Hiển thị các bài đăng có nhãn hậuquảchiếntranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hậuquảchiếntranh. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 4 2011

30/4 với những người bỏ Nước ra đi

Ngày 30/4 và chuyện "hòa hợp, hòa giải"

Ba mươi năm trước, ghe chở tôi và 22 người khác, sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, tấp bến Budi, một làng chài ở phía Nam Thái Lan, giáp ranh Mã Lai. Ở đó vài tuần, lên trại tị nạn Songkhla. Ở Songkhla vài tháng mới thấy thảm cảnh của dân mình. Nếu 100 người may mắn đến trại thì chắc có 20 người đã bỏ mạng trên biển cả. Bỏ mạng vì chìm ghe, vì hải tặc sát hại, vì hải quân Thái Lan hay Mã Lai tàn sát, v.v… 
Phải tận cảnh chứng kiến những khuôn mặt hớt hãi nhập trại mới cảm nhận được sự kinh hoàng của những “thuyền nhân”. Có biết bao em bé lên bờ thành mồ côi vì cha mẹ và anh chị đều chết. Có nhiều chiếc ghe mà chỉ có một người duy nhất đến bờ. Có vài phụ nữ cứ lẩm bẩm chẳng biết nói gì, như bị ám ảnh bởi thảm cảnh vừa trải qua. Có ngườilấm lét nhìn đàn ông như sợ hung thần sát nhân. 
Tôi đọc đâu đó ước tính rằng có gần 300 ngàn người Việt bỏ mạng trong thập niên 1980s và đầu 1990s. Có lẽ chưa bao giờ mà lịch sử VN ghi nhận một sự mất mát to lớn như thế. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta có một làn sóng người bỏ quê ra đi đông đảo như thế. Lúc đó tôi ghét Thái Lan lắm; tôi thậm chí thề có ngày sẽ ... ăn thua đủ với cái nước này để đền bù lại những gì dân VN mất vào tay nước này. Nhưng ông bà mình nói đúng: "ghét của nào, trời trao của đó". Sau này chính tôi lại là người giúp Thái Lan nhiều hơn là giúp VN! Điều này dạy tôi một bài học: không nên thù oán ai. Tôi thành đệ tử không chính thức của Phật.

Sau 3 ngày đêm lên đênh trên biển, ghe chúng tôi gồm 23 người cập bến Budi. Budi, sau này tôi mới biết là một làng chài ở phía nam Thái Lan, giáp biên giới Mã Lai. Budi không phải là lựa chọn của chúng tôi. Thật ra, lúc ra đi, đâu ai biết ghe mình sẽ đến đâu. Chỉ mong rằng nếu may mắn thì sẽ đến một vùng đất nào đó thuộc các nước Đông Nam Á có trại tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) hay được một tàu hàng ngoại quốc thương tình cứu vớt; còn nếu không may mắn thì sẽ bỏ mạng trên biển. Chúng tôi sẵn sàng chết. Nhưng ghe chúng tôi may mắn. Khi nhìn thấy đất liền từ xa, tài công quyết định mở hết ga hai cái máy dầu trực chỉ thẳng đến đó. Chưa đến nơi thì gặp thuyền đánh cá của người địa phương, họ lấy hết dầu, hết gạo, và dĩ nhiên là luôn tài sản trên ghe, rồi chỉ đường cho chúng tôi vào bờ. Gần đến bờ thì ghe hết dầu, và chúng tôi phải lội (nếu ai biết lội) và giúp nhau bồng bế vào đất liền.

Lên bờ. Mừng hết lớn. Sau 3 ngày đêm trên chiếc ghe vốn được đóng để đi sông (chứ không đi biển) mà sống sót như thế thì quả là quá may mắn. Đói. Khát. Nhọc nhằn. Chúng tôi mệt nhừ. Có vài chị khi lên bờ chỉ biết nằm lăn ra vì đói quá. Nhìn toàn cảnh thật là thảm thương, vì ai cũng mặt mũi đen sậm (sau mấy ngày phơi nắng biển), quần áo lếch thếch, chẳng có giầy dép gì cả. Riêng tôi thì chỉ còn cái quần đùi và cái áo sơmi đã biến thành màu đen sau mấy ngày gần buồng máy.

Lên đến bờ chúng tôi chẳng biết làm gì. Đây là chiếc ghe tị nạn đầu tiên từ Việt Nam ghé đến làng này, cho nên người dân trong làng chài cũng chẳng biết làm gì. Thế là họ chạy đi kêu cảnh sát đến giải quyết. Cảnh sát địa phương đến, và việc đầu tiên là họ tìm một chỗ cho chúng tôi tá túc. Ở xã đâu có nhà tù nào chứa đến 23 người, cho nên cuối cùng thì họ sắp xếp cho chúng tôi tạm trú ngoài trời, trong một vườn dừa tại một bờ biển cách chỗ chúng tôi đổ bộ chỉ chừng vài trăm mét. Vì chúng tôi là nhóm người Việt đầu tiên đã lạc đến làng chài này, dân làng địa phương tò mò kéo đến vây quanh kín mít để ... nhìn mặt. Khác với những con người hung bạo mà chúng tôi gặp trên biển cả, họ là những người dân chài hiền lành, chất phác, luôn có nụ cười trên môi. Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ và trở ngại trong trao đổi bằng tiếng Anh, dân chúng ở làng này, nói chung, đã đối xử với chúng tôi trong tình người trong lúc hoạn nạn: khi mới lên bờ, họ mang quần áo, gạo và thức ăn cho chúng tôi sống qua ngày. Chúng tôi có được 3 cái mùng để ngủ ban đêm.

Tuy nhiên, những ngày đầu cũng xảy ra vài chuyện cười ra nước mắt. Khi đêm đến, hàng đoàn đàn ông con trai trong làng vận xà-rông kéo nhau tới ngồi xổm, hai tay chống lên cầm, phì phèo thuốc lá và … trố mắt nhìn chúng tôi như nhìn những sinh vật xa lạ! Có người còn bạo dạn giở trò sàm sở [hay thân mật] lại gần sờ tay chân đàn bà con gái, gây ra náo loạn trong nhóm. Đám đàn ông và thanh niên nhận thấy tình thế không mấy an toàn, nên chúng tôi quyết định phải bảo vệ phái yếu. Ban ngày, một nhóm người đi làm kiếm gạo, cá và nước mắm, còn một nhóm đàn ông thì ở lại để bảo vệ. Ban đêm, chúng tôi ngủ vòng ngoài, phụ nữ ngủ vòng trong. Ấy vậy mà đêm thứ hai có một tên nào đó lại gần đưa tay sờ mó gặp nhằm anh thanh niên kia, anh ta “dằn” cho một trận và tên đó chạy mất trong đêm tối..


...

Nhưng, qua tìm hiểu tôi mới thấy những phồn vinh, náo nhiệt kia chẳng khác gì những lớp phấn son được sơn trét lên mặt những cô gái một cách vội vã để cố tình xóa lấp đi những nỗi ám ảnh của một quá khứ quá khủng khiếp. Thực vậy, lên đến Songkhla và có dịp nghe những câu chuyện thương tâm khác của đồng hương, tôi mới thấy chuyến đi của mình còn may mắn chán. Tôi nghe nhiều câu chuyện về cướp biển vô cùng khủng khiếp, mà chữ nghĩa có khi không tả hết được những tang thương người Việt Nam mình đã gánh chịu. Có nhiều trường hợp cả tàu bị thảm sát trên biển cả. Có trường hợp bọn cướp biển làm nhục phụ nữ ngay trước mặt người thân. Nhiều người bị bệnh tâm thần khi lên đến trại này. Tôi không nghĩ là mình có thể quên được những câu chuyện thương tâm của nạn nhân bọn cướp biển Thái Lan. Nếu tôi phải dùng một từ ngữ mạnh, đó là: không bao giờ quên và cũng không bao giờ tha thứ. Có thể nói tội ác của người Thái đối với người tỵ nạn Việt Nam sánh tương đương với bọn Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, với bọn Pol Pot với dân Campuchea. Thế giới đã nghe nhiều về “holocaust”, "killing field" (cánh đồng chết chóc) nhưng thế giới chưa nghe hay biết nhiều về "killing sea" (sát hải). Vùng biển Thái Lan là nơi đã từng chôn vùi biết bao thân xác của đồng hương ta. Sau này, tôi có viết một bài trên báo Sydney Morning Herald để nhắc thế giới về những thảm cảnh của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan trong thập niên 1980s mà tôi gọi là “killing sea”. Bài viết được trao giải thưởng gì đó (tôi quên) và tôi được tặng 500 đôla Úc!

Bị người ngoại bang sát hại đã là một sự nhục nhã, nhưng bị chính người tị nạn hành hạ lại còn nhục nhã và đau lòng hơn. Songkhla là nơi mà tôi đã chứng kiến những hành động xấu xa và dã man của những người Việt đối với người Việt. Ngày đầu vào trại, ngoài nhóm của chúng tôi đến từ Budi, còn có nhiều nhóm tị nạn từ các nơi xa xôi khác được chuyển về bằng xe bus. Từ ngoài cổng, chúng tôi đi vào vào trại chầm chậm theo hàng hai. Hai bên đường có đầy đồng hương đứng xem và ồn ào như một cái chợ. Người thì dán mắt tìm xem có thân nhân, bà con của mình mới sang không; người thì dò xét, nhận diện xem có kẻ thù năm xửa năm xưa nào đến trại hay không. Người có thân nhân thì nước mắt dàn dụa tay bắt mặt mừng. Người tìm được kẻ thù thì trở thành một kẻ hung bạo, tàn ác. Hôm tôi nhập trại, có một anh thanh niên nọ bị tố cáo là "cộng sản", anh ta bị lôi kéo ra khỏi hàng, và bị đánh ngay trên đường vào trại, trước sự mục kích của người đứng hai bên đường. Thấy không ai can ngăn và vì không chịu được cảnh tượng như thế, tôi bước ra hàng định cản, nhưng một trong ba người đang hành hung dí ngón tay vào trán tôi gằn từng tiếng (mà tôi nhớ y như ngày hôm qua): "Đ M, muốn gì? Mày cũng là cộng sản hả?". Anh tôi lôi ra ngoài, chứ không thì chắc tôi cũng bị đánh tơi bời ngày hôm đó. Anh thanh niên đó bị đánh đến nổi không còn đi được, chở vào nhà thương điều trị, và nghe nói sau này anh bị tật. Đó là lần đầu tiên tôi mục kích cảnh người đánh người tàn bạo, không thương tiếc như thế. Ngày xưa, chính tôi cũng từng bị cảnh sát đánh vài dùi cui cảnh cáo, chứ không đến nổi quá tàn nhẫn như vậy.

Sau cú sốc đó, tôi lại bị một cú sốc khác lớn hơn. Sau khi nhập trại, chúng tôi được dẫn độ vào một hội trường có nhân viên của Ban Trật Tự người Việt canh giữ chung quanh. Họ đóng cửa chính lại, nhưng phía ngoài cửa sổ thì có đầy người đứng xem. Mục đích của buổi họp này là nhằm phổ biến về nội qui sinh hoạt trong trại, nhưng thực tế thì lại là một cuộc thăm dò tìm kẻ thù, một trò khủng bố tinh thần. Người trên bục giảng là một ông chức sắc trong ban quản trị của trại và cũng là cựu quân nhân; bằng một giọng nói Bắc kì nghiêm trọng và vẻ mặt đằng đằng sát khí, ông ta yêu cầu chúng tôi phải khai báo thành khẩn là đã làm việc gì với chế độ cộng sản. Ông ta nói thêm rằng nếu không khai thì tình báo của ông ta cũng biết thôi, nhưng khai thì sẽ được khoan hồng. Tôi rất ngạc nhiên về thủ tục này, vì nghĩ là tất cả lời khai của mình đều đã được nhân viên Cao ủy Tị nạn LHQ ghi chép ở Budi; thế thì cuộc khai báo này là khai với ai? Tuy nhiên, tôi nghĩ vì từng làm với chế độ mới một thời gian, nên cũng định khai báo cho rõ ràng. Nhưng hôm đó, may mắn cho tôi: một người em họ nhập trại trước tôi vài tháng đang đứng bên cạnh cửa sổ và đưa tay làm kí hiệu cho tôi biết là đừng khai. Anh Ba Hà Nội ngồi cạnh tôi và có lẽ có kinh nghiệm hơn tôi về những trò này, cũng khuyên tôi là cứ lờ đi cái "lí lịch cộng sản" đó. Tôi và anh Ba Hà Nội thoát nạn. Nhưng không may mắn cho những người khác, trong đó có hai anh bạn của tôi, T và S trong tàu "Hải sản" từ Budi lên, những người đã thành thật khai báo là có làm việc sau 1975 như là tài công và thủy thủ. Hai anh bạn tôi, liền sau đó được "mời" lên Ban Trật Tự "làm việc". Cả hai bị đánh nhừ tử. Mặt mũi hai anh này bị sưng húp lên, mắt thì bầm, nhưng ánh mắt đầy vẻ hận thù. Tối hôm đó, tôi nằm ngủ bên cạnh hai anh phía ngoài căn chòi bên cái giếng nước, nghe anh T thề rằng sẽ có ngày trả thù bọn người mà anh ta cho là "lũ chó đẻ". Tôi ngao ngán cho số phận tị nạn. Hết bị người Thái hành hạ, giờ đến bị nhóm người đồng hương tự nhận là "yêu chuộng tự do" đánh đập. Sau lần T và S bị đánh, có một anh cựu sĩ quan đi chung thuyền với tôi, lân la tìm chỗ tôi trú ngụ và nói bâng quơ "Tao mà nói ra thì có thằng còn bị đánh nữa!" Ý anh ta muốn nói tôi và anh Ba Hà Nội. Tôi kinh tởm cho anh chàng sĩ quan này, vì anh ta là người "đi ké", và bị chê là hèn khi đi trên ghe và lười lao động khi ở Budi mà giờ này trở mặt mau như thế!

Có thể nói trại tị nạn Songkhla là một VNCH thu nhỏ. Nếu ngày xưa VNCH có tổng thống thì trại Songkhla có trưởng trại; ngày xưa có Bộ Nội vụ thì ngày nay có "Ban Trật tự"; Bộ Thông tin Văn hóa nay được được "đổi tên" thành "Ban Thông tin Văn hóa"; các anh quân nhân, sĩ quan VNCH ngày xưa nay trở thành "cựu quân nhân", có người còn tự cho mình lên chức (xưa là trung úy nay thành đại úy!) Ngày xưa VNCH có hối lộ và tham nhũng, thì ngày nay ngay trong trại tị nạn, cũng có tham ô và hối lộ. Có khi cường độ tham nhũng còn trắng trợn và tàn bạo hơn. Theo qui chế của UNHCR lúc đó, chúng tôi, những người mới nhập trại, đáng lẽ được cấp cho một cái áo thun, một cái quần, và vài lít gạo để sống. Nhưng nhóm Budi của chúng tôi chẳng được một món nào. Biết được người em họ nhập trại trước tôi đang làm trong ban phân phát hàng hóa, tôi hỏi nó tại sao tôi không được phát gì cả. Thằng em tôi ôm bụng cười ha hả như chưa bao giờ vui hơn, và nói đại ý là "Ở đây, bọn nó bán hết rồi, anh làm gì có được mấy thứ đó! Anh có tiền thì mới mua được." Tôi càng ngao ngán hơn và nghĩ chả lẽ mình phải chết đói ở đây. Nhưng thằng em tôi chạy đi đâu một lúc và mang về ba lít gạo cho anh em tôi đủ sống ít ngày. Ở trại tị nạn, Ban Bưu Tín cũng là một trung tâm khét tiếng ăn chận, ăn cắp hay nói đúng hơn là ăn cướp, tiền bạc của người tị nạn. Có nhiều thư từ và tiền bạc từ nước ngoài chẳng bao giờ tới tay thân nhân trong trại. Tôi cũng là một nạn nhân của ban Bưu Tín này. Và nếu có tới người thân thì cũng bị cắt xén, ăn chận. Trong khi các Ban có cơ hội ăn hối lộ, ăn chận đồng hương thì cũng có ban chuyên hành hạ đồng hương. Ban Trật Tự ở trại có lẽ là một nhóm người có thể nói là hung thần ác quỉ, là những người tay sai lưu manh cho bọn người Thái, chuyên khủng bố đồng hương. Họ đánh người một cách chuyên nghiệp, không nương tay, và vô cùng tàn nhẫn. Có tên còn lập công với cảnh sát Thái bằng những phương pháp tra tấn "hiện đại", hay thậm chí dẫn gái cho bọn chủ Thái của chúng hành lạc. Không biết bao nhiêu người tị nạn vô tội đã là nạn nhân của nhóm người ác độc này. Thù oàn nối tiếp thù oán. Những người đánh đập đồng hương cũng đi tị nạn ở nước thứ ba, nên một số họ không may mắn trốn thoát nạn nhân của mình thì bị đánh đập dã man ngay tại Úc, tại Mĩ; còn số khác thì xa lánh cộng đồng, vì sợ gặp nạn nhân cũ sẽ trả thù.



09 tháng 12 2010

Viên cai ngục và cuộc trốn chạy 40 năm


Báo Lao Động
Viên cai ngục và cuộc trốn chạy 40 năm

Viên cai ngục và cuộc trốn chạy 40 năm

(LĐ) - Thứ năm 09/12/2010 09:01 Trang chủ | Phóng sự

Đầu tháng 12.2010, lần đầu tiên sau hơn 40 năm thoát khỏi cái nhà tù đã tra tấn đến chết 4.000 người tù cộng sản, yêu nước, ông Vũ Minh Tằng đã trở lại đảo Phú Quốc, thực hiện “cuộc gặp lịch sử” với “ác quỷ” Bảy Nhu.

Viên cai ngục 40 năm trốn chạy

Việc đầu tiên của tôi, khi vừa đáp xuống sân bay Phú Quốc, là phải vượt 30km đường bụi mù, xóc nảy để le ve lượn quanh khu vực nhà Bảy Nhu thám thính. Điện thoại cho nhiều người quen biết Bảy Nhu mà tôi từng gặp ở An Thới, bao giờ tôi cũng chỉ dám dò hỏi sức khỏe mọi người, hỏi “bác Nhu” độ này bệnh thấp khớp còn hành hạ nhiều không, hoặc cái ban thờ Phật của người đàn ông ăn chay sám hối sau nhiều năm lấy mắt cá chân, đập bánh chè, nhổ răng hàng nghìn người tù yêu nước đó có còn không...

Lần trước, để “giáp mặt” viên cai ngục được, tôi phải nhờ một đại tá đương chức của tỉnh đội Kiên Giang viết thư tay, giới thiệu tôi với một người thân tín của Bảy Nhu. Giờ, tìm trên mạng Google tìm kiếm một lần nữa, tôi không tìm được một tác giả nào viết bài và trực tiếp ghi âm, chụp ảnh Bảy Nhu ngoài... tôi ra. Đó lại là những bức ảnh chụp lén trong sự phản đối khá cương quyết của một ông lão biết rất rõ mình là “quỷ sống” ở cái thời không tài nào hiểu nổi... Trước chuyến vào Phú Quốc này, tôi đã biết tin, Bảy Nhu có đọc bài tôi viết và rất oán thán “thằng nhà báo”, nếu bây giờ ông ta nhận ra tôi thì sao?
Xuất phát ý tưởng từ báo Lao Động, do Báo Lao Động cùng độc giả tổ chức
Xuất phát ý tưởng từ báo Lao Động, do Báo Lao Động cùng độc giả tổ chức "cuộc gặp gỡ nảy lửa giữa người tù và viên cai ngục tài ác nhất trong lịch sử Việt Nam"; nhưng "sự kiện" đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan báo chí.

Tiếng bước chân lao xao trên lá bạch đàn khô, chó sủa như muốn cắn nát không gian chiều muộn, sương biển đã bắt đầu buông phủ. Căn nhà màu hồng cô độc hiện ra giữa bạt ngàn gò đồi. Những hình ảnh nhảy múa trong chiếc tivi giữa nhà Bảy Nhu phụt tắt. Tôi đứng khựng lại, cả đoàn nín thở, kể như cuộc gặp gỡ sau mấy chặng tàu bay và ôtô kia đã đổ bể ư? Theo đúng lập trình có sẵn từ nhiều năm của Bảy Nhu, tắt tivi, tắt điện, cáo ốm, cáo vắng nhà, đi theo cửa sau thoát vào rừng  mắc võng ngủ, thế là xong. Tôi buộc phải chuyển phương án, đứng ở cổng nhà Bảy Nhu, gọi thẳng về Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị biên phòng tỉnh gọi về cho Lưu Quang Mười, cán bộ đồn biên phòng quản lý địa bàn Bảy Nhu sinh sống. Bộ quân phục xanh màu lá núi của Mười đứng án ngữ trước cổng, “Bác Bảy có nhà không ạ, cháu là Mười “biên phòng” đây!”.

Quê ở miền Bắc, tốt nghiệp ĐH Biên phòng xong, Mười được điều về thẳng An Thới đồn trú. Suốt 10 năm qua, “thượng lá cây, hạ ngọn cỏ” ở đất này, Mười đều thuộc lòng, anh thường phải gặp Bảy Nhu để vận động đừng... chạy trốn người khác như thế, tội lắm. Tư liệu, lời của hướng dẫn viên trong khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc có nói rõ: Bảy Nhu luôn lẩn tránh mọi cuộc tiếp xúc. Hồi mới đi cải tạo về, ông Nhu sợ người ta trả thù mình vì “biển trời” tội ác trong quá khứ, ông ta toàn gài mìn xung quanh nhà để tự bảo vệ. Ác giả ác báo, sau này, chính người con út của ông Nhu đã vướng vào mìn đó, bị cụt một bên chân.
Cuối cuộc gặp gỡ là sự tha thứ, cảm thông, nhưng đúng là cũng có rất nhiều căm phẫn, có khi cả hai cùng khóc.
Cuối cuộc gặp gỡ là sự tha thứ, cảm thông, nhưng đúng là cũng có rất nhiều căm phẫn, có khi cả hai cùng khóc.

“Xin ông tha lỗi. Tôi như con chó săn của chúng nó ấy mà”

Phải nói thật thà rằng, trong cơn xúc động và đau đớn tột độ, nhiều cựu tù Phú Quốc “thân tàn ma dại” vì các ngón đòn tra tấn của Bảy Nhu và đám quân cảnh đã đòi “đập chết” Bảy Nhu cho hả giận. Nhưng, vì ông Tằng đã được “trấn an tư tưởng” suốt dọc đường, là mình phải giữ “nhân cách của người chiến thắng”, nên ông khá bình tĩnh.

Giọng ông Tằng như rít lên: “Ông Nhu có nhận ra tôi không? Tôi là người bị các ông tra tấn nhiều nhất. Lúc tôi ra khỏi nhà “điều hành”, nhìn thấy tôi, ông còn bảo: “Mày vẫn còn sống đấy hử? Chúng tao đã chuẩn bị cỗ hậu (quan tài) để ném mày ra biển rồi mà!”.

Giọng ông Nhu run lẩy bẩy: “Tôi không nhận ra đâu. Mắt tôi bây giờ yếu và mờ lắm”.

Ông Tằng vẫn kiên nhẫn, cố bình tĩnh: “Tôi là Vũ Minh Tằng, vào tù 3.3.1967; ra tù 3.9.1973. Tôi bị quân cảnh các ông tra tấn đến “kịch đường tàu” rồi. Đây, răng của tôi bị các ông bẻ đây (vừa nói ông Tằng vừa móc hai hàm răng giả, chìa phom miệng toàn lợi đỏ về phía ông Nhu). Trước tôi ở B2, tôi vẫn thường châm cứu chữa bệnh đau lưng co rút cho ông mà. Răng này là người ta vừa làm tặng tôi đấy!”. Ông Tằng dứ dứ hai hàm răng giả trị giá 30 triệu, trắng bóc về phía ông Nhu.

Giọng ông Nhu đanh lại: “Có, tôi nhận ra ông rồi”.

Có vẻ việc nhận ra ông Tằng làm ông Nhu mất kiểm soát rất nhiều. Ông ta có vẻ không quên ơn người tù đã châm cứu chữa bệnh cho mình: “Ông Tằng ơi, tôi nhớ, bấy giờ ông ở buồng giam số 13, ông là Bí thư chi bộ. Các ông đào hầm khoét  ngạch, mỗi ngày đào ra được vài xẻng đất, lại đổ đất đi ra bìa rừng bằng cách nhét đất vào trong xô đựng xỉ than nấu bếp. Buồng giam số 13 ở gần khu bếp ăn. Tôi nhớ rồi. Tôi xin lỗi nhé. Đời nó là như thế, tôi cũng chỉ bị chúng nó (đế quốc và tay sai) xui khiến và ép buộc phải làm. Đời tôi cũng như con chó săn thôi, lúc đánh các ông, tôi như con chó săn, như cái thằng điên ấy chứ có biết gì đâu”.

Nói rồi Bảy Nhu nhỏm dậy, giơ gương mặt và hai cẳng tay lốm đốm tàn nhang đen xám về phía ông Tằng: “Tôi đây, ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh”.

Nghe đến đấy, ông Tằng trong cơn căm phẫn bỗng dưng... cũng xẹp xuống, giọng ông như rên xiết: “Bác Nhu à, bác hơn tôi chừng10 tuổi, tôi gọi như thế cho tiện. Bác Nhu ơi, thế tại sao bác lại ác đến mức đập vỡ đầu, đục gần hết răng, nghiền nát hai xương bánh chè ở đầu gối tôi như thế. Nắm cơm bé và thuôn như quả chuối của người tù, sao các bác lại bắt chúng tôi phải chấm cơm vào máu và vê lẫn phân người để ăn?”.

Riêng chuyện này thì ông Nhu phủ nhận: “Tôi khẳng định là tôi không làm chuyện đó. Chắc lúc tôi đi vắng, mấy thằng lính nó giở trò như vậy”. Ông Nhu thừa nhận có chuyện ở mỗi phòng tù nhân tuyệt thực đều có cái xô đựng nước, ở đó, có khi nước uống pha lẫn phân, nước tiểu và máu của người tù, bắt họ uống.
Chùm răng của ông Vũ Minh Tằng, sau khi bị Bảy Nhu và đám quân cảnh nhổ, bắt nuốt vào bụng, ông đã bới phân mình giữ lại suốt gần 40 năm. Nay
Chùm răng của ông Vũ Minh Tằng, sau khi bị Bảy Nhu và đám quân cảnh nhổ, bắt nuốt vào bụng, ông đã bới phân mình giữ lại suốt gần 40 năm. Nay "bọn răng" đó được lưu giữ trong tủ kính, đặt trên vải điều, tại bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh chụp khi ông Tằng lên rủ bọn răng đi ra gặp Bảy Nhu.

Bảy Nhu hồi ức lại: “Ông có tài châm cứu tuyệt lắm, chữa bệnh cho tôi đỡ lắm. Bấy giờ tôi bị đau ốm quá. Mà này, giờ về quê, ông có phát huy được cái tay nghề đó nữa không?”. Ông Tằng nhập ngũ khi bà vợ ở nhà đang mang thai đứa con thứ hai, ông đi biệt và không bao giờ dám tin mình còn sống để trở về. Ông được đào tạo y sĩ ở Viện 5 Quân y Ninh Bình từ trước khi nhập ngũ, năm 1962. Sau này vào tù Phú Quốc, ông Tằng đã thu gom dây sắt, xin phép đám quân cảnh để mài chúng thành những cái kim châm cứu dài 12cm, có tới 20 cái kim như vậy, để chăm sóc sức khỏe cho bạn tù. Riêng thượng sĩ bẻ răng Phạm Văn Nhu là trường hợp “bệnh nhân” đặc biệt nhất của “tay kim Vũ Minh Tằng”.

“Bận sau ông quay lại, chắc tôi không còn sống nữa đâu”

Tôi đã cố sức “đạo diễn” để ông Tằng bình tĩnh lại, đừng gây ra ẩu đả, bởi hai người đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Hai ông bắt tay nhau, ngoài quà của đoàn chúng tôi, ông Tằng thậm chí còn đột ngột rút ví tặng ông Nhu một ít tiền (ông có phụ cấp bệnh binh) nho nhỏ, kèm theo một câu nói mà người nghe ai cũng dễ cảm động: “Tôi có mấy đồng, để bác mua thêm một chén thuốc dưỡng bệnh. Đời tôi với bác bây giờ có sống được cũng chỉ là nhờ... thuốc thang mà thôi”. Bảy Nhu bần thần nhìn mãi ra ngoài cửa: “Tôi xin lỗi ông”, rồi quay sang giới thiệu bà vợ của mình: “Bà xã nhà tôi, năm nay cũng sang tuổi 80, bắt đầu được lĩnh tiền dành cho người cao tuổi đấy”.
Bảy Nhu rất tự hào khi được đoàn cựu tù Phú Quốc, trong đó có người ông ta Nhu đã quyết định gửi vào Sài Gòn yêu cầu tử hình, nay họ trở lại thăm và tặng ảnh, tặng quà
Bảy Nhu rất tự hào khi được đoàn cựu tù Phú Quốc, trong đó có người ông ta Nhu đã quyết định gửi vào Sài Gòn yêu cầu tử hình, nay họ trở lại thăm và tặng ảnh, tặng quà "viên cai ngục" đã tra tấn mình...

Ông Tằng quay ra hỏi về bà vợ hai của ông Nhu, một phụ nữ trắng trẻo, mau mắn, nương theo địa vị của chồng để làm tiếp phẩm, bán buôn phục vụ trong nhà tù. Ông Nhu cho biết: “Bà ấy chết rồi, tôi đi cải tạo về thì bà ấy chết ở Kiên Giang”.

Khóc lớn, rồi lại cười lớn, hai con người tưởng như là kẻ thù không đội trời chung kia đã nắm tay nhau. Bảy Nhu khoe với ông Tằng bàn thờ Phật nhỏ bé ở góc tủ: “Tôi sống được nhờ ăn chay và niệm Phật. Tôi biết ơn ông Tằng đã tha thứ cho tôi. Hôm trước còn có ông Kế xuống gặp tôi. Ông ấy đã  bị chúng tôi tra tấn, “kết án” tử hình thế mà bây giờ vẫn còn sống. Những người dũng cảm như các ông, kể cả lúc tra tấn các ông khi  xưa, từ trong đáy lòng, tôi vẫn thấy rất nể phục đấy chớ...”. Nói rồi, ông Nhu lại đưa bàn tay đen sẫm toàn vết nám tàn nhang tuổi già của  mình lên vò nhàu khuôn mặt mình, lần đầu tiên tôi thấy ông ta nức nở khóc.
Cuộc gặp kết thúc, khi mặt trời đã lặn dần xuống... biển Tây. Bảy Nhu khoác vai ông Tằng, bảo, năm sau nếu ông quay lại, chưa chắc tôi đã còn sống nữa đâu. Hai ông đều khóc, tiếng khóc của họ, nó có cái gì bứt rứt lạ kỳ.    
Đỗ Doãn Hoàng

---------

---------

Cuối cuộc gặp gỡ là sự tha thứ, cảm thông, nhưng đúng là cũng có rất nhiều căm phẫn, có khi cả hai cùng khóc, cùng cười.
Cái bắt tay, sự thanh thản của ông Vũ Minh Tằng và Bảy Nhu, "người của hai chiến tuyến", sau gần 40 năm... người nọ không tin người kia là còn sống...

02 tháng 5 2010

Chuyện về hài cốt liệt sỹ ở Phú Quốc

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang
QĐND - Thứ ba, 30/09/2008 | 7:24 GMT+7
QĐND - Ngày 29-9, Đại tá Ngô Minh Chánh, Đội trưởng đội qui tập hài cốt liệt sĩ K92 (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang) cho biết: Tính đến ngày 29-9, Đội K92 đã tiến hành tìm kiếm và cất bốc 123 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc (khu vực đồi 100 ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc). Đây là nơi trước đây Trại tù binh cộng sản Phú Quốc của chế độ cũ chôn cất những chiến sĩ cộng sản bị địch tra tấn dã man và hy sinh.
Tất cả 123 hài cốt liệt sĩ đều được tìm thấy ở độ sâu hơn 4 mét và không thể xác định được danh tính. Một số hài cốt có lẫn đinh dài từ 6 đến 8cm, với các dấu hiệu bị đóng đinh vào thân thể. Đây là lần cất bốc hài cốt liệt sĩ thứ 5 kể từ năm 1984 đến nay và gần 1.000 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy, qui tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc. Theo các cứ liệu lịch sử, từ năm 1968 đến 1973 đã có khoảng 4.000 chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn và hy sinh…
ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nhà tù Phú Quốc hay nhà lao Cây Dừa

 

Nhà tù Phú Quốc
Di tích Nhà tù Phú Quốc
Di tích lịch sử nhà lao Cây Dừa, tức nhà tù Phú Quốc, tọa lạc tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc

Nhà lao này được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xóm Cây Dừa trước đây nên mới có tên gọi như vậy. Thời Việt Nam Cộng Hoà, nhà lao Cây Dừa được mở rộng trở thành trại giam lớn nhất đương thời với tên gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc hay Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc.

Khu di tích ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như nguyên vị trí. Nhà lao Cây Dừa được công nhận là di tích lịch sử năm 1996 và bắt đầu mở cửa đón du khách đến tham quan. Nhà lao Cây Dừa đã đi vào văn học qua cuốn ký sự lịch sử của nhà văn Chu Lai.

Mỗi năm khu di tích đón hơn 10 nghìn lượt khách. Có những tù nhân cũ trở về thăm lại nhà ngục xưa. Nhiều du khách trẻ tuổi ở mọi miền đất nước, khi đến Phú Quốc du lịch, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng, cũng không quên ghé thăm di tích này. Khách nước ngoài đến thăm di tích mỗi lúc một đông hơn. Còn học sinh trên đảo thường đến đây để học những trang sử sống động về Phú Quốc và lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Lịch Sử nhà lao

Thời Pháp, nhà lao được gọi là Căn cứ Cây Dừa, có diện tích khoảng 40 ha, bao gồm bốn khu A, B, C, D, dùng để giam giữ những người chống Pháp. Căn cứ Cây Dừa hính thức hoạt động vào tháng 06-1953 đến tháng 07-1954 thì ngưng hoạt động (khi tù binh hai bên được trao trả).

- Năm 1956 chính quyền Sài Gòn cho sửa sang “Căn Cây Dừa” cũ lập nên trại “Huấn chính Cây Dừa” để giam giữ tù binh cộng sản. Năm 1967, lại cho xây dựng trại giam Tù Binh Cộng Sản Việt Nam. Đây là trại giam lớn nhất của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam. Giam giữ gần 40.000 tù binh, trong đó có 4.000 người đã hy sinh tại đây.

- Năm 1972, Trại giam có tất cả là 12 khu được đánh số từ khu 1 đến khu 12, mỗi khu lại được chia thành nhiều phân khu, thường có khoảng 4 phân khu trong 1 khu. Mỗi khu trại giam có khả năng chứa khoảng 3.000 tù nhân. Một phân khu chứa được 950 tù nhân. Riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sỹ quan tù binh có cấp bậc lớn nhất là Thượng tá. Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Bao quanh mỗi khu nhà lao là tầng tầng lớp lớp hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp ken dày, mắc dày đặc bóng đèn điện. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển có lúc một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài…

- Cuối năm 1972, xây thêm khu 13, 14. Đến đầu năm 1973 thì Hiệp định Paris ký kết. Trại giam không còn hoạt động nữa. Ngày nay nhà giam gần như hoang phế, chỉ còn lại đồng cỏ tranh mênh mông với vài trụ xi măng xiu vẹo và nền gạch loang lỗ, xa xa vài căn nhà mới mọc lên. Năm 1996, Nhà lao Cây Dừa được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia và đang được trùng tu tái tạo để đón tiếp du khách.

- Ngày 17-04-2009, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch quyết định đầu tư hơn 19 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích nhà lao Cây Dừa nhằm mở rộng việc trưng bày hiện vật, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử… của du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Phú Quốc. Theo đó, từ nay đến hết năm 2009 sẽ tôn tạo và hoàn thành, đưa vào phục vụ các hạng mục: khu B2, cổng tiểu đoàn 7 quân cảnh, nhà và cổng Ban chỉ huy trại giam… Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch Kiên Giang làm chủ đầu tư tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử này

Địa ngục trần gian

• “đóng kim”: dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay.

• Chuồng cọp Catso: Chuồng cọp này được làm bằng sắt, bốn phía hình dáng kiểu contenơ loại nhỏ, có chiều rộng 1,87 m, dài 2,58 m, cao 2,07 m. Loại chuồng cọp này thiết kế để đàn áp tù nhân. Người tù bị giam vào đây, cửa khoá kín không còn ánh sáng, đêm lạnh ngày nóng. Bị giam lâu ngày ở đây, khi thả ra tù nhân sẽ không còn thấy đường, sức khoẻ và tinh thần giảm sút nghiêm trọng.

• Chuồng cọp kẽm gai: Đây là một trong các chuồng cọp được làm toàn bằng dây kẽm gai. Chuồng cọp này để ngoài trời, phân khu nào cũng có hai ba cái. Có hai loại: loại nhốt 1 người và loại nhốt 3 – 5 người. Kích thước chuồng cọp rất đa dạng. Có loại tù nằm dưới đất cát, có loại tù nằm trên dây kẽm gai. Có loại chỉ ngồi chứ không nằm hay đứng được. Có loại chỉ ngồi lom khom. Có loại chỉ đứng lom khom chứ không đứng thẳng hay ngồi xuống được, muốn ngồi phải ngồi trên kẽm gai. Tù nhân khi bị nhốt vào đây không được mặc quần áo dài, chỉ cho mặc quần cụt để phơi nắng phơi sương, hoặc phơi mưa suốt ngày đêm, mặc cho muỗi đốt. Tù nhân chỉ được ăn một phần cơm rất ít với muối hoặc ăn lạc chớ không có thức ăn. Mỗi ngày được 1 hoặc 2 ca nước uống. Tiêu tiểu tại chỗ, không được cho ra ngoài. Những đêm lạnh cóng thì bị dội nước để cho giải khát hay rửa chuồng. Những ngày nóng nực thì bị dội nước muối hay bị đốt lửa bên ngoài để cho cọp nhớ những trận cháy rừng. Bị giam trong chuồng cọp vài ngày là da bị lột, lên da non rồi lại bị cháy và lột tiếp. Có trường hợp tù nhân bị chết do quá nóng hay quá lạnh. Những người bị chết thì lôi xác ra đi vùi đâu đó quanh nhà lao.

• “ăn cơm nhạt”: tù nhân không được ăn muối, sau hai tháng mắt sẽ bị mờ, sau 5-6 tháng liền có người bị mù hẳn.

• “lộn vỉ sắt”: các tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau và lật ngửa làm “đường băng sân bay” rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. người tù bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, sau vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.

• “gõ thùng”: lấy thùng phuy úp lên tù nhân đang ngồi xổm, rồi gõ vào thùng. Tù nhân sẽ bị đau đầu, sẽ bị điếc vì tiếng gõ mạnh và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ vào thùng phuy đổ đầy nước, bên trong thùng là tù nhân. Kiểu tra tấn này có thể khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.

• “đục răng” và “bẻ răng”: kê đục vào sát chân răng của người tù, dùng búa đóng làm răng gẫy văng ra.

• “roi cá đuối”: giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài, đem phơi để đánh tù. Trước khi bị đánh, tù nhân phải cởi áo để bị đánh vào da thịt trần. Roi cá đuối thường quấn lấy thân nạn nhân, rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo. Giám thị sau đó có thể lấy muối ớt xát vào da thịt nạn nhân. Đầu năm 1970, phái đoàn Hồng Thập Tự Quốc tế khi đến thị sát nhà tù Phú Quốc đã bắt gặp một chiếc roi cá đuối dính máu khô.

• “đóng đinh”: những chiếc đinh 3 phân được dùng để đóng vào các ngón tay của tù binh trong quá trình tra tấn. Mỗi lần bị đóng đinh, xương ngón tay của người tù bị vỡ nát. Ngoài ra còn có loại đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc để đóng vào thân người tù ở các vùng: cổ chân, khớp vai, mắt cá, ống quyển, đầu. Có người bị đóng đinh đến chết, sau này khi bốc mộ vẫn còn đinh găm trong hài cốt.

• lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi. Ba người tù ở phân khu C6 đã bị luộc chết.

• dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt người tù trong thời gian dài cho nổ con ngươi.

• dùng lửa đốt miệng, bộ phận sinh dục.
….
Tổ chức Chữ thập Đỏ đã đến nhà tù Phú Quốc vào những năm 1969, 1972. Các nhà quan sát của tổ chức này đã thấy sự tàn bạo có hệ thống và kéo dài tại nhà tù. Họ tìm được các vật chứng của nhục hình ở các tù binh, trong đó có các vết sẹo do tra tấn bằng điện, thể hiện của sự thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Tháng 8 năm 1971, một điều tra viên của Sứ quán Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa báo cáo về sự đánh đập tù nhân tại Phú Quốc vẫn tiếp diễn. Trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, lực lượng canh gác tại nhà tù được đánh giá chỉ bằng số tù binh trốn trại, không có cố gắng nào trong việc kỷ luật các giám thị xử tệ với tù nhân. Sau các kết quả điều tra của MACV và Sứ quán Mỹ, Tướng Cao Văn Viên, tổng chỉ huy QLVNCH, vẫn khẳng định rằng các đoàn kiểm tra của tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế đã báo cáo sai lệch về tình trạng ở nhà tù.

Những cuộc vượt ngục vĩ đại

Theo tư liệu tại di tích, các thế hệ chiến sĩ bị tù đày tại đây đã làm nên kỳ tích: Tổ chức được 42 cuộc vượt ngục. Vượt ngục quả cảm theo đủ mọi cách có thể: bí mật vượt rào; đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai để cướp đường chạy trốn; đào hầm ngầm lấy lối thoát ra… Gần trăm người hy sinh hoặc bị bắt trở lại, hơn 200 người thoát được ra ngoài, tiếp tục hoạt động.

Báo Tuổi Trẻ đã từng làm một phóng sự về một cuộc đào thoát vĩ đại của các tù binh trại A5 tại nhà lao Cây Dừa. Bài viết được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 21-08-2006, nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02-09. Dưới đây xin được trích dẫn nguyên văn một phần nội dung bài viết:

Biết rằng chỉ một lần vượt ngục không thành là cầm chắc cái chết trong tay, nhưng các tù binh Phú Quốc vẫn quyết định tổ chức một cuộc đào thoát. Tham gia chiến dịch đào hầm vượt ngục toàn các tử tù. Trong số những người đào hầm vượt ngục tại trại A5 ngày ấy hiện còn sống ở TP.HCM có ông Nguyễn Văn Năng.

Ông Năng kể: “Sau khi tôi về khu A5, anh em tổ chức đào hầm. Khu trại A5 trước đó đã có một lần đào hầm vượt ngục nhưng bị lộ, lần này có 40 người tham gia. Trong đó chia thành từng nhóm bốn người lần lượt đào hầm, nếu chẳng may kế hoạch bị bại lộ thì anh em chỉ mất bốn người đầu tiên. Bốn người đầu tiên được phân công lãnh trách nhiệm là Nguyễn Văn Năng, Trần Xuân Việt, anh Mạnh (đã hi sinh ở đảo) và anh Năm (đang ở Đà Nẵng)”.

Nhật ký của cựu tù Nguyễn Văn Năng ghi rõ: “Bắt đầu từ ngày 25-1-1971, mở miệng hầm ở cuối phòng số 8, ngoài vỉa hè”. Bốn người chịu trách nhiệm mở miệng hầm là Thắng, Thuần, Tuấn và Tư đã chuẩn bị cho miệng hầm rất công phu: dùng cơm trộn với xà phòng, đất sét làm hộc miệng, dùng gỗ vạt nằm làm miệng và nắp hầm. Từ miệng hầm, đào sâu xuống 1,5m. Trước khi bắt tay đào hầm, mọi người đã nghiên cứu kỹ bối cảnh của khu trại A5: bên ngoài có nhiều lớp rào, có quân cảnh đi tuần. Bốn góc khu trại có bốn chòi canh của quân cảnh trực gác. Lớp rào ngoài cùng có quăng kẽm gai bùng nhùng. Ngoài lớp rào bùng nhùng này là trảng cỏ tranh rộng 100m, sau khoảng cỏ tranh đó là bìa rừng. Rừng Phú Quốc có cây to, chủ yếu là kiền kiền, bằng lăng. Cuộc đào thoát với sự tính toán rất công phu. Anh em đào hầm chia ra thành nhiều tổ: tổ cảnh giác, tổ giấu đất, tổ đào. Các tổ làm việc cật lực trong điều kiện bí mật tuyệt đối. Tổ giấu đất có nhiệm vụ nặng nề, phải giấu cho được khối lượng đất đưa lên từ 30m đoạn đường hầm ban đầu. Chiều sâu ban đầu là 1,5m, nhưng độ sâu này chỉ đào đến 30m. Sau đó đào cạn hơn. Đào hầm có nhiều kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Minh nhớ lại: “Đầu tiên chúng tôi ngắm hướng đào theo hàng rào cho thẳng, sau đó phải kiếm cây gỗ làm một cái thang rộng bằng đường kính lòng hầm, đào tới đâu kéo theo cái thang tới đó. Dụng cụ đào hầm chỉ là những đồ dùng sinh hoạt do tù binh tự làm như muỗng, ca, ấm, cà mèn… Đoạn đường hầm dài 120m, anh em tù ở phân khu A5 đào suốt năm tháng”.

Ngày 5-5-1971, đường hầm đã gần xong, chi bộ của khu trại A5 họp xem xét ai nằm trong danh sách vượt ngục, hàng trăm người xung phong, nhưng cuối cùng gút lại 28 người. Đến ngày 11-5-1971, một ngày trước khi vượt ngục, danh sách gút lại là 27 người. Đúng 9 giờ đêm 12-5-1971, 27 người tù lặng lẽ xuống hầm. “Lúc đó, cả đoàn trườn đi như rắn, như những chiến sĩ đặc công trong giờ xung trận. Tổ đi đầu phải chuẩn bị cây chống hàng rào, cây móc để treo hàng rào, các cọng thép để chốt các loại mìn, trái sáng, lựu đạn địch gài ở mỗi lớp rào mà ta chạm phải”, ông Năng kể.

“Ra đến trảng cỏ tranh, ngước lên thấy trời đêm đen đặc, gió thổi mát, cảm giác trong người lại như bị ngộp, một phần vì quá mừng, nghẹt thở, khớp cả hai chân không đi được. Cả đoàn dừng tại trảng cỏ tranh 5 phút rồi mới cắt đường chạy vào bìa rừng”, ông Năng nhớ lại giây phút được tự do. Luồn rừng ròng rã ba ngày thì gặp được du kích Dương Tơ. Đến tháng 6-1972 họ mới được đưa về đất liền tiếp tục chiến đấu. Mãi sau này họ mới biết do địch không phát hiện được đường hầm ngay, nên tối hôm sau (13-5-1971) một số anh em tù ở trại B5 gần đó chui qua “đi ké” 15 người, bị bắn chết hai người, 13 người thoát được.

Những bộ hài cốt liệt sĩ

Tính đến tháng 10-2008, người ta đã tìm được tổng cộng 1.028 bộ hài cốt liệt sĩ tại nhà lao Cây Dừa. Hầu hết đều là liệt sỹ vô danh, không rõ họ tên, tuổi, quê quán, không rõ ngày hy sinh, do quá trình bị địch bắt giam, tù đày tra tấn đến chết ở đâu thì vùi xác tại đó. Theo một số tư liệu lịch sử, hiện nay, dưới lòng đất vùng nhà lao Cây Dừa còn có gần 3.000 bộ hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Nơi được xác định nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại là ngọn đồi phía Tây Nam nhà lao. Tại đây, người ta đã cho xây dựng Khu Tưởng niệm hoành tráng, đồ sộ. Mới đây, Đội K92 Kiên Giang phát hiện thêm 268 bộ hài cốt liệt sĩ, nâng tổng số hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Nhà tù Phú Quốc đã được tìm thấy lên 1.336 bộ.


Ra đảo, truy tìm 3.000 bộ… hài cốt!
Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng
Biển xanh mơ, sóng trắng toát, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mênh mông hiện ra trong nắng vàng. Dù không muốn bắt chước người khác, nhưng tôi vẫn cứ phải gọi Phú Quốc là Thiên đường du lịch, bởi sự mỹ miều của nắng, gió, biển xanh, mây trời kỳ ảo. Oái oăm thay, cũng trên “Thiên đường du lịch” này lại có một “Địa ngục trần gian” – nhà tù Phú Quốc – nơi mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địch đã giam giữ tới 40.000 lượt tù cộng sản, đã đày ải, tra tấn cho đến chết khoảng 4.000 người đồng chí “gan vàng dạ sắt” của chúng ta. 
Hôm nay, vẫn dây thép gai, vẫn chuồng cọp kinh tởm, vẫn chày giã chết, vẫn chảo luộc sống tù nhân; vẫn những mảnh xương sọ của người cộng sản bị tra tấn bằng cách đóng hoăm hoắm một cây đinh hoen rỉ… được trưng bày. Vẫn sống trên đảo, cái tên cai ngục Bảy Nhu tàn độc khét tiếng với trò đóng đinh vào bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, dùng thanh sắt nhổ gớm ghiếc lần lượt từng chiếc răng của rất rất nhiều người tù (đã 82 tuổi). Tôi đã kỳ công tìm gặp Bảy Nhu và bí mật ghi âm cả tiếng đồng hồ đối thoại với nhân vật “lẫy lừng” mai danh ẩn tích này (sau giải phóng, đi cải tạo về, chính quyền cơ sở phải có kế hoạch bảo vệ Bảy Nhu, bởi có quá nhiều người muốn giết chết ông ta).

Trong 4.000 người tù đã bị tra tấn cho đến chết ở cái địa ngục phi nhân tính tột độ kia, có 3.000 người vẫn chưa tìm thấy một mảnh xương cốt nào. Cuối năm 2008, tôi đã theo chân chiến dịch truy tìm di cốt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam này.
Tượng đài Nắm Đấm, quả đấm to nhất thế giới, nơi đã khai quật được hơn 1000 bộ cốt:


Máy xúc làm việc suốt đêm ngày, dưới sự điều khiển của đội K92 để tìm di cốt:


Tượng đài "rùng rợn" niềm căm phẫn và ý chí cách mạng đặt ở trước cửa nhà tù Phú Quốc hiện nay:

 

Một cái xương sọ người tù cộng sản, khi được khai quật lên, vẫn bị đóng một cái đinh 10 hoen gỉ. Nhìn mà rợn người:

 

Tôi rất muốn chụp ảnh chung với những con người đang thực hiện nghĩa cử cao đẹp ở Phú Quốc (đội K92) để lưu giữ. Đã chụp, nhưng bức ảnh này phải… hạn chế công bố, không đăng báo, vì tôi và hai đồng chí đã… cười rất vô duyên, khi đứng ở dưới chân tượng đài Nắm Đấm, phía sau là la liệt hàng trăm cái bia liệt sỹ vô danh trên một nấm mộ khổng lồ. Thật ra, Đời, gặp được nhau ngoài nơi xa thẳm ấy, ở cái chỗ lạ lùng ấy, không vui sao được? Còn nỗi đau, nhiều thập niên qua và nhiều thế kỷ nữa chúng ta vẫn cứ đau, có đúng không, hàng nghìn các chú các bác (nghe nói có cả các cô, các bá) đã vị quốc vong thân ở Địa ngục trần gian – nhà tù Phú Quốc???

Vừa nhặt xương người vừa khóc
Địa ngục trần gian Nhà tù Phú Quốc đã kết thúc sứ mệnh đen tối của nó từ hơn ba chục năm trước, nhưng di cốt của quá nhiều chiến sỹ cách mạng bị tù đày “quẳng xác” ngoài đảo vắng biển xa, vẫn cứ bằn bặt. Đó là món nợ mà tất cả chúng ta phải nỗ lực để trả. Tôi đã tự nhủ điều này, mỗi lần ra Côn Đảo, Phú Quốc hay ngược nhà ngục Sơn La, Bắc Mê, Nghĩa Lộ… Đến tháng 5 năm 2008, hay tin về cuộc tìm kiếm hơn 3.000 bộ hài cốt còn “mất tích”, nhiều cựu tù Phú Quốc đã bật khóc. Những người hiểu về Phú Quốc và địa ngục trần gian kia đều rưng rưng. Ban “tìm kiếm” thành lập, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang làm trưởng ban, công việc cụ thể giao cho hơn 40 đồng chí lão luyện ở đội K92 thực thi (K92 là đơn vị của Tỉnh đội Kiên Giang, lực lượng “chuyên nghiệp” đã đào bới, kiếm tìm được tới 1.202 bộ hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia! – số liệu tính đến mùa khô năm 2008). Chỉ trong hơn 100 ngày vừa qua, đội K92 đã tìm được hơn 900 phần xương cốt xung quanh nhà tù Phú Quốc.
Đại tá Ngô Minh Chánh, đội trưởng K92 đón tôi ở Thành phố Rạch Giá, ông buồn rười rượi: chúng tôi đã rất thành công, đợt “sơ kết” đợt 1, với 130 bộ hài cốt; đợt 2, mới vừa triển khai đã được hơn hơn 800 bộ. Công việc thuận lợi, hai chiếc máy xúc hạng nặng làm việc hết công suất, nó đào tung những quả đồi và những cánh rừng. Nhiều năm qua, đã đi tìm và bốc hàng nghìn nghìn bộ cốt, nhưng chưa bao giờ chúng tôi huy động máy móc “dã man” như đợt này. Là bởi vì mật độ di cốt quá dày, cốt mà lại nằm ở tận mãi dưới 6m đất sâu. Hàng trăm cựu tù, cả các vị lãnh đạo có mặt trong lễ cầu siêu cho các liệt sỹ vừa rồi, cũng không ai lý giải nổi, vì sao “bọn ác” có thể vùi thi thể những người tù cộng sản ở dưới lòng đất sâu đến như vậy?
Sâu đến mức, khi xây dựng tượng đài (nghĩa trang) Nắm Đấm (hình quả đấm to và cao như tòa nhà ba tầng, nện lên nền trời, có lẽ đây là quả đấm lớn nhất thế giới) người ta có “vô tình” bới ra hàng trăm bộ hài cốt. Số này được bốc và nhang khói cẩn thận. Không ai có thể ngờ được là: bên dưới ngôi mộ tập thể bi thảm ở nghĩa trang Nắm Đấm, vẫn còn ba bốn lớp xương cốt ném chồng chất lên nhau nữa. Với giá thuê 4 triệu/ chiếc/ ngày đào bới, hai chiếc máy xúc liên tục gầm gừ hoạt động, bới mãi xuống “âm ty” mà vẫn còn hàng trăm di cốt. Có bộ xương được “đóng” tới 16 cái đinh mười (đinh to như ngón tay), có bộ được chằng trói bằng dây thừng, dây nhựa dẻo rất tàn độc. Hàng trăm chiếc đinh tra tấn người được nhặt ra khỏi các mớ xương, trung tá Nguyễn Văn Cao, đội phó đội K92 đem giao nộp cho cán bộ văn hóa địa phương để “trưng bày”, ai trông thấy cũng lạnh sống lưng. Có người chửi thề chí mạng vì căm phẫn. Có lẽ, bức ảnh về cái xương sọ người bị cắm đinh trong Nhà trưng bày tội ác ở Nhà tù Phú Quốc lâu nay, cũng sẽ phải… gỡ xuống để thúng đinh từng cắm vào sọ hàng trăm chiến sỹ cách mạng mới được khai quật vào “thế chỗ” thì nó mới xứng tầm!

Trong căn nhà quản trang bé tẹo của Nghĩa trang Nắm Đấm, 10 anh em của đội K92 tiếp tục mắc võng vào các song cửa, các móc treo trên tường để làm giường dã chiến mà tiến mãi vào rừng sâu tìm kiếm xương cốt người. Họ lập các cái lều bằng vải dù dằn di để che mưa nắng, mặc nắng vàng, mây trắng, trời xanh rất lãng mạn, mặc những người ăn sung mặc sướng đi đốt tiền ở thiên đường du lịch Phú Quốc. Anh em phải đi bộ lóc cóc vài cây số xin nước, đóng vào can nhựa, dùng tằn tiện. Chợ búa xa xôi, cơm bữa tự nấu dè sẻn. Vợ ốm, con đau trong đất liền, anh Cao và đồng đội vẫn phải bám trụ ở bìa rừng ngoài đảo, chỉ huy đội tìm kiếm thêm từng bộ từng bộ trong hơn 2.000 bộ di cốt đang được coi là “mất tích”.

Theo con đường đất đỏ quạch, cằn sỏi đá dẫn vào nghĩa trang buồn hiu lạnh lạnh; tôi phải leo núi đi sâu mãi vào những cánh rừng già để đến chỗ đang có người đào bới. Hàng nghìn mét vuông cây dại và rừng già đã được “dọn sạch” một cách bất đắc dĩ, để lực lượng công binh rà phá bom mìn, rồi đội K92 mới tiến hành khai quật, tìm kiếm. Tôi ngồi thu lu trên những núi đất đỏ, chằng chịt dây thép gai, nghĩ đến hàng nghìn người còn nằm ở đâu đây, mà nghĩ tới hơn 800 cốt người vừa mới được bới lên từ đất Mẹ mà thấy kiếp người sao nó mênh mang thật lạ. Anh Cao bảo, cửa rừng thâm u, gió biển xạc xào, nơi này hoang vắng tột độ, lại còn bạt ngàn bom đạn ém lại từ thời cũ, đôi lúc nhìn rừng mà chính anh em trong đội K92 còn thoáng so mình chợn rợn.Nhưng nghĩ đến những người “đồng đội” còn nằm lại giữa hoang lạnh mịt mù, lại thấy lòng mình nức nở. Có khi, máy xúc đang thò “tay” ngoạm mỗi gầu vài khối đất thì bị “kinh nghiệm hiểu biết xương cốt và lòng đất” của ai đó gào lên: dừng lại! “Dưới chân máy là 5 bộ xương người!”, kinh nghiệm của một người phán đoán. Bà con xanh mắt mèo, khi tay cuốc tay xẻng của các chiến sỹ nhẹ nhàng bới lên, đủ 5 bộ ở một hố chôn tập thể. Anh Minh Chánh bật mí: “Chúng tôi đào mãi, chỉ cần nhìn màu đất là biết có cốt (xương người)”.
Tôi đi dọc những triền đất đỏ vừa bốc lên bảy tám trăm bộ hài cốt các chiến sỹ cách mạng bị tù đày cho đến chết (tính đến đầu tháng 12/2008) và thắc mắc: có bộ cốt được chôn chung với 16 cái đinh, không biết chúng nó đóng thế nào mà đinh cắm ngần ấy chiếc vào một thi thể được nhỉ? Đinh cắm vào thịt thì rồi nó sẽ tự rụng ra khi cơ thể người tù bị phân hủy, thế thật ra là bao nhiêu cái đinh tất cả được cắm vào thi thể người tù bị đóng nhiều đinh nhất (khi chưa đem “quẳng xác” ngoài bìa rừng)? Báo cáo nhanh trong ít ngày đầu ra quân của đội K92 được ghi rõ bằng văn bản: cùng với 238 cây đinh mười đóng vào thân thể 130 đồng chí được khai quật trong đợt 1, còn có những chiếc cúc áo, chiếc lược khắc hình trái tim, “dây chuyền bằng nhôm có hình Phật bà Quan âm, một chiếc nhẫn thau làm bằng vỏ đạn”, một mảnh bom khắc tên người – hiếm hoi lắm, mới có được một cái túi ni lông chứa tên của người nằm dưới lòng đất sâu. Gần 900 người trong tổng số 4.000 người đã bỏ mạng ngoài hòn đảo có địa ngục trần gian này vừa được đội K92 tìm thấy, chỉ duy nhất anh Nguyễn Văn Khai (người Thanh Hóa) là có tên. Một người tử tế và nhanh tay nào đó đã viết tên anh, bỏ trong cái túi ni lông. Theo các nhân chứng, khi mà tù binh bị giết chết nhiều quá, lại sợ du kích các phía tấn công bất ngờ, bọn cai ngục bèn bắt bạn tù của anh Khai đem “đồng đội” đi chôn, và người bạn tù đã dùng một túi ni lông dán kín lưu danh bác Nguyễn Văn Khai cho… đội K92 đi tìm!
Anh Cao phủ một lá cờ đỏ sao vàng lên cái hòm gỗ chứa rất rất nhiều di cốt người tù thiệt mạng năm xưa. Hòm được kê lên một cái ghế vững chãi, dưới chân hòm là 3 con chó tinh khôn nằm canh giữ. Nắp hòm được mở, nhấc từng gói xương người được bó như bó giò ra, giọng anh Cao nghẹn ngào: chỉ một người có tên tuổi, địa chỉ. Tất cả, ai cũng là ai, ai cũng là người cộng sản chân chính đã sống đến giọt sống cuối cùng vì quê hương. Nhưng họ đã không được trông thấy ngày Bắc Nam sum họp. Nhưng họ đã mất hoặc nửa thế kỷ (nếu là liệt sỹ chống Pháp), hoặc hơn ba chục năm ròng nằm dưới lòng đất sâu (nếu là liệt sỹ thời chống Mỹ), họ mới được chúng tôi mang lên. Người bị đóng 16 cái đinh trên cơ thể, có người, khúc xương xống vẫn sừng sững một cây đinh cắm phập. Nhưng họ vẫn may mắn hơn hàng nghìn người còn nằm đâu đó dưới lòng đất, dưới những tán rừng, hoặc da thịt họ, xương cốt họ chỉ còn là một vệt mờ mờ hoa thổ (đất màu nâu còn lại sau khi thịt xương bị phân hủy toàn bộ) dưới cõi xa xôi. Quá nhiều nhân chứng (kể cả báo cáo của Sở LĐTBXH Kiên Giang mới đây) đều chính thức nói về việc máy bay của bọn cai ngục đã chở những người đau ốm đi chữa bệnh rồi không bao giờ đưa họ trở về nữa. Những người tù xấu số đã bị ném xuống Vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy biển sâu. Cái việc họ trở về là bất khả. Do thế, nên cái việc kiếm tìm cho đầy đủ cơ số hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng, cao quý nhưng… bất khả hoàn thành trọn vẹn.
Thật khó để trọn vẹn, dẫu có những ngày, an hem khai quật một cái hố mà được gần 500 bộ xương cốt! Càng đào, càng nhặt xương càng thấy xót xa. Mùi xương thịt nồng nặc, có anh em ý nhị chạy ra góc rừng nôn ọe, rồi đeo khẩu trang, đốt cả thúng nhang trầm mù mịt để khử mùi, rồi lúi húi nhặt, hai trăm, ba trăm, rồi gần 500 bộ di cốt trong một cái hố chôn.

Sẽ là một cuộc kiếm tìm mãi mãi?

Biết vậy, nhưng vẫn phải làm. Chiến dịch truy tìm 3.000 bộ hài cốt kết thúc giai đoạn 1 với lễ cầu siêu cho 130 linh hồn người quả cảm đã ngã xuống. Cán bộ TƯ, cán bộ lãnh đạo từ Sài Gòn, từ Kiên Giang tề tựu đông đủ ở Phú Quốc, chỉ có hai ngả đường ra đảo là trên trời (máy bay) và trên biển (tàu thủy), thì cả hai ngả đều đông nghẹt, hết vé. Buổi lễ trang trọng, trời ào ào đổ mưa lớn như khóc than. Tuyệt nhiên không một ai xòe mũ mão hay dù (ô) ra che chắn. Họ đứng trước mưa, nỗi đau và niềm vui còn lớn hơn mưa nắng. Những người anh hùng của dân tộc nằm đó, chỉ là những bó xương nhỏ bé vô danh, quan khách chịu ướt cùng các chiến sỹ tận khổ trong “địa ngục trần gian” một chút thì đã sao? Buổi lễ hùng thiêng diễn ra trong mưa, mà không ai có cảm giác trời đang mưa nữa. Nhắc lại chi tiết này, anh Minh, Trưởng phòng Thương binh liệt sỹ và người có công của Sở LĐTB-XH Kiên Giang (đơn vị “chủ trì”, người sâu sát đại công trường tìm kiếm di cốt) không giấu nổi xúc động. “Chúng tôi đã phải đặt mua hàng trăm chiếc tiểu sành loại tốt từ Đồng Tháp chở xuống Rạch Giá, rồi thuê tàu gỗ vượt gần 200km mặt biển ra với các đồng chí vừa được tìm thấy cốt ngoài đảo Phú Quốc. Vét hết tiểu sành của Rạch Giá cũng chưa đủ”. Lại nghĩ, mới chỉ 130 bộ cốt mà đã tán loạn vì thiếu tiểu quách thế, đợt này, đón hơn hơn 800 “người tù cộng sản” một lúc (con số vẫn được tiếp tục bổ sung hằng ngày), biết lấy đâu chỉ đủ tiểu quách đây? Cái việc huy động tiểu quách “lịch sử” này, cũng thật là rớt nước mắt.
Giai đoạn 2 của dự án truy tìm hài cốt được triển khai, vẫn trong sự tận tụy của đội K92, vẫn bằng tiền tỷ đầu tư của Nhà nước, vẫn đều đặn, các ban ngành của huyện đảo Phú Quốc có cán bộ đến giao lưu, chia sẻ, động viên, tặng quà cho các chiến sỹ “đào mồ mả”. Khắp khu vực nhà tù Phú Quốc, đều là mồ chôn các chiến sỹ cộng sản anh dũng năm xưa. Diện tích khả nghi có di cốt khá rộng. Nhưng ngay cả đảo Phú Quốc với chiều dài mấy chục cây số cũng là quá hẹp so với việc tìm kiếm mà đội K92 đã làm năm bảy năm qua ở khắp chiến trường Campuchia. Đại tá Chánh kể, ở Campuchia, có khi đào bởi cả tháng, không tìm được bộ xương đồng đội nào, tháng sau quay lại, giữa mùa mưa, dùng xẻng gạy gạy một cái, vài bộ xương hiện ra. Có khi, tìm được cái thi thể còn nguyên vẹn do đất “kết”, phải đem ra bờ suối lóc thịt rồi gói gọn lại. Còn ở Phú Quốc, đã xác định được “tọa độ” sơ sơ, chỉ việc dùng máy xúc và cuốc xẻng tìm kiếm. Lại thêm cái thuận lợi là người tiếp phẩm cho nhà tù, ông Hai Nam vẫn sống; ông Bảy Nhu, tên ai ngục tàn độc, vẫn sống – họ sống ngay gần các công trường tìm di cốt. Thực tâm hai nhân vật “chỉ điểm” khai quật này thấy ân hận vì sự “tiếp tay” cho kẻ thù năm xưa, họ tận tâm giúp K92 tìm kiếm để mong chuộc lỗi lần dương thế và cả lỗi lầm với 4.000 người đã gửi nắm xương tàn ở “địa ngục trần gian”.
Tuy nhiên, cũng không phải là không có những cái khó khôn lường. Cốt nằm ở tít dưới lòng đất sâu, thông tin của nhân chứng rồi cũng… cạn kiệt, mà đến nay, hơn 2.000 bộ hài cốt vẫn bặt tăm. Việc chôn rấp các thi thể tù nhân hồi cũ, là một cách chôn tàn độc, thật ra kẻ địch chỉ ném xác họ ra bãi đất rồi quên hẳn, nên hành trình tìm kiếm rất mịt mù. Địa chỉ, danh tính của các bộ cốt hầu như không bao giờ có (điều này khác hẳn với cốt của quân tình nguyện ở Campuchia, bên đó mộ thường có “địa chỉ” rõ ràng, vật dụng chôn theo chu đáo, vì là đồng đội chôn nhau). Cách chôn tạm bợ đó, đã dẫn đến hậu quả là các bộ xương bị phân hủy rất nhanh, rễ cây cứ nhè chỗ có chất… “đạm” mà ăn vào, ăn đến độ không còn dấu tích của người nằm xuống. Vì thế, Trung tá Nguyễn Văn Cao thậm chí ghi âm, ghi hình lời kể của quá nhiều nhân chứng, thấy ai làm nương trong khu vực cũng dò hỏi, thấy ai mặc quân phục cũ cũng dò hỏi. Giống như một nhà điều tra, một nhà báo, anh cho tôi xem đoạn ghi âm, ghi hình những nhân chứng vô cùng sinh động. Nào có ai là không mong mỏi cho xương cốt của các người hùng quả cảm “vị quốc vong thân” kia thoát khỏi sự mất tích trong lòng đất lạnh? Có chị nạ dòng đi núi thăm nương về, ghé qua gặp anh Cao, báo cáo là chị cuốc đất, lưỡi cuốc oằn lên vì va phải toàn… xương người. Có người như ông Út Minh, nhà ngay ở gần khu vực tượng đài Nắm Đấm, vô tình gặp, thấy cụ mặc quân phục bạc màu, anh Cao bèn bắt chuyện. Ông kể: địch đã bị giam ông 6 năm, qua sáu bảy cái khu tù binh, đến trước giải phóng miền Nam mới được địch mang ra tận sông Thạch Hãn (Quảng Trị) trao trả. Ông trực tiếp bị chính Bảy Nhu (người hàng xóm hiện nay) tra tấn bằng cách đè ra nhổ mất 6 cái răng. “Tui nằm trong tù từ năm 1966, suốt gần 7 năm, tui chỉ dám tính đường chết, chứ tịnh không có dám tính đường sống. Nó bắt tôi há mồm, hỏi cho xin cái răng, cho cái nào? Tui chán quá, bảo lấy cái nào thì lấy. Nó ghè thanh sắt vào, nhổ răng tui. Giật gẫy, nó bắt tui thò tay vào miệng mình lôi từng cái răng đỏ quạch máu ra, đặt lên bàn cho nó xem. Rồi nó bắt tui phải tự uống hết số máu chảy trong miệng tui ra, một giọt nào ứa ra ngoài, nó sẽ đánh chết” – cụ Út Minh nói. Những thông tin “mộc” về việc chôn xác tù cộng sản do ông Út Minh kể vô cùng quý giá đối với đội tìm kiếm hài cốt K92.
Vợ tôi nằm viện mấy tháng nay, phải nhờ người trông. Tôi bám trụ ngoài “chiến trường” này, vì cảm thấy trách nhiệm của mình quá lớn. Cả núi xương của những người cộng sản quả cảm đang chờ được bàn tay ấm nóng của người Việt hôm nay đến “cất bốc”. Cái vất vả của chúng tôi, có thấm tháp gì so với thế giới ngục tù tận khổ mà hơn 40.000 người cộng sản đã bị tù đày tra tấn ở Phú Quốc những năm xưa, có thấm gì so với sự lẫm liệt vị quốc vong thân của hơn 4.000 người đã ngã xuống kia? Không hô hào khẩu hiệu, không lên gân nắn giọng, anh Cao nói đều đều, xa xôi, trong gió lừng vị mặn mòi của cá biển phơi đượm nắng. Giọng anh run rẩy, da diết, bên mấy chục gói xương người được bó chặt như bó giò, có đánh số nhi nhít. Chưa đầy ba tháng trời, với sự tận tâm của bộ đội K92, gần một nghìn phần di cốt đã được tìm thấy. Hơn hai nghìn người cộng sản dũng cảm khác vẫn nằm đâu đó trong lòng đất đỏ rười rượi kia. Cuộc khai quật xương người lớn đệ nhất trong lịch sử Việt Nam vẫn đang được tiến hành cật lực ngay cả khi tôi đang viết những dòng này. Những ngày ở Phú Quốc, thấy anh lính trẻ cứ nhao ra nắng nỏ, với chai nước sôi để nguội giắt ở lưng rồi kiên nhẫn đánh lấn mãi vào các cánh rừng bom đạn cũ, lấn mãi vào lòng đất sâu bí ẩn với hàng nghìn bộ di cốt tủi hờn câm lặng, tôi chợt ngộ ra rằng: họ làm việc không chỉ vì nhiệm vụ. Không chỉ là một cái nghề. Mà họ đã xả thân vì một nghĩa cử, một món nợ ân tình mà lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu, lẽ ra tất cả chúng ta đều phải có mặt ở đó để hành lễ… trả nợ ân tình.
(Ngày 22/11/2008, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu đã đến thăm “công trường” khai quật hài cốt các liệt sỹ nhà tù Phú Quốc và động viên các thành viên của đội K92). Đến nay, sắp năm cùng tháng tận 2008, tôi vẫn thường gọi điện cho anh Cao, để nghe anh cập nhật số lượng hài cốt mà đội đã đào được, mỗi lúc số liệu tăng vọt, có lúc vọt cả 500 bộ vì một hố chôn tập thể, tôi lại buồn buồn vui vui, chả biết muốn xót xa cùng các liệt sỹ hay là định chúc mừng đau đớn và “thành công” của đội K92 nữa. Thấy choáng ngợp, chất ngất trước những mất mát năm xưa.

Đỗ Doãn Hoàng

Kiên Giang: Truy điệu và an táng 300 hài cốt liệt sỹ nhà lao Cây Dừa, Phú Quốc

26/07/2009
Ngày 26.7, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ truy điệu và an táng 300 hài cốt liệt sỹ vừa tìm thấy tại nhà lao Cây Dừa, Phú Quốc.


Nhà lao Cây Dừa là trại giam lớn nhất dưới chế độ Mỹ ngụy. Trong chiến tranh chống Mỹ, đã có hơn 40.000 người yêu nước chiến đấu bị bắt và giam giữ tại đây, trong đó có hơn 4.000 người bị tra tấn đến chết.

Đến nay, sau 3 đợt nỗ lực tìm kiếm, Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ K92 của tỉnh đã tìm và đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Phú Quốc 1.506 hài cốt liệt sỹ.


Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2013)
Nghĩa tình Phú Quốc
QĐND - Thứ Tư, 10/07/2013, 16:54 (GMT+7)
QĐND - Cách đây 5 năm, tôi đã hai lần tới Phú Quốc để chứng kiến việc tìm hài cốt liệt sĩ. Đó là một câu chuyện dài xúc động về những đồng chí, đồng đội của chúng tôi ở trại tù binh lớn nhất miền Nam của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Gần 2000 hài cốt liệt sĩ được quy tập trong quãng thời gian 6 tháng! Có lẽ, đó là một kỷ lục mà cũng là sự tri ân, báo ân thiết thực nhất mà Đội tìm kiếm K92 đã thực hiện được.
Trước đó, những đồng đội của các liệt sĩ, với sự giúp đỡ của các ban ngành chức năng cũng đã tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Phú Quốc trong các năm từ 1995 đến 1997. Nhưng với ngần ấy thời gian, cũng chỉ quy tập được 968 hài cốt, trong tổng số khoảng 4000 người tù bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn giết hại. So sánh như thế để thấy rằng, những gì mà Đội tìm kiếm K92 làm được quả là phi thường. Trong suốt 6 tháng đó, các anh, các chị đã xa gia đình để đến với Phú Quốc, đồng cam cộng khổ, lặn lội trên những cánh rừng, không quản ngại thời tiết, bom mìn, lắng nghe mọi thông tin từ các cựu tù Phú Quốc và người dân địa phương để quy tập được nhiều nhất hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ trên huyện đảo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại Phú QuốcẢnh: T.L
Chị Năm Nghĩa có một anh trai bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc, đã bị địch giết hại, mộ chí của anh hiện đang yên nghỉ tại Phú Quốc. Là người lính, lại có thân nhân bị địch giết hại, coi các liệt sĩ như người anh ruột của mình, suốt nhiều tháng qua, chị Năm Nghĩa đã sát cánh cùng anh em trong Đội tìm kiếm K92 phát hiện được nhiều điểm tập trung số lượng lớn hài cốt liệt sĩ.
Nói về nghĩa tình đồng đội thủy chung, chúng tôi xin được nhắc đến tình cảm chân thành của người bạn tù Phú Quốc năm xưa. Đó là anh Tư Sang (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). Hai lần tổ chức đại lễ cầu siêu là hai lần anh Tư Sang có mặt để thắp nhang cho đồng đội. Tự tay châm thuốc lá lên mộ các liệt sĩ, anh Tư Sang xúc động nói: "...Trước đây, ở trong tù, anh em mình mười người chung nhau một điếu thuốc. Bây giờ, tôi châm cho hai anh em một điếu để cùng nhớ lại những ngày tháng năm xưa...". Còn nhớ, trong đợt cầu siêu lần thứ nhất, trời đổ mưa, một đồng chí bảo vệ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của anh nên bật ô che. Anh Tư Sang nói: "Bao nhiêu đồng đội của chúng ta còn đang chịu mưa rét, nằm rải rác đâu đó trên nền đất lạnh mà chưa được quy tập; những hạt mưa này có thấm gì so với sự hy sinh của các anh, hãy để tôi cùng đồng cảm chút ít với đồng đội...".
Không thể kể hết tình cảm của những người đang sống với các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đội tìm kiếm K92 ngoài sự động viên về tinh thần, vật chất của đồng chí, đồng đội các liệt sĩ; bà con phật tử, nhân dân các địa phương lân cận; còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện ở mức cao nhất của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc, các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 9, Vùng 5 Hải quân, Cảnh sát biển... Họ như được nhân lên bội phần sức mạnh, tình cảm và sự quyết tâm để tiếp tục tìm và quy tập được nhiều hơn nữa hài cốt liệt sĩ sau bao nhiêu năm bị vùi lấp dưới nền đất lạnh hoặc nằm sâu giữa biển khơi!
Trong quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội tìm kiếm đã phát hiện được rất nhiều hố chôn người tập thể. Xác người tù được chôn theo nhiều lớp, mỗi lớp chỉ cách nhau khoảng một mét đất, ngổn ngang với các tư thế đứng, nằm, ngồi, xuôi, ngược khác nhau. Có những lớp đất, đội quy tập đã tìm thấy hơn 80 hài cốt liệt sĩ. Những hố chôn tập thể này là những chứng tích tội ác man rợ nhất mà những kẻ nhân danh “tự do-dân chủ” đã gây ra đối với đồng bào của chúng ta. Theo một số nhân chứng còn sống sót thì gần như các tù nhân bị giết hại đều chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn trên người!
Trước đó, khi tới thăm Bảo tàng Chiến tranh trên huyện đảo Phú Quốc, chúng tôi còn được nhân viên bảo tàng chỉ cho rất nhiều đinh, được nhổ từ những hộp sọ của người tù, chứng tỏ, kẻ địch còn có một hình thức tra tấn cực kỳ độc ác khác là đóng đinh vào sọ của tù nhân...
Rời Phú Quốc lần thứ hai sau đại lễ cầu siêu long trọng mà Hội Phật giáo Việt Nam chủ trì tổ chức, chúng tôi vẫn hẹn ngày trở lại Phú Quốc để được "gặp mặt" nhiều thêm nữa anh em, đồng chí, đồng đội vẫn chưa được quy tập hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ. Trên chuyến phi cơ từ huyện đảo Phú Quốc trở lại TP Hồ Chí Minh, nhìn từ trên độ cao xuống, Phú Quốc vẫn như một tượng đài sừng sững trước biển cả bao la.
NGUYỄN ĐÌNH CẦN
Thứ Năm, ngày 07 tháng 11 năm 2013
CẦN NGHIÊM TÚC XEM LẠI CÁCH XÁC ĐỊNH DANH TÍNH 129 HÀI CỐT LIỆT SỸ TÌM THẤY Ở PHÚ QUỐC THÁNG 10 NĂM 2008
*Tại chương trình giao lưu trực tuyến giữa Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trên báo Năng lượng mới, tôi đã nêu câu hỏi này, nhưng NNC đã trốn tránh  không trả lời.
NVM BLOG – ĐÂY LÀ MỘT CÁCH LÀM TUỲ TIỆN, CẨU THẢ MÀ KHÔNG CHỈ CÁC NHÀ NGOẠI CẢM, UBND TỈNH KIÊN GIANG, HUYỆN PHÚ QUỐC VÀ CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN CẦN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM, LÀM SÁNG TỎ SỰ THẬT…
Tháng 10-2008, theo lời mời của Ban liên lạc cựu tù binh PHú Quốc vượt ngục ở TP Hồ Chí Minh do anh Vương Chí Dũng làm trưởng ban, tôi được đi cùng đoàn cựu tù binh PHú Quốc và các nhà sư thuộc chùa Vĩnh Nghiêm ra Phú Quốc dự đại lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại Phú Quốc.
Theo Đại tá Ngô Minh Chánh, đội trưởng Đội tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ K92 của Quân khu 9, người chủ trì, chỉ đạo trực tiếp công tác tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sĩ nhà tù Phú Quốc : Đảo Phú Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống chống Mỹ từng có trại giam tù binh cộng sản giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Trong đó, có tới hơn 4.000 chiến sĩ hi sinh bởi những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù. Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ song tính đến tháng 8-2008, qua 5 đợt tổ chức tìm kiềm, mới có 905 liệt sĩ được tìm thấy hài cốt. Buổi lễ cầu siêu hôm nay dành cho hơn 4.000 liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng nhiều liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt là hơn 3.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, thi thể các anh đang nằm đâu đó trong biển, trong rừng Phú Quốc.
         Tháng 10-năm 2008, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức một đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hi sinh tại Phú Quốc lần thứ 6, có lớn nhất từ trước tới nay. Đến chiều 18-10), đội đã tìm thấy hài cốt 129 liệt sĩ. Khi tìm thấy hài cốt các đồng chí bị giết hại, chứng tích nhiều tù binh bị đóng đinh vào đầu vẫn còn nguyên vẹn khiến những người chứng kiến không sao cầm được nước mắt. Và cũng theo ban tổ chức buổi lễ, nhờ sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng, Năm Nghĩa, trước giờ diễn ra lễ cầu siêu, 110 liệt sĩ đã tìm được danh tính, quê quán. Như vậy là thành tích của các nhà ngoại cảm rất “ổn”, không chỉ giúp tìm ra 129 hài cốt liệt sĩ mà còn rất nhanh chóng xác định danh tính 110 hài cốt, như vậy chỉ còn 19 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được tên.

            Tuy nhiên, có một điều khiến tôi băn khoăn, chưa thấy mấy thuyết phục là cách làm việc, xác định tên tuổi, quê quán các liệt sĩ có vẻ rất tuỳ tiện, nếu như không muốn nói là rất cẩu thả. Hôm đó, tôi tận mắt chứng kiến 129 hài cốt liệt sĩ được xếp trong các tiểu sành, phủ cờ đỏ sao vàng, trên mỗi bộ hài cốt đều đặt một nhành hoa phong lan. Một nhóm các nhà ngoại cảm đi đi lại lại trong phòng, trong đó có nhà ngoại cảm Năm Nghĩa (tuy không còn là bộ đội nhưng vẫn mặc quân phục đeo quân hàm thượng uý chuyên nghiệp nhìn rất oách) và một vài người khác mà tôi không biết tên. Riêng nhà ngoại cảm Bích Hằng thì đến gần tới giờ cầu siêu mới thấy xuất hiện, đội mũ rộng vành, đi tới đâu, cả rừng người vây quanh.

            Cách mà các nhà ngoại cảm khi đó xác định danh tính liệt sĩ như thế này: Họ đứng im, hoặc ngồi im, mắt lim dim, tay người nào cũng cầm quyển sổ ghi ghi, chép chép. Mỗi khi nhà ngoại cảm đọc ra tên ai, địa chỉ như thế nào thì người đứng cạnh lại ghi vào sổ, có người khác lập tức ghi ngay lên mảnh giấy dán trên tiểu sành phủ cờ đỏ sao vàng. Cứ thế, chỉ trong một buổi chiều, nhà ngoại cảm đã xác định tới cả trăm bộ hài cốt, ai cũng có tên, tuổi, quê quán…Sự chóng vánh một cách quá “diệu kỳ” và rất…qua loa như thế khiến tôi, một trong số rất ít nhà báo có mặt ở Phú Quốc chiều hôm đó không khỏi phân vân. Năm ấy, danh tiếng mấy nhà ngoại cảm này còn nổi như cồn, VTV đều từng phát phóng sự về họ nhưng nhìn cách họ làm, tôi bỗng “sinh nghi”. Làm sao mà chỉ “mắt lim dim, mồm lẩm nhẩm, tay ghi ghi” là ra hết được danh tính liệt sĩ? Tại sao không lấy mẫu AND phục vụ cho tìm kiếm về sau? Tại sao không đối chiếu  với danh sách tù binh, tài liệu phía quân đội Sài Gòn và đồng đội cựu tù Phú Quốc? Tại sao ngành thương binh xã hội và Ban CHQS huyện Phú Quốc, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang không tham gia việc này mà lại “phó mặc” các nhà ngoại cảm?

            Bao câu hỏi cứ dồn dập trong tôi. Sự hoài nghi cứ lớn dần. Tôi quan sát kỹ danh tính các liệt sĩ do nhà ngoại cảm xác định thì phát hiện thêm một điều bất cập nữa. Hầu hết liệt sĩ chỉ được xác định họ tên, quê quán đến cấp huyện là cùng, hầu như không có ai xác định đến cấp xã. Xin ghi lại tên một vài người mà tôi đã chụp ảnh lại: LS Tạ Hồng Thiện, H: Phù Mỹ, T: Bình ĐỊnh; LS Đặng Văn Hiển – Đức Thọ, Hà Tĩnh….”. Tôi tự đặt câu hỏi: Nhà ngoại cảm chỉ ước đoán rồi ghi tên tuổi theo kiểu “phương phưởng” thế thì ai mà chả “phịa” ra được khi mà chỉ xác định tên đến cấp huyện. Trong số 119 liệt sĩ đó, bao nhiêu người xác định tên đúng, bao nhiêu người chỉ là tên ảo do nhà ngoại cảm bịa ra?

            Trước băn khoăn đó, tôi mạnh dạn đến bên nhà ngoại cảm Năm Nghĩa, hỏi: “Xin hỏi chị, bằng cách nào mà chị xác định được tên tuổi, quê quán các liệt sĩ?”. Nghe tôi hỏi, NNC Năm Nghĩa có vẻ không hài lòng, nhưng cũng trả lời cho xong: “Em hỏi thế thì chị biết hỏi ai. Thế mới là khả năng đặc biệt?”.

            Vẫn chưa tin kết quả của nhà ngoại cảm là chính xác, tôi tìm gặp các anh Vương Chí Dũng, Trần Khánh Linh ở Ban liên lạc tù binh Phú Quốc vượt ngục, xin hỏi chuyện ghi danh tính liệt sĩ như thế có đúng không, các anh có thể xác định xem trong số 119 liệt sĩ đó có ai là đồng đội mình lúc trong tù không. Trả lời câu hỏi của tôi, hai anh và nhiều cựu tù binh có mặt hôm ấy đều không tìm thấy một liệt sĩ nào là đồng đội và nói rằng điều đó là không thể bởi có tới hơn 40.000 tù binh bị giam trong 7 năm và có tới hơn 4.000 liệt sĩ!

            Thất vọng!

            Tìm thấy hài cốt liệt sĩ đã khó.

            Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn khó hơn nhiều.

            Thế mà các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang ngày đó lại phó mặc cho các nhà ngoại cảm để họ tự xác định theo một phương pháp rất trời ơi đất hỡi, không thể kiểm định, không có căn cứ, cũng chẳng biết đúng sai.

            2/ LẬP MỘ, GẮN  BIA LIỆT SĨ MỘT CÁCH RẤT “TRỜI ƠI ĐẤT HỠI”

Sự thất vọng không dừng lại ở đó!

            Cũng ngay trong chiều hôm ấy, tại nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, địa phương đã cho xây mộ, khắc bia có tên liệt sĩ theo…danh sách mà các nhà ngoại cảm xác định. Quyết định này khiến tôi sững sờ, kinh ngạc. Tôi mang điều này thắc mắc với các anh trong Ban liên lạc tù binh Phú QUốc vượt ngục với hàng loạt câu hỏi tại sao? Tại sao có thể dễ dãi thế? Tại sao có thể tin danh sách do NNC xác định là đúng 100%? Tại sao vội xây mộ, khắc bia ngay? Nếu danh tính đó là sai hoặc không có thật thì sao? Việc xây mộ rồi, khắc bia rồi có thể để lại hậu quả khôn lường khi về sau, thân nhân, gia đình đi tìm mộ sẽ tin đây là kết quả thật? Tại sao không coi danh sách liệt sĩ do NNC xác định chỉ mang tính tham khảo? Tại sao không đề mộ vô danh hoặc chưa xác định rõ sẽ khách quan hơn? Các anh đều ghi nhận ý kiến của tôi là thoả đáng nhưng địa phương đã quyết, hơn nữa tinh thần chuyến đi ấy là tổ chức đại lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, không nên đưa ra nhiều chuyện phức tạp sẽ làm hỏng cả buổi lễ….

            Tôi là nhà báo được các cựu tù binh vượt ngục mời tham gia lễ cầu siêu vì cảm kích loạt bài ký sự 9 kỳ tôi viết về các anh, không phải thành phần do địa phương mời nên cũng không thể tuỳ tiện góp ý hay phản bác cách làm thiếu cơ sở khoa học ấy. Nhưng với sự nghi ngờ đó, tôi không còn cách nào khác là chụp lại những bức ảnh về kiểu cách xác định danhtinhs liệt sĩ. Tôi thầm nghĩ, sẽ có một ngày cần phải trở lại câu chuyện này.

            5 năm đã trôi qua, giờ đây câu chuyện các nhà ngoại cảm lại bất ngờ trở lên ồn ào công luận. Nhiều lắm những sai lầm. Nhiều lắm những mạo dựng. Nhiều lắm những nghi ngờ. Nhiều lắm những bức xúc, phẫn uất của không ít gia đình liệt sĩ. Lỗi ở các nhà ngoại cảm cũng có nhưng theo tôi, còn có một phần lỗi không nhỏ của chính quyền và các cơ quan chức năng. Như chuyện 119 hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc mà tôi kể trên đây, tôi đoan chắc có rất nhiều sai sót, tuỳ tiện, để lại hậu quả khôn lường. Lấy căn cứ gì để chứng minh 119 hài cốt ấy tương ứng với 119 cái tên liệt sĩ, quê quán liệt sĩ? Mơ hồ thế thì việc vội vàng dựng bia, xây mộ để làm gì? Để làm đẹp cho buổi lễ hay để cho trọn vẹn cái dự án khai quật, quy tập mộ liệt sĩ đã có đủ hạng mục mộ, bia? Năm tháng đã trôi qua, 5 năm qua có bao gia đình đã tìm được hài cốt thực sự từ những cái tên “phương phưởng” do NNC cấp rồi khắc lên bia mộ? Những cái tên đoán bừa, khắc sai như thế giờ đây cần thẩm định ra sao, nên để hay đập bỏ?

            3/ LIỆT SĨ CÓ THẬT THÌ KHÔNG CÔNG NHẬN, LIỆT SĨ DO NNC “PHÁN” THÌ…OK!

            ở lễ cầu siêu, tôi gặp cụ Nguyễn Thị Tuyết, 83 tuổi, mẹ liệt sĩ Tín – nhân vật chính trong bài viết Một mình thoát bầy sói trên báo Quân đội nhân dân hôm nào. Mắt mờ, tóc bạc, lưng còng, mẹ vẫn nằng nặc bắt con gái đưa ra Phú Quốc dự lễ cầu siêu để tìm hài cốt con trai. Khi thấy NNC Bích Hằng xuất hiện, mẹ chạy lại gần như quỳ xuống đưa di ảnh Anh Tín để nhờ cô ta giúp đỡ nhưng cô chỉ liếc mắt xem qua rồi nguây nguẩy bước đi, mặc kệ giọt nước mắt tiếc nuối xót thương của người mẹ già. Nước mắt người mẹ trong chiều Phú Quốc khiến tôi day dứt. Càng day dứt hơn khi trong đoàn dự lễ cầu siêu, có khá nhiều người mang theo hồ sơ xin làm thủ tục công nhận thương binh, liệt sĩ cho bản thân và thân nhân? Xót xa nhất là trường hợp anh Hồ Văn Lý, em liệt sĩ Hồ Văn Thông ở Xuân Lộc, Đồng Nai. HỒ Văn Thông là tù binh Phú Quốc bị địch tra tấn, hi sinh, nhiều đồng đội là cựu tù Phú QUốc vượt ngục đã xác nhận. Trong những lần quy tập trước, tên anh đã có trong nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc. Thế mà anh Lý cùng gia đình nhiều năm đi gõ cửa gắp các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thì họ vẫn viện lý do nọ kia không công nhận liệt sĩ. Anh chua xót thốt lên: “Anh tôi hi sinh là có thật, có tên trong nghĩa trang liệt sĩ ở Phú Quốc mà còn không được công nhận là liệt sĩ thì tôi biết phải làm sao?”

Tôi cùng anh Lý, cùng đồng đội của anh Thông thắp hương cho anh Thông, đặt lên mộ anh một bông hồng đỏ thắm. “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, lời bài hát của Diệp Minh Tuyền chợt vang lên day dứt trong tôi. Những người ôm cây súng để cho Tổ quốc yên bình hôm nay, họ còn nằm lại trên hòn Đảo ngục tù một thời nay là Đảo Ngọc này mà sao những vô cảm, lố lăng, thấp hèn còn gây khó dễ, không vinh danh các anh. Một con người có thật, một nấm mồ có thật thì không được công nhận trong khi hàng trăm hài cốt chưa rõ danh tính, chỉ nghe một nhà ngoại cảm “phán” thì từ huyện đến tỉnh, từ tỉnh đến Trung ương vội vàng công nhận, tin theo? Thế này là thế nào?

Năm năm đã trôi qua, tôi chưa có dịp quay trở lại Phú Quốc, nơi có nhà lao cây Dừa, địa ngục trần gian một thời. Tôi cũng không rõ sau này, thêm mấy đợt tìm kiếm hài cốt khác, nghe nói vẫn do những nhà ngoại cảm ấy trợ giúp, người ta đã tìm thấy thêm cả nghìn bộ hài cốt. Không biết sau này, các xác định danh tính ra sao hay vẫn “bổn cũ soạn lại”, nghe nhà ngoại cảm “chém gió” rồi vội vàng lập thêm cả nghìn bia, xây thêm cả nghìn mộ. Nếu vẫn tiếp tục sự cẩu thả ấy, thì tôi nghĩ câu chuyện không dừng ở nhầm lẫn nữa mà thực sự họ đã đơn giản, xem thường trước xương máu liệt sĩ. Việc nghĩ ra những cái tên một cách tuỳ tiện, không có cơ sở, không có kiểm chứng rồi tạc bia, hương khói hàng ngày chính là sự xúc phạm liệt sĩ, nếu không muốn nói là một TỘI ÁC? AI? Văn bản nào? Quy định nào cho phép họ làm điều đó!

Sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm (nếu có) trong việc tìm ra hài cốt các anh là nên ghi nhận. Nhưng sự tuỳ tiện, lợi dụng cái gọi là “ngoại cảm” để xác định danh tính liệt sĩ kiểu đó thì không thể chấp nhận. Phải lên án, phải làm rõ, phảixử lý và khắc phục, sửa sai ngay.
Hãy hành động, vẫn chưa phải là muộn!
NGUYỄN VĂN MINH
Dưới đây là những hình ảnh về cách xác định danh tính liệt sĩ do các nhà ngoại cảm thực hiện ở Phú Quốc tháng 10-2008
NNC Năm Nghĩa (trái) và nhóm các nhà NC đang xác định danh tính liệt sĩ


Phương pháp là "ngồi lim dim, miệng lẩm bẩm, tay ghi ghi"
Những cái tên liệt sĩ rất phương phưởng, quê quán chỉ ghi đến cấp huyện




 Liệt sĩ Hồ Văn Thông có tên trong nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, nhiều đồng đội xác nhận nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn không công nhận anh là liệt sĩ
Tác gỉa và anh Hà - một đồng đội liệt sĩ Hồ Văn Thông