Khoằm

29 tháng 4 2010

Diễn viên Thẩm Thúy Hằng cầm cờ MTDTGP MNVN


Sưu tầm từ nhiều bộ sưu tập tư nhân của những khán giả Việt yêu thích nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng, Mask xin công bố bộ sưu tập độc đáo, lần đầu tiên đăng tải đến bạn đọc cùng thưởng thức những hình ảnh đẹp nhất của nữ minh tinh này!

Thẩm Thúy Hằng là gương mặt diễn viên điện ảnh nữ nổi tiếng nhất tại miền Nam, kể từ khi chính thức vào nghề năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã tạo được tiếng vang và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của nước ta đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á Châu suốt các thập niên 60-70.
Hình ảnh sau khi đoạt giải của cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân đăng trên báo Kịch Ảnh năm 1957

Là biểu tượng một thời của sắc đẹp.
Những năm tháng đầu tiên bước vào làng điện ảnh

Phim Người đẹp Bình Dương còn có tên là Chuyện Tam Nương trình chiếu cuối năm 1957. Kịch bản và đạo diễn do Nguyễn Thành Châu. Thẩm Thúy Hằng đóng vai Tam Nương, Nguyễn Đình Dần vai Thái tử Kinh Luân, Ba Vân vai Người bán tơ, Bảy Nhiêu vai Ông Đạt, Thúy Lan vai Cô gái làng, Kim Vui vai Lan Hương, Minh Tâm vai Cúc Hương, Xích Tùng vai Tướng cướp Trương Thiên…Cốt truyện xưa bi thảm, phản ảnh một quan niệm gia đình phong kiến lỗi thời. Phim đề cao lòng hiếu thảo của cô con gái út, dù bị gia đình ghét bỏ, khinh khi chỉ vì trời bắt xấu…Trải qua bao gian truân đầy ải, cô thoát xác thành một mỹ nhân, kết duyên cùng hoàng tử trẻ đẹp và tài ba. Cốt chuyện giản dị, nhẹ nhàng theo kiểu cô bé lọ lem và hoàng tử. Phim thành công về mặt doanh thu. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh “Người đẹp Bình Dương” từ dạo ấy!


Năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đóng phim Ngưu Lang Chức Nữ. Phim do Mỹ Vân phim thực hiện, còn có tên khác là Giọt mưa ngâu.Diễn viên chính gồm có: Thẩm Thúy Hằng ,La Thoại Tân, Kiều Hạnh, Ba Vân….Bộ phim kể lại thiên tình sử bi thảm mà không ai là người Việt Nam lại không biết, một chuyện tình đẹp thời cổ đại được lồng vào những triết lý đạo đức sống, quan điểm luyến ái và ý nghĩa của đời người. Kiều Hạnh trong phim diễn rất tốt vai Loan Anh. Thẩm Thúy Hằng nhan sắc càng rực rỡ hơn qua vai Chức Nữ. La Thoại Tân vai Ngưu Lang.


Năm 1959 - 1960 với bộ phim Áo Dòng đẫm máu. Đây là một cuốn phim đen trắng do ông Năm Châu là đạo diễn. Phim nói về cuộc tử đạo có thật của Á thánh Philipphê Phan Văn Minh ở Cái Mơn vào thời vua Tự Đức. Vai Á Thánh Minh do cố tài tử Vân Hùng thủ diển. Cố tài tử La Thoại Tân vai bếp Nhẫn là một kẻ ham mê bài bạc vì một phút tức giận đã đi tố cáo quan quân đi bắt linh mục Minh. Thẩm Thúy Hăng vai một giáo dân ngoan đạo dù bị tra tấn tàn nhẩn vì linh mục Minh vẫn kiên trì chịu tử vì đạo….Trong phim còn có Trang Thiên Kim vai cô gái mặt cháy, Túy Hoa vai bà trùm là một chức sắc trong họ đạo đã nuôi giấu linh mục Minh trong nhà nên bị họa lây. Vân Hùng có gương mặt rất hiền lành nên rất thích hợp vào vai một linh mục.


Năm 1960, tạo nên sự ngạc nhiên và ăn khách trong bộ phim cổ trang phong cách Nhật Bản - Đôi mắt huyền. Phim do hãng Mỹ Vân sản xuất. Dựa theo vở cải lương Thuyền ra cửa biển với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ như: Kim Cương, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa, La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, Thành Được, Út Bạch Lan, Bích Sơn, Ngọc Hương.… Trong cuốn phim này, Thẩm Thúy Hằng rất đẹp trong trang phục kimono...
Những tấm ảnh chân dung tuyệt đẹp do những nhiếp ảnh gia danh tiếng tại Sài gòn thực hiện

Năm 1963 khi xảy ra cuộc đảo chính chính quyền họ Ngô bằng cái cớ đàn áp Phật giáo thành công, có rất nhiều phim ca ngợi Phật giáo ra đời thời điểm này. Hãng phim Alpha và đạo diễn Thái Thúc Nha thực hiện bộ phim Lòng tin trước bạo lực với đủ mặt giai nhân tài tử nổi danh như Vân Hùng, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Ánh Hoa… Tuy là phim về Phật giáo như các nhà làm phim lại “tung” nhiều chiêu câu khách. Chẳng hạn như trên tấm quảng cáo phim trình chiếu dựng trước các rạp hình ảnh “lồ lộ” của nữ diễn viên Ánh Hoa nằm choán mất luôn ảnh những diễn viên vai chính khác.


Năm 1964 là bộ phim Bóng người đi. Phim quay sân khấu hóa, đạo diễn Quốc Hưng, Kịch bản Nguyễn Phương. Hãng phim Mỹ Vân sản xuất. Bóng người đi kể lại câu chuyện về tình yêu của cô Thúy. Thúy và Lân yêu nhau tha thiết, nhưng cha Lân không bằng lòng cho con trai mình lấy Thúy, với lý do bà mẹ Thúy vốn không đứng đắn, con gái bà không thể không giống bà. Không lấy được nhau Thúy và Lân đau khổ. Thúy đành chịu để gia đình bắt ép lấy một gian thương giàu nhưng già, rồi có con với lão ta. Bất ngờ tay nhà buôn bị ám sát. Thúy và Lân bị bắt vì bị nghi rằng người vợ trẻ của vị thương gia đã thông đồng với nhân tình cũ để thủ tiêu chồng...Phim gồm các diễn viên: Thành Được, Út Bạch Lan, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Tài Lương… Phim này rất ăn khách với dàn diễn viên nổi tiếng nhất của làng điện ảnh và sân khấu thời bấy giờ. Trong phim nầy đạo diển muốn ăn khách nên đã đổi cặp. Thẩm Thuý Hằng đóng với Thành Được và La Thoại Tân lại đóng cặp với cô Út Bạch Lan. Vai sinh viên nên cô Út đeo kính cận đàng hoàng trí tuệ.


Sau thành công của Con gái chị Hằng, Đò chiều, hãng Mỹ Vân làm tiếp Tơ tình. Thành phần diễn viên gồm có: La Thoại Tân vai Dũng, một thanh niên con nhà giàu từ tỉnh lẻ lên Sài gòn học trường Quốc gia Âm nhạc, đã yêu Lệ Trinh (Thẩm Thúy Hằng) là một ca sĩ nổi danh tại các phòng trà ở Sài Gòn, thông qua sự giới thiệu của Thu Hà (Mai Ly). Tình yêu và sự ngăn cấm của gia đình Dũng trước thành kiến “xướng ca vô loài” đã làm cho đôi tình nhân này nhiều phen đau khổ, chia ly. Phim do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Các diễn viên khác gồm: NS Năm Châu, Tâm Đan, Lê Thương…Bộ phim thực hiện trong thời gian kỷ lục 25 ngày. Tơ tình là một bộ phim nặng về ca nhạc qua các nhạc phẩm như: Đường tơ thôi lưu luyến của Nguyễn Hiền, Tôi đi giữa hoàng hôn của Văn Phụng, Tình đêm liên hoan của Hoàng Thi Thơ, Tơ vương và Chuyện chúng mình của Trúc Phương.


Mười năm giông tố lại là một bước thành công khác trong tình hình phim ảnh Việt bị phim ngoại lấn lướt. Phim do hãng Mỹ Vân thực hiện. Soạn phẩm của Quốc Hưng. Đạo diễn: NS Năm Châu. Thành phần diễn viên gồm có: Thẩm Thúy Hằng, NSND Phùng Há, La Thoại Tân, Vân Hùng, Bảy Nhiêu, Hoàng Cầm, Hoàng Mai, Quỳnh Hoa, Phương Mai, Bà Năm Sa Đéc, Bà Bảy Ngọc, Tùng Lâm, Xuân Phát, Ngọc Phu, Duy Mỹ, Phùng Trọng, Hồng Phúc, Lê Duyên, Bạch Lan Thanh, Kim Xuân, Kim Thu, Lê Thương, Khả Năng,Tuyết Minh… Kiều Dung (Thẩm Thúy Hằng) và Ánh Tuyết (Mai Ly) là đôi bạn thân cùng học trường Quốc gia Âm nhạc. Trong lớp học, Kiều Dung và Phong (La Thoại Tân) yêu mến nhau. Sau buổi lễ tốt nghiệp, Kiều Dung và Phong đi dạo chơi bằng thuyền. Hôm ấy trời đổ mưa rất lớn, cả hai tìm chỗ trú mưa. Giông bão đã làm cho hai người có dịp gần gũi nhau, và cũng chính trong khoảnh khắc đó, vì một phút yếu lòng, Kiều Dung đã trao trọn tâm hồn lẫn thể xác cho người yêu…Dung có thai, nhưng ông Cả, cha của Dung (Bảy Nhiêu) nhất quyết ép gả con gái cho Thanh (Vân Hùng). Để che dấu cái thai, ông đưa Dung lên đồn điền cao su của gia đình sống, chờ ngày sinh nở. Phong tìm kiếm người yêu và với âm mưu chia rẽ của ông Cả, Phong tưởng rằng người yêu đã phụ bạc. Đau khổ vì bị phụ tình, Phong vâng lời cha mẹ rời Việt Nam sang nước ngoài du học …Dung sinh ra một bé gái, ông Cả cho thủ hạ thân tín là Ba Búa (Ngọc Phu) đem đi thật xa để thủ tiêu.


Bà Vú của Dung (NSND Phùng Há) biết được, vì lòng nhân đạo bà van xin ông Cả cho bà đứa bé và hứa sẽ bế đi thật xa không bao giờ trở lại nơi cũ nữa...Thành gặp Dung và tha thiết cầu hôn, Dung thấy Thành là người tốt, nên nàng tỏ thật cuộc đời cho Thành biết rồi cự tuyệt chàng bằng cách trốn qua nhà người bạn là Ánh Tuyết sinh sống…8 năm trôi qua, bà vú nuôi con của Dung và đặt tên là Thủy. Một lần tình cờ , bé Thủy (Phương Mai) gặp Ánh Tuyết , thấy bé Thủy dễ thương, cô nhận dạy học cho Thủy. Cũng thật tình cờ, bé Thủy gặp Dung, tình mẫu tử trong tận đáy tâm hồn đã giúp hai người thương mến nhau…Trải qua biết bao sóng gió rồi cũng có lúc hai mẹ con nhận ra nhau…Mười năm giông tố đã qua đi, chỉ còn lại những giọt nước mắt vui mừng ngày sum họp.


Sau một thời gian đóng phim hợp tác với Mỹ, Đài Loan và Hồng Kông, Thẩm Thúy Hằng làm nổ tung màn ảnh Việt với bộ phim Chiều kỷ niệm. Hợp diễn với Thẩm Thúy Hằng là Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, NSND Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim đầu tay của nhóm Thẩm Thúy Hằng thực hiện năm 1969.


Phim dài 1h45 phút chiếu, màn ảnh 35 ly, đen trắng. Phim thuộc thể loại tình cảm xã hội cũng là cuốn phim đầu tiên mà Thẩm Thúy Hằng sản xuất, ra mắt quần chúng. Thẩm Thúy Hằng mời đào kép cải lương đảm nhận các vai trong phim của mình, và người ta đã thấy một dàn nghệ sĩ cải lương: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Ngọc, Thanh Tú… Trong phim, Thanh Tú và Thẩm Thúy Hằng là một cặp tình nhân lý tưởng, nhưng vì nghịch cảnh éo le,Thẩm Thúy Hằng trở thành người vợ bất đắc dĩ của Huy Cường. Để làm phim này, Thẩm Thúy Hằng cùng một nhóm bạn bè thân thiết đã bỏ vốn, đồng cam cộng khổ thực hiện bộ phim. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng có nhiều sáng kiến trong lúc quay, ông đã tạo ra một vườn hoa giả, hoặc tòa biệt thự nguy nga, có đường xe hơi chạy vào tới phòng khách ngay trong phim trường, mặc dù trong thực tế phim trường chỉ là một khu nhà tôn chật hẹp.


Ðây là cuốn phim đầu tay của hãng Việt Nam phim, với lời đối thoại do nghệ sĩ Năm Châu viết, chuyện phim ở mức trung bình. Báo chí lúc bấy giờ phê bình rằng nội dung phim là chuyện xã hội Việt Nam không phản ảnh được gì nếp sống của người Việt Nam đương thời, nên phim không thành công về mặt nghệ thuật, mà thành công về tài chính. Nhờ sự có mặt của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng, phim đã lôi kéo số khán giả cải lương thuần túy đi coi rất đông, do đó mà phim Chiều kỷ niệm hốt bạc khá nhiều, chiếu ra mắt mấy tuần đầu thu vào trên 10 triệu, Thẩm Thúy Hằng lời to! Chiều kỷ niệm ăn khách và có số doanh thu thuộc hàng kỷ lục đã làm cho giới làm phim tại Sài gòn phải ngạc nhiên. Chỉ riêng tuần lễ đầu trình chiếu tại rạp Rex, con số thu vào đã đến 1 triệu đồng (chúng ta cũng biết thời này, tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 4 triệu dành cho phim mầu, 35 ly, màn ảnh đại vĩ tuyến).

Sau các bộ phim thành công tiếp tục như: Nàng (1970), Ngậm ngùi (1971), Như hạt mưa sa (1971), Sóng tình (1972) ... Thẩm Thúy Hằng lại tiếp tục được yêu thích trong Xin đừng bỏ em cuối năm 1973. Đây là một câu chuyện tình tay ba, tay tư thuần về giải trí. Câu chuyện bắt đầu từ Thanh một cô sinh viên xinh đẹp, ngoan hiền. Thanh thầm yêu Huy, một chàng sinh viên con nhà giàu nhưng thích ăn chơi. Huy lại đi yêu cô bạn học của Thanh là Phụng nhưng Phụng lại đi yêu Huỳnh, chàng sinh viên nghèo nhưng nhiều tham vọng. Sợ mất người yêu nên Thanh đã dâng hiến cho Huy sự trinh tiết của mình nhưng vẫn thất bại. Từ đó cô sống buông thả, trụy lạc như một thứ gái bao hạng sang. Trong khi đó Huỳnh và Phụng vượt qua rào cản gia đình để sống chung với nhau. Huy ăn chơi trác táng nên đâm vào nghiện ngập và bị gia đình từ bỏ thành kẻ bụi đời. Huỳnh thì ngoi lên từ túi tiền của cô vợ giàu, thành công và cũng bắt đầu thay đổi. Anh chàng ngã qua si mê Thanh phụ bạc Phụng và bắt đầu làm ăn phi pháp. Ngày sinh nhật của Phụng nhưng người chồng không thèm về lo hú hí với nhân tình và bị xã hội đen thanh toán bằng mấy phát súng. Thanh cùng chung số phận với Huỳnh chết vì đạn kẻ địch khi thanh toán nhau. Chờ đợi đau khổ để rồi nghe hung tin, cô gái đáng thương Phụng khóc lóc đi lang thang, toan tính mượn dòng nước quyên sinh nhưng được anh chàng nghiện Huy cứu.Phim do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện. Kịch bản Trần Quốc Bình, dàn diễn viên gồm có: Bà Kiều Hạnh, Thẩm Thúy Hằng, Huỳnh Thanh Trà, Thanh Lan, Huy Cường...Việt Nam Film sản xuất.
Ãnh chụp với Thanh Nga

Với nam tài tử Hồng Kông Trần Quang Thái

Làm mẫu bìa báo Xuân

Hình in tặng kèm cho bạn đọc báo

Ảnh chụp chung với Thanh Lan trong ngày điện ảnh Việt Nam

Phái đoàn nghệ sỹ xuất ngoại dự liên hoan phim Châu Á

Lễ phát giải Kim Khánh năm 1973

Sau năm 1975 Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuỵền, Bạch Tuyết,… Thẩm Thúy Hằng vẫn tiếp tục đóng phim, diễn kịch.


Những bộ phim như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… với những nhân vật hoá thân là cô Diệp, Hơ Doan, thím Ba Xoay… cũng một phần nào minh chứng cho quyết tâm hoà nhập vào đời sống mới, vai diễn mới. Thẩm Thúy Hằng vẫn là nữ diễn viên miền Nam được ái mộ nhất trong những năm đầu giải phóng.
Những ngày đầu giải phóng miền Nam (1/5/1975)

Thời vang bóng của Thẩm Thúy Hằng đã đem về cho bà những giải thưởng điện ảnh quốc tế như: Hai lần đạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Anh hậu Á châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan(1972,1974).
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4

Liên bang Xô viết lại đón chào bà, ưu ái bà ngưỡng mộ bà... Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ là những diễn viên xinh đẹp đến từ Đông âu, Nhật bản, Trung quốc, Mông cổ vào năm 1982.
Giai đoạn thập niên 1980



Theo MASK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét