| Một tình yêu anh hùng Lưu Quang Định Từ 3 năm nay, người dân khu tập thể Thành Công (Hà Nội) đã quen với hình ảnh một người đàn ông Việt trung niên cùng một phụ nữ Triều Tiên dáng gầy gò xách làn đi chợ mua cải thảo, ớt tươi về làm món kim chi. Không nhiều người biết cặp tình nhân lặng lẽ đó đã có một cuộc tình bão tố kéo dài hơn ba mươi năm trời, và chỉ có nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá mới giúp họ đến được với nhau, thuộc về nhau... | Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yung Hi tại Triều Tiên năm 1971. | Hoa cúc dại ở Hàm Hưng Hàm Hưng là một thành phố nhỏ nằm ở phía đông Bình Nhưỡng (thủ đô nước CHDCND Triền Tiên), sát bờ biển. Mùa hè năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh - chàng sinh viên VN học năm thứ ba Trường Đại học Công nghiệp Hoá học Hàm Hưng về thực tập tại NM phân đạm Hàm Hưng. Cảnh thực tập trong phân xưởng máy nén khí dưới tầng 1. Còn Ri Yung Hi, cô gái Triều Tiên ấy làm việc ở phòng phân tích hoá, trên tầng hai. Cô thường mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, tóc cắt ngắn, gương mặt xinh xắn. Còn anh là một chàng trai Việt với vầng trán rộng, đôi mắt sáng và trái tim đầy nhiệt huyết cứ ngỡ rằng mình đã muốn thì không gì cản trở được. Một tình yêu sét đánh. Thời gian tìm hiểu không dài. Chỉ là những buổi thứ bảy, chủ nhật được nghỉ về thăm nhà Ri Yung Hi, hay đi dạo dọc bờ biển. Nhưng đến hết 3 tháng thực tập, hai người đều đã hiểu rằng họ không thể sống thiếu được nhau. Tình yêu giữa một người con trai và một người con gái lẽ ra là hết sức bình thường. Thế nhưng trong hoàn cảnh lúc đó lại là chuyện bị cấm tuyệt đối. Đất nước VN lúc đó đang có chiến tranh, nhiệm vụ của lưu học sinh là tập trung học tập để về phục vụ tổ quốc. Đối với nước bạn, mọi chuyện còn nghiêm khắc hơn. Đầu năm 1973, Cảnh tốt nghiệp về nước. Buổi tối cuối cùng hai người đi chơi với nhau, Cảnh rủ cô - bông cúc dại ở Hàm Hưng - về VN với anh. Cô bảo làm thế nào đi được? Cảnh nói: Ước gì cho em vào vali đưa lên tàu mà đi cùng. Cô nói: "Phải xa anh em chết mất. Nhưng dù sao em cũng đợi anh, yêu anh mãi mãi!". Thấy người yêu buồn, Cảnh an ủi: Thôi, anh về VN ra chiến trường chiến đấu vài năm. Hết chiến tranh, mọi việc thay đổi, anh sẽ quay lại đón em". Khi đoàn tàu liên vận quốc tế hú còi rời ga Bình Nhưỡng, cả hai đều tin rằng xa cách sẽ chỉ là 3 năm mà thôi. Thực tế ông trời đã thử thách họ gấp mười lần hơn thế... 31 năm và 40 lá thư "Ngọc Cảnh yêu thương! ... Yung Hi không chịu nổi việc để Ngọc Cảnh ra đi nên đã ốm mất cả tháng trời. Sốt 40 độ C mà vẫn mơ thấy Ngọc Cảnh. Mẹ bảo Yung Hi chết mất thôi con ơi rồi mẹ cũng khóc, nghỉ làm ở trạm điều dưỡng để chăm sóc cho em... Thấy em vừa chợp mắt lại khóc mẹ bảo với em Yung Hi thế là lại mơ thấy Cảnh rồi và đánh thức dậy, lúc ấy em thấy mẹ nước mắt cũng lưng tròng. Không có anh Cảnh cuộc sống Yung Hi là như thế, bất hạnh biết bao nhiêu...". Đây là một trong hơn 40 bức thư đầy chan chứa yêu thương, đau khổ của Ri Yung Hi mà anh Cảnh đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn. Còn thư từ anh gửi sang Triều Tiên thì Yung Hi đã phải đốt tất cả sau khi đọc để giữ bí mật. Bí mật là hai chữ mà cặp tình nhân này hiểu rằng lúc nào cũng phải nhớ. Thậm chí anh Cảnh không dám viết thư trực tiếp cho Yung Hi mà phải gửi qua bà mẹ. Trong thư anh cũng không đề tên Việt mà phiên âm tên mình ra tiếng Triều Tiên, thành Pơm Nốc Kiêng - một cái tên con gái. Phải cẩn thận bởi nếu mọi chuyện lộ ra, rất có thể Ri Yung Hi sẽ vĩnh viễn không còn được liên lạc với anh nữa. Phê chuẩn của Quốc hội Để giữ được liên lạc thường xuyên với tổ quốc của người mình yêu, Phạm Ngọc Cảnh đã làm tất cả: Bỏ công việc kỹ sư ở Tổng cục Hoá chất để chuyển sang làm việc bên ngành TDTT, bộ môn taekwondo. Chạy vạy các cửa thành lập Hội Hữu nghị Việt - Triều. Cứ mỗi lần nghe tin Triều Tiên bị thiên tai, mất mùa, anh lại miệt mài đi vận động quyên góp lương thực, quần áo, thuốc men để gửi sang giúp đỡ... Năm 1992, gần hai mươi năm sau khi chia tay người yêu, có một lần Phạm Ngọc Cảnh cùng đoàn taekwondo VN sang Bình Nhưỡng thi đấu. Anh đã mang theo thật nhiều quà bánh, thuốc men, quần áo... để tặng Yung Hi, đã liên hệ với một người bạn làm trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên với hy vọng có thể gặp được cô. Nhưng hy vọng đó đã không thành. Hàm Hưng cách Bình Nhưỡng chỉ 300km, bằng từ HN vào Vinh thôi, nhưng anh không thể lên tàu đi tìm cô vì muốn ra khỏi thành phố phải được cấp giấy thông hành. Muốn gửi quà cũng không được vì không ai dám chuyển... | ... và tại căn hộ ở Hà Nội - tháng 2.2006. | Năm 2001, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yeang Nam sang thăm chính thức VN, Phạm Ngọc Cảnh lần đến nhờ người phiên dịch tên là Park Sang Kim tìm tin tức Ri Yung Hi. ít lâu sau có thư từ Triều Tiên gửi sang báo rằng cô đã đi lấy chồng rồi. Nhưng sau đó lại có thư xin lỗi, địa phương báo nhầm. Đến tận năm 2002, lại có tin rằng cô đã bị ốm chết 10 năm rồi. Được tin, Cảnh khóc hu hu. Nhưng thật may, bạn bè bên Triều Tiên lại báo lại người chết là cô em ruột chứ không phải Ri Yung Hi. Suốt một thập niên từ năm 1992 (khi anh bắt đầu công khai hoá mối tình của mình với gia đình, bè bạn) đến năm 2002 (khi được phía bạn đồng ý), không thể nhớ hết Cảnh đã gặp bao nhiêu quan chức, đã viết bao nhiêu lá đơn gửi Bộ Ngoại giao, Quốc hội, Nhà nước hai nước Việt - Triều nhờ can thiệp... Tháng 8.2002, Phạm Ngọc Cảnh dẫn đoàn VĐV taekwondo HN sang tập huấn và thi đấu ở Seoul (Hàn Quốc). Một chiều ra thăm Bàn Môn Điếm, vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền đất nước Triều Tiên. Đứng bên này con sông áp Lục nhìn sang bờ bên kia mờ mờ sương khói, bỗng dưng anh thấy sốt ruột khủng khiếp. Phải về, phải về ngay. Về đến HN vài hôm, anh được Bộ Ngoại giao gọi đến, trao cho một bức công hàm của Đại sứ quán Triều Tiên. Đọc những dòng chữ mừng vui mà Cảnh không tin ở mắt mình: "Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn việc kết hôn của ông Phạm Ngọc Cảnh công dân VN với Ri Yung Hi, công dân Triều Tiên ngày 14.8.2002...". Nhận được tấm giấy, Cảnh lập tức mua vé tàu "một mình một ngựa" sang Bình Nhưỡng, không quên mang theo bánh kẹo, chè, thuốc lá, rượu để làm đúng thủ tục của một chú rể đi hỏi vợ. Ngày 1.10 tàu đến nơi. Đến ngày 17.10, phía bạn báo Ri Yung Hi đã lên. Anh ra khách sạn Tuổi Trẻ gặp cô. Khi đi thang máy lên đến tầng 25, cửa phòng mở ra, hai người mừng mừng tủi tủi nhìn thấy nhau. Bông cúc dại ngày nào nay gầy, đen, khi cười đầy những nếp nhăn ở đuôi mắt. Còn anh thì đã là người đàn ông trung niên, tóc bảy phần muối ba phần tiêu. Nàng Juliette đã 55 tuổi, còn Romeo 54. Như vậy họ đã xa nhau 31 năm, 10 tháng, 17 ngày. Vĩ thanh ở Hà Nội Chắc nhiều bạn đọc cũng tò mò muốn biết sau khi đoàn tụ, cặp tình nhân say đắm ấy sống như thế nào, có hạnh phúc không, hay như người ta nói "tình chỉ đẹp khi còn dang dở, lấy nhau rồi tình nham nhở lắm ai ơi?". Tết vừa qua, tôi được vợ chồng Phạm Ngọc Cảnh - Ri Yung Hi (tên VN vẫn gọi là Lý Vĩnh Hỉ) mời cùng ăn bữa cơm trưa. Cá kho, thịt đông, giò VN. Kim chi, rong biển và đũa vuông xứ Triều. Một bữa cơm và một cuộc sống bình thường như bao cặp vợ chồng Việt khác. Ngày ngày anh Cảnh dắt chiếc xe máy Peugeot 103 màu trắng đi đến Sở TDTT HN làm, nơi anh là Trưởng bộ môn môtô - xe đạp. Những lúc có cuộc đua xa, đi xuyên Việt hay theo vòng cung Tây Bắc, anh cho chị cùng đi. Có một dạo chị đi bán hàng thuê cho một cửa hàng chăn ga gối đệm Hàn Quốc, có lúc đi dạy tiếng Hàn... Năm ngoái, chị đi bộ ngoài đường bị cành cây rơi vào đầu, phải nằm cấp cứu, khâu mười mấy mũi. Anh túc trực bên chị ngày đêm trong bệnh viện và từ đó không để chị phải đi làm nữa. Anh lắp truyền hình cáp có kênh KBS, Ariang cho chị xem, mua sách tiếng Hàn cho chị đọc... Căn hộ tuềnh toàng của họ (nơi vợ chồng Cảnh sống cùng cha và người em gái của anh) tuy không giàu của cải nhưng luôn đầy ắp tình yêu. Điều chạnh lòng duy nhất - mà tôi cũng không dám hỏi anh chị - nếu có có lẽ là thời gian nghiệt ngã kéo quá dài đã không cho phép họ có được một mụn con... Còn nhớ đã có lần đại sứ VN tại Hàn Quốc Dương Chính Thức khuyên chàng Romeo của chúng ta: "Thôi, anh thấy mày về xem chuyện gia đình thế nào đi. Việc chờ đợi này vô vọng lắm...". Anh Cảnh đã trả lời: "Em chờ đến nay đã 31 năm. Nếu đi tu trên chùa thì đã thành sư cụ rồi. Bây giờ anh bảo em bỏ chùa, bỏ phật thì bỏ thế nào được". Rồi anh tâm sự thêm với tôi: "Kể cả đến chết mà không lấy được nhau cũng không sợ. Ngày xưa cô ấy nói: Hai đứa mình cùng chết đi anh. Anh có biết giết không, hay anh giết em đi, để hai đứa mình cùng chết". Nhưng anh nghĩ chết thì chẳng ra vấn đề gì cả. Sống được, đến với nhau được mới là khó" - người đàn ông 57 tuổi nói với tôi như vậy. Cứ sau mỗi lần gặp anh Cảnh và Ri Yung Hi, bao giờ trong tôi cũng cuộn lên ý nghĩ: Tình yêu nhiều lúc quả thực là một cái gì đó không giải thích nổi, một điều kỳ diệu. Hai con người bé nhỏ đó lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua bao khó khăn, cách trở không gian, thời gian... để đến được với nhau? Tôi nghĩ sống ở trên đời, nhất là đối với người đàn ông "đầu đội trời, chân đạp đất", có nhiều thứ để có thể tự hào: Một sự nghiệp, một gia tài, một địa vị... Nhưng một tình yêu lớn và hiếm hoi, một tình yêu thậm chí có thể gọi là anh hùng, như của anh Cảnh, cũng đáng để tự hào lắm chứ! Nguồn : Lao Động 13/2/2006 |
|
Tiền tài ,danh vọng ,tuổi tác rồi sẽ qua đi ,nhưng thiên tình sử của anh chị thật là cảm động,nó sẽ sống mãi cùng thời gian!Tôi đọc câu chuyện trên mà nước mắt cứ chảy dài ,ứa nghẹn.Câu chuyện tình này,hay hơn những câu chuyện tình khác là vì kết thúc có hậu.Kính chúc anh chị từ nay cho đến cuối đời luôn hạnh phúc.
Trả lờiXóaCảm ơn bác lequangduc!
Trả lờiXóaMối tình Việt Triều thật cảm động, Chúc mừng hạnh phúc và mong họ mãi mãi bên nhau!
Trả lờiXóaTình yêu mạnh hơn tất cả..!
Trả lờiXóaCả làng mà các anh đã biết, đều chết đói hết!!! Ri Yung Hi khẳng định thế
Trả lờiXóaCác bác phải nhìn tấm hình mà Ri Yung Hi chụp anh Cảnh sang cùng CTN NMT thì mới thấy đau xót, khi đó Ri Yung Hi không đc như tấm hình kia đâu, trc khi Ri Yung Hi đc gặp anh Cảnh đã đc nuôi 3 tháng để thoát khói hình ảnh của 1 người chết đói.
CTN NMT và nhiều ng ủng hộ nên VN viện trợ không hoàn lại cho Mấy Cha COn Nhà Lợn nên nó mới cho Ri Yung Hi đc cưới anh Cảnh nhân dịp CTN NMT sang tặng gạo :-((
Đau thương cho dân tộc Triều Tiên