Khoằm

13 tháng 12 2014

"Hạt giống đỏ" học sinh miền Nam tại Hải Phòng

60 năm trước, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam còn phải đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải thi hành Hiệp định Giơnevơ để sau 2 năm tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Nam. Vì vậy, Cách mạng Việt Nam phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Để thực hiện chiến lược con người, Bác Hồ và TW Đảng và Chính phủ ta đã có chủ trương đưa con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc để đào tạo, chuẩn bị một đội ngũ cán bộ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chấn hưng đất nước sau khi thống nhất. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, vô cùng sáng suốt với tầm nhìn chiến lược về việc chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cách mạng miền Nam trong kháng chiến cũng như sau khi thống nhất đất nước của Bác Hồ và Trung ương Đảng, 28 trường học sinh miền Nam (HSMN) nội trú được thành lập với học sinh là con em đồng bào miền Nam thuộc nhiều dân tộc từ Bến Hải đến Cà Mau - mà Bác Hồ gọi là "những hạt giống đỏ" - được học tập, rèn luyện trưởng thành từ những mái trường trên miền Bắc. Đó là chưa kể do chiến tranh ác liệt, một số HSMN không học tập trung trong các trường nội trú mà theo học các trường khác trên khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc, nhưng vẫn hưởng chế độ HSMN.

Thầy trò của một Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc (năm 1956)

Giai đoạn đầu (1954-1958) có 28 trường HSMN được thành lập với các loại hình: Mẫu giáo, cấp I, cấp II, cấp III và bổ túc văn hóa. Trong số 28 trường, có một trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số và một trường dành cho các em người Việt gốc Hoa. Các trường HSMN lúc đầu được xây dựng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... về sau được tập trung chủ yếu về Hải Phòng, Hà Đông (nay là Hà Nội), Quảng Ninh và Hà Nam. Thời gian này cũng có một bộ phận HSMN được gửi sang học tại nước CHND Trung Hoa và CHDC Đức....



Hải Phòng được chọn là một trong những địa phương đón nhận đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, tổ chức các trường học cho học sinh miền Nam. 21 năm tính từ năm 1954 đến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, thành phố đã đón nhận, nuôi dưỡng và giáo dục trên 30 ngàn học sinh miền Nam, được coi là những “hạt giống đỏ” của cách mạng. Dưới sự che chở, đùm bọc của nhân dân Hải Phòng, nhiều người đã trưởng thành cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng…

Bác Hồ về thăm HSMN ở Hải Phòng

Từ sau năm 1964 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta càng ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Từ năm 1965 đến năm 1972 đã có thêm khoảng 10 nghìn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra học tại các trường HSMN. Đây cũng là thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại hết sức khốc liệt đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với ý đồ ngông cuồng là đưa miền Bắc nước ta trở về thời kỳ đồ đá. Để bảo tồn lực lượng và vẫn tiếp tục thực hiện nuôi tốt, dạy tốt và học tốt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định chia nhỏ các trường HSMN và cho sơ tán về các địa phương ở trung du và miền núi, một bộ phận được gửi sang nước bạn Trung Quốc.

Mô hình trường HSMN trên đất Bắc được đánh giá như một hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục. Trường HSMN là loại hình trường nội trú, đào tạo học sinh một cách toàn diện: đức, trí, thể, mỹ; thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, các trường HSMN có đội ngũ cán bộ, giáo viên được tuyển chọn, có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề nghiệp, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì học sinh thân yêu. Họ coi học sinh như con em của mình và coi việc chăm sóc, dạy bảo các em học sinh miền Nam là vinh dự, trách nhiệm và lương tâm đối với đồng bào miền Nam đang chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận để giành độc lập cho dân tộc, cho sự thống nhất Tổ quốc.

Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam, hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chắt chiu, nuôi dạy những người con của đồng bào miền Nam với khẩu hiệu: "tất cả vì miền Nam ruột thịt". Khi hòa bình mới lập lại, nền kinh tế miền Bắc bị phá hoại rất nặng nề, đồng bào miền Bắc phải ăn cơm độn ngô, độn sắn nhưng hàng ngày đồng bào vẫn lo cho học sinh miền Nam với tiêu chuẩn ăn cơm 3 bữa, lo cho con em miền Nam trang thiết bị học tập đầy đủ.

Vào mùa đông, với cái rét cắt da, cắt thịt, thấy học sinh không có áo ấm, nhiều người sẵn sàng nhường manh áo của mình cho học sinh miền Nam. Đồng bào miền Bắc đã xem các học sinh miền Nam như chính con em ruột thịt của mình với tình cảm thiêng liêng khó diễn tả hết. Những năm tháng Mỹ - ngụy phá hoại miền Bắc, việc học tập của các em học sinh miền Nam gặp khá nhiều khó khăn. Và việc dạy, học của thầy trò miền Nam càng khó khăn, phức tạp hơn nếu như không có sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào miền Bắc.

Học sinh miền Nam coi nhà trường là mái ấm tình thương, thầy cô và những người phục vụ như cha mẹ, người thân trong gia đình; họ sống trong tình cảm chân thành, yêu thương, đùm bọc giữa thầy-trò và nhân dân miền Bắc, coi việc học, rèn luyện là nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu hy sinh ở quê hương để cho họ được học tập, rèn luyện. HSMN giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, trọng tình bạn, đoàn kết, thực hiện kỷ luật nghiêm, gắn bó keo sơn, vượt qua mọi thử thách, học tập giỏi, rèn luyện tốt.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, phần lớn HSMN đã được tiếp tục đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Một số theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trở về miền Nam để trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương. Trong số đó, rất nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, những nhà văn, nhà thơ, những nhà chính trị, kinh tế... góp phần cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Và cũng rất nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, hầu hết HSMN đều trở về để xây dựng quê hương, tham gia trên mọi lĩnh vực công tác. Nhiều HSMN đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ nòng cốt trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các cơ sở khoa học, kinh tế- xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Bác Hồ về thăm và trò chuyện thân mật với học sinh các trường miền Nam ở Hải Phòng (ảnh tư liệu)
Những ngày Học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ngày 14/12/2014, chúng tôi - cựu Học sinh miền Nam họp mặt kỷ niệm 60 năm tại Hà Nội. Những gì xảy ra trong những ngày đầu bước chân của tôi đặt trên mảnh đất ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
LÂM BÍCH THỦY


Ngày đó trên chuyến tàu ra Bắc sau Hiệp định Genève, ở Qui Nhơn chúng tôi tiếp tục đợi tàu hơn một ngày, một đêm. Sáng hôm sau, tiếng các mẹ gọi con í ới xôn xao góc biển. Bọn trẻ chúng tôi đang chạy theo bắt con còng. Tiếng má tôi hớt hãi: “Các con ơi, tàu đến rồi! Về để xuống tàu mau”. Cùng đi trên chuyến tàu này, có gia đình các chú: Nguyễn Khoáng (Mịch Quang), Trinh Đường (Trương Đình), Nguyễn Thành Long, Vương Linh (Lê Công Đạo) Hoàng Châu Ký (cha nhà thơ Ý Nhi), Nguyễn Khánh (Khánh Cao - cha NSND Trà Giang),.. và gia đình bà Cán (có chồng bị ta bắn oan tại Qui Nhơn).

Trước khi đi, ba tôi - thi sĩ Yến Lan, bảo không cần mang nhiều đồ, bởi ra tới Bắc là nhà nước cấp phát đồ dùng cần thiết cho chúng ta ngay. Vì khoái đồ mới nên cả chăn màn má cũng không thèm mang theo; giờ thấy hối hận, cứ chép miệng hoài! Đêm trên tàu lạnh quá! Càng xa quê cái lạnh càng khủng khiếp! Nằm cạnh tôi là bạn Cu-Bê (tức Chương, sau này học khóa Vũ Trang Trường Đạo tạo cán bộ Công an), con trai cô Trợ Thược. Cô thì mang theo nhiều thứ lắm, có chăn đắp ấm nên bạn ấy ngủ rất ngon. Còn chị em tôi nằm co ro, khóc ti tỉ: “Má ơi! lạnh quá, lạnh quá má ơi…!”. Nghe tiếng khóc, cô đưa cho mượn cái bao tải. Thế là chị em tôi chui tọt vào và nằm úp thìa, ngủ đến sáng bạch.

Sau ba ngày, ba đêm lênh đênh trên biển, không thấy đâu là bờ. Rồi, bỗng nhiên, tàu khựng lại, mọi người ngơ ngác. Thì ra, tàu Ba Lan chở chúng tôi quá lớn, không vào được cảng Cửa Hội. Tàu “Há mồm” tiếp tục đưa chúng tôi đến chặng còn lại. Tàu này là tàu chiến của đối phương (Pháp), như chiếc xà lan lớn, đen, không trần, làm nhiệm vụ trung chuyển người ra tàu lớn hoặc ngược lại. Sang tàu, cô chú lớn bước qua tấm gỗ dài bắt ngang giữa hai tàu; trẻ con được các chú Ba-Lan ném từ tàu này sang tàu kia hệt như họ đang chơi trò bóng ném với nhau. Nhìn các chú ném bạn, tôi đứng sau sợ bị rơi xuống biển. Vậy mà, các chú thao tác rất nhịp nhàng, chính xác, chuyên nghiệp như xiếc. Sau này, tôi nghe nói, cả cuộc di chuyển lớn từ Nam ra Bắc, chỉ một lần làm rơi bé gái và người bị rơi không ai khác, chính là cô họa sĩ Ngoa - bạn của tôi (cùng bay ra Hà Nội dự lễ đợt này).

Chiếc tàu Há mồm chạy dọc dòng sông Luộc, rồi vào Bến Quí Cao để đổ đoàn người lên thị xã Ninh Giang. Trên bờ, người ra đón Đoàn đã dàn thành hai hàng, dài theo bước chân chúng tôi tiến vào. Nào băng khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng bào miền Nam ruột thịt”, nào cờ, nào trống rình rình, rất nhộn nhịp, rất đỗi thân thương. Chân tôi bước trên thảm ốc đẹp, đầy sắc màu (loại ốc sau này ngành du lịch tận thu làm dây chuyền bán cho khách tham quan) nghe lạo xạo vui tai; tôi thích quá, muốn cúi xuống vốc một nắm để chơi, nhưng không thể được. Các cô, các bạn thiếu nhi, nhi đồng Miền Bắc, hết người này đến người khác vít đầu, vít cổ, ghì lấy chúng tôi mà hôn mà hít (các bạn rất thạo việc này, chắc đã được học để đón tiếp rồi).

Một cô chừng bằng tuổi má, hàm răng đen bóng, dẫn chúng tôi vào gian nhà ngói rộng thênh thang, có sức chứa hàng trăm người. Có lẽ, đó là ngôi nhà nguyện của người theo đạo Thiên Chúa. Cô chỉ chỗ nghỉ ngơi và tắm giặt. Đã hơn ba ngày chúng tôi chưa tắm, ngứa lắm rồi! Đặc biệt, không thấy bóng đàn ông khỏe mạnh nào cả; có lẽ họ ra trận hết rồi! Trong làng chỉ có người già, trẻ em lớn hơn hoặc bằng tuổi bọn tôi thôi! Tôi lên tám tuổi, nhưng cảm nhận được tấm lòng của các cô miền Bắc thật chu đáo, lo chỗ ăn, ở, đi lại cho cả đoàn. Không biết vì sao, tối đó, chúng tôi được ăn bữa cơm trên sân gạch mà thấy ngon chưa từng có! Có lẽ bữa cơm ấy có độn thêm tấm lòng của bà con miền Bắc đối với bà con miền Nam chăng?

Sáng hôm sau, tôi thấy nhớ nhà ra đứng trước biển, hướng mắt về phía con tàu Há mồm đã quay đi, để định hướng nhà mình. Song, chỉ có màu xanh mênh mong của trời, biển mà thôi!..

Hôm sau nữa, mẹ chị Trà Giang giúp cô miền Bắc, cấp phát đồ dùng thiết yếu cho mọi người. Giọng cô vang to trong ngôi nhà nguyện: “Mỗi nhà cử đại diện đến kho số 1 lãnh chăn mền, áo ấm. Các cháu thiếu nhi, nhi đồng đến kho số 2 nhận áo len”. Cậy quen, tôi leo lên để chọn. Tôi sục sạo trong đống, cầm màu xanh, màu đỏ… giơ lên hỏi: “Màu này được không thím”. Chọn áo len trên núi áo, giống như chọn hoa trong rừng hoa, khó thật! Thấy vậy thím Khánh bảo: “Con lấy áo màu cà phê sữa trông sang hơn”. Thế là tôi lấy áo màu cà phê sữa. Chiếc áo này đã sưởi ấm tôi suốt thời niên thiếu trong Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng.

Rồi hôm nữa, cô phụ trách cho tự do đi tham quan thị xã Ninh Giang. Chị em tôi lẽo đẽo theo chân các mẹ vào chợ Vé. Chợ này có nhiều thứ lạ mắt, đặt biệt có nhiều thúng đựng cào cào luộc. Tôi hỏi cô bán hàng: “Con này để làm gì mà ở đây bán nhiều thế thím?”. Cô nhìn tôi triều mến, vì biết chúng tôi mới ở Nam ra, nhẹ nhàng bảo: “Cháu đừng gọi bằng thím, gọi là cô nhé” rồi cười toe toét, để lộ hàm răng đen đã bạc màu, nói: “Đây là tôm bay, rang mỡ thật giòn, ăn ngon lắm, bảo mẹ mua ăn thử!” Chả biết ngon cỡ nào, nhưng tôi gớm lắm. Song, hôm sau, trong bữa ăn của đoàn, tôi thấy có cẳng châu chấu bự nữa kia!
Hết thời gian nghĩ lấy sức, người lớn phải đi nhận công tác theo ngành, nghề đã khai trong lý lịch. Còn lũ nhóc, từ bảy tuổi trở lên theo chú phụ trách nhập vào các Trường Học Sinh Miền Nam. Đó là các con em cán bộ tập kết: “Nhằm đào tạo một thế hệ cán bộ mới, vừa hồng vừa chuyên cho miền Nam sau này.” Vì thế, Bác Hồ rất quan tâm đến mọi sinh hoạt, đời sống của HSMN, đã chỉ thị: “Tất cả vì con em Miền Nam ruột thịt”.

Trước tiên, chúng tôi được chuyển về Tân Đệ - Thái Bình. Ở đây nhà trường chia trường, lớp theo học lực và tuổi. Mỗi lớp khoảng 35, 40 em; ở nhờ nhà dân; mỗi nhà từ 3 đến 5 em. Nhân dân miền Bắc, lúc này, còn quá nghèo; có nhà chỉ độc chiếc giường tre, vậy mà nhường cho chúng tôi, gia đình trải chiếu nằm đất. Dẫu việc ăn, ở, học lúc đầu chưa ổn định, nhưng nhà trường cố gắng, năng động để chúng tôi kịp vào học niên khóa năm 1955-56. Lớp học rất cơ động; chỗ nào có bóng râm, sân nhà nào rộng là có thể tận dụng để chúng tôi đến lớp. Bạn nào mượn chủ nhà được ghế xếp là ngon lắm. Phần lớn chúng tôi lấy gạch lót lá ngồi nghe giảng bài. Tối, ngồi ở giường, mỗi bạn được phát một cây đèn dầu. Chúng tôi chăm học, hồn nhiên trong đại gia đình HSMN ngay từ thuở ấy. Mỗi lớp, có một cô bảo mẫu, một giáo viên chủ nhiệm. Cô bảo mẫu thì lo về vệ sinh, tắm giặt cho chúng tôi; cô chủ nhiệm lo học tập, sức khỏe, đạo đức… Tuy nhiên, thời gian này, có lúc chúng tôi sợ là "giặc" ghẻ, chấy, rận, rệp…

Giặc ghẻ:

Lớp học đông, một cô bảo mẫu. Cứ ba ngày cô tắm cho cả lớp. Chúng tôi sắp hàng dọc, hoặc túm tụm lại, cô dội một loạt cho ướt người, đứa này kỳ lưng cho đứa kia, xong quay lại, đứa kia kỳ cho đứa này, rồi cô dội lần nữa là xong. Quần áo của 40 đứa giặt trong chậu tôn. Đúng 3 nước đem phơi. Thế là con ghẻ của đứa này tự do đi lại vào lai quần, áo đứa kia. Thành ra, một đứa bị ghẻ, lây cho cả lớp. Tối đến cả lớp đều “sột soạt gảy đàn”.

Giặc rận:

Ở thế kỷ 21, nói đến chấy rận, các bạn sẽ ngơ ngác, không hiểu nó là sinh vật gì, từ hành tinh nào rơi xuống. Ai hình dung ra nổi; bởi giờ, trên con đường hội nhập, xã hội loài người đã và đang sống trong điều kiện siêu hiện đại; điện, nước, giường nệm, máy lạnh, lò sưởi, máy nước nóng v.v...Thời đó, chúng tôi, tuy được ưu tiên hết cỡ, nhưng đất nước đang chiến tranh, bị chia cắt, mọi thứ đều khan hiếm, thiếu thốn và phải ưu tiên cho chiến trường. làm sao được như hiện nay! Chúng tôi thì quá nhỏ để tự chăm sóc. Mà không biết cái loài hút máu này, từ xó xỉnh nào chui ra, chiếm cứ rồi “đóng đô” vào lai quần, lai áo chúng tôi. Tôi cam đoan rằng, không bạn nào lớp tôi thoát khỏi nạn khủng bố của loại giặc này, nhưng, không ai dám nói ra, vì sợ bị chê ở bẩn, vì thế chúng có cơ hội xây dựng “đế chế” trên áo quần theo cấp số nhân. Rận giống con chấy, nhưng thon và trắng hơn, nó sống ở kẻ các đường may và đẻ trứng dọc theo đó. Diệt không xuể! Chúng tôi phải dùng chai cà như má cà đậu xanh ở nhà để nấu chè vậy. Trứng vỡ kêu bùm bụp nghe sướng tai lắm nhé!

Giặc chấy:

Chúng cắn ngứa khó chịu, phải cào chảy máu mới đã. Cào đến loét da đầu. Em Tú Thủy bị chấy cắn lở đầu, cô bảo mẫu cạo trọc đầu nó rồi bôi phẩm xanh. Đúng lúc, ba tôi tìm đến thăm. Từ xa, ông nhận ra nó đứng cùng đám bạn với cái đầu xanh lè, trọc lóc. Nó thấy ba, mừng quá, miệng méo xệch. Ba tôi thấy con như thế, tội quá, xin phép nhà trưởng cho về gia đình chăm chóc, hết ghẻ trả lại. Nhưng thấy con còn nhỏ, ba tôi để nó ở nhà không đưa vào trường nữa.

Bài thơ Bẻ liễu ra đời, là lúc ông dẫn nó về. Đó là bài thơ ca ngợi thành tích của Kế hoạch 5 năm đầu Hợp tác hóa nông thôn Miền Bắc:

Đi qua đường Tân Đệ - Thái Bình
Cha bẻ cho con cành dương liễu xanh
Hỡi con gái lớn theo lòng Hà Nội
Vườn phố con đi chen đầy cây cối
Có lạ gì một nhánh liễu rung rinh
Bẻ cho con nhành dương xanh biếc
Trên quãng đường xưa lên bờ tập kết
Cha dẫn con về một lớp học miền Nam
Tạm ở Thái Bình giữa xóm mái tranh lam…

Ở Thái Bình vài tháng thì chúng tôi chuyển về Sơn Tây, rồi đến Hải Phòng. Hảì Phòng, nơi đã nuôi dưỡng, giáo dục chúng tôi trưởng thành. Nhóm từ “Hải Phòng với Học sinh Miền Nam” đã trở thành câu thân quen đối với chúng tôi là như vậy đó.

L.B.T
(Trích Hồi ký Về người cha thi sĩ của LÂM BÍCH THỦY)
Thời gian qua, Ban liên lạc Hội học sinh miền Nam trung ương, phối hợp với Sở giáo dục-đào tạo Hải Phòng và một số ban ngành, tổ chức thành phố, vận động quyên góp xây dựng biểu tượng kỷ niệm học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Biểu tượng được hoàn thiện vào ngày 10/12/2014, nhân kỷ niệm 60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, biểu tượng có chiều cao 3,95m, với hình tượng đôi bàn tay to lớn (tượng trưng cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng - địa phương có nhiều trường học sinh miền Nam đóng quân nhất miền Bắc lúc bấy giờ, nơi đã nuôi dưỡng, đào tạo các cựu học sinh miền Nam trong những năm từ 1955 - 1965) đang ôm ấp, che chở cho “Hạt giống đỏ” (tượng trưng cho cựu học sinh miền Nam), đặt trên nền đá tảng và thảm cỏ xanh, trong khuôn viên rộng 56,32m2 của vườn hoa Nguyễn Du.


Sáng cùng ngày, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, điểm Trường học sinh miền Nam số 6 năm xưa, Công đoàn ngành Giáo dục và Hội Cựu giáo chức thành phố phối hợp tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với đoàn cựu học sinh miền Nam gồm 80 thành viên thăm lại thành phố.

2 nhận xét:

  1. Hải phòng yên giấc ngủ say
    Cây rung theo gió, lá bay xuống đường
    Các cháu Miền Nam yêu mến
    Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
    Các cháu ơi giấc ngủ có ngon không....

    Bài tập đọc thuôc lòng ngày xưa....

    Trả lờiXóa
  2. Lớp người ấy lần lượt về nghỉ khoảng 10 năm trở về trước hết rồi.

    Trả lờiXóa