30 tháng 11 2012

Về cái gọi là "Đại Lộ Kinh Hoàng" hay "Mùa Hè Đỏ Lửa"

 Nguyên từ bài Hà Nội - những tháng ngày sơ tán (hay sự cẩu thả của phóng viên) được các bạn trên mạng ưu ái lan truyền, trong đó có bạn Canhsat4sao viết trong bài VỀ BỨC ẢNH TRÊN BÁO TUỔI TRẺ SỐ RA 29/11/2012 như sau:

Thực chất đây là bức ảnh nằm trong những bức ảnh nổi tiếng  hiện chưa rõ tác giả chụp nhưng khẳng định đây là hình ảnh cảnh đồng bào Quảng trị chạy loạn năm 1972 trong đợt giao tranh khốc liệt được đại úy quân đội Việt nam cộng hòa Phan nhật Nam viết thành sách với tiêu đề "Mùa hè đỏ lửa".


Hình ảnh được cho là chụp trong bối cảnh trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dă man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hăn và Mỹ Chánh trở thành Đại lộ Kinh Hoàng.

Nên Khoằm có hứng thú trở lại về đề tài này (nói có hứng thú trở lại vì Khoằm đã từng phím chiến về vụ này từ lâu trên các diễn đàn), nay tập hợp lại một số đoạn viết đó hầu các bạn tìm hiểu.

"Đại lộ Kinh hoàng" là tên một con đường nổi tiếng ở miền Trung trong thời chiến tranh, nơi một đoàn quân khoác trên lưng thần chết, tháo chạy tơi tả trong máu, danh từ "Đại Lộ Kinh Hoàng" (và cả "Mùa Hè Đỏ Lửa") có lẽ bắt dầu từ nhân vật Phan Nhật Nam.

Trước hết hãy điểm qua vài thông tin từ phía của Phan Nhật Nam.

Trong những bài kể của cựu lính đánh thuê, người thì nói:
Năm 72, đoàn dân chạy loạn qua Quốc lộ 1 từ Quảng Trị vào Huế đã bị các trận mưa pháo của QĐNDVN anh hùng. Hàng ngàn người đã tan xác vì sự giết lầm hơn bỏ sót.
hay:
Từ bài viết của Một người lính TQLC
những viên đạn pháo của Bắc quân cày nát quốc lộ 1 từ ngã ba Hải Lăng đến cầu Bến Đá, đoạn đường này được gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” chỉ dài chưa đầy 7 cây số trên quốc lộ 1 mới. (Đường quốc lộ 1 cũ chạy song song và nằm về hướng Đông, cách đó khoảng nửa cây số)"
hay:
Từ bài viết của GIAO CHỈ

Khi đi tìm nhân chứng của một chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên Quốc Lộ số 1.

Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan Nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa”. Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền vào tên tuổi Phan Nhật Nam.

Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy” của đại tá pháo binh “quân đội nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành “Ðại Lộ Kinh Hoàng”.

Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 1972. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng.
BE052674: 03 Apr 1972, Quang Tri, South Vietnam --- 4/3/1972-Quang Tri, South Vietnam- Refugees fleeing fighting pass South Vietnamese military personel carrier, heading north in an effort to stop a Communist breakthrough at the demilitarized zone (DMZ). The US command says, navy and airforce fighterbombers made a total of 13 "protective reaction strikes" into North Vietnam near the DMZ April 3 and 4. --- Image by © Bettmann/CORBIS

Kthì kể đoạn đường số 1 dẫn từ Mỹ Chánh ra Quảng Trị đã được đặt cho cái tên là "Đại Lộ Kinh Hoàng" theo lời một người từng là lính TQLC viết 30 năm sau:
Từ bài viết của Một người lính TQLC
Đó đây, giữa đám xác người, người ta còn nhìn thấy rải rác những đuôi đạn súng cối 61 ly và B40 là những vũ khí có tầm xa không quá 1 cây số nằm ngổn ngang. Thì ra cộng quân đã đứng rất gần để tác xạ vào đám dân Quảng Trị chạy loạn. Họ đã bắn như bắn biạ Bắn cho chết đến người cuối cùng. Bất kể đàn ông, đàn bà. Bất kể người già hay trẻ thợ Thật là rùng rợn. Hình ảnh này trong trận tấn công "Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972" ghi sâu mãi mãi trong ký ức của những người đã chứng kiến thảm-cảnh người dân Quảng Trị phải gánh chịu và tội ác chiến tranh của những người Cộng Sản.


Vào năm 2004 và 3 năm sau, 2007 RFA viết:
Vào lúc đó. bộ đội cộng sản đã bắn trực diện vào dòng người chạy loạn trên quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Quảng Trị cũ qua Triệu Phong tới Huyện Phong Điền.

Hàng chục ngàn thường dân đã chết trên đoạn đường này, và cái tên Đại Lộ Kinh Hoàng được nhắc tới từ ngày đó.
Đoạn trên cũng được wikipedia dẫn lại.


BE052466: 06 Apr 1972, Quang Tri City, South Vietnam --- 4/6/1972-Quang Tri City, South Vietnam- Dead North Vietnamese soldiers are lined up beside road as refugees from Quang Tri City City flee from fighting, 4/5, five miles south of Quang Tri. --- Image by © Bettmann/CORBIS
 
Năm 2004, talawas có lên một bài về "Đại Lộ Kinh Hoàng", trong đó Đỗ Kh. viết:
Từ bài viết của Đỗ Kh.
32 năm trước, bộ đội và giải phóng tại mặt trận Bắc của chiến dịch Nguyễn Huệ đánh vào tỉnh Quảng Trị do quân đội miền Nam trấn giữ. Trong một tháng giằng co, tuyến bảo vệ Quảng Trị hướng tây (các căn cứ hoả lực, Camp Carroll) và hướng bắc (Đông Hà, Ái Tử) co cụm lại chung quanh thị xã, nơi Sư đoàn 3 Bộ binh miền Nam đặt Bộ Tư lịnh tại Cổ thành, đường tiếp vận từ Huế khi đóng khi mở bị đe doạ. Cuối tháng 4.1972, Sư đoàn 3 và các lực lượng tăng phái di tản về hướng Nam đến sông Mỹ Chánh nơi Lữ đoàn 369 Thuỷ quân Lục chiến từ Huế lên lập phòng tuyến mới. Ngày 1.5, tư lịnh Sư đoàn 3 và tư lịnh mặt trận, tướng Vũ Văn Giai [1] đi cùng đơn vị chót, đến Quốc lộ 1 bị tắc đường bèn quay lại Cổ thành Đinh Công Tráng và được trực thăng Hoa kỳ di tản cùng đoàn cố vấn Mỹ. [2] Vào lúc 16g30 khi chiếc trực CH 53 chót cất cánh, bộ đội miền Bắc đã vào đến Cổ thành. Tỉnh Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cuộc chiến bị mất vào tay miền Bắc.

“Dãy phố buồn hiu” [3] của thời chiến tranh Đông dương (Pháp) khánh thành tên mới là “Đại lộ kinh hoàng” vào dịp này. Quãng đường mươi km ngang Hải Lăng bị các chốt pháo từ trên núi cách một vài cây số (tầm ngắn của Sơn pháo 75 ly, bích kích pháo) và các chốt bộ binh cách đường chỉ có 50m, liên tục nã vào để chặn đường rút lui. Đoàn người di chuyển trên Quốc lộ 1 gồm quân nhân miền Nam đã thất lạc đơn vị, mất chỉ huy và không còn đội hình, [4] có khi mang theo cả gia quyến, lẫn vào với dân cư Đông Hà, Quảng Trị. Đoàn người này xuôi Nam hỗn loạn, lớp lính, lớp dân, lớp dân trộn vào với lính, bằng đủ loại phương tiện, từ chạy bộ quang gánh đến quân xa, thiết giáp, xe đò, xe lam, xe máy. Một số quân nhân còn khả năng tác chiến cá nhân hay ở cấp đơn vị nhỏ, nói gọn là mạnh ai nấy đánh và mạnh ai nấy chạy nhưng không còn khả năng hành quân nhổ chốt mở đường. Số tử vong trên đoạn đường ngắn ngủi này không ai biết chính xác nhưng lên đến hàng ngàn, năm, mười hay mười lăm hai mươi, theo kiểu tính đổ đồng mỗi mét 1, 2 người (ấy mà). Phần lớn nạn nhân, như trong mọi chiến tranh hiện đại, từ Bosnia đến Iraq và như thường thấy trong cuộc chiến ở tại Việt Nam, phần lớn nạn nhân, là thường dân chạy loạn.

Lớn là bao nhiêu, có lẽ cũng chẳng ai biết đích xác. Người viết này cũng không có con số của binh sĩ miền Nam thiệt mạng trong trận chiến Quảng Trị mùa hè 72. Tổng số binh sĩ miền Nam tại mặt trận dưới quyền của tướng Giai là 29 tiểu đoàn gồm lực lượng cơ hữu của Sư đoàn 3 tân lập, 6 Tiểu đoàn Địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Trị và các lực lượng tăng phái (Trung đoàn 1 Chiến xa, 2 Lữ đoàn Thuỷ quân Lục chiến, 3 Liên đoàn Biệt động quân), [5] có lúc lên đến 20.000 người. Các lực lượng tăng phái không thiệt hại nặng nề, sau đó được bổ sung và sử dụng vào việc tái chiếm Quảng Trị. Dân cư của Quảng Trị ngày nay là nửa triệu người, 30 năm về trước vào khoảng 200.000?

Bỏ qua con số chính xác và khoa học, võ đoán rằng trong 5, 3 ngày tháng 4, tháng 5.1972, Đại lộ kinh hoàng đã là lối xuôi Nam của một trăm hai trăm ngàn dân và mươi hai mươi ngàn lính, thì trong đó đã có hàng ngàn người bỏ xác trên đường. Việc này, đúng sai, phóng đại, thêm thắt đến mức nào, cũng đã để lại ấn tượng rất là phù hợp với tên gọi trong dư luận miền Nam. Còn việc có nên nổ đạn một cách thiếu chính xác (nếu không gọi là bừa bãi) và một cách tuỳ tiện (nếu không gọi là hệ thống) vào một đoàn người lẫn lộn (nếu không gọi là hỗn loạn) cả dân lẫn lính để chặn đường lui binh của địch thì để mỗi người chúng ta (cần, hay không cần phải) tự vấn và (cần, hay không cần phải) tự trả lời.

Đỗ Kh.


BE059331: 10 Apr 1972, Quang Tri, South Vietnam --- 4/10/1972-Quang Tri, South Vietnam-People move out any way they can as they leave the area of Quang Tri City April 3rd. Quang Tri residents fled in the face of a major North Vietnamese offensive in the area. --- Image by © Bettmann/CORBIS

Và bài phỏng vấn một người tên là Lê Văn Khoa như sau:
Từ bài viết của talawas phỏng vấn Lê Văn Khoa
 
Két bia xe thập đỏ

(Trò chuyện với Lê Văn Khoa)

Vào tháng 4.1972, Lê Văn Khoa là Dược sĩ Trung uý, Tiểu đoàn 3 Quân y, Sư đoàn 3 Bộ binh miền Nam, đồn trú tại Bộ Tư lịnh Sư đoàn, căn cứ Ái Tử, tỉnh Quảng Trị.

Anh có mặt tại Quảng Trị từ thời gian nào?

Tôi ra trường năm 71. Vào cuối năm, tháng 12, tôi ra trình diện đơn vị mới và cũng là đơn vị đầu tiên của tôi, Sư đoàn 3 Bộ binh mới vừa thành lập. [6] Lúc trẻ, vì tính phiêu lưu nên tôi chọn Sư đoàn giới tuyến “Tam sơn nhị hà” này, nhưng cũng không biết 3 quả núi là 3 quả núi nào với 2 con sông nào.

Tôi còn nhớ, chiếc C130 hay C119 chở tôi ra, sau khi thả một tốp xuống Phú Bài, chỉ có mình tôi còn lại là xuống phi trường Quảng Trị. Bước ra khỏi, một bên là núi, một bên là cát, tôi đứng nhìn nó bay vòng trở về rồi một thân xách túi ra hỏi người lính gác, lối nào đi đến đơn vị.

Lúc đó tình hình tại “tuyến địa đầu” [7] này ra sao?

Mấy tháng đầu yên ắng, nhiệm vụ tôi là trưởng phòng thí nghiệm, kiêm y khoa phòng ngừa và thanh tra thuốc men. Phòng thí nghiệm thì chỉ là 4 cái cọc chưa có mái, tôi cũng chẳng có chuyện gì làm. Các y sĩ thì ra Trung đoàn, theo Đại đội, [8] cả Sư đoàn chỉ có 2 dược sĩ, người kia lo việc phân phối thuốc còn tôi thì lẩn quẩn đi chơi.

Nhưng không có xe, ai rủ đi đâu thì tôi theo đó, có lần ra đến Gio Linh hay ra Đông Hà mua mấy cái lặt vặt, nút áo để may vá. Người ta bảo con gái Đông Hà mắt to và đẹp, tôi cũng chẳng biết. Một bận anh bạn bên Thiết giáp thích một cô bán quán cũng mắt to và đẹp đưa ra đến Cam Lộ, quán càfé “Da vàng” hay “Con gái”, chỉ có mấy đứa tôi lính ngồi uống nước, phố xá vắng ngắt [9] ...

Nguy hiểm ở đâu thì tôi không biết, ông Tiểu đoàn trưởng bảo đi thanh tra chỗ này chỗ kia, tôi đi thì bị trách tại sao lại nhận. Tôi trả lời là lệnh Tiểu đoàn trưởng, họ bảo chỗ đó dễ chết, ông muốn đi thì ông cứ đi sao lại dắt tôi theo. Nhưng nói chung là cũng chẳng có gì, các y sĩ theo đơn vị hành quân mới đụng trận gì đó, còn tôi ở hậu cứ.

Cuối tháng 3, Ái Tử liên miên ăn pháo, cả ngày ở dưới hầm, đến giờ ăn chạy lên ăn rồi vào hầm trở lại. Nói là ngày đêm liên tục nhưng họ cũng có giờ nghỉ!

Một y sĩ mới đến, vào trình diện Tiểu đoàn trưởng, trở ra thì ông này không sao nhưng người lính dẫn ông đến lại trúng pháo chết! Bộ Tư lịnh Sư đoàn bị áp lực dời về Cổ thành, Tiểu đoàn trưởng Quân y vào trong đó với ông Giai, các y sĩ thì ở các đơn vị, tôi và mấy sĩ quan và bộ phận hành chánh sang bên Bệnh viện Dân quân tỉnh Quảng Trị ở tạm. [10]

Lúc đó Quảng Trị cũng ăn pháo, phần lớn là trong Cổ thành, ngoài phố lác đác. Biệt động quân, Thuỷ quân Lục chiến ra tăng phái, sở dĩ tôi được biết là vì quân y hiện dịch đều biết nhau từ lúc ở trong trường. Tôi có gặp anh bạn y sĩ Biệt động quân đóng ở bên kia sông, BS Hương, tụi tôi ăn uống kham khổ nên anh hay rủ qua chỗ anh ăn chung, tuy là y sĩ nhưng anh cũng có người lính nấu nướng, làm cơm cho ăn với mấy cái đồ hộp.

Rồi có cả phản công, các đơn vị tăng phái đánh Việt cộng đuổi lên đến tận Cùa? Tôi nghe nói vậy nhưng cũng không biết Cùa ở đâu, được vài bữa chẳng hiểu sao lại lúp xúp chạy ngược về. [11]

Đêm hôm đó (28.4) tôi đang ngủ thì súng bắn mờ mịt khói, vào 3 giờ sáng, đủ loại lớn nhỏ, tiếng AK lách cách ròn rã, hình như có cả pháo tăng địch. Tôi lên phòng Giám đốc Bệnh viện thì ông này đã đi đâu mất, tối tôi còn thấy ông đốt nến làm việc mà giờ thì cây nến lạnh ngắt và bệnh viện vắng tanh!

Tôi và Thiếu úy Hiếu (sĩ quan hành chánh Tiểu đoàn 3 Quân y) ra ngoài bám theo một cái xe Hồng thập tự tải thương, loại Dodge 4x4, đu bên ngoài nhưng cái xe rất trơn, không có thành để bám, lại đêm sương xuống ướt mái, khi đến chỗ… cửa hàng bánh cuốn mái tôn, nó lên dốc gắt cua tôi văng xuống đường, nhìn sang thấy Hiếu bên kia xe cũng tuột!

Hai người rủ nhau chạy bộ vào Cổ thành, có vài xác trên đường lác đác nhưng vẫn còn vắng. Tôi định tìm đơn vị trưởng để trình diện nhưng đến cổng thành, lính kéo kẽm gai ngang không cho vào. Lúc đó súng tiếp tục bắn mờ mịt, khói súng đạn dầy đặc tưởng như là màn sương, trong thành chắc họ sợ Việt cộng đã vào trong thị xã, đặc công cải trang quần áo lính mình. [12]

Chúng tôi bèn rẽ mặt theo đoàn người, trong đó dân có, lính có, chạy về nam thì gặp một xe jeep quân y của Thuỷ quân Lục chiến, Bác sĩ… Trường tôi quen, cho tôi lên. Đến Mai Lĩnh thì Quốc lộ bị gài mìn, đoàn xe đoàn người tắc lại nghẽn, không tiến lên được.

Đoàn người chạy này phần lớn là dân hay là lính?

Đủ hết, dân chạy loạn, xe nhà binh, xe dân sự, đi bộ gồng gánh. Lính thì đủ các loại, lính Sư đoàn 3, Địa phương quân, Công binh… Thuỷ quân Lục chiến, có cả Thiết giáp. Phần lớn là Bộ binh (áo xanh). Biệt động quân, lúc đó tôi thấy còn đóng ở Mai Lĩnh.

Lính các sắc như anh nói di chuyển theo đơn vị, đội hình?

Không, lính và dân lẫn lộn, lính chạy với gia đình của họ, chạy một mình, từng tốp hỗn loạn, chạy chứ không phải hành quân khai thông quốc lộ gì hết.

Ở Mai Lĩnh vậy chưa có pháo vào đoàn người di tản?

Lúc đó trời mới sáng, chưa có pháo, ở phía trước bảo đánh mìn không lên được, tôi bỏ xe xuống tìm đường đất để men ra hướng biển. Nhưng mới vừa đi thì có tốp người bên cạnh trúng ngay mìn, chỉ có vài mét, xác văng lên rách tan!

Tôi và Hiếu lại lần về Quốc lộ. Được một lúc thì thiết giáp bên trên gỡ bãi mìn lại đi được tiếp.

Là có đơn vị thiết giáp hay công binh lên gỡ mìn?

Tôi không biết, hay là cá nhân tự động họ gỡ, khi tôi đi lên đến thì thấy có mấy tờ giấy trắng đánh dấu các bãi mìn cẩn thận, chẳng hiểu là ai làm.

Nắng lên, vào mùa đó trời rất oi ả khó chịu, tôi đi còn đeo theo ba lô với mấy bộ quần áo và mấy cuốn sách, áo giáp, nón sắt và cây M16, lưng lận khẩu Colt nặng chình chịch.

Nhiều người mệt cởi vất nón vất giáp, đến lúc đó thì bị pháo.

Một bên là núi, một bên là bãi cát trắng chạy dài ra đến biển, đoàn người bỏ đường chạy ra hướng này lại bị pháo quay về đầu kia, dạt qua dạt lại như là một ruộng lúc dưới gió, hết vòng tới lại vòng lui.

Như vậy là rất đông người?

Tôi không biết là bao nhiêu, như là lúa ở trên cát nghiêng ngả theo nhịp pháo. Bỗng có từ đâu mấy cái thiết giáp chạy lên mở chốt, xạ thủ nổ đại liên đùng đùng, một lúc khựng lại không tiến lên được!

Vậy là vẫn còn đơn vị có khả năng tác chiến?

Có lẽ là đơn vị nhỏ hay vài xe hành động cá nhân. Tôi nghĩ là nếu có chỉ huy, điều động thì đã mở được đường!

Tôi cũng theo đoàn người chạy qua chạy lại, về phía biển thì một lúc gặp đầm lầy không băng qua được. Hiếu trẻ khỏe hơn tôi, nên gắng kéo tôi đi. Nhưng mệt quá rồi, lả người, tôi trở về đường nhựa ngồi, sống chết ra sao thì không biết, ở đó mà nhìn người ta dạt tới dạt lui và pháo đuổi theo.

Thiệt hại, người chết có nhiều không?

Tôi không nhớ, lúc đó cũng không để ý hay quan sát chung quanh, chỉ nghĩ sao về gặp lại được gia đình! Hẳn là có chứ, người chết cháy, chết co quắp lăn lóc đây đó. Bãi cát thênh thang nên pháo nổ loãng đi, không phải như là âm thanh trong ciné, chỉ thấy từng bụi đất cát mỗi lần đột ngột đây đó bốc lên tung tóe.

Pháo này là pháo đuổi từ xa bắn theo hay ở gần bắn tới?

Tôi không biết pháo gì, có cả cán B40, đuôi bích kích [13] vung vãi trên đường. Việt cộng rất gần, có lúc thấy rõ bóng người chạy qua chạy lại. Người ta bắn, tôi cũng lấy M16 ra mà khỉa, bắn lấy vui túi bụi, đến độ hết cả đạn!

Lúc đó rất sợ bị bắt, tôi nhặt được mấy quả lựu đạn mini, nghĩ là nếu bị bắt chắc dám làm liều nổ lựu đạn tự sát. Thì gặp một cái xe Hồng loại Dodge đến, một tay bác sĩ ở Bệnh viện Quảng Ngãi hay Chu Lai ra tăng phái, BS Lưu, nhóm giải phẫu thì phải. Tôi lên xe anh này, thật tình chuyện sống qua nhưng giờ rất mơ hồ, hình như là đằng sau lính còn khoẻ có leo lên đẩy thương binh nhẹ xuống, dồn mấy người bị thương nặng lại một đống, xe theo đường len lên, hình như có cán qua xác chết gì đó.

BS Lưu nói, xe Hồng chắc tụi nó không bắn, mình liều chạy đại! Khúc đường phải băng qua đằng trước vắng ngắt, chỉ chừng 500 mét mà thăm thẳm, tôi lại ngồi phía ngoài cùng, phía núi, tức là phía đạn, mà họ đang nổ súng loại thượng liên, chứ không phải là đại liên nữa, loại thượng liên thứ bắn máy bay! Tôi nhớ lúc đó mình nghĩ bẩn, tay Hiếu này lên xe trước len vào ngồi trong, mình thì ngồi ngoài! Trước tôi có một cái xe Quân y khác, nhưng là xe jeep, tôi ngồi khom người, chẳng hiểu từ đâu thấy dưới chân lại có một két bia!

Chiếc jeep dẫn đầu không biết có phải vì bị bắn trúng hay bị bắn vào bánh, chạy đến đầu cầu bên này đâm vào giây kẽm gai giăng trên cầu, bị vướng vòng vèo đâm vào đồn Địa phương quân ở cạnh cầu, ngưng lại. Xe tôi vọt qua chỗ giây kẽm do họ mở, chạy sang bên kia cầu Mỹ Chánh.

Vậy còn số phận của két bia anh vừa mới nói?

Vào đến tuyến Thuỷ quân Lục chiến, trên xe mở luôn liền ra uống! Nhìn lại, chỉ thấy có một vết đạn trên thành, phía trên bánh, không hiểu là vì xe Hồng nên họ không bắn, hay chạy bất ngờ họ bắn không kịp, không trúng, hay họ chỉ cố tình muốn bắn vào lốp. Sau tôi còn một xe nữa qua được, đó là 3 chiếc xe duy nhất, sau đó chốt đóng lại mấy ngày liền không ai qua khỏi.

Như vậy là vào ngày 29.4, chuyện chết chóc lớn là sau đó khi Quốc lộ 1 tắc hoàn toàn. Khi khai thông trở lại, Phan Nhật Nam đi ngược về Bắc [14] kể xe ủi đất đùn xác người thành đống, mỗi mét trên 9 cây số là 2 mạng, anh không có chứng kiến?

Tôi về đến Huế, sau đó Sư đoàn tập trung lại ở Phú Lương, về sau tái phối trí ở núi Khánh Sơn, Đà Nẵng, tôi không có dịp trở lại Hải Lăng vào những ngày hay tháng ngay sau.

© 2004 talawas

[1]Tướng Giai là Tư lịnh đầu tiên của Sư đoàn 3 Tân Lập gồm 1 thành phần của Sư đoàn 1 và một số lớn quân phạm, đào binh, bất phục tòng, anh hùng hảo hán trong quân đội được mời ra miền địa đầu giới tuyến. Mùa hè 72, Sư đoàn 3 đã giữ tuyến sau 3 đợt tấn công và ông là người cuối cùng ra đi nhưng cuộc triệt thoái khỏi Quảng Trị đã chấm dứt binh nghiệp của tướng Giai. Ông là tướng lãnh hi hữu của miền Nam bị bỏ tù (cho đến tháng 4.1975) về tội bại trận. Theo phóng viên miền Bắc Trần Kim Thành, tướng Giai là người xếp hàng đầu tiên đi trình diện học tập sau 30.4. Trung tâm trình diện vừa mở cửa là ông bước vào phát biểu “Các ông là người giải phóng cho tôi ra khỏi tù”.

[2]Cuộc di tản Bộ Tư lịnh gọn của tướng Giai và 80 nhân viên, cố vấn Mỹ tại Cổ thành Quảng Trị bởi Phi đoàn 37 Trực thăng Cấp cứu (37th Aerospace Rescue & Recovery Squadron) tổng cộng bốc 131 người được coi vào lúc đó là cuộc cấp cứu bằng trực thăng lớn nhất của Mỹ.

[3]“La Rue sans Joie” hay “Street without Joy” do ký giả Bernard Fall đặt, chính xác là cho đoạn song song về phía biển trên tỉnh lộ 555.

[4]Ngày nay, có thể “nghĩ” ra rằng di chuyển lẫn với dân chúng là “chiến thuật tàng hình” của quân đội miền Nam, núp đạn sau lưng đồng bào gì đó. Trên thật tế, đây là điều tối kị trong quân sự vì không còn thể điều quân một khi có dân lẫn lộn vào hay ngay cả quân nhân của các đơn vị khác trà trộn. Lính lẫn với dân là lính “tan hàng” không thể sử dụng được, như cuộc triệt thoái này hay tất cả các cuộc triệt thoái cho thấy.

Tuy vậy, việc lẫn lộn không thể tránh khỏi, các đơn vị Sư đoàn 3 có nhiều người gốc địa phương, gia quyến sinh sống tại thôn xã, thị xã gần đó hay trong các trại gia binh tại hậu cứ. Không có cấp chỉ huy quân sự nào muốn quân lẫn vào với dân nhưng trong quân đội miền Nam cũng không có vị nào cản được thụôc cấp mang theo bố mẹ, anh chị em, vợ con, họ hàng, dâu rể, bồ bịch (hôn thê sắp cưới, tình nhân, vợ hai và ba...) khi triệt thoái.

Mặt khác, quân đội rút, dân chúng tự động rút theo làm rối loạn đội hình và cản trở lộ trình. Trường hợp Liên đoàn 1 Biệt Động quân triệt thoái từ Mai Lĩnh đi vòng ra hướng biển có khoảng 500 thường dân được phép đi theo sau, về đến Mỹ Chánh thiệt hại chỉ có vài phần trăm do những lần đụng trận lúc mở đường (Lê Huy Linh Vũ, “Ba ngày cuối cùng tại Bộ Tư lịnh của Tướng Vũ Văn Giai”).

[5] Lt Gen Ngô Quang Trưởng, “The Easter Offensive”.

[6]Sư đoàn 3 thành lập vào ngày 1.10.71.

[7]Ca từ: “Giờ này anh ở đâu, Trại Hoàng Hoa hay tuyến địa đầu?”

[8]Mỗi Sư đoàn Bộ binh có 1 Tiểu đoàn Quân y, Bộ Chỉ huy của Tiểu đoàn theo Bộ Tư lịnh Sư đoàn, các Đại đội Quân y theo các Trung đoàn, Trung đội Quân y theo các Tiểu đoàn…

[9]Ái Tử ở ngoại thành Quảng Trị về phía Bắc, đối diện với phi trường bên kia Quốc lộ. Đi Cam Lộ phải qua Đông Hà theo đường 9 về phía Tây, tức núi, chung quanh Cam Lộ chỉ có các căn cứ hoả lực đìu hiu.

[10]Sau đợt tấn công đầu và sau khi Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 tan hàng tại Căn cứ A4 (Camp Carroll) gần Cam Lộ, Trung đoàn trưởng đầu hàng tại mặt trận. Trung tá Phạm Văn Đính năm 1968 là Đại đội trưởng Hắc Báo đã treo lại cờ miền Nam trên kỳ đài Phú Vân Lâu khi tái chiếm thành phố Huế.

[11]Sau đợt tấn công thứ nhì (9.4) của miền Bắc, đây là giai đoạn phản công của miền Nam với chiến dịch mệnh danh là Quang Trung 729. Miền Bắc tấn công gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ, miền Nam phản công gọi là hành quân Quang Trung, dĩ nhiên cả 2 đằng, trong chuyện này Bắc Bình Vương đều hoàn toàn vô can.

[12]Đây là đợt tấn công lần thứ 4. Đêm 28.4 bộ đội đặc công vượt qua sông Thạch Hãn và phá một cây cầu nhưng bị đẩy lui trở lại. Đến 1.5 Quảng Trị mới thất thủ thật sự nhưng trong đêm 28 ngay tại Bộ Tư lịnh của tướng Giai cũng không rõ tình hình, chiến xa miền Nam rút về bị tưởng lầm là chiến xa miền Bắc đến (Lê Huy Linh Vũ).

[13]Tầm xa của bích kích 60, 82 ly là 2 và 3 cây số, của tên lửa B40 là vài trăm thước trở lại. Đạn pháo bích kích phần đầu là chất nổ công phá, phần đuôi là chất nổ lực đẩy. Tên lửa B40, B41 cũng tương tự hai phần. Khi khai hỏa, cả 2 phần rời nòng và tách ra khi đến đích. Hiện diện của cán và đuôi trên đường có nghĩa là các vũ khí này đã được sử dụng (tuy phần công phá đã…tan tành không để lại dấu vết), tức là xạ thủ không xa mục tiêu quá 2,3 cây số hay vài trăm thước, ngược lại với pháo 130 ly chẳng hạn có tầm xa 20 kilômét, có thể vô tình và mù mờ (tuy theo thông lệ, ắt phải được tiền sát viên ở gần mục tiêu quan sát và dẫn dắt).

[14]Cuối tháng 6? Phan Nhật Nam, “Mùa Hè Đỏ Lủa”. Quảng Trị được/bị miền Nam tái chiếm lại hoàn toàn vào ngày 16.9.1972.
 
Thêm một chút thông tin nữa:
Từ bài viết của Ông Trần Phong Vũ Phỏng Vấn Ông Nguyễn Văn Ngân
TPV: Có phải tổng thống Thiệu nói với ông là việc sư đoàn 3 tháo chạy đã để lại “đại lộ kinh hoàng” và Quảng Trị thất thủ vào tháng 5/72 là một “sabotage politique” của người Mỹ?

NVN: Đúng như vậy.

Hậu quả đã để lại hơn 20 ngàn thương vong trên “đại lộ kinh hoàng.”

TPV: Ông Thiệu đã nói với ông trong bối cảnh nào?

NVN: Ngay hôm Quảng Trị thất thủ.

...

Gần đây tôi có đọc một chứng liệu của Đại sứ Bunker thuật lại phiên họp tại dinh Độc Lập một ngày sau khi Quảng Trị thất thủ giữa Đại sứ Bunker, tướng Abrams và tổng thống Thiệu. Ông Thiệu đã không hề quy trách cho các giới chức quân sự Việt Nam, ông im lặng một cách khó hiểu và mãi đến phút cuối cùng “bật nói”: “… không có lý do gì Quảng Trị lại bị thất thủ, tướng Giai phải chịu trách nhiệm về việc nầy”.

Tướng Vũ văn Giai, Tư lệnh sư đoàn 3 giới tuyến, được di tản bằng trực thăng của Mỹ, bỏ lại binh sĩ và dân chúng với “đại lộ kinh hoàng” – đã bị đưa ra Tòa án quân sự, bị tước đoạt binh quyền và ở tù.
 

Hay:
Ngày 30/3/1972, 12 giờ trưa, quân Bắc Việt pháo kích kinh hoàng các cứ điểm quân sự, khu dân cư Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị. Trên 6 sư đoàn chính quy, hằng trăm xe tăng, tiền xe hậu pháo, vượt cầu Hiền Lương, phối hợp tây Khe Sanh đánh xuống, đồng loạt nổ súng tràn chiếm thị xã Đông Hà, thành cổ Quảng Trị (2/5/1972), đuổi quân đội VNCH đến tận sông Mỹ Chánh.

Sư đoàn 3 bộ binh, tướng Vũ Văn Giai tại Ái Tử tẩu thoát về Quảng Trị rồi chạy vô Huế. Trung tá Phạm Văn Đính dẫn hết lính trung đoàn 56 ngược ra Bắc, đầu hàng CS.

Các đơn vị thủy quân lục chiến, dù, biệt động quân trú đóng tiền đồn đại bại, mọi cứ điểm đều bị CS tràn ngập. Lính tráng chết trận, ra hàng tù binh, tẩu tán bỏ chạy.

Cầu sập, xe tăng cháy, quân rã ngũ, dân chúng kéo nhau tản cư hỗn loạn dưới làn đạn pháo VC dội xuống không nương tay. Người ta chết la liệt, thây phơi chật đất, thảm cảnh Đông Hà - Quảng Trị đại lộ kinh hoàng.

Chỉ khi lính dù, thủy quân lục chiến tăng viện, bình tỉnh tổ chức phòng ngự, đánh sập cầu Mỹ Chánh ngăn chận đoàn xe tăng VC cố ào ạt tiến vô Huế. Thêm phi cơ oanh kích, pháo phản pháo đích đáng vào bắc sông Mỹ Chánh mới chận đứng dòng thác quân Bắc Việt.

Ngày 3/5/1972, Tổng thống Thiệu sắc lệnh Ngô Quang Trưởng thay tướng Hoàng Xuân Lãm làm tư lệnh Quân đoàn I. Tướng Trưởng lập Bộ chỉ huy tiền phương ở Huế, củng cố tuyến phòng thủ bờ Nam sông Mỹ Chánh, giữ Huế chống cự hai gọng kìm Bắc và Tây.

Bấy giờ, những trận đánh dữ dội của quân Bắc Việt xuống bờ Nam sông Mỹ Chánh đều đã bị chặn đứng. Mặt trận An Lộc, Tây Nguyên giải tỏa, lính VNCH kéo về hỗ trợ cho Quảng Trị. Tổng thống Thiệu thị sát Quân khu I ngày 28/5/1972, ban quân lệnh chuẩn bị phản công.
U1738213: 29 Apr 1972, Hue, South Vietnam --- Hue, S. Vietnam: A distraught Vietnamese father holds his wounded child in his arms as both wait for medical treatment at hospital in Hue. Both were hurt in fighting around Quang Tri City and were part of a mass exodus down Highway 1 to the former imperial capital. --- Image by © Bettmann/CORBIS

Tiếp tục nghe đài địch nào, bài mới nhất về việc này của Trần Gia Phụng (sử gia cơ đấy!)
Trích:
Từ bài viết của Trần Gia Phụng
 
CUỘC CHIẾN BỐN MƯƠI NĂM TRƯỚC

MÙA HÈ ĐỎ LỬA (1972)

Mùa hè đỏ lửa là tên một quyển bút ký chiến tranh của nhà văn Phan Nhật Nam, ghi lại những trận đánh khốc liệt vào mùa hè năm 1972. Hôm nay, bốn chục năm sau, xin sơ lược trở lại những trận đánh ghi dấu một thời oanh liệt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

1. NGUYÊN NHÂN

Tháng 5-1971, bộ Chính trị đảng LĐ Bắc Việt Nam đưa ra “quyết định thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.” (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 644.) Ngoài lý do đã được tiết lộ trên đây, nguyên nhân việc CSVN mở cuộc tấn công năm 1972 có thể phỏng đoán là:

Thứ nhất, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại, CSVN phải ra nghị quyết 9 cho quân đội CS ở trong Nam nghỉ dưỡng và tránh đụng độ với quân đội VNCH. (Nguyễn Kỳ Phong, “Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm”, điện báo Talawas ngày 12-6-2008.) Trong khi đó quân đội VNCH mở những cuộc hành quân lớn đánh qua Cao Miên (4-1970 đến 2-1971) và Hạ Lào (1971), nắm thế chủ động trên chiến trường.

Sau khi đưa thêm nhiều sư đoàn để bổ sung lực lượng ở trong Nam, CSVN quyết định tái phát động hành quân, nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tháng 12-1971, Nicolai Podgorny, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đến Hà Nội và hứa hẹn gia tăng viện trợ không hoàn lại các loại võ khí hạng nặng. Đầu năm 1972, Liên Xô gởi qua các chiến xa T-54, T-55, PT-76, đại bác 130 ly, 150 ly, đại bác phòng không 57 ly, hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger, hỏa tiễn địa không SA-7 Strela. (Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, từ trận đầu (Ấp Bắc - 1963) đến trận cuối (Sài Gòn - 1975), Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tr. 550.)

Thứ hai, về phương diện quân sự, CSVN thất bại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhưng về phương diện chính trị, CSVN đã gây chấn động lớn đến dân chúng và chính trường Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống 1968. Tổng thống Lyndon Johnson phải bỏ cuộc, không ứng cử tổng thống lần thứ hai. Richad Nixon, ứng cử viên đảng đối lập đánh bại ứng cử viên đảng đương quyền, lên làm tổng thống. Ngày 24-6-1970, thượng viện Mỹ bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giới hạn quyền của tổng thống gởi quân ra nước ngoài. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr.166.) Đây là thời cơ thuận tiện để CS mở cuộc tấn công, nhất là sau cuộc họp giữa Kissinger và Chu Ân Lai vào tháng 7-1971, CSVN được biết thêm tin chắc chắn người Mỹ sẽ rút quân, bỏ rơi VNCH.

Năm 1972 cũng là năm bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Vấn đề Việt Nam rất nhạy cảm với cử tri Mỹ. Có thể vì vậy, CSVN tung đại quân tấn công VNCH nhằm tạo ra một chấn động mới, thúc đẩy dân chúng Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ chẳng những nhanh chóng rút quân mà chấm dứt hẳn sự can thiệp vào Việt Nam.

Thứ ba, CSVN mở các chiến dịch 1972 nhằm tăng cường uy thế của phía CSVN trong hòa hội đang tiếp diễn tại Paris. Trong hòa hội Paris, CS đòi giữ nguyên trạng sau khi ngưng bắn. Vì vậy, CS mở cuộc tấn công nhằm lấn đất giành dân. Cũng trong dự thảo hiệp định Paris, CSVN đòi hỏi quân đội và võ khí nước ngoài không được nhập vào VNCH sau khi hiệp định được ký kết. Vì vậy CSVN tìm cách hủy diệt các đơn vị cũng như quân nhu quân dụng quân đội VNCH, để VNCH yếu hẳn sau khi ngưng bắn. Trái lại, toàn khối CS bí mật tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt qua đường bộ ở biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà không ai có thể kiểm soát được.

2.- DIỄN TIẾN CHIẾN CUỘC

Theo quyết định của bộ Chính trị đảng LĐ, quân đội CSVN mở chiến dịch đại quy mô, tấn công ở cả bốn quân khu VNCH: Quảng Trị và Thừa Thiên ở Quân khu I (từ 30-3-1972); Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ); Bình Long ở Quân khu III (1-4-1972); Định Tường, Kiến Tường ở Quân khu IV (10-6-1972). Cộng sản đặt tên cho các cuộc hành quân trên đây lần lượt là: chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Bắc Tây nguyên, chiến dịch Nguyễn Huệ, và chiến dịch Đồng bằng sông Cửu Long. Phía VNCH, gọi chung cuộc chiến năm 1972 là “mùa hè đỏ lửa”, phát xuất từ tên quyển ký sự chiến trường là Mùa hè đỏ lửa, của nhà văn Phan Nhật Nam. Về phía Hoa Kỳ, thì cuộc chiến năm 1972 được gọi là Easter Offensive.

Mặt trận Quảng Trị ở Quân khu I (từ 30-3-1972): CSVN gọi đây là chiến dịch Trị Thiên. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (304, 308, 324), hai trung đoàn độc lập (27 và 48), bốn tiểu đoàn BB Quân khu Trị Thiên, Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn xe tăng (202, 203), bảy trung đoàn pháo binh, ba sư đoàn pháo phòng không (365, 367 và 377), bốn tiểu đoàn tên lửa, phòng không và lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự, Tự điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 202.)

Đối đầu với lực lượng hùng hậu nầy, về phía VNCH có hai sư đoàn Bộ binh là Sư đoàn 1 đóng ở Huế và Sư đoàn 3 (thành lập tháng 10-1971) đóng ở Quảng Trị, hai lữ đoàn TQLC (147, 258), ba thiết đoàn (20, 11, 17), một số tiểu đoàn Địa phương quân, một số đơn vị Pháo binh,và về sau tăng cường thêm hai lữ đoàn Dù (1 và 2). Chiến cuộc tại vùng Quảng Trị có thể chia thành ba giai đoạn:

Thứ nhất: Mở đầu, ngày 30-3-1972, CSVN xua quân vượt vĩ tuyến 17, xâm phạm vùng phi quân sự, tấn công các căn cứ tiền đồn dọc đường số 9, chiếm căn cứ Carroll ngày 2-4-1972. Trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 BB, thuộc Sư đoàn 3 BB, đầu hàng địch tại căn cứ nầy.

Cũng ngày 2-4-1972, tổng thống Nixon ra lệnh cho Hạm đội 7 oanh kích những nơi quân đội Bắc Việt tập trung tại vùng phi quân sự, vừa bằng phi cơ vừa bằng chiến thuyền đậu dọc duyên hải Quảng Trị. Ngày 6-4-1972, hai oanh tạc cơ Mỹ bị hòa tiễn SAM-2 bắn rơi. SAM-2 là võ khí Liên Xô mới trang bị cho Bắc Việt. Khi đến Đông Hà, CSVN bị chận đánh dữ dội. Trước tình hình căng thẳng, bộ Tổng tham mưu VNCH tăng phái thêm ba liên đoàn BĐQ 4, 5, 6 cho Quân đoàn I.

Thứ hai: Ngày 26-4, CSVN tiếp tục tấn công, chiếm Đông Hà ngày 28-4, áp lực nặng nề Quảng Trị. Ngày 30-4, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 BB, họp cùng các sĩ quan chỉ huy, quyết định chuyển quân khỏi Quảng Trị, nhưng trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I ra lệnh tử thủ Quảng Trị. Lệnh tử thủ đến sau khi các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 đã chuyển quân. Trong khi đó, CSVN đưa một cánh quân khác tiến qua A-Shau (A Sao), bao vây các căn cứ Bastogne và Checkmate, đe dọa Huế. Ngày 1-5-1972, CSVN chiếm thành phố Quảng Trị, tiến quân tới bờ bắc sông Mỹ Chánh. Thành phố Huế hoảng loạn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền cử trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn IV, ra giữ chức tư lệnh Quân đoàn I, thay trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Tướng Trưởng tái lập an ninh thành phố Huế, tái phối trí lực lượng phòng thủ.

Thứ ba: Ngày 8-6-1972, các lữ đoàn TQLC cùng các lữ đoàn Dù vượt sông Mỹ Chánh, phản công ra hướng bắc, mở đầu giai đoạn thứ ba của cuộc chiến Quảng Trị. Từ ngày 13-9, quân VNCH tái chiếm Quảng Trị, và treo cờ lên cổ thành Quảng Trị ngày 16-9-1972. Quân đội VNCH tiếp tục tảo thanh quân CS. Tuy chống cự mãnh liệt, quân CS dần dần rút lui, nhưng vẫn chiếm giữ vùng phía bắc sông Thạch Hãn. Sau biến cố Quảng Trị, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh được đề cử thay thế chuẩn tướng Vũ Văn Giai, chỉ huy Sư đoàn 3 BB-VNCH.

Mặt trận Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Bắc Tây nguyên. Lực lượng CS gồm hai sư đoàn Bộ binh (320 và 2), bốn trung đoàn BB (24, 28, 66, 95), hai trung đoàn pháo binh, trung đoàn đặc công 400, sáu tiểu đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn xe tăng, một đại đội tên lửa, cùng lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 157.) Phía VNCH, tại Quân khu II lúc đó, có hai sư đoàn Bộ binh (22 và 23), hai lữ đoàn Dù, 11 tiểu đoàn BĐQ Biên phòng và Địa phương quân.

Chiến cuộc Kontum có thể chia thành hai giai đoạn. 1) Vào đầu tháng 4-72, quân CS uy hiếp các căn cứ phía bắc Kontum. Ngày 11-4, quân CS tấn công căn cứ Charlie. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù tử trận. Ngày 21-4, CS tràn ngập căn cứ Delta. Charlie và Delta là hai căn cứ hỏa lực nằm về phía tây của căn cứ Võ Định. Căn cứ Võ Định cũng không giữ được. (Võ Định nằm trên quốc lộ 14, phía bắc Kontum và phía nam Tân Cảnh.) Ngày 24-4, quân CS chiếm các căn cứ Tân Cảnh và Daktô II ở phía bắc Võ Định. Quân CS tiếp tục tấn công các căn cứ khác ở vùng nầy, nhưng không chiếm được căn cứ Ben Het do các tiểu đoàn 72 và 95 BĐQ trấn giữ. Ngày 10-5-1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, phụ tá hành quân Quân đoàn I, được cử làm tư lệnh Quân đoàn II, thay thế thiếu tướng Ngô Dzu. 2) Từ 14-5-1972, quân CS tập trung tấn công vào Kontum. Có khi quân CS chiếm được trại Ngọc Hồi ở Kontum, hậu cứ của Thiết giáp và căn cứ tiếp vận, nhưng đã bị đẩy lui ngay. Sư đoàn 2 Sao Vàng bị B52 gây thiệt hại nặng, sau đó phải giải thể. Vào cuối tháng 5-1972, mặt trận Kontum yên tĩnh trở lại. Quốc lộ 14 giữa Kontum và Pleiku được khai thông.

Sau Kontum, CSVN tấn công Bình Định cũng thuộc Quân khu II vào đầu tháng 6-1972, chiếm các quận Tam Quan, Hoài Nhơn và Hoài An, Tuy nhiên, vào cuối tháng 7-1972, quân đội VNCH tái chiếm ba quận nầy.

Mặt trận An Lộc (Bình Long) ở Quân khu III (1-4-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Nguyễn Huệ. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (5, 7, 9), ba trung đoàn BB (24, 71, 205), trung đoàn đặc công 429 (7 tiểu đoàn), 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 186.)

Phía VNCH, Quân khu III có ba sư đoàn Bộ binh 5, 18 và 25, một lữ đoàn Dù, năm liên đoàn BĐQ, một lữ đoàn Thiết kỵ, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, và các đơn vị Địa phương quân. Phòng thủ chính bên trong An Lộc là sư đoàn 5 BB do đại tá Lê Văn Hưng chỉ huy. (Đại tá Hưng lên chuẩn tướng tại mặt trận An Lộc. Ông đã cam kết: “Khi nào tôi còn, An Lộc còn.”)

An Lộc là tỉnh lỵ tỉnh Bình Long, nằm trên quốc lộ 13, án ngữ giữa Sài Gòn và mật khu 708 của CSVN trên đất Cao Miên. Cộng sản dự tính đánh chiến An Lộc để làm lễ ra mắt chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam vào ngày 20-4-1972. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 569.) Nhằm tạo thế nghi binh, từ 1-4-1972 một số đơn vị CS tấn công các căn cứ phía bắc Tây Ninh. Ngày 4-4-1972, sư đoàn 5 CS tiến về Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), phía bắc An Lộc, và chiếm được Lộc Ninh ngày 8-4-1972.

Sau khi chiếm Lộc Ninh, quân CS tiến xuống phía nam, đe dọa An Lộc. Cuộc chiến An Lộc kéo dài từ 8-4-1975 đến ngày 12-6-1972. Ngoài sư đoàn 5 CS, một cánh quân khác của CS, sư đoàn 7 CS xuất phát từ biên giới Cao Miên, đi vòng qua An Lộc, phong tỏa quốc lộ 13 phía nam An Lộc. Trong khi đó, sư đoàn 9 CS cũng từ biên giới Cao Miên, đánh thẳng vào phía tây An Lộc. Như thế cả 3 sư đoàn CS đánh kẹp An Lộc vào giữa. Quân CS vừa pháo kích dữ dội, vừa sử dụng xe tăng T-54 và BTR-60 dẫn đầu, tiến chiếm phía bắc thành phố An Lộc, đồng thời chiếm các căn cứ trên quốc lộ 13, phía nam An Lộc, để chận đường tiếp tế của quân đội VNCH.

Quân đội VNCH dàn ra đối phó với hai trận tuyến của CS. Một mặt quân phòng thủ An Lộc chiến đấu anh dũng, chận đứng và đẩy lui các cuộc xung phong của quân CS ngay tại An Lộc. Một mặt các đơn vị VNCH khác cương quyết giải tỏa quốc lộ 13, nhằm tiếp ứng An Lộc. Ở cả hai mặt trận, hai bên giằng co từng tấc đất, từng ngôi nhà. Quân CS sử dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, pháo kích dữ dội trước khi xung phong. Quân VNCH biết rõ cách đánh nầy, nên sau mỗi đợt CS pháo kích, liền chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến.

Bên cạnh đó, Không quân đã yểm trợ tích cực cho Bộ binh VNCH chiến đấu. Ngoài việc oanh kích các nơi tình nghi quân CS trú đóng, Không quân VNCH phụ trách chuyển vận quân đội, thả tiếp liệu (lương thực, nước uống, quân nhu, quân dụng), tải thương binh. Vừa vì thời tiết xấu, vừa vì bị súng phòng không của CS bắn phá, việc tiếp liệu có khi ít hiệu quả, một số kiện hàng không đến tay quân đội VNCH mà lọt vào tay quân CS. Hơn nữa, vì bị bắn phá dữ dội, các trực thăng tải thương hoạt động rất khó khăn, và nhiều trực thăng bị bắn rơi. Trong khi đó, những phi vụ B-52 Hoa Kỳ liên tiếp dội bom nặng nề xuống chiến trường, giúp đánh tan các đơn vị CS chung quanh An Lộc, phá vỡ các kho võ khí do CS mới chuyển từ miền Bắc Việt Nam.

Riêng tại thị trấn An Lộc, kể từ 8-4-1972, quân CS tấn công tất cả 7 lần. 1) Trong lần đầu, ngày 13-4-1972, quân CS dùng chiến xa T-54 tiến vào An Lộc. Dù đã bắn cháy 7 chiếc, quân VNCH phải lui về phòng thủ phía nam thị trấn. 2) Ngày 14-4, quân CS xung phong lần thứ hai. Quân VNCH ẩn nấp trong các cao ốc, hầm trú ẩn, sử dụng súng M72, súng B40 và B41 (hai loại nầy tịch thu được của quân CS), chống trả và gây hư hại nặng các loại xe tăng CS. Ngày 16-4, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được đưa đến An Lộc, tăng cường lực lượng phòng thủ ở đây. 3) Ngày 18-4, quân CS tấn công An Lộc lần thứ ba. Nhờ sự yểm trợ của Không quân, nhất là B-52, quân CS bị chận đứùng. 4) Sáng sớm 21-4-1972, CS pháo kích 2,000 trọng pháo đủ loại vào thị trấn và mở 4 mũi tấn công. Đêm 22 rạng 23-5, quân CS gia tăng tấn công, nhưng bị đẩy lui khi các chiếc xe tăng của CS bị bắn cháy. 5) Sáng 11-5-1972, quân CS tấn công An Lộc lần thứ 5, với chiến xa T-54 dẫn đầu. Hai bên cận chiến. Suốt ngày 12-5, quân đội VNCH đẩy lui lần nữa cuộc tấn công của CS. 6) Chỉnh đốn lại đội ngũ, ngày 14-5, CS tấn công tiếp ở các mặt đông bắc, tây và nam. Trong ba ngày giao chiến, số binh sĩ cả hai bên tử trận lên đến 600 người. Các chiến sĩ Biệt cách Dù phải lập một nghĩa địa bên cạnh chợ An Lộc để an táng. (Sau khi An Lộc được giải tỏa, trước nghĩa trang nầy có hai câu đối: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân.”) 7) CSVN dự tính tấn công ngày 19-5 để kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, nhưng bị B-52 dội bom chận đứng. Ngày 23-5, quân CS mở bốn đợt tấn công vào phòng tuyến quân đội VNCH ở phía nam thị trấn An Lộc. Lần nầy, những cuộc tấn công của CS yếu ớt nên đều bị đẩy lui.

Từ đây vòng đai bảo vệ An Lộc mở rộng dần, trong khi quân đội VNCH ở ngoài cũng dọn được đường vào An Lộc. Ngày 8-6-1972, quân bên trong và bên ngoài An Lộc bắt tay được với nhau. Ngày 12-6-1972, chuẩn tướng Lê Văn Hưng tuyên bố trên đài phát thanh: “An Lộc hoàn toàn giải tỏa.”

Mặt trận các tỉnh ở Quân khu IV (10-6-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Đồng Bằng Sông Cửu Long. Lực lượng CS gồm 2 sư đoàn Bộ binh (5 và C30b), 3 trung đoàn Bộ binh chủ lực thuộc Quân khu 8 (1, 88, 320), 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn đặc công, 7 tiểu đàn và 14 đại đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 170.) Về phía VNCH, có hai sư đoàn BB (7 và 9), một liên đoàn BĐQ, hai trung đoàn Thiết giáp, một liên đoàn Đặc nhiệm Hải quân, năm đại đội Tuần Giang và Địa phương quân.

Cuộc tấn công của CS tại đồng bằng sông Cửu Long lần nầy diễn ra trong ba giai đoạn: 1) Quân CS tấn công căn cứ Long Khốt (thuộc tỉnh Long An) và thị xã Mộc Hóa (thuộc tỉnh Kiến Tường). Tấn công nhiều lần nhưng thất bại, quân CS phải rút lui ngày 14-6. 2) Trong tháng 7-1972, quân CS tấn công phía bắc và nam đường số 4 thuộc hai tỉnh Kiến Tường và Mỹ Tho. 3) Từ 6-8 đến 10-9, quân CS tấn công Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công, nhưng đều bị đẩy lui.

KẾT LUẬN

Tính đến tháng 9-1972, thiệt hại về nhân mạng về phía quân đội CSVN lên đến khoảng 100,000 quân; và phía VNCH khoảng 50,000 quân. Một số thống kê khác cho thấy CSVN thiệt hại 70,000 quân trong khi VNCH 30,000. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 587.) Người ta ghi nhận thêm sau khi CSVN thất bại trong các chiến dịch 1972, ở Bắc Việt, đại tướng Võ Nguyên Giáp bị người phụ tá là đại tướng Văn Tiến Dũng thay thế, nắm thực quyền trong bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam.

Các cuộc tấn công của CSVN vào năm 1972 nói chung không thành công, và bị quân đội VNCH đẩy lui ở khắp bốn mặt trận. Những trận đánh vào mùa hè đỏ lửa cho thấy khi còn được trang bị đầy đủ, dầu số quân ít hơn, quân đội VNCH cũng đủ sức để đẩy lui những cuộc tấn công vũ bảo của đối phương. Trong cuộc chiến vào mùa hè nầy, cộng sản chỉ gây được tiếng vang về chính trị trên thế giới để đẩy mạnh cuộc vận động ngoại giao.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 19-02-2012)
Các bạn cứ xem "sử gia" này múa võ đã
Đọc hoài mà chưa thấy rút cục chính xác thì “Ðại Lộ Kinh Hoàng” là đoạn đường nào ở Quảng Trị?

Bổ sung (không phải xung, he he) 20:58 03/12/2012: Nhân có bạn Lee nhắc đến cầu Bến Đá, Khoằm tạm chưng cái bản đồ có địa danh Bến Đá trước đã, theo các nguồn tin phía Phan Nhật Nam thì đoạn quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước dài độ 9 km, và họ ước tính có gần 2.000 người bị chết, sau đó thu gom được 1.841 xác người gần như còn lành lặn và hơn 500 xe cộ các loại (của dân chúng và quân đội) bị phá hủy trên đoạn đường này.

 Bạn Lee cũng đính chính là tên "Đại Lộ Kinh Hoàng" do phóng viên NgyThanh - báo Sóng Thần gọi dầu tiên vào tối 01/07/1972.

19 nhận xét:


  1. Chiến tranh mang lại khổ đau và chết chóc cho dân lành!

    Trả lờiXóa
  2. Bài này của bác Khoằm là bài mới nhất, đăng 30 tháng mười một 2012.
    Thế nhưng, không hiểu vì cái lỗi kỹ thuật gì mà bên blog của em, mục Blog yêu thích, trang blog của bác Khoằm không chịu hiển thị bài mới nhất này; thay vào đó lại hiện thị bài từ 3 tháng trước?


    Mít sờ tơ Khù Văn Khoằm
    NƯỚC TA NHÌN TỪ TRỜI CAO
    3 tháng trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có lỗi gì đâu, tại vì bài ý lúc đăng gặp lỗi nên nó ở trong nháp, hôm rồi mới thấy bèn đăng lên nhưng vẫn giữ ngày cũ, tức là 3 tháng trước cô Lan Hương à.

      Xóa
    2. Nhưng mà đăng sau bài này nên nó vẫn trồi lên trước.

      Xóa
  3. Nguyễn Ngọc Long12/02/2012 11:52:00 CH

    Xem những tấm hình ở đây, thấy những em bé, những bà cụ già chạy loạn quả là cơ cực. Đâu có khác bà con Hà Nội, Hải Phòng sơ tán những năm 1960- 1970.
    Chiến tranh tàn khốc.

    Tôi nghĩ, mấy ông VNCH như Phan Nhật Nam có đặt tên gọi cho đoạn đường rút chạy khỏi Quảng Trị này là "Đại lộ kinh hoàng" cũng không quá đâu, bác Khoằm ạ. Chính xác cái Đại lộ kinh hoàng này là đoạn nào, từ đâu đến đâu thì không 1 cơ quan nào xác định. Nó chỉ là 1 cách gọi của những nhà văn, nhà báo sau này, khi đã im tiếng súng.
    Nhưng sự thực thì có 1 cuộc rút chạy khỏi Quảng Trị của binh lính VNCH tháng 4/1972; và quả là cuộc rút chạy, mà phải gọi cho đúng là BỎ CHẠY, THÁO CHẠY khỏi Quảng Trị tháng tư năm 1972 đúng là "kinh hoàng" với họ. Không phải là RÚT chạy nữa vì RÚT lui thì có vẻ vẫn còn tổ chức, có trên, có dưới. Nhưng tháng 4/1972, sau khi rút khỏi Khe Sanh, CAM LỘ, Đông Hà và cuối cùng là Tháo chạy khỏi Quảng Trị thì binh lính, sĩ quan VNCH không hề còn tổ chức, mạnh anh nào chạy anh đó.

    Dân tình thì đương nhiên phải chạy theo lính VNCH. Bởi dân ở Quảng Trị chắc chắn là đa số có quan hệ gì đó với chính quyền VNCH, đa số cũng được hưởng lương, trợ cấp từ chính quyền VNCH bởi người thân của họ đang là binh lính sĩ quan của VNCH.

    Và, binh lính, sĩ quan bỏ chạy lẫn lộn trong thường dân. Xem những tấm hình này thì có cả những đoàn xe cơ giới của binh lính với vũ khí trong tay. Vậy thì các đơn vị quan giải phóng có truy kích, có tấn công cũng là chuyện có thể xảy ra. Tấn công, truy kích để lính VNCH khiếp vía=> đó cũng là mục tiêu quân sự trong chiến tranh.

    Tôi cũng từng đọc các tài liệu của cả 2 phía về trận rút chạy khỏi Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 qua ngả đường số 7 Cheo Reo, Phú Bổn. Khi đó, binh lính VNCH mất hết nhuệ khí, chỉ lo việc tháo chạy. Quân Giải phóng không thể bỏ lỡ cơ hội truy kích. Trận dọc đường số 7 coi như xóa sổ toàn bộ Quân đoàn 2 ngụy. Còn sống sót tên nào, dù có chạy được đến Tuy Hòa, đến Nha Trang cũng bạt vía kinh hồn, không thể trở lại đơn vị để tham chiến nữa.
    Và trong trận đường số 7 Cheo Reo, Phú Bổn đó cũng có không ít thường dân bị chết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Nguyễn Ngọc Long tham gia, việc ông Phan Nhật Nam đặt tên gì chỉ là cái cớ để tôi có hứng thú trở lại như đã viết, cái mà tôi muốn nói đến là cái kiểu như " một mét vuông có tới hai hay ba xác chết", "cộng quân đã đứng rất gần để tác xạ vào đám dân Quảng Trị chạy loạn" mà các ông ấy diễn tả kia bạn ạ.

      Xóa
  4. cuonghaodiachu-Bủm12/03/2012 12:32:00 CH

    Đã chiến tranh thì làm gì có kẻ thắng người thua, hơn thế nữa được xem như cảnh nồi da xáo thịt...
    Mỗi bên đều có cái "lí" để vin vào sự kiện mà múa. Nhưng vin kiểu này thì e là khó ngửi. Cái đám xác không hồn lưu vong cứ hoắng lên cho lắm chứ mấy ai coi đó là "sử" đâu mà hoắng.
    Từ 72-75 là 3,4 năm chứ ít đâu!
    Mít Khoằm quả là siêu! Thành gất!

    Trả lờiXóa

  5. Theo trang mạng của đám cờ vàng (Hội ngộ vì một VN tư do, 31/10/2011 11:05 AM);
    Loạt bài do ba người - nhà văn Giao Chỉ, ký giả và phóng viên nhiếp ảnh NgyThanh, và Trùng Dương - viết từ ba góc nhìn về ba thời điểm khác nhau, song cùng một chủ đề: "“Đại Lộ Kinh Hoàng”, nơi gần 2.000 con người chạy loạn đã bị Cộng quân pháo kích"

    Tác giả Trùng Dương (cựu Chủ nhiệm báo Sóng Thần)cho biết:

    "Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa với trụ sở đặt tại San Jose, California, qua nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, vừa chuyển đến chúng tôi lời mời tham dự vào việc thực hiện cuốn phim tài liệu về trận phản công tái chiếm Quảng Trị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Hè 1972

    Trong bài viết, bà Trùng Dương kể lại:

    "Trong khi nhiều ký giả trong nước cũng như ngoại quốc, lúc ấy vì bất ngờ, chưa kịp trở tay, thì Sóng Thần đã có tin cập nhật hàng ngày do các đặc phái viên “nằm vùng” của các văn phòng này gửi về. Do đấy, báo Sóng Thần có số bán lớn nhất trong thời kỳ này.

    Song có lẽ một trong những điều đáng nói hơn cả, và cũng ít người biết tới, là chương trình hốt xác của ngót 2.000 đồng bào thiệt mạng vì pháo kích lẫn bom bay đạn lạc trên đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước – đoạn đường máu mà NgyThanh trong bài tường thuật qua điện thoại tối 1-7-1972 đã gọi bằng tên "Đại Lộ Kinh Hoàng", và bốn chữ đó trở thành tên của đoạn quốc lộ của Tử Thần này.

    Như vậy tường thuật này đáng tin cậy vì đã được tường thuật trực tiếp trên điện thoại (Phóng viên NgyThanh - báo Sóng Thần) tối 1-7-1972.

    Lưu ý thêm: Phóng viên NgyThanh năm ấy 23 tuổi, còn là phụ trách phòng nhiếp ảnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, KBC 3463.

    Vậy có thể tin cậy rằng:

    Số người chết: 2000 người, do pháo kích, các bức ảnh cho thấy người chết hầu hết là lính VNCH.
    Đại lộ Kinh hoàng: đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước (Lee không xác định được cự ly)
    Tên "Đại lộ Kinh hoàng" do NgyThanh đặt.

    Trả lờiXóa

  6. Trích thêm từ bài viết trên: "Trong một cuộc điện đàm gần đây với NgyThanh, anh Châu cho biết con số đích xác của những xác người đã được hốt về từ Đại Lộ Kinh Hoàng năm ấy: 1.841 xác."

    Nếu theo tác giả Phan Nhật Nam và "sử gia" cờ vàng thì: 9 trên km có 18.000 người chết!!!

    Con số phóng đại là 10 lần!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, điều Khoằm muốn nói là đó, cảm ơn cô Lee!

      Gì chứ "quân sử" cờ vàng Khoằm ngâm hơi kỹ, cu Quảng BKIS còn phải kêu bằng cố nội!

      Xóa
  7. Trong bài đã dẫn, bà Trùng Dương còn nói thêm là do pháo kích hoặc bom rơi đạn lạc, nghĩa là cũng không loại trừ bom, đạn Mỹ là nguyên nhân.

    Mấy thằng ngợm nào nói bắn trực diện vào đoàn người, rồi lại thấy cả súng cối 61 ly và B40 là những vũ khí có tầm xa không quá 1 cây số NẰM NGỔN NGANG thì lại cho thấy trong số 2000 người chết đó, có NHIỀU VC ... Dấu đầu lòi đuôi, thế mới tài???!!!

    Bác Khoằm điều nghiên xem đoạn Quốc lộ 1 từ cầu Bến Đá đến cầu Trường Phước là mấy cây lô mếch.

    Mà Lee kể ra cũng hơi mau miệng, lật "tẩy" sớm quá, xin rút kinh nghiệm.

    Bác nói Quảng nào, Quảng "nổ" BKV à? Đàn cháu (bên ngoại)tớ đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đàn cháu của cô Lee đây http://anti-bkav.com/images/quang_no/nguyen-tu-quang-bomb-thrower.jpg

      Xóa
  8. Thôi, các bác ơi! Vài hôm nữa đến ngày 21/12/2012 thì phản động rân trủ cũng nghoẻo hết. Chúng ta cũng thế! Tha cho họ đê!
    Các bác đã tìm chỗ cho mình chưa?

    Ba Vì là nơi an toàn trong Ngày Tận thế?
    http://googletienlang.blogspot.com/2012/12/ba-vi-la-noi-toan-trong-ngay-tan-the.html

    Trả lờiXóa
  9. Chết nhiều nhất cho cả dân cả ngụy và cả QGP là do B52 rải thảm và do pháo Mỹ bắn bừa bãi từ ngoài biển vào.
    QGP không bao giờ có dư đạn pháo để bắn bừa bãi
    Chỉ đến 1/1975 QGP thu được 1 ít đạn pháo ở Phước long thì mới đỡ tý, sau đó 3/1975 thu được ở Kho Mai Hắc Đế ở Ban Mê Thuột thì QGP mới có nhiều đạn pháo thôi.

    Trả lờiXóa
  10. Mỹ nó tự ý đặt ra khái niệm DMZ trên lãnh thổ VN, còn ngụy SG cứ thế vô tư nhai lại như con vẹt không có não!

    Hiệp định Geneva nó chỉ quy định 1 cái line (nghĩa là đường - không có iện tích), chứ không có cái Zone nào cả!
    Mà cái line đó cũng chỉ là millitary - chỉ có ý nghĩa về quân sự, không có giá trị đối với dân thường! Và cái line đó cũng chỉ là tạm thờii trong 2 năm!

    Trả lờiXóa