Khoằm

05 tháng 10 2014

Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31

MẶT TRẬN 31
NƠI GẮN KẾT TÌNH CẢM THIÊNG LIÊNG
CỦA MỌI GIA ĐÌNH THÂN NHÂN LIỆT SỸ
HY SINH TRÊN CAO NGUYÊN XIÊNG KHOẢNG.

Giở xem lịch sử nước nhà,
Thấy bao cuộc tòng chinh đánh giặc.
Từ ải Chi Lăng trấn địa đầu phía Bắc,
tới rừng U Minh sứ sở mũi cực Nam,
Đất núi thấm máu đào, nước sông hòa huyết đỏ.
Biết bao nhiêu con lạc cháu hồng, thanh xuân tuấn tú vì nước quên thân!
Thời đánh Mỹ suốt 20 năm, ta giúp bạn Lào kháng chiến.
Trong đoàn quân tây tiến, có cả vạn người nằm lại xứ Chăm Pa.
Vốn chỉ biết cuốc cày từ khi mẹ sinh ra,
Gặp thời biến binh, nước nhà chìm trong khói lửa
Bỗng thành cánh chim Bằng giữa trời bão tố,
Đem trọn trí, tài, khí phách, tuổi thanh xuân
Cùng các bộ tộc anh em vượt qua ngàn máu lửa
Đức trọng vì dân, luôn tỏa sáng đôi vầng tinh tú
Công cáo cứu nước, mãi ghi trong sử Việt, sách Lào

Khói lửa chiến tranh đã lùi xa. Sau hơn mười lăm ngàn ngày đi qua trong khắc khoải đợi chờ, trong nỗi đau vò xé tâm can, sau bao đổi thay dâu bể, sau chừng ấy năm tìm kiếm, lần mò trong vô vọng. Không thông tin, không biết tìm ai, không biết hỏi ai, ở đâu và rồi có tới gần 50% trong số này đã rơi vào cạm bẫy của nạn Đồng cốt, Ngoại cảm. Để đến độ chúng tôi phải than lên trong lời tế rằng:

Con tìm xác cha lội suối trèo đèo, bóng chim, tăm cá
Mẹ hỏi tin con, thượng hạ tây đông, nồi chõ, nghe hơi
Mòn mỏi mong chờ, 16.000 ngày đêm cứ thế trôi,
Mẹ mong tin con, vợ mong tin chồng, con ngóng cha lệ rơi nhòa tờ báo tử
Bùi ngùi trong ngày giỗ, khấn tên vong linh với tiếng nấc ngẹn ngào.

Nhưng rồi ngày ấy cũng đã đến. Những ngày cuối cùng của năm 2011, các gia đình thân nhân liệt sỹ của mặt trận 31, lần đầu tiên đã tìm đến được với nhau. Sau hàng ngàn lá thư đã được gửi đi, hàng nhiều vạn cuộc điện thoại trao đổi, chúng tôi đã gắn kết lại với nhau như một gia đình lớn. Ban đầu là hàng trăm, rồi hàng ngàn, tới đây sẽ là hàng vạn gia đình thân nhân các liệt sỹ hy sinh trên cao nguyên Xiêng Khoảng, CHDCND Lào đã tìm đến được với nhau, giúp đỡ nhau, yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, coi nhau như ruột thịt trong một gia đình lớn không có giới hạn về địa lý, không phân biệt địa vị, giàu nghèo, sang hèn hay nguồn gốc từ các vùng miền, dân tộc.

Làm sao chúng tôi có thể quên được những ngày đầu tiên ấy, sáng sớm ngày 04 tháng 1 năm 2012, chỉ mới 04h45’ chuông điện thoại đã reo liên lục, liên lục, rồi tiếng chuông cửa, rồi tiếng ồn ào bàn tán, cả những tiếng khóc nức nở của các thân nhân liệt sỹ thuộc E866 - F31 và E335 - F324, D42 pháo mặt đất, D24 pháo phòng không, D195 tăng thiết giáp, Dd25 công binh, D26 Thông tin và lác đác một số gia đình thân nhân liệt sỹ thuộc F312 và F316 cùng một số các đơn vị hậu cần của quân khu Tây bắc. Rồi cứ thế câu chuyện thêm ồn ào theo số người tìm đến. Mở màn là thân nhân đến từ Tiền Hải, Thái Bình đã ra bến xe từ 03h00 sáng để tìm đến, rồi Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La. Đến 09h30’ chúng tôi đã tập hợp được gần 90 gia đình trên 18 tỉnh. Cũng từ đây Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 được thành lập với 18 tiểu ban ban đầu với những trưởng tiểu ban trên từng tỉnh là những người con, em, ruột thịt của các liệt sỹ đã hy sinh trên cao nguyên Xiêng Khoảng.

Từ 18 hạt nhân ấy, với sự hỗ trợ đáng kể của Cục người có công, Bộ LĐTBXH và các sở LĐTBXH trên từng tỉnh, chúng tôi đã cùng chia sẻ công việc cùng nhau làm tất cả những gì có thể, những gì cần thiết cho toàn thể mặt trận. Bằng nỗ lực và bằng chi phí của mỗi cá nhân chúng tôi đã nhân rộng với tốc độ gần như không tưởng. Chỉ sau 5 tháng chúng tôi đã gắn kết đến cả ngàn gia đình thân nhân trên 45 tỉnh thành và 5 quốc gia và đã thành lập thêm 17 tiểu ban trên các tỉnh thành khác trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, với sự giúp sức đặc biệt quan trong của các cựu chiến binh mặt trận và các cựu chuyên gia quân sự đã sát cánh cùng chúng tôi. Để rồi nhìn lại thành quả mà thấy thực sự ngạc nhiên với những gì chúng tôi đã làm bằng tấm lòng của mỗi người và sức mạnh đoàn kết tập thể ấy! Rất nhiều địa phương, chúng tôi đã tìm và gắn kết được toàn bộ các gia đình thân nhân như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình.

Trên thực tế, chỉ riêng trên cao nguyên Xiêng Khoảng, đã có hơn 1,2 vạn liệt sỹ đã nằm lại nơi này. Trong đó tập trung chủ yếu vào các tỉnh như: Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hà Tây, Hải Hưng, Hà Bắc, Tuyên Quang. Có tỉnh tới hàng ngàn người hy sinh trên cao nguyên này. Đông nhất vẫn là tỉnh Thái Bình.

Cũng chính từ những nỗi đau chung ấy, từ những mất mát ấy, những xót xa ấy mà chúng tôi đã gắn chặt lại với nhau, keo sơn bằng tình đồng loại. Mặt khác, trước nhiều bất cập trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác liệt sỹ và hài cốt liệt sỹ, đồng thời trước quốc nạn ngoại cảm xâm hại mồ mả, xâm hại các hài cốt liệt sỹ của chúng tôi. Chúng đã và đang thản nhiên lừa bịp các gia đình thân nhân. Chính những điều này đã làm cho chúng tôi thấy cần phải tập hợp lại với nhau, đoàn kết với nhau trước hết để bảo về cho nhau, giúp đỡ nhau và cùng nhau làm những điều khẩn thiết nhất, quan trọng nhất, cấp bách nhất để giữ bình yên cho toàn thể các anh hùng liệt sỹ của mặt trận và cho sự minh bạch của công việc này, cùng các cơ quan chủ quản khắc phục những hậu quả đã gây ra trong quá khứ và cũng là tập trung xóa xổ tệ nạn ngoại cảm mà bấy lâu nay chúng đã hành xác các liệt sỹ, hành hạ hàng vạn gia đình thân nhân liệt s, chúng đã tự cho mình cái quyền lấn sân vào phần công việc của cơ quan này và hệ thống quản lý nhà nước từ hơn 25 năm qua.

Giờ đây, hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sỹ mặt trận 31, cùng các cựu chiến binh của các đơn vị đã tham chiến trên cao nguyên Xiêng Khoảng, đồng đội của những người đã hy sinh trên mặt trận 31, chúng tôi đã đoàn kết nhất trí thành một tập thể đồng nhất, liên kết chặt chẽ. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, cung cấp, phản ánh, phổ biến, hướng dẫn cho nhau từng chi tiết, từng phần việc cụ thể cần phải làm. Đến lúc này, chúng tôi đã là một khối thép, một khối thép của tình người, của tình thân nhân liệt sỹ, của sự vô tư trong sáng, không có màu sắc của quyền lực hay vật chất mà chỉ bằng tình người, tình đồng đội, đồng chí thuần túy nhưng mãnh liệt hơn bao giờ hết bằng chính sức mạnh tinh thần trong mỗi người. Chúng tôi sẵn sàng nghiền nát những tệ nạn, những kẻ dám xâm hại đến liệt sỹ của chúng tôi và dám lòe bịp các gia đình thân nhân liệt sỹ của mặt trận 31.

Có thể nói, chưa bao giờ, chưa khi nào nhà nước, Chính phủ lại chú trọng, lại quan tâm đến chính sách người có công và công tác hậu phương quân đội như thời điểm này! Đúng ra thì điều này đã phải làm từ nhiều năm trước. Nhưng do tình hình thực tế và hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh. Dù sao vẫn chưa là quá muộn! Nhân dân vẫn còn “vực lại” được lòng tin!

Minh chứng cho điều ầy:

- Đề án 150 CP do Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Hiện đang chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để đi vào thực thi việc xác định danh tính các liệt ỹ còn thiếu thông tin,

- Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để thực hiện đề án này và giao đích danh cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban. Một vị lãnh đạo trẻ, có tâm và đủ tầm cho công việc phức tạp này,

- Cục Chính sách Bộ Quốc phòng đã được phê duyệt đề án số hóa toàn bộ thông tin liệt sỹ với kính phí đã được chính phủ phê duyệt là 150.000.000.000 đồng (một trăm năm mươi tỷ đồng).

- Phê duyệt kinh phí nâng cấp các cơ sở giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ với kinh phí 500.000.000.000 Đồng (năm trăm tỷ đồng) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt,

- Bên cạnh đó đã được trải qua một cuộc đại tập huấn, rút kinh nghiệm và những bài học xương máu rút ra từ ngay trong quá trình thực hiện phần công việc này của hàng ngàn liệt sỹ mặt trận 31.

Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 đã tổng hợp đầy đủ cứ liệu trình thẳng lên Quốc hội đề nghị cơ quan quyền lực cao nhất này ban hành lệnh CẤM TUYỆT ĐỐI tất cả các đối tượng Ngoại cảm, đồng cốt, những kẻ lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu, khoa học.... nhúng tay vào bất kỳ công việc gì liên quan đến hài cốt liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ. Cấm tuyết đối các hoạt động áp vong tìm mộ liệt sỹ. Kiểm tra kết quả và khả năng thực tế của các đối tượng này và truy cứu trách nhiệm với những hệ lụy và hậu quả mà chúng đã gây ra cho toàn xã hội và hàng vạn hài cốt liệt sỹ và hàng vạn gia đình thân nhân liệt sỹ trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung cao độ cả về nhân lực, vật lực và trí lực vào công tác này. Vậy nên chúng tôi yêu cầu toàn thể bà con thân nhân liệt sỹ những điều sau:

1. Toàn thể các gia đình thân nhân liệt sỹ không nên nóng vội trong việc tìm mộ, tìm hài cốt liệt sỹ để tránh bị rơi vào cạm bẫy của những kẻ mang danh Ngoại cảm, Tâm Linh, Tâm Đức, Đồng cốt đang lén lút hoặc công khai tuyên truyền, rao giảng trên các phương tiện thông tin. Bên cạnh đó là những kẻ mang danh Khoa học và các nghiến cứu mập mờ mang màu sắc mê tín di đoan như chúng đã hoành hành suốt hơn hai thập kỷ qua!

2. Toàn bộ thông tin hồ sơ gốc của các liệt sỹ vẫn được bảo quản nguyên vẹn dưới dạng văn bản, hồ sơ ghi chép tại các BCHQS từng tỉnh, Cục Chính sách BQP, Cục Chính trị các quân khu, quân đoàn, Phòng Chính trị các Sư đoàn, Quân, Binh chủng. Trong quá trình chờ đợi kết quả số hóa toàn bộ thông tin liệt sỹ, mỗi gia đình vẫn có thể chuẩn bị sẳn các chứng từ gốc về liệt sỹ theo các nguồn thông tin và các bước cụ thể như sau:

- Xin sao lục giấy báo tử gốc và hồ sơ gốc (nếu có) tại các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sở tại (quê gốc của liệt sỹ khi nhập ngũ) bởi những giấy báo tử do các tỉnh đội báo về đã được mã hóa lại theo một hướng khác để đảm bảo bí mật quân sự thời đó. Phần lớn những giấy báo tử ấy đều là các thông tin không rõ ràng, trung trung, mù mờ. Nhưng, tại các cơ quan này vẫn lưu lại đầy đủ giấy báo tử gốc mà do chính đơn vị của liệt sỹ báo về tỉnh sau khi liệt sỹ hy sinh với đầy đủ các thông tin về đơn vị, thời điểm hy sinh, lý do hy sinh, khu vực, địa điểm hy sinh và nơi an táng ban đầu (có thể có cả toạ độ và sơ đồ mộ chí ban đầu). Các thông tin này vẫn được lưu trữ, bảo quản đầy đủ tại các cơ quan chính trị, chính sách của từng đơn vị của các liệt sỹ (từ cấp sư đoàn trở lên).

- Khi có giấy báo tử gốc, có thể liên hệ với chúng tôi để có thêm các thông tin hỗ trợ, tìm đơn vi gốc (vì lý do tách nhập, bỏ phiên hiệu). Qua đó có thể khoanh vùng, định hướng hồ sơ và định hướng thực địa theo lịch sử chiến đấu của đơn vị và kết quả của các đợt quy tập để định hướng quá trình di chuyển của hài cốt trong những năm hậu chiến trên các địa bàn cụ thể để từ đó có thể liên hệ với các cơ quan hữu trách trên chính địa bàn đó để nắm thêm tình hình cụ thể ề thông tin liệt sỹ.

- Tuyệt đối không tự đi tìm trên thực địa theo sơ đồ mộ chí ban đầu. Bởi đã có rất nhiều thay đổi và phần lớn, các liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang và có thể đã mất danh tính. Nếu bà con vẫn đi tìm theo những thông tin này sẽ không đem lại kết quả gì. Tiền mất và mất thêm cả lòng tin và lòng kiên nhẫn.

3. Hãy tổng hợp các thông tin đã có, kể cả những thông tin từ đồng đội, các cựu chiến binh. Sau đó có thể liện bằng điện thoại hoặc thư tín với các cơ quan mà chúng tôi đăng theo danh sách cùng địa chỉ, điện thoại dưới đây để biết liệt sỹ có còn danh tính trong các nghĩa trang trên khu vực đã xác định đó hay không. Nếu không có, nhà nước sẽ áp dụng phương pháp giám đình ADN để xác định danh tính của các hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin này. Khi ấy sẽ triển khai các bước tiếp theo.

Kinh phí cho việc giám định ADN do nhà nước đảm nhiệm chi trả. Mọi gia đình không phải mất bất kỳ kinh phí và cũng không phải đóng góp bất kỳ khoản lệ phí hay quyên góp nào cho chúng tôi. Mặc dù chúng tôi làm tất cả những việc này bằng kinh phí cá nhân.

Trong quá trình thực hiện có bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào không thực hiện đúng chức trách của mình, có những hành động hay thái độ thiếu đúng đắn với nhân dân, bà con có thể thông báo trực tiếp cho các cơ quan cấp trên của họ theo phần danh bạ chúng tôi cung cấp cuối bài.

Trưởng ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31.

Ngày đón nhận niềm vui từ kết quả giám định ADN từ Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội. (đợt 1)
Bức ảnh do Dương Thái Bình chụp lại thời khắc cán bộ y tế đang thao tác lấy mẫu phẩm của thân nhân liệt sỹ Nguyễn Quốc Chỉnh thuộc E"3", F312. Đích thân phó ban liên lạc toàn quốc - Ông Đặng Ngọc Luyến - Phó TBT thường trực báo PLVN trao cho người em ruột của liệt sỹ và gia đình làm quà lưu niệm khi nhận kết quả giám định ADN và danh tính hài cốt.
Món quà tinh thần từ toàn thể bà con thân nhân liệt sỹ tỉnh Thái Bình - Tỉnh có nhiều nhất liệt sỹ hy sinh trên cao nguyên xiêng khoảng với hơn 1.000 liệt sỹ của các đơn vị, các sư đoàn tặng Ban liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31. 

Các trung đoàn của F312 tham chiên tại cao nguyên Xiêng Khoảng và trên mặt trận cánh đồng Chum vào hai đợt của 2 chiến dịch ác liệt trên mặt trận 31: Lần đầu là tham gia chiến dịch Z139: từ ngày 25/10/1969 đến 25/04/1970. Đợt 2 là chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum từ ngày 18/12/1971 - 8/4/1972.  

Giờ sinh hoạt văn hóa của các chiến sỹ thuộc trung đoàn 866 trên cánh đồng Chum, cao nguyên Xiêng Khoảng, CHDCND Lào. Khi xung trận, các chiến sỹ quân tình nguyện đã đánh "hăng" và khôn ngoan như những con báo đốm. Thậm chí, trên mặt trận còn ví các đơn vị, các chiến sỹ của E335 còn được ví đánh hăng như "Lợn lòi". E866 và E335 đã là nối khiếp đảm của quân phỉ Vàng Pao và các GM lính đánh thuê Thái Lan và quân đội ngụy Lào. Nhưng khi hết chiến dịch hay vào những giờ nghĩ ngơi thì các anh ấy bình dị như thế này đây. Không biết trong bức hình này ai còn ai mất. Hy vọng răng có ai đó nhận ra người thân của minh trong những tấm hình đã chụp lại ngay trên mặt trận và đã đã được lưu trữ từ hơn 45 năm, ảnh chụp năm 1969, (ảnh độc quyền của F31 và BLL). 

Chiến dịch Z139, lần đầu tiên có sự tham gia phối thuộc của đơn vị Tăng thiết giáp d195 trên cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.

Một bất ngờ lớn giành cho quân đội mỹ, ngụy Lào và phỉ Vàng Pao cùng các GM lính đánh thuê Thái Lan trên mặt trận 31.
Khu vực cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng chính là trung tâm ách liệt nhất của mặt trận 31.

Hàng ngàn trận đánh ác liệt đã sảy ra tại nơi này. Nơi mà Thiếu tướng Huỳnh Đắc, Hương và tướng Vũ Lập đã chỉ hủy đập tan cuộc hành quân lớn nhất mang tên Cù Kiệt của địch bằng chính chiến dịch Z139 với chiến thắng lẫy lừng còn mãi ghi trong sử sách. Khu vực ấy, chính là khu vực đánh dấu màu xanh trên bản đồ này. Nơi đã có hơn 1 vạn liệt sỹ đã mãi mãi không thể trở về. Hàng ngàn dân công hỏa tuyến, các cô gái chàng trai mà tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi. Chính sự hy sinh của họ đã hạn chế rất nhiều cho cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ năm 1972. Bởi tại nơi đây có 42 sân bay dã chiến phục vụ cho việc oanh tạc miền Bắc, tập kích và xâm nhập, ném bom phá hoại với khẩu hiệu "đưa Bắc Việt về thời kỳ đồ đá". Nhưng chính dân tộc ta đã đưa Mỹ về thời kỳ đồ Nhôm với hàng ngàn xác máy bay!

Các thông tin và Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi (18/12/1971 - 6/4/1972). 

Chiến dịch tiến công của quân tình nguyện VN phối hợp với LLVT CM Lào đánh QĐ phái hữu Lào và QĐ Thái Lan ở khu vực Cánh Đồng Chum-Long Chẹng (Xiêng Khoảng, Lào), nhằm tiêu diệt sinh lực, phá âm mưu lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.
Lực lượng tham gia chiến dịch: Quân tình nguyện VN có 2 sư đoàn (312 và 316), 2 trung đoàn (866 và 335) bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn thiết giáp; LLVT CM Lào có 9 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo binh và 3 đại đội LLVT địa phương.

Lực lượng địch gồm: 30 tiểu đoàn bộ binh (18 tiểu đoàn Vàng Pao, 4 tiểu đoàn QĐ Vương quốc Lào, 8 tiểu đoàn Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội máy bay T-28, 1 trung đội xe bọc thép.

Chiến dịch diễn ra hai đợt:

• Đợt 1 (18 - 22/12/1971), ta đồng loạt tiến công vào đội hình phòng ngự của địch ở Cánh Đồng Chum, đánh chiếm Phu Tâng, Phu Tôn, Na Hin, Phu Keng, thọc sâu tập kích vào Phu Phaxay, Phu Xeo, truy quét và giải phóng toàn bộ Cánh Đồng Chum (trận Cánh Đồng Chum, 8 - 20/12/1971); trên hướng phối hợp, LLVT CM Lào tiến công chiếm Mường Sủi, phát triển đến Salaphukhun, Ca Sỉ…


• Đợt 2 (23/12/1971 - 6/4/1972), ta tiến xuống phía Nam, đánh chiếm Sảm Thông; ta tiếp tục tiến công giành, giành giật quyết liệt với địch ở Phu Mộc, Sảm Thông, Nậm Chế, sau đó chuyển sang phòng giữ Cánh Đồng Chum, kết thúc chiến dịch.
Ngày 18 tháng 12 năm 1971 thực sự là một ngày ác liệt đối với các đơn vị tham chiến tại đây. Hàng vạn tấn bom đã đổ xuống CĐC. 
C24 Đặc công và các mũi giáp công của D924 - E866 xóa xổ cứ điểm của địch trên đỉnh Phoutan - Phu Tâng và bắt sống tù binh địch. Ảnh độc quyền của trung đoàn 866, sư đoàn 31 và Ban liên lạc mặt trận 31.

Các trung đoàn 141, 165 và E"3" của F312 thương vong rất lớn và sau đó rút về Tây Nghệ An rồi tiếp tục tham chiến tại Quảng Trị, đi B. Còn E148 và E174 của F316 các anh vẫn tiếp tục bám trụ trên mặt trận này. 

Các trận địa chính xung quanh đỉnh Phu Tâng, nơi các đơn vị của F312, F316 chiến đâu bên cạnh E866 và E335 diễn ra vào tháng 12 năm 1971, bản đồ do anh em bên Quân sử trích lục, cung cấp.


Kết quả loại khỏi chiến đấu hơn 8.000 địch (bắt 1.137), bắn rơi và phá huỷ 143 máy bay, thu 30 khẩu pháo, 106 súng cối; giải phóng Cánh Đồng Chum, làm thất bại âm mưu của Mỹ sử dụng QĐ phái hữu Lào và quân Thái Lan lấn chiếm vùng giải phóng ở Lào.
Tượng phật bằng đá nguyên khối tại ngôi chùa trên núi Đất tại cánh đồng Chum đã bị bom đạn tàn phá tan hoang. Cũng may pho tượng phật còn như nguyên ven. Chỉ bị bom và đạn pháo năm 1971 và hàng trăm trận oang tạc năm 1972 đã làm vỡ phần cánh tay bên trái của pho tương quý giá có từ hàng ngàn năm, từ thời kỳ văn hóa Cự Thạch trên khu vực Đông nam Á, nghĩa là từ 2.700 đến 3.000 năm - cùng thời với những hàng ngàn chiếc Chum trên cao nguyên Xiêng Khoảng.


NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT TRÊN CÁNH ĐỒNG CHUM – NĂM 1976


MỘT TẤM LÒNG HẾT MÌNH VÌ ĐỒNG ĐỘI
MỘT TẤM GƯƠNG MÀ NHIỀU KẺ KHÔNG DÁM SOI
Một câu chuyện mà ngay cả khi viết những lời này tôi không thể kìm lại được. Nước mắt lã trã, nức nở như một đứa trẻ! Khóc vì nghĩa tình, khóc vì lòng kính trọng và khâm phục một người con của đất Nghệ An đầy nắng gió trên khúc ruột miền Trung, khóc vì đồng đội và cha anh chúng tôi - những người đã ngã xuống trên cao nguyên Xiêng Khoảng và vì tình người sâu đậm!

Tác giả của câu chuyện rơi rất nhiều nước mắt này là một cựu chiến trung đoàn 866 quân tình nguyện tại chiến trường C và K. Đại tá Lê Đình Tài. Năm 1975 anh nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện, anh được điều động qua mặt trận 31 và thuộc biên chế D8, E866. Anh là một trong hàng trăm người của đơn vị đã trực tiếp tham gia công tác quy tập hài cốt liệt sỹ của đơn vị trên 93 nghĩa trang mặt trận của e866 trên mặt trận cánh đồng Chum. Khi ấy anh mới là binh nhất và mới nhập ngũ chưa đầy một năm.

Một câu chuyện của người trong cuộc và là câu chuyện của người thật việc thật, không một chút hư cấu hay bóp méo vì bất kỳ mục đích gì. Tác giả không muốn cho đăng bài này bởi anh nghĩ mọi người thấy ghê quá, lo răng mọi người sẽ sợ. Nhưng tôi vẫn mạn phép anh đăng để mọi người hiểu về hai chữ Tình người là như thế.

Hiện nay, anh Lê Đình Tài đã nghĩ chờ nhận sổ hưu. Anh ấy đã là người cựu chiến binh E866 gắn bó, sát cánh kề vai cùng Ban liên lạc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31. Bằng chính những kinh nghiệm quân ngũ, bằng tâm tư của người cán bộ chính sách, bằng nghĩa tình với đồng đội với các liệt sỹ của mặt trận và tất nhiên với sức lực và kinh phí của cá nhân mình, anh đã gửi đi không còn nhớ là bao nhiêu bức thư, đã gọi bao nhiêu ngàn cuộc điện thoại, đã nhờ hàng trăm động nghiệp, đồng đội trên khắp các tình thành để tra cứu và lục tìm, liên hệ với các gia đình thân nhân liệt sỹ từ Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Sơn La, và đã tìm được gia đình thân nhân liệt sỹ để có thể thu thập được những nguồn Gen chính xác của các gia đình ấy để phục vụ cho việc xác định lại danh tính liệt sỹ của đơn vị và của các đơn vị tham chiến trên cao nguyện Xiêng Khoảng bằng công nghệ Sinh học và trình tự ADN.

Anh đã trở thành một tế bào trong cơ thể Ban liên lạc. Rồi những năm qua với những công việc mà chúng tôi cùng chung lưng đấu cật, chúng tôi coi nhau như anh em một nhà. Yêu thương đùm bọc lẫn nhau, động viên chia sẻ lẫn nhau. Anh đã trở thành người phát ngôn của Ban Liên lạc toàn quốc thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 với thân nhân liệt sỹ trên toàn mặt trận.

Trước tấm lòng của anh, trước hình ảnh anh và việc anh làm, những kẻ đang lợi dụng các công việc liên quan đến liệt sỹ, hài cốt liệt sỹ để tô vẽ cho hình ảnh của mình hoặc của ai đó, của tổ chức nào đó, hay những kẻ chỉ thích hô khâu hiệu theo kiểu tát nước theo mưa, bệnh thành tích. Mở miệng ra là những điều lớn lao, "tri ân", "tình nghĩa", "Đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn"... rồi đủ thứ ngôn từ vay mượn đến thuộc như cháo chảy, diễn giõi như các diễn viên chuyện nghiệp. Những kẻ ấy phải lấy đó làm xấu hổ, phải thấy nhục nhã trước những việc làm hời hợt, vô tình, vụ lợi với đủ thứ giả tạo, giả nhân giả nghĩa. Cho dù những kẻ đó là ai, quân hàm gì, chức vụ gì, cương vị gì thì đều là những kẻ đáng khinh bỉ và những kẻ phá hoại mà thôi.

Còn những kẻ đầu têu, đẻ ra những trò thất đức bịp bợm như tay Tiến sỹ Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, PGS - Thiếu tướng Ngô Tiến Quý cùng đồng đẳng là đám Đồng cốt, Ngoại cảm đã lừa đảo hàng vạn thân nhân liệt sỹ và hành xác biết bao nhiêu nấm xương tàn của các liệt sỹ này, chúng không còn, dù chỉ là một chút nhân cách để đứng trước người anh hay soi vào anh.

Dưới đây, là câu chuyện của anh:

NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

Cuối năm 1975, gần Tết chúng tôi được quán triệt: Bọn phỉ Vàng Pao đang tích cực tuyên truyền chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu Việt Lào. Trong nhân dân bạn đang rộ lên tin đồn bộ đội Việt Nam đào các núi để lấy vàng, bắt dân Lào vào các vùng núi hẻo lánh để chiếm Cánh đồng Chum trồng lúa...

Thực chất hồi đó trung đoàn đã đào các hầm xuyên sơn trên đỉnh Phu tâng, PhuKeng để lập tuyến phòng ngự. Công việc kéo dài năm này sang năm khác, mới đầu còn bí mật nhưng sau đó địch biết và làm rùm beng . Còn việc dân bị đẩy vào vùng sâu vùng xa là do tin phỉ theo phỉ, bị bạn và ta truy quét nên chạy dài. D 7 có mang máy cày sang làm kinh tế giữa cánh đồng thật. Hiệu quả kinh tế của việc cày bằng máy, để trồng cây lúa và rau màu chắc là không có, nhưng dân Lào thấy bộ đội Việt Nam cày bằng máy quá hiện đại trong sản xuất lại thêm phục.

Lúc này chúng tôi cũng được nghe loáng thoáng việc Bộ chính trị Lào yêu cầu bộ đội Việt nam rút hết quân. Là lính binh bét nên nghe tin đồn chỉ biết vậy nhưng ở đơn vị nào cũng đẩy mạnh phong trào làm đồ lưu niệm từ các vật dụng chiến tranh. Những đầu đạn M79 chưa nổ được moi lên làm bật lửa, bom bi quả dứa được gom về làm đèn dầu rồi ống phóng tên lửa của máy bay được vác về cắt cưa đục đẽo làm hộp đựng thuốc đánh răng, làm lược chải đầu vv..vv

Số bật lửa bằng M79 nhiều người làm thêm khuy đeo bằng mỏ vịt lựu đạn Mỹ nên nhìn rất giống lựu đạn. Khi về thế chỗ cho F316B (tức F 356) ở huyện Anh Sơn Nghệ an, chúng tôi hay đánh nhau với lính của F15 công binh đóng quân kế bên. Nhiều khi rút bật lửa ra dọa, lính F15 chạy mất dép. Còn đèn dầu khi về nước được một thời gian lính ta đem bán hết cho các hiệu sửa xe đạp, họ đập ra lấy bi làm bi xe đạp rất tốt, tốt hơn bi Việt nam sản xuất.

Qua Tết sang năm Thìn (1976) được mấy ngày, chúng tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt: Đi quy tập mộ liệt sỹ. Cán bộ D quán triệt: chúng ta cố gắng bốc bằng hết số liệt sỹ của đơn vị về xây dựng Nghĩa trang Quân tình nguyện giữa trung tâm Cánh đồng Chum (thị xã Phôn xa Vẳn hiện nay).

Trước đó tôi biết năm 74 .75 các đơn vị đã cử tổ công tác đi tìm các nghĩa trang để làm công tác chuẩn bị, đó là đào các mộ lên dùng thuốn chọc cho các túi ni lon đựng thi hài tử sỹ thủng ra để thi thể các anh được phân hủy, thuận lợi cho quá trình cất bốc. Tât nhiên không phải nghĩa trang nào cũng tìm được và cũng không phải bác nào hy sinh cũng được đồng đội chôn cất chu đáo và việc này cũng phụ thuộc tính tự giác của những người được phân công.

Ở D bộ trừ một số thông tin, trinh sát đi theo các C và cán bộ chuyên môn cần thiết, còn lại dồn lực lượng cao nhất để làm nhiệm vụ. Tôi và anh Hòa quân khí được phân đi cùng B vận tải. Ngoài súng đạn, xẻng Mỹ, (loại vặn ra thành xẻng, vặn vào thành cuốc rất sắc) mỗi người được phát 1 đôi găng tay bằng bạt, 1 khẩu trang, 2 người 1 đôi ủng và một nhóm 5-6 người có thêm lọ dầu Bạc hà. Phải nói là dụng cụ bảo hộ rất kém rất thiếu, số này chỉ dùng cho đợt 1 còn đợt 2 hầu như không có. Địa bàn quy tập của D bộ và C3 là Tha Viêng - Tha Thơm.

Chúng tôi hành quân bộ từ cao điểm 1507 gần trưa thì đi qua thị xã Xiêng khoảng. Thị xã sau chiến tranh hình như dân chưa về và cũng có thể do các cơ quan của bạn đã chuyển về Phôn xa Vẳn nên gần như bị bỏ hoang, chỉ lèo tèo vài chục ngôi nhà tranh nền đất lẫn nhà sàn mọc theo con suối, Đường phố lau lách mọc hết lối đi, các ngọn đồi xung quanh đỏ lòm hố bom, hố pháo. Nổi nhất có lẽ là tượng phật ngồi cao sừng sững dưới Đồi tròn và khu bệnh viện tỉnh do D8 chúng tôi làm giúp bạn. Khi đi qua đó anh Hòa kể cho tôi nghe thiên tình sử của d phó D8 và chị bác sỹ người Lào là bệnh viện trưởng mà anh là liên lạc thường xuyên đưa thư qua lại giữa 2 người (lâu ngày tôi không nhớ tên bác d phó vì khi đó bác ấy đã được bổ sung cho F 316 ).

Cuối ngày chúng tôi vào gần đến Tha viêng. Đi lòng vòng mãi hóa ra chúng tôi đã ở sau lưng dãy Phu Khe. Đây cũng là một hướng quân ta tấn công vào Long chẹng, và có thể đi xuống Bôly khăm xay. Sau 1 đêm mắc võng giữa rừng già, sáng sau theo trinh sát lội suối bám vách đá leo thêm vài tiếng đồng hồ nữa,chúng tôi căng lán trại, chuẩn bị dụng cụ Buổi chiều chúng tôi được dẫn đến hiện trường.

Nghĩa trang là cả 1 khu rộng nằm ở dưới chân đồi bên cạnh con suối nhỏ chỉ khoảng có 10 mộ nằm cách xa nhau. Khu mộ này là nơi chôn cán bộ chiến sỹ của D quãng năm 1968 -1970, có sơ đồ mộ cùng tên tuổi từng người hẳn hoi. Buổi chiều phát quang khu mộ. Sáng hôm sau toàn đơn vị chính thức vào việc .

Sau khi cắt cử người canh gác, toàn đơn vị tập hợp trước khu mộ giờ chỉ là những nấm đất thấp tè phải thật tinh ý mới biết đó là mộ. Dưới đó các Anh đang nằm, đầu gối lên núi hướng về phía Đông nơi Quê Mẹ. Thủ trưởng Quang thắp một nắm hương rồi lầm rầm khấn vái. Khấn xong thủ trưởng quán triệt mục đích yêu cầu nhiệm vụ cho đơn vị, đặc biệt nhấn mạnh việc thu hồi bảo quản di vật chôn theo liệt sỹ.

Tôi được phân công vào nhóm 5 người hỗn hợp của tiểu đội trinh sát và thông tin do anh Chung làm tổ trưởng, nhóm được giao bốc 2 mộ. Anh Chung cũng thắp hương trước 2 mộ rồi chắp tay khấn đại ý:”Chúng em là chiến sỹ của D8, hôm nay được giao nhiệm vụ cất bốc đưa các anh về, mong các anh phù hộ cho chúng em hoàn thành nhiệm vụ để sớm đưa được các anh về nơi yên nghỉ mới.

Chúng tôi hồi hộp bổ những nhát cuốc lên nấm mộ, đất xốp, hố chôn không sâu, chẳng mấy chốc đã đến tăng. Chúng tôi lùi xa, anh Chung rảy dầu Bạc hà lên mộ để khử mùi. Vài chục phút, anh gọi hai anh lớn tuổi cùng anh nhảy xuống hố bê Liệt sỹ lên. Tôi và thằng Nhân tay đeo găng, miệng bịt khẩu trang đứng từ xa nhìn không dám lại gần, anh Chung phải quát ầm ĩ. Liệt sỹ được bó bằng tấm tăng cuộn chặt bằng dây dù, tăng đã được rạch nhiều chỗ hồi năm ngoái nên da thịt đã tiêu. Anh Chung mở tăng ra rồi chỉ cho 2 thằng tôi nhặt cốt theo thứ tự đưa cho 2 anh ngồi bên chậu nước ngũ vị rửa .Trong bụng rất sợ nhưng thấy thái độ cuả mấy anh lớn tuổi bình thường nên dần dần tôi đỡ run. Công việc thuận lợi, chúng tôi chỉ việc nhặt cốt rửa bằng nước ngũ vị lau khô rồi xếp vào tấm vải xô gói lại, ngoài bọc tiếp lớp túi ni lonTrung quốc. Theo ghi chép trong lọ Peniciline chôn cùng. Liệt sỹ hy sinh năm 69.

Chúng tôi đào tiếp mộ thứ 2. Khi bọc tăng hiện ra có vẻ còn đày đặn, anh Chung trèo xuống khẽ dẫm lên bọc tăng, hình như trong đó có nước. Nước rỉ ra bốc mùi không tả được! Anh chung nhảy lên và cả mấy anh em chạy ra xa. Anh Chung nói: “Bỏ mẹ rồi, mộ chưa tiêu”. Nói xong anh bỏ đó chạy sang các tổ khác.

Bên các tổ cũng cảnh tương tự, có mộ đã tiêu và có đến 2-3 cái đang còn đầy. Mọi người bỏ hết việc lo lắng bàn tán, mấy chục người ồn ào. Người kể chuyện ở quê khi bốc gặp thế này phải nấu xôi úp xuống lấp lại... người thì kể họ dùng dao róc để lấy cốt. Các anh chỉ huy về lán tiểu đoàn xin ý kiến …. Lúc đó đã tầm 9 giờ sáng.

Một lát các thủ trưởng tiểu đoàn đến chỉ thị: Bằng mọi cách bốc hết các anh về, không được bỏ. Lại ồn ào thảo luận … Rồi những ai có dao đều xuống suối mài, một số anh chạy về lán lấy dao phát của biệt kích Mỹ ra. Mấy thằng lính trẻ bọn tôi túm tụm chờ đợi.

Anh Chung lại cùng với 2 lính già bê liệt sỹ lên mang xuống suối. Chúng tôi lấy thêm khăn mặt bịt ngoài khẩu trang, các lọ dầu Bạc hà được đổ ra hết để khử mùi … Khi mở tăng Liệt sỹ vẫn còn nguyên xi, chỉ có phần bụng là đã tiêu nhưng đầy nước. Cái chân gãy được nẹp cố định ,khi mở băng ra nước hồng vẫn rỉ . Chiếc bút Trường sơn để trong túi áo lấy ra, mặc dù nằm dưới đất theo chủ đã nhiều năm vẫn còn viết được. Mẩu giấy trong lọ Pinixilin không còn chữ nhưng theo sơ đồ anh Chung nói bác ấy cũng hy sinh năm 1969.

Anh Chung đưa nhát dao ngọt lịm, tôi quay mặt nhắm mắt không dám nhìn, đến lúc nghe gọi mới sực tỉnh. Tôi được giao một cánh tay. Cầm cánh tay xuống suối tôi kinh hãi cầu khấn xin liệt sỹ tha tội, tình thế bắt buộc phải làm thế này để đưa liệt sỹ về… tôi khóc vì sợ hãi, vì thương liệt sỹ – người anh người đồng đội đi trước - đã phải hy sinh lần nữa.

Một cảnh tượng kinh hoàng..dọc theo con suối lính ta đang cầm dao ngồi gọt những mảnh thi thể.
Quá trưa độ 1-2 giờ chiều công việc mới xong, các anh đã được rửa, bó gọn trong các túi. Chúng tôi cởi hết quần áo dính mùi ra giặt , dùng xà phòng 72% rửa chân tay mãi kiểu gì cũng không hết mùi … quần áo cũng vậy ... vò mãi gột mãi vẫn .. thum thủm. Cả đầu tóc da thịt nữa, tất cả đều có mùi.

Nuôi quân đeo cơm ra tự bao giờ.. chúng tôi mặc quần lót cầm bát đũa vây quanh. Tấm lá chuối đậy đĩa 4 ngăn đựng thức ăn được mở ra …trên đĩa là những miếng thịt lợn hộp kho ..Nhìn đĩa thịt hộp…. liên tưởng cảnh lúc sáng… giống quá … một cảm giác khó chịu ở cổ họng …. tôi vùng chạy ra xa .. nôn ọe.. Không chỉ mình tôi mà cả tổ đều bỏ cơm tránh đi nơi khác …

Chúng tôi lại nhìn nhau … anh Thành lính 71 vĩnh phú nói; tao còn gói ruốc bông ở lán, để tao về lấy ăn tạm. Rồi cũng qua bữa cơm, hiều 2 thằng tôi được phân công mang các anh về. Buổi sáng các anh nằm to lớn là thế, giờ chỉ còn độ 10-15 cân trên vai.

Tối, các anh được tập trung vào một khu đất trống ở giữa các lán, 4 góc được đốt 4 đống củi to. Chúng tôi thay nhau 4 người một ca chia làm 2 vọng gác. Đêm tối thú rừng hình như bắt được mùi… chúng gầm rú ầm ĩ cả khu rừng, trong đó có cả tiếng gầm mà mấy anh lính cũ nói là của hổ. Chỉ sợ chúng vào tha các anh đi mất, chúng tôi cứ thi thoảng 15-20 phút lại nổ mấy phát súng .. Hết ca bàn giao cho người khác, về nằm võng tôi không ngủ được .đôi tay , mái tóc vẫn vấn vương mùi…. Cảnh lúc sáng lại hiện ra ….. Hình như cả tiểu đoàn bộ cũng không ai ngủ được

Hôm sau 5 lính vận tải mỗi người cõng 2 bộ hài cốt ra đường ô tô để xe trung đoàn vào chuyển về nghĩa trang mới. Chúng tôi tiếp tục đi vào sâu hơn. Khi đi tôi vẫn nhớ xuống suối lấy đôi găng tay đang ngâm dưới nước. Đôi găng tay sũng nước vẫn nặng mùi đành phải lấy lá chuối cuốn lại đeo lủng lẳng dưới ba lô. Tiểu đoàn tổ chức thu hết thịt lợn hộp để mang về trung đoàn đổi thứ khác vì nó quá giống … không ai ăn nổi.

Bức ảnh chụp ngày 13 tháng 4 năm 1976 tại nghĩa trang Lạt Huồng, Phonxavan, Xiangkhuang, sau khi đã quy tập 760 liệt sỹ của các đơn vị về nghĩa trang Lạt Huồng - Phonxavan, 316 liệt sỹ về nghĩa trang Nọong Pẹt tại huyện Mường Pẹc và 103 liệt sỹ về nghĩa trang Bản Ban 2 và 109 liệt sỹ về nghĩa trảng Bản Ban 1 tại huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng. Anh em cán bộ chiến sỹ trung đoàn 866 đến chào vĩnh biệt anh em đồng đội nằm lại để rút về Tây Ngệ An vào cuối tháng tư năm 1976.
Sau một ngày luồn rừng chúng tôi căng võng trên sườn đồi thoai thoải, dưới chân dồi là con suối rộng chừng vài mét

 Buổi sáng tất cả được lệnh đi tìm nghĩa trang, theo một số anh lính cũ nói nghĩa trang này nằm cạnh suối, chủ yếu chôn các anh hy sinh giai đoạn 70-73. Dàn hàng ngang 2 bên bờ suối dò từng bụi cây ụ mối cả ngày không thấy các anh lính vẫn quả quyết là đã đúng tọa độ theo sơ đồ, có anh còn khẳng định mình chôn đồng đội bên hòn đá lớn, phía đầu là gốc cây to bằng bắp đùi.

Sáng hôm sau tiếp tục.Nhưng tọa độ 09 rộng cả mấy ngàn mét vuông, rừng nguyên sinh rậm rạp cây cối đã lớn theo năm tháng, rồi bom đạn đào xới, mưa lũ cuốn trôi, thú rừng phá phách … bao nhiêu tác động ... mấy năm vật đổi sao dời, các bác lính cũ vẫn tìm đồng đội theo ký ức ... tìm mãi không thấy các thủ trưởng lại thắp hương khấn.

Có lẽ lời thỉnh cầu đẫ thấu vong linh liệt sỹ. Ăn cơm trưa xong mọi người đang nằm nghỉ bỗng anh nuôi kêu toáng: “Đây rồi”, mọi người chạy theo tiếng kêu. Quả thật anh nuôi đi kiếm củi đã tìm thấy khu mộ bên sườn núi. Hóa ra khi mộ nằm bên tụ thủy, tụ thủy là khe đá khô khốc giữa 2 sườn núi. Lúc đó mùa khô không có nước nhưng mùa mưa có lẽ nước sẽ róc rách nên các bác nhà ta trước đây vẽ sơ đồ ghi là suối làm chúng tôi tìm muốn chết. Mừng phát khóc, chúng tôi xúm vào phát dọn để ngày mai bốc.

Buổi sáng sau khi làm thủ tục thắp hương khấn vái, theo tổ nhóm đã phân công chúng tôi bắt tay vào đào. Các liệt sỹ vẫn được chôn theo hướng Đông Tây, đầu gối lên núi hướng về Đất mẹ Việt nam. Không may cho chúng tôi, các liệt sỹ mới chôn được 4-5 năm lại bó kỹ bằng tăng võng, lần đi xăm năm ngoái không có ai đến đây nên tất cả đều nguyên vẹn. Có người bên ngoài bọc tăng nilon bên trong còn được quấn kỹ thêm tấm vải dù nên đào lên vẫn như người nằm ngủ, quả lựu đạn chôn theo vẫn chưa rỉ.

Mọi người mài dao để làm cái việc mà không ai muốn . Nghĩa trang nằm xa suối nước nên đưa được các anh đến chỗ đó thật vất vả. Nguy hiểm hơn là dầu bạc hà khử mùi đã hết, chúng tôi phải lấy áo lót buộc thêm ngoài khẩu trang nhưng vẫn không khỏi ngạt thở, một số anh vứt găng tay bẩn hôm trước nên hôm nay phải bằng tay trần cầm nắm trực tiếp. Khi làm dao rất chóng cùn vì có những thứ rất dai nên anh Thành nghĩ ra cách khác là ... đốt … và anh đốt thử một bộ phận nhỏ. Có lẽ do phốt pho dang phân hủy bốc ra nên ngọn lửa nhanh chóng bùng lên xanh lè, một mùi khét rùng rợn bốc lên. Chim muông bỗng ở đâu đổ về kêu ỏm tỏi cả khu rừng. Bác Quang quát, “không được làm thế”. Lửa tàn .. mấy lóng xướng ám khói hiện ra. Có lẽ như vậy nhanh hơn nhưng không được.

Chúng tôi lại tiếp tục nhẫn nại ngồi ven suối để làm cho liệt sỹ được sạch nhất … nồng nặc mùi … nồng nặc ám khí … cứ mươi phút lại phải bỏ chạy ra nơi khác để thở …. Không thể làm dối ... ai cũng cố gồng mình làm tròn phần được phân công. Trưa hôm đó tôi bỏ cơm mặc dù có món rau rừng và ruốc bông Trung quốc.

Rồi công việc ở đây cũng hoàn thành, đơn vị rút ra đi hướng khác, tôi được phân công mang 1 bộ hài cốt. Trinh sát cắt rừng bám được 1 con đường mòn. Tốp yếu sức chúng tôi đi sau cùng không theo kịp đội hình. Chiều muộn chúng tôi xin vào nghỉ nhở một bản nhỏ để nấu cơm, để đảm bảo an toàn anh Thành quyết định mang cả mấy bộ hài cốt lên nhà. Chủ nhà không hề biết vì thấy chúng tôi mang ba lô bình thường. Họ nhường cho chúng tôi nằm góc xa bếp, nơi đó có mấy nong Tằm. Tối chúng tôi để ba lô ngay trên đầu nằm ngủ chập chờn. Sáng sau anh Thành đánh thức dậy sớm bắt phải đi ngay không kịp ăn uống. Ra khỏi bản anh dục đi nhanh làm chúng tôi ngạc nhiên, sau anh phải nói rõ: Hình như mấy nong tằm bị hơi đã chết hết, không cẩn thận sẽ bị dân bản bắt đền .

Ra đến đường ô tô, chúng tôi mới thở phào, đơn vị đang chờ. Kết thúc đợt tôi lăn ra ốm không đi tiếp đợt 2 cùng đơn vị. Khỏi ốm được điều về C2 làm quản lý thay anh Trung người Thanh hóa phục viên. Tôi về đơn vị mới cũng là lúc họ đi bốc mộ về. C2 cũng gặp cảnh tương tự như D bộ.

Năm 1972 C2 đánh mật tập trên mỏm 3 của dãy PhuKhes bị hy sinh 8 anh, chủ yếu là đợt lính Nam hà 5/72. Các anh được chôn ngay tại chổ. Đến 2/3 đơn vị tham gia trận đó vẫn còn, và nếu đứng dưới chân diểm 1.300 thì sẽ nhìn thấy mỏm 3 của Phu Khé. Nhưng khi leo lên mỏm 3 cả đơn vị phải dàn hang ngang tìm gần 1 tuần không thấy. Cuối cùng may gặp gia đình người Mông đi trồng cây thuốc phiện chỉ cho.

Nhiệm vụ đặc biệt là nhiệm vụ cuối cùng của E trên đất Lào chúng tôi không thể quy tập hết các đồng đội về nơi mới vì thời gian không có, thời gian rút quân đã được 2 nước ấn định Còn hơn 1 nửa liệt sỹ của Trung đoàn và hơn 10.000 liệt sỹ của mặt trận đang còn nằm rải rác khắp nơi trên Cánh đồng Chum.

Các Liệt sỹ đã được quy tập về trung tâm Phôn xa Vẳn. Tôi chỉ trực tiếp tham gia đi bốc 1 đợt một, Chúng tôi chỉ biết bốc đưa các anh về. Khi bốc nếu chỉ còn cốt thì dễ, trường hợp còn nguyên nếu ở gần đường lớn liệt sỹ sẽ được đưa tiếp vào túi tử sỹ 2m bó lại khiêng ra đưa lên ô tô. Nếu xa không thể khiêng được dành phải làm như chúng tôi đã làm, chắc hương hồn các anh cũng thông cảm và cho phép, Còn việc xác định tên tuổi của từng liệt sỹ do bộ phận khác làm, bọn tôi không biết ra sao? Nhưng nghe nói về nghĩa trang mới các anh vẫn có đủ mộ chí đàng hoàng với hồ sơ đầy đủ.

Đối với các phần mộ không tìm được, lính chúng tôi kháo nhau là bộ phận chôn ở nghĩa trang cuộn một lá cờ Tổ Quốc vào ống nứa cho vào tiểu rồi chôn nhưng vẫn có bia và số mộ, an táng theo sơ đồ, thảng hàng lối và theo từng khu. Không hiểu thực hư ra sao.

Còn chúng tôi sau đợt đó về nước gần như ai cũng bị ốm và thay nhau đi viện.
Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước Nhà nước mới lại có chủ trương tìm kiếm liệt sỹ, mỗi tỉnh giáp biên Lào và K đều lập đội quy tập, Các sơ đồ nghĩa trang của những đơn vị tham chiến ở Cánh đồng chum như F316, F312, F31, f305 và các đơn vị phối thuộc trên mặt trận đều đã được bạn tôi là trợ lý chính sách sư đoàn 31 bàn giao đầy đủ cho tỉnh đội Nghệ an.

Năm 2010 tôi nhận được điện thoại của thân nhân 1 liệt sỹ mời ra Hà Nội hội thảo về việc tìm danh tính của các liệt sỹ F31 với câu hỏi tại sao các liệt sỹ dù được quy tập trong đợt đầu năm 1976 bị mất hết tên tuổi? Đang ốm nên tôi không ra Hà nội dự được, nếu có ra cũng không biết nói như thế nào mặc dù những ngày quy tập các anh, tôi không thể quên.

Bây giờ nhớ lại vãn sợ, sau đợt quy tập các đơn vị gần như mất sức chiến đấu do điều kiện bảo hộ lúc đó vô cùng thiếu thốn,nhưng rồi cũng qua đi .

Đau xót nhất là không biết lý do gì mà cả ngàn liệt sỹ được quy tập về trung tâm Cánh đồng chum sau này được chuyển về nghĩa trang Việt Lào ở huyện anh sơn Nghệ an danh tính hầu như không còn. Các thân nhân liệt sỹ E 866 đã phải thành lập ban liên lạc để phối hợp tìm kiếm danh tính các liệt sỹ , nghe đâu sẽ được giám định ADN.

Đau hơn là có một số gia đình nghe nhà ngoại cảm rởm đi bốc mộ lung tung về, khi đội quy tập đưa hài cốt liệt sỹ có tên tuổi quê quán chính xác, thông báo cho gia đình đến nhận con em mình thì bị họ từ chối vì đã lỡ bốc nhầm của người khác bây giờ không biết gải quyết ra sao cho hợp.

Quãng năm 88-89 có một người dân ở thi trấn Lạt (huyện Tân Kỳ) chạy vào cơ quan báo: Có một số quân nhân mang một chiếc hòm gỗ nhỏ để giữa ngã tư thị trấn thắp hương cầu khấn, khóc lóc gây ách tắc giao thông.

Tôi được phân công đeo băng kiểm soát quân sự cùng mấy anh nữa ra kiểm tra. Tới nơi quả thấy 5-6 lính nhà ta đang uống rượu , bên cạnh là chiếc hòm gỗ nhỏ bốc mùi phía trên chiếc cốc cắm hương nghi ngút Hỏi ra thì họ là lính của lữ đoàn 176 thuộc Quân khu 4 đóng quân ở Lào nay rút về nước và được phục viên trên đường về quê. Đồng đội , đồng hương họ hy sinh mới được 4-5 tháng, nay họ về quê không nỡ bỏ đồng hương lại bên Lào nên hội lính Tân kỳ quyết bốc và họ đã làm như chúng tôi ngày xưa.

Sau khi kiểm tra giấy tờ, khuyên họ không nên để liệt sỹ tại ngã tư, họ uống hết chai rượu và tiếp tục khiêng đồng đội về quê.

Hồi chiến dịch Cù kiệt địch đẩy quân ta chạy về đến Mường xén Nghệ an. Quân và dân Xiêng khoảng sơ tán tận quê tôi. Trung đoàn 866 phải chôn cối 82 trở lên và rút. D trưởng D8 quê ở huyện Thanh chương có người em con chú ruột mới hy sinh 1 tuần chôn tại Bản Thẳm. Không muốn để em lại trong lòng địch bác ấy nhờ bác Lục người trong xóm tôi cùng mấy đồng hương nữa đào lên xử lý cho vào ba lô mang về quê chôn. Tôi cũng nghĩ chỉ có lính mới liều bốc mộ kiểu vậy nhưng ở quê cũng có chuyện bi hài .

Có một ông vợ chết muốn lấy vợ khác nhưng thân nhân bên vợ yêu cầu bao giờ bốc mộ người vợ xong mới được cưới. Thế là vợ chết chưa đày 2 năm nhưng ông giả vờ coi bói phán phải bốc , ông ta chơi thân với bác Lục nên nhờ và bác Lục phải làm chuyện mà cách đó mấy chục năm bác đã làm . Nhưng xong việc thì cả họ nhà bà vợ xa lánh luôn ông rể này. Thế mới biết khi cần thì chuyện gì cũng vượt được.

Cựu chiến binh E866 – Đại tá Lê Đình Tài.


Theo chi tiết trong câu chuyên của anh Tài, "Khi mở tăng Liệt sỹ vẫn còn nguyên xi, chỉ có phần bụng là đã tiêu nhưng đầy nước. Cái chân gãy được nẹp cố định ,khi mở băng ra nước hồng vẫn rỉ . Chiếc bút Trường sơn để trong túi áo lấy ra, mặc dù nằm dưới đất theo chủ đã nhiều năm vẫn còn viết được. Mẩu giấy trong lọ Pinixilin không còn chữ nhưng theo sơ đồ anh Chung nói bác ấy cũng hy sinh năm 1969". Với những thông tin trong câu chuyến của anh Tài, tôi (Trần Đình Huân) đối chiếu với hồ sơ gốc của liệt sỹ với những chi tiết cụ thể thì cho dù là 45 năm tôi vẫn khẳng định với anh qua điện thoại rằng "Bộ hài cốt ấy chính là của liệt sỹ Hoàng Văn Mạn, quê CHI LỄ, MỸ THÁI, LẠNG GIANG, HÀ BẮC thuộc C1.D924.E866 H1, A –Phó 14/01/1969. Bởi chính chi tiết HS 1969 và chi tiết chân bị gãy và còn nẹp. Đó chính là tình huông bị thương vào chân rồi hy sinh mấy ngày sau của LS Hoàng Văn Mạn. Trường hợp duy nhất như vậy trên khu vực này vào năm 1969. Sau khi các anh quy tập về nghĩa trang mới tại Phôn xa vẳn, số mộ của liệt sỹ Mạn là B.088" Nghĩa là an táng tại khu B của NT này với số mộ là 088. Hồ sơ gốc ghi lại từng chi tiết. 

Nhưng 10 năm sau, đơn vị khác chuyển các anh về nước đã làm mất hết danh tính của hàng ngàn liệt sỹ! 

Điều đau đớn nhất là sau những cố gắng, những vất vả gian nan của những người làm công tác quy tập năm 1976 như Đại ta Lê Đình Tài và sau đó làm công tác an táng theo trật tự, hàng lối, số mộ, sơ đồ mộ chí chi tiết và đến nỗi mỗi sơ đồ mộ chí rông như cái chiếu 1,2m. Rồi ghi chép tỷ mỷ từng thông tin trên trên hồ sơ, không còn thiếu bất kỳ một thông tin nào. Đã bàn giao cho chính quyền tình Xiêng Khoảng và bàn giao cho cơ quan cấp trên là Quân khu. Bàn giao đầy đủ cả trên hồ sơ cũng như trên thực địa.
Vậy mà 10 năm sau, lại bị đảo lộn tất cả, để giờ đây chúng tôi và nhà nước đang phải làm những gì cần phải làm.  

Trong cuộc gặp mặt với các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào, khi biết sự việc này, tất cả các tướng lĩnh đều bật khóc vì ngỡ ngàng vì sự việc đã sảy ra như vậy!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã nước mắt giàn dụa!

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Chính ủy kiêm Tư lệnh mặt trận, vị tướng già 97 tuôi đã được phong hàm tướng năm 1974, người đã sống chết cùng hàng vạn cán bộ chiến sĩ trên mặt trận 31, cương trực là thế, bản lĩnh là thế mà còn phải bất khóc khi hay những tin này.
Người đồng đội của các liệt sỹ - CCB của C24 Đặc công - E866 - anh hùng lực lượng vũ trang - Vi Đức Cường, hiện đang sống tại Con Cuông, Nghệ An. Mặc dù đã biết chuyện này những khi gặp chúng tôi, thay vì được ôm nhay cười hỉ hả thì anh bật khóc khi nhắc đến sự việc này! 
Những người lính già, những cựu chiến binh của trung đoàn 866, những người đã trực tiếp tham gia làm công tác quy tập năm 1976 trên cánh đồng Chum, trong đó có Đại tá Bùi Đức Tân, chủ nhiệm Chính trị trung đoàn 866 thời ấy.
Chính người Đại tá già này là người chỉ đạo công tác quy tập năm 1976, hiện là trưởng ban liên lạc trung đoàn 866 tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã hết sức phẫn nộ khi biết hậu quả của đợt di chuyển lần 2 vào 10 năm sau (1986). Không ai có thể hình dung nổi những gì đã làm tỉ mỉ đến từng chi tiết vào năm 1976 đã trở nên như vậy. Có cựu chiến binh đã đứng lên ôm mặt khóc nức nở với giọng khàn đặc gọi tên đồng đội mình đã nằm lại nơi ấy. Cả hội trường im phăng phắc với những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt quắc thước, khắc khổ của các cưu quân tình nguyện năm nào!

HÀNH TRÌNH HÀI CỐT QUÂN TÌNH NGUYỆN HY SINH TRÊN ĐẤT BẠN LÀO VÀ CAMPUCHIA.

Các anh chị em, bà con thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 và chiến trường K cố gắng kiên nhẫn xem hết hơn 22 phút của những thước phim do Điện ảnh Quân đội thực hiện để biết được hành trình di chuyển của hài cốt cha anh và đồng đội của chúng ta trên mặt trận 31 thuộc cánh đồng Chum, cao nguyên Xiêng Khoảng và trên chiến trường Campuchia.

Riêng đối với các liệt sỹ quân tình nguyện hy sinh trên mặt trận 31: Thực hiện chỉ đạo của quân ủy trung ương, năm 1984, Đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ quân khu 4 chính thức được thành lập, thực hiện chỉ thị của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện quy tập hài cốt liệt sỹ trên mặt trận 31 - Khu vực Cao nguyên Xiangkhoang và Cánh đồng Chum.

Năm 1985, tiến hành khảo sát thực địa trên toàn bộ địa bàn và lên kế hoạch quy tập. Khi ấy được chia làm 2 đoàn. Đoàn 1, quy tập phía Nam cánh đồng Chum tới giáp đường 8 thuộc địa bạn tỉnh Khăm Muội và Boolykhamsay. Đoàn 2 thực hiện công tác quy tập phía bắc cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xieng Khoang và các địa bàn trên cánh đồng Chum thuộc các huyện Meeng pẹc, Mường Khăm, Phonxavan trong giới hạn của đương quốc lộ 6/6b, đường 7/7b.

Từ tháng 1 năm 1986, bắt đầu thực hiện việc quy tập hài cốt liệt sỹ từ 3 nghĩa trang lớn đã được sư đoàn 31 thực hiện quy tập lần thưa nất vào tháng 4 năm 1986. Tiếp sáu đó là các nghĩa trang lớn nhỏ, các nghĩa trang lẻ trên toàn địa bàn mặt trận 31. Đó là nghĩa trang Lạt Huồng tại khu vực bản Thuang, Phonxavan với 760 hài cốt, nghĩa trang Nọong Pẹt với 316 hài cốt tại huyện Mường Pẹc, nghĩa trang Bản Ban 1 với 103 hài cốt tại huyện Mường Khăm.

Tiếp sau đó từ năm 1987 đến 1988 thực hiện quy tập các hài cốt liệt sỹ được an táng trên 63 nghĩa trang nằm sát biên giờ Việt Lào trên các huyện Kỳ Sơn và khu vực cửa khẩu Nậm Cắn. 

Từ đó đến này suốt 30 năm, đoàn quy tập hài cốt liết sỹ quân khu 4, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An vẫn miệt mài, liên tục tìm kiếm, rà soát trên toàn bộ khu vực với hầu hết các nghĩa trang lẻ của các đơn vị thuộc f312, f316, f305, và các đơn vị phối thuộc mà chưa kịp quy tập năm 1976 tại Lào. Toàn bộ những hài cốt của các liệt sỹ hy sinh trên mặt trận 31 (gần 12.000 liết sỹ) đã được quy tập phần lớn từ các nghĩa trang nằm trên khắp các khu vực trên cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng đưa về an táng tại nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào.
Hiện nay đã có 11.700 hài cốt được an táng tại đây và hàng trăm hài cốt mang về sau 2013 đã được an táng tại nghĩa trang quốc tế huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tối nay, 26 tháng 7, bà con thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 đang có mặt rất động tại nghĩa trang quốc tế Việt Lào để dự lễ Thắp nến tri ân tháng 7 do UBND tỉnh Nghệ An cùng quân khu 4 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An và sở LĐTBXH Nghệ An tổ chức. Giờ này đây, cả 11.700 ngọn nên đang cháy sáng như 11.700 linh hồn của các liệt sỹ của chúng ta. Toàn thể chúng ta thắm thêm những ngọn nến trong lòng mình để sáng thêm con đường trở về của Cha, Anh và đồng đội của chúng ta! 
  Khu vực Phu Pha Say, nơi F316 tham chiến nhìn từ vệ tinh.
  Hình ảnh khu vực Mường Sủi xưa và nay.
  Khu vực F312 tham chiến và có một nghĩa trang của F312 tại hình ngôi sao đỏ.  Những nghĩa trang như thế này trên mặt trận 31 thì nhiều lắm! Tổng số trên cao nguyên này có 223 nghĩa trang. Hầu hết những nghĩa trang của các đơn vị bộ binh, nơi an táng nhiều hài cốt tập trung và có các cứ liệu như nghĩa trang này, chắc chắn đã được đoàn quy tập quân khu 4 đã quy tập và đưa về Việt nam rồi. 
Đó là phần công việc mà họ đã làm liên tục từ đầu năm 1986 đến nay. Vậy nên, giờ những tấm bản đồ quý giá này chỉ còn lại một giá trị quan trong bậc nhất là để định hướng, khoanh vùng và xác định thời điểm di chuyển và khu vực an táng lại khi đưa về Việt Nam.
  Khu vực bản Thẳm, nơi diến ra những cuộc giao chiên khốc liệt của F312, E866. Nơi đây đã rất nhiều đồng đội F312 - 316, E866 - E335 đã nằm lại.
  Nếu như các anh chị em và các đồng chí CCB chững kiến tận mắt những hình này này thì nỗi đau còn nhân lên đến thế nào, giận dữ đến mức nào. Tôi đã khụy suống trước những tấm bia này đây. Đau đến như chưa bao giờ như thế! Đau đến nghẹn lòng không thở nổi nữa. Nước mắt cứ trào ra, không cầm lòng được và cũng không nói được lời nào nữa! Đất trời như sập suống. Rồi tôi ngồi bệt suống bên hàng mộ này đây. Cứ như có hàng ngàn ánh mắt từ nhưng tấm bia ấy đang thầm mong một điều nức nở, nức nở hơn cả những gì đang sôi cuộn lên trong lòng mình!
  Những thông tin ấy thực sự rất cần thiết cho quá trình định hướng, bổ trợ cho kết luận giám định ADN xác định danh tính hài cốt. Bởi có đến 97% hài cốt đưa về đã không còn danh tính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều khó khăn hơn cả, chính là những nơi an táng nhỏ lẻ của các liệt sỹ thuộc đơn vị Đặc công. Bởi đặc thù tác chiến nhỏ lẻ theo tổ 3 người và thường độc lập và khâu an táng đồng đội cũng rất bí mật, xóa dấu vết nên rất khó khăn trong việc xác định, định vị và tìm lại!
Vẻ đẹp quyến rũ và sự yên bình của Cánh đồng Chum hôm nay trên cao nguyên Xiêng Khoảng, CHDCND Lào. Để toàn thể anh chị em, các bạn và thân nhân liệt sỹ mặt trận 31 có thêm những hình ảnh về nước Lào, về cao nguyên Xiêng Khoảng, về cánh đồng Chum, nơi mà suốt những năm của thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước đã liêm tiếp sảy ra những trận chiến ác liệt để rồi đã hơn 12.000 con dân đất Việt chúng ta đã ngã xuống tại đây và để giữ yên "phên dậu" phía tây và cũng là giữ cho những hình ảnh này đẹp mãi cho đến hôm nay và cho mai sau. 
Chỉ với clips dài 4 phút 7 giây cũng đã cho chúng ta hiểu thêm phần nào về đất nước, con người nơi ấy và hiểu rằng tại sao nơi ấy lại được gọi là "cánh đồng Chum".   Thật hiếm hoi khi có được những thước phim với các hình ảnh của quân tình nguyện Việt nam trên đất Lào, trên cánh đồng Chum và cao nguyên Xiêng Khoảng do các bạn Lào phát hành, thật tiếc là do trục trặc về bản quyền nhạc nền nên đã mất âm thanh. Nhưng dù sao với những hình ảnh trong 5 phút, 9 giây của thước phim quý hiếm này ta có thêm những hình ảnh, gần gũi, trung thực về sự gian khổ, tình chất khốc liệt của cuộc chiến đã sảy ra tại nơi này vào thời kỳ khốc liệt nhất 1963 - 1973:
Ở những thước phim tiếp theo dưới đây sẽ có nhiều hình ảnh gần hơn với ký ức của các CCB sư đoàn 312 về cánh đồng Chum và khu vực căn cứ Bản Áng khốc liệt ngày ấy và bây giờ. Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nơi tập trung cao độ sự tàn bạo và xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai, nơi diễn ra những trận chiến ác liệt bậc nhất. Qua 28 phút, 15 giây của những thước film này, phần nào chúng ta có thể hình dung về những năm tháng ấy. Qua đây, chúng ta có thêm nhưng hình ảnh về khu vực Bản Áng, Phonxavan và có thêm những hình ảnh về nơi này.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ nước Lào, nhưng tập trung nhất là Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lớn nhất của chúng ở Lào. Mỹ đã trút xống khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng 50 vạn tấn bom đạn (trong tổng số 3 triệu tấn ném xuống nước Lào), gồm đủ loại: na pan, phốt pho, từ trường và các vũ khí tối tân nhất của cố máy chiến tranh hiện đại bậc nhất thời bầy giờ. Trong suốt những năm chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, dường như không ngày nào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ngớt tiếng bom đạn Mỹ, không ngày nào không có cảnh chết chóc tang thương, thậm chí có những thời gian dài, ở nơi mưa bom, bão đạn này không phân biệt được ngày và đêm nữa. 

Sự tàn bạo của kẻ thù với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới là một thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với đồng bào và chiến sĩ các bộ tộc Lào ở nơi đây. Tượng đài Chiến đấu Bên Nhau Hữu nghị Việt-Lào ở Xieng Khoang. Ảnh Trung Hiếu Chế 

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN QUÂN ĐỘI VÀ THƯƠNG BINH XÃ HỘI HIỆN ĐANG LƯU TRỮ CÁC THÔNG TIN HỒ SƠ GỐC CỦA LIỆT SỸ:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng Giám đốc: Phạm Việt Dũng
Trụ sở: 16 Lê Hồng Phong - Ba Đình - Hà Nội.
Điện thoại:
Văn phòng: 080 43162;
Fax: 080.48924;
Email: thongtinchinhphu@chinhphu.vn.

BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ: Số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: 069 534223 - 069 532090 Sơ đồ mô phỏng hệ thống quản lý hành chính của Bộ Quốc Phòng.  

TRUNG TÂM THÔNG TIN BỘ QUỐC PHÒNG:
Đt: 069.588116
Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng: Đt: 069.534224
Chánh văn phòng TC Chính trị bộ QP: Đt: 069.535531

Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
Địa chỉ: Số 1B, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
* Tel: +84-69.696154
* Fax: +84-4.37334163
* Email: info@mod.gov.vn

CỤC CHÍNH SÁCH BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ, Số 14A, Lý Nam Đế, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại:

Bộ Tư lệnh Quân khu 1
Điện thoại: 02806250556

Phòng chính sách - Cục chính trị - Quân khu 4
Địa chỉ: Số 125A - Đại lộ Lê Duẩn - TP. Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 038.3859100 hoặc 069.799537

Phòng chính sách - Cục chính trị - Quân khu 5
Địa chỉ: Số 01 Duy Tân - P. Hoà Cường - Q.Hải Châu - TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 0511.3615404 hoặc 069.775086

Phòng chính sách - Cục Chính trị- Quân khu 7
Địa chỉ: Số 17 Hồ Văn Huê, Quận Phú Nhuận, Tp.HCM
 Điện thoại: 069.665170 Hoặc 069.665710
Các sư đoàn: 2, 6, 302, 317
Các trung đoàn, lữ đoàn về phòng không, pháo cao xạ, tăng, công binh....

Phòng Chính sách - Cục Chính trị - Quân khu 9
Địa chỉ: Đường CMT8 - P.An Thới - Q.Bình Thủy - TP.Cần Thơ
Điện thoại: 069.629532 - 0710.8246132
Các sư đoàn: 4, 8, 330, 339
Lữ đoàn: 226, 6 pháo binh, 25 công binh

Phòng Chính sách – Cục Chính trị - Quân Đoàn 2
Địa chỉ: Thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
Điện thoại: đang cập nhật
Các sư đoàn: 304, 306, 325
Lữ đoàn phòng không chủ lực 673…

Phòng Chính sách – Cục Chính trị - Quân Đoàn 3
Địa chỉ: QL19 - phường Trà Bá - TP. PleiKu - tỉnh Gia Lai
Điện thoại: 059.824377

Các Sư đoàn: 31, 10, 320A
Trung đoàn Tăng 273, trung đoàn 7 Công binh, Trung đoàn Pháo cao xạ 234, Trung đoàn Pháo binh 40…

Phòng Chính sách – Cục Chính trị - Quân đoàn 4
Địa chỉ: Đường ĐT743 - Khu CN Sóng Thần 1 - huyện Dĩ An - tỉnh Bình Dương
Điện thoại: 069.666041 
Các sư đoàn: 7, 9, 309...
  Địa chỉ và điện thoại các sư đoàn Bộ binh chủ lực. Nơi đang lưu giữ hồ sơ gốc của các liệt sỹ. Hình ảnh và tư liệu từ bên Quân sử của đồng chí Quangcan.

Bộ Tư lệnh Thủ đô: Điện thoại: 0462512555
Bộ CHQS Quảng Trị Địa chỉ: Km số 3 - Quốc lộ 9 - TP Đông Hà - tỉnh Quảng Trị Điện thoại: 0536.251.555
Bộ CHQS Thái Bình: Điện thoại: 0366.252.555
Bộ CHQS Cao Bằng: Điện thoại: 0266.251.555
Bộ CHQS Cà Mau: Điện thoại: 0780.6251.555
Bộ CHQS Cần Thơ: Điện thoại: 0710.625.4555
Bộ CHQS Điện Biên: Điện thoại: 0230.625.0555
Bộ CHQS Đăk Nông: Điện thoại: 05016.260.555
Bộ CHQS Đăk Lăk: Điện thoại: 05006.252.555
Bộ CHQS Đà Nẵng: Điện thoại: 05116.254.555
Bộ CHQS Đồng Tháp: Điện thoại: 0676.251.555
Bộ CHQS Đồng Nai: Điện thoại: 0616.250.555
Bộ CHQS Gia Lai: Điện thoại: 0596.251.555
Bộ CHQS Hoà Bình: Điện thoại: 02186.251.555
Bộ CHQS TP. HCM: Điện thoại: 0862.501.555
Bộ CHQS Hải Dương: Điện thoại: 03206.250.555
Bộ CHQS Hà Nam: Điện thoại: 03516.251.555
Bộ CHQS Hải Phòng: Điện thoại: 0316.251.555
Bộ CHQS Hà Tĩnh: Điện thoại: 0396.251.555
Bộ CHQS Thừa Thiên Huế: Điện thoại: 0546.251.555
Bộ CHQS Hưng Yên: Điện thoại: 03216.254.555
Bộ CHQS Khánh Hoà: Điện thoại: 0586.250.555
Bộ CHQS Kon Tum: Điện thoại: 0606.251.555
Bộ CHQS Long An: Điện thoại: 0726.250.555
Bộ CHQS Hà Giang: Điện thoại: 02196.250.555
Bộ CHQS Hậu Giang: Điện thoại: 07116288555
Bộ CHQS Lâm Đồng: Điện thoại: 0636.250.555
Bộ CHQS Lào Cai: Điện thoại: 0206263555
Bộ CHQS Lạng Sơn: Điện thoại: 0256.250.555
Bộ CHQS Lai Châu: Điện thoại: 02316290555
Bộ CHQS Nghệ An: Điện thoại: 0386.253.555
Bộ CHQS Yên Bái: Điện thoại: 0296250555
Bộ CHQS Ninh Bình: Điện thoại: 0306.260.555
Bộ CHQS Vũng Tàu: Điện thoại: 0646256555
Bộ CHQS Nam Định: Điện thoại: 03506.250.555
Bộ CHQS Vĩnh Phúc: Điện thoại: 02116250555
Bộ CHQS Ninh Thuận: Điện thoại: 0686.250.555
Bộ CHQS Vĩnh Long: Điện thoại: 0706251555
Bộ CHQS Phú Thọ: Điện thoại: 02106.250.555
Bộ CHQS Trà Vinh: Điện thoại: 0746250555
Bộ CHQS Phú Yên: Điện thoại: 0576.250.555
Bộ CHQS Quảng Bình: Điện thoại: 0526.250.555
Bộ CHQS Thái Nguyên: Điện thoại: 02806250555
Bộ CHQS Tây Ninh: Điện thoại: 0666251555
Bộ CHQS Quảng Ninh: Điện thoại: 0336.254.555
Bộ CHQS Thanh Hoá: Điện thoại: 0376251555
Bộ CHQS Quảng Ngãi: Điện thoại: 0556.250.555
Bộ CHQS Tiền Giang: Điện thoại: 0736251555
Bộ CHQS Quảng Nam: Điện thoại: 05106.250.555 
Bộ CHQS Sóc Trăng: Điện thoại: 0796250555 
Bộ CHQS Sơn La: Điện thoại: 0226250555

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HÔI
Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 62703613 - (04) 62730615 Fax:(04) 62703609

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 62703613 - (04) 62730615 Fax:(04) 62703609
Email: banbientap@molisa.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH
Đơn vị quản lý & vận hành: Trung tâm Thông tin (LASIC)
Ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính của Bộ xin gửi về Email: tiepnhanykien@molisa.gov.vn
"Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH"

CỤC NGƯỜI CÓ CÔNG:
Cục trưởng: Hoàng Công Thái.
Cục phó: Đào Ngọc Lợi
Địa chỉ: 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 3734 2414.
E-mail: info@nguoicocong.gov.vn

TT 63 Sở LĐTB&XH Địa chỉ Số Điện Thoại Email, Ghi chú

1 TP Hà Nội 75 Nguyễn Chí Thanh 043.7733843

2 TP Hồ Chí Minh 159 Pasteur, P.6, Q3 Đt:083.9320274 Email: sldtbxh@tphcm.gov.vn ; delisa@hcm.fpt.vn

3 An Giang 1 Lê Hồng Phong, TP Long Xuyên Đt: 0763.956898 Email: soldtbxh@angiang.gov.vn

4 Bà Rịa – Vũng Tàu 221 Ba Cu, Bà Rịa Vũng Tàu 0643.852205 Email: soldtbxh@baria-vungtau.gov.vn

5 Bạc Liêu Số1 Trần Huỳnh, P.3, TX Bạc Liêu 0781.3952087 Email: sldtbxh@baclieu.gov.vn

6 Bắc Giang 52 Ngô Gia Tự, TP Bắc Giang 0240.3857438

7 Bắc Cạn 4 Nguyễn Duy Anh, TX Bắc Cạn 0281.3871100

8 Bắc Ninh 11 Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh 0241.3822431

9 Bến Tre 73 Đường 30/4, TP Bến Tre 0753.8222443

10 Bình Dương Đại lộ Bình Dương, Tx Thủ Dầu Một 0650.3822463 Email: soldtbxh@binhduong.gov.vn
Phòng Người có công: (0650) 3823.301
Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh: (0650) 3.747.481
11 Bình Định 215 Trần Hưng Đạo, Tp Quy Nhơn 0563.822651

12 Bình Phước 811 QL 14, TX Đồng Xoài 0651.3879254 Email: sldtbxh@binhphuoc.gov.vn
Phòng Người có công : 0651.3879244
Đội K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, điện thoại: 06512.211.699 hoặc
Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên Đội K72, điện thoại: 0983.569.001

13 Bình Thuận 314 Thủ Khoa Huân, Tp Phan Thiết 0623.831718 Email: info@ldtbxhbinhthuan.gov.vn

14 Cao Bằng 38 Xuân Trường, TX Cao Bằng 0263.852162

15 Cần Thơ 95-97 Trần Hưng Đạo; Q.Ninh Kiều 07103.830882

16 Cà Mau 555A Phan Ngọc Hiển, Tp Cà Mau 0780.3831021 Email: sldtbxh@camau.gov.vn

17 Đắc Lắc 23 Trường Chinh Tp Buôn Ma Thuột 0503.3950337 Email: hungnt@ldtbxh.daklak.gov.vn

18 Đắc Nông Đăm-pry, TX Gia Nghĩa 0501.3543140 Email: soldtbxh@daknong.gov.vn

19 Đồng Nai 5 Phan Đình Phùng, Tp Biên Hòa 0613.84779 
Trưởng Phòng Thương binh liệt sỹ - Người có công - Họ và tên: Nguyễn Xuân Cương Điện thoại liên lạc: 0918.221550

20 TP Đà Nẵng 342 Phan Châu Trinh, Tp Đa Nẵng 0511.3826716 21 Điện Biên Tổ dân phố 12 P.Mường Thanh 0230.3827591

22 Đồng Tháp 18 QL 30 P.1 Tp Cao Lãnh 0673.851606 Email: ltsi@dongthap.gov.vn

23 Hậu Giang Đường Trần Hưng Đạo B,Tp Vị Thanh 0711.3878982 Email: soldtbxh@haugiang.gov.vn

24 Hà Nam 163 Trường Chinh, Tp Phủ Lý 0351.3852692

25 Hải Dương 30 Hồng Quang, Tp Hải Dương 0320.3852674

26 Hưng Yên An Vũ, P.Hiến Nam, Tp Hưng Yên 0321.3863521

27 TP Hải Phòng 18 Hoàng Diệu 0313.821055

28 Hà Giang Số 3 đường Yết Kiêu, TX Hà Giang 0219.3866339

29 Hòa Bình 2 đường Hai Bà Trưng, Tp Hòa Bình 0218.3852044

30 Hà Tĩnh 107 Phan Đình Phùng, Tp Hà Tĩnh 039.3881762 Email: admin@ldtbxhhatinh.gov.vn

31 Gia Lai 2 Lê Lai, Tp Plâyku 0593.824121

32 KonTum 200 Bà Triệu, Tx Kontum 060.3862607 Email: sldtbxh@kontum.gov.vn

33 Khánh Hòa 1 Trần Phú, Tp Nha Trang 0583.704000

34 Kiên Giang 6 Nguyễn Công Trứ, Tp Rạch Giá 0773.860022

35 Lào Cai 52 đường Hoàng Liên, Tp Lào Cai 0203.820022

36 Lai Châu Phố 10,Mường Thanh, Tx Tam Đường 0231.825336

37 Lạng Sơn 1 Mai Thế Chuẩn, Tp Lạng Sơn 0253.814615

38 Long An 51A Nguyễn Huệ, Tp Tân An 0723.824958 Email: sld@longan.gov.vn

39 Lâm Đồng 6 Nguyễn Viết Xuân, Tp Đà Lạt 0633.822165

40 Nam Định 64 Trần Phú, Tp Nam Định 0350.3830946 Email: info@sldtbxhnamdinh.gov.vn

41 Ninh Bình Km2 QL 1, Tp Ninh Bình 0303.873976 Email: solaodongtbxhnb@yahoo.com

42 Ninh Thuận 450 Thống Nhất, Phan Rang- Tháp Chàm 0683.822683

43 Nghệ An 12 Trường Thi, Tp Vinh 0383.592021 Email: ldtbxh@nghean.gov.vn

44 Phú Thọ Nguyễn Tất Thành, Tp Việt Trì 0210.3846594

45 Phú Yên 2 đường 10 P.9, Tp Tuy Hòa 057.3845289 Email: sldtbxh@phuyen.gov.vn và: ttbinh-sldtbxh@phuyen.gov.vn

46 Quảng Ninh P. Hồng Hà, Tp Hạ Long 0333.835665

47 Quảng Bình Hai Bà Trưng, Tp Đồng Hới 0523.822393 Email: sld@quangbinh.gov.vn

48 Quảng Trị 123 QL 9, Tp Đông Hà 0533.822567

49 Quảng Nam 11 Nguyễn Chí Thanh, Tp Tam Kỳ 05103.852514 E-mail: Sldtbxhqnam@gmail.com

 50 Quảng Ngãi 16 Chu Văn An, Tp Quảng Ngãi 0553.822431 Email : sld@quangngai.gov.vn

51 Thừa Thiên Huế 18 Nguyễn Sinh Sắc, Tp Huế 0543.897088 Email: soldtbxh@thuathienhue.gov.vn

52 Thái Bình 19 Lê Lợi, Tp Thái BÌnh 0363.831398

53 Thanh Hóa 74 Tô Vĩnh Diện, Tp Thanh Hóa 0373.852432

54 Thái Nguyên 2A Phủ Liễn, Tp Thái Nguyên 0280.3854911

55 Tuyên Quang 46 đ 17/8, P.Phan Thiết, Tp Tuyên Quang 0273.822831

56 Tây Ninh 132 Trần Hưng Đạo, Tx Tây Ninh 0663.822511 Email: soldtbxh@tayninh.gov.vn
BCH QS tỉnh Tây Ninh 066.821692; CMT8, phường 1, thị xã Tây Ninh
Đội quy tập K71: 069.791.121

57 Tiền Giang 85 Nam Kỳ khởi nghĩa,Tp Mỹ Tho 0733.873401

58 Trà Vinh 2 Phan Đình Phùng, Tx Trà Vinh 0743.862364

59 Vĩnh Phúc 38 Nguyễn Trãi 0211.3862522

60 Vĩnh Long 88 Hoàng Thái Hiếu, Tp Vĩnh Long 0703.823100 Email: slaodong@vinhlong.gov.vn

61 Sóc Trăng 37 Nguyễn Văn Thêm,Tx Sóc Trăng 0793.6266500

62 Sơn La Tổ 3 P. Chiềng Lề, Tp Sơn La 0223.852269

63 Yên Bái 136A Đinh Tiên Hoàng, Tp Yên Bái 0293.852375

BAN LIÊN LẠC TOÀN QUỐC THÂN NHÂN LIỆT SỸ MẶT TRẬN 31 Trưởng ban: Trần Đình Huân

THÔNG ĐIỆP CỦA THÂN NHÂN LIỆT SỸ MẶT TRẬN 31, NGÀY 27- 7

28 Tháng 7 lúc 12:00 ·
HÃY TRẢ LẠI BÌNH YÊN CHO NHỮNG NẤM MỒ LIỆT SỸ! CẦN PHẢI LÀM GÌ CHO NƯỚC MẮT THÔI RƠI!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét