Vũ Ngọc Tiến
Lời Nói Đầu
Năm 1998, tôi được mời tham gia đề tài nghiên cứu “Lịch sử 50 năm kinh tế Việt Nam 1945- 1975” của Viện Kinh tế học, có sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhiệm vụ của một nhà văn-nhà báo, một kẻ ngoại đạo như tôi trong đề tài khoa học là tìm đọc tài liệu, sách báo cũ, tác phẩm văn học, kết hợp với điều tra, phỏng vấn nhân chứng để tái hiện lại đời sống nhân dân Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 mà số liệu thống kê vốn ít và kém chính xác. Ðây là sáng kiến độc đáo của bà Tiến sĩ Nguyễn Anh Tú, người Mỹ gốc Việt, đại diện WB ở Hà Nội.
Qua gần 2 năm tham gia, tôi đã viết và gửi cho họ 173 trang viết tay khổ A4, nhưng sau đó, vì nhiều lý do cá nhân, tôi không tiếp tục làm việc và liên lạc với ông GS chủ nhiệm đề tài. Không rõ họ có sử dụng, hoặc sử dụng đến đâu, như thế nào? Nay đọc lại bản thảo, tôi thấy nó có thể có ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà văn trẻ. Nó lột tả chân thực đời sống khốn khó một thời trong mô hình kinh tế Stalin, đồng thời lý giải sự thắng thua trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 miền Nam-Bắc, từ góc nhìn thuần túy kinh tế học và xã hội học.
Cần lưu ý, phần viết về nông thôn trong bản thảo khá nhiều sự kiện, nhân chứng, song vấn đề lại tương đối đơn giản. Vì vậy, để không làm mất thời gian nhiều của bạn đọc, tôi chỉ lọc ra phần viết về đời sống đô thị, lược bớt các biểu đồ, biểu bảng và bổ sung, chỉnh lý nội dung cho phù hợp.
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm về phần nông thôn có thể liên hệ với tôi qua BBT talawas.
Tháng 6 năm 2005
——————————————————————————————————————————————————-
I. Giai đoạn 1954-1960: Hàn gắn vết thương chiến tranh
1. Tâm thế người dân
Người Hà Nội sẽ không bao giờ quên được giây phút tuyệt vời ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng từ năm cánh cửa ô kéo về trong bài ca của nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…” Nhạc phẩm viết từ năm 1949, đã từng bị phê bình là lạc quan tếu. Khi cụ Hồ tiếp chuyện GS. Trần Hữu Tước, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim và nhà văn Nguyễn Ðình Thi, nghe họ ca ngợi bài hát đó là khát vọng chiến thắng, dự báo thiên tài của Văn Cao thì nhạc phẩm đó mới được phổ biến.
Trong đoàn người ra đón quân cách mạng chỉ còn là những người dân Hà Nội đặt trọn niềm tin ở chế độ mới, bởi những ai không ưa cộng sản đều đã di cư vào Nam. Họ bảo nhau, hòa bình rồi, ăn đói mặc rét mà hưởng độc lập tự do vẫn sướng. Hòa bình, tự do, dân chủ là nguyện ước sâu xa trong lòng họ. Chuẩn giá trị trong đời sống xã hội lúc này là lao động hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đời sống mới, xã hội mới, không hề đòi hỏi sự đãi ngộ.
Người Hà Nội nô nức đi lao động ở các công trường xa thành phố, đi đắp đê Mai Lâm (Hà Nội) trong trận lụt năm 1958 hay đi lao động công ích ở đường Cổ Ngư, hồ Bảy Mẫu với niềm tin trong sáng đến lạ kỳ. Học sinh phổ thông các trường nội thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh đi về nông thôn giúp dân nhổ mạ, bón ruộng hay gặt lúa cũng tưng bừng như đi dự trại hè.
Bộ phim Cô gái công trường, một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam đã phản ánh chân thực tâm thế người dân lúc đó. Quan niệm về hạnh phúc của họ vừa trong sáng vừa có phần lãng mạn. Bà NTT ở phố Hàng Bè kể rằng, hồi ấy bà là hoa khôi nổi tiếng, nhiều đám sang trọng, giàu có dạm hỏi, nhưng bà chỉ mê mệt anh trung đội trưởng đội mũ nan, đeo huy hiệu chiến sĩ Ðiện Biên nhưng không viết thạo một lá thư, đóng quân ở gần nhà. Tâm thế người Hà Nội thời đó đều như bà NTT, thiên về lĩnh vực tinh thần, coi nhẹ vật chất. Khát vọng sống của họ là được cống hiến, được chia sẻ.
2. Mức sống và chất lượng sống
Trước hết, cần điểm qua kết cấu xã hội ở Hà Nội và các đô thị sau 1954. Ða số các nhà giàu, trí thức cao cấp hoặc các gia đình có liên quan đến chính quyền cũ đều đã di cư vào Nam. Số còn lại thuộc diện tư sản dân tộc chỉ có 861 người, kỹ sư và bác sĩ 150 người, giáo chức cấp tiểu học và trung học hơn 500 người, còn lại chủ yếu là các hộ tiểu thương, tiểu chủ. Tính trung bình ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh cứ 2 hộ dân có một hộ tiểu thương.
Trong khi đó số công nhân mất việc làm do chủ cũ di cư vào Nam ở Hà Nội 10 vạn và ở Hải Phòng là 3 vạn người. Bộ phận công nhân viên chức ở vùng kháng chiến về Hà Nội cỡ khoảng 6 vạn người. Số này giữ cương vị chủ chốt ở các công sở, nhà máy và chỗ ở thường là nhà của người di cư, mỗi ngôi nhà có khoảng 3-5 hộ, cá biệt có nơi hàng chục hộ.
Ở khu vực thành thị còn xuất hiện thêm một tầng lớp dân cư là người miền Nam ra tập kết. Từ tháng 7/1954 đến 5/1955 có 175.000 cán bộ, chiến sĩ và 15.000 học sinh miền Nam ra sống ở các đô thị miền Bắc.
Nhìn chung, bức tranh xã hội đô thị thời đó khá phức tạp. Mô hình xã hội mới lại buộc Nhà nước phải lo giải quyết cùng một lúc các vấn đề việc làm, ăn, mặc, ở, điện, nước… cho khối cán bộ, công nhân, viên chức. Ngoài những nỗ lực tự thân của nền kinh tế đang còn ốm yếu, giải pháp trưng thu hàng hóa của các hộ tiểu thương, tiểu chủ, tư sản và tước đoạt một phần diện tích nhà ở của nhiều hộ dân trung lưu chia cho cán bộ, công nhân, viên chức là không loại trừ.
Qua hơn 2 năm, những vấn đề nêu trên đã giải quyết tạm ổn, chính phủ đề ra kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh và đã thu được một số thành tựu tương đối khả quan. Số liệu thống kê chính thống của Nhà nước tuy còn sơ lược và kém chính xác, nhưng có thể khái quát về mức sống đô thị như sau:
Thu nhập bình quân đầu người hàng tháng là: năm 1957 – 18,61 đồng; 1959 – 20,39 đồng; 1960 – 21,42 đồng.
Có sự nhích dần của lương và phụ cấp trong cơ cấu thu nhập của các hộ công nhân, viên chức: năm 1957 thu nhập từ lương và phụ cấp 81,7%, từ ngoài lương (làm thêm) là 18,3%; Tương ứng cho các năm sau: 1959 là 85,8% và 14,2%; 1960 là 86,5% và 13,5%.
Cơ cấu tiêu dùng: năm 1957 chi về ăn 70,5%, chi về sinh hoạt vật chất khác 19,4%, chi về sinh hoạt văn hóa tinh thần 10,1%; Tương ứng cho các năm sau: 1959 là 69,5% – 21,9% – 8,6%; 1960 là 75,5% – 14,6% – 9,9%.
Các số liệu thống kê vừa nêu chỉ phản ánh phần nào đời sống của khối công nhân, viên chức Nhà nước. Ðể thấy rõ hơn bức tranh đời sống xã hội đô thị, ta có thể tham khảo một số cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở độ tuổi 50 trở lên.
Dưới đây là những lời kể:
Cụ VÐC, sinh năm 1916, làm nghề bưu tá, về hưu năm 1976, quê ở làng Yên Thái nay là phường Bưởi quận Tây Hồ – Hà Nội:
“Tháng 9/1954, tôi được một cán bộ hoạt động bí mật trong nội thành đưa ra ngoại ô huấn luyện nghiệp vụ bưu điện và phát hành báo chí, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Sau đó, tôi làm chân chạy thư, báo, công văn cho UBND xã Thái Ðô (gồm thị xã Nghĩa Ðô và phường Bưởi bây giờ). Lương lúc ấy hưởng bằng tiền “cụ Hồ kháng chiến” là 2 vạn đồng, tương đương 50 kg gạo. Từ năm 1958, tôi được biên chế vào ngành bưu điện, phụ trách chuyển thư, báo cho 11 khối dân cư thuộc khu Ba Ðình. Lương khởi điểm là 33,6 đồng, phụ cấp con cái từ đứa thứ 3 được mỗi đứa 5 đồng. Ngoài ra nghề bưu tá mỗi tháng được 5 đồng uống nước, tiền hao mòn xe đạp cứ 10km được 5 xu, mỗi ngày đi khoảng 50 km được 2 hào rưỡi. Vợ tôi làm nghề xeo giấy trong tổ hợp tác mới thành lập (1958), mức thu nhập khoảng 36-38 đồng/tháng. Cộng các khoản thu nhập của gia đình cỡ 115-120 đồng/tháng. Nhà tôi 10 miệng ăn cũng tạm đủ sống. Lúc này, Nhà nước vừa đổi tiền, mỗi công dân từ 18 tuổi trở lên chỉ được đổi 200 đồng tiền ngân hàng mới. Nghe nói ở trong phố, có người nhiều tiền, uất quá ném ra đường vì không đổi được, rồi tự tử mà chết. Ðấy là một cách để Chính phủ cào bằng mức sống mọi tầng lớp cư dân đô thị. Ngoài vàng bạc, kim cương ai đó còn giấu được, không đăng ký với Nhà nước ra, tiền mặt của mọi nhà là xấp xỉ như nhau. Nhờ vậy giá trị đồng tiền rất cao, có lợi cho cánh công nhân, viên chức chúng tôi. Với mức thu nhập như đã nói, vợ chồng tôi đủ nuôi 8 đứa con, thỉnh thoảng đi xem hát chèo, cải lương diễn lưu động ở chợ Bưởi, giá vé người lớn 4 hào, trẻ em 2 hào.”
Ông NÐT, Phó tiến sĩ, Viện trưởng một Viện nghiên cứu lớn ở Hà Nội, sinh năm 1946, sống tại khu Thành Công, quận Ba Ðình:
“Quê tôi ở một xã ngoại thành, cách Hà Nội chừng 12 km. Bố mẹ tôi dọn vào nội thành ở từ năm 1949. Ông nội tôi có chút học vấn và uy tín với dân làng nên được cách mạng bố trí ra làm lý trưởng để thuận lợi che chở, giúp đỡ cán bộ kháng chiến. Bố tôi mở một xưởng xẻ gỗ nhỏ. Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ở chợ. Khi giải phóng, gia đình tôi có 9 anh em (6 trai, 3 gái), tôi là thứ tư. Nhìn chung, từ năm 1954-1956 gia đình tôi sống tạm ổn vì Nhà nước chưa có động thái gì lớn trong chính sách kinh tế mới. Cuối năm 1956, ông nội tôi ở quê bị quy vào thành phần địa chủ cường hào ác bá, bị vu khống đủ thứ tội mà thoạt nghe như chuyện cười của Azit Nêxin. Cuối cùng cụ bị kết án và bị treo cổ ngay tại phiên tòa diễn ra ở sân vận động, nay là nhà máy ngói xi măng… May mà năm 1958 cụ được minh oan, nếu không thì đời tôi ra tóp, chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Năm 1958, cải tạo công thương nghiệp ở nội thành, bố tôi cũng may mắn được xếp vào diện tiểu chủ nên xưởng xẻ gỗ không bị hợp doanh. Những năm ấy giá cả bán lẻ như sau: Về gạo, gạo tám thơm hay dự hương 0,80 – 0,85% đồng/1 kg, gạo mùa 0,60 đồng/1kg, gạo chiêm 0,40 – 0,45 đồng/1 kg; Trứng gà 0,80 – 1,20 đồng/1 chục; Thịt lợn 2,5 đồng/1 kg; Cá chép tươi, cá quả, cá chày 1,80 đồng/1 kg… Tôi còn nhớ được giá cả vì hồi đó mới 12 tuổi đã phải đi chợ, nấu ăn cho các anh lớn giúp việc bố tôi ở xưởng xẻ gỗ. Mẹ tôi buôn bán ở chợ, tối về ngồi đếm tiền, tính ra mỗi ngày lãi được 2 – 3 đồng. Bố và các anh tôi ở xưởng xẻ gỗ làm cật lực, kiếm được 5-7 đồng/ngày. Với mức thu nhập ấy, gia đình tôi chỉ đủ sống ở mức ăn no, thỉnh thoảng có miếng thịt kho mặn. Tôi có một người bạn rất thân, bây giờ là một nhà văn. Gia đình anh ấy cũng thuộc diện tiểu thương, tiểu chủ, nhưng năm đổi tiền (1958) có lẽ vẫn giấu được ít vàng nên sống khá hơn. Mỗi lần đến nhà bạn học tổ, thấy nhà có lọ đường kính đầy, ai muốn uống thì lấy nước mưa trong bể pha và vắt quả chanh vào, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để tôi thèm muốn, đêm nằm mơ thấy lọ đường…”
Cụ NQÐ, sinh năm 1917, sống ở Nam Ðịnh, thành phần tư sản công nghiệp, vợ (cụ bà BTH) buôn bán vải, tơ lụa:
“Tôi sinh ra ở thành phố dệt, tốt nghiệp trường Thành Chung Nam Ðịnh, có học qua trường kỹ nghệ thực hành Ðông Dương trên Hà Nội. Chiến tranh xảy ra, tôi tản cư về đình làng Ngò (Thanh Hóa). Năm 1949, tôi hồi cư và mở xưởng dệt kim, có 5 máy cổ lỗ của Pháp, bé hơn rất nhiều so với xưởng của cụ Cự Doanh trên Hà Nội (80 máy). Vợ tôi mở tiệm
buôn bán vải đen để bán ra vùng tự do trong Thanh – Nghệ. Gia đình có 5 con, sống ở ngôi nhà 2 tầng khá đẹp gần vườn hoa Con Cóc. Sau giải phóng, xưởng dệt kim của tôi vẫn hoạt động bình thường, còn vợ tôi dẹp tiệm, ra bán hàng tại sạp vải ở chợ Rồng. Ðời sống gia đình 3 năm đầu khá tốt, các con đi học bằng xe đạp Sterling của Anh, Marina của Pháp. Gạo ăn thường là tám xoan hay tám làn ở Giao Thủy đưa lên thành phố. Bữa ăn thường ngày đều có 4 món, do vú em quê Nghĩa Hưng nấu. Cuộc sống gia đình bắt đầu đảo lộn từ cuối năm 1957 đầu 1958, khi vợ chồng tôi bị tập trung đi học tập cải tạo công thương nghiệp. Theo quy định, những hộ sản xuất kinh doanh như sau thì bị liệt vào diện tư sản: thuê mướn từ 5 công nhân trở lên, có máy phát lực hoặc máy công cụ tiêu thụ 5 KW/giờ, vốn trên 7.000 đồng, lãi ròng trên 3.600 đồng/năm.” [Cụ bà BTH bổ sung: “Tư sản thương nghiệp thì vốn lưu động và hàng hóa hiện hữu tại thời điểm kê khai đạt 10.000 đồng trở lên. Quy định như vậy đã là thậm vô lý, nhưng ở Nam Ðịnh hồi đó, hễ ai có chút máu mặt là bị tìm cách đưa vào diện cải tạo, cửa hiệu, hàng hóa dễ bề mất không.”]
Cụ NQÐ kể tiếp:
“Tôi giống hệt tính cách của ông nội là đồ Nho, đậu cử nhân trường thi Nho học Trấn Sơn Nam [1] năm 1898, nên rất ương ngạnh, không dễ chịu khuất phục. Ði học cải tạo, tôi hay thắc mắc, đấu lý với cán bộ: ‘Cơ sở của tôi có 5 máy, dệt 2 ca mà chỉ thuê có 8 thợ, nghĩa là còn 1 máy do tôi và 2 thằng con trai làm việc như trâu, còn hơn cả thợ và phải lo đủ thứ ngoài sợi dệt, hà cớ gì quy tôi là tư sản bóc lột, ăn trên ngồi trốc? Thuế cao, nguyên liệu khan hiếm, lãi ròng 800 đồng/năm còn chưa được, lấy lý nào tính toán tôi lãi 3.600 đồng/năm?’ Tôi tuyên bố sẽ ‘dẹp tiệm’, không hợp doanh gì sất, máy sẽ hiến cho Nhà nước đem lên Hà Nội nhập vào xưởng của cụ Cự Doanh, không làm chủ dệt thì tôi mở cửa hiệu chữa ô tô, xe đạp vì tôi có bằng kỹ nghệ thực hành Ðông Dương, không sợ chết đói, chỉ thương 8 thợ dệt của tôi sẽ thất nghiệp, về quê đi cày… Ðến bây giờ sắp kề miệng lỗ, tôi mới biết mình ngu. Chuyên chính vô sản ở Nam Ðịnh là thứ “chuyên chính vô học”, tôi cãi lý với họ sao được. Họ soi lý lịch 3 đời, ông tôi là đại địa chủ phong kiến, anh tôi trước làm đại lý cho hãng hàng không Pháp ở Nam Ðịnh, lại di cư vào Nam… Tôi bị tập trung đi lao động cải tạo 6 tháng. Ở nhà, toàn bộ xưởng dệt và cả hàng hóa của vợ tôi bị trưng thu. Mấy đứa con, vì thế, học giỏi mà không được thi vào đại học, phải tình nguyện đi lao động ở các công – nông – lâm trường, sống khổ cực, hàng tháng vợ tôi phải đi xe đạp vượt trăm cây số để đem cho chúng, mỗi nhà liễn mỡ lợn và vài cân cá khô ăn dè.”
Ông TBN, sinh năm 1944, kỹ sư cơ khí giao thông, hiện là phó vụ trưởng ở một bộ quan trọng, sống ở Thanh Xuân – Hà Nội:
“Cha tôi là TVK, trước năm 1954 làm thư ký tòa án đại hình ở Hà Nội. Cụ là viên chức mẫu mực do Pháp đào tạo cả về năng lực làm việc và phong cách sống. Sau giải phóng, theo Hiệp định Giơ–ne–vơ (Geneva), cụ là viên chức lưu dung ngành tòa án, mức lương 240 đồng/tháng (tiền ngân hàng mới năm 1958). Mức lương ấy so với giá cả sinh hoạt là rất cao. Mẹ tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ. Nhà tôi có 6 anh em, tôi là con cả, sống rất no đủ những năm 50. Sáng nào cũng vậy, khoảng 8 giờ có chị hàng hoa ở Ngọc Hà đem hoa đến cho gia đình. Bố tôi sống và làm việc như một chiếc đồng hồ báo thức: 5 giờ 30 đi tập thể dục ở vườn hoa Hàng Ðậu, sau đó về ăn sáng, uống cà phê, đi làm. Hết giờ làm việc ông về nhà tắm rửa rồi lững thững dạo phố, đọc báo ở cửa tòa báo Quân đội nhân dân trên đường Phan Ðình Phùng và ăn tối vào 19 giờ. Chủ nhật, bố tôi thường về quê ngoại ở làng Ðại Mỗ bắn chim hay câu cá. Có lẽ ông là người có công lớn, góp phần giúp Chính phủ hình thành hệ thống tổ chức ngành tòa án và quy trình tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm. Cuối năm 1959 đầu 1960, bố tôi được học tập và vận động viết đơn tình nguyện không nhận lương công chức lưu dung nữa, chỉ xin nhận lương 64 đồng. Bắt đầu từ đây, gia đình sống khá gieo neo. Mẹ tôi phải đi làm công nhật, nắm than tiết kiệm từ tro của nhà máy điện Yên Phụ trộn với than cám và bùn lấy ở hồ Trúc Bạch, được 1,4 – 1,6 đồng/ngày. Tuy nhiên, bố tôi chỉ cho phép cắt giảm khẩu phần ăn, còn mọi sinh hoạt gia đình, nếp sống cá nhân không thay đổi. Ðiển hình là quần áo, ở nhà vá chằng vá đụp, nhưng ra đường ai cũng phải có bộ tươm tất. Nó khác hẳn với nhiều gia đình công chức, ở nhà mới dám mặc quần áo đẹp, ra đường lại vá chằng vá đụp. Bạn bè thường khuyên cha tôi bán vàng và đồ đạc quý trong nhà con: ‘Thời thế, thế thời phải thế. Ðạo làm người trong thiên hạ lấy việc phụng sự quốc gia làm đầu’. Thế nhưng, có nhiều đêm vì thương vợ con, cụ đã khóc thầm. Sau này, khi bị thuyên chuyển từ tóa án tối cao về cấp thành phố, rồi về cấp khu làm anh ‘mõ tòa’, cụ vẫn chuyên cần làm việc như một cái máy, chủ nhật vẫn về quê ngoại bắn chim, câu cá. Có lẽ nhờ cha tôi tỉnh táo, nhẫn chịu nên tôi mới được vào đại học để có vị thế xã hội như bây giờ.”
Ông VÐH, sinh năm 1930, cán bộ kháng chiến nay đã về hưu, hiện sống ở quận Lê Chân – Hải Phòng:
“Từ năm 1955-1960, chưa được Nhà nước phân nhà, tôi sống tại nhà riêng của bố mẹ vợ ở phố Phan Bội Châu – Hải Phòng. Khác với Hà Nội, Hải Phòng có 300 ngày tập kết (tính từ 10/10/1954) cho những người có ý định di cư vào Nam. Ðó là 300 ngày giao thời, xã hội khá nhộn nhạo, giá cả sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Thời chống Pháp, tôi ở chiến khu chỉ là cậu bé chạy công văn, giấy tờ. Về Hải Phòng (1955), tôi đã thành anh cán bộ 25 tuổi, nhưng văn hóa chỉ qua lớp 3 hệ phổ thông 10 năm, kiếm được bà vợ khá xinh, lại giàu, có bằng tú tài toàn phần. Năm 1958, xếp lương công chức, cộng các khoản phụ cấp được 80 đồng/tháng đã là khá cao trong xã hội. Tiền hồi ấy tiêu bằng đơn vị xu là nhỏ nhất. Tiền xu có ba loại: 1 xu, 2 xu và 5 xu, bằng nhôm, có đục lỗ ở giữa. Ði ra chợ Sắt, nhìn thấy các bà hàng rau xâu một chuỗi tiền xu vào dải rút quần cũng thấy hay mắt. Ðồng 1 xu lúc đó có thể mua mớ hành hay rau thơm, 5 xu mua được mớ rau muống cỡ 1kg, cả nhà ăn không hết. Vợ tôi phụ giúp mẹ bán hàng xén ngoài chợ Sắt, thu nhập cũng đủ ăn. Lương của tôi nộp cho bà ấy 45 đồng, giữ lại 35 tiêu vặt và đãi đằng bạn bè, vậy mà vợ cũng mua trữ được mỗi tháng 1 chỉ vàng (50-55 đồng/1chỉ). Các gia đình công nhân viên chức khác không chân trong chân ngoài như tôi chỉ tiết kiệm được 2,5 – 3,0 đồng/tháng. Tôi đi làm, mỗi sáng uống cà phê 2 hào, ăn chiếc bánh bao nhân thịt 2 hào, vị chi 4 hào, là sang trọng ở đất Hải Phòng. Nhưng tôi thường phải ăn giấu ở nhà, không dám ra hiệu phở ăn 2,5 hào/1 bát. Tôi hút thuốc thơm loại Thăng Long, Hoàn Kiếm cũng phải bóc ra, nhét vào vỏ bao Bông Lúa hạng bét. Thời ấy, sống phô ra sự nghèo, giấu kín sự giàu là hành vi ứng xử chung của toàn xã hội. Nói chung, giai đoạn 1955-1960 là thời kỳ sung sướng, no nhàn nhất của gia đình tôi, nếu tính từ 1975 trở về trước.”
Nói đến chất lượng sống của cư dân, ta không thể bỏ qua lĩnh vực y tế – giáo dục. Ở lĩnh vực này, chính phủ đã thành công khá ngoạn mục. Uy tín của chính phủ trong dân chúng và trước cộng đồng quốc tế nhờ đó được củng cố. Nhiều học giả nước ngoài đã đánh giá cao trong công trình nghiên cứu của họ về thành quả y tế – giáo dục của miền Bắc trong giai đoạn 1954-1960 nên ở đây không cần nhắc lại (Le Vietnam au XXe Siècle – Paris 1979 – Feray P.).
Những năm 1954-1960, phương tiện sinh hoạt văn hóa bằng radio ở thành thị vẫn còn là của hiếm, chỉ có ở các gia đình trí thức trung lưu, văn nghệ sĩ và cán bộ trung cao cấp. Bù vào đó, hệ thống loa truyền thanh công cộng được lắp đặt rộng rãi.
Cuối năm 1960, các thành phố, thị xã, khu mỏ Quảng Ninh có khoảng 13.900 cái loa.
Phó Tiến sĩ NÐT (đã dẫn trong mục phỏng vấn) kể rằng, năm 1958, loa truyền thanh công cộng phát buổi tường thuật trận đá bóng giữa đội Bát Nhất (Trung Quốc) và đội Thể Công (Việt Nam), số người tụ tập ở gần nhà ông lên đến 200 người. Nhạc sĩ THB cũng kể rằng, quanh nhà ông ở dốc Nghĩa Ðô gần chợ Bưởi không ai có máy quay đĩa hát, mỗi khi nhà ông mở đĩa nhạc có rất nhiều thanh niên, học sinh tụ tập ở cửa để nghe nhạc cổ điển. Quanh chiếc loa truyền thanh công cộng treo ở đầu chợ Bưởi, mỗi tối thứ bảy có khoảng vài chục đến cả trăm người già, trẻ em ngồi nghe hát cải lương.
Ngành điện ảnh thời ấy chủ yếu sản xuất phim thời sự, đến năm 1960 mới có 4 bộ phim truyện do xưởng phim Hà Nội sản xuất. Số phim truyện được trình chiếu chủ yếu là về đề tài chiến tranh và hợp tác hóa nông thôn nhập từ Liên Xô, Trung Quốc: 462 bộ năm 1955, 329 bộ năm 1957 và 120 bộ năm 1960.
Hà Nội có 7 rạp chiếu bóng, Hải Phòng có 2 rạp, suất chiếu nào cũng đông kín người, giá vé có 3 loại: 2 hào, 3 hào và 5 hào. Vùng ven đô có các đội chiếu bóng lưu động mỗi tháng chiếu 2 đợt, mỗi đợt 2-3 đêm. Số người xem ước chừng 1.000-2.000 người/1 suất chiếu. Giá vé người lớn 2 hào, trẻ em 1 hào. Thị hiếu thẩm mỹ của đa số dân thành thị hồi đó là xem cải lương, chèo, tuồng. Kịch nói và ca nhạc tạp kỹ, giao hưởng chỉ có ở nội thành. Giữa các màn cải lương thường xen kẽ biểu diễn ca khúc thời tiền chiến hoặc các bài hát cách mạng.
Nghệ sĩ cải lương Tuấn Sửu cho biết, Hà Nội có 2 rạp cải lương “Chuông vàng Thủ đô” và “Kim Phụng”, 1 rạp chèo, tuồng “Lạc Việt”, suất diễn nào cũng kín chỗ. Mỗi lần họ đi ngoại thành biểu diễn có đến vài nghìn người xem, giá vé người lớn 4 hào, trẻ em 2 hào. Theo tài liệu thống kê chính thống về sân khấu nghệ thuật, năm 1955 số đơn vị nghệ thuật là 24, số buổi biểu diễn là 300, số lượt người xem là 1.600.000; Tương tự các năm 1957 là 40 – 630 – 2.151.000, 1960 là 54 – 1.414 – 3.511.000.
Thị trường sách văn học thời kỳ này có rất ít đầu sách được xuất bản và kiểm duyệt rất kỹ, nhưng lượng ấn bản cho mỗi đầu sách – sau khi được kiểm duyệt – lại khá lớn, thường là 2-3 vạn bản, cá biệt có đầu sách “nội dung tốt” được in 5 vạn bản. Năm 1955 có 207 đầu sách, 1.712.000 bản. Tương tự các năm 1957 là 264 – 1.496.000 và 1960 là 346 – 4.682.000.
Các nhà văn được biên chế vào các nhà xuất bản, tòa báo, Hội nhà văn và các sở, ty văn hóa. Họ được hưởng lương cấp bậc theo đơn vị biên chế, ngoài ra, hưởng nhuận bút 8-10% giá bìa và số lượng bản in. Vì vậy nhà văn nào có sách được in theo kế hoạch thì nhận được khoản thù lao khá lớn. Một nhà văn lão thành cho biết mỗi cuốn sách của ông được in năm 1958-1960 nhuận bút 4.000-6.000 đồng, trong khi lương và phụ cấp ở cơ quan chỉ có 80-100 đồng/tháng. Cách đãi ngộ này khuyến khích nhà văn sáng tác phục vụ công – nông – binh. Ðương nhiên nếu ai sáng tác khác đi chẳng những không được in còn có thể mất biên chế ở cơ quan hoặc đi “lao động thực tế” ở công – nông – lâm trường.
Lại nói, các nhà văn có sách được in, tiền nhiều, thường hay đãi đằng bạn bè ở các quán bia, quán phở. Ngôi nhà số 2 đường Cổ Tân trở nên nổi tiếng vì là nơi ở của các nhà văn Nam Bộ uống bia như uống nước lã (Ðoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Ðức…). Lâu dần quán bia đường Cổ Tân thành nơi tụ họp của các cây bia rượu văn nghệ sĩ: các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài… hay các họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái… Một vại bia lúc đó giá 1,5 hào, nhưng các văn nghệ sĩ vốn hào phóng với bạn bè nên bạc trăm, bạc nghìn chẳng mấy chốc cũng “bay vèo”. Cha tôi chơi thân với một nhà văn thời tiền chiến, hồi đó ông này không có sách được in vì sở trường của ông là tiểu thuyết lãng mạn. Ông thường hay đến vay tiền, nhưng chưa một lần trả nợ. Lần ấy, bà vợ đẻ đứa con thứ 5, bị sài mòn, ông đến vay cha tôi 100 đồng, bẽn lẽn hỏi mẹ tôi xem cộng sổ nợ là bao nhiêu, rồi ông thở dài nói: “Có lẽ tôi phải đành viết quấy quá cuốn sách nào đó để trả anh chị”. Cha tôi đang hút thuốc lào, buông chiếc xe điếu, chân tình nói: “Là nhà văn mà anh định viết quấy quá cho xong một tác phẩm như nhiều đứa quen biết khác của chúng mình ư? Từ trước đến nay, bà nhà tôi có bao giờ ghi sổ nợ cho anh đâu. 100 đồng này là tôi biếu chị để mua thuốc cho cháu gái. Hết tiền anh hoặc chị cứ lên đây, tôi hết thì anh mới hết…” Về già, ông ngồi bán vé số ở góc phố Châu Long và Phó Ðức Chính. Cha tôi về già cũng ra hè phố mở một quán nước chè. Hai người gặp nhau tóc bạc phơ, nói nghề mới của các cụ hóa ra đều “hóng hớt” được ối chuyện, đáng viết cả trường thiên hý kịch. Bản thân người viết những dòng này, năm 16 tuổi cũng tập tọng học đòi viết văn, bị cha cấm đoán. Thậm chí, cha tôi còn sai các em canh chừng, hễ thấy anh ngồi viết văn thì mách lại, để cha đốt đi trong ánh mắt giận dữ, còn đứa con trai ngồi khóc nấc!…
Nói đến đời sống văn nghệ sĩ, không thể không nhắc đến cuộc đấu tranh tư tưởng với “luồng gió độc” của nhóm Nhân văn-Giai phẩm do Nguyễn Hữu Ðang, Phan Khôi, Thụy An khởi xướng. Sự kiện này đã được nhà văn Tô Hoài kể lại chi tiết trong cuốn Cát bụi chân ai (NXB Hội nhà văn, 1990).
Ở đây chỉ nhắc thêm câu chuyện về nhà văn Ðoàn Phú Tứ để thấy hệ lụy của nó ảnh hưởng lâu dài đến đời sống một nhà văn ủng hộ nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Câu chuyện xảy ra ở thời điểm cách sau vụ Nhân văn-Giai phẩm 7 năm (1964):
“Hà Nội đã lên đèn. Xe Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đi qua chợ Hàng Da, thấy một người lom khom nhặt gì ở chợ. Thủ tướng hỏi thư ký:
- Ai trông giống anh Ðoàn Phú Tứ thế?
Thư ký của Thủ tướng xuống xe chạy lại thì đúng là Ðoàn Phú Tứ.
Ông nói thản nhiên:
- Các con tôi có nuôi một con lợn. Tiền mua rau không đủ, chiều chiều tôi ra đây nhặt ít vỏ chuối, thêm vào rau cho chúng nấu cám lợn.
Nghe thư ký thưa lại, Thủ tướng xuống xe đến tận nơi mời Ðoàn Phú Tứ chiều mai đến nhà riêng ăn cơm.
Sau bữa cơm Thủ tướng bảo:
Tôi biết anh rất giỏi tiếng Pháp. Tôi có đọc một ít tiểu thuyết cổ điển Pháp dịch ra tiếng Việt. Người dịch chỉ dịch được ý mà không giữ được văn. Sao anh không dịch cho các nhà xuất bản?
- Hoàn cảnh của tôi… dịch ai in?
- Tôi sẽ đảm bảo cho anh chuyện đó.
Sau bữa ấy, Thủ tướng trực tiếp trao đổi ý kiến với giám đốc NXB Văn hóa. Ít lâu sau, bạn đọc nước ta được đọc tiểu thuyết Ðỏ và đen do Tuấn Ðô, tức nhà văn Ðoàn Phú Tứ dịch.”
(Nguồn: Nguyễn Bùi Vợi – 101 truyện vui các nhà văn hiện đại Việt Nam – Nxb Thông tin, 1996)
Bức tranh đời sống cư dân đô thị một giai đoạn lịch sử 1954-1960 đã khép lại với những mảnh màu tối sáng đan xen. Dẫu sao chính phủ hồi đó còn nương nhẹ, có những giải pháp linh hoạt, có mềm có cứng, nên đã khá thành công trong việc khôi phục nền kinh tế sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, bắt đầu có tiềm lực để bước vào giai đoạn quyết liệt xây dựng mô hình kinh tế Stalin trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
[1]“Trấn Sơn Nam” là tên của trường thi tại Nam Ðịnh.
II. Giai đoạn 1961-1965: Khúc dạo đầu cho một mô hình kinh tế
1. Bãi cỏ xén bằng và những chuẩn giá trị
“Bãi cỏ xén bằng” là hình tượng do một người bạn Pháp của nhà văn Nga I. Ehrenburg đưa ra tại một quán cà phê nghèo ở ngoại ô Paris khi nhận xét về mô hình kinh tế Stalin. Nó thoạt trông thì gọn mắt nhưng lại trái quy luật. Một bãi cỏ ở nước Nga chỉ đẹp khi trên đó mọc lên một cây sồi, vài bụi cây phúc bồn tử.
Ở vào thời điểm xuân Tân Sửu (1961), một số thành công về kinh tế ở giai đoạn 1954-1960 đã khiến không chỉ các nhà lãnh đạo mà đại bộ phận dân cư miền Bắc, nhất là ở nông thôn, cũng ngây thơ đặt cược số phận dân tộc cho mô hình này.
Câu thơ “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” của Tố Hữu có lẽ phản ánh tâm trạng ông thật lòng tin theo, hy vọng ở mô hình kinh tế Stalin. Ðể hiểu rõ tâm thế người dân đô thị và những thay đổi về chuẩn giá trị, thứ bậc trong xã hội giai đoạn 1961-1965, cần xét qua tình hình chung của cả miền Bắc.
Năm 1959 chỉ có 45% hộ nông nghiệp vào hợp tác xã. Ðến năm 1960 đã có 2.404.800 (85,83% hộ nông dân) làm việc trong 40.200 hợp tác xã cấp xóm, cấp thôn.
Bước sang năm 1961, các hợp tác xã trên nhanh chóng sáp nhập lại để thành hợp tác xã quy mô cấp xã. Nhiều nơi như ở Ða Tốn, huyện Gia Lâm – Hà Nội, có 5 làng cổ, tên làng và cảnh sắc rất đẹp (Ðào Xuyên, Khoan Tế, Thuận Tốn, Ngọc Ðộng, Lê Xá) đều bị xóa mờ, thay bằng 18 xóm, cũng là 18 đội sản xuất… Khí thế hừng hực này đã tràn về các đô thị.
Cuối năm 1960 đầu 1961, ở các thành phố, thị xã, thị trấn đã có 263.600 hộ thủ công (81%) vào hợp tác xã thủ công, 102.000 hộ tiểu thương (45,1%) vào hợp tác xã mua bán.
Cả miền Bắc có 1.014 xí nghiệp quốc doanh và 889 xí nghiệp công tư hợp doanh. Như vậy, kể từ tết Tân Sửu (1961), kết cấu xã hội trong cộng đồng dân cư đã thay đổi tận gốc. Một xã hội đa tầng được thu gọn trong kết cấu đóng, hai mặt, hoặc là quốc doanh hoặc tập thể.
Những hộ làm ăn cá thể ở đô thị chỉ còn ước độ 17%. Chuẩn giá trị trong xã hội đô thị lúc này cao nhất là người trong biên chế nhà nước, thứ đến xã viên hợp tác xã. Người làm ăn cá thể chẳng có vị thế gì, con cái lấy vợ, gả chồng hay học lên cao rất khó. Ngay cả người nhà quê, khát vọng lớn nhất cũng là được “thoát ly” thành người biên chế nhà nước, cho dù chỉ là đi làm công nhân ăn đói, mặc rách ở các công-nông-lâm trường. Có khách đến chơi nhà, họ không còn khoe vườn rau, ao cá mà khoe điều hãnh diện nhất là có người “thoát ly”.
Ở thành thị, thân phận người làm ăn cá thể sao giống như trong bài thơ “Khúc hát người da đen” của Chế Lan Viên: “Bánh mì hạng ba, nhân phẩm hạng ba, thiên đường hạng bét và nghĩa trang hạng bét”. Bức tranh xã hội đô thị thoạt nhìn ngỡ như là bãi cỏ xén bằng, nhưng thực ra vẫn có tảng băng ngầm phân chia thứ hạng, đẳng cấp. Ngay cả những người trong biên chế nhà nước, sự phân hóa giàu nghèo đôi khi không phải do chức vụ, học vấn, tay nghề…
2. Mức sống và chất lượng sống
(Mời các bạn đọc phần ghi chú ở cuối bài để so sáng thu nhập thời 1954-1963 của dân Miền Nam và Nam Hàn- Sau khi chiếm được Hà Nội và toàn miền Bắc được 5 năm, đảng nhận ra rằng: mức sống và chất lượng sống của miền Bắc quá thấp, thiếu gạo quanh năm, dân chúng đói kém, còn đảng thì bất tài trong lãnh vực làm kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Đây là các động lực chính để đảng CSVN chính thức gây chiến tranh vào 1960 (trước mắt là có cái ăn do TQ và LX viện trợ). Muốn tồn tại, phải quyết “giải phóng” miền Nam, là vựa lúa đủ sức nuôi sống miền Bắc và xuất khẩu. Trung quốc và Liên Xô chỉ là bọn xúi dục và hăm dọa rằng nếu không đánh miền Nam, chúng sẽ cắt viện trợ.TH)
Ở giai đoạn này, ngành thống kê của Nhà nước đã hình thành đội ngũ khá đông các cán bộ có trình độ nghiệp vụ. Mặt khác, kết cấu xã hội sau tết Tân Sửu đã trở nên đơn giản, chỉ có hai khối người: cán bộ công nhân viên chức trong biên chế nhà nước và các xã viên hợp tác xã, nên bài toán thống kê về mức sống cá nhân cũng không mấy phức tạp. Vì vậy, kể từ giai đoạn này, chúng tôi sẽ tận dụng khai thác tối đa những chỉ báo thống kê, trước khi đi vào mô tả hay phỏng vấn.
Thu nhập bình quân đầu người trong khối cán bộ công nhân viên năm 1961: 22,13 đồng; 1963: 21,95 đồng; 1965: 21,70 đồng.
Trong cơ cấu thu nhập năm 1961, thu từ lương và phụ cấp: 18,85 đồng, thu từ nguồn khác ngoài lương: 3,28 đồng. Tương ứng, năm 1963 là 18,48 và 3,47 đồng, năm 1965 là 18,79 và 2,91 đồng.
Như vậy thu nhập của họ còn thấp hơn giai đoạn 1954-1960 vì có thể do con cái đông lên. Theo cơ cấu thu nhập, họ chủ yếu sống bằng lương và phụ cấp. Họ không có cơ hội kiếm thêm nhiều vì định kiến xã hội lúc đó coi mọi biểu hiện làm thêm hoặc chạy chợ là phục hồi chủ nghĩa tư bản, là cá nhân chủ nghĩa… Lấy trường hợp một công chức bậc trung ở Hà Nội, thu nhập bình quân đầu người/ tháng là 22,18 đồng. Tổng các khoản chi 21,46 đồng (ăn 15,24 đồng, mua sắm 2,67 đồng, chi khác 1,74 đồng) thì tích lũy chỉ có 0,72 đồng/người-tháng, gần như bằng không.
Tiếp tục đi sâu vào phân tích khẩu phần ăn của khối cán bộ, công nhân, viên chức, tài liệu thống kê qua các văn liệu chính thống cho biết như sau (tính theo tháng):
Năm 1961: Lương thực quy ra gạo là 10,20 kg, các thực phẩm chính: thịt: 0,55 kg, cá: 0,54 kg, trứng: 1,70 quả, đường: 0,19 kg, nước chấm: 0,50 lít.
Năm 1963: Lương thực quy ra gạo là 11,39 kg, các thực phẩm chính: thịt: 0,55 kg, cá: 0,70 kg, trứng: 1,28 quả, đường: 0,18 kg, nước chấm: 0,45 lít.
Năm 1965: Lương thực quy ra gạo 11,40 kg, các thực phẩm chính: thịt: 0,54 kg, cá: 0,71 kg, trứng: 1,00 quả, đường: 0,24 kg, nước chấm: 0,50 lít.
Lại một lần nữa ta thấy được mô hình kinh tế của Stalin vận dụng vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đem lại khẩu phần ăn đạm bạc, hầu như không tăng lên, thậm chí có cái suy giảm do nguồn cung cấp từ nông thôn cũng suy giảm theo mô hình hợp tác xã cấp cao.
Ông LVT, sinh năm 1923, viên chức sở tài chính, sống ở phố Bà Triệu – Hà Nội kể lại:
“Gia đình tôi, cả 2 vợ chồng đều đi theo kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc, nên từ năm 1954 đều đã có biên chế nhà nước. Giai đoạn 1954-1960 còn thị trường tự do nên sống dễ thở hơn. Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Nhà nước có khẩu hiệu “thắt lưng buộc bụng xây dựng CNXH”, vật phẩm khan hiểm, lương tăng ít không đủ bù giá, con cái đông thêm nên khá vất vả. Cả nhà 8 miệng ăn (hai vợ chồng, mẹ già và 5 đứa con), lương tôi 85 đồng/tháng, lương vợ 45 đồng/tháng cộng thêm phụ cấp của 2 vợ chồng cỡ 30 đồng/tháng. Tổng thu nhập từ lương là 160 đồng/tháng, bình quân đầu người 20 đồng/tháng. Muốn làm thêm để có thu nhập phải theo tổ chức, nếu để vợ chạy chợ sẽ là việc động trời, tôi không dám. Cơ quan tôi nhận thêm lạc vỏ về cho mọi người bóc, mỗi tháng tôi nhận thêm 1,5-2,0 tạ lạc. Cả nhà, từ già đến trẻ ngồi bóc cũng kiếm thêm được 22-25 đồng/tháng. Vợ tôi liên hệ với bà Q, tổ trưởng đan len ở phố Hàng Gai để nhận len về đan áo xuất khẩu sang Liên Xô, mỗi tháng cũng kiếm thêm được 10 đồng. Hai khoản thu nhập thêm này đủ để đong thêm gạo tự do 0,80 đồng/1kg của người nhà quê có ruộng 5% mang ra bán “chui” cho các bà buôn ở chợ Hàng Bè. Mỗi tháng nhà tôi đong thêm 20 kg gạo hết 16 đồng. Còn lại khoảng 20 đồng làm thêm dùng để mua sách vở cho trẻ con đi học và thỉnh thoảng đi xem phim ở rạp là hết nhẵn.”
Cụ bà THT, sinh năm 1920, ở phố Hàng Thiếc – Hà Nội, thành phần tư sản vì có cổ phần ở nhà máy da Thụy Khuê, khi hợp doanh với Nhà nước, cụ ông thành công nhân kỹ thuật, đã kể lại:
“Vợ chồng tôi thuộc diện tư sản cải tạo, đang làm chủ mà khi hợp doanh biến thành người làm công. Chồng làm việc ở phân xưởng thuộc da, vợ làm nhân viên quèn ở phòng kế hoạch. Tổng thu nhập các khoản của 2 vợ chồng được 174 đồng/tháng, nuôi 9 đứa con và 1 mẹ chồng nên cũng eo hẹp lắm. Lẽ ra vàng, bạc, kim cương đều bị Nhà nước trưng thu từ năm 1959, song tôi còn chôn giấu được vài chục cây, đem ra ăn dè, mỗi tháng bán đi 1-2 chỉ cỡ 55 đồng/chỉ, đủ phụ thêm vào miếng ăn thường nhật. Mẹ chồng tôi hay đi thăm con cháu, dâu rể, tối về thường ngồi nước mắt lưng tròng. Cụ than thở: ‘Ðến chơi nhà nào cũng thấy bữa cơm đầy một rổ rau cải bắp hay rau muống luộc. Ăn thế khác nào độn rau, đến xanh ruột mất thôi. Nhà nào khá hơn thì có thêm vài bữa đậu kho với thịt mỡ mỏng tang, nổi lều bều, nuốt sao được’. Tôi biết ý cụ nhắc khéo mình bớt vài cây vàng chia cho họ, nhưng nghĩ cho cùng miệng ăn núi lở, chẳng bõ bèn gì, tôi lại nhắm mắt làm ngơ.”
Khu vực hợp tác xã thủ công và hộ làm ăn cá thể, rất tiếc, các văn liệu chính thống đều không có các chỉ báo thống kê, nhưng thiết nghĩ, mô hình hợp tác xã thủ công cũng na ná như mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy, ta có thể tham khảo các chỉ báo thống kê ở nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người ở các hộ xã viên hợp tác xã nông nghiệp có sự bất bình thường về cơ cấu. Trong tổng thu nhập của họ thì khoản thu nhập trong hợp tác xã nhỏ hơn thu nhập ngoài hợp tác xã, trong khi 95% ruộng đất và toàn bộ công cụ sản xuất (trâu, bò, cày, bừa…) đều nhập vào tập thể. Phần 5% ruộng đất chia về các hộ chỉ nhằm tạo thêm thu nhập phụ, mà thường là những thửa ruộng đầu thừa đuôi thẹo. Cụ thể:
Năm 1961: Tổng thu nhập bình quân đầu người là 11,50 đồng/tháng, trong đó thu nhập trong hợp tác xã là 4,5 đồng, còn thu nhập ngoài hợp tác xã là 7,0 đồng. *(Mời các bạn đọc phần ghi chú ở cuối bài để so sáng thu nhập thời 1957-1963 của dân Miền Nam và Nam Hàn)
Tương ứng các năm sau cũng như vậy. Năm 1963 là 12,56 đồng – 4,8 đồng – 7,76 đồng/tháng.
Nguyên nhân của sự bất hợp lý trên được ông Nguyễn Văn Cược, 72 tuổi, sống ở thôn Ðình Tổ, xã Ðình Tổ, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh giải thích:
“Thôn Ðình Tổ nằm dọc bờ đê sông Ðuống. Dân số vào năm Tân Sửu (1961) khoảng 2.500 suất đinh. Thôn tôi có 456 mẫu ruộng canh tác, sức kéo có 200 con trâu, bò, thuộc loại giàu của huyện. Năm 1959 lập quy mô hợp tác xã cấp xóm nên có 4 hợp tác xã (xóm Sông, xóm Nghè, xóm Ðình, xóm Chùa). Năm 1960 lập hợp tác xã cấp thôn, sáp nhập 4 hợp tác xã cấp xóm. Cuối năm 1961 lập hợp tác xã cấp cao quy mô toàn xã thì thôn tôi chỉ có 2 đội sản xuất (1 đội xóm Nghè và 1 đội gồm 3 xóm còn lại). Thực tế cho thấy hợp tác xã cấp xóm (1959) là đủ tầm quản lý của ban chủ nhiệm. Lên đến cấp thôn, nhất là cấp xã thì bộ máy quản lý cứ phình to ra, năng suất và sản lượng teo dần. Bản tính nông dân là tư hữu và vụ lợi từ cái rất nhỏ nên thu nhập ở ruộng 5% lại cao hơn ở hợp tác xã (95% ruộng!) là điều dễ hiểu, không hiểu sao các vị lãnh đạo không sớm nhận ra điều tất yếu này. Mặt khác thôn tôi có 456 mẫu thì 280 mẫu đất bãi trồng mía và đay. Các ông cán bộ thu mua lợi dụng chính sách ’thắt lưng buộc bụng’, đặt giá mua thấp như đi ăn cướp về cho nhà máy, hỏi làm sao người nông dân chịu làm việc cho hợp tác xã.” (Nông dân miền Nam hiện nay cũng đang bị tụi cán bộ thu mua làm đúng chính sách này để mua lúa. Được lệnh cấp trên, cứ đầu mùa gặt là cán bộ thu mua lúa gạo đi một vòng tung tin giá lúa thu mua đợt trước vẫn còn trong kho rất nhiều, chưa xuất khẩu bán được, rồi chúng hạ giá lúa, nhưng không mua. 2-3 tuần sau, chúng quay trở lại, mua một ít, và giả vờ như không mặn mà chuyện mua lúa. Người nông dân càng lo hơn vì họ cần phải bán lúa gấp để trả tiền phân bón, tiền dầu mà họ đang mắc nợ các chủ tiệm bán phân, bán dầu, và phải trả tiền lời cao cho các món nợ mua chịu, lấy hàng trước, trả tiền sau. Sau khi kèn cựa thêm 1,2 tuần nữa, cuối cùng, người nông dân đành bán lúa theo giá của tụi thương lái ép giá đưa ra. Bởi vậy, giá gạo trong 10 năm qua chỉ di chuyển trong vòng 200 đô/ 1 tấn – 450 đô/ 1 tấn trong khi các món hàng nhu yếu khác đã tăng gấp 10 lần. Các cán bộ cao cấp thì rất đểu cán, chúng nói: làm lúa lời lắm, lời tới 30% bởi vậy, mức xuất khẩu gạo của VN tăng hàng năm. Bằng chứng là Gạo xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước. Trong những năm qua, mức lúa gạo xuất khẩu tăng từ 2 triệu đến 7 triệu tấn mỗi năm kể từ 2000 (?). Thực tế là vì nông dân làm lúa có lời rất ít, có năm chỉ bán giá huề vốn. Không làm thì đói, nên họ cố tăng vụ, làm 2-3 vụ mỗi năm, mới tạm sống. Nếu làm ruộng có lới tại sao con cái của họ phải bỏ ruộng vườn lên các thành phố lớn để làm công nhân? Lên thành phố làm công nhân cho các hãng xưởng cũng sẽ không thoát tay của đảng và nhà nước. Nơi đây, đảng và nhà nước cấu kết với tư bản ngoại quốc, ép giá lương công nhân xuống thấp dưới 100 đô mỗi tháng. Công nhân nào sống không nổi và kêu gọi đình công tăng lương sẽ có công đoàn (là các cán bộ cộng sản trá hình nằm tại mỗi hãng xưởng) phát hiện, báo cho chú đuổi việc hoặc báo cho công an bắt. Luật sư Lê thị Công Nhân (mãn hạn tù), Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (nguồn)…đã và đang ở tù vì họ đã nhận ra sự ăn chia của nhà nước và các chủ hãng xương ở VN; họ đã nhìn thấy rõ mối liên hệ giữa mức lương thấp của công nhân là do sự cấu kết giữa công đoàn, nhà nước, và chủ hảng nước ngoài. TH)
Tình hình diễn ra ở các hợp tác xã thủ công nghiệp ngoài đô thị cũng giống như những gì ông Cược đã nói. Ta hãy nghe trả lời phỏng vấn của một vài nhân chứng.
Ông NTL sinh năm 1942, cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị, hiện sống ở phường Cống Vị, quận Ba Ðình Hà Nội, có cha là ông NTH, chủ nhiệm hợp tác xã mây tre 1960-1970:
“Hợp tác xã của cha tôi thuộc loại lớn, có khoảng 300 lao động, chuyên sản xuất mành tre mỹ nghệ và bàn ghế bằng mây. Trước năm 1960 nó gồm nhiều tổ sản xuất thủ công độc lập nên quản lý tốt, nguyên liệu sẵn, thu nhập khá. Từ khi lên hợp tác xã cấp cao quản lý cồng kềnh, đặc biệt là khâu thu mua nguyên liệu thất thoát nhiều, đẩy giá đầu vào lên cao. Trong khi đó, đầu ra thời tổ hợp tác rất phong phú thì nay chỉ có một đầu ra độc quyền là Tổng Công ty Tocotap của Nhà nước trên đường Bà Triệu thu mua để đổi hàng cho Liên Xô nên họ định giá mua thấp, nhất là khi nào không ký được hợp đồng xuất khẩu thì họ bỏ mặc cho hợp tác xã tồn kho hàng đống để rồi bị mối mọt xông hoặc bị mốc. Lương của xã viên hồi ấy rất thấp, chỉ khoảng 40-50 đồng/người-tháng. Cha tôi và ban chủ nhiệm khá hơn cũng chỉ 60-65 đồng/tháng.
Tổng thu nhập của gia đình tôi, gồm 3 lao động xã viên (cha, mẹ và chị gái) đạt khoảng 150 đồng/tháng, chia cho 11 miệng ăn là rất thấp. Các gia đình xã viên còn thấp hơn nữa. Ðó là chưa kể có những đợt 3-4 tháng liền không có lương. Ðói thì đầu gối phải bò, xã viên tìm thu nhập thêm; nhà nào có đất rộng thì nuôi gà, lợn; nhà chật thì chạy chợ, thực chất là đi buôn bán tem phiếu hoặc các đồ nhu yếu phẩm do mậu dịch viên tuồn hàng ra ngoài. Thu nhập thêm thường gấp đôi, có khi gấp ba lương hợp tác xã.”
Cụ THB, sinh năm 1917, ở phố Lò Rèn – Hà Nội, xã viên hợp tác xã cơ khí, có trụ sở ở phố Mã Mây:
“Năm 1961, theo chủ trương của Ðảng và Chính phủ, tôi vào hợp tác xã cơ khí, đóng góp hết công cụ sản xuất và nguyên liệu cho tập thể. Hai vợ chồng lao động cật lực, nhưng bộ máy quản lý thì cồng kềnh, nhiêu khê nên năng suất kém lắm. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ cỡ trên dưới 100 đồng/tháng, trong khi lãnh đạo thì suốt ngày tiệc tùng mà lương lại cao hơn người lao động nên chẳng ai muốn làm, bây giờ ta gọi là lãn công. Gia đình tôi có 9 miệng ăn, nghề cơ khí vất vả mà gạo bông của Nhà nước bán cho chỉ đủ ăn khoảng 10-12 ngày. Bí quá, tôi đành mua sắm công cụ để làm thêm ở nhà. Mặt hàng chủ yếu là đinh các loại làm từ dây thép gai cũ của quân đội Pháp còn sót lại, do các bà đồng nát thu gom về, bán lại cho tôi và nhiều hộ xã viên khác. Mặt hàng thứ 2 là các loại thép lá tiết kiệm từ các “đề-xê” do nhà máy thải ra, dùng để gia công thành bản lề cửa các loại. Nơi tiêu thụ là phố Thuốc Bắc chuyên bán đồ kim khí và các sạp hàng ở chợ quanh Hà Nội. Tính ra mỗi ngày vợ chồng con cái làm thêm cũng kiếm được 12-15 đồng. Trung bình mỗi tháng thu nhập ngoài hợp tác xã được 340 đồng, gấp hơn 3 lần lương của 2 vợ chồng. Nhờ khoản thu nhập thêm này, cả nhà ăn đủ no, thỉnh thoảng có thịt làm nem hay bún chả để cải thiện, có tháng tích lũy đuợc 5-10 đồng.”
Ông VTÐ, kỹ sư cơ khí chế tạo máy, sĩ quan thuộc Tổng cục chính trị quân đội, hiện sống ở Tây Hồ – Hà Nội:
“Gia đình tôi năm 1961 có 8 anh em, hơn kém nhau 1 hoặc 2 tuổi, tôi là con cả 17 tuổi, cô em gái út 8 tuổi. Cha tôi làm thợ nhuộm ở hợp tác xã nhuộm tận đường Trần Nhật Duật, cách nhà gần chục cây số. Mẹ tôi làm nhân viên thu mua giấy phế liệu cho Liên hiệp thủ công ngành giấy, thường là vỏ bao xi măng ở các công trường hay giấy vụn ở các cơ sở xén kẻ giấy làm vở học trò. Mẹ tôi thường vắng nhà, còn cha tôi vốn dòng dõi thế gia, phải đi làm thợ nhuộm đã là nỗi khổ tâm lắm rồi, đâu có nghĩ đến việc làm thêm. Thu nhập của 2 cụ mỗi tháng khoảng 100-120 đồng, mỗi tháng chỉ dám bán đi 1 chỉ vàng cỡ khoảng 50-55 đồng để phụ thêm vào bữa ăn cho cả nhà. Bữa cơm nào anh em tôi cũng cạo cháy cành cạch, vét đến hạt cơm cuối cùng. Thức ăn mùa hè là rau muống luộc, đựng đầy 4 đĩa tây (đường kính 20 cm), mùa đông là một nồi cải bắp ninh nhừ với loại khoai tây chạy nước, bé bằng hòn bi ve, không thể gọt vỏ mà chỉ rửa qua cho sạch đất. Thức ăn kiểu ấy thực chất là ăn độn với cơm cho đầy bụng. Họa hoằn lắm, mẹ tôi cho anh em cải thiện bữa bún chả thì cả nhà chỉ có 8 lạng thịt, nhưng đem gạo đổi lấy 10 kg bún (1 kg gạo đổi 2,5 kg bún), giờ nghĩ lại thì bữa cải thiện ấy cũng chỉ là bún chan nước mắm là chính. Nhà đông con, lại đang tuổi ăn tuổi ngủ nên bữa nào tráng trứng thì chỉ có 3 quả, trộn ít bột mì rồi đánh đều lên, láng qua chảo gang cho to và mỏng như chiếc bánh đa, để cắt làm 8 phần đều nhau. Tôi và thằng em thứ 2 lúc đó 15 tuổi, đã biết nghĩ, thường giấu phần của mình dưới đáy bát, rồi lén gắp cho 2 đứa bé nhất vào cuối bữa.”
Mức sống cư dân đô thị chỉ có 80% là được cào bằng như nhau, qua các nhân chứng được phỏng vấn. Thật ra sự phân tầng, phân cực giàu nghèo ở khu vực đô thị vẫn diễn ra âm thầm, đa dạng và rõ nét ngay trong chế độ tem phiếu. Nhìn vào thang lương người gác cổng ở Bộ Công nghiệp so với ông Bộ trưởng, người ta có cảm giác sự đãi ngộ là không có chênh lệch bao nhiêu. Nhưng ngoài chế độ về nhà ở, xe ô tô, phương tiện sinh hoạt và làm việc ra, thì ngay trong miếng ăn thường nhật cũng có sự phân cấp công khai, trên phạm vi toàn xã hội:
Bìa A cho cấp Bộ trưởng trở lên;
Bìa B cho cấp Thứ trưởng và chánh phó chủ tịch tỉnh;
Bìa C cho cấp vụ – viện, chuyên viên cao cấp, kỹ sư bậc 3/7 trở lên;
Bìa D cho cấp cán bộ trung, sơ cấp; Bìa E cho công nhân, viên chức hành chính, sinh viên…
Người ngoài biên chế nhà nước (xã viên hợp tác xã, hộ làm ăn cá thể ở thành thị) chỉ được cấp một số mặt hàng trong bìa mua hàng nhân dân. Ngay trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, một số mặt hàng phân phối ngoài định lượng (tem phiếu), dưới hình thức “căng tin” cũng được phân ra các chế độ ưu tiên khác nhau. Dân gian thời đó có bài vè truyền khẩu về sự phân chia đẳng cấp này: “Hai trăm ngồi phán – Trăm tám ngồi nghe – Tranh nhà, tranh xe là anh trăm rưởi – Tất ta tất tưởi là chị chín mươi – Dở khóc dở cười là anh sáu chục – Tối ngày lục đục là chị bốn lăm – Khóc đứng khóc nằm là anh ba sáu”. (Hai trăm đồng là lương Bộ trưởng, ba sáu đồng là lương tổi thiểu năm 1964). Tréo ngoe còn ở chỗ, chính chế độ tem phiếu đã tạo thành trong xã hội một nhóm người giàu không phải do cấp bậc, học vấn, tay nghề. Họ khá đông đảo, hiện diện ở khắp nơi, làm việc ở những chỗ nắm hàng nhu yếu phẩm và phương tiện vận chuyển hàng hóa. Lớp người này có thể điều khiển cả cán bộ trung cao cấp thông qua vợ con họ. Lớp người này cũng là đầu mối cung cấp cho một thứ thị trường ngầm tự do, còn gọi là “chợ đen”. Quá trình hình thành, vận động và phát triển các chợ đen đã tạo nên một nhóm cư dân đô thị (10-15%) sống no nhàn, thừa tiền nhiều của gồm: nhân viên các cửa hàng bách hóa, lương thực, thực phẩm, chất đốt; cán bộ cấp tem phiếu, phụ trách “căng tin” cơ quan; các lái xe và các thương nhân hoạt động trong chợ đen mà hồi ấy gọi là “con phe”. Bề ngoài các “con phe” bị dư luận xã hội khinh rẻ, lên án, nhưng chính họ lại là tác nhân điều hòa nhu yếu phẩm từ người thừa sang người thiếu, thậm chí từ địa phương này sang địa phương khác. Ðội ngũ “con phe” đã làm hư hỏng một số lớn nhân viên ngành thương nghiệp vốn được khoác cho mỹ từ “người nội trợ của xã hội”. Ðôi khi các “con phe” còn móc ngoặc với vợ con các cán bộ cao cấp để tuồn nhu yếu phẩm từ các cửa hàng đặc biệt (Tôn Ðản, Nhà Thờ, Quốc Tế ở Hà Nội) ra chợ đen.
Trong quá trình điều tra, tiếp xúc với nhiều loại “con phe” thời đó, tôi đã có nhiều tư liệu và đã viết thành truyện vừa Mỹ Linh của tôi. Ðó là nguyên mẫu cuộc đời của nữ tướng cướp Thu trọc hay Thu bít ở ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai, Hà Nội.
Ðoạn trích dưới đây là 100% lời kể của Thu trọc dưới cái tên Mỹ Linh về tuổi thơ của chị ta:
“Thấm thoát đã 10 năm trôi đi. Bố mẹ tôi đã quen dần với cảnh sống đạm bạc. Bố tôi xin dịch tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp cho một cơ quan nghiên cứu, lấy tiền uống cà phê và hút thuốc Bông Lúa hạng bét. Mẹ tôi muốn có tiền nuôi tôi ăn học phải ra chợ Bắc Qua, Ðồng Xuân buôn bán trao tay các loại tem phiếu và nhu yếu phẩm. Hồi đó mẹ tôi bị liệt vào hạng “con phe”, tức thành phần bất hảo. Nghề này khá phức tạp, vốn dĩ hiền lành nên mẹ tôi hay bị chèn ép. Tôi thỉnh thoảng phải ra chợ giúp mẹ nên sớm thành con bé đanh đá, chua ngoa, nhất là lúc tôi bênh vực mẹ, chửi nhau với người khác. Ðiều này bố tôi cấm kỵ, nhưng thương mẹ, tôi vẫn lén lút làm. Vì học ca chiều, sáng tôi dậy từ 3-4 giờ, cắp rổ ra chợ. Quầy thịt, cá, đậu phụ, nước mắm nào cũng có vài hòn gạch của tôi dấm chỗ. Tôi len lỏi giữa đám người hôi hám xếp hàng rồng rắn, chen lấn, chửi bới nhau để mua được thực phẩm. Tính ra mỗi sáng, lúc chợ Ðồng Xuân, khi chợ Hàng Bè, con bé 10 tuổi cũng kiểm được 1 đồng rưỡi đến 2 đồng, hơn cả tiền dịch sách của bố một đêm. Ðó là chưa kể có người không dùng đến phiếu đậu phụ, cá biển hay nước mắm thối, tôi có thể mua hoặc xin lại để mua hàng giá cung cấp, bán giá cao ăn chênh lệch. Thiếu gì những “mẹ mướp” đi chợ mà cá biển đồng tiền tanh lòm hay nước mắm thối vẫn là của quý với họ. Nếu gặp mấy ông bà thợ móc cống có phiếu thịt loại nghề độc hại, mua được cân rưỡi một tháng, đem bán để mua quần áo, sách vở cho con, thậm chí để đánh bạc là tôi hôm ấy trúng to…”.
Trong cuộc điều tra, tôi còn gặp một loại người buôn bán trên lưng các “con phe”, sạch sẽ, nhẹ nhàng, không mất một xu thuế, giàu nhanh đến chóng mặt. [Họ cho tôi tư liệu viết tác phẩm ký “Câu lạc bộ các tỷ phú”, dự cuộc thi do báo Văn nghệ và Hội Nhà văn tổ chức (1996-1997), nhận được giải thưởng.] Loại người này, vào đầu những năm 90, họ sẵn có vốn tích lũy và mánh lới làm ăn nên đều phất lên thành tỷ phú.
Dưới đây trích đoạn sử dụng 100% lời kể của nhân chứng:
“Ở cửa chợ Ðồng Xuân có một chị bán bánh giò, bánh dày, chả quế. Hành trang chỉ có một chiếc thúng đại và dăm cái ghế thấp như ngồi bệt. Ai cũng gọi chị là Vân Tây Thi vì chị đẹp, có duyên, nói lời ngọt như mía lùi. 6 giờ sáng, Vân chỉ cần ngồi vỉa hè cửa chợ, đợi chừng 15 phút sẽ có người chở hàng từ Tôn Ðản đến giao theo lời dặn trước và chiều tối anh ta lại đến chở hàng còn thừa ế về nơi nó xuất phát, để sớm hôm sau lại giao hàng mới, nóng hổi. Chỉ có Vân Tây Thi mới biết rõ các ông lớn bìa A, bìa B có thể sẽ ăn hàng thừa ế của mình. Thời ấy, ai cắn giò chả ngập răng đều là dân phe có máu mặt ngoài chợ. Giò chả ăn vào thì lời ra. Họ tâm sự với Vân độ này hàng gì lên, hàng gì xuống hay bán chậm. Ai hôm đó “trúng quả đậm” muốn mua vài chỉ vàng cất giấu, ai gặp xui xẻo cần bán đều qua tay Vân vì thời đó mua bán vàng là việc quốc cấm. Mỗi ngày Vân kiếm hơn trăm đồng nhẹ như phẩy tay, bằng cả tháng lương ông Vụ trưởng.”
Một khi sự phân hóa giàu-nghèo, sang-hèn nảy sinh từ chế độ tem phiếu, chợ đen thì xã hội cũng có một thứ chuẩn giá trị mới, rất dị mọ. Một cô bán hàng ở cửa hàng thịt có thể dễ lấy đuợc chồng có học vị tiến sĩ hơn cô sinh viên y khoa hay sư phạm. Một anh lái xe chinh phục người đẹp qua bà mẹ thực dụng lại dễ hơn anh giảng viên một trường đại học. Ðó là sự thật hiển nhiên, đã được cô đúc trong bộ phim hài Kén rể do Xưởng phim Hà Nội sản xuất năm 1964. Dẫu sao chế độ tem phiếu vẫn có những mặt ưu việt nhất định, rõ nhất là sự bình ổn giá cả sinh hoạt.
Biểu đồ biến động giá cả sinh hoạt 1961-1965 cho thấy rõ điều này:
Giá sinh hoạt của năm 1961, 1963, 1965 so với năm 1957 là 119,2% – 131,5% và 133,0%; so với năm 1960 là 111,9% – 123,5% và 125,2% . Nó đảm bảo cho những gia đình công nhân viên chức bậc lương thấp nhất có thể tồn tại bằng gạo và nhu yếu phẩm tối thiểu. Nó giúp cho dân cư đô thị ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Ðịnh dù ở khu vực kinh tế tập thể hay lao động tự do, nhưng có hộ khẩu thường trú sẽ có gạo ăn và cái mặc ở mức cầm chừng.
Ðiều không thể phủ nhận, cuốn sổ gạo của mỗi gia đình ở đô thị là cái bảo bối cho nhà hành pháp giữ gìn an ninh, trật tự và hạn chế gia tăng dân số cơ học (vì vậy hồi đó trong dân gian có câu ví von “trông như mất sổ gạo” chỉ người có bộ mặt đau khổ, thiểu não). Các mô hình kinh tế khác khó có thể làm việc này tốt hơn chế độ tem phiếu!…
Giai đoạn 1961-1965 có lẽ là thời kỳ thành công ngoạn mục nhất của miền Bắc về y tế, giáo dục và phúc lợi công cộng. Ðành rằng chính sách “thắt lưng buộc bụng” xây dựng chủ nghĩa xã hội có sự chia đều mức sống nghèo khó trong đại bộ phận dân cư, nhưng nó cũng giúp cho nguồn thu ngân sách tăng nhanh,nhờ đó, chính phủ có điều kiện đầu tư vào giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội nhiều hơn so với giai đoạn 1954-1960.
Trong lĩnh vực y tế, các số liệu thống kê cho thấy rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 1960 chỉ có 65 bệnh viện và 180 bệnh xá, đến năm 1965 có 252 bệnh viện và 350 bệnh xá. Chất lượng phục vụ, độ chuẩn xác của các phác đồ điều trị là rất cao, thuốc men khá đầy đủ. Năm 1960 toàn miền Bắc có 600 bác sĩ, 2.446 y sĩ, 231 dược sĩ cao cấp, 293 dược sĩ trung cấp. Năm 1961 những con số tương ứng là 1.525 – 8.043 – 428 và 703. Nhà nước thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dưới sự chỉ đạo của 2 vị Bộ trưởng cũng là hai trí thức tài năng và tâm huyết (ông Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp), từng bước đi của ngành đều đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, bám sát nhu cầu và hiện trạng của nền kinh tế đất nước. Lấy số liệu thống kê niên học 1955-1956 làm điểm xuất phát để so sánh, ta sẽ thấy rõ sự tăng trưởng có tính đột biến cả về lượng và chất.
Niên học 1955-1956: 716.100 học sinh phổ thông, 2.800 học sinh trung học chuyên nghiệp, 1.200 sinh viên đại học. Số liệu tương ứng của các niên học sau là 1960-1961: 1.794.700 – 30.700 và 16.700; 1964-1965: 2.673.900 – 42.600 và 29.300.
Ðứng ở thời điểm lịch sử 1961-1965 mà xét, thành công trong lĩnh vực y tế – giáo dục đã đưa miền Bắc xếp vào hàng các quốc gia tiên tiến ở khu vực châu Á và ASEAN về lĩnh vực này.
Ðời sống văn hóa nghệ thuật của cư dân đô thị những năm 1961-1965 có bước cải thiện khá rõ rệt. Sách ngoại văn năm 1957 chỉ có 15 cuốn với 39.000 bản, tăng lên 39 cuốn và 210.000 bản (1960); 74 cuốn và 494.000 bản (1965). Ðặc biệt số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật trong 2 năm 1960-1961 đạt con số kỷ lục: 736 đầu sách với hơn 8 triệu bản in. Rất nhiều tác phẩm ưu tú của văn học thế giới đã được dịch ra tiếng Việt, in với số lượng lớn và về mặt dịch thuật đã đạt tới trình độ cao nhất so với bất cứ giai đoạn nào suốt 50 năm qua (1945-1995). Nếu so với sách dịch ở miền Nam, có thể nó không phong phú, đa dạng về các trường phái nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác của văn học thế giới cận – hiện đại, nhưng với 1 tác phẩm cổ điển cụ thể thì sách dịch của miền Bắc đạt trình độ cao hơn. Nhiều cuốn sách dịch đáng làm mẫu mực cho các thế hệ dịch giả sau này. Có thể nêu một số dịch giả nổi tiếng: Phan Ðăng Tài, Ðào Anh Kha, Ðoàn Phú Tứ (tiếng Anh, tiếng Pháp); Ðặng Thai Mai, Trương Chính (tiếng Trung); Vũ Thư Hiên, Cao Xuân Hạo (tiếng Nga). Về thư viện, năm 1957 có 33 thư viện, 208.300 lượt người đọc; năm 1965 có 105 thư viện, 410.800 lượt người đọc. Nghệ thuật điện ảnh khá phát triển, do các nghệ sĩ quay phim, đạo diễn, diễn viên được đào tạo ở nước ngoài về khá đông. Từ năm 1961-1965 đã sản xuất được 13 bộ phim truyện nhựa (đen trắng) và hàng trăm bộ phim tài liệu có giá trị nghệ thuật khá cao. Ở lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, trình độ thẩm mỹ của công chúng đô thị đã phát triển ở mức khá cao, đa dạng. Số lượng khán giả xem kịch nói, ca nhạc tạp kỹ, opera, ba lê và nhạc giao hưởng ngày một đông lên. Hai năm 1961-1962 có lẽ là thời hoàng kim của nghệ thuật opera với các nghệ sĩ nổi tiếng Quý Dương, Trần Hiếu, Quang Hưng, Mỹ Bình, Bích Liên, Bích Thủy… Các bản giao hưởng 4 chương của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Hoàng Việt, Ðỗ Nhuận… đã đánh dấu mốc phát triển huy hoàng của âm nhạc hàn lâm Việt Nam.
Nói đến đời sống văn hóa của cư dân đô thị, có lẽ nên điểm qua “mốt thời trang” của giai đoạn này, vì nó không phản ánh trình độ hay cá tính thẩm mỹ của người dân, mà bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn hóa. Hà Nội, Hải Phòng mất hẳn những tà áo dài của thiếu nữ và các bà nội trợ trên đường phố vào những ngày thường. Áo dài chỉ thấy trong các ngày lễ tết, nhưng cũng ít dần. Trang phục mùa hè ra đường của các bà nội trợ là quần lụa đen, áo cánh trắng khuy bấm, còn của các cô gái là quần lụa đen, áo sơ mi trắng cổ bẻ hoặc áo vải phin hoa cổ lá sen tròn. Mùa đông họ mặc áo bông màu tối, một số mặc áo vét kiểu “cán bộ”, bên trong là áo len màu tím than hoặc màu đỏ. Nam giới đơn giản hơn, mùa hè quần kaki, áo sơ mi trắng, còn mùa đông họ mặc áo bông kiểu Trung Quốc, một số mặc áo đại cán kiểu Tôn Trung Sơn. Nhưng đó là những mốt lịch sự, còn đa số dân, nhất là người trong biên chế nhà nước thường có cách ăn mặc cố ý tuyềnh toàng, vì như vậy mới đúng là “thắt lưng buộc bụng” xây dựng chủ nghĩa xã hội: ra đường thường mặc quần áo cũ hoặc cọc cạch quần mới áo cũ và ngược lại. Cán bộ lãnh đạo trong cơ quan thường nhìn cách ăn mặc của nhân viên để đánh giá lập trường chính trị!
Ông MTT là GS.TSKH, dạy ở một trường đại học ở Hà Nội, sinh năm 1944, quê Hà Tĩnh, theo cha mẹ ra Hà Nội từ nhỏ, kể lại:
“Năm 1962, tôi tốt nghiệp cấp 3 ở Hà Nội, đang chờ giấy gọi vào đại học. Nhóm bạn chúng tôi thảy đều rất mơ mộng, thích phiêu lưu mạo hiểm. Bọn tôi đọc các tiểu thuyết trong bộ Tấn trò đời của Balzac, bàn nhau tìm cách thâm nhập vào tận “hậu cung” các nhà danh giá, nghĩa là cái bếp, để xem họ sống ra sao. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra một phương án tối ưu. Học sinh đi lao động hè để tu dưỡng lập trường cách mạng thì ai nỡ từ chối. Thế là chúng tôi, mấy đứa rủ nhau đi kéo xe bò than quả bàng. Thời ấy, dân Hà Nội chưa có tập quán đun nấu bằng bếp dầu hay bếp điện, mỗi nhà đều dùng lò đun bằng than quả bàng. Ðó là loại than cám 6 ở Quảng Ninh trộn với bùn, rồi đem vào bàn ép có khuôn lỗ hình quả bàng. Nhóm bạn của tôi đã thuyết phục được bác Ðính là tổ trưởng, phụ trách hơn chục chiếc xe kéo chở than quả bàng đựng vào mỗi thùng gỗ thông chừng 20 kg than, để bác cho vào làm. Nơi giao than, chúng tôi chọn các phố Quán Thánh, Phan Ðình Phùng, Bà Triệu… là những phố có nhiều gia đình danh giá ở. Nhóm tôi gồm 3 đứa con trai, một người kéo, 2 người đẩy và một đứa bạn gái chạy lên trước quan sát, hễ thấy bố mẹ hoặc người quen đi ngược chiều thì báo động cho lũ con trai đi trốn. Cứ thế, trong 2 tuần kéo xe và đội than vào tận bếp các nhà danh giá, bọn trẻ chúng tôi phát hiện ra một sự thật: Nhà công chức lưu dung, học giả hay kỹ sư thời Pháp, tuy sống ở những ngôi nhà đẹp, ra đường ăn mặc lịch sự, nhưng về nhà họ mặc áo vá chằng vá đụp, bếp ăn toàn thấy rau với muối, chai nước mắm chẳng nhà nào đầy. Họ cư xử với chúng tôi rất nhã nhặn, chân tình chứ không cau có, chỏng lỏn. Vào đến các nhà cán bộ cỡ kha khá, bọn tôi lại thấy khi ra đường họ ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác nhưng về nhà đóng bộ pijama bằng lụa màu mỡ gà, mâm cơm khá thịnh soạn, thỉnh thoảng còn ăn cơm Tây đổi bữa. Chỉ có điều cách bài trí trong nhà luộm thuộm, kém văn hóa. Thường thì một biệt thự có hai hoặc ba hộ cán bộ nên khu vực sân và công trình phụ rất bẩn, khác với nhà ở của công chức lưu dung, chỗ nào cũng thơm tho, gọn mắt. Sau này, người bạn gái trong nhóm chúng tôi thành nhà thơ khá nổi tiếng, luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện kéo xe than thời xa xưa ấy.”
3. Các sự kiện chính trị ảnh hưởng đến đời sống đô thị
Cuối năm 1960 đầu 1961, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phát động chiến tranh du kích. Ở ngoài Bắc, Nhà nước có chủ trương đưa khoảng 6.000 người đã đi lính cho Pháp (ngụy quân) hay làm ở các cấp chính quyền (ngụy quyền) đang sống ở thành thị đi tập trung lao động cải tạo. Họ đi không có thời hạn và gia đình cũng không được biết địa điểm tập trung cải tạo. Chính sách đặt ra là chỉ tập trung những người có nợ máu với cách mạng, nhưng các cấp chính quyền ở cơ sở lại lợi dụng để đe dọa, chèn ép những người có nhà cửa rộng hoặc có tiền, vàng cất giấu được. Tình hình trở nên căng thẳng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh, không kém gì ở nông thôn thời cải cách ruộng đất.
Cụ VDH, sinh năm 1921, ở phố Hàng Buồm, Hà Nội, là xã viên hợp tác xã nhuộm Hợp Tiến trên đường Trần Nhật Duật:
“Năm 1950, tôi bị bắt lính, nhưng mẹ và vợ tôi chạy tiền lo lót nhiều nên tôi chỉ mất 3 tháng thổi kèn Tây ở vườn hoa Canh Nông cho lính lê dương. Ngôi nhà 2 tầng ở Hàng Buồm là do mẹ tôi mua của người Tàu, rất rộng, cỡ 200 m2, nhưng tầng 1 cấu trúc theo kiểu nhà kho, thông thống từ ngoài vào trong, tầng 2 mới là chỗ ở và nơi thờ tự. Sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), tôi cho một người em họ xa từ chiến khu về, làm phóng viên báo Thời Mới (nay là Hà Nội mới) ở nhờ một nửa tầng 1, phía ngoài. Người ta chuyển chú ấy đi nơi khác, không hỏi ý kiến tôi, giành diện tích 100 m2 này cho hợp tác xã đóng giày sử dụng. Cuối năm 1960, Nhà nước có chính sách cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, tôi không thuộc diện đó, nhưng mấy ông cán bộ tiểu khu Hàng Buồm – Mã Mây vẫn đến đe dọa tôi, sau đó buộc tôi giao nốt nửa tầng 1 phía trong, chia cho 5 hộ là bà con của họ dưới quê lên ở. Vì là cấu trúc nhà kho, nên năm hộ này chỉ ngăn vách bằng gỗ hoặc cót, chừa lại một lối đi lên cầu thang cho gia đình tôi và một lối đi ra khu nhà xí. Thật lòng tôi ái ngại thay cho họ vì nơi họ ở tối như hũ nút, ẩm thấp, hôi hám lắm! Nhưng quỹ nhà ở Hà Nội rất hiếm hoi, người bà con cán bộ ở quê, nhất là vùng Thanh-Nghệ ra rất đông, họ phải chịu thôi. Ðến năm 1962, có đợt tập trung cải tạo thứ 2, chính quyền lại đến đe dọa tôi một lần nữa. Sau đó họ chiếm luôn nửa tầng 2, có giếng trời đẹp nhất để phân cho ông bí thư Ðảng ủy bệnh viện Bạch Mai, là cán bộ miền Nam tập kết đến ở. Cả nhà tôi gần hai chục người, gồm 5 thế hệ phải chui rúc trong không gian chật hẹp còn lại vẫn đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chứ biết kêu ai!”
Cuộc vận động đi khai hoang lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi thuộc Tây Bắc, Việt Bắc, Quảng Ninh diễn ra rầm rộ tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh những năm 1962-1964. Ðối tượng thứ nhất được vận động đi khai hoang là các gia đình có thành phần “bất hảo” về lý lịch. Loại này đi cả gia đình để Nhà nước giãn dân đô thị, thay vào đó là các gia đình họ mạc của cán bộ cách mạng từ các miền quê về, đông nhất là vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Người Hà Nội gốc thời đó bảo nhau rằng, Nhà nước tìm cách nhuộm đỏ các cụm dân cư đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. (Sau này, vào thập kỷ 80-90, các nhà Hà Nội học đặt ra tiêu chuẩn người Hà Nội gốc phải có 3 đời sinh sống ở Thủ đô trước năm 1954 thì khi thống kê chỉ còn 17-21% dân số, còn người Thanh–Nghệ-Tĩnh đến sau 1954 chiếm 40%.) Ðối tượng thứ hai là các thanh niên học sinh được học tập chính trị, khuyến khích viết đơn tình nguyện đi khai hoang ở các nông – lâm trường. Số này có khoảng 1 vạn người, trong đó có 2/3 là những con em gia đình trí thức cũ, bị ám ảnh bởi lý lịch dòng dõi quan lại, địa chủ phong kiến, không có khả năng thi đỗ vào đại học. Họ tình nguyện tham gia phong trào “Thanh niên tháng Tám” đi khai hoang lập nghiệp ở quê hương mới, hy vọng sau vài năm sẽ được tiếp tục theo học lên đại học. Họ ra đi trống dong cờ mở, tiễn đưa náo nức, nhưng khi đến nơi ở mới liền bị phân tán ra các đội sản xuất và bị đối xử như kẻ đi lao động cải tạo. Ai muốn trốn về cũng không được nữa vì không còn tên trong sổ gạo của gia đình. Thân phận của gần 1 vạn con người này được lột tả khá chân thực trong tiểu thuyết Ngoại tình của Nguyễn Mạnh Tuấn (NXB Văn học, 1993).
Một sự kiện khác, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại năm 1963 cũng tác động mạnh đến đời sống tinh thần các tầng lớp cư dân đô thị. Lúc đầu, nó đơn thuần mang màu sắc chính trị, sau lan dần sang địa hạt kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Ở Viện Kinh tế, ông Bùi Công Trừng và một số người khác bị coi là phần tử xét lại. Giới văn nghệ sĩ có một số người bị dính đòn nặng như Hà Minh Tuân với tiểu thuyết Vào đời, nhạc sĩ Hoàng Vân với ca khúc “Tâm tình người thủy thủ”. Có lẽ căng thẳng nhất là giới nghiên cứu ở Viện Triết học và giới báo chí ở tòa soạn báo Quân đội nhân dân.
Ông Trần Thư, sinh năm 1923, hồi đó là thiếu tá, trưởng phòng biên tập báo Quân đội Nhân dân, hiện sống tại khu tập thể văn công Mai Dịch, Hà Nội:
“Lúc ấy, Hoàng Linh là tổng biên tập thay Văn Doãn. Anh gần như trở thành cái bóng thầm lặng. Một lần gặp anh ở hành lang tòa soạn, tôi giữ anh lại và nói với anh một vài suy nghĩ về tình hình. Anh lẳng lặng nghe, mỉm cười buồn rầu, rồi lảng đi không đáp một câu. …
Ít lâu sau, tôi nhận được tin sét đánh ngang tai: anh Hoàng Thế Dũng, phó tổng biên tập cũ của báo Quân Ðội Nhân Dân; anh Phạm Viết, phó tổng biên tập báo Thời Mới; anh Trần Châu biên tập viên báo Nhân Dân; anh Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện Triết học đã bị bắt.”
(Nguồn: Trần Thư – Hồi ký- Chuyện một tên tù nội bộ)
Ông Trần Thư sau đó cũng bị bắt cùng đợt với nhà báo Kiên Giang và 15 người khác. Năm 1970 ông được tha về, nhưng vẫn bị quản thúc ở quê nhà Hưng Yên. Khi tôi gặp và phỏng vấn tại nhà riêng (7/1998), ông trao cuốn hồi ký dày 107 trang giấy đánh máy vi tính khổ A4 và nói: “Vụ việc của tôi với Kiên Giang và 15 anh em khác ngỡ không dính gì đến mô hình kinh tế mà hóa ra có đấy. Hãy thử hình dung, nếu không có chiến tranh, mô hình kinh tế Stalin sẽ rất nhanh bộc lộ các ung nhọt, sưng tấy lên như các năm 1978-1980 sau chiến tranh, thì không biết khủng hoảng kinh tế và mâu thuẫn nội bộ sẽ dẫn đất nước đi đến đâu!”.
Lời ông Trần Thư thay cho câu kết, khép lại một giai đoạn đời sống cư dân đô thị 1961-1965.
III. Giai đoạn 1966-1975: Chiến tranh và hai mặt của mô hình Stalin
1. Chiến tranh san lấp các hố bờ ngăn cách
Ngày 5/8/1954, khi chiếc tuần dương hạm Cơ Ðốc của Mỹ cố tình đụng độ với hải quân Bắc Việt Nam, gây ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” thì trên thực tế, các tầng lớp cư dân đã bắt đầu cuộc sống thời chiến. Tuy nhiên, ở góc nhìn lịch sử kinh tế, ta vẫn có thể xem giai đoạn này bắt đầu từ năm 1966, khi miền Bắc kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và cuộc chiến tranh đất đối không đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố. Lịch sử đã chứng minh người Mỹ đã sai lầm khi áp đặt tư duy của nền kinh tế mở và tiên tiến vào một nước có mô hình kinh tế đóng, lạc hậu, tự cung tự cấp. Vì vậy, mục tiêu của người Mỹ muốn dùng máy bay phá nát hệ thống giao thông, đánh sập các cơ sở kinh tế, quốc phòng của miền Bắc để ngăn chặn chi viện cho Việt cộng ở miền Nam và kích động dân chúng đô thị miền Bắc nổi loạn đã phá sản ngay từ đầu cuộc chiến. Từ góc độ kinh tế, ta có thể lý giải như sau:
Thứ nhất, miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh vẫn là nước nông nghiệp (chiếm hơn 70% GDP), các cơ sở kinh tế về công nghiệp và quốc phòng đều nhỏ, dễ dàng sơ tán vào rừng núi để tiếp tục sản xuất như các công binh xưởng thời chống Pháp mà không ảnh hưởng gì lớn đến năng suất, sản lượng.
Thứ hai, đời sống cư dân miền Bắc, nhất là đô thị, sau tết Tân Sửu (1961) đã bị cào bằng ở mức nghèo khổ tới độ không còn nghèo khổ hơn, nên tác động của chiến tranh là không lớn đối với họ. Người Việt từ bao đời sống trong nền văn minh lúa nước, chịu đựng được mọi điều kiện khắc nghiệt của thiên tai nên rất giỏi chịu đựng và cũng rất giỏi biến hóa trong những hoàn cảnh khó khăn. Người Mỹ đã từng biết đến trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, từng đoàn dân công đi tiếp tế cho bộ đội chỉ bằng đôi vai trần và những chiếc xe đạp thồ. Ngay tại thời điểm người Mỹ ném bom ra miền Bắc, nếu họ chứng kiến hình ảnh những người đàn bà ở bến phà Tân Ðệ (Nam Ðịnh) có thể đội 3 thúng gạo chồng lên nhau, nặng chừng 70 kg mà vẫn vung vẩy đôi tay, đi nhanh thoăn thoắt, thì họ phải hiểu rằng bom đạn phá hủy mạng lưới giao thông sẽ không ngăn nổi miền Bắc chi viện cho Việt cộng ở miền Nam.
Thứ ba, mô hình kinh tế Stalin ở miền Bắc, như đã chứng minh trong phần 2, chứa đựng những ung nhọt kìm hãm sức sản xuất của nền kinh tế, nhưng nó lại có mặt tích cực trong quản lý an ninh, trật tự xã hội đô thị và dễ dàng huy động nhân tài vật lực cho chiến tranh. Người Mỹ chủ động đưa chiến tranh lan ra miền Bắc đã vô tình thúc đẩy mặt tích cực của mô hình kinh tế này phát huy đến mức tuyệt vời.
Cuối cùng, điều đặc biệt quan trọng mà người Mỹ không tính đến là họ không thể biện minh cho hành động đem máy bay bắn phá, dội hàng triệu tấn bom đạn lên miền Bắc, trước cộng đồng quốc tế và nhân dân Mỹ. Người Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử, có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oanh liệt từ hàng nghìn năm. Bất cứ đảng phái hay tổ chức chính trị nào biết khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc này đều có sức mạnh diệu kỳ, bất khả chiến bại. Người Mỹ gây cuộc chiến tranh đất đối không ở miền Bắc đã làm tác nhân tự nguyện, giúp chính phủ miền Bắc san lấp mọi hố bờ ngăn cách trong nội bộ lãnh đạo và toàn cộng đồng dân cư vừa nhen nhóm, âm ỉ bùng phát quanh việc triển khai mô hình kinh tế Stalin đã nêu ở cuối phần II. Dưới đây là một vài dẫn chứng:
Lá thư của ông Trần Hữu Nghĩa, làm việc ở nông trường Sao Vàng, gửi con trai đang tại ngũ, bị một đơn vị quân đội Mỹ (Recon – Co. 7th ARVNIV Corpo) lấy được 20/6/1967. Ông Nghĩa vốn là một trí thức ở Hà Nội chịu nhiều ấm ức khi phải đưa gia đình đi khai hoang, lập nghiệp ở miền núi:
“Trừng, con yêu quý của cậu!
Chiều hôm nay, 26/3/1967, cậu nhận được thư con viết hôm 15/2/1966 cho cậu và anh Hai, trong lúc con sắp ra sông Bến Hải. Gian khổ lắm, con ạ, cậu vẫn biết trước rồi. Có câu ‘lửa thử vàng, gian nan thử sức’, đường dài mới biết sức ngựa. Cao quý hay thấp hèn là ở chỗ ấy, con ạ! Cậu thương con, cũng vì quyết tâm đi B của con và cũng vì Tổ quốc mà cha con ta, tình cảm của con và anh Hai phải tạm chia cắt.
… Ngày 16/1/1967 Hai đã về nước, lại viết một lá thư nữa, nhờ Ban thống nhất trung ương chuyển hộ, con đã nhận được chưa? Hai có xin đi B, nhưng nghề của Hai có thích ứng với yêu cầu của tiền tuyến không? Không rõ. Có thể Hai sang Bộ Quốc phòng, kể cả đi B, còn sang Ðại học Ttổng hợp Hà Nội chỉ là phụ, trên còn đang nghiên cứu…”
(Hai là con trai ông Nghĩa, anh ruột liệt sĩ Trừng. Vậy là ông Nghĩa sẵn lòng dứt ruột để hai đứa con trai đều tình nguyện đi B – VNT chú giải).
Ông ÐVX, sinh năm 1932, một nông dân ở xã Cao Mại, huyện Kiến Xương, Thái Bình:
“Ở xã tôi, người giáo (Thiên chúa giáo) có mối thâm thù với người lương trong kháng chiến vì họ cho rằng du kích đã giết cha At Khang và mấy trăm giáo dân trong kháng chiến 9 năm chống Pháp. Nhưng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, người dân hai bên lương và giáo đều có chung nỗi mong ngóng, chờ đợi con cái đi B, nhiều đứa cùng đơn vị nên cha mẹ ở nhà đều đọc thư chung của những đứa con. Lâu dần, oán thù cởi nới, họ trở nên thân thiết với nhau, cùng làm việc trong hợp tác xã, cùng chia sẻ mọi nỗi niềm.”
Ông NDL, sinh năm 1947, cán bộ ngành thủy sản, hiện sống ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Ðình, Hà Nội:
“Quê tôi ở Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh, là nơi đất mới quai đê lấn biển nên nghèo lắm. Mẹ tôi không chịu vào hợp tác xã, buôn bán thêm ngoài chợ huyện nên gia đình có chút của ăn, của để. Chính quyền xã và Ban chủ nhiệm hợp tác luôn nhòm ngó, ganh ghét, trù dập, phê vào lý lịch mấy anh em tôi như là con em của phần tử phản cách mạng. Cha tôi bị bạo bệnh chết từ năm 1952 mà họ phê mập mờ vào lý lịch là mất tích, không rõ theo địch hay theo ta. Tôi và ông anh cả đều học giỏi nhưng chúng tôi bảo nhau, lý lịch xấu thì đi thi đại học làm gì cho phí công, đi bộ đội phấn đấu tốt, ra khỏi làng, chẳng đứa nào chặn đường tiến thân của mình nữa. Anh tôi hy sinh ở chiến trường Khe Sanh năm 1968. Ðến lượt tôi vào bộ đội phấn đấu tốt, là em liệt sĩ, lại có văn hóa cao nên được cử đi học kỹ thuật tên lửa ở Nga. Trước ngày giải phóng miền Nam (1975), tôi là thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tên lửa ở đất thép Vĩnh Linh. Giải ngũ, tôi được chuyển sang ngành thủy sản, được đi Nga lần thứ 2 để học về quản lý.”
2. Khái quát về thu nhập quốc dân miền Bắc trong chiến tranh
Nhiều học giả phương Tây tỏ ý nghi ngờ và phủ nhận các chỉ báo thống kê kinh tế của miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1966-1975. Họ sẵn có định kiến với mô hình kinh tế Stalin đã làm Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, nhưng lại quên rằng, chính mô hình đó đã góp phần giúp Liên Xô đánh thắng phát xít Ðức trong thế chiến thứ 2. Bằng những phân tích ở phần II, ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để yên tâm sử dụng các số liệu thống kê ở miền Bắc trong thời chiến. Cho dù nó có đôi chút sai lệch do chủ nghĩa thành tích, dẫn đến gian dối ở cấp cơ sở, song về cơ bản nó vẫn cho ta một bức tranh thu nhập quốc dân khá hoàn chỉnh và có thể tin được (Niên giám thống kê nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1975).
Mức tăng thu nhập quốc dân (GDP) trong chiến tranh: So với GDP năm 1961: Năm 1965 là 130%, năm 1968 là 109%, năm 1971 là 133% và năm 1974 là 167%. So với GDP năm 1965: Năm 1968 là 84%, năm 1971 là 103% và năm 1974 là 129%.
Mức tăng thu nhập bình quân đầu người (GNP) trong chiến tranh: So với năm 1961: năm 1965 là 116%, năm 1968 là 92%, năm 1971 là 103%, năm 1972 là 97% và năm 1974 là 120%. So với năm 1965: Năm 1968 là 76%, năm 1971 là 90%, năm 1972 là 84% và năm 1974 là 103%.
Như vậy, ngay cả năm 1968 là thời điểm chiến tranh ác liệt nhất thì GDP giảm 16% so với năm 1965, nhưng vẫn tăng 9% so với năm 1961. Về mặt đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người năm 1968 giảm 24% so với năm 1965, nhưng nó vẫn xấp xỉ năm 1961 (92%) và đến năm 1974 đã tăng 3% so với năm 1965.
Ðây có thể nói là thành công tuyệt vời trong lịch sử các cuộc chiến tranh hiện đại. Một vài nhà Việt Nam học trên thế giới có phần võ đoán cho rằng người Trung Quốc đã nuôi sống dân Bắc Việt Nam trong chiến tranh. Thật ra, ở thời điểm trước khi bước vào cuộc chiến (1965), do chính sách “thắt lưng buộc bụng”, người dân miền Bắc, nhất là khu vực đô thị đã bị bần cùng hóa tới mức không thể nghèo khổ hơn được nữa. Do vậy, nền kinh tế trong suốt cuộc chiến tranh vẫn đủ nuôi sống các tầng lớp dân cư ở mức nghèo khổ như trước chiến tranh cũng là dễ hiểu.
Viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và Ðông Âu cả về vũ khí và lương thực đều dồn cho chiến trường miền Nam. Một phần rất nhỏ viện trợ của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế mang tính phục vụ dân sinh, chủ yếu nhằm cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên trong biên chế và cư dân đô thị.
Ðể thấy rõ hơn, ta có thể phân tích cơ cấu sử dụng GDP trước và trong chiến tranh.
Giai đoạn 1961-1965, cơ cấu sử dụng GDP chủ yếu là quỹ tiêu dùng: 75,1%-77,4% (trong quỹ tiêu dùng đó 87,74% cho tiêu dùng cá nhân của dân cư, 4,1% dùng cho y tế-giáo dục- văn hóa, 8,16% dùng cho hành chính và an ninh quốc phòng). Phần tích lũy trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, dù Chính phủ đã rất cố gắng, nhưng vẫn rất ít (24,7-25,1%) và nằm trong tài sản cố định (nhà máy, đường xá, công trình thủy nông…), không có tích lũy ngoại tệ, chỉ có rất ít tích lũy về nguyên liệu sản xuất. Bước vào chiến tranh, nền kinh tế nhỏ bé và khép kín này vẫn sử dụng GDP vào tiêu dùng từ 72,7% (1967) đến 83,5% (1973). Cái hay và độc đáo của mô hình kinh tế tập trung, bao cấp là ở chỗ dù trong hoàn cảnh chiến tranh, Nhà nước vẫn có thể tích lũy dưới dạng tài sản cố định 19,2% (1968) đến 24,0% (1974), cá biệt năm 1972 chỉ có 3,5% vì chịu thiên tai lũ lụt lớn năm 1971 và cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ (12/1972).
Những chỉ báo thống kê vừa nêu cho phép ta có bức tranh tổng thể về kinh tế thời chiến, trước khi đi vào điều tra, mô tả đời sống cư dân đô thị.
3. Mức sống và chất lượng sống qua số liệu thống kê
Nhìn chung, bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt, cái mô hình “bãi cỏ xén bằng” được tiếp tục kiện toàn, phát huy tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực trong đời sống cư dân đô thị. Trước hết, ta xét qua các chỉ báo thống kê về thu nhập của khối cán bộ công nhân viên trong biên chế.
Thu nhập đầu người/tháng bằng tiền: năm 1966 là 22,15 đồng, 1968 – 22,90 đồng, 1970 – 23,51 đồng, 1972 – 23,35 đồng và 1974 – 26,67 đồng.
Có sự khác biệt nếu tính thu nhập đầu người/tháng theo giá cả (giá gạo) so với năm 1959: năm 1966 là 15,5 đồng, 1968 – 14,6 đồng, 1970 – 15,6 đồng, 1972 – 15,7 đồng và 1974 – 16,3 đồng.
Như vậy, trong hoàn cảnh thời chiến, hàng hóa khan hiếm, giá cả sinh hoạt tăng lên, đồng tiền mất giá (24%-31%), Nhà nước đã liên tục tăng lương cho khối cán bộ công nhân viên bằng việc lạm phát tiền. Cách làm này có tác động ổn định đời sống cho khối cán bộ công nhân viên trong biên chế nhà nước, đẩy khó khăn về mức sống sang khối xã viên nông nghiệp ở nông thôn và xã viên thủ công nghiệp, hộ làm ăn cá thể ở đô thị. Ðây là ưu thế tuyệt đối của mô hình kinh tế Stalin trong chiến tranh mà không một mô hình kinh tế nào khác có thể làm được tốt hơn. Thế mạnh của mô hình Stalin còn ở chỗ mức độ tăng giá cả trên thị trường cũng không quá lớn so với các đô thị miền Nam ở giai đoạn này (thường là vài chục phần trăm/năm), nhưng ở miền Bắc:
Chỉ số giá so với 1959: Năm 1966 là 142%, 1968 là 156,4%, 1971 là 145,83% và 1974 là 163,96%.
Chỉ số giá so với 1965: Năm 1966 là 107,5%, 1968 là 116,97%, 1971 là 109,08% và 1974 là 122,64%.
Xét về cơ cấu thu nhập, người trong biên chế do điều kiện chiến tranh sơ tán về nông thôn không có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập. Họ chỉ có thể trồng rau và chăn nuôi thêm để cải thiện bữa ăn, song không đáng kể, chủ yếu dựa vào lương và tiêu chuẩn cấp phát. Ðối với cán bộ xã viên thủ công nghiệp, vì không có số liệu thống kê nên tạm sử dụng số liệu thống kê cho các hộ xã viên ở nông thôn để tham khảo. Nếu trước chiến tranh (1961-1965), cơ cấu thu nhập của họ là thu nhập trong hợp tác xã 40,39%, còn ngoài hợp tác xã là 59,61%, thì các giai đoạn sau con số tương ứng sẽ là: 1966-1970 là 34,53% và 65,47%, 1971-1975 là 35,48% và 64,52%. Tình hình cơ cấu thu nhập của xã viên hợp tác xã thủ công ngoài đô thị cũng na ná như vậy. Họ phải bươn bả kiếm sống ngoài hợp tác xã là chính. Phương thức kiếm sống vẫn giống như đã điều tra, phỏng vấn ở giai đoạn 1961-1965. Chỉ có điều thời gian đầu tư vào việc kiếm thêm và cường độ lao động của họ cao hơn gấp 2-3 lần trước chiến tranh mới đủ sống.
Nghiên cứu các số liệu thống kê, ta còn thấy các mặt y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật đã được phát triển và chuyển hướng để phục vụ đời sống tinh thần dân cư đô thị thời chiến khá ấn tượng và hiệu quả.
Về y tế, mạng lưới bệnh viện, bệnh xá phát triển rất nhanh, phân tán về các vùng có người đô thị về sơ tán. Năm 1965 cả miền Bắc có 252 bệnh viện và 390 bệnh xá. Ðến năm 1967 tăng lên 434 bệnh viện, 390 bệnh xá. Năm 1974 có 441 bệnh viện, 518 bệnh xá.
Trong 3 năm chiến tranh ác liệt nhất (1967-1969) số lượng các cơ quan, xí nghiệp và dân cư đô thị sơ tán về nông thôn, rừng núi rất đông nên số trạm y tế – hộ sinh cấp xã tăng lên 6.000 trạm. Số lượng thầy thuốc năm 1966 có 1.998 bác sĩ, 8.806 y sĩ, 40.461 y tá và 15.983 nữ hộ sinh. Các con số tương ứng của những năm sau: 1968 có 2.838 – 12.056 – 46.779 – 15.713; năm 1970 có 3.806 – 18.087 – 48.077 – 12.190; năm 1972 có 4.989 – 20.102 – 45.499 – 11.266 và năm 1974 có 5.513 – 21.035 – 43.499 – 9.552. Cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh trung học chuyên nghiệp được khám chữa bệnh miễn phí, ngoài ra còn được bồi dưỡng bằng tiền hoặc đường, sữa. Các bà mẹ khi sinh con được trợ cấp tiền và được cấp từ 4-8 hộp sữa/tháng. Các xã viên hợp tác xã và người lao động tự do nếu phải cấp cứu do tai nạn chiến tranh cũng được chữa chạy miễn phí toàn bộ.
Về giáo dục – đào tạo, trong chiến tranh, các trường phổ thông và đại học, trung học chuyên nghiệp phải sơ tán từ thành thị về nông thôn đã tạo nên sự giao thoa về giáo dục giữa hai cộng đồng dân cư nông thôn – thành thị, làm cho chất lượng giữa 2 vùng không có chênh lệch đáng kể. Nó cũng góp phần kích thích nông dân cho con đi học để đạt mơ ước “thoát ly” thành người trong biên chế mà họ ấp ủ từ trước chiến tranh (1961-1965). Số liệu thống kê các cấp học giai đoạn này như sau:
Niên học 1966-1967 có 3.325.800 học sinh phổ thông, 101.90 học sinh trung học chuyên nghiệp, 48.400 sinh viên đại học. Các số liệu tương ứng những niên khóa sau:
Niên học 1968-1969 có 4.100.000 – 138.400 – 71.400
Niên học 1970-1971 có 4.568.700 – 85.800 – 69.900
Niên học 1972-1973 có 4.680.500 – 57.600 – 53.800
Niên học 1974-1975 có 5.151.300 – 69.800 – 55.500.
Qua các số liệu trên, ta thấy đã bắt đầu có dấu hiệu bất hợp lý về cơ cấu đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp (một phần do chế độ cử tuyển (không thi) trong một số năm). Ðây là một sai lầm trong chiến lược đào tạo so với giai đoạn 1961-1965 và nó còn tiếp tục sang các niên khóa sau chiến tranh như GS Tạ Quang Bửu đã cảnh báo.
Từ niên học 1965-1966, Nhà nước ồ ạt cử người đi học ở Liên Xô, Trung Quốc, Ðông Âu. Những người này gửi về nước nhiều loại hàng hóa tiêu dùng (xe đạp, xe máy, radio, quạt điện, vải, len, dạ…) cũng góp phần nào cải thiện mức sống cho cư dân đô thị.
Về văn hóa – nghệ thuật, số đầu sách văn học có ít đi, nhưng lượng in tăng mạnh. Năm 1965 có 303 đầu sách với 1.372.000 bản in; năm 1973 có 114 đầu sách với 1.813.000 bản in. Ngành điện ảnh trong chiến tranh đặc biệt phát triển loại phim tài liệu, và phim truyện ngoại nhập chủ yếu là về đề tài chiến tranh. Các đội chiếu bóng lưu động phát triển rất nhanh vể số lượng và xuất chiếu. Suốt thời gian chiến tranh, mỗi năm có 70-100 triệu lượt người xem phim trên dân số 20 triệu, là con số mơ ước của bất cứ nhà kinh doanh điện ảnh nào trên thế giới. Âm nhạc phát triển song hành cả 2 thể loại ca khúc cách mạng và âm nhạc hàn lâm. Ðáng trân trọng là các bản giao hưởng của Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Thương, Cao Việt Bách…
4. Bức tranh đời sống đô thị qua điều tra, phỏng vấn
Có thể nói đây là thời kỳ nông thôn hóa thành thị do yếu tố chiến tranh. Tiêu chí khác biệt giữa nông thôn với thành thị rõ nhất là điện, nước, y phục và tiện nghi sinh hoạt. Tất cả đã được người thành thị và các khu công nghiệp chủ động nông nghiệp hóa. Người đi sơ tán hay ở lại thành phố đều ăn mặc một loại quần áo sẫm màu (đen, nâu, xanh rêu, xanh lá cây). Áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam chỉ dùng cho các nhân viên khách sạn hoặc cửa hàng giao tế, thậm chí có nhiều đám cưới cô dâu cũng không mặc áo dài. Mùa hè, mốt độc đáo của những cô gái Hà Nội, Hải Phòng xinh đẹp, có nước da trắng, cổ cao ba ngấn là loại áo cánh nâu hoặc áo bà ba đen (Nam Bộ) may bằng vải lanh hoặc phin nõn đã nhuộm. Mùa đông, những cô gái này thường mặc áo kiểu nữ quân nhân có hai túi, thắt ở eo lưng, bên trong mặc áo mút hoặc len cổ lọ màu đen, đỏ hoặc màu lòng trứng. Nam giới ở thành phố diện nhất vào mùa hè là quần simili Tiệp màu ghi đá, màu lá cây, còn sơ mi là pôpơlin Tiệp hoặc Trung Quốc, cũng màu ghi đá, màu xanh lá cây. Vào mùa đông, trang phục phổ biến là áo bông xanh Trung Quốc, áo đại cán may theo kiểu Tôn Trung Sơn bằng vải kaki hoặc bông dạ Mông Cổ. Chỉ trong đám cưới mới thấy xuất hiện vài bộ complet, nhưng cũng là loại hàng len màu sẫm. Tóm lại trang phục của người thành phố không có gì khác lắm so với người có trình độ văn hóa hoặc có vị thế ở nông thôn.
Do bị đánh phá ác liệt nên điện và nước sinh hoạt trở nên thiếu, chỉ tập trung ưu tiên cho sản xuất. Người dân trong thành phố luôn phải dự phòng đèn dầu để dùng những lúc bị cắt điện. Trong số đồ dùng thiết yếu trong mỗi gia đình ở thành phố lúc này không thể thiếu những vật như: bao vải để đi đong gạo, can đựng dầu, thông phong, bấc đèn, bấc bếp dầu, can nhựa mua nước mắm, dấm v.v… Nước máy không đủ công suất và áp lực, nhiều nhà phải đào một hố ở vỉa hè, hạ thấp ống nước để hứng nước máy, hoặc đào giếng ngay trong khu phố trung tâm. Năm 1972 đã có hiện tượng dân đào giếng gặp khí độc C02, mêtan bị chết ở phố Hàng Bồ (khu Hoàn Kiếm). Các máy nước công cộng thường đông nghịt những người xếp hàng chờ lấy nước. Nhiều hộ dân, các thành viên trong gia đình đi sơ tán mỗi người một nơi nên cửa luôn khóa và mặt cửa đầy những dòng chữ viết bằng phấn để nhắn tin cho nhau mua dầu, gạo, thực phẩm hoặc chỉ số điện đã tiêu thụ… Ðịnh suất lương thực cho mỗi người vẫn được Nhà nước cung cấp đủ, nhưng gạo để dành tập trung cho bộ đội ngoài mặt trận nên dân phải ăn độn như ở nông thôn. Thông thường tỷ lệ độn là 60% gạo và 40% bột mì, sắn, ngô. Ðể giải quyết việc chế biến chất độn, đã xuất hiện một đội ngũ các hộ tư nhân làm mỳ sợi, làm bánh qui gai xốp hoặc đổi bột mỳ lấy gạo với tỷ lệ chỉ còn một nửa. Lại một lần nữa ta thấy kinh tế thị trường vẫn tồn tại, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách của nhân dân. Từ năm 1969, Nhà nước bán mỳ sợi cho nhân dân ăn độn thì các cơ sở làm bánh qui gai xốp thu hẹp sản xuất theo thời vụ chỉ để phục vụ Tết, cưới hỏi hoặc liên hoan. Lúc này trên thị trường “chợ đen” lại xuất hiện nghề buôn bán nguyên liệu làm bánh qui gai như bột mỳ, đường, sữa, trứng gà…
Ngành thương nghiệp được mệnh danh là “người nội trợ” của toàn xã hội, ngoài việc phân phối cho toàn bộ khối cư dân thành thị cái ăn, cái mặc, chất đốt… theo định lượng tem phiếu, còn phải lo cung cấp cả những mặt hàng thiết yếu trong những ngày lễ, tết, cưới hỏi, ma chay… Người ta chia ra các loại bìa mua hàng: hộ độc thân, hộ bốn người và hộ trên bốn người… Ngày Quốc Khánh (2/9) hàng năm mỗi bìa mua hàng được mua bánh kẹo, thuốc lá Tam Ðảo, chè gói Ba Ðình. Ngày tết Trung thu mỗi bìa được mua bánh dẻo, bánh nướng. Ngày tết Nguyên Ðán thường mỗi bìa được mua một túi hàng tết gồm: bóng, miến, mỳ chính, hạt tiêu, chè Ba Ðình, thuốc lá Ðiện Biên, rượu chanh hoặc cam và một hộp mứt, vài gói kẹo… Người kết hôn được mua một chiếc giường đôi giá 80 đồng loại tốt hoặc 60 đồng loại thường, một chiếc màn đôi 5, 6 đồng và một ít thuốc lá, bánh kẹo dùng trong hôn lễ. Người chết, có giấy báo tử sẽ được mua một chiếc quan tài bằng gỗ giá 50 đồng. Các bà mẹ sinh con, nếu mất sữa toàn phần được mua 8 hộp sữa/tháng, còn nếu mất sữa một nửa được mua 4 hộp sữa/tháng…
Chủ nghĩa bình quân thời chiến thực chất là chia đều sự nghèo khổ, vất vả trong đại bộ phận dân cư. Có lẽ vì thế đã nảy sinh trong tâm lý ứng xử của người dân thành thị một sự suy bì, nhòm ngó từng bữa ăn của người khác.
Bà ÐTH ở phố Mã Mây kể:
“Ngôi nhà của tôi có 8 hộ cùng ở, 5 hộ tầng dưới, 3 hồ tầng trên. Gia đình tôi ở tầng trên đun nấu bằng bếp dầu, nhưng ngại nhất là cái sàn gỗ ọp ẹp. Hễ băm chặt thức ăn gì là kinh động các hộ bên dưới. Tôi làm nghề “phe phẩy” ở phố Ngõ Gạch cũng kiếm được. Mỗi lần đi chợ về có con cá hay miếng thịt mua chui là phải dấu tít tận đáy làn, phủ mớ rau muống lên trên để các hộ khác không nhìn thấy. Nếu bữa nào mổ con gà, con vịt thì đến khổ… Lúc ăn không dám dùng dao chặt mà phải cắt từng miếng bằng kéo…”
Ông N.S kể lại:
“Vợ chồng tôi sống tập thể cơ quan trong dãy nhà cấp 4 ở Thanh Xuân. Tôi đi Tây về bán cái xe máy, đài Rigonda được ít tiền nên chủ nhật thường hay cải thiện. Nói chung mỗi lần như vậy, sáng thứ hai đi làm việc như thấy mình là đứa vừa ăn vụng bị bắt quả tang. Mọi người nhìn tôi nhấm nháy, còn sau lưng thì họ kháo nhau rành mạch hôm trước tôi ăn gì. Có lẽ vì thế mà năm ấy đại hội Ðảng bộ cơ quan, tôi ít phiếu nhất vì ‘không hòa mình với quần chúng.’”
Về “mốt” ăn uống, sinh hoạt thời đó có thể điểm qua vài hiện tượng:
Quán trà
Trước chiến tranh, ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã lác đác có vài quán trà ở cửa chợ, nhà ga, bến xe hoặc ngã tư lớn. Quán trà lúc đó chủ yếu phục vụ dân kéo xe ba gác, đạp xích lô hoặc khách đi tàu xe. Bắt đầu từ năm 1966 quán trà mở ra la liệt khắp mọi nơi và hình thức sinh hoạt quán trà đã trở thành mốt của cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên.
Khắp các đường phố Hà Nội, đi đâu cũng gặp quán trà, thường tập trung đông nhất ở cửa cơ quan, xí nghiệp và bến xe điện, bến ô tô, ga tàu hỏa. Ở các vùng nông thôn, hễ đâu có cơ quan, xí nghiệp, trường học sơ tán về là ở đó mọc lên nhan nhản các quán trà. Hình thức quán trà rất đơn sơ, chỉ là túp lều lợp giấy dầu nếu ở thành phố; lợp rơm nếu ở nơi sơ tán. Ðồ nghề trong quán vẻn vẹn một bếp dầu, 2 hoặc 3 cái phích Trung Quốc, 2 chiếc ấm sành loại 1 lít ủ trong cái thùng gỗ lèn chặt đủ loại giẻ rách hoặc rơm. Hàng hóa trong quán gồm mấy lọ kẹo (kẹo vừng hoặc kẹo bột 5 xu/1cái, kẹo lạc hoặc kẹo vừng thanh, kẹo nhồi 2 hào/1cái), 1 hộp thuốc lá (Tam Ðảo: 1 hào hai điếu, Ðiện Biên: 1 hào rưỡi đôi, Trường Sơn: 1 hào 3 điếu, thuốc lá cuốn: 1 hào 5 điếu). Nước trà bán theo chén, giá 5 xu một chén. Nhiều quán bán thêm rượu “quốc lủi” tức rượu của tư nhân nấu lậu, giá 2 hào/1 chén, có thể nhắm với lạc rang đong bằng chén con (50ml) với giá 1 hào. Ở một số quán còn bán thêm quà sáng như bánh chưng 2 hào/1chiếc, bánh giò 1 hào/1 chiếc. Tất cả bày trên chiếc bàn gỗ thấp chừng 60 cm và mấy chiếc ghế băng thấp khoảng 25-30 cm. Khách vào quán thường không phải vì nhu cầu giải khát. Cán bộ, học sinh, sinh viên đi sơ tán xa nhà rủ nhau đến quán chuyện phiếm. Những người ở lại thành phố, thị xã rủ nhau ra quán tâm sự và bàn chuyện công tác, chuyện vặt vãnh xảy ra trong cơ quan, chuyện chiến sự trong nước và thời sự quốc tế. Vì vậy không thiếu một thứ tin tức gì từ nội bộ cơ quan đến việc quốc gia đại sự được lan truyền từ quán trà. Khái niệm “thông tấn xã quán trà” hình thành từ thực tế này. Thống kê của ngành an ninh năm 1971 cho biết Hà Nội có 7.000 quán trà loại này (theo lời cụ NVK cán bộ về hưu, nguyên là chuyên viên phòng tổng hợp Sở Công an Hà Nội).
Ðối tượng kinh doanh quán nước lúc đầu là những người cao niên (ngoài 50 tuổi). Qua vài năm thấy nghề này kiếm được nên có nhiều phụ nữ trẻ đã bỏ việc cơ quan hoặc hợp tác xã thủ công nghiệp về mở quán trà kiếm sống, thậm chí làm giàu từ những quán trà lụp xụp.
Bà NTT nguyên là công nhân cơ khí nhà máy Trần Hưng Ðạo, bỏ việc về bán quán trà kể:
“Lúc đầu tôi mở quán ở chợ Ðuổi (cuối đường Bà Triệu), sau khi tôi sơ tán với các con về chợ Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) quán cũng khá đắt hàng, lại chẳng thuế má gì. Kẹo, bánh có người làm sẵn mang đến giao cho tôi, chuyến sau lấy tiền chuyến trước.
Thuốc lá thì có hai nguồn: Thứ nhất, các cán bộ, công nhân, bộ đội được phân phối căng tin nhưng không dùng đem bán lại. Thứ hai, nhân viên cửa hàng bách hóa tuồn hàng ra ngoài kiếm lời. Chè là thứ nhà nước cấm bán trên thị trường, ưu tiên cho xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chè. Dọc các tuyến đường ô tô, tàu hỏa từ Phú Thọ, Yên Bái hay Bắc Thái về Hà Nội, Nhà nước kiểm soát rất kỹ, ai mang quá 0,2 kg chè là bị thu giữ. Tuy nhiên, các lái xe, cán bộ đi công tác, sinh viên đi sơ tán ai cũng tìm cách mang về trót lọt vài kg, có khi cả yến để kiếm lời.
Tôi nghiệm thấy cái gì là nhu yếu phẩm cần thiết của dân mà Nhà nước cấm đoán thì chênh lệch giữa giá Nhà nước và giá thị trường tự do càng cao, càng khuyến khích cán bộ, nhân dân đi buôn lậu. Chè ngon ở Ðại Từ, Núi Pháo giá 5 đồng/1kg, lái xe hoặc sinh viên mua về bán cho chúng tôi 10 đồng/1kg. Ðến lượt chúng tôi bán cân, bán lạng là 15 đồng/1 kg, còn xé lẻ ra từng gói đủ pha 1 ấm là 5 hào/1gói (20 đồng/1kg).
Tính ra từ năm 1967-1974 tôi bán quán trà tuyềnh toàng là thế mà mỗi ngày lãi 12-15 đồng, hàng tháng trung bình cũng thu được 400 đồng, đủ nuôi 5 đứa con và để dành hàng chỉ vàng mỗi tháng (vàng trên dưới 100 đồng 1 chỉ lúc này). Mặt hàng lãi nhất là thuốc lá, sau đến chè gói từng ấm, từng lạng. Chè chén bán giá 5 xu/1 chén thường là hòa vốn.”
Bia vại – Cà phê chui:
Ðây là hai hình thức sinh hoạt rất phổ biến trong cộng đồng dân cư đô thị.
Bia hơi còn gọi là “bia vại” vì nó được đong vào loại cốc lớn có hình vại nước, dung tích 0,5 lít, giá bán 1 hào 5 xu/1 cốc. Trước chiến tranh nó chưa là nhu cầu phổ biến của người tiêu dùng đô thị. Nhiều người uống bia lúc đó chưa quen còn phải pha với si-rô ga. Trong quán bia mậu dịch thường có bình C02 và bình si-rô cam màu đỏ đi kèm. Giá một cốc si-rô ga là 2 hào. Người bán bia thường hay hỏi khách có pha si-rô không, nếu khách đồng ý thì họ rót vào cốc bia 10ml nước si-rô cam đặc và tính gộp tiền là 2 hào 5 xu/1 cốc bia pha si-rô. Hồi đó khách uống bia hơi chỉ là trí thức, văn nghệ sĩ hoặc số ít người đã từng đi Ðông Âu về nước quen với bia Tiệp, bia Ðức.
Chiến tranh làm cho hệ thống quản lý các mặt hàng tiêu dùng theo tem phiếu cấp phát có nhiều lỗ hổng rò rỉ ra thị trường tự do. Xã hội nảy sinh một đội ngũ đông đảo các loại “con phe” giàu có, đặc biệt là giới phe xe đạp, xe máy. Ngoài ra, nhiều người trong đội ngũ lái xe chở hàng hóa, vật tư của Nhà nước đã đánh cắp hàng nên cũng nhiều tiền và có nhu cầu hưởng thụ. Những đối tượng trên trở thành khách hàng thường xuyên của quán bia. Công suất nhà máy bia không đủ đáp ứng nhu cầu nên ở các quán bia có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ồn ã. Quán bia càng lộn xộn khi xuất hiện một số người làm thuê “phe bia”.
Hồi ấy mới xuất bản cuốn hồi ký Bất khuất của ông Nguyễn Ðức Thuận, cựu tù nhân Côn Ðảo, có viết về chuồng cọp ở nhà tù Côn Ðảo. Dân “bia vại” ở các quán liền lấy “chuồng cọp” đặt cho các quán bia như “chuồng cọp Cổ Tân”, “chuồng cọp Phùng Hưng”… Lý do đơn giản vì ở các quán bia này, Nhà nước làm một hệ thống hàng rào kiên cố để ngăn ngừa hiện tượng chen ngang, xô đẩy nhau. Giá bia Nhà nước vẫn giữ giá 1 hào 5 xu/1 cốc nhưng giá ngoài lên tới 3 hào, có khi 5 hào. Người có tiền uống bia ngoài đương nhiên là “dân phe” xe máy hoặc lái xe ăn cắp hàng Nhà nước.
“Cà phê chui” là hình thức có phần tương phản với “bia vại” ở hai điểm: Thứ nhất, không khí trong các quán cà phê tư nhân thường rất tĩnh lặng và ở nơi khuất vắng. Thứ hai, đối tượng đến uống cà phê thường là các nhân sĩ nghèo, công chức lưu dung thất thế, các văn nghệ sĩ gặp nhau đàm đạo về nhân tình thế thái… Hồi ấy các cửa hàng ăn uống Nhà nước đều có bán cà phê nhưng pha không ngon, khách đến xô bồ đủ loại – cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên và cả một số người đạp xích lô hay chữa xe đạp. Quán cà phê tư nhân gọi là cà phê chui vì Nhà nước cấm bán hoặc nếu có ai được ưu tiên mở quán cũng phải tế nhị chọn nơi khuất vắng. Tính ra Hà Nội có khoảng hơn chục quán cà phê chui loại này, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất có ba quán với ba đối tượng khác nhau:
Cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân có thâm niên bán quán nhiều năm. Ðây là nơi hội tụ của nhiều họa sĩ tài danh như Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… Theo đó có lớp họa sĩ đàn em cũng rủ nhau tìm đến quán cà phê Lâm để có cơ hội chiêm ngưỡng những danh họa bậc thầy. Có lẽ nhờ vậy mà ông chủ quán cà phê Lâm đã có cơ hội trở thành nhà sưu tập tranh nổi tiếng Hà Nội. Thời đó, những bậc tài danh trong làng họa thường rất nghèo. Những lúc túng thiếu họ vay tiền rồi gán nợ cho chủ quán bằng tranh!…
Cà phê Tuyên ở gác hai số nhà 28 Trần Hưng Ðạo. Muốn uống cà phê khách phải qua một sân gạch đầy rêu mốc rồi leo lên cầu thang rất hẹp và trơn. Ông chủ quán là chiến sĩ hoạt động nội thành thời chống Pháp nên được ưu tiên. Khách đến quán của ông Tuyên thường là những nhà sử học, triết học, nhà văn, nhạc sĩ và các nhân sĩ cao niên thời Pháp không di cư, ở lại với cách mạng. Ðến đầu năm 1970 không hiểu vì lý do gì khách quen của quán cà phê Tuyên lại rủ nhau tụ tập ở quán cà phê Mậu ở đường Ðiện Biên Phủ.
Cà phê Lý Hảo ở góc cắt nhau giữa ngõ Phất Lộc và đường Nguyễn Hữu Huân. Quán này có đặc điểm mặt tiền cửa hàng ở phố đóng kín, khách muốn uống cà phê phải đi vòng qua cổng sau ở ngõ Phất Lộc, qua một cái sân luôn ướt và trơn vì là nơi giặt giũ của cả 20 hộ trong căn nhà lớn ấy. Ðối tượng khách chủ yếu là công chức lưu dung, các nhà tư sản, các nghệ sĩ cải lương và các võ sĩ, ngôi sao điền kinh. Chủ nhân của quán là hai vợ chồng Hoa kiều làm nghệ sĩ biểu diễn lướt ván ở hồ Hoàn Kiếm từ thời Pháp. Hai cô con gái họ Lý này cũng là nghệ sĩ lướt ván.
Ðặc sản bụi
Vào thời ấy, ở Hà Nội, Nhà nước chỉ đặt các restaurant trong khách sạn dành cho người nước ngoài như Thống Nhất, Dân Chủ, Hòa Bình, Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn một vài nhà hàng cao cấp như Mỹ Kinh ở Hàng Buồm, Bodega ở phố Tràng Tiền, Phú Gia ở phố Lê Thái Tổ…
Các cửa hiệu đặc sản của người Hoa mở nhiều ở mấy phố Tạ Hiền, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giày, Lương Văn Can (Hà Nội), Cầu Ðất, Phan Bội Châu (Hải Phòng). Gọi là “đặc sản bụi” vì những tiện nghi về phòng ốc, bát đĩa, bàn ghế rất sơ sài, thậm chí có quán tối tăm và thường rất chật hẹp, không hơn gì mấy quán cơm bụi bây giờ. Ở đây bán các món ăn Tàu như chim quay, thỏ, gà, dê, ngỗng, ba ba, ếch… Có những tháng ở quán đặc sản này có bán cả thịt thú rừng. Chất lượng món ăn cao nhưng giá cả không đắt: một con chim quay với sa-lát, nước sốt giá 2,00 đồng; thỏ quay, thỏ sốt vang 1,5 đồng/1 đĩa; ếch tẩm bột 2 đồng/1 đĩa; tái dê hoặc dê nướng, dê hầm thuốc bắc 1,5 đồng/1 đĩa. Nói chung những đĩa thức ăn lớn, cầu kỳ cũng không quá 5 đồng/1 đĩa. Có một điều đáng lưu ý là khách ra vào các quán này đều cảnh giác xem chừng công an theo dõi. Ðiều đó dễ hiểu vì không phải ai cũng sẵn tiền từ 15-20 đồng vào ăn.
Trong các loại mốt sinh hoạt thời đó ở thành phố, thị xã cần kể đến mốt xếp hàng mua báo. Thời đó, có 3 tờ nhật báo Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội Mới (báo Thủ Ðô). Báo cách ngày chỉ có 1 tờ Lao Ðộng. Tuần báo (báo chính trị-xã hội) có 7 tờ là Văn Nghệ, Phụ Nữ Việt Nam, Tiền Phong, Ðại Ðoàn Kết, Ðộc Lập, Cứu Quốc và Người Công Giáo Việt Nam. Giá báo ngày hoặc cách ngày là 5 xu/1 tờ, giá tuần báo là 1 hào đến 2 hào/1 tờ. Tuy nhiên mỗi số báo đều có lượng phát hành lớn hàng chục vạn bản.
Khách nước ngoài đến Hà Nội thời đó thường hay chụp ảnh những dòng người xếp hàng mua báo rất dài. Họ xem đó là biểu hiện của một dân tộc có nền học vấn và văn hóa cao. Ðiều này phải xem xét từ hai mặt: Thứ nhất, cuộc chiến tranh đã thu hút hàng triệu thanh niên ra mặt trận ở ba loại (bộ đội, thanh niên xung phong và các cán bộ chuyên môn y tế, giáo dục, cầu đường…). Hầu như gia đình nào cũng có thân nhân ngoài mặt trận nên họ khao khát xem tin chiến sự, đặc biệt là những số báo tổng kết chiến dịch mùa khô và những bài viết của Trường Sơn, Cửu Long (các cây bút chính luận nổi tiếng thời đó).
Thứ hai, giá báo Nhân Dân 5 xu/1 tờ là giá báo có bù lỗ của Nhà nước. 20 tờ báo trị giá 1 đồng nặng 1kg, trong khi giấy gói bán cho các bà đồng nát là 1,2 đồng/1 kg. Người ta mua báo xem tin tức chiến sự và sau đó bán cho đồng nát vẫn lãi.
Phương tiện đi lại đối với cư dân đô thị trong thời chiến là nỗi vất vả lớn nhất. Xe trong nội thành có hai loại: Xe buýt công cộng, thường rất đông, lèn người như nêm cối, điển hình là tuyến Bờ Hồ – Hà Ðông và tuyến Yên Phụ – Hà Ðông;
Xe điện có 4 tuyến: Bưởi – Chợ Mơ, Yên Phụ – Ngã Tư Vọng, Bờ Hồ – Hà Ðông và Bờ Hồ – Cầu Giấy, giá vé 5 xu hoặc 1 hào nhưng rất chậm do phải chờ tránh nhau hoặc bị mất điện. Có khi từ Bờ Hồ lên Bưởi dài 6 km mà đi tàu điện mất 2-3 tiếng. Cán bộ công nhân viên đi làm chủ yếu bằng phương tiện xe đạp nhưng có đến nửa số gia đình hai vợ chồng chung một chiếc xe, đưa đón nhau rất vất vả. Khi cơ quan sơ tán, những gia đình chia ra, vợ, chồng, con cái, ông bà mỗi người một nơi do hoàn cảnh công tác và học tập. Lúc này phương tiện ô tô chạy đường dài và tàu hỏa Nhà nước vốn đã quá ít, càng thêm quá tải.
Tình hình đi lại của cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên trên các tuyến đường liên tỉnh đặc biệt căng thẳng vào các năm 1969-1971. Tết năm Kỷ Dậu (1969) ở Hà Nội xảy ra vụ “Xô Viết nhà ga” vì những người quê Nghệ Tĩnh phá cửa sắt ga Hà Nội tràn vào đường ray khiến tàu không đi được, một số nhân viên nhà ga bị thương. Nguyên nhân vụ này là do lượng khách quá đông, tàu không thể đáp ứng.
Sau khi Giôn-sơn (Lyndon B. Johnson, tổng thống Hoa Kỳ từ 11/963 đến 1/1969) tuyên bố ngừng bắn từ vĩ tuyến 19 trở ra, những người có quê ở Nghệ Tĩnh nóng lòng muốn về thăm quê xem mức độ tàn phá đến đâu và người thân ai còn ai mất. Họ tạm được sống yên ổn nhưng cha mẹ, họ hàng, bạn bè vẫn đang trong tầm bom đạn giặc ném xuống bất cứ lúc nào. Hơn nữa họ cũng muốn mang một ít quà tết ở Thủ đô về cho người thân trong dịp năm mới.
Giá vé tàu Hà Nội – Vinh chỉ có hơn 3 đồng một chỗ ngồi, nhưng dân “phe vé” bán đắt lên tới 10-15 đồng vẫn không có mà mua. Người ta chen lấn, xô đẩy ở cửa ga, kết quả người không có vé thì lách được vào, kẻ chịu mua vé giá cao lại đang ở ngoài, dẫn đến sự phẫn nộ, đập phá. Tình hình ở bến xe ô tô Kim Liên cũng xảy ra tương tự đối với khách đi tuyến Hà Nội – Thái Bình (theo hồ sơ lưu trữ của ngành giao thông công chính thành phố Hà Nội năm 1969-1970). Tình hình trật tự ở ga Hà Nội và bến xe Kim Liên vào dịp Quốc Khánh (2/9) và Tết âm lịch những năm 1973 và 1974 cũng phức tạp không kém năm 1969.
Vấn đề nhà ở của cư dân thành phố, thị xã, khu công nghiệp trong thời gian chiến tranh có thể chia làm hai thời kỳ: từ năm 1966-1969 do các cơ quan, trường học và các hộ dân phải đi sơ tán về nông thôn nên chỗ ở không còn là nhu cầu bức thiết nữa.
Sau khi Mỹ hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 19 thì vào mùa xuân Canh Tuất (1970), các cơ quan và hộ dân bắt đầu chuyển dần về thành phố, thị xã. Mặt khác, tình hình dân số cũng tăng cả hai dạng sinh học và cơ học. Sự tăng dân số cơ học chủ yếu do nguyên nhân các cán bộ, công nhân, sĩ quan quân đội quê ở phía Nam vĩ tuyến 19 tìm cách đưa gia đình, họ hàng của mình ra khỏi tọa độ lửa và an toàn nhất là về sống, làm việc trong cơ quan Nhà nước ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhà ở do Nhà nước quản lý vốn đã ít, lại bị chiến tranh tàn phá, nên lúc này sức ép tăng dân số đã trở nên gay cấn. Tâm lý người cán bộ trong biên chế Nhà nước, đặc biệt là những người có chức quyền hoặc học hàm, học vị dù đã có chỗ ở với bố mẹ vẫn muốn được ở nhà lắp ghép do Nhà nước phân. Ðiều này dễ hiểu vì trong cơ chế quản lý thời đó, được ở nhà tầng là biểu hiện trước mọi người về vị thế xã hội của mình. Mặt khác, được phân căn hộ là có thêm một tài sản đáng giá, khi cần có thể “hỏa hồng” cho người khác được một số tiền không nhỏ – tuy hiện tượng này thời đó chưa phổ biến.
Với tất cả những lý do vừa nêu, cho dù là từ năm 1970 Nhà nước cố gắng xây thêm một số khu nhà cao tầng ở Kim Liên, Láng, Nguyễn Công Trứ… ở Hà Nội thì cũng chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu nhà ở ngày một tăng.
Vụ án về một phụ nữ ở quận Lê Chân – Hải Phòng phục ở cửa, chặn đón đường ông phó giám đốc Sở nhà đất trước giờ đi làm để nhét cả gói phân vào mồm ông ta là một điển hình. Các báo lớn năm 1971 tường thuật về phiên tòa xử vụ này đã làm xôn xao dư luận. Người đàn bà khai trước tòa: Căn hộ của bà vốn ở từ trước năm 1954, không có tranh chấp gì; từ năm 1965 gia đình bà đi sơ tán, đến năm 1970 quay về thì căn hộ đã bị ông phó giám đốc Sở nhà phân cho người quen, gia đình bà phải ở trong góc tăm tối gần nhà vệ sinh; đơn từ, thưa kiện nhiều lần không được giải quyết nên bà ta nghĩ mình chịu ngửi phân nhiều rồi nay để ông ấy ngửi một lần trước bàn dân thiên hạ. Tòa xử bà 18 tháng án treo vì tội xúc phạm danh dự và thân thể công dân nhưng bù lại bà được trả lại nhà như cũ.
Vụ thứ hai xảy ra ở khu nhà ký túc xá của học sinh trường Trung cao cơ điện trên đường Nguyễn Trãi, quận Ðống Ða (nay là quận Thanh Xuân). Khi trường này đi sơ tán về thì toàn bộ 6 khối nhà 5 tầng nằm bên phía tay phải cổng trường bị cán bộ công nhân khối nhà máy cao – xà – lá chiếm làm nơi ở. Nhà nước đành phải đề ra phương án: phần còn lại của trường Trung cao cơ điện giao cho trường Ðại học Tổng hợp quản lý, còn trường Trung cao cơ điện phải chuyển toàn bộ lên Thái Nguyên.
Năm 1974 xảy ra vụ tranh chấp giữa giáo viên, học sinh trường Kế toán – Tài chính trung ương với Bệnh viện E…
Nhìn chung tình hình chỗ ở của các thành phố khác như Việt Trì hoặc khu mỏ Quảng Ninh trong thời gian này khá căng thẳng. Tuy nhiên căng thẳng nhất vẫn là Hà Nội.
Kỹ sư LVH quê ở Thanh Hóa, làm việc tại một cơ quan thuộc Bộ công nghiệp nặng sống ở Thanh Xuân kể:
“Tôi lấy vợ năm 1965. Ðến năm 1972 vợ tôi sinh cháu gái thứ hai thì bị băng huyết. Hai vợ chồng được phân một buồng xép ở chiếu nghỉ cầu thang nhà tầng rộng 9m2 đủ kê một cái giường và bộ bàn ghế con vừa uống nước vừa làm việc. Mọi thứ sinh hoạt khác đều ở dưới sàn nhà bé tí teo. Bố vợ tôi thương con gái lặn lội từ Thanh Hóa mang gà, gạo nếp ra thăm. Thấy con trai tôi quấn quýt với ông ngoại nên đêm ấy tôi bố trí cho con ngủ với ông dưới đất còn mình với vợ và đứa bé mới sinh ngủ trên giường. Sáng sớm tôi giật mình thấy ông cụ bỏ ra ga về quê không nói một lời nào. Từ đó tôi mang tiếng với làng mạc, họ hàng khinh bố vợ nhà quê cho ngủ dưới đất còn mình nằm giường. Ðến chết tôi cũng không quên nỗi nhục này.”
Nhà văn Tô Ngọc Hiến xuất thân là thợ mỏ ở Quảng Ninh kể lại một giai thoại thợ mỏ Ðèo Nai mang màu sắc tiếu lâm cười ra nước mắt:
“Ở khu tập thể công nhân mỏ Ðèo Nai mỗi gia đình được chia nửa gian nhà cấp 4 rộng chừng 12m2. Nhà nào đông con thường gặp điều bất tiện trong sinh hoạt vợ chồng vì nghề nghiệp nảy sinh sự éo le. Có nhà chồng làm ca đêm, còn vợ làm ca hành chính. Suốt một tuần vợ chồng chỉ giáp mặt nhau vào bữa cơm chiều, muốn “sinh hoạt” một lúc lại vướng ba đứa con mà nhà thì quá chật. Ðến cuối tuần anh chồng không chịu được nghĩ cách sai con đi làm một số việc. Hai đứa lớn anh sai đi ra phố mỏ vì thiếu gì việc cho chúng chạy chừng 15 phút. Riêng đứa con nhỏ mới 5 tuổi thì anh bí quá vì không dám sai đi ra phố sợ xe cộ cán phải thì nguy, mà trên vùng mỏ vốn nhiều xe đi lại rầm rập. Cuối cùng anh nghĩ ra cách sai đứa con 5 tuổi ra đầu ngõ mua nước mắm nhưng không đựng bằng bát mà đựng bằng… đĩa. Miệng đĩa thì rộng, lòng đĩa thì nông nên đứa bé phải đi rón rén đủ 15 phút…”
5. Phân hóa giàu nghèo trong cư dân đô thị
Phân hóa trong sinh viên, trí thức Trong số gần 8 vạn học sinh chuyên nghiệp, sinh viên đại học thời chiến tranh, có khoảng hơn 6.000 người được du học ở Liên Xô và Ðông Âu. So với những sinh viên ở trong nước rất đói khổ vì phải đi sơ tán, số người này có đời sống tương đối tốt trong 4 hoặc 5 năm học. Khi về nước họ có hai lợi thế so với người học trong nước: Một là trình độ ngoại ngữ hơn hẳn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Hai là vì có chút hàng hóa mang về, tuy không nhiều nhưng so với mức sống chung là cả một gia tài lớn thời đó, họ dễ dùng tiền xin việc làm ở thành phố, kiếm được căn hộ lắp ghép. Lấy học sinh đi du học tại Liên Xô (năm 1970-1975) làm ví dụ: “Lương sinh viên 90 rúp/tháng, nghiên cứu sinh 120 rúp/tháng. Các khoản ăn, uống và sinh hoạt phải chi khoảng 50-60 rúp/tháng, còn dư ra khoảng 30-60 rúp/tháng.
Tính ra sau mỗi năm học, họ dành dụm được khoảng 400-500 rúp. Tiểu chuẩn cho phép sinh viên 2 năm về phép một lần, thì khi về họ có khoảng 1.000 rúp. Nếu căn cứ vào giá hàng hóa của Nga thời đó sẽ thấy sinh viên Việt Nam đi học Liên Xô chẳng mua được gì mấy trong lần nghỉ phép. Giá một số mặt hàng mà người Việt Nam hồi đó ưa chuộng như sau: Máy ảnh Kiev (180 rúp), bàn là (7 rúp), máy khâu Minsk (35 rúp), xe đạp Sport (40 rúp), radio-quay đĩa Rigonda (120 rúp), xe máy Java (200 rúp)… Tổng cộng sau 5-6 năm học ở Liên Xô (một lần về phép) sinh viên đi học có thể mua về nước được: 1 xe máy, 1 xe đạp, 1 máy ảnh, 2-3 quạt điện, vài chiếc bàn là, 1 đài rađiô quay đĩa, một máy khâu và một số đồ nhôm, bàn ghế gấp… Ai chịu khó không đi phép giữa kỳ hoặc tham gia lao động ở nông trường vào dịp hè có thể mua được nhiều hàng hơn. Ai mua nhiều sách kỹ thuật, văn học hoặc thích đi nhà hát sẽ gần hết tiền để dành, vì một vé xem opera, ba-lê giá 15-20 rúp. Học sinh, sinh viên đi học ở Ðông Ðức lương 600 mác/tháng, giá hàng hóa rẻ hơn ở Nga nên thường giàu hơn một chút. Học sinh đi học ở Ðức về thường có xe Diamant hoặc Mifa, xe máy Simson hoặc Star, máy ảnh Praktica… (Nguồn: Ngoại thương Việt Nam 1976-1996, phần 11, của tác giả ÐP, Viện Kinh tế học, 5/1999).
Sự phân hóa trong nhóm cán bộ công nhân biên chế Nhà nước khá sâu sắc, mặc dù nó được che đậy bởi vỏ bọc bình đẳng tới mức lương Bộ trưởng chỉ gấp 5 lần lương công nhân quét rác. Trước chiến tranh, sự phân hóa mức sống chỉ thể hiện qua chế độ tem phiếu và sự ưu đãi cung cấp về nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt… theo bậc lương, chức vụ. Bắt đầu từ năm 1967, các biểu hiện trên vẫn còn, nhưng xuất hiện nhiều dạng thức phân hóa khá mạnh mẽ và có nhiều bất hợp lý, trái với quy luật kinh tế.
Khổ nhất trong nhóm này là công nhân xí nghiệp, nhân viên hành chính, giáo viên có bậc lương thấp từ 36 đồng, 45 đồng đến 63 đồng. Người công nhân từ lúc mới vào nghề lương 36 đồng/tháng đến lúc hưởng lương bậc 2/7 là 58 đồng/tháng, được hưởng tem phiếu hạng bét, nếu có con đi học sẽ luôn trong tình trạng thiếu tiền, có lúc phải bán phiếu vải, phiếu thịt đi lấy tiền chi tiêu trong gia đình. Người giáo viên hoặc nhân viên hành chính lương 45-63 đồng có tem phiếu bìa E, bìa D ở mức cung cấp thực phẩm quá ít, lại phải chịu tiêu chuẩn 13 kg/tháng, thường là đói ăn và thiếu đạm nghiêm trọng.
Thầy giáo NQV, sinh năm 1936, hiện nghỉ hưu tại khu tập thể Trung Tự kể:
“Hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, gạo 13kg/tháng, lương vợ 56, lương chồng 70, cộng với phụ cấp khu vực 12% và thâm niên (chồng 6%, vợ3%), tất cả nhà trông vào 147 đồng và mấy bìa phiếu nên đói lắm. Ba đứa con đi học, quần áo, giấy bút không đủ. Nhiều bữa vợ chồng thay nhau ra xếp hàng mua “mì không người lái” (loại mì chỉ nấu với nước, muối, mắm không có thịt) 1,5 hào/bát, mỗi lần một người xếp hàng mua được 2 bát, nên 5 lần xếp hàng mới mua được đủ 10 bát cho cả nhà 5 người ăn thay cơm vì hết gạo.”
Ðối với người công nhân viên chức, giáo viên lương thấp, niềm hi vọng có khoản thu nhập thêm là những đợt cơ quan bán hàng căng tin. Người nghiện thuốc lá, mỗi xuất nam giới mua 2 bao thuốc Tam Ðảo, 3 bao Trường Sơn cũng phải đem bán, mua thuốc cuốn hút, lấy tiền chênh lệch phụ thêm vào bữa ăn.
Ông QTT công nhân cơ khí Nhà máy Bóng đèn phích nước kể:
“Thuốc lá tiêu chuẩn được mua 2 bao Tam Ðảo và 3 bao Trường Sơn. Tam Ðảo giá 4 hào/1 bao, bán cho hàng nước được 7-8 hào/1 bao; còn Trường Sơn giá 2,5 hào/1 bao, bán được 4 hào/1 bao, tổng cộng một suất lãi được 1,05-1,25 đồng. Tôi mua nửa lạng thuốc lá cuốn giá 7 hào vẫn thừa ra 3,5-5,5 hào cho con mua vở, mực, ngòi bút… Giấy cuốn thuốc lá thì dùng giấy lịch, giấy đánh máy hỏng của văn thư nhà máy hoặc thậm chí giấy báo…”
Mỗi đợt cơ quan phân phối phụ tùng xe đạp là cả một cuộc cọ xát, bình xét ồn ào. Ðối với người lương thấp, 1 xích líp xe đạp của Trung Quốc mua 4 đồng/chiếc bán được 10 đồng/chiếc, lãi 6 đồng; 1 săm Sao Vàng 5 đồng/chiếc bán được 8-9 đồng/chiếc… Tất cả đều là thu nhập thêm bù đắp vào sinh hoạt vốn rất thiếu thốn. Hiện tượng này được mô tả khá sinh động trong tiểu thuyết Ðám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, với hình tượng nhân vật Tự.
Những người có mức sống no đủ, sung sướng thời chiến tranh, gồm hai loại.
Thứ nhất là những người nắm quyền lực hoặc có lương cao. Số người này thực ra không nhiều và xét cho cùng họ xứng đáng được hưởng. Họ được hưởng tem phiếu từ bìa C1, C2 đến A, B. Họ được Nhà nước cấp nhà rộng, phương tiện đi lại, một số tiện nghi sinh hoạt… và có tiêu chuẩn chữa bệnh ở bệnh viện riêng (Bệnh viện Việt Xô, nay là Bệnh viện Hữu Nghị), bệnh nặng có thể được ra nước ngoài chữa bằng kinh phí Nhà nước đài thọ.
Thứ hai là những người giàu có bằng việc “kinh doanh chức nghiệp”, tuồn hàng ra thị trường tự do, ăn cắp, hối lộ… Loại này chức vụ và bậc lương không cao, chủ yếu là những người nắm nguồn hàng, tiền, phương tiện vận chuyển… của Nhà nước. Họ là cán bộ cấp tem phiếu, cán bộ tuyển sinh đi học nước ngoài và học đại học, trung học chuyên nghiệp trong nước thuộc các sở, ty cấp tỉnh đến Trung ương. Một số lượng đông đảo hơn là nhân viên các cửa hàng bách hóa, thực phẩm, lương thực, lái xe ở tất cả các cấp từ huyện lỵ, tỉnh lỵ đến thành phố Hà Nội, Hải Phòng…
Như đã trình bày ở các phần trên, việc phân chia ra nhiều chế độ đãi ngộ trong cán bộ công nhân viên chức xét về năng lực, sự cống hiến và địa vị xã hội là xứng đáng, không có gì đáng phê phán nặng nề như nhiều nhà nghiên cứu đã thổi phồng lên. Cái đáng phê phán là hình thức phân biệt đãi ngộ lẽ ra chỉ nên quy vào tiền lương một cách rạch ròi, sòng phẳng, thì người ta lại đẻ ra đủ loại tem phiếu phức tạp, tạo kẽ hở cho một số người làm giàu bất chính quá dễ, quá nhanh.
Trước hết nói về loại người giữ và duyệt cấp tem phiếu. Hệ thống này nằm từ cấp huyện, tỉnh, thành lên đến Bộ Nội thương. Vì nó là tiền, lại không phải là tiền, nên sinh ra cấp khống, cấp ẩu và thậm chí tuồn ra thị trường từng tập tem phiếu, mà nếu có bị tố giác thì mức độ tội phạm không nặng như ăn cắp tiền.
Trong thời kỳ này (1974) dư luận xôn xao bởi vụ án Nguyễn Trí Tuyển, Phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội đã cấp khống một lượng lớn tem phiếu, nếu qui đổi giá trị ra tiền có thể xây được nhà máy Trung qui mô (Nhà máy cơ khí Hà Nội). Nhưng ông ta và các cộng sự chỉ thu được 1/10 giá trị quy đổi đó, còn kẻ được lợi nhiều nhất là gian thương “phe tem phiếu” (theo lời kể của luật sư V tham gia phiên tòa, hiện về hưu, sống ở Hà Nội).
Tem gạo là một thứ dễ làm giả, nên ngoài lượng phát khống rò rỉ từ ngành thương nghiệp, trong xã hội xuất hiện bọn tội phạm làm tem gạo giả, loại từ 250 gam đến 5 kg. Năm 1971 tại Viện Ðịa chất và khoáng sản (Thanh Xuân- Hà Nội) có một kỹ sư phạm tội làm tem gạo giả bằng in lưới và chịu ra tòa nhận án phạt 2 năm tù giam. Một loại nữa là phiếu sữa dùng cho sản phụ bị mất sữa, rất khó quản lý. Nhân viên phòng thương nghiệp chỉ cần móc ngoặc với bác sĩ bệnh viện cấp giấy chứng sinh giả và xác nhận mất sữa cho người giả mạo là trót lọt. Hiện tượng này đã gặp ở bệnh viện Hải Phòng, Nam Ðịnh, Việt Trì, Hòn Gai…
Hình thức làm giàu đơn giản nhất, dễ nhất là tuồn hàng nhà nước ra thị trường tự do mà các lỗ rò rỉ là nhân viên bán hàng. Tại các cửa hàng bách hóa thường có qui định bất thành văn là dành một lượng 10% số hàng nhập về như: thuốc lá, đường sữa, bánh kẹo, giấy viết, xoong nồi, bát đĩa… để bán theo lệnh của quan chức địa phương phục vụ hội nghị, khách đến công tác hoặc nhu cầu đột xuất. Theo ông NÐB, cửa hàng phó cửa hàng bách hóa phục vụ công trình khảo sát đập sông Ðà ở phố Ðúng, thị xã Hòa Bình, năm 1970 cô H là nhân viên bán hàng đã thông đồng với một cán bộ Ủy ban trị thủy sông Ðà tuồn hàng ra ngoài từ lỗ rò rỉ này mà kiếm đủ tiền về Hà Nội tậu nhà, mua xe đạp Diamant, đài bán dẫn, quần áo đắt tiền… Nếu chỉ trông vào lương tháng 45 đồng thì cô H phải ăn nhịn để dành 20 năm mới mua được 1 chiếc xe đạp là cùng.
Bà L nhân viên cửa hàng lương thực của một quầy gạo trong quận Ba Ðình (lúc đó là khu Ba Ðình) nói:
“Chúng tôi chẳng cần đến thủ đoạn tham ô mà theo quy định về tỉ lệ gạo, mì bị mốc, chuột ăn, rơi vãi thời đó là 5%-7% cũng đủ cho chị em chia nhau một khoản tiền gấp 4-5 lần lương tháng. Những đợt gạo về chậm, dân xếp hàng dài từ 3-4 giờ sáng, chúng tôi giúp bạn bè bên bách hóa, thực phẩm mua hộ gạo cho người thân của họ, tất nhiên họ sẽ có cách giúp đỡ chúng tôi khoản thịt, cá, thuốc lá, đường, sữa. Ðó cũng là một thứ thu nhập.”
Nói chung, thời đó nhiêu cô gái bán lương thực, thực phẩm, bách hóa đều giàu có. Mốt thời thượng của họ là đi xe đạp Diamant, Mifa màu ngọc bích, đeo hoa tai và nhẫn vàng, đồng hồ Liên Xô loại đắt tiền… Họ là đối tượng chọn vợ của nhiều người, cao giá hơn cả kỹ sư, bác sĩ. Những phụ nữ đứng tuổi làm nghề này thường khôn ngoan hơn, không trưng diện ra ngoài nhưng tiền mặt có hàng nghìn, vàng có hàng vài chục cây.
Lái xe cũng là một thứ nghề hái ra tiền bằng phương tiện Nhà nước. Trong thành phố Hà Nội, tuyến xe Bờ Hồ – Hà Ðông và Yên Phụ – Hà Ðông luôn chật cứng người đứng chen chúc. Trừ số người đi vé tháng chiếm 1/3, còn lại số đi vé ngày không sao kiểm soát được, Nhà nước đành khoán tiền theo chuyến. Ðây là kẽ hở cho lái xe kiếm thêm ngoài lương.
Ông NVM lái xe tuyến đường này kể:
“Trung bình mỗi tuần chúng tôi ăn tiêu xả láng rồi, lái và phụ xe còn chia nhau mỗi người được 100-150 đồng, bằng hai suất lương cả tháng. Lái xe khách đường dài kiếm tiền bằng vé lậu, chở hàng cấm và dân buôn.” Ông HVM ở bến xe thị xã Thái Bình kể: “Hồi đó có khẩu hiệu ‘yêu xe như con, quí xăng như máu’, thật ra chỉ các chiến sĩ lái xe tuyến lửa và một số người là vì Nhà nước mà thực hiện, thật đáng khâm phục tinh thần yêu nước của họ. Cánh tài xế lái xe khách đường dài chúng tôi cũng yêu xe như con, quí xăng như máu nhưng lại vì túi tiền của mình trước hết. Mỗi tháng nếu xe chạy đều bọn tôi kiếm ngoài được 200-300 đồng, xe nghỉ sửa chữa là mất tiền nên có khi tự bỏ tiền túi ra sửa để xe có mặt bon bon trên dặm trường kiếm tiền.”
Lái xe tải cũng có nhiều hình thức kiếm tiền. Tuyến đi Tây Bắc, Nghệ Tĩnh chở gỗ quí. Tuyến đi Yên Bái, Thái Nguyên buôn chè. Bình thường ra cũng có thể buôn củi, sắn, lợn, gà, vịt hoặc ngày tết buôn lá dong gói bánh chưng.
Theo lời ông LÐC, lái xe của Bộ Nông nghiệp:
“Hàng hóa thị trường tự do khan hiếm, phưong tiện vận chuyển ít, cái gì thời đó vứt lên xe từ nơi này đến nơi khác cũng kiếm ra tiền. Ðó là chưa kể nhiều lái xe lưu manh, ăn cắp hàng của Nhà nước bằng cách ‘chọc tiết lợn’ nghĩa là rút ruột các bao tải chở gạo, đường, xi măng…”
Sự phân hóa trong nhóm cư dân ngoài biên chế
Trước chiến tranh, đa số những người trong nhóm này sống ở mức nghèo khổ hơn so với cán bộ công nhân viên chức và nông dân tập thể. Bắt đầu từ năm 1966 thực tế đời sống lại có xu hướng phát triển theo chiều ngược lại vì ba lý do:
Thứ nhất, những người làm nghề tự do nhưng có hộ khẩu chính thức ở đô thị mặc nhiên được Nhà nước bao cấp cho một khoản “lương hiện vật”, đó là tiêu chuẩn gạo, dầu hỏa và một số nhu yếu phẩm tối thiểu. Nếu tất cả những mặt hàng này họ đem bán ra thị trường sẽ có giá trị gấp hai thậm chí gấp năm lần giá mua của Nhà nước. Trong khi đời sống cán bộ công nhân do điều kiện chiến tranh bị tụt thấp đi thì những người làm nghề tự do lại có nhiều cơ hội để tìm kiếm thu nhập. Ðơn giản như mở một quán trà hay bơm vá xe đạp, cắt tóc, bán kem, hàn xoong nồi, chữa khóa… đều đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày một tăng nên thu nhập không tồi. Trong phần mô tả mốt sinh hoạt thời chiến, chúng tôi đã phân tích kỹ thu nhập của một quán trà vỉa hè. Có thể nêu thêm một ví dụ về nghề bơm vá xe đạp. Ðồ nghề của họ rất đơn giản, chỉ là một cái bơm và một chiếc hộp gỗ đựng vài cái cờ lê, mỏ lết, kìm, búa, nhựa dính và vài miếng săm rách. Nhu cầu đi lại bằng xe đạp trong chiến tranh rất cao, mà xe đạp thì cũ nát, săm lốp và phụ tùng khan hiếm, bơm vá xe là việc xảy ra thường ngày trên đường phố. Giá bơm một lốp xe 5 xu, vá săm 3 hào/1 miếng. Một người bơm vá xe đạp ở Hà Nội, Hải Phòng ít nhất trong ngày cũng có khách bơm khoảng 20 lốp xe, vá 3-5 miếng săm, bằng lương một giáo viên cấp 2 hay nhân viên văn thư đánh máy của cơ quan hành chính, lại vẫn có sổ gạo, phiếu dầu!
Thứ hai, do những khó khăn của thời chiến, Nhà nước tuy không khuyến khích nhưng ngầm thả lỏng các hộ tiểu thương buôn bán ở các chợ và mở sạp hàng nhỏ tại nhà. Sơ hở trong quản lý kinh tế – xã hội của Nhà nước trong giai đoạn này là một mặt cấp đăng ký kinh doanh cho họ, mặt khác vẫn bao cấp sổ gạo và chất đốt, nhu yếu phẩm theo đăng ký hộ khẩu. Lẽ đương nhiên, thu nhập của các hộ tiểu thương này, đặc biệt ở các chợ lớn như Ðồng Xuân (Hà Nội), chợ Sắt (Hải Phòng), chợ Rồng (Nam Ðịnh)… thừa đủ để mua gạo, chất đốt theo giá tự do, nhưng Nhà nước đã vô tình cấp thêm cho họ một khoản thu nhập nữa bằng tem phiếu (?).
Bà H bán hàng khô ở chợ Bắc Qua kể:
“Tôi và các chị em bạn hàng trong chợ phần lớn mua ‘gạo bông’ của mậu dịch về đem các thêm tiền đổi lấy gạo quê để con cái ăn có chất mà học hành. Phiếu chất đốt chúng tôi đun nấu nhiều hơn các hộ cán bộ nghèo nên cũng thường phải mua thêm, mỗi nhà thường mua 5-10 lít dầu hàng tháng.”
Bà T có cửa hàng tạp hóa phố Hàng Ðào (Hà Nội) kể:
“Dân phố buôn ở Hàng Ðào chúng tôi thời ấy ai cũng chỉ bày vài thứ lèo tèo trong cái tủ con, nhưng khách mua các tỉnh về cất hàng bao nhiêu cũng có, loại gì cũng chiều. Tiếng là buôn bán nhỏ mà có khi doanh số ngầm của nhiều nhà còn không thua cửa hàng bách hóa mậu dịch ở số nhà 100 cùng phố. Tôi ít vốn nhưng thu nhập cũng khá, các con sống no đủ, không phải ăn gạo mậu dịch bữa nào.”
Thứ ba, cũng từ căn bệnh của mô hình quản lý bao cấp thời chiến đã hình thành trong xã hội đô thị một thứ chợ đen. Hàng hóa Nhà nước càng thiếu thì các kênh rò rỉ từ cán bộ, nhân viên Nhà nước như đã nói ở phần trên càng hoạt động mạnh, đẩy nhanh quá trình phân hóa mức sống trong nhóm cư dân ngoài biên chế ở đô thị, làm cho đội ngũ “dân phe” mỗi ngày thêm đông và trở thành đẳng cấp giàu có rất nhanh. Giàu nhất là “dân phe” các mặt hàng xe đạp, xe máy, kim khí, đồ điện gia dụng. Hoạt động trong lĩnh vực này thường là nam giới ở độ tuổi 30-40. Phương thức hoạt động của họ có hai dạng. Một là nghề môi giới hay còn gọi là “buôn nước bọt”. Hàng hóa trao đổi trong các cuộc buôn bán nước bọt thường là xe máy, đồng hồ, xe đạp và máy thu thanh các loại do Việt kiều từ Tân Ðảo mang về, cán bộ đi công tác ở nước ngoài mua về không có nhu cầu sử dụng, sinh viên đi học Ðông Âu về phép hoặc đã tốt nghiệp. Lối “buôn nước bọt” này có thể ăn chênh lệch giá của cả bên mua lẫn bên bán tùy theo “bản lĩnh” của người môi giới. Hình thức thứ hai là bỏ vốn ra móc ngoặc với nhân viên giữ kho, bán hàng của Nhà nước để đánh từng lô hàng, chủ yếu là phụ tùng xe đạp, xe máy và vật tư, nguyên liệu cho các nhà sản xuất hàng lậu. Kiểu buôn bán này giàu nhanh chóng nhưng nguy hiểm, thường là những đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự. Cả hai phương thức trên đã tạo ra một lớp người giàu có gấp nhiều lần các gia đình cán bộ có chức quyền. Mốt sống của họ có thể hình dung qua câu ca dao:
Một yêu anh có Sen-kô
Hai yêu anh có mô tô “cá vàng”
Ba yêu nhà cửa gọn gàng
Bốn yêu hộ tịch đàng hoàng thủ đô…
(Ðồng hồ Sen-kô của Nhật; xe cá vàng là loại xe mobylet của Pháp đời mới thời đó do Việt kiều Tân Ðảo mang về. Những thứ này vào những năm cuối 60 đầu 70 ở Hà Nội còn sang trọng hơn cả chiếc xe ôtô Toyota Nhật bây giờ. Chỉ có “dân phe” mới có tiền mua.)
Lực lượng đông đảo nhất trong số “dân phe” là những người “phe” tem phiếu và các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lá, đường, sữa, thịt, cá… Loại này thường là phụ nữ từ 16-50 tuổi. Họ hoạt động ở các chợ, quanh các cửa hàng bách hóa, thực phẩm, lương thực. Biểu tượng phô diễn giàu sang của họ là xe đạp Diamant, Mifa (Ðức), Phượng Hoàng xích hộp (Trung Quốc), vàng trang sức và đồng hồ ngoại (Nhật, Thụy Sĩ). Sự liên kết của đám người này với nhân viên ngành thương nghiệp rất chặt chẽ, làm băng hoại đạo đức nhiều cán bộ có chức quyền.
Lời kết:
Mô hình kinh tế Stalin giai đoạn 1966-1975 là một bước kiện toàn cao hơn của mô hình sơ khởi giai đoạn 1961-1965. Xét về mặt đời sống nhân dân, nó đã phát huy được một số ưu điểm trong điều kiện chiến tranh mà những mô hình khác khó có thể làm tốt hơn. Nhưng những ung nhọt của nó cũng đã bộc lộ rõ, điển hình là sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp cư dân một cách dị mọ, trái quy luật. Sự phân hóa đó cũng tạo ra tích lũy và mầm mống của kinh tế thị trường mang tính hoang dã. Một thị trường hoang dã sẽ có sức công phá đất nước sau này còn hơn cả bom đạn chiến tranh của giặc ngoại xâm mà bây giờ người ta hay nói đến khái niệm “giặc nội xâm”. Trong tác phẩm ký Câu lạc bộ các tỷ phú đã dẫn, tôi đã chứng minh đầu những năm 90, Hà Nội có khoảng 70% số tỷ phú thuộc 3 đối tượng: cán bộ Nhà nước mà thời bao cấp là những kẻ ăn cắp hàng, tem phiếu cung cấp, có vốn tích lũy, lại biết luồn sâu leo cao để có quyền lực; những người buôn bán chợ đen cũ, quen thói chụp giật chứ không sản xuất ra sản phẩm; bọn lưu manh vào tù ra tội đã nhiều nên làm ăn liều lĩnh kiểu xã hội đen. Ba loại tỷ phú này câu kết với nhau trong một thứ mafia quyền lực – kinh tế, lợi dụng chính sách nhà đất rất lạ đời và kẽ hở của các ngành ngân hàng, ngoại thương, xây dựng cơ bản… để làm giàu và thao túng nền kinh tế đất nước.
Hà Nội, 5/1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét