Khoằm

05 tháng 3 2015

Lễ hội Hịch văn Hội minh thề

Ở làng nhỏ ven biển Hòa Liễu có một lễ hội thật độc đáo: uống máu ăn thề làm dân không trộm cắp, làm quan không nhũng nhiễu, ai sai xin trời tru đất diệt.



Lễ hội góp phần diệt mê lầm : Hội Minh Thệ ở Hải Phòng


Lời dẫn: Đây là bài đã đăng trên Kinh tế và Đô thị (cơ quan của Ubnd Tp Hà Nội), và vừa lên trang điện tử của báo này độ 1 giờ trước.
Công bố một mảnh nhỏ của ghi chép tháng 2/2011.
Bản thảo thì dài hơn, và có thêm nhiều ảnh, đã được biên tập viên của KT&ĐT cắt chỉnh rất hợp với báo. Tuy vậy vẫn còn nhiều chỗ cắt đột ngột quá. Tiêu đề thì đã được đặt lại hoàn toàn.

Lễ hội Minh Thệ – Cội nguồn của tư tưởng “chí công vô tư”

Cập nhật lúc 11h00, ngày 11/03/2011


KTĐT – Theo thống kê của của Cục Văn hóa Cơ sở, hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó tới 88% là lễ hội dân gian. Tuy vậy, trong vòng mười năm trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến nhiều bất cập đáng ngại trong nhiều lễ hội dân gian, thậm chí, nhiều người còn bi quan cho rằng: Hình như lễ hội ngày nay chỉ cổ vũ cho mê lầm.
Nhưng thực tế, bức tranh tổng thể về lễ hội dân gian đương đại không đến mức bi quan như vậy, vẫn còn không ít lễ hội đã và đang góp phần thiết thực đẩy lùi tiêu cực, quét sạch mê lầm. Tiêu biểu là lễ Minh Thệ vẫn được tổ chức vào [tháng Giêng] hàng năm tại làng Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Cắt máu ăn thề "không lấy của công thành của tư"


Mặc dù chưa "đứng" vào danh mục thống kê nói trên của Cục Văn hóa cơ sở, nhưng lễ hội Minh Thệ đã có lịch sử hình thành và lưu truyền khoảng 500 năm, có thể xem là một nét tinh hoa của văn hóa vùng xứ Đông.


Trước năm 1945, lễ hội Minh Thệ làng Hòa Liễu được tổ chức vào hạ tuần tháng Chạp (chính hội là ngày 24 tháng Chạp) hàng năm, tại miếu và đình. Sau năm 1945, miếu và đình bị hạ giải, lễ hội Minh Thệ bị gián đoạn một thời gian dài. Đến năm 1993, khi cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhân dân địa phương bắt tay phục hồi các lễ hội truyền thống. Kết quả là từ năm 2002, lễ hội truyền thống làng Hòa Liễu đã được tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng Giêng, tại cụm di tích đền – chùa Hòa Liễu với nhiều hoạt động kế tiếp nhau: tế cáo yết, lễ Minh Thệ, đấu vật, cờ người… Trong đó, Minh Thệ là hoạt động trung tâm, là linh hồn của lễ hội.


Minh Thệ được tổ chức hết sức bài bản vào sáng 14 tháng Giêng. Người ta dựng một đài thề trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Xung quanh có hoa quả, bát hương, một con dao bầu (bọc vải điều), một bình rượu lớn (phủ vải điều) và một con gà sống (nhốt trong bu gà phủ vải điều). Trước đài thề có một vòng tròn bằng vôi trắng đường kính khoảng 2m, ở giữa có một ô đất trống, gọi là vòng thiêng. Sau khi chủ tế và các vị bồi tế (là các vị có chức sắc trong làng, mặc áo lễ màu đen) đã yên vị, chủ tế vái lạy, là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cắm mạnh con dao vào điểm giữa vòng thiêng, rồi rút nó lên, vẽ một vòng tròn theo hình vòng vôi trắng, rồi lại cắm xuống điểm giữa vòng thiêng. Sau đó, chủ tế bắt đầu đọc Văn thề bằng âm Hán – Việt, rồi cầm dao bầu tiến đến đài thề cắt tiết gà với sự giúp đỡ của hai lính áo đỏ, nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị bồi tế uống như thể ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó. Rượu được chuyển ra ngoài cho các vị cao niên trong làng. Lời thề "…lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì nguyện cầu các vị thần linh hãy đả tử !…" là tâm điểm của văn thề.


Sức sống đương đại


Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ và theo truyền khẩu của người dân địa phương, người có công xây dựng nên chùa và đền Hòa Liễu là một Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc họ Vũ. Vào thập niên 1650, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi. Riêng Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, sau số ruộng cúng chùa đạt tới 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để đảm bảo người nào trong làng cũng có ruộng. Tương truyền, nhân đó, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất, và bản văn Minh Thệ "không lấy của công làm của tư" đã dần dần định hình.


Một điều đáng quý là lê hội Minh Thệ vẫn đang lưu truyền và phát triển trong cuộc sống đương đại, trở thành một giá trị tinh hoa của một vùng quê lúa ở xứ Đông. Mỗi năm, khi lễ hội Minh Thệ được tổ chức, người ta kéo đến chật sân đền – chùa, yên lặng và trật tự quan sát, để cùng nhau thụ cảm tư tưởng "chí công vô tư", ý thức trách nhiệm với cộng đồng "không lấy của công thành của tư" được truyền đến từ trong bề dày của truyền thống văn hóa.


Đặc biệt, đại diện một số dòng họ trong làng cho biết, mỗi khi có dịp hội tụ đông đủ hay tổ chức cúng giỗ thì đều tuyên đọc lời văn thề của dòng họ (được soạn dựa theo nội dung văn thề ở đền – chùa Hòa Liễu). Ở trường cấp 1, cấp 2 trong xã, có nhiều thầy cô giáo giảng giải nội dung lễ hội Minh Thệ cũng như khuyến khích học sinh tìm hiểu về lễ độc đáo này và chiều sâu triết lí của nó.

Chu Xuân Giao (Viện KHXH Việt Nam)


THÁI HOÀNG THÁI HẬU HỌ VŨ VÀ HỘI LÀNG HÒA LIỄU






Tượng Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trong hậu cung của đền Hòa Liễu ( bằng đá )

I. Vài nét về Hoà Liễu
Làng Hoà Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện  Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Tên làng xưa là Lan Niểu/Lan Điểu; đời vua Minh Mạng, triều Nguyễn đổi tên là Hoà Liễu. Từ huyện lỵ Kiến Thuỵ đến làng khoảng 3km.
Các dòng họ đến cư trú sớm nhất, tính từ thuỷ tổ đến nay là 17-18 đời. Hiện nay có 9 dòng họ, dân số trên 2560 người, nghề chính là nông nghiệp, nghề phụ không đáng kể. Làng có 5 xóm, ở tương đối quy tụ.
Cụm di tích Đền và Chùa Hoà Liễu được dựng trong cùng một khuôn viên. Đền là nơi thờ Thái hoàng Thái hậu họ Vũ.[1]
          II. Hội làng Hoà Liễu
          Hội Hoà Liễu cũng như mọi hiện tượng lịch sử văn hoá, có sự thay đổi qua thời gian, nhằm phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên Hội vẫn giữ được những đặc điểm truyền thống cơ bản. Hội làng Hoà Liễu mà chúng tôi miêu thuật dưới đây do bản thân quan sát trực tiếp, và phỏng vấn trực tiếp trong các ngày 13 và 14 tháng Giêng Tân Mão (tức 15 và 16 tháng 2 năm 2010).
Ngày nay, hội làng có những mục chính là tế lễ, cờ người, đấu vật; đặc biệt là lễ minh thệ.
          1. Tế lễ
          Lễ tế tổ chức vào chiều 13 tháng, mọi tiết mục không khác các lễ tế nơi khác. Chúng tôi nhận thấy đội tế (nữ quan) ở đây trật tự, nề nếp và uyển chuyển, khiến tăng thêm sự trang trọng của buổi lễ. Luôn có cụ bô lão có hiểu biết (cụ Phạm Đăng Khoa) kiểm tra, theo dõi thao tác của các thành viên tham gia tế. Ai có lỗi thì bị gài thẻ vàng để chỉnh đốn.
          Trước đây có lễ rước bài vị ở đền thờ Thái hoàng Thái hậu và bát nhang từ miếu thờ thành hoàng về đình mở hội. Sau khi miếu bị phá không còn lễ rước nữa.
. 2. Lễ minh thệ

          Đọc hịch Minh thệ trong buổi lễ
 Minh thệ là một lễ khá đặc biệt của hội Hoà Liễu. Nhân dân nói rằng lễ thề là do Đức Thánh tức Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản “bày cho”. Thực tế  là Thái hoàng Thái hậu đã tiếp thu lễ thề của đời trước và một số nơi khác chuyển giao lại cho dân làng. Điều quan trọng là nhân dân Hoà Liễu có công giữ gìn lễ này cho đến ngày nay và bảo lưu một cách đầy đủ, trang nghiêm.
          Về thời gian trước đó, lịch sử còn ghi lại lễ ăn thề của các vua quan đời Lý và đời Trần, tại đền Đồng Cổ, Thuỵ Khuê , Hà Nội[2].
Về đương thời, khoán ước của ba làng xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình  lập ngày 3 tháng 10 năm Diên Thành thứ nhất, đời vua Mạc Mậu Hợp (1578) có ghi tục minh thệ (ăn thề): “Từ đời vua Đoan Khánh (Lê Uy Mục 1505 - 1509) Hồng Thuận (Lê Tương Dực 1509 - 1516) dân chính bấy giờ mới hợp cử tâu được bằng minh thệ (ăn thề) lập án văn, việc tố tụng các ruộng đồn điền, ruộng do người khác xã lấn chiếm và ruộng dân thống nhất làm một”.[3]
          Lễ minh thệ Hoà Liễu được thực hiện trước môt đài thề, cao khoảng 2m50 gồm nhiều bậc, có tàn, lọng nghĩa là nơi thần ngự. Trên đài bày lễ vật. Ở tầng cao nhất là chiếc mũ cổ của thành hoàng. Như thế là lễ ăn thề được chứng giám trực tiếp của thành hoàng. Bên trái đài là đội nhạc bát âm. Sát trước đài, ngày mặt đất (lát gạch) là một bình sứ dùng để đựng rượu, dung lượng khoảng 10lít. Trước bình rượu, trên sàn gạch là một vòng tròn trắng, đường kính khoảng 2m (Ảnh đài thề số 3), ở tâm vòng thề có một viên gạch đươc cậy lên để lộ rõ mặt đất.
          Chủ tế tiến lên điều khiển toàn bộ buổi tế, bát âm bắt đầu trình xướng. Đội nam đinh lần lượt kính dẫn các vị chức sắc của làng, từng vị một vào vị trí, trươc đài thề. Tiếp theo là các mục then chốt của lễ ăn thề được thực hành khoan thai, nghiêm cẩn dưới sụ điều hành của chủ tế, trong tiếng nhạc bát âm lay động, trầm hùng và sự dẫn lễ của đội tráng đinh: dâng hịch văn minh thệ (hịch thề), tuyên độc hịch thề, dâng gà, dâng dao thề, đổ rượu vào bình, cắt tiết gà vào bình, (Ảnh cắt tiết gà, số…) toàn thể hô vang lời thề, cắm dao xuống đất vào tâm vòng thề, dâng huyết, từng vị chức dịch lần lượt hai tay nâng chén rượu thề, che miệng và uống cạn chén (Ảnh uống rượu thề, số…).

Cột đá Thông thiên và bàn đá thề

                            
                   Tóm tắt hịch văn minh thệ
          Một là: ông Nguyễn Văn A được dân làng bầu làm cấp trưởng, làm việc chính sự, cùng người tuỳ tùng mà lấy của công làm việc công thì được thần linh ung  hộ. Nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của công đem về làm củatư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử ! Y như lời thề!.
          Hai là: ông Nguyễn Văn B làm cấp phó, cùng với các người cộng sự mà lấy của công dùng vào việc công thì được thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, Nguyện cầu các vị thần linh đả tử ! Y như lời thề!
          Ba là: Trên từ cụ già, dưới đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa  màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề![4] 
          3. Thi vật
          Thi vật tổ chức ở xới vật mới vừa hoàn thành xây dựng ở phía ngoài khuôn viên của đền-chùa.Không khí thi vật rất sôi nổi. Kể cả thiếu niên cũng hăng hái tham gia vật (Ảnh thi vật, số…) (Ảnh đô vật thiếu niên, số…)
          Chúng tôi đã được dự không ít lễ hội trên khắp miền đất nước. Nói chung , không tránh khỏi cảnh chen lấn, lộn xộn. Hội càng lớn, càng lại càng chen lấn nhiều. Riêng ở đây , không có tình trạng đó. Điều này chứng tỏ trình độ văn minh lịch sự  của nhân dân Hoà Liễu, đồng thời cũng do ban tổ chức đã xếp hàng nghìn ghế cho bà con dự hội và bố trí vị trí hợp lý cho tất cả  mọi người ngồi đều xem/nghe được hội.
          III. Đức Thánh Hoà Liễu -Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản
          Đền Hoà Liễu thờ bà Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, nhân dân gọi là Đức Thánh. (Xem ảnh Đức thánh, số 1).Tên bà xuất hiện trên văn bia từ năm 1562, năm đầu của niên đại vua Mạc Mậu Hợp.Danh xưng Thái hoàng thái hậu (THTH) . Thái hoàng Thái hậu đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo; đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, goi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền).Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
          - Khoản thứ nhất. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng
          - Khoản thứ hai. Cấp cho dân đinh, thượng hạ. Khi dân số ít thì chia đến tuổi 15, khi dân số tăng thì chia đến tuổi 18, mỗi người một sào , cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế. Chia theo cách bốc thăm công khai, già nhận trước, trẻ nhận sau, cứ 3 năm chia lại một lần.
- Khoản thứ ba. Cho đấu thầu cấy lấy thóc lập quỹ nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, cô nhân , quả phụ, bảo dưỡng lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tàm, quỹ làng còn 3 tấn thóc, ủng hộ kháng chiến, số thóc cho người nghèo vay không thu lại nữa.[5]
Cùng với việc cấp ruộng cho dân làng, THTH là người công đức để xây dựng chùa  với 6000 lá vàng, cùng không biết bao nhiệu tiền bạc cho trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận như:
Chùa Linh Cảm (Tiên Sơn, Bắc Ninh) 1557, chùa Bà Đanh (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1563, chùa Thiên Hựu (Nam Sách, Hải Dương) 1571, chùa Minh Phúc (Tiên Lãng, Hải Phòng) 1572, chùa Sùng Ân (Phù Cừ, Hưng Yên) 1574, chùa Phổ Chiếu (Kiến Thuỵ, Hải Phòng) 1579, chùa Thánh Thọ (Bình giang, Hải Dương) 1579, chùa Minh Quang (Gia Lộc, Hải Dương) 1579, chùa Hoa Tân (An Lão, Hải Phòng) 1582, chùa Linh Sơn ( An Lão, Hải Phòng) 1583, chùa Báo Ân (Phù Cừ, Hưng Yên)1584, chùa Sùng Quang (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)1578, chùa Trúc Am (Kiến thuỵ, Hải Phòng) 1589, chùa Hà Lâu (Tiên Lãng, Hải Phòng )1589….[6] và chùa làng Hoà Liễu mà chúng ta đang bàn ở đây, có tên Thiên Phúc Tự xây dựng năm 1562.
Bà cũng là người “bày cho” dân lễ minh thệ, đã miêu thuật trên.
Tóm lại Thái hoàng Thái hậu đã có nhiều công lao lớn như: mua ruộng để cung tiến cho chùa đền, để cấp phát cho dân đinh cày cấy và lập quỹ cứu đói; xây dựng nhiều chùa trong vùng và khuyến khích tổ chức hội làng, đặc biệt là đã xây dựng lễ minh thệ.
Quả thật, đúng như PGS. Đinh Khắc Thuân đã nhận định: “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ quả là  một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được dân gian tôn xưng là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian[7] … “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ xem như một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ”[8]
          IV. Hội làng và Đức Thánh trong lòng dân
          Để tìm hiểu hội làng và Đức Thánh trong lòng dân, chúng tôi dừng phương pháp phỏng vấn trực tiếp/nói và điều tra bằng bảng hỏi/viết.
Trọng tâm các nội dung cần tìm hiểu là :hội thề, hương ước, đạo Phật, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản.
Hai đối tượng được tìm hiểu là:
- Các em học sinh trường trung học cơ sở xã Thuận Thiên, 14-15 tuổi, số lượng 18 em.
              - Số người hỏi trực tiếp là    9 cụ , số tuổi trên 70 , gồm các cụ sau đây:
+ Cụ Phạm Xuân Đức , 88 tuổi, nguyên chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ
+ Cụ Nguyễn Văn Ngần 78 tuổi, Ban chấp hành chi hội cựu chiến binh xã Thuận Thiên
+ Cụ Nguyễn Quang Thơ, 75 tuổi, Uỷ viên ban chấp hành chi hội người cao tuôi xã Thuận Thiên
+ Cụ Nguyễn Văn Huyền, 83 tuổi
+ Cụ Phạm Đăng  Khoa, 77 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ thời sự chính sách
+ Cụ Phạm Văn Côi, 84 tuổi
+ Cụ Nguyễn Minh Phú , 91 tuổi
+ Cụ Phạm Văn Tầm, 88 tuổi
+ Cụ Nguyễn Văn Vận, 79 tuổi.
Các cụ trên đây đồng thời là trong số 12 cụ cao niên nhất, trước kia , ngày hội làng, được ngồi 3 mâm trên , dân thường gọi là “các cụ ba mâm”.
1. Kết quả phỏng vấn hỏi (ngày 14-2-2011 tại đền Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ , Hải Phòng.
1.0. Về Hội làng
Chỗ ngồi ở đình làng, 12 cụ ngồi bên phía Tây, có 3 cỗ (không ngồi phía đông). Bên Đông là chỗ ngồi của lý dịch, tiên chỉ, thứ chỉ,…
1.1. Về lễ minh thệ
- Các cụ đều biết khá tường tận và nhớ khá đầy đủ về lễ minh thệ trong hội làng.
Ngày xưa lễ minh thệ tiến hành ở miếu, là nơi thờ thành hoàng. (Tại sao không thề ở đình mà thề ở miếu?) Vì miếu là nơi ngự thường xuyên của thành hoàng, hiện nay miếu không còn, đã bị phá, chỉ còn cái mũ của Ngài và mũ đó, trong lễ minh thệ vẫn để lền đài thờ tượng trung cho Ngài.
Lễ minh thệ là do Đức Thánh  (Thái hoàng thái hậu Vũ thị Ngọc Toản, hoàng hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung) “đặt” ra.
Người đứng ra thề : gồm , toàn bộ lý dịch, 12 cụ, trương tuần, toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Các ông lý dịch ra thề trước.
Ngoài ra tất cả làng đều dự
Hậu  quả của minh thệ; Có ông đội phó hợp tác xã tên là Mão xúc phạm đến cây cột đá Nhà Thánh, bị ốm và sưng mặt lên, sau lễ tạ thánh, kéo cột đá trở lại mới khỏi. Có người vao khu đền định ăn cắp, cứ đi luẩn quẩn không lấy được gì.
Nhân dân thật thà, bắp ngô cho đến củ xu hào không ai lấy của ai. Dân làng không ai lấy của nhau còn tham ô bên ngoài thì khó biết.
1.2. Về hương ước
- Có sách hương ước phát cho các dòng họ , các họ đọc cho mọi người nghe. Ví dụ: làm cỏ không được bỏ cỏ lên bờ, lấy nước qua đường phải lấp lại, súc vật chết phải chôn không được vất  bừa bãi, học giỏi có thưởng, các cháu vào đại học được họ cấp 1 bút, 1 sổ, và 100.000Đ.
1.3. Về đạo Phật
- Dân làng 40, 50 tuổi đều đi lễ Phật
1.4. Về Thái hoàng thái hậu (THTH)
- Cả làng đều nhớ công ơn Ngài, ngày rằm tháng 6 và rằm tháng chạp nhà nào cũng làm cỗ cúng Thánh (Thái hoàng Thái hậu). Ruộng Thái hoàng Thái hậu cấp cho dân làng gọi là ruộng Thánh, không phải nộp thuế. Các cụ ra lão (60 tuổi) , nuôi “ông bồ” (lợn cúng Thánh, trên một tạ thịt), được giao 1 mẫu 2 sào ruộng, ngày hội phải dâng “ông bồ” và 120 bánh dầy.
Thái hoàng Thái hậu cấp cho làng 48 mâu ruộng, ngoài tế điền , người dân từ 18 tuổi trở lên được cấp một sào để cày cấy thu hoạch, không phải thuế.
Toàn dân đều biết tiểu sử và công ơn Ngài. Các cháu cũng vậy
2. Kết quả phỏng vấn viết (ngày 15-2-2011 tại trường phổ thông cơ sở xã Thuận Thiên, Kiến Thuỵ, Hải Phòng.
 2.1. Đại cương
- Giới tính: nữ  14
                  nam  4
- Tuổi:         +15=10
                   +14=5
                   +13=3
- Học vấn    +lớp 9=10
                   +lớp 7=5
                    +lớp 6=3
- Dân tộc Kinh: 18
- Không tôn giáo:           18
2.2. Kết quả
- Biết về lễ minh thệ : 17/18=94%
- Tri thức về lễ minh thệ:
. Ngày thề là 24 tháng chạp Âm lịch , sau đổi lại ngày14 tháng Giêng.
. Đài thề, vòng tròn, dao bầu, gà sống,…
. Người thề: bô lão chức dịch, dân làng trên 18 tuổi
. Đọc lời thề, cắt tiết gà, uống rượu thề
Chín em (9/18=50%) ghi nội dung như trên.Các em này tất cả đều 15 tuổi và học lớp chín. Ngoài ra số còn lại ghi sơ sài hoặc không ghi gì.
Nhận xét: Phải chăng lớp 9 được bồi dưỡng riêng về lễ minh thệ
- Biết về hương ước : 13/18=72%
- Tri thức về hương ước:
Ai lấy của tư làm việc công cầu xin thần linh phù hộ, ai lâý của công làm việc tư, xin thần linh đả tử, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh “tru” diệt”.
Bảy em (7/18=38%) ghi nội dung như trên, tất cả đều là 15 tuổi và học sinh lớp 9 như trênCác em khác không ghi gì
Nhận xét: Các em đã lẫn lộn nội dung lời thề với hương ước. Sự lẫn lộn này khá chính xác , giống như tài liệu của cu Phạm Đăng Khoa, giống cả chỗ sai phát âm, “tru”diệt. Chúng tôi lại nghĩ , phải chăng một số em lớp 9 đã được bồi dưỡng riêng về lễ minh thệ.
- Đi lễ chùa: 17/18=94
+Để nghe kinh: 7/18=38%
+Để vãn cảnh:  11/18=61%
- Biết về THTH: 15/18=83%
- Tri thức về THTH
          + Bà tên là Vũ Thi Ngọc Toản, vợ của vua Mạc Đăng Dung, mẹ vua Mạc Đăng Doanh
          + Bà tên là Vũ Thị Ngọc Toản, có công quyên góp tiền bạc của cải xây dựng chù thiên Phúc. Bà là vợ vua Mạc Đăng Dung (?)
          Sáu em (6/18=27%) ghi như trên. Các em khác không ghi
          3. Nhận xét về kết quả phỏng vấn
1. Các cụ cao tuổi trong làng biết khá tường tận và nhớ khá đầy đủ về các sự kiện quan trọng trong hội làng vàvăn hoá truyền thống của làng
2. Các em dưới 16 tuổi tương đối có hiểu biết phần nào về các sự kiện trên. nhưng số lượng ghi nhớ thực sự (có tri thức) về chúng chưa nhiều. Trong số đó các em hiểu biết về lễ minh thệ là khá nhất. theo chúng tôi nguyên nhân là do người lớn. Người lớn quan tâm nhiều đến minh thệ thì sự kiện này được các em tiếp thu nhiều hơn.
3. Những sự kiện tiêu biểu của làng Hoà Liễu (minh thệ, hội chùa, cấp phát ruộng đất ,,,) liên quan đến THTH Vũ Thị Ngọc Toản. Mọi người đời đời ghi nhớ công ơn Bà.
Qua phỏng vấn chúng ta nhận thấy, mấy thế kỷ qua, hội làng Hoà Liễu vẫn tiếp tục tồn tại trong cuộc sống và trong lòng người
V.Kết luận và kiến nghị
1. Hội làng Hoà Liễu là một hội làng tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức đúng bài bản có quy củ, nề nếp, trang trọng và trật tự. Các hội làng khác nên học tập kinh nghiệm ở đây.
          2. Hội làng Hoà Liễu cũng như những hội làng khác là sự tích hợp các giá trị văn hoá đặc sắc của một làng và  một vùng văn hoá, trong số đó có cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.
Văn hoá phi vật thể luân chuyển và trôi chảy nên khó xác định thời gian. Trái lại văn hoá vật thể đứng lại nên  xác định được thời gian. Ví dụ như trên bia Tạo Thiên Phúc tự lưu giữ ở chùa ghi ngày dựng bia là 18 tháng Tư năm Quang Bảo thứ 8, 1563;  có thể tin rằng  nhiều sự kiện quan trọng của chùa làng và hội làng Hoà Liễu quây quần gần hay xa  thời điểm trên , nghĩa là từ thế kỷ XVI, đến nay tính tròn là 5 thế kỷ.
Mặc dầu đã 5 thế kỷ qua,  trải bao “dâu bể tang thương”, ngay ở Hoà Liễu , nhiều đầm lầy, sông ngòi, cồn gò, đã biến mất, nhưng trong lòng người già cũng như trẻ vẫn còn lưu giữ những nét đẹp cuả hội làng, đặc biệt là lễ minh thệ và công ơn trời bể của THTH., và tất cả vẫn tiếp tục được tái hiện trong ngày hội hàng năm, mỗi dịp xuân về.
Vậy có thể nói hội làng Hoà Liễu, vừa cổ xưa lại vừa hiện đại.
3. Chủ đề trung tâm của hội Hoà Liễu là tôn vinh, kính ngưỡng và tạ ơn Đức Thánh THTH. Hình tượng Ngài còn lại sâu nặng trong lòng dân với các công trạng:

                      TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
            - Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hôi, H, 1998.
            - Nguyễn Tiến Đoàn: Tập khoán ước làng xã thời Mạc, qua một cuốn sách truyền gia, Thông báo Hán nôm học, số 2, 2001, tr.139-155.
            - Kết quả Đại hội toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Viêtn Nam, NXB Chính trị quốc gia, H, 2011.
            - Cụ Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền-chùa Hoà Liễu, Tài liệu chưa xuất bản.
            - Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học xã hội, H, 2001.



[1] .Cụ Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung  d i tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản, . Cám ơn cụ đã cung cấp tài liệu
[2]  Đời Lý . Đại Việt sử ký toàn thư: , NXB Khoa học xã hội,  H, 1998: “ Một hôm, trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần nui Đồng Cổ nối với vua về việc ba vương Vũ Đức , Đông Chinh, Dực thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây , xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên  hữu thành Đại La, sau chùa thánh thọ, lấy ngày 25 tháng ấy , đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào , đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường”, tập I, tr.251.
Đời Trần. Đại việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn : “(Triều đình ) tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của nhà Lý và bắt đầu định việc thực hiên. Nghi thức lễ đó  như sau: Hằng năm vào ngày mồng 4 tháng Tư, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cử thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang, điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều (xếp) thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. quan trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người nào vắng mặt phải phạt 5 quan tiền” (Tập II, tr. 10-11)

[3] Nguyễn Tiến Đoàn: Tập khoán ước làng xã thời Mạc, qua một cuốn sách truyền gia, Thông báo hán nôm học, 2001, tr. 139-155.
[4] Tài liệu cụ Phạm Đăng Khoa, đã dẫn.
[5]  Cụ Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung  d i tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản, tr.34-35.
[6] Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001,  tr.232.
[7]  “Kim Thái hoàng thái hậu dĩ thiên mẫu vi phật trung trần”. Văn bia chùa Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương ) năm 1579. Bia 151. Chú thích theo Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr, 233.
[8] Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr.233.
---

Đền - Chùa Hòa Liễu

Đền chùa Hòa Liễu - Ảnh Đặng Trinh Tư
           Hoà Liễu là tên gọi của một trong số thôn làng của xã Thuận Thiên gồm Úc Gián, Xuân Úc và Hoà Liễu. Về tên gọi Hoà Liễu, thuở khai hoang lập lên trang ấp, làng Hoà Liễu có tên là làng Lan Niểu (Nẻo). Các cụ cao niên của làng giải thích sở dĩ có tên gọi này là do có nhiều chim chóc tụ về làng đậu trên cành lan hương thơm dịu mát, ngụ ý là nơi đất lành chim đậu.Lan Niểu ấp sau này được đổi thành Hoà Liễu như ngày nay.
              Cùng với quá trình hình thành vùng đất và con người, nhân dân làng Hoà Liễu xã Thuân Thiên đã xây dựng lên những công trình văn hoá cổ truyền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo đạo Phật và tín ngưỡng tôn thờ Thành hoàng làng. Đó là đền và chùa Hoà Liễu ngày nay. Cả hai di tích cùng toạ lạc trên một khuôn viên đất đai tạo thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.


       Đền Hoà Liễu là nơi tôn thờ bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, một nhân vật lịch sử thời Mạc, người có công với làng trong việc mở mang, xây dựng làng xã, làm việc thiện giúp dân, giúp đời. Theo thế phả họ Mạc, bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ là vợ vua Mạc Đăng Dung. Tên tuổi của Bà đã xuyên suốt cả 3 đời vua Mạc thịnh trị. Bà là người làng Trà Phương, huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy.



        Sử liệu chính thống hiện không có thông tin gì về Bà nhưng sử liệu điền dã nhất là các bia nhà Mạc nói về Bà tương đối nhiều. Hai nguồn tư liệu này đều thống nhất ca tụng vị Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn “là bậc thánh mẫu của thánh triều, chính vị Đông Trào, hoá thành Nam Quốc sánh đức thánh thiện Đồ Sơn” (văn bia ghi việc trùng tu chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ, huyện Giáp Sơn).



        Đền Hoà Liễu có bố cục kiển trúc kiểu chữ nhị. Và tiền đường, gian hậu cung một gian hai dĩ với mái đao cong làm bằng gỗ lim. Không gian hậu cung đền có các đồ thờ tự lộng lẫy vàng son, rất cổ kính linh thiêng. Tiền đường mới được dựng, hậu cung được trùng tu lại khoảng thế kỷ 20. Gian hậu cung được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng sáu mái, vì kèo kiểu giá chiêng, đội ván mê, trang trí trong đền rất đơn giản.



       Chùa Hoà Liễu tên chữ là Thiên Phúc tự,gồm gian tiền đường và hậu cung. Hậu cung xây theo kiểu chồng diêm hai tầng mái, mái lợp ngói mũi hài. Không gian kiển trúc bên trong là nơi bài trí các pho tượng phật.



        Trong khu di tích đền và chùa Hoà Liễu, xã ThuậnThiên hiện còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật của nhiều thời kỷ lịch sử. Đặc biệt là các di vật thời Mạc tạc bằng chất liệu đá gồm pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi sấu đá trước của chùa. Còn ở đền có các di vật mang phong cách nghệ thuật thời Mạc rất tiêu biểu như tấm bia đá Thiên Phúc tự dựng vào đời vua Mạc Phúc Nguyên. niên hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cột đá “thạch trụ”



         Tượng Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được chạm nổi khối cao nhưng dựa lưng vào long bia, chiếm cả chiều cao và chiều sâu của “động”. Tượng thể hiện một phụ nữ quý phái nhưng chân chất đôn hậu ngồi tĩnh toạ, hở nửa lòng bàn chân trái, tóc chải đầu trần, tai dài đeo hoa nhỏ, vai rất xuôi mặc áo dài hở ngực lộ rõ yếm thiên y trang trí hoa cúc và dây lưng kép toả xuống hai bên.



        Tượng Tam thế có kích thước gần bằng người thật, đầu tượng chia làm hai phần, phần trên là S (tiếng phạn là Usnisa tướng thứ 32 của phật, bồ tát, tướng này do lòng kính thuận sư trưởng mà mọc ra, biểu hiện cho trí tuệ, sự giác ngộ phật pháp của người tu hành), “nhục kế” nằm trên đỉnh đầu, bao bọc xung quanh “nhục kế” và đầu tượng là những cụm tóc xoăn ốc. Đỉnh của “nhục kế” là vô kiến đỉnh tượng trưng cho tính sang quý, trí tuệ công quả và sức mạnh chân tâm vi diệu của nhà phật. Mặt tượng trái xoan hơi thót phía dưới, đó là khuôn mặt mang nhiều yếu tố nữ: tai dài dầy hơi chảy, nguyệt mi cong, sống mũi thẳng, mắt khép hờ hơi nhìn xuống. Miệng ngậm môi hơi thoáng một nụ cười hàm tiếu. Nhìn chung, vẻ mặt toát lên sự nhẹ nhàng đôn hậu, ít nhiều có nét thực của tượng chân dung và phần nào lột tả được ý nghĩa soi rọi nội tâm của người tu hành. Vẻ đẹp của tượng tam thế, trước hết là sự nhấn mạnh ngôn ngữ tạo hình của điêu khắc tượng tròn. Các khối lồi lõm cứ đối nhau, người xưa khéo léo dùng một số mảng chìm để tôn lên các mảng nổi chủ đạo. Trên tổng thể đài sen được làm gần như vuông để nhấn mạnh độ chắc khoẻ của khối tạo hình, tượng phát triển về chiều ngang với bộ ngực nở nang, cặp vú căng nhô đầy sức sống  và thân thon gần như thắt lưng cong. Đặc biệt với lối tạo hình thoải mái, không câu lệ, không gò bó, sôi nổi mà tươi tắn phồn thực, tượng tam thế rất gần gũi với tâm thức về vẻ đẹp của người phụ nữ lưu truyền trong dân gian.



         Qua nghiên cứu các di vật, bia ký, đã cung cấp nguồn tư liệu quý giá về bối cảnh kinh tế xã hội thời Mạc hồi thế kỷ 16. Vào thời gian này, các ông hoàng bà chúa, các vị quận công chức sắc đã công đức khá nhiều tiền của vào việc dựng chùa, tạc tượng, đúc chuông nhất là trên địa bàn huyện Kiến Thụy, quê hương của vương triều Mạc. Làng Hoà Liễu từ lâu đã nổi tiếng là một địa phương còn gìn giữ được nhiều thuần phong mỹ tục.Trước đây, ở Hoà Liễu còn có ngôi miếu thờ vị Thành hoàng làng là “Long Vân thiên Quang Đại Vương”. Ngày lễ của làng, sau lễ cúng thần còn có lễ hội Minh thề.Ngoài ra, ở đây còn có phong tục ứng xử cao đẹp với người già. Nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian tại địa phương như tế lễ, giao hiếu, bơi trải, hát đúm vẫn còn được bảo lưu, gìn giữ đến ngày nay.



         Di tích chùa Hoà Liễu còn gắn với một lễ hội khá nổi tiếng trong vùng đó là lễ hội Minh thề.



         Vào giữa thế kỷ 16, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ Thái tổ Mạc Đăng Dung đã đến lập ấp Lan Niểu (nẻo) (thôn Hoà Liễu ngày nay). Bà tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền để tu tạo lại ngôi chùa cổ. Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng nhân dân đã lập ra hội Minh Thệ, trong đóvăn thệ quy định những điều phải làm, được làm và những điều không được làm cho tấtcả các thành phần từ hương chức đến dân thôn về đạo đức lối sống, phếp tắc ứng sử trong cộng đồng. từ đó công đức của Thái Hoàng Thái Hậu được nhân dân lập đền tạc tượng ghi ơn. Lễ hội được tổ chức từ ngày 14-16 tháng giêng âm lịch hàng năm.



        

Lễ hội Minh Thề - Ảnh Minh Khiêm


Sau nghi lễ tế thần trang nghiêm dân làng và quan khách tập trung ở sân đình thành một vòng tròn đường kính 2m. Giữa đài thề đặt một bàn thờ nhỏ hướng vào cửa đình, chủ lễ là các vị đại diện chức sắc, chức dịch và đại diện dân làng là một người có uy tín. Chủ lễ dâng hương xong, vị đại diện tư văn dõng dạc đọc hịch văn, trong đó có đoạn: “tất cả chức sắc chức dịch, bô lão và nhân dân; từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người nào lấy của công về làm việc tư xin thần linh đả tử y như lời thề”. Mọi người tham dự cùng hô vang : “y như miệng thề” với thái độ trang nghiêm. Đọc xong chủ lễ cầm dao bầu cắm xuóng đài thề tỏ rõ quyết tâm. Tiếp theo là lễ cắt tiết gà hoà vào bình rượi để mọi người cùng uống biểu thị sự cam kết gĩư đúng lời thề trước thần linh và bá tánh.



         Hội Minh Thệ mang nét độc đáo, đậm đà sắc thái văn hoá dân tộc, mang tính đời thường nhưng lại có mục đích giáo dục đạo lý, nhân cách sâu sắc thông qua tín ngưỡng thần linh để minh chứng cho việc làm trong sáng của mọi người trong làng y như lời “Miêng Thệ”.



        Năm 1993,di tích đền, chùa Hoà Liễu, xã Thuận Thiên được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

===
Tài liệu dưới đây tạm để tham khảo, tuy nhiên giới chuyên môn xếp vào hàng "bị loại" do tác giả bịa ở vài chỗ.

Hòa Liễu là một làng nhỏ, xinh xắn ở xã Thuận Thiên, phía tây huyện Kiến Thụy, thuộc phía nam Thành phố cảng Hải Phòng. Hòa Liễu ở thế đất phong thủy đẹp đẽ, mà câu đối chùa Thiên Phúc trong làng đã tự hào diễn tả:

Tú khí chung anh, Trà Sơn triều củng,
Danh khu hợp dẫn, Mai Thủy vinh hồi.

(Khí tinh anh chung đúc từ núi Chè chầu tới,
Vùng danh thắng họp lại, nước Mai Dương trong sáng dồn về.)
Xưa kia, Hòa Liễu là một vùng hiểm trở với địa thế có thể góp phần bảo vệ đầu nguồn cánh đầm cửa phủ Dương Kinh, kinh đô thứ 2 của Vương triều Mạc với nhiều sự tích lịch sử. Ngày nay làng này đã khai phá, không còn tràn ngập lau sậy hiểm trở như xưa, nhưng vẫn đầy ắp những huyền thoại, những tư liệu Hán Nôm gắn với nhiều phong tục đẹp có từ lâu đời còn lưu tới nay. Hòa Liễu quả là xứng đáng với bức hoành phi lớn có nét chữ vàng rực: "Mỹ tục khả phong" do triều Nguyễn ban tặng còn giữ ở đền làng ! Trong những "mỹ tục" đó, đáng chú ý nhất là tục "Minh thệ", một trong những tục truyền thống của nước ta đã biến mất ở nhiều nơi, nhưng vẫn tiếp tục tồn tại đầy sức sống ở Hòa Liễu, với nét riêng tới tận thời nay.
Văn bản chữ Hán mà người Hòa Liễu truyền tay chép lại đều viết là "Minh thệ", nhưng nhân dân ở đây từ lâu vẫn gọi một cách mộc mạc, thân thiết là "Miêng thệ". Hàng năm, cứ vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch, lễ "Miêng thệ" được tổ chức trọng thể tại miếu thờ Thành hoàng bản thổ với sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương (Xưa kia, mỗi khi hành lễ, thường mời cả đại diện của quan phủ, quan huyện về dự). Trước khi làm lễ khai mạc buổi "hội thề", dân làng tế thánh tại miếu chính. Các nghi lễ truyền thống được tiến hành gồm có vị Chủ tế và các vị Bồi tế đọc chúc văn kể lý lịch, công đức của đức thánh vương, rồi làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt. Sau đấy, các vị già làng, đại diện chính quyền, quan khách và dân làng trang phục tề chỉnh, tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Vị Chủ tế biểu diễn động tác "chỉ trời vạch đất", mô phỏng theo phép biến hóa trong Kinh Dịch, rồi vẽ vòng tròn lớn khoảng 2m giữa sân miếu gọi là "Đài thề". Trên "Đài thề" đặt một bàn thờ nhỏ hướng về cửa miếu trang nghiêm. Ba vị đại diện cho bô lão, chính quyền và dân làng đã được tuyển chọn bước lên "Đài thề" làm lễ thắp nhang khấn vái trời đất và bách thần. Vị đại diện cho cả làng (xưa kia là đại diện cho Hội Tư văn) dõng dạc đọc lời "Miêng thệ". Các cụ ở đây cho chúng tôi biết: lời "Miêng thệ" là nói gọn mấy tiếng "Minh thệ tấu văn", xưa kia đọc cả lời phiên âm tiếng Hán lẫn lời dịch nghĩa tiếng Việt. Ngày nay, để giản tiện, có năm chỉ đọc lời dịch nghĩa tiếng Việt. Đại ý toát lên: "Tất cả chức sắc bô lão và nhân dân, từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công, xây dựng việc công, xin thần linh ủng hộ. Ngược lại, người nào lấy của công về làm của tư, cầu xin thần linh trừng phạt. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt", rồi hô to: "Y như miêng thệ". Vị chủ lễ cầm dao bầu cắm mạnh xuống "Đài thề" để biểu thị sự quyết tâm. Lễ cắt tiết gà tiếp theo để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kỳ: máu gà hòa trong bình rượu lớn, mỗi người chuyền tay nhau uống một ngụm, khẳng định dân làng quyết tâm đoàn kết giữ vững lời thề.
Hội thề này thể hiện niềm tự hào của người Hòa Liễu, tỏ rõ "cốt cách Hòa Liễu" có từ ngàn đời: Người dân Hoà Liễu quyết mang khí phách kẻ sĩ, giữ tiết tháo, không vì đói rét mà xâm phạm tới của công, trọn đời phải lấy "chí công" làm trọng. Vậy đó phải là một sinh hoạt văn hóa tích cực, giúp cho mọi người thêm yêu quê hương đất nước, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, kết thúc một năm cũ tốt lành, chuẩn bị bước vào một năm mới đầy hy vọng, tin tưởng. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giải thích vì sao thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên đứng vững trước mọi thử thách cam go của lịch sử, đặc biệt là thời đổi mới, chống tham nhũng đầy gian nan ngày nay.
Hòa Liễu ở Thành phố cảng, gần biển, gắn với khu du lịch Đồ Sơn, dễ tiếp xúc với khách nước ngoài, sôi động thương trường, thì hẳn rằng sinh hoạt văn hóa với những đạo lý cao khiết cổ truyền ấy càng có những ý nghĩa riêng của nó, và việc dịch, phổ biến bản "Miêng thệ" này, do vậy, cũng là điều hay.
Vì văn bản "Minh thệ" truyền bá quá lâu đời, sao đi chép lại nhiều, nên đến nay, chúng tôi không thể lần ra văn bản gốc, cũng khó biết văn bản này có cụ thể vào đời nào. Ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Giám đốc trường Đảng Kiến Thụy, hiện làm Phó ban bảo vệ di tích lịch sử đền chùa Hòa Liễu đã cung cấp cho chúng tôi một văn bản chữ Hán do ông chép lại. Sau khi quan sát lễ "Miêng thệ", nghe lời văn trong đó và đọc kỹ bản "Minh thệ tấu văn" bằng chữ Hán, chúng tôi đã dịch nghĩa và xin giới thiệu toàn văn để bạn đọc tham khảo. Nhân đây, tôi xin trân trọng bày tỏ lời cảm tạ tới ông Phạm Đăng Khoa.
MINH THỆ TẤU VĂN
Dịch nghĩa:
Bài minh thệ tâu vào ngày 24 tháng 12, năm...
Tâu rằng:
Thôn [Hòa Liễu], xã [Thuận Thiên], huyện [Kiến Thụy], tỉnh [Hải Phòng], nước Việt Nam, năm thứ [...].
Hôm nay, các bậc kỳ lão, chức dịch cùng già trẻ trong toàn thôn hội họp tại điện vũ. Theo tục lệ cũ, cùng nhau chích huyết ăn thề, kính cẩn dâng kim ngân, mũ áo, cỗ bàn phẩm vật, dám mong được kính cáo lên thần linh.
Kính mời các vị:
Thiên địa thần kỳ, đương niên Hành khiển, thần Hành binh, Tào phán quan, đương cảnh Thành hoàng, bản thổ Thiên quan, hai vị Hoàng vương, muôn vạn thần linh, thần thổ địa, các xứ đồng ruộng cùng về đây giám sát việc hội thề, phải trái công bình, đúng như lời minh thệ của dân xã chúng tôi, gồm các điều liệt kê rõ ràng minh bạch sau đây:
Việc thứ nhất: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Lý trưởng (nay là Chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.
Một việc nữa: dân xã sở tại đã bầu ra, thì người làm Phó lý (nay là Phó chủ tịch xã), phàm các công vụ làm trong năm, nếu lấy công làm việc công thì mong được chư thần ủng hộ, nếu như có lòng tham, lấy công làm tư, thì mong chư thần đánh chết, y như văn thề đã ghi.
Trên từ các bậc già lão, dưới đến những người mới tuổi thành niên thuộc bản thôn, ở bên trong từ nơi vườn cây hoa quả, ở bên ngoài đến chốn đồng ruộng lúa màu, nếu có ai có công tâm chính trực, thì mong được chư thần ủng hộ, nếu người nào có lòng tham, làm điều gian tà, thì mong chư thần đánh chết y như văn thề đã ghi.
Các thần trong trời đất đều công bình chính trực, thông minh sáng suốt. Trời đất vốn vô tư, các điều thiện, điều ác đều qui định rõ ràng. Sấm sét của trời không thể ngừa được, nên kẻ gian ngoan không thể trốn được hình luật. Kẻ đứng đầu đinh tráng vào tháng Chạp cần cử hành lễ minh thệ. Người ở trong đám hào lý, hương thôn hoặc là kẻ sĩ, hoặc là nông dân, đứng trong địa vị của mình, khi làm nghề thủ công cũng như khi buôn bán, thề rằng phải lấy chân tình, dựa vào sự ngay thẳng mà phụng sự việc công. Như vậy thì phúc ấm sẽ rủ đến đời con cháu, mọi thứ sẽ tốt lành rực rỡ, dân chúng sẽ ấm no. Kẻ đã ra oai, lại cậy thế hách dịch (dù ghê gớm như búa rìu, sấm sét) lấy của công, nhân danh công để làm tư, thì cúi xin chư thần đánh chết.Cần giữ điều trung, làm việc chính, ngầm dựa vào thánh đức, cứu giúp cho sinh linh, chớ nên tin vào kẻ gian, chớ nên tha việc tà vạy. Khi thực hành, phải công bằng như quả cân này, trước thần minh, phải chính trực như mặt trời này. Đội ơn thánh đức đã trao cho quyền hành, phải ngăn chặn các tệ xấu của bọn gian ngoan làm đồi phong bại tục.
Nay kính cẩn tâu lên.


 >
LUẬN VĂN THẠC SỸ >
NGÀNH VĂN HÓA HỌC >
Tên tài liệu: Lễ hội Minh Thệ của làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng
Tác giả: Lương, Mạnh Cường
Người hướng dẫn: Nguyễn, Xuân Kính
Chủ đề: Lễ hội
Ngày ban hành: 2007
Trích yếu: Nghiên cứu tổng quan về lễ hội Minh Thệ của làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng.
URI: http://hdl.handle.net/123456789/955
Bộ sưu tập: NGÀNH VĂN HÓA HỌC

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng
Lương Mạnh Cường.pdf
599.17 kBAdobe PDFXem/Mở



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét