Khoằm

14 tháng 3 2013

Máu Của Tuyết - Trần Hoài Văn

Bộ phim truyền hình ‘Hai phía chân trời’ - 36 tập của đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) chuyển thể từ "Máu của tuyết” của nhà văn Trần Hoài Văn.

Với bối cảnh chính là khu chợ người Việt ở Praha - Trung tâm thương mại SAPA của người Việt tại CH Czech, "Hai phía chân trời" là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên được thực hiện phần lớn các cảnh quay ở nước ngoài qua 4 năm chuẩn bị từ 2009 đến 2012, đoàn làm phim đã nhiều lần đi khảo sát thực tế, tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng người Việt tại một số nước châu Âu như: CHLB Đức, CH Séc, Ba Lan và những lần đi tiền trạm sản xuất, bắt đầu từ cuối tháng 3-2012, đoàn làm phim của VFC với hơn 40 thành viên và toàn bộ thiết bị sản xuất được mang từ Việt Nam đến CH Séc để chính thức khởi quay. 

Với mục tiêu tối đa thời gian quay tại Châu Âu, đoàn làm phim đã chia làm 2 nhóm sản xuất và quay liên tục ở nhiều điểm khác nhau ở CH Séc, từ vùng biên giới, nông thôn đến trung tâm thành phố Praha và một số thành phố khác, nơi có đông đảo người Việt sinh sống và làm việc.

Câu chuyện bắt đầu với mối quan hệ của luật sư Minh, do Xuân Bắc đóng, doanh nhân Lê, do NSƯT Mạnh Cường đóng và những người bạn cùng chung sức xuất bản tờ báo ‘Trái tim Việt” với mục đích cung cấp các thông tin giúp đỡ đồng hương hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người và tư vấn những kiến thức về luật pháp để giúp bà con người Việt sống và lao động hợp pháp. 
Trong quá trình làm việc của đội biên tập, nhóm bạn đã phát hiện ra tay bút nghiệp dư Vinh do Lê Vũ Long thủ vai, một người sống rất có nghĩa khí nhưng có số phận long đong.. bằng tấm lòng và sự chia sẻ với những thân phận người Việt sống xa quê hương, nhóm bạn Lê, Minh và sau này có thêm Vinh đã giúp đỡ một người phụ nữ Việt có số phận éo le là Tình do NSƯT Lê Vy thủ vai.

Hàng loạt số phận khác nhau, thậm chí những bi kịch khủng khiếp xảy ra với người Việt sống xa xứ khi họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách để lao động kiếm sống và tích cóp gửi về quê nhà. Vượt lên trên tất cả những cay đắng, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, đông đảo người Việt đang sống ở nước ngoài luôn biết yêu thương và giúp đỡ nhau, trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Cũng chính sự nhân ái, biết chia sẻ lúc khó khăn mà những người Việt luôn coi trọng đã tác động đến những người bản xứ, mở ra nhiều sợi dây tình cảm, những rung động trái tim để tạo nên một bức tranh đa sắc về tình người.

"Hai phía chân trời” quy tụ dàn diễn viên tài sắc và nổi tiếng trên màn ảnh như: NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Lê Vy - hiện định cư tại Pháp, các nghệ sỹ Xuân Bắc, Lê Vũ Long, Kiều Thanh, Quỳnh Hoa, Kiều Anh, Vi Cầm. Đặc biệt, lần đầu tiên một bộ phim truyền hình có sự góp mặt của khá đông diễn viên nước ngoài như: Lâm Vissay - một diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp tại Đức, Damian Odess-Gillett - Mỹ, Andrea Ayber Camona - Tây Ban Nha, các diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát kịch Praha: Irina Jorgensen, Tatiana Evonuk Hana Abrahamova...
Bên cạnh đó, các cảnh quay trong nước có sự tham gia của NSƯT Minh Châu, NSƯT Quốc Trị, NSƯT Bạch Diện, NSƯT Ngọc Thoa, người mẫu Thúy Hằng…

Thật ra, câu truyện về bố con Vinh - Tomek mà Trần Hoài Văn kể từ năm 2006 có khác biệt so với bộ phim, chuyện xảy ra ở Ba Lan, nhân vật Vinh "nhà thơ" tay trắng trở về với mẹ già để rồi lại vượt biên vào Ba Lan để tìm Tomek sau đó, nhưng thôi, mời quý bạn vừa xem phim vừa đọc "Máu Của Tuyết"!

 … Khi ánh hoàng hôn cuối cùng chìm hẳn sau dãy núi đá sừng sững phía tây, cũng là lúc bóng tối lem nhem chiếm lĩnh toàn bộ khu nghĩa địa rộng mênh mông, hun hút. 

Những con quạ đậu trên các thân cây trơ trụi phủ đầy tuyết trắng xóa trông như những hạt đậu đen chi chít trên đĩa xôi. Tiếng “quà, quà” đồng thanh thê lương của chúng càng ép chặt không khí tĩnh lặng rờn rợn đến ngạt thở. 

Những bầy gió điên cuồng độc diễn vũ điệu tuỳ hứng khi cơn mưa tuyết dầm dề sướt mướt cứ lặng lẽ rơi. Rồi thì đám gió nổi điên. Gió bê tuyết ném tung lên trời. Gió dằn tuyết xuống đất. Gió tãi tuyết chàng hảng, tành banh, tô hô. Gió xoay vặn rồi vun tuyết lại thành từng đống. Chán, nó lại chao đảo, quay cuồng luồn lách qua các khu mộ im lìm rên xiết lên thành những tiếng u ú, hù hù, khào khào như tiếng kêu hoan lạc man rợ… 


Chui ra từ chiếc ô tô lấm lem bùn lầy như một con trâu vừa tắm bùn, hắn co ro, rúm ró trong cái lạnh ẩm ướt của bão tuyết đang tốc thẳng vào mặt. Liêu xiêu, vẹo vọ trượt bám đi trên lớp băng đang bị cái nhoen nhoét của những bông tuyết tan ra dưới đế giầy tạo thành một thứ chất lỏng trơn như mỡ. Sau hai cú trượt dài như một diễn viên trượt băng nghệ thuật loại bét bị ngã giập mông, hắn cũng mò tới được căn phòng bằng đá xám xịt của người trông coi nghĩa địa. Sự xuất hiện bất ngờ của hắn cùng bộ dạng tiều tụy trong quầng ánh sáng vàng vọt chẳng hề làm cho ông già còm nhom hoảng sợ. Ông ta điềm tĩnh nhìn hắn như nhìn một con ma đói vẫn thỉnh thoảng hiện về tranh thủ bầu bạn cùng mình chốc lát bên chai bimber (1) rồi lại vụt biến ngay trước khi ánh mặt trời đầu tiên nhô lên.

- Sao, mới chui từ ngôi mộ nào ra thế?

Ông hỏi bằng thứ giọng thản nhiên của một người quen sống với âm hồn.

Hắn khó nhọc mở cái mồm đang bị đông cứng vì giá rét:

- Tôi tìm mộ một người Việt… Lúc còn sống anh ấy tên là…

Ông già xua tay, giọng không mấy lạc quan:

- Tên tuổi đếch gì. Làm sao mà tôi nhớ được những cái tên trúc trắc của các anh? Vả lại cả khu nghĩa địa này chưa nhiều người Việt đến ở lắm đâu, mới chỉ có hai thôi. Anh ta chết khi nào?

- Hơn bốn năm rồi!

- Thế thì ở kia, tít ngoài cùng khu tường rào phía đông ấy! –Người coi nghĩa địa chỉ tay ra khoảng tối đang vần vũ đầy bão tuyết. – Cứ thấy ngôi mộ nào toen hoen, không xây, không ốp đá chính là nó đấy.

- Vâng! Cám ơn ông! – Hắn ừ hữ đáp vì chả biết nói gì hơn.

- Từng ấy năm chẳng ma nào đến thăm viếng. Tôi cứ ngỡ nó vô chủ. Nhưng sao lại đến muộn thế này? – Ông già nhìn hắn đầy vẻ thắc mắc.

- Tôi từ Vác sa va xuống, bị hỏng xe dọc đường, mãi mới tìm được chỗ chữa. Hôm nay là ngày Lễ người chết (2) , chẳng ma nào chịu làm việc. - Hắn trả lời, giọng buồn rầu và nhoi nhói nơi ngực.

- Ra thế! Còn ở đây thì dân tình nườm nượp kéo đến tảo mộ từ sớm tinh mơ, mãi tới sẩm tối mới vãn. Gớm, người đâu mà lắm thế không biết? – Ông ca cẩm, vớ chai rượu tu một ngụm, rồi đưa cho hắn – Làm một tợp đi cho ấm, người anh run bắn lên như thằng choai con lần đầu nhìn thấy đàn bà cởi truồng rồi kia kìa!

Ông già nháy mắt, cười hóm hỉnh.

Hắn chẳng khách khí, vớ chai bimber làm một tợp lớn. Cái thứ rượu tự nấu mạnh và xóc như đấm vào cổ họng nhưng lập tức làm cho các mạch máu đang chực đông cứng giãn ra. Hắn thấy người ấm lại.

- Cảm ơn ông! Tôi đi đây! – Khoan khoái trả lại chai rượu cho ông già vui tính, hắn quay người, rảo bước ra ngoài. Sau ngụm rượu mạnh, cái lạnh đã tan chảy. Hắn mạnh bạo bước những bước dài, bất chấp nền băng lầy nhầy, trơn trượt.

- Này, anh người Việt, đợi một chút!

Hắn quay người lại, ông già coi nghĩa địa đang lóc cóc đuổi theo. 


- Đợi một chút, tôi sẽ chỉ chỗ cho. Chứ anh lọ mọ tìm cả đêm chưa chắc đã thấy.

Hắn cảm ơn ông già tốt bụng. Họ lầm lũi đi qua những ngôi mộ chất đầy hoa và những bát nến con đã tắt ngóm phủ đầy tuyết. Tới sát bờ tường, ông già chỉ cho hắn một ngôi mộ nhỏ xây trát qua quít nằm khép nép bên cạnh những khu mộ lớn ốp đá đen bóng lộn với dấu thập ngoặc hình thánh giá ngạo nghễ vươn cao.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn pin, hắn cúi xuống, hồi hộp gạt lớp tuyết trên tấm bia xiêu vẹo đắp tạm bằng xi măng. Mấy dòng chữ nguệch ngoạc trên đó thầm mách cho hắn biết, người nằm dưới đất chính là thằng bạn nối khố.

Hắn lặng người. 


Mày đấy ư Minh? 

Có phải mày đấy không, thằng bạn kiêu hùng một thuở đã đồng cam cộng khổ chia sẻ với tao từng mẩu bánh mì vụn, từng giọt rượu đắng ngắt? 

Thằng bạn đã thức trắng cùng tao suốt bao đêm dài với những âu lo toan tính cho giấc mơ về một ngày mai. Mà chúng mình có ước muốn gì nhiều lắm đâu, Minh nhỉ?

... Một chút tiền còm để sửa sang lại ngôi nhà lụp xụp. Một chút tiền còm để trang trải nợ nần cho những đứa em ăn học. Một chút tiền còm để tồn tại khi về nước, để nhét vào phong bì đặt trước mặt những gã ngồi tựa ghế bọc da ngửa cổ nhìn trần nhà uể oải lắng nghe lời ấp úng phân trần của những kẻ đi xin việc như chúng mình hòng mong kiếm được một chỗ đứng chật chội để hưởng chút nắng ấm dưới ánh mặt trời... 

Có nhiều quá không hả Minh, những điều chúng mình hằng mơ ước? 

Để rồi mày phải trả giá bằng mạng sống của mình khi hứng trọn cho tao nhát dao của tụi cướp trong một lần làm cửu vạn ôm hàng thuê. Mày ngã xuống một cách oan nghiệt, tức tưởi. Máu phun thành dòng mà cặp mắt vẫn mở trừng trừng. 

Có phải mày vẫn tiếc cuộc đời dài phía trước dù còn bao nhọc nhằn và áy náy về gánh nặng dồn trút lên vai khiến đôi mắt mày không thể khép lại, dù tao đã vuốt mấy lần trước lúc ngất đi? 


Vậy là tao và mày không trở thành thông gia được nữa. Những đứa con của mày chết ngay từ khi chưa được sinh ra trên cõi đời này. Chả biết chúng nó bất hạnh, hay hạnh phúc vì khỏi làm kiếp bị đọa đầy như tao và mày đây? 

Đã bao tháng ngày mùa đông, mày co ro nằm đây giữa đất lạnh quê người, nghe bão tuyết gào thét? 

Tao không có đủ tiền để đưa mày về nằm giữa đồng đất quê hương quanh năm chan hoà ánh nắng. 

Đành vậy nhé, Minh ơi!

Mở ba lô lấy ra một thẻ hương, vài bát nến và mấy bông hoa mua vội ở dọc đường đã héo quắt, hắn khó nhọc đánh vật với chiếc bật lửa cạn xăng. Sau dăm lần “lạch xạch, lạch xạch”, ngọn lửa vàng vọt, leo lét cháy lụi vào tận bấc cũng đã bùng lên như một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng. Những ngọn nến nhỏ nhoi, trắng muốt run rẩy được chừng vài giây rồi tắt lịm ngay bởi những bông tuyết tròn căng phủ lên, lớp nọ chồng lên lớp kia. Bó hương có khá hơn, từ những đốm sáng đỏ lừ tỏa ra vầng khói nhẹ. Phút chốc mùi hương trầm ngan ngát bao trùm một góc nghĩa địa.

Hắn ngồi lặng đi bên mộ bạn. 


Minh ơi! 

Đã hơn bốn năm nay, không một nén hương, một quả trứng. Mày nằm đây như một con ma lạ nghèo hèn, lạc lõng, tủi hổ bên những con ma bản xứ no đủ tình thương, dư thừa vật chất. Mày có bị chúng nó bắt nạt, hành hạ không? 

Chắc là không đâu, Minh nhỉ? 

Bởi những kẻ cùng đinh chẳng có gì để mất như lũ chúng ta lúc sống đã luôn ngẩng cao đầu, mặc mẹ cái túi rách kinh niên và cái dạ dày luôn réo gào vì đói, thì lúc xuống âm phủ, chắc mày vẫn sẽ là một con ma kiêu hùng luôn mỉm cười ngạo nghễ và sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc chơi mạo hiểm với tư thế của một hiệp sĩ. 

Có phải vậy không Minh? 

Mày sống khôn, chết thiêng thì hãy phù hộ cho tao nhé! Hãy phù hộ cho tao về một ngày mai, bởi tao không biết, NGÀY MAI, NGÀY MAI, cái gì sẽ đến? 

Bốn năm dưới này mày làm ma đói. Còn tao, bốn năm khổ ải lê la qua hai trại tù để làm cuộc đời của ma sống mà chả mấy bữa được no. Mỗi lần chuyển trại là một lần lại phải gồng mình lên chiến đấu để tồn tại giữa cái đám giang hồ đâm thuê chém mướn bản địa; chiến đấu để giữ được tư thế của một con người trong đám nửa người nửa thú; chiến đấu để bảo toàn trinh tiết cho cái lỗ đít của mình giữa những con đực luôn trong tư thế phát cuồng hằng đêm vẫn đè nhau ra phóng tinh vào cái nơi vốn được Chúa tạo ra không để làm việc ấy... 

Hỡi thằng bạn võ sĩ có đôi tay vượn, đôi chân mèo của tao! 

Không uổng đâu những bát mồ hôi đổ ra khi xưa trên sàn tập, những cú đá nặng hơn ba trăm cân tựa sấm sét mà chúng ta đã phóng hạ địch thủ đổ gục như chém chuối trong những trận kịch chiến trên võ đài. 

Không uổng đâu! 

Bởi có thể nói, tao là một trong số rất ít thằng tù đem được sự trinh tiết trở về với thần Tự do! 

Không uổng đâu! 

Bởi đấy là niềm tự hào của bọn tù ở cái xứ sở da trắng này. Nếu sao vạch trên ve áo khẳng định đẳng cấp của thằng lính, cặp chân bộ ngực khẳng định đẳng cấp của con đàn bà, thì “sự trinh tiết” của thằng tù khẳng định đẳng cấp của nó, khiến nó được kính nể, trọng vọng, được ngồi chiếu trên… 

Nếu mày thừa đủ bản lĩnh để khuất phục những kẻ khác, nghĩa là mày được quyền chỉ tay vào bất kì một con đực nào vừa mắt và ra một cái lệnh ngắn gọn: “Chổng đít lên!” 

Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc mày được quyền nằm ườn khoan khoái tận hưởng chút nắng hiếm hoi qua cửa tò vò, được hưởng mọi sự cống nộp từ những món quà tắc tế của thân nhân mang lên cho những thằng tù khác. Nhiều, nhiều lắm… 

Bảo toàn sự trinh trắng cho cái lỗ đít của mình, đối với cái án bốn năm tù khốn khổ khốn nạn mà tao phải trả giá vì tội vận chuyển hàng lậu và gây thương tích cho người khác. Ấy là tất cả cuộc sống của tao những tháng ngày qua! 

Ấy là miền kí ức mịt mù tối câm vẫn đang phủ bóng lên cuộc đời hiện tại của tao!...

Những giọt nước mắt tủi hận nối đuôi nhau lăn dài trên má hắn. Tuyết vẫn rơi mỗi lúc một thêm dày. Gió vẫn rú lên bản tình ca hoan lạc và man rợ. Nắm hương kiên cường đã cháy rụi, chỉ còn trơ lại những cọng chân khẳng khiu. 


Bật chai rượu, rưới lên tấm bia xi măng có những dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên thằng bạn. Còn sót một ít, hắn ngửa cổ tu một hơi cạn sạch và ngay ngắn đặt cạnh đám cọng chân hương, khom người vái bạn ba cái. 

Minh ơi, tạm biệt! Hẹn mày ngày này năm sau nếu tao còn bảo toàn được mạng sống và cơ hội…

- Về thôi anh bạn, không định ngồi đây cả đêm đấy chứ?

Tiếng nói của ông già coi nghĩa địa kéo hắn ra khỏi dòng hồi ức. Qua cái nhìn nhòe nhoẹt nước mắt, hắn thấy ông đang đứng cạnh một thiếu phụ cùng đứa trẻ.

Ông già hỏi hắn:

- Anh có thể cho mẹ con chị này quá giang một đoạn về thị trấn H. được không? Hơi ngược đường một chút. Nhưng muộn quá rồi. Giờ này chắc chẳng còn ô tô buýt nữa.

Hắn đưa tay lau mắt, gật đầu không một chút do dự:

- Dĩ nhiên là được. Mời chị và cháu ra xe.

Chợt thằng bé chỉ tay vào hắn, reo lên:

- Bố ơi!

Hắn tưởng mình nghe lầm, vì hình như thằng nhỏ gọi hai chữ "bố ơi!" bằng tiếng Việt.

Thiếu phụ luống cuống ghé tai thằng bé nói nhỏ một điều gì đó.

Thằng bé vẫn gào lên, lần này bằng tiếng Ba lan:

- Mẹ nói dối. Bố kia kìa!

Rồi nó nhào về phía hắn. Nhưng thiếu phụ giữ chặt tay con lại. Thằng bé bất lực gục đầu vào váy mẹ nó, khóc tấm tức.

Hắn ngớ người, chẳng hiểu sự thể ra sao.

Họ cùng đi ra phía cổng nghĩa trang. Thằng bé chật vật bám theo, bước chân loạng choạng. Hắn cúi xuống, bế bổng nó lên. Thằng bé mừng rỡ áp chặt đầu vào má hắn, nghẹn ngào thốt lên: "Bố ơi!". 


Nó khóc. Những giọt nước mắt ấm nóng một bên má hắn. Đến lúc này, dưới ánh sáng của ngọn đèn cao áp, hắn mới nhận ra, đó là một chú nhóc châu Á, trạc sáu, bảy tuổi. 

Hắn thấy lạ, vì những đứa trẻ được sinh ra trong các cuộc hợp hôn ít nhiều đều hoà quyện đường nét của hai chủng tộc. Đằng này, chú nhóc không mang một nét nào của bà mẹ da trắng tóc nâu đi bên cạnh. Vẫn cái mũi tẹt, đôi mắt xếch và mái tóc đen, nó giống hệt như những đứa trẻ thuần chủng mà hắn gặp nhan nhản ở Việt Nam. Thằng bé có vẻ mệt, nên mới chỉ được bế bổng trong vòng tay vài phút, nó đã gục đầu vào vai hắn gà gật.

- Làm một ngụm nữa chứ? Giờ này chẳng còn thằng cha cảnh sát nào đủ tỉnh táo để bắt phạt nữa đâu!

Ông già lại sốt sắng dúi cho hắn chai rượu, khi họ đã đến bên chiếc ô tô.

Hắn tợp một ngụm nhỏ cho phải phép, vì khi đã chui vào trong xe thì cái lạnh không còn đáng sợ nữa. Nhưng trước mặt là quãng đường dài dằng dặc hơn năm trăm km trơn trượt băng tuyết. Có tỉnh táo căng mắt ra cầm lái cũng là một thử thách đáng sợ, chứ đừng nói lại dính chút hơn men. 


Họ từ biệt ông già tốt bụng.

- Đi đi, Chúa phù hộ cho các vị!

Ông già vẫy tay từ biệt. Chiếc xe rón rén đề pa trên mặt đường loang loáng như mặt kính.

Ra đến đầu đường, người phụ nữ rụt rè đề nghị:

- Anh làm ơn rẽ trái nhé!

Hắn khẽ cười:

- Vâng, tôi biết rồi, rẽ phải là đường về Vác sa va. Trước đây tôi đã ở thị trấn H. một thời gian.

- Anh bán hàng ở đó à? Lâu chưa?

- Vâng, nhưng cũng đã hơn chục năm rồi.

- Hơn chục năm?... Ngày ấy tôi mới đang là một con nhóc nữ sinh trung học, còn mơ mộng hão huyền lắm. Thế mà bây giờ... - Giọng người phụ nữ xa ngái.

Thấy cô ta có vẻ buồn, hắn chuyển đề tài:

- Từ H. đến nghĩa trang này chưa đầy hai chục km, sao cô không đi ban ngày cho đỡ vất vả?

- Tôi phải về quê thăm bố mẹ, tiện thể cùng các cụ tảo mộ ông bà nội ngoại. Hai mẹ con tôi mới từ quê ra thẳng nghĩa trang lúc sẩm tối.

Hắn buột miệng hỏi:

- Các cụ còn sống cả. Vậy cô ra nghĩa trang thăm viếng ai vậy?

Một thoáng im lặng. Giọng người phụ nữ trầm xuống:

- Chồng tôi!

Hắn thoáng ân hận vì câu hỏi không đúng lúc của mình:

- Xin lỗi vì tôi đã làm cô buồn!

- Không sao, đằng nào tôi cũng phải quen với chuyện đó thôi! - Thiếu phụ đáp, giọng nghèn nghẹn.

Hắn chợt nhớ, hình như ông già bảo vệ nói là ở nghĩa trang có hai ngôi mộ người Việt, song không dám hỏi gì thêm. Chiếc xe vẫn lầm lũi chui lủi trong cơn mưa tuyết mỗi lúc một dày đặc...

Tự nhiên hắn chả muốn nói gì thêm. Thiếu phụ cũng câm lặng.

Xe dừng lại dưới chân một chung cư cũ rích được xây dựng từ những năm sáu mươi. Thiếu phụ nhìn hắn:

- Chắc từ sáng đến giờ anh chưa ăn gì? Mời anh lên nhà dùng bữa tối với mẹ con tôi!

Hắn nhận lời không một chút khách sáo, vì vừa đói, vừa mệt. Vả lại, bây giờ có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng mò ra quán ăn nào trong cái ngày lễ tảo mộ này. Hắn bế thằng nhỏ vẫn đang thiu thiu ngủ, leo lên tầng năm.

- Anh ngồi tạm đây, tôi đặt cháu vào giường rồi sẽ ra ngay!

Thiếu phụ chỉ tay vào chiếc ghế ăn trong bếp, giơ tay đón đứa bé, cởi áo khoác và giày cho nó. Thằng nhóc vẫn gà gật.

- Chúa ơi, sao con tôi nóng thế này?

Thiếu phụ thốt lên, má áp vào trán thằng bé.

Hắn cũng đưa tay đặt khẽ lên trán thằng nhỏ. Đúng là nó đang sốt.

- Có lẽ cháu bị cảm lạnh. Cô có thuốc hạ sốt panadol không?

- Có! Anh bế giúp cháu vào trong phòng, để tôi đi lấy thuốc.

Nhận thằng nhỏ từ tay thiếu phụ, hắn bế vào phòng. Nó ngủ li bì. Ở đầu giường, ngay cạnh cái gối có bức ảnh một người đàn ông châu Á trạc ngoài ba mươi. Hắn thầm đoán đó chính là người Việt nam thứ hai nằm ngoài nghĩa trang. Ngỡ ngàng nhìn bức ảnh giây lát vì cảm thấy có nhiều nét quen quen, có điều hắn chưa nhớ ra là đã gặp anh ta ở đâu, bao giờ?

Thiếu phụ đi vào, trên tay là lọ xiro giảm sốt.

Hắn bảo:

- Phải đợi lúc cháu tỉnh dậy mới uống thuốc được, bây giờ tôi sẽ thử chữa bệnh cho cháu...

Rồi nhìn quanh như tìm kiếm một thứ gì đó.

Thiếu phụ nhìn hắn dò hỏi:

- Có phải anh tìm cái này không?

Cô ta mở chiếc tủ nhỏ trên tường, lôi ra lọ dầu gió màu xanh và đồng xu bằng bạc.

Hắn ngạc nhiên:

- Đúng rồi! Sao cô biết?

Thiếu phụ buồn bã:

- Ngày còn sống, Việt vẫn cạo gió cho hai mẹ con tôi mỗi khi bị cảm lạnh. À quên, tôi chưa nói với anh, chồng tôi cũng là một người Việt... Anh ấy mất hơn hai năm rồi.

Hắn cúi đầu, khẽ nói:

- Ra thế, thảo nào...

Hắn lật áo thằng nhỏ lên, xoa dầu vào lưng và lấy đồng xu bạc chà lên. Những vệt hằn màu đỏ sẫm dưới làn da mỏng manh từ từ hiện mỗi lúc một rõ.

Hắn lẩm bẩm:

- Đúng nó bị cảm rồi.

Thiếu phụ ngồi ở cuối giường, lặng lẽ nhìn hắn cạo gió cho thằng bé, khẽ thở dài, ánh mắt xa xăm.

Khi cả lưng thằng bé đã đỏ bầm lên, hắn xoa thêm một lớp dầu và kéo áo xuống. Đoạn, lật người nó lên xoa dầu vào trán.

Đang ngủ li bì, chợt đôi mắt thằng bé khẽ động đậy rồi từ từ hé mở. Nó chăm chăm nhìn lọ dầu gió hắn đang cầm rồi nghển cổ, vồ lấy đôi bàn tay hắn.

- Bố ơi!

Đang lúng túng chưa biết phải trả lời ra sao, thằng nhỏ đã ngồi bật dậy, ôm ghì đầu hắn, kéo xuống, thì thầm:

- Bố chưa chết à?

Hắn càng lúng túng và im lặng, chưa biết phải lựa cách xưng hô với thằng nhỏ ra sao. Hắn đoán rằng nó đã nhầm hắn với người trong ảnh.

Thằng nhỏ vẫn bám chặt lấy hắn, cà mặt vào bộ râu lởm chởm.

- Đêm nay bố lại "ru à ơi" nhé!

Hắn chợt run lên khi nhận ra, cứ mỗi khi gọi "bố ơi" và ba từ "ru à ơi" thằng nhỏ lại nói bằng tiếng Việt. Đáng lẽ phải an ủi và tìm một lời nói thích hợp nào đó với thằng bé thì hắn vẫn chỉ im lặng, chỉ vụng về vỗ vỗ vào lưng nó.

Dường như cảm nhận được thái độ lảng tránh của người đàn ông mà nó đang ôm, thằng bé buông tay ra, chăm chăm nhìn hắn rồi lại hướng ánh mắt đau đáu vào tấm ảnh hồi lâu, vẻ mặt phân vân, ngơ ngác.

Hắn vẫn lặng nhìn thằng bé. Cái nhìn của nó đưa tụt hắn quay trở lại miền kí ức. Trước đây, hắn cũng đã nhiều lần nhìn tấm ảnh cha trên bàn thờ như vậy. Vụt nhói nỗi đau xé lòng, cảm giác hụt hẫng khi nhận giấy báo tử cha và chuỗi ngày khổ cực của bốn mẹ con suốt những tháng năm dài dằng dặc. 


Lúc ấy, hắn đang học lớp một, trạc tuổi thằng nhóc này. Dù mẹ ở vậy tảo tần thay chồng đùm bọc ba anh em hắn, nhưng kể từ ngày đó hắn đã biết thế nào là vắng cha quạnh nhà… Hắn chặc lưỡi, khẽ lắc đầu. Sự ái ngại pha chút thương hại thằng bé thoắt biến thành cảm giác xót xa cứ dâng lên, lớn dần lên trong hắn.

Vừa đáu đáu nhìn vào tấm ảnh, vừa rón rén, từ từ nâng khuôn mặt người đàn ông trong tấm kính lên ngang tầm mắt, thằng bé thầm thì:

- Bố ru à ơi...!

Gương mặt nó đầy vẻ thành kính, nhẫn nại như chờ đợi câu trả lời của người trong ảnh. Rồi đôi mắt ấy quay sang hắn. Lặng lẽ, da diết, vời vợi và chứa chan hi vọng.

Đến lúc này, hắn cảm thấy sẽ là tội lỗi nếu cứ tiếp tục im lặng và lảng tránh ánh mắt ấy.

- Ừ, bố sẽ ru! - Hắn bỗng nhiên thốt lên bằng cái giọng đã ầng ậc, rồi đưa bàn tay lên khẽ xoa đầu thằng bé. – À… á à ơi…

Hắn chỉ ngân lên được có vậy thì nghẹn lại. Câu hát ru khắc lõm trong tâm tưởng dù lâu lắm rồi chưa được nghe ai hát lại… Nhưng sao hắn lại không thể cất lời đúng lúc này? 

Thằng bé thần người ra chờ đợi. Cặp môi run run. Rồi bật khóc. Tiếng khóc tức tưởi bị ém tận trong cổ họng. Nó xoè bàn tay nóng hầm hập ôm đầu hắn, sờ khắp bên má, vuốt xuống cằm và lùa vào mớ tóc dày cợp, rối bung. Người nó run quằn lên trong tiếng khóc bị kìm nén. Những giọt nước mắt nóng hổi tưới đẫm má hắn.

- Đừng khóc! - Hắn khẽ vỗ về và chỉ biết nói đúng vậy.

Thằng bé vẫn thổn thức, người giật lên theo từng tiếng nấc cụt.

- Không… có bố… các… bạn… ở… lớp… cứ… bắt… nạt…

Hắn nắm tay thằng bé, bóp nhẹ và đưa lên môi lướt nhẹ:

- Ngày mai bố sẽ đi cùng con đến trường.

Thằng bé rúc sâu hơn vào cổ hắn, tiếp tục thổn thức:

- Chú… Daniel… buổi… tối… cứ… đánh… bắt… con… phải… đi… ngủ… sớm… Chú… vào phòng… với mẹ… Mẹ… không yêu… con…!

Một thoáng im lặng ngột ngạt. Hắn và thiếu phụ nhìn nhau bối rối.

Thiếu phụ gượng gạo lên tiếng:

- Anh ngồi đây với cháu, để tôi vào bếp bắc nồi xúp.

Rồi cô ta vội vã đi ra. Thằng bé vẫn nước mắt lưng tròng, cuộn tròn trong lòng hắn như một cục bông mềm mại, ấm áp. Hắn vụng về xiết chặt lấy nó. Bỗng thằng bé vùng vằng, gạt tay hắn ra, ngước mắt nhìn trách móc.

- Không phải thế. Bố quên mất rồi!

Rồi nó tự động nằm vắt ngang qua đùi, đầu gối lên cánh tay phải, cầm cánh tay trái của hắn đặt lên trán nó:

- Bố "ru à ơi" đi!

Bàn tay trái của hắn ngoan ngoãn theo sự chỉ dẫn của thằng bé. Hắn xoa lên mái tóc mềm như tơ của nó và bỗng nhớ câu thơ của một người bạn ngâm nga lúc cả bọn say ngất ngư trong cái đêm mừng hắn vừa ra tù. Hắn khẽ khẽ hát:

- À ơi! Con cò con vạc con nông…Còn bao con nữa sao không thấy về..." (3)

Đôi mắt đỏ ngầu vì sốt đang nhắm nghiền chợt mở to, nhìn hắn. Vẻ phân vân, nghi ngờ. Cái đầu nhỏ ngóc lên rồi lại quật xuống ngay, từ từ thiếp đi… Hắn vẫn ngâm nga mấy câu thơ mà kí ức còn lưu giữ được.

Thoảng từ bếp vào mùi xúp khoai tây nấu với thịt bò pha lẫn mùi lá nguyệt quế khô thơm hăng hắc. Thiếu phụ ló đầu vào, thầm thì:

 - Xong rồi, chúng ta ăn thôi!

Hắn khẽ khàng đặt thằng bé xuống giường rồi đi ra bếp.

Trên bàn ăn, hai đĩa xúp bốc khói nghi ngút, bên cạnh là một chai vang đỏ.

- Chúc sức khoẻ! Tên tôi là Marta!

- Chúc sức khoẻ! Còn tôi là Vinh!

Họ cụng li và uống cạn. Hắn khẽ nhăn mặt vì vị chua loét của thứ vang rẻ tiền và cắm đầu, nghiến ngấu ăn. Marta nhìn vẻ háu đói của hắn, cười mơ hồ. Sau tuần rượu vang thứ ba, Marta nhìn hắn:

- Anh không định hỏi gì tôi sao?

Hắn mỉm cười, lắc đầu:

- Không, vì tôi biết cô sẽ tự kể.

Vừa nói, hắn vừa nheo mắt nhìn Marta. Tuy chẳng phải là tay sành sỏi tâm lí phụ nữ, nhưng hắn biết, trong căn phòng nhỏ lặng lẽ, bên chai rượu đã cạn gần nửa, ngoài trời tuyết lại đang phủ phê dăng mắc cái lạnh tê tái, người ta bỗng cần được chia sẻ… Mấy thằng đực rựa cứng vía như hắn cũng thấy mềm lòng chứ nói gì một thiếu phụ trẻ góa chồng đang chứa chất mọi nỗi niềm…

Marta lại với li vang, làm một hơi. Mắt long lanh vì men rượu trên khuôn mặt ửng hồng, cô châm điếu thuốc rồi khẽ khàng:

- Chắc anh cũng đoán ra, bé Tomek không phải là con đẻ của tôi. Tôi làm vợ Việt khi mới 18 tuổi. Tôi không ân hận vì đã lấy anh ấy, dù khi đó tôi bị cha mẹ và tất cả anh chị em từ mặt, vì họ không ủng hộ cuộc hôn nhân dị chủng này. Sau ba năm sống với nhau vẫn không có con, chúng tôi đi khám. Bác sĩ nói Việt vô sinh. Anh ấy rất buồn và bị trầm cảm một thời gian dài. Việt muốn giải phóng cho tôi, nhưng tôi không chịu vì yêu anh ấy. 


Sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi quyết định về Việt Nam xin con nuôi. Trong số trẻ xanh xao vàng vọt ở trại tế bần, chúng tôi chọn một bé trai, chính là Tuấn. Bé Tuấn bị mẹ bỏ rơi ngay tại bệnh viện và được đưa vào trại. Lúc đó cháu mới được hai tuổi. Sau gần nửa năm trời lo chạy các thủ tục nhiêu khê, phiền hà, chúng tôi cũng đón cháu sang được bên này. Vì tên Việt Nam là Tuấn, nên khi làm thủ tục nhập quốc tịch Ba Lan cho cháu, chúng tôi đổi thành Tomek. 

Từ ngày có Tomek, Việt rất vui và hạnh phúc. Anh chăm bẵm, nâng niu Tomek như con đẻ. Thằng bé yêu bố lắm. Nhưng vì lo việc làm ăn, nên hàng ngày chúng tôi phải gửi cháu ở nhà bà bảo mẫu từ sáng sớm đến tối mịt. Về đến nhà là Việt giành hết phần chăm sóc con. Anh chỉ buồn là thằng bé suốt ngày ở với người Ba Lan nên bao nhiêu công sức bỏ ra để dạy nó nói tiếng Việt nhưng vẫn không thành. Cho đến năm bốn tuổi, Tomek chỉ biết gọi "bố ơi" và bập bẹ câu "bố ru à ơi đi" bằng tiếng Việt mỗi khi nằm cuộn tròn trong lòng để được nghe bố hát ru hàng đêm. Bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “à…ơi”…

Marta cố bắt chước giai địêu mà Việt đã hát ru Tomek nghe ngồ ngộ. Rồi cô ta nhấp thêm ngụm rượu, mắt khép lại như đang tự lắng nghe tiếng ngân còn đang vọng trong lòng mình...

- ... Cuộc sống của chúng tôi chả sung túc gì nhưng vẫn thấy đầy đủ, trọn vẹn… Chúng tôi có nhau, đủ cả ba người thành một gia đình, có bạn bè, cả những người Việt ở quanh đây… Có hội hè, tụ tập để Việt nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương. Tomek có bạn bè giống như nó để nô đùa… Cuộc sống của chúng tôi cứ êm đềm trôi đi mà chả mong ước gì hơn thế… Cho đến một đêm, Việt từ biệt hai mẹ con tôi lên Vác sa va lấy hàng về bán…

Marta nghẹn lời, nước mắt tràn xuống má. Cô cố giữ không bật thành tiếng. Hắn rót cho cô thêm một ly vang nữa. Marta ngửa cổ uống cạn. Rồi lại ngồi im phắc. Hắn đợi một lát rồi rụt rè hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra vậy?

Marta lấy tờ giấy ăn trên bàn thấm đôi mắt ướt nhượt:

- Chính tôi cũng không biết. Sáng hôm sau, xe cảnh sát chở tôi tới một cánh rừng gần đường quốc lộ nhận xác chồng. Việt bị giết ngang đường, bao nhiêu tiền nong bị cướp sạch.

Hắn ngậm ngùi:

- Tôi cũng có được nghe qua về vụ này hồi… (Suýt nữa thì hắn bật ra ba chữ “hồi ở tù”)… - Không ngờ, người đó lại là chồng cô... Thế cảnh sát có tìm ra thủ phạm không?

Marta buồn bã lắc đầu, khẽ chua chát:

- Chưa, hơn hai năm trôi qua rồi. Có lẽ họ cũng chẳng thèm tìm nữa. Anh biết đấy, thân phận của người dân nhập cư ở đất này như chiếc lá rụng vào cuối thu ấy mà.

Hắn nhói lòng nhưng miệng lại chợt mỉm cười. Marta nhìn nụ cười của hắn và khẽ cúi thấp đầu xống.

- Những ngày đầu khi Việt mất, Tomek chẳng chịu ăn, cứ khóc ngằn ngặt gọi "bố ơi!" và hỏi bố bao giờ bố về? Tôi biết nói sao với thằng bé hả anh?... Con khóc, mẹ cũng khóc theo… Khổ nhất là ban đêm, nó cứ bắt tôi "ru à ơi". Mà tôi đâu có biết ru bài hát Việt nào? Nó khóc lả đi tới khi kiệt sức. Trong giấc ngủ, thỉnh thoảng lại thổn thức gọi "bố ơi!"… 

 
Kể từ đó, thằng bé thường ngồi lặng hàng giờ bên khung cửa sổ, nhìn xuống đường, nơi ngày xưa Việt hay đỗ xe mỗi lần đi xa về. Nó lặng lẽ như một cái bóng. Ngay cả khi tôi hỏi và dỗ dành nó chỉ gật hay lắc đầu. Đến nỗi, những ngày đầu tới trường, các cô giáo tưởng nó câm. Giờ tan học, trong khi các bạn nô đùa ngoài sân, Tomek vẫn một mình thừ thẫn bên gốc sồi già, nhìn theo những đứa trẻ được bố đến đón… 

Đêm đến, nó ôm ảnh Việt vào lòng, thầm thì gọi: "Bố ơi! Bố ru à ơi đi!" cho tới khi thiếp đi. Mãi đến hôm nay, nó mới lại nói nhiều như vậy, vì ngỡ rằng…

- Tôi là Việt? - Hắn buột miệng và chợt thấy mắt mình cay cay.

- Vâng! – Marta khẽ gật đầu - Bởi anh và Việt có nhiều nét giống nhau tới mức chính tôi cũng ngạc nhiên từ cái nhìn đầu tiên.

Tới giờ, hắn đã hiểu vì sao lại cảm thấy khuôn mặt của người đàn ông ở tấm ảnh đầu giường Tomek trông rất quen.

- Thế bây giờ hai mẹ con sống ra sao?

Marta rít một hơi thuốc, lắc đầu buồn bã:

- Chật vật và mệt mỏi. Tôi không nhận được sự trợ giúp nào của gia đình mình, vì mọi người đã quay lưng lại ngay từ khi tôi lấy Việt.

- Thế còn những người bạn của Việt? Những người vẫn thường tụ tập với gia đình chị khi Việt còn sống? -Hình như hắn chợt cao giọng và gay gắt.

Marta cười mệt mỏi:

- Họ có giúp hai mẹ con tôi. Nhưng chỉ sau khi Việt mất được vài tháng, họ đã phải bỏ đi chỗ khác sinh sống. Vì đây là thị trấn sát biên giới Đức, các nhóm đưa người hay tập kết làm chỗ vượt biên nên cảnh sát và lính biên phòng truy lùng gắt gao lắm. Mà họ lại không có giấy tờ cư trú hợp lệ.

- Tôi hiểu! - Hắn cay đắng nghĩ đến cảnh nháo nhào, tán loạn như ong vỡ tổ của những người đồng bào chạy trốn các đợt bố ráp của cảnh sát hay đám lính biên phòng.

Marta nhìn hắn dò hỏi:

- Còn anh có giấy tờ đấy chứ?

- Có! - Hắn đáp, theo thói quen, khẽ đưa tay sờ vào túi, nơi có quyết định tha trước thời hạn của Viện kiểm sát tỉnh N. và lệnh cấm không được ra khỏi biên giới Ba Lan trong thời hạn sáu tháng để thử thách. Cái lệnh này chính là lá bùa cứu cánh của hắn trước các nhà chức trách, vì họ không thể trục xuất một kẻ bị cấm xuất cảnh.

 - Anh có vợ chưa? – Marta nheo mắt.

- Chưa!

- Thế con cái? - Lại một cái nheo mắt kèm theo nụ cười trêu trọc.

- Điều này thì chính tôi cũng không biết!

Hắn đáp một cách hết sức thành thật rồi nhìn Marta. Cả hai cùng tủm tỉm cười. Nụ cười đầu tiên từ khi hắn có mặt trong căn hộ cũ kĩ này.

Chợt có tiếng kẹt cửa. Cả hai cùng quay lại. Tomek đứng thập thò ở cửa bếp nhìn họ.

- Kìa, con ngủ đi chứ! Đang ốm kia mà? – Marta nói với thằng bé.

Thằng bé vẫn im lặng, trân trân nhìn hai người.

- Con đói à? Mẹ múc xúp cho con nhé?

Vẫn im lặng, chỉ cái đầu khẽ gật gật. Thằng bé tiến vào bàn, kéo ghế ngồi bên cạnh hắn. Marta để đĩa xúp trước mặt Tomek.

Thằng nhỏ thần người nhìn đĩa xúp, rồi lại ngẩng nhìn hắn như chờ đợi. Không thấy hắn phản ứng gì, nó lẳng lặng đứng dậy mở cửa nhà vệ sinh, mắt ngấn nước.

Marta thì thào:

- Nó muốn anh xúc cho, như ngày trước Việt vẫn làm.

Hắn gật đầu, chợt hiểu và đứng dậy. Đứng nép trong góc toilet, thằng bé gục đầu khóc không thành tiếng. Người nó run bần bật, mắt đỏ hoe, môi sưng vều, trên tay cầm chiếc khăn bông dày cộp. Hắn tiến tới, cúi xuống ôm lấy nó:

- Đừng khóc nữa! Quay lại bàn ăn đi, bố sẽ xúc cho con!

Chính hắn cũng ngạc nhiên về những điều vừa nói. Dường như có cái gì lạ lắm, vô cùng ấm áp đang từ góc tối thẳm sâu lan toả khắp cơ thể. Cả người hắn chùng xuống. Đôi cánh tay lực lưỡng mềm mại quấn quanh người thằng bé nhấc bổng nó ra khỏi toilet như nâng một bông hoa tuyết mong manh. 


Hắn lấy thìa bón súp cho Tomek. Thằng bé cố há to mồm nhai trệu trạo những lát bắp cải đã được ninh nhừ. Hắn bẻ mẩu bánh mì đen cho vào mồm nó. Tomek gạt tay, bặm môi, lắc đầu. Đôi mắt nó ngước lên, ngỡ ngàng. Marta đứng cạnh lặng lẽ, căng thẳng theo dõi hai người và đợi lúc thằng bé cúi mặt chờ đợi bèn cuống quít ra hiệu phải xé bánh mì thành những mẩu nhỏ cho vào đĩa xúp. Hắn vụng về làm theo. 

Thấy những mẩu bánh mì vụn lềnh bềnh trong đĩa xúp, thằng bé ngẩng lên nhìn hắn vẻ hài lòng. Nó gắng sức, nhẫn nại ăn bằng hết.

Đêm ấy, khi ôm thằng bé ở trong phòng ngủ, nó cứ chăm chăm nhìn bức ảnh, rồi lại phủ ánh mắt ấy lên gương mặt hắn vẻ phân vân, đắn đo… Nhớ lại lời kể của Marta, hắn tháo bức ảnh Việt đang treo trên tường đưa cho Tomek để nó ôm trong giấc ngủ. Thằng bé nhìn hắn hồi lâu, vẫn cái vẻ phân vân, đắn đo… Rồi đặt bức ảnh lên bàn, ngần ngừ nó vòng tay ôm chặt lưng, đầu đổ gục vào bộ ngực vạm vỡ, khiến những sợi tóc mềm mại thoang thoảng như hơi thở phà vào cái cằm đầy râu của hắn. Hắn đỡ thân thể bé xíu, mềm như một nhúm bông đang cuộn tròn trong lòng hắn và khẽ khàng nằm xuống.

Hắn chạnh lòng nghĩ đến phần đời đã qua của mình. Trước khi sa cơ lỡ vận, hắn đã có những người đàn bà. Họ chiếm đoạt hắn, hay hắn chiếm đoạt họ trong bao đêm cô đơn buồn tủi? 


Cũng vậy cả thôi! Cũng chỉ là những cuộc tình tạm bợ như kiếp sống lang thang được chăng hay chớ, bèo dạt mây trôi. Hắn chẳng nhớ được mấy khuôn mặt của họ, vì đa phần các cuộc tình ấy luôn tắm trong rượu và những nỗi chán chường. Cả tên tuổi, màu da, mái tóc, dáng vẻ… 

Có chăng một chút gì đó trong ánh mắt còn lưu lại khi hắn chạm mặt họ vào giây phút ít tính người nhất. Nếu có cơ sự nào đó gặp lại lần thứ hai chắc gì đã nhận ra nhau? 

Hắn đã yêu ai chưa nhỉ? Hình như chưa. 

Những cuộc tình chớp nhoáng, hối hả chợt đến, chợt đi trên mọi nẻo đường nơi hắn đặt chân. Cũng có lúc, hắn thèm lắm một mái ấm gia đình, nơi có người đàn bà gọi là vợ và những đứa con do nàng đẻ ra. Nhưng chỉ ở tù một thời gian, hắn chả thiết tha gì cái mái ấm ấy nữa, mà chỉ muốn có một hai đứa con của mình và đếch cần quan tâm đến việc người đẻ ra chúng là một con điếm hay nữ hoàng… 
Bốn năm ngồi bóc lịch, hắn đã nhiều lần chứng kiến các cuộc thăm nuôi mà tụi bạn tù được hưởng. Năm thằng cùng phòng với hắn đều đã có gia đình. Nhưng đứa hạnh phúc nhất cũng chỉ được vợ đi thăm nuôi hết năm thứ hai là vác mông chạy theo thằng khác. Để rồi sau đó họ chìm đắm trong nỗi đau của kẻ thất bại bị bỏ rơi, quên lãng. Nó còn kinh khủng hơn nỗi cô đơn của hắn… 

Những lúc ấy, hắn thấy mình còn may chán, bởi cuộc sống tù đày như một con tàu chậm rì rì nhưng lại cần mẫn chạy một mạch mà không tốn thời gian dừng lại ở các ga xép dọc đường... 

À không, nói chính xác, hắn cũng được thăm nuôi một lần bởi một cô gái điếm mà hắn từng là khách ruột. Hắn quen nàng tình cờ trong một “tổ quỉ” ở trung tâm thành phố và thấy thích thú ngay với vẻ chân quê của cô thôn nữ miền hạ lưu sông Đông lưu lạc sang đất này. Nàng chân chất, giản dị, hay nói theo ngôn ngữ của đám quen xài “vợ một đêm” như bọn hắn, là “còn chưa biết vẽ mặt”. 

Nếu phần lớn các cô gái bán hoa đều luôn giữ gìn “ốc đảo” của mình thật nhẵn nhụi, bảnh bao để phòng tránh bệnh tật, thậm chí còn chăm chỉ hơn cả đám đàn ông hàng sáng đứng cạo râu trước gương, thì nàng giống như cánh rừng hoang vu với tất cả những dấu tích nguyên thủy mà thiên nhiên trù phú ban tặng. Đám cỏ miền thảo nguyên mềm mại sau cơn mưa lan tỏa từ miền đồng bằng, lên bình nguyên, xuống thung lũng như níu kéo, như chỉ dẫn cho con chiên tội nghiệp đường đến thiên đàng. 

Đối với những hiệp sĩ mệt mỏi lang thang, đơn thương độc mã một mình một ngựa suốt ngày phải đánh nhau với cối xay gió ở những vùng bình địa, thì cánh đồng lúa mì vàng rực ấy luôn là nỗi khát khao. Chẳng hiểu có phải cũng cám cảnh thân phận cá nước chim trời của kiếp trai tứ chiếng, gái giang hồ hay vì cách đối xử hào hiệp đầy vẻ Đông Ki Sốt của gã khách chơi, mà nàng dành cho hắn một sự ưu ái thật đặc biệt. 

Mỗi lần hắn đến, dù là với vẻ phởn phơ thèm muốn của một con đực đang đói khát, hay với nét mệt mỏi, chán chường của con la già kiệt sức; bao giờ nàng cũng đằm thắm hôn rất lâu vào môi hắn theo cái lối mà chỉ những nữ thần trên đỉnh Ôlimpơ dành cho người tình trong mộng. Những lúc ấy, dường như cả hắn và nàng đều quên đi thân phận lưu lạc của mình, quên đi số kiếp hẩm hiu như mang theo từ tiền kiếp… 

Chỉ còn lại đôi tình nhân đắm đuối chợt nhận ra kẻ kia là món quà quí báu duy nhất trên đời dành cho họ. Có nhiều lần “đi qua đêm”, sau những thời khắc mê mải ân ái, hắn ngủ thiếp đi, nhưng vẫn lờ mờ cảm nhận được mình đang gối đầu vào lòng nàng. Nàng ngồi lặng lẽ vuốt tóc, vuốt mặt hắn, ngắm nhìn cái dáng ngủ còng queo nhăn nhó vừa qua một trận ẩu đả tranh giành trong cuộc mưu sinh. 

Có lần hắn đã bắt gặp những giọt nước mắt âm ấm, mằn mặn rơi ra từ đôi mắt màu hạt dẻ… Nàng khóc cho hắn hay cho chính thân phận bèo bọt của mình? Đến lúc bị bắt, đôi khi hắn vẫn thoảng nghĩ đến nàng như nghĩ về chân trời tự do đang vẫy gọi… 
Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi...

... Ai ngờ, vào một buổi chiều thu sau nửa năm ngồi ngắm trời xanh qua khung cửa sổ tò vò, người ta gọi hắn lên gặp thân nhân. Lầm lũi đi theo viên quản giáo qua bốn lần cửa sắt, năm dãy hành lang dài hun hút, hắn băn khoăn tự hỏi cái người cất công đến tận nơi heo hút này với hắn là ai? 


Đến lúc thấy nàng ngồi sau tấm kính, hắn ngỡ ngàng choáng váng như đang trong bóng tối bất đồ bước ra ánh nắng… 

Đúng là nàng! 

Đôi mắt màu hạt dẻ buông trùm cái nhìn buồn bã rưng rưng lên hắn. 

Hắn ngồi lặng đi, trân trân nhìn nàng và cố hiểu điều gì đang xảy ra? 

Sau giây phút choáng ngợp, cả người hắn bừng bừng thèm khát được nhoài người qua tấm kính cách li xiết chặt lấy tấm thân rừng rực mà hắn đã quá quen thuộc ngấu nghiến cho xương cốt nàng kêu răng rắc như con trăn núc mồi, và sau đó lại được gục đầu vào lòng nàng như những phút giây hiếm hoi nào đó mãi mãi lùi xa vào quá khứ. 

Đến khi lờ mờ hiểu ra rằng nàng tìm đến để từ biệt, vì có một gã khách làng chơi người Đức đem lòng yêu và đón nàng sang bên đó thì giờ thăm nuôi đã hết. Hắn cuống cuồng, vội vã, chỉ kịp lào khào nói với nàng những lời không đầu không cuối, rằng nàng hãy bảo trọng, rằng hắn còn một khoảng thời gian ngồi tù dài dằng dặc, nếu thấy cuộc sống bên đó không ổn thì hãy quay lại tìm hắn sau ba năm rưỡi nữa… 

Nàng nhìn hắn, lặng lẽ gật đầu, từ đôi mắt u buồn những giọt nước mắt ứa ra. Đôi môi mọng ướt mấp máy câu “vĩnh biệt”. Năm ngón tay gầy guộc trắng muốt huơ huơ sau tấm kính. Viên quản giáo phải giục đến lần thứ hai, hắn mới lê nổi bước chân. Vừa cố tình dùng dằng kéo dài thời gian trước khi rúc đầu vào khung cửa sắt nặng trịch, hắn vừa ngoái đầu nhìn lại bóng dáng mảnh mai của nàng đang đi qua khoảng sân rợp lá vàng. 

Bỗng một cơn gió thốc đến, cuốn những chiếc lá vàng cuối thu xơ xác vướng vít quanh đôi chân nàng đang bước đi liêu xiêu, ngập ngừng… Hắn chợt sợ nàng vấp ngã trong cơn gió nhẹ ấy. Rồi lại chợt nao lòng nhớ về thành phố tuổi thơ bây giờ cũng đang tiết heo may…
Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi...

Tomek khe khẽ cựa mình, hoảng hốt ngồi nhỏm dậy, mắt vẫn nhắm nghiền, đưa tay quờ quạng… Bàn tay bé xíu lứơt nhẹ trên gương mặt hắn. Rồi nó yên tâm đổ gục xuống, hơi thở nhẹ dần, nhẹ dần… Khẽ nâng đầu thằng bé gối lên bắp tay, hắn áp mặt vào mái tóc ngầy ngậy mùi sữa và vỗ nhè nhẹ vào mông nó. Sao bỗng dưng hắn thấy mình yếu đuối thế này? 


Cứ muốn được nằm mãi như vậy, bên thằng bé, ôm ấp nó, hít hà mùi da thịt con trẻ, mọi nỗi niềm đau đớn tan chảy… Bỗng dưng thấy mắt cay cay. Chả muốn khóc và chả có lý do gì để khóc nhưng nước mắt cứ chờ chực bờ mi. Cả người nhũn ra, không còn bất cứ sự chống chọi nào, cố gắng nào. Muốn buông bỏ tất cả. Mặc xác cuộc mưu sinh bất tận. Mặc kệ cuộc đời chó má. Hắn muốn vứt hết, vứt hết để đổi lại giây phút này. Lạ quá, chưa bao giờ hắn thấy bình yên đến thế.

Ngoài trời gió vẫn điên cuồng gào thét, tuyết vẫn tả tơi bay. Thằng bé lại mơ ngủ, bàn tay vẫn quờ quạng tìm kiếm trên gương mặt hắn. Nâng nhẹ mấy ngón tay bé xíu âm ấm se sẽ cà lên mặt, hắn bất chợt mỉm cười. Những ngón tay nhỏ duỗi dần, duỗi dần, vô lực… Hắn khẽ ngậm từng đầu ngón tay trong miệng, lẩn mẩn như đang thực thi một nghi lễ không biết chán. Mặc kệ ngày mai. Mặc kệ tương lai. Mặc kệ hết…

Chợt có tiếng kẹt cửa rất khẽ. Marta!

Cô ta rón rén đi vào trong phòng, tiến tới chiếc giường, nơi hắn đang ôm Tomek nằm thao thiết, khẽ ngồi xuống thành giường, đưa tay sửa chiếc chăn và xoa đầu Tomek. Bàn tay run run vuốt dọc theo má Tomek và khẽ chạm phải cánh tay hắn. Bàn tay dừng lại. Ngập ngừng… Hắn nằm im thin thít trong bóng tối lờ mờ, cố nén một tiếng thở dốc. Ít giây sau, bàn tay ấy khẽ khàng lần theo cánh tay vạm vỡ tiến lên cổ, lên mặt hắn. Những ngón tay lùa vào mái tóc, lan xuống mặt và mơn man bờ môi kèm theo tiếng thở dài nghèn nghẹt. Hơi thở bị kìm nén nóng hổi phả vào mặt hắn. 


Cái mũi vốn bình thường luôn khụt khịt, thậm chí để thở cũng không xong, lúc này trở nên thính nhạy đến lạ lùng. Một mùi ngai ngái, ngầy ngậy, đặc trưng của giống cái lúc động dục như lan tỏa, thấm đẫm từng tế bào đang căng cứng trong thân thể hắn. Bàn tay đang ở phần ngực, xuống dần phần rốn. Hắn khẽ hóp bụng. Bàn tay chui sâu, khựng lại. Những ngón tay run run vuốt lên, vuốt xuống. Người hắn nhũn ra, đầu óc mụ mị, đờ đẫn. Hắn vờ trở mình, đặt tay lên đùi nàng. 

Lập tức, có một bàn tay khác khẽ nắm lấy nó lôi đến miền ẩm ướt rậm rạp. Những ngón tay hắn trơn tuột, xõng xoài. Hắn đưa tay còn lại vít lên cần cổ mong manh đang cong xuống. Như chỉ chờ có thế, tấm thân mềm nhũn, nóng hổi phủ phục lên người hắn. Trong một sự cố gắng ghê gớm, hắn khẽ khàng tuột xuống giường nhẹ nhàng như một con mèo để khỏi kinh động giấc ngủ của thằng bé và bồng lấy tấm thân mềm oặt nóng rực của thiếu phụ đi sang phòng khác…

- Sao bây giờ anh mới xuất hiện hả Vinh?

Nhấm nháp những giọt mồ hôi đang túa ra ướt đẫm ngực hắn, Marta vừa hỏi, vừa ngước nhìn bằng ánh mắt âu yếm, nuối tiếc và đầy trách móc. Lúc này nàng đã gọi đúng tên hắn, chứ không phải là “Việt” như ít phút trước đó mà nàng đã gào khản cổ trong những cơn khoái cảm liên tiếp.

Hắn nhìn nàng trìu mến, pha lẫn chút mệt mỏi nhưng đầy sảng khoái, thốt nhiên bật ra một câu như từ trong vô thức:

- Cho anh thay thế chỗ của Việt, được không em?

Một cái lắc đầu đầy tuyệt vọng, đôi mắt nàng nhắm nghiền:

- Muộn quá rồi Vinh ạ! Anh chỉ có thể là Việt đối với Tomek thôi!

- Tại sao? - Hắn nhíu mày.

Marta như chực khóc, nàng giơ ngón tay áp út:

- Bởi em đã đính hôn với người khác mất rồi…

- Daniel phải không? - Hắn chợt nhớ đến lời mách của Tomek và khoảng lặng ngượng ngùng giữa hai người lúc ngồi ngoài bếp.

- Vâng! – Nàng khẽ gật đầu xác nhận.

- Bỏ hắn đi. Chẳng lẽ cái nhẫn này lại có thể trói chân em được sao? - Hắn chợt ngừng lời và thấy mình vô lí kinh khủng khi xui một người đàn bà bỏ chồng chưa cưới như xui một đứa trẻ con vứt đi chiếc kẹo đang mút dở.

- Không, muộn mất rồi! – Đôi môi nàng lại run lên – Em đã có thai với Daniel.

Nàng òa khóc.

Hắn lặng đi.

- Lẽ ra chúng em đã sang Ý, bố mẹ Daniel định cư bên đó, nhưng vì vướng bé Tomek nên chưa đi được… - Nàng ngước mắt nhìn hắn, đầy đau khổ rồi ngập ngừng: - Cả Daniel và gia đình anh ấy, không ai muốn có thằng bé… Vì Tomek không phải… là một đứa trẻ da trắng.

Nàng nói những từ cuối một cách chật vật, khó khăn rồi thở hắt ra.

Hắn choáng váng cau mặt, nghiến răng, bàn tay nắm chặt lại. Run run. Nhìn vẻ hung dữ của hắn, Marta tái mặt lắp bắp:

- Không… không… Vinh, em xin lỗi. Em không có ý định xúc phạm anh…

Hắn cười gằn:

- Hừ, không sao. Mười lăm năm nay, tôi đã quá quen rồi với những lời miệt thị ấy mà.

Marta nhẫn nhục cúi đầu.

Hắn hỏi tiếp:

- Thế hóa ra vì thằng bé mà các người chưa đi Ý được à? Các người định làm gì với nó đây?

Marta lắc đầu:

- Chính em cũng chưa biết. Daniel bảo nên cho Tomek vào trại trẻ mồ côi. Anh ấy đã sắp đặt xong việc này…

-T hế thằng bé đã biết là nó sẽ phải nhập trại chưa? - Hắn gần như quát lên. – Sao các người lại nỡ làm thế?

- Chưa, em chưa biết phải nói với cháu thế nào? - Marta bất khóc thút thít – Em có muốn thế đâu? Nhưng anh biết đấy, em là đàn bà…

Hắn nghiến răng, gằn giọng:

- Không được! Các người không được cho thằng bé vào đó!

Hắn hốt hoảng thật sự, vì chợt nhớ tới thằng bạn tù cùng phòng, là trẻ đường phố bị thu gom vào trại trẻ mồ côi. Số phận những kẻ như nó, thằng bạn tù bảo, hoặc là cầm súng sẵn sàng nhả đạn theo lệnh thượng cấp bất kể cái đích nhằm đến là ai, hoặc là cuộc đời trôi dạt ở những nơi tăm tối không ai buồn đặt chân tới. Chính cái thằng bạn tù ấy trước khi “nhập kho” đã từng lăn lộn, ngập ngụa trong những cuộc chiến đẫm máu vô nghĩa ở xứ Macedonia gần hai năm trời... 


Vậy mà giờ đây, người ta định cho Tomek vào trong đó. Hắn không ngăn được sự tức giận bỗng chợt bùng lên như đám cháy. Hắn hất mái đầu có lọn tóc nâu mềm mại ra khỏi cánh tay một cách thô bạo, rít lên:

- Tại sao các người lại đón nó sang đây nếu không đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm về nó? Chẳng thà cứ để nó yên ổn với cái trại tế bần tại xứ sở của nó có phải hơn không? Đằng nào thì cũng là một cuộc sống khốn nạn, nhưng ít ra ở nơi ấy, nó không phải là con quạ đen giữa đàn quạ trắng. Và đất nước các người cũng chẳng hề hấn gì nếu thiếu mất một tay súng, một cái máy giết người có nguồn gốc da vàng đâu, hiểu không?

Hắn bật dậy, gầm gừ đi lại quanh căn phòng như một con hổ. Con hổ ấy đang khỏa thân và không còn ý thức đang ở đâu, được phép làm gì, nói gì?

Marta rền rĩ:

- Vâng, em hiểu. Nhưng em đâu có muốn để sự thể xảy ra như vậy. Em đã kể hết với anh rồi cơ mà?

Một quyết định vụt đến nhanh như tia chớp. Hắn nhìn người đàn bà đang ủ rũ thu vai ngồi trên giường nệm tan hoang, tanh bành.

- Được, tôi sẽ nhận Tomek làm con nuôi để giải phóng cho cô. Ngay ngày mai, chúng ta sẽ ra văn phòng luật sư hỏi thủ tục. Đằng nào thì cho tới giờ phút này, tôi vẫn một thân một mình hệt như thằng bé và nó lại cùng chủng tộc với tôi. Tốt cả cho tôi và cả cho nó… Tôi chưa bao giờ làm cha, nhưng nếu Tomek trở thành con tôi, thì cô hãy tin tôi sẽ là một thằng bố có trách nhiệm nhất. Cô cứ yên tâm mà chuẩn bị cho chuyến di cư của mình.

Người đàn bà ngồi ngẩn trên giường, nhìn hắn đang đứng giữa phòng, trần truồng, cơ bắp đang gồng lên trong cơn tức giận như bức tượng thần Hercules:

- Anh… anh nói thật đấy chứ?

- Tôi không có ý định kể chuyện tiếu lâm cho cô nghe đâu! - Bức tượng lạnh lùng trả lời.

Người đàn bà bước xuống đất, đến trước mặt hắn và quì xuống. Nàng ngước nhìn hắn bằng ánh mắt van vỉ.

- Em mang ơn anh, Vinh! Xin hãy cứu giúp hai mẹ con em! Hãy chăm sóc Tomek, vì quả thật, em không thể làm khác được.

Rồi bất ngờ, nàng bò đến bên hắn, úp mặt vào giữa hai đùi. Hơi thở ấm nóng, vành môi mềm mại, hối hả hôn lên đó một cách thành kính và đầy vẻ biết ơn. Hắn thô bạo đẩy đầu nàng ra.

- Cô định trả công cho tôi bằng cách này đấy à?

Marta đau khổ van vỉ:

- Không, đừng hiểu nhầm. Lẽ nào anh lại không thấy là em thèm khát anh thật sao! Chưa bao giờ em được hưởng cảm giác ấy với những người đàn ông khác. Vinh! Hãy yêu em đi!

Hắn nhìn chằm chằm vào mắt nàng, đôi mắt ấy đang dại đi nhưng vẫn lấp lánh một ngọn lửa. Hắn hiểu là nàng thành thật…

Buổi sáng, còn đương lơ mơ với giấc ngủ vùi muộn mằn, chợt hắn cảm thấy có một bàn tay sờ vào má, vào vai, khẽ lay lay.

Tomek đang nhìn hắn bằng đôi mắt trong veo, hun hút buồn. Rồi nó luồn tay qua gáy kéo hắn ngồi dậy, lặng lẽ ấn vào chân hắn đôi kapcia . Hắn đưa mắt nhìn và chợt hiểu đây là đôi dép của Việt. Hơi chật, nhưng để chiều thằng bé, hắn vẫn cố ních chân vào. Tomek nắm tay hắn kéo ra ngoài, không thốt một lời.

Marta đang pha trà, chuẩn bị bữa ăn sáng ngoài bếp. Nàng kể là sáng nay dậy trước, Tomek vạch áo và ngạc nhiên khi thấy vết đánh gió trên ngực. Được Marta giải thích, Tomek nhớ lại mọi chuyện xảy ra tối qua. Nó vội chạy đi tìm đôi kapcia (4) của Việt rồi hí húi mang bàn chải ra cọ sạch những vết mốc.

Sau bữa sáng Tomek đồng ý đến lớp học với lời bảo đảm là sẽ được hắn đưa đón như lũ trẻ khác. Từ bãi để xe, hắn dắt tay Tomek đi vào cổng trường. Thằng bé lầm lũi đi bên cạnh, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn hắn. Khi hắn âu yếm nhìn lại, nó vội quay phắt đi. Marta lững thững đằng sau.

Một đám trẻ đang vốc tuyết thành những nắm to tướng ném vào người nhau. Thấy Tomek đi bên hắn, một đứa hét tướng lên:

- Ê, thằng con hoang! Mày đi với ai đấy?

Tomek ngước lên nhìn rồi bất ngờ tuột khỏi tay hắn, chạy lại húc đầu vào người thằng bé kia. Tất cả còn đang sững sờ ngạc nhiên vì thái độ phản ứng của Tomek thì thằng bé đã thản nhiên quay lại, nắm tay hắn kéo đi. Hắn cảm thấy bàn tay của thằng bé siết chặt những ngón tay hắn.

Hai phụ nữ đang đứng tán gẫu trước cổng trường, một người nhìn Tomek, nháy mắt cười thân thiện:

- Chào Tomek! Hôm nay có khóc nhè đòi bỏ học không đấy?

Thằng bé lắc đầu, dõng dạc:

- Không, cháu sẽ không như thế nữa đâu pani (5) ạ! Đây là bố cháu! - Rồi ngước lên nói với hắn: - Pani này là cô giáo của con!

Hắn nghiêng mình, lịch sự cúi chào. Bà giáo khẽ đáp lễ rồi ngớ người ra nhìn Tomek, lẩm bẩm:

- Lạy Chúa lòng lành! Hi vọng là mọi chuyện đã ổn với thằng bé!

Lúc chia tay trước cửa lớp, hắn cúi xuống ôm chặt Tomek. Thằng bé nhìn hắn, thì thào:

- Chiều nay bố có đến đón con không? Bố sẽ không bỏ con đi nữa chứ?

Hắn nhìn vào đôi mắt trong veo của thằng bé, giọng khàn khàn như mắc nghẹn nơi cổ họng:

- Tất nhiên… Bố sẽ đến đón con!

Tomek buông tay hắn, lững thững sải những bước dài vào trong lớp. Hắn nhìn theo cho tới khi nó đã lẫn vào giữa đám bạn mới quay người đi ra xe. Marta đứng cách một đoạn dưới gốc cây sồi già đã rụng trơ hết lá, chỉ còn lại các cành tua tủa phủ đầy tuyết trắng, nhìn hắn và thằng nhỏ. Ánh mắt nàng xa xăm, trĩu nặng ưu tư...

* * *

- Rất tiếc phải nói với ông những lời này – Viên luật sư gõ nhẹ mấy ngón tay xuống mặt bàn như một thói quen khó bỏ - Nhưng rõ ràng là không ổn.

- Chẳng lẽ không còn cách nào hay sao? Đằng nào mà cháu chả phải sống trong trại tế bần - Hắn cầu khẩn.

- Không! Dù ai cũng biết cuộc sống trong trại tế bần không sung sướng gì, nhưng đó là một nơi được xã hội thừa nhận. Chắc chắn tòa sẽ không đồng ý cho ông nhận nuôi cháu bé, vì bản thân ông không có công ăn việc làm, nghĩa là không đảm bảo nguồn thu nhập để nuôi đứa nhỏ. Thêm một điều nữa… – Viên luật sư nhìn hắn vẻ ái ngại – Ông vừa ở tù ra. Điều này cũng sẽ làm cho quan tòa dễ dàng hơn để nói chữ “Không!”. Mặc dù tôi hiểu, đó chỉ là định kiến, một thứ định kiến chung của xã hội… Nhưng biết làm thế nào được?

- Tôi hiểu! - Hắn cay đắng thú nhận.

- Ông cũng nên thông cảm với các vị quan tòa, vì chẳng có gì bảo đảm khi hạn thử thách sáu tháng kết thúc, người ta sẽ cấp thị thực cư trú cho ông ở lại đất nước này. –Viên luật sư chán nản lắc đầu - Như vậy việc giao đứa trẻ, một công dân Ba Lan cho một người nước ngoài không có công ăn việc làm và không có tư cách pháp nhân là điều không thể xảy ra. Hi vọng ông hiểu những điều tôi muốn nói?

Lại một cái nhìn ái ngại.

- Vâng! - Hắn thở dài và chìa tay ra. – Xin cảm ơn luật sư!

- Rất tiếc là tôi không thể giúp gì được ông bà lần này–Viên luật sư khẽ bắt tay Marta và nắm tay hắn – Nhưng nếu ông sớm ổn định công ăn việc làm và xin được thị thực cư trú, thì tôi hứa sẽ giúp ông thủ tục nhận đón cháu từ trại trẻ tế bần về. Ông có gần năm tháng để xúc tiến việc này. Xin chào ông bà!

Hắn nặng nề đóng sập cánh cửa xe rồi nổ máy. Marta lặng lẽ ngồi bên cạnh.

- Bao giờ Daniel về? - Hắn hỏi, vẻ chán chường.

- Chắc tối nay! – Nàng đáp cũng với vẻ mệt mỏi.

- Vậy anh không ở đây được nữa rồi!

- Vâng, em cũng nghĩ như vậy! – Nàng khẽ gật đầu.

Chiếc xe vẫn lầm lũi lao đi.

- Thế này nhé… - Hắn nói khi đã tới chân khu chung cư - … bây giờ chúng ta chia tay. Anh ra trường gặp Tomek và nói chuyện với nó. Anh sẽ làm tất cả để có thể đón nó về nhanh nhất. Tạm thời sẽ cố gắng khoảng mươi ngày lại lên thăm nó một lần… nhưng có lẽ anh sẽ chỉ đến trường thôi. Còn em… - hắn nhìn vào mắt nàng: - Chúc thượng lộ bình an và hãy giữ gìn sức khỏe!

- Hãy ở lại với mẹ con em vài ngày nữa! Anh có thể thuê motel (6) ở tạm mà! – Marta tha thiết đề nghị, mắt rưng rưng.

- Không, anh phải về Vác thu xếp công việc. Bây giờ thì em đã rõ thân phận thật của anh rồi đấy. Mọi thứ đối với anh còn mờ mịt lắm. Thêm Tomek nữa, chắc chắn hai bố con anh sẽ rất chật vật. Nhưng không sao! - Hắn lặng đi giây lát, nắm chặt tay nàng - Người Việt bọn anh hay nói: “Có duyên thì còn gặp lại”. Chúng mình cũng vậy, hy vọng là chưa cạn duyên…

Marta khẽ siết chặt bàn tay hắn.

- Những gì mình đã có với nhau, xin em hãy giữ như một kỉ niệm! Hãy bảo trọng! Vĩnh biệt em!

- Vĩnh biệt anh!

Nàng thì thào rồi lặng lẽ khóc. Bất chợt, nàng nhoài người, ôm lấy hắn hôn như điên dại. Họ mềm ra trong vòng tay nhau. Sau cái hôn kiệt sức, nàng lập cập mở cửa xe, bước nhanh ra ngoài. Hắn ngoái đầu nhìn lại. Tuyết rơi đầy trời, Marta nước mắt lưng tròng, bàn tay tuyệt vọng vẫy chào, môi run run mấp máy, hình như là câu ” vĩnh biệt!” - hắn đoán thế. Dáng nàng nhỏ nhoi, xiêu vẹo dưới bầu trời đông xám xịt không chút sinh khí. 

Dường như có một nét gì đó giống nhau giữa hai người đàn bà đã đi qua cuộc đời hắn, một ở sân trại giam vào chiều cuối thu tơi tả lá vàng, một dưới cơn mưa tuyết lạnh giá trong ngày đông ảm đạm. Hắn chợt thấy mắt mình cay cay và đau đớn nhấn ga. Chiếc xe hộc lên…

***

- Con ăn đi! Rồi bố mua nữa cho đem về nhà. - Hắn đẩy gói khoai tây chiên ra trước mặt Tomek.

- Con không muốn ăn! - Thằng bé bải hoải lắc đầu.

- Ăn đi! Đừng buồn, bố sẽ thường xuyên lên đây thăm con mà. - Hắn nói và vụng về xoa đầu thằng bé.

- Bố lại bỏ con đi à? - Thằng bé nhìn hắn đau đáu.

- Không! Bố không bỏ con đâu! - Hắn ghì chặt nó vào lòng, đặt một nụ hôn dài lên má. – Con chỉ phải ở trong trại một thời gian, rồi bố sẽ tìm cách đón con về.

- Tại sao phải thế? – Vẫn cái giọng ấm ức, ngột ngạt.

- Bố đã nói với con rồi còn gì… Con hãy cho bố một thời gian để lo xong công việc và bố sẽ về đón con.

Tomek lắng nghe nhưng vẻ mặt dường như không hiểu hắn đang nói gì.

- Chàng trai của bố, can đảm lên nào… Bố yêu con. Bố hứa là sẽ không để con ở đây lâu nữa đâu.

Tomek cắn răng, gật đầu, ôm chặt lấy hắn, khóc lặng lẽ. Lát sau nó ngẩng đầu lên nói trong nước mắt:

- Bố đừng bỏ con đi như bố Việt nữa nhé.

Hắn ôm lấy thằng bé. Hoá ra thằng bé không hề nhầm tưởng hắn và Việt như Marta đã nghĩ.

- Không…Bố sẽ không bỏ con đi đâu cả.

Tomek gục đầu vào lòng hắn, mắt lim dim, bờ mi vẫn ngấn ngấn những giọt nước còn đọng lại. Bất chợt hắn đưa tay vuốt tóc nó và cất tiếng hát ru:

- Cái cò lặn lội bờ sông… Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non… Nàng về nuôi cái cùng con… Để anh đi trảy nước non Cao Bằng…

Tomek khẽ nhoẻn cười ngẩng đầu lên:

- Bây giờ bố hát mới giống bố Việt.

- Con muốn nghe nữa không?

Tomek không trả lời. Cả hai rơi vào sự im lặng, một sự im lặng ngột ngạt. Rồi thằng bé từ từ ngẩng đầu lên nhìn hắn hồi lâu.

- Bố ơi, tại sao mình lại ở đây?

Hắn ngạc nhiên:

- Sao con lại hỏi thế?

- Cô giáo bảo quê con ở xa lắm…Xa là ở đâu? Thế tại sao con lại ở đây? - Tomek nhìn chờ đợi.

- Bố cũng không biết nữa…- Hắn băn khoăn và hoang mang - Nhưng chắc chắn, bố con mình sẽ về lại quê hương, con ạ! Ở đó bố còn mẹ, các em, nghĩa là con sẽ có bà và các cô của con…

- Nhưng bà và các cô sẽ không ghét con như chú Daniel chứ? – Tomek lo lắng.

- Không! Không bao giờ. Con tin bố chứ? - Hắn đau khổ.

Thằng bé lại gật đầu và nép vào ngực hắn. Hai mắt nhắm nghiền…

Hắn đưa Tomek trở lại trường vì chỉ xin phép bà giáo đi chơi một lúc. Khi chia tay, hắn hỏi:

- Con biết tự mình làm những việc bố dặn rồi chứ?

Tomek ôm ngang lưng hắn, cứng cỏi:

- Bố về đi!

Nó chìa tay cho hắn bắt như hai người lớn rồi quay ngoắt đi vào, nhất định không ngoái đầu lại. Được vài bước, hắn quay lại nhìn. Thằng bé vẫn cắm cúi bước đi, cái dáng so so bé nhỏ. Hắn đứng nhìn theo, ruột gan rối bời, đau đớn…

***

Về Vác, hắn lao vào làm đủ thứ việc để có tiền sinh sống và cứ hai tuần một lần, nhảy tàu lên thăm Tomek. Hắn luôn gọi điện báo trước và xin phép Marta được gặp Tomek, thực ra là để tránh mặt nàng. Đã thành lệ, chiều thứ bảy giữa và cuối tháng, Tomek quần áo chỉnh tề đứng bên cửa sổ nhìn xuống dưới đường ngóng đợi. Khi thấy hắn lếch thếch chui từ ô tô buýt ra, thằng bé hộc tốc chạy xuống. Nhảy hai bước một từ bậc cầu thang, Tomek lao ra đu lên cổ hắn. Hai cha con ôm nhau, cuống cuồng, vội vã như sợ thời khắc hiếm hoi vuột mất. 

Ở cái thị trấn nhỏ bé này, cũng chẳng có mấy chỗ để vui chơi. Thường bố con dẫn nhau đi dạo phố, kể cả những hôm trời xầm xì mưa tuyết. Sau khi tản bộ, bao giờ hắn cũng đưa Tomek vào MacDonald, mua đồ ăn sẵn rồi về trú chân tại một khách sạn rẻ tiền. Sau bữa tối căng bụng toàn khoai tây chiên và bánh hamburger, hai cha con dẫn nhau ra rạp xem phim, những bộ phim dành cho trẻ con.

Nhưng giây phút mà Tomek thích nhất là khi hai cha con nằm ôm nhau lăn lộn giữa đống chăn nhàu nát, xỉn màu của khách sạn nghe hắn kể chuyện. Hắn bịa chuyện không đến nỗi nào. Những châu chấu, đế mèn, con trâu, mái đình, cây đa, chú Cuội…lần đầu bước vào thế giới tuổi thơ của Tomek, để rồi sống cùng nó chờ đợi cho đến tận lần gặp gỡ sau.

Một tối thứ sáu, như thường lệ, hắn bấm máy để báo cho Marta xin gặp Tomek vào chiều hôm sau. Nhưng thay cho câu: “Hallo, em đây, chào Vinh!” như mọi bận, tổng đài tự động thông báo số máy đã bị khóa. Sau dăm lần thử gọi nhưng không kết quả, linh cảm thấy có chuyện không ổn, hắn ra ga đáp ngay tàu đi chuyến sớm nhất.

Đến nơi khi trời vừa mờ sáng, hắn lao lên căn hộ cũ kĩ trên tầng năm, hối hả nhấn chuông. Cánh cửa gỗ ọp ẹp im lìm như vách núi. Hắn vừa nhấn chuông, vừa đạp ầm ầm. Vài phút sau, từ phía sau có tiếng kẹt cửa. Một cái đầu rối bù thò ra từ nhà hàng xóm, giọng khê nồng:

- Đồ thổ tả! Làm gì mà nhặng lên cứ như là ngày tận thế đang đến ấy?

Một bà già lạ hoắc, cau có. Hắn vội vàng xin lỗi, hỏi thăm mẹ con Marta. Hấp háy cặp mắt còn chưa hết ngái ngủ, bà già xua tay ra hiệu:

- Tôi biết, tôi biết! Chờ một chút!

Sau giây lát, cái đầu bù lại thò ra kèm theo tờ giấy gập tư:

- Anh hãy đến ngay địa chỉ này tìm thằng bé. Tuần trước, khi bị người ta mang đi, nó giãy giụa, khóc khản cổ gọi bố và đập đầu vào tường chảy máu be bét. Thấy tôi, nó gào lên: “Bà Walda, xin hãy báo cho bố cháu! Chiều thứ bảy bố cháu sẽ đến đây tìm cháu”… Anh đi ngay đi kẻo nó đợi!

Giật phắt tờ giấy từ tay bà già, hắn lao đi như một cơn lốc.

Mò được đến trại trẻ mồ côi thì đã non trưa. Vừa nhìn thấy hắn, người thường trực đứng phắt dậy, ra hiệu đi theo. Qua dãy nhà ăn, hàng trăm đứa trẻ sàn sàn như trứng gà trứng vịt đang ầm ĩ, nhốn nháo xếp hàng chờ phát xúp. Hắn dừng lại đưa mắt tìm Tomek. Người thường trực kéo tay ra hiệu đi tiếp.

Họ băng qua khoảng sân lầy lội đang mùa băng tan. Tới khu nhà cũ kĩ như trại lính nằm sát tận hàng rào phía trong cùng, hắn nhận ra đây là trạm xá. Người thường trực chỉ tay vào cánh cửa phòng số ba.

Hắn đẩy cửa nhìn. Căn phòng lạnh lẽo vì thiếu hệ thống sưởi. Ba chiếc giường bệnh trống trơn. Ở chiếc giường thứ tư sát cửa sổ, một hình hài co quắp trong chiếc chăn bông cũ kĩ. Hắn tiến đến. Tomek đầu quấn băng trắng, mắt nhắm nghiền. Hắn phủ xuống, ôm lấy con. Thằng bé từ từ mở mắt. Một tia sáng lấp lánh ánh lên từ hốc mắt sâu quầng mệt mỏi, cất giọng khàn khàn:

- Con biết thế nào bố cũng đến đón con mà.

Hai cánh tay khẳng khiu giơ lên choàng lấy cổ hắn. Hắn bế thằng bé lên. Người nó nhẹ bẫng, chỉ gây một cảm giác thoang thoảng dọc cánh tay lực lưỡng của hắn. Hắn đau đớn siết nhẹ Tomek sát ngực mình, nước mắt chảy dài trên mặt không sao kìm giữ được. Tomek nép vào ngực hắn, thỏ thẻ kể chuyện:

- Mẹ đi với chú Daniel rồi bố ạ…Mẹ muốn gọi điện cho bố nhưng chú ấy không cho, ném điện thoại xuống đất.

Hắn khẽ gật đầu và đưa mấy ngón tay đặt lên môi Tomek để nó không nói gì thêm.

***

… Hắn thẫn thờ nhìn quyển hộ chiếu trên tay. Thế là hết! Niềm hi vọng mong manh cuối cùng đã bị đè chết bởi con đại bàng đội vương miện chễm trệ trên khung dấu màu hồng nhợt nhạt của tấm visa trục xuất. Người ta đã từ chối cấp thị thực tạm cư, bất chấp tất cả mọi nỗ lực, cố gắng, khẩn cầu tuyệt vọng. Hắn biết, điều này sẽ xảy ra, bởi từ khi chính phủ phái hữu lên nắm quyền, chính sách đối với dân nhập cư càng bị siết chặt. 

Có nhiều người nước ngoài là giám đốc những công ti làm ăn ổn định, đóng thuế cao ngất từ dăm bảy năm nay còn bị từ chối cấp thẻ tạm cư, thì cái thứ tù tội như hắn xem ra sẽ chỉ là một con dê còi tế thần mà thôi. Dù đã biết trước cái kết cục chua xót ấy, nhưng hắn vẫn chết lặng như bị ai đó cầm dao ngoáy thẳng vào tim. 

Nguồn cơn của sự đau đớn ấy chính là thằng bé. Về phần mình, hắn hiểu rằng cơn mưa vàng hiếm hoi nhờ sự thay đổi thời cuộc đem lại đã không rơi vào chiếc bị cói là hành trang của kẻ hành khất mỏi cổ mơ về một cuộc đổi đời. Và nó sẽ không bao giờ đến nữa. Lẽ ra hắn có thể thanh thản hồi hương phụng dưỡng bà mẹ già ngoại bảy mươi đang ngong ngóng đợi con về từ hơn chục năm nay, kể từ khi hắn tốt nghiệp đại học. 

Nhưng còn Tomek, hắn không thể để thằng bé ở lại đất này…

Vẫn đều đặn hai tuần một lần, hắn lên trại mồ côi thăm con. Bao giờ thằng bé cũng lầm lũi đứng ngóng sẵn ở cổng, bên cạnh thanh barie. Dường như những cuộc gặp gỡ này đã cho nó thêm niềm tin để chống chọi với cuộc sống cực khổ, tủi nhục giữa đám trẻ da trắng bụi đời. Có lần thấy thằng bé bầm tím một bên mắt, hỏi ra mới biết tụi trẻ vào hùa bắt nạt, cướp phần thức ăn ít ỏi của thằng “mọi vàng”. Tomek tuyệt vọng giành lại miếng bánh mì của mình thì bị lĩnh trận đòn hội đồng. Nó ngã quị dưới những cú đấm, đạp. 


Ngồi lặng ôm con bên bãi cỏ trước sân trại, xoa bên má sưng vù của thằng bé, hắn chết lặng mà vẫn phải cười làm ra vẻ không có chuyện gì đáng kể. Rồi giơ tay lột hết áo sống, nhìn thẳng vào mắt con, hắn chỉ cho nó xem những vết sẹo nhằng nhịt ở trước bụng và hai bên mạng sườn mình.

- Con trai! Từ trước đến nay, bố mới chỉ nói với con về tình yêu và lòng nhân ái. Bố quên mất một điều mà lẽ ra phải dạy con từ những ngày đầu tiên khi bước chân vào đây: Con phải biết đương đầu để bảo vệ mình, phải biết chiến đấu với kẻ độc ác… 


Con hãy nhìn những vết sẹo trên người bố và nhớ rằng, bố còn sống được đến giờ phút này là bởi đã không chịu để kẻ khác khuất phục. Con cũng không có bất kì một sự lựa chọn nào khác. Hãy nắm chặt tay vào và xông lên, chàng trai ạ!

Thằng bé nhìn trừng trừng vào những vệt chém ngang dọc trên thân thể của hắn, lặng lẽ không nói gì. Hai tuần lên thăm, hắn thấy Tomek đầu lại quấn băng, mặt xước nhằng nhịt, nhưng cặp mắt vô cùng bình thản, không còn vẻ hoảng hốt trước kia. Ông bảo vệ già mau mồm kể lại những trận kịch chiến nảy lửa giữa Tomek với đám trẻ đầu gấu. 

Quen mui tưởng bở, buổi tối ngay sau hôm hắn về, tụi kia xông đến đòi cướp những phần quà bánh hắn mua cho Tomek, nhưng chúng há mồm không kịp trở tay, bởi thay vì lặng lẽ cống nạp và ấm ức khóc như mọi bận, Tomek lăm lăm hai tay hai hòn đá được mài nhọn hoắt phang túi bụi. Bốn đứa đổ máu, răng rơi lả tả. Bọn còn lại thất kinh, đạp lên nhau mà chạy. 

Tomek bị phạt cách li ba hôm. Nhưng vừa thoát ra, nó lại kiếm một hòn đá khác và tiếp tục lùng sục. Lại bị phạt. Hết án, lại có thằng bị vỡ đầu, sứt tai. Đánh ngày chưa đủ, nó chuyển sang đánh đêm. Sau mươi ngày, thì dù đồ ăn của Tomek có để mốc ra, cũng chẳng đứa nào dám thò tay lấy.

Hắn nghe chuyện và bảo Tomek:

- Thôi, thế đủ rồi! Đừng bao giờ dồn ai vào chân tường cả!

Thằng bé khụt khịt mũi, lặng lẽ gật đầu. Những lần sau, hắn không còn nghe thấy chuyện đấm đá gì nữa…. Mùa xuân đến, mỗi lần lên trại, hai cha con thường dắt tay nhau lững thững đi dạo băng quả cánh rừng. Tomek đã nói được khá sõi tiếng Việt qua nhiều cuộc chuyện trò với hắn. Nó vốn là một đứa trẻ thông minh nên học rất nhanh. Một lần nó nói rành rọt bằng tiếng Việt:

- Bố, bao giờ mình về Việt Nam? Con không muốn ở đây!

- Sao thế? Có chuyện gì vậy? – Hắn tò mò hỏi.

- Đây không phải là quê mình!

Hắn lảng không trả lời vì khi ấy còn đang hồi hộp hy vọng toà án sẽ công nhận hắn là cha của Tomek để có thể nhập lại quốc tịch cho nó.

Thế mà giờ đây, hắn chỉ còn được phép ở lại đất này 48 giờ đồng hồ…

Hắn vẫn nhìn trân trân vào trang visa trục xuất có hình con đại bàng ngạo nghễ. Mấy hôm nay, cộng đồng dân nhập cư thuộc đủ các sắc tộc nhốn nháo vì những đợt lùng bắt của cảnh sát và lính biên phòng. Lại chạy như vịt, lại trốn chui, trốn lủi. Đài báo, tivi liên tục thông báo kết quả các cuộc bố ráp ở thủ đô, những thành phố lớn và các tỉnh miền biên giới để khẳng định chính sách cứng rắn của chính phủ phái hữu với đám dân nhập cư như để ghi điểm trước đám cử tri đã bỏ phiếu cho họ.

Phải rồi…Tại sao hắn không nghĩ ra nhỉ? Bỗng hắn bật dậy, nhảy cẫng lên vui mừng.

Suốt ba ngày, hắn chạy ngược xuôi thu xếp xong công nợ, vun vén tất cả những gì còn lại nhờ người chuyển về Việt Nam và lên trại mồ côi tìm Tomek…

***

Sân bay quốc tế Okecia – Warsaw. Một sáng mùa xuân.

Đám hành khách ngả ngốn khó chịu, bực dọc trong phòng đợi chuyến máy bay của Hãng hàng không Nga Aeroflot bị chậm lại hai tiếng vì lí do kĩ thuật. Tiếng thở dài, ca thán vang lên theo phản ứng dây chuyền.

Trong góc, viên trung sĩ biên phòng ngồi đăm chiêu suy nghĩ. Anh ta thức suốt phiên trực đêm qua, lẽ ra giờ này đã được nằm trong chăn ấm với cô vợ mới cưới căng mọng, núng nính, thơm phức như miếng bánh ga tô. Thế mà cái lão đại úy chết tiệt, tự dưng gọi điện ra lệnh phải ở lại áp tải hai người nước ngoài bị trục xuất lên máy bay. 


Nhận lệnh cấp trên, trung sĩ điên tiết, nhưng cũng chỉ biết lắc đầu chửi đổng. Mẹ khỉ, tại sao người ta cứ nhè phiên trực của mình để trục xuất cái đám nhập cư bất hợp pháp này nhỉ? Lại phải nhìn thấy những hình hài lếch thếch, những khuôn mặt méo mó, đau khổ, đầy vẻ tuyệt vọng vì giấc mộng vàng nửa đường đứt gánh. 

Trong cuộc đời quân ngũ của mình, trung sĩ đã nhiều lần nao lòng trước đám người khốn khổ, tội nghiệp và đáng thương ấy. Kinh Thánh rao giảng, tất cả mọi sinh linh đều được bình đẳng trước Chúa, vậy tại sao đám chính khách máu lạnh chỉ giỏi đấu đá và tham nhũng kia không để cho con người được bình đẳng với nhau? Tại sao không để cho mỗi người được quyền lựa chọn mảnh đất sống thích hợp trong kiếp nhân gian này? 
Sân bay quốc tế Okecia – Warsaw. Một sáng mùa xuân.
Vô cùng chán chường với mệnh lệnh bất đắc dĩ của thượng cấp, nhưng khi xe chở phạm nhân đến, viên trung sĩ thực sự bị bất ngờ. Vì trái với những gì hình dung, trước mặt trung sĩ là hai cha con người Việt. Họ lịch sự, tươi rói, hớn hở như thể chuẩn bị được đi gặp Đức Giáo Hoàng, chứ không phải là cái còng số 8 đang ôm lấy cổ tay người cha. Luật là thế, những người bị trục xuất đã ở tuổi trưởng thành, dù chẳng gây nên tội lỗi gì đe dọa nền an ninh quốc gia hay cộng đồng, xã hội, đều vẫn bị khóa số 8. Thằng bé mặt mũi lanh lợi, kháu khỉnh quấn quít bên cha. Nó xăng xái, tung tăng như một con chim sổ lồng, lúc mở chai nước cầm cho bố uống, lúc đưa tay gãi lưng, gãi cổ cho ông ta. Người cha ngồi một chỗ, nhìn con bằng ánh mắt ấm áp, trìu mến.

Lặng lẽ quan sát hai cha con, viên trung sĩ thấy họ thật đáng mến. Rồi anh chợt áy náy vì những gì mình phải làm. Trung sĩ nhìn quanh, khẽ hỏi người cha:

- Ông có muốn tôi tháo còng ra cho dễ chịu không? Đằng nào thì cũng chả có ai ngoài chúng ta.

Người đàn ông mỉm cười, khẽ nghiêng đầu:

- Cảm ơn trung sĩ. Xin ông đừng bận tâm đến tôi kẻo bị liên lụy. Đằng nào thì cũng chỉ còn ít phút nữa, khi lên máy bay là tôi được tự do rồi mà!

Ngạc nhiên vì lối phát âm rất chuẩn xác, viên trung sĩ hỏi chuyện, mới biết ông ta đã tốt nghiệp đại học ở Ba lan và tổng cộng đã ở đất nước này mười lăm năm. Người đàn ông này thông thạo tình hình chính trị, xã hội, lịch sử, tôn giáo như một trí thức Ba Lan. Thậm chí, có những vấn đề bản thân trung sĩ chỉ nghe loáng thoáng hoặc hiểu một cách mù mờ, thì ông ta nói vanh vách. 

Lạy Chúa! Viên trung sĩ không thể hiểu: tại sao người ta lại trục xuất một người đã sống ở đất nước của anh ta một phần tư quãng đời, đã được hấp thụ nền văn hóa, giáo dục mà không phải công dân Ba lan nào cũng may mắn được hưởng ấy? Còn đứa nhỏ, nó hệt như những đứa trẻ con Ba Lan từ lời ăn tiếng nói, dáng điệu, cử chỉ, ngoại trừ màu da, màu tóc. Nhưng điều ấy có quan trọng gì? Tất cả chúng ta đều là con người kia mà? Ôi, giá như ta không phải là một tay trung sĩ quèn, thì ta đã thả quách họ ra và cầu chúc cho họ thượng lộ bình an trong nước Chúa mênh mông, thanh bình!

Đám hành khách lại ồ lên, nhốn nháo xếp hàng chờ ra cửa khi nghe loa thông báo máy bay đã chuẩn bị cất cánh. Hai cha con người đàn ông vui mừng đứng dậy. Trung sĩ nhanh chóng bước tới người cha, rút chìa khóa giải phóng cho đôi tay của ông ta khỏi chiếc còng số 8 oan nghiệt. Người đàn ông lịch thiệp cảm ơn rồi khoan khoái cử động hai cổ tay. Thở dài nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ bất đắc dĩ với hai con người đã gây cho anh ta mối thiện cảm, trung sĩ chìa tay:

  -Tạm biệt! Chúc thượng lộ bình an! Mong rằng ông sẽ quên đi những kỉ niệm buồn ở đây và gặp may mắn trên đất Mẹ!

Người đàn ông nắm chặt tay trung sĩ:

- Cảm ơn ông! Rất vui vì người Ba Lan cuối cùng mà tôi được làm quen lại là ông, một người lịch thiệp và tốt bụng. Chúc ông mọi điều tốt lành!

Họ chia tay nhau lưu luyến như những người quen biết từ lâu. Trung sĩ đứng ngẩn nhìn theo hai cha con tung tăng lẫn trong đám hành khách đang tản bộ trên đường băng, nởû một nụ cười và khẽ giơ tay làm dấu thánh.

Trên đường băng, hắn đang kiệu thằng bé trên vai. Tomek thích thú phóng tầm mắt ngắm nghía những chiếc máy bay to như tòa nhà. Chợt nó hỏi:

- Bố ơi, về Việt Nam thì tên con sẽ là Tuấn hay Tomek?

Hắn vỗ vỗ vào chân thằng nhỏ, mỉm cười:

- Con sẽ lấy lại tên cũ là Tuấn. Nhưng với bố, con mãi mãi là Tomek. Con trai ạ!

Thằng bé lẩm bẩm:

-T uấn- Tomek. Tuấn –Tomek…

Và nó bật cười khanh khách. Tiếngï cười mà hắn chưa từng được nghe kể từ khi biết thằng bé.

Hít căng lồng ngực, hắn ngẩng mặt lên bầu trời cao vòi vọi, đưa mắt nhìn xung quanh rồi quì xuống đặt tay lên mặt đất, thì thầm:

- Vĩnh biệt mảnh đất mà ta đã sống những tháng năm tuổi trẻ! Vĩnh biệt một phần đời đẹp đẽ, hạnh phúc nhưng cũng đầy đắng cay! Vĩnh biệt những người đàn bà đã đi qua cuộc đời ta! Vĩnh biệt tất cả!

Đám hành khách lục tục bước lên cầu thang máy bay. Hắn hạ thằng nhỏ xuống đất và dắt tay nó bước lên nấc thang đầu tiên.

Chợt có tiếng huyên náo từ phía sau vọng tới, một tiếng quát:

- Dừng lại!

Hắn thờ ơ quay đầu nhìn. Năm sáu cảnh sát đang hấp tấp chạy tới. Cùng với họ một người đàn bà tay cầm xấp giấy dày cộp. Hắn đờ người sợ hãi khi nhận ra đó là giám đốc trại trẻ. Bà ta chạy đến bên Tomek, hổn hển nói với đám cảnh sát:

- Cháu nhỏ này là công dân của chúng ta, nó không thể bị trục xuất!

Rất nhanh, Tomek hiểu ngay sự tình, gào lên:

- Không, tôi là người Việt nam!

Bà giám đốc giằng tay nó:

- Tomek, cháu là người Ba Lan! Cháu ở lại đây!

Một viên cảnh sát tiến đến, đưa tay bế bổng thằng nhỏ.

Thằng bé giãy dụa, la hét như cố thoát khỏi vòng tay của bà giám đốc và người cảnh sát.

- Thả tôi ra, tôi là người Việt nam!...Bố, cứu con với!

Hàng trăm hành khách của chuyến bay ngây người đứng nhìn. Họ không hiểu điều gì đang xảy ra. Sau một thoáng đờ đẫn, hắn sực tỉnh, lao vào viên cảnh sát đang cố bế Tomek:

- Buông ra. Nó là con tôi! Các người không được cướp con của tôi!

Như được tiếp thêm sức mạnh, Tomek vùng ra khỏi đôi tay viên cảnh sát, chạy đến bên cha. Hai cha con ôm chặt lấy nhau.

Lập tức, ba cảnh sát khỏe mạnh xông đến ghì tay hắn lại. Giằng thằng bé ra. Tomek vừa quẫy, vừa gào:

- Tôi là người Việt Nam! Tôi muốn về nhà!

Như điên dại, hai cha con hắn vẫy vùng, quẫy đạp, cắn xé những bàn tay cứng như sắt đang ghì níu, tách họ xa nhau ra. Hắn gồng người, nhoài bàn tay ra phía thằng bé.

- Tomek, con!

Giọng hắn lạc đi.

- Bố… Đừng bỏ con!

Thằng bé cũng cố nhoài người nắm lấy bàn tay cha, nức nở.

Nhưng hai bàn tay, một lớn, một bé từ từ buông rời nhau ra và bị kéo xa về hai phía. Ba viên cảnh sát lôi hắn xềnh xệch lên cầu thang máy bay. Hắn vật lộn, tru lên như một con vật bị chọc tiết:

- Con tôi! Trả con cho tôi!

Ở dưới đất, Tomek cũng bị giữ chặt. Người ta đang cố lôi nó ra xe trở lại thành phố.

- Bố ơi!

Thằng bé khóc lặng đi không còn hơi trong cơn tuyệt vọng cùng cực. Mái tóc bết lại vì mồ hôi và gương mặt đỏ rực cố ngoái đầu nhìn về cầu thang máy bay nơi bố nó rũ người như tàu lá đang bị lôi đi xềnh xệch.

Bất chợt không hiểu sức mạnh nào khiến hắn vùng thoát khỏi sáu cánh tay đang gìm giữ thân thể mình, chạy xung mấy bậc cầu thang máy bay và gào lên:

- Con… đừng khóc! Bố...  sẽ… quay… lại… tìm… con…!

Lại sáu cánh tay túm lấy hắn ấn ngược vào phía trong thân máy bay. Cánh cửa máy bay đóng sập lại.

- Bố ơi…!

Thằng bé giãy dụa, thét lên lần cuối rồi lịm đi.

* * *

Hắn thẫn thờ đứng trước con kênh nhỏ chảy lờ đờ, đen kịt bốc lên cái mùi khăn khẳn quen thuộc mà người ta vẫn quen miệng gọi là con sông Thối. Ngày trước, khi còn là thằng nhóc thò lò mũi xanh, hằng ngày hắn vẫn theo đám bạn ngâm mình xuống dòng nước mang màu chè đỗ đen này, cắm mặt xuống đám bùn tìm những búi giun vớt về nuôi cá chọi. Trong bước đường lưu lạc của mình, hắn đã đắm mình vẫy vùng như con rái cá trên sóng nước Vonga, bỡn cợt với những con sóng bạc đầu biển Baltich, nhưng thi thoảng, vẫn nhớ về dòng sông tuổi thơ nông choèn, đen kịt và nặng mùi thum thủm. 

Gần ba mươi năm đã trôi qua, dòng sông vẫn thế. Vẫn lờ đờ, thiếu sinh khí, rác rưởi ngập ngụa. Khác chăng, bây giờ người ta đã kè đá hai bên bờ sông, và trồng thêm hàng cây còi cọc mãi chẳng lớn được vì lúc nào cũng ướt sũng nước tiểu của khách bộ hành.

Đã nửa năm nay, suốt ngày, hắn cứ ngẩn ngơ, tha thẩn bên bờ sông Thối như một kẻ vô gia cư. Lúc đầu, những người bán hàng gần đó nhìn hắn bằng cặp mắt đầy cảnh giác. Nhưng dần dần, nhìn vẻ mặt hiền lành, dài dại của hắn, họ lại thấy thương, vì cứ ngỡ rằng đây là một kẻ mắc bệnh tâm thần vì học nhiều quá đâm ngộ chữ. 

Dần dà, hắn còn mua chịu được cả vài chén nước chè và dăm ba điếu thuốc vặt. Thậm chí, thi thoảng, hắn còn kể cho họ nghe về những tháng năm đã sống ở nước ngoài và còn giở cả ảnh của một thằng bé ra khoe là con của hắn. Người ta nghe cho đỡ buồn lúc vắng khách vậy thôi… Có kẻ chép miệng nói vui, thằng này dở người, mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng gì đó, chứ nước ngoài, nước trong gì cái ngữ này? Rõ khổ!...

Người đau nát cõi lòng là mẹ hắn. Khi hắn trở về với mái tóc dài cờm cợp, khuôn mặt hốc hác đầy râu ria, bộ dạng xiêu vẹo và cái túi nilon đựng một bộ quần áo hôi rình, như thể hắn vừa từ hang động vùng Tây Tạng trở về chứ không phải thằng con trai khôi ngô đi du học trời tây mà bà hằng hãnh diện… Cớ sao ra nỗng nỗi này? 


Thôi thì cuối cùng đứa con trai duy nhất của dòng họ Trần đã trở về. Bõ công bao năm bà ăn chay, thành tâm cầu xin Phật bà Quan Âm phù hộ... Dù sao nó cũng đã trở về.

Nhưng niềm vui của bà như chớp mắt. Từ ngày về nước thằng con bà thẫn thơ, thờ thẫn như kẻ tâm thần. Ngồi nói chuyện với bà, nhưng tâm trí cứ để tận đẩu đâu. Mắt nhìn về nơi xa lắc nào đó, dài dại, khổ sở… Có lúc nó đi biệt từ sáng đến tối. Hỏi thì ậm ờ, lúng búng nghe mãi chả hiểu nó nói gì? 


Nhiều đêm lại ngồi lặng hàng giờ trước bức ảnh một thằng bé mà nó bảo là con… Hỏi con thế nào thì nó bảo sau này mẹ khắc biết. Khổ quá, biết gì đây? Cứ thế này nó rạc rài, mòn mỏi và sẽ kiệt sức mất thôi. Mà nó làm sao thì bà sống sao nổi. Nhìn con héo hắt, lòng bà xót như xát muối. Những đêm phòng con sáng ánh đèn, nghe tiếng trở mình vật vã, bà cũng thức cùng nó... 

Phải hỏi cho ra nhẽ.

* * *

Hôm nay, bà đi chợ từ sớm, mua hương hoa, lễ vật khấn tổ tiên và ra bờ sông Thối tìm con...

Nghe lời mẹ, hắn cúi đầu đảnh lễ trước ban thờ. Chờ tuần hương tàn, bà pha ấm nước trà và chỉ chỗ chô hắn:

- Anh ngồi xuống đây để mẹ nói chuyện.

Hắn hồi hộp nhìn vẻ mặt nghiêm trang của mẹ. Hắn bỗng thấy sờ sợ… Bà ít khi như thế này. Từ nhỏ đến giờ hắn mới nhìn thấy hai lần mẹ có gương mặt như vậy. Lần này là thứ ba…

Bà rót nước ra chén:

- Anh uống đi.

Hắn nhấp ngụm trà nóng bỏng lưỡi, ngan ngát vị sen ướp.

Bà mẹ ngước nhìn hắn vẻ nghiêm khắc:

- Anh còn đợi gì nữa mà không đi đón thằng bé về đây?

Hắn ớ người nhìn bà. Bà mẹ vẫn nhìn hắn bằng cái nhìn nghiêm nghị.

- Mẹ hiểu cả rồi. Anh đang tìm cách quay lại đón thằng bé phải không?

- Vâng, nhưng… - Hắn ấp úng - Phải có tiền thì mới sang đó đón cháu được, mẹ ạ! Mà số tiền ấy so với gia cảnh nhà mình quá lớn. Những bảy chục triệu…

Giọng hắn nghèn nghẹt và suýt bật khóc như trẻ con nhưng cố kìm lại được.

- Mẹ biết…

Bà thừ người… Bảy chục triệu! Góa chồng từ khi ba đứa con còn đỏ hon hỏn, giật gấu vá vai chạy ăn từng bữa để nuôi chúng. Cho tới tận bây giờ, kể cả trong mơ, chưa bao giờ bà nhìn thấy từng ấy tiền.

- Mẹ biết… đúng là cả cuộc đời, chưa bao giờ mẹ có số tiền ấy. Nhưng mẹ sẽ có cách!

Hắn ngỡ ngàng nhìn bà.

- Mẹ…

Bà từ từ đứng dậy, tiến tới chân ban thờ, khom người lôi ra chiếc hộp gỗ.

Cái hộp ấy, hắn quá biết. Nó là nơi cất giữ những kỉ vật của gia đình. Hắn đã mở ra hàng trăm lần, nhưng ngoài tờ giấy kết hôn của cha mẹ, giấy khai sinh của anh em hắn, những tấm huân chương và tờ giấy báo tử cha, thì vật duy nhất có giá trị chỉ là đôi nhẫn cưới mà mẹ chắt chiu giành dụm đợi khi hắn lấy vợ. Mà đôi nhẫn ấy có bán đi, quá lắm được hơn triệu bạc.

Bàn tay nhăn nheo run run mở nắp rồi thò vào khua khoắng… Lát sau trên tay bà là mấy tờ giấy đã ố vàng.

- Tiền đây, anh cầm lấy!

Hắn nhìn trừng trừng vào đôi tay khẳng khiu, run run của mẹ… Ở trên đó là cuốn sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất của tổ tiên, dòng họ Trần…

* * *

Ba tháng sau…

Vào một đêm mùa hạ mưa như thác đổ, có một toán người vượt biên giới từ Ukraina vào Ba Lan. 

Lẫn trong đám người đó – có hắn!


Hà Nội tháng Hai năm Hai ngàn lẻ Sáu
Trần Hoài Văn

Chú thích:

1/ Bimber: Loại rượu tự nấu của người Ba Lan, giống như quốc lủi ở Việt Nam.

2/ Ngày 01/11 hàng năm - Lễ tảo mộ của người Ba Lan.

3/ Thơ Trực Chấp

4/ Kapcia: Loại dép đi trong nhà

5/ Pani: Bà, cô

6/ Motel: Nhà nghỉ, nhà trọ

Kết Thúc (END)

1 nhận xét:

  1. Câu chuyện cảm động quá .
    Cám ơn bài đăng của anh .

    Trả lờiXóa