22 tháng 12 2010

Phùng Gia Lộc - Cái đêm hôm ấy... đêm gì?

Khi ai ông Đào Tùng và Đỗ Phượng đến gặp tổng bí thư Lê Duẫn xin cho phép thông tấn xã Việt Nam mở báo tuần tinh tức. Chưa để hai ông trình bày hết tổng Bí thư Lê Duẩn đã quát lớn :

- Các anh làm thông tin hay Bộ Chính trị làm. Đây là việc của các anh, vì thế các anh phải là người quyết định chứ.


Thế là hai ông Đào Tùng và Đỗ Phượng tự ý mở ra tờ báo tuần tin tức.


Câu chuyện ký của nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc người làng Láng, xã Phú Yên huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa, viết về của người dân xã Phú Yên và nạn cường hào ác bá lộng hành ở xã này và các vấn đề liên quan đến cán bộ cấp cao của tỉnh này thời ông Hà Trọng Hòa đương nhiệm ủy viên trung ương đảng bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.


Câu chuyện kể về đêm năm 1983, ông Phùng Gia Lộc lên cơ quan ứng gạo về trong đêm thì gặp phải việc xã phát động đồng khởi việc thu sản tổng vét cả xã cho đủ với kế hoạch đề ra (Thu sản và đóng sản là việc các xã viên nộp thóc gạo đã thu hoạch được theo quy định đưa lên nộp kho hợp tác xã). Chuyện ký viết ra miêu tả chi tiết thái độ hách dịch của các cán bộ xã và tình trạng khổ cực của người dân xã Phú Yên trong thời điểm đó.

Phùng Gia Lộc  , tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu


Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:
- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.
- Hừ! Lại thế nữa...
Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?
Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:
- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.
Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.
Anh gạn tôi:
- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.
Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:
- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.
Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...
Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.
Thấy tôi về thằng Thức reo lên:
- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?
- Có cái rét cóng đây này!
Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:
- Ứng được năm cân gạo.
Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:
- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!
Tôi hỏi:
- Nhà ăn rồi hả mẹ?
Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:
- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.
Tôi thấy cay sè trong mắt.
- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?
Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:
- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...
Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:
- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.
Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.
- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.
- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...
Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.
Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:
- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?
- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.
Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:
- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi
- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.
Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.
Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...
Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:
- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?
Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:
- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!
Tôi vỗ về:
- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?
- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.
- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.
Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:
- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...
Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.
- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!
Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.
Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.
Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.
Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.
Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.
- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.
Cạch cạch cạch.
- Chị cò Lộc, mở cửa ra!
Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.
- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?
- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.
Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.
Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!
Bà cụ tôi đáp thay con dâu:
- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?
- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?
Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:
- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.
Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.
Anh Miện bảo nhỏ tôi:
- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.
Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:
- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.
Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bút mũi. Chúng xoay vòng quanh, mgửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...
Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:
- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.
Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.
- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?
- Bắt cái xe đạp ni, bay!
Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:
- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.
- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?
Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:
- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.
Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.
Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:
- Cái gì trong này, chị Lộc?
Im lặng...
- Cái gì trong này, chị nói mau?
Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.
- Có cái gì đâu...
Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:
- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.
Mẹ tôi chống gậy vái dài:
- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.
Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.
Bà cụ nói như rên rẩm:
- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!
Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:
- Chị có gánh đi hay không thì bảo?
Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:
- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.
Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.
- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!
- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!
Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:
- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.
Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.
- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...
Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:
- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!
Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...
Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.
Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?".
Cuối năm 1987
PHÙNG GIA LỘC 
Theo Báo Văn Nghệ

"Cái đêm ấy đêm gì?" buộc Nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc phải chạy chốn khỏi quê, lên Hà Nội nương nhờ bạn là Bế Kiến Quốc. Được nhiều bạn bè nhà văn nhà báo trên trung ương Hà Nội thương cảm giúp đỡ. Cảm tác trước việc bạn mình ra Hà Nội lánh nạn nhà thơ Bế Kiến Quốc lưng trùng nước mắt đọc câu thơ:

Bạn từ Thanh Hóa ra Hà Nội
Bát cơm chia nửa mắt rưng rưng

Nhà thơ Bế Kiến Quốc giúp bạn đăng hai bài lên báo văn nghệ là Cái đêm hôm ấy đêm gì và Sau cái đêm hôm ấy đêm gì. Làm cho dư luận cả nước ầm ĩ hết cả lên.

Nhà báo của báo tuần tin tức, Vũ Tâm (sau này là tổng biên tập báo) lấy tên con gái và vợ là Thơ Linh Cơ phê phán bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Hà Trọng Hòa với loạt bài báo "chơi với lửa"

Khi nhà báo Vũ Tâm đăng bài Lan Lừa là ai, nhà báo Đỗ Phượng đã đích thân đem bài báo đến gặp tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rằng:

- Chúng tôi đã đăng bài báo này và chúng tôi biết chắc chắn ngày mai sẽ có chuyện. Hoặc thông tấn xã Việt Nam sẽ bị kỷ luật hoặc ông Hà Trọng Hòa sẽ bị kỷ luật.

Tổng bí thư xem xong báo cáo liền nói với nhà báo Đỗ Phượng rằng báo tuần tin tức cứ tiếp tục như kế hoạch. Sau loạt bài kể trên ông Hà Trọng Hòa bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa bị khai trừ khỏi ban chấp hành trung ương đảng, cắt chức bí thư tỉnh ủy. Vấn đề của nhà báo nhà văn Phùng Gia Lộc và chuyện của xã Phú Yên cũng được xem xét.

Năm 1992, nhà văn nhà báo Phùng Gia Lộc qua đời, nhà thơ Bế Kiến Quốc về Phú Yên cảm tác:

Ta theo như mộng
Bạn đã mùa đông
Cát trơ bờ cạn
Chu đấy ư sông? (sông Chu chảy qua địa phận xã Phú Yên)
Đời người thấm thoát
Tri kỷ nhiều đâu
Đời sông bao chốc
Thay mấy phen cầu
Đầu làng cổ thụ
Chờ ta mà già
Bạn đừng khuất nữa
Sông đừng nước qua.

Chính sự xuất hiện kịp thời của tờ báo tuần tin tức một tờ báo chuyên viết về đề tài bài viết chống tiêu cực, và có những nhà văn nhà báo dám đứng lên viết bài theo đề tài chống tiêu cực tham mưu cho các nhà lãnh đạo cấp cao mà tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mới thuận lợi tiến hành các việc cần làm ngay và những thay đổi chính sách, chiến lược, giúp đất nước thay đổi và phát triển.

Ngày nay, khi quốc gia dân tộc, đảng cầm quyền đang đối mặt với các khó khăn, thuận lợi mới,... thì sức ì của xã hội và nền kinh tế khiến cho các nhà lãnh đạo và người dân có chung một trăn trở mới những trăn trở nghĩ suy hành động ấy ấy có thể giúp cho đất nước phát triển trong vài chục năm tới hoặc cũng có thể phá vỡ tất cả buộc con người ta phải làm lại từ đầu... Dù là phát triển hay phá hoại thì trước hết người ta phải biết nhìn vào chính mình, nhìn vào những sự thật bày ra trước mắt họ và cả những cái họ bị che mắt.

Nhớ mãi cái đêm hôm ấy


Bùi Kiến Quốc


Đêm nay, Hà Nội mưa và lạnh. Tôi khóc.
Đêm hôm ấy, tôi cũng khóc khi đọc bản thảo bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? mà Lộc vừa trao cho. Đêm ấy là một đêm thứ bảy. Lộc từ nhà sáng tác bên hồ Đại Lải về Hà Nội. Hai đứa lên phòng làm việc của ban văn trong toà soạn Văn Nghệ ngồi chuyện trò. Rồi Lộc, từ cái túi vải cũ kỹ tuỳ thân rút ra một tập giấy đưa cho tôi: “Ô ng đọc thử xem. Cái này tôi mới làm xong hôm qua trên Đại Lải” . Chỉ mỗi đêm thứ bảy trước đó, Lộc về, tôi đưa Lộc đọc bản thảo một bài bút ký viết về nông thôn của Kiều Vượng (cũng ở Thanh Hoá). Lộc đọc chăm chú, xong, không nói gì. Đêm, nằm bên tôi, Lộc ho nhiều, mất ngủ. Sáng hôm sau lên Đại Lải và bắt tay viết Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Lộc được lên nhà sáng tác Đại Lải một tháng để viết, đó là cả một sự đặc biệt. Hội nhà văn đề nghị, rồi Bộ văn hoá giải quyết ý tất cả đều là những việc ngoài nguyên tắc. Vì Lộc chưa phải là hội viên Hội nhà văn. Tôi vẫn nhớ, ngay cả người đánh máy chữ trong văn phòng Bộ văn hoá cũng “à” lên khi biết cái người gầy gò nhỏ thó kia là Phùng Gia Lộc, tác giả của truyện ngắn Được vật báu. Vâng, đúng là vì viết cái truyện ngắn ấy mà Lộc phải ra Hà Nội, đến ở cùng với gia đình tôi ngay trong toà soạn báo Văn Nghệ. Lộc rất ý tứ, không muốn tiếp xúc nhiều, suốt ngày ngồi ở căn phòng chín mét vuông của gia đình tôi, im lặng nghĩ ngợi, lo lắng cho vợ và đàn con nhỏ đang sống ở quê nhà. Tuy vậy, tất cả anh chị em toà soạn, biên tập cũng như hành chính, đều thương yêu, quý mến Phùng Gia Lộc. Ngày Lộc về lại Thanh Hoá là một ngày vui chung của cả toà soạn. Người góp tiền, người góp gạo, người mang đến bộ quần áo trẻ con, người tặng cái chăn, cái màn... Lộc chỉ còn biết chắp hai tay cảm tạ, và khóc. Mãi cho tới sau này, tình cảm đó vẫn là nguyên vẹn. Gần đây nhất, mới vài ba tháng trước thôi, có người từ Thọ Xuân ra Hà Nội cho biết Lộc đang ốm, toà soạn quyết định trợ cấp ngay cho Lộc một số tiền, và anh chị em Văn Nghệ thì làm một cuộc quyên góp cấp tốc trong vòng nửa giờ: ai còn bao nhiêu tiền trong túi cũng sốt sắng ủng hộ; cả mấy bạn viết cộng tác viên ghé qua toà soạn, biết chuyện, cũng xin được góp phần. Mà chẳng riêng gì anh chị em làm báo Văn Nghệ. Lâu nay, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh), Sàigòn giải phóng... Vẫn thường xuyên thăm hỏi, trợ giúp Phùng Gia Lộc, chưa kể Hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá là chỗ gần gũi Lộc hơn cả. Và còn bao nhiêu bạn đọc trong cả nước nữa chứ, họ đã gửi thư, gửi quà, gửi tiền cho Lộc. Mà chủ yếu chỉ là vì bài bút ký Cái đêm hôm ấy...đêm gì? Phùng Gia Lộc ơi, anh có biết bao điều không may mắn trong cuộc đời, nhưng để bù đắp lại, số phận đã mang tới cho anh cái hạnh phúc lớn nhất mà một người cầm bút có thể có được: được người đọc yêu mến, quý trọng.
Phùng Gia Lộc sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven bờ sông Mã, gần quê hai ông vua nhà Lê (Lê Hoàn và Lê Lợi). Lộc làm giáo viên trường huyện, rồi làm cán bộ phòng văn hoá huyện. Năm ấy, Đỗ Bạch Mai đang học sau đại học, đi thực địa sưu tầm văn học dân gian ở Lam Kinh (Thọ Xuân) nơi có một truyền thuyết lịch sử về Lê Lợi. Tôi đi cùng Mai, và nhờ chuyến đi ấy mà quen biết Lộc. Ngay nhất kiến, Lộc coi chúng tôi như bạn bè thân thiết. Vừa may, Lộc đang dựng một vở cải lương ngắn (do chính anh sáng tác) cho đội văn nghệ xứ Lam Kinh. Suốt chuyến đi, Lộc không những đưa chúng tôi vào không khí folklore của vùng đất cổ kính ấy, mà còn cho chúng tôi thấy đời sống thực tế của người dân quê mình. Người ta không thể “bất ngờ” viết ra được Cái đêm hôm ấy...đêm gì? nếu không gắn bó, từng trải tất cả những buồn vui sướng khổ của người nông dân đích thực như Lộc.
Rồi đây, và có lẽ giờ đây, người ta quên đi những bài viết “nhất thời” như Cái đêm hôm ấy...đêm gì? (Tôi cầu mong người ta sẽ không bao giờ phải nhớ lại những cảnh huống như cái đêm hôm ấy ở quê Lộc, người ta sẽ quên cả trong văn chương cũng như trong cuộc đời). Nhưng tư cách của một người cầm bút như Phùng Gia Lộc thì sẽ mãi mãi không bao giờ có thể bị quên lãng. Trước khi in Cái đêm hôm ấy... đêm gì? , chúng tôi hỏi lại Phùng Gia Lộc một lần nữa: có nên ký bằng một bút danh nào đó không? Lộc bảo: “Ký bằng tên gì thì viết như thế họ cũng nhận ra tôi viết. Hơn nữa, nếu ký bút danh, tính chân thực của bài viết sẽ bị giảm đi”. Lộc nói đúng. Tôi làm theo, mà trong lòng thì lo và buồn. Và khâm phục. Quả nhiên, sau đó gia đình Lộc ở quê gặp bao nhiêu rắc rối. Trong khi đó, từ khắp nơi, thư bạn đọc gửi và cảm ơn anh, ủng hộ anh. Những người bạn đọc ấy, hôm nay, khi biết tin Lộc không còn nữa, họ sẽ khóc. Và, những người bạn đọc ấy không ít đâu, Lộc ơi!
Hà Nội, 28.2.1992
(Văn Nghệ, số 10, 7.3.1992)

Đọc "Đêm trước", nhớ Phùng Gia Lộc

20/12/2005 05:04 GMT+7
TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.
Phùng Gia Lộc tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu
TT - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài viết trên Tuổi Trẻ về loạt bài “Đêm trước”đổi mới có nhắc đến phóng sự nổi tiếng lúc bấy giờ của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ.
Quả thật không thể không nói đến tác dụng tích cực của báo chí, đặc biệt của thể loại phóng sự, được khôi phục một cách đúng lúc vào thời điểm đó đã thật sự góp phần không nhỏ tạo nên chuyển động xã hội quan trọng nhất của đất nước kể từ sau năm 1975.
Trong sự sống dậy mạnh mẽ, sinh động của phóng sự hồi ấy, Cái đêm hôm ấy đêm gì... của Phùng Gia Lộc có một vị trí đặc biệt: nó gây xúc động lớn hơn cả, chấn động tâm trí người đọc khắp nước (bấy giờ báo Văn Nghệ(*) ở Hà Nội vừa đăng xong lập tức được báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ở TP.HCM đăng lại ngay), và có lẽ trong hàng trăm phóng sự sôi nổi hồi ấy, riêng nó chắc sẽ còn sống lâu dài như một giá trị văn học độc đáo, khó quên, đánh dấu một thời.
Hoàn cảnh ra đời của phóng sự cũng thật đặc biệt. Tôi nhớ những ngày ấy...
Đang là những ngày âm ỉ mà nóng cháy của “Đêm trước”, và Thanh Hóa là một trong những điểm nóng nhất. Ở đấy cuộc đấu tranh giữa các lực lượng bảo thủ và các lực lượng đòi hỏi đổi mới có thể nói đã đến mức sống mái, thậm chí theo nghĩa đen của từ này. Một không khí khủng bố thật sự, uy hiếp đến cả tính mạng của nhiều người dũng cảm đấu tranh, trong đó có nhiều anh chị em cầm bút.
Anh Phùng Gia Lộc, một người viết nghèo, đau yếu, hiền lành mà hết sức trung thực và can trường, là một mục tiêu trọng điểm của người đứng đầu tỉnh này và tay chân của họ. Lo lắng cho tính mạng của anh, các bạn viết và cả bạn đọc của anh bàn nhau phải tìm cách đưa anh đi lánh nạn.
Đưa đi đâu? Các vùng nông thôn khác cũng đều đang khá căng. Chỉ ra Hà Nội mới có thể tương đối an toàn. Nhưng thoát ra được đến Hà Nội cũng chẳng dễ: có cả một mạng lưới dày đặc theo dõi, bao vây chặt các “mục tiêu”. Anh em phải năm lần bảy lượt mưu mô mới lén đưa được anh Phùng Gia Lộc đến một ga nhỏ, nhanh chóng bí mật đẩy anh lên tàu rồi cử người canh gác chặt hai đầu toa... hệt như thời các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch... cho đến khi tàu tới ga Hà Nội.
Ra đến Hà Nội rồi vẫn còn phải rất cảnh giác, vẫn phải giấu kín anh, đề phòng còn có thể bị “truy kích”. Giấu ở đâu bây giờ? Anh Phùng Gia Lộc vốn quen thân với anh Bế Kiến Quốc, biên tập viên văn xuôi ở báo Văn Nghệ. Anh Quốc báo với chúng tôi và chúng tôi quyết định đưa anh Lộc về giấu ngay ở tòa soạn báo.
Anh Lộc ở ngay trong cơ quan, hết sức hạn chế đi ra bên ngoài, đêm ngủ ngay trên chiếc bàn lớn chúng tôi vẫn dùng làm chỗ giao ban và duyệt báo hằng ngày. Chúng tôi cũng căn dặn nhau rất kỹ, tuyệt đối không ai được tiết lộ sự có mặt của anh ở đây. Hồi đó báo chúng tôi còn rất nghèo. Các chị em ở phòng trị sự chung nhau mỗi người góp mấy lon gạo nấu cơm nuôi anh. Anh chị em biên tập thì góp mỗi người một ít tiền.
Chính trong những ngày đó anh Lộc đã kể cho chúng tôi nghe tình cảnh bi đát của nông dân trong cái “đêm trước” vô cùng đen tối ở quê anh. Chúng tôi ngồi nghe, không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi nói với anh Lộc: “Thôi bây giờ anh ở đây với anh em chúng tôi, no đói có nhau. Và anh ngồi đây, viết lại tất cả những gì anh đã biết, đã sống qua và đã kể đi. Chỉ cần viết đúng như anh đã kể”.
Anh Lộc đã ngồi viết thiên phóng sự nổi tiếng Cái đêm hôm ấy đêm gì... như vậy đấy, đều về đêm, trên chiếc bàn lớn duy nhất của tòa soạn chúng tôi hồi bấy giờ, viết mệt quá thì nằm luôn lên bàn đó mà ngủ, nửa đêm sực thức dậy lại viết tiếp... Anh Bế Kiến Quốc là người trực tiếp biên tập bài báo ấy. Theo tôi được biết, anh Quốc hầu như không sửa bỏ chữ nào. Bài viết chỉ trong hai đêm thì xong. Và chúng tôi cho đăng ngay...
Anh Lộc còn tiếp tục phải trốn ở chỗ chúng tôi mấy tháng nữa, rau muối với anh chị em chúng tôi... cho đến khi vị đứng đầu tỉnh anh bị đổ, an toàn cho những người trung thực ở quê anh đã được khôi phục...
Như chúng ta đều biết, sau đó anh Lê Huy Ngọ được cử về làm bí thư Thanh Hóa, thay vị tiền nhiệm ghê gớm kia. Một trong những việc làm đầu tiên của anh Ngọ khi về Thanh Hóa là tổ chức một cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với báo chí, lắng nghe ý kiến của những tờ báo đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt cho một Thanh Hóa, và một nông thôn của chúng ta lành mạnh và phát triển.
Tôi đã quen anh Ngọ hồi anh còn làm bí thư Vĩnh Phú. Hôm gặp lại nhau tại Thanh Hóa, tôi còn nhớ rõ anh nói với tôi như thổ lộ một suy nghiệm chắc đã nung nấu khá sâu và khá lâu, một câu hỏi tôi mà cũng có thể là anh tự hỏi mình: “Có phải Thanh Hóa đã được dùng làm “bãi thử” cho dân chủ hóa?”.
Rất có thể đúng như vậy đấy. Dân chủ hóa xã hội không phải cứ nghĩ ra là có ngay được, cũng không phải có thể có trong ngày một ngày hai, mà là một cuộc vận động và đấu tranh xã hội kiên định, kiên trì, lâu dài. Phải “học làm dân chủ” như các bạn ta ở một nước xã hội chủ nghĩa cũ đã nói trong cuộc trăn trở chuyển mình của đất nước các bạn, một cuộc học có thể rất gian nan. Và cần có những “bãi thử”. Để mới dần dần thật sự có được.
Phùng Gia Lộc là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc “học” gian nan đó của chúng ta một thời. Anh đã mất rồi, hầu như chỉ để lại cho chúng ta một bài báo ngắn. Trong văn học có những nhà văn rất xứng đáng là nhà văn, mà chỉ có một bài.
-----------------
(*) Nhà văn Nguyên Ngọc là tổng biên tập báo Văn Nghệ giai đoạn 1987 - 1988.
NGUYÊN NGỌC
 
Thứ sáu, 21/06/2013 - 12:00 AM (GMT+7)
Tết thời bao cấp.
Văn học và báo chí thuộc lĩnh vực tuyên truyền; ở một khía cạnh khác, là tiếng nói của cá nhân, là khát vọng và sự phản ứng của nhân dân trước những vấn đề xã hội. Ở khía cạnh nào, với trái tim luôn tỉnh thức và mang nỗi đau đời, yêu người, những nhà báo, nhà văn chân chính bao giờ cũng là những con chim báo bão của cách mạng, của những đổi thay tiến bộ.
M.Gorki từng viết, trong những thời khắc đen tối của cuộc sống, mây đen che cả mặt trời, trong khi các loài chim khác rên xiết và sợ hãi thì “Riêng mình chim báo bão bay lượn ngang tàng và tự do trên biển dậy sóng bạc đầu”! Chúng cất tiếng kêu và “... trong tiếng kêu có niềm khát khao bão táp!;“Chim biết chắc mây đen sẽ không che nổi ánh mặt trời, không bao giờ che nổi”!
Rất nhiều năm, người ta đã đồng nghĩa hợp tác xã, mậu dịch quốc doanh với CNXH. Ai không vào hay vào rồi mà ra khỏi hợp tác thì bị phân biệt đối xử, con cái khó mà được đi đại học, được vào biên chế. Tư nhân mà kinh doanh, sản xuất bị coi là con buôn, là mầm mống tư bản, phải ngăn chặn, cải tạo!
Ông Nguyễn Văn Chẩn, nhân vật trong bài báo “Câu chuyện ông vua lốp” đăng trên báo Văn nghệ giữa năm 1986 của Trần Huy Quang, là người từ năm 1958 đã biết tận dụng lốp ô-tô thừa làm dép cao-su, đưa cuộc sống gia đình lên khá giả. Nhưng rồi dép nhựa lên ngôi, ông trở về nghèo đói. Ông chuyển sang nghề làm bút. “Một hôm thằng con tôi đi học về mếu máo: “Bố ơi, bố mua cho con cái bút khác chứ cái bút đang dùng vỡ cổ rồi, mực chảy nhòe nhoẹt cả tay”. Tôi đi khắp các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không nơi nào có, hoặc có thì bán phân phối. Tôi đành phải bỏ ra sáu đồng mua cho cháu một cái “Trường Sơn” mà giá phân phối chỉ có ba đồng. Tôi căm ghét cái ba đồng ngoài giá mậu dịch ấy”. Thế rồi vì ông làm bút máy cho học sinh từ phế liệu, chủ yếu là dép nhựa hỏng, mà bị tịch thu hết tài sản, bị Tòa Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù phải nằm Hỏa Lò vì tội đầu cơ. Kêu kiện mãi, Tòa Phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tối cao chỉ phạt cảnh cáo và 100 đồng, “xí xóa” cái chuyện ngồi tù. Đó là năm 1972.
Cái con người ham làm ra cái gì cuộc sống cần, ham làm ra tiền trong ông Chẩn lúc nào cũng cựa quậy. Ông chuyển sang sản xuất nhựa vá săm, trong hai năm mà phất. Năm 1974 lại bị bắt. Được tha, lại đi làm lốp xe đạp. “Năm tám mốt, tám hai, tám ba, những năm lốp tôi bán rất chạy, khách cứ đùa tôi là “vua lốp”. Mỗi năm xuất hai ngàn đôi cho nhà nước. Sau khi được tặng huy chương đồng tại triển lãm Giảng Võ, báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai họa, chữ tài liền với chữ tai. Giữa năm tám ba, tai họa ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong”... Không những thế còn bị khởi tố, bắt giam vào ngày 25-7-1983. Nhưng rồi báo chí đã vào cuộc kịp thời, giúp đòi lại công bằng cho ông Chẩn. Chính quyền Hà Nội phải trả lại ngôi nhà ở Ngọc Hà đã tịch thu của ông. Trong phiên tòa, ông Chẩn nói: “Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí.
Vào một buổi tối năm 1987, tôi gặp anh Phùng Gia Lộc tại Hà Nội cùng anh Lã Hoan và Đỗ Xuân Thanh. “Ông Lộc đi trốn đấy, không thể ở Thanh Hóa được nữa rồi”! Còn anh Lộc vừa đau khổ, vừa mãn nguyện. Anh nói, đăng được Cái đêm hôm ấy đêm gì có chết cũng cam lòng! Cái đêm hôm ấy đêm gì là truyện ký đặc sắc nhất của cuộc đời sáng tác Phùng Gia Lộc, đồng thời là truyện ký đặc sắc của thời kỳ đầu Đổi mới.
“Việc thật ở nhà tôi đêm 26-11-1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì”? Anh từng kể về chuyện thu sản và nạn cường hào mới ở nông thôn như thế và sau này, anh viết trong bài của mình cũng như thế. Thu sản mà phải bí mật với dân, 12 giờ đêm mới đồng loạt ra quân; thu sạch xe đạp, bàn ghế giường tủ. Nhà anh mẹ già, ốm yếu, chị cò Lộc làm không đủ ăn lại còn phải tích cóp từng chút cho “hậu sự” của mẹ chồng. Năm 1983, Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân của anh Lộc bị lụt nặng. Dân mò vợt từng bông lúa dưới nước, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nộp sản! Mấy chị em thương mẹ, lo xa, dành thóc cho vào áo quan của mẹ để làm bữa cơm cho làng sau này cũng bị cạy nắp lấy hết.
Viết được cái truyện có tiếng vang, nhưng anh Lộc không dám về Thanh nữa; nương nhờ ở nhà nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai và một số anh em khác, ít lâu sau thì mất...
***
Tết năm 1986, Báo Nhân Dân có đăng bài thơ “Lẽ sống” của đồng chí Lê Đức Thọ, trong đó có đoạn Dám nhìn thẳng sự thật/ Đâu sợ ai chê cười/ Ngã xuống thì đứng dậy/ Biết tiến và biết lùi... Đấu tranh là hạnh phúc/ Lẽ sống ở trên đời. Đó là nhận thức và quyết tâm của Trung ương mà rồi đây sẽ được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội VI. Trước, trong và sau Đại hội VI, Báo Nhân Dân là nơi nêu ra và góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống. Báo đã cổ vũ mạnh mẽ cho khoán hộ trong nông nghiệp, cho quyền tự chủ của doanh nghiệp; vạch ra những yếu kém trong lưu thông phân phối, chống nạn ngăn sông cấm chợ.
Báo đã cổ vũ mạnh mẽ cho những tác phẩm văn nghệ viết về đổi mới như Cù lao Tràm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn. Báo hồi ấy bốn trang nhưng Tổng Biên tập Hồng Hà dành hẳn một trang cho “Vấn đề hôm nay”.
Cùng với loạt bài Những việc cần làm ngay, vừa phản ánh, vừa chỉ đạo xử lý các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống, làm cho báo nóng hôi hổi. Nếu như Báo Nhân Dân chọn nhiều hơn về vấn đề chung và thiên về lý luận; thì báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Lao Động lại chọn đề tài cụ thể, từng câu chuyện và số phận độc đáo, có thái độ bênh vực người dân “thấp cổ bé miệng” một cách rõ ràng, lại có lối viết hình tượng nên có sức truyền cảm và lay động mạnh mẽ.
Sau khi đọc bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ trên Báo Nhân Dân, nữ sinh văn khoa năm thứ hai ĐHTH Hà Nội Phạm Thị Xuân Khải đã gửi cho Trưởng ban Tổ chức T.Ư một bài thơ Mùa xuân nhớ Bác. Văn phòng Lê Đức Thọ gửi bài thơ này tới báo Tiền Phong. Bài thơ đăng ngày 25-3- 1986 và như một vụ nổ, châm ngòi cho những “vụ nổ” khác, phá tan sự im lặng vì rụt rè, sợ hãi và bế tắc về tư tưởng lúc đó. Thơ đặt vấn đề:
Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Tôi hỏi anh Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong rằng, khi đăng những bài như Mùa xuân nhớ Bác, Vụ án 2000 ngày... các anh có sợ không?
Dương Kỳ Anh nói: “Khi quyết định đăng những bài báo như vậy, Ban Biên tập cũng biết trước sẽ có những phản ứng dữ dội, bởi vì lúc đó chưa được cởi mở như sau này. Báo chí suốt một thời gian dài trước đó gần như không có đăng những vấn đề gai góc, là những vấn đề rất mới, rất nhạy cảm, rất khó được chấp nhận lúc đó, không phải chỉ có cấp trên mà trong người đọc, trong xã hội chưa quen với những bài báo như vậy... Nhưng Ban Biên tập vẫn quyết định đăng vì muốn nói lên sự thật, muốn bảo vệ lẽ phải, sự công bằng... Với lại lúc đó anh em trong Ban Biên tập còn trẻ, rất hăng hái, không sợ phải đối mặt với khó khăn, thách thức, vì thấy mình làm đúng, lương tâm mình trong sáng”...
Khi Trần Huy Quang viết về ông vua lốp, sự nhạy cảm của nhà báo nhận ra cần phải giải phóng sức sản xuất. Ai đời, xã hội thiếu sản phẩm lại cấm người dân sản xuất!
Cuộc Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mấy mươi năm, do biết dựa vào dân, nên đã làm được nhiều chuyện thần kỳ. Nhưng bởi thế mà có tâm lý thần thánh hóa, cam chịu bao cấp về tư tưởng, cũng chẳng mấy hay ho. Chúng ta đã giải phóng được đất nước; nhưng cũng như thời kỳ tiền đổi mới, với nhiều khủng hoảng và bế tắc, vẫn cho thấy sự chưa giải phóng hoàn toàn được chuyện cơm áo và cần có sự giải phóng tiếp tục về tinh thần. Chỉ khi có sự giải phóng về tư tưởng, về tinh thần mạnh mẽ, mới có sự phát triển đất nước mạnh mẽ.
Chỉ khi có sự giải phóng về tư tưởng, về tinh thần mạnh mẽ, mới có sự phát triển đất nước mạnh mẽ.
   NGUYỄN SĨ ĐẠI


21 tháng 12 2010

Về Thăm Việt Nam

TẢN MẠN XUNG QUANH

CHUYẾN VỀ VIỆT NAM THỨ TƯ CỦA TÔI

Trần Chung Ngọc


11 tháng 12, 2010

Ba năm trước, 2007, chúng tôi đưa mấy đứa con và cháu nội ngoại về thăm Việt Nam, ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong chuyến đi này, mục đích chính là để cho chúng biết chút ít về đất nước Việt Nam nên tôi không có thì giờ tìm hiểu về nhân tình, xã hội Việt Nam. Năm nay, 2010, chỉ có hai vợ chồng và vài người bạn về thăm Việt Nam. Đây là chuyến về thăm Việt Nam thứ tư của tôi, bỏ ngoài tai những lời kêu gọi của tên đầu tôm Matthew Trần: “không du lịch Việt Nam, không mua hàng Việt Nam v…v…” nhằm “đánh sụm nền kinh tế Việt Nam”, một tên Công giáo chống Cộng điên khùng hết chỗ nói. Tên này trên danh nghĩa chống Cộng nhưng thực ra là chống quốc gia Việt Nam. Hắn không về Việt Nam để mở mắt ra mà thấy rằng Việt Kiều nườm nượp về thăm quê hương, không phải là một lần mà nhiều lần. Có người năm nào cũng về. Có người về chỉ để may quần áo và mua những sản phẩm của Việt Nam mà mình ưa thích. Hắn cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc ở số Việt Kiều về thăm quê hương và mua hàng Việt Nam mà không biết rằng theo Tổng cục Thống kê thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt gần 430,000 lượt. Như vậy, trong 11 tháng của năm 2010, Việt Nam đã đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 36, 5% so với cùng kỳ năm 2009) và vượt mục tiêu đón 4,2 triệu lượt do ngành du lịch đề ra từ đầu năm. Trong số này có khoảng hơn nửa triệu Việt Kiều. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM ước tính, lượng khách quốc tế đến thành phố trong tháng 11/2010 đạt khoảng 250.000 lượt, tăng 38 % so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số khách đến trong 11 tháng năm 2010 là 2,85 triệu lượt. Tổng cục Du lịch dự kiến đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu trong tháng 12 này. Một loại đầu óc như của Mathttew Trần thì không nên nói đến chuyện chống Cộng, chống như vậy chỉ làm xấu hổ lây cả đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ngoại trừ một thiểu số cùng hội cùng thuyền với hắn và cũng ngu ngơ như hắn. Chẳng trách là hắn có tên thánh Matthew.

Dự định đầu tiên của tôi là về dự lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng vì có những biến cố ngoài ý muốn nên tới ngày 21 tháng 10, 2010, chúng tôi mới lên đường về Việt Nam. Nhập cảnh Việt Nam thật dễ dàng, chỉ cần có chiếu khán có hiệu lực, không cần phải khai báo gì trên máy bay trước khi đến như trước đây. Chuyến đi năm nay kéo dài một tháng, chỉ ở hai thành phố lớn Saigon và Hanoi, thăm miền Tây sông nước Việt Nam: Hà Tiên, Cần Thơ, Rạch Giá, và Phú Quốc. Ngoài ra còn đi tham quan Camphuchia và Thái Lan. Đi thoải mái, dễ dàng, chẳng có ai làm khó dễ, chẳng có ai hỏi han giấy tờ, tuyệt đối chẳng có vấn đề gì. Một mục đích trong chuyến đi này của tôi là để tìm hiểu xem tình trạng Việt Nam ngày nay “tụt hậu nhất vùng Đông Nam Á” [theo con chiên Nguyễn Gia Kiểng trong bài “35 Năm Sau Ngày 30-4-1975 Vài Khẳng Định Cần Thiết”] hay để xem ”đất nước trong đói nghèo, khổ đau, lạc hậu, nhân quyền bị chà đạp” [theo con chiên đầu đàn LM Trần Quý Thiện trong bài “Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm Và Những Bài Học Lịch Sử”], và đời sống của người dân trong cái mà một số người chống Cộng như mê sảng, như điên cho rằng đang sống trong gông cùm của một cái “nhà tù vĩ đại” v…v…. như thế nào. Sau chuyến đi này thì tôi nhận thấy cái “tụt hậu nhất, nghèo nàn nhất, ngu dốt nhất, mê muội nhất” không phải là Việt Nam mà chính là đầu óc của các con chiên lớn nhỏ như LM Trần Quý Thiện hay Nguyễn Gia Kiểng, và của những kẻ chống Cộng điên cuồng như Matthew Trần ở trên. Nhưng thật ra, nói rằng đầu óc của các con chiên trên tụt hậu hay ngu dốt là không đúng, vì đầu óc của các con chiên thì đơn giản luôn luôn vẫn là như vậy, chẳng có thể thăng tiến hay tụt hậu. Những người chưa bao giờ về thăm Việt Nam thì chỉ nói mò về Việt Nam hoặc cố tình bịa đặt, nói sai sự thực, tiêu cực về Việt Nam trong tâm cảnh chống Cộng cực đoan và thường là “không đội trời chung với sự lương thiện trí thức”. Họ cứ ở trong những ốc đảo ngu dốt (từ của LM Trần Tam Tĩnh) nhắm mắt mà chống Cộng cho Chúa, hay cho lý tưởng Quốc Gia, trong khi Chúa của họ đang dần dần bị đào thải ở phương trời Âu Mỹ, và lý tưởng Quốc Gia đã trở thành lý tưởng của những băng đảng vô vương, vô pháp..trong một số cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Họ không hề nghĩ rằng mỗi năm có trên nửa triệu Việt Kiều về thăm quê hương và những người này có thể nhìn thấy tận mắt xã hội Việt Nam ngày nay ra sao cho nên làm sao có thể lừa dối họ bằng những thông tin dựng đứng, sai sự thực. Thật đúng như một Việt Kiều đã nhận xét,"Điều kỳ quặc hơn 30 năm qua: Họ là ai?", tôi chỉ ghi lại vài điều điển hình:

Có điều kỳ quặc lạ lùng mà hơn 30 năm qua nguời ta không thể hiểu và lý giải được.

Điều kỳ quặc ấy nằm ở chính cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Trong cộng đồng tha hương này, nổi lên những phần tử cặn bã mà đến nay người ta vẫn chưa biết đặt tên chính xác cho họ là gì.

Họ là người Việt Nam nhưng họ không bao giờ muốn đất nước của họ mạnh lên. Mong ước của họ là quê hương họ mãi mãi lầm than đói khổ để họ còn lý do, còn danh nghĩa để mà đi chống Cộng.

Họ lồng lộn ngăn cản đồng hương của họ mua hàng của chính đồng bào của họ ở quê hương họ làm ra bằng giọt mồ hôi của họ.

Họ quyết liệt ngăn cản đồng hương của họ gửi tiền về quê nhà giúp người thân ruột thịt với những phong trào "không gởi tiền về VN làm giàu cho VC".

Họ lồng lộn lên khi thấy đất nước của họ ngày càng thịnh vượng, họ như điên như cuồng khi các nước trên thế giới càng ngày càng kính trọng đất nước họ.

Họ tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu đất nước họ, bôi đen bôi bẩn bôi nhọ đất nước họ.

Hơn ba mươi năm qua người ta vẫn chưa tìm ra cái tên đích thực để gọi "CHÚNG NÓ LÀ CON GÌ". Lũ sinh vật chưa được đặt tên này đã tiến đến cái ngưỡng của bệnh điên cuồng. Trong mồm họ chất đầy tiếng chửi rủa, chất đầy những cặn bã thối tha nhất để sẵn sàng tuôn ra khi có dịp.

Câu hỏi vẫn đặt ra với chúng ta: HỌ LÀ GIỐNG GÌ?

Đọc Nguyễn Gia Kiểng, LM Trần Quý Thiện, và Matthew Trần ở trên, tôi cũng thắc mắc, không hiểu HỌ LÀ GIỐNG GÌ?. Tại sao họ không mở mắt ra mà nhìn để thấy đất nước Việt Nam ngày nay như thế nào. Trong “đất nước đói nghèo, tụt hậu, khổ đau, nhân quyền bị chà đạp” của những kẻ đầu tôm chống Cộng đến chiều này, hiện nay có khoảng 27 triệu chiếc xe gắn máy (nghĩa là trung bình cứ 3 người dân thì đã có 1 người sở hữu xe gắn máy), hơn 1 triệu xe hơi tư nhân trong đó có đủ các loại xe như Lexus, BMW v..v…. Saigon có khoàng 8 triệu dân và chính quyền Saigon đang quản lý hơn 4 triệu xe gắn máy, không kể vài trăm ngàn xe đang lưu hành nhưng không đăng ký với địa phương. Những hiểu biết trên và nhiều nữa về xã hội Việt Nam ngày nay là qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp với người dân, với bạn bè và thân nhân, và qua báo chí, thống kê chính thức của các chính quyền địa phương..

Việt Nam ngày nay có hai mặt, mặt nổi và mặt chìm. Mặt nổi dễ thấy, còn mặt chìm thì khó thấy đối với những người về thăm quê hương trong một thời gian ngắn như tôi, nhưng chúng ta cũng có thể biết được phần nào nếu chịu khó hỏi han, nói chuyện với những tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch, những người bán hàng rong v…v… và điều rõ rệt là người dân địa phương không phải là không biết gì. Trái lại, họ biết rất rõ, và tự do nói ra thoải mái những điều họ biết về các nhân vật lãnh đạo, về chính trị, tham nhũng, tệ nạn xã hội, vấn đề giáo dục v…v… với những khách xa lạ như tôi.. Tôi chẳng thấy họ có vẽ gì là e sợ khi nói ra những những vấn đề như vậy. Báo chí cũng thẳng thắn nói ra những tệ nạn xã hội, những vấn nạn trong chính quyền v…v… Về mặt nổi thì phải nói rằng đất nước đã phát triển rất nhiều, vượt xa tình trạng dưới thời 2 nền Việt Nam Cộng Hòa khi xưa, về xã hội cũng như về nhân quyền, tự do. Trên khắp nước đường xá, cầu cống phát triển nhiều, cho nên vấn đề giao thông, chuyên chở hàng hóa mau chóng hơn trước. Miền Tây sông nước, những chiếc cầu nhỏ bắc qua sông lạch đã thay thế cho những cầu khỉ khi xưa.

Lẽ dĩ nhiên, tôi không thể ghi lại chi tiết về những điều tôi tìm hiểu về xã hội Việt Nam ngày nay và những tình cảm của tôi với đất nước, khoan kể đến những bức hình mà tôi chụp và những mẩu video mà tôi quay. Cho nên sau đây tôi chỉ ghi lại vài nét đặc biệt.

Trước hết, có thể nói Việt Nam ngày nay là nước tự do nhất thế giới về vấn đề … xe cộ lưu thông, ít ra là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số lượng xe gắn máy và xe hơi quá nhiều, đứng trên cao có khi nhìn không thấy đường xá đâu, vì xe phủ kín tất cả. Cảnh kẹt xe thường xuyên xảy ra nên xảy ra tình trạng người lái xe mô tô cứ thấy chỗ nào đường trống là chạy, nếu dưới đường không còn chỗ thì leo lên lề đường chạy. Xe mô tô đi ngược chiều và coi đèn đỏ như đèn xanh không phải là chuyện lạ. Người dân có thể qua đường bất cứ chỗ nào, khách du lịch không có kinh nghiệm thì không tài nào có thể qua đường nổi nếu cứ chờ cho hết xe hoặc đèn đỏ. Tôi không có vấn đề băng qua đường vì theo người dân, cứ đi, đi từ từ, ngó trước ngó sau, và với cảnh xe chạy như vậy thì xe chạy không thể nào chạy nhanh và họ sẽ tránh mình chứ mình không phải tránh họ. Có một bà đầm muốn qua đường mà không biết cách, sợ, nên phải thuê một xe taxi đi đến đầu phố rồi quay trở lại để qua bên đường bên kia. Xe taxi, xe tư nhân có thể quay vòng lại (U-turn) bất cứ chỗ nào có thể được, tuy rằng phía đường bên kia đông nghẹt xe. Cứ tiến ra từ từ và xe bên kia sẽ nhường.

Tôi không biết rõ số lượng xe taxi nhưng chắc chắn là phải rất nhiều, vì 24 giờ trên 24, muốn gọi lúc nào cũng có. Ở TP Saigon có hai hãng Vinasun và Mai Linh đáng tin cậy. Ở Hà Nội thì Hanoi Tourist và Mai Linh. Nhưng lâu lâu cũng gặp một taxi dù, máy đo tiền nhảy vô tội vạ, và người đi nếu không biết đường thì rất có thể giá taxi tăng gấp đôi hoặc hơn nữa vì tài xế đi theo con đường dài và vòng vo nhất. Tôi vốn người Hà Nội nên đường sá khá thuộc, đôi khi còn phải chỉ cho một chú tài xế taxi mới vào nghề nên chưa thuộc đường nên đi đường nào, và có thể đi vòng để tránh kẹt xe.

Nói chung thì đời sống người dân trên toàn quốc tương đối khá hơn trước nhiều. Điều này thật là rõ rệt, ít ra là trong các thành phố lớn như Saigon, Hanoi, nếu ta để tâm quan sát người dân ăn mặc, số khách trong những quán ăn tương đối đắt tiền, các nhà hàng ăn tự chọn (buffet).. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Việt Nam không có người nghèo, lợi tức ở dưới mức nghèo. Nhưng kế hoạch xóa đói giảm nghèo của Nhà Nước khá thành công, theo thống kê của ngoại quốc. Sức sống của người dân VN thật là mãnh liệt, tấp nập từ sáng sớm đến tối mịt. Một hiện tượng tôi không hiểu nổi là tối chủ nhật mà xe mô tô vẫn chạy tràn ngập đường phố, đa số là giới trẻ, có khi rất trẻ, không biết bao nhiêu tuổi và đã đủ tuổi lái xe mô tô chưa. Các cô cậu đứng xếp hàng dài trước tiệm kem ở đường Tràng Tiền để mua kem ăn. Tại sao họ không ở nhà mà lại cứ đổ ra đường, chạy lòng vòng cho tốn xăng. Tìm hiểu thì có người giải thích, ở nhà ngộp (có lẽ vì nhà chật hẹp và không đủ tiện nghi) nên ra đường cho thoải mái. Có thể nói không ai là không có điện thoại cầm tay, kể cả những người buôn thúng bán mẹt hay bán hàng rong. Ở trong những khu xá mà cư dân và người bán hàng quen thuộc nhau thì bạn có thể ngồi nhà mua hàng qua điện thoại cầm tay, từ một bó hoa, một nải chuối, một cân thịt, một con cá cỡ bao nhiêu, hay một bó rau muống v…v…, người bán sẽ chọn hàng tươi tốt, chỉ mươi phút sau là họ sẽ mang tới tận nhà.

Đời sống số đông người dân thật vất vả, đầu tắt mặt tối, trừ những quan chức lớn và các đại gia. Nhưng người dân có vẻ thoải mái trong cuộc sống quen thuộc đó trong một đất nước thanh bình, ngày càng phát triển. Họ nói chuyện thời sự, chính trị, tham nhũng v…v… nhưng nói để mà nói chứ chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề này. Chẳng có mấy người quan tâm đến dân chủ hay tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo, những chiêu bài của vài chính khách sa-lông, những người không hề có hậu thuẫn của dân chúng. Đối với những người hiểu biết thì họ biết rất rõ, hung hăng nói bậy trong Tòa như Nguyễn Văn Lý thì không phải là tự do ngôn luận, thắp nến cầu nguyện với búa kìm và xà beng, cản trở lưu thông thì không phải là tự do tôn giáo. Hỏi về tên tuổi của những nhà tranh đấu cho dân chủ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo ở trong nước, mà giới chống Cộng ở hải ngoại thổi phồng quá đáng, chẳng có mấy người biết đến. Cũng có người biết nhưng chỉ biết lơ mơ và không hề có một ý niệm nào về những người này. Họ chỉ muốn yên ổn làm ăn, sống theo nếp sống của họ, đừng có ai làm phiền đến họ, thoải mái tự do đi lễ nhà thờ hay lễ Chùa. Nhưng trời chẳng chiều người, vì ở một số địa phương, nạn cường hào ác bá vẫn tồn tại, cướp đất của dân sau bình phong quy hoạch nọ kia, thu hồi một phần tiền cứu trợ của dân. Cường quyền đã thắng công lý. Mong Nhà Nước quan tâm nhiều hơn đến những tệ nạn xã hội này và giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Ai cũng biết tham nhũng là một quốc nạn nếu cứ để nó tự do phát triển mà không kiềm chế. Tham nhũng bắt nguồn từ vô minh vì không ý thức được luật vô thường trong vũ trụ. Không ai có thể sống mãi và khi chết chẳng ai mang theo được cái gì. Chỉ trong vòng vài chục năm nữa là chẳng có ai quan tâm đến ông A, bà B ở nhà như thế nào, đi xe gì, ăn cái gì, uống rượu gì, có bao nhiêu vợ nhỏ hay chồng hờ. Cái chân lý này có ngay trước mắt mà tại sao con người không nhìn thấy, vẫn cứ lao đầu vào những chuyện phù du vô lương tâm trước dân nghèo. Có đáng không và lương tâm có yên ổn không. Ngày xưa tôi có đọc bài “Hai Khuôn Mặt” [Les deux visages] trong một cuốn sách Pháp nào đó, không còn nhớ. Đại khái câu chuyện là một người soi gương thấy khuôn mặt mình hồn nhiên rạng rỡ như một thiên thần. Sau một thời gian, soi gương lại thấy mặt mình như quỷ. Chẳng cần nói chúng ta cũng hiểu trong thời gian đó ông ta đã làm những gì. Tôi hi vọng những người còn đôi chút lương tâm sẽ biết ngừng ở đâu và ngày ngày hãy soi gương, nhìn kỹ vào khuôn mặt mình..

Việt Nam có nhiều chuyện lạ. Có một đoạn đường Đại La Thành “đắt nhất hành tinh”. Đó là nhận định chính xác của người dân. Lề đường hay vỉa hè thường là chỗ đậu xe gắn máy, tuy ở một số đường phố, Hàng Ngang, Hàng Đào v…v.. có bảng cấm. Điều quái gở nhất là vấn đề học sinh, từ mẫu giáo lên trên đều phải đi học thêm. Hiện tượng này có thể chỉ có trong các thành phố lớn. Thiên chức của nhà giáo trở thành thương chức. Ai cũng biết giáo dục là nền tảng xây dựng nước và giữ nước. Một nền giáo dục èo ẹt, nhồi nhét thì làm sao học sinh, sinh viên phát huy được những sáng kiến. Chỉ có thể đi bắt chước người chứ không có sáng tạo. Cái khó nó bó cái khôn, đạo đức nghề nghiệp trở thành thứ yếu, cơn sốt kinh tế đã làm cho những giá trị xã hội đảo lộn. Thời nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, kể cả ở Mỹ, lương giáo chức bao giờ cũng thấp so với những nghề nghiệp trí thức khác như bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư v…v... Nhà giáo không cần gì hơn là có mức lương đủ sống để thi hành nhiệm vụ truyền lại kiến thức của mình cho lớp sau, và khuyến khích lớp sau hãy tiến xa hơn chính mình. Trò có hơn Thầy thì đất nước mới tiến bộ được. Thống kê mới nhất trình chiếu trên đài ABC cho thấy học sinh ở Thượng Hải, Trung Quốc, chiếm giải nhất về ba bộ môn: Toán, Khoa Học, và Văn chương. Trong 5 nước đứng đầu có Singapore và Nhật. Mỹ tụt xuống hạng 30. Phải nói Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản đã coi trọng nền giáo dục quốc gia như thế nào. Hi vọng Nhà Nước quan tâm đến nền giáo dục quốc gia nhiều hơn nữa, và đãi ngộ giáo chức cho xứng đáng với thiên chức của họ.

Văn hóa Coca-Cola, đặt những giá trị xã hội trên tình dục (sex), tiền (money), và bạo lực (violence) đã ảnh hưởng phần nào đến Việt Nam. Giới trẻ mặc T-shirt thường phải có một câu tiếng Anh ngớ ngẩn trên đó. Chiếc áo dài duyên dàng đã bị thay thế phần nào bởi những quần Jean ống chật, để lòi cả rốn cả mông ra, cho như vậy là văn minh tiến bộ. Mặc Jean có thể thuận tiện trong những công việc hàng ngày, nhưng đâu cần phải khoe rốn khoe mông. Đám cưới thì cô dâu ăn mặc lòe xòe, đầm chẳng ra đầm, Việt chẳng ra Việt, vào nhà thờ làm đám cưới cho bảnh, mất tất cả những vẻ nghiêm trang, trang trọng truyền thống. Phim ảnh Nam Hàn, đừng có gọi là Hàn Quốc, vì vứt Bắc Hàn đi đâu, có ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa coca-cola. Nhưng rất hấp dẫn nếu chúng ta chỉ nhìn bề ngoài. Diễn viên trai gái trẻ đẹp, quần nọ áo kia, nhà cửa sang trọng để thu hút những kẻ vọng ngoại không có đầu óc, chỉ biết nhìn bề ngoài, không quan tâm gì đến nội dung cuốn phim. Có gì là đạo đức trong đó? Con trai, con gái đều thuộc loại đi ăn mày tình yêu. Không được thì vò đầu, khóc lóc, đâm đầu đi uống rượu, nôn ọe hay say khướt, hay vào nhà thờ cầu nguyện với một người Do Thái đã chết tám hoánh từ 2000 năm nay, bộ xương khô cùng vợ con mới tìm thấy ở Jerusalem. Đối thoại thì ngớ ngẩn đần độn và vô lý đến buồn cười. Chuyện phim thì làm để câu khách, bịp bợm. Nhà nghèo rớt mồng tơi, nợ đìa, nhưng lại đòi đi du lịch Hawai. Hơi một tí thì bỏ đi Mỹ học, tưởng rằng vào đại học Mỹ dễ lắm hay sao, mà muốn vào học lúc nào cũng được, hoặc sang Mỹ sống, làm như bố Mỹ, muốn nhập cảnh lúc nào cũng được, ở bao lâu cũng được.. Những điều cực kỳ vô lý và ngu xuẩn này có đầy trong các phim truyện. Con trai thì thô lỗ, lôi kéo bạn gái sềnh sệch, và bạn gái cử để yên bị lôi như lôi chó. Đàn bà cao sang mấy cũng túm tóc nhau uýnh lộn. Đó là văn hóa Nam Hàn nhưng chẳng có mấy người quan tâm mà chỉ nhìn vào mấy tên ranh con đẹp trai, mặt non choẹt mà làm giám đốc, trưởng phòng nọ kia, và mấy đứa con gái, tán trai trắng trợn mà không biết ngượng, mở miệng ra là cúi đầu “xin lỗi”, tuy chẳng có lỗi gì, bị mẹ chồng tát một cách rất vô lý cũng cúi đầu “con xin lỗi” v…v… Tiến bộ kỹ thuật đến đâu cũng không xóa bỏ được hình ảnh của một nền văn hóa hạ lưu qua các phim truyện. Loáng thoáng phim Việt Nam cũng bắt chước mấy cái dỏm của phim Nam Hàn.

Sau mấy lần về thăm quê hương, đi khắp ba miền và cả cao nguyên, tôi thấy đất nước quả thật là đẹp. Người dân hiền hòa và hiếu khách. Tôi đã sống ở Mỹ trên 30 năm nhưng chưa bao giờ tôi có ý tưởng điên rồ là so sánh Mỹ với Việt Nam, và nhất là chưa bao giờ có ý tưởng chê bai sự nghèo khổ, kém phát triển của đất nước sau mấy chục năm chiến tranh. Bởi vì tôi nghĩ, nếu tôi còn ở lại quê hương thì tôi cũng thế thôi, cũng hòa mình trong nhịp sống của người dân. Cho nên tôi coi những người mở miệng ra là chê bai Việt Nam và những vấn nạn xã hội chỉ là những kẻ không có mấy đầu óc, vì thời thế nên sống ở nước ngoài, quay đầu lại với đất nước, và thực ra họ cũng chẳng biết gì về cái quốc gia mà họ đang sống trong đó, khoan nói là họ không có tư cách để nói về Việt Nam.

Tôi cảm thấy khá buồn cười vì có một số mở miệng ra là chống Cộng mà đáng lẽ ra họ phải cám ơn Cộng. Thử hỏi, nếu không có Cộng thì họ có được ở những căn nhà giá cả triệu đô-la, đi xe tốt, và con cái học hành thành công, tốt nghiệp từ những đại học lớn của Mỹ. Ở lại trong nước thì đến đời nào họ mới có được một căn nhà như vậy, một chiếc xe như vậy, và con cái họ thì bao giờ được vào các trường đại học lớn ở Mỹ để học. Nếu có được phần nào như vậy thì cũng lại do ăn hối lộ, tham nhũng. Hay cũng lại như mọi người dân trong nước? Bảo là họ yêu nước nên chống Cộng? Tôi hoàn toàn nghi ngờ điều này. Họ chống vì hận thù cá nhân hoặc vì cuồng tín tôn giáo, bất kể Cộng đã cất đi cho hơn 80 triệu người dân gánh nặng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vì lý tưởng quốc gia chăng, nhưng bản chất lý tưởng quốc gia là gì? Ai có thể trả lời thỏa đáng cho tôi. Quốc gia của mấy người là quốc gia dưới cái dù của Pháp, là quốc gia của tên phán quan Tây Ban Nha Ngô Đình Diệm, mà chính quyền của ông ta đã giết 300000 người trong mưu đồ Ca-tô hóa miền Nam sau bình phong chống Cộng, giết hại người kháng chiến yêu nước, một điều mà Hiệp Định Geneva đã nói rõ là cả hai phe đều cấm trả thù những người theo Việt Minh hay theo Quốc gia. CS đã tôn trọng điều khoản này, nhưng quốc gia thì sao? Hay là quốc gia của Nguyễn Văn Thiệu dưới cái dù của Mỹ. Lý tưởng quốc gia được bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ. Chúng ta hãy nghe luận điệu của LS. Lê Duy San:

Cuộc chiến Việt Nam mặc dầu đã được kết thúc trên ba chục năm nay, nhưng nhiều người vẫn còn tự hỏi, “Quân đội của chúng ta hùng mạnh như vậy, tinh thần chiến đấu của quân đội chúng ta anh dũng như vậy, nhiều quân nhân còn xâm chữ “Sát Cộng” vào cánh tay, còn đồng bào ta thì sợ Việt Cộng như cùi, như hủi, bọn chúng tới đâu là đồng bào ta bỏ chạy tới đó, vậy mà tại sao chúng ta lại thua Cộng Sản ? ”

Chỉ có người ngu mới tự hỏi như vậy chứ còn người hiểu biết thì đã biết rõ nguyên nhân từ lâu rồi. Hãy bỏ nghề LS, trở lại trường học để học về lịch sử cận đại Việt Nam. Một câu hỏi ngắn: Nếu đúng Miền Nam được đa số người dân ủng hộ, làm hậu thuẫn, sợ Việt Công như cùi như hủi, thì làm sao Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có thể sống sót và phát triển ở miền Nam, làm sao có hệ thống đưởng hầm Củ Chi, làm sao có Tết Mậu Thân, và cuối cùng làm sao chỉ trong 55 ngày của mùa Xuân 1975, cả một quân đội buộng súng, cả một chính phủ tan hàng (trước cả khi tướng Dương Văn Minh ra lệnh ngưng bắn !) v…v…, khiến cho quan thầy Mỹ phải tính chuyện rút lui trong danh dự, ít ra là ở ngoài mặt, chứ trong thực tế thì ai cũng nhớ ngày chót, Martin phải leo lên trực thăng ở nóc Tòa Đại Sứ để “rút lui trong danh dự”? Những lời nói khoa trương huênh hoang một cách ngu xuẩn như trên của ông LS không thể làm thay đổi được sự thật lịch sử.

Việt Nam có nhiều vấn nạn cần phải giải quyết và có thể giải quyết được nếu lãnh đạo các cấp quan tâm đến đời sống của người dân hơn nữa. Việt Nam còn nhiều chuyện đáng nói nhưng không làm sao nói hết được nên tôi xin sang các đề mục khác.

Trong thời gian ở Hà Nội tôi có ghé qua khu đất nổi tiếng cách đây mấy năm, nổi tiếng với ông Tổng Kiệt nhục nhã và sự cuồng tín của đám con chiên. Có vài hình ảnh đáng coi.

Nhà Thờ Lớn Hà-Nội. Xây trên đất ăn cướp của Chùa Báo Thiên. Cảnh phụ huynh chờ đón con đi học về trước nhà thờ cửa đóng then cài.

Đây là khu đất của Tòa Khâm Sứ, vốn là đất ăn cướp của Phật Giáo, nơi mà ông Tổng Kiệt đã huy động giáo dân gồm cả đàn bà, con nít, đến cầu nguyện hiệp thông với búa, kìm và xà beng, để đòi lại cho Vatican. Nay là một công viên với tòa nhà thư viện.

Đây là Tổng Hành Dinh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Bên cạnh là khu đất của Tòa Khâm Sứ của các khâm sứ thực dân trước đây.

Tôi vẫn phải nhớ ơn ông Tổng Kiệt nhục nhã, vì nhờ có ông qua vụ đòi đất ở Tòa Khâm Sứ và vài nơi khác mà người dân Việt Nam đã nhìn ra bộ mặt nô lệ, phi dân tộc, phi tổ quốc của Giáo hội Ca-tô Rô-ma Giáo tại Việt Nam. Chúng ta còn nhớ ông Tổng Kiệt đã bất chấp lời khuyên xây dựng của chính quyền, kéo dài màn cầu nguyện, nhưng chỉ với một văn thư của Hồng Y Bertone ở Vatican ban xuống là cả đàn cả lũ ríu rít dẹp cờ xí, búa kìm và xà beng, về cố thủ dưới chân cây thập ác.

Ở hải ngoại người ta đưa ra luận điệu ngụy biện là cuộc thắp nến cầu nguyện mục đích chỉ là ngăn chận các quan chức chia chác nhau mảnh đất đó. Nhưng sự chia chác đất dân đã từng xảy ra khắp nơi từ trước, sao chẳng thấy giáo dân vác búa kìm và xà beng đến đòi để ngăn chận. Nếu may ra, chính quyền nhượng bộ, đòi được thì lại dâng cho Vatican, đơn giản chỉ có vậy thôi.

Tôi cũng đã đến thăm khách sạn Hilton, nơi McCain ở miễn phí khi bị bắt làm tù binh. Có hình ông ta trở lại thăm nơi này. Có vài tấm hình chứng tỏ cả thế giới phản đối cuộc xâm lăng của Mỹ vào Việt Nam.

Dân Pháp biểu tình ủng hộ Việt Nam

Dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh:
Hãy ngưng leo thang chiến tranh; 
Mỹ hãy ra khỏi Việt Nam

Ngày quốc tế chống chiến tranh Việt Nam

 

Tôi cũng đi thăm Chùa Bái Đính, ghé qua Hoa Lư, rồi đến thăm nhà thờ Phát Diệm.


Nhà thờ Phát Diệm với mái cong, biểu thị tinh thần
Dân tộc của Linh Mục Trần Lục, người đã dẫn 5000
giáo dân đi giúp thực dân Pháp để hạ căn cứ địa kháng 
chiến Ba Đình của anh hùng chống ngoại xâm Đinh Công Tráng

Trong chuyến về Việt Nam kỳ này tôi có tham dự đi mấy “tour”: Ở miền Nam đi thăm miền Tây Nam: Hà Tiên, Cần Thơ, Phú Quốc và Rạch Giá. Sau đó đi Campuchia và ở miền Nam, lấy tour đi Thái Lan. Tôi nghĩ không cần phải mô tả những chuyến đi tham quan này. Vì phải đi nhìn thấy tận mắt mới thấy và cảm nhận được những hình ảnh như Chùa Hang (Hải Sơn) ở Hà Tiên, Bến Ninh Kiều và sinh hoạt của người dân ở chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, những chiếc cầu dài, hoành tráng như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, bãi biển Phú Quốc v..v.. Cảnh hùng vĩ của Angkor Wat, Hoàng Cung, Chùa Vàng Bạc, và sinh hoạt trên nước của một cộng đồng người Việt trên Biển Hồ ở Campuchia. Bãi biển Pattaya, Phật 4 mặt, chùa Thuyền Wat Yannawa, Núi Phật Vàng với tượng Phật cao 140 m, tạc thẳng vào vách núi, dát vàng v…v…ở Thái Lan.

Nhưng có vài sự kiện tôi muốn nói đến. Đó là ở Campuchia có một bức tượng hai quân nhân CS Việt Nam được dựng lên để ghi ơn CS Việt Nam đã sang dẹp tan CS Pol Pot.

 

Bức tượng ghi ơn CS Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh

Ở Thái Lan tôi muốn nói đến Pattaya. Trước khi đến Pattaya, Thái Lan, hướng dẫn viên du lịch cho biết, cảnh đặc biệt ở Pattaya là cứ mỗi ông Tây già là có một cô gái Thái trẻ cặp kè bên cạnh. Mà quả nhiên đúng như thế thật. Hỏi ra thì được biết, đó là sản phẩm văn hóa của lính Mỹ để lại. Trước năm 1962, Pattaya là một thành phố hiền hòa thiên về ngư nghiệp. Trong cuộc chiến chống Việt Nam, Mỹ có vài căn cứ không quân dùng để oanh tạc Việt Nam. Và Pattaya là nơi để lính Mỹ nghỉ trước khi tiếp tục đi thả bom. Lính Mỹ đi đến đâu thì đĩ điếm phát triển đến đó. Lý do là tiền đô la rất hấp dẫn đối với dân nghèo, và cái nghề cổ nhất thế giới, ít ra là có từ trong Thánh Kinh của Ki Tô Giáo (chuyện về Tamar), là nghề hái ra tiền. Ngày nay Pattaya nổi tiếng là “sin city”. Con gái ngồi bầy hàng cả đống, nhưng du khách Á Đông đừng có mơ mộng được họ mời gọi. Họ chỉ nhắm vào những ông Tây (nói chung là Âu, Mỹ) già. Những người có tiền đều gửi con đi nơi khác học vì không muốn chúng bị ảnh hưởng xấu của xã hội Pattaya. Chúng ta cũng không nên quên là sau 1965, khi Mỹ bắt đầu đổ quân vào Việt Nam, thì gái điếm đứng cao nhất trong bậc thang xã hội ở Nam Việt Nam. Thứ nhì là mấy ông Cha, Chúa thứ hai. Câu truyền tụng trong dân gian này chắc cũng chưa ai quên.

Trong chuyến đi Việt Nam này tôi đã bỏ sót vấn đề sinh hoạt ăn chơi ban đêm ở các thành phố lớn như Saigon hay Hà Nội. Lý do rất đơn giản, vì tôi không biết gì về những sinh hoạt này. Ở tuổi tôi thì 9, 10 giờ tối đã lên chuồng rồi, chậm hơn gà vài tiếng. Vả lại từ xưa tới nay, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, tôi chưa bao giờ bén mảng đến phòng trà ca nhạc. Làm nghề giáo, nhất là nghề giáo ở Việt nam, có những ràng buộc tinh thần và đạo đức mà mình không thể vượt qua.

Vài lời nói cho rõ: tôi không thích Cộng sản nhưng tôi không chống Cộng. Ngày xưa tôi đã chống nhưng ngày nay tôi thấy không có lý do để chống. Đối với tôi, Cộng sản đã đi vào quá khứ. Nhưng vẫn có những Chu Tất Tiến, Lữ Giang v…v… vẫn tiếp tục chụp mũ tôi hay Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang là thiên Cộng hay làm tay sai cho Cộng. Họ chẳng biết gì về chúng tôi mà cứ nói như bò rống.

Họ khờ đến độ không hiểu rằng bây giờ Việt Nam đâu còn là Cộng Sản (Hình như sau nầy, khi Vatican thỏa hiệp với Hà Nội rồi thì Tú Gàn cũng “nhận” ra được điều nầy). Hãy về VN mà coi xem có cái gì có thể gọi là Cộng sản không. Đảng Cộng sản vẫn còn nhưng đó chỉ là một cái tên, không hơn không kém. Cứ dài mồm ra chống Cộng hay chụp mũ người khác là Cộng sản khi không còn Cộng sản và ở nơi không có Cộng thì có phải là điên không? Họ chỉ là những con bò mộng Tây Ba Nha màu đen, mỗi khi không đồng ý với ai nhưng không đủ trình độ phản biện, nên đeo cặp kính màu đỏ vào rồi húc càn. Chỉ có vậy thôi.

Những người đó cần phải học thuộc lòng câu sau trên tờ Orange County Register, tôi có thêm vào những cụm từ trong dấu ngoặc:

Những người chống (Cộng) [hay người Công giáo] có biết rằng trong thế giới ngày nay mà lên án một người nào là cộng sản [hay chống Công giáo] thì thật là ngu xuẩn không? Nó đã quá lỗi thời và chứng tỏ rõ ràng là các người thiếu học vấn (và nhiều khi còn thiếu giáo dục).

(Do you protestors [or Catholics] realize how ignorant it sounds to utilize and accuse someone of being a communist [or anti-catholic] in today's world? It's outdated and clearly demonstrates your lack of education.)

Ai không đồng ý, xin mời lên tiếng.

 

Trần Chung Ngọc

20 tháng 12 2010

Câu chuyện tình yêu Triều Tiên- Việt Nam


 

Một tình yêu anh hùng

Lưu Quang Định

Từ 3 năm nay, người dân khu tập thể Thành Công (Hà Nội) đã quen với hình ảnh một người đàn ông Việt trung niên cùng một phụ nữ Triều Tiên dáng gầy gò xách làn đi chợ mua cải thảo, ớt tươi về  làm món kim chi. Không nhiều người biết cặp tình nhân lặng lẽ đó đã có một cuộc tình bão tố kéo dài hơn ba mươi năm trời, và chỉ có nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá mới giúp họ đến được với nhau, thuộc về nhau...

Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yung Hi tại
Triều Tiên năm 1971. 

Hoa cúc dại ở Hàm Hưng
Hàm Hưng là một thành phố nhỏ nằm ở phía đông Bình Nhưỡng (thủ đô nước CHDCND Triền Tiên), sát bờ biển. Mùa hè năm 1971,  Phạm Ngọc Cảnh - chàng sinh viên VN học năm thứ ba Trường Đại học Công nghiệp Hoá học Hàm Hưng về thực tập tại NM phân đạm Hàm Hưng. Cảnh thực tập trong phân xưởng máy nén khí dưới tầng 1. Còn Ri Yung Hi, cô gái Triều Tiên ấy làm việc ở phòng phân tích hoá, trên tầng hai. Cô thường mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, tóc cắt ngắn, gương mặt xinh xắn. Còn anh là một chàng trai Việt với vầng trán rộng, đôi mắt sáng và trái tim đầy nhiệt huyết cứ ngỡ rằng mình đã muốn thì không gì cản trở được.

Một tình yêu sét đánh. Thời gian tìm hiểu không dài. Chỉ là những buổi thứ bảy, chủ nhật được nghỉ về thăm nhà Ri Yung Hi, hay đi dạo dọc bờ biển. Nhưng đến hết 3 tháng thực tập, hai người đều đã hiểu rằng họ không thể sống thiếu được nhau.

Tình yêu giữa một người con trai và một người con gái lẽ ra là hết sức bình thường. Thế nhưng trong hoàn cảnh lúc đó lại là chuyện bị cấm tuyệt đối.  Đất nước VN lúc đó đang có chiến tranh, nhiệm vụ của lưu học sinh là tập trung học tập để về phục vụ tổ quốc. Đối với nước bạn, mọi chuyện còn nghiêm khắc hơn.

Đầu năm 1973,  Cảnh tốt nghiệp về nước. Buổi tối cuối cùng hai người đi chơi với nhau, Cảnh rủ cô - bông cúc dại ở Hàm Hưng - về VN với anh. Cô bảo làm thế nào đi được? Cảnh nói: Ước gì cho em vào vali đưa lên tàu mà đi cùng. Cô nói: "Phải xa anh em chết mất. Nhưng dù sao em cũng đợi anh, yêu anh mãi mãi!".

Thấy người yêu buồn, Cảnh an ủi: Thôi, anh về VN ra chiến trường chiến đấu vài năm. Hết chiến tranh, mọi việc thay đổi, anh sẽ quay lại đón em". Khi đoàn tàu liên vận quốc tế hú còi rời ga Bình Nhưỡng, cả hai đều tin rằng xa cách sẽ chỉ là 3 năm mà thôi. Thực tế ông trời đã thử thách họ gấp mười lần hơn thế...

31 năm và 40 lá thư
"Ngọc Cảnh yêu thương!
... Yung Hi không chịu nổi việc để Ngọc Cảnh ra đi nên đã ốm mất cả tháng trời. Sốt 40 độ C mà vẫn mơ thấy Ngọc Cảnh. Mẹ bảo Yung Hi chết mất thôi con ơi rồi mẹ cũng khóc, nghỉ làm ở trạm điều dưỡng để chăm sóc cho em... Thấy em vừa chợp mắt lại khóc mẹ bảo với em Yung Hi thế là lại mơ thấy Cảnh rồi và đánh thức dậy, lúc ấy em thấy  mẹ nước mắt cũng lưng tròng. Không có anh Cảnh cuộc sống Yung Hi là như thế, bất hạnh biết bao nhiêu...".

Đây là một trong hơn 40 bức thư đầy chan chứa yêu thương, đau khổ của Ri Yung Hi mà anh Cảnh đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn. Còn thư từ anh gửi sang Triều Tiên thì Yung Hi đã phải đốt tất cả sau khi đọc để giữ bí mật. Bí mật là hai chữ mà cặp tình nhân này hiểu rằng lúc nào cũng phải nhớ. Thậm chí anh Cảnh không dám viết thư trực tiếp cho Yung Hi mà phải gửi qua bà mẹ. Trong thư anh cũng không đề tên Việt mà phiên âm tên mình ra tiếng Triều Tiên, thành Pơm Nốc Kiêng - một cái tên con gái. Phải cẩn thận bởi nếu mọi chuyện lộ ra, rất có thể Ri Yung Hi sẽ vĩnh viễn không còn được liên lạc với anh nữa.

Phê chuẩn của Quốc hội
Để giữ được liên lạc thường xuyên với tổ quốc của người mình yêu, Phạm Ngọc Cảnh đã làm tất cả: Bỏ công việc kỹ sư ở Tổng cục Hoá chất để chuyển sang làm việc bên ngành TDTT, bộ môn taekwondo. Chạy vạy các cửa thành lập Hội Hữu nghị Việt - Triều. Cứ mỗi lần nghe tin Triều Tiên bị thiên tai, mất mùa, anh lại miệt mài đi vận động quyên góp lương thực, quần áo, thuốc men để gửi sang giúp đỡ...

Năm 1992, gần hai mươi năm sau khi chia tay người yêu, có một lần Phạm Ngọc Cảnh cùng đoàn taekwondo VN sang Bình Nhưỡng thi đấu. Anh đã mang theo thật nhiều quà bánh, thuốc men, quần áo... để tặng Yung Hi, đã liên hệ với một người bạn làm trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên với hy vọng có thể gặp được cô. Nhưng hy vọng đó đã không thành. Hàm Hưng cách Bình Nhưỡng chỉ 300km, bằng từ HN vào Vinh thôi, nhưng anh không thể lên tàu đi tìm cô vì muốn ra khỏi thành phố phải được cấp giấy thông hành. Muốn gửi quà cũng không được vì không ai dám chuyển...

... và tại căn hộ ở Hà Nội - tháng
2.2006.
 
Năm 2001, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yeang Nam sang thăm chính thức VN, Phạm Ngọc Cảnh lần đến nhờ người phiên dịch tên là Park Sang Kim tìm tin tức Ri Yung Hi. ít lâu sau có thư từ Triều Tiên gửi sang báo rằng cô đã đi lấy chồng rồi.  Nhưng sau đó lại có thư xin lỗi, địa phương báo nhầm. Đến tận năm 2002, lại có tin rằng cô đã bị ốm chết 10 năm rồi. Được tin, Cảnh khóc hu hu. Nhưng thật may, bạn bè bên Triều Tiên lại báo lại người chết là cô em ruột chứ không phải Ri Yung Hi.

Suốt một thập niên từ năm 1992 (khi anh bắt đầu công khai hoá mối tình của mình với gia đình, bè bạn) đến năm 2002 (khi được phía bạn đồng ý), không thể nhớ hết Cảnh đã gặp bao nhiêu quan chức, đã viết bao nhiêu lá đơn gửi Bộ Ngoại giao, Quốc hội, Nhà nước hai nước Việt - Triều nhờ can thiệp...

Tháng 8.2002, Phạm Ngọc Cảnh dẫn đoàn VĐV taekwondo HN sang tập huấn và thi đấu ở Seoul (Hàn Quốc). Một chiều ra thăm Bàn Môn Điếm, vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền đất nước  Triều Tiên. Đứng bên này con sông áp Lục nhìn sang bờ bên kia mờ mờ sương khói, bỗng dưng anh thấy sốt ruột khủng khiếp. Phải về, phải về ngay. Về đến HN vài hôm, anh được Bộ Ngoại giao gọi đến, trao cho một bức công hàm của Đại sứ quán Triều Tiên. Đọc những dòng chữ mừng vui mà Cảnh không tin ở mắt mình: "Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn việc kết hôn của ông Phạm Ngọc Cảnh công dân VN với Ri Yung Hi, công dân Triều Tiên ngày 14.8.2002...".

Nhận được tấm giấy, Cảnh lập tức mua vé tàu "một mình một ngựa" sang Bình Nhưỡng, không quên mang theo bánh kẹo, chè, thuốc lá, rượu để làm đúng thủ tục của một chú rể đi hỏi vợ. Ngày 1.10 tàu đến nơi. Đến ngày 17.10, phía bạn báo Ri Yung Hi đã lên. Anh ra khách sạn Tuổi Trẻ gặp cô. Khi đi  thang máy lên đến tầng 25, cửa phòng mở ra, hai người mừng mừng tủi tủi nhìn thấy nhau. Bông cúc dại ngày nào nay gầy, đen, khi cười đầy những nếp nhăn ở đuôi mắt. Còn anh thì đã là người đàn ông trung niên, tóc bảy phần muối ba phần tiêu. Nàng Juliette đã 55 tuổi, còn Romeo 54. Như vậy  họ đã xa nhau 31 năm, 10 tháng, 17 ngày.

Vĩ thanh ở Hà Nội
Chắc nhiều bạn đọc cũng tò mò muốn biết sau khi đoàn tụ, cặp tình nhân say đắm ấy sống như thế nào, có hạnh phúc không, hay như người ta nói "tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau rồi tình nham nhở lắm ai ơi?".

Tết vừa qua, tôi được vợ chồng Phạm Ngọc Cảnh - Ri Yung Hi (tên VN vẫn gọi là Lý Vĩnh Hỉ) mời cùng ăn bữa cơm trưa. Cá kho, thịt đông, giò VN. Kim chi, rong biển và đũa vuông  xứ Triều. Một bữa cơm và một cuộc sống bình thường như bao cặp vợ chồng Việt khác. Ngày ngày anh Cảnh dắt chiếc xe máy Peugeot 103 màu trắng đi đến Sở TDTT HN làm, nơi anh là Trưởng bộ môn môtô - xe đạp. Những lúc có cuộc đua xa, đi xuyên Việt hay theo vòng cung Tây Bắc, anh cho chị cùng đi.

Có một dạo chị đi bán hàng thuê cho một cửa hàng chăn ga gối đệm Hàn Quốc, có lúc đi dạy tiếng Hàn... Năm ngoái, chị đi bộ ngoài đường bị cành cây rơi vào đầu, phải nằm cấp cứu, khâu mười mấy mũi. Anh túc trực bên chị ngày đêm trong bệnh viện và từ đó không để chị phải đi làm nữa. Anh lắp truyền hình cáp có kênh KBS, Ariang cho chị xem, mua sách tiếng Hàn cho chị đọc... Căn hộ tuềnh toàng của họ (nơi vợ chồng Cảnh sống cùng cha và người em gái của anh) tuy không giàu của cải nhưng luôn đầy ắp tình yêu. Điều chạnh lòng duy nhất - mà tôi cũng không dám hỏi anh chị - nếu có có lẽ là thời gian nghiệt ngã kéo quá dài đã không cho phép họ có được một mụn con...

Còn nhớ đã có lần đại sứ VN tại Hàn Quốc Dương Chính Thức khuyên chàng Romeo của chúng ta: "Thôi, anh thấy mày về xem chuyện gia đình thế nào đi. Việc chờ đợi này vô vọng lắm...". Anh Cảnh đã trả lời: "Em chờ đến nay đã 31 năm. Nếu đi tu trên chùa thì đã thành sư cụ rồi. Bây giờ anh bảo em bỏ chùa, bỏ phật thì bỏ thế nào được". Rồi anh tâm sự thêm với tôi: "Kể cả đến chết mà không lấy được nhau cũng không sợ. Ngày xưa cô ấy nói: Hai đứa mình cùng chết đi anh. Anh có biết giết không, hay anh giết em đi, để hai đứa mình cùng chết".  Nhưng anh nghĩ chết thì chẳng ra vấn đề gì cả. Sống được, đến với nhau được mới là khó" - người đàn ông 57 tuổi nói với tôi như vậy.

Cứ sau mỗi lần gặp anh Cảnh và Ri Yung Hi, bao giờ trong tôi cũng cuộn lên ý nghĩ: Tình yêu nhiều lúc quả thực là một cái gì đó không giải thích nổi, một điều kỳ diệu. Hai con người bé nhỏ đó lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua bao khó khăn, cách trở không gian, thời gian... để đến được với nhau? Tôi nghĩ sống ở trên đời, nhất là đối với người đàn ông "đầu đội trời, chân đạp đất", có nhiều thứ để có thể tự hào: Một sự nghiệp, một gia tài, một địa vị... Nhưng một tình yêu lớn và hiếm hoi, một tình yêu thậm chí có thể gọi là anh hùng,  như của anh Cảnh, cũng đáng để tự hào lắm chứ!

 


Nguồn : Lao Động 13/2/2006


Cano lật đật ST-168




Do Công ty 189 - BQP sản xuất!