Khoằm

30 tháng 4 2014

Triệu người vui, triệu người buồn





Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975, đã nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Triệu người vui, triệu người buồn

Chủ Nhật, ngày 22/4/2012 - 02:30


Giới ký giả Mỹ không xa lạ với Marissa Roth. Nữ phóng viên chiến trường 55 tuổi này từng lăn lộn ở nhiều cuộc chiến tranh và từng được xướng tên tại lễ trao giải Pullitzer cách đây vừa tròn 20 năm.

Trong dịp đến Việt Nam mới đây, bà đã chia sẻ về những bức ảnh chụp những người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh rằng: “Những người phụ nữ có gương mặt khác nhau nhưng nỗi đau trong tim giống nhau. Phụ nữ không tạo ra chiến tranh nhưng họ luôn là những người phải chịu đựng nhiều nhất”. (VietNamNet)
Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh thống nhất đất nước đã đi qua 37 năm. Có 75 vạn người mẹ mang nặng một nỗi đau về gần 2 triệu đứa con đã để lại cuộc đời mình ở chiến trường. Những bà mẹ đó được phong anh hùng - một danh hiệu mà họ ước gì không bao giờ phải nhận.
Nhà thơ Nguyễn Duy, trong một tác phẩm của mình, đã viết: Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại!
Những người phụ nữ trong ảnh của Marissa mang những nỗi đau giống nhau trong tim. Những bà mẹ ở hai bên bờ sông Bến Hải cũng vậy.
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975, đã nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Hằng năm, chúng ta đều tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước như một chiến thắng vĩ đại. Cờ, phướn sẽ làm cho phố phường, ngõ xóm trở nên rực rỡ. Và những bài ca chiến thắng sẽ vang lên ở mọi nơi.
Để cho tâm hồn mình bay bổng trong không khí hân hoan đó, thảng hoặc chúng ta quên mất những bà mẹ đang nuốt nước mắt vào trong, những gia đình tang thương vì bom đạn. Chúng ta quên mất những bà mẹ Việt Nam mà lịch sử đã xô đẩy họ đứng ở bên kia chiến tuyến cũng mang những nỗi đau giống như nỗi đau của mọi bà mẹ trên đời.
Nếu như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói rằng: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai” thì nỗi đau nào cũng là nỗi đau của cả dân tộc, không thể chỉ là của riêng ai.

Số phận bài báo “triệu người vui, triệu người buồn”…

Thứ Bảy, ngày 22/6/2013 - 07:10

Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...
“Đăng và gỡ”…
. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông?
+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tế được gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005: 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.
. Vậy còn thăng trầm?
+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.
. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài?
+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một “tay in” là tám trang, rồi thay vào một bài khác.
. Bài bị gỡ thường là “có vấn đề”, lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không?
+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.


Nhà báo Nguyễn Vĩnh.
. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?
+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.
. Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.
+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.
. Báo Quốc Tếđã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý?
+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30-3-2005.
“Triệu người vui, triệu người buồn”
. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông?
+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.
Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
. Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh?
+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28-4-1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30-4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”. Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản?
+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.
Ngoại giao văn hóa
. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay?
+ Chúng ta vẫn thường nghe câu “thêm bạn bớt thù” trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này “không thể hết được”. Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và “sắp xếp” hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.
. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông?
+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…

Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ  Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.
HỒ VIẾT THỊNH thực hiện

Nhớ bài báo nổi tiếng của bác Sáu Dân

26/04/2013 - 10:30 (GMT+7)

Bác Sáu Dân - Võ Văn Kiệt để lại cho lớp hậu thế chúng ta nhiều tấm gương soi về cả sự cống hiến và nhân cách con người...

Bác Sáu Dân - Võ Văn Kiệt để lại cho lớp hậu thế chúng ta nhiều tấm gương soi về cả sự cống hiến và nhân cách con người. Trong số đó có cách ông nghĩ và làm được rất nhiều điều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho sự hòa hợp dân tộc được thể hiện qua bài báo nổi tiếng của ông “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”.
Có người hỏi tôi về kỷ niệm trong nghề báo, với tôi đáng nhớ nhất chắc là chuyện đăng một bài báo nổi tiếng của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005 trên Báo Quốc tế khi tôi làm Tổng biên tập. Đây cũng là một trong những bài báo in trên Quốc tế được xây dựng công phu nhất, nhưng cũng là bài báo có đủ cung bậc thăng trầm.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Xin nói ngay, đây không phải bài ông Võ Văn Kiệt gửi đến để đăng mà là bài có một quá trình xây dựng ít ra là đủ tính cẩn trọng có thể của một tòa soạn, cũng như cái cách tiến hành và con đường dẫn tới in bài này cũng đủ công phu và xen vào biết bao khúc mắc...
Số là nhân chuyến ra Bắc công tác vào cuối năm 2004 của ông Võ Văn Kiệt, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên Bộ Ngoại giao và Báo Quốc tế được gặp ông Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Lúc đó Quốc tế nghĩ ngay tới một bài báo mang tên ông vì hiểu rằng cơ hội đăng bài của ông Kiệt không dễ với cả báo lớn, chứ báo cỡ “thường thường bậc trung” như tờ Quốc tế thì càng hiếm dịp. Vì thế sau buổi gặp một Phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa ra nội dung cốt yếu, tức là những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất, để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Sau khi hoàn thiện bài thì hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005, 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao.
Những câu chuyện ông Kiệt chia sẻ với các cán bộ ngoại giao xoay quanh mốc thời gian 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, nhìn lại sự kiện lớn lao này theo một cách mới mẻ để thực sự có hòa hợp dân tộc; và từ đó nhận thức được nhiệm vụ và những thách thức của đất nước phải vượt qua trong tình hình mới. Chính từ nội dung này mà khi bài báo lên khuôn đã được đặt một cái tít vừa có sức gợi vừa muốn đạt mức độ ấn tượng nơi bạn đọc: “Những đòi hỏi mới của thời cuộc”. Sau đầu đề bài là lời nhấn của Tòa soạn: “...cựu Thủ tướng - “lão tướng” Võ Văn Kiệt - đã trao đổi với phóng viên Báo Quốc tế về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc của điều mà ông cho là chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...”.
“Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc VN chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
Võ Văn Kiệt
Ngay mở đầu bài viết, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định, chiến thắng 30/4 là vĩ đại, nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Từ thực tế lịch sử và chính qua trường hợp gia đình mình, ông Kiệt khái quát người dân miền Nam “rơi vào hoàn  cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia”. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”. Ở một người từng là lãnh đạo cấp cao như ông Kiệt thì ý trên thật mới mẻ và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
Cái ý lớn bao trùm về ngày 30/4, về hòa hợp dân tộc ông Kiệt nói trong bài báo là vậy, đương nhiên còn những ý khác cũng rất mới và quan trọng. Như cách đánh giá về tướng Dương Văn Minh. Ông Kiệt nhận xét rằng, tướng Minh nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28/4/1975 là thời điểm mà “một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn”, rồi Sài Gòn không “tử thủ” như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc trên được ông Kiệt kể lại: “Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4 khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho Cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này”.
Ông Kiệt còn phân tích, cái thế thắng của chúng ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên quyết định của tướng Dương Văn Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông, bởi chính ông đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm và cũng là người sau đó “đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông”.
Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói: “Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc”.
Bài báo đăng trên tờ Quốc tế ngày 31/3/2005
Bài báo đăng trên tờ Quốc tế ngày 31/3/2005
Một tư tưởng về chiến thắng 30/4 và hòa hợp dân tộc như vậy được nói ra từ thời điểm hơn 8, 9 năm về trước, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của công cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc; đồng thời với cách nhìn nhận về lực lượng thứ 3 và sự đánh giá liên quan đến tướng Dương Văn Minh..., thì việc bài báo của ông Võ Văn Kiệt “gặp sóng gió” là điều có thể hiểu được.
Nói “sóng gió” vì bài phỏng vấn Nguyên Thủ tướng in rồi, nhà in đã đóng quyển, nhưng rồi phải thay bài khác, sau đó đợi dịp thích hợp tới ngày lễ Giải phóng miền Nam 30/4.
Nhưng sự việc đâu dễ dàng. Bởi vì lần này, chính tác giả, ông Võ Văn Kiệt lại yêu cầu Báo Quốc tế không được phép đăng bài ông nữa. Tờ báo đã từng bị mắc kẹt, nay còn bị một cú kẹt lớn hơn!
Rất may là tất cả mọi sự việc tôi đã báo cáo hết và tường tận với Bộ chủ quản ngay từ đầu. Nghĩa là từ lúc Báo Quốc tế đặt vấn đề bài vở với Nguyên Thủ tướng tới nội dung cuộc phỏng vấn được ông thông qua, ký tên Sáu Dân vào một góc bản thảo cuối cùng. Kế đến là lệnh dừng bài rồi lúc này là lệnh sử dụng lại bài này. Tâm điểm và khúc mắc nhất là việc ông Kiệt thông báo cho Báo Quốc tế biết “không được phép in bài của ông nữa”... Vô hình trung đến lúc này, câu chuyện rắc rối khó xử đã vượt ngoài tầm với của một tờ báo.
Sau không biết bao nhiêu hệ lụy, những trao đi đổi lại khá là miên man - nếu có thể nói được như vậy về vụ việc này - giữa các cơ quan liên quan với nhau, lúc căng lúc chùng, có phen gần như thất bại (ông Kiệt mấy tuần lễ liền “kiên trì” giữ ý kiến không đăng bài nữa); rồi câu chuyện cũng đến hồi kết thúc... Bài phỏng vấn thay vì in vào số Tết Ất Dậu 2005 lại chuyển in vào Quốc tế số định kỳ, ra ngày 31/3/2005, đúng một tháng trước sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam.
Sau khi báo nhà đăng, tôi và đồng nghiệp thở phào như trút đi một cái gánh quá nặng của mọi thứ sức ép! Báo tôi liên tiếp nhận được những lời chúc mừng chia sẻ. Các tờ báo rất có uy tín của đất nước, với số lượng phát hành rất lớn như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động..., các tờ báo điện tử VnExpress, Vietnamnet cũng như nhiều cơ quan báo chí khác... đều nhất loạt từ ngày 15/4 trở đi in lại, post lên mạng bài phỏng vấn nổi tiếng và rất có giá trị này của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nguyễn Vĩnh (Nguyên Tổng biên tập Báo Quốc tế)



NGUYÊN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
NHỮNG ĐÒI HỎI MỚI CỦA THỜI CUỘC
Tháng Tư sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc là tháng Thống nhất đất nước. Nhân dịp 30 năm ngày đất nước về một dải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái", cựu Thủ tướng - "lão tướng" VÕ VĂN KIỆT đã trao đổi với phóng viên Báo Quốc Tế về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Ông cho răng chúng ta phải nhanh chân, đừng tự ru ngủ mình...
Thưa ông, thấm thoắt đã gần 30 năm kể từ ngày tiếp quản Sài Gòn, và ông là một trong số ít các nhà lãnh đạo còn lại từ cuộc kháng chiến đó, ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?
Suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là làm sao để không còn những nhà lãnh đạo phải trưởng thành từ chiến tranh như chúng tôi nữa. Chiến tranh đã qua cách đây hàng chục năm. Chúng tôi đã chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp. Nói như thế có nghĩa là, tôi mong chiến tranh thực sự phải thuộc về quá khứ. Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.
Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm?
Không gì là không làm được! "Hoà hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy, khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hoà hợp.
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực để làm điều đó, thưa ông?
Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo cách mà chúng ta đang làm để kỷ niệm những ngày lịch sử hiện nay, tôi e rằng chúng ta lại đang lặp lại những gì mà chúng ta đã làm trước đó. Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng, cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng; nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm. Trong khi đó theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu điều cần nói, biết bao việc cần làm.

“Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
Theo ông bây giờ, việc cần làm tiếp là gì?
Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.
Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt?
Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng, thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hoà hợp. Sau 30/4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó.
Khó khăn nằm ở chỗ nào thưa ông?
Hồ Chủ tịch từng mong muốn khi chiến tranh chấm dứt, hoà bình lập lại sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn quốc tế. Sau năm 1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Bác làm việc này. Đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và cảm ơn là việc làm phù hợp với đạo lý và truyền thống Việt Nam. Nhưng về đối nội, theo tôi đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện đang ở trong nước, hay ở bên ngoài. Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ, không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ.
Ông Minh đã tuyên bố đầu hàng?
Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa. Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho Cách mạng, đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này.
Theo ông, từ đâu ông Minh lại có quyết định như vậy?
Thế thắng của ta trong năm 1975 là không thể cưỡng lại được, tuy nhiên, quyết định của ông Minh không chỉ dựa trên tình hình chiến sự mà còn phản ánh những hành động chính trị trước đó của ông. Ông Minh là vị tướng đã đảo chính lật chế độ Ngô Đình Diệm, ông cũng là người, sau đó đã không chịu làm vừa lòng Mỹ, khiến người Mỹ phải bật đèn xanh cho Nguyễn Khánh lật đổ ông.

Và, "Lực lượng thứ Ba" cũng đóng một vai trò đáng kể, thưa ông?
Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ Ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng tổ quốc của mọi người Việt Nam chúng ta trong giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc.
Thưa ông, ở thời điểm này nhìn lại, ông có bằng lòng với những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua?
Chúng ta đều có thể vui mừng khi có một Việt Nam thống nhất, quyết tâm vượt qua nghèo đói và quyết tâm hội nhập như ngày hôm nay. Nhưng, nhìn lại quá trình kể từ khi kết thúc chiến tranh thì tôi thấy tiếc. Giá như đổi mới sớm hơn thì chúng ta có thể đã không phải trải qua những năm phải trả giá đắt như giai đoạn 1975-1985.
Bài học về những năm bỏ lỡ cơ hội này là gì, thưa ông?
Phải tiếp tục đổi mới nữa và tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích! Trong những năm qua, chúng ta tiếp tục giữ được sự tăng trưởng khá, đó là một thành tựu lớn. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng, với một nước mà GDP chỉ mới đạt trên dưới 40 tỷ USD như Việt Nam, mức tăng trưởng 6-7% chưa phải là đã đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nhu cầu hội nhập. Nếu chúng ta không tự khắc phục được những lực cản, không phát huy được nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài, để có được mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới, thì khoảng cách của sự tụt hậu so với khu vực, so với thế giới là không thể nào thu hẹp được. Tôi muốn lưu ý rằng, làm được một chiến thắng kỳ vĩ như 30/4/1975 mà say sưa, như tự mãn nguyện thì cũng đã từng phải trả giá. Thế giới đã đi rất xa, chúng ta phải nhanh chân chứ đừng tự ru ngủ mình để rồi sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.

Thưa ông, trong đối ngoại, chúng ta nên tiếp tục như thế nào trong giai đoạn tới?
Những kết quả đối ngoại vừa qua, trong một chừng mực nhất định đúng là đã góp phần mở đường để giải quyết nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhưng nội dung cụ thể của những khẩu hiệu ấy là gì? Và tới đây, với một thế giới đang thay đổi từng ngày như thế này, chúng ta lựa chọn và xây dựng vai trò và vị trí của mình như thế nào là điều hết sức quan trọng. Sau sự kiện ngày 11/9, những biến cố ở Trung Đông, những cải tổ chính trị tích cực từ bên trong của các nước ASEAN như Indonesia, sau sự kiện sóng thần tàn phá ở một số nước Đông Nam Á... Tất cả cho thấy, thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc. Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tuỳ thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc.
Xin cảm ơn ông!
Thạch Anh (thực hiện)
Quốc Tế
Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta
31/08/2005 09:12 GMT+7
TT - Mấy hôm nay, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Quốc khánh. Đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi thấy anh em đang dựng một khẩu hiệu rất lớn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
.
Với hơn 60 năm tham gia chiến đấu và xây dựng, tôi không nhìn khẩu hiệu đó như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải... Tôi bồi hồi xúc động với nhận thức rằng nó là một tư tưởng lớn của Bác, một đạo lý lớn của dân tộc. Từ 60 năm trước nó đã thể hiện ở chính nơi đây, nó vẫn thấm trong tim của Người đã yên nghỉ trong lăng kia.
Nhân những ngày này, ngẫm lại, tôi càng thấy thấm thía tư tưởng lớn đó của Bác: đoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật (đàn chim, bầy kiến, bầy ong...). Ở loài người, bản năng đó đã phát triển thành một nhu cầu có ý thức. Tùy nơi, tùy lúc, ý thức đó có thể đậm hay nhạt. Mà nghiệm trong lịch sử VN và lịch sử các dân tộc trên thế giới, thấy sự đậm nhạt này có quan hệ mật thiết với sức mạnh của quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh.
Trong tác phẩm Nên học sử ta, viết vào đầu năm 1942, Bác đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”.
"Từ khi làm nhiệm vụ quản lý ở địa phương cũng như ở tầm quốc gia, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều nước và tiếp xúc với nhiều chính khách lớn trên thế giới. Qua đó, tôi kiểm nghiệm lại nhiều điều và rút ra một bài học - thời bình cũng không khác trong thời chiến - về một chân lý muôn thuở: Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau , thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế do đó cũng không thể vững vàng"
Ngay từ năm 1941, trong bài “Kính cáo đồng bào”, Bác viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người VN đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...”.
Cách mạng Tháng Tám là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó.
Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến.
Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung
Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ. Bác đã tuyên bố: “Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì”.
Ở Bác, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Ngay từ trước cách mạng, Bác đã ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tư tưởng này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như ý, nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành của Bác cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn những xung đột bất lợi, bảo vệ những thành quả đầu tiên của cách mạng...
Đến Đại hội Đảng lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: “Chính vì Đảng Lao động VN là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc VN”. Lời giải thích đó của Bác đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trong đại hội Đảng.
Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hi sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi... Tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.
Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.
Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.
Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.
Bước vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác lại một lần nữa bừng lên như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam, kể cả các nhân sĩ, các nhà tư sản, thậm chí cả những sĩ quan cao cấp trong quân đội chính quyền Sài Gòn, cũng đã hình thành nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ độc tài tay sai của Mỹ (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Có một số là thành viên bí mật của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN và mặt trận Sài Gòn - Gia định. Do đó, chính quyền tay sai đã bị cô lập càng bị cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn.
Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Một trong những kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta.
Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp...
Đến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước VN, là dân tộc VN, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc.
Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì chúng ta vẫn mong muốn đông hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Trong thời gian này tôi có may mắn được sống và chiến đấu cùng đồng bào các giới trong lòng Sài Gòn - Gia Định, sau đó hơn 15 năm tiếp theo tại miền Tây Nam bộ. Sài Gòn là thành phố lớn, có đủ mọi tầng lớp dân cư đô thị khác nhau. Còn Tây Nam bộ suốt kháng chiến chống Pháp và nhiều năm kháng chiến chống Mỹ là một vùng có những nhà địa chủ giàu có nhất nước ta, những nhà trí thức từng du học ở Pháp, những quan chức cao cấp của chính quyền đương thời, những nhà tu hành và tín đồ của nhiều tôn giáo, những người thuộc những dân tộc khác nhau, như Khơme, Chăm, Hoa... Nhưng ở cả hai địa bàn ấy, chúng tôi vẫn tồn tại và hoạt động được là nhờ được sống giữa lòng dân, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu trong máu thịt tôi.
Trên lĩnh vực quốc tế, tinh thần đoàn kết cũng đã đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục. Phong trào phản chiến ở Mỹ, ở Pháp và phong trào phản đối chiến tranh xâm lược VN ở nhiều nước trên thế giới, đã làm cho kẻ thù xâm lược VN càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:
- Đất nước đã được hòa bình, thống nhất. Giang sơn đã trở về một mối. Lòng người cũng qui về một mối.
- Toàn dân vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc.
- Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền Nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quí, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước VN hòa bình, giàu mạnh.
- Hầu hết quân đội, sĩ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hòa bình, hòa hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn.
- Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở VN cũng thấy cần xóa đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với VN. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hóa quan hệ với VN, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến...
Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy...
Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.
Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.
Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.
Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho VN lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn mà thật ra không phải là hoàn toàn không tránh được.
Kết quả là VN bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử.
Để ngọn lửa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc sáng mãi
Từ ngày Đảng ta có chủ trương đổi mới, tư tưởng hòa hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan. Quan điểm kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng VN làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai... đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt khỏi khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt.
Ngày nay chúng ta đã có một nước VN độc lập, thống nhất và đang trên đường tiến tới thực hiện lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta đã từng bước nâng cao uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta càng có sức cảm hóa nhiều hơn. Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn.
Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh VN trên trường quốc tế?
Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu qui tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được qui tụ. Con người mà không qui tụ thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng.
Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển: Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các qui luật của thiên nhiên và của xã hội. Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo: có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng
Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là Bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người VN đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình.
Để ngọn lửa đó còn sáng mãi, chúng ta hãy cùng ôn lại mấy bài học lớn của Bác:
- Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN.
- Đã thế thì mọi người VN đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hóa đó.
- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người VN đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hóa này.
Nếu thực hiện tốt những tư tưởng đó, với kỷ niệm 60 năm quốc khánh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” trên quảng trường Ba Đình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu..., mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Đình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người VN chúng ta.
Để thật sự đại đoàn kết dân tộc
Người ta thường nói đến đại đoàn kết khi chiến đấu chống xâm lược, khi gặp những khó khăn chống chọi với kẻ thù, ít nói đến đại đoàn kết dân tộc khi hòa bình. Chúng ta hình như chỉ chú trọng đến lịch sử đấu tranh, những vinh quang, anh hùng của chiến đấu chống xâm lược mà ít quan tâm đến lịch sử xây dựng, vinh danh những vĩ nhân xây dựng đất nước.
Nếu chúng ta đã từng coi mất nước là mối nhục, đã đại đoàn kết dân tộc để giành được độc lập cho đất nước thì ngày nay cũng phải làm sao cho mọi người dân ý thức được rằng nghèo nàn, lạc hậu là mối nhục không thể chấp nhận được. Từ đó, chúng ta đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh không thua kém các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới!
Sau 30 năm sống và làm việc kể từ ngày đất nước thống nhất, tôi vô cùng thấm thía khi nghe nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói trong bài báo trên rằng đoàn kết có nghĩa là phải khoan dung.
Đọc bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi mong ước con cháu của những người cộng sản cũng như những người đã từng chống cộng sản mãi mãi không còn coi nhau là kẻ thù nữa, mọi người VN chỉ có kẻ thù chung là sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước.
Bài học luôn mới
Đoàn kết là bài học luôn mới trong mọi thời, là kim chỉ nam để hành động và thành công. Trong xu thế mới hiện nay chúng ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng mở cửa để thu hút chất xám VN ở khắp nơi trên thế giới. Những người trẻ chúng tôi mong muốn Chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi với những qui định cụ thể trong việc sử dụng nguồn lực con người. Hiện nay ở nhiều nơi, nhiều cơ quan vẫn còn tình trạng sử dụng lao động “con ông cháu cha”, quen biết.
Vì thế đã bỏ qua rất nhiều người có tâm huyết, có khả năng làm tốt công việc hơn những người quen biết. Những người trẻ sinh sau chiến tranh, tôi nghĩ họ không thể vì chiến tranh, vì những sai lầm của ông, của bố họ trước đây mà bị đẩy ra khỏi “cuộc chạy” đưa đất nước tiến lên. Bài học đoàn kết trong thời đại ngày nay, theo tôi, là bài học không phân biệt đối xử, không kỳ thị, moi móc quá khứ, bài học của lòng bao dung. Có như thế nguồn lực con người trong cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu của đất nước mới dồi dào.
Phải biến khẩu hiệu thành hành động!
Nghe nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ông không nhìn khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải, tôi thấy giật mình!
Lâu nay chúng ta quen sống với khẩu hiệu, phong trào... nên những vấn đề có tính tư tưởng, tính sống còn ngày càng trở nên quen thuộc và đôi khi chúng ta bước qua nó với một cái nhìn... vô cảm. Cuộc sống cứ cuốn chúng ta trôi theo nhịp điệu “cơm áo gạo tiền” hằng ngày, đã làm chúng ta trở nên bàng quan với thực tế, quay lưng với lịch sử!
Những sự kiện được báo chí khơi gợi như những cuốn nhật ký của anh Thạc, chị Trâm... đã đốt cháy lên ngọn lửa khát vọng của tuổi trẻ. Vậy tinh thần đoàn kết dân tộc, qua bài viết của nguyên Thủ tướng, có được khơi dậy? Ông Võ Văn Kiệt bảo đó là cội nguồn của sức mạnh, nhưng với chúng ta đó còn là động lực, là niềm tin, là khát vọng!
Muốn ngọn lửa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc rực sáng trong vận hội mới, chúng ta phải hành động bằng những việc làm cụ thể của mỗi cá nhân, của chính sách nhà nước và chiến lược của cả dân tộc!

VÕ VĂN KIỆT


 
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng
QĐND Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh: Những điều
 
Trong những số gần đây, chuyên mục Gặp gỡ- phỏng vấn của Quân đội nhân dân cuối tuần liên tục đăng tải loạt bài phỏng vấn các vị tướng lĩnh đã từng tham gia vào Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.  Để khép lại loạt bài này, chúng tôi xin được đăng bài phỏng vấn Thượng tướng Lê Ngọc Hiền-nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh. Ở vị trí người tham gia hoạch định chiến lược, chiến dịch, Thượng tướng là người nắm rõ về thế cuộc trên chiến trường lúc ấy. Cho đến tận bây giờ, khi đã về nghỉ hưu tại ngôi nhà ấm cúng trong khu tập thể quân đội ở phố Lý Nam Đế, ông vẫn tiếp tục suy tư và đúc rút những bài học quý báu từ mùa Xuân toàn thắng 1975.
 
Tại sao ta vạch ra chiến lược hai năm?
 
PV: Thưa Thượng tướng, từ trước tới nay các tài liệu lịch sử thường nhắc tới kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976), nhưng ít người hiểu từ những thực tế nào mà Bộ Tổng tham mưu lại vạch ra chiến lược trên?
 
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền: Đây đúng là một vấn đề lớn, có giá trị nghiên cứu không chỉ trong quá khứ mà còn cả ở hiện tại và tương lai.
 
Sau khi những tên lính chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, tình hình thay đổi có lợi cho ta. Từ chỗ phải đương đầu với hai lực lượng chiến lược Mỹ-chư hầu và quân  nguỵ, nay ta chỉ còn phải đánh với quân đội tay sai. Bộ Tổng tham mưu nhận thấy rằng muốn tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn đạo quân tay sai với hơn 1 triệu tên này thì ta phải sử dụng đòn tác chiến của chủ lực là chính, tập trung mở các chiến dịch tấn công, kết hợp với nổi dậy của quần chúng. Ta phải phấn đấu nâng mức diệt  gọn các đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn (như đã làm được trong các chiến dịch năm 1971, 1972) lên mức tiêu diệt về chiến dịch các đơn vị sư đoàn, quân đoàn, tiến lên tiêu diệt về chiến lược, đánh tan rã hoàn toàn đạo quân tay sai.
 
Tuy trên chiến trường tương quan lực lượng đã thay đổi rõ ràng có lợi cho ta, song quân nguỵ lúc đó vẫn được đánh giá là đạo quân mạnh nhất đối đầu với cách mạng trong khu vực Đông và Đông Nam châu Á. Đó là đội quân binh chủng hợp thành hoàn chỉnh, hiện đại, trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hoàn toàn do Mỹ cung cấp với quân số hơn một triệu người, trong đó có: 75 vạn quân chính quy, 37 vạn quân địa phương, bảo an, dân vệ, 45 vạn phòng vệ dân sự (trong đó, 23 vạn đã được cấp súng), chưa kể 8 vạn cảnh sát vũ trang. 
 
Căn cứ vào tình hình, khi tính toán thời gian thực hiện nhiệm vụ, tập thể nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu thấy rằng cần thiết phải hai năm lực lượng vũ trang ta mới có thể tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn quân nguỵ. Lúc bàn kế hoạch, một khó khăn mà ta phải giải quyết là về đạn dược. Để thực hiện được kế hoạch hai năm, cần hàng triệu viên đạn pháo, cối, mà trong kho lúc đó chỉ còn 78 vạn viên. Ta phải khắc phục khó khăn này bằng nhiều cách, trong đó có việc lấy vũ khí của đối phương.
 
Trong khi thảo luận, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương còn gợi ra phương án có thể thời gian thực hiện nhanh hơn, ngay trong năm 1975, đồng thời cũng tính tới gặp khó khăn, qua năm 1976, sang năm 1977.
 
Việc nhấn mạnh sử dụng đòn tác chiến của chủ lực, không có nghĩa là ta xem nhẹ đòn tác chiến tiến công tổng hợp, tiến công và nổi dậy, đánh địch bằng cả 3 đòn: đòn chủ lực diệt sinh lực địch trên chiến trường miền núi; đòn nông thôn diệt địch, phá bình định, mở rộng vùng giải phóng; đòn thành phố khi ta chuyển sang tổng tiến công nổi dậy, đánh vào các trung tâm đầu não. Trong đó, đòn của chủ lực là đòn quyết định!
 
- Chắc rằng sự tính toán của ta không chỉ dựa vào những yếu tố về quân sự, thưa Thượng tướng?
 
- Đúng vậy. Những người hoạch định chiến lược tính rằng trong kế hoạch hai năm trên, có hai thời cơ chính trị quan trọng mà ta cần triệt để tận dụng. Đó là: cuộc bầu cử tổng thống nguỵ vào cuối năm 1975 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 1976. Nếu trong hai thời điểm trên, ta đánh mạnh, thắng lớn thì sẽ tạo ra sức ép buộc Mỹ phải thay đổi chính sách, không thể ngoan cố kéo dài chiến tranh.
 
- Mọi người đều đã biết, chúng ta chỉ mất gần hai tháng để hoàn thành “kế hoạch hai năm”. Tại sao lại có bước “đại nhảy vọt” ấy, thưa Thượng tướng?
 
- Nguyên nhân chủ yếu nằm trong khâu chỉ đạo chiến lược, chỉ huy chiến dịch đã đạt được thành công vượt xa yêu cầu, từ chỗ kế hoạch chỉ đề ra là diệt sư đoàn thì ngay trong chiến dịch đầu tiên là chiến dịch Tây Nguyên ta đã diệt được quân đoàn- quân khu địch. Đây là điều mà chính những người vạch kế hoạch như chúng tôi cũng chưa dự tính được đầy đủ.
 
Vì vậy, chỉ trong gần hai tháng với ba chiến dịch: chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế- Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt và đánh tan rã toàn bộ quân ngụy mà không cần thời gian hai năm như trong kế hoạch.
 
Cụ thể, chỉ trong hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng, ta đã diệt và đánh tan rã quân đoàn 2- quân khu 2 và quân đoàn 1- quân khu 1 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 35% tổng số binh lực, 40% lực lượng binh chủng của chúng, thu và phá hủy 40% cơ sở vật chất, giải phóng 16 tỉnh với 8 triệu dân. Chiến dịch Hồ Chí Minh của ta đã đánh vào tận hang ổ đầu não của quân ngụy, diệt và đánh tan rã lực lượng chủ yếu quân ngụy gồm quân đòan 3, lực lượng tổng dự bị chiến lược và biệt khu thủ đô. Ta không phải mở chiến dịch lớn để diệt quân đoàn 4 của ngụy ở Đồng bằng sông Cửu Long mà lực lượng tiến công, nổi dậy tại chỗ đã tự giải quyết được.
 
Địch- sai lầm chiến lược, ta-phân tích đúng, chớp nhanh thời cơ, mưu trí, dũng cảm
 
PV:  Có ý kiến cho rằng, nếu ngụy không sai lầm nghiêm trọng về chiến lược khi đã rút toàn bộ quân đoàn 2 khỏi vùng Tây Nguyên thì có thể tình thế không thuận lợi cho ta đến vậy?
 
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền: Trong chiến đấu thì thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ có thể xuất hiện nhờ những nỗ lực chủ quan của ta. Thời cơ cũng có thể đến do địch mắc phải sai lầm mà ta triệt để khai thác được. Đúng là đối phương đã phạm sai lầm khi rút Quân đoàn 2 ra khỏi Tây Nguyên. Họ tính rằng nếu dồn lực lượng quân đoàn 2 về giữ 3 nơi hiểm yếu là đèo An Khê trên đường 19, đèo Tu Na hoặc Cung Sơn trên đường 7, đèo Phượng Hoàng trên đường 21 thì ta sẽ bị chặn lại, phải tổ chức chiến dịch mới. Khi đó mùa mưa đến, ta sẽ gặp khó khăn, khiến chiến tranh sẽ kéo dài.
 
Điều sai lầm là họ không tính đến tinh thần bạc nhược, kỷ luật kém của binh sĩ. Ý định của họ là chủ động rút quân có tổ chức, có kế hoạch nhưng khi thực hiện lại trở thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn.
 
- Và đối phương cũng không tính hết sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thời cơ của ta?
 
- Sau khi ta giải phóng xong thị xã Buôn Ma Thuột, tình hình hết sức khẩn trương. Mặc dù, lúc đó có nhiều nguồn tin cho rằng quân ngụy sẽ tăng viện hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng bộ phận thông tin lại nhận được những tin tức của chúng hỏi nhau kiểu như: “Có đốt tài liệu không?”, “Xe cộ giải quyết thế nào?”. Từ đó, chúng tôi nhận định rằng quân ngụy sẽ rút lui chiến lược, và điều này ngày càng rõ ra. Ngay tối 16-3, khi không liên lạc được với Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, anh Văn Tiến Dũng và tôi trực tiếp gọi điện thoại xuống Sư đoàn 320 ra lệnh nhanh chóng chuyển đội hình từ đánh địch tăng viện hòng phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột sang hành quân gấp lên hướng Bắc, tiến công địch trên đường rút lui.
 
Nhưng lúc ấy, sư 320 có khó khăn khi cả 3 trung đoàn đều phân tán cách xa nhau, nhanh nhất chỉ có thể huy động được một tiểu đoàn. Anh Văn Tiến Dũng ra lệnh phải xuất kích ngay. Thực tế, lực lượng đánh địch rút chạy của ta lúc đầu chỉ có một tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 64. Lực lượng của trung đoàn 48 và trung đoàn 64 (thuộc Sư 320) đến sau. Một tiểu đoàn chặn cả một quân đoàn- quân khu địch với đầy đủ xe tăng, máy bay, pháo binh...! Đây có lẽ là một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Tuy lực lượng ít hơn địch nhiều lần nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm, kỹ thuật, chiến thuật của ta lại hơn hẳn. Vì thế, chiến sĩ ta đã không hề nao núng, kiên trì cắm chốt, chặn đứng đường rút chạy, chờ lực lượng ta ở phía sau vận động tới tiêu diệt địch.
 
Trước khi ta nổ súng, đài quan sát của ta báo về cho tôi biết: “Đầu đội hình địch đang đi vào Cheo Reo, bảy, tám xe một hàng ngang. Đuôi đội hình  địch thì ở tít tận chân trời phía Plei-cu, không thể trông thấy hết”. Tôi mừng không tả xiết. Vậy là trúng rồi. Đội hình hành quân kéo dài hàng trăm cây số của địch nhất định sẽ bị ta đánh tan tác.
 
Dương Văn Minh chỉ là con bài của Mỹ hòng tranh thủ giải pháp thỏa hiệp
 
PV: Mới đây, có ý kiến cho rằng “Sài Gòn giữ được nguyên vẹn như vậy không thể không nói tới vai trò của Dương Văn Minh và nội các của ông ta”. Thượng tướng đánh giá thế nào về ý kiến này?
 
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền: Tôi xin khẳng định Dương Văn Minh chỉ là con bài của Mỹ hòng tranh thủ giải pháp thỏa hiệp. Anh em bộ đội và quần chúng nhân dân rất bất bình với ý kiến này.
 
Sài Gòn giữ được nguyên vẹn hoàn toàn không có một chút gì vai trò của Dương Văn Minh. Ngay trong kế hoạch tác chiến, ta đã xác định rất rõ ràng 6 cụm mục tiêu cho 6 cánh quân (chứ không phải 5 như sách báo vẫn nói), toàn là những cơ quan đầu não của địch: Cụm một là bộ tư lệnh hải quân, cảng hải quân và thương cảng do cánh quân Đông Nam (Quân đoàn 2) đảm nhận. Cụm hai là dinh Độc Lập do cánh quân chính Đông (Quân đoàn 4) đảm nhận. Cụm ba là bộ tổng tham mưu ngụỵ do cánh quân phía Bắc (Quân đoàn 1) đảm nhận. Cụm bốn là căn cứ không quân Tân Sơn Nhất- bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh quân dù do cánh quân phía Tây Bắc (Quân đoàn 3) đảm nhận. Cụm năm là bộ tư lệnh biệt khu thủ đô do cánh quân Tây Nam (Đoàn 232) đảm nhận. Cụm sáu là tổng nha cảnh sát do hai trung đoàn độc lập số 88 và 24 đảm nhận. Toàn bộ pháo binh của ta sẽ tập trung đánh vào những mục tiêu này, nhằm đánh giập đầu, làm tê liệt hoàn toàn đối phương. Không hề có một quả đạn pháo nào của ta bắn vào khu dân cư. Như vậy, ngay từ đầu ta đã xác định rõ rằng phải cố gắng giữ nguyên vẹn thành phố.
 
Tôi cho rằng ý kiến này có ác ý, coi Dương Văn Minh là “cơ sở” của công tác địch vận, qua đó phủ nhận toàn bộ hy sinh xương máu của đồng bào, đồng chí, đồng đội trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như ngay trong chiến dịch cuối cùng, quyết định là chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Trong chiến dịch cuối cùng này, con số hy sinh và bị thương của bộ đội ta lên tới vài nghìn. Sự thật là đối phương đã ngoan cố chống cự đến những giờ phút cuối cùng. Biết bao chiến sĩ của ta đã ngã xuống ở ngay trên đường phố Sài Gòn. Máu của chiến sĩ ta vẫn đổ khi thắng lợi đã đến rất gần. Đau lòng lắm…(Nói đến đây, ông nghẹn lại, nước mắt trào ra. Chúng tôi lặng im, mắt  cay xè, toàn thân gai lên.)
                                                               *
*        *
 Chiến tranh đã qua 30 năm. Những đồi cây bị bom đạn phá trụi, xám xịt, đã xanh trở lại. Các cao ốc, biệt thự đã dần thay thế những ngôi nhà đổ nát. Một thế hệ sau chiến tranh đã trưởng thành. Khép lại quá khứ, xây dựng tương lai, đoàn kết dân tộc để hàn gắn vết thương chiến tranh là điều mà chúng ta luôn hướng tới. Nhưng như thế không có nghĩa ta lãng quên lịch sử, lãng quên tất cả những gì đã diễn ra, lãng quên những người đã hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vĩ đại để có cuộc sống hôm nay.
 
Lịch sử có giá trị khách quan, bền vững, có sự công bằng của nó. Không ai, không thế lực nào có thể xuyên tạc, bóp méo.
 
Hồ Quang Phương (thực hiện)
QĐND Cuối Tuần
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét