Lần đầu tiên lên Hà Giang, địa điểm đầu tiên mà tôi chọn để dừng lại rất lâu là nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 18 km. Thành kính thắp hương trên một số ngôi mộ liệt sĩ xong, tôi tìm gặp và hỏi chuyện một người quản trang ở nghĩa trang này. Anh Nguyễn Sĩ Nguyện, 35 tuổi, làm quản trang ở nghĩa trang Vị Xuyên từ năm 2001, lại may mắn có nhà ở cạnh nghĩa trang nên gần như suốt cả ngày anh bận rộn với bao nhiêu công việc có tên và không tên tại đây. Anh Nguyện cho biết, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có 1.706 ngôi mộ, trong đó chỉ có 8 ngôi mộ là của các liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ, còn lại 1.698 ngôi mộ là của các liệt sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay trên mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 tới 1991. Khi phía Trung Quốc chủ động chọn Vị Xuyên là địa điểm tấn công chính trong một chiến dịch xâm lăng cục bộ vào Hà Giang năm 1984, một trận chiến khốc liệt đã xảy ra tại Vị Xuyên vào ngày 12.7.1984. Quân Trung Quốc từ những đỉnh cao mà họ chiếm lĩnh trước đó nã pháo cấp tập suốt trong 8 giờ đồng hồ liền, hủy diệt tới từng mét vuông đất Vị Xuyên, trước khi tung những “trung đoàn sơn cước” - lính đặc biệt tinh nhuệ của họ tràn ngập các trận địa của bộ đội Việt Nam, dùng chất nổ đánh thẳng vào các hầm hào bảo vệ biên giới của bộ đội ta. Tôi đọc tên tuổi và năm sinh của các liệt sĩ Việt Nam từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã xả thân bảo vệ mảnh đất Vị Xuyên này. Hầu hết, đó là những thanh niên rất trẻ, có người tròn 18-20 tuổi, mới vào bộ đội được 3 tháng, sinh quán từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Một nỗi đau không cách gì tả được ngùn ngụt cháy trong tôi. Tha lỗi cho tôi, vì cho mãi tới năm ngoái, tôi mới biết tới địa danh Vị Xuyên và những trận đánh đẫm máu ở đó, nơi các chiến sĩ chúng ta đã lớp lớp hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi chắc, cũng có rất nhiều người như tôi, biết quá muộn về những gì xảy ra ở Vị Xuyên, Hà Giang vào năm 1984. Không phải trận đánh bảo vệ biên cương nào chúng ta cũng thắng, dù chúng ta có chính nghĩa và chỉ tự vệ để gìn giữ đất nước mình. Trận Vị Xuyên, cũng như vậy. Nhưng dù phải chịu âm thầm trong bao nhiêu năm, máu của hàng nghìn hàng vạn liệt sĩ chúng ta đổ ra trên mảnh đất Vị Xuyên là không uổng. Sự hy sinh ấy đã dựng lên một bức trường thành lẫm liệt đối diện với dã tâm xâm lược, nó sừng sững và dữ dội hơn cả những dãy núi đá Hà Giang. Đó là bức trường thành của lòng yêu nước, của ý chí xả thân bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Kẻ thù đã phải rút chạy về bên kia biên giới, nhưng những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Vị Xuyên nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên một điều: Tổ quốc Việt Nam còn tồn tại tới ngày nay đã được dựng xây và bảo vệ bằng máu, bằng rất nhiều máu như thế đấy! Ngày 27.7, xin dâng khúc tưởng niệm đớn đau này lên các linh hồn liệt sĩ ở trong và ngoài nghĩa trang Vị Xuyên, bởi có rất nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1984 còn nằm đâu đó trong lòng đất Vị Xuyên mà những cuộc tìm kiếm kiên nhẫn vẫn đang tiếp tục để đưa các anh về an nghỉ. Tôi đã nghĩ nghĩa trang Vị Xuyên là “nghĩa trang liệt sĩ quốc gia” bởi không chỉ vì số lượng các liệt sĩ an nghỉ tại đây, mà còn vì đã có tới 30 tỉnh thành - gần một nửa số tỉnh thành trong nước - đóng góp xương máu con em mình trong trận chiến giữ gìn mảnh đất Vị Xuyên. Dù trên cổng nghĩa trang chỉ ghi đơn giản: “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên”. Thanh Thảo
Khúc tưởng niệm Vị Xuyên
Trả lờiXóa27/07/2012 3:30
Lần đầu tiên lên Hà Giang, địa điểm đầu tiên mà tôi chọn để dừng lại rất lâu là nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 18 km.
Thành kính thắp hương trên một số ngôi mộ liệt sĩ xong, tôi tìm gặp và hỏi chuyện một người quản trang ở nghĩa trang này.
Anh Nguyễn Sĩ Nguyện, 35 tuổi, làm quản trang ở nghĩa trang Vị Xuyên từ năm 2001, lại may mắn có nhà ở cạnh nghĩa trang nên gần như suốt cả ngày anh bận rộn với bao nhiêu công việc có tên và không tên tại đây. Anh Nguyện cho biết, nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có 1.706 ngôi mộ, trong đó chỉ có 8 ngôi mộ là của các liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ, còn lại 1.698 ngôi mộ là của các liệt sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay trên mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 tới 1991. Khi phía Trung Quốc chủ động chọn Vị Xuyên là địa điểm tấn công chính trong một chiến dịch xâm lăng cục bộ vào Hà Giang năm 1984, một trận chiến khốc liệt đã xảy ra tại Vị Xuyên vào ngày 12.7.1984. Quân Trung Quốc từ những đỉnh cao mà họ chiếm lĩnh trước đó nã pháo cấp tập suốt trong 8 giờ đồng hồ liền, hủy diệt tới từng mét vuông đất Vị Xuyên, trước khi tung những “trung đoàn sơn cước” - lính đặc biệt tinh nhuệ của họ tràn ngập các trận địa của bộ đội Việt Nam, dùng chất nổ đánh thẳng vào các hầm hào bảo vệ biên giới của bộ đội ta.
Tôi đọc tên tuổi và năm sinh của các liệt sĩ Việt Nam từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã xả thân bảo vệ mảnh đất Vị Xuyên này. Hầu hết, đó là những thanh niên rất trẻ, có người tròn 18-20 tuổi, mới vào bộ đội được 3 tháng, sinh quán từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.
Một nỗi đau không cách gì tả được ngùn ngụt cháy trong tôi. Tha lỗi cho tôi, vì cho mãi tới năm ngoái, tôi mới biết tới địa danh Vị Xuyên và những trận đánh đẫm máu ở đó, nơi các chiến sĩ chúng ta đã lớp lớp hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi chắc, cũng có rất nhiều người như tôi, biết quá muộn về những gì xảy ra ở Vị Xuyên, Hà Giang vào năm 1984.
Không phải trận đánh bảo vệ biên cương nào chúng ta cũng thắng, dù chúng ta có chính nghĩa và chỉ tự vệ để gìn giữ đất nước mình. Trận Vị Xuyên, cũng như vậy. Nhưng dù phải chịu âm thầm trong bao nhiêu năm, máu của hàng nghìn hàng vạn liệt sĩ chúng ta đổ ra trên mảnh đất Vị Xuyên là không uổng. Sự hy sinh ấy đã dựng lên một bức trường thành lẫm liệt đối diện với dã tâm xâm lược, nó sừng sững và dữ dội hơn cả những dãy núi đá Hà Giang. Đó là bức trường thành của lòng yêu nước, của ý chí xả thân bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Kẻ thù đã phải rút chạy về bên kia biên giới, nhưng những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Vị Xuyên nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên một điều: Tổ quốc Việt Nam còn tồn tại tới ngày nay đã được dựng xây và bảo vệ bằng máu, bằng rất nhiều máu như thế đấy!
Ngày 27.7, xin dâng khúc tưởng niệm đớn đau này lên các linh hồn liệt sĩ ở trong và ngoài nghĩa trang Vị Xuyên, bởi có rất nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1984 còn nằm đâu đó trong lòng đất Vị Xuyên mà những cuộc tìm kiếm kiên nhẫn vẫn đang tiếp tục để đưa các anh về an nghỉ. Tôi đã nghĩ nghĩa trang Vị Xuyên là “nghĩa trang liệt sĩ quốc gia” bởi không chỉ vì số lượng các liệt sĩ an nghỉ tại đây, mà còn vì đã có tới 30 tỉnh thành - gần một nửa số tỉnh thành trong nước - đóng góp xương máu con em mình trong trận chiến giữ gìn mảnh đất Vị Xuyên. Dù trên cổng nghĩa trang chỉ ghi đơn giản: “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên”.
Thanh Thảo