Khoằm

25 tháng 4 2014

Made in Vietnam! - Citroën La Dalat (VII)

Sau loạt bài về "", lại thấy blog "Học Thế Nào" đăng bài "Trả Tự Do cho Giáo Dục" của Huy Đức sặc mùi ca tụng "Nền giáo dục của VNCH", Khoằm lại hứng tình tám chuyện “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng”, nhưng trước hết đọc bài của Huy Đức đã.

Trả Tự Do cho Giáo Dục – Huy Đức



Thành lập và đứng đầu Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục là một lựa chọn rất khôn ngoan của Thủ tướng. Nhưng, một nền giáo dục bị giam hãm qua nhiều thập niên không thể thay đổi nếu công việc từ nay tới 2020 chỉ là “xây dựng chương trình môn họcvà biên soạn các sách giáo khoa” như Hội đồng giáo dục đưa ra hôm 25-2[1]. Biên soạn sách giáo khoa là công việc có thể đảm đương bởi những tổ chức dân lập như “Cánh Buồm”. Điều mà đất nước cần ở một vị thủ tướng có tầm nhìn là ngay bây giờ phải “trả tự do” cho Giáo dục.

Giáo Dục

Ngày nay, không ai có thể đặt quốc gia, dân tộc trong những không gian riêng biệt. Một nền giáo dục có tương lai là một nền giáo dục tạo ra được những giá trị có thể chia sẻ toàn cầu, chuẩn bị được một nguồn nhân lực giàu tính nhân văn và khả năng sáng tạo.
Không thể cải cách giáo dục nếu chỉ nghĩ đến sự tồn vong của chế độ. Cũng không thể cải cách giáo dục nếu chỉ nghĩ đến sự hùng cường đơn lẻ của một quốc gia. Không thể cải cách giáo dục, nếu không nghĩ đến việc chuẩn bị những thế hệ người Việt có thể tìm chỗ đứng bên ngoài biên giới Việt.

Cải cách là để xây dựng một nền giáo dục mà những người làm chính sách cũng có thể yên tâm để trao gửi con em chứ không phải là để trục lợi rồi lặng lẽ đưa con cháu mình “tị nạn” bằng con đường du học.

Tách Bạch Hành Chính & Chính Sách

Không thể bắt đầu một chiến lược cải cách bằng việc xây dựng “chương trình môn học và biên soạn các sách giáo khoa”. Để tránh những chính sách “sặc mùi ngân sách” và để đảm bảo khi duy trì một thủ tục hành chánh nào đó (đăng ký, giấy phép…) là vì nó cần chứ không phải vì sẽ thu được phong bì. Do vậy, trước hết, phải tách bạch chức năng hành pháp chính trị và chức năng hành chính công vụ của ngành giáo dục.

Những người đã tham gia vào quy trình ban hành chính sách thì không được dính líu tới lợi ích khi thi hành. Cha đẻ của các giấy phép thì không bao giờ được nắm quyền cấp phép.

Thay vì tiêu tốn quá nhiều ngân sách và can thiệp vào mọi ngóc ngách như hiện nay. Bộ Giáo dục chỉ cần giữ lại vai trò ban hành chính sách: Chính sách khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư giáo dục; chính sách để môi trường đại học thực sự sáng tạo, để nhà trường tự quyết và tự chịu trách nhiệm với các sản phẩm giáo dục của mình…

Bộ có thể đưa ra các chuẩn giáo dục cho bậc phổ thông (học sinh tiểu học, trung học cần được trang bị kiến thức toán, lý, hóa, địa lý, văn chương và lịch sử ở chuẩn nào). Dựa trên những “chuẩn giáo dục” này, các trung tâm khảo thí sẽ ra đề thi và các trường có điều kiện hoặc các trung tâm nghiên cứu giáo dục sẽ viết sách giáo khoa. Thay vì, Bộ “ôm thầu” từ việc viết sách cho đến in và kinh doanh sách.

Với những môn học như ngoại ngữ thì cách tốt nhất là mua (hoặc xin) bản quyền giáo trình ngoại ngữ của nước ngoài. Phần nào họ viết không đúng về Việt Nam thì chỉ cần cắt bỏ hay biên tập.

Bộ xây dựng quy chế để các trung tâm khảo thí ra đời. Những trung tâm này có thể nhận chuyển giao công nghệ thi cử từ các quốc gia có nền giáo dục thành công. Trung tâm khảo thí có thể do Bộ lập ra cũng có thể giao cho tư nhân (thu phí từ các thí sinh). Có thể có vài, ba trung tâm, nơi nào có uy tín, các trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi nhiều hơn, thí sinh sẽ đăng ký thi nhiều hơn.

Với mô hình này thì bộ máy “quản lý giáo dục” sẽ giảm tới mức tối đa, các chức năng phân loại, đánh giá chất lượng trường, ngay cả chức năng thanh tra giáo dục cũng có thể được tiến hành thông qua hiệp hội các trường ở trong và ngoài nước. 

Trả Các Cở Sở Giáo Dục cho Giáo Hội

Không nên coi đây là chính sách mới vì nó chỉ là một phần trong chính sách “xã hội hóa giáo dục” mà “Đảng và Nhà nước” đã chủ trương [2]. Năm 2005, Chính phủ đề ra các mục tiêu tham vọng, tới năm 2010, tỉ lệ học sinh ngoài công lập phải đạt: Nhà trẻ 80%; mẫu giáo 70%; trung học phổ thông 40%; trung học chuyên nghiệp 30%; các cơ sở dạy nghề 60%; đại học, cao đẳng khoảng 40%.

Tuy nhiên, tới năm 2011, theo số liệu thống kê của Bộ, tỉ lệ học sinh ngoài công lập cao nhất (ở bậc mẫu giáo) cũng chỉ đạt 48,2%; thấp nhất (ở bậc trung học cơ sở) chỉ đạt 0,6%; bậc đại học chỉ có 13,2%; cao đẳng gần 20%. Không chỉ vì thủ tục hành chánh quan liêu, một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ “xã hội hóa” chưa cao là bởi các tôn giáo, nguồn lực tiềm năng nhất, chưa được tham gia đầu tư giáo dục (từ bậc phổ thông cơ sở).

Ở miền Nam trước ngày 30-4-1975, sở dĩ hệ thống công lập khá mạnh là nhờ các trường tư thục đã gánh cho Chính phủ một phần quan trọng [3]. Phần lớn các trường tư thục là do các hiệp hội, đặc biệt, các tôn giáo đầu tư [4]. Sau ngày 30-4-1975, Chế độ mới đã công hữu hóa 1.087 trường tư, trong đó gồm tất cả trường học của Giáo hội công giáo và các trường Bồ Đề của Giáo hội Phật giáo.

Một nhà nước pháp quyền không thể “bảo kê” cho một tôn giáo nào, kể cả những tôn giáo đã đồng hành kể từ khi lập quốc. Không thể không coi gần 6 triệu giáo dân đang sống ở Việt Nam (6,87%) là công dân. Có thể, nếu trao các cơ sở giáo dục cho tôn giáo sẽ làm tăng tỷ lệ công dân “có đạo” trong tương lai. Nhưng điều đó chỉ giúp cho có nhiều hơn những người Việt Nam được học về luân lý.

Nên nhớ, các cố đạo là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Một chế độ tự tin không sợ sự đa dạng trong văn hóa và giáo dục. Không có Nhà nước nào có nhiều công cụ để trừng trị những ai muốn dùng trường học để “kích động bạo lực” hay “chia rẽ khối đoàn kết dân tộc” như Nhà nước hiện hành.

Hơn 90% các cơ sở giáo dục của Giáo hội nằm ở những thành phố lớn. Đa số đều là những trường lớn. Nếu những trường lớn này được trả lại cho giáo hội (công giáo và phật giáo) hoặc tư thục hóa thì nguồn ngân sách, thay vì tập trung cho những vùng mà người dân có khả năng chi trả cho con em mình, chia sẻ cho những vùng mà con em của chúng ta đang cần những bữa “cơm có thịt”, đang cần những mái trường không rách, dột.

Để Các Trường Đại Học Tự Chịu Trách Nhiệm

Một cơ sở giáo dục không thể tồn tại nếu người lập ra và quản trị nó không coi đó là một hoạt động kinh doanh vấn đề là sử dụng lợi nhuận để ăn chia hay đầu tư trở lại cho giáo dục. 

Chúng ta chưa có nhiều những cơ sở giáo dục phi lợi nhuận. Một trong những lý do là gần như những người không nghĩ tới lợi nhuận rất khó xin giấy phép mở trường. Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn, bất cứ ai mở trường (kể cả trường đại học) đều chỉ cần đăng ký với bộ máy hành chánh địa phương theo thủ tục hình thành doanh nghiệp (loại có điều kiện).

Thật phi lý khi việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư lại lệ thuộc vào cái gọi là “hội đồng quốc gia” bao gồm những người có những chuyên môn khác nhau, đa số rất xa lạ với chuyên môn của người mà họ ngồi xét duyệt. Bộ phải để cho các trường chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình. Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng biết rằng, bằng giả chỉ có thể chui vào “nhà nước” chứ” thị trường lao động” không bao giờ chấp nhận. Thị trường biết sự khác nhau giữa một “tiến sỹ Yale” với “tiến sỹ La Sella”; giữa một “giáo sư Bách khoa” với một “giáo sư hàng huyện”. 

Tuyển sinh là công việc của nhà trường, Bộ đặt ra điểm chuẩn là vừa lạm quyền vừa vô trách nhiệm với con em và xã hội. Về nguyên tắc, một một người đã học 12 năm mà không đủ khả năng học đại học thì hệ thống giáo dục phổ thông tồn tại để làm gì. Kỳ thi chỉ là cách để các trường tên tuổi tìm kiếm cho mình những sinh viên giỏi.

Với cách thi như hiện nay, không phải những ai trượt đại học đều vì học lực. Đừng để các em bỏ lỡ cơ hội vào đời. Đừng để các em sớm rơi vào một môi trường xã hội có quá nhiều tệ nạn.

Hiện chỉ mới có 40% học sinh tốt nghiệp phổ thông được học trong các trường đại học hay cao đẳng. Phụ huynh của 60% học sinh còn lại sẽ yên tâm hơn nếu, những ai chưa thể đi làm ngay, có một môi trường nhà trường dừng chân trong vài năm, trước khi con em họ chọn đúng ngành học và tìm được việc làm thích hợp.

Đừng tuyệt đối hóa môi trường đại học mà nên coi đó là một chặng dừng chân chuẩn bị của các em. Nên để cho các trường đại học được mở dễ dàng hơn. Đừng buộc các nhà đầu tư giáo dục phải có những điều kiện quá gắt gao. Thật phi lý khi yêu cầu những người mở trường đại học phải có 5 hecta đất trở lên bởi có những sự nghiệp giáo dục lớn lại chỉ bắt đầu từ một phòng học nhỏ.
Đừng đòi hỏi giáo viên phải có bằng thạc sỹ, tiến sỹ mà hãy để các trường tìm đúng những người mà sinh viên của họ cần. Đừng sợ các trường đại học “mọc ra như nấm”. Người học và thị trường lao động sẽ điều chỉnh chất lượng và phân loại các trường.

Lịch Sử và Chính Trị Là Các Môn Khoa Học

Với một quốc gia như Việt Nam thì việc tiếp tục dạy “chủ nghĩa Marx – Lenin” là cần thiết. Các thế hệ tiếp theo cần biết “ý thức hệ” đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua những “bước ngoặt” nào. Vấn đề là “Marx -Lenin” phải được tiếp thu không phải như một “giáo lý” mà phải như một môn khoa học và trở thành một phần của bộ môn triết học.

Thủ tướng cũng không nên quá lo ngại khi đụng chạm đến việc dạy và học “Marx -Lenin”. Vấn đề quan tâm lớn nhất trong Đảng hiện nay là quyền lực chứ không còn là lý luận. Ông có thể gặp phản ứng gay gắt một cách công khai nhưng ông sẽ có sự ủng hộ ngầm của tất cả học sinh, sinh viên và đặc biệt là của một thế hệ cán bộ ở hàng trung, cao cấp.

Cũng cần khảo sát để biết sinh viên đang “tiêu hóa” lịch sử Đảng và “triết học Marx – Lenin” ra sao. Thủ tướng nên bỏ thời gian chạy lên khuôn viên Học viện Chính trị Quốc gia. Không có sân trường nào có nhiều xe hơi hơn nơi đây. Ở đâu học sinh bị buộc phải có bằng chứng nhận cho một thứ kiến thức mà cuộc sống không còn cần ở đó các “cơ chế” sẽ vận hành bằng tiền bạc. Đa số cán bộ trong Đảng sẽ bỏ phiếu cho Thủ tướng nếu nhờ ông mà từ nay họ không phải xa nhà cả năm, “hầu hạ” các thầy để lấy bằng “cao cấp lý luận” trước khi đề bạt.

Nhà trường hiện đại không thể khép kín như một giáo đường. Anh không thể xây dựng một nền giáo dục mà không biết rằng học sinh, sinh viên từ lâu đã không chỉ học từ thầy mà còn có thể học từ internet. Lịch sử và chính trị là những môn khoa học, không thể tiếp tục bắt người học đón nhận theo cách của một tín đồ.

Nếu trong một môi trường giáo dục mà học sinh không thể tư duy độc lập và tập dượt khả năng suy xét (critical thinking) thì cho dù cả nước tốt nghiệp đại học và hàng triệu người có bằng tiến sỹ, dân trí ở đó cũng không thể được tính là cao được.

Cải cách giáo dục vì thế không thể lấy mục tiêu cho kỳ đại hội đang tới gần mà phải đặt nền móng cho tương lai của nhiều thế hệ.

[1] Sáng 25-2-2014,Thủ tương chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, tại phiên họp, Bộ Giáo dục và đào tạo đã trình bày dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục. Thủ tướng thống nhất thành lập Ủy ban.

[2] Nghị quyết số 05/2005/NQ–CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ban hàng ngày18/5/2005: “Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề NCL; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình NCL. Hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công”.

[3] Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học.

[4] Từ năm 1961-1975, Giáo Hội Công Giáo tại miền Nam có 145 trường trung học với 62.324 học sinh và 1.060 trường tiểu học với 209.283 học sinh (riêng tại giáo phận Sài Gòn có 56 trường trung học với 30.748 học sinh và 338 trường tiểu học với 91.870 họcsinh). Tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466.

Xem các tranh luận trên blog "Học Thế Nào".

Trở lại với "", giai đoạn từ năm 1945 - 1954:
Khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp vấp phải sự chiến đấu quật cường của nhân dân VN. Do đó, công việc chính của chúng là dùng vũ lực để mở rộng các vùng tạm chiếm đóng hòng tái lập chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, càng lúc cuộc kháng chiến của nhân dân VN càng lớn mạnh. Vì vậy, những chính sách về văn hóa - xã hội của thực dân Pháp tuy mục đích không thay đổi so với trước nhưng từng lúc lại có những nhượng bộ và nửa vời.
Việc học sinh người Việt vào các trường trung và tiểu học Pháp không bắt buộc phải có quốc tịch Pháp như trước. Mặt khác, do phong trào đấu tranh của quần chúng, của học sinh, sinh viên VN, thực dân Pháp nới rộng quy mô các trường công và cho phép mở thêm trường tư. Đến năm 1950, nhà cầm quyền cho công bố một chương trình sách giáo khoa VN, được áp dụng ở bậc tiểu học và trung học với chuyển ngữ là tiếng Việt như đã trình bày ở các bài trước, đây là nhượng bộ mang tính căn bản của thực dân Pháp trong vấn đề giáo dục ở Việt Nam. Dù vậy, nền giáo dục ấy vẫn què quặt “thiếu tính dân tộc, tính nhân dân và chưa thoát được sự lệ thuộc nước ngoài về văn hóa ”(Bùi Đức Tịnh, Giáo dục tại Thành phố từ trước đến sau ngày hoàn toàn giải phóng, tr. 433).
Ở tỉnh Biên Hòa, bên cạnh những trường học đã có từ trước, trong thời kỳ này, một số ít trường sơ cấp được nâng cấp thành trường tiểu học hoàn chỉnh. Riêng tại thành phố Biên Hòa, số trường có đông hơn. Đó là 3 trường tiểu học được nhà giáo Hồ Văn Tam - Hiệu trưởng Trường tiểu học tỉnh lỵ, Phó ty giáo huấn Biên Hòa - vận động thành lập, gồm: Trường sơ cấp Đồ Chiểu (nay là Trường PTTH bán công Chu Văn An), Trường sơ cấpTrịnh Hoài Đức (nay là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức), Trường sơ cấp Nguyễn Khắc Hiếu (nay là Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu).
Cũng tại thành phố Biên Hòa, vào năm 1947, một trường tư thục của người Hoa được mở, mang tên Trường tiểu học Dục Đức (nay là Trường THCS Hùng Vương), nhưng ban đầu Pháp văn được dùng làm chuyển ngữ, đến năm 1960, tiếng Việt mới là chuyển ngữ, Hoa văn là phụ.

Giai đoạn từ năm 1954 - 1975:
Xét về hình thức, từ năm 1954 - 1975, nền giáo dục ở vùng tạm chiếm miền Nam nói chung phát triển ào ạt và dần hình thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Từ nội dung, bản chất đến các mô hình giáo dục hoàn toàn khác trước. Đó là nền giáo dục thực dân kiểu mới.
Nhìn một cách toàn diện, nền giáo dục thực dân từ 1954 - 1975 ở miền Nam nhằm vào 3 mục đích chính: Biến giáo dục thành công cụ chiến tranh xâm lược; dùng giáo dục để duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa ở một xứ thuộc địa; dùng giáo dục để đầu độc thế hệ trẻ (Võ Quang Phúc: Âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ vào nền giáo dục phổ thông ở miền Nam Việt Nam; tr. 146   -   147). Do đó, chế độ ngụy quyền Sài Gòn, dưới sự ủng hộ của Mỹ, đã mở khá nhiều trường từ tiểu học đến đại học, tập trung trên 2,5 triệu học sinh, sinh viên và hơn 50 ngàn giáo chức (Thanh Nam; Sđd; tr. 96). Đó là chưa kể cả một hệ thống trường lớp của các tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài và quân đội. 
Ở nông thôn, việc thành lập các “Trường ấp tân sinh” nằm trong kế hoạch bình định, ép buộc đồng bào vào ấp chiến lược. Không phải một mà nhiều lần, các cố vấn Mỹ đã nói rõ mục đích giáo dục này: “Dự án giáo dục ấp tân sinh được thiết lập để... thu nhận trẻ con vào trường nhiều và nhanh chóng chương trình bình định” hoặc: ”Ngay từ buổi đầu, dự án giáo dục tiểu học ấp tân sinh được xem là vấn đề ưu tiên đối với USAID (United States Agency for International Development: Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) và chính quyền Việt Nam vì tầm quan trọng của nó trong chương trình bình định nông thôn” (Dự án giáo dục tại Việt Nam cộng hòa; USAID; Sài Gòn; 1966, dẫn theo Võ Quang Phúc; Sđd; tr.148). Bởi vậy, hầu như xã nông thôn nào chính quyền Sài Gòn chiếm được cũng đều có loại trường tiểu học này.
Còn ngược lại, chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 - 1971, toàn miền Nam có đến 7.987 trường tiểu học công và tư; 886 trường trung học công và tư. Riêng vùng Sài Gòn - Gia Định đã chiếm 13% (trường tiểu học) và 24 % (trường trung học) (VNCH, Niên giám thống kê giáo dục 1970   -   1971). Sự mất cân đối này cho thấy phần nào về thực chất cái gọi là “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” của chính quyền Sài Gòn. 
▪ Trong bài diễn văn khai mạc đọc trước Đại hội Giáo dục Toàn quốc ngày 10.10. 1964, GS Nguyễn Đình Hòa, Đại diện Ủy ban Vận động Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964 đã mạnh dạn nêu ra thực trạng của nền giáo dục lúc bấy giờ: “Chúng ta phải can đảm mà nhận chân một thực tại: đó là hiện trạng lâm nguy của nền giáo dục nước nhà… Đó là những khuyết điểm và nhược điểm của nền giáo dục của chúng ta trong hiện tại: tách xa thực tế, nặng tính chất từ chương, chịu ảnh hưởng sâu đậm của một chương trình học chính cũ kỹ của Pháp… Chúng ta chưa hề thực hiện được một cải cách sâu rộng nào trong lãnh vực giáo dục tự thời tự chủ cho đến hôm nay… ngoại trừ một vài sửa đổi nhỏ về chương trình ở các bậc học hoặc do sáng kiến cá nhân, hoặc nhằm nhượng bộ ảnh hưởng của một chế độ chính trị.
“Hậu quả là tình trạng bế tắc, không lối thoát, học sinh thoái bộ, mất tin tưởng, sinh viên ngỡ ngàng trước ngưỡng cửa Đại học. Nạn trí thức thất nghiệp đầy rẫy trong khi nước nhà vẫn thiếu chuyên viên ở nhiều lãnh vực” (Văn hóa nguyệt san, tlđd., tr. 414).  
▪ Trong bài thuyết trình “Những khuyết điểm của nền giáo dục hiện đại” đọc trước Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964, ông Nguyễn Chung Tú (GS Đại học Khoa học Sài Gòn) cũng mạnh dạn nêu rõ: “Nền giáo dục hiện nay của chúng ta có tính cách vay mượn, chịu ảnh hưởng ngoại lai, hay nói cho đúng hơn là một di sản của một nền giáo dục thực dân phong kiến: thiếu tính cách độc lập, thiếu tinh thần dân tộc, thiếu sự sáng tạo, không thiết thực với hoàn cảnh xã hội, không dựa trên nhu cầu của đất nước. Mà vì vậy cho nên thiếu hẳn một chính sách rõ rệt, dựa trên những căn bản vững chắc, không thấy có một kế hoạch lâu dài, có cải tổ cũng chỉ là đôi chi tiết.
“Cũng vì vậy mà chương trình không thống nhất, thay đổi tùy theo chánh phủ, bị cắt xén vì biến chuyển thời cuộc, trình độ mỗi ngày mỗi kém.
“Một khuyết điểm nữa của chương trình... là chương trình nặng về lý thuyết có tính cách từ chương, nhồi sọ, nặng về thi cử, cố học để đậu, đậu để kiếm cơm; xa thực tế, thiếu địa phương tính, không chú trọng tới cơ cấu địa lý, tới sắc thái địa phương, không sử dụng thiên nhiên địa phương, khoa học quan sát tại chỗ, không thực dụng, không hướng nghiệp, học sinh ít có giờ thực tập, trường kỹ thuật quá ít so với các trường phổ thông. Đã thế chương trình lại nặng và dài, một chương trình quá bao quát, nhưng chỉ trọng trí dục thôi mà nhẹ phần đức dục và thể dục.
“Đến khi thực hiện thì thiếu phương tiện tổ chức và điều hành:
- “Trường ốc thiếu nên lớp quá đông, số giờ học bị hạn chế, thời khắc biểu không hợp lý, rất ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh mà kết quả lại kém.
- “Giáo chức không đủ nên có giáo sư dạy quá nhiều giờ một tuần; thiếu giáo sư chuyên môn, nhất là về những môn vẽ, nhạc, thủ công, gia chánh, nên việc sử dụng giáo chức nhiều khi không hợp lý; thiếu đoàn thanh tra nên việc huấn luyện, tu nghiệp giáo chức không được chu đáo; một số giáo chức kém tác phong và thiếu thiện chí.
- “Phòng thí nghiệm khoa học quá ít và sơ sài, dụng cụ thính thị dạy sinh ngữ thiếu thốn, sách giáo khoa không thống nhất...
- “Thi cử choán mất nhiều thì giờ của học sinh và giáo chức. Học sinh lo thi rớt, nếu đậu lo thất nghiệp, lên Đại học vấp vào chuyển ngữ (ý nói lúc bấy giờ một số môn khoa học ở bậc Đại học vẫn có nơi còn dạy bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu tiếng Pháp – TVC). Giáo chức gần như không có nghỉ hè, hết khóa thi I đến khóa thi II (ý nói thi Tú tài I và Tú tài II-TVC)...
- “Không cởi mở công tác giáo dục cho giới tư thục, giới phụ huynh học sinh và nhân sĩ tham gia thực sự, không tạo được bầu không khí thân mật ở học đường như ở gia đình; học đường và gia đình thiếu liên lạc chặt chẽ, đa số phụ huynh thờ ơ với vấn đề giáo dục gia đình, phó thác cả cho học đường, thường có mâu thuẫn và hiểu lầm giữa phụ huynh và giáo chức” (Văn hóa nguyệt san, tlđd., tr. 428-429).
▪ Trong bài thuyết trình “Dự án hệ thống giáo dục” của ông Trần Văn Kiện (đã dẫn trên), tác giả lại nêu ra:
- Nền giáo dục của chúng ta hiện thời thiếu tính cách thuần nhất trong cơ cấu tổ chức và trong sự phân phối chương trình giữa ba cấp học, thiếu sự phối hợp để chương trình học được liên tục, và giúp người thanh niên tiến điều hòa từ bậc nọ sang bậc kia.
- Không sát với thực trạng và nhu cầu địa phương. Tuy có những cải cách lẻ tẻ, nhưng... vẫn chưa thoát ly những cơ cấu tổ chức và chương trình học của thời Pháp thuộc để lại. Do đó, người thanh thiếu nhi trong học đường thường bị tách rời ra khỏi hoàn cảnh sinh hoạt trong địa phương mình, xứ sở mình. Học và hành thiếu phối hợp, thành ra những kiến thức thâu thập trong học đường không giúp ích được cho công cuộc sinh hoạt trong đời sống...
- Thiếu quan niệm và tổ chức hướng họchướng nghiệp.... Không chú trọng khai thác năng khiếu của đứa trẻ... Không đủ chú trọng tới việc huấn luyện chuyên nghiệp. Tâm lý trọng văn khinh nghề đã có từ lâu trong dĩ vãng, và là một nguyên nhân sâu xa cho tình trạng chậm tiến và thiếu mở mang trong công cuộc phát triển kinh tế của xứ sở. Ngay tại các trường chuyên môn và kỹ thuật hiện hữu, chương trình học cũng nặng phần lý thuyết, kém phần thực tập....     
- Nền giáo dục của ta tuy phát triển rất mau về số lượng, nhưng đã thiếu một chính sách hướng dẫn và một kế hoạch tổ chức để thích ứng với nhu cầu quốc gia và khai triển khả năng của thế hệ thanh niên đến cực độ…” (Văn hóa nguyệt san, tlđd., tr. 432-433).

Năm 1969, ông Nguyễn Quỳnh Giao, giáo viên Trường Trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng ở Sài Gòn, đã tự động làm một cuộc phỏng vấn về vấn đề CẢI TỔ TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM, bằng cách gởi một bức thư tâm huyết gồm 5 câu hỏi đến 11 nhà giáo dục tiêu biểu của miền Nam, yêu cầu họ cho biết ý kiến. Những người được thư phỏng vấn gồm có: Linh mục Cao Văn Luận (Giáo sư môn Triết, sáng lập và điều khiển Viện Đại học Huế), Thượng tọa Thích Minh Châu (Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh), Thượng tọa Thích Đức Nghiệp (Hiệu trưởng Trung học tư thục Vạn Hạnh), Giáo sư Trần Văn Quế (Giáo sư Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn), Giáo sư Trần Văn Từ (Hiệu trưởng Trung học tư thục Phan Sào Nam, Sài Gòn), Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (Giáo sư Học viện Quốc gia Hành chính, Đại học Luật khoa Cần Thơ và Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ và Sài Gòn), Bác sĩ Trần Ngọc Ninh (Giáo sư Y khoa Đại học Sài Gòn, nguyên Tổng ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục 7.1965 đến 7.1966), Bác sĩ Hoàng Văn Đức (Cựu Giám đốc Trường Đại học Quân y), Giáo sư Nguyễn Văn Phú (Hiệu trưởng Trung học tư thục Trần Hưng Đạo, Sài Gòn), Giáo sư Vũ Quốc Thông (Giáo sư Đại học Luật khoa Sài Gòn và nhiều nơi khác), Võ sư Lê Sáng (Tổng thư ký Quyền thuật Việt Nam, Chưởng môn Việt võ đạo…).
     Sau đó, tác giả lại cho tập hợp các bài trả lời phỏng vấn để in thành sách với nhan đề Cải tổ giáo dục do NXB Thăng Tiến ấn hành tháng 3. 1970, xinh trích một số đoạn:
▪ Chương trình Trung học cũng như ở Đại học là hoàn toàn do Pháp đặt ra… Kịp đến năm 1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, ông Hoàng Xuân Hãn chỉ có công là dịch ra, chuyển ra từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thế thôi, có thêm bớt gì đâu. Cho đến nay đã trên 20 năm vẫn chưa có cuộc cải tổ sâu rộng như nhiều người mong muốn, đủ hiểu là “chậm tiến” quá… (Cao Văn Luận, tr. 17-18).
▪ Nền giáo dục và chính sách giáo dục hiện tại đã quá lỗi thời… Chỉ là hậu thân của chương trình giáo dục Pháp suốt gần một thế kỷ mà họ cai trị… Đó là một thứ bã mía mà người ta bỏ lại, mình đâm đầu ra hít lấy tưởng là ngon, là bổ nhưng rút cuộc toàn là cặn bã cả (Thích Đức Nghiệp, tr. 45).
▪ Muốn đánh giá giá trị một nền giáo dục thì phải xét hiệu suất và hiệu dụng của nó, tức là xét xem tổ chức, giảng dạy và học tập cho kết quả được bao nhiêu và những người đã hấp thụ nền giáo dục ấy làm được những gì và sống như thế nào. Chiếu theo tiêu chuẩn ấy thì hiệu suất giáo dục ở nước ta hiện nay cũng hơi kém và hiệu dụng thì kém hơn nữa (Trần Văn Từ, tr. 69).
▪ Từ khi thâu hồi độc lập, Việt Nam Cộng hòa chưa nêu ra được một chánh sách giáo dục thích ứng, xứng đáng với một quốc gia tân tiến. Dưới khẩu hiệu Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng, người ta đã thật sự xây dựng một nền giáo dục có tính cách vá víu từ chương xa rời thực tại, không đáp ứng nhu cầu của dân tộc. Thậm chí đến việc điển chế danh từ để dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ trong việc giảng huấn (ở một số môn khoa học tự nhiên thuộc cấp Đại học… TVC) cũng không giải quyết xong…. Lại còn sách giáo khoa nữa. Thực là hỗn loạn: lượng thì khá đấy nhưng còn về phẩm?... Ta thấy học đường từ bao năm nay hoàn toàn biệt lập với cuộc đời, không khác một ốc đảo trơ trọi, nằm lạc lõng giữa xã hội… Các cô Tú, cậu Tú (tú tài) bây giờ, khi viết tiếng mẹ đẻ (ngoại trừ một số ít) còn thì “văn bất thành cú”. Lỗi ấy không phải tại họ mà do ở chương trình Việt văn hiện tại… Vả lại, chương trình Việt văn ở bậc Trung học Đệ nhất cấp quá nặng về Cổ văn…, cho nên các em mới lúng túng trong khi chọn tiếng, đặt câu. Tôi nghĩ rằng từ Đệ thất (lớp 6 bây giờ - TVC) đến Đệ nhất (lớp 12 bây giờ - TVC) nên cho học toàn Kim văn…, còn Cổ văn hãy dành cho sinh viên ở Đại học Văn khoa… Nước ta, hiện giờ cũng chớm có khủng hoảng ở hai ngành: Dược và Luật. Mỗi đường phố chỉ cách nhau năm, mười nhà lại có một tiệm thuốc tây. Bên Luật, số sinh viên tốt nghiệp cũng khá nhiều. Cứ cái đà này, trong vòng năm, mười năm nữa sẽ có nhan nhản những vị cử nhân luật khoa. Làm sao mà giải quyết công ăn, việc làm cho họ được… (Nguyễn Ngọc Huy, tr. 76-81). 
▪ Hai mươi năm vừa qua đã làm cho thấy: nền giáo dục đã thất bại trong việc phát huy văn hóa dân tộc, đã thiếu sót trong sự chuẩn bị cho thế hệ mới để đương đầu với thời cuộc, đã không tạo ra được một lớp người lãnh đạo có đủ tài, đức để hướng dẫn quốc gia, đã không ảnh hưởng thực sự vào đời sống kinh tế.
Cũng từ hai mươi năm qua, miền Nam vẫn còn vật lộn với hệ thống giáo dục độc đạo của người Pháp để lại, với chương trình nặng nề và thuần túy của thời tiền chiến cùng tinh thần khoa cử để lại từ ngàn xưa.
Trong khoảng đất của giáo dục, tình hình thực là đen tối: kỷ luật học đường gần như không còn nữa. Cả một thế hệ nghi vấn về vai trò hướng dẫn của đàn anh. Học trò quyết định, thầy giáo cúi đầu. Nghề dạy học đang xuống dốc để trở thành một nghề buôn, trong đó có cả những gian thương giáo dục như mọi nghề buôn bán khác. Đến nay lòng tin đã mất hẳn.
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay không có tính cách dân chủ và cũng không sửa soạn dân chủ… Nói riêng về vấn đề đem dân chủ vào giáo dục và dùng giáo dục để xây dựng dân chủ, chúng ta phải thay đổi cả những quan niệm cũ về đứa trẻ, bỏ những phương pháp giáo dục dựa vào uy quyền và độc đoán trong việc đào luyện đức tính, đồng thời mở mang trí thức và luôn luôn để một cái cửa ngỏ nhìn về tương lai (Trần Ngọc Ninh, tr. 91-95).
▪ Nếu nhìn vào những tác phong và trình độ học vấn chung của các thiếu nhi và thanh niên nam, nữ hiện tại, nhất là ở các đô thị thì ta bắt buộc phải kết luận rằng trong những năm gần đây nền giáo dục của chúng ta không có một giá trị nào. Cảm tưởng chung là một sự vô giáo dục, vô chính sách hoàn toàn…
Còn những khuyết điểm nhỏ thì xin miễn bàn. Như việc chỉ chăm lo đưa ra những chương trình mà không lo đào tạo những chuyên viên giáo dục có nhiệm vụ thực hiện chương trình đó. Như việc thay đổi nhất loạt các giáo chức theo cảm tình hay quyền lợi, phe phái. Như việc không lo cho các giáo chức một quy chế bảo đảm cuộc sống của họ trước sự thăng trầm của những tùy hứng chính trị…. Như việc không đem áp dụng những bài học công dân trong khi ai cũng nói rằng cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh chính trị, chiến tranh toàn diện, chiến tranh ý thức hệ… Như việc thiếu sót một chương trình huấn luyện những người lớn thất học về mọi mặt. Như việc giáo dục công dân cho công chúng ngoài học đường, ngay trong các sinh hoạt thường ngày của họ. Như việc [không có] giáo dục một đời sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe chung của nòi giống và dân tộc…
Khuyết điểm lớn là không có một tiêu chuẩn văn hóa rõ ràng cho nên không thể có một chính sách giáo dục hữu hiệu... (Hoàng Văn Đức, tr. 102 và 110-111).
▪ Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang đứng bên lề lịch sử. Nó sẽ là một thành phần “cô đơn” và nói mạnh hơn: nó sẽ phá sản. Nó sẽ huấn luyện được những thế hệ thanh niên có thể có kiến thức chuyên môn nhưng không có căn bản tư tưởng, điều kiện cần thiết để phục vụ đứng đắn… (Nguyễn Văn Phú, tr. 121).
▪ Có chính sách hay, vạch rõ được mục tiêu chính xác nhưng tiếc rằng lại không thực hiện được chính sách đó. Do đó nền giáo dục của ta vẫn ở trong tình trạng hết sức bi đát, không đáp ứng được nhu cầu đối kháng (ý nói với CS - TVC) và phát triển của dân tộc. Thảm trạng đó của nền giáo dục có thể tóm tắt như sau: (a) Thiếu thuần nhất trong cơ cấu tổ chức, trong sự phân phối chương trình; (b) Không sát với thực trạng và nhu cầu địa phương; (c) Không chú trọng đến việc khai thác năng khiếu; (d) Không chú trọng đầy đủ tới việc huấn luyện chuyên viên. Dung dưỡng tâm lý trọng văn, khinh nghề (Vũ Quốc Thông, tr. 138).
Hiện trạng giáo dục của chúng ta đã hoàn toàn “yếu” về hai mặt Đức dục và Thể dục, và gần như chỉ chú trọng tới phương diện Trí dục. Chính sách giáo dục yếu kém đã làm sống lại lối học cử nghiệp của các sĩ tử thời phong kiến với những mục đích học hỏi thật đơn giản: để thi đỗ, làm quan (giúp nước) vinh thân phì gia v.v… Đó là chúng ta chưa nhắc đến tình trạng gửi sinh viên đi du học ngoại quốc đã sai lầm từ những tiêu chuẩn tuyển chọn đến việc phân phối ngành học, khiến chúng ta phải chịu nhiều tai tiếng.
Tới vấn đề trường ốc và giáo chức, hiện trạng giáo dục của ta cũng bị nhiều thiệt thòi lớn do chiến tranh mang lại… (Lê Sáng, tr. 150).

Trong bài thuyết trình “Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục” đọc tại phiên họp thường niên Hội đồng Quốc gia Giáo dục vào tháng 3.1965, ông Nguyễn Khắc Hoạch, Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn, đại khái cho rằng đã có lý thuyết hay, cao siêu nhưng cần quay lại để nhìn bước đường thực tế đã qua, mà về ngành giáo dục thì đã không ngớt chịu lời chỉ trích về những khiếm khuyết như thiếu cán bộ, thiếu trường sở và học liệu, thi cử nặng nề, phiền toái, đạo đức học đường suy vi, giáo dục thiên về từ chương và không hữu hiệu… (xem Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970, tr. 72-73).
Về những khuyết điểm/ sai lầm căn bản chung của cả nền giáo dục, đã có hàng chục bài báo nêu ra phân tích, góp ý, nhưng tựu trung có thể quy vào một số điểm quan trọng: (1) Thiếu một kế hoạch dài hạn và quy mô; (2) Thiếu một cơ cấu tổ chức hữu hiệu; không đủ trường ốc và một đội ngũ sư phạm được huấn luyện chu đáo; (3) Giáo dục thiếu thực dụng, không đáp ứng thích hợp nhu cầu phát triển mọi mặt của quốc gia, đặc biệt về phương diện kinh tế; (4) Áp dụng một chương trình học sai lầm, lạc hậu. 
Riêng về đời sống giáo chức, kể từ sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, chiến sự leo thang, nội bộ chính trị lộn xộn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của họ có xu hướng ngày càng sa sút. Có đến hàng chục, hàng trăm bài báo, cuộc hội thảo tố cáo tình trạng sinh hoạt giáo chức rớt xuống tới mức thê thảm, đặc biệt đối với giáo chức bậc tiểu học, đa số đều có cuộc sống thấp kém: “So với những công chức khác cùng một ngạch trật, giáo chức [tiểu học] là người nghèo nhứt vì phải chi phí nhiều cho nghề nghiệp, không có phương tiện để gây thêm tài chánh, và vì sĩ diện nên đành sống kham khổ để khỏi hổ với lương tâm… Nhiều người không đủ can đảm theo đuổi nghiệp giáo nên đã bỏ nghề. Nhiều người phải tìm việc làm khác ngoài nghề dạy học mới có thể nuôi sống gia đình. Bi đát hơn, có nhiều giáo chức làm nghề ‘lái xe ôm’ ở đô thành và ở tỉnh… Trong hoàn cảnh hiện tại, giá trị tinh thần nói chung, uy thế của giáo chức nói riêng đã sút giảm nhiều; thiện chí cùng lương tâm của giáo chức cũng phai dần với thời gian…” (“Hiện trạng nền tiểu học Việt Nam”, Các vấn đề giáo dục, Trẻ xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr. 39-43).
Đã vậy, trước sau vẫn chưa có Luật Giáo dục hoặc ít nhất một Quy chế Giáo chức để đảm bảo quyền lợi của giáo giới. Trong cuộc hội thảo “Một vài khía cạnh liên quan đến đời sống giáo chức” do Tổng hội Giáo giới Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn ngày 19.7.1970, thuyết trình viên Hoàng Lý Phúc đã đặt vấn đề căn bản là giáo dục Việt Nam không có chính sách vì không dựa vào một đạo luật về giáo dục: “Đạo luật giáo dục không có, chính sách cũng không, nền giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Giáo chức Việt Nam chính là nạn nhân của chính sách giáo dục vô chính sách này, và lãnh nhận mọi hậu quả như: uy tín giáo chức không còn; có sự phân chia và bất bình đẳng trong hàng ngũ giáo chức; tư thục biến thành cơ sở thương mại và giáo chức tư thục bị chủ trường bóc lột; giáo chức công lập lo dạy tư và lơ là bổn phận chính của mình; sự khinh thường trong việc đào tạo ở các lớp dưới; giáo chức tiểu học bị nhiều thiệt thòi; tiền thưởng sư phạm quá chênh lệch; giáo chức bị hiệu trưởng và người ngoài hiếp đáp (phê điểm, hành hung…) và rất nhiều hậu quả khác” (bản tin của nhật báo Chính luận ngày 20.7.1970, được đăng lại trên http://gslhcm.org.vn/libol/attach/doc/doc20070803JXXJ.pdf).      
Về đời sống sinh viên học sinh cũng chẳng tốt lành gì hơn. Học sinh cấp I, II đa số nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn bị chiến tranh tàn phá; một tỷ lệ khá lớn khi vào cấp II phải học trường tư vì không đậu được vào cuộc thi tuyển lớp Đệ thất trường công, rồi lại phải chịu cái ách thi cử nặng nề trong các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài I…
Nhiều bài báo đã tả lại cảnh khốn khổ của sinh viên đại học, đặc biệt ở ba ngành Luật khoa, Văn khoa và Khoa học: họ phải thức khuya dậy sớm để đến trường giành chỗ ngồi; ngày giờ học thì tùy theo sự thuận tiện của các giáo sư “chạy xô” và sự sắp xếp của nhà trường, bất kể ngày chủ nhật hay ngày lễ. Tốt nghiệp ra chưa chắc có việc làm thích hợp… (xem Trần Văn Trí, “Từ ước mơ đến thực tế”, tập san Minh Đức, số 1&2 tháng 6&7.1972, tr. 52).
Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng thối nát trong những năm 70 cũng đã bắt đầu len lỏi vào ngành giáo dục với một số trường hợp được báo chí và dư luận đưa ra ánh sáng, càng làm mất thêm niềm tin chung của người dân về tính lành mạnh và thiện chí của bộ máy lãnh đạo ngành giáo dục.
     ….
Trên đây đã liệt kê ra quá nhiều cái lỗi của nền giáo dục miền Nam 1954-1975 theo nhãn quan của chính các nhà hoạt động văn hóa giáo dục thời đó. Một số lỗi như thiếu một chính sách giáo dục rõ rệt, chương trình vá víu, lối học từ chương lỗi thời tách rời chuyên môn kỹ thuật và nhu cầu phát triển kinh tế… đã được lặp đi lặp lại trong ý kiến phát biểu của những người khác nhau, nhưng tựu trung đều “chúng khẩu đồng từ” và cũng từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải cải tổ toàn diện nền giáo dục.
     Trong bài thuyết trình “Những khuyết điểm của nền giáo dục hiện đại” trước Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964 (đã dẫn trên), GS Nguyễn Chung Tú đã đưa ra kết luận bằng cách trích dẫn lời nhận định của chính ông Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục đương thời Bùi Tường Huân, đoạn kết luận khá là gay gắt:
“Tình trạng giáo dục nước ta quả thật là bi đát! Không có chính sách rõ rệt, hệ thống lạc hậu, chương trình ôm đồm vá víu, cơ sở thiếu thốn…
“Thêm vào đó, thái độ tắc trách, buông xuôi của một số giáo chức, lòng nghi ngờ thiếu tin tưởng cùng tinh thần khoa cử của một số sinh viên, học sinh.
“Đấy chẳng qua chỉ là hậu quả tất nhiên của một chế độ bất công.
“Vậy phải cấp thiết cải tổ, phải kiện toàn các cơ cấu giáo dục từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc” (Văn hóa nguyệt san, tlđd., tr. 429).
Một dân biểu Quốc hội thời đó đã cực lực mạt sát, phê phán không tiếc lời về học đường như sau: “Học đường hỗn độn đảo lộn thê thảm vô kỷ luật không còn tôn ti trật tự. Học trò thì du đãng, du côn, xấc láo. Cha mẹ chửi thầy, đánh thầy, [học sinh] bãi khóa, bãi thi, xuống đường hoan hô đả đảo sa đọa bi quan. Học sinh không còn tin tưởng gì ở thế hệ đàn anh, trái lại còn khinh bỉ nhục mạ vì tư cách nô lệ bợ đỡ người trên đàn áp kẻ dưới, bán đề thi ăn tiền, chạy chọt thi cử. Giáo dục trở thành một nghề buôn, đàn anh là các tay đầu cơ gian thương. Học sinh không tin tưởng gì nữa thì chúng ta dạy cái gì đây. Tóm lại nền giáo dục Việt Nam đã hoàn toàn thất bại và đang đi dần đến chỗ phá sản” (dẫn lại theo Hà Văn Kỳ, “Giáo dục trong chiều hướng phát triển quốc gia”, Tập san Minh Đức, Số ra mắt 1 & 2, tháng 6 & 7.1972, tr. 159).       
Tại địa bàn tỉnh Biên Hòa vào thời kỳ chính quyền Sài Gòn Mỹ - ngụy phân thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy. Sự phát triển giáo dục như sau.
- Tỉnh Long Khánh được chính quyền Sài Gòn thành lập theo sắc lệnh số 143 - NV, ngày 22­ - 10­ - 1956, nhưng đến ngày 19­ - 4­ - 1957 mới chính thức ra đời. Ban đầu, tỉnh có 2 quận (Xuân Lộc và Định Quán) sau năm 1974 nâng lên thành 4 quận, địa bàn bao gồm các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, phần lớn huyện Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai ngày nay. 
Khi còn là một quận của tỉnh Biên Hòa, trước năm 1954, vùng Long Khánh chỉ có 1 trường tiểu học do người Pháp xây dựng với 2 phòng. Về sau, đây chính là trường tiểu học tỉnh lỵ Long Khánh (nay là Trường tiểu học Kim Đồng, thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh). Đến giữa năm 1957, toàn tỉnh Long Khánh cũng mới chỉ có 5 trường tiểu học bậc công lập với 8 giáo viên và 420 học sinh. Bậc trung học không có (Tư liệu từ các cuốn: Địa phương chí tỉnh Long Khánh, các năm 1968, 1972 của Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh xuất bản và lời kể của các nhà giáo ở huyện Long Khánh, nhất là ông Đặng Huy Bí,Hiệu trưởng Trường tiểu học tỉnh lỵ, Thanh tra tiểu học tỉnh Long Khánh).
- Bậc tiểu học: được xem là phát triển nhất trong nền giáo dục Mỹ - ngụy. Ở tỉnh Long Khánh, từ năm 1963 có sự “bùng nổ” về các loại hình trường tiểu học. Theo Địa phương chí tỉnh Long Khánh, năm học 1967 - 1968, toàn tỉnh có 59 trường công lập gồm 26 trường tiểu học, 11 trường sơ cấp và 22 trong ấp tân sinh, 25 trường tư thục gồm: 14 trường tiểu học, 14 trường sơ cấp và 1 trường học nghề. Tổng số học sinh: 24.844, trong đó công lập có 16.300 học sinh; tư thục 8.544 học sinh. Cả tỉnh có 503 giáo viên bậc tiểu học.
Theo ông Đặng Huy Bí, nguyên Thanh tra tiểu học tỉnh, đến năm 1975, tỉnh Long Khánh có gần 70 trường tiểu học nhưng chỉ có 18 trường tiểu học hoàn chỉnh dạy đầy đủ từ lớp Năm đến lớp Nhất thuộc hệ công lập. Trong bản lương giáo viên tiểu học của tỉnh có 1.000 người. Thời gian này, các trường tư thục phát triển khá mạnh, hầu như giáo hội tôn giáo nào cũng mở trường, nhất là Công giáo. Hầu như xứ đạo nào cũng có mở một vài lớp sơ cấp, dạy từ lớp Năm đến lớp ba, ngay trong nhà thờ.
- Bậc trung học: cũng như nhiều tỉnh ở miền miền Đông Nam bộ, tại Long Khánh, phát triển muộn.
+ Trường trung học tỉnh Long Khánh được thành lập vào năm 1958, đặt tại Trường tiểu học tỉnh lỵ, có 2 lớp đệ thất (lớp sáu) với 100 học sinh. Những năm đầu, trường mang tên Trường trung học Lê Thánh Tôn, do ông Trần Nhơn Kiệt, lúc bấy giờ là Trưởng ty tiểu học tỉnh kiêm chức cho đến năm 1962 mới có hiệu trưởng mới. Từ năm 1960, trường lấy tên Trường trung học tỉnh Long Khánh. Vào năm 1959, trường được xây dựng cơ sở mới nhưng vẫn nằm trong khuôn viên của Trường tiểu học tỉnh lỵ. Sau đó, trường học cả hai nơi là Trường tiểu học Kim Đồng và Trường trung học dân lập Văn Hiến ngày nay. 
Đến năm học 1967 - 1968, Trường trung học tỉnh Long Khánh có 13 lớp, từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhất (lớp 12), với 539 học sinh và 20 giáo viên.
+ Trường trung học công lập Gia Kiệm được thành lập từ năm 1966, đặt ở xã Gia Kiệm, quận Kiệm Tân. Đây là một trường trung học đệ nhất cấp, tức là dạy từ lớp đệ thất đến đệ tứ, tương đương với trường trung học cơ sở ngày nay. Vào năm học 1967 - 1968, trường này chỉ mới có 2 lớp với 80 học sinh.
+ Các trường trung học tỉnh hạt. Từ năm 1972, chính quyền Sài Gòn cho ra đời một loạt các trường “trung học tỉnh hạt”, đặt ở những vùng không phải đô thị nhưng quần cư. Đây là các trường trung học đệ nhất cấp nằm trong hệ thống công lập. Ở tỉnh Long Khánh, có 5 trường trung học tỉnh hạt gồm Bảo Định, Bình Khánh, Dầu Giây (quận Xuân Lộc), Bình Hòa (quận Kiệm Tân), Phương Lâm (quận Định Quán).
+ Các trường trung học bán công. Toàn tỉnh Long Khánh chỉ có 2 trường trung học bán công. Trường trung học bán công Xuân Lộc được thành lập vào năm 1962, đặt ở tỉnh lỵ ở vị trí nay là Trường mẫu giáo An Bình, thị trấn Xuân Lộc. Sau năm 1970, trường này mới có những lớp đệ nhị cấp. Vào năm 1968, trường có 6 lớp đệ nhất cấp với 500 học sinh. Việc thành lập trường này có nhiều điểm đặc biệt. Kinh phí xây dựng một phần chính quyền cấp và dân đóng góp nhưng phần lớn lại do tỉnh bán số cây gỗ trái phép bị tịch thu. Hội đồng quản trị do Tòa hành chánh tỉnh nắm; hiệu trưởng là người được Tỉnh trưởng giới thiệu để Bộ giáo dục bổ nhiệm. Trường thứ hai là Trung học bán công Định Quán nằm ở quận Định Quán, được thành lập sau năm 1970, chỉ có các lớp đệ nhất cấp.
+ Các trường trung học tư thục. Gồm 6 trường tư thục trung học đệ nhất cấp, tập trung ở hai quận Xuân Lộc và Kiệm Tân. Quận Xuân Lộc có các trường: TH tư thục Bồ Đề (nay là Trường THCS Hồ Thị Hương), TH tư thục Tin Lành (nay là Trường tiểu học Trần Phú), TH tư thục Hòa Bình (nay là Trường tiểu học Hòa Bình), TH tư thục Đồng Tâm (Trường THCS Xuân Tâm). Quận Kiệm Tân có 2 trường: Trung tiểu học MonicaTrung tiểu học Bùi Chu. Trong số các trường tư thục kể trên, Trường trung tiểu học Monica (ở xã Gia Kiệm) được hình thành sớm nhất (trước năm 1965), do các linh mục trực tiếp điều khiển; vào năm học 1965 - 1966 có 11 lớp với 772 học sinh và 14 giáo viên; năm học 1967 - 1968 có 14 lớp với 950 học sinh. Điểm đáng chú ý nữa là trong số 6 trường trung học tư thục có đến 4 trường của giáo hội Công giáo, 1 trường của Hội thánh Tin Lành và 1 trường của Phật giáo.
Như vậy, trước năm 1975, ở tỉnh Long Khánh có 15 trường trung học, gồm: 7 trường công lập, 2 trường bán công và 6 trường tư thục. Trong số 15 trường này chỉ có 5 trường có các lớp đệ nhị cấp là TH tỉnh Long Khánh, TH bán công Xuân Lộc, TH tư thục Hòa Bình, TH Bồ Đề và trung - tiểu học Monica.
- So với Long Khánh, tỉnh Biên Hòa đã có một bề dày về sự phát triển giáo dục. Từ khi Long Khánh trở thành một tỉnh, địa bàn tỉnh Biên Hòa có 6 quận: Tân Uyên, Công Thanh, Đức Tu, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch. Dân số tỉnh Biên Hòa năm 1970 là 469.114 người, gấp 3 lần tỉnh Long Khánh (Nguyễn Đình Đầu; Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam kỳ lục tỉnh; tr. 116 - 121). Dưới chế độ Sài Gòn, Biên Hòa được đánh giá là tỉnh lớn nhất miền Đông Nam kỳ. Do đó các bậc học phổ thông về số lượng đều phát triển.
- Bậc tiểu học:
Thời Pháp thuộc, các trường tiểu học hoàn chỉnh của tỉnh Biên Hòa xưa đều nằm trên địa bàn của tỉnh Biên Hòa (sau 1975). Vào năm 1960, tỉnh Biên Hòa đã có nhiều trường tiểu học đặt ở tỉnh lỵ (xã Bình Trước) và các xã đông dân như: Bửu Hòa, Hố Nai (quận  Đức Tu), Đông Hòa (Dĩ An), Đại Phước, Phú Hội, Phước Thọ (Nhơn Trạch), Uyên Hưng (quận  Tân Uyên)... Ở các xã khác đều có trường sơ cấp. Ngoài ra, các cơ quan quân sự: Không quân, Sư đoàn 7 bộ binh ngụy, Dưỡng Trí Viện đều thành lập trường sơ cấp. Còn tại tỉnh lỵ và các quận lỵ cũng đã hình thành những trường tư thục bậc tiểu học và sơ cấp (Lương Văn Lựu; Biên Hòa sử lược; tr. 88   -   89).
Đến năm 1973, theo Địa phương chí tỉnh Biên Hòa, các trường tiểu học công lập (các loại trường) đã có ở tất cả 65 xã trong tỉnh (các số liệu giáo dục tỉnh Biên Hòa được lấy từ tài liệu trên):

CÔNG LẬP
 TRƯỜNG
 HỌC SINH
GIÁO VIÊN
 LỚP HỌC
Sơ cấp
 97
 15.880
 284
 358
Tiểu học
 92
 70.665
 1.166
 1.273
Quân đội
 13
 3.678
 73
 85
Mẫu giáo
 1
 295
 8
 8
Nữ công

 67
 4
 2
Tổng cộng
 204
 90.585
 1.535
 1.726
Ngoài ra, tại tỉnh Biên Hòa thời gian này cũng có nhiều trường tiểu học tư thục được mở:
TƯ THỤC
TRƯỜNG
HỌC SINH
GIÁO VIÊN
LỚP HỌC
Sơ cấp
 28
 3.691
 55
 78
Tiểu học
 20
 10.332
 132
 172
Học nghề
 2
 54
 2
 2
Nữ công
 1
 32
 1
 1
Tổng cộng
 51
 14.109
 190
 253
Như vậy, đến năm 1973, tỉnh Biên Hòa có 104.694 học sinh tiểu học và 1.725 giáo viên.
- Bậc trung học:  ở tỉnh Biên Hòa bắt đầu hình thành từ năm 1956 với sự ra đời của Trường trung học Ngô Quyền. Từ đó, hệ thống các trường trung học lần lượt ra đời.
+, Trường trung học Ngô Quyền thành lập vào năm 1956, nhờ có sự vận động của nhà giáo Hồ Văn Tam, Hiệu trưởng Trường tiểu học tỉnh lỵ, đồng thời là Thanh tra tiểu học tỉnh Biên Hòa. Trường tiểu học tỉnh lỵ đã cắt 3 phòng học để Trường trung học Ngô Quyền mở 3 lớp đệ thất. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là ông Phạm Văn Nga, Trưởng ty giáo dục tỉnh Biên Hòa, nhưng ông Hồ Văn Tam là người điều hành mọi công việc. Các thầy giáo kỳ cựu nhất của Trường tiểu học Nguyễn Du như: Phạm Văn Tiếng, Đinh Văn Sái, Bùi Quang Huệ được cử sang đứng lớp. Nhiều bộ môn trường phải mời thầy giáo từ Sài Gòn về dạy. Những năm học sau, do số học sinh đông, trường phải điều một số lớp sang học ở Trường nữ tiểu học và Trường nữ công gia chánh.
Đến năm 1960, chính quyền Sài Gòn mới cho xây dựng một cơ sở riêng cho trường, nằm ở vị trí của Trường PTTH Ngô Quyền hiện nay. Cũng năm này, Trường trung học Ngô Quyền mới có một hiệu trưởng chính thức là ông Huỳnh Quốc Tuấn. Những năm 70, Trường trung học Ngô Quyền đã có gần 2.000 học sinh, trên 50 lớp đệ nhất và đệ nhị cấp với 80 giáo viên. Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Trường trung học Ngô Quyền không chỉ là trường trung học đầu tiên của cả miền Đông Nam bộ mà còn là chiếc nôi đào tạo nhiều nhân tài cho tỉnh Đồng Nai.
+ Các trường trung học công lập. Từ chỗ chỉ có 1 trường, đến những năm 1970, tỉnh Biên Hòa có 5 trường trung học công lập khác, gồm: Trường Phước Thành đặt ở quận lỵ Tân Uyên, có 12 lớp, 750 học sinh và 16 giáo viên; Trường Dĩ An đặt ở quận lỵ Dĩ An, 1.437 học sinh, 27 lớp, 33 giáo viên; Trường Long Thành thành lập ngày 12­ - 8­ - 1960, 1.332 học sinh, 25 lớp, 26 giáo viên; Trường Nhơn Trạch đặt ở quận lỵ Nhơn Trạch, 815 học sinh, 12 lớp, 18 giáo viên; Trường Công Thanh đặt ở uận lỵ Công Thanh, 852 học sinh, 12 lớp, 20 giáo viên.
Đến năm 1973, tỉnh Biên Hòa có 6 trường trung học công lập, với 7.844 học sinh, 135 lớp và 189 giáo viên. Riêng Trường trung học Ngô Quyền đã chiếm gần một phần ba tổng số học sinh các trường công lập.
+ Các trường trung học tỉnh hạt. Đây cũng là các trường công lập, nhưng phụ huynh học sinh tham gia xây cất trường và đóng một phần học phí nhẹ hơn ở các trường bán công, tư thục. Tỉnh Biên Hòa có 5 trường trung học tỉnh hạt với 27 lớp, 1.332 học sinh và 30 giáo viên, gồm: Hố Nai đặt ở xã Hố Nai, quận  Đức Tu, có 11 lớp với 592 học sinh và 12 giáo viên; Hiệp Hòa đặt ở xã  Hiệp Hoà, quận  Đức Tu, có 11 lớp, 447 học sinh và 6 giáo viên; Tân Vạn đặt ở xã  Tân Vạn, quận  Đức Tu, có 2 lớp, 110 học sinh và 4 giáo viên; Bửu Long đặt ở xã  Bửu Long, quận  Đức Tu, có 2 lớp, 110 học sinh và 4 giáo viên; Phước Thiền đặt ở xã  Phước Thiền, quận  Nhơn Trạch, có 2 lớp, 110 học sinh và 4 giáo viên.
+ Các trường trung học bán công. Toàn tỉnh chỉ có 3 trường trung học bán công, đến năm học 1973 - 1974 có 44 lớp, 2.299 học sinh và 89 giáo viên, gồm: Trường trung học bán công Dĩ An, thành lập từ năm 1956, đặt tại quận lỵ Dĩ An, có 12 lớp, 932 học sinh và 27 giáo viên; Trường trung học bán công Trần Thượng Xuyên, thành lập từ năm 1960, đặt tại tỉnh lỵ, cạnh Trường trung học Ngô Quyền, có 21 lớp, 1.687 học sinh và 42 giáo viên; Trường trung học bán công Long Thành, đặt tại quận lỵ Long Thành, cạnh Trường trung học Long Thành, có 11 lớp, 680 học sinh và 20 giáo viên.
+ Các trường trung học tư thục. Khác với các loại hình trường trung học khác, trường trung học tư thục ở tỉnh Biên Hòa ra đời sớm hơn. Vào năm 1960, tỉnh Biên Hòa đã có 11 trường trung học tư thục. Đến năm học 1973 - 1974, phát triển thành 21 trường, với 15.977 học sinh và 364 giáo viên. Phần lớn các trường trung học tư thục tập trung ở quận Đức Tu và thuộc quyền quản lý của giáo hội Công giáo. Chẳng hạn, xã Bình Trước có 5 trường, xã Hố Nai có 8 trường. Cụ thể các trường trung học tư thục ở tỉnh Biên Hòa phân bổ như sau: Quận Đức Tu có 17 trường: Khiết Tâm, Phan Chu Trinh, Minh Tân, Bồ Đề, Dục Đức (xã  Bình Trước), Bùi Chu, La - san Văn Côi, Minh Đức, Thánh Tâm, Đa Minh Úy, Minh Thế, Chân Lý, Thân Dân (xã  Hố Nai), Thăng Long, Vinh San, Viên Giác (xã  Tam Hiệp), Thánh Gia (Bùi Tiếng); quận Công Thanh có 2 trường: Nguyễn Trường Tộ (xã  Thái Hưng), Quốc Tuấn (xã  Bình Thạnh); quận Nhơn Trạch có 2 trường: Lê Chí Mỹ (xã  Đại Phước), Thanh Minh (xã  Vĩnh Thanh).
Tổng hợp, các loại hình trường trung học ở tỉnh Biên Hòa đến năm học 1973 - 1974 như sau:
TRUNG HỌC
TRƯỜNG
LỚP
GIÁO VIÊN
HỌC SINH
Công lập
6
 135
 189
 7.844
Tỉnh hạt
5
 27
 30
 1.332
Bán công
3
 44
 89
 2.299
Tư thục
21
 217
 364
 15.977
TỔNG CỘNG
35
 423
 672
 27.442
- Trường chuyên nghiệp, dạy nghề: Trong hơn 20 năm, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề ở tỉnh Biên Hòa không có sự phát triển đáng kể. Bên cạnh Trường mỹ nghệ thực hành thành lập từ thời Pháp, tỉnh Biên Hòa có các trường chuyên nghiệp, dạy nghề:
+ Trường trung học Nông lâm súc thành lập năm 1970, đặt tại xã An Hòa Hưng, quận Đức Tu, có 3 giáo viên dạy 2 lớp sáu và bảy nông - lâm - súc cho 103 học sinh.
+ Trường tá viên điều dưỡng thành lập ngày 3­ - 8­ - 1968, nhưng chính thức khai giảng vào tháng 2­ - 1969. Theo Địa chí tỉnh Biên Hòa thì trường được thành lập do “sáng kiến của bác sĩ Nghiêm Xuân Thọ, Trưởng ty Y tế Biên Hòa kiêm Giám đốc Bệnh viện Biên Hòa, với sự trợ giúp tài chính của bác sĩ Vanderhoof, Trưởng vùng III y tế cùng sự trợ giúp của đại tá Tỉnh trưởng Lâm Quang Chính về địa điểm...”. Chương trình giảng dạy của trường này theo hệ thống các trường tá viên điều dưỡng của Bộ y tế. Mỗi năm trường đào tạo khoảng 50 học viên. Ông Nghiêm Xuân Thọ trực tiếp làm Giám đốc trường.
+ Trường trung học tư thục Quốc Thịnh đặt ở xã Tam Hiệp, quận Đức Tu, có 6 lớp nông - lâm - súc, có 4 giáo viên tư thục và 250 học sinh.
· Nếu chỉ căn cứ vào số lượng trường lớp, học sinh thì chưa bao giờ giáo dục ở Biên Hòa - Đồng Nai lại phát triển nhanh chóng như vậy. Những nguyên nhân khiến có sự phát triển ấy không nằm ngoài những biến đổi về kinh tế, xã hội, đặc biệt là chủ trương của chính quyền Mỹ - tay sai thời bấy giờ ở cả miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, trong sự phát triển ào ạt ấy tự thân nó cũng bộc lộ đầy đủ đường hướng của nền giáo dục thực dân kiểu mới.
Vào năm 1969, dân số tỉnh Long Khánh là 142.782 người. Bình quân 5,3 người dân của tỉnh này có 1 học sinh phổ thông của tất cả các loại hình trường lớp. Cụ thể, tình hình thanh thiếu niên được đi học như sau: bậc tiểu học, tính cả trường sơ cấp, trường ấp tân sinh có 5,9 người dân có 1 học sinh, nhưng bậc trung học (chủ yếu là đệ nhất cấp) phải 69 người dân mới có 1 học sinh.
Còn ở tỉnh Biên Hòa, nơi được xem là có sự phát triển giáo dục nhất các tỉnh miền Đông, vào năm 1971 có dân số 494.674 người, thì cứ 5,3 người dân có 1 học sinh phổ thông. Thế nhưng, vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa học sinh tiểu học và trung học. Tỷ lệ học sinh của 2 bậc học này trên số dân là: 1/4,7 (bậc tiểu học) và 1/18 (bậc trung học).
Sự chênh lệch trong phát triển giáo dục giữa nông thôn và đô thị rất đáng kể. Hầu hết các trường trung học đều nằm tại tỉnh lỵ và các quận lỵ. Quận Xuân Lộc có 9 trong tổng số các trường trung học của tỉnh Long Khánh. Còn quận Đức Tu thì chiếm đến 23 trường trong tổng số 35 trường trung học của tỉnh Biên Hòa. Đây cũng là tình hình chung của nền giáo dục vùng tạm chiếm ở miền Nam trước năm 1975. Chính cố vấn Mỹ Donald M. Knox, Trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nhận xét: toàn miền có khoảng 2,6 triệu các em tuổi từ 12 - 18 nhưng chỉ có 60 vạn em có chỗ học trong các trường trung học. Hay như nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4” (Thanh Nam; Sđd; tr. 98   -   99).
· Trong nền giáo dục dưới chế độ Mỹ - tay sai, các loại hình trường ngoài công lập, nhất là trường tư thục phát triển khá mạnh, trở thành hiện tượng đặc biệt. Theo thống kê của Bộ giáo dục ngụy, năm học 1972 - 1973, miền Nam có 2.645 trường tư các loại, với 886.321 học sinh và 24.809 giáo viên. Học sinh trường trung học tư thục bao giờ cũng chiếm trên 50% tổng số học sinh trung học. 
Thời Pháp thuộc, trường tư thuộc nhà Dòng đã phát triển, nhưng nếu so với thời kỳ này thì phải nói đến vai trò gần như “độc quyền” của nó. Theo báo Chính Luận, ngày 26 - 6 - 1973, 700 trong tổng số trên 800 trường trung học tư thục thuộc về giáo hội Công giáo và phần nhỏ hơn thộc về Phật giáo. Sự phát triển mạnh mẽ các loại hình trường tư thục ngoài lý do kinh tế (Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế VNCH, Nguyễn Văn Hảo, tỷ lệ ngân sách giáo dục giảm dần trong ngân sách quốc gia: các năm 1954 - 1963 khoảng 5,5%, các năm 1964 - 1970 còn 4,5%. Trong khi đó, ngân sách dành  cho quân  sự không ngừng tăng: năm 1960 là 46%, năm 1962 là 53,81%, từ năm 1966 trở đi trên 60%, Võ Quang Phúc; Sđd; tr. 152 - 153).), nguyên nhân chính không ngoài sự lợi dụng tôn giáo để thực hiện những ý đồ chính trị của nhà cầm quyền.
Tại tỉnh Long Khánh, tỷ lệ học sinh trường trung học công lập chỉ chiếm 29%, học sinh tiểu học công lập chiếm 65% tổng số học sinh. Còn ở tỉnh Biên Hòa, tỷ lệ học sinh tiểu học công lập có cao hơn (86,5%), nhưng học sinh trung học công lập lại ít hơn (28,5%). Có những vùng, trường tư thục thuộc giáo hội Công giáo chiếm gần tuyệt đối như xã Hố Nai (quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa), quận Kiệm Tân, tỉnh Long Khánh.
· Từ năm 1954 - 1975, chính quyền Sài Gòn đã thực hiện quá trình chuyển đổi từ nền giáo dục mang nặng ảnh hưởng của thực dân Pháp sang nền giáo dục thực dụng của Mỹ. Nhất là “từ năm 1961 - 1968, chúng nghiên cứu và thí nghiệm các loại trường tiểu học cộng đồng, trung học tổng hợp, đẩy mạnh nghiên cứu và thực nghiệm nội dung giáo dục kỹ thuật công nông nghiệp...”(Hồ Hữu Nhựt; Phong trào đấu tranh chống Mỹ của giáo chức, học sinh sinh viên Sài Gòn; tr. 31). Tuy nhiên “các trường chuyên nghiệp và các trường kỹ thuật rất cần thiết để tạo ra những chuyên viên kỹ thuật thì lại không được chú ý “(Hồ Hữu Nhựt; Sđd; tr. 12   -   13). Trong một dự án về giáo dục chuyên nghiệp, chính các cố vấn Mỹ đã nhận xét miền Nam đang ở vào tình trạng “thiếu hụt công nhân lành nghề rất trầm trọng”(Võ Quang Phúc; Sđd; tr. 158), đấy là lý do chính mà thợ lành nghề rất có tiếng tăm. Thời đó, cả tỉnh Biên Hòa, nếu tính cả trường chuyên nghiệp đã được người Pháp mở từ đầu thế kỷ XX, chỉ có 4 trường, nhưng 1 trường do ngành y tế quản lý, 1 trường tư thục. Còn tại tỉnh Long Khánh thì hầu như không có trường chuyên nghiệp, dạy nghề nào.
· Trên đây mới chỉ là sơ lược về nền giáo dục trong vùng tạm chiếm từ năm 1954 - 1975. Còn thực chất nền giáo dục ấy? Ý kiến của một tác giả ngay trong lòng chế độ này là một nhận xét: “Giáo dục Việt Nam vẫn ca tụng những lý tưởng nhân bản, dân tộc, khoa học, khai phóng: Còn gì quý báu, cao cả hơn. Nhưng nhân bản ở chỗ nào khi một nửa số trẻ em trai gái không được đi học tiểu học; khi 50% dân chúng còn mù chữ? Nhân bản chỗ nào khi nó chỉ nhằm phục vụ cho một thiểu số trưởng giả ở thành thị; khi đại đa số nhân dân nông thôn và thành thị nghèo hèn bị lãng quên và khinh bỉ? Dân tộc ở chỗ nào khi chính tiếng quốc ngữ bị các nhà đại trí thức khinh bỉ, chà đạp; khi giai cấp thượng lưu của xã hội cho con cái đi học trường Tây, trường Mỹ...? Khoa học ở chỗ nào khi có cái học từ chương, buôn bằng bán chữ; khi tổng số học sinh, sinh viên kỹ thuật chỉ là 0,5% tổng số học sinh, sinh viên; khi sự mê tín dị đoan còn ngự trị trong khắp miền thôn quê 80% dân số? Khai phóng ở đâu khi chung quanh toàn những cảnh ngông cuồng, ăn cướp, ăn cắp... đưa lên làm mẫu mực; ...khi những bộ mặt to lớn chường ra đầy dơ bẩn và độc hại ? Khi xã hội dành cho đại đa số thế hệ đang lên số phận bi đát của bần cùng, nhục nhã, lầm than, tuyệt vọn ?”(Nguyễn Tử Lộc; Thực chất giáo dục miền Nam Việt Nam ; Tạp chí Văn học; số 69/ 1966; tr.4).
Nguyên nhân bao trùm được nhiều người đồng thừa nhận là về mặt khách quan do chiến tranh kéo dài xuyên suốt, tình trạng liên tục bất ổn về chính trị, quốc gia nghèo lại chi tiêu nhiều cho lĩnh vực quốc phòng nên ngân sách giáo dục chỉ khoảng 4-5% trên tổng ngân sách quốc gia; còn về mặt chủ quan là chưa có một chính sách, kế hoạch rõ rệt, chắc chắn, lâu dài về giáo dục,  mặc dầu dân chúng vẫn thường được nghe nói nhiều, trên lý thuyết, những từ ngữ “giáo dục nhân vị”, “giáo dục nhân bản”, “giáo dục khai phóng”, “giáo dục mới”, “giáo dục tiến bộ”… Không ít cuộc cải tổ đã được thực hiện nhưng thường lúng túng, chỉ có tính cách vá víu, chắp nối trong ngắn hạn…
Các nhà hữu trách về giáo dục đã dựa vào một ý niệm khá mơ hồ là “Phát triển một nền giáo dục Nhân bản, Khoa học, Dân tộc và Khai phóng”. Kết quả là một sự phát triển không định hướng, lộn xộn và chắp vá. Nếu có những ông Tổng/ Bộ trưởng nào định thi hành một chính sách giáo dục nào đó thì họ cũng không làm được, vì một lẽ rất đơn giản là chưa thu xếp xong cơ cấu, họ đã phải từ bỏ nhiệm vụ… Có trường hợp chỉ trong vòng 5 năm (1964-1969) người ta đã thấy có tất cả 14 vị Tổng trưởng lần lượt tới ngồi ở cương vị lãnh đạo ngành giáo dục. “Mỗi vị có một chủ trương, một đường lối khác nhau, không chịu xét theo, tiếp nối công trình của vị tiền nhiệm, thường muốn lưu lại một cái gì, muốn mở một kỷ nguyên mới cho những trang sử của nền giáo dục nước nhà…” (ý kiến của Vũ Quốc Thông, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 139).
Khuyết điểm căn bản là thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo, một chủ thuyết, một định nghĩa văn hóa chính xác, làm kim chỉ nam cho chính sách giáo dục. “Dĩ nhiên chúng ta đã nghe thấy nói nhiều đến chủ nghĩa quốc gia, tự do và dân chủ, đến văn hóa dân tộc, văn hóa khai phóng và văn hóa tiến bộ. Nhưng tất cả mới chỉ là những danh từ thiếu định nghĩa nhất là thiếu thực hành cho nên đặt tiêu chuẩn như vậy cũng như không đặt. Trong địa hạt giáo dục cũng như trong mọi địa hạt khác, chúng ta chỉ làm việc một cách tắc trách…” (ý kiến của Hoàng Văn Đức, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 103).
Có người cho rằng các chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ trước tới nay chưa bao giờ đặt vấn đề giáo dục lên đúng tầm quan trọng của nó. “Việc điều khiển Bộ Giáo dục thường có tánh cách của một việc “xử lý thường vụ”. Những người có chủ trương mang sự thay đổi đến thì không có một quan niệm rõ ràng, chánh xác và không có một kế hoạch đại quy mô, thích ứng cho một sự thay đổi sâu rộng theo chiều hướng tốt…” (ý kiến của Nguyễn Ngọc Huy, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 78).
Ngoài ra, còn có những cản trở đáng tiếc khác mà người lãnh đạo ngành giáo dục không biết tới để sửa chữa. Đó là căn bệnh kỳ thị Nam, Bắc và tình trạng tranh chấp ngấm ngầm giữa lớp Cũ và lớp Mới… “Sự kỳ thị [Nam, Bắc] không có chi lớn lao nhưng cũng là chuyện đáng buồn, gây trở ngại cho sự tiến bộ chung. Sự tranh chấp âm thầm giữa Cũ và Mới: Cũ tức là lớp người thừa hưởng nền giáo dục của Pháp, đang có những đặc quyền đáng kể. Còn Mới là số người hấp thụ nền giáo dục của Mỹ, của hiện tại…” (ý kiến của Thích Đức Nghiệp, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 46).
Theo GS-BS Trần Ngọc Ninh, tình trạng này của giáo dục chỉ là phản ảnh của một xã hội bị phân hóa cùng cực, bị lay chuyển đến tận cỗi rễ. Một lớp người sống không có lẽ sống, một tình trạng bất an đã gần như cố định… (Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 92).
Tất cả các bậc thức giả miền Nam trước 1975 đều nhận ra nhu cầu cấp bách cần phải cải tổ toàn diện nền giáo dục đang tồn tại, và phải nâng hoạt động giáo dục lên hàng quốc sách đi cùng với việc nâng cao ngân sách dành cho lĩnh vực trọng đại này:
▪ Theo tôi, muốn cải tổ sâu rộng không thể một cá nhân có thiện chí mà làm nổi. Phải có các vị am hiểu về giáo dục cùng ngồi lại bên nhau để nghiên cứu, soạn thảo và đề nghị chương trình cải tổ cụ thể. Về phía chính phủ, phải đặt vấn đề giáo dục lên hàng quốc sách, lúc ấy ta mới hy vọng nền giáo dục của mình thoát ra khỏi cảnh bế tắc hiện tại… Nhóm người hội thảo như đã nói ở trên sẽ lưu tâm đến mấy điểm dưới đây: (1) Xem xét thực trạng của nền giáo dục nước nhà; (2) Tìm hiểu nguyên nhân đã dẫn đến cuộc khủng hoảng và bế tắc hiện tại; (3) Tìm biết về nhu cầu của quốc gia hiện tại; (4) Soạn thảo và vạch định hướng cùng chương trình của một nền giáo dục tiến bộ; (5) Cuối cùng là đề cập đến kế hoạch thực hiện…
Phải cải tổ toàn diện nền giáo dục từ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học đến Đại học… (ý kiến của Thích Minh Châu, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 27-28). 
▪ Đề nghị một chương trình khẩn trương gồm bốn điểm chính:
- Điều thứ nhất là cần phải tạo lại lòng tin: hãy tránh sự thay đổi vụn vặt về chương trình học, hoặc tạo ra những “chương trình giới hạn” hợp lý hóa và bỏ bớt các kỳ thi cử.
- Điều thứ hai là phải có một chính sách toàn diện hợp lý và hợp với tình trạng xã hội Việt Nam: chậm tiến, loạn lạc, bất công… Không bắt chước một cách nô lệ những lề lối của những nước giàu mạnh… Sự công bằng trong xã hội bắt đầu ở điểm “người học được, được học”… Cần giữ trung dung giữa những nhu cầu của quốc gia và những nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Cần tạo sự thăng bằng giữa sự hiểu, sự biết và giữa trí tuệ với tinh thần. Sau hết, phải đặt những cơ cấu độc lập để luôn luôn xét lại kết quả và quyết định những thay đổi cần thiết trong chương trình hay phương pháp giáo dục.
- Điều thứ ba, phải coi giáo dục là trọng tâm của tinh thần và chế độ dân chủ… Trong nếp sống dân chủ, giáo dục là một điều kiện, một đảm bảo, là khởi thủy cũng như là cứu cánh. Ngược lại, giáo dục cũng phải thấm nhuần tinh thần dân chủ…
- Điều thứ bốn là phải hiểu giáo dục là một việc đầu tư chắc chắn và hợp lý nhất trong các việc đầu tư của một quốc gia… Sự quản trị là phần thiết thực của một công cuộc kinh doanh hợp lý. Chỉ khi nào công việc giáo dục ở cấp cao nhất cũng như ở mỗi cơ sở có được một sự quản trị vững chắc và tiến bộ, khi ấy chúng ta mới có thể tin được rằng nền giáo dục của chúng ta đã trưởng thành… (ý kiến của Trần Ngọc Ninh, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 93-97).
▪ Ở một nước đã chậm mở mang như nước ta, lại còn mang họa chiến tranh, công cuộc giáo dục lại vấp phải những khó khăn về tài chính và những thiếu thốn về nhân sự… Một trong những lối thoát là trông vào khả năng đóng góp của nhân dân. Do đó vấn đề tư thục cần được quan niệm lại cho thật nghiêm chỉnh, nghiêm chỉnh từ lý thuyết cho đến thực hành, nghiêm chỉnh ngay từ việc gạt bỏ thái độ coi tư thục như một phần tử sống bên lề, không đáng hưởng sự săn sóc của những cơ quan có trách nhiệm.
Sau hết,… một chính sách cán bộ cần được hoạch định thực cấp bách để thu hút các phần tử tốt vào ngành giáo dục, để huấn luyện những giáo chức cho đầy đủ về phẩm và lượng, để gây tin tưởng cho số giáo chức đang hành nghề, để cập nhật hóa những tri thức cũ kỹ và để hệ thống hóa mọi kinh nghiệm của các bậc đàn anh (ý kiến của Nguyễn Văn Phú, trong Cải tổ giáo dục, sđd., tr. 129-130).
     Không hài lòng và sốt ruột về những kế hoạch viển vông phi hiện thực được bàn thảo quá nhiều do các giới hữu trách giáo dục, học giả Nguyễn Hiến Lê đã mạnh dạn đưa ra một đề xuất táo bạo trong bài “Một nền giáo dục phục vụ” đăng trên tạp chí Bách khoa số 15.9.1967 (sau cho in lại trong Vài lời ngỏ với bạn trẻ, sđd, tr. 135-147), ông cho rằng kinh tế có tiến bộ thì mới có những tiến bộ khác về xã hội, chính trị, văn hóa. Mà muốn vậy thì phải đào tạo một lớp thanh niên có một vốn kỹ thuật đủ dùng, có phương pháp làm việc, có tinh thần phục vụ. “Tương lai dân tộc một phần lớn tùy thuộc hạng thanh niên đó và học đường ở bất kỳ cấp nào cũng phải nhằm mục đích đào tạo họ” (Vài lời ngỏ…, tr. 138).      
Trước tình trạng không ít sinh viên đại học ngành Dược, ngành Y… tốt nghiệp ra trường chỉ biết chạy theo đồng tiền mà thiếu tinh thần phục vụ, thậm chí táng tận lương tâm chức nghiệp, tác giả bài viết lại quan niệm cần phải có cán bộ đủ mọi ngành mọi cấp và mỗi cán bộ phải có tinh thần phục vụ thì nước Việt Nam mình mới tồn tại được. Từ đó ông mạnh dạn đưa ra chủ trương: Cần có nhiều cán bộ được việc nhất, nhất là hạng cán bộ nông thôn, vậy cứ lập những trường gọi là trường Cán bộ hay trường Phục vụ, trường Cứu quốc… gì gì đó, miễn đừng dùng những tên cũ: Trung học, Đại học, Cao đẳng. Sẽ có những trường Cán bộ cấp I, cấp II, cấp III hoặc Phục vụ I, II, III…. “…Danh có chính thì ngôn mới thuận, nếu cứ gọi là Trung học, Đại học, thì người ta chỉ nghĩ tới chuyện học để lên cấp trung cấp đại, rồi ra kiếm tiền cho được ‘đại’, để thành đại quý, đại phú, đại sư, đại sứ… chứ không nghĩ tới chuyện phục vụ, cứu quốc… Những trường Cán bộ hay Phục vụ gì đó sẽ có một chương trình khác: bỏ hết những cái gì không có lợi ích thiết thực, những cái phù phiếm đi (sau này khi nào chúng ta tấn bộ kha khá rồi sẽ nghĩ tới cái phù phiếm vì… cũng có ích nếu hợp thời); sẽ có một lối dạy khác: chẳng hạn 3 tháng lý thuyết thì lại vài tháng thực tập trong xưởng, ở đồng ruộng hoặc trong công sở… Có thể bãi bỏ các kỳ thi lên lớp, ra trường, cứ căn cứ vào cái điểm về lý thuyết, nhất là về thực tập mà cho lên lớp, như vậy tất nhiên là bãi bỏ luôn được cả bằng cấp.
“Hết cấp II, hoặc ngay ở đầu cấp III…, người ta sẽ lựa một số học sinh thông minh, có năng khiếu riêng, có óc suy xét tìm tòi, có sáng kiến, để đào tạo trong những lớp riêng, sau này thành những học giả, những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ…” (tr. 143-144).
Theo tác giả bài viết, về bằng cấp, Việt Nam không cần những bằng cấp tương đương với Âu Mỹ. Về việc du học thì đưa sinh viên đi du học nước ngoài càng nhiều càng tốt, nhưng chỉ cần vào xưởng, vào trại ruộng… học những nghề thực dụng chứ không cần bằng cấp.  
“Giải pháp đó tôi nhận là đơn giản quá, nhưng muốn diệt cái tinh thần hưởng thụ (ý nói không lo phục vụ nhân dân – TVC)…, tôi nghĩ phải theo cái hướng đi đó, chứ không thể chạy theo các ông Tây, ông Mỹ được. Các ông ấy bỏ xa mình quá rồi, mình phải kiếm con ‘đường tắt’ như các nhà xã hội học và kinh tế học phương Tây thường nói” (tr. 146).
Ý kiến cải tổ giáo dục của ông Nguyễn Hiến Lê có tính “cách mạng”, phi hiện thực vì đi nghịch tập quán, trào lưu quá chăng?
 Trong một bài viết của mình, ông Trần Văn Chấn cho rằng người ta rầm rộ chủ trương cải tổ, cách mạng giáo dục, như tổ chức khu học chánh, ty giáo dục, hay thiết lập những dự án, phương sách giáo dục vĩ đại… nhưng kết quả hoặc cả việc thực hiện “chẳng thấy một bước tiến khả quan nào… Thảng hoặc có thay đổi, cải tổ thì chỉ là bề mặt chớ không phải bề sâu… Có lẽ người ta cần “lượng” hơn là cần “phẩm” trong việc giáo dục” (“Một khía cạnh tâm lý trong vấn đề cải tổ giáo dục”, Giáo dục nguyệt san, số 59-60, tháng 6-7.1972, tr. 1). Rồi tác giả cho rằng nguyên do khiến đã sinh ra tệ trạng trên là ù ì, tắc trách và sợ hãi.
 Ông Trần Văn Trí, hội viên Hội đồng Văn hóa Giáo dục đã đưa ra một nhận định phê phán thẳng thắn: “Hóa ra, từ giáo chức đến phụ huynh và sinh viên học sinh, công cuộc cải tổ giáo dục được xem là vòng lẩn quẩn đi lại cũng chỉ những danh từ rỗng tuếch ‘đại chúng, thực dụng, dân chủ, khai phóng, toàn diện, cộng đồng, tổng hợp v.v..’. Càng nói nhiều người dân Việt Nam càng nhàm chán không còn để ý gì đến nữa!” (“Một vài nhận xét về đường hướng giáo dục mới”, Giáo dục nguyệt san, số 57-58, tháng 4-5.1972, tr. 12).  
Tuy nhiên, giữa mục đích và thực tiễn không phải bao giờ cũng đồng nhất. Khi chính quyền Mỹ và tay sai sử dụng giáo dục như một công cụ để thực hiện ý đồ chính trị của mình thì kết quả khách quan của nó phần nào đưa đến một thực tế là mặt bằng dân trí từ năm 1954 - 1975 cao hơn trước khá nhiều. Và dĩ nhiên, không phải tất cả sản phẩm của nền giáo dục ấy đều như nhà cầm quyền mong muốn, nhất là trên một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, sự tác động của cuộc kháng chiến lúc âm thầm, khi quyết liệt luôn tác động đến tâm thức của học sinh và đội ngũ thầy, cô giáo. Ở Biên Hòa - Đồng Nai, từ những mái trường của chính quyền Mỹ - tay sai đã có biết bao chàng trai, cô gái đi kháng chiến, hoặc trở thành những trí thức cho giai đoạn cách mạng sau này.




TÀI LIỆU THAM KHẢO


- Võ Quang Phúc: Âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ vào nền giáo dục phổ thông ở miền Nam Việt Nam trong Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ -   ngụy; tập II; Nxb. Văn hóa; Hà Nội; 1979.



- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thư tịch báo chí Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
- Bùi Đức Tịnh: Giáo dục tại Thành phố từ trước đến sau ngày hoàn toàn giải phóng trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh; tập II; Nxb. Tp. Hồ Chí Minh; 1988.


- Nguyễn Đình Đầu; Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam kỳ lục tỉnh; Nxb. TP. Hồ Chí Minh; 1994.

-  Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, NXB Văn hóa, 1998.
-  Trần Quỳnh Cư…, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), NXB Giáo dục, 2002. 
- Hồ Hữu Nhựt; Phong trào đấu tranh chống Mỹ của giáo chức, học sinh sinh viên Sài Gòn; Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Hiến Lê, Thế hệ ngày mai, NXB P. Văn Tươi, Sài Gòn, 1953. - Lâm Toại, Giáo dục mới, Nhà in Thanh bình xuất bản, Huế, 1956.
- Lương Văn Lựu; Biên Hòa sử lược (toàn biên); Tác giả xuất bản; 1960.

- Văn hóa nguyệt san, tập XIV, quyển 3 & 4, tháng 3 & 4. 1965  (số đặc biệt về Đại hội Giáo dục Toàn quốc, 1964), Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn.
- Kim Định, Triết lý giáo dục, Ra khơi, Sài Gòn, 1965. 
- Đoàn Nhật Tấn, Một nền giáo dục nhân bản và dân tộc, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1966.
- Nguyễn Tử Lộc; Thực chất giáo dục miền Nam Việt Nam ; Tạp chí Văn học; số 69/ 1966.
- Vương Pển Liêm, Giáo dục cộng đồng, Lá bối, In lần thứ nhất, Sài Gòn, 1966.
- VNCH, Chính sách Văn hóa Giáo dục, Diễn văn do BS Nguyễn Lưu Viên, Phó Chủ tịch Đặc trách Văn hóa Xã hội đọc trong cuộc họp báo ngày 27.7.1966 của Nội các Chiến tranh,  Digitized by namkyluctinh.org.
- Trần Văn Quế, Sư phạm lý thuyết, Bộ Giáo dục-Trung tâm Học liệu xuất bản, In lần thứ nhì, Sài Gòn, 1968.
- Nguyễn Thanh Nhân, Đóng góp một nền giáo dục dân chủ Việt Nam trong tương lai, Minh tâm, Sài Gòn, 1969.
- Nguyễn Quỳnh Giao, Cải tổ giáo dục, Thăng tiến xuất bản, Sài Gòn, 1970. - Nguyễn Duy Chính, Vấn đề địa phương hóa giáo dục tại Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp Ban đốc sự Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn, Khóa XV, 1967-1970. - Nguyễn Khắc Hoạch, Xây dựng & phát triển văn hóa giáo dục, Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.
- Nguyễn Duy Cần, Văn hóa giáo dục miền Nam đi về đâu?, Nam Hà xuất bản, Sài Gòn, 1970.
- VNCH, Niên giám thống kê giáo dục 1970   -   1971. 

- Lê Thanh Hoàng Dân (Chủ biên), Các vấn đề giáo dục, Trẻ xuất bản, Sài Gòn, 1971. - Nguyễn Hổ Dư-Trần Doãn Đức, Vấn đề giáo dục, Văn Khoa xuất bản, 1971.
- Tập san Minh Đức, số ra mắt (đặc biệt về Phát triển & Giáo dục), Sài Gòn, tháng 6 & 7, 1972. - Giáo dục nguyệt san, các số 28 (12.1968), 49 (5.1971), 53 (12.71), 54 (1.1972), 59-60 (6-7.1972).
- VNCH, Chính sách Văn hóa Giáo dục, 1972,  Digitized by namkyluctinh.org. - VNCH, Địa phương chí tỉnh Long Khánh, các năm 1968, 1972 của Tòa hành chánh tỉnh Long Khánh xuất bản.


- Phòng Tâm lý và Hướng nghiệp Đắc Lộ, Chỉ nam giáo dục cao đẳng Việt Nam, Sài Gòn, 1974.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét