13 tháng 5 2006

JONESTOWN LÀ CÁI GÌ?






Cái chết bí ẩn của 1.000 du khách tại Guyana (Kỳ 1)                                                     06/04/2005
Tại New York, mới đây đã ra đời một ban nhạc rock mang tên Jim Jones và tự sát. Điều này phản ánh một khuynh hướng mới trong âm nhạc là khơi dậy những vụ án lớn của thời đại. Câu chuyện Jonestown đã được công chúng Tây phương biết rất rõ qua các phương tiện thông tin đại chúng kể từ năm 1978. Nhưng điều bí ẩn mà nó ẩn chứa, sau 36 năm cho đến nay mới bị phơi bày ra ánh sáng phần nào. Một án mạng du lịch hy hữu mang màu sắc thần bí của các hoạt động tôn giáo mờ ám...
Hàng ngàn du khách bị lừa, chết phơi xác giữa rừng Jonestown
Một thủ lĩnh tôn giáo cuồng tín tại California cầm đầu nhóm đệ tử gồm nhiều sắc dân đi sâu vào rừng Guyana, Nam Mỹ để thành lập thiên đàng tại thế. Giáo phái này có tên Đền thờ của nhân dân - ĐTND, ra đời tại San Francisco, thu hút dân nghèo, những nhà hoạt động xã hội, dân da đen và Tây Ban Nha, cả già lẫn trẻ. Nhóm này từng bị báo chí tố giác đánh đập, bắt cóc, hiếp dâm người. Giáo chủ Jim Jones đã nhân cơ hội đó di dời cả tổ chức vào rừng sâu Trung Mỹ. Sự việc lôi kéo cả dân biểu Quốc hội Leo Ryan nhập cuộc đi theo họ đến tận Guyana...

Bị cô lập tại một phi đạo ở cảng Kaituma, Ryan và mấy nhà báo đi theo bị giết chết. Tiếp theo sau là đêm thức trắng, một vụ tự sát tập thể của cả thị trấn Jonestown. Cộng đồng này hầu hết là người da đen, bị đầu độc bằng cyanide tẩm trong ly giấy nhãn hiệu Kool-Aid. Họ nằm chết la liệt trên mặt đất: đàn ông, đàn bà, trẻ con. Chính Jones cũng bị bắn chết, có vẻ như tự sát. Trong mấy ngày số lượng người chết tăng vọt, từ 400 lên đến 1.000. Các xác chết được máy bay vận tải đưa về Hoa Kỳ hỏa thiêu hay chôn cất tập thể. Vụ án gây kinh hoàng cả thế giới.

Đệ tử của môn phái ĐTND - Larry Layton vẫn còn bị kết án mưu sát Ryan. Ông này vừa được tặng thưởng Huân chương danh dự, là dân biểu Quốc hội Mỹ đầu tiên chết khi thi hành công vụ.

Báo chí đăng tin trong ngày xảy ra thảm sát: Cái chết tại rừng Nam Mỹ; 400 người tự sát tập thể; 700 chạy trốn vào rừng. Cảnh sát Guyana tìm thấy 809 passport người lớn tại hiện trường và 300 trẻ em. Sau đó là nhiều con số không ăn khớp với nhau. Một tuần sau, chính phủ Hoa Kỳ xác nhận con số chính xác là 913 nhân mạng; 16 người sống sót về được đất Hoa Kỳ. Còn số phận của những kẻ khác? Ít nhất có 100 binh sĩ Guyana đến hiện trường đầu tiên khi sự việc đổ bể. Cùng lúc, gần đó khoảng 600 biệt kích Anh đang được huấn luyện. Chẳng bao lâu sau, quân mũ nồi xanh của Mỹ cũng có mặt. Chính sự hiện diện của các đội quân này đã tạo ra nhiều nghi vấn...

Bác sĩ Mootoo, nhà bệnh lý học cao cấp Guyane đã có mặt tại Jonestown chỉ mấy giờ sau vụ thảm sát. Ông đi theo đội quân đếm xác, không cần sự trợ giúp của các bác sĩ Hoa Kỳ. Trong lúc báo chí Mỹ la lên đây là “vụ tự sát Kool-Aid” thì bác sĩ Mootoo lại có quan điểm hoàn toàn khác biệt.

Chắc chắn có dấu hiệu bị đầu độc. Bác sĩ Mootoo tìm thấy những vết kim mới nằm phía dưới xương bả vai trái của 80-90% nạn nhân, số khác bị bắn chết hay thắt cổ,  người sống sót kể lại những kẻ chống đối đều bị quân vệ binh khống chế. Khẩu súng được xem là giết chết Jim Jones nằm cách xác ông ta đến 60m, không có vẻ gì là tự sát. Là một bác sĩ pháp y nổi tiếng, chứng cớ của Mootoo giao cho tòa án tối cao Guyana dẫn đến kết luận: tất cả bị giết chết bởi một “kẻ bí mật” ngoại trừ ba người. Và chỉ có hai người tự sát thật sự. Phát ngôn nhân quân đội Hoa Kỳ, trung tá Schuler nói: không cần phải khám nghiệm tử thi. Ở đây nguyên nhân cái chết không phải là vấn đề. Các bác sĩ pháp y Hoa Kỳ sau này tiến hành khám nghiệm ở Dover, thuộc bang Delaware, cũng chẳng bao giờ biết đến những điều phát hiện của bác sĩ Mootoo.

Cũng có chứng cớ chính phủ Guyana hợp sức với nhà cầm quyền Mỹ bao che câu chuyện thực, dù họ biết rất rõ. Điển hình là Tư lệnh cảnh sát Guyana, tướng Lloyd Barker nhiều lần can thiệp vào cuộc điều tra đã đem về cho chính phủ 2,5 triệu USD. Trong số những người đến hiện trường đầu tiên có vợ Thủ tướng Guyana Forbes Burnham và Phó thủ tướng Ptolemey Reid. Họ từ bãi thảm sát quay về với gần 1 triệu đôla, nữ trang, vàng lấy từ  trong các ngôi nhà trọ và xác chết. Khi bà Bộ trưởng thông tin Guyana - Shirley Field Ridley công bố số xác chết thay đổi, gây chấn động quốc hội lại từ chối trả lời những câu chất vấn sau đó. Nhiều dân biểu khác đã tố giác Ridley và chính phủ Burnham. Báo chí gọi đó là vụ Templegate. Tất cả đều tố giác họ đã gây ra tội ác ghê tởm.

Đáng kể nhất là chính phủ Hoa Kỳ đã mang đến 16 chiếc máy bay vận tải khổng lồ C-131, nhưng lại nói mỗi chiếc chỉ chở được 36 quan tài. Bình thường chúng có thể chở được xe tăng, xe tải, quân đội và cả súng đạn cùng lúc. Trong chiến tranh Việt Nam, chúng từng chở được mỗi chiếc mấy trăm xác lính Mỹ chết. Thế nhưng phải mất đến một tuần lễ mới chở hết các nạn nhân Jonestown. Các xác chết bị thời tiết oi bức làm thối rữa, chẳng thể nào nhận diện được nữa. Có lúc xác 183 người được nhồi nhét trong 82 quan tài. Mặc dù chính phủ Guyana đã nhận diện được 174 tử thi tại hiện trường, nhưng ở nhà xác tập thể của quân đội Hoa Kỳ tại Dover, người ta chỉ xác nhận lý lịch được 17 người. Nhiều xác chết phải thiêu tại chỗ, cách xa gia đình nạn nhân hàng ngàn dặm. Báo chí bị cô lập, gia đình không thể tiếp cận. Tháng 12 năm đó, Chủ tịch hiệp hội bác sĩ pháp y Hoa Kỳ trong một bức thư công khai đã tố giác quân đội Hoa Kỳ tiến hành khám nghiệm tử thi cẩu thả. Cách thức lột da đầu ngón tay nạn nhân mang về Mỹ để nhận dạng lý lịch là không có giá trị pháp lý.

Sự chậm trễ cố tình đã làm cho hiện trường không thể tái lập được. Các bác sĩ quân đội lại không hề hay biết những phát hiện của  Mootoo. Quân đội và cảnh sát Guyana đến cùng với quan chức Tòa đại sứ Mỹ Richard Dwyer cũng không bảo vệ nổi dân biểu Leo Ryan cùng những người đi theo ông, dù họ ở rất gần phi trường cảng Kaituma với súng ống đầy đủ. Mặc dù Larry Layton, thành viên của giáo phái ĐTND bị kết án sát hại Ryan, Patricia Park, kẻ phản giáo và các nhà báo Greg Robinson, Don Harris, Bob Brown nhưng anh ta không ở vào vị trí có thể bắn chết được họ. Chiếc máy bay hai động cơ Otter chở Ryan vì quá chật nên anh ta phải đi trên một chiếc khác. Khi ngồi trong đó, anh ta đã rút súng ra bắn bị thương hai đệ tử ĐTND trước khi bị tước vũ khí. Một số khác rõ ràng bị giết bởi những kẻ vũ trang, nhảy xuống từ một chiếc xe kéo rờ-moóc tại hiện trường sau khi súng nổ. Nhân chứng kể lại: bọn chúng giống như thây ma, bước đi như robot, không hồn “nhìn xuyên qua người chứ không nhìn vào mặt” khi hạ thủ. Chỉ có một vài người bị giết chết. Rõ ràng chúng có chủ đích từ trước. Một vài người bị thương như phụ tá Jackie Speiers nhưng chúng không bắn bồi tiếp sau khi biết chắc Ryan và các nhà báo đã chết. Bọn người này chẳng bao giờ bị tố giác, có lẽ là thuộc hạ của Layton và không nằm trong đống xác chết ở Jonestown.

Những người còn sống sót  kể lại: trong số các đệ tử của Jones có một nhóm đặc biệt được phép mang vũ khí và tiền bạc, đi lại tự do trong trại. Chúng đều dân da trắng và hầu hết là đàn ông. Ăn ngon và làm việc ít hơn kẻ khác, chúng là bọn vũ trang để duy trì kỷ luật, kiểm soát lao động và hạn chế đi lại. Trong số đó có những kẻ thân tín nhất với Jones như  George Phillip Blakey. Blakey thường xuyên đến George-town, Guyana bằng chiếc tàu biển mang tên Cudjoe. Hắn ở trên tàu khi vụ thảm sát diễn ra. Bọn bảo vệ vũ trang này không ai bị giết cả. Nhiều tên được huấn luyện để giết người giống như các “xác chết”  đã tấn công Ryan. Một số tên đã từng là lính đánh thuê tại Phi châu và nhiều nơi khác. Những kẻ bị giết 90% là phụ nữ và 80% da đen.  Không chắc bọn người vũ trang súng ống và cung tên theo kiểu hiện đại kiểm soát được tình thế và đầu độc được tất cả nạn nhân. Dường như chúng ép được khoảng 400 người chích thuốc độc khiến cho 500 người khác tháo chạy tán loạn. Một kẻ sống sót kể lại còn nghe rõ tiếng hoan hô sau khi xảy ra trận thảm sát chừng 45 phút. Dù chính phủ tố giác bọn này là thủ phạm nhưng không chắc chúng là chủ mưu và cũng không ai biết rõ được tung tích chúng.

Quay trở về California, các thành viên của giáo phái ĐTND công khai thú nhận mình sẽ là mục tiêu kế tiếp của các “biệt đội hành quyết” và họ được cảnh sát địa phương bảo vệ an ninh cẩn mật. Những kẻ cùng đi với Leo Ryan đến phi trường cảng Kaituma còn sống sót khi nhìn thấy Larry Layton leo lên xe tải khi bị còng đều la lên: Hắn không thuộc nhóm của chúng tôi. Dư luận xì xào đến “danh sách phải trừ khử” của chính phủ, và một số người còn cáo giác điều đó trước Tòa án San Francisco. Hãng tin AP vào ngày 19-5-1979 dẫn lời một dân biểu quốc hội nói: Có 120 tên sát thủ da trắng bị tẩy não, xuất phát từ Jonestown đang chờ lệnh để tấn công vào các mục tiêu kế tiếp!

Một số người sống sót như Mark Lane và Charles Garry, luật gia của giáo phái ĐTND vẫn phải trốn tránh truy sát. Jeannie và Al Mills dự định viết một quyển sách về Jones đã bị trói và bắn chết tại nhà. Thanh tra Dan White chứng minh có mối liên can giữa vụ thảm sát Jonestown và những kẻ ám sát thị trưởng Moscone và Harvey Milk. Một người sống sót khác bị kẻ lạ mặt bắn chết gần nhà mình ở Detroit. 

JIM JONES LÀ AI?Để hiểu được những sự kiện kỳ lạ bao quanh vụ án Jonestown, chúng ta phải bắt đầu từ người khởi xướng. Jim Jones lớn lên tại Lynn, thuộc miền Nam bang Indiana, Hoa Kỳ. Bố ông ta là một thành viên tích cực của Đảng Ku Klux Klan vốn đang bành trướng rất mạnh trong vùng. Lúc bé, Jim có những cá tính kỳ lạ hơn người: chỉ thích đọc Kinh thánh và làm những nghi thức tôn giáo. Anh ta kết thân với Dan Mitrione, điều mà dân địa phương ai ai cũng biết. Đầu thập niên 1950, anh ta theo học một trường dòng thuộc Kytô giáo ở Indianapolis. Trong thời gian này Jim cưới vợ tên là Marceline và hành nghề mua bán khỉ cho phòng thí nghiệm trường Đại học quốc gia Indiana tại Bloomington.

Chuyên truyền bá Thánh kinh và biểu diễn những sô thần bí tại thành phố Richmond, Indiana; ông bạn Mitrone vốn là cảnh sát trưởng luôn che chở cho những trò ma giáo lừa gạt của bạn mình. Jim thường dùng gan gà để làm chứng cớ “ung thư” mà anh ta lấy ra từ trong bụng của bệnh nhân nhờ vào phép thuật “siêu nhiên” của mình. Bà chủ nhà trọ gọi anh ta là “tên cướp dùng Kinh thánh thay cho khẩu súng”! Những đệ tử trung thành đi theo Jim đến giờ phút chót có Charles Berkman, lính mũ nồi xanh. Gã này bị kết tội giết một số tín đồ phái ĐTND tại Georgetown, sau vụ tàn sát ở Jonestown.

Dan Mitrone, bạn của Jones, gia nhập vào trường Cảnh sát quốc tế do CIA tài trợ, được huấn luyện kỹ thuật trấn áp nổi loạn và tra tấn từ khắp thế giới. Jones vốn là một tay thuyết giáo nghèo kiết xác, lang thang khắp nơi, bất ngờ có một số tiền lớn vào năm 1961 sau chuyến đi giảng đạo ở Brazil và di chuyển cả gia đình đến đây.  Lúc này ông ta nhận Beikman và 8 đệ tử khác cả da đen lẫn da trắng. Hàng xóm ở Brazil xem gã này là một tay khoác lác. Gã tự xưng mình làm tình báo của Hải quân Hoa Kỳ. Nhà cửa, xe cộ và đồ dùng đều do Tòa đại sứ Mỹ cung cấp! Đứa con lớn Stephan kể lại bố mình thường xuyên đến tổng hành dinh CIA tại Belo Horizonte, Brazil. Một cố vấn cảnh sát Mỹ thân cận với CIA cũng có mặt, đó là Dan Mitrone. Mitrone được thăng cấp rất nhanh, luôn bận rộn huấn luyện cho cảnh sát ngoại quốc kỹ thuật ám sát và tra tấn. Sau đó ông ta bị quân du kích Uruguay thuộc tổ chức Tupermaro bắt, thẩm vấn và giết chết. Đạo diễn Costa Gravas đã làm một bộ phim về cái chết này mang tựa đề Vây hãm. Jones quay trở lại Hoa Kỳ năm 1963 với 10.000USD trong túi. Những bài báo mới đây nói đến việc các linh mục Kytô giáo nhận tiền tài trợ của CIA tại Brazil. Có lẽ Jim là một trong những trường hợp đó.

Với tiền bạc rủng rỉnh trong túi, Jones đến California và thành lập cơ sở đầu tiên của giáo phái Đền thờ nhân dân tại Ukiah, California năm 1965. Được chó bảo vệ, tháp canh, hào sâu và hàng rào điện, Jim dựng lên  Nhà nghỉ hạnh phúc. Dù không được cấp giấy phép, ông ta cũng lôi kéo được một số người đến cư ngụ: những người già cả, tù nhân mới được thả ra, bệnh nhân tâm thần và 150 đứa con nuôi! Tại đây Jim tiếp xúc với các thừa sai Kytô giáo thuộc nhóm Worl Vision, đã từng hoạt động tình báo cho CIA tại Đông Nam Á và kết thân với Walter Heady, thủ lĩnh giáo phái John Birch tại địa phương. Huy động “giáo chúng” của mình bỏ phiếu tín nhiệm Richard Nixon, Jim rất thân thiết với Đảng Cộng hòa. Ông ta còn được đề cử làm Chủ tịch cử tri đoàn tại địa phương.

Được mệnh danh là “đấng cứu thế từ Ukiah”, Jim tuyển mộ thêm Timothy Stoen, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Stanford và vợ là Grace. Lúc đó gia đình Layton, Terri Buford, George Phillip Blakey và nhiều thành viên quan trọng khác cũng gia nhập giáo phái. “Bác sĩ” của trại Larry Schacht khoe Jones đã chữa mình khỏi nghiện ma túy và đưa đi học trường Y khoa, không chỉ có trẻ lang thang bụi đời.  Bố của Buford là chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân Philadelphia nhiều năm liền. George Blakey cưới Debbie Layton, thuộc một gia đình giàu có tại Anh quốc. Anh ta chi 60.000USD để thuê 1.080ha đất tại Guyana cho giáo phái hoạt động vào năm 1974. Lisa Philips Layton là con một chủ ngân hàng ở Hamburg, Đức quốc. Hầu hết những kẻ vây quanh Jones đều thuộc gia đình giàu có, trí thức, nhiều người còn có quan hệ với quân đội và cơ quan tình báo. Đó là những người có thể mở ra các trương mục ngân hàng, những hoạt động pháp lý phức tạp và khả năng tài chính đủ sức khống chế con người dưới trướng của đền thờ.

Stoen có thể giúp cho Jim có những tiếp xúc quan trọng trong vai trò Phó công tố viên San Fancisco. Jones huy động đệ tử của mình ủng hộ thị trưởng Moscone đắc cử. Đổi lại năm 1976, ông ta đề cử Jones phụ trách Ủy ban nhà đất thành phố. Hơn nữa Jones còn có tay chân tại Sở an sinh xã hội nên tuyển mộ được rất nhiều đệ tử trong giới thất nghiệp và vô sản. Những nhân vật đầy thế lực như Roslyn Carter và Angela Davis cũng là thành viên của giáo phái ĐTND.

Khi Jones thành lập giáo phái Đền thờ cũng là thời kỳ chấm dứt một thập niên chính trị quan trọng. Cuộc thắng cử của tổng thống Nixon mở ra giai đoạn rình rập, đối phó với dân chúng đang sôi sục phong trào chống chiến tranh, đấu tranh cho dân quyền và công bằng xã hội. Những ngôn từ như  Cointelpro, hỗn loạn, âm mưu Operation Garden, kế hoạch Houston... xuất hiện sau các tiết lộ của Watergate. Thượng nghị sĩ Ervin gọi những kế hoạch của Nhà Trắng chống lại phe đối lập là phát xít.  Những chiến dịch này liên can đến giới lãnh đạo quân sự, tình báo, cảnh sát cao cấp nhất nhằm bôi nhọ, phá thối, hủy diệt các phong trào chống đối của quần chúng lan nhanh trong suốt thập niên 1960. Có những bằng chứng cho thấy các kế hoạch này đã dẫn đến vụ sát hại mục sư Martin Luther King và Malcolm X, những “đấng cứu thế da đen” không thể nào chịu đựng nổi.

Một kiến trúc sư dưới trướng của Thống đốc Reagan tại California bây giờ trở thành Bộ trưởng tư pháp Edwin Meese, ông ta bố trí “âm mưu Operation Garden” phối hợp tình báo quân sự, dân sự và cảnh sát trong thời kỳ mà sự vi phạm nhân quyền và hiến pháp phổ biến tràn lan như bệnh dịch hạch. Người ta còn nhớ vụ tấn công công viên Nhân Dân của cảnh sát, giết hại nhiều người hoạt động trong nhóm Báo Đen, xâm nhập vào phong trào Diễn đàn tự do và Phản chiến, những thí nghiệm quái đản trên tù nhân ở Vacaville, hay vụ bắn chết George Jackson. Meese từng khoe khoang là mình đã tiêu diệt được bọn “làm cách mạng”. Chính trong bối cảnh đó, Jones xuất hiện như một thủ lĩnh tôn giáo có trọng lượng.

Sau khi đến Ukiah, Jones đã biến thành một cái gai nhọn trong con mắt những nhà điều tra. Các vệ sĩ của ông ta mặc đồng phục đen và mang giày boốt-da. Cách thức làm việc của Jones  cũng làm cho người khác phải sợ hãi. Những xấp giấy trắng mà ông ta ký tên khống được phân phát cho đệ tử  để làm bản thú nhận tội lỗi đã được chúng biến thành... thư trấn lột tiền bạc hay hăm dọa người khác. Thế nhưng bọn này cũng chẳng kiếm chác được bao nhiêu, mà phải giao gần hết của trấn lột được cho thủ lĩnh: từ những đồng tiền còm cõi cho đến những văn tự đất đai. Hoạt động mafia này được tố giác thường xuyên với nhà cầm quyền, nhưng chẳng có ai giải quyết dứt điểm được. Rõ ràng ông ta có được sự bao che của cảnh sát địa phương. Mấy năm sau những lá đơn tố cáo hiếp dâm cũng được gởi tới tấp. Kỳ lạ là chúng bị biến mất như không có chuyện gì xảy ra.

Những kẻ tìm cách bỏ đi bị ngăn chặn và trấn áp. Nhà báo Kathy Hunter viết trên báo của thành phố Ukiah về  “7 cái chết bí ẩn” của các giáo đồ đã từng gây gổ với Jones và tìm cách bỏ đi. Một người trong số đó là Maxine Swaney. Jones công khai nói với những người còn lại: kẻ nào phản giáo sẽ bị số phận tương tự. Kathy Hunter sau đó cố tìm cách đến Jonestown, nhưng cô ta đã bị các vệ sĩ  Đền thờ lừa đánh thuốc mê và trục xuất về Georgetown.
(Xem tiếp kỳ sau)
ĐINH CÔNG THÀNH
-----------------------------------------------------------------------------

Cái chết bí ẩn của 1.000 du khách tại Guyanna! (Kỳ 2)
Mô hình này được lập lại tại San Francisco. Hơn nữa Jones còn buộc các giáo đồ của mình diễn tập nghi thức Đêm thức trắng. Đó là... tự sát tập thể để khỏi bị rơi vào tay kẻ thù. Dù đền thờ mới không có bảo vệ và hào sâu chung quanh, nhưng ít kẻ thoát được và tất cả đều phải cúng hết tài sản của mình cho Jones. Họ bị lừa vào một cộng đồng chỉ thuyết giáo về tình yêu, nhưng lại sống trong hận thù đến tận xương tủy. 
Giáo chủ Jim Jones (bên phải) và Thủ tướng Grenada Eric Gairy tại San Francisco
Theo một bài báo đăng trên tạp chí New West, Jones rất hung dữ và nghi thức luyện tập tự sát diễn ra liên tục. Những tố giác xuất hiện trên báo càng lúc càng nhiều, lan đến tận tai Quốc hội Mỹ. Sam Houston, một bạn thân của Leo Ryan tố giác với ông về sự mất tích của con trai mình sau khi gia nhập giáo phái Đền Thờ. Rồi Timothy và Grace Stoen lại cáo giác con trai mình bị giam cầm khi chung sống với Jones, mong ông điều tra dùm sự việc. Bất chấp ngăn cản của bạn bè và người thân, Leo Ryan lập ra một nhóm, quy tụ nhiều nhà báo đi đến Guyana để tìm hiểu sự thật. Có người cho rằng chuyến đi này đã bị theo dõi chặt chẽ để giết chết ông. Có người lại nói sự xuất hiện bất ngờ của ông tại Jonestown  khiến chúng phải ra tay để bịt đầu mối. Dù thế nào, nó cũng đánh dấu sự kết thúc cuộc đời của cả Ryan lẫn Jones.

Có lần, để chứng minh quyền năng bí hiểm của mình, Jones đã “gài mánh” để bị bắn ngay tim mà không chết giữa một cuộc đại hội. Bị kéo vào phòng kín, mình đầy máu me, thế nhưng chỉ một lúc sau ông ta tái xuất hiện... khỏe re như “bò kéo xe”! Chính chiêu pháp dùng để thu phục tín đồ này lại dẫn đến cái chết thực sự cho Jim Jones. Vì nhiều lý do bí ẩn, Jones thường sử dụng người khác giả dạng mình. Chuyện này rất hiếm với một lãnh tụ tôn giáo, nhưng lại quá bình thường với một điệp viên.
Ngay cả cái chết và nhận diện được Jones cũng là điều khác thường. Ông ta có vẻ như bị một ai đó trong trại bắn chết. Ảnh xác chết không thấy có vết xâm trên ngực. Xác và mặt khó nhận ra bởi sưng phù lên và mất màu. FBI báo cáo đã kiểm tra dấu vân tay hai lần, một hành động vô ích vì phải có độ chính xác rất cao. Một phương pháp khác là kiểm tra răng. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho rằng xác chết đó không phải là Jones. Dù cho người này là giả mạo, cũng không có nghĩa là Jones còn sống. Ông ta có thể bị giết trước đó từ lâu rồi.

JONESTOWN LÀ CÁI GÌ ? 
Tạp chí Esquire kể rằng Jones đi tìm một nơi trên Trái đất có thể sống sót trong chiến tranh hạt nhân. Lý do thật sự để ông ta có mặt tại Brazil, California và Guyana vẫn còn bí ẩn. Có lúc Jones muốn lập nghiệp tại Gredana và đã từng mời Thủ tướng nước này, Ngài Eric Gairy, đến thăm Đền Thờ tại San Francisco. Năm 1977 ông ta đầu tư 200.000 USD tại Ngân hàng Quốc gia Grenada để lót đường, và 76.000USD vẫn còn trong đó sau vụ thảm sát.  Cuối cùng khu vực Ridge Matthew tại Guyana là thích hợp nhất. Nó vốn là khu khai thác quặng bauxite và manganese của công ty Union Carbide. Jones sử dụng khu cầu cảng bỏ hoang của họ. Trước đó nữa, đây là một trong 7 địa điểm dự định tái định cư cho người Do Thái sau thế chiến 2. Những kế hoạch đưa người vào rừng để khai thác giá nhân công rẻ mạt đã có từ năm 1919. Quặng mỏ ở đây thuộc loại phong phú nhất thế giới bao gồm manganese, kim cương, vàng, bauxite và uranium. Thủ tướng Forbes Burnham đã tham gia vào âm mưu đưa người da đen tại Anh Quốc về đây làm việc, nhưng thất bại hoàn toàn, giống như nhiều lần trước đây.

Khu vực này được thuê và nhiều thành viên giáo phái đã đến trước để chuẩn bị di dời cả... giáo hội! Họ hợp tác với Burnham và Tòa đại sứ Mỹ. Cuộc di dân đến “thiên đường” này diễn ra thật quái đản. Bị nhồi nhét cứng ngắc trong xe buýt tại San Francisco, họ được đưa đến Florida. Từ đây, máy bay của hãng Pan America đưa đến Guyana. Khi tới phi trường, người da đen được chọn riêng ra, trói lại và bịt miệng. Bộ mặt lừa đảo đã hiện nguyên hình. Người da đen bị cô lập chặt chẽ đến mức hàng xóm ở cách 5 dặm không hề biết họ có mặt ở Jonestown. Đại biểu duy nhất xuất hiện tại Guyana là dân da trắng.

Theo những người sống sót kể lại: họ bị bóc lột  sức lao động tàn bạo. Phải làm việc từ 16-18 giờ/ ngày, ăn uống thất thường. Họ còn phải thức dậy lúc nửa đêm để nghe Jones thuyết giáo. Đe dọa, trấn áp, hiếp dâm diễn ra thường xuyên. Bác sĩ của trại, tiến sĩ Lawrence Schacht nổi tiếng với trò mổ xẻ không gây mê! Ma túy được phân phát mỗi ngày. Kẻ vi phạm kỷ luật hay phản bội bị hành hạ thê thảm: kéo lê lết, chôn dưới hầm sâu, đánh đập, hiếp dâm công khai và nhục mạ. Đánh đập và chửi bới là chuyện thường tình. Chỉ có đội bảo vệ là được đối xử như con người và nuôi ăn tử tế. Kẻ bị thương nặng được mang ra ngoài, nhưng chẳng có ai trở lại. Cuộc sống ở Jonestown tương tự như trại giam Auschwitz của Hitler. Chính phủ Guyana đã có ý tưởng xây dựng Viện Bảo tàng giống như Auschwitz tại đây, nhưng bất thành.

Đến lúc này Jones đã vơ vét được một tài sản khổng lồ. Báo chí ước tính trong khoảng 26 triệu đến 2 tỉ dollar gồm: trương mục ngân hàng, đầu tư ra nước ngoài và bất động sản. Các trương mục mang tên những kẻ thân tín. Phần lớn số tiền này biến mất một cách bí ẩn sau vụ thảm sát. 199 thành viên giáo phái được hưởng lương 65.000 USD/tháng do chính tay Jones ký. Có chứng cớ cho thấy Blakey và một số giáo đồ khác gây quỹ cho Đền thờ bằng tiền buôn lậu vũ khí và ma túy. Charles Garry đã từng nói: Jones và băng đảng của ông ta “ngồi trên đống vàng”. Bản đồ phân bố quặng mỏ tại Guyana cho thấy ông ta có lý.

Muốn hiểu được vụ án này, chúng ta phải gác bỏ huyền thoại đây là một cộng đồng tôn giáo. Jonestown là một thí điểm, một phần của chương trình kéo dài 30 năm gọi là MK-ULTRA, mật mã dùng để gọi kế hoạch “kiểm soát trí tuệ” của CIA và tình báo quân đội Hoa Kỳ. Một báo cáo của thượng nghị sĩ Ervin năm 1974 tựa đề Quyền cá nhân và vai trò của chính phủ trong việc thay đổi thái độ cho thấy các cơ quan này đang nhắm đến một vài sắc dân để kiểm soát trí tuệ cá nhân và cộng đồng của họ. Dân da đen, phụ nữ, tù nhân, người già, trẻ con và kẻ mắc bệnh tâm thần được tuyển chọn như là nhóm có khả năng “bạo động dữ dội”. Lúc đó tại California có các kế hoạch thành lập Trung tâm nghiên cứu và triệt tiêu bạo động, triển khai công trình kinh dị của các tiến sĩ José Delgado, Mark, Edwin, Jolly West, chuyên gia cấy ghép, giải phẫu tâm lý và thuốc an thần. Những vật thí nghiệm được lấy ra từ các “sắc dân chọn lọc”. Họ được cô lập tại một căn cứ quân sự ở California. Vào thời điểm này, Jones di chuyển giáo phái của mình đến Jonestown. Họ đúng là những kẻ được chọn để làm thí nghiệm.

Những ghi chú tỉ mỉ về liều lượng thuốc sử dụng hàng ngày của Larry Schacht biến mất. Nhưng chứng cớ còn. Câu chuyện MK-ULTRA và các chương trình tiếp theo như MK-DELTA, ARTICHOKE, BLUEBIRD... là tổng hợp thuốc, ma túy, điện giật và hành hạ đánh đập để làm phương tiện kiểm soát trí tuệ con người. Kết quả muốn đạt được là: gây hôn mê tạm hay thường xuyên, tự nguyện thú tội, tạo ra nhân cách thứ nhì để đi giết người rồi sau đó... tự sát ! Một mục tiêu nữa là kiểm soát khối quần chúng, đặc biệt để khai thác sức lao động rẻ mạt. Tiến sĩ Delgado đã từng nói trước Quốc hội rằng: Hy vọng tương lai, kỹ thuật sẽ cho phép kiểm soát công nhân trên công trường và binh sĩ trên chiến trường bằng tín hiệu điện tử từ xa. Thật là khó hiểu, tại sao người ta không đồng ý gắn điện cực trong óc để làm cho mình vừa hạnh phúc vừa có sức sáng tạo?

Tại hiện trường, quân đội Guyana phát hiện một số lượng lớn ma túy, đủ để toàn bộ dân thị trấn Georgetown trên 200.000 người sử dụng trên một năm! Theo những người còn sống sót, chúng chỉ được dùng để “kiểm soát” khoảng 1.100 con người. Trong một cái tủ có chứa 11.000 liều thorazine, loại thuốc an thần nguy hiểm. Rất nhiều loại thuốc khác cũng được tìm thấy như sodium pentathol (nói sự thật), chloral hydrate (thôi miên), demerol, thalium (thú nhận suy nghĩ của mình) và nhiều loại khác nữa. Ức chế tinh thần và cô lập nạn nhân là đặc trưng của kỹ thuật tẩy não. Thuốc uống và những kiểu hành hạ đặc biệt làm tăng thêm sự kinh hoàng. Nó được lý giải rõ ràng bằng những tấm thẻ bài gắn trên xác nạn nhân và tại sao chúng phải được gỡ đi để phi tang. Nó cũng lý giải sự việc khám nghiệm tử thi bị cản trở bằng mọi giá, bởi vì dấu vết của thuốc sẽ tìm thấy trong máu.
Câu chuyện Jonestown là một thí nghiệm kinh hoàng, không phải thiên đàng của một giáo phái hoang tưởng. Trước ngày thảm sát, Thủ tướng Forbes Burnham đã gia nhập Hiệp hội Doanh nhân sống theo Phúc Ââm, trong đó có cả Lionel Luckhoo, luật sư của Đền Thờ tại Guyana. Nhóm này xuất phát từ California, đã từng tuyển mộ nhà độc tài Guatemala Rios Montt trước khi giết chết ông ta và đã từng tiếp xúc với Jim Jones tại Ukiah. Họ thường xuyên làm lễ cầu kinh buổi sáng cho Tổng thống Reagan tại Tòa Bạch Ốc. Khi Leo Ryan mò đến  Jonestown, bức màn bí mật bị vén lên. Trong một cố gắng tuyệt vọng với kỹ thuật tẩy não của mình, các thủ lĩnh Jonestown  dàn dựng một cuộc tự sát tập thể.

Rõ ràng, chuyện này đã dẫn đến nổi loạn. Phần lớn người bỏ trốn, không biết rằng mình đang lọt vào ổ phục kích.

MỘT TRONG VÔ SỐ JONESTOWN!  
Tác giả Don Freed, phụ tá của Mark
Hiện trường khi chính phủ Guyana đến
Lane nói rằng : Marthin Luther King nếu nhìn thấy Jonestown, ông sẽ nói còn một, hai, ba, bốn... Jonestown và nhiều hơn nữa. Kỳ lạ là sau vụ thảm sát, vị trí Jonestown xuất hiện trên bản đồ của các tờ báo lớn lại... không giống nhau! Có lẽ có rất nhiều trại và Leo Ryan chỉ được nhìn thấy có một. Dù sao, những người sống sót từ Jonestown và những trại tương tự đã xuất hiện từ rất nhiều nơi.

Ngay tại Guyana, cách thành phố Matthews Ridge về phía nam chừng 25 dặm có một cộng đồng tôn giáo gọi là Hilltown, lấy theo tên của thủ lĩnh tôn giáo Rabbi  (thầy tu Do Thái) Hill. Hilltown được sáng lập cùng thời với Jonestown do David Hill, một tội phạm đào tẩu ở Cleverland! Hắn cai trị 8.000 dân da đen gốc Guyana và Mỹ bằng “bàn tay sắt”. Họ tin mình là một bộ tộc Israel bị thất lạc và là dân Do Thái chính tông mà Kinh thánh tiên tri. Là quân cận vệ của Thủ tướng Burnham, giáo chúng Hilltown đã dọn sạch bãi chiến trường Jonestown: giày dép và vũ khí còn sót lại, vốn rất hiếm tại Guyana. Hill đã từng khoe khoang: đệ tử  có thể vui vẻ tự sát theo mệnh lệnh của mình. Khác với Jones, hắn không chết.

Những trại tương tự còn có mặt ở Philippines. Nổi tiếng nhất là trại tra tấn theo kiểu phát xít tại Chilê có tên là Colonia Dignidad. Giáo phái này từ  Đức đến Chilê vào năm 1961. Được bảo vệ cẩn mật bằng cảnh sát DINA của Chilê, Colonia Dignidad là nơi tra tấn các nhà chính trị đối lập. Giống như con quái vật Jonestown, nơi đây có bầy chó săn chuyên tấn công hạ bộ nạn nhân. Nó còn có chuyên gia chặt đầu người Michael Townley Welch, một điệp viên CIA. Trại này đã được những tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã như bác sĩ thần chết Josef Mengele và Martin Bormann đến viếng. Còn một trại khác ở Pisagua, Chilê. Thành viên ĐTND Jeannie Mills, nay đã chết, kể rằng chính mình đã nhìn thấy những cuốn phim tra tấn tại Chilê khi sống ở Jonestown.

Thời kỳ đó Jonestown là nơi dự định “tái định cư” cho 100.000 người Lào Hmong. Nhiều người trong số này đã từng trồng thuốc phiện bán cho CIA tại Đông Nam Á. Họ sống dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Hội Thừa sai Wheaton, xuất phát từ Illinois. Cũng có những kế hoạch tương tự nhằm đưa người da đen sống trong các thành phố tại Hoa Kỳ sang Jamaica và các nước khác thuộc Thế giới thứ ba. Một Jonestown khác nổ tung chỉ là vấn đề thời gian.

MỐI QUAN HỆ VỚI TÌNH BÁO MỸ
Câu chuyện dài này ẩn giấu mối quan hệ với tình báo Mỹ, do tình bạn lâu năm giữa Jones và điệp viên CIA Dan Mitrone.

Năm 1950, ngay giữa lúc Chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ kinh ngạc khi thấy binh sĩ của mình bị Bắc Hàn cầm tù đã thay đổi tư tưởng đến mức sẵn sàng chạy sang hàng ngũ kẻ thù. Bằng cách nào có thể thay đổi tư tưởng của các sĩ quan Mỹ, vốn xuất thân từ những học viện quân sự lừng danh? Trả lời câu hỏi này đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của giám đốc CIA lúc đó: Allen Dulles. Ông không quên những cuộc tẩy não của Moscow trong thập niên 1930, trong đó các đảng viên cao cấp dám thú nhận những tội ác mà mình chưa bao giờ phạm. Các phiên tòa đã diễn ra tại Đông Âu mà Allen Dulles rất quen thuộc, khiến ông ta quyết tâm tìm cho ra sự thật. CIA tin rằng, để đạt kết quả như vậy, người Nga đã dùng đến ma túy và thôi miên. Họ cũng biết được tại trại tập trung Dachau, các bác sĩ Đức Quốc xã đã từng thí nghiệm thuốc gây ảo giác mescaline để buộc tù nhân cung khai những điều bí mật thầm kín nhất của mình. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Dulles, một nhóm chuyên gia mũi nhọn được thành lập, áp dụng các biện pháp hỏi cung đặc biệt để đánh giá phương pháp của người Nga. Trên danh nghĩa chính thức, chương trình này có tên là Chim Xanh - Bluebird, với mục tiêu: hiểu và tái lập phương pháp của Liên Xô và tìm cách... qua mặt họ!

Tháng 7-1950, CIA gửi các bác sĩ đến Tokyo để hỏi cung 4 người Nhật bị tình nghi làm việc cho Liên Xô. Họ chích cho mỗi tù binh một liều sodium amytal, loại thuốc an thần cực mạnh, và một mũi benzédrine, thuốc kích thích. Báo cáo cuộc hỏi cung rất khích lệ. Thử nghiệm một lần nữa trên tù binh Bắc Hàn tại Seoul lại thất bại: dù rất say xỉn, chẳng có người nào chấp nhận... từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản!

Năm 1952, dự án Chim xanh được cải biên thành Artichaut, một dược thảo mà Allen Dulles rất thích, nằm dưới sự điều khiển của Ban tham mưu dịch vụ kỹ thuật - TSS. Họ tuyển mộ các bác sĩ dám bất chấp đạo đức và con người thử nghiệm! Đó là những tên tội phạm, điệp viên nhị trùng bị phát hiện, dân da màu... Tóm lại, những con người mà nếu có chết cũng không ai thương tiếc! Theo ngôn ngữ đặc biệt của CIA, họ được gọi là chất liệu hy sinh CLHS - matériel sacrifiable. Nhưng mặc cho rất nhiều thí nghiệm, bí mật kỹ thuật tẩy não của Cộng sản vẫn còn nguyên! Dulles vẫn đinh ninh đó là ma túy loại nặng, nên ông ta đã chở cả một chiếc máy bay đầy thuốc LSD đến TSS để làm thí nghiệm trên chính nhân viên của mình. Người ta lén trộn nó trong cà phê, rượu và cả thức ăn! Kết quả rất kinh ngạc. Họ bắt đầu phi thân giữa các bức tường trong sào huyệt bí mật của CIA ở Washington. Một ông bác sĩ của TSS bất ngờ hét lên: muốn nhảy xuống sông Potomac. Và người ta chỉ kịp thời nắm lưng ông ta ngay trên bờ sông. Nhưng nếu tác dụng của LSD làm cho con người mất khả năng kiểm soát mình, cũng không thể nào làm thay đổi thái độ của hắn được. Dulles hạ quyết tâm phải làm lại mọi thí nghiệm mà người cộng sản đã từng làm. Muốn vậy, phải có cả một bệnh viện riêng. Giáo sư Donald Ewen Cameron, một nhà tâm lý học hàng đầu của Bắc Mỹ, cũng là bạn thân của Giám đốc CIA đã hiến bệnh viện tâm thần Allan Memorial Hospital tại Montréal, Canada với tất cả bệnh nhân trong đó cho... Allen Dulles làm thí nghiệm!

Nhưng 4 năm sau, 1957, trong khi CIA chi tiêu những số tiền khổng lồ cho các thí nghiệm, kết quả vẫn là con số zêrô to tướng. Dù sao tiến sĩ Cameron vẫn cho thấy còn nhiều tia hy vọng, nhưng với nguy cơ có thể gây tử vong. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Dulles đồng ý. Một phần của khu bệnh viện Allan Memorial được khoanh vùng cô lập. Trong một căn phòng mà chỉ có bác sĩ và y tá phụ trách mới được đến gần, người ta cho tiến hành điện giật nhiều lần, chích ma túy cực nặng và thuốc gây mê trên những bệnh nhân được nhét vào hai lỗ tai ống nghe chỉ lập lại có một vài từ trong suốt 16 giờ liền! Cho đến năm 1961, người ta đã bắt hàng ngàn bệnh nhân phải bị điện giật đến 60.000 lần! Bệnh viện nằm dưới sự điều khiển của một gã bác sĩ điên, nhận tiền tài trợ của một cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới, chẳng khác gì các phòng thí nghiệm của Đức Quốc xã...

Tháng 9-1961, John Alex McCone lên làm giám đốc CIA và tức tốc triệu tập 2 nhà tâm lý học đến để đánh giá công trình của tiến sĩ Cameron. Sau đó ông ta bị cắt hết tiền tài trợ, khủng hoảng tâm lý nặng nề và phải từ chức. Người kế tiếp, bác sĩ Cleghorn, đóng cửa tức khắc các phòng thí nghiệm. Nhưng sau đó một thời gian ngắn, một phòng thí nghiệm khác được tái lập trên đất Mỹ, và chỉ dùng khỉ làm vật thí nghiệm thay cho con người. Chiến dịch được đổi tên một lần nữa là Phục hồi và còn sản sinh ra nhiều hệ phái quái đản khác.

Mệnh lệnh trực tiếp che giấu vụ án đến từ giới chức cao cấp nhất trong Chính phủ Mỹ. Zbigniew Brezezinsky ủy thác cho Robert Pastor. Ông này ra lệnh cho trung tá Gordon Sumner lột hết lý lịch các xác chết. Pastor sau đó trở thành Phó giám đốc CIA.
KẾT LUẬN
Bây giờ người ta mô tả vụ án Jonestown như là một âm mưu diệt chủng người da đen. Joyce Shaw, một chức sắc cao cấp của giáo phái ĐTND gọi đó là “một kiểu thí nghiệm khủng khiếp của Chính phủ, một cách thức phân biệt sắc tộc bệnh hoạn, một âm mưu giống như  Đức Quốc xã, nhằm tiêu diệt người da đen”. Bọn người giết chết nhóm Leo Ryan chẳng bao giờ phải đền tội. Phiên tòa xét xử Larry Layton tổ chức láo lếu tại Guyana. Vụ án bị nhận chìm trong im lặng. Bọn giết người ở Jonestown vẫn sống phây phây ngoài vòng pháp luật. Có lẽ chúng còn đang bận “đánh thuê” ở Phi châu hay Trung Mỹ. Joe Holsinger, một bạn thân và trợ lý của Leo Ryan, điều tra vụ án này trong suốt hai mươi năm và đi đến kết luận: những người này bị giết chết, có chứng cớ của thí nghiệm tẩy não tập thể, có sự tham gia của các quan chức tình báo quân sự và dân sự cao cấp. Nhưng muốn đưa bọn người này ra trước tòa án, họ phải có một số tiền khổng lồ để chuẩn bị. Cuối cùng, vì gia đình các nạn nhân không thể gom góp đủ kinh phí, vụ án phải đành tạm thời bỏ qua!

Thảm kịch Jonestown thực sự không phải như đã xảy ra, nhưng có quá ít người tự tìm hiểu: tại sao và bằng cách nào? Quá ít người tìm hiểu sự thực phía sau những lời giải thích dối trá về cái chết đồng loạt của hơn 900 con người. Và sẽ còn rất nhiều người cố tình bịt mắt làm ngơ trước những tội ác của các cơ quan tình báo. Với thời gian, sự thực sẽ phô bày ra tất cả. Chỉ có sự đồng lõa của chúng ta với kẻ lừa đảo mới tiếp tục làm nhục người chết...
ĐINH CÔNG THÀNH /CA Tp.HCM

Phóng sự về vụ việc thảm khốc này trên National Geographic (chương trình Seconds from Disaster) cho biết chỉ có 2 người còn sống sót - theo như lời kể của những nhân chứng này, thì hơn 909 người đã cùng tự tử tập thể bằng cách uống rượu nho có pha thuốc độc (1/3 là trẻ em bị buộc uống trước, sau đó là người lớn). Jim Jones - người chủ giáo phái, cũng tự sát bằng súng lục. Khẩu hiệu của họ lúc đó là "Nếu chúng ta không thể sống trong yên bình, thì chúng ta sẽ ra đi trong bình yên"

Vụ tự sát tập thể khủng khiếp ở Jonestown năm 1978

Giành Lại Jonestown

Di tích của Ðền Hội Chúng Jim Jones nằm sâu trong rừng rậm Ghi-nê cách cửa khẩu Kaituma 5 dậm. Ðây là nơi vào năm 1978, hơn 900 người đã chết trong một cuộc thảm sát và tự sát tập thể tệ hại nhất của một nhóm tà giáo trong lịch sử hiện đại. Bây giờ di tích này lọt trong diện tích 4 triệu mẫu rừng thuộc vùng qui hoạch dành cho những công ty khai thác lâm sản Mã Lai và Ðại Hàn.

Từng đám ruồi bu quanh những cây hạnh nhân và cây bánh mì do đám môn đệ của Jim Jones trồng. Những chiếc máy cày rỉ sét, một nhà máy xay bột cũ kỹ và những trục sứ cách điện nằm ngổn ngang trên vùng đất đầy cỏ dại. Cái mái vòm đã xụp đổ từ lâu, bị tháo gỡ lấy sắt và gỗ. Ðây cũng chính là nơi từng để cái chậu lớn đựng nước bưởi có pha chất độc thạch tín (cyanide) cho đám người cuồng tín uống. Ngày nay ở đó có một bụi gai lớn mà người ta bảo rằng trước kia cũng là nơi để cái “ngai” Jim Jones ngồi, bên cạnh đó là chiếc đàn piano hư mục.

Làng Jonestown đã biến mất trong rừng rậm, đem theo nó những bài học quan trọng về hiểm họa vô cùng kinh khủng của niềm tin mù quáng. Gerald Gouveia là một cảnh vệ người Ghi-nê cũng là một phi công tư từng lái máy bay chở Jim Jones ra vào lãnh địa này mong bảo tồn Jonestown như một khu di tích cho ngành du lịch, nói rằng, “Những chuyện như thế vẫn thường tái diễn luôn. Chúng ta cần giữ Jonestown như là một chứng tích sống.”

Cuối tháng Ba 1997, 39 thành viên của nhóm tà giáo Heaven’s Gate (Cổng Thiên Ðàng) tại California cũng đã tự sát tập thể, và tất cả đã chết tại San Diego, bảo rằng họ trút bỏ thân xác trần gian để linh hồn có thể bay lên đáp một phi thuyền không gian mà lãnh tụ nhóm này bảo rằng sẽ đi theo sao chổi Hale-Bopp. Các nhà nghiên cứu về tà giáo tin rằng những hiện tượng đại loại như trên sẽ cứ còn tái diễn.
Những gì Jonestown để lại là một bằng chứng cho thấy những thảm kịch như vậy sẽ phải bị xét xử.

Jim Jones sinh năm 1931, từng học ở Trường Kinh Thánh Ngũ Tuần ở Springfield, Missouri. Năm 1953 Jim thành lập một tà phái lấy tên là Ðền Hội Chúng. Khởi đầu tà phái này phát triển nhanh chóng vì đặc tính cuồng nhiệt của phái ân tứ và hoạt động hướng về đối tượng là những thành phần da đen, nghèo khổ sống trong các vùng ngoại ô. Năm 1965 nhóm này chuyển về Ukiah, California rồi lên San Francisco năm 1971. Sau đó nhiều việc bị phanh phui do các thành viên đào thoát kết hợp với các cuộc điều tra của giới truyền thông về các hành vi vô luân cũng như nhũng lạm tài chánh của lãnh tụ Jim Jones, anh ta đã di chuyển toàn thể tổ chức sang Guyana, thành lập một cộng đồng làm nông theo tổ chức xã hội, không phân biệt chủng tộc. Jim Jones tự coi mình là Ðấng Cứu Thế, nắm được sự tùng phục tuyệt đối của hầu hết tín đồ. Vào ngày 18 tháng 11, 1978, hơn 900 người đã theo lệnh của Jim Jones mà họ gọi là “cha”, uống thuốc độc và tất cả đã ngã chết trong lãnh địa này giữa rừng rậm Ghi-nê.

Sự việc diễn biến như sau.
Những tín đồ của Jim Jones được bảo rằng quân đội Ghi-nê dưới sự chỉ huy của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ đang tiến đến Jonestown để thiến hoạn, tra tấn và bắn giết cho nên tất cả người lớn, đàn ông, đàn bà và trẻ con, hầu hết là người Mỹ và một số nhỏ các sắc tộc khác đã làm theo cách họ đã diễn tập nhiều lần, đó là uống một ly nước bưởi ngọt theo lệnh của Jim Jones. Nhưng lần này thuốc độc trong những thùng nước bưởi có thật. Một máy ghi âm được mở sẵn, ghi lại mọi diễn tiến với những tiếng kêu hấp hối cũng như tiếng súng và tiếng kêu của những người trúng đạn khi cố gắng chạy thoát thân.

Từ năm 1974, một tu sĩ cao tuổi dòng Tên, Linh Mục Andrew Morrison, đã bắt đầu ngờ vực có những chuyện không hay trong cộng đồng Jonestown trong dịp Jim Jones xin phép được dùng một nhà thờ Công Giáo trong vùng để diễn giảng về nông nghiệp. Nhưng thay vì diễn giảng, lãnh tụ Jones, tự coi mình là Chúa Giê-xu hóa thân, lại biểu diễn chữa bệnh bằng phép lạ trước một cử tọa đông nghẹt. Jones dùng những bộ phận của súc vật đầy máu me quấn trong bông gòn mà Jones bảo rằng đó là những bướu ung thư lấy từ trong cơ thể các bệnh nhân.
Kinh khủng trước sự việc bịp bợm này, Linh Mục Morrison bắt đầu điều tra.

Trong những năm kế tiếp, khởi sự có những báo cáo từ những người bỏ ngũ, cho biết tình trạng đối xử tàn tệ trong cộng đồng Jonestown. Những đồ đệ thiếu ăn bị buộc làm việc cực nhọc suốt ngày ngoài nương rẫy. Tất cả những biểu hiện tiêu cực của đồ đệ đều bị đám thuộc hạ tai mắt báo cáo cho Jones và tên này thẳng đánh đập, nhục mạ những kẻ dám lên tiếng chống đối. Ðã có những người bị đem chôn sống trong các thùng gỗ dưới đất.

Ðám đồ đệ cho biết trốn trại khỏi Jonestown là chuyện hầu như không thể thực hiện được. Jones cho lính gác ngày đêm tuần tra cổng ra vào. Giấy thông hành và tiền bạc của tất cả các đồ đệ đều bị tịch thu, thư từ gửi về gia đình bị Jones kiểm duyệt, trong khi Georgetown là thủ đô của Guyana cách xa đến gần 200 km, ngăn cách bởi rừng già dầy đặc.

Vào tháng Mười Một, 1978, nghị sĩ Mỹ Leo Ryan, một số phóng viên và thân nhân các đồ đệ của Jim Jones đến Guyana để tìm hiểu về những cáo buộc bạo hành, áp bức trong trại Jonestown. Jones ra lệnh cấm họ không được đến, nhưng Leo Ryan, là một nghị sĩ tiểu bang California cứ đi. Sau khi đi thăm quanh một vòng doanh trại ông hỏi nếu có ai muốn có thể theo ông rời khỏi nơi này. Mười hai người bước ra quyết định trở về.

Linh Mục Morrison nhớ lại giây phút đó, bảo rằng, “đối với Jim Jones, đây là dấu hiệu mọi sự đã mất. Jim Jones không thể chịu nổi, và không thể chấp nhận tình huống đó.”
Khi phái đoàn nghị sĩ Ryan rời lãnh địa, Jim Jones cử một toán sĩ quan có vũ trang đuổi theo trên một chiếc máy kéo tới phi đạo ở cảng Kaituma. Năm người bị bắn chết, trong đó có nghị sĩ Ryan. Những người khác sống sót là do giả chết hoặc trốn vào rừng.

Tối hôm đó, ở Jonestown, Jim Jones tập trung tất cả đồ đệ lại lần cuối.
Binh sĩ Ghi-nê được phái tới điều tra vụ mưu sát ở phi đạo, đêm hôm sau đã có mặt tại Jonestown. Vào đến nơi họ vấp phải nhiều chướng ngại vật ở xung quanh và cả trung tâm Jonestown, hóa ra đó chính là những xác chết của nhóm tà giáo này, trong đó có cả Jim Jones.

Sáng hôm sau Linh Mục Morrison biết tin này qua đài phát thanh. Ông đã hoàn toàn đúng khi nghĩ về Jim Jones từ nhiều năm trước. Ông cũng như bao nhiêu người Ghi-nê khác đều coi vụ Jonestown này là một nỗi sỉ nhục quốc tế.

Cho đến nay hầu như không ai lưu ý đến chuyện bảo toàn khu trại kinh khủng đầy tiếng xấu này. Cách đây nhiều năm một hàng rào đã được dựng lên bao quanh khu trại, nhưng đã bị những người hôi của gỡ lấy hết. Rất ít du khách đến đây ngoại trừ những người đi tìm kho tàng, nghe đồn rằng Jim Jones và đồ đệ có chỗ chôn giấu vàng bạc ở dưới đường hầm bê-tông.
Phi công Gouveia, người có dịch vụ chuyên chở máy bay hy vọng sẽ thay đổi được tình huống này và đưa được nhiều du khách tới Jonestown. Anh nói, “Chỗ này rất quan trọng và nổi tiếng hơn cả Guyana, với một ý nghĩa lịch sử rất sâu sắc. Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể dùng Jonestown như một bài học đắt giá cần ghi nhớ. Khi chúng ta dấu diếm những sự việc này với giới trẻ thì khuynh hướng tự nhiên là nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

(Theo Chicago Tribune October 5, 1997)
Bài học chúng ta rút ra từ thảm kịch đã xảy ra 26 năm trước tại Jonestown, Guyana là gì? Tà giáo không phải chỉ là giáo lý sai lạc, nhưng luôn luôn gắn liền với một con người gian ác, lệch lạc nhưng có cá tính rất mạnh, có thể lôi kéo, cuốn hút người khác theo mình một cách mù quáng, với một ma lực không thể giải thích bằng lý trí được. Những người theo các tà giáo không phải chỉ là giới thất học, bình dân, nhưng có một tỉ lệ khá lớn những người trí thức, có nghề nghiệp chuyên môn vững chắc, và tất nhiên, lúc nào cũng có một số đông tín nữ nhẹ dạ. Cái hấp lực tinh thần bí mật kia ở đâu mà có thể khiến nhiều người sợ hãi, tùng phục đến nỗi bằng lòng đi vào chỗ chết?

Nguyên Ðình


Giải mã bí ẩn vụ 918 người tự sát tập thể tại Jonestown

Cao Anh Lâm, Theo About
ANTĐ - Diễn ra vào ngày 18-11-1978, vụ tự sát tập thể này đã gây ra cái chết của 918 người. Đây cũng được xem là thảm họa khủng khiếp nhất do con người gây ra tại Mỹ cho đến trước khi sự kiện 11-9 xảy ra. 
Vụ Jonestown cũng gây ra cái chết của một nghị sĩ quốc hội Mỹ, trong khi ông này đang thi hành nhiệm vụ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho gần 1.000 con người có thể hành động mù quáng đến như vậy?

Đền Hội Chúng - Nơi khởi đầu của thảm kịch

Đền Hội Chúng được Jim Jones xây dựng năm 1956 với mục đích chiêu mộ và giúp đỡ những người nghèo khó, đặc biệt là người da đen. Ban đầu, đền được xây dựng tại Indianna, sau đó chuyển tới California vào năm 1966. Lý tưởng của Jones là xây dựng một cộng đồng hòa hợp, mọi người cùng nhau làm việc và cùng hưởng lợi ích chung. Ông đã có thể thành lập tổ chức tại California nhưng không dừng lại ở đó, Jones muốn “phủ sóng” giáo phái của mình ra bên ngoài nước Mỹ, lúc đó, mọi quyền lực trong giáo phái sẽ thuộc về Jones và thoát khỏi sự can thiệp của chính phủ Mỹ.


Giáo chủ Jim Jones

Năm 1973, Jones tìm được một vùng đất hẻo lánh tại Guyana (Nam Mỹ) đáp ứng nhu cầu mở rộng giáo phái của mình. Ông thuê đất của chính phủ Guyana và thuê các công nhân dọn rừng để lấy mặt bằng. Vì việc vận chuyển vật liệu khá khó khăn nên việc xây dựng cũng diễn ra khá chậm. Cho đến đầu năm 1977, mới chỉ có 50 người sống trong Đền Jonestown tại Guyana, trong khi Jones tiếp tục phát triển giáo phái ở Mỹ. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Jones nhận được tin rằng cuộc phỏng vấn các thành viên cũ đào thoát khỏi giáo phái sắp được đăng tải, trong đó chứa nhiều cáo buộc về những hành vi vô luân và lạm phát tài chính của Jones. Đêm trước khi bài báo được in, Jones cùng vài trăm giáo đồ của Đền Hội Chúng đã bay đến Guyana và chuyển vào khu đền Jonestown trong rừng sâu.

Rối loạn tại Jonestown

Jonestown lẽ ra phải là thiên đường với các giáo đồ, tuy nhiên, khi tới đây họ mới gặp phải hàng loạt vấn đề như: không có đủ chỗ cho tất cả mọi người, các cabin chỉ có giường tầng và luôn quá tải, hơn nữa, các cabin được phân chia theo giới tính nên các cặp vợ chồng buộc phải sống tách nhau. Và nhiệt độ cũng như độ ẩm ngột ngạt tại Jonestown làm các giáo đồ trở nên ốm yếu. Trong khi đó, họ bị bắt phải làm việc nhiều giờ dưới cái nắng gắt, có khi lên tới 11h/ngày. Jones cho mắc các loa ở khắp khu đền để thuyết giảng suốt ngày đêm. Sau một ngày làm việc kiệt sức, các giáo đồ vẫn phải cố hết sức mới ngủ được vì màn tra tấn của “Đấng cứu thế” Jones.

Mặc dù có những người thích sống tại Jonestown nhưng cũng có không ít người nuôi ý định đào thoát. Tuy nhiên, khu đền được bao quanh bởi rừng rậm và có nhân viên vũ trang bảo vệ nên những giáo đồ muốn ra ngoài phải được phép của Jones, thế nhưng hắn không muốn ai bước ra khỏi thế giới của hắn. 

Chuyến thăm của Nghị sĩ Ryan và cuộc tấn công tại sân bay

Nghị sĩ Mỹ Leon Ryan đến từ San Mateo, California đã nhận được các báo cáo về những sự việc đang diễn ra tại Jonestown. Ông quyết định đến đó cùng với cố vấn của mình, đoàn làm phim của hãng NBC và những người thân của các giáo đồ của Đền Hội Chúng để tìm hiểu sự thật về Jonestown.

Ban đầu, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Tuy nhiên, vào một buổi tối, trong khi các thành viên trong đoàn đang dùng bữa và khiêu vũ trong hội trường, một giáo đồ đã bí mật chuyển cho 1 nhân viên đài NBC một mẩu giấy có ghi tên của những thành viên muốn rời khỏi Jonestown. Ngày hôm sau, Ryan tuyên bố sẽ đưa tất cả những thành viên muốn rời giáo phái trở lại Mỹ, nhưng các giáo đồ vì e sợ thái độ của Jones nên chỉ rất ít người chấp thuận.


918 người đã chết trong vụ tự sát tập thể diễn ra ngày 18-11-1978

Vào ngày Ryan ra về, những giáo đồ muốn rời khỏi giáo phái được sắp xếp ngồi trong một xe tải với những người trong đoàn của ông. Ryan để cho xe đi trước vì ông muốn đảm bảo rằng mình không bỏ sót những người muốn thoát khỏi giáo phái. Đúng lúc đó, một thành viên của giáo phái đã tấn công ông. May mắn là tên này đã không thể ám sát Ryan.

Nhận thấy nguy hiểm, Ryan lập tức lên xe tải (lúc đó chưa đi xa) rời khỏi Jonestown. Chiếc xe đưa đoàn đến sân bay an toàn, tuy nhiên, máy bay vẫn chưa sẵn sàng cất cánh khi họ tới. Trong khi chờ đợi, một chiếc xe thùng đột nhiên tiến tới, từ trong xe là những thành viên của giáo phái đang xả đạn liên hồi vào nhóm của Ryan. 5 người đã tử vong, trong đó có Ryan và rất nhiều người khác đã bị thương nặng. Cuộc đào thoát tại sân bay đã thất bại.

Cuộc tự sát tại Jonestown - kết cục bi thảm

Quay trở lại Jonestown, Jim Jones ra lệnh cho mọi người xếp hàng tại hội trường. Hắn tỏ ra rất hoảng loạn và bị kích động. Jones nói với các giáo đồ rằng nhóm của Ryan đã bị tấn công tại sân bay và Jonestown không còn an toàn nữa, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ về vụ ám sát Ryan.

Hắn nói: “Khi quân đội tới đây, chúng sẽ bắn chết những đứa trẻ vô tội của chúng ta” và nói với các giáo đồ rằng, cách duy nhất để thoát khỏi sự truy cứu là tự tử - cái mà hắn gọi là “hành động mang tính cách mạng”. Một phụ nữ đã lên tiếng phản đối nhưng trước lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của “Đấng cứu thế” rằng không còn lựa chọn nào khác, tiếng nói của cô đã bị đám đông áp đảo.

Khi nhận được tin Ryan đã chết, Jones càng thúc ép các giáo đồ phải tự sát tập thể, hắn nói với họ rằng “Nếu chúng tới đây, chúng sẽ tra tấn các con của chúng ta, các giáo đồ của chúng ta. Không thể để chuyện đó xảy ra được". Và hắn lệnh mang các ấm lớn chứa thuốc độc Xyanua được trộn trong vị nho ra giữa hội trường. Đồng thời cũng để Valium-một loại thuốc chống căng thẳng ở lối vào hội trường.

Jones đã ra lệnh bơm các xi-lanh thuốc độc cho trẻ em đầu tiên, tiếp đó là các bà mẹ, cuối cùng là những thành viên khác trong giáo phái. Nếu ai phản đối sẽ bị những tên vệ sỹ cầm súng và cung tên đe dọa. Thời gian trung bình gây tử vong cho mỗi người là vào khoảng 5 phút. Chỉ trong ngày 18-11-1978, đã có tới 912 người chết do thuốc độc, trong đó có 276 trẻ em. Jones cũng chết do súng lục, nhưng không rõ là do tự sát hay bị bắn.

Tổng số người chết đã lên đến 918 người, cả ở sân bay và trong khu đền Jonestown. Chỉ có một nhóm người sống sót bằng cách chạy trốn vào rừng hoặc ẩn nấp đâu đó trong khu đền. 

Cuộc thảm sát là một minh chứng cho sức ảnh hưởng lớn của các giáo phái tới con người trong xã hội. Những thế lực tinh thần đôi khi còn mạnh hơn cả lý trí, con người sẵn sàng vì lý tưởng tinh thần mà đi vào chỗ chết.



11 nhận xét:

  1. Em mtimf mởi cả mắt trên báo của Trung Quốc mà chẳng có đoạn "vây" đó của ngư dân ta, em chỉ thấy có đoạn báo TQ bảo hai tàu Ngư chính gặp "tàu vũ trang nước ngoài" thôi anh ah.

    Trả lờiXóa
  2. Hi hi, mình đang có tranh cãi với 1 bạn về chuyện biển đảo bên nhà Mèo, đại loại vì anhbasg gọi ĐCS là ươn hèn với nhục nhã gì đó, thấy Bà Buôn Cải có bài này bèn đăng lên làm 1 câu hỏi, chứ mình cũng chẳng tin Bà Buôn Cải này Nghĩa ơi.

    Trả lờiXóa
  3. Anh ơi "vả" nhau với chúng có lẽ anh em mình lên VOA "vả một cái răng lộn xộn đầy mồm" cho nó hoành tráng, anh thấy bác Lê Vũ "vả " chúng thẳng tay mà chúng có chừa đâu mà lại biến lại biến blog thành nơi cãi vã chứ ít có tranh luận có khoa học ...

    Trả lờiXóa
  4. Bùi (Thất) Tín vừa có bài viết trên VOA có khi đi qua bển vả phát hả Nghĩa!

    Trả lờiXóa
  5. Nó cho có 500 chữ, lại còn kiểm duyệt nữa!

    Nản!

    Trả lờiXóa
  6. Trong 4 ngày cũng commt xong ở VOA với tên Trung Thực Ngĩa ạ!

    Trả lờiXóa
  7. Vậy ah, em chỉ nói thế thôi vậy mà anh sang "vả " luôn bọn bên đó ah. Thực sự thì em sang VOA đọc để xem cái lũ chống đối có trò gì mới hay không . "Gây chiến" bên đó là "chiến" dài lắm ấy, vì chủ bút VOA nằm trong cái đám "Dâng chủ" mà ..

    Trả lờiXóa
  8. 4 ngày được 4 comt, mỗi com 500 chữ, oải!

    Bọn VOA còn hạn chế tự do ngôn luận hơn cả các diễn đàn.

    Trả lờiXóa
  9. Đài BBC đã hỏi chuyện một số nhân chứng lịch sử, những người từng có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.

    Ông Triệu Quốc Mạnh, luật sư, từng giữ chức chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn-Gia Định:

    Trước giải phóng tôi là thẩm phán dưới chế độ Sài Gòn, suốt 12 năm, từ 1963 tới 1975. Khoảng 14 ngày trước ngày 30/4, ông Dương Văn Minh ngỏ ý mời tôi nắm lực lượng cảnh sát quốc gia. Ông ấy tìm người phù hợp các tiêu chuẩn: biết luật, biết chỉ huy và trong sạch. Tôi mới nói với ổng là khi nào ông làm tổng thống, thì tôi sẽ nhận trách nhiệm này.

    Tình hình lúc bấy giờ diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp. Người đầu tiên trong nội các Dương Văn Minh được bổ nhiệm là tôi.

    Lực lượng cảnh sát miền Nam có tiếng là ác độc, cực kỳ nguy hiểm với cách mạng, người dân cũng rất căm ghét. Nên khi có quyết định thay chỉ huy mới, thì đáp ứng nguyện vọng của nhiều người lắm. Nói thực tình khi lãnh trách nhiệm chỉ huy cảnh sát, tôi có hai ông tổng thống: Dương Văn Minh và chính bản thân tôi, nghĩa là tôi hành động theo ý tôi.

    Tôi không muốn cho cảnh sát cầm súng chiến đấu nữa và ra lệnh cho họ không được nổ súng trước với lý do đó là thời gian còn đang thương thuyết. Thứ hai, tôi lập danh sách các tù chính trị và ký lệnh phóng thích hết. Thứ ba, tôi quyết định giải tán toàn bộ lực lượng cảnh sát đặc biệt, còn gọi là các F.

    Các quyết định trên đã giúp giảm thiểu thương vong, xáo trộn, cướp bóc trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cảnh sát hồi đó dữ dằn lắm, dùng cả đại liên.

    Tôi gia nhập Đảng Cộng sản vào tháng 6/1966, đơn giản là vì theo tôi, để theo con đường giành độc lập thì đi với đảng lúc bấy giờ là có lợi.

    Gần 10 năm sau giải phóng, khi có một bài báo do một người có chức vụ rất quan trọng viết, ông ấy mới tiết lộ tôi là người của cách mạng. Chứ còn gia đình tôi, ngay cả vợ tôi, mẹ tôi, anh chị tôi, tuyệt đối không ai biết.

    Dĩ nhiên chính quyền trước Dương Văn Minh và cả ông Dương Văn Minh đều không biết điều này mà chỉ biết tôi là một thẩm phán trong sạch, có năng lực, có khả năng một ngày chỉ huy việc chuyển giao quyền lực mà chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn rất lớn trong thành phố.

    Trả lờiXóa
  10. Thôi mà, tốn thì giờ qua VOA làm gì.

    Bữa Nguyễn Hưng Quốc phóng bút nên viết lại chuyện cổ tích VN vì đầy cảnh bạo lực như làm mắm cho mẹ ăn thịt con. Các còm hỉ hả chưởi bới văn hóa Việt rồi lôi CS vào đấu tố. Mình điên quá viết luôn 4 còm, đại ý Tấm Cám chỉ là chuyện cổ tích, còn có cuốn sách tên gọi Thánh Kinh nhồi sọ cho cả tỉ người trên thế giới mà đầy thù hằn, chém giết, dâm loạn; có nên viết lại chăng.

    Hôm sau thấy xuất hiện có 2 còm, bị cắt xén tàn bạo nữa. Ngay mình tác giả mà đọc lại cũng không hiểu 2 còm đó nói gì.

    Lần khác thấy lên án VN đàn áp tự do tôn giáo, mình cũng viết ở VN có vô số chùa, sách kinh bán đầy đường, đi chùa lúc nào cũng được. Chỉ vậy mà nó không đăng.

    Cóc thèm vào VOA cãi nhau nữa.

    Trả lờiXóa
  11. Thông tin khác về Peoples Temple, khác hẳn những điều chúng ta nghe thấy trên truyền thông dòng chính
    https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10202579297683468&id=1827370975&refid=18&__tn__=C

    Trả lờiXóa