ quốc vừa được lập lại với sự nổi dậy bão táp của phong trào Tây Sơn. Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða, không chỉ ôn lại cuộc tiến công thần tốc và chiến tích bình Thanh, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi các lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và tên tuổi các tướng lĩnh anh hùng đã xây dựng phong trào từ trứng nước, cũng như các tướng lĩnh quy tụ với phong trào sau khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Trên tinh thần đó, tác phẩm Nhà Tây Sơn của nhà văn lão thành Quách Tấn và con trai là anh Quách Giao do Sở VHTT Bình Ðịnh xuất bản ra mắt bản đọc trong dịp này góp phần kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi Ðống Ða lịch sử. Tác phẩm này là kết quả của một tâm huyết lớn khao khát thể hiện lại sự thật lịch sử trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tác giả: Những gì tôi được nghe, được thấy, được biết trong đời mà còn nhớ lại trong tuổi già, nếu không viết ra cho quê hương, con cháu, e rằng sẽ vĩnh viễn mang theo xuống ba tấc đất. Với nguyện vọng và niềm ưu tư đó, trong những năm cuối đời, tuy hay đau yếu, bị mất một mắt và mắt còn lại rất mờ, nhà văn lão thành Quách Tấn đã trên 80 tuổi vẫn làm việc mê say và nghiêm túc với sự giúp đỡ đắc lực của con trai để thực hiện tác phẩm Nhà Tây Sơn và tự mình mò mẫm viết nhiều tác phẩm giàu tính tư liệu khác về quê hương Bình Ðịnh.
Lịch sử nhà Tây Sơn là vấn đề lớn được giới nghiên cứu sử học và toàn thể nhân dân ta quan tâm tìm hiểu. Nhiều tác phẩm đã viết về thời đại Tây Sơn, viết về những anh hùng dân tộc thời Tây Sơn, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng những gì đã được công bố và tổng kết trong các bộ sách là rất công phu và chính xác. Nhưng khi đọc Nhà Tây Sơn, bên cạnh những chi tiết mới và tỉ mỉ chỉ có ở tác phẩm này, còn có những chi tiết khác hẳn so với các tài liệu và sách báo đã có, về tên cha mẹ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, hay việc xác định quê quán của đô đốc Trần Quang Diệu, mối liên quan giữa các tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở, đô đốc Ðặng Văn Long và đô đốc Ðặng Tiến Ðông...
Chúng tôi đã trực tiếp làm việc và trao đổi với tác giả trước khi in Nhà Tây Sơn. Nhà văn Quách Tấn cho biết rằng tác phẩm này đã được viết với phương châm ghi chép lại các sự kiện lịch sử chính xác theo sự phản ánh của nhân dân địa phương, cụ thể là theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống thời Tây Sơn ở đất Tây Sơn, và chính xác theo các tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về Tây Sơn được nhân dân bảo tồn qua sự trả thù ghê gớm của triều đình nhà Nguyễn. Cùng với các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước có liên quan tới phong trào Tây Sơn (xem bảng kê sách tham khảo). Nói như vậy, không có nghĩa Nhà Tây Sơn là một quyển sử ký. Ðây chỉ là, như ý kiến khiêm tốn của tác giả, một tập ghi chép chuyện đã xảy ra trong lịch sử về một thời đại vẻ vang của dân tộc với sự đầy đủ nhất định các chi tiết thật, con người thật cùng những huyền thoại mà ba anh em Tây Sơn dựng nên để thu phục nhân tâm buổi đầu dấy nghĩa. Ở đó, chi tiết thật và chuyện hoang đường không bị nhòa lẫn vào nhau, các sự việc được ngòi bút tác giả đảm bảo ở tính cụ thể và công bằng.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Nhà Tây Sơn với bạn đọc. Nhân đây, chúng tôi xin tỏ lòng chân thành biết ơn đối với tác giả và kính mong bạn đọc gần xa có ý kiến đóng góp về tác phẩm này.
HỒNG NHÂN
Nguyên Giám đốc sở VHTT Nghĩa Bình 

Sự trả thù của nhà Nguyễn

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân, đem Vua tôi nhà Tây Sơn ra báo thù.
Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác bị voi chà, người trảm quyết.
Từ vị đại tướng đến viên tùy tướng, thảy thảy đều giữ bản sắc anh hùng, không một nét sợ hãi, không một lời cầu nhiêu, hiên ngang, khẳng khái.
Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Nguyễn Phúc Ánh dùng hình phạt khốc liệt nhất quán cổ kim!
Vốn nghe danh nữ kiệt, Nguyễn Phúc Ánh truyền đem đến xem mặt, Nguyễn Phúc Ánh tự đắc hỏi:
- Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?
Nữ kiệt ung dung đáp:
- Nói về tài ba thì Tiên Ðế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ.Còn nhà ngươi bị đánh phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên Ðế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Ðức, tôi nhà ngươi. Còn nhà ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém cũng rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên Ðế ta đừng thừa long sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi gằn:
- Nhà ngươi có tài sao không giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh ?
Nữ kiệt đáp:
- Nếu có thêm một nhi nữ như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không dễ gì mà lạnh. Cửa Nhật Lệ không để lạnh, thì nhà ngươi cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi có muốn xin ân xá không?
Nữ kiệt đáp:
- Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế?
Nguyễn Phúc Ánh căm gan, dằn từng tiếng.
- Không chịu nhục? Ta sẽ làm cho mi biết nhục.
Liền truyền lệnh: Ðem Bùi Thị Xuân về Bình Ðịnh, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa đẩy đi khắp các nơi thị tứ.
Nhân dân Bình Ðịnh nghe tin, không ai bảo ai, mà mỗi lần xe nữ kiệt đi qua, thì nhà hai bên đường đều đóng kín cửa, người đi đường, người nhóm chợ, đều ngoảnh mặt bỏ tránh xa.
Xe đến vùng Ðập Ðá là nơi dệt lụa, thì những tấm lụa tinh khôi bay tung vào xe. Lớp bị bọn tướng sĩ hộ tống vung gươm chém đứt, theo gió bay lên không trung, lớp rơi vào xe phủ kín châu thân nữ kiệt.
Nữ kiệt lại bị giải về Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh hỏi:
- Ðã biết nhục chưa?
- Nhục nào có vương vào thân ta, mà chính đổ lên đầu nhà ngươi, con người tánh độc hơn sài lang, lòng nhớp hơn cẩu trệ.
Nguyễn Phúc Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của nữ kiệt đem ra giết trước mặt nữ kiệt: Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ kêu lên:
- Mẹ ơi! Cứu con với!
Nữ kiệt hét lớn:
- Con nhà tướng không được khiếp nhược.
Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rĩ. Ðến lượt nữ kiệt.
Chúng trói nữ kiệt để nằm ngửa trên cỏ. Ba hồi trống dứt, một con voi to lớn hung hăng chạy đến, giơ chân toan chà. Nữ kiệt trợn mắt hét một tiếng như sấm nổ. Con voi thất kinh thối lui. Bị nài giục, voi bước tới một lần nữa, nhưng vừa bước tới liền dừng bước ngay, thúc mấy cũng không dám tiến. Lính lấy giáo đâm, voi thét lên một tiếng rồi bỏ chạy.
Nguyễn Phúc Ánh tức mình, sai dùng hình phạt điểm thiên đăng.
Chúng lấy vải nhúng sáp nóng đem quấn khắp mình nữ kiệt, rồi đem cột nữ kiệt nơi trụ sắt dựng giữa trời. Ðoạn châm lửa đốt. Nữ kiệt bình tĩnh, nét mặt không chút thay đổi. Lửa cháy phừng phực từ dưới lên trên, sáng chói thấu mây. Ai nấy đều xúc động.
Riêng Nguyễn Phúc Ánh tỏ vẻ hân hoan!
Lửa cháy hồi lâu. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng một tiếng nổ.
Sọ nữ kiệt vỡ. Một lằn thanh quang bay vút lên tầng xanh!
Xử tướng võ xong, xử đến các quan văn.
Phần nhiều đều được tha về cho làm ăn.
Riêng Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích thì bị giải về Thăng Long và đánh đòn tại Văn Miếu.
Phan Huy Ích còn sống trở về nhà.
Ngô Thời Nhậm bị Ðặng Trần Thường đánh chết.
Ðặng Trần Thường là một danh sĩ Bắc Hà. Lúc Ngô Thời Nhậm được Vua Quang Trung trọng dụng, thì Ðặng Trần Thường đến xin Ngô tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Ngô thét bảo Thường:
- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh giúp Vua cai trị nước. còn muốn vào lòn ra cúi thì đi nơi khác.
Ðặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi mang khăn gói vào Nam, phụng sự Nguyễn Phúc Ánh.
Nay đắc thế liền trả thù xưa.
Ðó là đối với bề tôi nhà Tây Sơn. Còn đối với nhà Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng, cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục thất trong hoàng cung để làm lọ đi tiểu.
Ðể nhổ cỏ cho sạch gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những tướng tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã.
 Hai người con Vua Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương náu nơi Mộ Ðiểu, vùng An Khê. Vua tôi nhà Nguyễn biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) thấy tình thế đã yên, ba chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ. Bọn bất lương đi mật báo. Quân nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.
Các danh tướng giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp, phần lớn đã qua đời, như:
- Nguyễn Văn Tuyết đã cùng vợ con tuẫn nghĩa sau khi thất thủ Bắc Thành.
- Võ Văn Nhậm bị Nguyễn Huệ giết chết.
Ðặng Xuân Bảo hy sinh trong trận Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy Thanh Hóa.
- Ngô Văn Sở bị dìm xuống sông vì nạn Bùi Ðắc Tuyên.
- Lê Văn Hưng bị Cảnh Thịnh nghe lời Bùi Ðắc Tuyên giết chết.
- Võ Ðình Tú bị trúng tên chết lúc Nguyễn Phúc Ánh đem đại binh đánh Quy Nhơn.
- Lê Văn Trung bị Cảnh Thịnh giết.
Còn sống ở ngoài tầm nanh vuốt của Gia Long chỉ được ít người: Võ Văn Dũng, Ðặng Văn Long, Ðặng Xuân Phong, Phan Văn Lân, Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Lộc.
Sau khi thoát nạn, Võ trở về Phú Phong, rồi lên An Khê, chiêu mộ được một số người Thượng, chuẩn bị việc phục thù. Lấy hòn Hợi Sơn ở Trinh Tường (Bình Khê) làm căn cứ quân sự. Do đó mà Hợi Sơn còn có tên là hòn Ông Dũng.
Nghe tin Ðặng Văn Long ẩn náu ở Vân Hội (Tuy Viễn) bèn tìm đến bàn đại sự.
Ðặng Văn Long, sau trận Ðống Ða thì đã có ý lui gót. Nhưng vì mấy kẻ bề tôi của Lê Chiêu Thống không nghĩ đến tội cõng rắn của mình, cứ nổi lên chống lại nhà Tây Sơn, nên Ðặng phải nán lại để đánh dẹp. Ðến khi thấy Cảnh Thịnh để cho quần thần lộng hành, mối nước sanh rối, Ðặng bèn từ chức, trở về An Nhơn mở trường dạy võ. Nhưng rồi thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng, Ðặng liền đóng cửa trường, lên núi làm rẫy.
Võ Văn Dũng đến, Ðặng mừng được gặp lại cố tri. Nhưng khi nghe Võ bàn đến chuyện phục hưng thì lắc đầu, đáp:
- Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính vì Tổ quốc. Nếu giặc Thanh không mang quân sang xâm lấn nước ta, thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu dính đến tay. Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ Hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này?! Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu? Tranh cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, trên ba mươi năm trời đánh nhau, nhân dân đã điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.
Võ ra về, Ðặng lên ở luôn trên núi. Trong nơi mây khói, không ai biết Ðặng ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn.
Ý kiến của Ðặng Văn Long không lay chuyển ý chí của Võ Văn Dũng nổi.
Về Bình Khê, Võ Văn Dũng tiếp tục xây dựng lực lượng chiến đấu. Toàn vùng An Khê và những vùng ở hai bên bờ sông Côn, như Tiên Thuận, Vĩnh Thạnh, Ðồng Phó, Hà Nhung, Trinh Tường, Phú Lạc, Phú Phong, Kiên Mỹ... đều nằm trong phạm vi hoạt động của Võ công. Nhưng được ít lâu, người Thượng Xà Ðàng bị nhà Nguyễn mua chuộc, rục rịch làm phản. Công phải bỏ hết cơ sở, đem ba chú cháu Văn Ðức, Văn Lương, Văn Ðẩu lên ẩn náu tận trên Núi Xanh.
Ca dao địa phương có câu:
Củ lang đồng Phó, đỗ phộng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót để chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi...
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi
Ðó là mượn thể tỷ để nói về việc bất hòa giữa Võ công và người Thượng.
Võ công lên Núi Xanh ở cùng ba chú cháu Văn Ðức cho đến khi ba chú cháu bị sa vào lưới Vua Minh Mạng. Còn trơ trọi một mình, công vẫn sống một cách tự tại ngót mười năm nữa. Công mất dưới triều Thiệu Trị, không rõ năm nào, sống trên chín mươi tuổi. Mãi đến khoảng Ðồng Khánh, Thành Thái (1885-1907), con cháu mới lấy cốt đem về chôn ở Phú Phong.
Cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì có bài Vịnh Võ Ðô Ðốc:
Tạo vật khốn hào kiệt
Y tương sử hữu vi
Công danh vị túc ngôn
Hoặc tác xuất thể ty (tư)
Võ công dũng quán quân
Bách chiến khởi Tây thùy
Thiên phương yểu trung nguyên
Ðãi phi nhất mộc chi
Thoát thân tứ thập niên
Thế nhân thức công thùy
Ðản kinh sơn thạch gian
Hữu thử hùng báo ty (tư)
Ngã diệc chí phương ngoại
Bạch đầu vị phùng sư
Niên niên hạnh thế phóng
Thảng toại dữ thế từ
Tùng công du Ngũ Nhạc
Khể thủ thôn linh chi
Kim cốt hoán lục tủy
Khiêm nhiên tùng sao phi
Nghĩa là:
Tạo hóa làm khốn đốn kẻ hào kiệt
Ý muốn cho họ làm một việc gì.
Công danh không đủ nói,
Hoặc giả bày ra cơ hội để họ thoát đời.
Cái dũng của Võ công thật quán quân,
Từ biên giới phía Tây nổi lên, trăm trận trăm thắng
Nhưng trời muốn dứt nửa chừng
Thì một cây không chống nổi.
Thoát mình khỏi nạn ngót bốn mươi năm
Người đời ai biết ông?
Sống lâu ngày trong nơi núi vây đá chất
Ông có tư thế mạnh như gấu như hùm
