Viên cai ngục và cuộc trốn chạy 40 năm
Đầu tháng 12.2010, lần đầu tiên sau hơn 40 năm thoát khỏi cái
nhà tù đã tra tấn đến chết 4.000 người tù cộng sản, yêu nước, ông Vũ
Minh Tằng đã trở lại đảo Phú Quốc, thực hiện “cuộc gặp lịch sử” với “ác
quỷ” Bảy Nhu.
Viên cai ngục 40 năm trốn chạy
Việc đầu tiên của tôi, khi vừa đáp xuống
sân bay Phú Quốc, là phải vượt 30km đường bụi mù, xóc nảy để le ve lượn
quanh khu vực nhà Bảy Nhu thám thính. Điện thoại cho nhiều người quen
biết Bảy Nhu mà tôi từng gặp ở An Thới, bao giờ tôi cũng chỉ dám dò hỏi
sức khỏe mọi người, hỏi “bác Nhu” độ này bệnh thấp khớp còn hành hạ
nhiều không, hoặc cái ban thờ Phật của người đàn ông ăn chay sám hối sau
nhiều năm lấy mắt cá chân, đập bánh chè, nhổ răng hàng nghìn người tù
yêu nước đó có còn không...
Lần trước, để “giáp mặt” viên cai ngục
được, tôi phải nhờ một đại tá đương chức của tỉnh đội Kiên Giang viết
thư tay, giới thiệu tôi với một người thân tín của Bảy Nhu. Giờ, tìm
trên mạng Google tìm kiếm một lần nữa, tôi không tìm được một tác giả
nào viết bài và trực tiếp ghi âm, chụp ảnh Bảy Nhu ngoài... tôi ra. Đó
lại là những bức ảnh chụp lén trong sự phản đối khá cương quyết của một
ông lão biết rất rõ mình là “quỷ sống” ở cái thời không tài nào hiểu
nổi... Trước chuyến vào Phú Quốc này, tôi đã biết tin, Bảy Nhu có đọc
bài tôi viết và rất oán thán “thằng nhà báo”, nếu bây giờ ông ta nhận ra
tôi thì sao?
|
Xuất phát ý tưởng
từ báo Lao Động, do Báo Lao Động cùng độc giả tổ chức "cuộc gặp gỡ nảy
lửa giữa người tù và viên cai ngục tài ác nhất trong lịch sử Việt Nam";
nhưng "sự kiện" đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan báo chí. |
Tiếng bước chân lao xao trên lá bạch đàn
khô, chó sủa như muốn cắn nát không gian chiều muộn, sương biển đã bắt
đầu buông phủ. Căn nhà màu hồng cô độc hiện ra giữa bạt ngàn gò đồi.
Những hình ảnh nhảy múa trong chiếc tivi giữa nhà Bảy Nhu phụt tắt. Tôi
đứng khựng lại, cả đoàn nín thở, kể như cuộc gặp gỡ sau mấy chặng tàu
bay và ôtô kia đã đổ bể ư? Theo đúng lập trình có sẵn từ nhiều năm của
Bảy Nhu, tắt tivi, tắt điện, cáo ốm, cáo vắng nhà, đi theo cửa sau thoát
vào rừng mắc võng ngủ, thế là xong. Tôi buộc phải chuyển phương án,
đứng ở cổng nhà Bảy Nhu, gọi thẳng về Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên
Giang. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị biên phòng tỉnh gọi về cho Lưu
Quang Mười, cán bộ đồn biên phòng quản lý địa bàn Bảy Nhu sinh sống. Bộ
quân phục xanh màu lá núi của Mười đứng án ngữ trước cổng, “Bác Bảy có
nhà không ạ, cháu là Mười “biên phòng” đây!”.
Quê ở miền Bắc, tốt nghiệp ĐH Biên phòng
xong, Mười được điều về thẳng An Thới đồn trú. Suốt 10 năm qua, “thượng
lá cây, hạ ngọn cỏ” ở đất này, Mười đều thuộc lòng, anh thường phải gặp
Bảy Nhu để vận động đừng... chạy trốn người khác như thế, tội lắm. Tư
liệu, lời của hướng dẫn viên trong khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc
có nói rõ: Bảy Nhu luôn lẩn tránh mọi cuộc tiếp xúc. Hồi mới đi cải tạo
về, ông Nhu sợ người ta trả thù mình vì “biển trời” tội ác trong quá
khứ, ông ta toàn gài mìn xung quanh nhà để tự bảo vệ. Ác giả ác báo, sau
này, chính người con út của ông Nhu đã vướng vào mìn đó, bị cụt một bên
chân.
|
Cuối cuộc gặp gỡ là sự tha thứ, cảm thông, nhưng đúng là cũng có rất nhiều căm phẫn, có khi cả hai cùng khóc.
|
“Xin ông tha lỗi. Tôi như con chó săn của chúng nó ấy mà”
Phải nói thật thà rằng, trong cơn xúc
động và đau đớn tột độ, nhiều cựu tù Phú Quốc “thân tàn ma dại” vì các
ngón đòn tra tấn của Bảy Nhu và đám quân cảnh đã đòi “đập chết” Bảy Nhu
cho hả giận. Nhưng, vì ông Tằng đã được “trấn an tư tưởng” suốt dọc
đường, là mình phải giữ “nhân cách của người chiến thắng”, nên ông khá
bình tĩnh.
Giọng ông Tằng như rít lên: “Ông Nhu có
nhận ra tôi không? Tôi là người bị các ông tra tấn nhiều nhất. Lúc tôi
ra khỏi nhà “điều hành”, nhìn thấy tôi, ông còn bảo: “Mày vẫn còn sống
đấy hử? Chúng tao đã chuẩn bị cỗ hậu (quan tài) để ném mày ra biển rồi
mà!”.
Giọng ông Nhu run lẩy bẩy: “Tôi không nhận ra đâu. Mắt tôi bây giờ yếu và mờ lắm”.
Ông Tằng vẫn kiên nhẫn, cố bình tĩnh:
“Tôi là Vũ Minh Tằng, vào tù 3.3.1967; ra tù 3.9.1973. Tôi bị quân cảnh
các ông tra tấn đến “kịch đường tàu” rồi. Đây, răng của tôi bị các ông
bẻ đây (vừa nói ông Tằng vừa móc hai hàm răng giả, chìa phom miệng toàn
lợi đỏ về phía ông Nhu). Trước tôi ở B2, tôi vẫn thường châm cứu chữa
bệnh đau lưng co rút cho ông mà. Răng này là người ta vừa làm tặng tôi
đấy!”. Ông Tằng dứ dứ hai hàm răng giả trị giá 30 triệu, trắng bóc về
phía ông Nhu.
Giọng ông Nhu đanh lại: “Có, tôi nhận ra ông rồi”.
Có vẻ việc nhận ra ông Tằng làm ông Nhu
mất kiểm soát rất nhiều. Ông ta có vẻ không quên ơn người tù đã châm cứu
chữa bệnh cho mình: “Ông Tằng ơi, tôi nhớ, bấy giờ ông ở buồng giam số
13, ông là Bí thư chi bộ. Các ông đào hầm khoét ngạch, mỗi ngày đào ra
được vài xẻng đất, lại đổ đất đi ra bìa rừng bằng cách nhét đất vào
trong xô đựng xỉ than nấu bếp. Buồng giam số 13 ở gần khu bếp ăn. Tôi
nhớ rồi. Tôi xin lỗi nhé. Đời nó là như thế, tôi cũng chỉ bị chúng nó
(đế quốc và tay sai) xui khiến và ép buộc phải làm. Đời tôi cũng như con
chó săn thôi, lúc đánh các ông, tôi như con chó săn, như cái thằng điên
ấy chứ có biết gì đâu”.
Nói rồi Bảy Nhu nhỏm dậy, giơ gương mặt
và hai cẳng tay lốm đốm tàn nhang đen xám về phía ông Tằng: “Tôi đây,
ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh”.
Nghe đến đấy, ông Tằng trong cơn căm
phẫn bỗng dưng... cũng xẹp xuống, giọng ông như rên xiết: “Bác Nhu à,
bác hơn tôi chừng10 tuổi, tôi gọi như thế cho tiện. Bác Nhu ơi, thế tại
sao bác lại ác đến mức đập vỡ đầu, đục gần hết răng, nghiền nát hai
xương bánh chè ở đầu gối tôi như thế. Nắm cơm bé và thuôn như quả chuối
của người tù, sao các bác lại bắt chúng tôi phải chấm cơm vào máu và vê
lẫn phân người để ăn?”.
Riêng chuyện này thì ông Nhu phủ nhận:
“Tôi khẳng định là tôi không làm chuyện đó. Chắc lúc tôi đi vắng, mấy
thằng lính nó giở trò như vậy”. Ông Nhu thừa nhận có chuyện ở mỗi phòng
tù nhân tuyệt thực đều có cái xô đựng nước, ở đó, có khi nước uống pha
lẫn phân, nước tiểu và máu của người tù, bắt họ uống.
|
Chùm răng của ông
Vũ Minh Tằng, sau khi bị Bảy Nhu và đám quân cảnh nhổ, bắt nuốt vào
bụng, ông đã bới phân mình giữ lại suốt gần 40 năm. Nay "bọn răng" đó
được lưu giữ trong tủ kính, đặt trên vải điều, tại bảo tàng Chiến sỹ
cách mạng bị địch bắt, tù đày ở Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh chụp khi ông Tằng
lên rủ bọn răng đi ra gặp Bảy Nhu.
|
Bảy Nhu hồi ức lại: “Ông có tài châm cứu
tuyệt lắm, chữa bệnh cho tôi đỡ lắm. Bấy giờ tôi bị đau ốm quá. Mà này,
giờ về quê, ông có phát huy được cái tay nghề đó nữa không?”. Ông Tằng
nhập ngũ khi bà vợ ở nhà đang mang thai đứa con thứ hai, ông đi biệt và
không bao giờ dám tin mình còn sống để trở về. Ông được đào tạo y sĩ ở
Viện 5 Quân y Ninh Bình từ trước khi nhập ngũ, năm 1962. Sau này vào tù
Phú Quốc, ông Tằng đã thu gom dây sắt, xin phép đám quân cảnh để mài
chúng thành những cái kim châm cứu dài 12cm, có tới 20 cái kim như vậy,
để chăm sóc sức khỏe cho bạn tù. Riêng thượng sĩ bẻ răng Phạm Văn Nhu là
trường hợp “bệnh nhân” đặc biệt nhất của “tay kim Vũ Minh Tằng”.
“Bận sau ông quay lại, chắc tôi không còn sống nữa đâu”
Tôi đã cố sức “đạo diễn” để ông Tằng
bình tĩnh lại, đừng gây ra ẩu đả, bởi hai người đều đã ở cái tuổi gần
đất xa trời. Hai ông bắt tay nhau, ngoài quà của đoàn chúng tôi, ông
Tằng thậm chí còn đột ngột rút ví tặng ông Nhu một ít tiền (ông có phụ
cấp bệnh binh) nho nhỏ, kèm theo một câu nói mà người nghe ai cũng dễ
cảm động: “Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh.
Đời tôi với bác bây giờ có sống được cũng chỉ là nhờ... thuốc thang mà
thôi”. Bảy Nhu bần thần nhìn mãi ra ngoài cửa: “Tôi xin lỗi ông”, rồi
quay sang giới thiệu bà vợ của mình: “Bà xã nhà tôi, năm nay cũng sang
tuổi 80, bắt đầu được lĩnh tiền dành cho người cao tuổi đấy”.
|
Bảy Nhu rất tự hào
khi được đoàn cựu tù Phú Quốc, trong đó có người ông ta Nhu đã quyết
định gửi vào Sài Gòn yêu cầu tử hình, nay họ trở lại thăm và tặng ảnh,
tặng quà "viên cai ngục" đã tra tấn mình... |
Ông Tằng quay ra hỏi về bà vợ hai của
ông Nhu, một phụ nữ trắng trẻo, mau mắn, nương theo địa vị của chồng để
làm tiếp phẩm, bán buôn phục vụ trong nhà tù. Ông Nhu cho biết: “Bà ấy
chết rồi, tôi đi cải tạo về thì bà ấy chết ở Kiên Giang”.
Khóc lớn, rồi lại cười lớn, hai con
người tưởng như là kẻ thù không đội trời chung kia đã nắm tay nhau. Bảy
Nhu khoe với ông Tằng bàn thờ Phật nhỏ bé ở góc tủ: “Tôi sống được nhờ
ăn chay và niệm Phật. Tôi biết ơn ông Tằng đã tha thứ cho tôi. Hôm trước
còn có ông Kế xuống gặp tôi. Ông ấy đã bị chúng tôi tra tấn, “kết án”
tử hình thế mà bây giờ vẫn còn sống. Những người dũng cảm như các ông,
kể cả lúc tra tấn các ông khi xưa, từ trong đáy lòng, tôi vẫn thấy rất
nể phục đấy chớ...”. Nói rồi, ông Nhu lại đưa bàn tay đen sẫm toàn vết
nám tàn nhang tuổi già của mình lên vò nhàu khuôn mặt mình, lần đầu
tiên tôi thấy ông ta nức nở khóc.
Cuộc gặp kết thúc, khi mặt trời đã lặn
dần xuống... biển Tây. Bảy Nhu khoác vai ông Tằng, bảo, năm sau nếu ông
quay lại, chưa chắc tôi đã còn sống nữa đâu. Hai ông đều khóc, tiếng
khóc của họ, nó có cái gì bứt rứt lạ kỳ.
Đỗ Doãn Hoàng
---------
---------
Cuối cuộc gặp gỡ là sự tha thứ, cảm thông, nhưng đúng là cũng có rất nhiều căm phẫn, có khi cả hai cùng khóc, cùng cười.
Cái bắt tay, sự thanh thản của ông Vũ Minh Tằng và Bảy Nhu, "người của hai chiến tuyến", sau gần 40 năm... người nọ không tin người kia là còn sống...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét