24 tháng 3 2015

24/03/1999: NATO không kích Nam Tư

Tất cả những lý do NATO ném bom liên bang Nam Tư là dối trá.

Chưa bao giờ có những cuộc thảm sát, những nấm mồ chôn tập thể dưới thời ông Milosevic cho tới ngày bom của NATO rơi xuống liên bang Nam Tư.

Phim tài liệu : Cuộc chiến bắt đầu bằng sự dối trá - Kênh ARD, đài truyền hình nhà nước Đức, sản xuất năm 2001



Có 2 cuộc chiến liên quan đến khái niệm Chiến tranh Nam Tư. Cuộc chiến thứ nhất là cuộc nội chiến diễn ra từ 1991 đến 1995, cuộc chiến thứ hai là giữa Nam Tư với các nước NATO năm 1999.

Cuộc nội chiến Nam Tư xảy ra tháng 6-1991, nguyên nhân là mâu thuẫn giữa các sắc tộc trong nước, dẫn đến việc các sắc tộc tự tuyên bố tách khỏi nhà nước Nam Tư. Lần lượt các vùng có đa số dân cùng sắc tộc tự lập thành các quốc gia độc lập và chống lại quân đội, cảnh sát và chính quyền trung ương. Việc này dẫn đến sự phản đối của chính quyền trung ương nhà nước Nam Tư và nội chiến tất yếu nổ ra. Kết thúc cuộc nội chiến năm 1995, Nam Tư cũ bị chia thành 5 nước: Slovenia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Nam Tư mới (liên bang gồm Serbia và Montenegro).

Cuộc chiến Nam Tư 1999, liên quan đến việc đòi tuyên bố độc lập của vùng Kosovo thuộc Serbia - Nam Tư. Vùng đất này có đa số là người gốc Albani so với thiểu số dân Serbia. Đối với người Serbia thì đây là nơi thiêng liêng, nơi khởi nguồn và là cái nôi văn hoá của dân tộc mình. Một nhóm người gốc Albani đã thành lập 1 lực lượng phản kháng gọi là KLA và chiếm được 1 phần vùng Kosovo năm 1998. Quân đội Nam Tư tiến đánh và giao chiến với KLA khiến rất nhiều người dân phải bỏ nhà cửa và đe doạ gây ra 1 thảm hoạ nhân đạo với số người chết và bị thương do chiến tranh ngày càng tăng. Các nước NATO gây sức ép buộc Nam Tư phải ngừng bắn và đàm phán với KLA. Trong khi Nam Tư ngừng bắn thì KLA tiếp tục tập hợp thêm lực lượng và tấn công lại. Tổng thống Nam Tư khi đó là Milosevic ra lệnh cho quân đội phản công. Các nước NATO lại yêu cầu Nam Tư và KLA ngồi vào đàm phán, Milosevic đã bác bỏ bản kế hoạch hoà bình do NATO đưa ra, trong đó NATO sẽ đưa quân vào Kosovo và có quyền triển khai quân không hạn chế trên toàn lãnh thổ Nam Tư. Tháng 3/1999, dưới sự chỉ huy của Mỹ, quân đội NATO tiến hành cuộc không kích Nam Tư bằng máy bay và tên lửa. Sau nhiều lần đàm phán với sự trung gian của Nga, cuối cùng Nam Tư đồng ý rút quân ra khỏi Kosovo và để Liên Hiệp Quốc quản lý vùng đất này. Tháng 6/1999, khi quân đội Nam Tư bắt đầu rút khỏi Kosovo, NATO ngừng không kích. Trong cuộc chiến này, các nước NATO bắt đầu tấn công bằng đường không. Về phần mình, Nam Tư cũng không mang sức mạnh nào đáng kể ra chống trả nhằm bảo toàn lực lượng và đợi NATO đem bộ binh đến, vì vậy hầu hết các nước NATO phản đối ý định của Mỹ mang quân bộ đến Nam Tư. Những thiệt hại của Nam Tư hầu hết là về cơ sở hạ tầng như cầu đường, nhà cửa, trạm điện, nhà máy...

Căng thẳng giữa hai cộng đồng đã được nhen nhóm trong suốt thế kỷ 20 và thỉnh thoảng trở thành những cuộc bạo lực, đặc biệt trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất, Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. Chính quyền cộng sản của Josip Broz Tito đã đàn áp có hệ thống các cuộc biểu tình của những nhà chủ nghĩa dân tộc trên khắp nước Nam Tư, nhằm chắc chắn rằng không một nước cộng hòa nào thống trị các nước khác. Đặc biệt, sức mạnh của Serbia - nước cộng hòa rộng và đông dân nhất - đã giảm dần bởi sự thành lập chính phủ tự trị ở tỉnh Vojvodina phía bắc Serbia và tỉnh Kosovo ở phía nam. Biên giới của Kosovo không chính xác đúng với vùng sinh sống của người thiểu số Albania ở Nam Tư (lượng lớn người Albania đã rời đến Cộng hòa Macedonia, Montenegro và Serbia trong khi ở phía bắc tỉnh Kosovo vẫn còn rất nhiều người Serbia). Tuy nhiên, đa số cư dân ở đây là người Albania ít nhất là từ 1921.

Nền tự trị chính thức của Kosovo, thiết lập theo Hiến pháp Nam Tư 1945, ban đầu có rất ít trên thực tế. Năm 1956, rất nhiều người Albania bị bắt ở Kosovo và bị buộc tội gián điệp và lật đổ. Nguy cơ của chủ nghĩa ly khai thực tế rất ít, vì các nhóm nhỏ bí mật hoạt động vì sự thống nhất với Albania không quan trọng lắm về mặt chính trị. Tuy vậy, ảnh hưởng lâu dài là có thật, vì một vài nhóm, đặc biệt là Phong trào Cách mạng cho sự thống nhất Albania, thành lập bởi Adem Demaci, sau đó đã trở thành nhân tố chính trị quan trọng của Quân Giải phóng Kosovo. Bản thân Adem Demaci cũng bị bắt vào năm 1964 cùng với rất nhiều người trong phong trào.

Nam Tư đã trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế và chính trị vào năm 1969, vì một chương trình cải cách kinh tế hàng loạt của chính phủ đã tăng thêm khoảng cách giữa vùng phía bắc giàu có và vùng phía nam nghèo đói của đất nước. Các cuộc biểu tình của sinh viên và các cuộc nổi loạn ở Beograd vào tháng 6 năm 1968 đã lan rộng đến Kosovo vào tháng 11 cũng năm đó, nhưng bị đàn áp bởi các lực lượng an ninh Nam Tư. Tuy nhiên, một vài đề nghị của sinh viên, đặc biệt là quyền lực đại diện thật sự cho người Albania ở cả Serbia và Nam Tư, và sự công nhận tiếng Albania, đã được Tito chấp nhận. Đại học Pristina được thành lập như là một tổ chức độc lập vào năm 1970, đã kết thúc một thời kỳ dài khi mà tổ chức này hoạt động như một chi nhánh của Đại học Beograd.

Năm 1974, địa vị chính trị của Kosovo được nâng lên cao nữa khi được một hiến pháp mới của Nam Tư trao thêm nhiều quyền chính trị. Cùng với Vojvodina, Kosovo được tuyên bố là một tỉnh và đạt được nhiều trong số các quyền lực của một nước cộng hòa bình thường: một ghế trong Đoàn chủ tịch liên bang và có quốc hội riêng, lực lượng cảnh sát và ngân hàng quốc gia. Quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản, nhưng giờ đây được ủy thác cho những người cộng sản Albania.

Cái chết của Tito vào tháng 5 năm 1980 đã dẫn tới một thời kỳ dài bất ổn định chính trị, càng làm tồi tệ thêm bởi khủng hoảng kinh tế gia tăng và sự nổi loạn của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Sự bùng nổ lớn đầu tiên xảy ra ở thành phố chính của Kosovo, Pristina, vào tháng 3 năm 1981 khi các sinh viên Albania tụ tập thành hàng dài trong căng tin của trường. Tranh cãi tưởng là bình thường này nhanh chóng lan rộng khắp Kosovo và mang những đặc điểm của một cuộc khởi nghĩa, với hàng loạt các cuộc biểu tình của dân chúng ở nhiều thị trấn ở Kosovo. Người biểu tình yêu cầu rằng Kosovo phải được trở thành là một nước cộng hòa thứ bảy của Nam Tư. Tuy nhiên, điều này đối với Serbia và Cộng hòa Macedonia là không thể chấp nhận được về mặt chính trị. Một vài người Serbia (và có thể một vài người theo chủ nghĩa dân tộc Albania nữa) nhìn nhận những yêu sách này như là mà mở đầu cho một "Đại Albania", có thể bao gồm cả những phần của Montenegro, Cộng hòa Macedonia và chính cả Kosovo. Chủ tịch nước Nam Tư đưa cảnh sát và quân đội đến và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, mặc dù không hủy bỏ được nền tự trị của tỉnh này như một vài người Serbia cộng sản yêu cầu. Báo chí Nam Tư cho rằng đã có 11 người chết (mặc dù những bên khác tuyên bố số người bị chết lên tới 1.000) và 4.200 người khác bị bắt.

Đảng Cộng sản Kosovo cũng phải chịu sự thanh trừng, một vài nhân vật chủ chốt (bao gồm chủ tịch đảng) bị trục xuất. Kosovo phải chịu đựng sự hiện diện của cảnh sát mật trong suốt thập niên 1980, đàn áp thẳng tay không thương tiếc những biểu thị của chủ nghĩa dân tộc trái phép, cả người Albania và người Serbia. Theo như một báo cáo được trích bởi Mark Thompson, khoảng 580.000 cư dân của Kosovo bị bắt, chất vấn, giam giữ hoặc là bị khiển trách. Hàng nghìn người trong số này đã mất việc hoặc là bị đuổi khỏi các cơ sở giáo dục.

Trong suốt thời gian này, căng thẳng giữa người Albania và cộng đồng người Serbia tiếp tục leo thang. Năm 1969, Giáo hội Chính thống của Serbia đã ra lệnh cho các tăng lữ thu thập dữ liệu về vấn đề đang tiếp diễn của người Serbia ở Kosovo, nhằm gây áp lực cho chính phủ ở Beograd phải tăng cường bảo vệ sự trung thành của người Serbia. Tháng 2 năm 1982, một nhóm thầy tu từ Serbia thỉnh cầu Giám mục của mình đưa ra câu hỏi "Tại sao Giáo hội Serbia lại im lặng" và tại sao không có chiến dịch chống lại sự "hủy diệt, đốt phá, xúc phạm thần thánh của Kosovo". Những lo ngại như vậy đã thu hút sự chú ý của Beograd. Chuyện này được xuất hiện hết lần này đến lần khác trên báo chí Beograd, tuyên bố rằng người Serbia và Montenegro đang bị ngược đãi. Có một sự nhận thức xác thực giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia là người Serbia đang bị đuổi ra khỏi Kosovo. Một thực tế quan trọng góp phần vào mối lo sợ và sự bất ổn định này là sự vận chuyển mai túy quy mô lớn của mafia ở Kosovo và Albania.

Một nhân tố khác nữa là tình trạng ngày càng tồi tệ của nền kinh tế Kosovo, khiến người Serbia không chọn nơi này để tìm việc. Người Albania cũng như người Serbia có xu hướng thích người cùng sắc tộc hơn khi thuê nhân viên mới, nhưng lượng công việc trong hoàn cảnh nào cũng quá ít so với dân số.

Tháng 1/1999, vụ thảm sát người Albania ở Racak trở thành giọt nước tràn ly. Phương Tây, vốn có quá nhiều vấn đề ở Bosnia, đã vào cuộc. Hội nghị Rambouillet tại Paris, Pháp, được triệu tập mùa xuân năm đó với ý định áp đặt một giải pháp chính trị cho quân nổi dậy nhưng không thành.

Ngày 24 tháng 3 năm 1999, NATO phát động một chiến dịch ném bom trên không nhằm vào Serbia. Hàng trăm ngàn người Albania bị các nhóm quân của Milosevic đuổi khỏi Kosovo. Sau 78 ngày ném bom, Belgrade nhượng bộ. Tại Kosovo, lực lượng Serbia được thay thế bằng lính của NATO và Liên hợp quốc. Kosovo trở thành xứ bảo trợ quốc tế, đặt dưới sự chỉ đạo của LHQ. Quy chế của tỉnh này được đóng băng trong 5 năm.

Suốt mùa hè năm 1999, bạo lực tăng cao chống lại người Serbia sống trong các khu vực toàn người Albania ở phía nam đất nước. Sau Bosnia, Kosovo là một bằng chứng mới cho thấy thất bại chính trị của phương Tây khi định khởi động chủ nghĩa đa sắc tộc ở Balkans.

Tại Belgrade, hậu quả trực tiếp của cuộc oanh tạc của NATO là Milosevic bị lật đổ ngày 5 tháng 10 năm 2000. Phương Tây khi đó muốn thiết lập một chính quyền thân châu Âu ở Belgrade, mà người Albania ở Kosovo có thể chấp nhận hợp tác. Nhưng tháng 3 năm 2003, vụ ám sát Zoran Djindjic, chính khách duy nhất của Serbia muốn giải quyết vấn đề Kosovo, đã dập tắt hy vọng này. Và chủ nghĩa dân tộc Serbia sống lại.

24/03/1999: NATO không kích Nam Tư


Nguồn:NATO bombs Yugoslavia,” History.com (truy cập ngày 22/03/2015).
Ngày 24 tháng 3 năm 1999, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc không kích nhằm vào Nam Tư, tấn công các căn cứ quân sự của Serbia ở tỉnh Kosovo. Cuộc tấn công của NATO nhằm đáp trả làn sóng thanh lọc sắc tộc của các lực lượng Serbia chống lại người Albania ở Kosovo hôm 20 tháng 3.

Vùng Kosovo nằm ở trung tâm đế chế Serbia cuối thời Trung Cổ, nhưng rồi rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ dưới đế chế Ottoman năm 1389 sau thất bại của người Serbia trong Trận Kosovo. Tới lúc người Serbia giành lại quyền kiểm soát Kosovo từ tay Thổ Nhĩ Kỳ năm 1913 thì số người Serbia ở lại đã bị người Albania áp đảo (về số lượng). Năm 1918, Kosovo chính thức trở thành một tỉnh của Serbia, nó tiếp tục đóng vai trò như vậy sau khi lãnh đạo cộng sản Josip Broz Tito thành lập Cộng hòa Nhân dân Liên bang Nam Tư năm 1945, bao gồm các nước vùng Balkan là Serbia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Slovenia, và Macedonia. Tuy nhiên, Tito cuối cùng cũng trao quyền tự chủ cho Kosovo, và sau năm 1974, Kosovo thực tế đã tồn tại như một nhà nước độc lập, chỉ trừ cái tên.

Serbia không hài lòng trước quyền tự chủ của Kosovo, thứ cho phép Kosovo hành động đi ngược lại những lợi ích của Serbia, và đến năm 1987, Slobodan Milošević được bầu làm lãnh đạo Đảng Cộng sản Serbia với lời hứa khôi phục quyền cai trị của người Serbia đối với Kosovo. Năm 1989, Milošević trở thành Tổng thống Serbia và hành động rất nhanh chóng để trấn áp Kosovo, tước quyền tự chủ của nó và đến năm 1990 thì gửi quân đội đến để giải tán chính phủ Kosovo. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc Serbia đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư vào năm 1991, và đến năm 1992 khủng hoảng Balkan trở thành một cuộc nội chiến. Một nhà nước Nam Tư mới được thành lập, chỉ bao gồm Serbia và một quốc gia nhỏ là Montenegro, và Kosovo bắt đầu 4 năm kháng chiến bất bạo động chống lại chính quyền Serbia.

Tổ chức Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) nổi lên từ năm 1996 và bắt đầu tấn công cảnh sát Serbia ở Kosovo. Với vũ khí thu được ở Albania, KLA tăng cường các cuộc tấn công trong năm 1997, kích động một cuộc tấn công lớn của quân đội Serbia nhằm vào khu vực Drenica do phiến quân kiểm soát từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1998. Hàng chục dân thường thiệt mạng, số người gia nhập KLA gia tăng đáng kể. Tháng 7, KLA phát động một cuộc tấn công ở Kosovo, giành quyền kiểm soát gần nửa tỉnh này trước khi phải tháo chạy sau cuộc phản công của Serbia cuối mùa hè năm đó. Binh lính Serbia đã buộc hàng ngàn người Albania phải rời bỏ quê hương và bị buộc tội tàn sát dân thường ở Kosovo.

Tháng 10 năm 1998, NATO đe dọa không kích Serbia, và Milošević đã đồng ý cho hàng ngàn người tị nạn trở lại quê hương. Tuy nhiên, cuộc chiến nhanh chóng tiếp diễn, và các cuộc đàm phán giữa người Albania ở Kosovo và người Serbia ở Rambouillet (Pháp) hồi tháng 2 năm 1999 đã kết thúc trong thất bại. Ngày 18 tháng 3, các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris tiếp tục thất bại sau khi phái đoàn Serbia từ chối ký một thỏa thuận cho phép Kosovo độc lập và cho phép triển khai quân đội NATO để thực thi thỏa thuận. Hai ngày sau đó, quân đội Serbia phát động một cuộc tấn công mới ở Kosovo. Đến ngày 24, NATO bắt đầu cuộc không kích.

Bên cạnh những căn cứ quân sự của Serbia, chiến dịch không kích của NATO còn nhắm đến các tòa nhà chính phủ Serbia và cơ sở hạ tầng của nước này trong một nỗ lực nhằm gây bất ổn cho chính quyền Milošević. Các vụ đánh bom và chiến dịch tấn công Serbia tiếp tục buộc hàng trăm ngàn người Albania ở Kosovo phải di tản sang các nước láng giềng là Albania, Macedonia, và Montenegro. Nhiều người tị nạn đã được đưa an toàn tới Mỹ và các quốc gia NATO khác. Ngày 10 tháng 6, cuộc không kích của NATO kết thúc khi Serbia đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia sẽ rút khỏi Kosovo và thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Ngoại trừ hai phi công Mỹ thiệt mạng trong một nhiệm vụ huấn luyện ở Albania, không có nhân viên NATO nào thiệt mạng trong chiến dịch kéo dài 78 ngày này. Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro, chẳng hạn như vụ đánh bom nhầm khiến một số người tị nạn Albania ở Kosovo, các thành viên KLA, và dân thường Serbia thiệt mạng. Sự kiện gây tranh cãi nhất là vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hôm mùng 7 tháng 5, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trong quan hệ Mỹ – Trung.

Ngày 12 tháng 6, lực lượng NATO tiến quân vào Kosovo từ Macedonia. Cùng ngày, quân đội Nga cũng tới thủ đô Priština của Kosovo và buộc NATO phải đồng ý một thỏa thuận chiếm đóng chung. Bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình, những người Albania ở Kosovo quay trở lại đã trả đũa người thiểu số Serbia ở Kosovo, buộc họ phải chạy về Serbia. Dưới sự chiếm đóng của NATO, quyền tự chủ của Kosovo được khôi phục, nhưng nó vẫn chính thức là một phần của Serbia.

Slobodan Milošević bị lật đổ bởi một cuộc cách mạng nổi tiếng ở Belgrade hồi tháng 10 năm 2000. Thay thế ông là Thủ tướng dân cử Vojislav Koštunica, một người Serbia có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ôn hòa đã hứa hẹn sẽ tái hòa nhập Serbia với châu Âu và thế giới sau một thập niên cô lập.

Slobodan Milošević chết trong tù ở Hà Lan vào ngày 11 tháng 3 năm 2006, ít ngày trước khi phiên tòa xét xử ông về các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng kết thúc.


Có thể bạn chưa biết: Tên gọi “Nam Tư” trong tiếng Việt là giản xưng của “Nam Tư Lạp Phu,” dịch danh tên gọi “Yugoslavia” trong tiếng Trung Quốc, trong đó [phía] “Nam” là dịch nghĩa từ “Yugo” và Tư Lạp Phu /sīlāfū/ là phiên âm của “Slav” – ND.




Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng




Nhìn lại quan hệ Nga - Mỹ từ đầu 1999

Tác giả: Hoàng Vân.
1991 - Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, đồng thời cũng kết thúc luôn tình trạng đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, đưa lại sự hợp tác mang sắc thái mới giữa Liên bang Nga và Mỹ. Mối quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm và tưởng như trên đà phát triển trong những năm 1992-1997 với hàng loạt các cuộc viếng thăm, hợp tác trao đổi, ký kết từ cấp cao nhất đến cấp chuyên viên, giờ đây đang bị nguội lạnh bởi những đòi hỏi phi thực tế và ý đồ áp đặt từ phía Mỹ, đặc biệt trong khủng hoảng Kosovo, cùng những biểu hiện thù địch thời chiến tranh lạnh. Có thể nói kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, chưa bao giờ quan hệ Nga - Mỹ lại "xui xẻo" và căng thẳng như thời điểm khủng hoảng Kosovo.
Mọi hy sinh, mọi ảo tưởng của Nga về một sự trợ giúp chân thành từ phía Mỹ và NATO cho công cuộc cải cách đều bị đổ vỡ từ 1998, đặc biệt sau khi Nga phá giá đồng Rúp. Trong khuôn khổ ngưỡng thời gian từ đầu 1999, chúng ta hãy xem xét một số mâu thuẫn, phản ứng của hai phía, nguyên nhân, ý đồ đã làm cho quan hệ "đối tác chiến lược" Nga - Mỹ giờ đây trở nên tiêu điều. Cụ thể được thể hiện trong các vấn đề sau:
+ Viện trợ kinh tế của Mỹ để Nga tiếp tục cải cách;
+ Vấn đề vũ khí chiến lược;
+ Mở rộng NATO và an ninh của Liên Bang Nga;
+ Vấn đề Iraq và khủng hoảng Kosovo.
I. Viện trợ cải cách để tiếp tục cải cách:
Ngày 23/2/1999, tổng thống Nga Enxin đã ký đạo luật về ngân sách Liên bang 1999, (Đuma thông qua 5/2 và thượng viện phê duyệt 17/2) với phần thu ngân sách 1999 được ấn định là 473,67 tỷ rúp; phần chi - 575,04 tỷ; thâm hụt ngân sách 101,37 tỷ (2,54% GDP); GDP - 4000 tỷ rúp, bội thu ngân sách (không tính chi phí trả nợ nhà nước) - 1,64% GDP, chi cho trả nợ trong nước 66 tỷ, trả nợ nước ngoài 9,5 tỷ USD. Theo chính giới Nga, đây là một ngân sách khắc khổ. Tuy nhiên Mỹ, và cụ thể là Quỹ tiền tệ thế giới IMF vẫn không hài lòng. (Nguồn: Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Moscow từ tháng 2 - tháng 8 / 1999).
Ngay sau khi Nga phá giá đồng rúp 17/8/1998, thị trường chứng khoán của Nga trở nên chao đảo, các khoản tín dụng của IMF và WB cho đến nay vẫn chỉ là trên lời hứa. IMF tuyên bố: ngân sách Nga với bội thu 1,64% GDP sẽ không khắc phục được tình trạng nợ ngày một chồng chất. Theo IMF, bội thu ngân sách phải là 4% GDP. Đây là một đòi hỏi phi lý không tưởng và không thể làm được. 4,8 tỷ USD mà Mỹ hứa cho vay để trả lãi cho chính IMF cho đến nay vẫn không được giải ngân. Đối với Nga, không thể có một phương án kinh tế nào thay thế được cho những thoả thuận đã đạt được với IMF. IMF sẽ chỉ cấp tín dụng và cơ cấu lại nợ cho Nga sau khi Quốc hội Nga đã thông qua một số dự luật (như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, rượu và tăng thu đối với người sử dụng ô tô...). Việc các chính phủ tiền nhiệm của Nga luôn bị mất uy tín với các tổ chức tài chính quốc tế vì những cam kết đạt được trong các cuộc đàm phán với IMF không được Quốc hội Nga thông qua hoặc trì hoãn đã gây nhiều phiền toái cho những thoả thuận để có được "tín dụng lòng tin" của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay. Từ trước tới giờ, các vốn cho vay rải rác không có mục đích và hệ thống của Mỹ đối với Nga không thể tạo ra cơ sở hiệu quả cho việc cơ cấu lại nền kinh tế Nga theo mô hình phương Tây. Tỷ lệ Mỹ trong cán cân thương mại của Nga chỉ bằng 7%, nhỏ hơn nhiều lần so với các quốc gia SNG và châu Âu, đổi lại tỷ lệ của Nga trong cán cân thương mại của Mỹ cũng chỉ bằng 0,1%, nhỏ hơn kim ngạch buôn bán giữa Mỹ và Singapo. Viện trợ của Mỹ cho Nga sau chiến tranh lạnh cũng chỉ mang tính tượng trưng, không đủ giúp cho các cải cách kinh tế của Nga - chỉ bằng 0,0005 tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Moskva chưa được chấp nhận làm thành viên của nhiều tổ chức quan trọng.
Thực chất của vấn đề là, Mỹ không bao giờ muốn một nước Nga đủ mạnh, trở thành đối thủ tiềm năng của mình. Bằng mọi cách Mỹ ép và áp đặt những điều kiện kinh tế ngặt nghèo đối với Nga, không xoá bỏ những sửa đổi của đạo luật Jackson - Vanix đối với Liên Xô cũ, ngăn chặn không cho Nga nhảy sâu vào Mỹ và "sân sau" Mỹ Latinh. Dưới nhan đề "Nga lại bị mất thêm một thị trường", tờ Độc Lập 24/2 đã nêu ra việc ngành luyện kim Nga trong năm 1999 xuất khẩu vào Mỹ chỉ còn 30% so với mức năm 1998 (còn 345 ngàn tấn), chỉ vì Mỹ ép Nga 2 điều kiện: hoặc giảm khối lượng xuất, hoặc chịu thuế nhập khẩu cao. Sau nhiều vòng đàm phán gay cấn, kết cục là Nga đành ngậm ngùi giảm khối lượng.
Như chúng ta đã thấy, nếu cứ trên đà này thì nền kinh tế Nga sẽ không những không đứng vững nổi, mà sẽ ngày một sa sút, đình đốn nếu như Nga không có được những giải pháp tốt hơn trong nền kinh tế chuyển đổi. "Kinh tế luôn là nạn nhân muôn thuở của chính trị", muốn có tiền để tiếp tục cải cách, Nga phải chịu nhượng bộ trước Mỹ, chính phủ Nga phải dàn xếp các mâu thuẫn, phải thuyết phục Đuma quốc gia thông qua các dự luật, phải đạt được nhất trí giữa hai ngành lập pháp và hành pháp. Đây là những câu hỏi vẫn còn để ngỏ và cái mộng tưởng về một kế hoạch Mac-san cho nước Nga sau khi Nga đã đoạn tuyệt với quá khứ có lẽ còn rất lâu mới là hiện thực.
II. Vấn đề vũ khí chiến lược:
a/ Mỹ với việc đơn phương triển khai hệ thống ABM hạn chế:
Ngày 21/1/99, tổng thống Clintơn gửi Tổng thống Enxin thư riêng đề nghị Cremli xem xét lại hiệp ước phòng thủ chống tên lửa ABM được ký giữa Liên Xô và Mỹ vào 1972 với lý do triển khai các kế hoạch chống khủng bố quốc tế và bảo vệ an ninh. Thực chất là Mỹ muốn đơn phương huỷ hiệp ước này và trên thực tế , từ lâu Mỹ đã không tôn trọng hiệp ước ABM, tiến hành hàng loạt các nghiên cứu hệ thống chống tên lửa vũ trụ. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí laser hoá học "Miracle" bắn vào một vệ tinh có chiều dài nửa mét ở độ cao cách mặt đất hơn 400km, và trong lần thử nghiệm gần đây, vệ tinh mục tiêu đã ghi nhận bị bắn trúng, và chỉ cần một lệnh của Lầu Năm Góc là Mỹ có thể triển khai các loại vũ khí thuộc kho vũ khí "Chiến tranh giữa các vì sao". Mới đây hãng "Boeing" đã tiến hành một loạt các thử nghiệm khác, phóng tên lửa từ căn cứ không quân California và bắn tan nó trên bầu trời Thái Bình Dương bằng một quả tên lửa chống tên lửa điều khiển từ quần đảo Marshall. Cho đến cuối quý 2, Mỹ đã xin quốc hội tiến hành 4 cuộc thử nghiệm như vậy. Chính quyền Mỹ đã xin quốc hội chi 6,6 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống rada chống tên lửa trong 6 năm tới và triển khai cái gọi là "Hệ thống ABM hạn chế". Bộ quốc phòng Mỹ tuyên bố: không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa chiến lược ABM nếu như Mỹ và Nga không nhất trí được trong vấn đề này.
Hành động của Mỹ đã gây nên phản ứng quyết liệt từ phía Nga, đặc biệt trong giới quân sự. Nga coi hiệp ước ABM là cơ sở của các hiệp ước đã ký với Mỹ về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược SALT-1 và SALT-2. Nga cho rằng những kế hoạch nhằm thay đổi tình hình hiện tại trong lĩnh vực phòng chống tên lửa (kể cả việc Mỹ định rút khỏi hiệp ước ABM) sẽ phá huỷ những nền tảng ổn định chiến lược trên thế giới, dẫn đến phá vỡ sự cân bằng về lực lượng hạt nhân đã giữ cho hai siêu cường thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nga cũng không tin rằng các hệ thống ABM của Mỹ sẽ chỉ có "hoạt động hạn chế" là chống lại bọn khủng bố quốc tế. Bình luận về sự kiện trên, các báo của Nga cho rằng Mỹ chơi trò chính trị với Nga nhằm gây áp lực buộc Nga nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước SALT-2, đồng thời trong thời gian ngắn sẽ thử và bố trí các hệ thống mới, rồi sau đó sẽ lại thay đổi hiệp ước với những điều kiện mới có lợi cho mình.
Nga đã dự định đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể để trả đũa hành động của Mỹ. Tuy nhiên các biện pháp đó lớn và đòi hỏi phải có kinh phí bổ xung. Và đây chính là một nước cờ đau đầu của Nga. Kinh phí sẽ lấy ở đâu trong khi kinh tế Nga đang bị khủng hoảng? Rõ ràng là "lực bất tòng tâm" phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trong những lần gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Albright, phía Nga nêu lên yêu cầu "mọi bất đồng giữa Nga và Mỹ cần phải bàn bạc trên tinh thần đối tác, sự bàn bạc là tối quan trọng nhằm tránh mọi sự bất ngờ". Tuy nhiên Mỹ vẫn lấn tới và làm những sự đã rồi buộc Nga phải nhân nhượng.
b/ Trừng phạt kinh tế :
Ngày 26/2 Bộ thương Mại Mỹ chính thức tuyên bố "danh sách đen" gồm 10 tổ chức của Nga sẽ bị áp dụng trừng phạt kinh tế vì bị nghi ngờ hợp tác với Iran trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ áp dụng biện pháp trên đối với Nga. Trước đó 13/1 chính quyền Mỹ đã buộc tội 3 trung tâm khoa học của Nga : Viện nghiên cứu khoa học và thống kê kỹ thuật năng lượng, Đại học hoá công nghệ Mendeleev và viện hàng không Moscow bán công nghệ tên lửa cho Iran và cấm các công ty và tổ chức nhà nước Hoa Kỳ quan hệ với 3 trung tâm này.
Việc Mỹ tuyên bố trừng phạt 10 tổ chức của Nga không phải ngẫu nhiên. Năm 1993 khi hội nghị thượng đỉnh G7 tại Tokyo thảo luận về tín dụng cho Nga, Mỹ cũng đặt điều kiện với Nga, yêu cầu phải ngừng bán bệ phóng tên lửa cho ấn Độ để đổi lấy tín dụng. ở đây rõ ràng Mỹ lợi dụng tình trạng nợ nần, kinh tế khó khăn của Nga để áp đặt một chính sách đối ngoại "theo Mỹ" trong quan hệ với Iran, Iraq.
Tín dụng luôn luôn là con bài để mặc cả, áp đặt đối với Nga, Mỹ đã đe doạ sẽ cắt giảm viện trợ hàng năm cho Nga 50 triệu USD cũng như áp dụng các hình phạt khác nếu Nga bán các vũ khí chống tăng cho Siry. Trước năm 1991 hợp tác quân sự giữa Liên Xô và Siry đã được ký kết, Liên Xô đã bán cho Siry tổng cộng 26 tỷ USD vũ khí và kỹ thuật quân sự. Hiện nay 90% quân đội của Siry được trang bị bằng vũ khí của Liên Xô và Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ này bị đình trệ. Duy nhất chỉ có một hợp đồng bán tăng T-72 cho Siry những năm 92-93. Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Siry trong năm năm tới trị giá khoảng 2 tỷ USD: Siry sẽ mua một số hệ thống phòng không trong đó có 5300 các vũ khí chống tăng, súng tiểu liên, phóng lựu cũng như các phương tiện để hiện đại hoá máy bay và xe thiết giáp.
Từ trước đến nay, Mỹ luôn quan trọng hoá một cách có chủ ý mối đe doạ hạt nhân trong tay các quốc gia không nghiêm chỉnh (rogue states) do đó Mỹ bằng mọi cách cản trở tiến bộ khoa học hạt nhân ở những nước chưa có lĩnh vực này. Việc ấn Độ rồi Pakistan liên tiếp thử bom hạt nhân đã làm cho Mỹ đau đầu. Bởi vậy sự tuyên bố trừng phạt các cơ quan khoa học Nga với lý do là cung cấp kỹ thuật hạt nhân cho các quốc gia thù địch cũng không nằm ngoài ý đồ trên.
Về phía Nga, chính giới Nga kiên quyết bác bỏ những lời buộc tội của Mỹ, khẳng định Nga trung thành với các nguyên tắc không phổ biến vũ khí huỷ diệt và tên lửa, và "mọi mưu toan nói chuyện với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực" đều không thể chấp nhận được. Mục đích trừng phạt kinh tế của Mỹ là nhằm không để công nghệ tiên tiến của Nga xuất hiện trên trường quốc tế và đây là vấn đề "cạnh tranh công nghệ và địa chính trị". Theo lời một chuyên gia quan trọng trong lĩnh vực hợp tác khoa học quân sự, Nga sẵn sàng "thi hành các biện pháp thích đáng chống lại các chính sách có chủ định của Mỹ nhằm gạt Nga ra khỏi thị trường vũ khí béo bở ở Trung Đông và Phi Châu".
III. Mở rộng NATO và An ninh của Nga:
Dùng con bài mở rộng NATO về phía Đông, với chiêu bài "viện trợ" "đầu tư phát triển" vào các nước Liên Xô cũ, Mỹ theo đuổi mục đích mở rộng địa bàn, chặt đứt dần vây cánh của Nga.
Nga đã mạnh mẽ chống lại việc Đông tiến của NATO bằng nỗ lực tham gia vào các vấn đề của NATO. Giữa Nga và NATO đã ký những thoả hiệp về quan hệ Nga - NATO. Nga có phái bộ đại diện tại bộ tham mưu NATO, thoả thuận hợp tác trên thực tế, thiết lập một nhóm chuyên viên và thành công trong các hoạt động cứu hộ thiên tai và bảo vệ hoà bình. Về vấn đề NATO mở rộng về phía đông, Nga luôn tuyên bố "những ý đồ đặt liên minh Bắc Đại Tây Dương làm trung tâm của một hệ thống an ninh tập thể ở Châu Âu về bản chất là không có tính xây dựng. Nga công khai nói về điều này bởi vì quá trình mở rộng NATO tiến triển thì mối đe doạ của sự bất đồng mới trên lục địa này càng lộ rõ. Nước Nga cũng như các quốc gia khác không bao giờ chịu làm ngơ trước kỳ vọng của NATO".(Đời sống quốc tế (nga) 1991).
Nga luôn luôn khẳng định "chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để làm cho Cựu Thế giới lại trở thành động lực của sự phát triển, thành lá chắn đảm bảo cho các khu vực khác. Và cái cơ hội này cần phải được sử dụng một cách có trách nhiệm". Y' đồ của Nga về vấn đề NATO là tương đối rõ, một khi không thể giải tán và làm suy yếu tổ chức này thì phải can dự tích cực để hạn chế và kiềm chế hoạt động của nó. Tuy nhiên các nước thành viên NATO cũng không để Nga có vai trò gì thật sự trong tổ chức này, bởi vì cơ cấu "an ninh cứng" không bao giờ có chỗ cho Nga cả.
Việc kết nạp 3 nước đồng minh cũ của Liên Xô (Ba Lan, Hung, Séc) vào NATO mới đây là một đòn giáng mạnh vào Nga trong những nỗ lực của NATO về phía đông, làm sống lại hồi ức cay đắng của chiến tranh lạnh, đẩy Nga vào tình thế phải đối đầu. Nga hiện nay không có "sân sau" mà ngay cả "sân nhà" cũng đang rất nhiều vấn đề. Tình thế địa chính trị ở Châu Âu đối với Nga rất không thuận lợi. Trên thực tế Nga đã bị tách khỏi Châu Âu: Các nước Ban-tích đã tách Nga ra khỏi Scandinavơ và Ba Lan, Ucraina cắt Nga khỏi Đông- Nam châu Âu; về phần mình, các nước Đông Âu cũ đã trở thành hành lang kinh tế lọc những vốn đầu tư đầy tiềm năng của phương Tây. Đồng thời chúng cũng là hàng rào chính trị, là cái gai cắm vào cạnh sườn Nga. Giờ đây sợi dây dẫn duy nhất và tương đối chắc chắn chỉ còn lại Bêlorussia. Đồng thời ở Trung A' cũng xuất hiện những thách thức trực tiếp đến an ninh của Nga. ở khu vực này, Mỹ đã hào phóng tài trợ cho các nước khu vực như Adecbaigian, Acmênia, Udơbekistan, Tuocmenistan, Cazacxtan: Mỹ phát triển hợp tác quân sự khu vực bao gồm sử dụng chung hệ thống thông tin địa chấn (kể cả cho mục đích quân sự) ở Acmênia; trang bị lại quân đội theo chuẩn phương Tây (ở Grudia); đề nghị lập căn cứ quân sự của NATO tại biển Caxpi (với Adecbaigian). Ngày càng nhiều sĩ quan của khu vực được đào tạo ở NATO, tại phía đông biển Caxpi đã xuất hiện liên minh quân sự Trung A' nhiều lần tập trận chung với quân đội của Mỹ... rõ ràng ảnh hưởng của Nga ở khu vực đã bị xói mòn, an ninh quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.
Nga coi việc NATO và Mỹ có mặt ở khu vực là một sự bội ước cam kết song phương 1990. Tuy nhiên vì "sức cùng, lực cạn", Nga tránh không để sa vào một cuộc "tranh chấp công khai" với NATO bởi vì "các quan hệ của Nga với NATO và Mỹ là vấn đề rất nhạy cảm, tinh tế và khó khăn. Chúng ta sẽ không có bất kỳ một cuộc tranh chấp công khai nào với Mỹ và NATO, nhưng chúng ta cũng không cùng tham gia vào các trò chơi của họ" (lời của Enxin, Moscow 8/7).
IV. Khủng hoảng KOSOVO và IRAQ :
Mỹ đơn phương ném bom Iraq lần thứ hai, phớt lờ những nỗ lực hoà bình của Nga, dùng vũ lực giải quyết vấn đề Kosovo.
a/ Việc Mỹ không ngừng cảnh cáo Iraq, ném bom, phóng tên lửa vào các vị trí của Iraq trong chiến dịch "Cáo sa mạc" lần 2, gây nhiều thiệt hại về người và của cho phía Iraq có những lý do của nó. Ở đây vấn đề không phải là Iraq không trung thực trong việc thanh tra vũ khí mà là Mỹ muốn lật đổ chính phủ Saddam. Việc oanh tạc uy hiếp chỉ là một trong 3 mũi giáp công: oanh tạc, tụ tập phe chống đối và lập kế hoạch lật đổ. Song song với mục tiêu lật đổ là động tác thăm dò dư luận và thách thức các nước đối lập, chủ yếu là Nga. Chúng ta hãy xem phản ứng của Nga ra sao?
Tại Moscow từ chính giới đến báo chí đều lên án việc Buttler đơn phương ra lệnh rút các thanh tra của Uỷ ban đặc biệt về thanh sát vũ khí Liên Hiệp Quốc ra khỏi Iraq và việc Mỹ đơn phương có hành động quân sự ở đó. Nga coi đó là hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự của mình. Duma quốc gia Nga cho rằng ở thời điểm này việc phê chuẩn Hiệp ước SALT-2 là vô nghĩa. Tuy nhiên những nỗ lực của Nga chẳng cải thiện được tình hình tại Iraq và rõ ràng vấn đề Iraq cũng là một tác nhân làm cho quan hệ Nga- Mỹ thêm căng thẳng.
b/ Về cuộc khủng hoảng Kosovo, trong khi Nga kiên quyết bảo vệ người anh em Milosevic, tránh để xảy ra một Chesnia trong lòng Nam Tư, chống lại bất kỳ những hành động bạo lực trong việc giải quyết Kosovo thì Mỹ và NATO luôn đe doạ dùng vũ lực. Nga và Mỹ luôn bất đồng trong nhìn nhận nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở Kosovo. Theo Nga thì hàng năm cái gọi là "Nước cộng hoà Kosovo" nhận được từ nước ngoài từ 150-400 triệu USD được góp từ phần thu nhập và lời do buôn bán ma tuý của kiều dân Anbani sống trên 20 nước khác nhau. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số tiền này được chi dùng cho quân đội giải phóng Kosovo (KLA) còn phần lớn để trả công cho hãng thông tin Mỹ "Ruder Finn" chuyên tuyên truyền cho các lực lượng ly khai Kosovo ở nhiều nước trên thế giới. Nga còn chỉ rõ dưới sức ép của Mỹ, Tây Âu hưởng ứng rất nhạt nhẽo và không kiên quyết đối với các đề nghị của Beograt đòi đóng ngay các tài khoản ngân hàng chuyên nhận tiền từ nước ngoài chuyển chi cho bọn khủng bố Kosovo. Nga coi "Quân giải phóng Kosovo (KLA)" là người chịu trách nhiệm chính trong tình hình căng thẳng ở Kosovo, chính KLA là nguyên nhân của nỗi lo ngại việc thực hiện các hiệp định ký kết sẽ không thành công. Nhưng Mỹ lại luôn khẳng định phía Xecbia mới là người chịu trách nhiệm trước những sự leo thang tình hình căng thẳng. Và khi đến đỉnh điểm của tình hình, vẫn chiến thuật cổ xưa của Mỹ: tạo ra xung đột giữa các sắc tộc ở những vùng có lợi ích của Mỹ rồi sau đó mang lực lượng đến "cứu giúp" khi tình hình không kiểm soát nổi.
Việc Mỹ và NATO tấn công Kosovo 24/3/1999 làm cho quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ hơn. 77 ngày đêm Mỹ và NATO tiến công một Quốc gia có chủ quyền nhằm thử nghiệm khái niệm chiến lược mới đã làm méo mó hình ảnh của Mỹ trên khắp thế giới. Ngay từ đầu cuộc không kích của NATO vào Nam Tư, Nga đã phản đối hành động đơn phương tiến công bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, coi đây sẽ là một tiền lệ xấu cho những can thiệp quân sự mới của Mỹ ở mọi nơi, mọi chỗ với lý do "nhân đạo". Đài truyền hình Nga đã phát đi bản tuyên bố của Tổng thống Nga Enxin, trong đó chỉ rõ đó là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền và âm mưu của Mỹ và NATO bước vào thế kỷ 21 với sắc phục của cảnh sát thế giới. Với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh, ông Enxin đã ra lệnh huỷ chuyến thăm Mỹ của cựu thủ tướng Primakov, triệu hồi đại diện Nga tại NATO về Moscow, hoãn các cuộc thương lượng và hoạt động của Nga trong NATO và tuyên bố trong trường hợp xấu, Nga vẫn giữ quyền có các biện pháp thích đáng, kể cả biện pháp quân sự để tự vệ và bảo vệ an ninh của toàn châu Âu. Tuy nhiên đây chỉ là những hành động trên lời nói, không có sức mạnh, phản ánh sự thay đổi cục diện to lớn đã diễn ra sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Phẫn uất vì bị qua mặt và bị dư luận trong nước chỉ trích đã "bỏ rơi người anh em truyền thống", sau những chuyến công du hoà giải của cựu thủ tướng Primakov không thành, Tổng thống Enxin đã cử đặc sứ Checnomưdin về vấn đề Kosovo để vớt vát thể diện cho mình. Sau khi đã có một vai trò "trung gian hoà giải" nhưng vẫn bị lép vế với Mỹ, Nga đã cho đổ quân vào Kosovo. Bằng việc đổ 200 lính dù bất ngờ vào khu vực sân bay Pristina, cán cân lực lượng nghiêng theo hướng thuận lợi hơn cho Nga. Nước Nga đã ghi được "điểm tốt" đối với dư luận quốc tế, phần nào rửa được nỗi nhục "qua mặt" trong vấn đề Kosovo. ở đây Nga đã rất linh hoạt thay đổi lập trường: từ vị trí "đồng minh của Nam Tư" sang vị trí "trung gian hoà giải" và cuối cùng trở thành "can dự trực tiếp" vào tiến trình giải quyết khủng hoảng Nam Tư.
Thay lời kết: Quan hệ Nga - Mỹ hậu Kosovo
sẽ nồng ấm trở lại?
Cuộc không kích đơn phương một quốc gia có chủ quyền là Nam Tư của Mỹ và NATO đã kết thúc sau 77 ngày oanh kích với tổng số tổn thất lên tới 200 tỷ USD, với những dòng thác người tị nạn và biết bao vấn đề nảy sinh mà để giải quyết không phải chuyện một sớm một chiều. Từ cuộc chiến tranh Nam Tư có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, cuộc chiến Nam tư là nơi thử nghiệm chiến lược quân sự mới với công cụ là khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nơi Mỹ muốn khẳng định trật tự thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến không có người thắng và tất cả đều thua. Lý luận Nhân quyền cao hơn chủ quyền của Mỹ đã tạo ra cục diện nghiêm trọng ở Ban căng. Nó không những không bảo vệ được nhân quyền mà ngược lại làm nhân quyền ngày càng xấu đi. "Tại Bancăng không phải chỉ mình Milosevic thất bại, mà tất cả đều thất bại, thất bại thảm hại và chẳng bao lâu điều đó sẽ được minh chứng". NATO cũng đã thất bại mặc dù họ có những vũ khí cực kỳ chính xác và hiện đại "họ mới chỉ chiến đấu với thường dân không được vũ trang, nghĩa là những người chỉ có thể chiến đấu trên mặt đất, họ còn chưa đánh nhau với những hệ thống vũ khí tối tân có thể hạ máy bay ở độ cao 10-15km" (lời tổng thống Belarussia Lukashenko trả lời phỏng vấn các nhà báo 10/6).
Thứ hai, ý đồ phớt lờ Nga, phớt lờ cơ chế Liên Hợp Quốc của Mỹ trong giải quyết các vấn đề châu Âu, cụ thể là cuộc chiến Nam Tư đã thất bại. Tuy đã buộc được Nam Tư rút quân khỏi Kosovo, đưa người tị nạn Anbanie hồi hương và đổ được lực lượng gìn giữ hoà bình vào Kosovo, nhưng Mỹ đã không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra. Cuộc không kích của Mỹ kéo dài hơn dự kiến do Mỹ đánh giá thấp khả năng kháng cự của Nam Tư và những bất ngờ và "nhầm lẫn" do sa lầy ngày càng nhiều đã buộc Mỹ phải cầu viện đến Liên Hợp Quốc và vai trò trung gian hoà giải của Nga. ở đây có vai trò của Nga không phải là vì Mỹ muốn đỡ thể diện cho Nga vì bị phớt lờ mà thật sự NATO cần Nga, gần giống như "một người sắp chết đuối vớ được cọc". Thay vì hạ nhục Nga, Mỹ cuối cùng đã phải cầu cứu đến Nga. Cơ cấu gìn giữ hoà bình ở Kosovo là dưới ngọn cờ bảo trợ của Liên Hợp Quốc, thành viên của lực lượng gìn giữ hoà bình bao gồm các nước NATO cũng như các nước không phải thành viên NATO.
Thứ ba, liệu có một Kosovo ở trong lòng nước Nga hoặc ở các nước SNG hay không? Đây là một câu hỏi chưa có đáp án, điều này còn tuỳ thuộc vào so sánh lực lượng. Vì lý do "nhân đạo" Mỹ và NATO đã can thiệp vào Kosovo, thì rất có thể vì lý do này hay khác, để thể hiện vai trò cảnh sát quốc tế không loại trừ khả năng can thiệp vũ trang vào Nga, một đất nước có đến hai chục vùng tự trị và nhiều sắc tộc tôn giáo khác nhau. Liên tiếp Grudia, Adecbaigian, Acmenia... đã công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và NATO giải quyết giùm các tranh chấp Nagorưnưi - Abkhadia như kiểu Kosovo. Song với lực lượng vũ trang hiện nay của Nga cùng kho vũ khí hạt nhân có khả năng huỷ diệt mấy lần thế giới, thì một Kosovo trong lòng Liên Xô cũ là một điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên thế giới ngày nay là một thế giới của những biến động không lường trước được và chỉ có thời gian là thước đo của mọi giả thiết, mọi dự đoán.
Cuộc chiến ở Nam Tư đã làm thay đổi tư thế của Nga trong con mắt của các nhà chiến lược phương Tây. Quan hệ Nga - Mỹ phần nào được cải thiện sau khi đạt được thoả thuận về lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga tại Kosovo. Mỹ và Nga đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược đối ngoại: Mỹ công nhận Liên Bang Nga là thành viên đầy đủ của nhóm G8; 27/7 tại Singapore trong cuộc họp ngoại trưởng các nước APEC, ngoại trưởng Mỹ đã gặp bộ trưởng ngoại giao Nga và tại Mỹ, cựu thủ tướng Nga Stepashin cũng đã có những tiếp xúc với tổng thống Mỹ. Cả hai phía đều tỏ ra tôn trọng nhau hơn, cả hai đều cố gắng khắc phục bất đồng để xích lại gần nhau. Mỹ sau Kosovo đã thấy rằng không thể bỏ qua vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Bancăng và Châu Âu. Có lẽ các lời hứa về việc giải ngân tín dụng IMF sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn bởi vì Mỹ cũng chẳng có lợi lộc gì với một nước Nga bất ổn định và do các lực lượng bảo thủ, chống cải cách nắm quyền. Về phần mình, Liên bang Nga sau Kosovo cũng thấy rằng sự mềm dẻo có nguyên tắc, chính sách cân bằng Âu - A', đề cao các lợi ích dân tộc là đúng đắn, "chỉ có thể hiện vai trò cường quốc Châu A' - Thái Bình Dương mạnh mới có thể cho Nga sức mạnh trong các công việc ở Châu Âu. Và ngược lại, đường lối Châu Âu truyền thống mạnh mẽ mới cho phép nước Nga gìn giữ uy tín trong quan hệ với các đối tác Châu A'" (Kortunov, Đời sống quốc tế (Nga) 6/ 1998). Quan hệ Nga - Mỹ nhất định sẽ khởi sắc, nhưng là "sắc" gì thì còn phải chờ đợi và nó phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai phía./.
Copyright © Diplomatic Academy of Vietnam

Khủng hoảng Kosovo và tác động đối với quan hệ quốc tế

Tác giả: Trần Thị Hoàng Mai
Bom đạn lại một lần nữa dội xuống ngay châu Âu mà cách đây chục năm còn tràn đầy hy vọng vào một tương lai hoà giải, hoà bình. Thực tế trong 10 năm qua chưa một ngày nào trên lục địa này im tiếng súng, Nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa hai "phe" mất đi thì lập tức xuất hiện một loạt những nguy cơ bất ổn mới : Các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ, nguy cơ "rò rỉ" hạt nhân, buôn lậu ma tuý quốc tế , v.v... Nhưng cuộc chiến tranh ở Nam Tư lần này vẫn là một sự kiện đặc biệt nghiêm trọng. Lần đầu tiên NATO do Mỹ cầm đầu tấn công một nước có chủ quyền và có quan hệ thân thiện với Nga ngay trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước này ở châu Âu. Điều gì đã dẫn đến tình hình khủng hoảng Kosovo như ngày nay? Lý do thực sự nào thúc đẩy NATO tấn công một nước không hề đe dọa an ninh của bất cứ thành viên nào của Liên minh quân sự này? Tác động của chiến tranh này đến tình hình thế giới, tới quan hệ giữa các nước lớn ra sao? Đó là những vấn đề mà bài báo này cố tìm cách lý giải phần nào, trong điều kiện cuộc chiến còn đang tiếp diễn.
Nguyên nhân "khủng hoảng Kosovo".
Nói một khách quan thì trước khi phương Tây can thiệp vào Nam Tư, tình hình ở khu vực Balkan, đặc biệt là ở trên vùng đất Nam Tư cũ, cũng đã căng thẳng. Nguyên nhân đầu tiên của những căng thẳng này là các mâu thuẫn sắc tộc,tôn giáo vốn đã tiềm tàng từ lâu đời nay gặp cơ hội bùng nổ.
Người Nam Sla-vơ, trong đó có người Sec-bi đến bán đảo Balkan vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Trên mảnh đất mà Đế chế Bi-dăn-ti-um cấp cho, người Sec-bi dần xây dựng và mở rộng đất đai và lập nên vương quốc Serbia. Vương quốc này đã có thời cực thịnh vượng ( khoảng đầu thế kỷ XIV) và bao gồm cả Bosnia, Slovenia và Croatia. Kosovo từng là trung tâm của vương quốc này. Cũng chính tại Kosovo vào năm1389 Hoàng tử La-da, thủ lĩnh của Serbia đã ngã xuống trong trận chiến đấu chống đế quốc Ottoman để bảo vệ vương quốc Serbia. Tuy cuộc chiến thất bại, nhưng từ đó Kosovo được coi như cái nôi lịch sử, nơi hội tụ tinh thần dân tộc Serbia. Ottoman cai trị vùng đất của Serbia msng theo cả một sự xáo trộn dân số và tôn giáo. Người An-ba-ni, đạo Hồi cùng theo đó mà thâm nhập vào đây. Trong nhiều thế kỷ sau đó cả vùng đất Balkan bị chia sẻ, giành giật giữa đế quốc Ottoman và Triều Hã-bu-rơ, tiếp đó là đế quốc A'o-Hung. Sự di dân, quá trình đấu tranh đòi độc lập dân tộc xen kẽ với các cuộc chiến tranh triền miên giữa liên minh của từng dân tộc với các đế quốc cai trị chống lại liên minh của dân tộc khác và đế quốc khác là nguyên nhân tồn tại cùng một lúc hai quá trình trái ngược nhau : quá trình phân tách và quá trình đồng hoá dân tộc và tôn giáo. Điều này giải thích cho hiện tượng đa dân tộc, đa tôn giáo và sự bố trí nhiều khi xen kẽ giữa các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác nhau, cũng như những mối hiềm khích giữa các cộng đồng ở Balkan.
Đầu thế kỷ XIX, sau những cuộc nổi dậy của người Serbia, nhà nước Serbia ra đời và liên tục mở rộng đất đai, đặc biệt thông qua các cuộc chiến tranh Balkan. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, với Hoà ước Versailles, Serbia đã trở thành Nam Tư và bao gồm cả Kosovo, Vovoidin, Montenegro, Bosnia, Croatia và Slovenia và như vậy đạt được hai mục tiêu: thống nhất được tất cả người Serbi trong một quốc gia và lập được một liên minh bền vững của các dân tộc Nam Sla-vơ.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai đất nước Nam Tư bị phát xít Đức xâm chiếm và chia cắt (Kosovo lúc đầu bị đưa cho An-ba-ni sau đó bị Italia sát nhập), nhưng kết thúc chiến tranh, lãnh thổ nước này lại được thừa nhận như trong Hoà ước Versailles. Dưới chính quyền của tổng thống Tito, Nam Tư là một nhà nước liên bang gồm sáu nước cộng hoà : Serbia, Slovenia, Croatia, Bosnia, Montenegro, Makedonia và hai khu tự trị : Kosovo và Vovoidin. Với chính sách dân tộc cân bằng và trong bối cảnh chiến tranh lạnh, cộng với tình hình kinh tế Nam Tư còn khả quan, các mâu thuẫn sắc tộc lắng xuống hoặc được giải quyết tương đối êm thấm.
Bước vào những năm 80, kinh tế Nam Tư đi xuống, các căng thẳng trong xã hội tăng lên, trong đó đặc biệt có vấn đề mâu thuẫn dân tộc. Tình hình này đã dẫn đến việc xoá bỏ quyền tự trị của hai tỉnh Vovoidin và Kosovo vào năm 1989 dưới chính quyền của ông Milosevic, đồng thời cũng dẫn đến việc bốn trong số sáu nước cộng hoà của Liên bang tách ra độc lập : Slovenia, Croatia (năm 1991), Bosnia, Makedonia (năm 1992).
Tại Kosovo nơi có 90% là người Albani theo đạo Hồi, 10% người Serbi theo đạo Cơ đốc chính thống, mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo lên cao kể từ khi một chính phủ bí mật của người Albani thành lập tồn tại song song cùng chính phủ liên bang ; và đặc biệt từ khi "ngọn cờ đòi độc lập" của người Albani rơi vào tay của phái Quân đội giải phóng Kosovo chủ trương bạo lực và chính phủ trung ương tăng cường hành động để đối phó với phong trào này.
Cho dù chính sách của ông Milôsêvíc đối với các dân tộc không phải người Serbi, theo phương Tây,có nhiều điểm không công bằng theo quan điểm phương Tây, có nhiều phân biệt đối xử không công bằng đã đẩy các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo vốn có từ lâu đời lên cao điểm nhưng nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài có lẽ không có khủng hoảng bùng nổ và lan rộng như tình hình diễn ra mấy năm nay ở vùng đất Nam Tư cũ..
Sự việc bắt đầu từ việc nước Đức, trên cơ sở quan hệ văn hoá truyền thống gần gũi với miền Tây Nam Tư cũ, và các tính toán khẳng định vai trò ảnh hưởng của mình ở Châu Âu, đã mạnh mẽ ủng hộ Slovenia và Croatia tách ra độc lập - một hành động bất ngờ đối với chính các đồng minh Tây Âu của Đức. Các nước Tây Âu lúc đầu cho rằng nên ủng hộ giải quyết các vấn đề dân tộc của Nam Tư theo tinh thần bảo toàn thống nhất liên bang, tránh một phản ứng lây lan đòi li khai của các cộng đồng sắc tộc khác nhau, tránh tình trạng "Balkan hoá". Nhưng hành động đơn phương của Đức đặt họ vào tình thế "việc đã rồi"; hơn nữa các nước này cũng không muốn để Đức hoàn toàn chi phối chiều hướng phát triển ở khu vực, Tây Âu đã quyết định ủng hộ lập trường của Đức và đứng ra làm người bảo trợ cho các tiến trình tách khỏi liên bang của Slovenia, Croatia, Bosnia. Tuy nhiên ,do thực lực và tiếng nói còn hạn chế nên Tây Âu đã để tuột dần sang cho Mỹ vai trò chi phối các tiến trình này. Sự can thiệp bên ngoài để thúc ép tiến trình phân tách của một dân tộc là chất xúc tác mạnh mẽ cho các cuộc bạo động và khuyến khích các dân tộc khác cũng đòi hỏi được tách ra độc lập tương tự. Sự bùng nổ dây chuyền những đòi hỏi độc lập này đã gây ra một tình trạng căng thẳng leo thang khó kiểm soát nổi bên trong Nam tư, tạo thêm cớ để bên ngoài lợi dụng can thiệp sâu hơn nữa.
Tình hình bùng nổ ở Kosovo chính là diễn biến logic sau khi Slovenia, Croatia, rồi Bosnia giành được độc lập nhờ sự hỗ trợ can thiệp trực tiếp của nước ngoài. Ngươì Albani ở Kosovo rõ ràng cũng muốn theo gương các nước Cộng hoà cũ này của Nam Tư. Cứ theo logic đó thì Kosovo chưa chắc là điểm dừng cuối cùng của cuộc khủng hoảng Nam Tư, bởi vì tại Montenegro (một nước cộng hoà hiện còn nằm trong Liên bang Nam Tư ngày nay), hay ở Makedonia cũng có những cơ cấu và mâu thuẫn sắc tộc phức tạp tương tự như ở Kosovo và Nam Tư.
Động cơ tấn công Nam Tư của các nước NATO
Mỹ và các nước Tây Âu đều nhất loạt tuyên bố tấn công Nam Tư để bảo vệ nhân quyền, chống thanh trừng sắc tộc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thái độ và hành động không nhất quán của họ trong cùng một loại vấn đề "nhân quyền" đối với các đối tượng khác nhau (thí dụ họ không hề phản ứng trong vấn đề người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ), có thể nói : nếu đây không chỉ là cái cớ thì cũng không hẳn là lý do chính.
Đối với Mỹ, khủng hoảng Kosovo xảy ra đúng vào thời điểm Mỹ cho rằng thế và lực của mình đang rất mạnh và Mỹ đang muốn khẳng định vai trò siêu cường duy nhất, nắm quyền bá chủ thế giới. Muốn vậy, nhất thiết và trước hết Mỹ phải nắm được vai trò chủ đạo ở Châu Âu, khu vực "có lợi ích sống còn" đối với Mỹ, nơi vừa tập trung những đồng minh chiến lược đồng thời là các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng lâu dài, vừa có những đối tượng vốn là kẻ thù trong quá khứ và nay cần chinh phục hoặc kìm chế như các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Con đường để Mỹ thực hiện nắm quyền chủ đạo ở châu Âu không còn gì khác hơn là củng cố và mở rộng vai trò của NATO vốn do Mỹ chi phối ; và lý do đưa ra cũng không có gì thuyết phục hơn là để "bảo vệ an ninh châu Âu" và bảo vệ, phổ biến các "giá trị phương Tây".
Củng cố NATO với Mỹ có nghĩa là tăng cường vai trò chi phối của Mỹ đối với các đồng minh Tây Âu, một đồng minh ngày càng ý thức xây dựng sức mạnh toàn diện để cạnh tranh với chính Mỹ - sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu mới đây chính là một biểu hiện điển hình của ý thức này. Để đạt được mục tiêu này thông qua NATO, Mỹ nhất thiết phải chứng minh được sự cần thiết và sức sống của NATO thời hậu chiến tranh lạnh. Vài tháng gần đây Mỹ ra sức thuyết phục các đồng minh NATO tán thành "Khái niệm chiến lược mới" của liên minh này và sẽ đưa khái niệm này ra thông qua vào kỳ họp cấp cao NATO vào ngày 24 và 25/4/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của tổ chức. "Khái niệm chiến lược mới" của Mỹ nhằm biến NATO từ một tổ chức quân sự chính trị khu vực trở thành một tổ chức chính trị quốc tế, bao gồm hai nét chính : thứ nhất, chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động của NATO ra ngoài khu vực các nước thành viên, trên toàn châu Âu, thậm chí toàn cầu "toàn cầu hoá NATO", hay biến NATO thành "sen đầm quốc tế"; thứ hai, thay đổi nguyên tắc hoạt động từ phòng thủ đổi sang tiến công và trao cho tổ chức này một khả năng hoạt động hoàn toàn chủ động, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức hay thiết chế quốc tế nào khác kể cả Liên Hiệp Quốc.
Cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư lần này chính là cơ hội để thử nghiệm toàn diện "Khái niệm chiến lược mới". Tình hình căng thẳng ở Kosovo và Nam Tư hội tụ đủ các yếu tố giúp Mỹ thuyết phục đồng minh : ở đây có thể nêu vấn đề "bảo vệ các giá trị của phương Tây", vấn đề xử lý điểm yếu trong hệ thống an ninh châu Âu là Balkan và Nam Âu.
Củng cố NATO đồng thời cũng có nghĩa là mở rộng khu vực ảnh hưởng của NATO, cũng tức là mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, sang phía Đông. Các hành động trực tiếp can thiệp của tổ chức này vào tiến trình phân tách Nam Tư trước đây cũng như hôm nay đều nhằm bành trướng ảnh hưởng sang khu vực Balkan. Sự kiện tấn công Nam Tư tiếp liền ngay sau việc Hungari, Ba Lan, Séc gia nhập NATO cũng là một cách biểu dương sức mạnh Đông tiến của NATO.
Để nắm vai trò chủ đạo ở châu Âu cũng như trên thế giới, Mỹ không thể không tính đến nhân tố Nga. Mặc dù giờ đây Nga không còn là kẻ thù của Mỹ như trước đây nữa, nhưng tình hình khủng hoảng toàn diện hiện giờ ở đất nước này, cũng như một viễn cảnh về một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trong tương lai đã khiến Mỹ thi hành chính sách hai mặt với Nga : vừa lôi kéo Nga thông qua giúp đỡ, viện trợ và cho Nga tham gia hay có vai trò trong một số cơ cấu hợp tác châu Âu ; vừa kiềm chế bằng cách tước bỏ dần các ảnh hưởng của Nga ở lục địa này. Mỹ dùng NATO đánh Nam Tư lần này chính là nhằm kiềm chế Nga. Mỹ và Tây Âu đã chọn thời điểm Nga đang khó khăn nhất để đánh đồng minh Serbia của Nga, gạt ảnh hưởng của Nga khỏi khu vực Balkan. Trên thực tế, Mỹ đã phủ nhận quyền vê-tô của Nga ở Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc bằng việc phớt lờ tổ chức này khi quyết định đánh Nam Tư. Cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư bất chấp sự phản đối của Nga cũng thực tế làm cho Hiệp định đôí tác chiến lược giữa Nga và NATO ký tháng 5 năm 1997 trở nên vô nghĩa.
Cuộc tiến công Nam Tư cũng là cơ hội Mỹ thử nghiệm một số loại vũ khí mới, phương thức quân sự mới của "thời đại thông tin", và kiểm chứng chiến lược quân sự mới đối phó cùng một lúc với hai cuộc chiến tranh cấp vùng (Nam Tư và Irắc).
Đối với các nước Tây Âu trong NATO, rất hiếm khi họ tỏ ra sốt sắng đồng lòng theo Mỹ trong việc tấn công quân sự một nước, đặc biệt lại là một nước nằm ngoài khu vực của Hiệp ước như lần này. Điều này có thể lý giải như sau :
Trước hết cũng như Mỹ, các nước này muốn hạn chế ảnh hưởng của Nga ở Châu Âu, muốn áp đặt các giá trị chung phương Tây.
Tiếp nữa, Tây Âu cũng thấy cần có vai trò, ảnh hưởng trong khu vực liên quan sát sườn đến lợi ích an ninh của chính mình và phải tiếp tục theo đuổi việc tìm giải pháp cho vấn đề Nam Tư mà chính họ là người khai mào. Điều này lại càng có ý nghĩa trong thời điểm mà ở Liên minh Châu Âu đang nổi lên vấn đề xây dựng một chính sách đối ngoại và an ninh chung cho các nước thành viên.
Hơn nữa, thời gian vừa qua nảy ra khá nhiều vấn đề chia rẽ Liên minh Châu Âu như vụ khủng hoảng ở Uỷ ban Châu Âu, vụ tranh cãi về đóng góp ngân sách, chính sách nông nghiệp chung... Cho nên, trong sự kiện Kosovo lần này, các nước Tây Âu đều có thái độ kiềm chế bảo vệ sự thống nhất cộng đồng hơn.
Tìm hiểu lý do Tây Âu tích cực tham gia cùng Mỹ trong NATO đánh Nam Tư không thể không phân tích động cơ của Đức và Pháp. Với Đức, nhận thức chỉ thông qua NATO Đức mới khôi phục được sức mạnh toàn diện của mình. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Đức với cả Mỹ và Tây Âu sẽ làm giảm bớt sự ngờ vực đối với một nước Đức hùng mạnh về kinh tế và muốn có một vai trò chính trị tương xứng. Nhân cuộc khủng hoảng Nam Tư, trong cái vỏ của NATO, Đức đã lần đầu tiên đem quân đội ra nước ngoài mà hầu như không gặp một sự phản ứng nào đáng kể từ bên trong cũng như bên ngoài nước. Đức đóng vai trò tích cực trong vụ "trừng phạt" Nam Tư cũng do Đức chính là nước khơi mào cho sự dính líu của Tây Âu và Mỹ vào cuộc khủng hoảng ở Balkan từ khi đơn phương thúc đẩy sự phân tách độc lập của Slovenia và Croatia. Thêm nữa, lần này Đức lại đang nắm chức chủ tịch Liên minh Châu Âu nên càng muốn tỏ rõ sự chủ động trong lĩnh vực an ninh đối ngoại hiện đang chiếm nhiều chú ý của cộng đồng.
Đối với Pháp, qua vụ Nam Tư, Pháp muốn hai điều. Thứ nhất, khẳng định lại chính sách quay trở lại NATO thực hiện từ 1995 . Với chính sách này Pháp từ bỏ việc đứng tách riêng một mình, đối lại với Mỹ, để cổ vũ xây dựng một bản sắc châu Âu riêng, nhất là trong vấn đề phòng thủ, an ninh. Từ giờ Pháp sẽ vẫn cổ vũ cho điều này nhưng ở ngay trong lòng NATO. Nhận thức này của Pháp càng được tăng cường sau bản tuyên bố chung Anh - Pháp ở Saint - Male (tháng 12 năm ngoái), bản tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên Anh chấp nhận việc xây dựng một cộng đồng phòng thủ mang bảm sác Châu Âu trong lòng NATO. Pháp tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của NATO cũng là vì không muốn để mất đi vai trò giải quyết các công việc châu Âu vào tay Anh và Đức, và cũng để lấy thế mặc cả với Mỹ ngay trong các công việc của liên minh. Hiện nay, Pháp đang đấu tranh rất mạnh để Mỹ trao việc chỉ huy bộ tham mưu miền Nam của NATO cho các nước Nam Âu trong Liên minh, do vậy một sự kiện quân sự của Liên minh ở Nam Âu là cơ hội để Pháp chứng tỏ vai trò tích cực chủ động của mình trong khu vực này.
Một số suy nghĩ về tác động của cuộc khủng hoảng Nam tư đối với tình hình thế giới và quan hệ quốc tế:
Cuộc tấn công của Mỹ và NATO vào Nam Tư còn đang tiếp diễn. Khi một cuộc chiến tranh bùng nổ, leo thang, có rất nhiều yếu tố bất ngờ, thậm chí ngoài logic thông thường có thể nảy sinh, do vậy ở thời điểm hiện nay, khó có thể đưa ra nhận xét toàn diện về tác động của cuộc chiến tranh đối với tình hình thế giới và quan hệ quốc tế. Với bài báo này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số suy nghĩ ban đầu về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đối với hai vấn đề : xu thế phát triển chung của thế giới; cục diện thế giới nhìn từ góc độ đánh giá thế và lực của Mỹ trong quan hệ với một số nước lớn khác.
Cuộc chiến tranh ở Nam Tư đi ngược lại và làm phương hại nghiêm trọng đến xu thế phát triển hoà bình trên thế giới.
Thứ nhất, với cuộc chiến tranh này, Mỹ và NATO đã thách thức các nước lớn khác bằng việc vượt qua những thoả thuận về cân bằng lực lượng đã hình thành từ chiến tranh thế giới thứ hai (quyền vê tô ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và vai trò của tổ chức này đối với việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới), vượt qua thoả thuận về vai trò và phạm vi hoạt động của NATO ở châu Âu hình thành khi nước Đức tái thống nhất. Một khi các phương thức ổn định cân bằng lực lượng giữa các nước lớn không còn tác dụng nữa thì thế giới không thể không lo ngại về khả năng xuất hiện những đe doạ hành động quyết liệt hơn của nưóc lớn này hay nước lớn khác.
Thứ hai, Mỹ và NATO đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là dùng tổ chức quân sự này tuỳ ý can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Thực ra trước đây Mỹ cũng đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, xâm lược các nước khác. Song can thiệp như trong trường hợp Nam Tư lần này là một điển hình của chính sách dùng vũ lực và "cá lớn nuốt cá bé". Chính sách này khiến cho các nước trên thế giới mà nhất là các nước nhỏ lo ngại và có thể đẩy tới hai chiều hướng : các nước nhỏ tìm đến liên minh với các nước lớn và tạo ra các khối, các khu vực ảnh hưởng khác nhau (vừa qua Nam Tư cũng đã chính thức đề nghị gia nhập liên minh với Nga và Belorusia); và xu hướng "bài phương Tây" chủ yếu là bài Mỹ, thậm chí thông qua các tổ chức và bằng các hình thức cực đoan như khủng bố, có thể tăng lên.
Thứ ba, cuộc chiến tranh ở Nam Tư và việc thử nghiệm vũ khí và các phương tiện, phương thức chiến tranh hiện đại, cùng với các kế hoạch quân sự mới của Mỹ (như kế hoạch nghiên cứu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật mới -TMD )có khả năng khiến nhiều nước khác nghĩ đến việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Từ đây có thể thấy chưa thể loại trừ hoàn toàn việc chạy đua vũ trang, mặc dầu phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của mọi dân tộc. Thực tế trên thế giới dường như phương châm vừa phát triển kinh tế mạnh vừa mua sắm vũ khí hiện đại vẫn còn chi phối chính sách của một số nước, và nhìn chung việc cân đối giữa mục tiêu phát triển kinh tế và các mục tiêu bảo vệ quốc phòng vẫn là xu hướng theo đuổi của hầu hết các nước.
Cuộc chiến tranh ở Nam Tư hiện nay đang làm tổn hại đến xu hướng phát triển hoà bình trên thế giới, tuy nhiên cũng chưa thể nói được rằng xu thế này giờ đây đã bị đảo ngược. Có nhiều lý do để phản bác điều đó, ví dụ như mức độ phụ thuộc lẫn nhau rất lớn của nền kinh tế thế giới, như mức độ huỷ diệt của vũ khí hạt nhân...đặc biệt là sự tồn tại của nhiều nhân tố, lực lượng cản trở sự bá quyền của Mỹ mà chúng ta sẽ xem xét thêm trong phần phân tích tác động của cuộc chiến tranh tới cục diện thế giới sau đây.
Cuộc chiến tranh Nam tư làm cho xu hướng đa cực hoá lại tăng lên để đối phó với vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ. Thực tế sức mạnh của Mỹ đúng là hiện đang vượt trội lên so với các nước lớn khác về kinh tế cũng như về quân sự. Mỹ có khả năng thao túng trên khá nhiều vấn đề quốc tế, nhất là ở các khu vực chiến lược trọng yếu của Mỹ như châu Âu và Trung Cận Đông. Nam tư là một bằng chứng cho thấy, nếu nơi nào hội tụ những điều kiện tương tự, Mỹ cũng không ngại ngần can thiệp bằng quân sự. Việc NATO vừa mới chính thức thông qua chiến lược mới chuyển tính chất từ phòng thủ sang tấn công, mở rộng khu vực hoạt động ra ngoài phạm vi các nước thành viên và khẳng định tiếp tục mở rộng sang phía Đông càng củng cố thêm ưu thế của Mỹ trong việc nắm vai trò chủ đạo trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, cũng chính những điều kiện hội tụ khiến Mỹ và NATO đánh Nam Tư, diễn biến của cuộc chiến tranh cũng như các mối quan hệ xung quanh nó (giữa Mỹ và đồng minh của mình, giữa Mỹ và các nước lớn khác như Nga) lại làm bộc lộ những giới hạn về thế và lực của Mỹ, cho thấy không phải Mỹ muốn làm bất cứ điều gì cũng được và thế giới cũng không phải đơn cực như Mỹ muốn.
Trước hết, về khả năng làm "sen đầm" thao túng tình hình thế giới ở mọi nơi của Mỹ, cái cớ để Mỹ can thiệp không thiếu gì : có thể là để "bảo vệ nhân quyền", chống thanh trừng sắc tộc như ở Nam Tư, Kosovo; có thể nhằm chống ma tuý như ở Pa-na-ma; là để bảo vệ Mỹ kiều như ở Hai-i-ti; hay chống xâm lược, độc tài như ở Irắc...Tuy nhiên dù có mạnh về kinh tế đến đâu Mỹ cũng không thể rải quân ra toàn cầu được, và sự hỗ trợ, chia sẻ trách nhiệm với đồng minh vẫn là điều Mỹ cần. Thực tế cho đến nay, những địa điểm Mỹ đơn độc can thiệp quân sự đều thuộc khu vực trọng yếu nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. ở các nơi khác, Mỹ đều cần có sự ủng hộ của đồng minh hoặc cùng các nước khác hành động với sự uỷ quyền của Liên Hợp Quốc. ở Nam Tư đồng minh Tây Au dễ dàng đồng ý can thiệp cùng Mỹ vì đây là vùng sườn phía Nam của họ, thậm chí nằm lọt trong khu vực giữa bốn nước thành viên của NATO : Italia, Hy lạp, Thổ Nhĩ kỳ, Hung-ga-ri. Nhưng ngay trong khi can thiệp như vậy các nước Tây Âu đã lo xa mà tuyên bố với Mỹ rằng Nam Tư không phải là tiền lệ để NATO áp dụng trong mọi trường hợp, trên phạm vi toàn thế giới. Dưới sức ép của các nước Tây Âu, trong cuộc họp cấp cao NATO mới đây Mỹ đã phải nhượng bộ rằng mặc dù phạm vi hoạt động của tổ chức này được mở rộng, song không có nghĩa là bao phủ toàn thế giới mà chỉ giới hạn trong khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Hơn thế nữa, các nước Tây Âu mà đứng đầu là Pháp cũng đã buộc được Mỹ thông qua tuyên bố coi trọng quyền lực và vai trò hàng đầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoà bình thế giới. Cam kết trên tuy không có sức mạnh thực tế buộc Mỹ từ bỏ được các ý đồ can thiệp của mình, nhưng cũng là một lời cảnh báo rộng, nếu lặp lại những gì đã làm như ở Nam Tư Mỹ sẽ có thể vấp phải thái độ cứng rắn hơn của dư luận cộng đồng quốc tế, thậm chí của cả đồng minh. Và từ nay, việc can thiệp quân sự của NATO ở khu vực châu Âu cũng sẽ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể, chứ không phải cứ tự động theo tiền lệ Nam Tư như Mỹ muốn. Cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũng chỉ ra một điều rằng ngay ở châu Âu, với NATO hùng mạnh mà Mỹ và phương Tây cũng không dễ gì khuất phục được đối phương, thì ở các nơi khác trên thế giới, với những liên minh quân sự yếu hơn, can thiệp sẽ còn mạo hiểm hơn.
Cuộc chiến tranh Nam Tư một mặt cho thấy vai trò bảo trợ của Mỹ còn hết sức quan trọng đối với các đồng minh Tây Âu trong các vấn đề an ninh ở lục địa này, và liên minh giữa hai bên về lâu dài sẽ còn là một nhân tố chính trong bàn cờ chính trị ở châu Âu và trên thế giới. Nhưng mặt khác, cuộc chiến tranh này cũng làm bộc lộ rõ những mâu thuẫn giữa hai bên và thúc đẩy thêm ý thức độc lập hơn của Tây Âu.
Cuộc chiến tranh lúc ban đầu diễn ra có vẻ như trong sự nhất trí cao độ giữa Mỹ và Tây Âu, song càng vể sau càng có nhiều bất đồng nảy sinh. Ngoài Hy Lạp là nước thành viên NATO ngay từ đầu đã phản đối cuộc tấn công của tổ chức này vào Nam Tư, hiện nay Italia, đất nước trong cuộc chiến này đang là căn cứ chủ yếu xuất phát của lực lượng NATO cũng đã bày tỏ mong muốn các hành động quân sự nhanh chóng chấm dứt để đi vào giải quyết bằng đàm phán. Các nước Tây Âu, Mỹ cũng có những lập trường khác nhau trong nhiều vấn đề liên quan đến chiến tranh, như vấn đề tính chất đội quân sẽ vào Kosovo, người tị nạn, vấn đề vai trò Liên Hiệp Quốc và Nga....Dường như cuộc chiến càng kéo dài, lòng tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ ở các nước đồng minh càng suy giảm, và việc coi giải pháp quân sự do một mình NATO tiến hành là giải pháp duy nhất đúng ngày càng bị xem xét lại.Đề nghị mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, mà đứng đằng sau là các nước Liên minh châu Âu, mới đây đưa ra để chấm dứt cuộc không kích ở Nam Tư đã coi trọng hơn vai trò của Nga và Liên Hiệp Quốc trong một giải pháp cho vấn đề Kosovo và đã thay điều kiện sự có mặt của quân đội NATO ở nơi này bằng sự có mặt của một "đội quân quốc tế". Những ý kiến này cũng được Tây Âu khẳng định lại ngay trong hội nghị cấp cao của NATO vừa qua và Mỹ cũng đã phải nhượng bộ. Cũng chính trong hội nghị này, Tây Âu cũng lợi dụng triệt để việc Mỹ cần sự ủng hộ của đồng minh trong cuộc chiến tranh Nam Tư và các vấn đề an ninh nói chung để đòi lại Mỹ phải công nhận vai trò của một tổ chức quân sự chỉ mang tính chất châu Âu, nằm trong NATO, nhưng có những quyền hạn hoạt động độc lập nhất định với NATO - một cố gắng của Tây Âu nhằm thoát dần ảnh hưởng của Mỹ về lâu dài.
Đối với quan hệ Mỹ-Nga, cuộc chiến tranh Nam Tư là một cái mốc quan trọng đánh dấu một giai doạn phát triển mới, không còn thuận buồm xuôi gió giữa hai bên.
Quyết định dùng NATO tấn công Nam Tư, Mỹ và đồng minh đã lợi dụng thời điểm Nga đang khó khăn về mọi mặt để "qua mặt Nga". Hành động bỏ qua Liên Hiệp Quốc vào lúc ban đầu cuộc chiến là sự thách thức trực tiếp đối với Nga. Tuy nhiên, nếu so sánh sự kiện này với việc Mỹ đã từng trung lập được thái độ của các nước lớn khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến tranh vùng vịnh, thì đây lại là một bước thụt lùi về thế của Mỹ : Mỹ "phớt lờ" được Liên Hiệp Quốc chứ không thao túng được tổ chức này. Giai đoạn mà Mỹ ở một chừng mực nào đó khống chế được nước Nga phải chăng đã qua rồi. Trên thực tế ngay trong khi quyết định đánh Nam Tư, Mỹ đã lo phản ứng của Nga. Sự mềm dẻo của Mỹ với Nga trong vấn đề các khoản vay IMF của nước này cũng là nhằm xoa dịu phần nào thái độ của Nga. Hơn thế nữa, hiện nay khi mà cuộc không kích của NATO chưa thấy mang lại một kết quả nhanh chóng rõ rệt như Mỹ và đồng minh mong muốn, Mỹ và Tây Âu đang có xu hướng chấp nhận một vai trò nhất định của Nga trong giải pháp cho Nam Tư và Kosovo. Dù sao đi chăng nữa cuộc khủng hoảng Kosovo lần này cũng cho thấy rõ một điều rằng quan hệ Mỹ-Nga đã qua thời kỳ êm ả . Mặc dù cho đến giờ trên lời nói Nga phản đối rất mạnh mẽ cuộc tấn công của NATO, nhưng trong hành động vẫn rất kìm chế. Điều này cũng là hợp lý trong tình hình kinh tế xã hội Nga còn rât khó khăn, và cũng là một sự kìm chế có lợi cho hoà bình quốc tế. Tuy vậy, những phản ứng của Nga như việc đưa tàu quân sự vào quan sát ở vùng biển Adriatic, những tuyên bố mạnh mẽ của các nguyên thủ và chính khách nước này, sự xiết lại mối quan hệ giữa Nga và Belorusia, việc chú ý tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Â'n độ cũng thể hiện rõ ràng quyết tâm củng cố lại vai trò và vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới, không để Mỹ tha hồ chi phối tình hình quốc tế. Những phản ứng vừa qua của Nga tuy chưa đến mức gây đối đầu trực tiếp với Mỹ và Tây Âu, chưa thể gây ra chiến tranh lạnh mới, nhưng là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với các ý đồ định tiến sâu hơn nữa vào vùng Nga cho là khu vực an ninh ảnh hưởng trực tiếp của Nga. Đây cũng chính là một trở ngại không dễ gì vượt qua đối với việc thực hiện vai trò "sen đầm" của NATO và Mỹ.
Việc Mỹ và NATO tấn công Nam Tư cũng đã gây ra phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Tuy Thủ tướng Chu Dung Cơ vẫn đi Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ làm cho Trung Quốc trong lúc cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ đề cao cảnh giác hơn thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc xung quanh các vấn đề bất đồng giữa hai nước, nhất là vấn đề Đài Loan.
Cho đến giờ, không ai đoán chắc được kết cục của cuộc "khủng hoảng Kosovo". Không loại trừ khả năng quân NATO đổ bộ vào Kosovo, mặc dù có nhiều biểu hiện cho thấy kế hoạch này gặp nhiều trở ngại to lớn , những điều mà chắc chắn Mỹ và Tây Âu phải cân nhắc. Tuy nhiên có thể thấy cái giá phải trả cho một cuộc can thiệp như vậy là rất lớn, đặc biệt là về chính trị, đó là chưa nói đến tổn thất về người và tiền của của Mỹ và NATO; Cái giá phải trả cho một nền độc lập thông qua "cưỡng chế" cũng là vô cùng đắt và kết quả cũng rất bấp bênh - đây là bài học thực tế rút ra từ sau hiệp đinh Đây-tơn (1995) ở Bôx-nia Héc-xê-gô-vi-na... Hơn nữa, người ta cũng đang chứng kiến một cuộc vận động ngoại giao ráo riết mà trong đó dường như các nưóc lớn đã có cố gắng hợp tác hơn để tìm giải pháp hoà bình. Đó là con đường mà mọi dân tộc đều mong muốn kể cả nhân dân Mỹ và NATO.
Tài liệu tham khảo :
1.Clissold, Stephen (chủ biên), A Short History of Yugoslavia, Cambridge University Press, 1966
2.Zarka, Jean-Claude, "L'OTAN"- Que sais-je ? Presses Universitaire de France, 1997.
3.Gnesotto, Nicole, "La défense européenne au carrefour de la Bosnie et de la CIG", Politique étrangère, IFRI, 1/1996, tr. 113.
4.Maull, Hanns W., "Germany in the Yugoslav Crisis", Survival, t. 37, No 4, Đông 1995-1996, tr. 99.
5."Bosnia's bitter peace", The Economist, 25/11/1995, tr. 11.
6."Peace at last, at least for now". The Economist, 25/11/1995, tr.19.
7.Các báo Pháp: Le Monde, Le Nouvel Obsevateur các số từ 19/3/1999 đến 20/4/1999. Le Monde diplomatique các số từ tháng 5/1998 đến 3/1999.
Copyright © Diplomatic Academy of Vietnam

23 tháng 3 2015

Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu thuộc dòng dõi người Hoa đến Singapore làm ăn từ giữa thế kỷ 19. Khi người Anh đặt chân lên đảo Singapore và biến nơi này thành chỗ buôn bán thì một số Hoa Kiều, Ấn Kiều và người Mã Lai từ Trung Hoa, Mã Lai, Indonesia cũng như các nước Á Châu lân cận đến Singapore làm ăn sinh sống. Singapore không phải là quê hương của họ nên khi các dân tộc bị sống dưới cảnh thuộc địa tìm cách nổi lên giành độc lập thì những người ngoại kiều tứ phương ở Singapore chỉ là làm ăn buôn bán.

Vào đầu thế kỷ 20, khi bác sĩ Tôn Dật Tiên phát động phong trào cách mạng, nhiều người Trung Hoa hưởng ứng vì họ thấy Trung Hoa bị Tây phương lấn áp, họ muốn Trung Hoa cũng trở thành cường quốc ngang hàng với các nước Tây phương. Khi những người Hoa tại Singapore hưởng ứng chủ nghĩa dân tộc của bác sĩ Tôn Dật Tiên xôn xao hoạt động, xuống đường biểu tình, hô hào cắt bím tóc thì những gia đình doanh nhân như gia đình ông Lý Quang Diệu vẫn thản nhiên lo kinh doanh, làm giàu và giữ mối quan hệ mật thiết với người Anh. Những người Hoa đó họ đã xa xứ đã lâu, sau nhiều thế hệ sống ở nước ngoài, họ không để ý đến tình hình tại quê nhà cho lắm. Gia đình của ông Lý Quang Diệu đáng bị người cộng sản xếp vào loại tư sản mại bản, tức là những người tư sản cấu kết làm ăn với người nước ngoài.

Ông Lý Quang Diệu từ thưở nhỏ không nói được tiếng Hoa mà nói tiếng Anh thông thạo. Ông học trường Anh từ bé cho đến lớn. Ông ta kể hồi ông ta lên sáu tuổi, ông nội ông ta cho ông ta đi học trường người Hoa. Ông ta vào lớp nghe nói tiếng Trung Hoa ông ta không hiểu gì cả nên về nhà xin ông nội đổi qua trường tiếng Anh. Từ lúc mới sinh ra, ông ta dùng tên Harry Lee chứ không dùng tên Lý Quang Diệu. Lúc bắt đầu đi học, ông cũng chỉ có tên Harry Lee mà thôi. Ông học trường Anh có nghĩa là học lịch sử của nước Anh chứ không học lịch sử của Trung Hoa. Học lịch sử của nước Anh là học các giai đoạn phát triển của Anh, trong đó bao gồm giai đoạn cận đại, khi nước Anh chuyển qua giai đoạn trọng thương, xem trọng thương mại và doanh nhân. Trong giai đoạn trọng thương nước Anh trở nên giàu mạnh nhờ kinh doanh, buôn bán.

Trong khung cảnh chủ nghĩa Cộng sản đang lên vào đầu thế kỷ 20 và rồi phong trào thiên tả tiếp tục có ảnh hưởng lan tràn tại Châu Âu sau đó thì ông Lý Quang Diệu, một người tốt nghiệp về Luật tại Anh, cũng không khỏi có ảnh hưởng của phong trào phái tả. Nhưng khi lên cầm quyền ông thấy thì đường lối thiên tả, bài Tây Phương, xem buôn bán là bóc lột, xấu xa sẽ chỉ đưa Singapore vào con đường bế tắc vì Singapore chỉ là một đảo nhỏ. Trước khi người Anh đến thì có rất ít dân sống và người dân chỉ sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt. Ông đã từng chứng kiến người Anh qua việc buôn bán mà làm cho Singapore thịnh vượng khiến cho nhiều người từ các nước xung quanh kéo đến sống đông đúc thì ông không xem việc kinh doanh buôn bán là tội lỗi bẩn thỉu phải xóa cho sạch. Điều đó khiến ông đi theo con đường tư bản và trở thành kẻ phản bội các đồng chí thiên tả trong đảng.

70 năm đã trôi qua kể từ Thế Chiến Hai chấm dứt, các dân tộc thoát khỏi sự đô hộ của các nước phương Tây đã có hy vọng cao rằng nước mình rồi đây sẽ được hùng mạnh, sánh vai cũng với các cường quốc trên thế giới. Các nước đã chọn nhiều con đường khác nhau.

Đại tá Gamal Abdel Nasser của Ai Cập chọn con đường đứng giữa hai khối tư bản và cộng sản. Ông nuôi mộng thống nhất khối Ả Rập, để có một khối mạnh ngang hàng với khối tư bản và khối cộng sản. Ai Cập lúc đầu đứng giữa rồi sau ngả về phía Liên Xô, sau khi Nasser chết, Sadat đưa Ai Cập đi hẳn về phía Mỹ. Tại Lybia, Đại tá Muammar Gaddafi sau khi lên cầm quyền đã đi theo con đường chống tư bản, lúc đầu nuôi mộng thống nhất khối Ả Rập để trở thành một khối ngang hàng với khối tư bản và khối cộng sản. Khi giấc mộng thống nhất khối Ả Rập không thành thì Đại tá Gaddafi quay qua nuôi mộng thống nhất châu Phi.

Ấn Độ tuy ngả về phía tả nhưng chọn con đường kinh tế hoạch định một cách mềm dẻo chứ không chặt chẽ như Liên Xô và theo chế độ đa đảng, cũng không nghiêng hẳn về phía tư bản hay cộng sản. Tại Indonesia, Tổng thống Sukarno cũng muốn Indonesia đứng giữa hai khối cộng sản và tư bản, không liên kết nhưng rồi Tướng Suharto làm đảo chánh đưa Indonesia đi hẳn về phía tư bản.

Với tinh thần dân tộc dâng cao sau Thế Chiến Hai, nhiều dân tộc đã nỗ lực tranh đấu cho độc lập và chấp nhận trả giá đắt miễn là thực hiện được giấc mộng hùng mạnh của mình nhưng rồi ngày tháng qua, một số dân tộc nhìn lại thì dân tộc mình vẫn sống trong nghèo đói, lạc hậu. Trong các nước đi về các nẻo đường khác nhau đó, Singapore đã thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, điều này khiến cho người ta không khỏi đặt câu hỏi vì sao ông Lý Quang Diệu lại chọn con đường đó? Vì ông ta sáng suốt hơn người hay chỉ vì tình cờ?

Khu phố người Hoa tại Singapore, thập niên 1960

Khi thành lập vào năm 1954, thời gian Singapore còn là thuộc địa của Anh, đảng Nhân dân Hành động (People Action Party, viết tắt là PAP) là một liên minh chính trị giữa các lãnh đạo công đoàn cánh tả và một nhóm chuyên gia, trí thức tiểu tư sản, gồm Lý Quang Diệu, được đào tạo từ nền giáo dục Anh (British-educated professionals). Liên minh này hoạt động dưới ngọn cờ chung (common banner) là chống thực dân. Nhóm trí thức tiểu tư sản này chịu ảnh hưởng giáo dục của người Anh, họ không nói được tiếng Hoa và họ chỉ là thiểu số trong cộng đồng người Hoa vì thế họ không xâm nhập được giới thợ thuyền người Hoa. Họ cần lôi kéo được quần chúng người Hoa để được phiếu bầu. Trong số chính trị gia nói được tiếng Hoa có Lim Chin Siong là người giỏi ăn nói trước quần chúng và lôi cuốn được quần chúng. Những người thuộc giới nghiệp đoàn cần những người nói giỏi tiếng Anh để có thể quan hệ được với người Anh và để làm bình phong cho người Anh thấy đó không phải là phong trào cộng sản. Và sự kết hợp của một nhóm trí thức tiểu sư sản và nhóm chính trị thiên tả hoạt động trong giới nghiệp đoàn của thợ thuyền ra đời.
Lim Chin Siong (1933 - 1996)

Nếu như động lực chống thực dân Anh của các lãnh đạo cánh tả là rõ ràng và dễ hiểu thì động cơ đó có vẻ ngược lại đối với nhóm chuyên gia. Nhóm chuyên gia này có thể hưởng được những đặc quyền, đặc lợi mà chính quyền thuộc địa dành cho giai cấp bản xứ. Dựa theo khuôn mẫu Gramsci cổ điển (classic Gramscian fashion) – trong việc chỉ ra các kinh nghiệm mà các nhóm hoạt động chính trị khác đã thành công trong việc chuyển đổi đường hướng và cách thức hoạt động chính trị ̶ nhóm chuyên gia này đã chủ động rời bỏ tầng lớp và giai cấp thống trị để tham gia vào khuynh hướng xã hội chung của thời đại đang được nhiều người ủng hộ. Thay vì tiếp tục hưởng thụ những đặc quyền và đặc lợi có được nhờ việc thừa hưởng nền giáo dục của Anh và là con cưng của chính quyền, họ đã thấy được những nguyện vọng sâu xa của các tầng lớp nhân dân bên dưới: chống thực dân.

Việc tập hợp lại với một khẩu hiệu như thế đã trở nên một mối quan tâm chính và một đồng thuận của xã hội, về mặt cảm tính, đã biến họ thành một tổ thức chính trị dành được vai trò lãnh đạo về ý thức hệ (ideological leadership). Tuy nhiên, để thu hút sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, nhóm chuyên gia phải hình thành một liên minh với các nghiệp đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội cánh tả khác. Sự ủng hộ và quan tâm từ giới công nhân cũng như tầng lớp dân chúng chịu ảnh hưởng nền giáo dục Trung Hoa là rất quan trọng.

Ngược lại, đối mặt với tình trạng bị đàn áp và sắp bị chính quyền thuộc địa Anh đặt ra ngoài vòng pháp luật vì các hoạt động cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, các tổ chức cánh tả Singapore cũng hoan nghênh việc liên minh với nhóm chuyên gia Anh học, với hy vọng là nhóm chuyên gia này sẽ đóng vai trò một tấm bình phong đứng đắn, ôn hòa, có thể được đa số chấp nhận cho tổ chức PAP và các hoạt động chính trị của họ. Do đó, liên minh này là một cuộc hôn phối vì lợi ích, mà mỗi bên có những các mục đích riêng của mình.

Trên bình diện khu vực, một “NATO của Đông Nam Á”, tức SEATO, đã được thành lập từ tháng 9/1954 và ra mắt tháng 2 năm sau. SEATO chỉ hữu danh vô thực do lẽ bề ngoài thì chung cương lĩnh chống cộng, song chỉ chực nuốt nhau, nhất là sau khi Singapore tách ra khỏi Malaysia. Singapore vào những năm đầu độc lập không chỉ gặp rắc rối với Malaysia, mà còn với cả Indonesia.

Việc chống tham nhũng cũng đóng vai trò như một cương lĩnh hoạt động, và nhận được nhiều ủng hộ của cử tri, góp phần tạo dựng nên vị trí chính trị cho PAP từ những ngày đầu tham gia chính trường. Hành động quyết tâm chống tham nhũng đóng một vai trò quan trọng dẫn đến thắng lợi của PAP của Singapore vào năm 1959. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Ủy Ban Thành Phố (City Council) vào tháng 12 năm 1957 và trên cương lĩnh chống tham nhũng – vốn đã là một vấn đề nổi cộm có từ thời thuộc địa Anh – PAP khởi đầu chiến dịnh vận động tranh cử bằng cách tiết lộ Bộ Trưởng Giáo Dục của Mặt Trận Lao Động (Labour Front), Chew Swee Kee, đã nhận tiền hối lộ từ chính quyền Mỹ nhằm đánh bại PAP trong cuộc tổng tuyển cử.

Thủ Tướng (Chief Minister), Lim Yew Hock, đã chỉ định một Ủy Ban Điều Tra, và Chew đã thừa nhận nhận tổng cộng bảy trăm ngàn đô la Singapore vào hai lần từ chính phủ Mỹ. Việc thừa nhận tham nhũng của Chew đã đánh dấu chấm hết cho số phận của đảng của ông, và PAP thắng cử lớn vào năm 1959. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959 để bầu một chính quyền bản xứ có quyền tự trị (có nhiều quyền, dù ngoại giao và quốc phòng vẫn nằm trong tay thực dân Anh), PAP đã tranh cử tất cả các ghế, và dành được 43 trên 51 ghế. Người đứng đầu nhóm chuyên gia, Lý Quang Diệu, được cử làm Thủ tướng, sau khi các thành viên cánh tả của PAP bị bắt vì lý do chính trị trước đó, được thả ra.

Sau khi Lý Quang Diệu đắc cử Thủ tướng Singapore nhờ đảng Nhân Dân Hành Động tranh cử với đường lối bênh vực giai cấp công nhân, đòi quyền thành lập công đoàn thì chỉ mọt thời gian ngắn sau đó, Lý Quang Diệu trở mặt, ra tay bắt các đồng chí của mình có khuynh hướng thiên tả, bỏ tù ông Lim Chin Siong và một số đồng chí thiên tả trong đảng của mình, thời đó có người gọi Lý Quang Diệu là kẻ phản đảng. Ngay chính Lý Quang Diệu khi trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài về thời kỳ đó cũng đã công nhận là lúc đó ông ta phải khéo léo tìm cách bắt những người cộng sản trong đảng của ông ta làm sao để đừng có vẻ là phản bội các đồng chí của mình.

Nhóm cánh tả đe dọa sẽ chuyển sự ủng hộ từ Lý Quang Diệu sang David Marshall (lãnh tụ đảng đối lập) nếu Lý Quang Diệu không có những cải cách đáng kể về tình trạng đàn áp (bao gồm: thiếu quyền tự do công dân, việc tiếp tục câu lưu và bắt giữ các nhân vật chính trị dưới luật Nội an của Hội đồng Nội an (Internal Security Council)), hạn chế quyền công dân của các nhân vật thuộc cánh tả, hạn chế các phong trào liên kết của các công đoàn thương mại có xu hướng xây dựng các cơ sở chính trị, và cuối cùng là sự mất dân chủ ngày càng lớn ngay trong đảng PAP. Các bất đồng trong PAP không giải quyết được, dẫn đến sự ly khai, và sự thành lập của đảng Barisan Sosialis bởi các lãnh đạo nghiệp đoàn cánh tả và các thành viên ly khai (hay bị đuổi) khác của PAP. Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục nắm quyền với đảng PAP còn lại.

Tính chính danh lãnh đạo của PAP dược xác định và thể hiện ở sự thành công về mặt kinh tế của Singapore. Tuy nhiên, để có được một vị trí thống lĩnh và chi phối chính trường một cách tuyệt đối, PAP, từ những ngày đầu tham gia chính trường Singapore, đã dựa vào những cơ sở chính trị nhánh (parapolitical institutions) để củng cố vị trí. Bằng cách áp dụng chính sách “huy động và tham gia có điều khiển” (controlled mobilization and participation), những cơ sở chính trị nhánh này vừa có mục đích hướng dẫn những nhân tài và thu dụng họ cho các lĩnh vực khác nhau của chính phủ. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò như một môi trường truyền thông kiến tạo một hệ thống thông tin giữa người dân và chính quyền. Một khi điều khiển được những kênh thông tin hiệu quả như vậy và ngăn không cho đối lập tiếp cận với các cơ sở chính trị nhánh này, PAP đã thành công trong việc góp phần cô lập các đảng đối lập.

Ba loại hình “cơ sở chính trị nhánh” chính là: Trung Tâm Cộng Đồng (Community Centre - CC), Trung Tâm Tư Vấn của Công Dân (Citizen’s Consultative Committees), và Ủy Ban Địa Phương (Town Council). Việc dựa vào các cở sở chính trị này để củng cố quyền lực bắt đầu nổi bật từ những năm đầu thập niên 1960s.

Cho đến năm 1959, các CC vốn được thành lập từ dưới thời thuộc địa, đóng một vai trò bên lề trong xã hội Singapore và hoạt động giống như các trung tâm giải trí cộng đồng. Một số được quản lý độc lập bởi các ủy ban địa phương, trong khi một số khác bởi Bộ Phúc Lợi Xã Hội (Social Welfare Department). Tuy nhiên, ảnh hưởng của các CC từ từ vượt quá chức năng ban đầu khi hình thành dưới thời thuộc địa. Các trung tâm này dần đóng vai trò tích cực hơn liên quan đến các chính sách như nhà cửa, trợ cấp xã hội, hoặc các trung tâm cứu tế sau khi quân đội Nhật đầu hàng. Vị trí ảnh hưởng chính trị của hệ thống các trung tâm này từ từ nổi lên và được nhìn nhận từ trước khi xảy ra sự kiện đổ vỡ trong PAP. Các trung tâm này có một vai trò tích cực trong việc truyền bá các chủ trương, chính sách của nhà nước và hỗ trợ trong nỗ lực hình thành một quốc gia. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò trong việc củng cố quyền lực của PAP bằng cách tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của PAP xuống tới các khu vực dân cư nghèo khó.

Trong những năm đầu thập niên 1960s, sau khi bị chia tách trong đảng PAP giữa hai phe: phe cộng sản (Barisan Sosialis) và phe Tây học thân phương Tây (PAP). Đứng giữa tình thế khó có thể củng cố được lực lượng trong một khoảng thời gian ngắn khi mà khả năng tiếp cận các nghiệp đoàn và các cộng đồng người Hoa nằm trong tay các lãnh tụ theo cánh tả, để thực thi một vai trò quyết định trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, các lãnh đạo PAP đã dựa vào các CC để tuyên truyền và củng cố những ảnh hưởng tới những cơ sở ở các khu vực dân cư. Kinh nghiệm nhận được và sự thành công trong chiến lược này là một nguyên nhân để PAP thúc đẩy việc mở rộng một cách có kiểm soát các cơ sở “chính trị nhánh” tương tự sau này.

Tổ chức khu vực đầu tiên của các nước ĐNA là ASA (Hiệp hội Đông Nam A') thành lập ngày 31 tháng 7 năm 1961 bao gồm Thái Lan, Liên bang Malaysia và Philipin. Tổ chức này nhằm "tương trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học và hành chính" với ý định giảm bớt sự lệ thuộc quá đáng của các nước thành viên vào Hoa Kỳ. Nhưng hơn một năm sau, tổ chức này vấp phải cuộc tranh chấp đất Sabah ở Bắc Borneo giữa Philipin và Liên bang Malaysia, dẫn tới việc cắt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Dù sau này cuộc khủng hoảng Sabah được giải quyết do cố gắng hoà giải của Thái Lan, ASA cũng mất tác dụng đối nội của nó.

Sau cuộc trưng cầu dân ý để sát nhập Singapore vào liên bang Malaysia vào năm 1962, PAP đã tăng cường vị trí độc tôn quyền lực bằng cách đàn áp các đảng đối lập. Tháng 2/1963, một chiến dịch mang tên Operation Cold Store bắt giữ hơn 100 nhân vật hoạt động chính trị cánh tả quan trọng hoặc nổi tiếng. Chiến dịch này được thực hiện bởi Hội đồng Nội an mà Malaysia nắm giữ một lá phiếu quyết định trong hội đồng gồm 7 người (có 3 từ chính phủ Singapore và 3 là các nhân viên người Anh). Do đó, mặc dù Lý Quang Diệu có mặt trong buổi họp quyết định bắt giữ, ông đã tránh được trách nhiệm của mình trong biến cố này.

Ngay sau vụ bắt giữ và đàn áp, PAP tổ chức một cuộc bầu cử đột xuất. Kết quả là Barisan được 33,3% phiếu bầu và dành được 13 ghế, PAP dành được 46,9% phiều bầu và được 37 ghế. Khi quốc hội mới ra tuyên thệ, 3 dân biểu của Barisan đã bị bắt và 2 phải bỏ trốn ra nước ngoài. Tổng thư ký đảng Barisan đã tẩy chay vị trí đại biểu quốc hội của mình. Sau đó, việc 7 dân biểu Barisan còn lại lần lượt từ chức đã cho phép PAP nắm giữ thêm (hoàn toàn) ghế trong quốc hội và từ đó không còn những tiếng nói chính trị đối lập nào nữa.

Sau khi bắt các đồng chí để ngăn cản họ đưa Singapore vào con đường tả thì Lý Quang Diệu chuyển qua con đường hữu bằng cách bắt tay với các nhà tư sản Singapore, cho tư bản nước ngoài đầu tư vào Singapore. Tổng thống Mỹ, Richard Nixon, trong cuốn sách" Leaders" (Các Lãnh Tụ), điểm qua các nhà lãnh đạo trên thế giới mà ông đã biết, về phần Lý Quang Diệu, ông Nixon kể người phụ tá của ông sau khi đi một vòng các nước Châu Á để tìm hiểu đã khen Singapore có chính quyền cai trị giỏi nhất thế giới và ông Nixon nói thêm rằng ông Lý Quang Diệu đã dùng chiến thuật khi tranh cử thì đi về phía tả rồi khi lên cầm quyền thì chuyển sang phía hữu. Ông Lý Quang Diệu khi nói về đảng Nhân Dân Hành Động (People Action Party) vào thời đó đã nói rằng đảng của ông ta bị những người Cộng sản mưu toan cướp quyền lãnh đạo nên ông ta đã giành lại quyền lãnh đạo đảng và từ đó áp dụng các biện pháp chặt chẽ ngăn cản cán bộ Cộng sản cướp quyền lãnh đạo đảng và ngăn cản Cộng sản cướp chính quyền tại Singapore.

Trong những năm đầu lãnh đạo, vì không có khả năng để nâng lương cho các nhân viên công vụ, để chống tham nhũng PAP đã bắt đầu xiết chặt các luật vốn đã có để làm giảm cơ hội tham nhũng, đồng thời tăng mức hình phạt các hành vi tham nhũng. Các luật về chống tham nhũng lần lượt được ra đời và tu chỉnh theo thời gian (1963, 1966, 1981, 1989). Bên cạnh đó, CPIB được thành lập và được trao một quyền hành lớn hơn, chịu trách nhiệm theo dõi, điều tra các hành vi liên quan đến tham nhũng của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào và sẵn sàng bắt giữ nếu thấy cần thiết. Được đặt trong Phủ Thủ tướng, nên mặc dù với một số lượng nhân viên không nhiều (71 nhân viên, số liệu năm 1994), CPIB thực hiện được vai trò của mình bằng cách kết hợp với các cơ quan khác. Những năm sau này, khi nền kinh tế khởi sắc và quốc gia có một ngân khoản dồi dào hơn, chính phủ nâng lương công chức từ từ, một phần nhằm thu hút nhân tài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của chính quyền, một phần giảm thiểu tham vọng tìm cơ hội tham nhũng của các công chức nhà nước. Lý Quang Diệu cho rằng “mức lương cho người lao động tăng lên cùng với năng suất, và khi người lao động hiểu rõ hơn vai trò của họ, và khi người lãnh đạo kinh tế tạo nên một vị trí vững chắc và an toàn thì những người cộng sản khó bề khai thác”. Theo ông, “kinh tế phát triển là điều cần thiết cho sự bền vững của hệ thống chính trị, và sự ổn định chính trị là điều cần thiết cho phát triển kinh tế.”.

Tổ chức khu vực thứ hai ra đời tháng 8 năm 1963 là MAPHILINDO bao gồm Malaysia, Philippin và Indonesia. Mục đích của MAPHILINDO là "khôi phục và tăng cường sự thống nhất lịch sử và di sản chung của các dân tộc Malaysia, xích họ lại gần nhau thông qua hợp tác kinh tế và văn hoá chặt chẽ". Nhưng do mỗi nước theo đuổi một ý đồ riêng, và sau những biến cố ở Jakarta, sự thay đổi chính phủ ở Manila đã dẫn tới sự tan rã của tổ chức này. Tuy ASA và MAPHILINDO không thọ được lâu nhưng lại có tác dụng xúc tiến quá trình hình thành tổ chức ASEAN sau này, nhất là sau khi năm nước khởi xướng yêu cầu Liên Hợp quốc giúp họ hoạch định một dự án kế hoạch hoá kinh tế và xem xét khả năng hợp tác giữa các nước ASEAN.

Dù chuyện đã xảy ra bằng cách nào đi chăng nữa, thì đường lối của Singapore sau đó là đi theo con đường cánh hữu. Singapore có đủ các đặc tính mà người Cộng Sản lên án là phản động, là bóc lột người lao động. Chính quyền Singapore đã mở cửa cho tư bản phương Tây vào đầu tư, cấm công đoàn hoạt động. Người công nhân Singapore lúc đó phải làm việc cật lực, có khi một ngày làm đến 10 tiếng đồng hồ. Một số nhà báo phương Tây đã viết ông Lý Quang Diệu biến người dân Singapore thành những con người thép, đòi hỏi họ phải làm việc nhiều. Về việc này, ông Lý Quang Diệu bào chữa là vì Singapore không có tài nguyên gì cả nên chỉ có cách là mở cửa cho nước ngoài vào đầu tư để đem lại công ăn việc làm cho người dân và cũng vì không có tài nguyên nên người dân phải làm việc nhiều.

Singapore khi mới độc lập vào 1965 thì vẫn là một đảo nghèo nói chung nhưng không phải là nơi có đông đảo quần chúng nghèo khổ vì một thiểu số ngoại bang cai trị. Vì thế ông Lý Quang Diệu và dân Singapore nói chung không xem độc lập dân tộc là điều thiêng liêng phải bảo vệ bằng mọi giá. Điều quan tâm của ông Lý Quang Diệu là làm sao Singapore, một đảo không có nhiều tài nguyên, có thể tồn tại được về mặt kinh tế. Đó cũng từng là điều lo nghĩ của người Anh khi họ chọn đảo Singapore làm chỗ nghỉ chân cho tàu thuyền Anh trên đường buôn bán với Trung Hoa. Và giải pháp của ông Lý Quang Diệu cũng tương tự như giải pháp của người Anh là tạo điều kiện để người tứ xứ đến buôn bán, làm ăn, đầu tư.
Bến sông Singapore, thập niên 1960

Thời xưa tại Việt Nam có người có thành kiến về Trung Hoa rằng người Trung Hoa hay tham nhũng và ăn ở luộm thuộm. Nạn tham nhũng tại Trung Hoa có từ thời các vua chúa, rồi đến thời Tưởng Giới Thạch vẫn có. Người Hoa ăn ở luộm thuộm nên người Pháp có chữ Chinoiserie để chỉ cái gì làm luộm thuộm. Tiếng Pháp, Chinois là người Trung Hoa, là tĩnh từ để chỉ những gì thuộc về Trung Hoa. Chinoiserie có nghĩa là "cái đồ Tàu". Ấy thế mà Singapore lại không có hai đặc tính gọi là truyền thống của người Trung Hoa. Đến thập niên 1970, 1980 nhiều người đến Singapore đã thấy rằng Singapore rất sạch sẽ và xã hội tổ chức chu đáo. Tổ chức theo dõi tình trạng tham nhũng làm phiền phức doanh nhân cũng xếp hạng Singapore vào những nước ít tham nhũng hàng đầu trên thế giới. Việc Singapore không mang hai tệ nạn bị xem là truyền thống của Trung Hoa phải chăng là vì ông Lý Quang Diệu ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà chịu ảnh hưởng văn hóa Anh nhiều hơn. Do chịu sự giáo dục của Anh từ nhỏ nên ông đã tổ chức Singapore thành một nước tuân thủ luật pháp một cách nghiêm minh và nghiêm cấm tham nhũng.

Khu phố người Hoa tại Singapore, thập niên 1960

Vì không chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa dân tộc nên ông Lý Quang Diệu không có thái độ bài bác người Anh, mà vẫn tiếp tục quan hệ với người Anh sau khi Singapore có độc lập. Cũng vì không chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa dân tộc nên ông Lý Quang Diệu không nuôi giấc mộng đánh bại đế quốc, làm cho “gió Đông thổi bạt gió Tây” như nhiều người Trung Hoa đi theo Mao Trạch Đông. Vì không mang giấc mộng xưng hùng xưng bá nên ông Lý Quang Diệu chỉ lo cho dân được có công ăn việc làm, được có nhà ở, có đầy đủ nhà thương, trường học, trẻ em được học hành tử tế mà không dùng dân tộc mình làm công cụ phục vụ cho chiến tranh. Sau khi người Anh trao trả độc lập cho Singapore thì Lý Quang Diệu và nhiều người Singapore khác không thâm thù người Anh vì đã đô hộ họ. Nếu trước đây họ không thích sự cai trị của người Anh thì họ đã bỏ Singapore mà đi nơi khác rồi.

Tượng Sir Thomas Stamford Bingley Raffles người sáng lập ra Singapore vẫn được duy trì sau khi Singapore độc lập. Ông đã chọn Singapore làm nơi tàu thuyền Anh nghỉ chân trên đường buôn trà từ Trung Hoa về Anh vào đầu thế kỷ 19 và nuôi sống Singapore bằng cách khuyến khích người tứ xứ đến buôn bán và không đánh thuế họ

Chủ nghĩa thực dụng được hình thành như một cơ cấu khái niệm có tính hệ thống được phát triển do những điều kiện vật chất và lịch sử tại thời điểm PAP tiếp nhận quyền lực. Nói một cách chính xác hơn, dựa trên nhu cầu vật chất tại thời điểm lịch sử (thập niên 1960, 1970) của Singapore, chủ nghĩa thực dụng, còn có thể xem là chủ nghĩa tiêu thụ - được xem như là một ý thức hệ - đã cho phép PAP lãnh đạo Singapore trong một thời gian dài cho đến nay. Những chính sách xuất phát từ ý thức hệ thực dụng được nhìn nhận là cần thiết, thực tế và mang tính hiển nhiên – điều này đúng với một ý của Các Mác: ”quá trình chuyển đổi ý thức hệ là quá trình “hiển nhiên hóa” những mối quan tâm của các giai cấp thống trị (đặc biệt) tại một thời điểm lịch sử”.

Sự hợp pháp của cả hai – ý thức hệ thực dụng và vai trò lãnh đạo của PAP – đã được nâng lên do những thành công trong những chính sách của chính quyền nhằm đem lại một cuộc sống sung túc hơn về vật chất – điều quan trọng nhất mà người dân Singapore vốn là những di dân vì kinh tế mong mỏi. Sự thành công này cũng đã góp phần vào sự chấp nhận (hay thỏa hiệp) sự can thiệp hành chính một cách không dân chủ của chính quyền. Đảng PAP khống chế mọi sinh họat báo chí, văn hóa, giải trí…, những lãnh vực của tư duy… Giới trẻ không được đào tạo để có tư duy độc lập nào khác, mọi việc, mọi suy nghĩ khác… đã có PAP lo… thanh niên chỉ cần lo làm ăn kinh tế kiếm tiền!.

Hoàn cảnh là một yếu tố chi phối sự lựa chọn của một người nhưng cá tính của người đó cũng đóng góp vào sự lựa chọn. Ông Lý Quang Diệu không phải là loại người say mê quyền lực đem đến bằng bạo lực. Một người nhảy vào chính trị hoạt động dĩ nhiên là có lòng ham quyền lực nhưng ông Lý Quang Diệu không phải là loại người thích làm lãnh tụ dùng chủ nghĩa dân tộc hay thứ chủ nghĩa nào đó kích động quần chúng khiến cho họ trở nên cuồng tín lao vào chiến đấu. Ông chỉ dùng quyền lực để tổ chức xã hội cho có luật lệ, làm sao cho kinh tế được thịnh vượng. Mặc dù nếu xét về lý lịch thì ông Lý Quang Diệu chẳng có gì làm vẻ vang cho lắm nhưng ông Lý Quang Diệu đã quả thật đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng của Singapore.

Các CCC được thành lập vào năm 1965 và là một phần trong cơ chế nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng những lãnh đạo không chính thức (informal leader). Một cách riêng biệt, các tổ chức này còn được nhìn nhận như là một cơ chế nhằm tăng cường việc xử lý những bất đồng nhỏ, và được làm theo mô hình trước đây khi quân đội Nhật chiếm đóng Singapore. Trong thời kì Nhật chiếm đóng, các hội đồng làng (village council) đã được dựng lên để ổn định trật tự và làm nhiệm vụ thông tin cho quân đội Nhật các tổ chức chống đối cơ sở. Sự khẩn cấp hình thành một cơ chế xử lý như vậy bắt nguồn từ kinh nghiệm cuộc xung đột sắc tộc xảy ra vào năm 1964; trong cuộc xung đột đó, các lãnh đạo phải viện đến các lãnh đạo không chính thức ở địa phương để hòa giải. Các CCC vừa truyền đạt thông tin hai chiều: các nguyện vọng và đề đạt từ nhân dân đến chính quyền và các chính sách từ chính quyền ngược trở lại. Mỗi đơn vị bầu cử có một CCC và thành viên của CCC do Nghị sĩ khu vực đề cử.

Những ngày đầu lập nước, ông Lý Quang Diệu đã từng nói hi vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn. Nhưng, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã đi quá xa và tạo ra những bước ngoặt lớn, tất nhiên phần còn lại đã trở thành lịch sử. Trong suốt thời kì chiến tranh lạnh từ thập niên 1950 đến những năm 1980, châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ kinh tế các nước châu Á nhằm chống chủ nghĩa cộng sản, bất kể thành tích nhân quyền và dân chủ của các nước châu Á chống cộng này (Đài Loan, Nam Triều Tiên, Malaysia, Singapore, Indonesia). Hậu quả là các nước châu Á này phát triển về kinh tế một cách nhanh chóng, song kèm theo nó là các “thành tích” về đàn áp nhân quyền, và trì hoãn việc thi hành dân chủ.

Lý Quang Diệu đã quá nhạy bén và sáng suốt tận dụng được cơ hội ngàn năm có một để đưa Singapore trở thành 1 nước như ngày nay, vì chắc chắn rằng phương Tây sẽ tìm mọi cách kìm kẹp cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam bằng cách tạo dựng ảnh hưởng lên những đồng minh bao gồm Nhật, Nam Triều Tiên, Singapore, Đài Loan, Thái lan, Malaysia, Philipines… Cảng trung chuyển hàng không lớn nhất khu vực ở Sài Gòn được chuyển sang Thái Lan, còn Singapore tận dung cơ hội để xây dựng cảng trung chuyển đường biển lớn nhất khu vực. Lý Quang Diệu cũng thừa nhận cuộc chiến ở Việt Nam đã đem đến “những lợi ích không ngờ đến” cho châu Á, đã “đem lại thời gian và tạo nên những điều kiện giúp khối phi cộng sản ở Đông Á theo con đường của Nhật và phát triển thành bốn con rồng, và tiếp theo là bốn con hổ.”.

Năm 1965, khi Singapore tuyên cáo độc lập, cuộc chiến tranh Việt Nam bước sang giai đoạn quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến. Tất nhiên trong cái nhìn của Mỹ và đồng minh, đây là một cuộc chiến tranh chống cộng sản. Song không chỉ có ở miền Nam Việt Nam mới “tố cộng” và “diệt cộng”, Singapore “chào đời” tháng 8 thì hai tháng sau ở Indonesia, nửa triệu đảng viên Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) bị lùng giết sau một cuộc đảo chính (kich bản do Hoa Kỳ soạn) bất thành khiến các tướng lĩnh Indonesia sợ nhất chính là gốc gác Trung Quốc của những người cộng sản Indonesia cùng ảnh hưởng của Bắc Kinh (xem thêm http://fddinh.blogspot.com/2010/11/tinh-hinh-cac-ang-cong-san-o-ong-nam-a.html).

Trong bối cảnh phân cực đó, Singapore đã chọn ở cực bên kia. Sau khi tách khỏi Malaysia năm 1965, chính quyền Singapore phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trước hết, Singapore mất một thị trường đầy tiềm năng, đặt ra một nghi vấn về khả năng tồn tại của đảo quốc này. Sau đó, việc quân đội Anh rút đi vào đầu những năm 1970 đã làm cho sự suy giảm ngân sách quốc gia thêm trầm trọng. Thêm vào đó là thái độ thù nghịch của các nước láng giềng như Indonesia trong đầu thập niên 1960, như chiến dịch “the Indonesian Confrontation” chống lại Liên bang Malaysia khi Singapore còn là một thành viên. Trong một khu vực mà người gốc Malay là đa số, một nước Singapore mà đa số là gốc Hoa đã bị các nước láng giềng nhìn với một thái độ nghi ngờ rằng đây là một nước Trung Hoa thứ 3 (ngoài Trung quốc đại lục và Đài Loan).

Vẫn kiên trì mục tiêu hợp tác khu vực, ngày 8 tháng 8 năm 1967 Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Thái Lan, Philippin, Singapore và Phó thủ tướng Malaysia ký tại Bangkok bản Tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước ĐNA (ASEAN). Phải đến lúc này, Singapore mới có một diễn đàn đối thoại trong khu vực và từ đó đã làm giảm đi các áp lực bên ngoài. Bên trong quốc gia, sự căng thẳng về sắc tộc và tôn giáo cũng như sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản là những đe dọa chính. Để chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, Lý Quang Diệu đã áp dụng triệt để . Luật này cho phép chính quyền bắt giữ mà không cần xét xử. Đợt bắt giữ theo luật Nội an lớn và gần đây nhất là vào năm 1987.

Tháng 10/1968, sau vụ xử tử hai lính biệt kích Indonesia vì vụ đánh bom Ngân hàng HSBC ở Singapore năm 1964, “Indonesia loan báo tập trận trong khu vực đảo Riau, sát với Singapore. Tư lệnh hải quân Indonesia tuyên bố sẽ thân chinh dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm sang đánh chiếm Singapore”. Thành ra nhu cầu sinh tử của Singapore lúc đó và cả bây giờ, là có được một quân đội đủ mạnh để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Thoạt đầu, đúng bài bản “không liên kết”, ông Lý Quang Diệu đã gõ cửa Ấn Độ và Ai Cập, các nước lớn trong phong trào này, để xin giúp xây dựng khẩn cấp quân đội Singapore song Thủ tướng Shastri (Ấn Độ) và Tổng thống Nasser (Ai Cập) đã nhanh chóng thoái thác. Lý Quang Diệu không còn chọn lựa nào khác. Ông thuật lại trong hồi ký: “Băn khoăn trên hết là người Anh sẽ và có thể duy trì căn cứ của họ ở Singapore trong bao lâu. Tôi đành phải chấp nhận sức mạnh của người Mỹ, nước duy nhất bảo đảm an ninh và ổn định ở Đông Nam Á. Tôi nhận thức những phương hại về chính trị, nếu như Mỹ đảm nhận thay vai trò của người Anh...”, ông Diệu quyết định “thành lập một quân đội thường trực nhỏ song huy động toàn dân, huấn luyện đưa vào lực lượng dự bị”... và dốc sức dốc của trang bị vũ khí cho quân đội.

Sự ủng hộ vai trò an ninh và sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực của Singapore bắt nguồn từ sự nhận thức của giới lãnh đạo nước này dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Ngoại trưởng S. Rajaratnam và Bộ trưởng Quốc phòng Goh Keng Swee rằng các lợi ích của đảo quốc nhỏ, bị kẹp giữa các láng giềng lớn hơn và hiếu chiến hơn cũng như bị đe dọa bởi các quốc gia cộng sản, chỉ có thể có được bằng cách ngăn cản sự thống trị khu vực của bất kỳ một cường quốc nào. Như Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói năm 1966 rằng điều sống còn đối với Singapore là phải có một cường quốc vượt trội đứng về phía mình. Singapore khi đó đã xây dựng lực lượng quân đội riêng của mình chủ yếu là để ngăn chặn Inđônêxia và Malaixia thống trị mình, nhưng ở quy mô khu vực rộng hơn thì thực lực quân sự cũng như ảnh hưởng ngoại giao còn khá hạn chế đã buộc nước này phải dựa vào chiến lược cân bằng quyền lực thông qua việc nhờ cậy tới sức mạnh của các cường quốc bên ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ.Lễ quốc khánh đầu tiên của Singapore năm 1966 mới chỉ là dân sự diễu hành. Ba năm sau đã có một trung đoàn xe tăng AMX-13 mua của Pháp dẫn đầu cuộc diễu binh.

Chủ trương ban đầu của PAP và của Lý Quang Diệu là dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ cho thương mại và kỹ thuật, hay nói cách khác là dùng tiếng Anh như một công cụ kinh tế. Ông cho rằng chỉ có thể bằng tiếng Anh thì các sinh viên sau khi ra trường mới có thể nắm bắt được các kiến thức của thế giới và làm được việc. Tuy nhiên, theo thời gian, tiếng Anh đã dần dần thay thế tiếng mẹ đẻ và đã trở thành ngôn ngữ đầu tiên (first language). Các thế hệ sau này, không còn sõi tiếng mẹ đẻ và do đó, các văn hóa truyền thống bị dần dần thui chột. Mặc khác, thông qua tiếng Anh, họ đã tiếp cận với văn hóa phương Tây và dần chịu ảnh hưởng. Văn hóa Trung Hoa và Khổng giáo cũng chịu chung số phận. Kết quả là các “giá trị châu Á” thỉnh thoảng chỉ xuất hiện ở mức lập luận của các chính trị gia. Trong khi người dân chỉ quan tâm đến kinh tế, ngôn ngữ của người Singapore thường dùng hiện nay gọi là Singlish: một thứ tiếng Anh pha lẫn tiếng Hoa cả về ngữ điệu và từ vựng. Chỉ trong những dịp trang trọng thì họ mới dùng tiếng Anh chuẩn về ngữ pháp. Có một sự “đánh giá cao” đối với những người nói tiếng Anh chuẩn. Và tiếng Hoa ở đây “có một giá trị bình dân hơn” so với tiếng Anh.

Ở Singapore, quá trình đấu tranh được gọi là chính trị chỉ bắt đầu từ những năm 1950 kéo dài đến năm 1963 – khi mà các phe phái chính trị ở Singapore tranh giành ảnh hưởng và theo đuổi các ý thức hệ khác nhau (kể cả ý thức hệ cộng sản). Sau năm 1963, về mặt chính trị chỉ còn duy nhất là đảng PAP. Vấn đề kể từ lúc này trở đi, đối với PAP đó là việc xây dựng tính chính đáng trong vai trò của một đảng cầm quyền. Điều đó chỉ thực sự là hiển nhiên, nếu PAP có thể tạo dựng một tương lai tốt hơn cho người dân trên đảo Singapore cũng như tạo một tương lai mới cho đất nước non trẻ này. Nói cách khác, đối với PAP, vấn đề lúc này chỉ còn đơn thuần là kinh tế, và chừng nào PAP còn có khả năng phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao mức sống của người dân và vị trí của Singapore thì PAP còn đứng vững. Điều này khá phù hợp với lý thuyết của Gramsci khi ông cho rằng sự đồng thuận không thể được duy trì chỉ duy nhất bằng các ý kiến hay lý tưởng, mà bắt buộc phải có các yếu tố mang tính kinh tế. Tính chính danh của một đảng cầm quyền chỉ có được khi nó có khả năng cải thiện đời sống vật chất của tầng lớp bị trị. Và một xã hội được cải thiện về mặt vật chất theo những qui chuẩn giá trị mới là một xã hội mà ở đó giới cầm quyền lãnh đạo bằng khả năng lãnh đạo về mặt tinh thần (moral leadership) với sự hỗ trợ bằng các hình thức bắt buộc cần thiết khác. Song, khi nền kinh tế đã phát triển thì chủ nghĩa thực dụng và tiêu thụ không còn là động lực và nền tảng của nền chính tri

Ngày 27 tháng 11 năm 1971, ngoại trưởng các nước ASEAN ký bản Tuyên bố Kuala Lumpur, đánh dấu quá trình chính trị hoá ASEAN. Theo Tuyên bố này, năm nước thành viên tán thành trung lập hoá khu vực và bày tỏ quyết tâm phấn đấu để giành sự công nhận ĐNA là khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) thoát khỏi mọi hình thức và biện pháp can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Tuyên bố cũng lưu ý các nước khác của ĐNA về các mục tiêu được nêu.

Nhưng tình hình quốc tế và khu vực phát triển nhanh chóng, do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, các nước lớn điều chỉnh chiến lược của mình và lấy chạy đua kinh tế thay cho chạy đua quân sự. Mỹ rút quân khỏi Đông Dương và Subic, Clark. Việt Nam, Lào và Campuchia được giải phóng. Khu vực ĐNA hình thành hai nhóm nước: Nhóm Đông Dương có quan hệ với cả Liên Xô, Trung Quốc và nhóm ASEAN thân phương Tây. Nội bộ ASEAN thấy cần phải đẩy mạnh hợp tác giữa họ với nhau.

Sau 30 năm chiến tranh, hoà bình đã trở lại Đông Dương năm 1975. Vì những bên thắng trận ở Đông Dương đều tất cả là cộng sản nên nói chung, người ta cho rằng quan hệ giữa họ với nhau sẽ là quan hệ "anh em" và hoà bình. Nhưng như phần lớn thế giới không ngờ tới, những căng thẳng và rạn nứt đã xuất hiện và sau thắng lợi tình đoàn kết đó đã sụp đổ.

Từ rất sớm, ngay tháng 1-1976, Việt Nam đã luôn khẳng định mục tiêu “phấn đấu cho một Đông Nam Á độc lập, hòa bình, trung lập”, thể hiện thiện trí hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói chung và với các nước ASEAN nói riêng.

Ngày 24 tháng 2 năm 1976, tổng thống Indonesia Soeharto, Thủ tướng Malaysia Datuk Hussein Onn, Tổng thống Philippin Ferdinand E. Marcos, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và Thủ tướng Thái Lan Kukrit Pramoj họp tại Den Pasar, Bali, và ký "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở ĐNA" nhằm mục tiêu "xúc tiến giữa nhân dân nước họ một nền hoà bình vĩnh cửu, một tình hữu nghị và một sự hợp tác bền vững có thể phát huy sức mạnh, tình đoàn kết và thắt chặt các quan hệ của họ". Hiệp ước hướng về các vấn đề nội bộ của ASEAN. Cũng trong dịp này, các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ còn ký bản "Tuyên bố về hoà hợp của ASEAN". Bản tuyên bố này bao gồm một chương trình hành động làm khung cho sự hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và an ninh nhằm xoá bỏ nghèo nàn, xoá nạn mù chữ, mở rộng bổ sung kinh tế lẫn cho nhau. Chương trình có ba ưu tiên kinh tế tập trung vào ba mục tiêu: công nghiệp, sản phẩm cơ sở và thương mại.

Đến đây, các nước ASEAN coi như đã hoàn chỉnh khung pháp lý cho sự hợp tác giữa họ với nhau, đồng thời mở cửa đón nhận các nước láng giềng trong khu vực. Khi đó, ASEAN chưa bao hàm tất cả các quốc gia trong khu vực và chưa có mối quan hệ với các đối tác đối thoại như hiện nay. Khi đó là đã gần một năm sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ mà không một nước nào trong ASEAN bị tấn công. Phải chăng ở đây cũng bao hàm ý nghĩa thăm dò Việt Nam sau đại thắng Mùa Xuân?

Sau khi ra đời, ngày 2 tháng 7 năm 1976, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã công bố rõ ràng chính sách đối ngoại của mình. Ngày 5 tháng 7 năm 1976, trả lời phỏng vấn của Thông tán xã Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã công bố chính sách bốn điểm của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với các nước ĐNA, mà chủ yếu là các nước ASEAN trên cơ sở phù hợp với những nguyên tắc của Hiệp ước Bali. Bất kể thế nào, Tuyên bố của Bọ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh rõ ràng là một bàn tay hữu nghị và hợp tác của Việt Nam chìa ra với các nước ĐNA, chủ yếu là ASEAN.

Tuyên bố bốn điểm của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được các nước ASEAN hoan nghênh, vì nó phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp ước Bali. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippin ngày 12-7-1976, với Thái Lan ngày 6-8-1976. Nếu tính cả Indonesia đã có quan hệ ngoại giao với ta từ 1964, Malaysia và Singapore đã có quan hệ với ta từ năm 1973 sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, thì ta đã có quan hệ ngoại giao với cả năm nước ASEAN (khi đó chưa có Brunei) mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa nước ta và các nước trong khu vực.

Tháng 12-1976, tại Đại hội IV, Đảng, Nhà nước Việt Nam làm rõ thêm quan điểm trong quan hệ với các nước ASEAN: "Sẵn sang thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại trong hòa bình". Các cuộc viếng thăm các nước ASEAN của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh cuối năm 1976 và đầu năm 1977, của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 9 và tháng 10/1978 đã giúp các nước ASEAN hiểu rõ hơn chính sách hữu nghị và hợp tác của Việt Nam, làm tăng thêm hứa hẹn về tương lai quan hệ giữa các nước trong khu vực. Nhờ những nỗ lực nêu trên, quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đang tiến tới những khởi đầu mới, tuy nhiên, "sự kiện Campuchia” đã làm đảo lộn tất cả.


Lý Quang Diệu (bên trái) bắt tay Đặng Tiểu Bình (bên phải) khi Đặng Tiểu Bình đến Singapore năm 1978

Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu được mô tả qua câu chuyện Đặng Tiểu Bình đi chu du các nước Thái Lan, Mã Lai và Singapore vào năm 1978, sau khi được Hoa Quốc Phong phục hồi quyền bính. Tháng 11-1978, trong cuộc gặp gỡ Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình đã giải thích quan điểm này như sau: “Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi việc ký kết Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Xô-Việt. Trung Quốc không ngại nếu Việt Nam yêu cầu Liên Xô đe dọa Trung Quốc. Liên Xô không dám lôi cuốn Trung Quốc vào cuộc chơi lớn (…) Trung Quốc sẽ buộc họ trả giá đắt cho hành động này và Liên Xô sẽ hiểu rằng ủng hộ Việt Nam là một gánh nặng”. Đảm bảo này của Trung Quốc có sức mạnh động viên quan trọng trong điều kiện “sự bành trướng” của Liên Xô và Việt Nam là nỗi lo lắng chung của các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, làn sóng người tị nạn vượt biển tràn sang các nước ASEAN cũng trở thành một tác nhân cho sự mất lòng tin vào Việt Nam, khiến các nước này ngả dần sang Trung Quốc, bài Việt Nam ngày một kiên quyết hơn. Đặng Tiểu Bình khen tài cai trị của Lý Quang Diệu đã biến Singapore thành một nước sung túc. Lý Quang Diệu khiêm nhượng trả lời là sau này Đặng Tiểu Bình sẽ làm cho Trung Quốc trở thành sung túc gấp bội phần Singapore. Ông Đặng hỏi: “Các ông làm gì để đạt như vậy?”. Lý Quang Diệu trả lời: “Thì chúng tôi giáo dục dân chúng tôi. Các công ty Mỹ, Nhật, Âu đem đến kỹ thuật, dân chúng tôi học họ...”. Đặng Tiểu Bình bảo: "Vậy là các ông dùng chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội công bằng hơn, ai cũng có nhà ở. Tôi cũng sẽ làm như vậy”. Rôi Singapore trở thành mẫu mực để cho Trung Quốc noi theo và người ta quên mất rằng Lý Quang Diệu thực ra là kẻ phản động dưới mắt những người Cộng sản Trung Quốc.

Cùng thời điểm là cao điểm của làn sóng người Việt Nam vượt biên, Lý Quang Diệu đã tuyến bố: "I just can't accept them, it's impossible" (Tôi không thể tiếp nhận họ, đó là điều không thể được). Trong khi đó, Singapore lại nhập hàng vạn người vào Singapore để bổ sung vào lực lượng lao động cho Singapore.

Tháng 12 năm 1978 Việt Nam tấn công cùng Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot, và Trung Cộng trả lời bằng một cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979 để "trừng phạt" Hà Nội. Nước Lào tự thấy bị kẹt vào giữa mối hận thù của các đồng minh của mình. Hai ngày sau khi Trung Quốc tiến công vào Việt Nam, tờ thời báo New York viết một xã luận với đầu đề là "anh em đỏ chiến tranh với nhau". Bài xã luận công kích chủ nghĩa cộng sản và bênh vực chủ nghĩa đế quốc tư bản. Bài xã luận khen nước Mỹ là lực lượng "cho hoà bình", cần tự khẳng định" mạnh mẽ hơn nữa trên khắp thế giới. Trong khi đưa ra một sự bào chữa mong manh cho chính cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương, thì thời báo lại cố nhấn mạnh đến sự yếu kém nghiêm trọng của lý thuyết xã hội chủ nghĩa.

Tháng 1-1979, sự kiện Việt Nam đưa quân vào Campuchia đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ, tính toán của các nước trong và ngoài khu vực. Các nước ASEAN đứng trước những tình thế và sự cân nhắc đầy khó khăn nhất là khi Mỹ đã không còn ở Đông Nam Á tạo ra một khoảng trống quyền lực tại khu vực. Điều trớ trêu là câu chuyện “hiệu ứng Đôminô” một lần nữa lại trở lại nhưng bây giờ đã trên những tính toán và bình diện khác. Một số nước ASEAN có xu thế co cụm lại và có ý cảnh giác trước “nguy cơ Việt Nam”. Để trấn an các nước ASEAN, Trung Quốc luôn khẳng định Liên Xô sẽ không can thiệp quân sự vào khu vực nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam.

Các nước trong khu vực đều có chung quan điểm rằng việc Việt Nam đưa quân tình nguyện vào Campuchia là có sự hậu thuẫn của Liên Xô, là bước lấn tới của Việt Nam trong quá trình thực hiện ý đồ thành lập Liên bang Đông Dương, bành trướng thế lực ra toàn khu vực Đông Nam Á. Thực tế quân đội Việt Nam đối mặt với quân đội Thái Lan tại vùng biên giới Thái Lan – Campuchia vào năm 1979 càng củng cố thêm nhận thức đó của ASEAN, hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc về “đại bá Liên Xô” và “tiểu bá Việt Nam” đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý những nước này. Việc ký Hiệp ước Hợp tác, hữu nghị Việt – Xô (12-1978) và sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (12-1979), Liên Xô tăng cường sự hiện diện ở châu Phi thông qua sự giúp đỡ quân sự của Cuba cho một số nước ở châu lục này… càng khiến cho các lập luận của Trung Quốc thêm phần thuyết phục. Nỗi lo sợ về “sự bành trướng” của Việt Nam trong khu vực lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước. Kết quả là các nước ASEAN yêu cầu Hội đồng Bảo an lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, vận động Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, phong trào Không liên kết giữ ghế cho Khơme đỏ. Trong các nước ASEAN, Thái Lan là nước phản ứng mạnh mẽ nhất, bởi là láng giềng gần gũi của Campuchia, đang tiếp tay cho tàn quân Polpot, Thái Lan lo sợ Việt Nam “trả đũa”, đánh sang đất Thái Lan. Hơn thế, Trung Quốc đã kịp làm yên lòng Thái Lan bằng hứa hẹn ngăn chặn một cuộc tấn công Thái Lan từ phía Việt Nam bằng cuộc chiến chống Việt Nam.

Song song với các hoạt động vận động ngoại giao nhằm hình thành nên một một tập hợp lực lượng mới chống Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc có sự xoay chuyển đáng kể trong chính sách đối ngoại với các nước trong khu vực. Trước tiên, Singapore được Trung Quốc công nhận như một quốc gia đầy đủ và bắt đầu từ đó quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhất là trong “vấn đề Campuchia”. Trung Quốc chấm dứt sự giúp đỡ đối với các Đảng cộng sản thân Trung Quốc tại các nước Đông Nam Á, nhất là trong các hoạt động vũ trang nhằm lật đổ các chính phủ đang cầm quyền; thừa nhận các chính phủ tư sản mà bấy lâu nay Trung Quốc vẫn cho là tay sai của Mỹ.

Một bước đi khá dứt khoát của Trung Quốc vào thời điểm này liên quan đến Hoa kiều – “đội quân thứ năm” của Trung Quốc ở Đông Nam Á và ở nước ngoài: Khuyến khích Hoa kiều nhập quốc tịch nước sở tại, thôi nhấn mạnh quan hệ huyết thống giữa cộng đồng người Hoa ở các nước này với Trung Quốc; người Hoa đang sinh sống ở nước ngoài không còn đương nhiên được coi là công dân Trung Quốc; dỡ bỏ các đài phát thanh dành riêng cho cộng đồng người Hoa… mặc dù một thời gian sau đó khi câu chuyện chiến tranh biên giới với Việt Nam tạm lặng xuống, Trung Quốc lại làm nóng lại nhiều chính sách đã từ bỏ. Những bước đi nêu trên góp phần dẹp bớt những nghi kỵ của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc tồn tại lâu đời nay, chuyển nó thành tấm lá chắn bảo vệ họ khỏi hai thế lực “tiểu bá”, “đại bá” Việt Nam và Liên Xô. “Một mũi tên trúng hai đích” - Trung Quốc đã thành công khi từ bỏ chính sách can thiệp vào các nước Đông Nam Á; thúc đẩy quan hệ kinh tế, tranh thủ vốn từ các nước này phục vụ chiến lược “bốn hiện đại hóa”; đồng thời, tập hợp được lực lượng chống Việt Nam.

Trung Quốc đã có thể yên tâm phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam mà không e ngại sự lên án hoặc chống đối từ những nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Trên thực tế, khi chiến tranh biên giới Trung – Việt 1979 nổ ra, tờ Kinh tế Viễn Đông đã bình luận: “Đối với Đông Nam Á mà nói thì không chút nghi ngờ, ở một số quốc gia nào đó đã dấy lên một làn sóng ủng hộ Trung Quốc”. Các nước ASEAN đưa ra một đề án tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi Cămpuchia và Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam – có nghĩa là trong con mắt họ, Việt Nam và Trung Quốc được tiếp cận theo một vị thế quân bằng trong quan hệ với nước thứ ba.

Tất cả các chính phủ tham gia các cuộc chiến tranh đều viện ra những động cơ cao nhất của mình cho sự tham gia đó và tất cả các cuộc chiến tranh đều sản sinh ra những câu chuyện hoang đường và những người tạo ra những chuyện hoang đường đó. Phải mất rất nhiều thời gian để gạt bỏ những chuyện hoang đường mà Mỹ đã dùng để chứng minh cho sự can thiệp quân sự của họ ở Việt Nam. Sự can thiệp đó cuối cùng được gọi là “cuộ chiến tranh của các phóng viên” bởi vì các nhà báo phớt lờ các điều giải thích chính thức của Mỹ và tự tìm lấy sự thật. Họ thấy rõ rằng họ đã bị lừa dối và những cuộc điều tra tiếp theo sau đó về cách tiến hành chiến tranh như đã được trình bày trong quyển sách xuất sắc của William Sawcrot, quyển “Sự kiện phụ: Nixon, Kissinger và cuộc tàn phá Campuchia” (1979), đã cho thấy sự tàn bạo và lừa dối của Washington cũng như mức độ rộng lớn của thảm kịch mà Mỹ đã gây ra. Ít có ai sau khi đọc quyền sách của Sawcrot mà còn tán thành sự “tự khẳng định” của Mỹ theo kiểu đó một lần nữa.

Thơi điểm nay, Thủ tướng Anh, bà đầm thép Margaret Thatcher đề nghị ông Malcolm Fraser (Thủ tướng Úc) tìm kiếm và cùng với Anh Quốc góp tiền để mua một hòn đảo ở Mã Lai hay ở Philippines cho dân tị nạn Việt Nam định cư. Tuy nhiên, Lý Quang Diệu đã phản đối vì sợ hòn đảo ấy sẽ trờ thành "rival entrepreneurial city" (thành phố đối thủ [với Singapore]).

Khẳng định của những kẻ chiến tranh lạnh mới cho rằng Việt Nam là một cường quốc xâm lược, bành trướng, là sai lầm. Trong quyển sách này chúng tôi vạch ra rằng Hà Nội hoàn toàn không phải là kẻ gây ra cuộc khủng hoảng ở Đông Dương mà chủ yếu Hà Nội chống lại những sức ép không tính được trước từ bên ngoài, đặc biệt là từ chế độ Pol Pot. Tuy vậy, Hà Nội có đủ khả năng để phản ứng rất gay gắt với những sức ép đó. Trong khi cuộc xung đột xảy ra vì những nguyên nhân chủ yếu là khu vực, chúng tôi cũng vạch ra rằng Trung Quốc và Mỹ đã đóng một vai trò quá mức cần thiết trong cuộc xung đột đó. Toàn bộ sự giải thích này có cảm tình với Hà Nội hơn là những kiểu cách đương thời. Nhưng chân lý là quan trọng, còn kiểu cách thì không. Nếu sự phân tích của chúng tôi là đúng đắn, thì phần lớn suy nghĩ hiện nay của phương Tây về Đông Dương là dựa vào những ảo tưởng sai lầm một cách nguy hiểm.

Các lực lượng Pol Pot ở trong tình trạng tuyệt vọng vào những tháng cuối của năm 1979. Những cuộc tiến công của Việt Nam đã chiếm và phá hủy phần lớn các trại căn cứ của họ và số người của họ đã bị giảm xuống thành một cuộc sống di cư trên rừng núi, không biết bữa cơm tiếp theo sẽ ăn ở đâu. Nạn đói và bệnh tật đã giảm nhanh chóng con số của họ và các tổ chức của họ đang tan rã. Quân đội đã giảm xuống con số khoảng 20.000, nhưng một nửa bọn họ bị cô lập và phân tán, hoàn toàn cắt đứt khỏi lực lượng chủ lực. Một số đơn vị của quân chủ lực đã bị phân tán thành những nhóm tên cướp vũ trang lang thang. Trong một lực lượng đã từng tự hào về kỷ luật của mình, bây giờ trộm cướp, hiếp dâm và thảm sát đã trở thành như cơm bữa. Trong một tình hình tan rã xã hội chung như vậy, chỉ có một kỷ luật cứng rắn mới mong giữ được mọi việc lại với nhau, nhưng ngay tổ chức của Đảng Cộng sản Campuchia cũng bị xâu xé vì những cuộc tranh giành lương thực tuyệt vọng và vì những tố cáo chua cay lẫn nhau về tội phản bội. Những nhà lãnh đạo Đảng còn đổ mọi thất bại của họ cho những “kẻ phản bội trong hàng ngũ Đảng, quân đội và nhân dân". Nhiều người sống trong nỗi sợ hãi rằng, trên tất cả mọi điều, các nhà thống trị của họ lại sẽ đưa ra một hiệp thanh trừng mới để loại bỏ những “kẻ phản bội” và lập lại uy quyền sụp đổ của họ.

Chính sự ủng hộ của nước ngoài đã làm giảm nhẹ sức ép đối với các lực lượng Pol Pot. Với ự bắt đầu phân phối lương thực quy mô lớn qua biên giới Thái-Campuchia tháng 10 năm 1979, các nhà lãnh đạo Khmer đỏ được đảm bảo, ít ra là trong thời gian đó, về một sự cung cấp thường xuyên lương thực cho những người ủng hộ họ. Khi sức khoẻ của lực lượng xây dựng các trại căn cứ vĩnh viễn hơn, phá rừng và trồng lúa cùng rau quả. Khi chúng tôi thăm làng kiểu mẫu của họ ở Nong Pru tháng giêng năm 1981, các cán bộ Khmer đỏ có thể cho chúng tôi thấy những ruộng rau và rêu rao rằng trại với khoảng nghìn người đó đã tự túc nói chung, trừ gạo. Những lời rêu rao đó đúng đến đâu và trại này điển hình cho toàn bộ căn cứ của Khmer đỏ như thế nào, chúng tôi không thể đánh giá. Nhưng điều chắc chắn là tình hình này đã cơ bản khác tình hình mà các phóng viên thấy tại cùng khu vực này năm 1979.

Việc phục hồi kinh tế có những hậu quả chính trị quan trọng. Các cơ quan viện trợ giao việc phân phối lương thực cho cán bộ và như vậy có nghĩa là trong các khu vực Khmer đỏ chính tổ chức đảng đã kiểm soát sự phân phối đó. Chế độ Khmer đỏ lợi dụng sự kiểm soát lương thực để kiểm soát nhân dân và sự ổn định kinh tế có nghĩa là củng cố chính quyền Campuchia dân chủ một lần nữa.

Viện trợ quân sự mà Khmer đỏ nhận từ Trung Quốc cũng vậy. Viện trợ đó đã bắt đầu đổ qua Thái Lan từ tháng giêng năm 1979 liền sau khi Phnôm Pênh bị đổ. Viện trợ đó gồm có đạn dược, súng trường, súng máy, súng cối, rốc-két và mìn, thuốc men và trang phục. Mặc dù Thái Lan chính thức tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột, nhưng giới quân sự Thái chịu trách nhiệm chuyển những hàng cung cấp cho Trung Quốc đến biên giới (và các cán bộ Khmer đỏ phàn nàn về mức độ ăn cắp hàng hoá của bình lính Thái).

Vào nửa đầu năm 1980 các nhà lãnh đạo Khmer đỏ đã cố gắng lớn để xây dựng lại lực lượng vũ trang của họ. Vào giữa năm, họ rêu rao có 60.000 quân tại ngũ (cộng với nhêìu đơn vị không chính quy khác). Các nguồn tình báo Thái Lan đưa ra con số 40.000 nhưng các nhà quan sát phương Tây thì cho rằng con số 25.000 đến 30.000 là con số thực tế hơn. Ngay con số thấp nhất trên đây cũng cho thấy là Khmer đỏ đã thu được một số tiến bộ so với tháng 10 năm 1979, tuy rằng chưa đủ để trở thành một đe doạ nghiêm trọng cho quân Việt Nam.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo Khmer đỏ biết rằng sự ủng hộ mà họ nhận được không phải là từ sự nhiệt tình nào đối với họ và chính sách của họ, mà chính là vì hy vọng họ trở thành một đe doạ quân sự cho chính phủ Phnôm Pênh. Vào cuối năm phóng viên Thời báo New York Henry Kammm tổng hợp tình hình như sau: “… quân chiếm đóng Việt Nam kiểm soát tất cả các vùng đông dân của Campuchia, thành thị và làng xã, cũng như kiểm soát các đường bộ, đường xe lửa và đường sông nối các vùng đó với nhau… Các lực lượng Pol Pot chỉ kiểm soát các khu lõm trong các vùng không có dân cư… Họ không kiểm soát đường sá và không có xe hơi. Các nhà lãnh đạo của họ vượt qua Thái Lan để đi lại từ khu lõm này đến khu lõm khác” (xem Thời báo New York 25-11-1980-ND). Nhà báo kết luận rằng hoạt động chủ yếu của Pol Pot là để tỏ ra là có hoạt động ở Campuchia nhằm bào chữa cho sức ép chính trị để ngăn chặn sự thừa nhận ngoại giao đối với chính phủ Cộng hoà nhân dân Campuchia. Một sự giả tạo quân sự là cần thiết để duy trì một sự giả tạo ngoại giao.

Sự ủng hộ từ bên ngoài có thể xây dựng lại sức mạnh quân sự của Khmer đỏ đến một mức độ nhất định sau năm 1979. Tuy nhiên, nó không thể tạo những điều kiện chính trị cho chiến tranh du kích có hiệu quả ở Campuchia được. Những người ủng hộ Pol Pot bị nhân dân Campuchia ghét vì cách xử sự của họ trong thời gian 1975-1978, và không số lượng viện trợ nào từ bên ngoài có thể bù cho sự thiệt thòi cơ bản đó. Trong khu cảnh quốc tế hiện nay, có thể sẽ khó cho người Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng Pol Pot, nhưng rõ ràng các lực lượng đó hầu như không có triển vọng giành lại chính quyền ở Campuchia.

Trong 18 tháng sau khi người Việt Nam lật đổ Pol Pot, các nước ASEAN, Trung Quốc và Mỹ tất cả đều đưa chính sách của họ vào giả định rằng chủ nghĩa quốc gia của Khmer đỏ và khả năng chiến đấu của họ sẽ làm cho họ trở thành một lực lượng chống đối hùng mạnh, bất chấp sự nổi tiếng tàn bạo của họ. Nhưng sự tán loạn của “cuộc tiến công màu mưa” năm 1980 đã cho thấy các nhà lãnh đạo Khmer đỏ đã bị yếu và cô lập về chính trị như thế nào. Trung Quốc cứ bám vào các đồng minh Campuchia của mình, nhưng các nước ASEAN luôn luôn tự thấy lúng túng khi liên minh với một tên độc tài cộng sản đã bị phế truất, và họ biết rõ rằng nếu thất bại của Khmer đỏ có tính chất vĩnh viễn chứ không phải là tạm thời, thì Cộng hoà nhân dân Campuchia sẽ ngày càng được công nhận rộng rãi. Trừ khi có thể tạo ra được một bộ mặt công khai hấp dẫn hơn là bộ mặt của nhóm Pol Pot hiện nay, nếu không sự ủng hộ ngoại giao đối với Campuchia dân chủ sẽ sụp đổ. Trong hoàn cảnh như vậy sự chú ý của ASEAN ngày càng chuyển về các nhóm kháng chiến không cộng sản đang hoạt động trên biên giới Thái-Campuchia, về Khmer Xơ-rây.

Cướp bóc và buôn lậu đã từng là việc bình thường dọc theo biên giới Thái-Campuchia, và du kích Khmer Xơ-rây (”Khmer tự do”) đã hoạt động ở đó trong những năm 1960. Trong những năm 1970, Khmer Xơ-ray đi với chế độ Lon Non, nhưng sau năm 1975 nhiều người còn sống sót đã trở lại buôn lậu và tiến hành những hoạt động du kích lẻ trẻ trên biên giới Thái. Họ được thêm một sức sống mới bằng việc những người tị nạn chống cộng, có đầu óc chính trị chạy sang sau cuộc lật đổ chế độ Pol Pot. Phần đông các nhóm mới xuất hiện đó đã do các người theo Lon Non trước đây cầm đầu, nhưng cái tên Khmer Xơ-rây vẫn còn được giữ lại.

Nhóm mạnh nhất, được tổ chức tốt nhất là Mặt trận giải phóng dân tộc nhân dân Khmer (KPNLF). Mặt trận được thành lập tại Paris tháng 3 năm 1979, mãi đến ngày 9 tháng 10 năm 1979 mới được công bố, sau khi đã tìm cách đưa những nhóm chống cộng lẻ tẻ khác vào hàng ngũ của mình. Nhà lãnh đạo của KPNLF là Son San, một con người mảnh khảnh, đeo kính, đang khoảng tủôi 70. Thuộc dòng Khmer-Việt Nam. San học ở Paris trong những năm 1930, và là một trong số ít người Khmer phục vụ trong chính quyền Đông Dương của Pháp (trong đó ông ta lên đến chức tỉnh trưởng). Dưới chế độ Sihanouk, ông ta đã thành lập ngân hàng quốc gia Campuchia năm 1955 và làm thủ tướng trong chính phủ cánh hữu của những năm 1967-1968. Khi Sihanouk bị lật đổ năm 1970, San sống lưu vong ở Paris, ở đó ông cố gắng nhưng không thành công thành lập một “lực lượng thứ ba” chống lại cả chế độ Lon Non lẫn mặt trận thống nhất dân tộc Khmer.

Hầu hết công việc chuẩn bị cho ra đời KPNLF là do Dien Del làm trên biên giới Thái-Campuchia. Thuộc dòng dõi Việt Nam, Del đã chạy sang Campuchia khi tuổi dưới 20 và phục vụ trong quân đội Lon Non với chức chỉ huy sư đoàn. San cử ông ta làm tổng tư lệnh các lực lượng quân sự của KPNLF và được giới quân sự Thái Lan đánh giá cao và ủng hộ.

Trong khi KPNLF mạnh nhất về quân sự trong các nhóm Khmer Xơ-rây với số quân tại ngũ khoảng 2.000 năm 1980, Son San và Dien Del biết rõ rằng lực lượng nhỏ của họ không có khả năng thách thức quân sự trực tiếp đối với người Việt Nam. Họ tập trung năng lực của họ vào việc thiết lập sự kiểm soát của mình trên các trại biên giới, đang nhanh chóng tăng số dân, vào việc tuyên truyền chống Việt Nam và vào việc xây dựng một mạng lưới người ủng hộ và chỉ điểm bên trong Campuchia. Đường lối chính trị của họ là chống Pol Pot và Sihanouk cũng như chống người Việt Nam và Heng Samrin. Họ cũng thuyết phục các nhà lãnh đạo Khmer Xơ-rây khác tránh vướng víu vào hoạt động chợ đen đáng ngờ, nhưng họ đã không thành công.

Về mặt chính trị, đối thủ quan trọng nhất của họ là Phong trào giải phóng dân tộc Campuchia, thường được gọi là “Mulinaca”. Phong trào này là một nhóm nhỏ hơn một ít nhưng rất hoạt động, được thành lập tháng 8 năm 1979 bởi Kong Sileah một đại uý hải quân của Lon Non trước đây. Với khoảng 2.000 người nhưng chỉ có vũ khí cho một vài trăm, Mulinaca cho rằng cuộc đấu tranh chống Việt Nam có thể tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi chỉ khi nào được Sihanouk lãnh đạo và nếu các nhóm không cộng sản sẵn sàng hợp tác với Khmer đỏ để tiến hành hoạt động quân sự chống lại người Việt Nam. Mặt khác, KPNLF xem Khmer đỏ với sự kinh tởm và xem Sihanouk với sự nghi ngờ. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều đồng ý rằng Khmer Xơ-rây nên tập trung vào cuộc đấu tranh chống người Việt Nam hơn là hoạt động buôn lậu, chợ đen và trộm cướp.

Nhìn toàn bộ, các lực lượng cánh hữu vẫn yếu trong năm 1981, mặc dù có những cơ hội tốt do sự sụp đổ của chế độ Pol Pot đưa lại. Các nhóm Khmer Xơ-rây tàn dư của chế độ Lon Non không những thừa kế những nhược điểm của chế độ đó như sư tan rã kinh niên, sự đồi truỵ một cách kinh khủng và sự thiếu phương hướng chính trị tích cực, mà còn tăng các nhược điểm đó lên một cách quá mức. Nguồn ủng hộ chính của họ là giai cấp trung gian Campuchia bị truất quyền, nhưng sự ủng hộ này là rất nhỏ từ ban đầu và còn bị tiêu hao vì sự khủng bố của Pol Pot. Một số ít thành viên sống sót của các nhóm này không còn tâm trí để đấu tranh chống cách mạng nữa. Họ hy vọng có một vé đi Mỹ, Pháp hoặc Australia hơn là một khẩu súng hoặc một cơ hội đánh bại cộng sản. Nông dân tỏ ra bàng quan đối với kêu gọi chính trị của Khmer Xơ-rây, tuy rằng những đợt tị nạn chạy qua biên giới để kiếm ăn đã đưa hàng nghìn người vào sự kiểm soát và ảnh hưởng của Khmer Xơ-rây.

Son San gây ấn tượng sâu sắc cho các nhà bình luận phương Tây về chủ nghĩa bảo thủ và tính liêm khiết cá nhân của ông ta. Nhưng trên thực tế, ông ta có thể được coi là một tượng trưng cho sự yếu đuối của phái hữu: một nhà ngân hàng già không chắc trở thành nhà lãnh đạo thành công của một cuộc chiến tranh du kích.

Thiếu một cơ sở quần chúng, các nhóm Khmer Xơ-rây không xây dựng được một phong trào chính trị hiện đại. Họ không phát triển được những cơ cấu tổ chức có hiệu quả và một hệ tư tưởng có sức thu hút đối với quần chúng. Chỉ KPNLF tỏ ra có chút hiểu biết về tầm quan trọng của tổ chức, nhưng hệ tư tưởng của nó còn mơ hồ. “Các mặt trận" Khmer Xơ-rây chẳng khác gì các tập đoàn cá nhân và nền chính trị của chúng nhanh chóng thoái hoái thành những chế độ cát cứ và trộm cướp. Những đợt đấu tranh đẫm máu trong nội bộ các nhóm Khmer Xơ-rây cũng gây ra thất vọng và làm giảm nhiều sự ủng hộ đối với họ.

Việc KPNLF nổi lên như một lực lượng khống chế trên biên giới đã khôi phục một sự ổn định nhất định cho nền chính trị của phái hữu sau năm 1981. Tuy nhiên, vấn đề mở rộng lực lượng như thế nào là một vấn đề trọng yếu cho các nhà lãnh đạo KPNLF, nhất là khi số người sống ở biên giới giảm xuống nhanh chóng do tình hình lương thực bên trong Campuchia đã tốt lên. Đến lúc này, Khmer Xơ-rây (và đặc biệt là KPNLF) tự thấy mình là chỗ dựa cho các hy vọng “cứu” Campuchia của ASEAN và phương Tây. Sự ủng hộ từ bên ngoài đã giúp cho họ tăng thêm một cách có ý nghĩa số người ủng hộ họ. Vào khoảng năm 1983, KPNLF có tin là đã có 9.000 quân tại ngũ, và Mulinaca có 3.000. Vào giai đoạn này, theo Tim Các-nây, bí thư thứ nhất của đại sứ quán Mỹ tại Băng Cốc, các lực lượng đó có thể cho những toán nhỏ vào phá hoại và tuyên truyền “sâu trong nội địa Campuchia”. Dù làm vừa lòng những người chống cộng như thế nào, chứ trên thực tế tình hình đó không thể gây sứt mẻ gì cho đơn vị Việt Nam - Cộng hoà nhân dân Campuchia ở Campuchia.

Trong ba năm qua, những bên chống đối cánh tả và cánh hữu chống lại sự có mặt của Việt Nam ở Campuchia vẫn còn bất hoà với nhau. Rồi họ được kéo vào một cuộc “kháng chiến thống nhất” do kết quả của những điều yếu kém của chính bản thân họ và dưới sức ép mạnh của những ông chủ nước ngoài của họ, Trung Quốc và các nước ASEAN. Mulinaca và KPNLF không có sức mạnh quân sự hoặc sự thừa nhận ngoại giao, trong khi Khmer đỏ thì tự thấy rằng sức mạnh quân sự của họ không bù lại được sự mất lòng dân của họ. Phía này ghét phía kia, nhưng mỗi phía lại hy vọng lợi dụng lẫn nhau.

ASEAN đóng một vai trò lớn trong việc đưa các bên liên hiệp lại với nhau. Sau thất bại “tiến công mùa mưa” năm 1980 của Khmer đỏ, Lý Quang Diệu mô tả Pol Pot như một “tên đồ tể”, và nói: “Chúng tôi (những nước ASEAN) không muốn thấy Pol Pot được khôi phục ở Campuchia”. Điều mà Campuchia cần, ông ta công bố, là một người nào đó như Sihanouk nắm lấy các lực lượng Campuchia dân chủ. Nhưng ASEAN sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp thừa nhận chế độ Campuchia dân chủ ở Liên hợp quốc. Ông ta cho là “khờ dại và đơn giản” những ai nghĩ rằng lập trường đó là mâu thuẫn. Ông ta nói rõ đề nghị mới của ASEAN trong một cuộc phỏng vấn tiếp theo: “Bây giờ (Trung Quốc) là người ủng hộ duy nhất Khmer đỏ… ASEAN không muốn Pol Pot trở lại Campuchia, tuy ASEAN ủng hộ Campuchia dân chủ vì những lý do chiến thuật… Có những nhà lãnh đạo không dính dáng đến những tội ác dã man của Pol Pot như Sihanouk, Lon Non, Son San và Im Tam, còn được người Campuchia kính trọng và tỏ lòng trung thành và có thể giành được sự ủng hộ của họ trong một cuộc bỏ phiếu bí mật và tự do… ASEAN không muốn Pol Pot và Khmer đỏ cầm quyền lần nữa; để thực hiện việc này, chúng ta phải duy trì ghế của Campuchia dân chủ ở Liên hợp quốc và thay đổi tính chất của chính phủ Campuchia dân chủ” (xem FEER 26-9-1980-ND). Đề nghị cơ bản của Lý là các nhóm cánh hữu tham gia một liên hiệp với Khmer đỏ để có thể chiếm lấy ào bào “hợp pháp” từ Pol Pot và cuối cùng được đặt lên nắm quyền ở Phnôm Pênh.

Giải pháp đó cho vấn đề Campuchia đã nhanh chóng được các nước ASEAN khác ủng hộ nhưng không thể thuyết phục được người Trung Quốc. Họ không cho rằng các nhóm không cộng sản thực sự có sức mạnh để đóng vai trò lãnh đạo trong một liên hiệp và lập luận rằng điều thiết yếu là giới lãnh đạo và quân đội của Campuchia dân chủ không được bị làm yếu đi vì bất kỳ những thay đổi vội vàng nào. Thủ tướng Thái, Prem đi Bắc Kinh tháng 10 năm 1980 để tìm cách buôn bán ý kiến đó, và tiếp theo ông ta là Lý vào tháng 11. Cuối cùng người Trung Quốc ủng hộ kế hoạch đó tại cuộc họp báo của Triệu Tử Dương tại Băng Cốc tháng 2 năm 1981.

Về phần họ, nhóm Pol Pot nói rõ rằng họ sẽ hoan nghênh những người khác tham gia với họ vào một liên hiệp, nhưng không có ý định nhường chỗ cho ai. Họ xem một liên hiệp chủ yếu là một cách để giành sự kính trọng và để mở rộng cơ sở tuyển quan của chính họ. Họ cho thấy không để cho bị sử dụng để đưa những nhóm khác lên nắm quyền.

Triển vọng của một liên hiệp với Khmer đỏ không có gì hấp dẫn đối với các nhóm không cộng sản. KPNLF trả lời bằng việc tự mình phô trương quyền lực của mình. Tháng giêng năm 1981, Son San lê bước trên một đường núi từ Thái Lan Xoóc Xan và được hoan nghênh nhiệt liệt. Ông ta công bố với những người ủng hộ ông ta (và cả với những nhà báo đi theo ông ta nữa) rằng ông ta sẽ thành lập một chính phủ lâm thời riêng của mình trước Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới. Ông ta tiến công lại ý kiến cho rằng KPNLF là một “lực lượng thứ ba” (nghĩa là cạnh tranh với Khmer đỏ và những người của Sihanouk) và tuyên bố rằng KPNLF là đại diện thực sự của “tất cả những người yêu nước Campuchia”. Ông ta rêu rao có 60.000 người ủng hộ và yêu cầu viện trợ kinh tế và quân sự nước ngoài cho KPNLF.

Cả con người hàng đầu được chọn để thay thế Pol Pot, ông Sihanouk sống lưu vong, cũng không nhiệt tình với một sự liên hiệp. Trong khi ông ta đã hành động như đại diện của Campuchia dân chủ tại Liên hợp quốc tháng giêng năm 1979, sau đó ông ta đã tìm cách tự tách mình càng xa càng tốt ra khỏi các nhà lãnh đạo Khmer đỏ. Từ giữa năm 1979 cho đến cuối năm 1980 Sihanouk đã vận động hành lang cho một hội nghị quốc tế theo kiểu Hội nghị Geneva năm 1954 để vạch ra một thoả hiệp có thể chấp nhận cho các cường quốc lớn và ông ta đã tự đề nghị như là một nhà lãnh đạo được nhân dân Campuchia yêu mến và có thể được tất cả các bên của cuộc xung đột chấp nhận. Ông ta cũng dựa vào sự ủng hộ của Trung Quốc. Như ông ta đã giải thích cho một phóng viên năm 1979: “Người Trung Quốc rất thông minh. Tình hình trở nên xấu với Pol Pot, cho nên nếu họ gặp chuyện xấu với Pol Pot, họ sẽ có Sihanouk. Tôi là con bài Sihanouk. Trước tiên họ quan hệ với Pol Pot, và nếu không xong, họ quan hệ với Sihanouk” (Do Giây Ma-thiu trích đăng trong báo Bưu điện Washington, ngày 30 tháng 10 năm 1979-ND). Vào lúc này, Sihanouk cũng nhấn mạnh rằng điều kiện thiết yếu cho mọi thoả thiệp rộng hơn là sự gạt bỏ mọi cơ hội cho việc nhóm Pol Pot trở lại nắm quyền.

Khi được mời trong tháng 9 năm 1979 đứng đầu “Mặt trận yêu nước và dân chủ” của Khmer đỏ, ông ta đã viết cho Khieu Samphan: “Mặt trận mới và cương lĩnh chính trị do Khmer đỏ đưa ra chỉ là một sự lừa dối mới không thể chối cãi được. Chỉ những thằng ngốc, những kẻ đần mới rơi vào bẫy của những sự đánh lừa mới của ông”. Trả lời đầu tiên của Sihanouk cho đề nghị liên hiệp của Lý Quang Diệu là một trả lời phủ định. Trong một bài báo công bố tháng 11 năm 1980, ông ta lập luận: “Theo một số người phương Tây, những con sói Khmer đỏ hoàn toàn có thể tự biến mình thành những con cừu non. Ý nghĩa mơ ước chủ quan đó rất nguy hiểm, trước hết là đối với tất cả nhân dân Campuchia còn ở Campuchia. Những người đó hy vọng rằng thế giới tự do có thể tìm được một số biện pháp để cứu họ chứ không phải bằng việc ủng hộ cái gọi là tính chính đáng và tính hợp pháp của chế độ địa ngục Pol Pot, Ieng Sary và Khieu Samphan” (xem FEER, ngày 7 tháng 11 năm 1980-ND). Và tháng 12 năm 1980, trong một bức thư ghi âm được phát cho những người ủng hộ ông ta trên biên giới Thái-Campuchia, Sihanouk mô tả nhóm Pol Pot là “tội ác trời không dung, đất không tha, là chống đất nước, và chống nhân dân" và nói rằng người Việt Nam đã “không trung thực một cách xấu hổ” khi tố cáo ông ta là đồng loã với Pol Pot.

Nhưng khi Triệu Tử Dương đưa ra sự phê chuẩn của Trung Quốc đối với ý kiến về một cuộc kháng chiến thống nhất, thì cũng chính Sihanouk là người đầu tiên nhảy ra đề nghị một mặt trận thống nhất giữa bản thân ông ta và Khmer đỏ. Ông ta công bố sự sẵn sàng hợp tác với Khmer đỏ ngày 8 tháng 2 năm 1981 và gặp Khieu Samphan ngày 10 tháng 3 ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên. Samphan đã đồng ý với một số yêu sách của Sihanouk, nhưng bác bỏ một số khác, nhất là sự giải tán quân đội Khmer đỏ sau khi người Việt Nam đã rút. Đó là một vấn đề không phải ít có ý nghĩ như về sau Sihanouk bình luận: “Khmer đỏ không muốn bảo đảm tý nào rằng họ sẽ không bắt đầu trở lại sự tàn sát của họ”. Ông ta nói rằng nhân dân Campuchia thà chịu sự thống trị của Việt Nam còn hơn là trở lại chế độ diệt chủng. Tuy nhiên, ông ta cũng đồng ý gặp lại Samphan để thảo luận thêm về hợp nhất các lực lượng.

Sihanouk bị đẩy vào mọt liên minh với Khmer đỏ là vì thế yếu yếu của ông ta. Cố gắng của ông ta tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Campuchia năm 1979-1980 đã bị tất cả các bên bác bỏ. Vào năm 1980, ông ta kết luận rằng khả năng duy nhất còn lại cho ông ta để có tiếng nói về tương lai của đất nước là thành lập một đội quân. Ông ta đã thành công trong việc tập hợp Mulinaca và một vài phái Khmer Xơ-rây nhỏ, nhưng vẫn còn rất yếu. Bản thân Sihanouk tuyên bố rằng quân đội của ông có khoảng 5.000 vào đầu năm 1981, nhưng các nhà quan sát trên biên giới Thái-Campuchia nói rằng con số thực sự là 600-800. Sihanouk rêu rao có một số đông người ủng hộ trong “đám dân con cháu” của ông ta và những nhà binh luận phương Tây nào nghĩ về ông như một “nhân vật đầy uy tín”, điều có xu hướng tin vào điều đó.

Nhưng Sihanouk là một nhà cai trị cổ truyền đã bị tước tất cả quyền lực. Với việc mất quyền lực chính trị, ông ta cũng mất luôn hào quang thiêng liêng và quần chúng ủng hộ. Ấn tượng riêng của tôi bên trong Campuchia là ông ta có vẻ giống như một nhân vật từ quá khứ xa xôi, được nhớ đến với một sự thích mơ hồ, nhưng những ấn tượng của một người khách về một vấn đề nhạy cảm như vậy có thể dễ dàng lầm lạc. Năm 1873, một quan chức Việt Nam nói với phóng viên Paul Quin Judge: “Mười năm trước đây, tên của Sihanouk đủ mạnh để tập hợp cả đất nước chống Mỹ. Bây giờ tên ông ta có thể gây cho cho chúng tôi một số vấn đề, nhưng những vấn đề đó có thể tha thứ được. Mười năm nữa, kể từ nay, ông ta sẽ bị lãng quên”. Tuy nhiên, Quin Judge tin rằng “tên Sihanouk vẫn còn ma lực của nó trong hàng ngũ nông dân”.

Sihanouk thừa nhận rằng động cơ của ông ta không phải chỉ vì ý thức trách nhiệm đối với “đám dân con cháu” của ông ta, mà còn vì tự ái cá nhân nữa. Ông ta giải thích với Nayang Sanda rằng ông ta rất bực bội với những người chỉ trích “từ các quán cà phê ở Paris, Montreal và Los Angeles” tố cáo ông ta không làm gì. Theo Sihanouk, chính sức ép từ những người lưu vong chống cộng, chống Việt Nam mà người ta gọi là “Khmer xanh”, đã đẩy ông ta vào một liên inh với Pol Pot: “… vì tôi không còn có thể sống trong hoà bình và yên tĩnh, ngay cả ở Bình Nhưỡng do những bức thư và những bức điện gửi tới, chửi tôi, gọi tôi là tên phản bội thân Việt Nam và một người ích kỷ chẳng làm tý gì nên tôi đã nói: “Được rồi, tôi tự nhảy vào chiến tranh"… Những người Khmer xanh bị ám ảnh vì nỗi sợ người Việt Nam, không chịu thấy thực tế. Họ không còn khái nhiệm gì nữa về sự khổ cực của nhân dân Campuchia trước đây. Họ không nhận thấy rằng bây giờ nhân dân có một cuộc sống tốt hơn nhiều so với dưới thời Khmer đỏ, và họ tuyệt đối không muốn Khmer đỏ trở lại. Toàn bộ chính sách là hoàn toàn không thực tế. Vào cuộc chiến tranh ở Campuchia bây giờ là một sự điên rồ. Nhưng tôi phải tham gia vào sự điên rồ đó, bởi vì tôi sẽ bị gọi là một kẻ phản bội nếu không làm như vậy” (xem FEER, 6 tháng 3 năm 1981-ND). Dù cho họ có thể nói gì về việc ông ta đi với Khmer đỏ, nhưng những người lưu vong không còn có thể lên án ông ta là không làm gì cả. Phần đông rất bất bình, nhưng đúng lúc, nhiều người rồi sẽ phải thấy thực tế.

Rồi Sihanouk sớm thấy ra rằng, chỉ một khả năng thành lập mặt trận thống nhất vẫn chưa đủ để thu hút sự ủng hộ mà ông ta muốn. Tháng 4, ông ta nói chuyện với ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa và được nói rằng Trung Quốc chỉ cho ông ta vũ khí nếu ông ta có thể giải quyết các bất đồng của ông ta với Khmer đỏ. Rồi ông ta quay sang Mỹ. Ngày 25 tháng 4, ông ta gặp Đại biện lâm thời của Mỹ ở Bắc Kinh, J.Stapleton Roy và hỏi ông ta hiện Mỹ có sẵn sàng cho vũ khí không. Nhưng Roy đòi ông tham gia các lực lượng với Pol Pot. Roy nói: “Sau đó sẽ dễ hơn cho các nước hữu nghị giúp đỡ ông”. Cuối cùng, tháng 5, Đặng Tiểu Bình đề nghị cho ông ta vũ khí để trang bị cho một đội quân 3.000 người nếu ông ta hứa sẽ đánh người Việt Nam chứ không phải Khmer đỏ.

Son San cũng tự thấy bị cùng sức ép như vậy. Để có vũ khí, ông ta phải đồng ý một liên hiệp. Tuy trước kia, ông ta tố cáo Sihanouk vì đã thương lượng với Khieu Samphan, nhưng bây giờ ông ta bị buộc phải làm như vậy. Ông ta hết sức tìm cách bảo đảm với những người ủng hộ ông ta rằng chẳng có nguy hiểm gì trong việc đó cả. Ông ta lập luận rằng để “chuyển sang hữu” cần thiết phải “lái một tí sang tả trước”. Tháng 4 năm 1981, ông ta chấp nhận về nguyên tắc, bởi vì một số vũ khí Trung Quốc gửi cho KPNLF đã đến biên giới ngày 23 tháng 4. Đến tháng 5, thì rõ ràng San đã bị buộc bỏ ý kiến thành lập chính phủ riêng của mình và chịu làm việc trong khung cảnh Campuchia dân chủ. Nhưng ông ta vẫn còn giữ yêu sách rằng toàn bộ ban lãnh đạo Khmer đỏ phải từ chức. Một trợ lý của ông ta giải thích: “Chúng tôi không thể chấp nhận liên hiệp với họ. Họ sẽ tàn sát chúng tôi trong giấc ngủ”.

Một “cuộc họp cấp cao” giữa Samphan, San và Sihanouk ở Singapore ngày 2 đến 4 tháng 9, đưa lại một hiệp định thành lập một chính phủ liên hiệp, nhưng đã bị tan vỡ ngay tức khắc. Sihanouk giải thích ngày 5 tháng 9 rằng ông phải ký vào hiệp định đó “mà không vui sướng gì… Đối với tôi, để có viện trợ của Trung Quốc tôi phải sáp nhập phong trào của tôi vào mặt trận thống nhất. Trung Quốc đã nói với tôi rằng tôi phải trở thành một thành viên của chính phủ liên hiệp dự định đó, nếu tôi muốn có vũ khí". Ông ta chỉ trích cả Khieu Samphan lẫn San về “biện pháp không khoan nhượng và không thực tế của họ”. Cùng ngày San tuyên bố rằng KPNLF sẽ không từ bỏ bất cứ điều kiện tiên quyết nào trong việc thành lập một chính phủ liên hiệp và ông ta sẽ dự Đại hội Liên hợp quốc sắp tới với tư cáh là thủ tướng chỉ định của Campuchia. Lúc đó, Samphan đưa ra một tuyên bố “làm rõ”, cải chính rằng San là thủ tướng chỉ định và tố cáo các sự tiến công của các bên khác vào Khmer đỏ là một vi phạm của hiệp định.

Những sự tranh cãi tiếp tục thêm 9 tháng khác nữa. Rồi có một loạt hội đàm vào tháng 11 để xem xét một đề nghị của Singapore về một “liên hiệp lỏng lẻo” trong đó mỗi phái sẽ giữ màu sắc chính trị riêng của mình. Đề nghị này đã được Sihanouk và San chấp nhận nhưng bị Khmer đỏ bác bỏ. Một loạt hội đàm nữa xảy ra ở Bắc Kinh tháng 2 năm 1982, nhưng San không dự. Người Trung Quốc đổ cho San sự thất bại của cuộc hội đàm và cắt đứt viện trợ cho KPNLF trong tháng 3. Malayxia, Singapore và Indonesia chê trách Khmer đỏ và ngụ ý rằng nếu họ tiếp tục không khoan nhượng thì ASEAN sẽ không ủng hộ đề nghị thành lập chính phủ liên hiệp.

Có thêm những cuộc hội đàm nữa ở Bắc Kinh vào tháng 5 năm 1982. Ngoại trưởng Thái Xít-đi Xa-vét-xi-la yêu cầu Trung Quốc ép Khmer đỏ thoả hiệp, nhưng Trung Quốc từ chối. Một quan chức cấp cao Thái nói rằng: “Chúng tôi thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cực kỳ kiên trìe đối với lòng tin của họ. ASEAN tin vào một giải pháp chính trị, nhưng Trung Quốc lại tin rằng chỉ có sức ép quân sự, và cuối cùng là thắng lợi quân sự, mới buộc Việt Nam thay đổi cách đề cập của họ. Chúng ta phải xem xét những lựa chọn mới bên cạnh chính phủ liên hiệp. Chúng tôi đã yêu cầu thái tử Sihanouk giữ cho vấn đề tiếp tục tồn tại. Chúng tôi chẳng có thể làm gì nhiều hơn. Và ASEAN không thể chấp nhận một thất bại nữa”. Vào lúc này, nhiều nước châu Âu xét đến việc không ủng hộ giữ ghế cho chế độ Pol Pot tại Liên hợp quốc, và Indonesia sẵn sàng chọn một sự thích nghi với Hà Nội, ngay cả việc chấp nhận một nguyên trạng ở Campuchia.

Trong một nỗi tuyệt vọng, bộ ngoại giao Thái ra một đề nghị liên hiệp mới và bí mật đòi một hiệp hội đàm mới gữa Khmer đỏ và KPNLF. Nếu người Trung Quốc không chịu buộc Khmer đỏ nhân nhượng thì phải ép Son San khuất phục. Nhưng phải đến ngày 12 tháng 6, một ngày trước khi Xít-đi bay đi Singapore dự hội nghị các ngoại trưởng ASEAN Son San cuối cùng mới chịu ký vào hiệp định về một cuộc liên hiệp. San buộc phải khuất phục bởi vì KPNLF vẫn còn yếu về chính trị và quân sự, tinh thần lại kém và quỹ thì cạn.

Hiệp định về chính phủ liên hiệp được chính thức ký ở Kuala Lumper ngày 22 tháng 6 năm 1982, Norodom Sihanouk (trở thành chủ tịch của chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ). Khieu Samphan (phó chủ tịch phụ trách ngoại giao) và Son San (thủ tướng) hôn nhau thắm thiết. Cả Sihanouk lẫn San mô tả quyết định đi với Khmer đỏ là “đau xót”, nhưng họ nói, “chúng tôi không có lựa chọn nào khác bởi vì vấn đề then chốt là sự “sống sót của Campuchia”. Khi Sihanouk được nhắc lại tuyên bố năm 1980 rằng thật là nguy hiểm khi tưởng tượng rằng những “chó sói” Khmer đỏ có thể biến thành cừu non, ông ta nhận xét rằng: “Tôi là một cừu non. Son San là một cừu non. Chúng tôi phải chọn giữa việc bị Khmer ăn và việc bị người Việt Nam ăn. Với tư cách là người Khmer, chúng tôi thích bị người Khmer ăn hơn bởi vì chúng tôi là những nhà quốc gia”.

Hà Nội không tỏ ra có sự lo ngại gì lớn. Hà Nội lập luận rằng chính phủ liên hiệp đã bị Khmer đỏ khống chế, Sihanouk và San đã phù hoạ với một âm mưu của Mỹ-Trung Quốc để đưa lại cho nhóm Pol Pot một sự tôn trọng lớn hơn của quốc tế. Nhưng tình hình ở Campuchia không thể đảo ngược được và sự thành lập một chính phủ liên hiệp không làm thay đổi tình hình dó. “Một xác chết là một xác chết, bất kể được mặc áo quần như thế nào", báo Nhân dân bình luận như vậy. Một số người giải thích việc công bố của Việt Nam về việc rút quân ra khỏi Campuchia trong tháng 7 năm 1982 là một sự xem thường có tính toán tiềm lực quân sự của chính phủ liên hiệp.

Mục đích của chính phủ liên hiệp, như ASEAN nhận thức ban đầu, là củng cố các nhóm không cộng sản bằng việc đặt chính phủ liên hiệp (kể cả quân đội Khmer đỏ dưới quyền kiểm soát của họ và bằng việc gạt nhóm Pol Pot đã bị mất tín nhiệm. Nhưng các nhà lãnh đạo Khmer đỏ, với sự ủng hộ của Trung Quốc, đã không chịu rút lui dần. Cuối cùng ASEAN đành phải buộc các nhóm không cộng sản đi vào chính phủ liên hiệp phần lớn là theo các điều kiện của Khmer đỏ.

Theo quan điểm của ASEAN, có lẽ điều tốt nhất có thể nói đến về một chính phủ liên hiệp là việc nó tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc viện trợ cho các nhóm không cộng sản. Nhưng vấn đề viện trợ công khai cho cuộc nổi dậy vũ trang ở Campuchia chỉ làm trầm trọng thêm những chia rẽ trong nội bộ ASEAN mà thôi. Tại một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN ở bờ biển nghỉ mát Pattaya ở Thái Lan tháng 12 năm 1981, đã được chấp nhận rằng những người không cộng sản phải được viện trợ để xây dựng lực lượng của họ đến mức ngang với Khmer đỏ. Nếu không, như một sĩ quan Malayxia đã nói, họ sẽ là một “trò hề thứ ba” chứ không phải một “lực lượng thứ ba” (đây là một kiểu chơi chữ: chữ farce là trò hề, chữ force là lực lượng; third farce-third force-ND). Nhưng một đề nghị của Singapore viện trợ quân sự cho những người đó đã bị bác bỏ trên cơ sở rằng ASEAN là một tổ chức không quân sự. Nếu có gửi viện trợ chăng nữa thì chỉ trên cơ sở từng nước riêng rẽ một chứ không phải trên cơ sở toàn ASEAN.

Ý kiến viện trợ quân sự công khai cho các lực lượng vũ trang ở Campuchia cũng bị một số nhà lãnh đạo quân đội Thái chóp bu phản đối kịch liệt. Họ lo ngại trước sự dính líu sâu của Thái Lan, cho đó là vô ích và có thể khiêu khích sự trả đũa của Việt Nam. Tháng giêng năm 1982 tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thái tiến công Trung Quốc trong một diễn văn vô tuyến truyền hình, một cách không che giấu kỹ lắm. Ông ta cảnh cáo rằng một “siêu cường” ủng hộ hoạt động cộng sản ở Thái Lan (Đảng Cộng sản Thái Lan là thân Trung Quốc) đã cố gắng “một cách công khai và bằng lật đổ các nước láng giềng có những hệ tư tưởng khác nhau và cuối cùng vào một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm gay gắt và dã man”. Các lực lượng vũ trang Thái sẽ hành động với sự “thận trọng cực độ” để ngăn cản một tình hình như vậy xảy ra.

Sau khi thành lập chính phủ liên hiệp tháng 6 năm 1982, Sihanouk đi thăm các nước ASEAN xin viện trợ quân sự và kinh tế cho sự nghiệp của ông ta. Trên thực tế có tin Singapore đã bí mật bắt đầu tiếp tế cho KPNLF đầu năm 1982. Một chuyến vũ khí bộ binh nhẹ cho khoảng 2.000 quân KPNLF và 1.000 quân Sihanouk đã đến vào tháng 9, Sihanouk cũng nói rằng Australia, Canada, Malayxi và Nhật Bản đang xét viện trợ cho các nhóm không cộng sản để tránh việc họ phụ thuộc vào Trung Quốc. Có tin Lý Quang Diệu yêu cầu Sihanouk sáp nhập quân đội của ông ta với KPNLF để “tạo tiềm tàng” và để giảm bớt “thế lợi quân sự quyết định" của Khmer đỏ “trong mối quan hệ tay ba đó”.

Khi Sihanouk đến Băng Cốc thì được vua và thủ tướng Thái Prem Tinxulanon đón tiếp hữu nghị nhưng được nói rõ ràng là chính phủ Thái Lan sẽ không cho ông ta vũ khí. Rồi ông ta đi thăm trai Khao I Đang và thuyết phục hàng nghìn người trở về các trại biên giới của Khmer Xơ-rây. Ông ta rêu rao 40.000 người tình nguyện tham gia các lực lượng vũ trang của ông, nhưng ông ta đành phải không nhận vì không có đủ viện trợ để cung cấp lương thực và vũ khí cho họ.

KPNLF cũng được đẩy lên do kết quả cuộc đi thăm của Sihanouk. Nhưng KPNLF thường bị chỉ trích đã tránh chiến đấu với người Việt Nam, mà chỉ tập trung vào việc tuyên truyền và thu thập tình báo. Tháng 12 năm 1982, Son San đi Singapore kêu gọi thêm viện trợ. KPNLF nhận được một chuyến vũ khí từ Singapore và tăng cường hoạt động của mình trong mùa mưa. Nhng kết quả là tăng thêm va chạm giữa các lực lượng KPNLF và Khmer đỏ. Tháng 10 năm 1983, cả KPNLF và quân đội của Sihanouk phàn nàn rằng Khmer đỏ tránh chiến đấu với người Việt Nam, nhưng lại dùng lực lượng của họ thực hiện một chiến dịch cố ý quấy rối và hăm doạ. Vì lợi ích của sự nhất trí nên họ kiềm chế trong việc phản ứng trở lại. Khmer đỏ cải chính những lời tố cáo đó.

Với số quân dưới 5.000, không được vũ khí của cả Singapore lẫn Trung Quốc, với trại chính của mình bị phá huỷ và với binh lính luôn luôn bị Khmer đỏ quấy rối, Sihanouk tự thấy cơ đồ bị xuống dốc. Ông ta phản ứng bằng việc đe doạ rút ra khỏi liên hiệp, cho là cần phải đạt mức hoà giải nào đó với Hà Nội và lên án Khmer đỏ là cứng nhắc. Tại New York tháng 10 năm 1983, ông ta nói với nhà báo rằng các nhà lãnh đạo Khmer đỏ cho rằng họ có thể đẩy người Việt Nam ra và giành lại toàn quyền ở Campuchia. Ông ta phàn nàn rằng, để đạt được việc đó họ sẵn sàng “chiến đấu cho đến không còn quả đất này nữa”. Và nếu vì lý do nào đó họ đạt được mục tiêu của họ, ông ta nói thêm, họ sẽ giết tất cả những người ủng hộ Heng Samrin “và cả chúng tôi nữa”. Nói vậy, nhưng ông ta vẫn còn là một bên trong chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ.

Các cuộc tiến công của Việt Nam vào các căn cứ của chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ đầu năm 1983 là nhằm chứng tỏ cho các nước ASEAN rằng họ đang ủng hộ một sự liên hiệp của những sự nghiệp nhất định thất bại. Các nước ASEAN đã ủng hộ trước tiên Khmer đỏ, và sau đó là chính phủ liên hiệp, với hy vọng rằng họ có thể buộc Việt Nam rút khỏi Campuchia mà bản thân họ không phải có bất kỳ nhượng bộ nào. Họ hy vọng làm kiệt sức Hà Nội bằng một chiến lược tiêu hao. Suy nghĩ của ASEAN vào lúc bắt đầu mạo hiểm về một sự liên hiệp đã được Ragiaratman tóm tắt ngày 20 tháng 9 năm 1980: “Họ phải bị gãy dưới sự căng thẳng. ASEAN phải tiếp tục duy trì sức ép”. Trong tinh thần đó, họ đã bác bỏ các đề nghị của Việt Nam về một công ước không xâm lược, về một sự phi quân sự hoá biên giới Thái-Campuchia và về một cuộc rút quân từng phần.

Nhưng đến năm 1983 thì đã rõ ràng là họ đã chơi những con bài một cách sai lầm. Người Việt Nam có thể xử lý với sức ép mà các nhóm kháng chiến Khmer gây ra cho họ. Nếu chúng ta hỏi chiến lược tiêu hao của ASEAN đã tỏ ra như thế nào sau bốn mùa chiến đấu, thì một nhà quan sát có cảm tình như Michael Liefer cũng đồng ý rằng: “Câu trả lời đơn giản là: không tốt lắm”. Thực vậy anh ta nhận xét rằng người Việt Nam đã áp dụng “một phản chiến lược tiêu hao có hiệu quả” chống lại Khmer đỏ và, trong mùa khô 1982-1983 chống lại cả các nhóm không cộng sản (xem “Thế giới ngày nay” tháng 6 năm 1982, tr.233-236-ND). Nhưng, do đã chọn chiến lược đó, các nước ASEAN tự thấy mình bị khoá chặt vào một lập trường như để phục vụ các mục tiêu của Trung Quốc nhằm vắt khô Việt Nam chứ không phải phục vụ những lợi ích của chính họ trong nền an ninh khu vực.

Sau các cuộc chiến đấu mùa khô năm 1983, Việt Nam đi vào một hiệp hoạt động ngoại giao mới, ở Băng Cốc những người chỉ trích lập trườn cứng rắn của chính phủ Thái, có tiếng nói rõ hơn, và tháng 5, ngoại trưởng Thái hứa một ”chính sách linh hoạt hơn” nó sẽ “tôn trọng những lợi ích chính đáng” của Việt Nam ở Campuchia. Các nước ASEAN cũng bỏ việc gợi ý giải thích vấn đề tranh chấp bằng một cuộc hội nghị quốc tế về Campuchia. Một nhà ngoại giao ASEAN thậm chí còn nhắc đến công thức đó như là “một điều gây rắc rối. Đây là một ngụ ý về khả năng ASEAN chấp nhận một giải pháp thương lượng khu vực, không có sự tham gia của Trung Quốc, như Việt Nam yêu cầu.

Ngày 20 tháng 9 năm 1983, các ngoại trưởng ASEAN ra một lời tuyên bố xác nhận rằng họ sẵn sàng xem xét một giải pháp cho vấn đề Campuchia mà không qua khuôn khổ của Liên hợp quốc. Họ cho rằng nhân tố chính của một giải pháp sẽ là việc rút các lực lượng Việt Nam. Họ gợi ý rằng quân Việt Nam được thay thế bằng các lực lượng gìn giữ hoà bình hoặc lực lượng quan sát và tiếp theo đó là một giải pháp chính trị toàn bộ.
Việt Nam không bác bỏ kế hoạch này. Họ cho là đáng chú ý và sẽ nghiên cứu kỹ. Nhưng có ít khả năng Việt Nam đồng ý rút lực lượng của mình trước khi đạt được một giải pháp toàn bộ bao gồm việc giải pháp Khmer đỏ và việc chấp nhận chính phủ Cộng hoà nhân dân Campuchia ở Phnôm Pênh. Và những điều kiện này còn khó được ASEAN chấp nhận, nhất là việc chấp nhận đó có thể gây tức giận cho cả Bắc Kinh lẫn Washington.

Trong vòng ba năm tiếp theo, những điều kiện bên trong Campuchia đã dần dần trở lại bình thường. Vào năm 1983, những người đồng minh Khmer của Việt Nam đã xây dựng một cơ cấu chính quyền, với sự kiểm soát có hiệu quả phần lớn lãnh thổ và nhân dân Campuchia. Nhưng chính quyền đó còn phải đối phó với sự nổi dậy ở biên giới Thái được duy trì, và còn phải phụ thuộc vào lá chắn quân sự của 150.000 quân Việt Nam. Chính quyền đó đã trở thành một trụ cột của khối Đông Dương chống Trung Quốc của Hà Nội, và là tiêu điểm của sự tranh chấp quốc tế.

Sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Campuchia đã bị lên án rộng rãi như một “sự chiếm dóng nước ngoài”, và đã được dùng làm lý luận thông thường để đòi họ phải rút quân. Trên một mức độ thực tiễn, điều rõ ràng là quân đội đó đã được triển khai để đối phó với những kẻ nổi dậy ở biên giới Thái chứ không phải để cưỡng ép nhân dân nói chung và cũng rõ ràng là trong vai trò đó, quân đội đã giúp đỡ nhân dân rất lớn (bất kể nhân dân có thể có những lo ngại đối với họ về lâu dài như thế nào). Sự có mặt của quân đội đã được “hợp pháp hoá” bởi hiệp ước năm 1979 giữa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Campuchia, một hiệp ước tất nhiên bị Campuchia dân chủ lên án. Vì một chính phủ có chủ quyền có quyền thành lập bất kỳ liên minh quân sự nào mà họ muốn và mời quân đội đồng minh vào để bảo vệ lãnh thổ của mình, cho nên tính hợp pháp của sự có mặt quân sự của Việt Nam ở Campuchia cũng phụ thuộc vào liệu người ta quyết định thừa nhận Pol Pot hay Cộng hoà nhân dân Campuchia của Heng Samrin làm chính phủ hợp pháp của đất nước.

Ngoài khối Xôviết, hầu như khắp nơi các nước không thừa nhận Cộng hoà nhân dân Campuchia, trên cơ sở rằng cuộc xâm chiếm của Việt Nam là một hành động bất hợp pháp. Nhưng đó là một lập luận không vững chắc, bởi vì nó không biết đến thực tế rằng chính cuộc xâm lược của chế độ Pol Pot đã gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam-Campuchia. Khái nhiệm về sự bất khả xâm phạm chủ quyền quốc gia không thể được sử dụng như một lá chắn để bảo vệ một chế độ có tội vi phạm liên tục chủ quyền của một nước khác. Sự lên án các hành động của Việt Nam do phương Tây và các nước ASEAN đưa ra có vẻ nghe như trống rỗng so với sự ủng hộ của họ đối với cuộc xâm lược Uganda của Tanzania, sự tán thành của họ đối với cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc (một sự sử dụng quyền lực một cách cổ điển chứ tuyệt nhiên không phải vì bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc) cuộc xâm lược Đông Timo của Indonesia và cuộc xâm lược Grenada của Mỹ.

Tất nhiên, sự chống đối hành động của Hà Nội không thực sự dựa vào những khái niệm nửa vời đó của luật pháp quốc tế. Nó xuất phát chủ yếu từ vấn đề ai sẽ là cường quốc chiếm ưu thế ở Đông Dương có lợi cho Việt Nam. Trung Quốc đã mất đòn bẩy của mình để chống lại Hà Nội. Thái Lan đã mất nước đệm giữa họ với Việt Nam, đỉnh cao của việc Thái Lan mất ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ thua một cuộc chiến tranh khác nhằm hạn chế sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô. Campuchia do đó đã rơi vào sự bất hạnh để trở thành một tiêu diểm của cuộc chiến tranh lạnh mới cũng như một cuộc đấu tranh khu vực để giành phạm vi ảnh hưởng.

Trong khi sự xuất hiện của một khối cộng sản Đông Dương, đã thu hút nhiều sự chú ý của một liên minh khu vực chống cộng lại ít được bình luận đến. Tuy vậy, đây là một trong những hậu quả quan trọng nhất của cuộc xung đột ở Đông Dương. Khi việc đó được thừa nhận thì nó thường được trình bày như một phản ứng tự nhiên đối với mối đe doạ cảm thấy của Việt Nam nhằm vào nền an ninh của các nước ASEAN, nhất là Thái Lan. Nói như vậy có phần xác đáng, nhưng không hề có ai làm rõ rằng nó cũng giống như việc Hà Nội, Viêng Chăn và chính phủ Heng Samrin khép chặt hàng ngũ trước những đe doạ của Trung Quốc, những đe doạ thực sự chứ không phải chỉ “cảm thấy”. Một bên thì được xem là tự nhiên, còn bên kia thì bị xem là không hợp pháp. Như chúng tôi đã nhận xét trước đây, nhiều nhà bình luận đã cố tình nhắm mắt khi xét đến vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Đông Dương.

Các nước ASEAN đáng ra có thể phản ứng đối với cuộc xâm chiếm Campuchia của Việt Nam bằng cách hoan nghênh việc lật đổ chế độ khủng bố của Pol Pot, thừa nhận Cộng hoà nhân dân Campuchia và tiếp tục các quan hệ hoà dịu với Đông Dương cộng sản. Một chính sách như vậy sẽ có một cơ sở tốt cả về mặt suy xét nhân đạo lẫn về luật pháp quốc tế. Có một dòng dư luận có ý nghĩa bên trong các chính phủ ASEAN tán thành một quá trình như vậy. Nhưng, trái lại ASEAN tìm cách động viên dư luận quốc tế chống lại Việt Nam, lợi dụng vấn đề tị nạn và viện trợ, và đứng hẳn về phía những người nổi dậy ở biên giới Thái-Campuchia nhằm lật đổ chính phủ mới ở Phnôm Pênh.

Họ đi vào con đường đó là vì các nhóm khống chế ở ASEAN (đặc biệt trong các chính phủ Băng Cốc và Singapore) sợ rằng cuộc xâm chiếm Campuchia của Việt Nam đặt ra một đe doạ nghiêm trọng cho nền an ninh của Thái Lan, và của các nước ASEAN nói chung. Chấp nhận hành động của Việt Nam như một sự đã rồi, theo ý họ, sẽ mặc nhận một sự yếu đi nghiêm trọng vị trí quốc tế của Thái Lan. Họ cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ gặp sự chống đối quần chúng rộng rãi ở Campuchia và kết quả của cuộc xâm chiếm tuyệt nhiên không phải “không đảo ngược” được như Việt Nam hằng tuyên bố.

Sự chống lại các hành động của Việt Nam đã được tăng cường bằng cuộc khủng hoảng về người tị nạn, rời khỏi Đông Dương qua đường bộ và đường biển lúc bất giờ và bằng thái độ thù địch của Trung Quốc và Mỹ đối với Việt Nam. Điều này bảo đảm rằng các nước ASEAN sẽ được ủng hộ mạnh mẽ khi có lập trường cứng rắn đối với Việt Nam. Trên thực tế, có lẽ chính sự ủng hộ này là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến con đường mà các nước ASEAN chọn năm 1979.

Cuộc vận động mà ASEAN đưa ra đã thành công trong việc cô lập Việt Nam về mặt ngoại giao, nhưng ngoài việc đó ra, nó đã tỏ ra là một thất bại. Trước khả năng của giới lãnh đạo Việt Nam (với sự ủng hộ của khối Xôviết) đứng vững trước các sức ép ngoại giao, kinh tế và quân sự của Trung Quốc và Mỹ, ASEAN dựa vào khả năng của những người nổi dậy trên biên giới Thái-Campuchia để biến họ thành một lực lượng chiến đấu. Điều đó không thể xảy ra bởi vì, mặc dù có sự ủng hộ to lớn (tuy là bí mật) từ bên ngoài, các nhóm đó không có khả năng xây dựng một cơ sở ủng hộ của quyết chiến bên trong Campuchia.

Nhóm nổi loạn lớn nhất và có tổ chức nhất là Khmer đỏ mà sự tàn bạo quy mô lớn khi họ nắm quyền, đã tách họ ra khỏi căn cứ nông dân ban đầu của họ. Nhóm lớn tiếp theo là Mặt trận giải phóng dân tộc nhân dân Campuchia, mà trên thực tế là một nhóm nhỏ còn sót lại của chế độ Lon Non. Nhóm này chủ yếu đại diện cho giai cấp trung gian di cư, luôn luôn yếu về tổ chức và bị xâu xé vì chủ nghĩa bè phái. Nhóm này chẳng có chút gì hấp dẫn đối với nông dân Khmer. Cuối cùng, là những người ủng hộ Sihanouk, nhóm nhỏ nhất và kém tổ chức nhất, nhưng lại có khả năng tranh thủ lòng trung thành truyền thống của nông dân đối với chế độ quân chủ. Mức độ chính xác của lòng trung thành đó trong nước Campuchia ngày nay thì không rõ, nhưng có ít nghi ngờ rằng nó đã bị đập tan tành vì tác động của những sự kiện những năm 1970. Do đó, không có nhóm nào trong các nhóm đó có thể là khối nam châm có hiệu lực tập hợp được dư luận chống Việt Nam.

Và việc thành lập chính phủ liên hiệp của Campuchia dân chủ cũng không thay đổi được tình hình đó. Chính phủ đó chủ yếu là để phục vụ cho mục đích đối ngoại và chỉ nhằm để tránh mọi sự sụp đổ của sự ủng hộ quốc tế đối với Campuchia dân chủ. Nhưng trên thực địa thì sự hợp tác giữa người cộng hoà chống cộng, những người quân chủ và những người cộng sản đang tham gia chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ, là mong manh. Những bất đồng về hệ tư tưởng và những mâu thuẫn đối kháng do các sự kiện trong quá khứ để lại, đã tỏ ra quá sâu sắc nên không thể vượt qua bằng một văn kiện được viết ra tại bộ ngoại giao Thái Lan. Tuy có những cố gắng của ASEAN nhằm thúc đẩy KPNLF và Sihanouk, nhưng Khmer đỏ vẫn là lực lượng chính trong cuộc chống cự, và chắn chắn là kẻ có lợi chính nế, với sự giúp đỡ của ASEAN và phương Tây, chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ được đặt vào Phnôm Pênh. Tính chất cực kỳ xa xôi của khả năng này đã được thấy rõ trong thắng lợi vang dội của những cuộc tiến công của Việt Nam vào các căn cứ chính của các nhóm không cộng sản trong chiến dịch mùa khô 1983.

Trong khi ASEAN cố sức vá víu một chính phủ liên hiệp chia rẽ và tan nát với chỗ đứng mong manh chỉ bằng một ngón chân trên lãnh thổ Campuchia, thì chính quyền Cộng hoà nhân dân Campuchia củng cố một cách vững chắc sự kiểm soát của mình đối với toàn bộ đất nước. Các đợt rút quân từng phần của Việt Nam từ năm 1981 là do kết quả lòng tin cậy ngày càng tăng của Hà Nội vào khả năng của chính quyền Cộng hoà nhân dân Campuchia, chứ không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Do đó việc giảm số lượng quân tuyệt nhiên không có nghĩa là giảm ảnh hưởng của Việt Nam (hay, nói một cách chính xác hơn, cúa thái độ thân Việt Nam) ở Campuchia. Đó là lý do tại sao các nước ASEN mặc dù đòi rút quân, lại không hoan nghênh khi các đợt rút quân xảy ra. Ngược lại, các đợt rút quân lại bị tiếp đón bằng sự giận dữ và bị tố cáo là một “sự lừa gạt”-bởi vì, tất nhiên, vấn đề thực sự không phải là làm cho quân đội Việt Nam rút ra khỏi Campuchia, mà là lật đổ chính phủ thân Hà Nội ở Phnôm Pênh.

Nếu ASEAN vẫn tiếp tục tìm cách ”đẩy lùi” ảnh hưởng của Việt Nam, chứ không phải hoà giải với một chính phủ thân Việt Nam ở Phnôm Pênh, thì “vấn đề Campuchia” sẽ còn là một điểm cọ sát trong khu vực. Trong khi những người nổi dậy chống Cộng hoà nhân dân Campuchia còn tiếp tục được sự ủng họ và che chở của Thái Lan thì Việt Nam có thể kiềm chế nhưng không thể tiêu diệt chúng được. Và nếu điều đó xảy ra thì biên giới Thái-Campuchia sẽ vẫn là tiêu điểm của sự không ổn định và bạo lực. Tình hình như vậy không làm tăng nền an ninh của Thái Lan như mục tiêu các chính sách của ASEAN đối với Campuchia mong muốn.

Bằng những cố gắng của mình nhằm gây sức ép tối đa với Hà Nội, các nước ASEAN đã tự gắn mình một cách chặt chẽ với các chính sách của Trung Quốc và của Mỹ đối với Việt Nam, tuy một số chính phủ ASEAN có những ngờ vực đối với các mục tiêu lâu dài của Trung Quốc. Vì các chính sách của Hà Nội đối với Campuchia đã được vạch ra chủ yếu là để đối phó với sức ép của Trung Quốc, cho nên hậu quả chính của việc này là làm cho Hà Nội trở nên không khoan nhượng hơn đối với ASEAN. Một lần nữa chính sách của ASEAN tỏ ra là phản tác dụng nếu xét về lợi ích của ASEAN trong nền hoà bình và ổn định khu vực. Nhưng nó lại phục vụ lợi ích của chính sách Trung Quốc và Mỹ đối với Việt Nam, và bất kỳ cố gắng nào của phía ASEAN nhằm thay đổi quá trình đó có thể gây ra sự bất bình của Bắc Kinh và Washington.

Trong khung cảnh này, sự tìm kiếm một “giải pháp” cho vấn đề Campuchia chủ yếu là sự tìm kiếm một công thức gỡ thể diện cho ASEAN. “Giải pháp” của Việt Nam cho cuộc khủng hoảng Campuchia là phù hợp với Phnôm Pênh, nhưng trên thực tiễn, ASEAN chẳng có gì có thể làm được với giải pháp đó, trừ việc tiến hành một cuộc xâm lăng tổng lưhc rất tai hại cho Thái Lan cũng như cho Campuchia và Việt Nam. Với tình hình như vậy, tìm một con dường đi ra cho ASEAN có nghĩa là tìm một con đường để cho ASEAN tự tách ra khỏi chính sách ngày càng phá sản nhằm thúc đẩy chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ và đi đến hoà giải với chính phủ ở Phnôm Pênh, như đã miễn cưỡng hoà giải với chính phủ thân Việt Nam ở Viêng Chăn. Nó cũng có nghĩa là tìm cách đạt một tình hình giảm căng thẳng với Đông Dương cộng sản mà không gây mâu thuẫn đối kháng với Bắc Kinh và Washington. Đó chắc chắn là phần khó khăn nhất của công việc này.

Nếu tình hình trên thực địa ở Đông Dương tỏ ra ngày càng ổn định, thì mối quan hệ giữa các cường quốc lớn lại luôn luôn thay đổi. Tình hình quốc tế thịnh hành vào lúc xảy ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba bây giờ đã qua rồi. Nhưng như vậy chẳng hay ho gì cho chính sách hiện này của ASEAN. Từ khi tổng thống Regan được bầu năm 1980, các quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi hầu như liên tục và từ năm 1981, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chậm rãi nhưng vững chắc cải thiện các quan hệ của họ với Matxcơva. Việc này đã phá hoại một số các giả định then chốt mà ASEAN đã lấy làm cơ sở cho chính sách của họ đối với Đông Dương từ năm 1979. Chưa có sự thay đổi nào trong các chính sách của Bắc Kinh đối với Hà Nội và Bắc Kinh cũng không thành công trong việc thuyết phục Matxcơva thôi ủng hộ chính sách của Hà Nội ở Đông Dương.

Tuy nhiên, rất có thể những nhân tố đang thay đổi các mối quan hệ giữa các cường quốc lớn đó sẽ mở ra một “giải pháp” cho vấn đề Campuchia. Cũng không chắc rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục những cố gắng vô ích để ép buộc những đồng minh của Matxcơva ở Đông Dương trong khi tìm cách bình thường hoá quan hệ với chính Matxcơva. Không nghi ngờ gì, các nhà thống trị Trung Quốc vẫn còn mong muốn gây ảnh hưởng ở Đông Dương, cũng như ở phần còn lại của Đông Nam Á. Nhưng họ sẽ phải thấy và thích nghi với thực tế rằng thái độ ép buộc sống sượng của họ ở Đông Dương từ năm 1975 đã đẩy lùi sự nghiệp của họ hàng năm, có thể là hàng thập kỷ.

Nếu một sự nhích lại gần chậm rãi giữa hai cường quốc lớn của thế giới cộng sản dẫn đến một sự làm dịu thái độ của Bắc Kinh đối với Hà Nội, thì việc đó sẽ mở đường cho sự giảm căng thẳng giữa Đông Dương và ASEAN. Khi năm 1981 một trào lưu hoà giải nổi lên trong khối ASEAN, chính độ không khoan nhượng của Trung Quốc đã phá hoại nó. Nếu Trung Quốc đi đến chấp nhận một chính sách bớt cẳng thẳng hơn, thì điều đó có thể có nghĩa là những hành động tương lai theo hướng tương tự như vậy có thể sẽ thành công hơn. Nhưng đến điểm này, chúng ta đang tiến vào lĩnh vực suy diễn, và tiên đoán về tương lai là một trò mạo hiểm.

Nếu chuyển sang những suy xét chung hơn, thì rõ ràng sự giải thích các sự kiện ở Đông Dương từ năm 1975 của cả hai bên cuộc chiến tranh lạnh là không đầy đủ và không thích hợp một cách nghiêm tọng. Các giới chống cộng ở phương Tây và ASEAN thường dựa vào lập luận của họ vào “chủ nghĩa bành trướng” của Việt Nam. Việc đó làm nhớ lại học thuyết domino và sự giống nhau với vụ Munich trước đây. Nó chỉ lợi cho mục đích tuyên truyền nhưng không thấy được những phức tạp của nền chính trị khu vực và nó là hoàn toàn sai lạc. Sự can thiệp của Việt Nam vào Campuchia thường bị xét một cách hoàn toàn tách rời khởi những hành động khiêu khích của chế độ Campuchia dân chủ và cố gắng thống trị Đông Dương sau chiến tranh của Bắc Kinh. Trong khi cố gán ép các sự kiện vào khuôn mẫu chiến tranh lạnh theo kiểu những “người yêu cầu" chống lại “chủ nghĩa bành trướng cộng sản”, một số các nhà lý thuyết đó quên rằng Trung Quốc và Campuchia dân chủ cũng là những nước cộng sản. Trên thực tế, các cuộc xung đột của Đông Dương sau cách mạng đã phá tan thế hai cực của cuộc chiến tranh lạnh trước kia.

Về phía bên kia Mao đã tự hào nói với tướng Mông-gô-mê-ri năm 1961 rằng: “Chúng tôi là Macxit Lenin-nít, nước chúng tôi là một nước xã hội chủ nghĩa chứ không phải một nước tư bản chủ nghĩa, do đó chúng tôi sẽ không xâm chiếm các nước khác trong một trăm năm tới hoặc thậm chí trong mười nghìn năm tới” (xem Trích của Đích Uyn-xơn trong quyển “Mao: Hoàng đế của nhân dân", Mên-buốc, 1979, tr.362-ND). Những người kế vị của ông ta đã làm cho ông ta trở nên không đúng, chỉ ba năm sau khi ông ta chết.

Các cuộc thắng lợi của cộng sản năm 1975 là đỉnh cao của các cuộc cách mạng dân tộc đã từng triệt phá sự thống trị của phương Tây ở Đông Dương. Nhưng các quốc gia mới không được an toàn và ổn định và hệ thống quyền lực trong khu vực tuyệt nhiên không rõ ràng. Trong cố gắng giành quy chế cường quốc lớn của mình, Trung Quốc đã tìm cách thiết lập nền thống trị của họ và lợi dụng chủ nghĩa phiêu lưu của chế độ Pol Pot cho mục đích đó. Phản ứng của Việt Nam không phải là phản ứng của những “kẻ bành trướng cộng sản” cuồng tín muốn chinh phục thế giới. Nó là phản ứng điển hình của một cường quốc hạng trung muốn giữ gìn nền độc lập của mình bằng cách xây dựng một liên minh có khả năng bảo vệ với một cường quốc hữu nghị lớn, Liên Xô, bằng cách giữ cho sau lưng mình được an toàn thông qua việc tiêu diệt chế độ Pol Pot và bằng cách thiết lập một khối khu vực để đương đầu với sức ép của Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba giải quyết vấn đề ai là cường quốc có ưu thế ở Đông Dương, nhưng đồng thời nó cũng gây ra phản ứng của một cường quốc khu vực khác: Thái Lan. Bằng một phản ứng song song với phản ứng của Việt Nam, Thái Lan đành vượt qua những đắn đo về hệ tư tưởng để thành lập một liên minh không chính thức với Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ khu vực của ASEAN. Rồi Thái Lan tìm cách đảo ngược điều đã thành đạt qua cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba, nhưng đã không thành công.
Một chuỗi những hành động và phản ứng đã diễn ra đánh dấu một thời đại chính trị quần chúng hiện đại. Nhân dân các nước Đông Dương đã phải trải qua một sự khởi đầu đau đớn khi bước vào thời đại đó, và không có dấu hiệu nào là thử thách đã kết thúc.

----
Người ta nói: "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết" xem ra không đúng? Khi trâu bò đánh nhau kiểu gì cũng xuất hiện các vết thương và ruồi muỗi được hưởng lợi từ các vết thương đó (các dịch vụ phục vụ chiến tranh), và ruồi muỗi biết bay mà lại bay nhanh thì chúng chết làm sao được? Chỉ có trâu bò là mang những vết sẹo suốt đời.

Xét ở vị trí lãnh đạo quốc gia, ông Lý Quang Diệu làm những việc như trên cũng vì lợi ích của quốc gia ông nhưng xét ở góc độ nhân đạo thì đó là điều đáng xấu hổ vì những nước nghèo hơn Singapore thời ấy như Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Hongkong .v.v. phải cưu mang những thuyền nhân tạm trú trước khi đi định cư và hàng mấy chục quốc gia khác phải cưu mang những thuyền nhân ấy như công dân vĩnh viễn của họ. Ông Lý là người có tài, đó là điều không ai có thể phủ nhận nhưng ông ta có tâm, có đức hay không?

Qua đây chúng ta đã nhìn ra cái Tâm cái Đức của ông Lý Quang Diệu.

Tài liệu tham khảo:
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Ban Chấp hành TW Đảng khóa V, Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội
Báo cáo, kiến nghị của Ban Đối ngoại Trung ương về tình hình chủ trương quan hệ giữa nước ta với một số nước, 1985, Tài liệu lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng
Asean: Con đường ba mươi năm, Lưu Văn Lợi, Tạp chí NCQT Số 19, 1997
Phim tài liệu: Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến bắt buộc
Red Brotherhood at war - Chân lý thuộc về ai - Tác giả: Grant Evans - Kelvin Rowley - Người dịch: Nguyễn Tấn Cưu - Nhà xuất bản: Quân Đội Nhân Dân, 1986 - Số hoá: nguyenquang, ptlinh
Quyết sách của Trung quốc trong cuộc Chiến tranh trừng phạt Việt Nam, Bành Mộ Nhân, Lưu tại thư viện Quân đội
Lee Kuan Yew: Mmemoirs of, from Thrid World to First, The Singapore Story: 1965-2000, Singapore Press holdings, 2000A conversation with Lee Kuan Yew, Foreign Affairs, March/April, 1994