13 tháng 2 2012

Những người mở lối tìm đường đi mới

Hồ sơ tư liệu

Tìm đường đi mới

QĐND - “Cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng, thiếu hụt trầm trọng cả vật tư đầu vào cho sản xuất lẫn lương thực và hàng tiêu dùng cho nhân dân. Từ thực tiễn ấy, Đảng ta đã tìm tòi, thử nghiệm những giải pháp mới, từng bước đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Những giải pháp ấy đã không ngừng được hoàn thiện trở thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Dưới đây là câu chuyện của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hoạt động của các doanh nghiệp ở thời điểm “đêm trước” đổi mới...
“Xé rào”
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh: Trần Hoàng.
Khi đó, các doanh nghiệp nước ta đứng trước những cơ hội về “cầu” to lớn để mở mang công việc sản xuất, kinh doanh nhưng lại vẫn bị cơ chế cũ trói buộc nặng nề. Khi vào miền Nam, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có dịp nhìn thấy những hình thái, phương thức hoạt động kinh doanh khác hay hơn, hiệu quả hơn, những cơ hội làm ăn phong phú hơn. Từ đó, những ý tưởng mới, những mong muốn thay đổi thôi thúc họ. Còn với các doanh nghiệp phía Nam, dù cơ chế kinh tế mới có đè nén hoạt động của họ, thì cũng không thể bóp chết tư duy, ý chí kinh doanh và sức sống của cả một xã hội, cả một tầng lớp doanh nhân vốn đã rất quen với quy luật cung cầu của thị trường.
Không thể bó mình trong chiếc áo quản lý chật chội, một số doanh nghiệp tư nhân (DNTN), công tư hợp doanh và cả DNNN, chủ yếu là DNNN địa phương, đã tìm cách tự vùng vẫy. Họ lặng lẽ mở rộng sản xuất, làm ăn với nhau ngoài khuôn khổ được phép, tăng cường trao đổi hàng hóa “ngoài luồng”, nhất là luồng hàng Bắc-Nam. Hành động “xé rào” này giúp giảm đỡ phần nào những khó khăn do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung các vật phẩm thiết yếu, nên được một số cơ quan và địa phương đồng tình, nới tay hoặc ngầm ủng hộ cho làm. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, những vị lãnh đạo cao cấp nhất của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thời đó như các ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ đã rất sớm ủng hộ hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng thị trường. Các ông đã đề xuất việc để cho Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế thị trường, và tuy điều đó không được Bộ Chính trị cho phép, các ông vẫn thực hiện một cơ chế kinh tế linh hoạt ở thành phố. Đến đầu thập kỷ 80, dựa trên Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng khóa IV (tháng 9-1979), một số quyết định theo tinh thần cởi trói cho sản xuất, kinh doanh được Chính phủ ban hành, chính thức mở đường cho các DNNN “bung ra”, bước đầu tiếp cận với thị trường. Trên cơ sở đó, hoạt động kinh doanh của DNTN trên thực tế cũng được nới lỏng hơn.
Bước đầu nới “độc quyền ngoại thương”
Trong công việc thực tế của mình rất gắn với hoạt động ngoại thương ngày đó, tôi nhớ mãi không khí phấn chấn khi sau hơn hai thập kỷ, trước sức ép của cuộc sống, “độc quyền ngoại thương”, theo kiểu chỉ hơn 20 công ty xuất nhập khẩu quốc doanh trực thuộc Bộ Ngoại thương được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, bắt đầu được nới ra. Một đất nước thống nhất, vừa ra khỏi chiến tranh, có những nhu cầu và cơ hội cực kỳ to lớn về mở rộng quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài, chắc chắn không thể giao toàn bộ quan hệ đó cho chỉ một bộ phụ trách, với chỉ hơn 20 công ty đảm nhận mọi hoạt động ngoại thương như trước.
Trung tâm Thương nghiệp quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh thời bao cấp đang bán hàng phân phối cho nhân dân. Ảnh tư liệu.
Từ năm 1976-1977, Nhà nước ta bắt đầu cho phép một số bộ phụ trách các ngành sản xuất và một vài địa phương được thành lập các công ty quốc doanh trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của ngành, địa phương mình. Công ty xuất nhập khẩu hàng dệt may Textimex (trực thuộc Bộ Công nghiệp), Công ty xuất nhập khẩu than Coalimex (trực thuộc Bộ Điện-Than), ba Liên hiệp công ty xuất nhập khẩu gọi tắt là Unimex Hà Nội, Unimex Hải Phòng và Imexco Thành phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Ủy ban nhân dân ba thành phố)… là những đơn vị đầu tiên ra đời trong những năm đó. Tiếp theo, những công ty xuất nhập khẩu quốc doanh ở một số ngành và các địa phương khác lần lượt hình thành. Khắp nơi đang khát vật tư, thiết bị đầu vào tối cần thiết cho sản xuất công nông nghiệp, thậm chí cả các vật phẩm cho nhu cầu cái ăn, cái mặc của người dân, nên sự cải thiện bước đầu này trong kinh doanh xuất nhập khẩu đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trên cả nước, thực sự mở màn cho những thay đổi lớn về ngoại thương và cả các hoạt động kinh tế gắn kết với nó, tiếp diễn trong những năm sau.
Các doanh nghiệp sản xuất, các công ty tư nhân, với bản năng và sự nhanh nhạy luôn tiềm ẩn, đã mau chóng chủ động bám sát các công ty xuất nhập khẩu, tham gia các cuộc giao dịch, đàm phán với các công ty nước ngoài nhiều hơn để phục vụ cho yêu cầu xuất nhập khẩu của mình. Các công ty được quyền trực tiếp xuất nhập khẩu, cũ cũng như mới, mau chóng mở rộng và thắt chặt quan hệ với các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương, tăng cường liên kết với nhau, tìm tòi các cách để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các đơn vị trong nước. Dù trong cơ chế quản lý vĩ mô vẫn còn “cấm chợ ngăn sông”, nhưng dòng chảy của hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh, các ngành trong nước vẫn mạnh dần lên, một phần lớn phục vụ cho nhu cầu trong nước, một phần khác tạo nên nguồn hàng ngày càng khá hơn cho xuất khẩu để trao đổi lấy hàng nhập từ nước ngoài về.
Các công ty xuất nhập khẩu cũng chủ động khai phá thêm quan hệ thương mại với nhiều bạn hàng ở các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, trước hết là các bạn hàng Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po… Phần thương mại với các nước ngoài khối XHCN lúc đó tuy chưa nhiều, nhưng rất quan trọng để có thể nhập được một số thiết bị, phụ tùng, vật tư giúp cho các nhà máy ở miền Nam tiếp tục hoạt động. Bộ Ngoại thương và các cơ quan ngoại giao, thương vụ của ta ở các nước xung quanh cũng rất tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của chúng ta trong những công việc này.
Một số công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đã có quan hệ thương mại với miền Bắc hoặc miền Nam Việt Nam trong chiến tranh, cũng lần lượt tìm đường trở lại buôn bán với chúng ta, bất chấp cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam tồn tại rất nặng nề trong thời kỳ đó. Trong số này có hai nhóm công ty tôi ấn tượng nhất, là các công ty Nhật Bản và các công ty Hàn Quốc. Doanh nghiệp Nhật có mặt rất sớm ở Việt Nam, thông qua các công ty con do chính họ lập ra để buôn bán với ta, thậm chí như Nissho Iwai còn trực tiếp vào nước ta làm ăn từ trước khi ta đổi mới. Các công ty Hàn Quốc bắt đầu vào nước ta từ năm 1982, mở đầu là Samsung, tiếp theo là Sunkyong, Daewoo, Lucky Goldstar (nay là LG), Hyundai…, đều là đại gia - “chaebol” theo tiếng Hàn. Các công ty này, cùng nhiều công ty khác đến từ một số nước ngoài khối XHCN, đã góp phần làm cho thị trường nước ta sống động lên với những hoạt động kinh doanh sôi nổi, thiết thực, khác hẳn cách làm “truyền thống” trong quan hệ gọi là “thương mại” nhưng hoàn toàn không có tính chất kinh doanh giữa ta với các nước XHCN thời đó.
Chắc hẳn phải có “đèn xanh” từ chính phủ họ, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác mới có gan làm như vậy, nhưng rõ ràng sự có mặt khá sớm của các công ty này ở Việt Nam trong bối cảnh môi trường kinh doanh của nước ta còn đầy khó khăn trước đổi mới đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kênh làm ăn với các nước ngoài khối XHCN, vừa đáp ứng những nhu cầu trao đổi hàng hóa trước mắt, vừa làm quen dần với kinh doanh ở các thị trường tư bản bên ngoài. Cũng nhờ những mối quan hệ sớm hình thành đó, nên khi Liên Xô và các nước khối XHCN Đông Âu sụp đổ, phần thương mại của Việt Nam với khối đó-vốn chiếm tới 70-80% xuất nhập khẩu của nước ta-đã được nhanh chóng bù đắp bằng quan hệ với các nước trong khu vực.
Cuối năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức phát động công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là về kinh tế, ở nước ta. Đó cũng là cột mốc quan trọng nhất đánh dấu chặng đường mới đi tới hình thành môi trường kinh doanh theo thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Ba trong những nội dung cốt lõi của đổi mới là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế theo hướng thị trường; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, và mở cửa trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Trên tinh thần đổi mới, các chính sách, biện pháp cải cách kinh tế mạnh bạo được hình thành dần trong những năm cuối cùng của thập kỷ 80. Chỉ trong vài năm, công cuộc đổi mới đã mang lại những kết quả tốt đẹp, giúp Việt Nam chặn được đà của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài nhiều năm trước đó, dần dần ổn định lại và đứng vững được trước sự sụp đổ đột ngột vào đầu thập kỷ 90 của các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế mà Việt Nam là một thành viên…
Hoàng Tiến (Ghi theo lời kể của bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Những người mở lối (Bài 1)

QĐND - Sau những hân hoan của ngày đại thắng 30-4-1975, đất nước phải đối mặt với thử thách mới: Đói nghèo và khủng hoảng. Những khuyết tật của phương thức quản lý kinh tế theo mô hình cũ ngày càng bộc lộ rõ nét và nghiêm trọng. Suốt 10 năm, hàng chục cuộc “phá rào” với những tìm tòi, thử nghiệm hướng đi mới đã diễn ra, được ví như quá trình “thai nghén”, tập dượt để đi đến những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. Tuy nhiên, vai trò và những đóng góp của nhiều cá nhân tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này đến nay vẫn chưa được minh định, thậm chí còn có các ý kiến khác nhau. Loạt bài dưới đây hy vọng góp phần khắc họa một số chân dung và như một lời tri ân tới những người mở lối, đã lát những viên gạch đầu tiên trên con đường đổi mới của đất nước...
Bài 1: Ngọn cờ đổi mới
Trong các tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1975-1986, Tổng bí thư Lê Duẩn và Tổng bí thư Trường Chinh là những người có ảnh hưởng và để lại dấu ấn cá nhân sâu sắc nhất đến nhiều quyết định lớn của Đảng vào “đêm trước đổi mới”...
Tầm nhìn của “ngọn đèn 200 nến”
“Ngọn đèn 200 nến” là từ mà đồng bào, đồng chí dành cho anh Ba-Tổng bí thư Lê Duẩn. Bộ óc sáng láng ấy không chỉ có đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn là nhà lãnh đạo luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và đổi mới trong một thập kỷ sau giải phóng. TS Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, thời kỳ đầu những năm 80 của thế kỷ trước là Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước cho rằng, Tổng bí thư Lê Duẩn là người có tư duy “vượt trước”, sớm nhận ra những hạn chế của cơ chế quản lý kinh tế cũ. Ngay từ những năm 1979, 1980 ông đã có nhiều cuộc làm việc với các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế. Ông chịu khó lắng nghe, nhất là những ý kiến phản biện. Vấn đề ông đặt ra thường xoay quanh hai câu hỏi: “Phải làm gì để tránh cuộc khủng hoảng sắp tới” và “Bắt đầu từ đâu?”. Đó là một tầm nhìn xa của người đứng đầu đất nước khi đó.
Luôn sáng tạo và khuyến khích các cách làm mới là điều được nhiều người nhắc tới khi nói về “ngọn đèn 200 nến” Lê Duẩn. Còn nhớ sau khi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc bị phê phán nặng nề vì cho nông dân sớm làm “khoán chui”, Tổng bí thư Lê Duẩn đã đến Vĩnh Phúc để thăm và chia sẻ với đồng chí Kim Ngọc. Trò chuyện với Bí thư Kim Ngọc về kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, ông nói: “Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội. Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường”.
Tháng 10-1981, Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm đồng lúa của HTX nông nghiệp Trường Sơn (huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng) - đơn vị đạt năng suất cao về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh tư liệu.
Cũng với tư duy luôn đổi mới, luôn vận động, có lẽ đồng chí Lê Duẩn là một trong số ít các nhà lãnh đạo cấp cao sớm chấp nhận kinh tế nhiều thành phần. Nguyên Phó thủ tướng Trần Phương kể: “Năm 1981, với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội thương, trong một cuộc họp, tôi đưa ra ý kiến đề nghị cải cách chuyển sang cơ chế quản lý thương mại theo cơ chế tự do. Rất nhiều ý kiến phản đối. Họ nói: Tiền đâu mà in đủ để trả lương, để mua lương thực, thực phẩm? Làm sao cân đối được ngân sách? Tôi nói: Phải tôn trọng quy luật cung cầu. Cuối cùng, anh Ba “tóm lại” là đồng ý với tôi về tư tưởng. Nhưng anh nói: Tôn trọng quy luật cung cầu nhưng căn cứ vào thực tế thì chưa thể bỏ hết kế hoạch hóa mà phải có lộ trình. Cụ thể là từ việc Nhà nước khống chế 42 mặt hàng thì giảm xuống còn 8. Tiếp theo đó, anh Ba đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan ra lệnh bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, ban hành Chỉ thị khoán 100 của Ban Bí thư, chỉ thị 3 kế hoạch trong công nghiệp. Những bước “cởi trói” đầu tiên này đã tạo tiền đề cho đổi mới và luồng sinh khí mới cho tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Năm 1985, anh là người ghi vào nghị quyết của Bộ Chính trị: “Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần”. Đó là những con chữ quan trọng để tạo đà cho Đại hội VI”.
Những năm cuối đời, do hạn chế về sức khỏe, tuổi tác và hoàn cảnh lịch sử cụ thể nên Tổng bí thư Lê Duẩn chưa có điều kiện để hệ thống hóa các quan điểm đổi mới và hiện thực hóa trong thực tiễn đất nước. Trong ông vẫn không nguôi khát vọng cháy bỏng và lớn lao về một đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bầu nhiệt huyết và tư tưởng đổi mới của ông đã được thế hệ kế nhiệm tiếp nối và phát triển.
Tổng bí thư của đổi mới
Đồng chí Trường Chinh nhận trọng trách là Tổng bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam: Lần 1 vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần 2 vào tháng 7-1986 khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời ngay trước Đại hội VI 5 tháng. Anh Năm-Trường Chinh là một nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là “Tổng bí thư của đổi mới”. Ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong các quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Ông là vị Tổng bí thư đưa ra quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có: Viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị ngay sát ngày đại hội theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới. Và với quyết định này đã mở ra một bước ngoặt mới cho đất nước.
Để nắm chắc tình hình, Tổng bí thư Trường Chinh là người rất chịu khó đi thực tế ở các địa phương. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đầu thập kỷ 80 là một trong những nhà lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh kể lại: “Chỉ tính riêng trong hai năm 1982, 1985 đồng chí Trường Chinh từng nhiều lần đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí viết: “Việc đi thăm thành phố… cũng như các chuyến đi thăm các địa phương khác trong thời gian qua đã giúp tôi hiểu rõ thêm tình hình thực tế của đất nước, từ đó mà suy nghĩ về một số vấn đề chung có ích trong việc đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương”. Trong những năm đó, ông đã khảo sát gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, ông đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình. Ban đầu, khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về: “Mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, ông chưa nhiệt tình ủng hộ, có vẻ vẫn còn phân vân, hoài nghi. Nhưng bằng hàng loạt các chuyến đi thực tế đến các hợp tác xã ở Kim Thi, Tứ Lộc (Hải Hưng trước đây), Hải Phòng, về quê hương Hà Nam Ninh (trước đây)…, ông đã thấy sự khác biệt giữa cơ chế quản lý cũ với mô hình khoán trong các hợp tác xã nông nghiệp và công khai tán thành, cổ vũ Chỉ thị 100.
Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành nhớ lại kỷ niệm những lần đồng chí Trường Chinh về thăm Hải Phòng vào đầu những năm 80: “Anh Năm rất chú ý lắng nghe và thường nhắc đi, nhắc lại hai từ: “Hay nhỉ!” với nụ cười rất tươi. Anh chỉ hỏi những điều chưa rõ. Không thấy anh tranh luận, hoặc nêu vấn đề cho anh em thảo luận. Nhưng tôi thấy anh suy nghĩ nhiều. Trưa về ăn cơm tôi cũng thấy anh suy nghĩ... Ngay cả trong câu chuyện lúc nghỉ, anh vẫn hỏi tôi chi tiết về cuộc sống của nông dân, của công nhân, của bộ đội, của cán bộ viên chức. Những lúc ấy tôi cung cấp cho anh những số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống của nhân dân, của cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố...”.
Trước những bức bách và đòi hỏi gay gắt phải giải bài toán hóc búa từ cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của đất nước, đồng chí Trường Chinh đã tập hợp một tổ nghiên cứu (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng bí thư) gồm những trí thức, cán bộ có tư tưởng đổi mới để nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường và bước đi của cách mạng. Khi giao nhiệm vụ cho tổ nghiên cứu này ông khẳng định: “Tình thế lúc này không thể kéo dài được nữa, không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ cũng như những chủ trương chính sách và cơ chế quản lý như trước được nữa”. Nhóm cố vấn Tổng bí thư được thảo luận nhiều vấn đề trọng đại và nóng bỏng của đất nước khi đó như: Vấn đề một giá hay hai giá, kinh tế nhiều thành phần, quan điểm cơ cấu đầu tư… một cách dân chủ và thoải mái nhất. Chủ đề được Tổng bí thư nêu và anh em tranh luận. Nhóm có thể đưa ra những nhận định, đánh giá quan điểm trái ngược chủ trương mà không sợ “phạm húy”. Tổng bí thư chỉ ngồi lắng nghe và chăm chú ghi chép từng chi tiết…
Gần đến ngày Đại hội VI, trong Đảng và xã hội vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Với vai trò “thuyền trưởng”, ông đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đấu tranh bảo vệ cho các quan điểm đổi mới. Tại một hội nghị cán bộ của Hà Nội, ông trình bày phương hướng, nội dung công cuộc đổi mới và quả quyết: “Trong lúc này, chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: Đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết. Chúng ta phải dứt khoát đổi mới”. Tổng bí thư Trường Chinh đã chủ trì hội nghị trung ương để bàn về những ý kiến khác biệt xung quanh dự thảo văn kiện đại hội. Sau này được gọi là hội nghị ba quan điểm, kết luận những luận điểm quan trọng, trái ngược với đường lối cũ. Đó là: Phát triển kinh tế nhiều thành phần, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý. Những nội dung này đã thay đổi cơ bản nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị lần 1 và được coi là “linh hồn” của văn kiện Đại hội VI. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ: “Điều tôi thấy hết sức thú vị là “tác giả”- nói chính xác hơn là chủ biên của đổi mới - lại là một người được coi là hết sức “cứng” như đồng chí Trường Chinh. Tôi hiểu rằng, đồng chí đã chú ý nghe từ nhiều phía và đặc biệt là đã coi trọng ý kiến của những cán bộ có tư duy, dám nói thật, nói rõ quan điểm của mình. Đồng chí là người rất kiên trì đấu tranh với mọi ý tưởng, mọi sự việc và theo đồng chí là không đúng và cũng rất quyết đoán đối với những điều mà đồng chí cho là đúng đắn, đủ cơ sở”.
------------


Những người mở lối (Bài 2)

Bài 2: “Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng
QĐND - Bí thư “khoán hộ” Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc (từ năm 1968-1978, ông là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú) thì nhiều người đã biết. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, còn nổi lên mô hình khoán trong nông nghiệp ở thành phố Cảng với vai trò đầu tàu của Chủ tịch UBND Đoàn Duy Thành (tiếp đó, ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Sau thành công của mô hình này, Đoàn Duy Thành - “ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng còn được Trung ương giao tham gia chắp bút soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động...
“Giải mã” Kim Ngọc
Cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, ông Đoàn Duy Thành đọc các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về kinh tế, đối chiếu với mô hình và thực tế tình hình đất nước và địa phương mình, ông rất băn khoăn. Ông đặc biệt chú ý tới mô hình khoán của Vĩnh Phúc áp dụng vào những năm 1966, 1967. Các câu hỏi: Bí thư Kim Ngọc là người thế nào? Động cơ nào khiến ông ký ban hành nghị quyết và chỉ đạo làm khoán? Tại sao ông bị chỉ trích và phản ứng dữ dội khi triển khai mô hình này đến vậy?... cứ lởn vởn trong đầu Đoàn Duy Thành. Ông quyết định phải “thực mục sở thị”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành (người ngoài cùng bên trái, hàng trước) về thăm huyện Kiến An và nghe báo cáo về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh chụp lại.
Đầu năm 1973, Đoàn Duy Thành lúc đó là Trưởng ban Công nghiệp kiêm Trưởng ban Khoa học kỹ thuật của thành phố Hải Phòng đã tham mưu với Bí thư Thành ủy Trần Kiên tổ chức một đoàn đi tham quan Thác Bà và qua thăm tỉnh Vĩnh Phú. Sau bữa cơm trưa do Tỉnh ủy Vĩnh Phú mời tại khu sơ tán, cách Đền Hùng khoảng 20km, ông Thành tách đoàn nói nhỏ với Bí thư Kim Ngọc: “Tôi xin gặp riêng anh hỏi một số chuyện”. Kim Ngọc dẫn ông Thành về lán ở của mình.
- Có việc gì mà anh cần gặp riêng? Bí thư Ngọc tay vẫn cầm tăm xỉa răng, bình thản như một ông đồ nho hỏi.
- Thưa anh, tôi muốn xem Nghị quyết về khoán của Tỉnh ủy các anh mấy năm trước? Đoàn Duy Thành đặt vấn đề.
- Hàng “quốc cấm” xem làm gì… ông Ngọc khẽ cười cười.
Nói vậy, nhưng ông vẫn đến tủ, lôi tập nghị quyết và đưa cho Đoàn Duy Thành, không quên dặn: “Đọc tại chỗ thôi đấy nhé”. Ông Thành đón tập tài liệu đã gây ồn ã một thời và đọc ngay tức khắc.
- Anh thấy thế nào? Bí thư Ngọc hỏi như thăm dò.
- Hay đấy! Đoàn Duy Thành đáp luôn.
Gương mặt Kim Ngọc như bừng sáng, ông mủm mỉm cười:
- Cũng dám khen cơ à.
Rồi, câu chuyện của hai ông rổn rang quanh chủ đề nông dân và khoán trong nông nghiệp. Sau cùng, Bí thư Kim Ngọc rưng rưng:
- Nông dân mình đói và khổ quá, Thành ơi!
Câu nói đó ám ảnh ông Đoàn Duy Thành mãi đến sau này.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc gặp với Bí thư Kim Ngọc gần 30 năm trước, ông Đoàn Duy Thành cho rằng, tư tưởng hành động của ông Bí thư “khoán hộ” là anh hùng. Ông đồng cảm với cảnh đói nghèo của dân, dũng cảm “phá rào”, mở lối, đi trước để lo cho đời sống của dân. Nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc về tinh thần là đúng nhưng do quá mới mẻ, lại vào thời điểm chưa phù hợp nên đã bị công kích, phê phán. Tuy nhiên, nội dung của nghị quyết này vẫn còn những hạn chế, đơn giản, như thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ khi áp dụng khoán, thiếu hướng dẫn trong triển khai thực hiện…
Ngoại giao Ba Đình và Nghị quyết 24
Năm 1979, ông Đoàn Duy Thành được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Trên cương vị mới, Chủ tịch Đoàn Duy Thành dành thời gian xuống với nông dân, giải đáp câu hỏi thường trực trong ông bấy nay: Trên đồng ruộng vựa thóc, một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà sao cứ đói triền miên. Ban đầu ông nghĩ nếu có cày bừa máy vào làm, có giống mới… chắc năng suất sẽ tăng. Nhưng rồi cày bừa máy, khoa học kỹ thuật, giống mới, phân bón thuốc trừ sâu… được đầu tư mà năng suất vẫn đi xuống. Ông lại nhớ hồi nhỏ, nhà ông ở Hải Dương cày cấy bình thường cũng được 100 kg/sào, vậy mà giờ đây không còn nổi 40kg/sào. Nguyên nhân cốt tử nào ở đây?
Ông Đoàn Duy Thành. Ảnh: Hoàng Tiến.
Ông đến kiểm tra tất cả huyện ngoại thành. Một xã tiêu biểu như Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên, họp hợp tác xã, xã viên thường xuyên đến đủ 100%, đánh một hồi trống họp Đảng bộ là 100% đảng viên có mặt. Thế nhưng, năng suất cũng thất thường, ngày công cũng không khá. Xã viên cũng chỉ làm nhanh cho xong công việc của hợp tác xã, còn công sức tập trung vào ruộng 5% và đi bắt tôm cá ngoài sông, biển hoặc đi buôn bán lặt vặt. Kinh tế hợp tác xã chỉ cung cấp 20% cho cuộc sống gia đình họ, bởi vậy họ phải bươn chải bên ngoài là chính. Nhiều xã khi đó thiếu đói trầm trọng…
Vậy thì, vấn đề mấu chốt ở đây là do khâu quản lý. Ông nhớ tới Bí thư Kim Ngọc và nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc…
Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Ông đem vấn đề bức xúc này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ. Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần và dự thảo nghị quyết về “khoán sản” trong nông nghiệp. Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Bài học “khoán” ở Vĩnh Phúc bị “đánh” tơi tả 15 năm trước vẫn được nhắc đến như là tấm gương “tày liếp” để nhắc nhở, răn đe. Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Bùi Quang Tạo và Chủ tịch Đoàn Duy Thành chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đoàn Duy Thành nhận “sự mệnh”: “Ngoại giao Ba Đình”.
Ông nhớ lại: “Tôi đến nhà Tổng bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương “khoán” của Hải Phòng. Tổng bí thư nghe rất kỹ và đồng tình. Ông còn bảo: “Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng coi như đồng ý rồi. Khó nhất lúc này là phải thuyết phục được Chủ tịch Trường Chinh. Tôi báo cáo anh Trường Chinh 2-3 lần, anh tỏ vẻ không phản đối. Một lần khác, trong bữa ăn trưa chỉ có tôi và anh, tôi lại đem vấn đề khoán ra để xin ý kiến anh. Tôi cảm giác anh không vui, nhưng anh không nói vào khoán. Anh kể chuyện huyện Xuân Trường, quê anh với thái độ gay gắt, phê bình huyện này buông lỏng quản lý, để hợp tác xã khoán lung tung, không có kỷ cương gì… Tôi biết là anh phê bình tôi. Tôi chuyển sang báo cáo công việc khác, về làm kinh tế, về Cảng. Sau đó, để có thực tế thuyết phục, tôi đã bố trí để anh xuống cơ sở, cung cấp các số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống nhân dân, công chức. Cuối cùng đến lần thứ 5 xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hải Phòng, anh đã đồng tình”.
Chủ tịch Đoàn Duy Thành về bàn với Bí thư Bùi Quang Tạo, là việc khoán đã chín muồi lắm rồi, bây giờ phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức. Hai ông quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 nổi tiếng về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên “mảnh ruộng của mình”. Khi đi cơ sở vào 30, Mồng Một Tết, Chủ tịch Thành vẫn còn thấy bà con lao động trên cánh đồng. Một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc. Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước…
Từ thực tế sinh động và thành công của thành phố Cảng, Trung ương giao cho ông Đoàn Duy Thành tham gia soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp cho nhóm lao động và lao động xã viên, góp phần tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy sản xuất phát triển…
“Khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương vào tháng 1-1981 và Nghị quyết Khoán 10 tháng 4-1988 của Bộ Chính trị khóa VI, lúc này sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất được bung ra, lương thực bung ra. Nếu như trước đó anh Lê Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực nhiều người hoài nghi thì đến đây chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực, đảm bảo về an ninh lương thực mà còn có gạo xuất khẩu, một sự kiện như mơ giữa ban ngày”. (Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)
-----------------


Những người mở lối (Bài 3)

Bài 3: Nữ Anh hùng bán gạo
QĐND - Tên tuổi bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là bà Ba Thi nổi lên như cồn khi bà là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Bà được coi là người nổ phát súng đầu tiên vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của thành phố mang tên Bác. Bà cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vào thời kỳ đó.
Bà Ba Thi nổi tiếng là vậy nhưng hành trình tìm nhân chứng và tư liệu để dựng lại chân dung về bà thật khó khăn. Bà Ba mất đã gần 6 năm. Tôi tìm đến nhà con gái bà là bác sĩ Nguyễn Hồng Thảo ở 65 Trương Định, quận 3, TP Hồ Chí Minh nhiều lần vẫn không gặp. Đến Công ty Lương thực thành phố ở số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, rủi cho tôi là cả ban giám đốc đều đi vắng. Anh Võ Việt Triều, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty cũng không biết nhiều về vị nữ giám đốc anh hùng nổi tiếng một thời của mình. Lục tìm sổ sách và danh bạ điện thoại một hồi, anh Triều chợt nói như reo lên: “Đây rồi! Hai người này có thể giúp anh tìm hiểu về cô Ba nhiều đấy. Chị Kim Anh, phụ trách hành chính của Công ty thời đó và chị Út Hiền, cùng Tổ Thu mua lúa gạo với cô Ba từ những ngày đầu…”.
“Phá rào” đi thu mua gạo
Theo hẹn với chị Kim Anh và Út Hiền, ngay tối hôm ấy tôi có mặt tại nhà số 3 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Cũng khá bất ngờ vì đây là địa chỉ mà tôi cũng dự kiến tìm đến trong chuyến công tác này để viết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội – Thương binh trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người mẹ có 3 con là liệt sĩ và đến đây tôi mới biết bà chính là mẹ chồng của chị Kim Anh.
Câu chuyện về nữ giám đốc anh hùng Ba Thi như thước phim chầm chậm hiện về trong ký ức những người cộng sự thân thiết một thời của bà…
Bà Ba Thi. Ảnh chụp lại.
Sau giải phóng, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước, với khoảng 4 triệu người nên nhu cầu lương thực rất lớn. Ngoài phần lúa gạo do các huyện nông thôn ngoại thành tự sản xuất, hằng tháng thành phố phải cần có tối thiểu 4 vạn tấn lương thực, trong đó lượng gạo ăn cho đối tượng phi nông nghiệp là 3 vạn tấn, còn 1 vạn tấn để cung cấp cho công nghiệp chế biến, cho các cơ sở ăn uống công cộng, khách vãng lai và hàng trăm hội nghị của các ngành, các cấp. Khi thành phố áp dụng chế độ bao cấp lương thực, tình hình cung cấp lương thực luôn luôn gặp khó khăn. Những năm 1977, 1978, mùa màng thất bát, thành phố phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì (sắn), bo bo thay cho lượng gạo tiêu chuẩn. Khoai lại được giao ồ ạt trong mùa mưa, các cửa hàng gạo “ép” dân mua một lần cho hết tiêu chuẩn, đem về tiêu thụ không hết, lại phải bỏ đi. Vậy là thiếu gạo và khoai cũng hết.
Tình hình lương thực thành phố căng thẳng quá, thành ủy, UBND họp ngày đêm để tìm cách giải quyết mà chưa có phương án khả thi. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị dứt khoát: “Không để một người dân chết đói”. Sau nhiều trăn trở, bà Ba Thi, khi đó là Phó giám đốc Sở Lương thực thành phố dũng cảm đề xuất: “Đi về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo đem về phục vụ cho đồng bào thành phố”. Chị lập luận: Thành phố đang thiếu gạo trầm trọng, trong khi đó, ở một số địa phương khác lại dư lúa, thừa gạo, thậm chí lúa để ẩm mục, làm phân, gạo đen cho gà ăn không hết… Tại sao không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu, đang rất cần cho cuộc sống hằng ngày? Ý kiến này được lãnh đạo thành phố chấp thuận và từ đó “Tổ Thu mua lúa gạo” ra đời. Với ý tưởng này, bà đã góp phần giúp thành phố “phá rào”, phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ ngăn sông cấm chợ khi ấy.
Chị Út Hiền nhớ lại: “Lúc đầu, tổ chỉ có 8 người do chị Ba Thi làm tổ trưởng. Tổ có 1 lái xe, 2 kế toán viên, còn lại thì làm nhiệm vụ đi thu mua. Đến Hậu Giang, chị cùng cán bộ hội phụ nữ tỉnh xuống huyện Phụng Hiệp, địa phương có nhiều lúa trong tỉnh và được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Cán bộ hội còn điều được 2 chiếc ghe có trọng tải 100 tấn đến chợ để thu mua lúa gạo, rồi đưa lên xe vận tải chở về thành phố. Tổ thu mua về tận các xã ấp, chèo xuồng ghe luồn lách qua các kênh rạch chằng chịt, vận động bà con bán lúa gạo cho thành phố. Cũng với phương thức này, tổ đến tỉnh Minh Hải và cũng đã mua được lúa gạo với số lượng cao”.
Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra một điều, cũng do bị cô lập, do tệ ngăn sông cấm chợ mà hàng hóa không lưu thông được. Ở nông thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau… mà không có để mua, dù trong tay có tiền. Lý do thật đơn giản, nền công nghiệp của ta sản xuất theo kế hoạch kiểu cũ, chỉ đủ phân phối theo định lượng cho cán bộ công nhân viên, không có dư để bán cho dân, trong khi nguồn hàng dự trữ từ trước giải phóng nay đã cạn. Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, nói nôm na là hàng hai chiều.
Được trên nhất trí, tổ thu mua đã đưa 200 nghìn lít dầu lửa đến chợ Cà Mau. Thành phố xuất 1 triệu mét vải bông và vải đen, hàng xe thuốc tây mang đến Minh Hải… Các chị rao với bà con nông dân là sẽ đổi các hàng hóa đó lấy lúa. Bà con ở các xã từ Bạc Liêu đến Cà Mau nườm nượp mang lúa đến đổi lấy phiếu dầu, phiếu vải, phiếu thuốc… Với hoạt động của tổ thu mua của bà Ba Thi, tình trạng thiếu gạo của TP Hồ Chí Minh và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.
Cuộc chiến chống gian thương
Với những hoạt động hiệu quả của tổ thu mua lúa gạo, cuối năm 1980, TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Công ty Kinh doanh lương thực thành phố do bà Ba Thi làm giám đốc. Như vậy, lúc này ngành lương thực TP Hồ Chí Minh bên cạnh hệ cung cấp có thêm một bộ phận nữa là hệ kinh doanh, nhằm mục tiêu xóa bỏ tình trạng bao cấp tràn lan.
Để nắm vững nguồn cung cấp gạo và nhu cầu thiết yếu của nông dân, giám đốc Ba Thi đã cho lập các “cán bộ chốt” ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua lực lượng này, bà ký hợp đồng thu mua với sở lương thực các tỉnh, thậm chí ký thẳng với huyện để mua lúa gạo. Phương thức trao đổi hàng hai chiều giữa Công ty với các địa phương diễn ra rất hiệu quả. Vụ đầu tiên, Công ty liên hệ mua được 4 nghìn tấn phân bón đưa về Cửu Long, Tiền Giang để năm tới lấy lúa; tổ chức mượn xăng của tỉnh này đem về giúp tỉnh kia; mua cả xi măng, sắt thép để giúp địa phương xây dựng cầu đường… Vì thế các địa phương làm nghĩa vụ xong đều tự nguyện chở thuyền ghe lúa đem bán cho bà Ba Thi. Sau hai năm, tổng số lương thực mà công ty của bà Ba Thi bán ra theo giá bảo đảm kinh doanh đạt 127 nghìn tấn. Bình quân mỗi tháng, mỗi người mua được 9kg gạo với giá rẻ hơn và chất lượng không thua kém gạo tư thương bán trên thị trường tự do, góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin trong nhân dân. Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa.
Giám đốc Ba Thi (đeo kính, đứng giữa hàng đầu) và các cán bộ phụ trách các cửa hàng lương thực của TP Hồ Chí Minh trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của bà vào tháng 10-1985. Ảnh chụp lại.
Hoạt động của Công ty càng hiệu quả thì đây đó xuất hiện dư luận công kích, phê phán, mỉa mai nhằm vào giám đốc Ba Thi. Có người nói, bà làm việc là đi “mua gian bán lận”, “Bà Ba bây giờ thành tiểu thương rồi. Công ty của bà tranh mua, tranh bán, phá rối thị trường”… Bọn gian thương thì tìm cách để phá hoạt động của Công ty và làm rối loạn thị trường để thừa cơ “đục nước béo cò”. Chị Kim Anh nhớ lại: “Vào khoảng tháng 6-1983, giữa lúc tại các cửa hàng bán lẻ và các đại lý chưa kịp nhận đủ gạo về bán tại phường, bọn gian thương tung tin đồn nhảm: “Nhà nước hết gạo”, “Nhà nước sắp đổi tiền”. Những đòn chiến tranh tâm lý đó tác động rất xấu. Ở hầu hết các chợ, giá gạo bắt đầu nhích lên từ 50 xu đến một đồng, rồi tăng 5 đến 7 đồng một ki-lô-gam. Bọn đầu cơ tích trữ tìm mọi cách tung tiền, kể cả sử dụng trẻ em ra mua vét gạo ở các đại lý và các cửa hàng bán lẻ, đồng thời chúng tuồn gạo đi các tỉnh khác, gây nên những cơn sốt gạo. Trong tình hình nhốn nháo đó, nhiều gia đình sợ gạo lên giá đổ xô đi mua về dự trữ. Thị trường gạo thành phố đột nhiên căng thẳng một cách giả tạo. Ý đồ của gian thương là nhằm rút lực lượng gạo của Công ty, làm suy yếu, tê liệt Công ty của bà Ba Thi, từ đó thao túng thị trường lương thực thành phố. Cùng với hành động đầu cơ tích trữ, nâng giá gạo, chúng còn uy hiếp tinh thần một số đại lý, gọi điện thoại với nội dung tuyên truyền phản động, hăm dọa cán bộ nhân viên Công ty, nhiều lần đích danh đe dọa giám đốc Ba Thi. Nhờ nắm được hàng hóa trao đổi với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bà Ba Thi đã tung lượng gạo dự trữ ra thị trường đúng lúc, rót gạo ngay cho đại lý. Hàng ngàn đại lý bản lẻ trải rộng trên khắp các phường đã chủ động giành thế chủ động trên thị trường. Bọn gian thương và phá hoại trên lĩnh vững kinh doanh lương thực bị khoanh lại ở một số chợ và bị dập tắt nhanh chóng”.
Hạt gạo nữ anh hùng nhiều chất chứa
Ngày 3-10-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ba Thi. Cán bộ, nhân viên Công ty và bà con thành phố đều phấn khởi vì vị nữ giám đốc, mà họ gọi vui là “người buôn gạo” đã được vinh danh. Điều đó chứng tỏ Nhà nước đã đánh giá đúng mức, công bằng sự đóng góp của bà Ba Thi trong việc góp phần quan trọng thủ tiêu tệ ngăn sông, cấm chợ để lương thực có thể lưu thông dễ dàng từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố.
Nhớ tới đóng góp của bà Ba Thi, người ta không thể quên những hình ảnh day dứt một thời: Từng đoàn người, rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, với những vẻ mặt khinh khỉnh của các mậu dịch viên gạo; cảnh từng nhà phải rải gạo lên mâm hoặc tờ giấy trắng để lượm thóc, trấu, bông cỏ; nhớ những bữa ăn độn của nhiều gia đình thành phố trong khi biết bao hộ nông dân ở nhiều tỉnh miền Tây lúa chất đống trong nhà, ngoài sân mà không biết làm sao tiêu thụ được… Giám đốc Ba Thi đã đi tiên phong để giải quyết những sự vô lý và bất cập đó.
Ngày bà Ba Thi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đã có hàng trăm bức thư, điện, bài báo mừng cho Công ty và người nữ giám đốc Anh hùng. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã có bài viết đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-10-1985 ca ngợi Giám đốc Ba Thi. Trong đó có đoạn: “Hạt gạo chị Ba Thi thật nhiều chất chứa. Rất khó phân tích tỷ lệ các phần cấu thành trong danh hiệu anh hùng của chị Ba, bao nhiêu phần trăm thuộc suy tính đến bạc tóc, bao nhiêu phần trăm thuộc những đêm thức trắng vì khắc khoải sự đói no của thành phố, bao nhiêu phần trăm thuộc kinh nghiệm của một cán bộ từng lăn lộn với quần chúng tại một thành phố lớn, kinh nghiệm dẫn đến cách tổ chức làm ăn thoát hẳn lối mòn bao cấp… Thôi thì ta đành bằng lòng với nhận định: Danh hiệu anh hùng của chị tổng hợp tất cả những cái mà chúng ta gọi là phẩm chất của chị”…
---------------


Những người mở lối (Bài 4)

Bài 4: Cơn “địa chấn” ở Long An
QĐND - Những năm 1979, 1980, tỉnh Long An triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - bù giá vào lương gây chấn động dư luận. Đây là một quyết định “tày đình” vì đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa chính thống. Nhiều nơi tung tin về chủ trương “phá rào” của Long An là hiện tượng: “Làm loạn giá”, “Mới vào đến sân bay Tân Sơn Nhất đã ngửi thấy mùi Nam Tư” (ý nói kinh tế thị trường). Tuy nhiên, bước đột phá đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại những thay đổi lớn cho tỉnh và đã lan truyền trong cả nước. “Người mở lối” cho hướng đi mới này là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần…
Cựu Bí thư Chín Cần (sau này ông là Bộ trưởng Bộ Lương thực và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) năm nay đã cận kề tuổi 90. Trong ngôi nhà nằm khuất trong ngõ của đường Sư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ nhìn tôi, không nói được gì. Đại tá Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, con trai ông nói với tôi: “Sau đợt vào viện hồi đầu năm 2011, giờ ông đã yếu nhiều và không đủ tỉnh táo để tiếp chuyện được ai”. Tôi bắt xe ngược sang Long An, mảnh đất mà vị Bí thư này đã gây nên những cơn “địa chấn” 30 năm trước. Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệt tình cung cấp tư liệu và giới thiệu nhân chứng cho tôi. Ông còn tiết lộ: “Tỉnh đã đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu Anh hùng cho bác Chín”…
Đột phá “bù giá vào lương”
Ông Chín Cần có hai lần nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An. Mỗi lần đều là những thử thách ngặt nghèo đối với ông. Lần trước, vào đầu thập niên 50 và lần sau ngay sau giải phóng. Tái nhận chức người đứng đầu tỉnh, trong ông ngổn ngang những mối lo. Lúc này, sau những hân hoan của ngày đại thắng, Long An cũng như cả nước phải đối mặt với những khó khăn chồng chất về kinh tế xã hội khi những khuyết tật của mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung, hành chính cung cấp và bao cấp ngày càng bộc lộ gay gắt. Rõ nét nhất là cơ chế giá cả. Sự áp đặt chủ quan, tùy tiện trong định giá đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của nhà nước. Khoản chênh lệch ấy chính là miếng mồi béo bở cho các hoạt động bòn rút hàng từ tay nhà nước sang túi các cá nhân. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn. Ông Mai Văn Chính đưa ra tài liệu mới được Tỉnh ủy tổng kết, trong đó có thống kê tiền lương của công nhân viên chức khi đó. Chỉ lấy ví dụ như năm 1979, lương của đối tượng này chỉ là 51,95 đ/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của một lao động trong nông nghiệp là 105 đ/tháng, của một tiểu thương kinh doanh nhỏ là 573 đ/tháng, kinh doanh vừa 702 đ/tháng và kinh doanh lớn là 877đ/tháng. Lương quá thấp nên công nhân viên chức tìm mọi cách để lo toan cuộc sống gia đình. Hàng ngàn công nhân, viên chức, giáo viên xin nghỉ hoặc tự bỏ việc để đi buôn, làm ruộng hoặc làm thuê kiếm sống.
Tổng bí thư Lê Duẩn đến nói chuyện với cán bộ tỉnh trong lần về thăm Long An tháng 3-1978 (Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần đi sau Tổng bí thư). Ảnh tư liệu.
Là người đứng đầu tỉnh, Bí thư Chín Cần rất đau lòng. Ông trăn trở và tìm cách để thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, khâu nóng bỏng nhất lúc bấy giờ. Người được ông chọn để tham gia xây dựng đề án này là Phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hồ Đắc Hi. Ông Hi băn khoăn: Thay đổi là đụng chạm đến nguyên tắc, cơ chế đang hiện hành. Cơ sở nào để làm đề án?
- Cơ sở là từ thực tiễn. Giá cả, tiền lương phải dựa trên quy luật giá trị và cung cầu, cũng như các quy luật kinh tế hàng hóa khác, chứ không thể duy ý chí - Bí thư Chín Cần chỉ đạo.
- Nhưng phải bắt đầu từ đâu?
- Bắt đầu từ tôi. Anh hãy lấy thu nhập của Bí thư Tỉnh ủy để tính toán.
Ông Hi tính toán từ chính trường hợp của Bí thư và đề xuất phương án với ông Chín. Theo đó, tổng tiền lương và 16 mặt hàng phân phối theo định lượng, tất cả quy ra giá thị trường thì lương Bí thư Tỉnh ủy xấp xỉ 600 đồng. Tuy nhiên, do chất lượng hàng hóa thấp, tiêu chuẩn bị cắt xén, hàng được cấp không phù hợp nhu cầu… thì hiệu quả sử dụng của mức lương này chỉ đạt 50-70%. Tốt nhất là đem hết số hàng phân phối của Bí thư ra chợ bán theo giá thị trường rồi về trả cho ông 600 đ/tháng. Bí thư cần gì ra đó mà mua. Nếu theo phương án này thì tỉnh nắm được hàng hóa, giá cả; còn người hưởng lương thoải mái lựa chọn hàng mua. Vì thế, dân buôn, đầu cơ, nhân viên thương nghiệp… không còn cơ hội tiêu cực; Nhà nước còn tiết kiệm được khoản bù lỗ cho thương nghiệp, tem phiếu, thời gian…
Bí thư Chín Cần vỗ đùi cái đét, reo lên: “Đúng, trúng rồi đó!”. Ông trao đổi thêm với các cán bộ chủ chốt tỉnh và cho làm thử nghiệm. Sau khi lĩnh toàn bộ định mức hiện vật trong tháng về, mặt hàng xà bông được chọn để bán ra thị trường. Để tránh đầu cơ và đề phòng tình huống xấu bất ngờ, xà bông được chia để bán làm ba lần. Giá bán cao gấp 10 lần giá phân phối và tương đương giá chợ. Lương của viên chức tháng đó đã được cộng thêm định mức của mặt hàng xà bông theo giá thị trường. Ai muốn mua xà bông thì ra chợ, thoải mái lựa chọn, không phải lo mua dự trữ. Vì thế, giá xà bông đã giảm rất nhiều. Lần đầu tiên một mặt hàng không phân phối nhưng cũng không thiếu ngoài chợ hay cửa hàng quốc doanh. Bước thử nghiệm đã thành công. Tiếp theo đó, trong 3 tháng cuối năm 1979, tất cả các mặt hàng phân phối (trừ gạo) đều được Long An bán ra thị trường. Toàn bộ số hiện vật của cán bộ viên chức được quy ra tiền theo giá thị trường và cộng vào lương hằng tháng. Giải pháp “bù giá vào lương” đã gây một hiệu ứng tích cực. Thị trường sôi động, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, quỹ lương của tỉnh tăng lên gấp 7 lần…
Cơn “địa chấn” rung chuyển
Sau “bù giá vào lương”, Bí thư Chín Cần tập trung vào tìm phương án cải tiến khâu phân phối, lưu thông một cách căn cơ, toàn diện. Có nhiều buổi ông giả dạng thường dân đi qua các trạm kiểm tra lưu thông trên Quốc lộ 1A. Những bất hợp lý hiển hiện trước mắt người bí thư. Có người mẹ mang vài cân gạo cho con đang học trên Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị kiểm tra, tịch thu và ngâm gạo vào nước.
Trong mớ bòng bong của khâu phân phối lưu thông lúc ấy, Bí thư Chín Cần quyết định cải tiến phương thức về thu mua, phân phối lương thực, nông sản, thực phẩm ở địa phương. Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 26-6-1980, ông khuyến khích một số ý kiến đề xuất phương thức mới theo hướng: Mua và bán hàng theo giá thỏa thuận. Đây là ý tưởng rất mới, táo bạo. Và cũng dễ hiểu khi ý kiến này nêu ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của không ít người. Họ cho rằng, làm theo phương thức đó là không thực hiện được giá chỉ đạo của Nhà nước quy định, ta làm thế nào để tranh mua, tranh bán được với tư thương. Như vậy sẽ đẩy giá lên cao, gây căng thẳng thị trường… Số phản đối còn đề nghị xem lại quan điểm, lập trường của những người đề xuất. Phải chăng phương thức này chỉ quan tâm đến người có tiền, những người giàu có? Cuộc sống của những người nghèo, người có công với cách mạng đã bị bỏ qua?... Bí thư Chín Cần đứng bật dậy, khảng khái: “Chúng ta bàn và tìm phương thức mới là để tháo gỡ khó khăn, là vì cuộc sống và niềm tin của dân. Cho nên tôi đề nghị không được quy chụp động cơ đó với vấn đề quan điểm, tư tưởng chính trị. Cá nhân tôi ủng hộ phương thức mới là thu mua theo giá thỏa thuận. Vì đó là biện pháp hợp với thực tế, hợp với quy luật khách quan”.
Sau cuộc họp này, ông Chín chỉ đạo tiến hành làm thử việc mua hàng theo giá thỏa thuận đối với hàng nông sản, thực phẩm và bán hàng theo giá thỏa thuận đối với hàng tiêu dùng. Cung cách làm ăn mới này đã được người dân hồ hởi đón nhận, công nhân viên chức yên tâm, phấn khởi làm việc.
Những bước thử nghiệm ban đầu đã cho kết quả rất tích cực, Bí thư Chín Cần cùng ông Tư Giao, Giám đốc Thương nghiệp tỉnh hoàn chỉnh Đề án cải tiến phân phối lưu thông và thông qua Tỉnh ủy vào tháng 8-1980. Đề án đặt vấn đề phải chủ động, sáng tạo, phải “dám nghĩ, dám làm, dám nói” trong lãnh đạo và quản lý kinh tế. Triển khai áp dụng với mua bán theo giá thỏa thuận, bù chênh lệch giá trên cơ sở tiêu chuẩn hàng thiết yếu được phân phối. Với phương thức mới, người sản xuất trở lại làm chủ trong sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng trở lại làm chủ thu nhập của mình. Người sản xuất có thể mua được vật tư, nguyên liệu cần thiết, người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu mà không phải trông chờ vào mạng lưới phân phối của nhà nước. Việc cung ứng hàng hóa ngày càng sát hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Hàng hóa được lưu chuyển nhanh hơn với con đường ngắn nhất từ sản xuất đến tiêu dùng. Như vậy, cả ba mặt sản xuất, tiêu dùng và lưu thông đều được cải tiến, với những đột phá mới.
Đề án cải tiến phân phối lưu thông mà người chủ biên là Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần khi được triển khai đã mang lại luồng sinh khí mới tràn ngập niềm tin và phấn khởi trong cán bộ và nhân dân. Chỉ sau 2 tháng, hơn 300 công nhân, viên chức, giáo viên đã nghỉ, xin trở lại làm việc. Nông dân phấn khởi lao vào sản xuất… Kết quả thực tế là phương thức ấy, việc lưu thông hàng hóa đã trở lại bình thường, kinh tế xã hội được phục hồi nhanh chóng, sản xuất tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Năm năm liền (1980-1985) mặc dù có những năm gặp thiên tai nhưng nhìn chung sản xuất vẫn liên tục phát triển. Sản lượng lương thực từ 436 nghìn tấn năm 1980 lên 580 nghìn tấn năm 1985. Sản lượng vải từ 2,3 triệu mét năm 1980 lên 6,5 triệu mét năm 1985. Trước năm 1980, chưa có năm nào tỉnh hoàn thành được kế hoạch thu mua, xuất khẩu hàng hóa. Nhưng từ năm 1980, hàng xuất khẩu liên tục tăng lên, hoàn thành kế hoạch trung ương giao, đạt và vượt cả kế hoạch của địa phương. Long An là một trong chưa đến 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có dư ngân sách để nộp cho Trung ương.
Những cải tiến trong phân phối, lưu thông ở Long An thực sự đã gây lên cơn “địa chấn” trong cả nước. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, hàng chục đoàn của các tỉnh, thành phố đã về Long An nghiên cứu, tìm hiểu. Một số phái đoàn quốc tế như đoàn giáo sư Liên Xô, đoàn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Nhật Bản… cũng về Long An để tìm hiểu. Một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản đánh giá việc làm của Long An “không những là cách làm mới đối với Việt Nam mà còn là mới đối với cả phe xã hội chủ nghĩa”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính được gọi ra Hà Nội để giải thích tại sao việc “tày đình” như thế mà không báo cáo xin ý kiến trung ương? Ông Chín Cần thẳng thắn đáp: “Nếu chúng tôi xin ý kiến thì bằng lý luận các anh sẽ bác. Chi bằng chúng tôi làm có kết quả rõ ràng, rồi báo cáo”. Và kết quả thực tế đã thay mọi lời giải thích. Trung ương chấp nhận và cho Long An tiếp tục thực hiện. Không lâu sau, các cải tiến này đã được áp dụng trong cả nước với những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI…
Rời Long An, tôi vẫn vấn vương lời Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm Mai Văn Chính nói lúc chia tay: “Bác Chín Cần không có điều kiện để học cao vì toàn bộ những năm tháng tuổi trẻ bác phải lăn lộn với các phong trào cách mạng ở địa phương và kháng chiến giải phóng dân tộc. Bù lại, bác luôn sâu sát thực tiễn, gần dân, thương dân và luôn có đầu óc đổi mới. Bác tin tưởng và trọng dụng nhiều trí thức và chuyên gia giỏi như ông Hồ Đắc Hi, ông Tư Giao… Bởi vậy, Long An mới có những đột phá thành công, gây xôn xao dư luận cả nước vào “đêm trước đổi mới” như thế”…
------------

Những người mở lối (Tiếp theo và hết)

Bài 5: Tượng đài trong lòng dân
QĐND - Với mong muốn tiếp cận thêm thông tin về giai đoạn trước đổi mới, cũng như những đánh giá về các nhân vật lịch sử, sau khi thực hiện xong 4 bài viết (đã đăng từ ngày 9 đến 12-2), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi nhanh với các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế: PGS. TS Hà Huy Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TSKH Nguyễn Thị Hiền, nguyên Vụ trưởng Ban vật giá Chính phủ, nguyên chuyên viên cao cấp Văn phòng Chủ tịch nước… Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tư tưởng, hành động anh hùng
PV: Thưa PGS. TS Hà Huy Thành và TSKH Nguyễn Thị Hiền! Có không ít người thắc mắc là tại sao trước những khuyết tật của cơ chế cũ đã bộc lộ ngày càng rõ nét sau năm 1975 nhưng chúng ta vẫn duy trì và phải đến Đại hội VI năm 1986 mới quyết định đổi mới. Tại sao chúng ta không đổi mới sớm hơn, như Trung Quốc chẳng hạn, họ đã bắt đầu cải cách từ năm 1978?
PGS. TS Hà Huy Thành: Để đi đến quyết định đổi mới tại Đại hội VI, nước ta đã phải trải qua một giai đoạn vật lộn, đấu tranh gian khổ, từng bước tạo nên những thay đổi về nhận thức, về tư duy. Quá trình ấy diễn ra ngay trong những quyết sách ở tầm “vĩ mô”. Từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) tháng 9-1979, Đảng đã chủ trương “bung ra”, “cởi trói cho sản xuất”, tháo gỡ được nhiều khó khăn, hé mở những hướng đi mới nhưng sau đó lại xuất hiện tình trạng vô tổ chức trong các quan hệ kinh tế như tranh mua, tranh bán, chụp giật trên thị trường… Điều đó làm cho những ý tưởng đột phá cải cách bắt đầu bị đặt những câu hỏi về hướng đi. Những quan điểm bảo thủ, cũ kỹ lại có căn cứ để thực hiện việc “siết lại” bằng những kỷ cương kinh tế truyền thống trong những năm 1982, 1983. Đến năm 1985, tình hình diễn biến ngày càng xấu hơn, đòi hỏi khách quan là phải dứt khoát lựa chọn một lối ra cho nền kinh tế. Đặc biệt, sau kết quả cuộc cải cách giá lương tiền năm 1985 đã đẩy tình thế tới chỗ không thể chắp vá mô hình cũ mà phải thay đổi hoàn toàn…
PGS. TS Hà Huy Thành. Ảnh: Vĩnh Thăng.
TSKH Nguyễn Thị Hiền: Ở đây, tôi muốn nói cho rõ là năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách nhưng mới tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Đổi mới ở Việt Nam tuy sau cải cách của Trung Quốc nhưng ở những giai đoạn đầu chúng ta làm đầy đủ, toàn diện và nhất thể hơn. Ví dụ như vấn đề xóa 2 giá, Việt Nam làm trước Trung Quốc hàng chục năm. Năm 1990, nước ta đã gần như xóa chế độ 2 giá với những sản phẩm cơ bản, trong khi Trung Quốc gần đến năm 2000 vẫn còn 2 giá với một số sản phẩm.
Đúng như PGS, TS Hà Huy Thành đã nói, để đi đến quyết định đổi mới toàn diện tại Đại hội VI, chúng ta phải qua một quá trình. Nhưng cũng xin nói thêm là những quyết định của Đại hội VI là lịch sử, tuy nhiên không phải ngay sau đó, chúng ta đã đổi mới toàn diện được ngay đâu. Hàng loạt những vấn đề về cơ chế thị trường, quan điểm và đường lối kinh tế… vẫn chưa được khẳng định dứt khoát. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và mới vẫn tiếp tục diễn ra…
PV: Có thể nhìn nhận như thế nào về đóng góp của các cá nhân đã dũng cảm đi tiên phong trong đổi mới tư duy, xây dựng các mô hình và góp phần hoạch định đường lối đổi mới?
TSKH Nguyễn Thị Hiền: Trước hết tôi cho rằng, công cuộc đổi mới là tác phẩm của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đóng góp của nhiều người, mỗi người có đóng góp ở tầm mức của riêng mình. Chúng ta cần ghi danh phong trào đổi mới của quần chúng, đặc biệt là ở phía Nam và các cá nhân tiêu biểu đã dám tháo bỏ những tư duy và quy định cũ, có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Hiệu quả thực tiễn của các mô hình mới từ cơ sở đã có tác động lớn và thuyết phục đối với những quyết định “vĩ mô”, góp phần từng bước hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
PGS. TS Hà Huy Thành: Cái mới khi bắt đầu xuất hiện không phải dễ dàng được chấp nhận ngay. Tôi nói ví dụ như trường hợp của Tổng bí thư Trường Chinh mà trong vệt bài các anh đã đề cập. Là một nhà lãnh đạo cấp cao có uy tín rất lớn nhưng khi ông nỗ lực trong việc đấu tranh để bảo vệ cho quan điểm đổi mới trước Đại hội VI, ông vẫn phải chịu đựng búa rìu của sự phê phán. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành khi áp dụng khoán trong nông nghiệp cũng bị không ít người phản đối gay gắt. Giám đốc Ba Thi bị gán cho tội “tranh mua, tranh bán, phá thị trường”. Bí thư Chín Cần của Long An từng bị quy chụp là “thành phần xét lại”… Nếu không dũng cảm, đặc biệt là tấm lòng vì dân, thương dân thì làm sao họ dám thay đổi tư duy và “phá rào” như thế được… Tôi cho rằng, tư tưởng và hành động của những người như vậy xứng đáng vinh danh như những người anh hùng. Lịch sử bao giờ cũng vậy, nếu hy sinh và cống hiến hết mình vì dân thì sẽ sống mãi trong lòng dân, là tượng đài vững bền trong lòng nhân dân…
PV: Ngoài các chân dung đã được nhắc đến trong vệt bài trên Báo Quân đội nhân dân, dưới góc nhìn của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, ông, bà có thể nêu một số cá nhân và mô hình tiêu biểu khác trong giai đoạn trước đổi mới?
TSKH Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Tuấn Tú.
TSKH Nguyễn Thị Hiền: Với các nhà lãnh đạo thời đó, ngoài những nhà lãnh đạo cấp cao như Lê Duẩn, Trường Chinh, tôi nghĩ không thể không nhắc đến những gương mặt khác như ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… Các ông là những người đã từng công tác lâu ở cơ sở nên rất hiểu thực tiễn và luôn có tư tưởng, hành động đổi mới, ủng hộ cái mới. Tôi có thời gian làm việc với ông Kiệt khi ông từ TP Hồ Chí Minh ra nhận nhiệm vụ ở trung ương nên biết được những trăn trở của ông. Nhất là khi ông được giao chỉ đạo các tổ triển khai nghị quyết trung ương về cải cách giá lương tiền. Ông sâu sát, cụ thể trong chỉ đạo mọi việc, nhất là rất quyết liệt và nhất quán trong triển khai vấn đề một giá, trăn trở với việc xóa giá nghĩa vụ đối với nông dân… Ở dưới cơ sở, còn có một cá nhân mà lâu nay ít được nhắc đến. Đó là ông Năm Ve, Giám đốc Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo. Ông là người thay đổi cơ chế quản lý: Thay vì quản lý theo chế độ kinh tế quốc doanh, ông chuyển sang quản lý theo chế độ nậu vựa của các chủ đánh cá thuở trước giải phóng. Mô hình này đã mang lại thay đổi rõ rệt: Xí nghiệp làm ăn có lãi, đời sống công nhân được nâng cao…
PGS. TS Hà Huy Thành: Tôi nghĩ rằng, các cá nhân và mô hình nêu trong vệt bài của Báo Quân đội nhân dân là rất tiêu biểu trong thời kỳ đó. Còn một số mô hình cụ thể khác nhưng ảnh hưởng ra toàn quốc còn ở mức độ nào đó, ví như những cải tiến của Nhà máy Công cụ số 1 chẳng hạn…
Quyết tâm và dũng cảm chính trị
PV: Câu chuyện về “Những người mở lối” và các mô hình “phá rào” trước đổi mới đã để lại bài học và kinh nghiệm gì trong giai đoạn hiện nay, thưa PGS. TS Hà Huy Thành và TSKH Nguyễn Thị Hiền?
“Từ năm 1979 đã có một số mũi đột phá táo bạo trong kinh tế, mà thời đó thường gọi là “phá rào”. Kết quả của những cuộc phá rào đó đã dội vào tư duy kinh tế của nhiều nhà lãnh đạo, làm cho họ từng bước nhận thấy cần và có thể chọn một hướng đi khác trước… Tiêu biểu là những trường hợp sau: Khoán ở Hải Phòng năm 1980, khoán ở Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo, Vũng Tàu, khoán ở Công ty xe khách miền Đông Nam Bộ, thu mua lương thực ở Công ty Kinh doanh Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, phá giá thu mua lúa ở An Giang, áp dụng cơ chế giá thị trường ở Long An,…”.
(Cố GS lịch sử kinh tế Đặng Phong)
TSKH Nguyễn Thị Hiền: Bài học không bao giờ cũ với người lãnh đạo, đó là khi đưa ra những quyết định, nhất là các quyết sách lớn, quan trọng phải được tính toán kỹ lưỡng và không được duy ý chí. Đặc biệt, người lãnh đạo phải có quyết tâm và dũng cảm chính trị. Phản ứng của dư luận trước các quyết sách bao giờ cũng có, trong đó có phản ứng không hài lòng của những người là đối tượng của cuộc cải cách. Nhưng nếu quá cân nhắc mà không tính đến sự cần thiết và hiệu quả của cải cách đó đem lại thì tiến trình cải cách sẽ bị chậm.
Một điều rất quan trọng mà trong nhận thức, chúng ta đã thống nhất đó là phải thực sự tôn trọng các quy luật của cơ chế thị trường. Không nên “chính trị hóa” các quyết sách kinh tế, giảm bớt những cân nhắc về chính trị khi đưa ra các quyết sách thuần túy là kinh tế. Từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách, luật pháp phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, để khỏi phải “phá rào” như đã từng xảy ra…
PGS. TS Hà Huy Thành: Ở đây, tôi muốn nhắc lại câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “bất biến” là độc lập, chủ quyền dân tộc, là mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn… Nhưng trong thực tế cuộc sống, ứng với mỗi thời điểm, giai đoạn cụ thể thì luôn có “vạn biến”. Phải luôn sáng tạo và đổi mới cách nghĩ, cách làm. Tôi cũng đồng ý với ý kiến TSKH Nguyễn Thị Hiền là phải tôn trọng thị trường, thị trường phải ra thị trường, không nên can thiệp quá sâu và “hành chính hóa” thị trường.
Một bài học nữa, đó là đội ngũ cán bộ các cấp phải luôn gần dân, hiểu dân và vì dân. Sở dĩ trước đây, một số nhà quản lý, doanh nghiệp dám “phá rào”, vì họ luôn sâu sát thực tiễn, hiểu những nỗi khổ và khát vọng của nhân dân. Họ dũng cảm cải cách chứ không lo “giữ ghế”, dù biết có thể bị kỷ luật, thậm chí đi tù…
PV: Xin trân trọng cảm ơn!
----------------
Hoàng Tiến-Bích Trang (thực hiện)

4 nhận xét:

  1. Vâng có quyền, QH cũng có quyền.
    Nhưng thời điểm thực hiện chưa đc công bố, chờ thông tư hướng dẫn bác nha,
    Cố đợi nha :d

    Trả lờiXóa
  2. Bố Hải, Triển đúng lá té nước theo mưa?

    À mà vụ hỏi bác là nhà báo bác chưa giả nhời nhé, tks

    Trả lờiXóa
  3. Giả nhời rồi, bên nốt kia đó thôi, rằng thì là mà tớ là nhà báo hại mà. ;)

    Trả lờiXóa