Hiển thị các bài đăng có nhãn truyền thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn truyền thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng

07 tháng 6 2019

Từ Trang An Biên đến Kẻ Chợ: Con số chín và ttriều Hạ


Từ Tam Đại (三代) xuất hiện sớm nhất trong một tác phẩm từ thời kỳ Xuân Thu là "Luận ngữ", quyển "Vệ Linh công":
Tư dân dã, Tam Đại chi sở dĩ trực đạo nhi hành dã
Với dân đời nay, cứ lấy đạo ngay thẳng của Tam Đại mà thi hành
Từ này sang thời Chiến Quốc, cũng vẫn dùng để chỉ Hạ, Thương và Tây Chu. Sau thời nhà Tần, ý nghĩa của Tam Đại bắt đầu bao quát cả thời kỳ Đông Chu. Các văn bản ghi chép lịch sử của TQ được tìm thấy cổ nhất là từ thời nhà Thương (khoảng 1600 - 1046 TTL), và những điều chép đó đúng với kết quả các công trình khai quật khảo cổ. Mặc dù một vài văn bản như "Trúc thư kỷ niên" và muộn hơn là "Sử ký" khẳng định rằng triều đại nhà Hạ đã tồn tại trước nhà Thương, nhưng điều này không thể được chứng thực bằng những di vật khảo cổ (văn tự, di tích, lăng mộ...) đủ để xác nhận rõ ràng về sự tồn tại của nhà Hạ, như các ghi chép trên các loại xương, yếm rùa, gốm của nhà Thương ở Ân Khư hay ghi chép trên vại đồng của nhà Chu. Văn minh đời Thương khoảng giữa triều đại này đã đạt mức cao của thời đại đồ đồng, nhưng nhà Thương thành lập trong hoàn cảnh nào, dân Hoa Hạ từ nhà Hạ chuyển qua nhà Thương ra sao thì vẫn còn thiếu nhiều tài liệu. Các bộ sử chỉ cho biết đại khái rằng thị tộc Thương sinh sống ở lưu vực hạ lưu Hoàng Hà phát triển và nhà Thương bắt đầu nổi lên từ phía tây châu thổ Vị Hà. Họ Tử 子 làm thủ lĩnh bộ tộc là một họ cổ của người Hoa Hạ thời cổ đại, sau này phát sinh ra nhiều chi khác nhau. Dựa vào chữ khắc trên các công cụ đồng điếu (hay đồng đỏ, hợp kim của đồng [Cu] với thiếc [Sn], có thể lẫn nhôm [Al], berili [Be], chì [Pb]; bronze; TQ gọi là "thanh đồng" 青铜: "đồng màu xanh" vì để lâu ngày thì sinh gỉ màu xanh) thời Tây Chu, họ Tử có lẽ khởi phát từ họ Hảo 好姓, vào thời điểm mà chế độ phụ hệ dần thiết lập và thay thế chế độ mẫu hệ, khi bộ "nữ" 女 bị loại bỏ mà hình thành. Gần đây một số nhà sử học TQ đề xuất rằng nhà Hạ và nhà Thương có lẽ chỉ các thực thể tồn tại đồng thời, giống như nhà Chu ở giai đoạn sớm đã được chứng minh là cùng tồn tại với nhà Thương, do đó mốc thời gian nhà Hạ ra đời 4.000 năm trước chỉ là truyền thuyết thuần túy và nhà Hạ chưa phải là một triều đình cai trị đúng nghĩa mà vẫn là một liên minh nhiều bộ lạc có hình thức tù trưởng phức tạp.

Triều Hạ tồn tại trong khoảng thời gian quá độ từ liên minh bộ lạc tới quốc gia phong kiến, do đó không có cương vực rõ ràng. Đất phát nguyên của thị tộc Hạ là dãy Mân Sơn (岷山, trên thượng du sông Mân 岷江, nhánh chính tại thượng nguồn sông Dài, nơi giao giới giữa ba tỉnh Tứ Xuyên - Cam Túc - Thanh Hải), từ Mân Sơn, bộ lạc Hạ dần theo thượng du Hán Thủy cổ, qua trung hạ du Vị Hà, dời về phía Đông đến lưu vực Y Hà 伊河 - Lạc Hà tại miền Nam Sơn Tây - miền Tây Hà Nam là phạm vi lãnh thổ phía Tây; phía Đông đến nơi giao giới giữa ba tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Hà Bắc; phía Nam đến miền Bắc tỉnh Hồ Bắc; phía Bắc lên tới miền Nam tỉnh Hà Bắc; trung tâm địa lý nay là dải Yển Sư, Đăng Phong, Tân Mật, Vũ Châu tỉnh Hà Nam là địa bàn thị tộc Hạ, còn lại xung quanh là địa bàn 11 chi (thị tộc) họ Tự của bộ lạc Hạ, về dòng máu có quan hệ tông pháp, về chính trị có quan hệ phân phong, về kinh tế có quan hệ cống phú với thị tộc Hạ. Quan hệ giữa thị tộc Hạ và các thị tộc / bộ lạc khác khá giống với kiểu quan hệ giữa nước tông chủ và nước triều cống, cũng có một ít phương quốc được nhà Hạ phân phong, giống như nước chư hầu. Vào thời Cổn - Vũ, Hạ tộc chủ yếu sinh hoạt tại vùng đất Hà Nội ở trung nam bộ Sơn Tây, men theo Phần Thủy, Hà Thủy dời đến phía đông nam, cuối thời đến lưu vực Y Hà - Lạc Hà ở trung bộ Hà Nam. Sách "Quốc ngữ" thiên "Chu ngữ thượng" viết rằng "xưa Y Lạc khô cạn nên Hạ mất", có thể thấy Y Hà - Lạc Hà mang tính trọng yếu đối với vùng đô ấp cuối thời Hạ.

Trong lịch sử, triều Hạ được gọi quen là "Hạ" 夏, liên quan đến nguồn gốc tên gọi "Hạ", giới học giả TQ chủ yếu có 10 loại thuyết, quan điểm có độ khả tín cao nhất nhận định rằng "Hạ" là chữ tượng hình tượng trưng cho vật tổ của Hạ tộc. Tư Mã Thiên chép chữ "Hạ" là danh hiệu bộ lạc do 12 thị tộc tổ thành, trong đó có thị tộc Hạ. Thị tộc hay bộ lạc cổ lấy vật tổ làm phù hiệu đại diện, phần nhiều sử dụng chim thú có tính cách mà tộc sùng bái hoặc gần giống với tộc. Chữ "Hạ" khắc trên đồ đồng giống như hình người, song bên trong bao gồm nét hình dạng của thú, từ dáng đi hay đầu, cũng như chân tay. Dãy Mân Sơn có nhiều khỉ, tộc Hạ có lẽ cũng thấy được bản năng tự nhiên của khỉ giống với người, có tính cách thông minh giống người, do vậy tôn khỉ làm vật tổ, khắc làm tộc huy, người đời sau khắc thành văn tự. Triều Hạ được xem là vương triều đầu tiên theo lịch sử truyền thống Trung Quốc, có địa vị lịch sử khá cao, người đời sau thường tự xưng là "Hoa Hạ", trở thành danh từ đại diện cho TQ. Hai chữ "Hoa", "Hạ" hiện nay có âm đọc tương đồng trong các phương ngữ như tiếng Ngô, các nhà ngôn ngữ học do vậy ước đoán rằng hai chữ này vào thời cổ là đồng âm đồng nghĩa. Chữ "Hạ" xuất hiện sớm nhất trong "Thượng thư" thiên "Nghiêu điểu":
Đế viết: 'Cao Dao Man Di Hoạt Hạ, khấu tặc gian quỹ, nhữ tác sĩ.'
Cao Dao (臯陶, tức Đại Nghiệp) là thủ lĩnh Đông Di thanh thế phía đông Hạ tộc, ở đất Từ (sau trở thành nước Từ [徐國 / 徐国, ~1900 - 512 TTL], còn được gọi là Từ Nhung, Từ Di hoặc Từ Phương, tại khu vực nay là huyện Đàm Thành thành phố Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông). Vào thời kỳ Nghiêu - Thuấn, tập đoàn Đông Di bắt đầu phân ra làm bốn chi, một chi lưu cư tại miền trung Hà Bắc, một chi thiên di sang phía tây chiếm lĩnh miền tây Bình nguyên Hoa Bắc, trải khắp hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam, xa nhất đến tận Thiểm Tây. Một chi đi vòng lên phía bắc qua vịnh Bột Hải đến Liêu Đông và bán đảo Triều Tiên, còn một chi nam hạ qua Sơn Đông đến khu vực Hoài Hà - sông Dài cho nên mới có Đông Di ở lẫn với Hạ tộc. Chi Đông - Nam đến giữa thời Hạ phát triển thành chín thị tộc / bộ lạc, gọi chung là "Cửu Di", cư trú tại lưu vực Hoài Hà - Tứ Thủy: Quyến Di (畎夷), Vu Di, Phương Di, Hoàng Di, Bạch Di (白夷), Xích Di (夷夷), Huyền Di (玄夷), Phong Di (风夷), Dương Di (阳夷). Tại chi phía Tây, một nhóm di đến đất Cùng Thạch (tương truyền nay ở phía nam Lạc Dương, Hà Nam) gần Hạ tộc, thông hôn với Hạ tộc mà hình thành nên thị tộc Hữu Cùng (有窮氏). Vào thời kỳ Cổn trị thủy Hữu Cùng lại di đến Cùng Tang (tương truyền nay thuộc thị xã Khúc Phụ, Tể Ninh, Sơn Đông), bắt đầu nổi lên ở đó rồi đi tiếp lên phía bắc đến ven bờ Bột Hải, dần lớn mạnh tại Cách (tương truyền nay thuộc phụ cận thành phố Đức Châu 德州市, Sơn Đông). Đông Di với thị tộc Hạ có nhiều ân oán (tiêu biểu cho quan hệ Đông Di với tộc Hoa Hạ). Thời kỳ Mệnh trị thủy, thị tộc Hữu Cùng tây thiên đến Tư (鉏, có thuyết cho rằng nay thuộc huyện Hoạt 滑县 thành phố An Dương, Hà Nam), sát gần khu vực trung tâm của thị tộc Hạ. Trong giai đoạn từ Thái Khang (太康, cháu nội Mệnh, Thái Khang cùng em là Trọng Khang [仲康 hay Trung Khang 中康] và cháu là Thiếu Khang [少康, cháu nội Trọng Khang] đều tên là "Khang", người đời sau chú thêm để phân biệt) đến Hạ Trữ (夏杼, con Thiếu Khang) thị tộc Hữu Cùng nói riêng và Cửu Di nói chung trở thành mối uy hiếp không nhỏ đối với thị tộc Hạ. Hữu Cùng cướp quân vị bốn đời Hạ Hậu, từ đời Thái Khang đến đời Hạ Trữ 40 năm mới khôi phục được quân vị. Sau đó từ Hạ Trữ đến con là Hạ Hòe (夏槐) đánh nhau liên miên với Cửu Di.

Cao Dao là con Nữ Tu (女修, theo "Sử ký" thiên "Sở thế gia" thì là hậu duệ của Đế Huyền nhưng không nói rõ là con ai và đời thứ mấy, chỉ biết rằng Nữ Tu là đàn bà làm nghề dệt vải, còn theo gia phả họ Hoàng của người TQ thì Nữ Tu là con của Cùng Thiền, tức cháu Đế Huyền, là nam giới chứ không phải nữ giới nên vấn đề này còn nhiều nan giải cho đến tận ngày nay các nhà khảo cổ học và sử học còn chưa kết luận chính xác được). "Sử ký" chép một hôm Nữ Tu đang làm việc ở ngoài sân thì trên trời xuất hiện con chim én đẻ trứng. Đúng lúc Nữ Tu ngửa mặt lên trời ngáp ngủ thì quả trứng đó rơi tọt vào miệng, sau đó ít lâu Nữ Tu thụ thai rồi sinh ra Cao Dao. Có lẽ do thời đó xã hội loài người đang ở trong chế độ quần hôn giai đoạn quá độ chuyển tiếp cuối cùng của thị tộc mẫu hệ, chẳng biết cha đứa trẻ là ai nên mới có những truyền thuyết như vậy để tạo nên nguồn gốc thần bí, cũng giống như bà Khương Nguyên dẫm vào vết chân người khổng lồ mà đẻ ra Cơ Khí tức Hậu Tắc là tổ nhà Chu và bà Giản Địch nuốt trứng huyền điểu mà đẻ ra Tử Tiết là tổ nhà Thương vậy. Liên quan đến câu "Man Di Hoạt Hạ", có hai thuyết giải thích: Một thuyết cho rằng "Hoạt Hạ" tức là "Hoa Hạ", "Man Di" ở đây là Đông Di, tương ứng với "Hoạt Hạ", hai bên vào thời kỳ Nghiêu - Thuấn đều bị xem là Man Di ngoại tộc, giống như một chủng "khấu tặc gian quỹ". Từ "Hoa Hạ" sau khi triều Hạ được kiến lập thì mới chuyển từ chê thành khen. Có thuyết nói chữ "hoạt" là động từ, có nghĩa là xâm loạn, vào thời đó Hạ tộc và Man Di ngoại tộc tạp cư, do vậy Man Di loạn Hạ, "khấu tặc gian quỹ" không chuyện ác nào không làm.

Trong "Quốc ngữ" thiên "Chu ngữ" có ghi rằng Tự Cổn là thủ lĩnh Hạ tộc, được Đường Nghiêu phong gần Tung Sơn, phía nam Hoàng Hà, cho nên được gọi là "Tung bá Cổn". Tự Văn Mệnh con Cổn sau này kế thừa Cổn làm "Tung bá", thể hiện rằng Hạ tộc hoạt động ở phụ cận Tung Sơn. Như đã nói trong "Con số chín và tộc Hoa Hạ", Cổn được Tứ Nhạc cử làm lãnh đạo trị thủy, trải qua chín năm song cuối cùng thất bại. Nguyên nhân có lẽ là do các tộc tiền Hoa Hạ khi đó chưa chôm được đến đầu đến đũa kiến thức của các cư dân nông nghiệp lúa nước. "Thượng thư" - "Ngiêu điển" chép rằng Đường Nghiêu ngay từ đầu đã nhận định rằng Cổn trái mệnh hại tộc, hủy hại người thiện lương nên phản đối Cổn lãnh đạo trị thủy, điều này thể hiện rằng trong thời gian Cổn lãnh đạo trị thủy có không ít bộ lạc bất mãn đối với Cổn. Trong "Thượng thư" - "Hồng phạm" và "Quốc ngữ" - "Lỗ ngữ" chép rằng "Cổn chướng hồng thủy", cho thấy cách "nút chai" trị thủy của Cổn, tức là củacác tộc tiền Hoa Hạ, chủ yếu là dùng đất, gỗ, đá đắp đê đập ngăn trở để chặn nước lụt, có điều do chôm chưa hết kiến thức nên thất bại, Cổn bị Ngu Thuấn giết tại Vũ Sơn ven Hoàng Hải (黄海: "biển màu vàng", do phù sa Hoàng Hà đổ ra, biển nhỏ nằm giữa bán đảo Triều Tiên và TQ, ở phía bắc Đông Hải).

Theo truyền thuyết, khi Tự Văn Mệnh trưởng thành, Ngu Thuấn lại dùng Mệnh trị thủy, có rất ít ghi chép lịch sử về Mệnh, Tư Mã Thiên đã thu thập các câu chuyện truyền miệng từ các vùng khác nhau dựng Mệnh thành hình mẫu tiêu biểu, cũng như được ca ngợi bởi Khổng Khâu. Mệnh được Nữ Chí (女志) sinh ra tại núi Long Sơn (汶山, thuộc Huyện tự trị dân tộc Khương Bắc Xuyên 北川羌族自治县, thành phố Miên Dương 绵阳市), thuyết khác cho rằng sinh ở thị xã Thập Phương 什邡市 thành phố Đức Dương 德阳市, đều ở tỉnh Tứ Xuyên. Vì cha được phong đất gần Tung Sơn do đó Mệnh được cho là lớn lên trên sườn Tung Sơn. Sách vở ca tụng rằng Mệnh hy sinh rất nhiều để trị thủy, kể rằng trong khi Mệnh đi về phương Nam khảo sát sông nước đã gặp và kết hôn với con gái thị tộc Đồ Sơn (塗山氏, người ở Đồ Sơn 塗山, không rõ ở đâu vì có đến bốn thuyết: theo tương truyền thì Đồ Sơn ở trong địa phận huyện Hoài Viễn 怀远县 thành phố Bạng Phụ 蚌埠市 tỉnh An Huy; một thuyết khác cho rằng là Tam Đồ Sơn thuộc địa phận huyện Tung 嵩县 thành phố Lạc Dương, Hà Nam; thuyết thứ ba cho là Dư Sơn ở phía bắc quận Tiêu Sơn 蕭山區 thành phố Hàng Châu, Chiết Giang; thuyết thứ tư thì cho là Đồ Sơn trong địa phận thành phố Trùng Khánh 重庆), rồi lại tiếp tục đi. "Sử ký" - "Hạ bản kỷ" chép:
... lao thân tiêu tư, 13 năm sống ở ngoài, qua cửa nhà không dám vào
Trong suốt 13 năm trị thủy, Mệnh đi ngang qua nhà mình ba lần, lần đầu tiên đi ngang qua Mệnh nghe nói rằng vợ mình sinh con trai, được đặt tên là Tự Khải (姒姒, nghĩa đen là "mặc khải"). Lần thứ hai đi ngang qua, Khải đã có thể gọi tên cha. Lần thứ ba đi ngang qua, Khải đã hơn 10 tuổi. Sách vở chép Mệnh đã thực hiện một nghiên cứu cẩn thận các hệ thống sông để tìm hiểu lý do tại sao những nỗ lực của cha mình không thành công. Phối hợp với Hậu Tắc và Tử Tiết, có thể cả Cao Dao, Mệnh đã phát minh ra hệ thống kiểm soát lũ lụt thành công hơn cha. Thay vì trực tiếp đắp đập ngăn dòng chảy của sông, Mệnh đã thực hiện một hệ thống kênh mương thủy lợi thuyên giảm nước lũ vào các cánh đồng, cũng như chi tiêu lớn trong nỗ lực nạo vét lòng sông. Mệnh có khả năng cũng rút kinh nghiệm đối nhân xử thế của cha, xúc tiến đoàn kết các bộ lạc. Mệnh còn được cho là đã ăn và ngủ chung với người lao động và dành hầu hết thời gian cá nhân của mình để hỗ trợ công tác nạo vét phù sa, tinh thần khắc khổ này được sách vở truyền tụng, "Hàn Phi tử" - "Ngũ đố" khen ngợi:
... thân cầm cày xẻng mà lãnh đạo dân, đùi và cẳng chân không mọc được lông, nhọc nhằn của nô lệ cũng không bằng của ông
"Mạnh tử" - "Đằng Văn công" đề cập đến phương pháp trị thủy của Mệnh:
khai thông chín (lại chín) sông, đào thông Tể, Tháp ra Chư Hải (tức Hoàng Hải), khơi Nhữ (Hà), (sông) Hán; tháo nước Hoài (Hà), Tứ (Thủy) vào (Trường) Giang
Để làm được những việc đó, Mệnh đã được Ngu Thuấn cung cấp, cũng như Mệnh huy động được, một số lượng lớn người lao động. Nước Ba cũng gửi nhân công tới giúp, tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ cho thấy người Ba dựa chủ yếu vào đánh cá và săn bắn, hoạt động nông nghiệp ở mức độ thấp và không có bằng chứng về thủy lợi, họ giỏi chiến đấu hơn nên nhân công Ba chắc chỉ lao động đơn thuần hoặc là làm công việc trị án vì họ có truyền thống gửi lính đi đánh thuê. Sách vở cũng chép rằng thời Ngu Thuấn cũng như thời Mệnh làm thủ lĩnh liên minh bộ tộc, bắt sống được nhiều người dân tộc Nam Man về làm nô lệ, nô lệ làm việc gì nếu không phải là lao dịch trong công trình trị thủy của Mệnh? Mệnh cũng đề xướng nông nghiệp, nhấn mạnh:
tự thân trồng trọt mà có thiên hạ
Do đó, những "phát minh", "đoàn kết" của Mệnh, tức là của tộc Hoa Hạ, chứng tỏ khi đó tộc Hoa Hạ đã tiếp xúc nhiều hơn, rộng hơn với người Việt, chôm (hay cướp) được đến đầu đến đũa kiến thức nông nghiệp của người Việt nên trị thủy thành công. Việc trị thủy thành công rất quan trọng trong việc xây dựng sự thịnh vượng của khu vực trung tâm TQ, cho phép văn hóa Hoa Hạ cổ đại phát triển dọc theo Hoàng Hà, Vị Hà và đường thủy của vùng trung tâm TQ, khiến Văn Mệnh nổi tiếng trong suốt lịch sử TQ, được gọi là "Đại Vũ trị thủy" (大禹治水). Trong "Sử Trung Quốc", Nguyễn Hiến Lê có viết:
Thời đó đâu có đủ dân, đủ khí cụ làm công việc vĩ đại như vậy, bất quá Mệnh chỉ "sửa sang ngòi lạch" như Khổng Tử nói trong bài VIII - 21 (Luận ngữ) để bớt ứng thủy thôi. Nhưng Khổng Tử cũng khen Mệnh lắm, bảo không chê Mệnh vào đâu được vì Mệnh sống đạm bạc mà cúng tế quỷ thần thì trọng hậu (ta nên hiểu là đời sống chất phác, và rất tin quỷ thần)
Nói về thủy lợi, hệ thống thủy lợi lâu đời nhất TQ được ghi chép trong sách sử và khảo chứng được là kênh đào Hàn Câu (gần Dương Châu, Giang Tô) nối sông Dài về phía bắc vào Hoài Hà, do Ngô vương (吳王, 495 - 473 TTL) Cơ Phù Sai (姬夫差, ? - 473 TTL) ra lệnh đào khoảng năm 486 TTL (tức là sau thời Mệnh khoảng 1.600 năm), để vận chuyển binh lính lên phía bắc xâm chiếm các vương quốc khác. Hàn Câu được các đời sau nối dài thêm thành Đại Vận Hà (大運河, từ Bắc Kinh đến Chiết Giang). Tiếp theo là ba dự án kỹ thuật thủy lực lớn của nước Tần: Đô Giang Yển (都江堰, ở phía tây đồng bằng Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, giữa Bồn địa Tứ Xuyên và Cao nguyên Thanh - Tạng), kênh Trịnh Quốc (鄭國, ở Thiểm Tây) và kênh Linh Cừ (靈渠, ở Quảng Tây).

Nước Tần kể từ khi thi hành biến pháp của Cơ Ưởng (姬鞅, 390 - 338 TTL, còn gọi là Thương Ưởng 商鞅, trú tại nước Vệ [衛氏] nên còn gọi là Vệ Ưởng 衛鞅 hoặc Công Tôn Ưởng 公孫鞅) đã trở nên hùng mạnh nhờ đẩy mạnh nông nghiệp bằng những công trình thủy lợi to lớn. Đô Giang Yển được viên quan khâm sai nước Tần là Lý Băng (李冰) cùng với con trai khảo sát và xây dựng nhằm chống lũ lụt trên sông Mân (岷江, nhánh chính dài nhất tại thượng nguồn sông Dài, chảy qua Mân Sơn rồi trung tâm tỉnh Tứ Xuyên). Lý Băng đã chia đôi dòng chảy sông Mân bằng cách đào một kênh xuyên qua đồi đá Ngọc Lũy đến vùng đồng bằng Thành Đô. Đá đồi này quá cứng nên đào không được, Lý Băng cho chất củi và cỏ lên trên đá và đốt, sau đó tưới nước lạnh lên khiến đá nứt ra và họ đã có thể đào được đá. Công trình mất 7 năm thi công, hoàn thành năm 256 TTL, giúp mở rộng đáng kể sức mạnh của nước Tần và gây ra sự bùng nổ dân số ở đồng bằng Thành Đô. Đô Giang Yển ngày nay vẫn được sử dụng để tưới tiêu cho khu vực có diện tích trên 5.300 km vuông.

Nước Hàn (韓國, 403 - 230 TTL, Hầu quốc chư hầu nhà Chu) sợ Tần mở rộng về phía Đông sẽ gây hại đến mình bèn tìm cách phá hoại Tần, nhưng không phải bằng quân đội, vì lực lượng quá chênh lệch, mà lợi dụng nước Tần có khuynh hướng xây dựng những công trình thủy lợi to lớn, phái Trịnh Quốc (鄭國) đến nước Tần để dụ dỗ Tần đổ các nguồn tài lực của họ vào các kênh đào còn lớn hơn nữa, hy vọng Tần sẽ bớt tài lực trong việc chuẩn bị binh lực đánh các nước khác. Nhưng mưu kế của Hàn đã mang lại tác dụng ngược, kênh mang tên Trịnh Quốc hoàn thành vào năm 246 TTL đã khiến nền nông nghiệp Tần phát triển mạnh mẽ, tất cả chi phí bỏ ra đã được thu về đầy đủ với khoản lời kếch sù. Nhờ thế Tần trở thành nước trù phú nhất TQ và lại có khả năng cung cấp thêm lương thực cho hàng trăm ngàn binh sĩ nữa. Tất nhiên quá trình chinh phạt của Tần bị chậm lại vài năm nhưng hệ thống kênh đào do Trịnh Quốc xây dựng khiến Tần có đủ tài lực xây dựng một đạo quân khổng lồ nghiền nát các nước còn lại, trở thành đế quốc duy nhất tại TQ, đổi thành nhà Tần năm 221 TTL.

Còn kênh Linh Cừ do Sử Lộc, viên quan Ngự sử nhà Tần gốc Việt, năm 214 TTL thừa lệnh Tần Thủy Hoàng xây dựng, nối sông Tương (湘江, chảy về phía bắc vào sông Dài) và sông Ly chảy về phía nam vào sông Tây (西江, sông nhánh chính ở phía tây của sông Châu 珠江) - sông Quế (桂江, sông nhánh chính của sông Tây) phục vụ cho cuộc xâm lược Bách Việt. Các công trình trên và một kênh rất hẹp ở dãy núi Long Môn (龙门山) dọc theo sông Hoàng Hà chặn nước chảy tự do về phía đông hướng đến đại dương, gọi là "Cổng Vũ" (禹門口) có lẽ là những thứ mà người ta dùng để xây dựng nên hình tượng "Đại Vũ trị thủy".

Dù gì sách cổ cũng chép Mệnh có công trị thủy và xúc tiến sản xuất nông nghiệp nên thế lực của Hạ tộc tăng cường. Ngu Thuấn rất ấn tượng trước những việc Mệnh làm, triệu tập thủ lĩnh các thị tộc đến Miêu Sơn đại hội chư hầu để tính công phong tước. Tử Tiết lập không ít công trạng vừa cố vấn vừa thực hiện giúp Mệnh hoàn thành trị thủy được chính thức phân phong chư hầu, đặt nền móng cho nhà Thương. Ngu Thuấn cũng công bố dự định cho Mệnh nối ngôi chứ không phải con mình, Thương Quân đang là thủ lĩnh thị tộc Hữu Ngu. Thương Quân hay tin quyết liệt phản đối, đem binh đánh sang thị tộc Hạ lúc đó hoạt động, từ thời Cổn trị thủy, trên địa bàn Sùng (tương truyền nay thuộc huyện Tung, thành phố Lạc Dương, Hà Nam). Vuốt mặt phải nể trứng cá nên Mệnh dời thị tộc sang Dương Thành (阳城, tương truyền nay thuộc trấn Cáo Thành, một trong những nơi sinh sống lâu đời của một bộ lạc mẫu hệ ~ 4 NN, thuộc thị xã Đặng Phong 登封 thành phố Trịnh Châu, Hà Nam) né tránh. Ngu Thuấn cảm thấy mất mặt bèn trực tiếp dẫn quân đến giáo huấn Thương Quân. Thương Quân từ đó bỏ ý định chống Mệnh, yên vị thủ lĩnh thị tộc chư hầu.

Sau đó, Ngu Thuấn phái Mệnh đi thảo phạt Tam Miêu song không đạt được kết quả khiến Ngu Thuấn trong những năm cuối phải tự thân Nam chinh, trên đường bệnh mất tại Thương Ngô (không rõ ở đâu). Mệnh kế tục quân vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc, chấm dứt thời Ngũ Đế, chuyển sang thời Tam Đại. Mệnh triệu tập đại hội bộ lạc tại Đồ Sơn, phân phong cho Thương Quân ở khu vực nay là phụ cận huyện Ngu Thành (虞城, Thương Khâu, Hà Nam) và một lần nữa chinh thảo Tam Miêu, kể có trên 10.000 thủ lĩnh thị tộc đến dự, gọi là "vạn bang chư quốc", Sách "Tả thị Xuân Thu" chép:
người vạn quốc đem theo ngọc lụa tham gia Đồ Sơn hội minh
Qua đó có thể thấy khả năng hiệu triệu của thị tộc Hạ. Mệnh triển khai đại chiến với Tam Miêu, kéo dài 70 ngày, đánh bại họ, xua đuổi họ đến lưu vực Hán Thủy và Đan Thủy, củng cố quyền lực. Việc Mệnh trị thủy và thắng lợi trước Tam Miêu, khiến thị tộc Hạ trở thành thủ lĩnh liên minh bộ tộc, sách "Mặc Tử" thiên "Phi công" có viết:
biệt vật thượng hạ, khanh chế đại cực, nhi thần dân bất vi, thiên hạ nãi tĩnh
Sách cổ còn viết thị tộc Hạ khống chế về mặt kinh tế của các thị tộc xung quanh qua việc Mệnh căn cứ vào đường đi xa gần của các thị tộc chư hầu mà phân biệt nạp cống nhiều hay ít. Theo "Trúc thư kỷ niên", có lần tổ chức Hội Kê (會稽, theo giải thích của "Sử ký", "Hội" 會 là hội họp chư hầu, "Kê" 稽 là khảo sát thành tích) có thủ lĩnh một thị tộc Đông Di là Phòng Phong (防风, thuộc địa phận huyện Đức Thanh 德清縣 thành phố Hồ Châu 湖州市 tỉnh Chiết Giang [tên lấy theo tên cổ của sông Tiền Đường 钱塘江 chảy qua Hàng Châu 杭州 - tỉnh lỵ của tỉnh] là sông Chiết 浙江, tên khác là sông Khúc 曲江 hay sông Chi 之江) đến muộn bị Mệnh xử tử làm gương, thị tộc Phòng Phong diệt vong. Mệnh bắt đầu xây dựng kho lẫm tại Dương Thành để giữ gìn của riêng và người trong dòng họ. Trong thời gian trị vì, Mệnh những lần đi gây chiến đều bắt sống được nhiều người Nam Man về làm nô lệ, sách vở lại chép Mệnh phát minh ra lối "tát nước vào ruộng". Công việc trị thủy được cho là đã làm cho Mệnh quen thuộc với tất cả các khu vực mà sau này là lãnh thổ mà tộc Hoa Hạ nhận, do đó Mệnh chia khu vực địa lý sinh sống của tộc Hoa Hạ đến lúc đó gồm 12 vùng thời Đế Thuấn và các khu vực chếm được thêm thành chín vùng (cửu châu 九州), "Sử ký" - "Ngũ Đế bản kỷ" chép toàn là "chín":
Xét thấy công của Vũ rất lớn, san chín ngọn núi, thông chín cái đầm, vét chín con sông, đặt ra chín châu, đều theo chức phận mà đến cống, không làm mất trật tự, đất đai rộng năm nghìn dặm, liền đến nơi hoang phục. Phía nam vỗ về Giao Chỉ
Điều đó càng chứng tỏ thành công trị thủy, phát minh 'tát nước vào ruộng", và đề xướng nông nghiệp của Mệnh đều là nhờ từ kiến thức của người Nam Man, ý nghĩa của con số chín là Mệnh ăn cướp của người Việt cổ, ấy thế mà lại chép "vỗ về", thật đúng cái giọng trịnh thượng. Sách "Lã thị Xuân Thu" thiên "Cầu nhân" (求人) chép có dễ nghe hơn, gọi rõ Giao Chỉ là nước:
Vua Vũ phía đông đến Phù Mộc, phía nam đến các nước Giao Chỉ - Tôn Phác - Tục Man
Theo truyền thuyết, các học giả ghi chép rằng, cửu châu ghi lại trong thiên "Vũ cống" sách "Thượng thư" gồm: Ký 冀, Duyện 兗, Thanh 青, Từ 徐, Dương 揚, Dự 豫, Kinh 荊, Lương 涼 và Ung 邕 là hệ thống hành chính nhà Hạ;
Sách "Nhĩ nhã" (爾雅, "Nhĩ": "cận" [gần], "Nhã": "chính" [tức nhã ngôn - lời nói nhã nhặn], nên "Nhĩ Nhã" nghĩa là "cận chính", tức là tiếp cận với quy cách ăn nói sao cho nhã nhặn, đúng mực, đây là bộ từ điển của TQ cổ đại, một trong những tác phẩm kinh điển của Nho giáo, cuốn thứ 12 trong "Thập tam kinh") ghi lại hệ thống hành chính nhà Thương, thì không có Thanh và Lương mà thay vào đó là U (幽, nằm ở phía Bắc, tại nước Yên 燕國 1100 - 222 TTL) và Ly 營;
Sách "Chu lễ" (周禮, bộ sách tương truyền do công thần khai quốc nhà Chu là Cơ Đán 姬旦 chế định, ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu, xuất hiện vào thời Chiến Quốc, cuốn thứ 13 trong "Thập tam kinh") ghi lại hệ thống hành chính nhà Chu thì không có Từ hoặc Lương mà thay vào đó là U hoặc Kinh 并;
Sách "Hoài Nam Tử" chép cửu châu là: Thần, Thứ, Nhung, Yểm, Ký, Đài, Bạc, Tế, Dương;
Sách "Lã Thị Xuân Thu" thì có U không có Lương. Dù theo sách nào thì vẫn có chín đơn vị. Theo "Lã thị Xuân Thu" thì việc giải thích cửu châu, vùng cửu châu phản ánh quan niệm địa lý của tộc Hoa Hạ trong giai đoạn Xuân Thu - Chiến Quốc, và "châu" là đơn vị hành chính thực sự từ thời Hán mới có:
  1. Ung nằm ở phía Tây, thuận theo Tích Thạch, đến Long Môn Tây Hà, hội ở Vị Hà, Nhuế Hà, tại nước Tần, nay là Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Thanh Hải;
  2. Lương thuận theo Tiềm Hà vượt qua Miện Hà tới Vị Hà loạn với Hoàng Hà, nay là Tứ Xuyên, cực nam của Thiểm Tây và Cam Túc.
  3. Ký giáp bên phải Kiệt Thạch đến Hoàng Hà, ba mặt cách Hoàng Hà, là nơi đường cống nạp của các châu đều đi qua, thuộc nước Tấn, nay là Sơn Tây, Hà Bắc và miền tây Liêu Ninh;
  4. Duyệt nằm giữa Tháp Thủy và Tể Thủy, thuận theo Tể, Tháp cho đến Hoàng Hà, tại nước Vệ (衞国, ~1100 - 209 TTL), nay là miền tây Sơn Đông và góc đông nam Hà Bắc;
  5. Dự thuận theo Lạc Hà cho đến Hoàng Hà, là đất trung tâm nhà Chu, nay là Hà Nam, miền bắc Hồ Bắc, góc đông nam Thiểm Tây và góc tây nam Sơn Đông;
  6. Thanh tại phía Đông, thuận theo Vấn Thủy cho đến Tể Thủy, thuộc nước Tề (齊國, 1046 - 221 TTL), nay là khu vực bán đảo Sơn Đông phía đông Thái Sơn (泰山: "Ngọn núi tĩnh lặng", Đông Nhạc trong Ngũ Nhạc);
  7. Từ nằm tại phía trên Tứ Thủy, thuận theo Hoài Hà, Tứ Thủy cho đến Hoàng Hà, tại nước Lỗ (魯國, 1043 - 256 TTL), nay là khu vực miền nam Sơn Đông và phía bắc Hoài Hà của Giang Tô, An Huy;
  8. Duơng ở phía Đông Nam, men theo sông Dài, Hải Hà cho đến Hoài Hà, Tứ Thủy, tại nước Việt (越國, ~2100 - 306 TTL), nay là khu vực phía nam Hoài Hà của Giang Tô, An Huy và miền bắc hai tỉnh Chiết Giang, Giang Tây;
  9. Kinh nằm phía Nam, thuận theo sông Dài, Đà Thủy, Tiềm Thủy, Hán Thủy vượt qua Lạc Hà cho đến Nam Hà, tại nước Sở, nay là Hồ Bắc, vùng phía bắc Hành Sơn tỉnh Hồ Nam và góc cực tây bắc Giang Tây;
Trâu Diễn (鄒衍, 305 - 240 TTL), học giả người nước Tề thuộc Âm Dương gia (陰陽子, một trong những hệ thống triết lý và tư tưởng TH cổ đại nở rộ vào giai đoạn từ ~600 - 221 TTL, tạo nên kỷ nguyên Bách Gia Chư Tử (諸子百家) tuyên bố thành lập Đại cửu châu, "Thượng thư" ghi rằng Cửu châu là Tiểu cửu châu, cùng nhau hợp thành một châu, được gọi là "Thần châu Xích huyện" 赤縣神州, Tiểu cửu châu như vậy tạo thành Trung cửu châu được bao quanh bởi biển (tiểu hải), có chín Trung cửu châu, cùng với nhau tạo thành Đại cửu châu, bao quanh bởi biển lớn, như vậy TQ đựoc chia làm 81 châu. Dương Thụ Đạt nghĩ rằng "Hoài Nam tử" do Trâu Diễn lập luận Cửu châu Sở quốc là Trung cửu châu.
So với 12 vùng thời Đế Thuấn thì cửu châu hướng Đông về phía Đông Hải đã bao gồm cả Liêu Đông, phía Nam đến trung và hạ lưu lưu vực sông Châu, phía Đông Nam sát khu vực Lĩnh Nam của Bách Việt, như vậy Mệnh đã chiếm được rất nhiều đất của Đông Di và Nam Man (các châu Kinh và Duơng). Lại chiếm lấy đồ đồng và quặng đồng từ chín châu, dự định đúc thành chín cái vạc (九鼎: cửu đỉnh) khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào, mỗi cái tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kho lẫm của Mệnh, để tượng trưng cho quyền lợi, do vậy "Cửu Châu" trở thành danh từ đại diện cho TQ, "Cửu Đỉnh" trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia, và ý "định đỉnh" là kiến lập chính quyền. Tuy nhiên chưa có đủ đồng thì Mệnh mất, Khải nối ngôi thừa hưởng của cải Mệnh để lại. Việc Khải nối ngôi Mệnh chính thức khởi đầu sự thực thi chế độ cha truyền con nối được các triều đại sau này kế tục.

Thời Ngũ Đế, quân vị được truyền cho người nào được cộng đồng coi là có đạo đức, tài năng cao nhất, chứ không phải là truyền cho con. Theo "Sử Ký" - "Tần bản kỷ", ban đầu Mệnh từng tiến cử Cao Dao làm người kế thừa. Cao Dao vốn làm pháp quan trải 3 đời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn và Mệnh, lấy con gái bộ lạc Thiếu Điển là Nữ Hoa (女華) sinh Đại Phí (大费, tức Bá Ích 伯益). Lớn lên Bá Ích có tài cao được Diêu Trọng Hoa khi còn là thủ lĩnh thị tộc Hữu Ngu trọng dụng làm quan ở đó, lập nhiều công lớn. Sau khi Trọng Hoa làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc tức Ngu Thuấn thì gả con gái là Diêu Khương Nữ và ban cho Bá Ích ăn lộc ấp Doanh, từ đó Bá Ích và hậu duệ mang họ Doanh, Diêu Khương Nữ sinh Đại Liêm tức Nhược Mộc (若木). Nhược Mộc có tư chất thông minh nên rất được thiên hạ kính nể, sách vở TQ như thường lệ, tự cao tự đại chép bấy giờ có bộ lạc Điểu Tục (chả biết ở đâu) muốn tiếp thu "nền văn hóa Trung Nguyên" nên sai người đến cầu kiến Ngu Thuấn, Ngu Thuấn liền sai Nhược Mộc đến nơi đó vừa giao lưu vừa "khai hóa văn minh". Từ khi Nhược Mộc đến, bộ lạc này được sự chỉ dạy của Nhược Mộc phát triển rất mau lẹ, bèn tôn Nhược Mộc làm thủ lĩnh để lãnh đạo cải cách cho có phép tắc rõ ràng.

Khi sai Mệnh trị thủy Ngu Thuấn cũng cử Bá Ích theo trợ tá. Như thế, Cao Dao hơn tuổi Mệnh rất nhiều, tất lẽ dĩ ngẫu xuất cảnh đoàn tụ Đế Thuấn trước Mệnh nên sách vở lại chép rằng Mệnh chọn Bá Ích kế vị. Nhưng cũng lại chép rằng Tự Khải đã chứng minh được khả năng của mình, được nhiều bộ lạc ủng hộ hơn Bá Ích. Mà giả Mệnh có mất trước Cao Dao thì kế vị cũng là ông lão Cao Dao lụ khụ rồi, khi ấy quân vị lại rơi vào tay con Mệnh là Khải mà thôi. Khi Mệnh mất, sách chép Bá Ích đứng ra chủ trì tang lễ và chấp chính trong 3 năm. Sau khi mãn tang, nhận thấy người trong thiên hạ theo Khải nhiều hơn nên Bá Ích nhường lại ngôi cho Khải, tránh ở phía nam Hộ Sơn. Việc chuyển giao quyền lực giữa Ích và Khải khá ôn hoà và Khải trở thành người thừa kế ngôi báu của cha. Khải cảm động trước hành động này nên phong cho Nhược Mộc làm thủ lĩnh đất Từ, mở đầu nước Từ.

Nhưng "Trúc thư kỉ niên" thì chép rằng trong quá trình chuyển giao quyền lực chính trị, Mệnh bề ngoài nói truyền ngôi cho Cao Dao rồi Bá Ích như quy định "chọn người hiền tài" nhiều đời trước, nhưng thực tế lại ngấm ngầm giúp con mình xây dựng lực lượng, củng cố niềm tin dân chúng, đợi thời cơ để đánh bại Ích. Sau khi Văn Mệnh mất giữa Khải và Bá Ích đã nổ ra cuộc đại chiến ở Hộ Sơn, Bá Ích bị Khải giết chết. Thế nên việc sử chép Khải phong cho Nhược Mộc làm thủ lĩnh đất Từ là nhảm ruồi bởi trong thực tế cha Nhược Mộc là Bá Ích bị Khải giết khi đang là thủ lĩnh đất Từ mà Nhược Mộc thì danh tiếng lẫy lừng chả kế thừa chức vị thì ai vào đây mà phải được Khải phong? Lại có thuyết nói sau khi Ích kế vị Mệnh, có một số thị tộc không thần phục Ích mà lại ủng hộ Khải, triển khai chiến tranh với thị tộc của Ích, cuối cùng Khải thắng và đoạt được quyền vị. Sau đó, Ích suất lĩnh liên minh Đông Di thảo phạt Khải. Trải qua mấy năm đánh nhau, Khải xác lập địa vị thủ lĩnh liên minh, nhưng tình thế chưa ổn định vì không ít thị tộc nghi vấn về quyền vị của Khải, nên Khải phải di chuyển thị tộc từ Dương Thành đến đất An Ấp (安邑, nay thuộc huyện Hạ 夏县, thành phố Vận Thành 运城市, phía nam tỉnh Sơn Tây).

Trong các thị tộc / bộ lạc không thuận theo Khải có thị tộc Hữu Hỗ (有扈氏, cùng tính Tự với thị tộc Hạ, cũng là một trong 12 thị tộc cấu thành bộ lạc Hạ, địa bàn hoạt động tương truyền nay thuộc khu vực quận Hộ Ấp 鄠邑区 thành phố Tây An 長安市 tỉnh lỵ tỉnh Thiểm Tây) vốn ở ngoài vùng đô ấp của Khải, lấy danh nghĩa "Nghiêu Thuấn chọn người hiền tài còn Vũ thì độc chiếm" phản đối Khải thống trị, khởi binh suất lĩnh liên minh bộ lạc hướng đến thảo phạt đô ấp của Khải. Ghi chép sớm nhất đề cập đến chiến đấu giữa Hữu Hỗ và Hạ có trong "Thượng thư" - " Cam thệ", tuy nhiên nội dung không chỉ rõ "Hạ vương" là vị nào. Trong các sách vở về sau, nội dung trình bày bất nhất, hoặc là Vũ hoặc là Khải, khả năng người xưa viết nét chữ của "Cam thệ" và "Vũ thệ" giống nhau, hoặc có khả năng hai đời Vũ và Khải đều từng đánh nhau với Hữu Hỗ. Khải tuyên bố quyền vị của mình là "cung hành thiên", tức là "theo ý trời", trở thành nguyên mẫu của "thiên tử luận" của triều Chu sau này, mang quân đi dẹp Hữu Hỗ, đôi bên gặp ở đất Cam. Không rõ vị trí của Cam ở đâu, việc này sách cổ không chép rõ ràng, truyền thuyết cho rằng đất "Cam" tại khu vực bình nguyên Quan Trung tỉnh Thiểm Tây, thậm chí còn đề xuất cụ thể hơn là nằm tại Nam Giao quận Hộ Ấp, tức là trong địa bàn Hữu Hỗ. Thuyết khác cho rằng Cam nằm tại tây nam Lạc Dương, Hà Nam. Trận chiến Cam diễn ra ngay lúc triều Hạ mới kiến lập, cả Hữu Hỗ và Hạ Khải đều chưa chuẩn bị đẩy đủ điều kiện cho việc tác chiến xa như vậy. Căn cứ vào "Trung Quốc lịch sử địa đồ tập" do Đàm Kỳ Tương chủ biên, và có đất Hữu Hỗ, Đồ Sơn, Tam Miêu, Phòng Phong thì thực tế "Hỗ" và "Cam" có khả năng gần hơn vùng đất trung tâm của thị tộc Hạ, trong địa phận Hà Nam. Trong "Tả truyện", "Hỗ" (扈) và "Cố" (雇) có thể dùng thay cho nhau, "Cố" thấy trong chữ giáp cốt Ân Khư (cuối thời Thương tại An Dương, Hà Nam) nằm tại khu vực huyện Nguyên Dương (原阳县, thành phố Tân Hương 新乡市 Hà Nam), không xa bằng Thiểm Tây, với đô ấp của Khải là An Ấp thì có cự ly vừa phải. Khải có ưu thế về phương diện số người, đánh bại Hữu Hỗ, trừng phạt bằng cách giáng họ làm "mục thụ” (nô lệ chăn nuôi gia súc), sách chép:
有扈牧竖,云何而逢
Hữu Hỗ mục thụ, vân hà nhi phùng
Sách vở còn sót lại sau vụ đốt sách chôn nho của Tần Thủy Hoàng ghi chép về sự việc Khải nối ngôi Mệnh đều cho là "công thiên hạ" biến thành "gia thiên hạ", tức "gia quốc", nghĩa là thiên hạ là của chung biến thành thiên hạ của một nhà, khu vực Trung Nguyên từ đây xuất hiện khái niệm "quốc gia". Khải dẹp xong Hữu Hỗ bèn lấy tên thị tộc làm quốc hiệu, chính thức khai sinh triều Hạ. Lại đổi "tính" từ "Tự" sang "Hạ", dùng làm quốc tính, không tiếp tục sử dụng xưng hiệu "Bá" là "Tung bá Khải" nữa mà đổi sang dùng "Hậu" 后, tức "Hạ Hậu Khải", thị tộc Hạ cũng đổi thành Hạ Hậu. Tự Văn Mệnh được tôn xưng là Hạ Hậu Vũ (夏后禹, gọi ngắn Hạ Vũ 夏禹, do "công tích" trị thủy to lớn nên được gọi là Đại Vũ 大禹, đời sau tôn xưng Thụy hiệu Đế Vũ 帝禹). Ghi chép từ giáp cốt đến sách vở còn sót lại sau vụ đốt sách chôn nho khi nói về quân chủ Hạ - Thương thì thường gọi là "Hậu". Để gọi thay cho "Hạ Hậu thị" có "Hạ triều", ít thấy hơn là "Hữu Hạ thị", tức "Hạ thị". Thời cổ nhân danh, thị danh, tính danh, hay tộc danh phần nhiều là từ đơn, người đời sau đổi sang tập quán tên hai từ, do vậy phía trước thêm chữ "Hữu" làm trợ từ, như Hữu Ngu, Hữu Cách, Hữu Cùng, Hữu Hỗ... chữ "Hữu" hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế. Đây là những tôn hiệu thị tộc cải biến theo hướng tăng trung tính, do người thời Chu sùng thượng triều Hạ, cho rằng có duyên với Hạ, tự xưng "Hữu Hạ", hoàn toàn không phải là gọi quân chủ Hạ, tuy nhiên, Dương Khoan nhận định hai chữ "Hạ Hậu" trong "Hạ Hậu thị" thực tế là một liên từ, do vậy không thể xuất hiện tình huống "Hữu Hạ thị" này.

Cũng do vào thời cổ, chữ "Hạ" và chữ "Hạ" (下, nghĩa là dưới) đồng âm, hai chữ “夏” trong tiếng Hán thượng cổ "Hồ nhã thiết, cổ âm tại ngũ bộ", ước đoán đọc là *hạ", nên có hoài nghi rằng "夏后" và "下后" tương đồng, "Hạ hậu" dưới mặt đất đối ứng với "Thượng đế" trên trời. Trong chữ giáp cốt, chữ "hậu" là ngoa khắc của chữ "cư" 居 (thời cổ hàm nghĩa vỗ về nuôi nấng, sinh sản, đồng nghĩa với "dục" 毓. thời Trung Cổ nghĩa là nuôi dưỡng, để dành, ngồi, cư trú, dừng lại, chiếm hữu, ý nghĩa giống như hiện nay), chữ "cư" lại là giản hóa của chữ "dục" bao hàm nghĩa sinh sản nuôi dưỡng, dùng cách xưng hô "hậu" đối với quân chủ là dấu tích còn lại của xã hội mẫu hệ. Kỳ thực, trên là suy luận của người đời sau, do đến nay vẫn chưa phát hiện được văn tự của người triều Hạ, các xưng hô thực tế đối với quân chủ Hạ tộc tạm vẫn không có cách nào khảo chứng.

Chế độ cha truyền con nối vừa thực hiện đã bộc lộ nhược điểm, ngay khi Khải còn sống, con cái đã nổi dậy tranh giành ngôi vị Thái tử với Thái Khang, Hạ Hậu Khải đích thân đem quân đánh dẹp và lưu đày đứa con út hung hăng nhất đến bờ Tây Hoàng Hà, "Hàn Phi Tử" - "Thuyết nghi" chép rằng người này "hại nước hại dân bại pháp", cuối cùng bị giết. Những con cháu sau này nối ngôi Khải đều nhiều lần đánh phá lẫn nhau, luôn gây ra các cuộc chiến tranh. Tương truyền Khải có tài ca hát, giỏi múa, những nhạc vũ cổ xưa của TQ như "Cửu biện", "Cửu ca" và "Cửu thiều" (九招 / 九韶, lại chín) đều nhận Khải là tác giả gốc. Theo truyền thuyết, đời Hạ Khải đã đúc xong chín cái vạc đồng. "Mặc Tử" thiên "Canh trú" ghi rằng Khải đúc đỉnh tại Côn Ngô, sau đó Hạ truyền Ân, Ân truyền Chu:
... ngày xưa, Hạ hậu Khai (nội dung "Mạnh Tử" hiện nay là do người thời Hán chép lại, đem Khải đổi thành Khai để tránh húy kỵ Hán Cảnh Đế Lưu Khải) sai Phi Liêm đi đổi lấy kim loại tại Sơn Xuyên, làm đồ gốm và đúc tại Côn Ngô,... cửu đỉnh đã hoàn thành, dời đến Tam Quốc (hiểu là Tam Đại)
"Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ" cho nên Tử Lý (子履, 1675 - 1588 TTL, thị tộc Thương 商, hậu duệ Tử Tiết, người sáng lập nhà Thương) sau khi diệt Hạ Kiệt (夏桀,1818 - 1767 TTL, Lý Quý 履癸, ? - 1764 TTL, quân chủ cuối cùng nhà Hạ), đưa chín vạc về kinh đô Thương là Bạc (亳, có thuyết nói nay thuộc thị xã Yển Sư 偃师市 thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam, thuyết khác nói ở phía bắc thành phố Thương Khâu 商丘市, cùng tỉnh Hà Nam, lại có thuyết nói Bạc nay thuộc vùng ranh giới giữa miền tây Liêu Ninh và miền đông bắc Hà Bắc). Cơ Phát (姬發, thị tộc Chu, hậu duệ Cơ Khí Hậu Tắc) sau khi diệt Đế Tân (帝辛, tên Tử Thụ 子受) nhà Thương, đưa chín vạc về Cảo (ở bờ nam Vị Hà, phía tây nam Tây An, Thiểm Tây) kinh đô Chu. Sang thời kỳ Đông Chu, Bình vương (770 - 720 TTL, Cơ Nghi Cữu [姬宜臼, 781 - 720 TTL]) thiên đô thì chuyển về đô mới là Lạc Ấp (sau đổi thành Lạc Dương). Tần Chiêu Tương vương (秦昭襄王, 324 - 251 TTL, Doanh Tắc [嬴稷, 324 - 251 TTL]) đánh diệt nhà Chu, chiếm lấy Lạc Dương, sai tướng Doanh Cù di dời chín vạc về Hàm Dương (咸陽, nay là thành phố ở tỉnh Thiểm Tây) khi chở đến Tứ Thủy, cái vạc châu Đài rơi xuống sông, không mò được nên chỉ còn 8 vạc về đến Hàm Dương.

Như vậy, theo sách sử TQ thì thời kỳ này ở TQ đã phát hiện được đồng và nghề đúc đồng ra đời, tuy nhiên đây cũng là "Dạ Lang tự đại" của tộc Hoa Hạ, kể từ Hoa Nho thời xưa cho đến khoa học gia ngày nay. Một mục tiêu trọng yếu của ngành khảo cổ học TQ là tìm kiếm kinh đô của các triều đại Hạ và Thương, vốn được mô tả trong các sách cổ như "Trúc thư kỷ niên" và "Sử ký" là nằm ở thung lũng Hoàng Hà. Năm 1959 Từ Húc Sinh phát hiện di chỉ Nhị Lý Đầu (二里頭, tại thôn cùng tên ở ven Y Hà [伊河, chi lưu của Lạc Thủy, phía nam Hoàng Hà], thuộc thị xã Yển Sư thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam) với các tòa cung điện và xưởng luyện đồng, được xác định là nơi duy nhất sản xuất bình tế bằng đồng điếu. Từ Húc Sinh khẳng định đó là Bạc, kinh đô thời Thương Thang (商湯 tức Đại Ất 大乙 Tử Lý ) trong sách cổ, tức là khoảng sau năm 1600 TTL. Trước đó, năm 1951 phát hiện di chỉ thành cổ Nhị Lý Cương (二里岗, thuộc Trịnh Châu, Hà Nam), cách Nhị Lý Đầu 85 km về phía đông có các xưởng lớn nằm ở bên ngoài tường thành, bao gồm một xưởng chế tác đồ dùng từ xương, một xưởng gốm, và hai xưởng làm bình bằng đồng điếu. Các sản phẩm đồ đồng của Nhị Lý Cương được cho phát triển từ kiểu dáng và kỹ thuật của Nhị Lý Đầu, thống nhất về phong cách hơn so với hiện vật Nhị Lý Đầu.

Từ cuối thập niên 1970, giới khảo cổ học TQ dựa vào các truyền thuyết được đề cập đến trong các sách cổ, bắt đầu tập trung cưỡng ép kết nối liên hệ giữa Nhị Lý Đầu với sự thành lập triều Hạ, còn thành cổ Nhị Lý Cương là một trong các kinh đô trước tiên của triều Thương. Việc phát hiện ra đi vật chữ giáp cốt ở Ân Khư thuộc An Dương khẳng định rằng đây là kinh đô cuối cùng của triều Thương, song những chứng cứ như vậy không được tìm thấy trong các di chỉ có niên đại trước đó như Nhị Lý Đầu, Nhị Lý Cương để có thể liên hệ các tàn tích khảo cổ đó với chính sử.

Tiếp nối  công việc từ thập niên 1970, ngày 16/5/1996 chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giao cho một nhóm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tiến hành một dự án đa ngành, kết hợp giữa các bộ môn khoa học tự nhiên với khoa học xã hội, nhằm xác định chính xác địa điểm và khoảng thời gian (niên đại) của các triều đại là nhà Hạ, nhà Thương và Tây Chu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 9 của TQ. Công tác chuẩn bị cho dự án được khởi động từ mùa thu năm 1995 với buổi tọa đàm do Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc Tống Kiện chủ trì. Cuối năm 1995, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã triển khai hội nghị để thành lập các tổ phục vụ cho "Dự án xác định niên đại Hạ Thương Chu" (夏商周断代工程: "Hạ Thương Chu đoạn đại công trình"). Khoảng 200 chuyên gia từ 7 đơn vị: Bộ Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, Bộ Giáo dục Trung Quốc, Cục Bảo tàng lịch sử quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc, Hiệp hội cơ kim khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc tham gia vào dự án. Chủ nhiệm công trình là sử gia Lý Học Cần, chuyên gia về các-bon phóng xạ C-14 Cừu Sĩ Hoa, nhà khảo cổ Lý Bá Khiêm, nhà thiên văn Tịch Trạch Tông.

Dự án được nghiệm thu ngày 15/9/2000, các kết quả được công bố ngày 9/11/2000 với tên gọi "Hạ Thương Chu niên biểu", với: nhà Hạ 17 quân chủ (2070 - 1600 TTL); nhà Thương (Tiền Thương) 19 quân chủ (1600 - 1300 TTL); nhà Ân (Hậu Thương) từ Bàn Canh, Tiểu Tân, Tiểu Ất (1300 - 1251 TTL) đến Đế Ất (1101 - 1076 TTL), Đế Tân (1075 - 1046 TTL); nhà Tây Chu từ Vũ vương (1046 - 1043 TTL) đến U vương (781 - 771 TTL). "Dự án xác định niên đại Hạ Thương Chu" xác định Nhị Lý Đầu niên đại xấp xỉ 1900 - 1500 TTL thuộc triều Hạ, việc xây dựng thành Yển Sư có tường bao bọc, cách Nhị Lý Đầu khoảng 6 km về phía đông bắc, niên đại khoảng 1600 TTL, là mốc triều Thương thành lập và Nhị Lý Cương niên đại xấp xỉ 1600 - 1300 TTL thuộc triều Thương, song không có các bằng chứng, như văn tự, để xác nhận.

Giới khoa học chỉ ra rằng các ranh giới khảo cổ học giữa nhà Hạ với nhà Thương và giữa nhà Thương với nhà Chu đã xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ nói chung chỉ có thể đưa ra độ tin cậy ở mức 68%, thay vì ngưỡng tiêu chuẩn độ tin cậy 95%, làm cho các khoảng ngày tháng hẹp hơn so với ngưỡng mà chúng lẽ ra phải có một cách chính xác hơn. Người ta cho rằng các tài liệu thiên văn của dự án là thiếu cơ sở, việc thiếu hiểu biết về lịch pháp cổ đại đã làm rắc rối và phức tạp vấn đề, tính toán thiên văn chủ yếu, ví dụ cho nhật thực năm 899 TTL không chính xác. Điều này một phần là do các nghi ngờ từ lâu về độ tin cậy và các diễn giải của các ghi chép lịch sử sử dụng trong các suy luận. Cộng với việc sử dụng có tính chọn lọc các ghi chép sử học giả định được đưa vào trong các chữ khắc trên các hiện vật bằng đồng điếu, mà nếu sử dụng ở trạng thái nguyên vẹn của nó có thể hoàn toàn không có giải đáp, làm ảnh hưởng tới độ tin cậy của niên đại tổng thể. Công trình cũng được các học giả khác, đặc biệt bên ngoài Trung Quốc, chỉ ra việc thiếu bằng chứng vững chắc cho kết luận niên đại trên. Rằng sự tập trung vào tư liệu văn bản sử học của khảo cổ học TQ là sự hạn chế thái quá. Và rằng dự án này hỗ trợ cho quan niệm đại dân tộc chủ nghĩa về một lịch sử 5.000 năm không gián đoạn và đồng nhất của TQ, trong đó ba triều đại Hạ, Thương, Chu là các quốc gia lớn và hùng mạnh, bỏ qua một thực tế là có nhiều nhóm dân tộc khác cũng văn minh ngang hoặc hơn thế đã tồn tại trên khắp cả TQ và Trung Á trong thời kỳ này. Cũng như dự án này phục vụ cho mục đích chính trị nên bị hoài nghi về đạo đức học thuật.

Khoảng thập niên 2010, các nhà địa chất công bố bằng chứng cho thấy từng xảy ra trận lụt khủng khiếp thời cổ đại, mà họ nói là phù hợp với truyền thuyết đại hồng thủy trong thời khởi thủy triều đại đầu tiên của TQ. Tiến sỹ Ngô Thanh Long, Đại học Sư phạm Nam Kinh cho biết ông và các đồng nghiệp đã tình cờ tìm được các mẫu trầm tích khi đi khảo sát hồi 2007. Đến tháng Bảy 2008, họ đột nhiên nhận ra là cái thứ được gọi là cát đen trước đó được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Lạt Gia, một địa điểm cư trú hang động của người tiền sử, trên thực tế có thể là phần trầm tích từ trận lụt khủng khiếp mà họ nghiên cứu, các trầm tích dày tới 20m và nằm ở độ cao tới 50m cao hơn Hoàng Hà, cho thấy đó là một trận lụt cuồng nộ chưa từng thấy. Theo các nhà khoa học, một trận động đất ghê gớm, dữ dội xảy ra phá hủy Lạt Gia, chôn vùi cư dân và những đồ tạo tác văn hóa, và đã gây tác động tới phần thượng nguồn dòng chảy, gây lở đất và tạo thành một con đập khổng lồ hình kim tự tháp chặn đứng dòng chảy của Hoàng Hà ở Hẻm Tích Thạch, cách Lạt Gia 25km về phía thượng lưu, trong thời gian từ sáu tới chín tháng.

Theo Tiến sỹ Darryl Granger từ Đại học Purdue tại Hoa Kỳ, thành viên nhóm nghiên cứu, nước tại Hẻm Tích Thạch dâng cao tới 38m so với mức ngày nay. Khi vỡ đập, có tới khoảng 16 km khối nước tràn xuống hạ lưu với tốc độ khoảng 300 - 500 ngìn mét khối nước một giây, tức là tương đương với trận lụt ghê gớm nhất từng được ghi nhận trên sông Amazon, khiến nó trở thành một trong những trận lụt lớn nhất từng xảy ra trên Trái Đất trong suốt 10 ngàn năm qua. 
Theo Tiến sỹ Granger, phân tích các-bon phóng xạ của các chất trầm tích từ trận lụt và các mảnh xương còn sót lại từ các nạn nhân trận động đất Lạt Gia, cho kết quả năm 1922 TTL ± 28 năm. Nếu như trận lụt quả đúng là nguồn gốc cho câu chuyện thần thoại "Cổn - Vũ trị thủy", thì nhà Hạ có thể đã được lập ra trong vòng vài thập niên sau thời điểm đó, khoảng năm 1900 TTL ± 28 năm, muộn hơn khoảng 80 - 90 năm so với ghi chép trong "Trúc thư kỷ niên thể hệ" cổ bản:
自禹至桀十七世,有王與無王,用歲四百七十一年。起壬子,终壬戌。
Từ Vũ đến Kiệt 17 đời, có vương và không vương, trải qua 471 năm. Bắt đầu từ năm Nhâm Tý (1989 TTL), kết thúc vào năm Nhâm Tuất (1559 TTL)
Muộn nhiều hơn nữa so với kết quả "Hạ Thương chu niên biểu" của "Dự án xác định niên đại Hạ Thương Chu" là 2070 TTL, và muộn hơn 200 - 300 năm so với các ước tính trước dự án đó. Tiến sỹ David Cohen từ Đại học Quốc gia Đài Loan, thành viên nhóm nghiên cứu, nói rằng nghiên cứu này là một thành quả đáng kể. Giáo sư David Montgomery, nhà địa mạo học từ Đại học Washington, không tham gia vào cuộc nghiên cứu, nhưng nói câu chuyện về Hạ Vũ khá lạ lùng, nó không kể về việc sống sót mà kể về Hạ Vũ làm cạn dòng nước, về kỹ thuật kiềm chế dòng sông. Giáo sư Montgomery cho rằng câu chuyện về Hẻm Tích Thạch là đáng tin, nhất là bởi nó mô tả về một trận lụt gây vỡ bờ Hoàng Hà xuống tận hạ nguồn, rồi về việc tái nắn dòng chảy, đó là chuyện phải mất nhiều chục năm mới xử lý được, một trận chiến lâu dài chống lại dòng nước được lưu truyền trong huyền thoại Hạ Vũ.

Quay lại thời Hạ, sau khi Hạ Khải mất, Thái Khang nối ngôi, được 2 năm thì dời thị tộc đến Châm Tầm (斟鄩, tương truyền nay thuộc địa phận tỉnh Hà Nam). Theo sách "Vương triều và hoàng đế Trung Quốc" do Trương Tự Văn biên soạn thì người ta thống kê được rằng nhà Hạ có tới 9 lần dời đô ấp (trong 17 lần di cư từ khi hình thành thị tộc Hạ), trong 9 lần ấy thì 3 lần chuyển đến Châm Tầm và có một điều rất lạ là cả ba lần ở Châm Tầm nhà Hạ đều thảm bại trầm trọng trước Đông Di.

Nhà Hạ thảm bại trước Đông Di, nhà Thương nhà Chu ra đời ra sao, Thời đại Hồng Bàng thì khoa học xác minh thế nào, bài sau nói tiếp.

¤¤¤
Chôm chỉa từ:
Các tài liệu đã liệt kê trong các bài trước.

01 tháng 6 2019

Từ Trang An Biên đến Kẻ Chợ: Con số chín và tộc Hoa Hạ

Nói tiếp chuyện con số chín và Ngũ Đế.

Trong dân gian, con số chín được gắn vào chữ chín, tượng trưng cho sự hoàn thiện đến mức dường như khó đạt với phần sính lễ:
... voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
mà Vua Hùng thứ XVIII đã ra yêu cầu đối với Sơn Tinh và Thủy Tinh. Phần sính lễ này hầu như ai cũng cho rằng đó là những những sinh vật kỳ bí chỉ có trong truyền thuyết thần thoại, nhưng thực tế không phải vậy. Trong quan niệm của người Việt mùa xuân là mùa cưới với hình ảnh những đoàn người nô nức nối đuôi nhau trong không khí ấm áp còn vương chút hơi lạnh của tháng Giêng cùng sính lễ nào là mâm quả trầu cau, bánh chưng bánh dày, cơm nếp … và của hồi môn, những vật phẩm tươi tốt và quý giá nhất của gia đình nhà trai mang đến gia đình nhà gái sau một năm chắt chiu, làm lụng vất vả. Đó là văn hóa cưới hỏi của dân tộc từ ngàn xưa cũng là điều thể hiện sự tôn trọng và thành ý trong hôn nhân của nhà trai đối với nhà gái. Vế đầu yêu cầu của Vua Hùng:
một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng ..
Là những thực phẩm đã trở thành truyền thống từ thời Lang Liêu chắc chắn phải được tuyển chọn từ những hạt gạo có phẩm chất cao nhất và trở nên ngon miệng sau khi được người đầu bếp tài nghệ chế biến. Tương tự đối với vế sau là voi, gà và ngựa, mọi người thường sẽ nghĩ ngay là ba giống loài với những đột biến khác thường, nhưng, như đã nói ở trên, thực sự không có điều huyền bí. Chữ “chín” trong phần sính lễ phải được hiểu là “chín” trong “chín chắn” hoặc “chín mọng”, hay rõ hơn, những con vật đó phải trong độ tuổi trưởng thành, độ tuổi sung mãn nhất. Voi con thì chưa có ngà, gà tơ thì chưa có cựa, ngựa non thì chưa đủ bờm để ra oai, ngà voi, cựa gà, bờm ngựa chính là dấu hiệu xác định mức độ “chín” hay độ trưởng thành, ngoài ra nó còn thể hiện sự mạnh mẽ, uy nghi, trang trọng của các loài đó và cũng là sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái, cũng phải được tuyển chọn một cách kỹ càng. Do đi cùng với “một trăm" mà chữ "chín" bị hiểu thành con số chín gây ngộ nhận trong ngữ nghĩa, làm cho truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh trở nên huyền bí từ hàng trăm năm nay, gây ra sự lầm tưởng và sai lệch trong nhận thức của nhiều thế hệ. Liên tưởng đến hiện tại, người Việt đã mượn rất nhiều từ ngữ của các dân tộc khác, chính sự vô tâm trong cách tiếp nhận và sử dụng làm Tiếng Việt ngày càng mờ ám. Điều này cần phải được nhận thức tức thời nếu không muốn Tiếng Việt đánh mất đi hoàn toàn giá trị và sự trong sáng của nó - mà ngìn đời tổ tiên gìn giữ - ở những thế hệ tiếp theo.

Khi học về “sự tích bánh chưng, bánh giầy” (蒸餅傳, "Chưng bính truyện", chép trong sách "Lĩnh Nam" có lẽ là đầu tiên) hẳn đa phần chúng ta được dạy rằng Hoàng tử Lang Liêu 郎僚 làm nên hai loại bánh này dựa trên ý tưởng mang đầy tính triết lý “Giời tròn, Đất vuông” đậm chất văn hóa lúa nước. Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân 殷代, với công lao của Thánh Gióng 聖𢶢 cùng ngựa sắt roi sắt, Vua Hùng thứ VI, Hùng Huy (雄暉王, 1712 - 1632 TTL) có ý định nhường ngôi, mở cuộc thi. Nhờ ý nghĩa từ hai chiếc bánh đặc sản này mà Hoàng tử Lang Liêu đã được chọn, tức Vua Hùng Chiêu (雄昭王). Tuy nhiên theo nghiên cứu của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, ban đầu bánh chưng vốn không có hình vuông như bây giờ mà mang hình tròn dài giống như các loại tét ở miền nam, bánh nếp của người Tày. Ngày nay vùng trung du đất Tổ của các Vua Hùng, Phú Thọ, vẫn không thịnh hành gói bánh chưng hình vuông mà gói dạng tròn dài, gọi là "bánh chưng dài", một số vùng Bắc Bộ như Kinh Bắc ngày Tết cũng gói bánh chưng tròn dài. Lễ tế Vua An Dương hàng năm và cả trong cúng Tết của người dân Cổ Loa không thể thiếu món bánh chưng tròn dài, gọi là "Bánh chưng Tày".

Sở dĩ có chuyện này là bởi từ trước Thời đại Hồng Bàng dân tộc ta đã tôn tín ngưỡng "Phồn thực" (phồn nghĩa là nhiều, thực nghĩa là nảy nở), thờ "Sinh thực khí" (sinh nghĩa là đẻ, thực nghĩa là nảy nở, khí nghĩa là công cụ) như nhiều bộ tộc khác ở phương Nam như Ấn Độ hay người Nhật. Do là một đất nước nông nghiệp nên việc sùng bái tự nhiên là điều dễ hiểu. Thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở. Để làm được hai điều trên, người xưa xây dựng tín ngưỡng phồn thực. Thờ sinh thực khí là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực, phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới. Việc thờ sinh thực khí được tìm thấy ở trên các cột đá có niên đại hàng ngàn năm trước Tây lịch. Nhưng khác với hầu hết các nền văn hóa khác là chỉ thờ sinh thực khí nam, tín ngưỡng phồn thực Việt thờ sinh thực khí của nam lẫn nữ. Ngày nay lễ hội ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vẫn còn có tục rước cặp sinh thực khí bằng gỗ vào ngày Sáu tháng Giêng, sau đó chúng được đốt đi, lấy tro than chia cho mọi người để lấy may. Người Nhật, Ấn Độ và nhiều dân tộc khác cũng có lễ hội tương tự nhưng chỉ thờ sinh thực khí nam.

Bánh chưng tròn dài biểu hiện vật dương - nõ, đại diện cha - Giời, cho tất cả những gì tích cực, chủ động, như: nhật, ban ngày, cương, nam, quân, chủ, chồng, phu, thượng, tiến, động, chính… ; bánh giầy hình tròn biểu hiện vật âm - nường, đại diện Mẹ - Đất, cho những gì không tích cực, bị động, như: nguyệt, ban đêm, nhu, thuận, nữ, triều thần, vợ, nhỏ, hạ, thoái, tịnh, phụ… Cũng theo cố Giáo sư Vượng, bánh chưng hình vuông chỉ được đưa ra từ thời nhà Hậu Lê, khi Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc hơn tại Đại Việt. Thật ra đó là khi người Việt học lại kiến thức “Giời tròn, Đất vuông” của tổ tiên đã bị Nho giáo nhào nặn.

Ngoài việc thờ sinh thực khí, tín ngưỡng Việt còn thờ hành vi giao phối, đó là một đặc điểm thể hiện việc chú trọng đến các mối quan hệ của văn hóa nông nghiệp, nó đặc biệt phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Một số vùng quê đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn giữ lễ hội như "linh tinh tinh phộc". Vào dịp hội Đền Hùng, vùng đất Tổ lưu truyền điệu múa "tùng dí", thanh niên nam nữ cầm trong tay các vật biểu trưng cho sinh thực khí nam và nữ, cứ mối tiếng trống "tùng" thì họ lại "dí" hai vật đó lại với nhau. Phong tục "giã cối đón dâu" cũng là một biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực, chày và cối là biểu tượng cho sinh thực khí nam và nữ, một số nơi còn vừa giã cối (rỗng) vừa hát giao duyên. Điều đặc biệt của tín ngưỡng Việt là tín ngưỡng đa thần và trọng tình cảm, trọng nữ giới, các vị thần Việt chủ yếu là nữ thần, do ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực nên các vị thần không phải là các cô gái trẻ đẹp như trong một số tôn giáo, tín ngưỡng khác mà là các bà Mẹ, các Mẫu. Các Mẫu cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp.

Vai trò của tín ngưỡng phồn thực lớn tới mức ngay cả chiếc trống đồng, một biểu tượng sức mạnh của quyền lực, cũng là biểu tượng toàn diện của tín ngưỡng phồn thực. Thần Mặt Gìời là vị thần quan trọng nhất, có mặt trên tất cả các trống đồng. Hình dáng của trống đồng được phát triển từ cối giã gạo. Cách đánh trống theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống mô phỏng động tác giã gạo. Tâm mặt trống là hình Mặt Giời biểu trưng cho sinh thực khí nam, xung quanh là hình lá có khe rãnh ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống đồng có gắn tượng cóc, một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, con cóc là cậu ông trời, cóc nghiến răng gọi trời mưa, mưa xuống cây cối nảy chồi đâm lộc. Các hình nam nữ đang giao phối được khắc trên mặt trống đồng tìm được ở làng Đào Thịnh (Yên Bái), có niên đại 500 TTL. Ngoài hình tượng người, cả các loài động vật như cá sấu, gà, cóc,... cũng được khắc trên mặt trống đồng Hoàng Hạ (Hòa Bình).

Những trí tuệ sắc sảo của người xưa từ tín ngưỡng phồn thực mà phát triển, tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và xây dựng được triết lý "âm dương". Người xưa gọi trạng thái đất chưa hình thành, còn trong hỗn độn là thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi là phân chia âm dương, hình thành giời đất. Nơi đặt chân để canh tác và sinh sống là Đất, Mẹ Đất tức là Mẹ Trứng, vòm giời đầy sao trên đầu là Giời, cha Giời. Cha Giời Mẹ Đất giao hoan tức là âm dương giao hòa thì vạn vật sinh sôi nảy nở, là thuyết "âm dương". Khi con người đi trên mặt đất, nhìn lên cảm thấy giời tròn như cái bát úp xuống, Mặt Giăng, Mặt Giời và những vì sao là chuyển động không ngừng theo vòng tròn trên bầu giời, vô cùng vô tận và dưới đất là cũng tròn, nhưng nhìn xung quanh thì mặt đất là bằng phẳng do vậy có quan niệm Trái Đất như một vật thể hình vuông không di động, chuyên chở con người nên khái niệm “Giời tròn, Đất vuông” nẩy sinh cùng với "giời ba đất hai" là năm hiện tượng, "giờ ba" là Mặt Giăng, Mặt Giời và những vì sao, "đất hai" là Đông - Tây hai nơi vốn là nơi Mặt Giăng, Mặt Giời, những vì sao mọc và lặn. Mưa từ vòm giời rơi xuống khắp bốn góc Trái Đất tạo thành khái niệm "bốn phương" cộng với nơi ta đứng là năm vị trí, gốc của "ngũ hành", "bốn phương" lại chia ra "tám hướng" là tám quẻ. Mà “Giời tròn, Đất vuông” cũng là một thể hiện của thuyết "âm dương", nhìn vào thế giới tự nhiên, những gì thuộc dạng tròn thì hiếu động, không ổn định, những gì thuộc hình vuông đều có đặc tính tĩnh tịch, giống như Trái Đất. Động là dương, tĩnh là âm, nên giời tròn tượng trưng dương, đất vuông tượng trưng cho âm. “Giời tròn, Đất vuông” là một chú giải cho chủ trương “Giời người là một”, chú trọng sống theo tự nhiên. Tất cả hợp thành gốc Kinh Dịch.

Khi truyền lên phương Bắc, tộc Hoa Hạ tuy áp dụng “Giời tròn, Đất vuông” nhưng chưa hình thành triết lý. Soi chiếu vào thực tế lịch sử, thì nhà Ân chính là giai đoạn sau của nhà Thương. Nhà Thương trị vì TQ trước nhà Chu, nhưng phải đến thời Đông Chu tộc Hoa Hạ mới có khái niệm "Thiên viên 天圓, Địa phương 地方", chữ "phương" trong "thiên viên địa phương" còn mang theo nghĩa "phương hướng" của người Việt cổ nên, nên "giời ba đất hai" thành “tam thiên lưỡng địa”, Mặt Giăng, Mặt Giời và những vì sao thành nhật, nguyệt, tinh tú là "tam thiên", Đông - Tây là "lưỡng địa". Chữ "phương" cũng mang theo nghĩa là "bằng phẳng" của người Việt cổ, nên không phải chỉ là “Giời tròn, Đất vuông” không. Sang đến tận thời Chiến Quốc (戰國, 476 TTL –221 TTL) thuyết "Thiên viên Địa phương" mới có các khái niệm về vòm trời hình bán cầu, Trái Đất như một cái bát úp và các cung trên Trái Đất. Quan niệm “Giời tròn, Đất vuông” có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người Đông Á, chẳng hạn thấy mẫu đồng xu tròn bằng đồng, giữa có lỗ vuông là người ta nhận ra đó là tiền của các xứ Viễn Đông ngày xưa. Gần đây nhất, hai kiến trúc điểu sào (tổ chim) và thủy lập phương (khối vuông nước) mang tính biểu tượng tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 cũng thể hiện quan niệm “Giời tròn, Đất vuông”. Điểu sào thể hiện dương cương và thủy lập phương thì rõ ràng là âm và mềm dẻo. Hai kiến trúc này biểu tượng cho âm dương hài hòa, TQ hồi đó muốn dựa vào đó để có thể thắng lớn.

Quay lên Hoàng Hà, cùng vào trước Thời đại Hồng Bàng, khi các thị tộc phát triển thành bộ tộc, khu vực từ Cao nguyên Hoàng Thổ đến Hành lang Cam Túc (河西走廊) là địa bàn cư trú của các bộ tộc Hạ 夏; khu vực thung lũng hạ du Vị Hà (Bình nguyên  Vị Hà, Bình nguyên Quan Trung) là nơi cư trú của các bộ tộc Hoa 華; còn các bộ tộc Cửu Di 九夷 cư trú từ lưu vực Hán Thủy đến nam Hoài Hà. Hành lang Cam Túc (hay Hành lang Hà Tây của Con đường tơ lụa) là một lối đi dài và hẹp, cơ bản là một chuỗi các ốc đảo nằm dọc theo rìa phía bắc của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, kéo dài ~1.000 ki-lô-mét từ sườn Ô Sao Lĩnh gần Lan Châu (蘭州, tỉnh lỵ nằm ở đông nam tỉnh Cam Túc [甘肅, tên gọi tắt là Cam 甘 hay Lũng 陇 / 隴, cũng còn gọi theo tên cũ là Lũng Tây hay Lũng Hữu vì có núi Lũng ở phía đông], Cam Túc hợp thành bởi hai châu 州 Cam [甘, khu vực xung quanh Trương Dịch 張掖] và Túc [肅, khu vực xung quanh thành phố Tửu Tuyền 酒泉市] phía tây tỉnh Cam Túc) tới Ngọc Môn quan (玉門關 hay đèo Ngọc Môn ở phía tây thị xã Đôn Hoàng 敦煌市, thành phố Tửu Tuyền, "quan" 關 thường được dịch đơn giản là "cổng" hay "ải", nhưng ý nghĩa cụ thể hơn của nó là một "cổng biên giới" để phân biệt với một con đèo thông thường chạy qua các ngọn núi) tại ranh giới giữa Cam Túc và Khu tự trị Uy-gơ-rư Tân Cương (Uy-gơ-rư: شىنجاڭ ئۇيغۇر ئاپتونوم رايونى, Shinjang Uyghur Aptonom Rayoni; 新疆维吾尔自治区; Uy-gơ-rư: ئۇيغۇر,  Uy-gơ-rư; Hán: 維吾爾; Hán - Việt: Duy Ngô Nhĩ, tên gọi cổ hơn là Hồi Ngột, Hồi Hột 回紇, Hồi Cốt 回鶻, một dân tộc trong hệ dân tộc Turk mang dòng máu pha trộn giữa Đại chủng Á Mongoloid và Đại chủng Cáp-cát Caucasoid [hoặc Đại chủng Âu Europid], tài liệu Hán văn cổ gọi chung là Đột Quyết 突厥, xuất xứ Trung Á, định cư ở miền Bắc, Trung và Tây lục địa Á - Âu). Từ thời nhà Chu, khu vực Quan Trung, chia tách với Quan Đông bởi Hoàng Hà, là nơi định đô của 12 triều đại TQ cho đến nhà Hán, nhà Tùy, và nhà Đường.

Cùng với thời kỳ Nhà nước Văn Lang ra đời, như đã nói trong bài trước, hai tộc Hoa, Hạ liên minh đánh bại tộc Cửu Di, sau đó tộc Hạ đông tiến đánh nhau tranh giành ngôi vị thống lĩnh với tộc Hoa, cuối cùng Hạ thắng, nắm quyền thống lĩnh liên mình bộ lạc. Khi đó văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ, dân chúng còn rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại khiến việc nghiên cứu để biết rõ các liên mình bộ lạc tối cổ này rất khó khăn, do vậy mới nảy sinh các truyền thuyết về Ngũ Đế. Ngũ Đế có vẻ cụ thể hơn Tam Hoàng, theo truyền thuyết Hoa Hạ, là năm vị quân chủ liên minh các bộ lạc có công khai hóa, đưa các thị tộc du mục Hoa Hạ săn bắn hái lượm ven Hoàng Hà thoát khỏi thời kỳ sơ khai tối cổ. Có 6 thuyết khác nhau liệt kê 5 vị khác nhau, nhưng năm vị trong "Sử ký" thiên "Ngũ Đế bản kỷ" được biết đến nhiều hơn cả:
Đế Hoàng, tức là Công Tôn Hiên Viên trị vì 2698 - 2599 TTL;
Đế Huyền 帝玄, tức Chuyên Húc 顓頊, thị tộc Cao Dương 高陽氏, cháu nội Đế Hoàng, trị vì 78 năm, thọ 98 tuổi, không liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ đế trấn ở phương Bắc;
Đế Cốc (帝嚳, 2453 TTL - ?) hay Khốc, thị tộc Cao Tân 高辛氏, tên Cơ Tuấn 姬夋, gọi Đế Huyền là chú, trị vì khoảng 76 năm;
Đế Nghiêu (帝堯, 2378 - 2258 TTL) hay Đường Nghiêu 唐堯, thị tộc Đào Đường 陶唐氏, tên Kỳ Phóng Huân 祁放勳, con bà Khánh Đô 慶都 vợ út Đế Cốc, trị vì khoảng 99 năm;
Đế Thuấn (帝舜, 2294 - 2184 TTL), hậu duệ Đế Huyền, thị tộc Hữu Ngu 有虞氏 nên cũng gọi Ngu Thuấn 虞舜, tên Trọng Hoa 重華, do sinh ra ở Diêu Khư 姚墟 nên lấy Diêu 姚 làm họ, trị vì khoảng 50 năm.
Xen kẽ còn các đế khác cũng hậu duệ Hiên Viên nhưng không tiếng tăm gì. Vị đế đầu tiên trong Ngũ Đế, Hiên Viên Đế Hoàng, được Tư Mã Thiên tổng hợp những thông tin rải rác khi ấy, tạo nên một nhân vật thần thoại và có các thành tựu như ta biết ngày nay. Theo "Sử Trung Quốc" của Nguyễn Hiến Lê (1912 - 84, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa), các vị quân chủ trên đều do người Hoa Hạ tưởng tượng ra, chỉ có Nghiêu, Thuấn có thể coi là bán thực bán huyền. Nghiêu, Thuấn còn được gọi là Nhị Đế 二帝, cùng với Tam Vương (三王, những người đã tạo ra 3 triều đại Hạ, Thương và Chu) được Nho giáo coi là các vị vua kiểu mẫu và là các tấm gương đạo đức, gọi chung là Nhị đế Tam vương.

Từ đó các tộc Hoa, Hạ dần dần hợp nhất thành tộc Hoa Hạ. Cũng có thuyết nói Hạ chỉ Hạ Thủy (tên khác của Hán Thủy) còn Hoa chỉ Hoa Sơn (華山; "Ngọn núi lộng lẫy", thuộc tỉnh Thiểm Tây, Tây Nhạc trong Ngũ Nhạc 五嶽, năm núi linh thiêng của Hoa Hạ, được sắp xếp theo bốn hướng chính và trung tâm của vùng đất Hoa Hạ cổ đại theo thuyết Ngũ hành của người Việt). Con sông và ngọn núi này có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng với tộc Hoa Hạ thời cổ. Trong quá trình bành trướng lãnh thổ, tộc Hoa Hạ dung hợp tiếp các dân tộc: Việt, Khương / Tạng Miến, Tochari (Τοχάριοι, Thổ Hỏa La),  Nguyệt Chi (月氏 / 月支), Đột Quyết / Uy-gơ-rư, Hung Nô, Đông Di, Thông Cổ Tư, Tây Giới, Chúc Dung, Tiên Bi,... do vậy TQ có câu "cẩu tạp chủng".

Người Tochari là dân tộc Ấn - Âu cổ từng cư ngụ trong những ốc đảo cạnh rìa bắc lòng chảo Tarim (塔里木盆地, Tháp Lý Mộc bồn địa, nằm giữa vài dãy núi trong Khu tự trị Uy-gơ-rư Tân Cương), về sau dần hòa trộn vào người Uy-gơ-rư từ Kara - Khoja (Uy-gơ-rư: قاراھوجا; Cáp Lạp Hòa Trác 哈拉和卓 nay là huyện Cao Xương 高昌区) đến định cư trong vùng. Người Nguyệt Chi là dân tộc Trung Á cổ, người ta cho rằng chữ "nguyệt" 月: "Mặt Trăng", có nguồn gốc từ "nhục" 肉: "thịt", thực tế chữ "nguyệt" là tương tự như bề ngoài của dạng cơ bản của chữ "nhục" do đó "Nhục Chi" 肉[⺼]氏 có lẽ có nghĩa văn chương là "bộ lạc ăn thịt", nghĩa là những người ăn thịt. Đến thời Xuân Thu vẫn còn nước Ngưu Chi (牛氏 hoặc Ngu Chi 禺氏) của người Nguyệt Chi tại Cam Túc. "Sơn Hải kinh" có mô tả về sự tồn tại của "người da trắng với tóc dài". Theo "Sử ký" thì người Nguyệt Chi ban đầu sống trong khu vực giữa Kỳ Liên Sơn (祁连山, còn gọi là Nam Sơn 南山: "dãy núi phía nam" khi nhìn từ Hành lang Hà Tây) hoặc Thiên Sơn (天山; Uy-gơ-rư: تەڭرىتاغ‎, "dãy núi trời / thiên đường" hay "dãy núi thần thánh / thần linh") và Đôn Hoàng, tương ứng với các vùng đồng cỏ khô cằn thuộc nửa phía đông của lòng chảo Tarim và phần phía bắc của Cam Túc. Tộc Hạ thì đục khoét vào lớp đất hoàng thổ thành diêu động mà ở, tộc Hoa đào xuống đất hoàng thổ lợp mái mà ở, như đã nói và ban đầu Hoa - Hạ cũng là các tộc du mục săn bắn ăn thịt nên câu "ăn lông ở lỗ" chắc có nguồn gốc từ đó.

Cùng với lãnh thổ, cư dân là các nền văn minh của các dân tộc đó được Hoa Hạ cướp giật, tích hợp vào, tạo thành văn minh mà tộc Hoa Hạ tự mãn và nhận tất là văn minh của mình. Điển hình là văn minh Việt và cả Ba - Thục, điều này sẽ trình bày tiếp tục bên dưới. Trải từ Ngũ Đế đến Tam đại (ba triều đại Hạ - Thương - Chu) thì nhà Hạ có địa vị lịch sử khá cao, sách "Tả thị Xuân Thu" (左氏春秋, còn gọi là "Tả truyện" 左傳, sách lịch sử sớm nhất viết về giai đoạn từ 722 - 468 TTL) chép nhà Hạ là một nước công bằng và chuẩn mực, do đó nhà Hạ cũng là thành phần cấu tạo nên danh xưng Hoa Hạ. Học sĩ Khổng Dĩnh Đạt (孔颖达) trong sách "Xuân Thu tả truyện chính nghĩa" (春秋左傳正義) có giải thích:
中國有禮儀之大,故稱夏;有服章之美,謂之華
Trung Quốc hữu lễ nghi chi đại, cố xưng Hạ. Hữu phục chương chi mỹ, vị chi Hoa
Trung Quốc có lễ nghi to lớn, nên gọi Hạ. Có quần áo đẹp, cũng gọi Hoa
Lý thuyết Địa lý TQ coi trung tâm phát tích của tộc Hoa Hạ là vùng đất mà Hiên Viên cai trị, tức là khu vực tập trung các bộ lạc tiền Hoa Hạ, nằm về phía nam Bình nguyên Hoàng Thổ, giữa Hoàng Hà và Hoài Hà. Vào khai thủy của nền văn minh Hoa Hạ, "Thiên hạ chi trung" và "Hòa Lạc" là các thuật ngữ địa lý đề cập cụ thể đến khu vực Lạc Ấp, nơi Đế Du Võng bị giáng phong, cũng là nơi đặt nền móng của Tam đại, nơi tộc Hoa Hạ áp dụng triết lý "bốn phương tám hướng", "ngũ hành" xem như là trung tâm của "thiên hạ". Đến trước thời Tam đại, các tộc tiền Hoa Hạ phía Đông Nam đã bành trướng đến bờ Nam Hoài Hà, bắt đầu tiếp xúc với văn mình Việt, Tây Nam tiếp xúc với các văn mình Ba - Thục. Từ thời Chu, các tộc tiền Hoa Hạ hợp nhất bành trướng về phía Đông và Nam đã đến Tứ Thủy, Hán Thủy và sông Dài, nơi giao với Đồng bằng sông Dương Tử (揚子江 三角洲: "Dương Tử giang Tam giác châu", tức khu vực ở trung hạ du Đồng bằng sông Dài, tức Giang Nam), bắt đầu tự xưng là "Hoa Hạ", trở thành danh từ đại diện cho TQ. Đây cũng là lúc hình thành mô hình "Hoa Di ngũ phương", tộc Hoa Hạ tự gọi là người Hoa ở trung tâm = Trung Hoa, Bình nguyên Hoa Bắc gọi là Trung Nguyên (中原 với trung tâm là Trung Châu 中州 tức là châu Dự thời Hán, nay là thành phố Trịnh Châu 郑州市, tỉnh lỵ Hà Nam), đất nước của tộc Hoa Hạ là Trung Quốc 中国, "Chiến Quốc thư" (cuốn sử viết về lịch sử thời Chiến Quốc, từ năm 490 - 221 TTL) giải thích khái niệm Trung Quốc:
Trung Quốc, nơi bậc trí tuệ thông minh cư trú, nơi vạn vật tài nguyên hội tụ...
Quân chủ Hoa Hạ nhận mình là "Thiên tử" 天子 trông coi "thiên hạ" là bao trùm mọi nơi với tộc Hoa Hạ ở trung tâm là người đã được "giáo" hóa văn minh. Bao quanh Hoa Hạ, ở ngoài Trung Châu là Tứ Di (四夷, "bốn giống man di mọi rợ"), phía đông gọi là Đông Di, tây là Tây Nhung 西戎, nam là Nam Man 南蠻, bắc gọi Bắc Địch 北狄. Chữ tượng hình Hán cổ thường kết hợp một phần chỉ ý nghĩa (nghĩa phù) và một phần chỉ âm (âm phù), căn cứ theo chữ giáp cốt và kế thừa là chữ được khắc hoặc đúc trên đồ đồng thì các chữ tượng hình chỉ Tứ Di đều có phần nghĩa phù biểu thị "sâu bọ thú vật", thuộc bộ thủ "khuyển" 犭: "chó", nay đã lược bỏ chỉ còn có ở chữ Địch 狄. "Đại Đái lễ ký" thiên "Vương chế" chép:
中國戎夷,五方之民,皆有其性也,不可推移。東方曰夷,被髮文身,有不火食者矣。南方曰蠻,雕題交趾,有不火食者矣。西方曰戎,被髮衣皮,有不粒食者矣。北方曰狄,衣羽毛穴居,有不粒食者矣。
Trung Quốc Nhung Di, ngũ phương chi dân, giai hữu kì tính dã, bất khả suy di. Đông phương viết Di, bị phát văn thân, hữu bất hoả thực giả hĩ. Nam phương viết Man, điêu đề giao chỉ, hữu bất hoả thực giả hĩ. Tây phương viết Nhung, bị phát y bì, hữu bất lạp thực giả hĩ. Bắc phương hữu Địch, y vũ mao huyệt cư, hữu bất lạp thực giả hĩ.
Người ở phương Đông gọi là Di, cắt tóc xăm mình, trong đó có người không ăn thức ăn nấu chín. Người ở phương Nam gọi là Man, họ khắc hoa văn trên trán, cẳng chân bắt chéo vào nhau, trong đó cũng có người không ăn thức ăn nấu chín. Người ở phương Tây gọi là Nhung, họ cắt tóc mặc áo làm bằng da thú, trong đó có người không ăn ngũ cốc. Người ở phương Bắc gọi là Địch, họ mặc áo làm bằng lông chim lông cừu, đào hố để ở, trong đó cũng có người không ăn ngũ cốc.
Ở trên có nói Nam Man "cẳng chân bắt chép vào nhau", nhiều người cho rằng đây là xuất xứ của tên gọi Giao Chỉ, điều này cũng là dựa vào giải thích của Hoa Nho. Do sự bành trướng xuống phía Nam mà sách TQ chép tộc Hoa Hạ thời kỳ này đã biết đến tên gọi Việt cũng như Giao Chỉ (交趾 / 交阯) chứ không phải đến thời Hán mới đặt ra Giao Chỉ bộ (交趾部) ở miền Lĩnh Nam, sách "Hoài Nam tử" - "Chủ thuật huấn" (主術訓) chép:
Đất của họ Thần Nông, phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến U Đô, phía đông đến Dương Cốc, phía tây đến Tam Nguy, chẳng ai không nghe theo
Học giả Trịnh Huyền (鄭玄) thời Đông Hán là người đầu tiên chú giải tên gọi Giao Chỉ rằng:
交趾,足相向然。
Giao Chỉ, túc tương hướng nhiên.
Giao Chỉ là chân hướng vào nhau.
Chân hướng vào nhau tức là bắt chéo vào nhau, tức là Giao Hĩnh (交脛), cẳng chân bắt chéo vào nhau. "Sơn Hải kinh" thiên "Hải nội nam kinh" (海外南經) chép:
交脛國在其東,其為人交脛。
Giao Hĩnh quốc tại kì đông, kì vi nhân giao hĩnh.
Nước Giao Hĩnh ở phía đông (nước Xuyên Hung), người nước này cẳng chân bắt chéo vào nhau.
Hình vẽ người Giao Hĩnh trong "Sơn Hải kinh"

"Thuyết văn giải tự" (說文解字) của Hứa Thận thời Đông Hán cũng chép:
交,交脛也。
Giao, giao hĩnh dã.
Giao là cẳng chân bắt chéo vào nhau vậy.
Đến thời Đường có một giải thích khác, nhưng đây chỉ là một dị biệt nhân dạng hiếm có, "Thông điển" (通典) của Đỗ Hữu thời Đường:
交趾,謂足大趾開闊,並立相交。
Giao Chỉ, vị túc đại chỉ khai khoát, tịnh lập tương giao.
Giao Chỉ, là nói ngón chân cái mở rộng, cùng đứng chéo vào nhau,.
Dị biệt nhân dạng này đến gần đây vẫn còn, thấy chiếu trên tivi dạo trước. Tuy nhiên, như đã nói, tên gọi Việt và Giao Chỉ sẽ nói trong bài khác sau. Đông Di và Nam Man là cách phân biệt của tộc Hoa Hạ, một phần tập đoàn Đông Di ở phía Đông qua Đông Nam đến Nam, ra đến ven bờ Đông Hải có thể là cư dân Xích Quỷ, họ cũng xăm mình như cư dân Xích Quỷ.

Quay lại Ngũ Đế, như đã nói, không có cơ sở để biết cụ thể ra sao, sách sử TQ cũng chỉ cóp nhặt từ truyền thuyết, Hiên Viên khi làm thủ lĩnh liên minh các bộ lạc lại lấy thêm nhiều vợ nữa, thảy mười mấy vợ, sinh tổng cộng 25 con, được phân ra 12 "tính": Cơ, Dậu 酉, Kỳ 祁, Kỷ 己, Đằng 滕, Dự 葴, Nhậm 任, Tuân 荀, Hy 僖, Cật 姞, Huyên 儇 và Hi 衣. Các bộ lạc chư hầu dưới quyền Hiên Viên liên tục xâm lược xung quanh, Đông lấn dần tới vịnh Bột Hải (渤海灣), Nam qua Hoài Hà tới gần sông Dài. Chư hầu lúc này thực chất là các thị tộc mà thủ lĩnh nắm giữ hết quyền lực, trở thành lãnh chúa cát cứ trong lãnh thổ thị tộ. Các lãnh chúa thì chia phái hoặc liên minh hoặc đánh chiếm lẫn nhau dạng cá lớn nuốt cá bé, nên mới có chuyện Hạ Vũ tập họp 10.000 chư hầu. Cũng nổi lên dạng lãnh chúa mạnh và khôn ngoan, thiết lập quyền kiểm soát các lãnh thổ khác ở mức xác định mà Hiên Viên được xây dựng thành hình mẫu, dẫn đến mô hình "đại quốc", "đại ấp" - "tiểu quốc", "tiểu ấp" thời Hạ, Thương. Mối quan hệ này còn ở dạng sơ khai, chưa có một lý thuyết nền tảng về xã hội, biến động theo khả năng duy trì thực lực của các thành phần đó, nói chung là còn lỏng lẻo. Các di chỉ khảo cổ thời nhà Thương cho thấy các thuộc quốc của triều đại này gọi là "phương quốc", giữa quân chủ nhà Thương với các thủ lĩnh thị tộc không có quan hệ vua tôi mà chỉ là liên minh quân sự. Quân chủ nhà Hạ, nhà Thương chỉ đóng vai trò đứng đầu liên hợp các phương quốc. Sang thời nhà Chu mới hình thành quan hệ thiên tử - chư hầu. Đại đa số các chư hầu đều là người thân thích hoặc công thần nhà Chu, chịu sự ràng buộc khá chặt chẽ, có quan hệ vua tôi với thiên tử nhà Chu. Chư hầu có nghĩa vụ với thiên tử nhà Chu như: triều kiến định kỳ, cống nạp, điều quân theo sự huy động của thiên tử Chu khi có chiến tranh hoặc làm lễ lớn để trợ tế.

Trên bờ Nam Hoài Hà, một bộ phận người Việt cổ phải sống trong lãnh thổ bị các thị tộc chư hầu dưới quyền Hiên Viên chiếm, ở vùng đất giáp ranh, người Việt cổ kiên cường kháng chiến chống lại xâm lược của Hoa Hạ. Trong phần đất bị chiếm, nhiều bộ phận người Việt cổ bị Hoa Hạ hóa nhưng không ít nhóm Việt không chịu đồng hóa, đã lui sâu vào trong vùng rừng núi hoặc vượt qua sông Dài về bờ Nam, nơi chưa bị tộc Hoa Hạ chiếm. Tiếp thu triết lý “Giời tròn, Đất vuông”, "bốn phương tám hướng", "ngũ hành" Việt, Hiên Viên chia lãnh thổ làm năm phần, bản thân ở trung tâm, cho các con cai trị, chinh phạt các vùng xung quanh Đông, Nam, Bắc, Tây. Sử TQ chép các con Hiên Viên, cũng là chư hầu từ phương: Huyền Hiêu được phong đất nơi huyện Hào Ấp tỉnh Hà Nam lập ấp, cai quản thị tộc Cao Tân, để chinh phạt phía Tây. Huyền Hiêu chết truyền ngôi cho Đới Cực (蟜極), Đới Cực chết thì chuyển đến con là Cơ Tuấn. Cơ Tuấn lấy con gái thị tộc Hữu Thai (有邰) tên là Khương Nguyên (姜嫄, sinh ra Cơ Khí 后稷, tức Hậu Tắc 姬弃, thủy tổ nhà Chu), lại lấy con gái thị tộc Hữu Nhung (有戎) là Giản Địch (簡狄, sinh ra Tử Tiết 子契, thủy tổ nhà Thương), vợ ba Cơ Tuấn là Thường Nghi (常儀, thuộc thị tộc Tu Ty, sinh ra người con khác là thị tộc Thanh Dương), vợ cuối là Khánh Đô (thị tộc Trần Phong sinh ra Kỳ Phòng Huân).

Xương Ý được phong đất ở khu vực Nhược Thủy (huyện Kỷ 杞县 thành phố Khai Phong 開封市 tỉnh Hà Nam) lập ấp, cai quản thị tộc Cao Dương, để chinh phạt phía Bắc. Con Xương Ý và Xương Phó là Chuyên Húc. Chuyên Húc có mấy người con trai, trong đó Xứng (稱, thủy tổ một loạt quân chủ chư hầu từ nhà Hạ đến Xuân Thu - Chiến Quốc), Cùng Thiền (窮蟬, tổ tiên trực hệ 5 đời của Đế Thuấn Diêu Trọng Hoa) và Cổn (鯀, theo "Sử ký" - "Hạ bản kỷ" là cha của người đặt nền móng cho nhà Hạ là Tự Văn Mệnh (姒文命, 2298 - 2198 TTL hoặc 2200 - 2100 TTL), thế thì vô lý, vì Cổn sống cùng thời với Đế Nghiêu Kỳ Phóng Huân, Cơ Khí, Tử Tiết, so sánh tuổi tác giữa các hậu duệ của Chuyên Húc thì Kỳ Phóng Huân, Cơ Khí, Tử Tiết là cháu 3 đời Cùng Thiền mà Cổn lại là em của Cùng Thiền, nghĩa là Kỳ Phóng Huân, Cơ Khí, Tử Tiết phải gọi Cổn bằng "Tổ Thúc" nghĩa là "Cụ" trong tiếng Việt, thuyết khác nói rằng Cổn là hậu duệ 4 đời của Chuyên Húc, thuyết này hợp lý hơn)

Thiếu Hạo ("tính" Kỷ 己, tên Nghiệt 摰, hay Chất 質 hoặc Chí 鸷, sinh ra ở Sơn Đông) được cho chinh phạt phía Đông. Truyền thuyết nói Thiếu Hạo có thời gian  cai quản thị tộc Kim Thiên (金天氏, thị xã Khúc Phụ thành phố Tể Ninh tỉnh Sơn Đông), thị tộc này thờ thần chim, các quan chức của thị tộc đều lấy tên các loài chim,  cao nhất là Phượng Hoàng, quản lý binh quyền gọi là Cưu, quản lý hình pháp gọi là Ưng, cho nên có lễ cũng như nhiều thị tộc Đông Di, có khả năng Kim Thiên liên quan tới Việt cổ. Sau Thiếu Hạo chuyển đến Thanh Dương (huyện Thanh Dương 青阳县 tỉnh An Huy), chinh phục hoặc cai trị các thị tộc Thanh Dương 青陽氏, Cùng Tang 窮桑氏, Vân Dương 雲陽氏 hoặc Chu Tuyên 朱宣. Sau khi Thiếu Hạo đi khỏi Kim Thiên có ai thay thế ngôi vị hay không thì không thấy sách nào nhắc đến nữa, chỉ biết rằng trong lịch sử tỉnh Sơn Đông từng có quốc gia bộ lạc này. Như vậy, từ đời Huyền Hiêu, Xương Ý, Thiếu Hạo đến về sau nữa là nhà Chu đều có chung dòng dõi tổ tiên là Hiên Viên. Do vậy nên "Sơn Hải kinh" chép các tộc Bắc Địch, Khuyển Nhung và Đông Di đều là con cháu Hiên Viên, nhận nhằng không biết ngượng. Và với quan niệm mình là Trung tâm, xung quanh là Tứ Di nên mỗi khi chếm được một vùng đất, cho dù người bản địa có trình độ cao hơn, sách TQ đều chép một câu:
Trước lúc XXX đến đây dân chúng xứ này còn man rợ chưa có lễ giáo gì cả, tới khi XXX làm quân chủ nước ZZZ mới đưa nền văn hóa Trung Nguyên du nhập khiến cho nước ZZZ phát triển cường thịnh một thời.
Hết đời Hiên Viên thì Thiếu Hạo nối ngôi, đời sau truy phong Thụy hiệu cho Hiên Viên là Đế Hoàng. Như đã nói trong bài trước, danh từ "Đế" cho đến thời nhà Thương được dùng để chỉ "Thượng đế" trong tín ngưỡng thờ Trời. Đến thời Chiến Quốc, từ "Đế" dùng để chỉ các vị thần của những ngọn núi thiêng, Đế Hoàng là một trong số đó. Sách "Lã thị Xuân Thu" chép rằng cuối thời Chiến Quốc, "Đế Hoàng" dần mang tính vũ trụ học của học thuyết ngũ hành Việt, màu vàng tượng trưng cho thuộc tính Thổ, cũng mang ý nghĩa trung tâm. Căn cứ vào khảo cổ học, ghi chép sớm nhất về Đế Hoàng là chữ khắc trên đồ đồng nước Tề thời Chiến Quốc. Do Đế Hoàng được cho là hậu duệ Đế Viêm, Viêm - Hoàng là hai người lừng danh nhất nên tộc Hoa Hạ coi là thủy tổ, xưng là con cháu Viêm - Hoàng. Trong "Sử ký", Tư Mã Thiên cũng đề cập đến việc nước Tần có tín ngưỡng tôn thờ Đế Hoàng cùng với Đế Viêm. Bàn thờ cúng được tìm thấy tại vùng ngày nay là huyện Phượng Tường (鳳翔縣, thành phố 寶雞市 Bảo Kê tỉnh Thiểm Tây) nơi mà xa xưa từng là kinh đô của nước Tần.

Sử TQ chép thời này Lẫm Quân thụ phong nước Ba trở thành chư hầu Ngũ Đế, bên nước Cổ Thục thị tộc Tàm Tùng (蠶叢氏, hậu duệ thị tộc Thục Sơn, bộ lạc Khương) kế thừa ngôi quân chủ, theo truyền thuyết, Tàm Tùng có công dạy dân trồng lúa. Cũng theo sách TQ thì Tàm Tùng cũng con cháu Đế Hoàng. Nhưng như đã nói, tộc Hoa Hạ chuyên nhận nhằng của người ta làm của mình nên có lẽ là chép bậy, bởi văn hóa Ba, cũng như Thục khác và ngoài tầm ảnh hưởng của Hoa Hạ, thậm chí còn ở trình độ cao hơn, điều này các nhà khoa học TQ gần đây đã công nhận. Tộc Hoa Hạ rất tự cao tự đại, "Dạ Lang tự đại" (夜郎自大) là thành ngữ TQ dùng để ví tính tự cao tự đại. Dạ Lang 夜郎 là nước cổ của người Dạ Lang, một nhánh Bách Việt, tồn tại từ ~ 200 - 27 TTL trong địa giới nước Việt cổ Tang Kha 牂柯 đã từng hiện diện cho đến khoảng thế kỷ VII TTL trên cao nguyên Vân - Quý, phần lớn cương vực của nước Dạ Lang ngày nay nằm trong địa phận tỉnh Quý Châu 貴州, sau đó Dạ Lang mất tích như vì sao sa. Nhà sử học Tây Hán Tư Mã Thiên đi theo sứ giả nhà Hán ngoại giao với các chính quyền ở miền Tây Nam TQ, ghi lại trong "Sử ký" - "Tây Nam Di chí":
滇王与汉使言汉孰与我大及夜郎侯亦然各自以一州王不知汉广大
Điền Vương hỏi sứ giả triều Hán rằng: ‘Hán và ta, nước nào lớn?’ Sau sứ giả triều Hán đến nước Dạ Lang, Dạ Lang Hầu cũng hỏi như thế. Mỗi người làm vương một châu, không biết rằng nước Hán lớn
Tính tự cao tự đại của tộc Hoa Hạ cũng thể hiện trong lãnh vực khoa học hiện đại. Các nhà khoa học TQ muốn chứng minh đất TH là nơi phát sinh ra giống dân châu Á, và văn minh Hoa Hạ là văn minh trung tâm thế giới. Họ cố tình che dấu, giảm thiểu, hay vơ chung vào văn minh Hoa Hạ những nền văn minh rực rỡ cổ xưa tìm thấy trên đất TQ nhưng không thuộc vùng ảnh hưởng tộc Hoa Hạ. Điển hình là trường hợp di chỉ đồ đồng của nước Cổ Thục ở Gò Ba Sao (三星堆: Tam Tinh đôi, địa phận thị xã Quảng Hán 广汉市 thành phố Đức Dương 德阳市 tỉnh Tứ Xuyên). Năm 1929 một người nông dân khi làm ruộng đã phát hiện một đống đồ ngọc tinh xảo đẹp mắt. Năm 1986, một nhóm thợ lò gạch tình cờ tìm được một hố tế lễ chứa đầy đồ đồng, vàng và ngọc thạch. Khi đoàn khảo cổ Tứ Xuyên đến đó khai quật, họ tìm ra hố thứ hai. Tổng số đồ vật trên 1.000 món, với nhiều thứ tuyệt xảo bằng đồng, nhiều đầu người và mặt nạ bằng đồng, kích thước to, trong đó có tượng người cao bằng người thật (1m72). Tượng và mặt nạ có mắt to, mũi lớn, lông mày rậm dày, miệng thật rộng và bẹp, rõ ràng không phải chân dung tiêu biểu của tộc Hoa Hạ. Trong khi đó, nền văn minh đời Thương, là văn minh cổ nhất của tộc Hoa Hạ đã được công nhận, không hề có đồ đồng mang dạng người hay mặt nạ, tại khu vực Hà Nam, trung tâm văn minh Hoa Hạ, chỉ khai quật được đỉnh, chậu. Mặt nạ và tượng đồng là một trong những cổ vật quý hiếm và kỳ lạ nhất trong bộ sưu tập, cho đến nay các khoa học gia TQ vẫn không hiểu khuôn mặt nửa cười, nửa giận của tượng mặt nạ biểu thị cho cái gì, miêu tả ai và dùng để làm gì, họ chỉ cho biết niên đại các-bon phóng xạ của chúng là khoảng 1200 - 1100 TTL.

Một nhóm khảo cổ Hoa - Nhật khám phá ra thêm một thứ đền "kim tự tháp" ở phía tây nam Thành Đô, có cùng những đường nét văn hóa với Gò Ba Sao. Đền nằm tại trung tâm thành cổ, trong khi đền thờ, nơi tế lễ cổ và thuần Hoa Hạ đều nằm ngoài vòng thành. Các nhà khảo cổ Nhật ước tính tuổi cho nền văn minh này là 4,7 - 3 NN. Khám phá này được công bố ở Kyoto, Nhật vào tháng 10 năm 1996, hình ảnh được đăng trên những báo lớn và sau đó trong những sách, báo quốc tế, trong khi báo TQ lúc đó không hề đăng, rất ít thường dân TQ biết đến tin này. TQ không muốn chấp nhận sự hiện diện một nền văn minh khác, rực rỡ và cổ xưa hơn văn minh Hoa Hạ vốn dĩ được xem là văn minh gốc của cả nước TQ. Phát hiện tại Gò Ba Sao cũng như các phát hiện khác, chẳng hạn các ngôi mộ tại Tân Can ở Giang Tây, đã thách thức diễn giải truyền thống TQ cho rằng nền văn minh Hoa Hạ đã lan tỏa từ vùng bình nguyên trung tâm Hoàng Hà ra khắp TQ. Các khảo cổ gia TQ gần đây đã bắt đầu bớt tự cao tự đại khi rón rén đề cập tới khái niệm "nhiều trung tâm cải tiến hợp cùng nhau đã diễn ra trước văn minh Trung Hoa". Di vật Gò Ba Sao cuối cùng cũng được TQ công nhận là cổ vật thuộc Văn hoá  Ba - Thục, có niên đại ~5 - 3 NN.

Quay lại thời Ngũ Đế, bên Hoàng Hà, Thiếu Hạo truyền ngôi cho cháu là Chuyên Húc, Xứng thay cha tiếp tục lãnh đạo bộ lạc Cao Dương với thân phận chư hầu. Thụy hiệu của Thiếu Hạo là Đế Bạch. Không biết con cái Thiếu Hạo thế nào, tương truyền là hậu duệ của Thiếu Hạo thời cai trị Kim Thiên (do mang "tính" Kỷ) về sau được nhà Chu phong tước Tử, phân đất ở phía bắc thủ phủ huyện Đàm Thành (郯城县 thành phố Lâm Nghi 臨沂市, phía nam tỉnh Sơn Đông) lập nước Đàm 郯國. Như cái nói, sách TQ chép tộc Hoa Hạ thời kỳ này đã biết đến tên gọi Giao Chỉ, "Sử ký" thiên "Ngũ Đế bản kỷ" chép rằng:
Vua Chuyên Húc hiệu là Cao Dương, phía bắc đến ở U Lăng, phía nam đến ở Giao Chỉ. (Chính nghĩa: Chỉ, đọc là ‘chỉ’. Là đất Giao châu vậy)
Xét trong "Sử ký", Tư Mã Thiên vốn không chép bừa, mà phải có chỗ dựa, sớm hơn Tư Mã Thiên đã có các sách vở chép Chuyên Húc đã “phía nam đến ở Giao Chỉ", như "Hoài Nam tử" đã dẫn trên hay "Đại đái lễ ký" (大戴禮記) thiên "Ngũ Đế đức" (五帝德) chép:
Khổng Tử nói: ‘Vua Chuyên Húc phía bắc đến ở U Lăng, phía nam đến ở Giao Chỉ.
Như vậy có thể thấy trong sách vở TQ chép từ thời Thần Nông đến Chuyên Húc tộc Hoa Hạ ngoài biết người Việt ở phía Nam cũng đã biết có tên gọi Giao Chỉ, chính là Xích Quỷ. Tuy chưa thể xem đây là tín sử nhưng đều đại khái nói là thời Ngũ Đế thì đã có sự giao lưu qua lại giữa hai miền Nam - Bắc Hoài Hà - Tần Lĩnh, tức là ranh giới tự nhiên giữa Hoa - Việt như bài trước đã nói. Tên gọi Giao Chỉ cùng tên gọi U Lăng, Lưu Sa, Bàn Mộc là đối xứng nhau, tuy là khái niệm vùng đất nhưng lại bao chứa khái niệm phương hướng, tức là bốn phía chính Đông, chính Tây, chính Nam, chính Bắc, bốn phía hợp lại thành tên gọi “ở trong bốn cõi”. Điều này càng chứng tỏ lãnh thổ Xích Quỷ thời đó Bắc qua sông Dài đến giáp Hoài Hà, bởi vì thật khó tưởng tượng ra nổi là theo truyền thuyết vào khoảng 4 - 5 nghìn năm trước mà Ngũ Đế đã từng vượt hàng nghìn cây số để đến được đất Giao Chỉ ở miền Lĩnh Nam. Các bộ lạc tiền Hoa Hạ đã vừa chiếm đất vừa ăn cướp văn minh phương Nam về làm của mình, để hình thành tộc Hoa Hạ, văn mình Hoa Hạ và nhà Nho Việt sau này, cả đến nay vẫn có học giả do ảnh hưởng Hoa Nho, đều giải thích rằng tên gọi Việt và Giao Chỉ là do Hoa Hạ đặt ra, về điều này sẽ có bài nói riêng.

Chuyên Húc truyền ngôi cho cháu là Cơ Tuấn, Thụy hiệu của Chuyên Húc là Đế Huyền. Cơ Tuấn qua đời, Thụy hiệu là Đế Cốc. Con Đế Cốc và vợ ba Thường Nghi nối ngôi, nhưng không có tài cai trị nên được vài năm em khác mẹ là Kỳ Phóng Huân thay ngôi, Thụy hiệu là Đế Chí, sử ký không chép rõ về kết cục của Đế Chí. Phóng Huân thời cha còn tại vị lập công to nên được phong cai quản thị tộc Đào 陶. Thời Đế Chí cải phong sang cai quản thị tộc Đường 唐 nên gọi Đường Nghiêu hoặc Đào Đường. Phóng Huân truyền chức cai quản thị tộc Đường cho con là Đan Chu (丹朱). Cho đến thời Đường Nghiêu mọi cố gắng chống chọi với lũ lụt ở lưu vực Hoàng Hà đều chưa thành công, lũ lụt triền miên, lê dân chỉ biết chạy trốn mỗi khi nước dâng cao nên mức sản xuất thấp, đời sống khó khăn nay đây mai đó không ổn định. Không ít liên minh thị tộc hình thành nhằm chống lại nước lụt, Có người tiến cử Tự Cổn (姒鯀, người thị tộc Hạ 夏氏, một trong 12 thị tộc tổ thành bộ tộc Hạ 夏). Cổn mang "tính" Tự, vốn hậu duệ Đế Huyền, nhưng chắc là con vợ thứ hiếm muộn hoặc con rơi vãi ngoài nhân gian nên chỉ là dân thường. Tứ Nhạc (四岳, 4 vị đại thần thông tuệ trong triều) cử Cổn làm lãnh đạo việc trị thủy. Cổn cùng với các trợ thủ, trong đó có Tử Tiết, nghiên cứu ra cách "nút chai", dùng đất, gỗ, đá để vây nước lại, xây dựng một loạt các tuyến đê và đập nước dọc theo bờ sông. Trị thủy bước đầu khả quan, Đường Nghiêu phong cho Cổn đứng đầu thị tộc Hạ, ban đất ở gần Tung Sơn (嵩山: "Ngọn núi cao ngất", Trung Nhạc trong Ngũ Nhạc, tại huyện Đăng Phong 登封市, Trịnh Châu, Hà Nam, bên bờ nam Hoàng Hà) lập ấp, cho nên đời sau gọi là Tung bá Cổn. Tử Tiết được ban cho đất Thương (商, khu vực phía nam thành phố Thương Khâu tỉnh Hà Nam) làm thực ấp, khởi đầu thị tộc Thương.

Về quan hệ với nước Xích Quỷ phương Nam, sách "Thượng thư" (尚書, cuốn thứ 2 trong "Ngũ kinh" 五經, năm cuốn kinh điển văn học TH, nằm trong "Thập tam kinh" 五經, bộ mười ba tác phẩm kinh điển được dùng làm nền tảng của Nho giáo, theo truyền thuyết, được Khổng Khâu soạn thảo hay hiệu đính từ các truyền thuyết, biến cố về các đời quân chủ cổ có trước ông để các quân chủ đời sau theo gương) thiên "Nghiêu điển" (堯典) chép Đường Nghiêu:
Ra lệnh cho Hy Thúc đến Nam Giao, xem Mặt Trời di chuyển về phía nam, xác định ngày hạ chí
Đây là ghi chép sách vở sớm nhất ("Thượng thư" ra đời trước "Sử ký") về chuyện "phía nam", "Giao Chỉ”, ghi chép này gây ra sự tranh cai giữa các học giả Hoa Nho suốt hàng ngìn năm, nhờ đó làm sáng tỏ nền văn minh thời kỳ đầu của miền Lĩnh Nam nước Xích Quỷ. Từ thời nhà Tống các học giả Hoa Nho bắt đầu thừa nhận rằng không phải các Đế từ Huyền đến Nghiêu sai người đi đến đất Giao Chỉ cư trú, mà chỉ là sai đi đến để xác định phương hướng, "đến Nam Giao" là xác định đất Giao Chỉ ở miền nam là phía chính nam, để mà biết ngày hạ chí đặng làm lịch. Chuyện làm lịch thì chính sách TQ cũng chép là do người phương Nam tặng cho. Nhà giáo về hưu Đỗ Văn Xuyền trong một lần trên đường đi tìm kiếm chữ Việt cổ, đã dừng chân bên ngôi miếu nhỏ của một xóm núi, đọc được một bản Ngọc phả thời Trần Thái Tông:
Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần quy, bối hữu khoa dấu
Về việc "rùa thần ngìn tuổi" Tiến sĩ Vũ Quỳnh trong sách "Lĩnh Nam" do ông nhuận đính có viết đại ý:
Thời Lạc Long Quân có người hái củi, bắt được con rùa, lưng rộng khoảng ba thước, trên mai có khắc chữ như con nòng nọc gọi là chữ Khoa Đẩu. Hùng Quốc vương đã cử phái đoàn đem rùa thần đó cống cho vua Nghiêu
Sách TQ "Thông giám cương mục" do Chu Hy đời Tống viết:
Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ IV (2352 TTL) có Nam Di Việt Thường thị đến chầu, hiến con rùa lớn
Sách "Thông chí" (通志, của Trịnh Tiểu cũng đời Tống) nói rõ hơn:
Đời Đào Đường, Nam Di Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được ngìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ Khoa Đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch
Những ghi chép này cho thấy “phía nam vỗ về Giao Chỉ” là chép bậy chép bạ, như sách "Mặc tử" (墨子) thiên "Tiết dụng" (節用) chép:
Thời xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, phía nam vỗ về Giao Chỉ
Sách "Thủy kinh chú" dẫn "Thượng thư đại truyện" (尚書大傳) chép:
Vua Nghiêu phía nam vỗ về Giao Chỉ
Các sách khác chép có đúng đắn hơn, rằng phía Nam (Hoa Hạ) là giáp giới với Giao Chỉ, như "Hoài Nam tử" thiên "Tu vụ huấn" (脩務訓):
Vua Nghiêu lên ngôi, phía tây dạy bảo Ốc Dân, phía đông đến Hắc Xỉ, phía bắc vỗ về U Đô, phía nam dẫn đến Giao Chỉ
Sách "Sở từ" 楚辭 thiên "Đại chiêu" (大招) chép:
Đức lành hợp trời, muôn dân noi theo, bắc đến U Lăng, nam cùng Giao Chỉ, tây đến Dương Tràng, đông cùng bờ biển
Sách "Hàn Phi tử" (韓非子) thiên "Thập quá" (·十過) chép:
Ngày xưa vua Nghiêu có được thiên hạ, ăn cơm bằng niêu đất, uống nước bằng chén đất, đất của vua phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến đất U Đô, phía đông - tây đến chỗ mà Mặt Trời - Mặt Trăng mọc - lặn, chẳng ai không thần phục. Kịp lúc vua Nghiêu truyền ngôi thì người nhà Ngu là Thuấn nhận lấy
Đường Nghiêu về già, thấy các con của mình mải mê tửu sắc nên có ý chọn người khác kế thừa ngôi vị, bèn hỏi Tứ Nhạc, 4 người họ nói rằng thiên hạ bàn tán ca tụng công đức của Diêu Trọng Hoa. Tương truyền, Trọng Hoa người thị tộc Hữu Ngu (有虞, ở lưu vực Phần Thủy cổ tại tây bắc Hà Nam và nam Sơn Tây), con Ốc Đăng (握登) và Cổ Tẩu (瞽叟, nghĩa đen: "lão già mù"). Cổ Tẩu là hậu duệ Đế Huyền, không rõ tên thật là gì, chỉ biết rằng Cổ Tẩu là người đàn ông nhu nhược, nghe lời phỉnh nịnh của vợ lẽ và con thứ để hại con trưởng là Trọng Hoa nên dân gian gọi là lão già mù. Trọng Hoa khi sinh ra được mẹ đặt tên là Đô Quân. Ốc Đăng làm lụng tất bật vất vả nuôi con thơ nên mắc bạo bệnh rồi qua đời sớm. Chưa mãn tang Cổ Tẩu đã vội đi lấy vợ lẽ và "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng" được người đời chiêm nghiệm thực tế, nhưng mọi thủ đoạn mánh khóe của cha đẻ và mẹ kế cùng em khác mẹ đều được Trọng Hoa vượt qua một cách khéo léo tài tình. Danh tiếng Trọng Hoa được người trong thị tộc nể phục, lan truyền đi xa. Đường Nghiêu khi nghe Tứ Nhạc nói vậy thì biết vậy, chưa vội tin, quyết định thử thách người này. Trước tiên, Đường Nghiêu cấp cho Trọng Hoa kho lương thực rồi gả một lúc 2 cô con gái là Nga Hoàng (娥皇) và Nữ Anh (女英) cho Trọng Hoa, đồng thời tặng cho lương thực và rất nhiều bò dê gia súc (cha Hoa này vớ bở). Kết quả, với sự khéo léo tài tình được rèn luyện từ thơ dại, Trọng Hoa đã khiến Đường Nghiêu tin là không nhìn lầm người nên rất phấn khởi lập tức phong Trọng Hoa làm thủ lĩnh thị tộc Hữu Ngu.

Trọng Hoa cũng có tài nên thị tộc Hữu Ngu ngày càng hùng mạnh, trở thành một trong những trụ cột chính trong liên minh các bộ lạc dưới quyền Đường Nghiêu. Sử chép Trọng Hoa được Đường Nghiêu già yếu truyền ngôi gọi là Ngu Thuấn, vì công tích to lớn nên được gọi là Đại Thuấn (大舜). Đường Nghiêu Thụy hiệu là Đế Nghiêu. Việc Đường Nghiêu truyền ngôi cho Trọng Hoa chứ không truyền ngôi Đan Chu con mình thường được sử sách đời sau xem là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức chứ không vì lợi ích riêng tư của dòng họ. Nhưng theo ghi chép của một cuốn sách quan trọng tên là "Trúc thư kỷ niên" (竹書紀年, "Biên niên sử viết trên thẻ tre") thì Trọng Hoa lợi dụng Đường Nghiêu già yếu lừa bắt rồi giam vào trong ngục, cướp ngôi:
Thuấn giam Nghiêu ở Bình Dương rồi cướp lấy ngôi vua. Thuấn giam Nghiêu và không cho Đan Chu gặp cha.
Đan Chu không gặp được cha bất bình khởi binh bị Ngu Thuấn đánh bại, giết chết. Sách "Trúc thư kỷ niên" được phát hiện năm 281 thời Vũ đế (武帝, 236 - 290) nhà Tấn (晉朝, 266 - 420) Tư Mã Viêm (司馬炎, 236 - 290), trong mộ Tương vương (襄王, 318 - 296 TTL) nước Ngụy (魏國, 403 - 225 TTL) Ngụy Tự (魏嗣, ? - 296 TTL) ở huyện Cấp (nay là thị xã Vệ Huy 卫辉, thành phố Tân Hương 新鄉, tỉnh Hà Nam), nhờ vậy thoát được vụ đốt sách chôn nho của Thủy Hoàng đế (始皇帝, 221 - 210 TTL) nhà Tần, Doanh Chính. Cuốn sách này là biên niên sử nước Ngụy thời Chiến Quốc chép từ thời huyền thoại Công Tôn Hiên Viên tới năm 299 TTL, cho thấy một số sự kiện lịch sử khác với những gì chính sử TQ từ sau Tần Thủy Hoàng biên chép. Tiếp nối truyền thống đốt sách chôn nho này, mỗi lần có dịp xân lược nước ta, từ Mã Viện nhà Hán cho tới Trương Phụ nhà Minh, luôn cướp sách vở, phá hủy phương tiện lưu giữ văn hiến, tàn sát hoặc bắt đem trí thức của ta về phương bắc. "Trúc thư kỷ niên" cũng cho thấy hậu quả vụ đốt sách chôn nho như thế nào khi mà chính lịch sử TQ còn bị bóp méo thì lịch sử nước ta qua sách TQ sao mà đúng được!

Sách TQ cũng chép rằng khoảng thời gian đó có thị tộc Đan Chu ở Hoài Hà đã từng liên hợp với một chi của bộ tộc Miêu Man (苗蠻) phía Nam là thị tộc Hoan Đâu (驩兜) chống lại sự xâm lược từ thị tộc Hữu Ngu của Trọng Hoa. Trong Hán ngữ thời thượng cổ, "Miêu" và "Man" đồng âm đồng ý, cho nên "Miêu Man" có thể là "Tam Miêu" hoặc "Nam Man", do vậy tên gọi "Tam Miêu" và "Nam Man" của hậu thế có thể có cùng nguồn gốc. "Chiến Quốc thư" - "Ngụy thư" chép rằng:
khi xưa Tam Miêu sống ở phía trái sóng nước Bành Lễ, phía phải làn nước Động Đình, phía nam của Văn Sơn, phía bắc của Hành Sơn
“Làn nước Động Đình” có khả năng là hồ Động Đình, “sóng nước Bành Lễ” có lẽ là đầm cổ Bành Lễ (彭蠡澤, hay đầm Bành hoặc hồ Quan Đình) ở phía bắc sông Dài, vì theo thiên "Vũ cống" trong Thượng thư" ghi rằng Bành Lễ nằm ở phía bắc sông Dài. Trước thời kỳ nhà Hán, sông Dài chảy lệch nhiều hơn về phía bắc tạo ra đầm cổ Bành Lễ. Cuối thời kỳ Tây Hán, sông Dài đổi dòng chảy về phía nam nhiều hơn làm cho thủy vực của đầm cổ Bành Lễ đại bị phân ly khỏi sông Dài, khô dần đi, biến thành khu vực bao quanh bởi các hồ Long Cảm (龍感湖), hồ Đại Quan (大官湖), hồ Bạc (泊湖) và các hồ xung quanh trong tỉnh An Huy ở phía tây, hồ Nguyên (源湖) trong tỉnh Hồ Bắc ở phía đông, đều ở phía bắc sông Dài ngày nay. “Hành Sơn” có lẽ là Hành Sơn (衡山: "Ngọn núi cân bằng"), Nam Nhạc trong Ngũ Nhạc ở tỉnh Hồ Nam, còn “Văn Sơn” chưa xác định, tuy nhiên dựa vào “Động Đình”, “Bành Lệ”, “Hành Sơn” đủ thấy địa bàn Tam Miêu nằm trong phạm vi các tỉnh An Huy, Giang Tô, miền Bắc tỉnh Hồ Nam tới Hồ Bắc, là trong địa giới Xích Quỷ, càng khẳng định Tam Miêu là một trong Bách Việt.

Vẫn "Chiến Quốc thư" - "Ngụy thư" chép rằng thời kỳ Nghiêu - Thuấn nước lụt tràn ngập, Tam Miêu thừa cơ "nổi loạn" tại Đông Nam, cùng với Hoan Đâu, Cộng Công  (共公) và Cổn gọi chung là "Thiên hạ tứ tội". Đan Chu và Hoan Đâu sau khi thua trận ở Đan Thủy (丹水, chi lưu bên hữu ngạn Hán Thủy) thì bị Ngu Thuấn đày đến bên suối Đan (丹淵) và Sùng Sơn (崇山) rồi di dời về phía nam, cuối cùng đến miền Lĩnh Nam của Xích Quỷ, tại phía đông Uất Thủy (鬱水) - sông Tả (左江) trên địa bàn Quảng Tây, con cháu của họ định cư ở đây mà cúng tế tổ tiên, trở thành bộ phận cổ nhất của Bách Việt từ bờ bắc sông Dài rút về phương Nam. Như vậy càng chứng tỏ sách sử TQ ca tụng về tích Đường Nghiêu truyền ngôi cho Trọng Hoa là ca tụng bậy.

Trọng Hoa lấy được ngôi vị quân chủ liên minh các bộ lạc từ Đường Nghiêu vào khoảng 2258 TTL, được tôn gọi "Thiên tử bộ lạc lãnh tụ" (天子部落领袖, gốc gác của danh xưng "Thiên tử" đời nhà Chu) đặt thủ đô của liên minh tại Bồ Phản (蒲阪, Sơn Tây). Đến lúc ấy Cổn đã đắp đê ròng rã suốt 9 năm, hao tổn hao nhiều sức người và của cải nhưng không chặn nổi dòng nước, đã vậy khi nước vỡ bờ lại tràn ra ngày một to hơn lúc trước. Ngu Thuấn liền hạch tội Cổn trị thủy bất thành, xử tử trên Vũ Sơn để làm gương cho thiên hạ. Cùng thời, Cơ Khí sống ở ven Vị Hà, tương truyền giỏi trồng cây vừng, các loại đậu và đay nên được Ngu Thuấn đặt hiệu Hậu Tắc, phong cho đất Thai (邰, miền tây huyện Vũ Công 武功, thành phố Hàm Dương 咸阳, tỉnh Thiểm Tây), thị tộc Chu khởi nghiệp từ đấy.

Ngu Thuấn chia lãnh thổ ra làm 12 vùng (十二州, thập nhị châu hay thần châu xích huyện 赤縣神州), dựa theo 12 ngọn đồi và lưu vực sông để xây dựng đền thờ một cách quy mô. Phạm vi 12 vùng bao gồm "Ngũ nhạc, Ngũ trấn, Tứ độc" (năm núi cao, năm thành và bốn sông), hướng Đông về phía Đông Hải, tới Liêu Đông (遼東; khu vực ở phía đông Liêu Hà [遼河, sông lớn ở miền nam Mãn Châu {滿洲; Mông Cổ: Манж}, địa danh ở Đông Bắc Á bao gồm vùng Đông Bắc Trung Quốc và một phần ở Viễn Đông của Nga, địa bàn của các vương quốc cổ như Cổ Triều Tiên {고조선: Gojoseon; 古朝鮮, 2333 - 108 TTL}, Phù Dư, Cao Câu Ly, Bách Tế (백제: Baekje / Paekche; 百濟, 698 - 926), Liêu, Kim, và nơi xuất thân của nhà Thanh nay thuộc vùng phía đông và phía nam tỉnh Liêu Ninh [遼寧, tên gọi tắt là Liêu 辽, theo tên dòng Liêu Hà chảy qua tỉnh, Liêu Ninh có nghĩa là "Liêu Hà vĩnh viễn an ninh" {mãi yên bình}] cùng khu vực phía đông nam của tỉnh Cát Lâm [吉林, bắt nguồn từ cụm từ "Girin ula", tiếng Mãn có nghĩa là "ven sông", chuyển âm thành Cát Lâm Ô Lạp {吉林乌拉 / 吉林烏拉, Jílín Wūlā}, rồi rút ngắn thành Cát Lâm, nghĩa đen là "rừng tốt lành"). Ở phía Bắc, sa mạc Gobi và dãy Yên Sơn (燕山, dãy núi ở phía bắc tỉnh Hà Bắc chạy theo hướng đông - tây) được coi là biên giới giữa tộc Hoa Hạ và vùng du mục vùng thảo nguyên. Phía Tây giáp Ngọc Môn quan và Hoàng Thủy (黃水, chi lưu của Hoàng Hà) về phía đông của hồ Thanh Hải (青海湖; Mãn: Huhu Noor, "hồ xanh", hồ nước mặn không có hệ thống thoát nước ra ngoài lớn thứ hai thế giới, lớn nhất TQ). Tộc Hoa Hạ xếp hồ Thanh Hải là Tây Hải trong Tứ Hải 四海, bốn vùng nước phản ánh khao khát mở rộng lãnh thổ của tộc Hoa Hạ vì các vùng đất xung quanh hồ Thanh Hải cho đến gần đây vẫn do các bộ tộc du mục (như người Hung Nô) kiểm soát, nằm ngoài sự cai trị của các triều đình phong kiến TQ. Văn thơ TQ xưa vẫn hay dùng cụm từ "giữa bốn biển (四海之內, tứ hải chi nội) để chỉ TQ, hay "tứ hải giai huynh đệ". Ba vùng nước còn lại là Bắc Hải tức hồ Bai-can (Mông Cổ: Байгал нуур, Baygal nuur: "hồ tự nhiên"; Nga: о́зеро Байка́л; Buryat: Байгал нуур; Kyrgyz: Байкол; ở phía nam Siberi, giữa tỉnh Irkutsk ở phía tây bắc và Cộng hòa Buryatia ở phía đông nam, trong lãnh thổ Liên bang Nga), Đông Hải (của Xích Quỷ) tức biển Hoa Đông và Nam Hải tức Biển Đông của VN. Tại phía Tây Nam 12 vùng vẫn giáp Ba - Thục. Ở phía Nam, Đông Nam 12 vùng lấn chiếm xuống đến bờ sông Dài của Xích Quỷ. Tên gọi "Nam Hạ", "Tây Hạ" chỉ các vùng đất phía Nam và Tây của 12 vùng. Như vậy từ thời Đế Hoàng đến Ngu Thuấn lãnh thổ Hoa Hạ đã mở rộng đáng kể.

Việc chuyển tiếp quyền lực từ Ngũ Đế sang Tam Đại ra sao? Con số chín được Hoa Hạ tiếp nhận thế nào là nội dung bài tiếp theo.

¤¤¤
Chôm chỉa từ:
Các tài liệu đã liệt kê trong các bài trước và:
¤ Viện Bảo tàng Lịch sử:
- Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử, 1975

¤ Khảo cổ:
- Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, Đào Duy Anh, Hà Nội, 1957

¤ Lịch sử:
- Về chủ nghĩa bành trướng Đại Hán trong lịch sử, Nguyễn Anh Dũng, Nxb. Thông tin Lý luận, 1982
- Sử ký Tư Mã Thiên những điều chưa biết - Hạ bản kỷ, Bùi Hạnh Cẩn - Việt Anh dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005

 ¤ Văn hóa: - Văn hóa Trung Hoa, Sử Trọng Văn - Trần Kiều Sinh , Nxb. Truyền bá Ngũ Châu và Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011

¤ Tạp chí:
+ Tạp chí Khảo cổ học, Ủy ban Khoa học Xã hội - Viện Khảo cổ họcxuất bản:
• Số 1 & 2, 1992:
- Những hiện vật đồng đỏ trong văn hóa Đông Sơn, Trịnh Sinh
• Số 4, 1997:
- Nhận dạng trống giả cổ, Trịnh Sinh
• Số 3, 2010:
- Di tích văn hoá Đông Sơn và quá trình chinh phục vùng đồng bằng trũng ở Hà Nội, Lê Kim Tước - Trịnh Sinh
- Vài nhận xét về những chiếc trống đồng Đông Sơn ở Hà Nội, Trịnh Sinh - Vũ Thuý Hạnh

+ Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội:
• Số 141, 1971
- Tìm hiểu một số hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, Nguyễn Ngọc Chương

¤ Khảo cổ học Việt Nam (3 tập):
• Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại Đá Việt Nam, 1998
• Trống đồng Đông Sơn, Văn hóa Đông Sơn