23 tháng 8 2011

Tiếng hát PGS, NSND Mai Khanh trên Đài TNVN


 Tiếng hát Mai Khanh trên Đài TNVN

66 năm trước đây, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mai Khanh và Thương Huyền là những giọng hát đầu tiên vang lên trên sóng Đài TNVN 
“…Sau khi nhận được bài hát Ngọn đèn đứng gác Nhạc Hoàng Hiệp, phổ thơ Chính Hữu, anh Phạm Tuyên ký vào văn bản và nói với Phan Nhân cùng tôi: Các bạn đưa bài này đến nhờ Mai Khanh hát, chắc là hay. Tôi và Phan Nhân đi xe đạp đến nhà Mai Khanh ở phố Ngô Thì Nhậm. Anh cầm lấy bản nhạc và lướt nhanh mà rằng: Chất liệu bài này có vẻ gần với hát Chèo, nó mang dáng dấp điệu “Con gà rừng” ngày xưa tôi từng hát. Anh xướng âm một lần rồi lắp lời vào. Chúng tôi nghe đã thấy rất ngọt:

Trên đường ta đi đánh giặc
Dù về nam hay ta lên bắc
Ở đâu cũng gặp
Những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu…


Ngọn Đèn Đứng Gác

Nhạc: Hoàng Hiệp
Thơ: Chính Hữu
Trình bày: Mai Khanh


Trên đường ta đi đánh giặc
Dù về Nam hay ta lên Bắc, ở đâu cũng gặp
Những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu.
Ơ… những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ tắt
Như miền Nam hai mươi năm không đêm nào ngủ được
Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức.
Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ
Đèn ta thắp niềm vui theo dõi
Đèn ta thắp những lời kêu gọi
Đi nhanh đi nhanh, chiến trường đã giục
Đầy núi đầy sông, đèn ta đã mọc.
Trên đường ta đi đánh giặc
Dù về Nam hay ta lên Bắc
Trong gió trong mưa, ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía trước…

Sau đó một tuần tôi cùng với Triều Dâng đến để nhắc lại anh về ngày giờ thu thanh bài hát đó. Vốn là diễn viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nên Mai Khanh rất nhiệt tình, sẵn sàng nhận lời và đến trước giờ vào phòng thu ở 58 phố Quán Sứ… Kỷ niệm ấy với Mai Khanh, tôi nhớ mãi”. (Trích Nhật ký).

66 năm trước đây, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mai Khanh và Thương Huyền là những giọng hát đầu tiên vang lên trên sóng Đài TNVN chỉ với nhạc đệm rất thô sơ như đàn Banjoline, hay đàn Accordion,hoặc đàn guitare cũ kỹ. Họ cứ hát thẳng vào micro để phát thanh trực tiếp trong phòng truyền âm ở sau Nhà hát Lớn (đường Phạm Ngũ Lão bây giờ). Thuở ấy làm gì có ghi âm trước, nếu hát sai giọng, lỡ nhịp thì xin lỗi thính giả và hát lại. Hoàn cảnh ấy, bạn nghe đài rộng lượng mà thông cảm, tha thứ. Mai Khanh từng nói: Lúc đó sao mà thấy hạnh phúc thế, tiếng hát của mình được bà con cả nước nghe, sướng quá.

PGS, NSND Mai Khanh đã nhiều lần về thăm Đài TNVN và trò chuyện cùng anh chị em biên tập cũng như các nghệ sĩ. Ông tên thật là Mai Trung Ngọc (1923 – 2011), quê ở Hải Dương. Cái “gen” hát từ người mẹ, vốn hay hát Đúm, hát Ví nổi tiếng một vùng. Học hết Trung học, Mai Khanh lên Hà Nội và thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành rồi làm nghề thợ điện. Sau đó vào làm ở xưởng Avia ở phố Phan Chu Trinh (khu đất của Bộ Tài chính hiện nay). Vừa đi làm vừa cùng bạn bè đi hát ở các hội Thể Thao Đông Dương cổ vũ cho phong trào thể thao yêu nước.

Năm 1944 khi các quán Tân Nghệ Sĩ (ở Bờ hồ), Thiên Thai (ở Hàng Bông) và Thăng Long (ở Hàng Gai) liên tiếp ra đời, đã trở thành những tụ điểm cà phê ca nhạc đầu tiên của trào lưu âm nhạc cải cách vào các tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Những nơi này không thể vắng tiếng hát của Mai Khanh, Thương Huyền với những bản nhạc: Trương Chi, Đàn chim Việt, Giọt mưa thu, Suối mơ, Con thuyền không bến… Họ đã để lại những dáu ấn đặc biệt trong lòng người nghe.

Năm 1946 Mai Khanh tham gia đoàn Kịch Giải Phóng. Ông đóng kịch hát Chèo trong vở “Chị Tấm anh Điền” và vở “Chị Trầm”. Năm 1949 Mai Khanh trở lại Đài TNVN khi đó ở Việt Bắc theo đề nghị của ông Trần Lâm và ông lại tiếp tục hát với Thương Huyền, Trần Thụ, Cầm Phong…




NGƯỜI HÀ NỘI
Sáng tác: Nguyễn Đình Thi
Thể hiện: Mai Khanh

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!
Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung,
Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!
Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng.
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng .
Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng.
Hà Nội vui sao. Những cửa đầu ô.
Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi
thắm.
Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào.
Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ.
Hàng Đào ríu rít Hàng Đường ,Hàng Bạc, Hàng Gai.
Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng
tươi.
Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người.
” Đoàn quân Việt Nam đi”
Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao.
Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước Việt Nam yêu dấu ngả soi
bóng sông Hồng Hà.
Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo!
Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng.
Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi!
Trời Hà Nội đỏ máu
Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày.
Ầm ầm cười tiếng súng vui thay vang ngày mai sáng láng.
Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bưng chói lói lòng ta.
Mai này lớp lớp người di thét vang vang trời khải hoàn.
Nhìn đây máu chúng ta tươi bao nhiêu đất này ta tưới ngày mai vút lên
Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông.
Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi ,
trán Người mái tóc bạc thêm.
Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười.
Tiếng cười.
Ngày về chiến thắng !



 Năm 1954 Mai Khanh cùng với các nghệ sĩ khác sang thu đĩa ở Trung Quốc. Sau khi về nước ông lại được cử đi Bắc Kinh học đại học thanh nhạc. Năm 1961 về làm chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Ít lâu sau Mai Khanh lại được cử đi học âm nhạc ở Kiev (Liên Xô cũ).

Tôi đã được dự một buổi biểu diễn của Mai Khanh gần 2 tiếng đồng hồ ở Câu lạc bộ Đoàn Kết (chếch phía bên cạnh Nhà hát Lớn hiện nay). Ông hát những bài “Tây” nhưng rất rõ lời. Rất giàu suy nghĩ, tìm tòi trong biểu diễn sau thời gian học ở nước ngoài về. Hôm ấy sau khi nghe, nhạc sĩ Tô Vũ đã nói “Mai Khanh là người có công đưa thanh nhạc phương Tây hòa vào âm nhạc dân tộc, rất Việt Nam mà rất hiện đại”. Năm 1983 nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Viện trưởng Âm nhạc) đã mời Mai Khanh vào TP Hồ Chí Minh và tham gia giảng dạy ở Đại học Thanh nhạc cho đến khi nghỉ hưu.

Một loạt nghệ sĩ mang ơn ông, vì Mai Khanh đã góp phần đào tạo các nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú như: Thanh Huyền, Tường Vi, Kim Ngọc, Vân Khánh, Trần Chất, Doãn Tần, Tô Lan Phương, v.v…


40 năm Mai Khanh hát và gần 30 năm ông giảng dạy, chung sức với các bạn nghề và góp phần đưa phong trào âm nhạc của nước nhà vươn lên. Ông từng hát bên ụ pháo, bên chiến hào với những bài hát như: Nhớ về quê mẹ (Vân Đông), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương, Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu)… Ông từng có mặt trong đại hội liên hoan sinh viên thanh niên thế giới ở Viên (Áo) năm 1959, từng lưu diễn ở 15 nước bầu bạn gần xa. Một giọng hát bền bỉ và gắn liền với sự trưởng thành của Đài TNVN.

Chắc ít người biết rằng Mai Khanh còn là tác giả của ca khúc “Việt Miên Lào đoàn kết” và đặt lời mới cho bài dân ca quan họ “Nhất quế nhị lan” để trở thành bài “Thỏa nỗi nhớ mong” mà lâu nay ta thường nghe hát.

Nghệ sĩ nhân dân Mai Khanh từ trần hồi 11h30 ngày 19/8/2011 tại TP Hồ Chí Minh. Ngày đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng- 22/8/2011./.