Tôi cũng có ý muốn xuất thế,
Nhưng đã bạc đầu mà chưa gặp được thầy.
Làm quan may được đuổi về
Năm năm rảnh rang
Muốn thoát khỏi cuộc đời
Theo ông đi dạo chơi khắp năm ngọn núi Tiên
Cúi đầu ăn cỏ linh chi,
Xương vàng đổi tủy xanh
Nhẹ nhàng bay theo sóng tùng.
Ngoài Võ Văn Dũng, còn một số lương tướng nữa thoát luật ác nghiệt của Gia Long, như:
+ Ðặng Xuân Phong năm Cảnh Thịnh thứ ba, được thăng chức Thái Phó, ban tước Huyện Công Tuy Viễn. Ðến khi Nguyễn Bảo bị giết, bà họ Trần đem con cháu lên An Khê lánh nạn, thì Ðặng công từ quan lui về Dõng Hòa dưỡng lão. Ðược năm năm, nghe tin Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành, Công mở tiệc mời thân bằng cố hữu đến, nói:
- Kẻ hào kiệt ra phò nhà Tây Sơn, phần nhiều đều là bậc trung nghĩa. Nhưng hầu hết đều dày công dày sức trong lúc xây dựng, mà không một ai đủ khả năng chống đỡ trong lúc ngã nghiêng! Nay mai mà Nguyễn Phúc Ánh thu trọn cả Bắc Nam, thì đất bằng nổi sóng, đám cựu thần nhà Tây Sơn, không còn chỗ đặt tay chân. Nếu đợi nước đến trôn, thì không còn nhảy kịp nữa.
Mấy hôm sau, có người đến thăm, thì thấy nhà không vườn trống. Ðặng công đưa gia quyến đi lúc nào và đi về đâu, không một ai hay biết.
+ Phan Văn Lân, lo việc biên phòng, nghe tin Cảnh Thịnh đoạt sự nghiệp của Thái Ðức, than dài một tiếng:
- Luân thường đã đứt, sự nghiệp không thể nào vững được lâu! Rồi giao công việc trong quân cho vị phó tướng, về An Thái thăm thầy. Thầy đã mất rồi, phò mã Trương Văn Ða cũng đã mất. Nơi xưa không còn ai là người cũ. Công bèn hỏi thăm phần mộ, ra thắp hương lạy thầy, ra đi... Như đám mây trôi trên ngàn thẳm.
+ Phạm Công Chánh trấn thủ Quảng Nam, Lê Sĩ Hoàng trấn thủ Quảng Nghĩa, nghe tin Bắc Thành thất thủ, liền mở kho phân phát hết quân lương quân trang cho binh sĩ, cho mọi người về quê quán làm ăn, còn mình thì một thương một ngựa ra đi. Phạm Công Chánh về ẩn núi Phương Phi tại Phù Cát, sau ra Cao Bằng. Lê Sĩ Hoàng về Quảng Nam, lên ẩn nơi Ngũ Hành Sơn.
+ Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lộc ở Quy Nhơn, cũng như Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa, sau khi được tin Vua Cảnh Thịnh bị bắt, thì giải tán quân đội. Ông Lộc về Kỳ Sơn, dùng Hầm Rùa làm nơi trú ẩn. Ông Huy lên Dương An nương náu, thỉnh thoảng về Phú Yên thăm quê hương, và ra Kỳ Sơn thăm ông Lộc.
Trừ Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy cũng như Nguyễn Văn Lộc và hầu hết các tướng còn sống sót, không một ai nuôi chí phục thù.
Một hôm ông Lộc hỏi ông Huy:
- Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao không hợp sức lại để lo việc phục hưng? Như thế chẳng ra là không tận trung với cựu chúa hay sao ?
Ông Huy đáp:
- Những anh hùng nghĩa sĩ, ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa cho đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn bổn phận cho đến giờ chót, như thế là tận trung. Nay nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta còn trung với ai? Bầy tôi của Vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác, đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước. Phải nghĩ đến dân đến nước trước. Không có thể làm lợi cho dân cho nước thì nằm yên chớ không nên gây thêm rối. Trung với một người, một nhà mà làm hại cho dân cho nước, thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải là trung.
Nguyễn Phúc Ánh dò biết tung tích của một số cựu tướng nhà Tây Sơn, tìm đủ cách để tận diệt. Nhưng núi non đã hiểm trở lại thêm người địa phương che chở, nên mọi người đều sống yên. Không bắt giết được, Nguyễn Phúc Ánh bèn dụ hàng, nhưng không người nào đáp ứng.
Báo quốc nhất thân đô thị đảm
Giao tình thiên tải chỉ luân tâm[100]
Nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền đào mồ mả của cha ông hai nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.
Quan quân nhà Nguyễn chú ý nhất là những mồ mả ở trong vùng đất Tây Sơn.
Trước hết là mộ ông Nguyễn Phi Phúc.
Truyền rằng mộ nằm trên dãy Hoành Sơn, thôn Trinh Tường.
Tìm khắp nơi, thì thấy sát chân núi phía đông, khoảng giữa, nổi lên một trảng đất lum lum, trong khoảng này dáng núi hơi cong cong. Ðứng phía trước trông vào thì phảng phất giống một chiếc ghế bành vĩ đại, mà lưng và tay tựa vào núi, còn mặt ghế là trảng đất. Trên trảng đất, nằm song song hai tảng đá xanh to lớn, hình chữ nhật. Người ta bảo đó là mộ của vợ chồng Nguyễn Phi Phúc. Bọn đào mồ mừng rỡ, ra sức cạy hai tảng đá lên. Hài cốt không thấy đâu mà chỉ thấy bốn chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong đương cháy[101].
Ai cũng biết bốn chum dầu đó là của nhà Tây Sơn chôn, song mục đích để làm gì, thật không ai biết. Biết rằng không phải mộ ông Phúc, quân nhà Nguyễn tìm khắp nơi, song không thấy dấu tích.
Những mả vôi to lớn ở trong vùng Bình Khê đều bị quật.
Có ba khóm lớn nhất, một ở bờ sông Côn phía Trinh Tường, một ở thôn Phú Lạc, một ở thôn Kiên Mỹ, trên bờ sông Côn. Xương cốt đều ném xuống sông!
Những ngôi mộ này là mộ của các vị đại thần phò Vua Thái Ðức.
Ở thôn Trường Ðịnh cũng có ba ngôi mộ rộng lớn và rất kiên cố của đại thần nhà Tây Sơn. Nhưng khi nghe tin Quy Nhơn bị Phúc Ánh chiếm thì gia đình người khuất liền đục bỏ bia cũ, thay vào tấm bia mới mang tên đàn bà. Nhờ vậy mà khỏi bị quật[102].
Nhà Tây Sơn dẫy cỏ không sạch nên nhà Nguyễn mọc trở lại. Ðể nhà Tây Sơn khỏi mọc lại, Nguyễn Phúc Ánh cho dẫy tận gốc. Nhưng than ôi, đến cả gốc cỏ đã khô gần mục mà cũng bị dẫy! Quả là độc thủ!
Ðể tránh nạn tru di, con cháu những người có liên hệ ít nhiều đến nhà Tây Sơn, phần nhiều đều phải thay tên đổi họ, đi ẩn náu ngoài xứ lạ nơi xa.
Chính sách dẫy cỏ thật sạch gốc của Gia Long làm lụy chẳng những người mà còn đến cả vật, nhất là vùng Tây Sơn.
Sách vở, giấy tờ đều bị tiêu hủy. Ðiển hình là những tập gia phả của họ Võ ở Phú Phong, họ Bùi ở Xuân Hòa, họ Ðặng ở Dõng Hòa, họ Trần ở Trường Ðịnh... Cho đến những bộ sử, những tập thơ văn... sản xuất đời Tây Sơn cũng cấm không được lưu hành, tàng trữ, như bộ Trần Triều Thông Sử Cương Mục của Lê Văn Nhân ở An Nhơn, phụng chiếu soạn năm Quang Trung thứ tư (1791), bộ Lê Triều Thực Lực do Võ Xuân Hoài tổng tu dưới triều Cảnh Thịnh... Những tập thơ Hán có Nôm có của nhóm Tứ Tài Tử ở Tuy Viễn và Song Hoài Thi Xã ở Bồng Sơn, tập thơ ca văn tế bằng chữ Nôm của La Xuân Kiều ở Phù Cát v.v...
Những môn võ thời Tây Sơn thường dùng, một số bị cấm. Thời Tây Sơn võ nghệ rất thịnh. Có bốn môn nổi tiếng là Côn, Quyền, Kiếm, Cổ. Nhưng khi đem áp dụng vào việc binh thì quyền thay thế bằng kỳ.
Côn, quyền, kiếm thời nào cũng có nơi nào cũng có. Chỉ có môn kỳ và cổ e chỉ Bình Ðịnh mới có và chỉ đời Tây Sơn mới dùng.
Kỳ là cờ - lá cờ vuông mỗi bề rộng chừng hai sải dệt bằng thao càn rất dày rất chắc, trừ phía kết vào cán cờ, ba phía kia đều móc sắt thay tua. Lá cờ vừa dùng để chỉ huy vừa dùng để giết giặc.
Phải là người có sức mạnh và có võ giỏi, mới sử dụng được.
Cổ là trống. Trống lớn như trống chầu. Khi tập luyện thì đứng trên hai khối gỗ tròn lớn gấp đôi quả bưởi. Ðôi chân phải điều khiển hai khối tròn đó một cách lanh lẹ. Còn cùi chỏ, bàn tay, vai, đầu đều phải dùng để đánh và đỡ mấy cái trống, theo từng bài luyện võ. Khi thì dùng hai trống, khi thì dùng bốn, khi thì dùng tám, khi thì dùng mười ai, tùy trình độ và sức vóc của võ sĩ. Trống treo ở trước mặt. Biểu diễn một lần từ một đến sáu người. Mỗi người hai trống. Không phải người nào đứng chỗ nấy, mà luôn luôn đổi chỗ lẫn nhau.
Khi ra trận thì dùng hai trống, đặt trên xe đẩy, và dùng dùi trống thay tay. Dùi trống không phải chỉ dùng để đánh trống thúc quân mà còn dùng làm khí giới giết địch.
Gia Long cấm kỳ, kiếm, cổ.
Kỳ không bị cấm cũng không ai dùng nổi và cũng không ai học làm gì trong lúc không chiến tranh.
Kiếm chẳng những cấm dạy cấm học, mà trong nhà có kiếm cũng bị tội.
Cấm kiếm lẽ tất nhiên cũng cấm luôn đao.
Cho nên nghề kiếm và đao ở Bình Ðịnh bị mất hẳn.
Còn cổ thì cũng thất truyền. Và môn võ biến thành môn nhạc. Võ thì đánh trống chầu và đánh trống treo. Nhạc thì đánh trống chiến và trống để đứng. Nhưng những bài luyện võ vẫn được đem dùng vào việc đánh nhạc.
Nói tóm lại là tất cả những tinh ba của đất nước sản xuất thời Tây Sơn, đều bị Gia Long tìm đủ cách để tận diệt. Tận diệt để không còn gì làm cho người đời nhớ đến Tây Sơn.
Tên vùng đất phát tích ra nhà Tây Sơn cũng bị đổi ra An Tây.
Diệt tận gốc, nhổ sạch rễ!
Nhưng chỉ bên ngoài thôi.
Lòng người Việt Nam yêu nước, nhất là người Bình Ðịnh, đâu có quên nhà Tây Sơn.
-----------------
[100] Thơ của Nguyễn Bá Thuận đề sách Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì. Thơ 8 câu, đây là cặp luận. Câu thơ đại ý nói: Ðền ơn nước, một tấm thân đầy cả mật (can đảm đầy mình). Nghìn năm giao tình với nhau, chỉ lấy tấm lòng mà luận thị phi.
[101] Chắc có lỗ thông hơi trong đá nên đèn không tắt.. Khoảng 1929-1930, Tản Ðà tiên sinh có đến viếng mộ. Lúc ấy hai tảng đá vẫn còn. Cuộc viếng mộ có đăng trên báo. Nay không còn thấy.
[102] Những vôi đá của ba ngôi mộ bị quật vẫn còn sót ít nhiều. Ba ngôi mộ không bị phá vẫn còn, nhưng nắng mưa làm hư nhiều lắm. Một ngôi ở trong vườn họ Từ, một ngôi nằm ở trước ngõ họ Phan, một ngôi nằm ở nơi gò Vườn Xoài, cạnh con đường liên hương từ Kiên Mỹ đi xuống. Không ai dám nhận những ngôi mộ này là của gia đình, vì hình phạt của nhà Nguyễn rất tàn khốc.
NGUYỄN PHÚC ANH
(1762 - 1820)
Vua Quang Trung

Gia Long (1762 - 1820)
Niên hiệu
Năm sanh, năm mất
1762-1820
Giai đoạn trị vì
1802-1820
Miếu hiệu
Thế Tổ Cao Hoàng Ðế
Tên Húy
Nguyễn Phúc Ánh

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, năm Ất Dậu (1765), Chúa Vũ Nghuyễn Phúc Khoát mất. Quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền thay Chúa đổi ngôi, đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa để dễ bề khống chế. Từ đó Ðàng Trong bắt đầu đi vào con đường suy thoái, sưu cao thuế nặng, khắp nơi đều vang lên tiếng than oán và cuối cùng dẫn đến việc ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa năm Quí Tỵ (1773). Lợi dụng lúc Ðàng Trong có nội loạn, Chúa Trịnh xua quân qua sông Linh Giang tấn công Phú Xuân (Huế). Phú Xuân thất thủ, tôi chúa họ Nguyễn phải chạy vào Gia Ðịnh, chấm dứt sự nghiệp của Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong.
Trong số người chạy loạn có Nguyễn Ánh lúc bấy giờ mới 13 tuổi. Nguyễn Ánh là con của hoàng tử Nguyễn Phúc Côn và bà Nguyễn Thị Hoàng. Nguyễn Ánh (hay Nguyễn Phúc Ánh) sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762), thuở thiếu thời đã tỏ ra là một con người có chí và thông minh vì thế rất được Chúa yêu, tuy còn nhỏ nhưng ông được Chúa phong cho chức Chưởng sứ, ông đã tỏ ra là một tướng cầm quân có tài.
Năm Tân Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Ðịnh, Chúa tôi họ Nguyễn phải bỏ thành kéo tàn quân chạy về Ðịnh Tường, Cần Thơ. Quân Tây Sơn truy lùng gắt gao, bắt được và giết Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Ánh bắt đầu một cuộc sống long đong và vất vả.
Vài năm sau, Nguyễn Ánh lấy lại được Sài Côn (Saigon) rồi tiến ra lấy lại Bình Thuận. Năm Canh Tí (1780) Nguyễn Ánh lên ngôi Vương ở Gia Ðịnh. Năm Nhâm Dần (1782), thấy thế lực Nguyễn Vương ngày càng mạnh, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào đánh, Saigon thất thủ, Nguyễn Vương lại bôn tẩu về Hà Tiên rồi chạy ra đảo Phú Quốc.
Nguyễn Vương vốn là con người có chí nên ông bất chấp gian khổ, canh cánh trong lòng một mối thù phục quốc. Chính vì thế nên khi biết được Giám mục Pháp Bá Ða Lộc (Pigneau de Béhaine), người có uy tín và thế lực tại Pháp thời bấy giờ đang ở Ðàng Trong , Nguyễn Vương không ngần ngại cho mời giám mục tới và nhờ giám mục làm sứ giả trong việc cầu viện Pháp. Nguyễn Vương đã để cho con trưởng của mình là Nguyễn Phúc Cảnh mới 4 tuổi theo Giám mục Bá Ða Lộc sang Pháp làm con tin.
Trong thơ cho Vua Pháp (Louis XVI), Nguyễn Vương xin Pháp giúp 1.500 lính và tàu bè, súng ống, vật dụng. Ðể đền bù, Pháp được độc quyền buôn bán ở nước Việt Nam, nhường cho nước Pháp đảo Côn Lôn (Côn đảo), và cảng Hội An (có sách nói là cảng Ðà Nẵng).
Giám mục Bá Ða Lộc ký được hiệp ước Versailles với Pháp ngày 28-11-1787, vua Pháp giao trách nhiệm thi hành hiệp ước cho một ông tướng đống quân ở Ấn Ðộ nhưng ông nầy không thích Giám mục Bá Ða Lộc nên nói ra với vua Pháp và cũng vì nước Pháp đang bị nội loạn nên rốt cuộc vua Pháp không thi hành hiệp ước. Chờ mãi không được, Giám mục Bá Ða Lộc bỏ tiền riêng để mướn một số lính đánh thuê rồi trở về Việt Nam. Năm 1789 thì Hoàng tử về đến Gia Ðịnh.
Khi đưa con đi rồi Nguyễn Vương cũng từ giã mẹ và vợ để sang Xiêm La (Thái Lan) cầu cứu. Tới tháng 6 năm 1784 thì vua Xiêm cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 20 vạn quân và 300 chiếc thuyền sang giúp Nguyễn Vương. Lúc đầu quân Xiêm đại thắng chiếm nhiều tỉnh Kiên Giang, Trà Ôn, Sa Ðéc. Sau đích thân Nguyễn Huệ đem đại quân vào đánh, quân Xiêm thua bỏ chạy về nước, Nguyễn Vương cũng chạy theo về Xiêm La lánh nạn.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh tiến chiếm Phú Xuân rồi rồi thừa thắng tiến ra Thăng Long (Hà Nội) diệt họ Trịnh. Việc Nguyễn Huệ ra Bắc làm cho Nguyễn Nhạc (anh của Nguyễn Huệ) nghi ngờ nên cũng vội vã đem quân ra Bắc, hai anh em gặp nhau ở Thăng Long rồi cùng về. Nguyễn Huệ được đóng quân ở Phú Xuân và được phong là Bắc Bình Vương. Từ đó anh em Tây Sơn đã có mầm móng bất hoà, nhiều lần hai anh em đã đem quân đánh nhau.
Vì ham tranh quyền nên anh em Tây Sơn đã không ngó ngàng gì đến các xứ Ðàng Trong nhất là từ Qui Nhơn (Bình Ðịnh) trở vào, lợi dụng thời cơ đó, Nguyễn Vương đã cùng với các bộ tướng củ, tháng 9 năm Ðinh Mùi (1787), trở về nước. Nguyễn Vương đã được dân miền Nam giúp đở rất nhiều, có nhiều tướng giỏi đến phò như Võ Tánh, nên chẳng mấy chốc lực lượng Nguyễn Vương đã lớn mạnh. Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ phải bỏ Gia Ðịnh trở về Qui Nhơn. Nguyễn Vương lấy toàn bộ xứ Gia Ðịnh đặt làm bản doanh rồi bắt đầu tổ chức việc cai trị. Năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Vương cho đắp lại thành Gia Ðịnh theo kiểu bát quái có 8 cửa xây bằng đá ong.
Thấy Nguyễn Vương lớn mạnh, tháng 3 năm Nhâm Dần (1782) vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn đem quân vào đánh nhưng bị quân Nguyễn Vương đánh lui. Kể từ đó về sau, quân Tây Sơn luôn thất bại khi đem quân vào đánh.
Ở Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại tiến quân ra Bắc diệt nhà Lê rồi cho Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm ở lại để cai trị Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang đánh. Ðược tin, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Ðế ở Phú Xuân lấy hiệu là Quang Trung thống lãnh đại quân tiến ra Bắc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị phải chạy thoát thân bỏ quên cả ấn tín.
Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toảng lên ngôi mới 10 tuổi, vì thế Vương nghiệp triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy vong.
Ðược tin vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Vương rất vui mừng, đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn. Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forçant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v...
Cuộc chiến kéo dài đến năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Vương chiếm lại được Phú Xuân, và ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhăm Tuất (1802) Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Lên ngôi xong vua Gia Long đưa quân tiến ra đất Bắc, quân Tây Sơn tan rã lần hồi. Ðến tháng 6 cùng năm thì vua Gia Long đã thống nhất được sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm.
Ngài ra lệnh quật mả vua Nguyễn Nhạc và vua Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi còn đầu thì đem bỏ giam trong ngục tối (có sách viết là đốt thây thành tro rồi đổ xuống sông, còn sọ thì làm gáo đựng nước tiểu).
Vua sai sứ sang Tàu cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam-Việt, nhưng vì đất Nam-Việt đã có bên Tàu đời nhà Triệu ngày trước nên Thanh triều mới đổi chữ Việt lên trên, gọi là Việt-Nam để cho khỏi lầm với tên củ.
Ở trong cung, nhà vua không đặt ngôi Hoàng hậu, chỉ có ngôi Hoàng phi và các cung tần. Sau khi vua mất, thì con lên ngôi, mới tôn mẹ lên làm Hoàng Thái Hậu.
Bỏ chức Tể tướng, lập ra 6 bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư:
-Bộ Lại : coi việc khảo xét công trạng, thảo những tờ chiếu sắc, v.v...
-Bộ Hộ : coi việc đinh điền thuế má, tiền bạc, v.v...
-Bộ Lễ : coi việc tế tự, tôn phong, cách thức học hành thi cử, v.v...
-Bộ Binh : coi việc binh lính, v.v...
-Bộ Hình : coi việc pháp luật, v.v...
-Bộ Công : coi việc làm cung điện, dinh thự, v.v...
Ngài lập Văn Miếu ở các trấn thờ đức Khổng Tử. Mở trường lớn ở Kinh đô để dạy con các quan và các sĩ-tử (sau nầy vua Minh Mạng đổi tên là Quốc Tử Giám). Mở khoa thi Hương để kén lấy những người có học ra làm quan...
Vua Gia Long không theo đạo Thiên Chúa dù Ngài rất biết ơn Giám mục Bá Ða Lộc và có nhiều thiện cảm với các giáo sĩ, nhưng Hoàng tử Cảnh đã theo đạo khi ở chung với Giám mục Bá Ða Lộc. Một lá thư của Cha Lelabousse viết vào tháng 6-1792 cho biết : "Trong buổi lễ được tổ chức vào khoãng cuối tháng 7-1789, Hoàng tử Cảnh nhất định không đến lạy trước bàn thờ tổ tiên đã làm cho Nguyễn Vương đau khổ tủi nhục và tức giận, vứt bỏ phẩm phục, mũ niệm, nói rằng ông là một người cha bất hạnh".
Nhưng vua vẫn một lòng kính trọng Giám mục, trong một lá thư của Giám mục viết cho Hội truyền giáo hải ngoại năm 1795, Giám mục kể rằng trong năm đó có mười chín ông quan trong triều đình viết sớ đưa lên cho Nguyễn Ánh xin Ngài thận trọng đừng để Giám mục lo việc giáo huấn Hoàng tử Cảnh. Nguyễn Vương nổi trận lôi đình, vứt sớ xuống đất và kể những công trạng của Giám mục đối với gia đình và sự nghiệp của Vương. Nguyễn Ánh hăm dọa là sẽ phạt thẳng tay những người có ý nghĩ xấu nầy. Xong Vương vào hậu cung kể lại cho vợ nghe và hai người quyết định là giấu chuyện nầy không cho Giám mục biết.
Ngày 19 tháng 12 năm Canh Thìn (3-2-1820) vua Gia Long băng hà thọ 58 tuổi (theo Trần Trọng Kim thì Ngài mất năm 1819).
“Huế originally rose to prominence as the capital of the Nguyễn Lords, a feudal dynasty which dominated much of southern Vietnam from the 17th to the 19th century. In 1775 when Trinh Sam captured it, it was known as Phú Xuân. In 1802, Nguyễn Phúc Ánh (later Emperor Gia Long) succeeded in establishing his control over the whole of Vietnam, thereby making Huế the national capital.
“Huế was the national capital until 1945, when Emperor Bảo Đại abdicated and a Communist government was established in Hà Nội (Hanoi), in the north. While Bảo Đại was briefly proclaimed “Head of State” with the help of the returning French colonialists in 1949 (although not with recognition from the Communists and the full acceptance of the Vietnamese people), his new capital was Sài Gòn (Saigon), in the south.
“In the Vietnam War, Huế’s central position placed it very near the border between North Vietnam and South Vietnam. The city was located in the South. In the Tết Offensive of 1968, during the Battle of Hue, the city suffered considerable damage not only to its physical features, but its reputation as well, most of it from American firepower and bombings on the historical buildings as well as the now infamous massacre at Huế committed by the Communist forces. After the war’s conclusion, many of the historic features of Huế were neglected, being seen by the victorious regime and some other Vietnamese as “relics from the feudal regime”, but there has since been a change of policy, and some parts of the historic city have been restored.
“Huế is perhaps best known for its historic monuments, which have earned it a place in the UNESCO’s World Heritage Sites. The seat of the Nguyen emperors was in the Citadel, which occupies a large, walled area on the north side of the river. Inside the citadel was a forbidden city where only the concubines, emperors, and those close enough to them were granted access, the punishment for trespassing being death. Today, little of the forbidden city remains, though reconstruction efforts are in progress to maintain it as a tourist attraction as a view of the history of Huế.
“Roughly along the Perfume River from Huế lie myriad other monuments, including the tombs of several emperors such as Minh Mang, Khai Dinh, Tu Duc, and others. Also notable is the Thien Mu Pagoda, located not far from the city centre along the river, the largest pagoda in Huế and chosen as the official symbol of the city.”

Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh

Năm 1780 sau khi Nguyễn Huệ rút đại quân về, các tướng họ Nguyễn lập Nguyễn Phúc Ánh làm chúa, chiếm lại Gia Định, lập triều đình, xây đắp lại thành Gia Định theo kiểu bát quái có tám cửa xây bằng đá ong. Do đó vùng này gọi là Tân Triều.
Một quan hệ có tính cách thân hữu giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh nảy sinh ra từ giai đoạn này và Bá Đa Lộc được phép hoạt động trên các vùng do Nguyễn Phúc Ánh kiểm soát. Được các lực lượng phương Tây như Pháp, Bồ Đào Nha giúp sức, Nguyễn Phúc Ánh lại mạnh lên. Nguyễn Nhạc sai tướng vào đánh nhưng lại bị thua và mất thêm Bình Thuận.
Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc mang quân thủy bộ nam tiến, phá tan quân Nguyễn, giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Phúc Ánh bị đánh bật ra khỏi đất Gia Định bỏ chạy về Hậu Giang. Anh em Tây Sơn chiếm lại Nam Bộ, sai người giao hảo với Chân Lạp (Campuchia) và đề nghị hợp tác đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chân Lạp chia quân đón bắt được đoàn cầu viện Xiêm La của Nguyễn Phúc Ánh và suýt bắt được Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh trốn ra đảo Phú Quốc.
Bá Đa Lộc cũng phải chạy trốn sang Cao Miên cùng với chủng viện.
Cuối tháng 10-1782, sau khi anh em Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh dần dần chiếm lại được Gia Định và Sài Gòn. Bá Đa Lộc đưa chủng viện về đặt tại họ đạo Mặc Bắc, Vĩnh Long. Ngày nay Mặc Bắc là một giáo xứ đông đảo trong địa bàn xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, giáo phận Vĩnh Long.
Năm 1783 Chu Văn Tiếp lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Sài Côn Gia Định và đón Nguyễn Phúc Ánh trở về.
Tháng 2/1783, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân nam tiến, Nguyễn Phúc Ánh bỏ chạy về Đồng Tuyên, đến Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc.
Tháng 8 năm 1783, quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. Nhân có bão biển, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu, rồi đầu năm 1784 tự mình sang Xiêm cầu viện.
Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn thủy binh cùng ba trăm chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có ba vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn.
Do tình hình ba vạn quân Trịnh đang rình rập ở phía bắc, ba vạn quân bộ Xiêm chực chờ ở phía tây, với hai vạn quân thủy Xiêm ở phía nam, Nguyễn Huệ ra quyết sách nhanh chóng, chủ yếu đánh tiêu diệt hai vạn quân chủ lực đường thủy của quân Xiêm. Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh một trận, tiêu diệt quân Xiêm vào tháng 1/1785.
Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút.
Quân Xiêm và Nguyễn Phúc Ánh thua to, chạy bộ về Xiêm La. Nguyễn Ánh một lần nữa chạy ra biển thoát thân.
Bá Đa Lộc cũng phải chạy trốn ra các hải đảo ở vịnh Xiêm La.


Chuyến đi Pháp của Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh

Mặc dù thất vọng vì không thuyết phục được Nguyễn Phúc Ánh theo đạo, nhưng trước tình hình nhà Tây Sơn cấm đạo nghiêm ngặt, và để cạnh tranh ảnh hưởng với các nhà truyền giáo đến từ Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, cho nên Bá Đa Lộc tiếp tục giúp đỡ quân Nguyễn Phúc Ánh qua cơn ngặt nghèo và đề nghị Nguyễn Phúc Ánh xin trợ giúp của triều đình Pháp. Nguyễn Phúc Ánh ưng thuận gởi Bá Đa Lộc làm sứ giả qua Pháp xin cầu viện và để làm tin, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Bá Đa Lộc một dấu ấn của vương triều chúa Nguyễn và đem theo Hoàng tử Cảnh, tên tục là Nguyễn Phúc Cảnh, năm tuổi rưỡi, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1780 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và bà Tống thị Lan, con gái quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông (sau được truy phong là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu).
Bá Đa Lộc, khi ấy 44 tuổi, khởi hành cùng với Hoàng tử Cảnh vào tháng 2 năm 1785 để đến Pondichéry. Nhưng tại đây ông gặp khó khăn phải chờ hơn một năm mới tiếp tục đi Pháp được. Ông và Hoàng tử Cảnh cập bến Lorient vào tháng 2 năm 1787.
Đoạn đường đi mất đúng hai năm.
Vua Louis XVI

Nhiều bộ trưởng của triều đình Louis XVI chống lại một sự can thiệp ở Đông Dương, nhưng các nhân vật quan trọng Công giáo ủng hộ đề nghị của Bá Đa Lộc. Vua Louis XVI tiếp Bá Đa Lộc tại triều đình vào ngày 5 hay 6 tháng 5 năm 1787, trước sự hiện diện của các bộ trưởng và các nhân vật quan trọng. Bá Đa Lộc trình bày tình hình Đông Dương và những quyền lợi về kinh tế thương mại, vật chất, cũng như về việc truyền đạo Thiên chúa qua sự thuận tình của nhà Nguyễn.

Hoàng hậu Marie-Antoinette

Chính ra, vua Louis XVI ngần ngại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu quân sự tốn kém và nghi ngờ lợi ích sẽ thu hoạch được sau này, nếu đạt được mục đích quân sự. Một chi tiết đáng chú ý là thời ấy dân chúng đang oán ghét và dèm pha nặng nề ảnh hưởng chính trị của hoàng hậu Marie-Antoinette đối với triều đình vua Louis XVI và cách tiêu xài quá phung phí của bà, thí dụ như đề tài hoàng hậu mua một chuỗi kim cương đáng giá một triệu sáu trăm ngàn quan tiền vàng Pháp, trong khi các bộ trưởng đều than phiền là công quỹ quốc gia hao hụt trầm trọng.
Triều đình Louis XVI chấp thuận can thiệp, một hiệp ước giữa vua nước Pháp và vua nước Việt Nam (người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine) được ký kết bởi công tước Montmorin, bộ trưởng của vua Louis XVI và Giáo sĩ Bá Đa Lộc tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787. Theo hiệp ước này, nước Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh giành lại ngai vàng, ngược lại, nhà Nguyễn nhượng tuyệt đối cho Pháp cửa bể Đà Nẵng, Côn Đảo và độc quyền thương mại tại Việt Nam.
Tại Bắc Hà, từ năm 1782, khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm chết, Thế tử Trịnh Cán được lập làm Điện Đô vương, họ Trịnh ngày càng suy yếu.
Năm 1786, lúc Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh còn lênh đênh trên biển, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc cử làm tổng chỉ huy cùng Nguyễn Lữ đánh ra Bắc với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", Quân Trịnh rệu rã bỏ trốn. Chúa Trịnh không được lòng dân, bỏ thành Thăng Long chạy, bị dân bắt đem nộp Tây Sơn. Trên đường áp giải, Trịnh Tông tự sát. Xem như nhà Trịnh từ đó bị tiêu diệt.
Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển tông. Do sự sắp xếp của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.
Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Nguyễn Huệ lập Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam. Giữa năm 1787, Nguyễn Ánh từ Xiêm quay trở lại Gia Định. Nguyễn Lữ yếu thế phải rút về Quy Nhơn.


Trở về Việt Nam

Tượng đồng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh, Saigon (không còn nữa) Hình Nguyễn Tấn Lộc
Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh lên đường trở về Đông Dương ngày 27 tháng 12 năm 1787 trên chiến thuyền La Dryade.
Nhưng vì sự cản trở của các thế lực của chính quyền Pondichéry do công tước Conway lãnh đạo, và sự rối rắm của triều đình Louis XVI, nước Pháp đã không gởi quân cứu viện như đã hứa.
Bị bỏ rơi, nhưng Bá Đa Lộc không tự bỏ rơi.
Với số tiền 15.000 quan tiền vàng của gia đình và bạn bè cho ông, cộng thêm sự giúp đỡ của các thế lực thương mại, ông thực hiện điều mà triều đình Pháp không muốn thực hiện. Bá Đa Lộc mua vũ khí, súng ống, đạn dược, chiến thuyền và mộ binh để giúp Nguyễn Phúc Ánh.
Khi ấy, Nguyễn Huệ phải giải quyết vấn đề chuyên quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh và sau đó của Vũ Văn Nhậm, giết Chỉnh và Nhậm, rồi lại rút quân về Phú Xuân.
Trong Nam, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được thành Gia Định.
Cuối năm 1788 đang chuẩn bị đánh Nguyễn Phúc Ánh thì Nguyễn Huệ được tin vua Càn Long nhà Thanh nghe lời Lê Chiêu Thống cầu viện, sai Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân tiến vào biên giới chiếm đóng Thăng Long. Các tướng giữ Bắc Hà của ông lui về giữ Biện Sơn cố thủ. Nghe tin báo, Nguyễn Huệ quyết định chọn cách đánh thần tốc để chống quân nhà Thanh, đội tiếng phù nhà Lê để xâm lăng.
Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế kỷ nguyên là Quang Trung ngày 25 tháng 11 năm 1788, rồi ngày 22 tháng 12 năm 1788 (25 tháng 11 năm Mậu Thân) xuất quân tiến ra Bắc Hà, truyền hịch hẹn ba quân là ngày mồng bẩy Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn tết ở Thăng Long.
Đêm mồng bốn Tết Kỷ Dậu 1789, cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, bị giết hàng vạn. Tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành mười ba gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là Gò Đống Đa.
Sáng mồng năm Tết Kỷ Dậu 1789, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi.
Tôn Sĩ Nghị sợ hãi đã bỏ chạy trước. Lê Chiêu Thống cũng chạy theo Tôn Sĩ Nghị thoát sang bên kia biên giới. Trưa mồng năm Tết, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long.
Chỉ trong vòng sáu ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan hai mươi chín vạn quân Thanh. Hai trận chiến, trận Rạch Gầm - Xoài Mút chống quân Xiêm phía Nam và trận đại phá quân Thanh Ngọc Hồi - Đống Đa, ghi nên những trang sử oai hùng của nhà Tây Sơn.
Trong khi đó tại Pháp, cuộc phá ngục Bastille xảy ra ngày 14 tháng bẩy 1789 đã mở đầu cho cuộc cách mạng đặt nền móng cho một chính thể dân chủ, mà hiện nay ngày 14.07 vẫn là ngày lễ trọng đại của nước Pháp.
Mười ngày sau đó, ngày 24 tháng 7 năm 1789 Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trên chiến thuyền Méduse cùng với khoảng ba trăm thủy quân, tám mươi pháo binh và năm mươi phụ binh người da đen, cập bến Bãi Dừa, Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu) .
Như thế là Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đã mất bốn năm rưỡi để đi Pháp và về Việt Nam.
Trong khi đó, tại Pháp, sau sự kiện cuộc cách mạng năm 1789, vua Louis XVI và gia đình tìm cách trốn ra nước ngoài nhưng không thành.
Ngày 10 tháng 8 năm 1792 vua Louis XVI bị bắt tại cung điện Tuileries và bị Quốc Hội kết tội phản bội chính thể tự do, với 387 phiếu thuận và 334 phiếu chống án tử hình. Ngày 21 tháng 1 năm 1793 đao phủ Sanson chém rơi đầu vua Louis XVI tại quảng trường Cách Mạng, ngày nay là quảng trường Concorde tại Paris. Mười tháng sau đó, hoàng hậu Marie-Antoinette lên máy chém ngày 16 tháng 10 năm 1793 cũng tại quảng trường Cách Mạng.


Thời vận Nguyễn Phúc Ánh đã đến

Vua Gia LongBấy giờ Nguyễn Phúc Ánh đã tái chiếm Gia Định, từ năm 1788. Tình hình đã thay đổi thuận lợi, Bá Đa Lộc chuyển chủng viện từ Xiêm về Đàng Trong và chọn địa điểm là Lái Thiêu làm trung tâm của giáo phận Đàng Trong, lập Tòa Giám mục.
Tháng 6/1792, Bá Đa Lộc chuyển chủng viện ra Tân Triều, kinh đô mới của Nguyễn Ánh tại Đồng Nai.

Nguyễn Phúc Ánh ban cho Bá Đa Lộc một đội ngự lâm quân gồm 200 người và đặt Bá Đa Lộc là Đặc ủy viên của vua Pháp, làm cố vấn chiến tranh kiêm ngoại giao. Khoảng hai mươi sĩ quan Pháp, và hơn ba trăm năm mươi thủy binh, pháo binh tình nguyện ở lại huấn luyện quân lính và thủy quân Việt Nam, xây dựng thành lũy theo hệ thống của Vauban.
Nhiều người trở thành quan dưới trướng Gia Long và được đặt tên Việt, như Jean Marie Dayot (Ông Trí) lãnh đạo đội thủy quân, Philippe Vannier (Ông Chấn) chỉ huy chiến thuyền le Dong Nai, De Forsans (Ông Lăng) chỉ huy chiến thuyền L‘Aigle, Jean-Baptiste Chaigneau chỉ huy chiến thuyền le Dragon, Julien Girard de l‘Isle-Sallé chỉ huy chiến thuyền Le prince de la Cochinchine, Laurent Barisy (Ông Mân) coi về huấn luyện, Olivier de Puymanel (Ông Tín) chỉ huy bộ binh, pháo binh và phụ trách xây thành, Desperles và Despiau, hai nhà giải phẫu và bác sĩ quân đội phụ trách về sức khỏe và thương binh, Théodore Lebuen, Guilloux.
Vào năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, thuận gió cho quân nam ra, Nguyễn Phúc Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thi Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Nguyễn Nhạc phải thu quân về Quy Nhơn.
Vua Quang TrungTrước sự kiện này, Nguyễn Huệ chuẩn bị huy động hơn hai mươi vạn quân thuỷ bộ, chia làm ba đường đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Phúc Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này.
Tuy nhiên, cái chết đột ngột của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào tháng 9 năm 1792 khiến kế hoạch nam tiến này không bao giờ trở thành hiện thực.
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ sinh năm 1753, (sinh trước Nguyễn Phúc Ánh chín năm) mất ngày 15 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.
Thời đại hiển hách vủa vua Quang Trung chỉ kéo dài từ năm khởi nghĩa 1771 cho đến năm 1792 là được hai mươi mốt năm, làm vua được gần bốn năm.
Năm 1799, Bá Đa Lộc lâm bịnh nặng trong khi hộ tống Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm Quy Nhơn, trung tâm của nhà Nguyễn Tây Sơn. Sau hai tháng lâm bệnh, ông mất ngày 9 tháng mười 1799 tại cửa Thị Nại - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 58 tuổi.
Lễ táng Bá Đa Lộc được cử hành trọng thể do Nguyễn Phúc Ánh chủ tọa và đọc điếu văn. Một lăng mộ của Bá Đa Lộc được Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng trong khu vườn thuộc giáo phận Chí Hòa, thuộc tỉnh Gia Định, cách trung tâm thành phố khoảng ba cây số, sau này dân chúng gọi là Lăng Cha Cả. Nhưng có sách viết rằng lăng mộ chính của Bá Đa Lộc nằm ở cửa Thị Nại, Lăng Cha Cả trong nam chỉ là mộ vọng.
Năm 1801, hai năm sau khi Bá Đa Lộc qua đời, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long ngày 2 tháng 5 năm 1802, rồi tận dụng thời cơ nhà Tây Sơn suy yếu sau cái chết của vua Quang Trung, tiến ra Bắc, đánh quân Tây Sơn tan rã, làm chủ đất nước từ nam chí bắc. (4)



Thời đại mười ba vua nhà Nguyễn bắt đầu

Và để trả thù, Nguyễn Phúc Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, giã hài cốt thành bột và bỏ xương sọ vào vò, giam cầm trong ngục tối, và tru diệt các tướng lãnh Tây Sơn, gây ra cái chết thảm thiết của vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi thị Xuân.
Bà Bùi Thị Xuân là một nữ tướng xuất sắc của vua Quang Trung, có tài luyện voi đánh giặc, được vua Quang Trung phong làm Đô Đốc, cùng chồng là Trần Quang Diệu, đã hết lòng phò tá Nguyễn Huệ, bị Nguyễn Phúc Ánh bắt năm 1802 cùng với chồng. Trần Quang Diệu bị Nguyễn Phúc Ánh xử lột da đến chết, bà Bùi thị Xuân, và đứa con gái nhỏ bị xử voi y cho đến chết.
Theo lịch sử Công giáo thì dưới thời vua Gia Long, Giáo Hội Công Giáo có 320.000 giáo dân, 119 Linh mục Việt Nam, 15 nhà truyền giáo ngoại quốc và 3 Giám mục. Ðiều đáng chú ý là tám mươi phần trăm các Linh mục và Giáo chức Việt Nam đều ở miền Bắc.
Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh mất ngày 19 tháng 12 năm 1820, thọ 58 tuổi, làm vua được 18 năm, có 31 người con.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, sanh năm 1791 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và Bà Trần thị Đặng, lên làm vua lấy niên hiệu là Minh Mạng, chết năm 1840 thọ 49 tuổi, làm vua được 20 năm, để lại 142 người con.
Họ Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng cho đến Bảo Đại, chín chúa mười ba vua, đã in dấu ấn lịch sử gần bốn thể kỷ (từ 1558 cho đến 1955 là 397 năm).
Bảo Đại, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vua cuối cùng của triều Nguyễn chết ngày 31 tháng bẩy năm 1997 tại Pháp, mộ chôn ở Paris.
Tro xương của Giám mục Bá Đa Lộc được đem về Pháp năm 1983 và cất giữ tại hầm mộ của Viện Giáo sĩ Truyền đạo nước ngoài Paris.
Sau này, khi Pháp xâm lược Việt Nam, họ viện dẫn hiệp ước Versailles 1787 để đòi triều đình Huế phải nhân nhượng điều này điều nọ. Nhưng hiệp ước Versailles không có giá trị pháp lý, vì triều đình Louis XVI đã không thực hiện các điều khoản cam kết để giúp Nguyễn Phúc Ánh (giả dụ là triều đình Pháp thực sự muốn giúp), và nhất là triều đình Louis XVI đã bị lật đổ hai năm sau đó (1789), trước khi Nguyễn Phúc Ánh đạt được mục đích của mình. Do đó, triều Nguyễn không có « nghĩa vụ » thi hành những điều khoản trong hiệp định Versailles 1787.

Còn Hoàng tử Cảnh? Năm 14 tuổi (1792) Hoàng tử Cảnh đượclập làm Đông Cung, phong chức Nguyên Súy Quận Công. Năm 1797, Hoàng tư? Cảnh theo cha đi đánh quân Tây Sơn ở Qui Nhơn.
Vua Gia Long đặt Bá-Đa-Lộc là Sư Phó, Ngô Tòng Chu làm Phụ đạo, và các thầy học khác, trong số này có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phó tướng Tả quân Phạm văn Nhân, Đốc học Nguyễn Thái Nguyên, Nguyễn Gia Cát, Tiến sĩ nhà Lệ
Ảnh hưởng của Bá Đa Lộc lên Hoàng Tử Cảnh không phải là nhỏ, vì Hoàng Tử Cảnh ăn ở chung sống với Bá Đa Lộc nhiều năm, được Bá Đa Lộc dậy dỗ theo đạo Thiên Chúa, cho nên có cảm tình với người Tây Dương, ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, bảo vệ cho đạo Thiên Chúa.
Khi ở bên Pháp, Hoàng tư? Cảnh được Hoàng Hậu Marie Antoinette cho sửa đổi lại trang phục, thay thế quần lĩnh áo the và khăn vấn, và sai họa sĩ vẽ tranh kỷ niệm.
Ngày 20 tháng 3 năm 1801, sau khi lấy được Thị nại, Hoàng Tử Cảnh mắc bệnh đậu mùa, mất năm 22 tuổi, chỉ hai năm sau khi Bá Đa Lộc qua đời, an táng ở Bình Định, năm 1809 cải táng về Dương-xuân, và được truy tụng là Anh Duệ Hoàng Thái Tử.
Hoàng Tử Cảnh kết duyên với Tống thị Quyên, sinh được hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm Gia-Long thứ 16 (1818), phong cho Mỹ Đường là Ứng Hòa Công, Mỹ Thùy là Thái Bình Công.
Sau khi Hoàng Tử Cảnh qua đời, có người tố cáo Mỹ Đường thông gian với mẹ đẻ là Tống thị Quyên. Lê văn Duyệt tâu kín. Vua Minh-Mệnh sai bắt người vợ của Hoàng Tử Cảnh giao cho Lê văn Duyệt dìm chết và cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Năm 1824 Nguyễn Phúc Mỹ Đường dâng sớ nói có bệnh, xin nộp trả sách và ấn, về ở nhà riêng, làm thứ dân.
Năm 1826, Nguyễn Phúc Mỹ Thùy bị quân lính ở Dực Chấn kiện, sắp giao xuống cho đình thần nghị tội thì bị bệnh chết, không có con (có sách viết ông có một con gái).
Cuối cùng, con trai của Mỹ Đường, Nguyễn Phúc Lệ Trung, bị bỏ tước hiệu Ứng Hòa Công, giáng xuống là Thái Bình Hầu.
Kỳ Ngoại Thái Bình Hầu Cường Để tên húy là Nguyễn Phúc Vân, đích tôn dòng Hoàng Tử Cảnh, đời thứ sáu kể từ vua Gia Long (Mỹ Duệ Anh Cường Tráng…), được Phan Bội Châu tôn làm Minh chu? Việt-Nam Quang Phục Hội, và giúp Cường Để xuất du, sang Nhật hoạt động (1906).
France, Xuân Đinh Hợi 2007
Tôi chỉ là người học sử, nếu có sai sót xin vui lòng chỉ giáo.
Xin cảm ơn trước.

Chú thích :(1) Quan tiền Pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp là “quan cỡi ngựa” (Franc à cheval) từ thế kỷ thứ XIV vì có in hình vua Jean le bon (1350-1364) cỡi ngựa, bằng vàng nhuyễn nặng từ 3,8 đến 3,9g, tương đương với một chỉ vàng ròng hiện nay. Sau đó, vua Charles V (1364-1380) ấn định chính xác một quan Pháp nặng 3,826g. Đồng quan này được gọi là “quan đi bộ” (Franc à pied) vì in hình vua đứng trên ngai vàng có phủ trướng. Năm 1785 vua Louis XVI ấn định đơn vị tiền tệ một quan vàng (gọi là 1 livre tournois) nặng 0,29g vàng ròng, còn một quan bạc (gọi là 1 livre) thì nặng 4,45g bạc ròng. Từ năm 1879 đến năm 1928 một quan vàng Pháp được ấn định nặng 0,3225g, nhưng tiền vàng dần dần được thay thế bằng
tiền giấy kể từ năm 1914, khi Đệ nhất thế chiến bắt đầu.
(2) Người bạn Pháp đi cùng với tôi mang ba tên: tên của ông nội là tên chính của anh ta, tên một người chú chết trận khi còn trẻ tuổi và tên chạ
(3) Giáo sĩ Đắc Lộ Alexandre de Rhodes, con của Bernardin de Rhodes và bà Jeanne de Tolède, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1591, qua đời ngày 05 tháng 11 năm 1660 tại Isfahan, Ba Từ (Persian), cho nên không thể nhầm lẫn với Giáo sĩ Bá Đa Lộc sanh năm 1741, tức là 81 năm sau.
(4) Các quốc hiệu chính thức của VN theo dòng lịch sử là Văn Lang , Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt ( từ thời nhà Đinh năm 968 đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054), Đại Việt ( từ thời nhà Lý đến năm 1804 , nhưng không liên tục vì nhà Hồ đổi thành Đại Ngu năm 1400, cho đến khi nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho VN, quốc hiệu của VN đổi lại thành Đại Việt. Nhà Nguyễn Tây Sơn cũng gọi tên nước là Đại Việt. VN được Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ban hành là quốc hiệu chính thức. Nhà Thanh chính thức tuyên phong tên VN năm 1804. Theo các tác giả nghiên cứu khác thì tên gọi “VN” đã xuất hiện từ thế kỷ 14. Qua thế kỷ 15 hai chữ “VN” được tìm thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Vua Minh Mạng công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945.

12 nhận xét:

  1. Các bản dịch từ báo Nga của kichbu là một nguồn khích lệ để Khoằm tìm cách chuyển ngữ các tin tức từ các nguồn khác, một cách để Khoằm học ngoại ngữ, giống như hồi cuộc chiến 8/8/8 Khoằm đã làm vậy http://dinhphdc.multiply.com/journal/item/38/38.
    http://dinhphdc.multiply.com/journal/item/36/36
    http://dinhphdc.multiply.com/journal/item/35/35
    http://dinhphdc.multiply.com/journal/item/46/46

    Các bản chuyển ngữ này Khoằm đăng tại đây: http://ttvnol.com/ThaoLuan/1296293 ở đó, Khoằm có đăng các bản dịch của kichbu cho thêm phần long trọng, XIN CẢM ƠN kichbu quý mến!


    Vốn ngoại ngữ của Khoằm rất hạn hẹp, vì vậy có gì sơ sót, mong các bạn cười xòa và chỉ giáo giúp Khoằm với!

    Trả lờiXóa
  2. Hôm thứ 3 (ngày 17/2) một nhà hoạt động đối lập Ly-bi sống ở Lôn-đôn và được MI6 cùng CIA tuyển mộ đã gửi tin từ ĐSQ Mỹ ở Anh thú nhận với bộ dạng lúng túng rằng họ đã sử dụng hình ảnh những người phản kháng ở Bahrain và Yemen để giả tạo các cuộc phản kháng được tổ chức tại Tripoli và Benghazi, thành phố lớn của Ly-bi...

    Libya the big fraud in play



    20.02.2011





    U.S. blames Iran and Libya for demonstrations and fall of allies in the Middle East, and in retaliation plans to destabilise Ahmedinejad and Khadafy.




    By Khatarina Garcia and Peter Blair



    After damage was being assessed after nearly a month of demonstrations in the Middle East, where they almost lost their political hegemony and are running the risk of a fall of strategic influence in the region, the United States through the CIA, the Pentagon and State Department, are holding the leaders Muammar Khadafy of Libya and Mahmoud Ahmedinejad responsible, and are holding Iran mainly responsible for the wave of protests that are brewing with the collapse of major U.S. allies in the region.



    Photo: Mahmoud Turki / AFP

     

    Translated from the Portuguese verion by:

    Lisa Karpova


    Pravda.Ru

    Trả lờiXóa
  3. Benghazi, Libya: lính đánh thuê nước ngoài và dân quân trung thành với Libya Moammar Gadhafi đã tấn công hai thành phố gần Tripoli, ít nhất 17 người chết. Tuy nhiên, phiến quân đã chiếm giữ một căn cứ không quân, Gadhafi đổ lỗi cho Osama bin Laden vì các biến động này.

    Việc đổ máu ở Zawiya, 30 dặm về phía tây Tripoli, thủ đô. Một đơn vị quân đội trung thành với Gadhafi đã nổ súng vào một nhà thờ Hồi giáo, một nhân chứng nói.

    Các binh sĩ thổi ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo bay lên với một khẩu súng chống máy bay. Một bác sĩ tại một bệnh viện dã chiến thiết lập tại nhà thờ Hồi giáo này cho biết ông đã nhìn thấy thi thể của 10 người chết, bị bắn vào đầu và ngực, cũng như khoảng 150 người bị thương. Một trang web tin tức Libya, Qureyna, đưa số người chết lên 23, cho biết nhiều người trong số những người bị thương không thể tiếp cận các bệnh viện vì bao vây bởi lực lượng an ninh'và "lính đánh thuê''.

    http://www.ohio.com/news/world/116901338.html





    Queen Qadaffi

    Bởi Aaron Goldstein ngày 2.25.11 @ 01:41



    Muammar Qadaffi so sánh bản thân Nữ hoàng Elizabeth II.



    Tổng thống Libya cho biết, "Nữ hoàng Elizabeth đã cai trị lâu hơn tôi và không có gì đã xảy ra với bà ấy, không ai có làm phiền bà ấy."



    Um, ngoại trừ Nữ hoàng đã không ra lệnh ném bom Scotland hay cho phép lính đánh thuê Đức bắn các thần dân của mình tại Quảng trường Trafalgar.



    Cũng không thể mô tả chính xác Libya như là một chế độ quân chủ lập hiến. Trong thực tế, đó là một chế độ quân chủ mà Qadaffi lật đổ vào năm 1969.



    Có lẽ ngày mai Qadaffi sẽ so sánh mình với Đạt Lai Lạt Ma.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn dinh nhé.
    Đọc và dịch cho vui kẻo vốn tiếng Nga được học tử tế mà không dùng, phí công đào tạo, tốn tiền của nhân dân..:)

    Trả lờiXóa
  5. Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự vào Libya?

    WASHINGTON - CNN

    Các chuyên gia tin rằng Hoa Kỳ sẽ một lần nữa can thiệp để lật đổ chế độ ở Ả Rập có vẻ như đang phát triển thành một thảm họa nhân đạo được tạo ra bởi nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, ở đất nước của mình, ngoài các lợi ích có thể sẽ được áp dụng đối với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, can thiệp quân sự để giải quyết các vụ đàn áp chống lại người biểutình đòi, theo nguồn tin cấp cao của Mỹ.

    Một quan chức cấp cao của Mỹ Washington nói với CNN: "Nếu quốc tế có sự đồng thuận can thiệp quân sự để cứu Libya, sẽ không có sự lãnh đạo bởi một mình Hoa Kỳ, nhưng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc".

    Đáng chú ý là Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai, để thảo luận về các bước bổ sung nhằm giải quyết tình hình tại Libya với một cuộc tổng nổi dậy đòi hỏi sự ra đi của Gaddafi . Ông cũng nói thêm: "Hiện nay chúng tôi đang sắp đặt đặt nền tảng để tăng tốc ngay khi cần thiết".

    Bộ Quốc phòng chính thức bác bỏ việc can thiệp quân sự, Lầu Năm Góc đề ra kế hoạch dự phòng, bao gồm các đơn vị quân sự có sẵn để triển khai vào Libya ... "Hiện nay tập trung vào việc cung cấp các hỗ trợ nhân đạo". Lầu Năm Góc công bố vào ngày thứ Hai, theo lời của phát ngôn viên, họ đang di chuyển tàu chiến gần Libya.

    Các quan chức cấp cao của Mỹ, nói rằng lý do đầu tiên để tin rằng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ can thiệp vào Libya là "bạn phải bắt đầu từ tiền đề là họ đang tức giận, và từ chối lặng lẽ bước xuống".

    Nhà lãnh đạo Libya trong một cuộc phỏng vấn truyền hình với mạng lưới ABC News, nói: "người dân yêu thương tôi và sẵn sàng hy sinh cho tôi".

    Các nguồn tin chỉ ra các yếu tố khác có thể đẩy Mỹ và các đồng minh vào sự can thiệp quân sự, tuy nhiên, là kho vũ khí của lính đánh thuê và lực lượng trung thành với ông, cũng như dự trữ dầu lớn để để trả lương, và khả năng sẽ phạm tội ác ghê tởm nhắc nhở cộng đồng quốc tế can thiệp ở những nơi như Somalia và Bosnia.

    Ông [Gaddafi ] cho biết hậu quả của các vụ giết chóc và hỗn loạn có thể được làm bởi Washington ở đằng sau hậu trường, thúc đẩy những nỗ lực để lật đổ ông.

    Hôm thứ Hai, Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, lưu vong đó là một trong những lựa chọn cho nhà lãnh đạo Libya, người đang đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng và sẽ bị trừng phạt bởi những sự kiện đang diễn ra tại đất nước mình.

    Ông cho biết một quan chức cấp cao của Mỹ, theo The Time và The Washington, có kế hoạch mở hành lang nhân đạo vào lãnh thổ Libya, cũng như đã thảo luận với NATO về khả năng tạo ra "vùng cấm bay" trên lãnh thổ Libya, cũng đang xem xét các biện pháp phá sóng không dây.

    Cuối cùng, James Dobbins, thuộc RAND Corporation, nói: "Những gì chúng ta đã học được trong những năm qua là dễ dàng để lật đổ một chính quyền đáng ghê tởm, nhưng thay thế nó bằng một thứ tốt là rất khó khăn".

    Đáng chú ý là Italia công bố vào ngày thứ Hai, hủy bỏ một hiệp ước "hữu nghị", được ký kết với Libya, sau khi những phát triển hiện tại trong nước, nhưng khẳng định từ chối sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện một hoạt động quân sự quốc tế chống lại Gaddafi.

    Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, đã cáo buộc Washington về các sự kiện xuyên tạc để can thiệp quân sự vào Libya, quốc gia nằm ở phía bắc của lục địa châu Phi.

    Trả lờiXóa
  6. Và giống như hồi tam bát (8/8/2008), nhiều bức ảnh Tskhinval được trích dẫn là "những bức ảnh chụp ở Gori" bởi phương tiện truyền thông phương Tây, lần này ngày 17/2 một nhà hoạt động đối lập Ly-bi sống ở Lôn-đôn và được MI6 cùng CIA tuyển mộ đã gửi tin từ ĐSQ Mỹ ở Anh thú nhận với bộ dạng lúng túng rằng họ đã sử dụng hình ảnh những người phản kháng ở Bahrain và Yemen để giả tạo các cuộc phản kháng được tổ chức tại Tripoli và Benghazi, thành phố lớn của Ly-bi...




    Nghiêm trọng hơn, những hình ảnh máu me được sự dụng để tạo cảm giác mạnh:
    Thế nhưng, tấm ảnh bà mẹ và đứa con trai của lại là ở I Rắc, đứa trẻ đó bị bắn chết trên xe buýt, những tấm hình này đã quá nổi tiếng, ảnh thật có ở đây: Violence begets violence – Mother/Child – War từ năm 2007.

    Trích:




    "Iraqi mother Wafaa Hussein, tries to revive her dead son Thaer, aged six, at a Baquba morgue, northeast of Baghdad, 16 September 2007. The boy was shot by an unidentified sniper while riding with his family in a public bus from Baghdad to Baquba"





    Đây là ảnh gốc:



    Đây nữa: Ainsworth Hails Success?

    Đây nữa: Iraqi Mother's Day








    Và đây nữa:

    Trả lờiXóa
  7. Safia Farkash Burasi

    Dựa vào vài trang web, báo chí Đức công bố thông tin, vào ngày 20 tháng 2 vừa qua, cho rằng sự xuất hiện của cô con gái Muammar Gaddafi, vợ và gia đình ông chạy sang Đức, nhưng không ai phủ nhận hoặc xác nhận các tin tức trên.



    Người vợ của Tổng thống Libya Muammar Đại tá Gaddafi, ẩn đi trong tin tức, nhưng được biết đến ở Libya, dựa trên các quy tắc của những năm dài chồng bà lãnh đạo đất nước, sở hữu một công ty hàng không tư nhân, và 20 tấn vàng.



    Safia Farkash Burasi là vợ thứ hai của nhà lãnh đạo Libya, sinh ra tại thành phố ở phía đông của Libya từ các bộ lạc của Albrasp, và là một y tá khi biết Gaddafi trong bệnh viện, trong trường hợp ông vào mổ cấp cứu ruột thừa năm 1971, ông đã kết hôn với cố cùng năm và đã sinh ra sáu người con trai và một con gái duy nhất, Aisha.



    Khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng, hiếm khi Safia Farkash xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhưng trong thời gian qua bà bắt đầu xuất hiện trong các hoạt động khác nhau, trong lễ kỷ niệm cuộc cách mạng Libya, với các bà vợ của người đứng đầu các quốc gia khác, tham dự buổi lễ tốt nghiệp gần đây của cô gái nhà Lãnh đạo Cách mạng Libya ở trường Cao đẳng Công an trong năm 2010.




    Farkash cũng được bầu làm Phó Chủ tịch của tổ chức Phụ nữ châu Phi đầu tiên bên lề, cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi, diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, vào giữa năm 2008, với những kiến thức mà họ (các bà vợ) không tham dự cuộc họp (của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi) này, và không bao giờ tham gia vào các hoạt động của nó.



    Farkash có một công ty hàng không tư nhân tên là "Bright Flight" và được dùng sân bay Mitiga dựa trên sự cho phép của chồng, lãnh đạo Libya, trong khi nó đã được cho biết rằng công ty cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia, "Libyan Arab Airlines," như các tài khoản cho các hợp đồng để vận chuyển của khách hành hương tại Libya.



    Và có nhiều số liệu về sự giàu có của đệ nhất phu nhân Libya, như một số ước tính rằng bà Farkash "tích trữ nhiều hơn hai mươi tấn vàng thỏi," trừ tiền, nhưng không ai có thể biết con số thực.



    Có lẽ điều này giải thích những gì có trong tài liệu trên trang web "Wikileaks" rằng Gaddafi lãnh đạo Libya "đứng đầu một gia đình giàu có và mạnh mẽ, nhưng họ bị chia rẽ và bất thường, và có những xung đột lớn."



    Hãy nhớ lại rằng cuộc khủng hoảng Lockerbie cho thấy liên minh quốc tế để bắt tên tội phạm chiến tranh "Aikaus". Các báo Pháp dựa trên thống kê tài sản của các thành viên của gia đình Gaddafi vào năm 1992, không đề cập đến các nguồn thông tin của mình, nói rằng sự giàu có của Gaddafi là 80 tỷ USD, trong khi của cải của người vợ, Safiya, là 30.000.000.000 đô la, sự giàu có của tất cả các con trai của ông (từ người vợ đầu tiên của mình, Fethiye Nuri al-Khaled), Saif al-Islam, Saadi, Hannibal, Mu'tasim và Khamis, Aisha mỗi người 5.000.000.000 $.



    Báo cáo trong tài liệu "người trong cuộc" cũng có sự xuất hiện của một người phụ nữ thứ ba trong cuộc đời của Gaddafi, theo các tài liệu Wikileaks, một Mamrdth đặc biệt.

    Trả lờiXóa
  8. đm mấy thằng phiến loạn đang gào lên đòi nước ngoài nhảy vào giúp đỡ. Tớ đíu hiểu cái tinh thần dân tộc của chúng nó để đâu nhẩy
    Chúng nó sắp die rồi bác ạ :))

    Trả lờiXóa
  9. Ngày xưa có mẹ Teresa còn ngày nay có mẹ Hilary :))
    Mà hình như mẹ này bỏ con rồi còn gì nữa :))

    Trả lờiXóa
  10. Libya đã tuyên bố sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động quân sự tại nước này sau quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.



    Mussa Kussa, Ngoại trưởng Libya, cho biết chính phủ của ông quan tâm hàng đầu việc bảo vệ tất cả thường dân và người nước ngoài trong một tuyên bố trên Truyền hình hôm thứ Sáu.



    "Chúng tôi quyết định về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và ngăn chặn ngay lập tức tất cả các hoạt động quân sự", ông nói thêm "[Libya] có quan tâm lớn trong việc bảo vệ dân thường".




    Kussa nói bởi vì đất nước của ông là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và có "nghĩa vụ chấp nhận nghị quyết của Hội đồng Bảo an Hội Liên Hợp Quốc".



    Việc công bố đưa ra sau khi Anh cho biết đã bắt đầu gửi máy bay chiến đấu và máy bay giám sát tới các căn cứ quân sự tại Mediterrranean để chuẩn bị cho một vùng cấm bay.

    David Cameron, cho biết máy bay Tornado và Typhoon sẽ được triển khai cùng với máy bay giám sát và máy bay tiếp nhiên liệu.



    Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cho phép một khu vực cấm bay trên Libya và "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ dân thường vào cuối ngày thứ Năm.



    Sự can thiệp, dự kiến ​​sẽ được thực thi bởi Anh, Pháp, Mỹ, Na Uy và Qatar, lệnh cấm máy bay quân sự bay trong không phận Libya, nhưng không cấm thương mại, nhân đạo bay.

    Cơ quan không lưu Châu Âu, đã nói trước đó là chính phủ Libya đã đóng cửa không phận của mình để đáp ứng tất cả các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.




    Thông báo mới nhất của Libya trái ngược với ý kiến ​​trước ngày thứ Sáu của Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo đất nước, nói rằng ông sẽ "biến thành địa ngục cuộc sống" của bất cứ ai tấn công đất nước mình.

    Trả lờiXóa
  11. 12:34: Bộ trưởng Ngoại giao Libya, Moussa Koussa, đang chuẩn bị để nói chuyện với các nhà báo tại Tripoli. Chúng tôi sẽ theo dõi.



    12:36: Koussa nói rằng Libya đã nghiên cứu nghị quyết.



    "Nước TÔI sẽ cố gắng để đối phó với nghị quyết" Koussa nói. "Libya có nhận ​​thức về nghị quyết, nó phù hợp với Điều 25 Điều lệ của Liên Hợp Quốc và Libya là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Libya cam kết chấp nhận nghị quyết của Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc."



    12:38: "Libya đã quyết định ngừng bắn ngay lập tức và ngừng tất cả các hoạt động quân sự," Bộ trưởng Ngoại giao Mousa Koussa nói.




    12:40: Koussa tiếp tục nhấn mạnh rằng hành động của Libya được thực hiện theo nghị quyết của LHQ.



    "Chúng tôi đồng ý với các đề mục về bảo vệ dân thường," ông nói. "Vì vậy, dựa trên điều mục này, nhà nước Libya khuyến khích mở tất cả các kênh đối thoại với tất cả mọi người quan tâm đến lãnh thổ của Libya"



    12:43: Một sự thay đổi trong ngữ điệu của Koussa, khi ông chỉ trích nghị quyết của Liên Hợp Quốc: "Đất nước của tôi rất nghiêm túc về việc tiếp tục phát triển - kinh tế, xã hội của quốc gia Libya," Koussa nói. "Chúng tôi bày tỏ nỗi buồn của chúng tôi hướng tới những gì đã bao gồm trong nghị quyết, và các thủ tục chống lại các nước Libya, chẳng hạn như vùng cấm bay".



    Ông nói sự bao gồm các chuyến bay thương mại sẽ "làm tăng sự đau khổ của người dân Libya", và nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải miễn các chuyến bay thương mại, nhân đạo trong nghị quyết.




    12:46: Koussa gia tăng tấn công của mình: Libya cũng tìm thấy nó "không hợp lý" vì cho phép sử dụng sức mạnh quân sự.



    "Có những dấu hiệu cho thấy điều này thực sự có thể diễn ra," ông nói. "Điều này rõ ràng vi phạm các điều lệ của Liên Hợp Quốc, và nó vi phạm chủ quyền quốc gia của Libya. Nó vi phạm Điều 42 của Điều lệ."



    12:54: Libya đã tuyên bố "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức", nhưng đã chỉ trích nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nói rằng việc sử dụng sức mạnh quân sự sẽ "vi phạm" Điều lệ của Liên Hợp Quốc. Dưới đây là tóm tắt thông cáo từ chính phủ Libya:





    • Moussa Koussa, Bộ trưởng Ngoại giao Libya, thông báo rằng nước này đã có quyết định ngừng bắn, và "đình chỉ mọi hoạt động quân sự" tại một cuộc họp báo tại Tripoli.






    • Koussa nói rằng nước ong đã nghiên cứu các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, và là một thành viên Hội đồng an ninh Liên Hiệp Quốc sẽ chấp nhận giải pháp. Ông nói rằng Libya khuyến khích việc "mở tất cả các kênh đối thoại" với cộng đồng quốc tế.





    • Mặc dù vậy, Koussa chỉ trích phán quyết, nói rằng nó là "vô lý" khi được phép sử dụng sức mạnh quân sự. Ông cho biết việc sử dụng sức mạnh quân sự sẽ vi phạm Điều lệ của Liên Hợp Quốc và vi phạm chủ quyền của Libya.





    • Ông nói thêm rằng nó sẽ "gia tăng sự đau khổ của người dân Libya", trong khi việc phong tỏa các tài sản của Libya sẽ có một "tác động rất tiêu cực lên sự bình ổn của Libya". Ông bày tỏ "nỗi buồn" đối với các điều khoản của nghị quyết.



    Thời gian tính theo giờ GMT.

    Trả lờiXóa
  12. Trích:





    halongbienxanh viết lúc
    22:56
    - 19/03/2011



    Theo tin từ Reuters, lực lượng quân đội trung thành với ông Gadhafi đã tổ chức một cuộc tấn công vào Benghazi, thủ phủ của lực lượng nổi dậy.



    Phát ngôn viên của quân nổi dậy đã xác nhận điều này.







    Chính phủ Libya cho biết không ai trong số lực lượng của họ đã tham gia tấn công.



    "Không có cuộc tấn công ở bất cứ chỗ nào quanh Benghazi. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi đang thực hiện lệnh ngừng bắn và chúng tôi muốn quan sát viên quốc tế tới", Mussa Ibrahim, một người phát ngôn, nói với Reuters.



    "Có những phiến quân tấn công làng mạc và thị trấn cố gắng để kích động bên ngoài can thiệp quân sự."

    Trả lờiXóa