06 tháng 12 2011

Giữ gì sự trong sáng của tiếng Việt - TỪ ANH - PHÁP - NGA

Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác.
Dưới đây là sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai từ tiếng Anh - Pháp - Nga trong tiếng Việt hiện nay.

Tại sao những người tự đề cao mình một cách lố bịch lại bị gọi là cái rốn của vũ trụ?

Cái rốn vốn chỉ là cái ống dẫn máu từ nhau vào bào thai. Cái ống đó được cắt bỏ khi đứa nhỏ sinh ra được cắt. Cái sẹo hình tròn còn lại ở giữa bụng cũng gọi là rốn. (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:472; Lê Văn Đức, 1973b:1247; Hoàng Phê, 2006:833). 
Do ảnh hưởng của tiếng Pháp, rốn có thêm nghĩa bóng là trung tâm: cái rốn của vũ trụ là kết quả dịch sao phỏng cụm từ tiếng Pháp le nombril de l’Univers. 
Cũng bằng cách dịch sao phỏng, le nombril du monde sang tiếng Việt thành cái rốn của thế giới. Điều thú vị là người Việt hay nói tưởng mình là cái rốn của vụ trụ hơn tưởng mình là cái rốn của thế giới. 
Trong khi đó người Pháp lại hay nói se prendre pour le nombril du monde. hơn se prendre pour le nombril de l’Univers. Bởi vậy dịch cụm từ cái rốn của vũ trụ ra tiếng Pháp là một vấn đề nan giải. Cách dịch nào cũng có cái hay và cái dở của nó.

Gốc Nga hay gốc Tàu?

Sách Từ vựng học tiếng Việt của Nguyễn Thiện Giáp (2013:253) trong lần tái bản thứ 9 vẫn giữ quan điểm cho rằng kế hoạch năm năm là sao phỏng của từ Nga tương ứng.
Thật ra ngay từ đầu thế kỷ 20 người Việt đã mượn 五年計劃 của người Trung Quốc, phiên âm Hán Việt là ngũ niên kế hoạch để dịch cụm từ plan quinquennal của tiếng Pháp (Đào Duy Anh, 1950:1420).
Thanh Nghị (1967b:980) đảo lại thành kế hoạch ngũ niên.
Trong khi đó ở miền Bắc ngũ niên kế hoạch nhường chỗ cho kế hoạch 5 năm:

Vì sao nhà nuôi dạy trẻ dưới 6 tuổi được gọi là vườn trẻ?

Sách Từ vựng học tiếng Việt của Nguyễn Thiện Giáp (2013:253) trong lần tái bản thứ 9 cho rằng vườn trẻ là sao phỏng của từ Nga tương ứng. Thật ra ngay từ đầu thế kỷ 20 người Việt đã có ấu trĩ viên rồi:
ẤU TRĨ VIÊN, NÊN LẬP Ở THÀNH PHỐ
Ấu trĩ viên! Ấu trĩ viên! Ba tiếng ấy nghe dậy ở Hà Nội hơn mười năm trước, cớ sao mà lâu nay vắng bặt, hầu như chẳng còn ai nói đến?
Thật thế, năm bảy năm nay, ở Hà Nội không nghe ai hề bàn tới ấu trĩ viên nữa. Cho đến ông chủ phát khởi ra cái sự nghiệp từ thiện ấy là hội Khai trí tiến đức, hình như cũng chẳng còn nhắc tới. Khác với lúc bấy giờ, mười năm trước, cái cảnh tượng tấp nập biết bao: Từ các quan địa phương cho đến các hào lý trong làng, ai nấy chạy sấp chạy ngửa, lo việc ấu trĩ viên; các báo thì cổ động.
Tại sao thế? Có phải là đã trải qua một lần thất bại nên mới tịt đi như thế chăng? Không, ai tưởng cho thất bại là lầm. Không thất bại, có điều bao nhiêu ấu trĩ viên đã lập ra từ trước không có kết quả tốt. Việc gì làm ra mà không có kết quả tốt cũng đủ cho người ta đâm chán rồi bỏ nhãng.
*
Tại sao ấu trĩ viên lập ra lại không có kết quả tốt? ‒ Câu hỏi ấy ít thấy ra từ miệng người Nam; chứ người Pháp, nhất là mấy ông quan cai trị, chúng tôi thường thấy hỏi đến luôn. Ấy chẳng những vì người Pháp có thói quen hay chú ý lại hay quan tâm đến việc dân sự hơn người mình, mà cũng bởi là điều đáng quái, đáng tức cho họ nữa.
‒ Ấu trĩ viên ở bên nước Pháp, lập ra khắp kẻ chợ nhà quê, thành hiệu rõ ràng như thế; sao đem giống qua gieo ở đất này lại không mọc, hoặc mọc lên rồi tàn? ‒ Một ông lấy làm quái mà nói như thế.
‒ Người An Nam, không nói chuyện cải lương với họ được! Việc ích lợi cho con cái giống nòi họ ngay trước mắt, là việc ấu trĩ viên, thế mà lập ra cho họ rồi họ chỉ có việc giữ lấy mà cũng chẳng nên thân, thì còn nói chuyện gì! ‒ Một ông khác lấy làm tức mà nói như thế nữa.
Các ông lấy làm quái cũng phải, lấy làm tức cũng phải. Thật có thế, phần nhiều người chúng tôi vẫn hay thủ cựu, lại có tánh cẩu thả, lắm nơi đến mùa lúa chín rục ngoài đồng mà họ còn không buồn gặt, nữa là chuyện cải lương. Tuy vậy, việc gì chứ việc lập ấu trĩ viên hồi đó mà không có kết quả tốt, thật không đáng quy cữu về họ cả. Chúng ta phải nhận lấy một phần là tại việc làm không được cho thích hiệp.
*
Không thích hiệp? Phải! Ấu trĩ viên theo đất này, đáng lẽ lập ra ở thành phố mà ta lại lập ra ở nhà quê.
Cách ăn ở làm lụng của người nhà quê xứ này không đáng có mà cũng không cần có ấu trĩ viên. Nước Pháp là nước công nghệ, ở nhà quê bên ấy cũng rải rác có những công xưởng; vợ chồng người dân ngày hai buổi đi làm việc tại đó thì cần phải có nơi mà gửi con mình. Chứ nhà quê ở đây có một cái tình thế khác, không giống tình thế bên ấy.
Nhà quê ở đây, người ta làm ruộng. Ruộng lại thường thường là sát một bên hè nhà, không phải đi xa. Có khi một người đàn bà vừa làm việc ngoài ruộng, vừa coi nhà, vừa trông chừng con, cũng tiện.
Nói cho quá mà nghe, chứ cảnh ấy ít lắm. Phần nhiều là chồng ra ruộng, vợ ở nhà giữ con và thổi cơm nhân thể. Không nữa thì vợ chồng đều ra ruộng cả, để "cái đĩ lớn" ở nhà coi việc nhà và giữ em. Như vậy quen rồi, nó tiện lắm; làm khác đi, lại hóa ra bất tiện.
Vả lại xứ này còn theo lối đại gia đình, không như người Pháp chỉ ở một chồng một vợ. Nhiều nhà cả vợ chồng ra ruộng rồi, để con thơ ở nhà cho ông già bà già, vừa trông nom cháu lại vừa dỡn cháu để làm vui. Người ta nhìn cho cái cảnh ấy là cảnh hạnh phước của gia đình, thế mà bắt đem cháu người ta đi gửi, ai nghe?
Tóm lại, theo tình thế, ấu trĩ viên lập ở nhà quê xứ này, bảo nông dân đem con tới gửi, thì thật, chẳng có ai bằng lòng gửi hết. Ép họ phải gửi cũng được, song, thế thì lại thành ra một việc muốn làm ích lợi mà trở nên rắc rối, còn làm làm gì?
Ấy, bởi cái tình thế ấy mà bao nhiêu ấu trĩ viên ở các làng thuộc tỉnh Hà Đông, hồi đầu có vẻ vui vui, sau càng ngày càng vắng cho đến mất tích.
*
Trái lại, ấu trĩ viên lập ra ở thành phố lại tốt lắm, lại được việc lắm. Như Hà Nội đây, nếu có vài cái ấu trĩ viên ở xóm Khâm Thiên hoặc xóm chợ Hôm, là nơi có nhiều anh em lao động ở, chắc họ sẽ hoan nghinh.
Ấy là vì cách sinh hoạt ở thành phố ta đây bây giờ cũng chẳng khác bên Pháp là mấy. Nghĩa là sinh hoạt bằng công nghệ và bằng lối tiểu gia đình. Nhà chỉ hai vợ chồng, đều đi làm mỗi ngày 10 giờ, có một vài đứa con nhỏ, mà nếu có chỗ sáng gửi tối bồng về, thì thật tiện cho họ không gì bằng.
Xem như hội Tế Sinh mới mở cái phòng nuôi trẻ đó mà đã có đến bảy tám mươi trẻ con đem gửi rồi, đủ biết ở Hà Nội nếu có ấu trĩ viên thì dân thành phố lấy làm hân hạnh biết bao.
Vậy mà hiện nay lại không ai nói đến ấu trĩ viên!
Phan Khôi, Phụ nữ thời đàm, s. 6 (22. 10. 1933), tr. 1-2
Tòa nhà Ấu Trĩ Viên tthời Pháp thuộc, đây là 2 cơ sở riêng biệt, nửa phía bắc là Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ), nhưng lại là nơi tổ chức hội hè cho người lớn như chợ phiên, thi sắc đẹp...; còn nửa phía nam là CLB của người Pháp - được gọi là nhà Xéc Tây. Một căn phòng chính của nhà Xéc Tây từng là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946.
Từ ngày tiếp quản thủ đô (1954), nơi đây trở thành CLB thiếu niên và cái tên Ấu Trĩ Viên vẫn được sử dụng để gọi, cho đến khi nước bạn Tiệp Khắc (cũ) tài trợ xây cung thiếu nhi mới.
Ngày 19.2.1977, sau 3 năm xây dựng, Cung Văn hoá Thiếu niên (tên cũ của Cung Thiếu nhi Hà Nội) chính thức đưa vào hoạt động với trung tâm là toà nhà 6 tầng liên kết với rạp Khăn quàng đỏ để phục vụ việc học tập các môn khoa học, nghệ thuật và rèn luyện thể thao cho thiếu niên thủ đô.
Tòa nhà Xéc Tây với kiến trúc Pháp được chuyển làm nhà truyền thống Đội Thiếu niên tiền phong và các phòng, ban quản lý hành chính.
Ấu trĩ viên là phiên âm Hán Việt của 幼稚園, dùng để dịch jardin d’enfants của tiếng Pháp (Đào Duy Anh, 2005:33).
Đào Đăng Vỹ (1960:699) dịch jardin d’enfants là ấu trĩ viên, vườn trẻ chơi.

Do đâu có tên chồn mác?

Mác có thể là từ mượn âm tiếng Pháp (martre) mà cũng có thể là dạng rút gọn của mác tét. Từ này có âm rất gần với tên La Tinh (Martes martes). 
Chồn mác Mỹ và chồn mác-tét Mỹ là một (tiếng La Tinh là Martes americana; tiếng Pháp là martre américain). 
Rất khó đoán được người đặt tên chồn lấy tiếng nào làm gốc. Tuy nhiên có thể thấy rõ dấu vết của tiếng La Tinh trong tên chồn mác ba-ra (Eira barbara).

Hoa di nha là hoa gì?

Hoa di nha thuộc họ Cúc (Asteracae). Lá mọc đối, hình trái xoan thuôn dài, mặt lá phủ lông. Hoa có màu trắng, vàng, đỏ, hồng, tím. 
Tên hoa tiếng La Tinh là zinnia, được đặt theo tên nhà thực vật học người Đức Johann Gottfried Zinn (1727-1759). 
Từ zinnia này được giữ nguyên dạng trong nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha... 
Tiếng Nga là цинния, phiên âm cũng khá gần. Khó có thể xác định di nha được phiên âm từ thứ tiếng nào trong các ngôn ngữ châu Âu kể trên.
Di nha còn được gọi là hoa bách nhật, do tên hoa tiếng Trung Quốc là 百日草 (âm Hán Việt là bách nhật thảo, nghĩa là cỏ trăm ngày).

Hoa cốt mốt là hoa gì?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:462) giải thích cốt mốt là cúc chuồn chuồn. Từ điển của Hoàng Đình Cầu (1976:182), Lê Khả Kế (1978:56) chỉ có cúc chuồn chuồn.
Cốt mốt hay cúc chuồn chuồn, hoa bướm, cúc ngũ sắc, sao nhái, sao nháy, soi nhái cũng đều là một. 
Từ cốt mốt có tính quốc tế: tiếng Anh và tiếng Pháp là cosmos, tiếng Nga là космос. Tên khoa học bằng tiếng La Tinh là Cosmos sulphureus. 
Gốc của tất cả các từ này là κόσμος của tiếng Hy Lạp; từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là trang hoàng. Quy nguyên cốt mốt về tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, tiếng Nga đều hợp lý.
Cây cốt mốt xuất phát từ Mê-hi-cô, là một loại thân thảo mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm. Nhìn từ xa vườn hoa cốt mốt trông giống như một bầu trời sao lấp lánh. Đây có thể là nguồn gốc của tên gọi sao nháy.
Tên gọi tương đương bên tiếng Pháp là cosmos sulfureux étincelant (étincelant nghĩa là sáng chói). Cốt mốt thuộc bộ cúc (tiếng La Tinh là asterales, tiếng Pháp là ordre des astérales; gốc La Tinh astrum nghĩa là ngôi sao).
Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng các tên gọi sao nhái và soi nhái rất có thể là do sao nháy biến thành.

Đá trứng cá là đá gì?

Đá trứng cá có tên Hán Việt là ngư noãn thạch và tên mượn âm tiếng Pháp là ô-ô-lít (oolite / oolithe):
* Trong sự tiến hóa của chất ô-ô-lít ở khoáng sắt có nhiều điều lạ kỳ mà khoa hóa-học vô-cơ không sao giảng nổi, phải nhờ đến sức hoạt động của Vi-Trùng. Thanh Nghị số 98 (1945:17, Ư. M.)
Từ  oolite của tiếng Pháp được cấu tạo từ các gốc Hy Lạp ôon, nghĩa là trứng, và lithos, nghĩa là đá. 

Đá sít là gì?

Đá sít là một dạng đá chưa đủ thời gian để biến đổi thành than. Gốc tiếng Pháp của từ sít này là schiste. Sít than (tiếng Pháp: schistes houillers) là phụ phẩm của ngành công nghiệp than đá. Do hình dạng của đá sít, người Việt còn gọi nó là đá phiến / diệp thạch. 

Làm ne là làm gì?

Trong tiếng Pháp nègre vốn có nghĩa là mọi da đen.
Cuối thế kỷ 18 từ nègre có thêm nghĩa là tác giả ma, tức người viết (mướn) để người khác ký tên. Alexandre Dumas, tác giả của cả trăm quyển tiểu thuyết lịch sử bất hủ, trong đó có Ba người lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires), Hai mươi năm sau (Vingt Ans Après), Hoa tu-líp đen (La Tulipe Noire)... đã sử dụng một số tác giả ma; đuợc hậu thế biết đến nhiều nhất là Auguste Maquet, chuyên làm công việc tìm tài liệu, viết phác thảo rồi chuyển cho Alexandre Dumas hoàn thiện bản thảo. Suy cho cùng cũng là làm mọi.
Dân kiến trúc nước ta gọi người giúp việc là ne, thực chất là bắt làm mọi:
Ne ơi ta bảo ne này,
Ne vô họa thất ne “cày” cùng ta,
Trưởng tràng có luật đưa ra,
Kêu gì làm nấy, liệu mà biết khôn,
Bắt cởi truồng, phải cởi truồng,
Kêu nằm “quậy cỏ”, liệu hồn “rendu”

Răm li là cái gì?

Dân xây dựng gọi vạt gỗ đóng trần là răm li. 
Đó là một từ gốc Pháp (lambris de  plafond). 
Khi từ này vào tiếng Việt, đã xảy ra hiện tượng lẫn lộn /r/ và /l/. 
Hai âm này đều âm lỏng. 

Tại sao dây dọi còn được gọi là lập lòn?

Dây dọi / lập lòn gồm một quả đồng thau dằn chì cho nặng treo vào đầu một sợi dây. Thợ xây thả dây dọi/lập  lòn để kiểm tra xem tường có thẳng đứng hay không. 
Dây dọi tiếng Pháp là fil à plomb, dịch sát từng từ là sợi dây có cục chì. Người Việt bỏ âm tiết đầu, chỉ giữ đoạn sau thành ra lập lòn.

Gạch ba banh là gạch gì?

Gạch ba banh là gạch nén. Gốc của nó là từ parpaing tiếng Pháp. 
Từ này vào tiếng Việt thành pác panh, pa panh và ba banh. 
Chỉ có pác panh vào được từ điển Nguyễn Như Ý (1999:1311). 
Các từ điển khác không ghi nhận dạng nào cả.

Tại sao độ cao (so với mặt chuẩn) được gọi là cốt?

Trên mặt đường, đường xá (sic) có thể nhấp nhô nhưng nền của cái thành phố ngầm này buộc phải đặt theo “cốt” chuẩn, để nước thải khi vơi, khi đầy đều chảy theo hướng xác định chứa đầy các hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu… rồi đổ ra sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch… (Lê Văn Ba, 2009:60)
Cốt là từ gốc Pháp (cote). Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:388) và Hoàng Phê (2006:213) ghi chú là từ cũ và cho từ tương đương là cao trình.
Thật ra thì từ cốt này nằm trong số những từ ngoại lai bị các nhà từ điển học tìm cách thanh toán không thương xót để giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Nhưng rốt cục nó vẫn không chết. Dân trong nghề xây dựng  tiếp tục dùng nó suốt mấy chục năm qua. 
Rồi do gần đây nhà cửa đất cát trở thành chuyện thời sự, từ cốt dần dần phủ kín các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ít người biết nó từ đâu chui ra.

Ống buy là ống gì?

Ống buy (gốc tiếng Pháp là buse) là từ dùng trong ngành xây dựng ở miền Bắc từ trước năm 1975. 
Miền Nam gọi là ống cống.

Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành từ gì?

Từ ciment của tiếng Pháp vào tiếng Việt thành các từ sau đây xi măng, xi manh, xi mo, xi mon, xi mong, xi moon, xi moong, si mo, si mon, si mong, si moong. Trong số các từ này chỉ có từ xi măng là còn tồn tại đến ngày nay, được dùng phổ biến ở tất cả các loại văn bản trong mọi hoàn cảnh.
Người có công đưa xi măng lên địa vị này là Hoàng Xuân Hãn. Năm 1942 khi soạn quyển Danh Từ Khoa Học, ông đã quyết định phiên âm ciment là xi măng cho gần với tiếng gốc mà không chọn các từ đã có sẵn trong dân gian như xi mo, xi mong... (Hoàng Xuân Hãn, 1959:xxxiii). 
Xi măng đã xuất hiện trước đó trên sách báo cùng với các dạng phiên âm khác:
 Sáng mồng 6, 7 giờ 15, tới bến Hải-phòng, tầu chạy đến đây là thôi, chỗ màn bắc cầu bằng xi-măng, vững-chãi sạch-sẽ, không như màn phà ở Nam và Hà-nội.Nam Phong số 168 (1932:84, Nhàn Vân Đình)
Quyển từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh in trước quyển Danh Từ Khoa Học vài năm ghi cả hai dạng xi măng và xi moong trong mục từ ciment. Từ điển của Gustave Hue (1937:1164) chỉ ghi nhận dạng xi mo.
Bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn gặp các biến thể cũ của xi măng rơi rớt lại trong một số câu hát của dân gian:
Chợ Sài Gòn cẩn đá, chợ Rạch Giá cẩn xi-mon
hay:
Một thương tóc húi ca rê,
Hai thương cái nói bạc lề tự do.
Ba thương mặt trát xi mo,
(Mặt trát xi mo là mặt đánh phấn rất dày).
Hay trong các tác phẩm tiền chiến in lại:
Nước bể rút xuống lúc khuya còn để lại gờ bến xây xi-moong những ngấn rêu và bùn nhầy nhụa. (Nguyễn Tuân, 2006c:181) 

Chạy mia là gì?

Mia (do tiếng Pháp mire)  là cái thước đặt trước máy trắc địa, có công dụng là đo hiệu số độ cai và khoảng cách giữa các điểm trên mặt đất. Chạy mia là vác cái mia chạy tới chạy lui mà đo đạc.
Từ mia này còn gặp trong các cụm từ giá mia hay giá giữ thước mia (tiếng Pháp là porte-mire), mia khắc (tiếng Pháp là mire parlante)

Ngữ liệu: Những ngày đầu Huấn chỉ giữ chân loong toong, vác máy, chạy mia và kéo thước (Bùi Việt Sỹ, 2009:119-120)

Từ văng trong thuật ngữ cầu dây văng có nghĩa là gì?

Cầu dây văng là cầu gồm một hoặc nhiều trụ, với cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Văng có lẽ  là từ phiên âm từ gốc Nga ванты, có nghĩa là thừng chăng cột buồm.
Cầu dây văng (tiếng Nga : ВАНТОВЫЙ МОСТ ) cũng gọi là cầu dây băng. Có thể văng và băng đều là biến thể phát âm của cùng một từ. Cũng có thể cầu dây băng xuất phát từ thuật ngữ tiếng Pháp tương đương là pont à haubans.

Băng ghế và nhà băng có gì liên quan với nhau?

Nhà băng (ngân hàng) xuất hiện ở nước ta cùng với sự thiết lập chế độ thực dân Pháp.
Quan Thuộc địa Thượng thư Sarraut có viết giấy xin phép cho các phái viên Nam Bắc kỳ vào xem một nhà “băng” lớn ở Paris, là nhà Crédit Lyonnais. (Phạm Quỳnh, 2004:198)
Nhà băng của tiếng Việt vốn là maison de banque của tiếng Pháp. Maison được dịch ra là nhà. Người Việt nghe từ banque của tiếng Pháp, không giữ được phụ âm /k/ ở cuối âm tiết, phiên thành băng. Đây là một trong mươi từ mượn âm Pháp được vào từ điển tiếng Việt sớm nhất (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:35)
Băng của băng ghế cũng là một từ gốc Pháp (banc).
Phương, áo cổ vuông màu cánh dán, tóc buộc cao vống, người gầy, thấp bé, chiếm một chiếc ghế băng để sát chỗ Hồng, đọc “Tuyển tập kịch Sếch-xpia”. (Dương Thị Xuân Quý, 2007:238)
Trong tiếng Pháp banc và banque là hai từ đồng âm, vào tiếng Việt thành hai từ vừa đồng âm (phát âm giống nhau) vừa đồng tự (viết cũng giống nhau).

Bồi là từ gốc Anh hay gốc Pháp?

Bồi là một trong số mươi từ mượn âm được thu nhận vào từ điển tiếng Việt sớm nhất. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:56) cắt nghĩa là người hầu hạ và ghi chú là bởi chữ “boy” tiếng Hồng-mao, nghĩa là thằng nhỏ. 
Phần đông các nhà nghiên cứu về sau xem bồi là từ gốc Pháp (Nguyễn Quảng Tuân, 1992:78; Nguyễn Kim Thản, 2005:166) bởi vì từ này được người Việt mượn âm trực tiếp từ tiếng Pháp khi Việt Nam bị Pháp đô hộ.
Người An-nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang Bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v. Nam Phong Tạp Chí số 59 (1922:351, Vũ Công-Nghi)

Ria ghi đông hình dáng ra sao?

Trong bài Chữ Việt Gốc Pháp Còn Tồn Tại Đến Ngày NayNguyễn Đức Tuấn có nhận xét như sau:
Số chữ Việt gốc Pháp có hơn trăm và hiện tại vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi, kể cả ở miền Bắc, nơi đả phá việc sử dụng tiếng nước ngoài. Bạn nên biết rằng sau khi Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp bị cấm tuyệt đối, thuở ấy, miền Bắc rất cực đoan, những gì thuộc về thực dân đều bị kịch liệt đả phá.Thế nhưng vẫn có nhiều chữ lọt lưới. Lấy ví dụ: PHANH (cái thắng), LốP (vỏ xe), SăM (ruột xe), CUốC (chuyến đi bộ hay xe), Xà CộT (cái bọc đựng đồ phụ tùng), BI đôNG (bình nước), CồN (alcool)..., dân vẫn thản nhiên nói, không những thế, xí nghiệp Nhà nước còn sản xuất SăM, LốP, PHANH... và để nguyên xi các chữ đó trên bao bì.
 ông kết luận luôn:
Thì ra có cả một tập thể dốt, thấy đó mà không biết gốc gác.
Thứ nhất, không có chuyện sau khi Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp bị cấm tuyệt đối.  
Có chuyện đại học chỉ dùng tiếng Việt để giảng dạy không dùng tiếng Pháp, nhưng chuyện đó có gì xấu xa?  
Người Pháp đi rồi, cũng là chuyện tự nhiên nếu tiếng Pháp nhường chỗ cho tiếng Việt trên sách báo, giấy tờ, trong giao thiệp hàng ngày, cần ai phải ra lệnh cấm? 
Thứ hai, có thể nghĩ rằng thuở ấy, miền Bắc rất cực đoan, những gì thuộc về thực dân đều bị kịch liệt đả phá.  
Nhưng từ ngữ gốc Pháp không thuộc về thực dân mà thuộc về từ vựng tiếng Việt.  
Có nhà ngôn ngữ học đầu ngành (Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 26 (1957:68, Hồng Giao) chủ trương không dùng ghi đông (thay bằng tay lái), juýp (thay bằng váy), phờ-ri-dê (thay bằng uốn tóc)..., nhưng đây thực chất là thanh toán tập quán nói năng của một bộ phận dân cư (nói trắng ra là trí thức cũ), tiến đến thống nhất ngôn ngữ (thống nhất ý thức là chuyện sẽ bàn sau) không phải là chống những gì thuộc về thực dân.  
Vì vậy mà Hồng Giao (1957:68) không thích đui xết, nhưng lại chấp nhận 12 ly bảy (li là một từ gốc Pháp, millimètre), không thích pu-lô-vơ nhưng chấp nhận áo len cộc tay (len cũng là từ gốc Pháp laine). 
Hồng Giao (1957:68) không điên cũng không dốt, không đả phá từ gốc Pháp, ông đánh từ ngữ (gốc Pháp hay gốc gì cũng thế) của ai đó (trí thức cũ), nhưng ông ủng hộ từ ngữ (gốc Pháp hay gốc gì cũng thế) của chính ông (và các đồng chí của ông).  
Bởi vậy mới có chuyện giữ lại PHANH (cái thắng), LốP (vỏ xe), SăM (ruột xe), CUốC (chuyến đi bộ hay xe), Xà CộT (cái bọc đựng đồ phụ tùng), BI đôNG (bình nước), CồN (alcool)...  
Nhưng không phải các từ ngữ đó lọt lưới vì cả một tập thể dốt, thấy đó mà không biết gốc gác.  
Râu/Ria ghi đông là bộ râu/ria mép dài và cong như cái cần/tay lái xe đạp. Người Pháp gọi kiểu râu này là moustache en guidon. Người Việt dịch là ria ghi đông.
* Cách mươi hôm sau, quan chánh đi khám, theo hầu có đủ viên chức lý dịch thêm cả bác cai-tuần nước da bánh-mật , bộ râu ghi-đông (guidon) nữa. Tri Tân Tạp Chí số 185-186 (1945:15, Tiên-Đàm)
 Có người râu tự nhiên ra như thế. Có người phải dùng sáp bôi râu (cire à moustache) để tạo dáng cho bộ râu.
* Trên mép lơ-thơ hai khóm râu tôm mà ngài đã vuốt sáp cho nó cong lên như cái “ghi-đông” xe đạp, để lộ hẳn ra một cặp môi thâm sĩ đi đôi với hai con mắt trắng rã của ngài, để biểu dương cho mọi người biết cái tính-nết của ngài là thế nào vậyNam Phong Tạp Chí số 195 (1934:308, Lê Đức Nhượng)
Râu/Ria này rất phổ biến trong giới quân nhân Anh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng nay ít người bỏ công nuôi râu/ria ghi đông vì bất tiện quá, không phù hợp với sinh hoạt hiện đại.
Từ ghi đông có lúc bị lên án, khai trừ khỏi vốn từ tiếng Việt cùng hàng loạt từ mượn âm Pháp:
* Tại sao cứ phải nói « juýp », « phờ-ri-dê », « súng đui-xết », « ảnh đờ-mi co, cát-xít », « máy bay B vanh nớp », « pu-lô-vơ », « ghi-đông », « gác-đờ-bu » v.v... mà không dùng: váy, uốn tóc, súng 12 ly 7, ảnh nửa mình, bốn sáu, máy bay B hăm chín, áo len cộc tay, tay lái, cái chắn bùn... ?Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 26 (1957:68, Hồng Giao)
Hồng Giao chính là Nguyễn Kim Thản, năm 1957 vừa từ Trung Quốc trở về, giảng dạy ở khoa Ngữ Văn, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội.

Ghi đông xe đạp thành tay lái xe đạp, nhưng râu/ria ghi đông không thành râu/ria tay láiđược. 

Bản thân từ ghi đông gần bốn mươi năm sau lại được Nguyễn Kim Thản (2005 :654) cho vào Từ Điển Tiếng Việt !  

Tăng đơ là cái gì?

Bộ phận dùng để căng dây xích/sên nay gọi là bộ tăng sên, xưa gọi là tăng đơ, do ảnh hưởng của tiếng Pháp (tendeur de chaîne).
Thiết bị điều chỉnh sức căng dùng để chằng buộc hàng hóa, các công trình như cột điện, trạm phát sóng.. cũng được gọi là tăng đơ: tăng đơ chữ U (tiếng Pháp là tendeur en U),  tăng đơ dạng khung (tiếng Pháp là tendeur à lanterne), tăng đơ cáp (tendeur de câble)...
Một số người, thường là người Nam, không nói tăng đơ mà phát âm là tăng đưa, tức là dùng một nguyên âm đôi trong tiếng Việt để thể hiện trường độ của nguyên âm /œ/ trong âm tiết thứ hai của từ tiếng Pháp (–deur). 

Chích ven là chích vào đâu?

Ven là tĩnh mạch. Gốc của ven (có khi được ghi là vênh) là từ veine của tiếng Pháp.
Ngữ liệu:
* Năm năm sau vẫn còn cảm thấy đau khổ, mỗi lần người ta lách kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con. (Lê Lựu, 2006:313)
* Cháu bé thế này ven mạch ở đâu mà cắm kim, lại còn chằng buộc thế nào để giữ yên tay nó mấy tiếng đồng hồ? (Bùi Ngọc Tấn, 2008:356)

Màu ghi là màu gì?

Màu ghi là màu xám. Gốc tiếng Pháp gris nghĩa là màu xám.
Đồng Văn Tình ngồi ở ghế bành, đầu chải gôm xanh mượt, râu ria cạo nhẵn, áo sơ mi trắng cài măng séc và caravát màu xanh nhạt, quần gabardine ghi, giầy bottine đánh xi thật bóng. (Tô Đức Chiêu, 2008:45)
Nhưng không phải ai cũng biết màu ghi là màu gì. Vì vậy người ta ghép song song ghi với xám thành ghi xám để giải thích từ mới bằng một từ sẵn có trong tiếng Việt:
Chiếc áo đỏ rực mà Mỏ Neo ép Miên phải thay thế cho màu be và ghi xám nổi bật trên nên vàng rực rỡ. (Nhiều Tác Giả, 2010tn:202, Di Li)
Các từ ghép chính phụ ghi bạcghi chìghi sáng... là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp gris argentgris plombgris clair...

Pa-pi-ê-ma-sê có phải là từ gốc Pháp không?

Người biết tiếng Pháp tạo ra từ này từ tiếng Pháp (papier mâché): Papier-mâché (xin phiên âm kiểu bình dân học vụ là pa-pi-ê ma-shê) là một từ tiếng Tây chỉ môn nghệ thuật tạo hình từ giấy, bột giấy và hỗn hợp hồ dán, tinh bột. 
Nhưng trước đây pa-pi-ê-ma-sê đã xuất hiện trong từ điển Nga Việt tập 2 của Alikanôp (1977)  ở mục từ папье-маше 
Alikanôp là bút danh của Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã tỵ nạn ở Liên Xô từ những năm 60. Cách làm của Alikanôp cũng là cách làm của các nhà khoa học ở miền Bắc cùng thời khi chế tác thuật ngữ để diễn đạt khái niệm mới:
Việt
Pháp
Nga
Nguồn
a-gi-ô
agio
ажио
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:15)
a pô ri
aporie
апория
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:22)
công xoóc xiom
consortium
консорциум
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:99)
nu men
noumène
ноумен
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:138)
xi ních
cynique
циник
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:242)
sa man
chaman
шаман
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:245)
ôtômat
automate
автомат
Nguyễn Đình Đằng (1979:13)
ôtônôm
autonome
автономный
Nguyễn Đình Đằng (1979:14)
alep
aleph
алеф
Nguyễn Đình Đằng (1979:16)
compac
compact
компактный
Nguyễn Đình Đằng (1979:68)
continum
continuum
континуум
Nguyễn Đình Đằng (1979:70)
Nguyên tắc chung là cố gắng hạn chế vay mượn từ nước nước ngoài. Tuy nhiên tính quốc tế của thuật ngữ có thể được vận dụng nếu bản thân tiếng Nga mượn  âm thuật ngữ một tiếng châu Âu khác (thường là tiếng Pháp).  
Khi đó việc mượn âm cũng có thể được áp dụng trong tiếng Việt mà người đề xuất việc vay mượn không sợ bị tố là làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.  
Kết quả là trong tiếng Việt chính thức xuất hiện hàng loạt từ ngữ và thuật ngữ có âm gần với gốc Pháp  mà nếu không nhờ gần âm với tiếng Nga sẽ vĩnh viễn bị cấm cửa.

Mô-men là từ gốc Pháp hay gốc Nga?

Mô-men là một thuật ngữ dùng trong toán và vật lý. Trước đây thuật ngữ này được ghi là mo-men (Hoàng Xuân Hãn, 1959:116, Đào Đăng Vỹ, 1991:1290), rõ ràng là một từ gốc Pháp mặc dù âm của nó gần với tiếng Nga hơn (момент).

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy?
Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.

Người Việt Nam biết uống bia từ khi nào?

Người An-Nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v.(Nam Phong số 170, 1932:293, Vũ Công Nghi)
 Bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière (An Chi - Huệ Thiên) - Bách Khoa Tri Thức
 ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 523, ông đã viết:
''Dùng để chỉ một loại thức uống có độ cồn nhẹ, bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chỉ có nghĩa trong những cấu trúc như. bia bọt, - bia Tig r bia hơi, v.v. Chứ nếu, với hai câuTrăm năm bia đá thì mòn Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơmà ai đó lại bắt từ bia của tiếng Việt phải gánh cái nghĩa của từ bière trong tiếng Pháp thì thật là buồn cười."Tôi đã rất tâm đắc với đoạn trên đây. Nhưng mấy người bạn đã làm tôi cụt hứng. Họ rất giỏi tiếng Anh. Và họ khẳng định với tôi rằng bia là kết quả phiên âm từ danh từ beer của tiếng Anh/ Mỹ chứ tiếng Pháp bière chỉ đem đến cho tiếng Việt hai chữ lave mà thôi.
AN CHI: Khi làm từ nguyên, chúng tôi luôn luôn tâm niệm câu sau đây của J.Vendryes:
“Tous les sosies ne sont pas den parents”. (Không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là bà con (với nhau)).Thoáng nghe, và nếu chỉ nghe không mà thôi, thì rõ ràng là bia rất gần với beer [biә] của tiếng Anh mà chỉ là một người bà con xa với bière [bjεr] của tiếng Pháp. Nhưng, may thay, đó chỉ là một cách nhìn (nghe) quá bác học! Chứ nếu ta chịu gần người bình dân hơn thì ta sẽ thấy vấn đề hiện ra rất khác. Ai có theo dõi giải Bóng đá ngoại hạng của Anh cũng đều biết cây làm bàn của câu lạc bộ Arsenal là Thierry Henry. Thế nhưng một số người bình dân Việt Nam đâu có chịu gọi cái first nam(e - Khoằm sửacủa ngôi sao này là [tjεri]. Họ cứ phát âm một cách rất chi là Việt Nam thành ''tia-ri”. Thậm chí bình luận viên đài truyền hình có khi vì bình quá say sưa và gấp gáp cũng đã phát âm như thế. Vậy thì đâu có chi đáng lấy làm lạ - và càng chẳng có lý gì để chống lại - trước việc họ phát âm bière thành ''bia''.Nhưng vấn đề đâu chỉ có thế. Vấn đề là từ bia (<bière) đã có mặt trong từ vựng của tiếng Việt từ hồi còn mồ ma thực dân Pháp, nghĩa là rất lâu trước khi thứ tiếng American English đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, theo chân của lính Mỹ. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã xài ''bia'' trong Quê hương từ năm 1943. Thì đây, Ngũ Ân Tuyên của chúng ta đã viết thế này:''Bạch mời thầy Ba Bạc Liêu vào một băng thất uống bia và nói chuyện.''(Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn ĐỨC Dân, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp,TPHCM, 1992, tr.67).Khi Nguyễn Tuân xài ''bia'' như thế thì người Việt Nam hãy còn gọi dân đảo quốc sương mù là Hồng Mao, là Ăng-Lê chứ danh xưng ''Anh'' thậm chí còn chưa được dùng chính thức, càng chưa được dùng một cách thống nhất và phổ biến như hiện nay. Chúng tôi tuyệt nhiên không nói rằng lúc bấy giờ chẳng có người Việt Nam nào biết tiếng Anh. Nhưng hồi đó, thứ tiếng này chẳng có thớ mà cũng không có thế để ''nhập” bia vào kho từ vựng của tiếng Việt. Chỉ có tiếng Pháp mới là một thứ tiếng ''ngon lành'' để đưa đến cho tiếng Việt nhiều từ vay mượn mà thôi. Thậm chí nó còn đưa đến cho tiếng Việt cả những từ Pháp gốc Hồng Mao nữa, đặc biệt là trong khẩu ngữ, chẳng hạn trong môn bóng đá (P. = Pháp, A. = Anh):Vậy cái sự giỏi tiếng Anh mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, để làm từ nguyên học về từ Việt gốc Anh. Nếu chỉ ''trông mặt mà bắt hình dong'' thì ta sẽ dễ dàng cho rằng phom (dạng, kiểu, khuôn, mẫu) là một từ gốc Anh, vì nó được phát âm rất gần với tiếng Anh formtrong khi tiếng Pháp lại là formecó vẻ như... xa hơn. Nhưng thợ đóng giày người Việt Nam đã dùng ''phom” để đóng giày cho Tây - và dĩ nhiên là cho cả khách hàng người Việt Nam - từ rất lâu trước khi Mỹ đến.Vậy xin cứ yên tâm tin rằng bia là một từ Việt gốc Pháp. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đây vốn là một từ của tiếng Việt miền Bắc còn la ve, tuy cũng gốc Pháp, nhưng lại là một từ của tiếng Việt miền Nam. Thật vậy, trước đây người Bắc và người Nam vẫn có những cách phiên âm khác nhau đối với một số từ nhất định của tiếng Pháp, chẳng hạn (theo thứ tự: Pháp > Nam - Bắc):- balle > banh - ban;- crème > cà rèm (lem) - kem;- commissaire > cò – cẩm;- copier > cọp dê [je] - cóp;- gamelle > gà mên - cà mèn;- fromage > phô mai - phó mát; v.v..Vậy la ve là một từ gốc Pháp của tiếng Việt miền Nam còn bia là một từ gốc Pháp tương ứng của tiếng Việt miền Bắc. Đáng nói là, trong la ve, chỉ có ve mới chánh cống là hình thái phiên âm của bière chứ la thì chỉ là nhại lại quán từ la của tiếng Pháp (vì bière thuộc giống cái nên mới đi với quán từ giống cái la thành la bière) mà thôi.Nhưng tại sao lại phiên âm bière thành ve? Chuyện hơi rắc rối và rất đáng nói. Đáng nói là vì nhiều người miền Bắc đã theo đúng chính âm, căn cứ vào chính tả, mà phát âm lave thành [la vε] trong khi người bình dân Nam Bộ không bao giờ phát âm như thế! Họ chỉ phát âm hai chữ này thành [la jε] mà thôi. Một số người Bắc, vì nghĩ rằng [la jε] nếu viết ra chữ quốc ngữ thì sẽ là ''la de" (người Nam Bộ vẫn đọc chữ ''d'' thành [j]), nên mới thực hiện một hành động siêu chỉnh (hypercorrection) mà phát âm hai chữ la ve thành [la zε]. Nhưng người Nam Bộ cũng không bao giờ phát âm như thế này vì, như đã nói, họ chỉ phát âm thành [ra jε] mà thôi. Vậy thì tại sao la bière lại được phiên âm thành la ve chứ không phải *la de?Sự thể là như sau: Trong khi người bình dân Nam Bộ phát âm chữ ''v'' thành [j] (sẽ tạm ghi bằng chữ quốc ngữ ''y'') thì người có ít nhiều học thức lại phát âm nó thành [bj] và xem đây là cách phát âm chuẩn. Vì vậy mà nếu những người trước phát âm vội vàng, vui vẻ, v.v… thành ''vội ỳang, ''yui yẻ", v.v., thì những người sau lại phát âm thành "byội byàng, "byui byẻ, v.v.. Thế mà người có học ở Nam Bộ có điều kiện để phiên âm một cách trung thành la biè(re) của tiếng Pháp thành ''la ve" mà họ phát âm thành la bye [la bjε], còn người bình dân thì la ve [la jε]. vậy cách phát âm thành [la vε] hay [la zε] của người Bắc hoàn toàn không đúng với cách nào trong Nam cả, nghĩa là không giống ai.Nói tóm lại thì tiếng Pháp (la) bière đã đem đến cho tiếng Việt hai hình thức vay mượn: bia ở ngoài Bắc và (la) ve ở trong Nam chứ không phải chỉ la ve mới có gốc Pháp còn bia thì gốc Anh như những người xịn tiếng Anh kia đã khẳng định. Bia là thứ thức uống chứa cồn, có vị đắng đặc trưng của húp lông (hoa bia), được người Pháp đưa vào Việt Nam. Nhà máy bia đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam năm 1890 (1892?). Đó là Brasserie de Hanoi (nay là nhà máy bia Hà Nội) ở làng Đại Yên do một người Pháp tên Hommel làm chủ. Để có đất xây nhà máy, Hommel đã phá cả một ngôi cổ tự là chùa Chân Giáo (được xây dựng từ năm 1024). Vào thời kỳ đầu, mỗi ngày ba mươi công nhân của Hommel chỉ sản xuất được 150 lít bia. Dân gian lấy tên ông chủ Hommel để gọi thứ thức uống mới là bia Ô MềnSau đó một viên hạ sĩ quan giải ngũ ở Sài Gòn tên Victor Larue hợp tác với Hommel thành lập công ty Brasseries et Glacières d'Indochine (viết tắt là B.G.I.), đặt văn phòng tại số 187 đại lộ Armand Rousseau Chợ Lớn. Năm 1909 bia Larue được đưa ra giới thiệu với người tiêu dùng và thành công rực rỡ.Người bình dân miền Nam trước 1975 ít dùng từ bia mà hay nói la ve / la de hơn. Sau khi đất nước thống nhất, từ la ve / la de gần như biến mất và được thay thế bằng bia trong mọi hoàn cảnh. Các từ ngữ mới đều được tạo từ bia (bia hơi, bia bốc, bia bọt, bia lên cơn, bia trắng, bia nâu, bia đen, bia vàng, bia ngọt, bia không cồn, bia ôm...).

Quark và tiếng quạ

Học giả An Chi   
Chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce.
Trong bài Số phận của những từ lạ, đăng trên Ngôn ngữ và đời sống số 6 (188)-2011, GS Nguyễn Đức Dân viết: “Một từ mới được đặt ra cho một khái niệm khoa học thường được dùng vĩnh viễn. Một nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại hạt cơ bản. Trong lúc loay hoay tìm tên đặt cho loại hạt này thì nghe tiếng quạ kêu. Ông bèn gọi hạt này là quark. Cái từ mô phỏng tiếng quạ kêu nghe lạ lẫm này trở thành một thuật ngữ được dùng luôn trong vật lý lượng tử”.

Ngôn ngữ khác, tiếng kêu khác

Thực ra, trước GS Dân đến hơn 21 năm, trên Kiến thức ngày nay xuân Canh Ngọ (1990), GS Nguyễn Chung Tú đã viết còn kỹ hơn: “Nhà vật lý Gell Mann, vào khoảng năm 1963, nhận thấy trong vật lý hạt nhân có đến hàng trăm hạt, hạt nào cũng được coi là cơ bản, nghĩa là không phân tích được. Ông cho thế là vô lý. Theo ông, chỉ có điện tử, quang tử chắc chắn là những hạt cơ bản. Còn proton họp bởi ba hạt, những hạt này mới thật là cơ bản. Neutron cũng họp bởi ba hạt, nhưng sắp xếp hơi khác. Meson họp bởi hai hạt. “Hạt cơ bản, mẫu số chung của các hạt, ta gọi là gì bây giờ?”. Gell Mann tự hỏi như vậy. Ông đang phân vân thì một đàn quạ bay trên trời và kêu “quaaa … quaaa …” ông reo lên: “Hạt cơ bản ta gọi là quark.” Đó là bản khai sinh của quark” (tr. 38-39).
Chúng tôi không biết có phải đây là câu chuyện do GS Tú nói trước, rồi GS Dân nói theo hay không. Nhưng có lẽ nó phải là chuyện xuất xứ từ Việt Nam thì quạ mới kêu “quaaa … quaaa” vì trong cái lĩnh vực “chụp ảnh” tiếng động của đồ vật hay tiếng kêu của động vật bằng tiếng người thì mỗi dân tộc một khác.
Ngay trong một dân tộc mà những tiếng “kêu” đó  có khi cũng còn khác nhau giữa các phương ngữ nữa là! Ở miền Nam Việt Nam thì vịt kêu “cạp cạp” nhưng ở miền Bắc là “cạc cạc”; ở miền Bắc thì chó sủa “gâu gâu” còn ở miền Nam là “uấu uấu”; con mèo trong Nam thì kêu “ngao ngao” nhưng ở ngoài Bắc thì lại là “meo meo” v.v.. Quạ mà kêu “quaaa  quaaa” hay “quark quark” là nghe theo cái tai của người Việt Nam, hoặc của riêng cá nhân, chứ đã là dân Huê Kỳ như Murray Gell-Mann thì phải nghe thành caw caw, không có âm đệm [w] (như trong tiếng Việt), mà cũng chẳng có [k] cuối!

Mòng hát, quạ kêu và người gọi bia

Thực ra thì chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce, câu “Three Quarks for Muster Mark”, ở đầu chương 4 của quyển 2. Đây là một câu do dàn đồng ca của chim biển hát và theo ghi chú của chính Joyce thì nó có nghĩa là “Ba tiếng hoan hô (hoặc ba lời chế giễu) dành cho ông Mark.” Đây là một trong 13 câu thơ thô tục châm chọc vua Mark, người chồng bị cắm sừng trong câu chuyện Tristan và Isolde. Bài thơ và phần văn xuôi tiếp theo chứa đựng nhiều tên chim và những từ gợi liên tưởng đến chim; riêng bài thơ là một lời châm chọc đối với ông vua bằng cách phát âm và giọng điệu phảng phất tiếng kêu của quạ. Chữ quark bắt nguồn từ động từ quark của tiếng Anh chuẩn mực, có nghĩa là kêu (để nói về quạ), cũng như từ động từ quawk của phương ngữ, có nghĩa là líu lo (như chim). Nhưng xin nhớ rắng đây là động từ chứ không phải từ tượng thanh (onomatopoeia). Đó là lý do đưa đến việc James Joyce chọn từ quark. Nhưng tại sao nó lại được Gell-Mann chọn làm tên gọi cho một nhóm hạt? Thì đây, trong quyển The Quark and the Jaguar (1994), Gell-Mann đã nói rõ: “Năm 1963, khi tôi đặt cái tên quark cho các thành phần cơ bản của hạt, thì trước hết tôi có cái âm mà không có cách viết; cái âm đó sẽ là “kwork”. Rồi trong một lần tình cờ đọc kỹ lại quyển Finnegans Wake của James Joyce, tôi bắt gặp từ “quark” trong câu “Three quarks for Muster Mark”. Vì lẽ “quark” (có nghĩa trước hết là tiếng kêu của mòng biển [gull]) rõ ràng được dụng ý cho hợp vần với Mark, cũng như với bark và những từ như thế (ở những câu tiếp theo - A.C.) nên tôi đã phải tìm một cái cớ mà đọc nó thành “kwork”.
Nhưng quyển sách lại thể hiện giấc mơ của một người chủ quán tên là Humphrey Chimpden Earwicker. Ngôn từ trong văn bản được lấy từ nhiều nguồn cùng một lúc, như những từ va li (portmanteau) trong Through the Looking-Glass (Xuyên qua tấm gương soi, của Lewis Carroll - A.C.). Thỉnh thoảng ở trong sách, lại xuất hiện những câu mang đặc tính của những lời gọi thức uống tại quầy rượu. Vì vậy tôi bèn lý sự rằng có lẽ là trong nhiều lần gọi thức uống đó thì câu “Three quarks for Muster Mark” có thể là “Three quarts for Mister Mark” (Ba vại cho ông Mark nào! - quart thực ra là một lít Anh). Trong trường hợp như thế, cách phát âm thành “kwork” không phải là không có lý do. Dù sao thì con số ba cũng ăn khớp một cách hoàn hảo với phương thức mà quark xuất hiện trong thiên nhiên”.
Thực ra thì  trước đó 16 năm, trong bức thư ngày 27-7-1978 gửi nhà biên tập Oxford English Dictionary, Gell-Mann cũng đã viết: “Sự liên tưởng đến ba quark có vẻ hoàn hảo” (thoạt kỳ thủy chỉ có ba quark hạt nguyên tử).
Trở lên là hành trình rối rắm và không kém phần lập dị từ chữ quark văn học của James Joyce đến chữ quark vật lý của Murray Gell-Mann. Với Joyce thì, theo phân tích, còn có một chút xíu bóng dáng của quạ chứ sang đến Gell-Man thì đó lại là mòng biển (gull) và những tiếng gọi… bia! Nhưng oái oăm hơn nữa là đến GS Nguyễn Chung Tú và GS Nguyễn Đức Dân thì nó chỉ còn là một con đường thẳng tuột: tiếng kêu của quạ! 
 Các nguyên lý căn bản trong sách Cơ sở hình học của Ơ-clít được chia làm hai loại. Một loại là những điều tự minh chi lý (自明之理), hiển nhiên là đúng, ai cũng phải công nhận. Loại kia gồm những nguyên lý không hiển nhiên, nhưng tác giả yêu cầu người đọc chấp nhận là đúng để có thể dựa vào đó mà làm việc tiếp. Peyrard (1804) dịch sát từng chữ của bản gốc, dùng từ notion commune để gọi các nguyên lý hiển nhiên đúng và dùng từ demande (nghĩa là yêu cầu) để gọi các nguyên lý mà yêu cầu công nhận là đúng. Bản tiếng Anh của Heibert (1883-1885) lần lượt gọi hai loại nguyên lý đó là common notion và postulate. 
Notion commune trong tiếng Pháp về sau được thay bằng axiome (tiếng Anh : axiom, tiếng Nga: аксиома), thuật ngữ mà nhà triết học A-ri-xtốt (Aristote / Aristotle) đã dùng để gọi các nguyên lý dùng làm cơ sở xuất phát cho mọi chứng minh khoa học. Postulate của tiếng Anh tương đương với postulat của tiếng Pháp và постулат của tiếng Nga, do tiếng La Tinh là postulatum nghĩa là (điều) yêu cầu.
Năm 1936, khi soạn từ điển Pháp Việt, Đào Duy Anh tham khảo các từ điển Pháp Hoa dịch axiome là định lý, không cần chứng giải mà ai cũng thừa nhận (Đào Duy Anh, 1950:124), postulat cũng là... định lý, định tắc (Đào Duy Anh, 1950:1343). Độ dăm năm sau đó, Hoàng Xuân Hãn cũng tham khảo các từ điển chữ Hán để dịch axiome là công lý (Hoàng Xuân Hãn, 1959:16) và postulat là định đề (Hoàng Xuân Hãn, 1959:141). Các từ điển xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 như Đào Đăng Vỹ (1960), Thanh Nghị (1967b), Ban Tu Thư Khai Trí (1971) đều theo thuật ngữ của Hoàng Xuân Hãn. 
Năm 1977 hai biên tập viên của nhà xuất bản Khoa Học Kỹ Thuật là Nguyễn Đình Đằng và Nguyễn Mạnh Hùng được phân công xây dựng bản thảo Từ điển toán học Nga Việt. Ban hiệu đính tập thuật ngữ này gồm những nhà toán học hàng đầu như Lê Văn Thiêm, Phan Đình Diệu, Trần Vinh Hiển, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tụy, Ngô Đạt Tứ. Tập thể biên soạn và hiệu đính chủ yếu dựa vào hai tập thuật ngữ mà họ đã chế tác và sử dụng trong thời gian chiến tranh: Danh từ toán học Nga-Việtdo Nguyễn Cảnh Toàn chủ biên, Hà Nội,1962 và Từ điển toán học Anh Việt do Phan Đức Chính chủ biên, Hà Nội, 1972. Trong tập thuật ngữ này аксиома được dịch là tiên đề (Nguyễn Đình Đằng et al. 1979:15) còn постулат là tiên đề, định đề (Nguyễn Đình Đằng et al., 1979:135). Do quy ước dấu phẩy dùng để ngăn cách thuật ngữ đồng nghĩa, ta hiểu постулат có thể dịch là tiên đề hay định đề đều được nhưng аксиома chỉ có thể là tiên đề thôi!
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2006:983) định nghĩa tiên đề là mệnh đề được thừa nhận mà không chứng minh, xem như là xuất phát điểm để xây dựng một lí thuyết toán học nào đó. Và định đề chính là tiên đề (Hoàng Phê, 2006:325). Cách chuyển chú như vậy có nghĩa là tiên đề và định đề là hai từ đồng nghĩa nhưng tiên đề phổ biến hơn định đề.
Trong tiếng Pháp đầu thế kỷ 20, axiome và postulat vẫn còn phân biệt rất rõ ở chỗ hiển nhiên hay không hiển nhiên đúng, nhưng dần dần sự phân biệt này cũng trở nên khó khăn và hai từ tự nhiên trở thành đồng nghĩa trong thực tế mà postulat ngày càng ít dùng. (On ne distingue plus de nos jours axiome et postulat; le mot postulat est de moins en moins employé`` (BOUVIER-GEORGEMath. 1979).

Thế nào là bị nhốp?

Nhốp, có khi viết là nhóp (Lê Ngọc Trụ, 1993:650), là cận thị (Nguyễn Như Ý, 1999:1258).
Gốc của nhốp là myope, có nghĩa là cận thị. Kính cận thị (lunettes de myopie) còn được gọi là kiếng nhốp.
Nguyễn Quảng Tuân (1992:280) cho gốc của nhốp là dioptrie. Nhưng dioptrie không có nghĩa là cận thị. Các tiệm kính thuốc phiên âm dioptrie thành đi-ốp, có khi chỉ đơn giản gọi là độ.
Vừa viễn vừa cận, chín đi-ốp cháu ạ. Huệ Ninh (2008:29)
Kính 9 đi-ốp là kính 9 độ.

Có phải là lỗi mo-rát không?

Nguyễn Như Ý (1999:1307) có mục từ ốp-ti-nan, cắt nghĩa là tối ưu, quy gốc là optinal, không biết của tiếng nào.
Đúng ra phải là ốp-ti-man, do tiếng Pháp là optimal (Lê Ngọc Trụ, 1993:671)

Cái tít là cái gì?

Từ điển hiện nay chỉ ghi nhận một nghĩa của tít gốc Pháp (titre) là đầu đề bài báo (Nguyễn Kim Thản, 2005:1617):
Tờ Thời Luận giật tít: “Chợ - một khâu yếu trong quản lí đô thị ở Lâm Du đã bị đột phá”. Nguyễn Bắc Sơn (2008:556)
Thời Lê Văn Đức (1970a:1395) tít có nghĩa là tựa, nhan đề. Theo đó thì một cụm từ như tít sách là hoàn toàn chấp nhận được:
Trên một “tít” sách cụ thể, vai trò biên tập có khi thuộc đối tác liên kết, có khi thuộc NXB. Lại Nguyên Ân, “Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất”, Tia Sáng, ngày 03-06-2008
“Hội sách Mùa thu 2013” giới thiệu khoảng 4000 tít sách với hơn 8000 bản sách, thuộc các thể loại: Chính trị, Văn hóa, Lịch sử, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Kinh tế, Tài chính, Ngoại ngữ, Kiến thức bách khoa, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục giới tính, Chăm sóc sức khỏe, Nữ công gia chánh, Nuôi dạy con, Mang thai và sinh nở, Hôn nhân và Gia đình, Tuổi teen, Thiếu nhi, v.v…Việt Anh , Mời bạn ghé qua Hội sách Mùa thu 2013, Hoa Học Trò, ngày 07-10-2013
Từ tít gốc Pháp còn một số nghĩa khác, không được ghi nhận trong từ điển:
-cái danh / cái mác:
Cái bằng kỹ sư của chàng nhỏ quá, so với cái "tít" đốc tờ của Cách. Nguyễn Ngọc Ngạn (1987n:409)
-giấy tờ tùy thân:
Luận tham gia địch vận, bị lộ, thoát ra vùng tự do ít lâu lại quay vào nội thành hoạt động bí mật với cái tít giả. Lê Văn Ba (2009:109)

Cạc là từ gốc Anh hay gốc Pháp?

Cạc trong cạc vẹt (thẻ chủ quyền xe) hay cạc vi dít chắc chắn là từ phiên âm tiếng Pháp (carte verte, carte de visite).
Khi  các chuyên viên tin học tiếp xúc với các thuật ngữ tiếng Anh sound card, graphic card, memory card, network interface card, họ dịch các thuật ngữ này là cạc âm thanh, cạc đồ họa, cạc nhớ , cạc mạng...). 
Trong trường hợp này có thể cho rằng cạc, với nghĩa là một thiết bị máy tính, là từ mượn âm tiếng Anh. Nhưng nếu nghĩ rằng các chuyên viên tin học đã dịch card tiếng Anh bằng một từ có sẵn trong tiếng Việt là cạc thì cũng có lý, mà cái từ có sẵn này vốn là gốc Pháp.
Ai biết (những) người dịch card tiếng Anh là cạc nghĩ gì trong đầu?

Úp là làm gì?

Úp là cách người Việt phát âm từ up của tiếng Anh (nước bảy úp là nước giải khát có ga Seven Up) và dùng với nghĩa là lên (Đi học nước ngoài vài năm về là úp). Người sử dụng Internet hay dùng úp / úp lốt (upload) với nghĩa là tải một tập tin lên mạng: úp lại (to re-upload).
Mượn úp được thì mượn đao được: đao / đao lốt phim (to download a movie), linh đao / đao lốt (download link)...

Síp là gì?

Síp là từ mượn tiếng Anh (ship, có nghĩa là gửi hàng): síp hàng miễn phí (free shipping), dịch vụ síp hàng, phí síp hàng (shipping fees)... 
Trong tất cả các ví dụ trên hoàn toàn có thể sử dụng từ gửi thay vì síp. Nhưng dùng síp mà không dùng gửi chính là có ý muốn lồng vào văn bản một dấu chỉ về căn cước của người viết/nói và thời đại của mình.

Một số ý kiến trên truyền thông tiếng Việt tại hải ngoại (lược bỏ những ý kiến mang tính hằn học) đăng trên Triều Thành Tuần Báo ở San José v.v để tham khảo.

Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỷ thuật hiện đại.

"Tháng một; tháng mười hai". Hiện nay ở Việt Nam trong trường học họ không dạy học sinh "tháng giêng" và "tháng chạp" nữa. Tháng giêng và tháng chạp là cách gọi rất Việt Nam . Lịch in ở Việt Nam ghi tháng một là tháng giêng củ. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn gọi tháng đầu năm âm lịch là "tháng giêng", tháng thứ 11 là "tháng (mười) một" và tháng cuối năm là "tháng chạp". Gọi là tháng chạp là do tháng cuối năm âm lịch có nhiều lễ, trong đó có lễ chạp. 
Ca dao đã có câu:
"Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà" 
Tháng thứ 11 âm lịch gọi là "tháng một" dễ lầm lẫn với tháng giêng, nên đã tạm bỏ. Nhưng gọi tháng January dương lịch là "tháng một" nghe không ổn, phải gọi là tháng giêng. Còn tháng December gọi là tháng mười hai, không có vấn đề. Nhưng họ có dạy cho học sinh tiểu học hiểu rằng muốn chỉ tháng thứ 12 trong năm âm lịch bắt buộc phải gọi là tháng chạp không? 
"Thứ nhất, thứ nhì". Từ xưa theo cách đếm số, chúng ta có con số thường (cardinal number) như 1.2.3.4 và số thứ tự (ordinal number) thứ nhất, thứ nhì. Hiện nay họ dường như không ưa dùng số thứ tự và gọi thứ nhì là thứ hai. Chỉ second; deuxième là "thứ hai" dễ lầm lẫn với "thứ hai" = Monday. Trên sách báo chỉ thấy viết: một là; hai là. Như thế chỉ riêng nước Việt Nam không cần đến số thứ tự (ordinal number) nữa sao ? 
"Trao đổi" = exchange = theo nghĩa của họ là nói chuyện, đối thoại, hội thoại. Cách dùng chịu ảnh hưởng nặng Tây phương. Trao đổi theo đúng nghĩa là đổi chác 'ông đưa cái giò, bà thò chai rượu. Họ chịu ảnh hưởng Tây phương quá nặng, vì trao đổi chỉ áp dụng cho hàng hóa (giao thương) hay con người. Thí dụ: 'Hai nước trao đổi lãnh sự, trao buôn bán, mậu dịch'. Kiều và Kim Trọng đã trao đổi quà tặng tình yêu cho nhau. Không bao giờ trao đổi lại có nghĩa là nói chuyện, đối thoại. Thí dụ sau đây cho thấy cách dùng sai lạc: 'Anh Phillippe Jamet đang trao đổi với một bé gái Việt Nam ...'. Trao đổi gì? Quà tặng gì? Trao đổi không bao giờ có nghĩa là converse, talk to, chỉ là exchange thôi. 

Những danh từ kỹ thuật mới: 

 Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật.  
Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Đức, tiếng Pháp) thì việc chuyển dịch trở nên tự nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu.  
Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một cách tự nhiên thôi.  
Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà.  
Ví dụ như ta Việt hóa chữ 'pomp' thành 'bơm' (bơm xe, bơm nước), chữ 'soup' thành 'xúp', chữ 'pharé thành 'đèn phá, chữ 'cycló thành 'xe xích lố, chữ 'manggis' (tiếng Mã Lai) thành 'quả măng cụt', chữ 'durian' thành 'quả sầu riêng', chữ 'bougié thành 'bu-gi, chữ 'manchon' thành 'đèn măng xông', chữ 'boulon' thành 'bù-long', chữ 'garé thành 'nhà gá, chữ 'savon' thành 'xà-bông'?  
Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam , như: 
Scanner dịch thành 'máy quét'. Trời ơi! 'máy quét' đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà!
COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỷ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.
Data Communication dịch là 'truyền dữ liệu' 
Digital camera dịch là 'máy ảnh kỹ thuật số' 
Database dịch là 'cơ sở dữ liệu. Những người Việt đã không biết database là gì thì càng không biết 'cơ sơ dữ liệu là gì luôn. 
Software dịch là 'phần mềm', hardware dịch là 'phần cứng' mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ 'hard' trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là 'kho, hay 'cứng', mà còn là 'vững chắc' ví dụ như trong chữ 'hard evident' (bằng chứng xác đáng). Chữ soft trong chữ 'soft benefit' (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là 'quyền lợi mềm' sao ? 
Network dịch là 'mạng mạch'. 
Cache memory dịch là 'truy cập nhanh'. 
Computer monitor dịch là 'màn hình' hay 'điều phối. 
VCR dịch là 'đầu máy. (Như vậy thì đuôi máy đâu ? Như vậy những thứ máy khác không có đầu ả). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì? 
Radio dịch là 'cái đài'. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay rađô, hơặc dịch là 'máy thu thanh'. Nay gọi là 'cái đài' vừa sai, vừa kỳ cục. Đài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được. 
Chanel gọi là 'kênh'. Trước đây để dịch chữ TV chanel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam, gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang! Ngoài ra, đối với chúng ta, Saigon luôn luôn là Saigon, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Saigon . Các xe đò vẫn ghi bên hông là 'Saigon - Nha Trang', 'Saigon - Cần Thớ trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Saigon. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một ... để gọi thành phố thân yêu của chúng mình?! Đi về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Saigon là Saigon, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Saigon không được dùng nữa. Tại sao ? 
Đây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất!  
Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước! 
Trước đây Phạm Quỳnh từng nói: 'Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn', bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. 
INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, tecgnologie là một kỷ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. 
*ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuất và ngôn ngữ.
Than ôi!


Chu Đậu



Nguồn tham khảo:
Tìm hiểu từ nguyên blog

Nối Vòng Tay Lớn by Rock Viet Bands (official MV)




Chất giọng của Trần Lập vẫn tuyệt vời, nghe là tim đập rộn ràng, nổi hết da gà da vịt lên, quá chất!

05 tháng 12 2011

Cao Hải Hà: Đổ vỡ ở thiên đường...

http://www.hacao.net/2011/12/o-vo-o-thien-uong.html
Gớm, khéo rững mỡ, phải chi đang sống trong túng bấn, cùng quẫn. Phải chi suốt đời bị đè đầu, cưỡi cổ bởi bè lũ độc tài thì hẳn có lý để làm cách mạng hoa nhài. Ở đây là thiên đường, đời sống cao ngất ngưởng lại được bao bọc bởi một chính quyền mà mở mồm ra là tự do, khép mồm lại là dân chủ. Ấy thế mà dân Mỹ vẫn một mực đứng lên, dứt khoát đứng lên biểu tình. Khổ thế cơ chứ!

Khổ nữa ở chỗ, dân xứ khác đứng lên không sao chứ dân Mỹ mà đứng lên thì dân xứ khác cũng nhao nhao đứng theo. Mới có chuyện hôm trước dân Mỹ đứng lên thì hôm sau dân Anh nổi dậy, rồi Úc cũng đâu chịu ngồi yên, Nhật cũng ham vui, rồi đến lượt Hàn Quốc cũng bỗng dưng phấn khởi…Rõ là, đang yên đang lành, đang giời quang mây tạnh chả muốn lại cứ muốn nổi lửa lên em. Đúng là cái lũ thân lừa ưa nặng.