28 tháng 2 2012
27 tháng 2 2012
Diễn biến về phát biểu của Bí thư Thành
Về phát biểu của Bí thư Thành Khoằm đã có đăng phần đầu trong link trên, nay xem ra sự việc có nhiều tình tiết nên tách sự việc ra thành note riêng.
Bạn nào có nhu cầu xem video phát biểu của Bí thư Thành, xin theo link trên để xem.
Đã làm quan là phải đàng hoàng - Báo điện tử Sài Gòn Tiếp Thị
Ông Nguyễn Sự, bí thư thành uỷ Hội An
Đã làm quan là phải đàng hoàng
SGTT.VN - Tự nhận là người… thiếu văn hoá nhất Hội An, nói to nhất Hội An, con người bén nhọn, nhạy cảm đến quyết liệt ấy suốt 30 năm qua đã sống chết với Hội An, để gìn giữ cho được một không gian sống vừa xưa cũ, vừa hiện đại. Giữa không gian liêu trai của ngày Hội An ở Sài Gòn (10 – 12.2), ông đọc cho tôi nghe bài thơ của Chế Lan Viên: Yêu ở đâu thì yêu / Về Hội An xin chớ / Hôn một lần ở đó / Cả đời vang thuỷ triều…
Theo ông, điều gì làm nên sự quyến rũ kỳ lạ của vùng đất Hội An? Những biến động lịch sử có làm cho sức mạnh ấy bị vùi lấp, mai một?
Văn hoá là một khái niệm mở, bảo tồn nằm trong sự phát triển, không đóng khung, đóng cửa, vì thế nó luôn luôn động, phù hợp với đương đại nhưng vẫn giữ được những gì tốt đẹp của quá khứ. Trong một quá trình dài của lịch sử, Hội An vẫn giữ được sự giao lưu, giao thương, đó là một bản lĩnh rất kỳ lạ. Thế kỷ thứ 16 – 17, Hội An là thương cảng sầm uất bậc nhất của Đàng trong, nơi mở cửa đầu tiên của đất nước giao thương với thế giới, từ đó hội nhập với các nền văn hoá khác. Trải qua một thời kỳ dài trọng nông ức thương, Hội An vẫn giữ được tinh thần mở cửa, coi buôn bán là chuyện bình thường, giữ được con đường tơ lụa. Như trong kiến trúc, những ngôi nhà phố hình ống chẳng có mặt tiền, mặt hậu, sẵn sàng mở cửa đón mọi người. Những ngôi nhà của người Hoa, người Nhật đều do bàn tay tài hoa của thợ mộc Kim Bồng, thợ ngói Thanh Hà tạo dựng, vẫn mang diện mạo rất đặc trưng của Hội An…
Mỗi năm Hội An đón nhận đến 1,5 triệu du khách, với dân số khoảng 90.000 người, tính trung bình mỗi người dân đón 150 du khách/năm, làm thế nào để họ vẫn là mình?
Lấy cái tĩnh, vừa vừa, nhỏ nhỏ, bé bé để phát triển, đó là bí quyết của Hội An.
Bản lĩnh của người Hội An chính là sự đón nhận văn hoá các nước một cách bình tĩnh, đĩnh đạc, không ngần ngại, không sợ sệt, không vồ vập… tạo nên một văn hoá đa quốc gia, đa vùng miền, nhưng lại rất Hội An. Chiều sâu tận cùng của văn hoá, của kiến trúc chính là con người. Hội An là một di tích hoàn toàn sống, không bị đứt gãy nhờ những con người nhiều thế hệ sống trong các khu phố cổ. Điều lạ nữa là dân Hội An nghèo, nhưng chẳng ai phá nhà cổ làm nhà mới. Thời bao cấp mỗi nhà chỉ sống bằng vài ba khung dệt, nhưng vẫn giữ nguyên nếp nhà như một sự tri ân với cha ông của họ. Họ giữ lại những gì đẹp đẽ của quá khứ, đâu biết ngày mai sẽ thành di sản. Thời đổi mới, nhà nhà làm du lịch, có người giàu lên nhưng cũng chẳng ai đập nhà làm khách sạn. Ngoài quy định của chính quyền, chính người dân ý thức được chuyện đó. Phố cũng không cần cửa đóng then cài. Dân phố không soi mói, nhưng biết quan tâm đến nhau. Điều gì không phải, trái với đạo lý khó sống được ở đây. Dù lịch sử đầy biến động, người Hội An vẫn giữ được chiều sâu cốt cách, tâm hồn mình. Nhỏ bé, thân thuộc, không vội vã, không có những con đường rộn ràng, chẳng ai chạy xe quá nhanh. Khi con người sống có trật tự thì trong tâm thức, suy nghĩ cũng chậm lại, nhập thân, nhìn lại mình nhiều hơn. Những con người ấy đã biết tự làm mới mình hàng ngày, tạo ra hồn của phố, sự thân thuộc bình yên và một chút chân quê khiến ai đã một lần tới là nhớ mãi, giống như được trở về nhà.
Để sự quyến rũ chân thực ấy giữ chân du khách lâu hơn, có quyết sách nào không thưa ông?
Quyết sách của tôi là giúp người dân có thu nhập một cách văn hoá. Lâu nay chúng ta thường dựng làng nghề theo kiểu biểu diễn. Muốn hấp dẫn du khách, làng nghề phải thực sự sống được bằng nghề. Bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng Kim Bồng góp phần tạo ra dáng hình đất nước, tâm hồn của người dân Trà Quế tạo nên mùi hương sâu đậm của rau húng, rau thơm. Muốn phục hồi làng nghề phải có đội ngũ làm nghề ngay tại làng. Hội An kiên trì đào tạo lớp trẻ sống chết với nghề, cha truyền con nối. Người dân không chỉ sống được nhờ trồng rau, mà còn khá lên nhờ những dịch vụ du lịch từ nghề rau. Suốt chín năm kiên trì thuyết phục bà con cùng với các quyết sách như giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm… đến nay chúng tôi đã phục hồi được làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà. Du khách được trồng, thu hoạch rau, chăn trâu, tắm trâu, nuôi trâu đi cày, sống, ăn ở trong nhà dân có khi cả tháng trời, và trả tiền một cách thích thú. Mỗi người nông dân Hội An đang trở thành một sứ giả văn hoá thông qua con đường kinh tế du lịch, họ biết giữ cho môi trường sạch hơn, yêu động vật hơn, và cũng văn minh hơn.
Hội An lên cấp thành phố, ông có lo văn hoá thị sẽ lấn át văn hoá làng?
Đó chỉ là một danh xưng, sự phát triển đòi hỏi văn minh, dù thị xã hay thành phố, Hội An vẫn giữ được tinh thần của nó. Văn hoá làng và văn hoá thị bổ sung, kìm giữ nhau, trì kéo nhau, tạo nên thế cân bằng hơn. Trong tốc độ đô thị hoá chóng mặt hiện nay, giữ gìn vẻ đẹp của một ốc đảo như Hội An là nỗi lo chung của mọi người. Nhưng chính vì nó quá mong manh, dễ vỡ nên mọi người đều phải cùng nâng niu, giữ gìn. Hội An lúc nào cũng có vấn đề, lúc nào cũng có sự bền vững dù luôn thay đổi. Suốt thời gian tôi làm chủ tịch Hội An, chưa thấy ai bị tha hoá, các tệ nạn vào Hội An đều được dân báo ngay. Hội An nói không với bia ôm, ngoài đường cũng không có công an, người dân có thể gặp người làm chính quyền mọi lúc, mọi nơi. Không có khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Ai vào nhà bí thư cũng được.
Còn quyết sách để giải bài toán đất đai ở Hội An, khi nơi đây luôn là điểm nóng hấp dẫn các nhà đầu tư? Làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư?
Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa. Cái gì người ta không thể thì mình hãy giữ lấy. Tôi là người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đất của dân phải để cho dân làm. Như vùng biển Cửa Đại, tôi không chủ trương lấy đất đầu tư, mà đầu tư tại chỗ và những người dân định cư tại chỗ, không dời dân. Với nhà đầu tư, Hội An quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng, mật độ xây dựng không quá 30%, không được mở massage, không được xây tường rào che chắn, không đi cửa sau, không mua đi bán lại… Chính vì thế những nhà đầu tư giả, dỏm rất khó chịu, sẽ bật khỏi liền.
Để gầy dựng một chính quyền vì dân ở Hội An, ông có gặp khó khăn nhiều không?
Hơn 30 năm, trải qua nhiều đời lãnh đạo, Hội An tự hào vì một đội ngũ lãnh đạo trong sạch. Chưa có một đồng chí nào lợi dụng chức quyền lấy một tấc đất của dân, bộ máy chính quyền hoạt động trơn tru nhờ không ai lợi dụng việc công sách nhiễu, tước đoạt của dân. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn để giữ kỷ cương, muốn đội ngũ của mình có ý thức, chính người lãnh đạo phải làm gương. Không thể nói anh em đừng tham ô mà mình vẫn nhận tiền vào túi. Ai có công mình thưởng xứng đáng, nhưng khi anh em gặp khó khăn mình phải chia sẻ, giúp đỡ, có trách nhiệm với cả gia đình mỗi người. Con người không chỉ sống bằng đồng lương, mà còn bằng cái nghĩa. Khơi gợi chữ nghĩa trong đội ngũ làm nên phẩm cách của cán bộ mình. Kiểm tra đến nơi đến chốn công việc được giao, những nơi nguy hiểm nhất mình phải xông vào đầu tiên. Mình không xả thân thì đừng nói anh em xả thân. Khi mình sử dụng quyền lực để làm những việc có ích cho mọi người, đứng đầu sóng ngọn gió, biết tiếp thu ý kiến, biết chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định của mình, sẽ quy tụ được anh em. Tôi cảm thấy ấm lòng vì được anh em thương, quý, chia sẻ, nhờ thế mình không cảm thấy cô đơn.
Tôi không thích từ quan “thanh liêm”, đã làm quan là phải đàng hoàng, không thể nhận những gì không phải của mình. Làm chủ tịch, lương 5 triệu đồng/tháng, khi đã chấp nhận mức lương đó, phải làm tốt phần việc của mình. Đừng đổ thừa đồng lương đạm bạc mà tham ô, bởi có ai buộc anh làm đâu? Tôi là người không mưu mô, không thủ đoạn, mọi thứ đều đặt hết lên bàn, nên có thể đập bàn nếu thấy bất bình, khuất tất.
Suốt một thời gian dài làm chủ tịch, nhiều người nói ông “giả chết” vì vẫn ở căn nhà tranh dột nát, ông có buồn nhiều không?
Rất đau, nhưng không thể bụm miệng người đời, vì dân có quyền nghi ngờ. Người dân sẵn sàng nghĩ mình ngồi chỗ đó chắc hốt bạc. Nhà đầu tư nào đến cũng đưa phong bì đầu tiên, dù chưa làm gì cả. Chứng tỏ trong suy nghĩ của họ phải có phong bì công việc mới chạy… Nhưng tôi không bao giờ chấp nhận như thế.
Căn nhà tranh giờ đã được sửa lại thành nhà trệt cấp bốn, đất ấy là do ông bà tôi để lại. Lương hai vợ chồng tôi cộng lại 13 triệu đồng, làm gì cho hết (cười sảng khoái). Biết bao nhiêu là đủ, tri túc là được. Tôi không thấy khổ, vì mình khổ quá rồi, chịu khổ là chuyện bình thường. Điều tôi buồn nhất là không làm được nhiều cho Hội An. Người dân quê tôi dù được hưởng lợi từ du lịch bớt cơ cực đi, nhưng chưa được giàu có…
Là người khá cực đoan, có bao giờ ông phải xin lỗi dân vì một quyết định sai? Anh có sợ những quyết sách quá táo bạo, luôn đi trước của mình sẽ ảnh hưởng đến đường hoạn lộ?
Có đấy. Một lần tôi đã ra quyết định trồng hoa sữa dọc phố. Nhưng đâu ngờ đến mùa hoa nở, cả con phố nồng nặc mùi hoa rất khó chịu. Tôi phải đứng ra xin lỗi dân và đốn đi trồng cây mới.
Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa, mới là bi kịch. |
Tôi nhớ mãi cơn bão năm 2007, sau cuộc họp chiều, chúng tôi thông báo toàn thị xã sáng mai mới dời dân. Nhưng khi bưng bát cơm tối lên ăn, tự nhiên một linh cảm ập đến khiến tôi giật mình. Nhiều anh em phản đối dữ dội nhưng tôi vẫn buộc phải dời dân trước 12 giờ đêm. Quả nhiên 1 giờ sáng bão tràn vào ngập hết nhà. Sống ở Hội An là sống chung với lũ, người lãnh đạo phải biết rõ bão đi theo hướng nào, chỗ nào là thiệt hại nặng nhất để giúp dân tránh gió, di dời. Phải nghe lượng mưa trên nguồn, và tìm ra cái gì có lợi trong lũ. Sắp tới tôi sẽ tổ chức cho khách đi ghe chụp ảnh những con đường nước ngập, tuyệt vời lắm đó.
Quyết định tắt đèn, đi bộ đêm rằm đến với tôi vào một tối mất điện năm 1998, tự dưng thấy phố đẹp lạ lùng. Sáng hôm sau quyết định làm liền. Những ngày đầu người dân phản đối quyết liệt khiến anh em nản lắm, nhưng mình cương quyết giữ, cố gắng điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đến tháng thứ tư thì thành công, và trở thành sản phẩm độc đáo. Có những quyết định phải trả giá dữ lắm, nhưng tôi chấp nhận, kể cả việc mất chức. Nếu so đo tính toán vị trí của mình thì chẳng làm được gì. Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ. Làm sao để anh em có một chỗ dựa, có lòng tin vào mình là khó nhất.
Cơn bão lớn nhất mà ông đã vượt qua?
Thời điểm tôi mới làm chủ tịch, quyết định cấm để xe trên lòng lề đường đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của bà con. Vợ ở nhà mỗi lần ra chợ nghe dân tiếng bấc tiếng chì suốt một năm trời, giờ thì thành hình mẫu, cả nước học tập Hội An. Khi nhà cổ xuống cấp, dân xin sửa nhà tôi đồng ý cho sửa theo nguyên gốc. Tự biết đó là quyết định vô trách nhiệm, tôi cảm thấy mình vô cùng có lỗi, vì dân lấy tiền đâu ra mà sửa theo nguyên gốc, nếu lỡ nhà sập thì vô cùng nguy hiểm. Tôi chủ trương bán vé di sản để lấy tiền giúp dân sửa nhà. Quyết định này cũng gặp phải áp lực từ mọi phía, đang đi ngoài đường tôi bị dân chận lại chất vấn, phải đứng giữa đường giải thích cho dân nghe. Từ 50 triệu đồng/năm, doanh thu đã tăng 8 tỉ, giờ là 40 tỉ đồng/năm. Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa, mới là bi kịch.
Bài học đắt giá nhất mà tôi nghiệm ra từ trong gian khó là bài học về lòng dân. Tôi không nói giáo điều đâu. Muốn thành công phải được lòng dân, lo cho cuộc sống của dân. Rất nhiều lần tôi nghe lời dân hơn là cấp trên, đó là cá tính của tôi. Nhiều văn bản nhà nước không sát với thực tế, nếu cứ theo nguyên tắc thì làm khó dân dữ lắm, phải chấp nhận trả giá thôi. Tôi không biết nịnh, cũng rất ghét người ta nịnh mình. Người nịnh đã hèn, mà người ưa nịnh còn tệ hơn.
Điều gì khiến ông phải đau lòng nhất?
Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ. |
Có một bộ phận cán bộ nhà nước thoái hoá, biến chất, tham nhũng, làm giàu bất chính đến mức xấu hổ, khiến cho người dân không còn tin vào những người đại diện chính quyền, đó là điều làm tôi chua xót nhất. Nỗi đau này không chỉ của riêng tôi, mà còn là nỗi đau của biết bao cán bộ chân chính nhưng đã bị bôi đen bởi một số không nhỏ đang làm giàu trên mồ hôi nuớc mắt của nhân dân. Sức dân chỉ thực sự huy động được khi lòng dân an ổn. Làm mất niềm tin của dân là tổn thất vô cùng lớn.
Ông đã học được gì của người xưa, để vượt qua mọi bão tố cuộc đời?
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ cha tôi đều là nông dân làm thuê cuốc mướn. Ba mẹ cơ cực mò cua mót lúa nuôi tôi ăn học nên người. Khi mình có tiền mua được cho mẹ bộ đồ đẹp thì bà đã mất. Điều tôi học được lớn nhất từ mẹ là làm sao biết sống đùm bọc lẫn nhau, như hàng xóm đã từng đùm bọc gia đình tôi. Cái nghĩa trong tôi lớn lắm. Nhìn mấy cụ già lọm cọm là tôi lại nhớ mẹ vô cùng, tự hứa với lòng phải sống sao cho thật tốt, nếu không làm lợi cho ai đó thì đừng nên làm hại ai đó. Con người ai cũng cần niềm tin. Niềm tin chính đạo giúp người ta sống thiện hơn. Ở Hội An, giữa phố có chùa Cầu, chùa là đạo, cầu là đời, đạo và đời không có khoảng cách. Khi bánh xe công nghiệp đang nghiến nát nhiều giá trị sống đích thực, tôi tin đời cha ăn mặn chưa xong đã khát nước rồi, chẳng cần đợi đến đời con. Biết thế để sống đàng hoàng, lương thiện hơn. Phật tự tâm, ma cũng tự tâm. Quyền lực trong tay mình, trị dễ lắm, tha mới khó. Phải tìm trong cái lỗi của người ta có cái lý mà tha. Tôi luôn tập điều đó. Mỗi người có một sứ mệnh riêng, số mệnh của tôi gắn với Hội An. Và tôi tin tương lai Hội An sẽ là nơi hội nhân, hội thương, hội tụ văn hoá, hội tụ sự an bình.
Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Nhà văn Nguyên Ngọc: “Nếu không có Nguyễn Sự, sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh tuý của người Hội An: trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Vừa rồi sửa chợ, anh em vất vả lắm vẫn không dời được mấy chị bán lề đường vào chợ, lại còn bị chửi gay gắt. Cuối cùng Nguyễn Sự phải ra tay, ông mời bà chửi hỗn nhất ra… chửi thi với ông. Thế là các bà sững ra, cười phá, lặng lẽ chấp nhận vào chợ. Sở dĩ ông làm được điều đó vì được dân thương. Cù lao Chàm cũng là một chuyện kỳ lạ của Nguyễn Sự, đây là nơi duy nhất không có bao nilông. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hoá bao giờ cũng mong manh, luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan”.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Để giữ được một thành phố sạch, cảng thị đầu tiên sinh ra những nhà ngoại thương, nơi đầu tiên của Việt Nam sống với toàn cầu… cần có một chính quyền sạch, những con người Hội An thực sự sạch. Nguyễn Sự đã làm được điều đó. Bằng trí tuệ và sự quyết liệt của mình, anh đã giữ được Đảng bộ Hội An thật sự liêm khiết, vì dân, để cùng những con người đầy bản lĩnh của Hội An hướng đến một thành phố phụng dưỡng môi trường, phụng dưỡng thiên nhiên, đón nhận và chắt lọc tất cả những giá trị văn hoá, văn minh của thế giới”. |
22 tháng 2 2012
Ở Hải Phòng không chỉ có Tiên Lãng
Ở Tiên Lãng không chỉ có chuyện nhà ông Vươn
16 tháng 2 2012
Tiên Lãng xưa và nay
Theo như bài báo của Trần Phương mà Blogger Giao giới thiệu thì tương lai Tiên Lãng rất sáng sủa, nhất là cửa sông Văn Úc, tức là ngay chỗ đầm bồi đang nóng hổi, có lẽ đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự việc nóng hổi hơn tháng nay (thật ra nóng từ mấy năm nay rồi - từ thời bài báo của Trần Phương ra mắt - nhưng chưa hổi).
Dưới đây xin dẫn đoạn giới thiệu của Blogger Giao, bạn đọc quan tâm xin theo link bên trên để đọc toàn bài: Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Tiên Lãng - 1 (tổng quan về Đò Mè, bài Trần Phương)
Từ đây trở xuống là bài của Blogger Giao:
Có thể đại khái mường tượng mạng lưới buôn bán nối các cảng sông cảng biển ở Đàng Ngoài thế kỉ 17-18, như sau:
Thế giới (Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Pháp,...) --- Thăng Long --- Domea (Đò Mè) --- Phố Hiến (Hiến Nam).
Sau nhiều suy đoán, trên các cơ sở khác nhau, người ta đang giả định rằng Domea là Đò Mè, và Batsha là Bạch Xa, hai địa danh đều thuộc địa phận huyện Tiên Lãng ngày nay.
Bài dưới đây của Trần Phương là lược lại các giả định của giới sử học về hai địa danh, cộng với thực tế vào năm 2008 của vùng Tiên Lãng. Bài đã đăng trên tờ An Ninh Hải Phòng (cơ quan của công an thành phố Hải Phòng), hơn 3 năm trước.
Phố Hiến trong câu "Thứ nhất Kinh kì, thứ nhì Phố Hiến" giờ đã "lâm lạc" rồi, chỉ còn là hồi ức của một thời vàng son không trở lại. Còn Tiên Lãng, với Đò Mè, sau dâu bể đổi thay, bây giờ lại trở về trong câu ca đặt mới, cứ cho là của dân gian đi, rằng:
Thứ nhất Kinh kì, thứ nhì Tiên Lãng
15 tháng 2 2012
Đâu là quyền lợi của người dân
LỜI NGỎ
Tôi là Nguyễn Xuân Ngữ, Sinh năm: 1943 (trong lý lịch 1946), Địa chỉ: 166/6 ấp Mỹ Thành, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TPHCM, Điện thoại: 0913777040
Là cựu chiến binh, gia đình có công với cách mạng, là nạn nhân của việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của Ủy ban Nhân dân Quận 9 TPHCM. Tôi và hàng trăm công dân tại Quận 9 đang theo đuổi khiếu nại, tố cáo nhiều quan chức của quận 9 và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng (quyền sử dụng đất) của hàng nghìn hộ dân, tạo điều kiện cho những nhóm lợi ích chiếm đoạt đất đai của nhân dân với giá rẻ mạt và cách thức bất công.
Chúng tôi rất ngưỡng mộ tấm gương anh Đoàn Văn Vươn, người cũng có hoàn cảnh như chúng tôi. Anh Đoàn Văn Vươn và đại gia đình anh đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giành công lý, chống những bất công đối với những người bị chiếm đoạt thành quả lao động và đất đai. Chúng tôi chưa đủ dũng cảm như anh, nhưng có thể đến một ngày nào đó, không chịu được bất công, chúng tôi sẽ học gương anh Đoàn Văn Vươn.
Chúng tôi xin phép lấy tên anh làm tên Blog trên WordPress.com để có địa chỉ tập hợp những bài viết về những bất công trong lĩnh vực đất đai tại Việt Nam, góp phần bé nhỏ vào công cuộc đấu tranh vì sự nghiệp dành lại công lý cho những nạn nhân bị tước bỏ tài sản, thành quả lao động, đất đai từ những vi phạm pháp luật về đất đai của chính quyền các cấp tại Việt Nam.
Chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu, luật sư, nhà báo, dân oan và các công dân có lòng thành khác quan tâm và đóng góp các bài viết, phản hồi cho trang Blog này.
Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo, quan chức Việt Nam liên quan sẽ đọc những bài viết trên trang Blog này để rút ra những bài học và kinh nghiệm cho chính họ, giang tay làm giảm bất công, tránh xa điều ác, để đức thiện cho con cháu.
Đối với những bài viết mang tính chất khiếu nại, tố cáo chưa được xác minh chính thức, chúng tôi sẽ gửi cho các cơ quan liên quan. Nếu không có phản hồi, chúng tôi sẽ coi rằng những thông tin trong các bài viết này là có cơ sở và sẽ đăng.
Trong thời gian đầu, chúng tôi sẽ tập hợp những bài viết về vụ gia đình anh Đoàn Văn Vươn, vụ gia đình tôi (Nguyễn Xuân Ngữ), các vụ chiếm đoạt đất đai tại Quận 9, TPHCM
Chúng tôi rất mong lời ngỏ này của chúng tôi được đăng trên trang Anh Ba Sàm, một trang Blog rất có uy tín và được các dân oan như chúng tôi ngưỡng mộ, hy vọng được bạn đọc xa gần và Quốc tế quan tâm.
Nguyễn Xuân Ngữ – Người điều hành Blog doanvanvuon.wordpress.com
Chính quyền sai nhưng ông Vươn vẫn phạm tội - Xã hội - Pháp Luật TPHCM Online
Hành vi chống lại lực lượng cưỡng chế bằng vũ khí, có chuẩn bị trước là hết sức nguy hiểm, phải bị xử lý nghiêm dù như Thủ tướng kiến nghị có xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của ông Đoàn Văn Vươn cùng với người thân tham gia chống lại lực lượng cưỡng chế đã phát sinh nhiều tranh cãi, đồn đoán.
Có ý kiến cho rằng ông Vươn không phạm tội giết người vì ý thức chủ quan ông chỉ muốn bảo vệ quyền sử dụng đầm tôm của gia đình mình chứ không chủ ý muốn giết ai. Có ý kiến nói do chính quyền thu hồi đất sai, cưỡng chế sai nên hành vi “đối đầu” chống đối chính quyền của ông Vươn và người thân không phải là chống người thi hành công vụ. Thậm chí có ý kiến bảo vì chính quyền thực hiện công vụ sai nên việc làm của ông Vươn và người thân là chính đáng, cần tha bổng, miễn trách nhiệm hình sự cho họ…
Chống đối là vi phạm pháp luật
Một số luật sư cho rằng cần xem lại việc truy tố về tội chống người thi hành công vụ đối với ông Vươn. Các luật sư này lập luận: Việc cưỡng chế đất đã được kết luận là sai, đương nhiên những người thi hành lệnh cưỡng chế đã thực hiện một công vụ sai. Do đó, khi ông Vươn chống lại những người làm sai thì không phải là chống người đang thi hành công vụ.
Tuy nhiên, ThS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), không đồng tình với quan điểm trên. Ông Tuấn phân tích: Về nguyên tắc, một quyết định hành chính có hiệu lực phải được thi hành. Còn quyết định đó đúng hay sai, người dân có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu họ không chấp hành, chống lại lực lượng cưỡng chế bằng vũ lực, dùng hung khí, vũ khí… thì hành vi đó là chống người thi hành công vụ, bất kể có oan ức hay không.
Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) sau cưỡng chế. Ảnh: Đức Bình
Giết người hay cố ý gây thương tích?
Các luật sư cũng cho rằng việc truy tố ông Vươn tội giết người cũng cần xem lại. Về khách quan dù ông gài mìn, bắn súng nhưng ý thức chủ quan không nhằm giết người và thực tế hậu quả chết người cũng chưa xảy ra. Họ chỉ bức bối chống lại việc cưỡng chế để bảo vệ quyền sử dụng đất và tài sản của mình. Theo các luật sư, hành vi của ông Vươn chỉ phạm vào tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 Bộ luật Hình sự.
Thế nhưng một số ý kiến lưu ý mục đích của lực lượng cưỡng chế cũng chỉ nhằm thu hồi tài sản chứ không phải xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của ông Vươn và người thân. Không thể cho rằng ông Vươn và người thân phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, bởi hành vi phạm tội của họ không phải là phản ứng tức thời mà có sự chuẩn bị từ trước. Hành vi ấy cũng không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bởi ở đây không có gì là xâm phạm một cách bất hợp pháp để mà phòng vệ cả.
Vị thẩm phán nêu ở phần trên cũng đồng ý rằng trong vụ này, hậu quả chết người chưa xảy ra, chưa xác định được ý chí chủ quan của người gây án thì hậu quả tới đâu, xử lý tới đó. Vì thế có thể xử lý ông Vươn tội cố ý gây thương tích.
Xem xét giảm án
Dù còn nhiều ý kiến phân vân về tội danh nhưng các luật sư, thẩm phán đều cho rằng hành vi dùng vũ lực, vũ khí… chống lại lực lượng cưỡng chế gây thương tích là phạm tội. Tuy nhiên, vụ cưỡng chế có kết luận là chính quyền cưỡng chế sai nên có thể xem xét giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự cho ông.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói: Chúng ta phải khẳng định là ông Vươn và người thân có tội nhưng xét nguyên nhân phạm tội là do bị o ép bức xúc kéo dài gây nên sự kích động về tinh thần. Vì thế nên xem xét giảm nhẹ tối đa, thậm chí nếu có thể miễn trách nhiệm hình sự cho ông Vươn và người thân. Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng có ý kiến đề xuất như vậy trong lần trao đổi mới đây với PV.
Chúng ta phải khẳng định một điều là người thi hành công vụ đúng hay sai cũng là làm nhiệm vụ nhà nước. Người dân chống lại việc cưỡng chế một cách trái pháp luật là vi phạm pháp luật, ở mức độ nghiêm trọng là phạm tội hình sự. Kết luận việc cưỡng chế sai chỉ là tình tiết giảm nhẹ cần đặc biệt lưu ý khi xử lý mà thôi. Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM Hành vi phạm tội là rõ ràng nhưng cơ quan tố tụng cần xem xét đặc biệt cho hoàn cảnh của ông Vươn. Lý do là nguyên nhân phạm tội xuất phát từ cái sai của chính quyền, cơ quan tố tụng nên cân nhắc từng tình tiết, nhân thân bị can để xử lý. Giảng viên PHAN ANH TUẤN, ĐH Luật TP.HCM |
THANH TÙNG