Khoằm

07 tháng 3 2013

Hugo Chavez và cuộc Cách mạng Bolivar

Chưa bao giờ trong lịch sử châu Mỹ Latinh, một nhà lãnh đạo chính trị lại đạt đến tính hợp pháp về dân chủ không thể chối cãi được đến như thế. Từ khi ông lên nắm quyền năm 1999, 16 cuộc bầu cử đã diễn ra tại Venezuela. Hugo Chavez đã thắng 15 lần, mà lần gần đây nhất là vào ngày 7/10/2012. Ông luôn luôn đánh bại đối thủ của mình với một khoảng cách từ 10 đến 20 điểm. Tất cả các tổ chức quốc tế, từ Liên minh châu Âu rồi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ và Trung tâm Carter cho đến Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đều đồng thanh thừa nhận sự minh bạch của những cuộc kiểm phiếu. James Carter, cựu Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, hệ thống bầu cử của Venezuela “tốt nhất thế giới”.

Công cuộc phổ cập giáo dục tiến hành từ năm 1998 đã đạt được những kết quả đặc biệt. Nhờ chiến dịch xóa nạn mù chữ mang tên Misión Robinson I, gần 1,5 triệu người Venezuela đã biết đọc, viết và làm tính. Tháng 12/2005, UNESCO công bố nạn thất học đã được thanh toán ở Venezuela. Số trẻ em được đi học đã tăng từ 6 triệu năm 1998 lên 13 triệu năm 2011 và tỷ lệ đến trường ở cấp tiểu học từ đây là 93,2%. Misión Robinson II đã được phát động để đưa toàn bộ nhân dân lên bậc trung học. Thế là tỷ lệ đến trường ở bậc trung học đã tăng từ 53,6% năm 2000 lên 73,3% năm 2011. Các Misión Ribas và Sucre đã giúp hàng trăm ngàn thanh niên có thể theo học các lớp đại học. Số sinh viên đã tăng từ 895.000 năm 2000 lên 2,3 triệu năm 2011, với sự thành lập những trường đại học mới.

Về mặt sức khỏe, hệ thống y tế công cộng của nhà nước đã được thiết lập để bảo đảm toàn dân Venezuela được chăm sóc y tế miễn phí… Từ năm 2005 đến 2012, có 7.873 trung tâm y tế đã được thành lập ở Venezuela. Số thầy thuốc đã tăng từ 20 cho 100.000 dân năm 1999 lên 80 cho 100.000 dân năm 2010, nghĩa là tăng 400%. Misión Barrio Adentro đã tiến hành 534 triệu lần khám sức khỏe. Gần 17 triệu người đã được chăm sóc như thế trong khi hồi năm 1998, không đến 3 triệu người được chăm sóc sức khỏe một cách đều đặn. Tỷ lệ trẻ sơ sinh chết non giảm từ 19,1‰ năm 1999 xuống còn 10 ‰ năm 2012, tức giảm 49%. Tuổi thọ tăng từ 72,2 năm vào năm 1999 lên 74,3 năm 2011. Nhờ Chiến dịch Milagro phát động năm 2004, 1,5 triệu người Venezuela bị cườm và một số bệnh khác về mắt đã tìm lại được thị giác.

Từ 1999 đến 2011, tỷ lệ nghèo đói giảm từ 42,8% xuống còn 26,5% và tỷ lệ cực nghèo giảm từ 16,6% còn 7%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm gần 40% từ năm 1999. 5 triệu trẻ em được hưởng thực phẩm miễn phí thông qua Chương trình thực phẩm học đường. Năm 1999, con số đó chỉ là 250.000. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 21% năm 1999 xuống còn dưới 3% năm 2012. Năm 1999, Venezuela sản xuất 51% thực phẩm tiêu thụ ở trong nước. Năm 2012, mức sản xuất là 71% trong khi việc tiêu thụ thực phẩm đã tăng 81% từ năm 1999. Nếu mức tiêu thụ năm 2012 cũng thấp như năm 1999 thì Venezuela đã sản xuất 140% thực phẩm tiêu thụ ở trong nước.

Từ 1999, tỷ lệ calo do người Venezuela tiêu thụ đã tăng 50% nhờ Sứ mệnh Thực phẩm (Misión Alimentación), quá trình này đã tạo ra một dây chuyền phân phối gồm 22.000 cửa hàng thực phẩm (MERCAL, Casas de Alimentación, Red PDVAL), nơi mà các sản phẩm được trợ cấp khoảng 30% mức giá. Việc tiêu thụ thịt đã tăng 75% từ năm 1999. Theo FAO (Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc), Venezuela là nước tiến bộ nhất trong việc diệt trừ nạn đói ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.

Năm 1999, 82% dân chúng được dùng nước sạch. Bây giờ là 95%. Trong thời Chavez cầm quyền, chi tiêu xã hội đã tăng 60,6%. Trước 1999, Venezuela chỉ có 387.000 người cao tuổi nhận được trợ cấp hưu trí. Con số đó bây giờ là 2,1 triệu.

Xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) trong Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Venezuela đã đi từ hạng thứ 83 năm 2000 (0,656) lên hạng 73 năm 2011 (0,735), gia nhập hàng ngũ các quốc gia có chỉ số HDI cao. Hệ số Gini, giúp cho sự tính toán về bất bình đẳng (trong phân phối thu nhập) ở một nước đã hạ từ 0,46 năm 1999 xuống 0,39 năm 2011. Theo UNDP thì Venezuela, nước có hệ số Gini thấp nhất châu Mỹ Latinh, là nước có ít bất bình đẳng nhất ở trong vùng.

Từ 1999, 700.000 căn hộ đã được xây ở Venezuela. Từ 1999, chính phủ đã giao lại cho dân bản địa trên 1 triệu hécta đất đai. Cải cách ruộng đất đã giúp cho hàng chục nghìn nhà nông có được đất đai của họ. Tổng cộng, trên 3 triệu hécta đất đai đã được phân phối.

Việc quốc hữu hóa xí nghiệp dầu hỏa PDVSA năm 2003 đã giúp Venezuela lấy lại được quyền tự chủ về năng lượng. Quốc hữu hóa các lĩnh vực điện lực và viễn thông (CANTV và Electricidad de Caracas) đã giúp chấm dứt tình trạng độc quyền và giúp phổ cập việc tiếp cận các dịch vụ này.

Từ 1999, trên 50.000 hợp tác xã đã được thành lập trong tất cả các ngành của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 15,2% năm 1998 xuống còn 6,4% năm 2012, bằng cách tạo ra 4 triệu việc làm. Lương tối thiểu đã tăng từ 100 bolivar (16USD) năm 1999 lên 2.047,52 bolivar (330USD) năm 2012, nghĩa là tăng hơn 2.000%. Đây là lương tối thiểu tính bằng USD cao nhất châu Mỹ Latinh. Năm 1999, 65% dân chúng có việc làm chỉ lĩnh lương tối thiểu. Năm 2012, chỉ còn 21,1% những người lao động hưởng mức lương này mà thôi.

Ở một độ tuổi nhất định, người lớn không đi làm được hưởng một số tiền bảo trợ tương đương với 60% lương tối thiểu. Phụ nữ đơn chiếc và người tàn tật được nhận một món trợ cấp bằng 80% lương tối thiểu. Thời gian làm việc giảm còn 6 giờ/ngày và 36 giờ/tuần mà không giảm mức lương.

Nợ công giảm từ 45% tổng sản phẩm quốc nội năm 1998 xuống 20% năm 2011. Venezuela đã trả các món nợ trước thời hạn và đã rút khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người tăng từ 4.100USD năm 1999 lên 10.810USD năm 2011. Năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của Venezuela là 5,5%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Theo báo cáo hằng năm của World Happiness, năm 2012 Venezuela là nước đứng thứ 2 trong những nước có cuộc sống hạnh phúc nhất châu Mỹ Latinh, sau Costa Rica và đứng thứ 19 trên thế giới, trên Đức hoặc Tây Ban Nha.

Sự ủng hộ trực tiếp của Venezuela cho châu Mỹ còn quan trọng hơn của Hoa Kỳ. Năm 2007, Venezuela đã ủng hộ không dưới 8,8 tỉ USD bằng hiện vật, tài trợ và giúp đỡ về năng lượng còn chính quyền Bush chỉ chi có 3 tỉ. Sự thành lập Petrocaribe năm 2005 đã giúp cho 18 nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, với 90 triệu người, được mua dầu hỏa trợ giá khoảng 40-60% và bảo đảm an ninh năng lượng của mình. Venezuela cũng giúp đỡ cho các cộng đồng nghèo khó nhất của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp xăng cho họ theo giá trợ cấp.

Sự thành lập Liên minh Bolivarian vì các dân tộc châu Mỹ của chúng ta (ALBA) năm 2004 giữa Cuba với Venezuela đã đặt nền móng cho một liên minh hòa nhập trên cơ sở hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, tập hợp 8 nước thành viên, lấy con người làm trung tâm cho dự án xã hội, với mục tiêu là chống nạn nghèo đói và chống việc gạt bỏ công dân bên lề xã hội. Hugo Chavez là người khởi xướng việc thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) lần đầu tiên tập hợp 33 nước trong vùng, tự giải phóng khỏi sự giám hộ của Hoa Kỳ và Canada. Hugo Chavez đã đóng một vai trò then chốt trong tiến trình hòa bình ở Colombia. Theo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thì: “nếu chúng tôi đạt được một dự thảo chắc chắn về hòa bình, với những tiến bộ rõ rệt và cụ thể trước kia chưa hề đạt được với FARC (Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia), đó cũng là nhờ sự tận tụy và sự bảo đảm của Tổng thống Chavez và Chính phủ Venezuela”.

Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Venezuela đã sử dụng vệ tinh của chính mình (Bolivar và Miranda) và từ đây đã tự chủ trong lĩnh vực công nghệ không gian. Internet và viễn thông sẵn sàng phục vụ trên toàn lãnh thổ.

Nguồn: Le Grand Soir, Telegraph

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét