13 tháng 5 2006

JONESTOWN LÀ CÁI GÌ?






Cái chết bí ẩn của 1.000 du khách tại Guyana (Kỳ 1)                                                     06/04/2005
Tại New York, mới đây đã ra đời một ban nhạc rock mang tên Jim Jones và tự sát. Điều này phản ánh một khuynh hướng mới trong âm nhạc là khơi dậy những vụ án lớn của thời đại. Câu chuyện Jonestown đã được công chúng Tây phương biết rất rõ qua các phương tiện thông tin đại chúng kể từ năm 1978. Nhưng điều bí ẩn mà nó ẩn chứa, sau 36 năm cho đến nay mới bị phơi bày ra ánh sáng phần nào. Một án mạng du lịch hy hữu mang màu sắc thần bí của các hoạt động tôn giáo mờ ám...
Hàng ngàn du khách bị lừa, chết phơi xác giữa rừng Jonestown
Một thủ lĩnh tôn giáo cuồng tín tại California cầm đầu nhóm đệ tử gồm nhiều sắc dân đi sâu vào rừng Guyana, Nam Mỹ để thành lập thiên đàng tại thế. Giáo phái này có tên Đền thờ của nhân dân - ĐTND, ra đời tại San Francisco, thu hút dân nghèo, những nhà hoạt động xã hội, dân da đen và Tây Ban Nha, cả già lẫn trẻ. Nhóm này từng bị báo chí tố giác đánh đập, bắt cóc, hiếp dâm người. Giáo chủ Jim Jones đã nhân cơ hội đó di dời cả tổ chức vào rừng sâu Trung Mỹ. Sự việc lôi kéo cả dân biểu Quốc hội Leo Ryan nhập cuộc đi theo họ đến tận Guyana...

Bị cô lập tại một phi đạo ở cảng Kaituma, Ryan và mấy nhà báo đi theo bị giết chết. Tiếp theo sau là đêm thức trắng, một vụ tự sát tập thể của cả thị trấn Jonestown. Cộng đồng này hầu hết là người da đen, bị đầu độc bằng cyanide tẩm trong ly giấy nhãn hiệu Kool-Aid. Họ nằm chết la liệt trên mặt đất: đàn ông, đàn bà, trẻ con. Chính Jones cũng bị bắn chết, có vẻ như tự sát. Trong mấy ngày số lượng người chết tăng vọt, từ 400 lên đến 1.000. Các xác chết được máy bay vận tải đưa về Hoa Kỳ hỏa thiêu hay chôn cất tập thể. Vụ án gây kinh hoàng cả thế giới.

Đệ tử của môn phái ĐTND - Larry Layton vẫn còn bị kết án mưu sát Ryan. Ông này vừa được tặng thưởng Huân chương danh dự, là dân biểu Quốc hội Mỹ đầu tiên chết khi thi hành công vụ.

Báo chí đăng tin trong ngày xảy ra thảm sát: Cái chết tại rừng Nam Mỹ; 400 người tự sát tập thể; 700 chạy trốn vào rừng. Cảnh sát Guyana tìm thấy 809 passport người lớn tại hiện trường và 300 trẻ em. Sau đó là nhiều con số không ăn khớp với nhau. Một tuần sau, chính phủ Hoa Kỳ xác nhận con số chính xác là 913 nhân mạng; 16 người sống sót về được đất Hoa Kỳ. Còn số phận của những kẻ khác? Ít nhất có 100 binh sĩ Guyana đến hiện trường đầu tiên khi sự việc đổ bể. Cùng lúc, gần đó khoảng 600 biệt kích Anh đang được huấn luyện. Chẳng bao lâu sau, quân mũ nồi xanh của Mỹ cũng có mặt. Chính sự hiện diện của các đội quân này đã tạo ra nhiều nghi vấn...

Bác sĩ Mootoo, nhà bệnh lý học cao cấp Guyane đã có mặt tại Jonestown chỉ mấy giờ sau vụ thảm sát. Ông đi theo đội quân đếm xác, không cần sự trợ giúp của các bác sĩ Hoa Kỳ. Trong lúc báo chí Mỹ la lên đây là “vụ tự sát Kool-Aid” thì bác sĩ Mootoo lại có quan điểm hoàn toàn khác biệt.

Chắc chắn có dấu hiệu bị đầu độc. Bác sĩ Mootoo tìm thấy những vết kim mới nằm phía dưới xương bả vai trái của 80-90% nạn nhân, số khác bị bắn chết hay thắt cổ,  người sống sót kể lại những kẻ chống đối đều bị quân vệ binh khống chế. Khẩu súng được xem là giết chết Jim Jones nằm cách xác ông ta đến 60m, không có vẻ gì là tự sát. Là một bác sĩ pháp y nổi tiếng, chứng cớ của Mootoo giao cho tòa án tối cao Guyana dẫn đến kết luận: tất cả bị giết chết bởi một “kẻ bí mật” ngoại trừ ba người. Và chỉ có hai người tự sát thật sự. Phát ngôn nhân quân đội Hoa Kỳ, trung tá Schuler nói: không cần phải khám nghiệm tử thi. Ở đây nguyên nhân cái chết không phải là vấn đề. Các bác sĩ pháp y Hoa Kỳ sau này tiến hành khám nghiệm ở Dover, thuộc bang Delaware, cũng chẳng bao giờ biết đến những điều phát hiện của bác sĩ Mootoo.

Cũng có chứng cớ chính phủ Guyana hợp sức với nhà cầm quyền Mỹ bao che câu chuyện thực, dù họ biết rất rõ. Điển hình là Tư lệnh cảnh sát Guyana, tướng Lloyd Barker nhiều lần can thiệp vào cuộc điều tra đã đem về cho chính phủ 2,5 triệu USD. Trong số những người đến hiện trường đầu tiên có vợ Thủ tướng Guyana Forbes Burnham và Phó thủ tướng Ptolemey Reid. Họ từ bãi thảm sát quay về với gần 1 triệu đôla, nữ trang, vàng lấy từ  trong các ngôi nhà trọ và xác chết. Khi bà Bộ trưởng thông tin Guyana - Shirley Field Ridley công bố số xác chết thay đổi, gây chấn động quốc hội lại từ chối trả lời những câu chất vấn sau đó. Nhiều dân biểu khác đã tố giác Ridley và chính phủ Burnham. Báo chí gọi đó là vụ Templegate. Tất cả đều tố giác họ đã gây ra tội ác ghê tởm.

Đáng kể nhất là chính phủ Hoa Kỳ đã mang đến 16 chiếc máy bay vận tải khổng lồ C-131, nhưng lại nói mỗi chiếc chỉ chở được 36 quan tài. Bình thường chúng có thể chở được xe tăng, xe tải, quân đội và cả súng đạn cùng lúc. Trong chiến tranh Việt Nam, chúng từng chở được mỗi chiếc mấy trăm xác lính Mỹ chết. Thế nhưng phải mất đến một tuần lễ mới chở hết các nạn nhân Jonestown. Các xác chết bị thời tiết oi bức làm thối rữa, chẳng thể nào nhận diện được nữa. Có lúc xác 183 người được nhồi nhét trong 82 quan tài. Mặc dù chính phủ Guyana đã nhận diện được 174 tử thi tại hiện trường, nhưng ở nhà xác tập thể của quân đội Hoa Kỳ tại Dover, người ta chỉ xác nhận lý lịch được 17 người. Nhiều xác chết phải thiêu tại chỗ, cách xa gia đình nạn nhân hàng ngàn dặm. Báo chí bị cô lập, gia đình không thể tiếp cận. Tháng 12 năm đó, Chủ tịch hiệp hội bác sĩ pháp y Hoa Kỳ trong một bức thư công khai đã tố giác quân đội Hoa Kỳ tiến hành khám nghiệm tử thi cẩu thả. Cách thức lột da đầu ngón tay nạn nhân mang về Mỹ để nhận dạng lý lịch là không có giá trị pháp lý.

Sự chậm trễ cố tình đã làm cho hiện trường không thể tái lập được. Các bác sĩ quân đội lại không hề hay biết những phát hiện của  Mootoo. Quân đội và cảnh sát Guyana đến cùng với quan chức Tòa đại sứ Mỹ Richard Dwyer cũng không bảo vệ nổi dân biểu Leo Ryan cùng những người đi theo ông, dù họ ở rất gần phi trường cảng Kaituma với súng ống đầy đủ. Mặc dù Larry Layton, thành viên của giáo phái ĐTND bị kết án sát hại Ryan, Patricia Park, kẻ phản giáo và các nhà báo Greg Robinson, Don Harris, Bob Brown nhưng anh ta không ở vào vị trí có thể bắn chết được họ. Chiếc máy bay hai động cơ Otter chở Ryan vì quá chật nên anh ta phải đi trên một chiếc khác. Khi ngồi trong đó, anh ta đã rút súng ra bắn bị thương hai đệ tử ĐTND trước khi bị tước vũ khí. Một số khác rõ ràng bị giết bởi những kẻ vũ trang, nhảy xuống từ một chiếc xe kéo rờ-moóc tại hiện trường sau khi súng nổ. Nhân chứng kể lại: bọn chúng giống như thây ma, bước đi như robot, không hồn “nhìn xuyên qua người chứ không nhìn vào mặt” khi hạ thủ. Chỉ có một vài người bị giết chết. Rõ ràng chúng có chủ đích từ trước. Một vài người bị thương như phụ tá Jackie Speiers nhưng chúng không bắn bồi tiếp sau khi biết chắc Ryan và các nhà báo đã chết. Bọn người này chẳng bao giờ bị tố giác, có lẽ là thuộc hạ của Layton và không nằm trong đống xác chết ở Jonestown.

Những người còn sống sót  kể lại: trong số các đệ tử của Jones có một nhóm đặc biệt được phép mang vũ khí và tiền bạc, đi lại tự do trong trại. Chúng đều dân da trắng và hầu hết là đàn ông. Ăn ngon và làm việc ít hơn kẻ khác, chúng là bọn vũ trang để duy trì kỷ luật, kiểm soát lao động và hạn chế đi lại. Trong số đó có những kẻ thân tín nhất với Jones như  George Phillip Blakey. Blakey thường xuyên đến George-town, Guyana bằng chiếc tàu biển mang tên Cudjoe. Hắn ở trên tàu khi vụ thảm sát diễn ra. Bọn bảo vệ vũ trang này không ai bị giết cả. Nhiều tên được huấn luyện để giết người giống như các “xác chết”  đã tấn công Ryan. Một số tên đã từng là lính đánh thuê tại Phi châu và nhiều nơi khác. Những kẻ bị giết 90% là phụ nữ và 80% da đen.  Không chắc bọn người vũ trang súng ống và cung tên theo kiểu hiện đại kiểm soát được tình thế và đầu độc được tất cả nạn nhân. Dường như chúng ép được khoảng 400 người chích thuốc độc khiến cho 500 người khác tháo chạy tán loạn. Một kẻ sống sót kể lại còn nghe rõ tiếng hoan hô sau khi xảy ra trận thảm sát chừng 45 phút. Dù chính phủ tố giác bọn này là thủ phạm nhưng không chắc chúng là chủ mưu và cũng không ai biết rõ được tung tích chúng.

Quay trở về California, các thành viên của giáo phái ĐTND công khai thú nhận mình sẽ là mục tiêu kế tiếp của các “biệt đội hành quyết” và họ được cảnh sát địa phương bảo vệ an ninh cẩn mật. Những kẻ cùng đi với Leo Ryan đến phi trường cảng Kaituma còn sống sót khi nhìn thấy Larry Layton leo lên xe tải khi bị còng đều la lên: Hắn không thuộc nhóm của chúng tôi. Dư luận xì xào đến “danh sách phải trừ khử” của chính phủ, và một số người còn cáo giác điều đó trước Tòa án San Francisco. Hãng tin AP vào ngày 19-5-1979 dẫn lời một dân biểu quốc hội nói: Có 120 tên sát thủ da trắng bị tẩy não, xuất phát từ Jonestown đang chờ lệnh để tấn công vào các mục tiêu kế tiếp!

Một số người sống sót như Mark Lane và Charles Garry, luật gia của giáo phái ĐTND vẫn phải trốn tránh truy sát. Jeannie và Al Mills dự định viết một quyển sách về Jones đã bị trói và bắn chết tại nhà. Thanh tra Dan White chứng minh có mối liên can giữa vụ thảm sát Jonestown và những kẻ ám sát thị trưởng Moscone và Harvey Milk. Một người sống sót khác bị kẻ lạ mặt bắn chết gần nhà mình ở Detroit. 

JIM JONES LÀ AI?Để hiểu được những sự kiện kỳ lạ bao quanh vụ án Jonestown, chúng ta phải bắt đầu từ người khởi xướng. Jim Jones lớn lên tại Lynn, thuộc miền Nam bang Indiana, Hoa Kỳ. Bố ông ta là một thành viên tích cực của Đảng Ku Klux Klan vốn đang bành trướng rất mạnh trong vùng. Lúc bé, Jim có những cá tính kỳ lạ hơn người: chỉ thích đọc Kinh thánh và làm những nghi thức tôn giáo. Anh ta kết thân với Dan Mitrione, điều mà dân địa phương ai ai cũng biết. Đầu thập niên 1950, anh ta theo học một trường dòng thuộc Kytô giáo ở Indianapolis. Trong thời gian này Jim cưới vợ tên là Marceline và hành nghề mua bán khỉ cho phòng thí nghiệm trường Đại học quốc gia Indiana tại Bloomington.

Chuyên truyền bá Thánh kinh và biểu diễn những sô thần bí tại thành phố Richmond, Indiana; ông bạn Mitrone vốn là cảnh sát trưởng luôn che chở cho những trò ma giáo lừa gạt của bạn mình. Jim thường dùng gan gà để làm chứng cớ “ung thư” mà anh ta lấy ra từ trong bụng của bệnh nhân nhờ vào phép thuật “siêu nhiên” của mình. Bà chủ nhà trọ gọi anh ta là “tên cướp dùng Kinh thánh thay cho khẩu súng”! Những đệ tử trung thành đi theo Jim đến giờ phút chót có Charles Berkman, lính mũ nồi xanh. Gã này bị kết tội giết một số tín đồ phái ĐTND tại Georgetown, sau vụ tàn sát ở Jonestown.

Dan Mitrone, bạn của Jones, gia nhập vào trường Cảnh sát quốc tế do CIA tài trợ, được huấn luyện kỹ thuật trấn áp nổi loạn và tra tấn từ khắp thế giới. Jones vốn là một tay thuyết giáo nghèo kiết xác, lang thang khắp nơi, bất ngờ có một số tiền lớn vào năm 1961 sau chuyến đi giảng đạo ở Brazil và di chuyển cả gia đình đến đây.  Lúc này ông ta nhận Beikman và 8 đệ tử khác cả da đen lẫn da trắng. Hàng xóm ở Brazil xem gã này là một tay khoác lác. Gã tự xưng mình làm tình báo của Hải quân Hoa Kỳ. Nhà cửa, xe cộ và đồ dùng đều do Tòa đại sứ Mỹ cung cấp! Đứa con lớn Stephan kể lại bố mình thường xuyên đến tổng hành dinh CIA tại Belo Horizonte, Brazil. Một cố vấn cảnh sát Mỹ thân cận với CIA cũng có mặt, đó là Dan Mitrone. Mitrone được thăng cấp rất nhanh, luôn bận rộn huấn luyện cho cảnh sát ngoại quốc kỹ thuật ám sát và tra tấn. Sau đó ông ta bị quân du kích Uruguay thuộc tổ chức Tupermaro bắt, thẩm vấn và giết chết. Đạo diễn Costa Gravas đã làm một bộ phim về cái chết này mang tựa đề Vây hãm. Jones quay trở lại Hoa Kỳ năm 1963 với 10.000USD trong túi. Những bài báo mới đây nói đến việc các linh mục Kytô giáo nhận tiền tài trợ của CIA tại Brazil. Có lẽ Jim là một trong những trường hợp đó.

Với tiền bạc rủng rỉnh trong túi, Jones đến California và thành lập cơ sở đầu tiên của giáo phái Đền thờ nhân dân tại Ukiah, California năm 1965. Được chó bảo vệ, tháp canh, hào sâu và hàng rào điện, Jim dựng lên  Nhà nghỉ hạnh phúc. Dù không được cấp giấy phép, ông ta cũng lôi kéo được một số người đến cư ngụ: những người già cả, tù nhân mới được thả ra, bệnh nhân tâm thần và 150 đứa con nuôi! Tại đây Jim tiếp xúc với các thừa sai Kytô giáo thuộc nhóm Worl Vision, đã từng hoạt động tình báo cho CIA tại Đông Nam Á và kết thân với Walter Heady, thủ lĩnh giáo phái John Birch tại địa phương. Huy động “giáo chúng” của mình bỏ phiếu tín nhiệm Richard Nixon, Jim rất thân thiết với Đảng Cộng hòa. Ông ta còn được đề cử làm Chủ tịch cử tri đoàn tại địa phương.

Được mệnh danh là “đấng cứu thế từ Ukiah”, Jim tuyển mộ thêm Timothy Stoen, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Stanford và vợ là Grace. Lúc đó gia đình Layton, Terri Buford, George Phillip Blakey và nhiều thành viên quan trọng khác cũng gia nhập giáo phái. “Bác sĩ” của trại Larry Schacht khoe Jones đã chữa mình khỏi nghiện ma túy và đưa đi học trường Y khoa, không chỉ có trẻ lang thang bụi đời.  Bố của Buford là chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân Philadelphia nhiều năm liền. George Blakey cưới Debbie Layton, thuộc một gia đình giàu có tại Anh quốc. Anh ta chi 60.000USD để thuê 1.080ha đất tại Guyana cho giáo phái hoạt động vào năm 1974. Lisa Philips Layton là con một chủ ngân hàng ở Hamburg, Đức quốc. Hầu hết những kẻ vây quanh Jones đều thuộc gia đình giàu có, trí thức, nhiều người còn có quan hệ với quân đội và cơ quan tình báo. Đó là những người có thể mở ra các trương mục ngân hàng, những hoạt động pháp lý phức tạp và khả năng tài chính đủ sức khống chế con người dưới trướng của đền thờ.

Stoen có thể giúp cho Jim có những tiếp xúc quan trọng trong vai trò Phó công tố viên San Fancisco. Jones huy động đệ tử của mình ủng hộ thị trưởng Moscone đắc cử. Đổi lại năm 1976, ông ta đề cử Jones phụ trách Ủy ban nhà đất thành phố. Hơn nữa Jones còn có tay chân tại Sở an sinh xã hội nên tuyển mộ được rất nhiều đệ tử trong giới thất nghiệp và vô sản. Những nhân vật đầy thế lực như Roslyn Carter và Angela Davis cũng là thành viên của giáo phái ĐTND.

Khi Jones thành lập giáo phái Đền thờ cũng là thời kỳ chấm dứt một thập niên chính trị quan trọng. Cuộc thắng cử của tổng thống Nixon mở ra giai đoạn rình rập, đối phó với dân chúng đang sôi sục phong trào chống chiến tranh, đấu tranh cho dân quyền và công bằng xã hội. Những ngôn từ như  Cointelpro, hỗn loạn, âm mưu Operation Garden, kế hoạch Houston... xuất hiện sau các tiết lộ của Watergate. Thượng nghị sĩ Ervin gọi những kế hoạch của Nhà Trắng chống lại phe đối lập là phát xít.  Những chiến dịch này liên can đến giới lãnh đạo quân sự, tình báo, cảnh sát cao cấp nhất nhằm bôi nhọ, phá thối, hủy diệt các phong trào chống đối của quần chúng lan nhanh trong suốt thập niên 1960. Có những bằng chứng cho thấy các kế hoạch này đã dẫn đến vụ sát hại mục sư Martin Luther King và Malcolm X, những “đấng cứu thế da đen” không thể nào chịu đựng nổi.

Một kiến trúc sư dưới trướng của Thống đốc Reagan tại California bây giờ trở thành Bộ trưởng tư pháp Edwin Meese, ông ta bố trí “âm mưu Operation Garden” phối hợp tình báo quân sự, dân sự và cảnh sát trong thời kỳ mà sự vi phạm nhân quyền và hiến pháp phổ biến tràn lan như bệnh dịch hạch. Người ta còn nhớ vụ tấn công công viên Nhân Dân của cảnh sát, giết hại nhiều người hoạt động trong nhóm Báo Đen, xâm nhập vào phong trào Diễn đàn tự do và Phản chiến, những thí nghiệm quái đản trên tù nhân ở Vacaville, hay vụ bắn chết George Jackson. Meese từng khoe khoang là mình đã tiêu diệt được bọn “làm cách mạng”. Chính trong bối cảnh đó, Jones xuất hiện như một thủ lĩnh tôn giáo có trọng lượng.

Sau khi đến Ukiah, Jones đã biến thành một cái gai nhọn trong con mắt những nhà điều tra. Các vệ sĩ của ông ta mặc đồng phục đen và mang giày boốt-da. Cách thức làm việc của Jones  cũng làm cho người khác phải sợ hãi. Những xấp giấy trắng mà ông ta ký tên khống được phân phát cho đệ tử  để làm bản thú nhận tội lỗi đã được chúng biến thành... thư trấn lột tiền bạc hay hăm dọa người khác. Thế nhưng bọn này cũng chẳng kiếm chác được bao nhiêu, mà phải giao gần hết của trấn lột được cho thủ lĩnh: từ những đồng tiền còm cõi cho đến những văn tự đất đai. Hoạt động mafia này được tố giác thường xuyên với nhà cầm quyền, nhưng chẳng có ai giải quyết dứt điểm được. Rõ ràng ông ta có được sự bao che của cảnh sát địa phương. Mấy năm sau những lá đơn tố cáo hiếp dâm cũng được gởi tới tấp. Kỳ lạ là chúng bị biến mất như không có chuyện gì xảy ra.

Những kẻ tìm cách bỏ đi bị ngăn chặn và trấn áp. Nhà báo Kathy Hunter viết trên báo của thành phố Ukiah về  “7 cái chết bí ẩn” của các giáo đồ đã từng gây gổ với Jones và tìm cách bỏ đi. Một người trong số đó là Maxine Swaney. Jones công khai nói với những người còn lại: kẻ nào phản giáo sẽ bị số phận tương tự. Kathy Hunter sau đó cố tìm cách đến Jonestown, nhưng cô ta đã bị các vệ sĩ  Đền thờ lừa đánh thuốc mê và trục xuất về Georgetown.
(Xem tiếp kỳ sau)
ĐINH CÔNG THÀNH
-----------------------------------------------------------------------------

Cái chết bí ẩn của 1.000 du khách tại Guyanna! (Kỳ 2)
Mô hình này được lập lại tại San Francisco. Hơn nữa Jones còn buộc các giáo đồ của mình diễn tập nghi thức Đêm thức trắng. Đó là... tự sát tập thể để khỏi bị rơi vào tay kẻ thù. Dù đền thờ mới không có bảo vệ và hào sâu chung quanh, nhưng ít kẻ thoát được và tất cả đều phải cúng hết tài sản của mình cho Jones. Họ bị lừa vào một cộng đồng chỉ thuyết giáo về tình yêu, nhưng lại sống trong hận thù đến tận xương tủy. 
Giáo chủ Jim Jones (bên phải) và Thủ tướng Grenada Eric Gairy tại San Francisco
Theo một bài báo đăng trên tạp chí New West, Jones rất hung dữ và nghi thức luyện tập tự sát diễn ra liên tục. Những tố giác xuất hiện trên báo càng lúc càng nhiều, lan đến tận tai Quốc hội Mỹ. Sam Houston, một bạn thân của Leo Ryan tố giác với ông về sự mất tích của con trai mình sau khi gia nhập giáo phái Đền Thờ. Rồi Timothy và Grace Stoen lại cáo giác con trai mình bị giam cầm khi chung sống với Jones, mong ông điều tra dùm sự việc. Bất chấp ngăn cản của bạn bè và người thân, Leo Ryan lập ra một nhóm, quy tụ nhiều nhà báo đi đến Guyana để tìm hiểu sự thật. Có người cho rằng chuyến đi này đã bị theo dõi chặt chẽ để giết chết ông. Có người lại nói sự xuất hiện bất ngờ của ông tại Jonestown  khiến chúng phải ra tay để bịt đầu mối. Dù thế nào, nó cũng đánh dấu sự kết thúc cuộc đời của cả Ryan lẫn Jones.

Có lần, để chứng minh quyền năng bí hiểm của mình, Jones đã “gài mánh” để bị bắn ngay tim mà không chết giữa một cuộc đại hội. Bị kéo vào phòng kín, mình đầy máu me, thế nhưng chỉ một lúc sau ông ta tái xuất hiện... khỏe re như “bò kéo xe”! Chính chiêu pháp dùng để thu phục tín đồ này lại dẫn đến cái chết thực sự cho Jim Jones. Vì nhiều lý do bí ẩn, Jones thường sử dụng người khác giả dạng mình. Chuyện này rất hiếm với một lãnh tụ tôn giáo, nhưng lại quá bình thường với một điệp viên.
Ngay cả cái chết và nhận diện được Jones cũng là điều khác thường. Ông ta có vẻ như bị một ai đó trong trại bắn chết. Ảnh xác chết không thấy có vết xâm trên ngực. Xác và mặt khó nhận ra bởi sưng phù lên và mất màu. FBI báo cáo đã kiểm tra dấu vân tay hai lần, một hành động vô ích vì phải có độ chính xác rất cao. Một phương pháp khác là kiểm tra răng. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cho rằng xác chết đó không phải là Jones. Dù cho người này là giả mạo, cũng không có nghĩa là Jones còn sống. Ông ta có thể bị giết trước đó từ lâu rồi.

JONESTOWN LÀ CÁI GÌ ? 
Tạp chí Esquire kể rằng Jones đi tìm một nơi trên Trái đất có thể sống sót trong chiến tranh hạt nhân. Lý do thật sự để ông ta có mặt tại Brazil, California và Guyana vẫn còn bí ẩn. Có lúc Jones muốn lập nghiệp tại Gredana và đã từng mời Thủ tướng nước này, Ngài Eric Gairy, đến thăm Đền Thờ tại San Francisco. Năm 1977 ông ta đầu tư 200.000 USD tại Ngân hàng Quốc gia Grenada để lót đường, và 76.000USD vẫn còn trong đó sau vụ thảm sát.  Cuối cùng khu vực Ridge Matthew tại Guyana là thích hợp nhất. Nó vốn là khu khai thác quặng bauxite và manganese của công ty Union Carbide. Jones sử dụng khu cầu cảng bỏ hoang của họ. Trước đó nữa, đây là một trong 7 địa điểm dự định tái định cư cho người Do Thái sau thế chiến 2. Những kế hoạch đưa người vào rừng để khai thác giá nhân công rẻ mạt đã có từ năm 1919. Quặng mỏ ở đây thuộc loại phong phú nhất thế giới bao gồm manganese, kim cương, vàng, bauxite và uranium. Thủ tướng Forbes Burnham đã tham gia vào âm mưu đưa người da đen tại Anh Quốc về đây làm việc, nhưng thất bại hoàn toàn, giống như nhiều lần trước đây.

Khu vực này được thuê và nhiều thành viên giáo phái đã đến trước để chuẩn bị di dời cả... giáo hội! Họ hợp tác với Burnham và Tòa đại sứ Mỹ. Cuộc di dân đến “thiên đường” này diễn ra thật quái đản. Bị nhồi nhét cứng ngắc trong xe buýt tại San Francisco, họ được đưa đến Florida. Từ đây, máy bay của hãng Pan America đưa đến Guyana. Khi tới phi trường, người da đen được chọn riêng ra, trói lại và bịt miệng. Bộ mặt lừa đảo đã hiện nguyên hình. Người da đen bị cô lập chặt chẽ đến mức hàng xóm ở cách 5 dặm không hề biết họ có mặt ở Jonestown. Đại biểu duy nhất xuất hiện tại Guyana là dân da trắng.

Theo những người sống sót kể lại: họ bị bóc lột  sức lao động tàn bạo. Phải làm việc từ 16-18 giờ/ ngày, ăn uống thất thường. Họ còn phải thức dậy lúc nửa đêm để nghe Jones thuyết giáo. Đe dọa, trấn áp, hiếp dâm diễn ra thường xuyên. Bác sĩ của trại, tiến sĩ Lawrence Schacht nổi tiếng với trò mổ xẻ không gây mê! Ma túy được phân phát mỗi ngày. Kẻ vi phạm kỷ luật hay phản bội bị hành hạ thê thảm: kéo lê lết, chôn dưới hầm sâu, đánh đập, hiếp dâm công khai và nhục mạ. Đánh đập và chửi bới là chuyện thường tình. Chỉ có đội bảo vệ là được đối xử như con người và nuôi ăn tử tế. Kẻ bị thương nặng được mang ra ngoài, nhưng chẳng có ai trở lại. Cuộc sống ở Jonestown tương tự như trại giam Auschwitz của Hitler. Chính phủ Guyana đã có ý tưởng xây dựng Viện Bảo tàng giống như Auschwitz tại đây, nhưng bất thành.

Đến lúc này Jones đã vơ vét được một tài sản khổng lồ. Báo chí ước tính trong khoảng 26 triệu đến 2 tỉ dollar gồm: trương mục ngân hàng, đầu tư ra nước ngoài và bất động sản. Các trương mục mang tên những kẻ thân tín. Phần lớn số tiền này biến mất một cách bí ẩn sau vụ thảm sát. 199 thành viên giáo phái được hưởng lương 65.000 USD/tháng do chính tay Jones ký. Có chứng cớ cho thấy Blakey và một số giáo đồ khác gây quỹ cho Đền thờ bằng tiền buôn lậu vũ khí và ma túy. Charles Garry đã từng nói: Jones và băng đảng của ông ta “ngồi trên đống vàng”. Bản đồ phân bố quặng mỏ tại Guyana cho thấy ông ta có lý.

Muốn hiểu được vụ án này, chúng ta phải gác bỏ huyền thoại đây là một cộng đồng tôn giáo. Jonestown là một thí điểm, một phần của chương trình kéo dài 30 năm gọi là MK-ULTRA, mật mã dùng để gọi kế hoạch “kiểm soát trí tuệ” của CIA và tình báo quân đội Hoa Kỳ. Một báo cáo của thượng nghị sĩ Ervin năm 1974 tựa đề Quyền cá nhân và vai trò của chính phủ trong việc thay đổi thái độ cho thấy các cơ quan này đang nhắm đến một vài sắc dân để kiểm soát trí tuệ cá nhân và cộng đồng của họ. Dân da đen, phụ nữ, tù nhân, người già, trẻ con và kẻ mắc bệnh tâm thần được tuyển chọn như là nhóm có khả năng “bạo động dữ dội”. Lúc đó tại California có các kế hoạch thành lập Trung tâm nghiên cứu và triệt tiêu bạo động, triển khai công trình kinh dị của các tiến sĩ José Delgado, Mark, Edwin, Jolly West, chuyên gia cấy ghép, giải phẫu tâm lý và thuốc an thần. Những vật thí nghiệm được lấy ra từ các “sắc dân chọn lọc”. Họ được cô lập tại một căn cứ quân sự ở California. Vào thời điểm này, Jones di chuyển giáo phái của mình đến Jonestown. Họ đúng là những kẻ được chọn để làm thí nghiệm.

Những ghi chú tỉ mỉ về liều lượng thuốc sử dụng hàng ngày của Larry Schacht biến mất. Nhưng chứng cớ còn. Câu chuyện MK-ULTRA và các chương trình tiếp theo như MK-DELTA, ARTICHOKE, BLUEBIRD... là tổng hợp thuốc, ma túy, điện giật và hành hạ đánh đập để làm phương tiện kiểm soát trí tuệ con người. Kết quả muốn đạt được là: gây hôn mê tạm hay thường xuyên, tự nguyện thú tội, tạo ra nhân cách thứ nhì để đi giết người rồi sau đó... tự sát ! Một mục tiêu nữa là kiểm soát khối quần chúng, đặc biệt để khai thác sức lao động rẻ mạt. Tiến sĩ Delgado đã từng nói trước Quốc hội rằng: Hy vọng tương lai, kỹ thuật sẽ cho phép kiểm soát công nhân trên công trường và binh sĩ trên chiến trường bằng tín hiệu điện tử từ xa. Thật là khó hiểu, tại sao người ta không đồng ý gắn điện cực trong óc để làm cho mình vừa hạnh phúc vừa có sức sáng tạo?

Tại hiện trường, quân đội Guyana phát hiện một số lượng lớn ma túy, đủ để toàn bộ dân thị trấn Georgetown trên 200.000 người sử dụng trên một năm! Theo những người còn sống sót, chúng chỉ được dùng để “kiểm soát” khoảng 1.100 con người. Trong một cái tủ có chứa 11.000 liều thorazine, loại thuốc an thần nguy hiểm. Rất nhiều loại thuốc khác cũng được tìm thấy như sodium pentathol (nói sự thật), chloral hydrate (thôi miên), demerol, thalium (thú nhận suy nghĩ của mình) và nhiều loại khác nữa. Ức chế tinh thần và cô lập nạn nhân là đặc trưng của kỹ thuật tẩy não. Thuốc uống và những kiểu hành hạ đặc biệt làm tăng thêm sự kinh hoàng. Nó được lý giải rõ ràng bằng những tấm thẻ bài gắn trên xác nạn nhân và tại sao chúng phải được gỡ đi để phi tang. Nó cũng lý giải sự việc khám nghiệm tử thi bị cản trở bằng mọi giá, bởi vì dấu vết của thuốc sẽ tìm thấy trong máu.
Câu chuyện Jonestown là một thí nghiệm kinh hoàng, không phải thiên đàng của một giáo phái hoang tưởng. Trước ngày thảm sát, Thủ tướng Forbes Burnham đã gia nhập Hiệp hội Doanh nhân sống theo Phúc Ââm, trong đó có cả Lionel Luckhoo, luật sư của Đền Thờ tại Guyana. Nhóm này xuất phát từ California, đã từng tuyển mộ nhà độc tài Guatemala Rios Montt trước khi giết chết ông ta và đã từng tiếp xúc với Jim Jones tại Ukiah. Họ thường xuyên làm lễ cầu kinh buổi sáng cho Tổng thống Reagan tại Tòa Bạch Ốc. Khi Leo Ryan mò đến  Jonestown, bức màn bí mật bị vén lên. Trong một cố gắng tuyệt vọng với kỹ thuật tẩy não của mình, các thủ lĩnh Jonestown  dàn dựng một cuộc tự sát tập thể.

Rõ ràng, chuyện này đã dẫn đến nổi loạn. Phần lớn người bỏ trốn, không biết rằng mình đang lọt vào ổ phục kích.

MỘT TRONG VÔ SỐ JONESTOWN!  
Tác giả Don Freed, phụ tá của Mark
Hiện trường khi chính phủ Guyana đến
Lane nói rằng : Marthin Luther King nếu nhìn thấy Jonestown, ông sẽ nói còn một, hai, ba, bốn... Jonestown và nhiều hơn nữa. Kỳ lạ là sau vụ thảm sát, vị trí Jonestown xuất hiện trên bản đồ của các tờ báo lớn lại... không giống nhau! Có lẽ có rất nhiều trại và Leo Ryan chỉ được nhìn thấy có một. Dù sao, những người sống sót từ Jonestown và những trại tương tự đã xuất hiện từ rất nhiều nơi.

Ngay tại Guyana, cách thành phố Matthews Ridge về phía nam chừng 25 dặm có một cộng đồng tôn giáo gọi là Hilltown, lấy theo tên của thủ lĩnh tôn giáo Rabbi  (thầy tu Do Thái) Hill. Hilltown được sáng lập cùng thời với Jonestown do David Hill, một tội phạm đào tẩu ở Cleverland! Hắn cai trị 8.000 dân da đen gốc Guyana và Mỹ bằng “bàn tay sắt”. Họ tin mình là một bộ tộc Israel bị thất lạc và là dân Do Thái chính tông mà Kinh thánh tiên tri. Là quân cận vệ của Thủ tướng Burnham, giáo chúng Hilltown đã dọn sạch bãi chiến trường Jonestown: giày dép và vũ khí còn sót lại, vốn rất hiếm tại Guyana. Hill đã từng khoe khoang: đệ tử  có thể vui vẻ tự sát theo mệnh lệnh của mình. Khác với Jones, hắn không chết.

Những trại tương tự còn có mặt ở Philippines. Nổi tiếng nhất là trại tra tấn theo kiểu phát xít tại Chilê có tên là Colonia Dignidad. Giáo phái này từ  Đức đến Chilê vào năm 1961. Được bảo vệ cẩn mật bằng cảnh sát DINA của Chilê, Colonia Dignidad là nơi tra tấn các nhà chính trị đối lập. Giống như con quái vật Jonestown, nơi đây có bầy chó săn chuyên tấn công hạ bộ nạn nhân. Nó còn có chuyên gia chặt đầu người Michael Townley Welch, một điệp viên CIA. Trại này đã được những tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã như bác sĩ thần chết Josef Mengele và Martin Bormann đến viếng. Còn một trại khác ở Pisagua, Chilê. Thành viên ĐTND Jeannie Mills, nay đã chết, kể rằng chính mình đã nhìn thấy những cuốn phim tra tấn tại Chilê khi sống ở Jonestown.

Thời kỳ đó Jonestown là nơi dự định “tái định cư” cho 100.000 người Lào Hmong. Nhiều người trong số này đã từng trồng thuốc phiện bán cho CIA tại Đông Nam Á. Họ sống dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Hội Thừa sai Wheaton, xuất phát từ Illinois. Cũng có những kế hoạch tương tự nhằm đưa người da đen sống trong các thành phố tại Hoa Kỳ sang Jamaica và các nước khác thuộc Thế giới thứ ba. Một Jonestown khác nổ tung chỉ là vấn đề thời gian.

MỐI QUAN HỆ VỚI TÌNH BÁO MỸ
Câu chuyện dài này ẩn giấu mối quan hệ với tình báo Mỹ, do tình bạn lâu năm giữa Jones và điệp viên CIA Dan Mitrone.

Năm 1950, ngay giữa lúc Chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ kinh ngạc khi thấy binh sĩ của mình bị Bắc Hàn cầm tù đã thay đổi tư tưởng đến mức sẵn sàng chạy sang hàng ngũ kẻ thù. Bằng cách nào có thể thay đổi tư tưởng của các sĩ quan Mỹ, vốn xuất thân từ những học viện quân sự lừng danh? Trả lời câu hỏi này đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của giám đốc CIA lúc đó: Allen Dulles. Ông không quên những cuộc tẩy não của Moscow trong thập niên 1930, trong đó các đảng viên cao cấp dám thú nhận những tội ác mà mình chưa bao giờ phạm. Các phiên tòa đã diễn ra tại Đông Âu mà Allen Dulles rất quen thuộc, khiến ông ta quyết tâm tìm cho ra sự thật. CIA tin rằng, để đạt kết quả như vậy, người Nga đã dùng đến ma túy và thôi miên. Họ cũng biết được tại trại tập trung Dachau, các bác sĩ Đức Quốc xã đã từng thí nghiệm thuốc gây ảo giác mescaline để buộc tù nhân cung khai những điều bí mật thầm kín nhất của mình. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Dulles, một nhóm chuyên gia mũi nhọn được thành lập, áp dụng các biện pháp hỏi cung đặc biệt để đánh giá phương pháp của người Nga. Trên danh nghĩa chính thức, chương trình này có tên là Chim Xanh - Bluebird, với mục tiêu: hiểu và tái lập phương pháp của Liên Xô và tìm cách... qua mặt họ!

Tháng 7-1950, CIA gửi các bác sĩ đến Tokyo để hỏi cung 4 người Nhật bị tình nghi làm việc cho Liên Xô. Họ chích cho mỗi tù binh một liều sodium amytal, loại thuốc an thần cực mạnh, và một mũi benzédrine, thuốc kích thích. Báo cáo cuộc hỏi cung rất khích lệ. Thử nghiệm một lần nữa trên tù binh Bắc Hàn tại Seoul lại thất bại: dù rất say xỉn, chẳng có người nào chấp nhận... từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản!

Năm 1952, dự án Chim xanh được cải biên thành Artichaut, một dược thảo mà Allen Dulles rất thích, nằm dưới sự điều khiển của Ban tham mưu dịch vụ kỹ thuật - TSS. Họ tuyển mộ các bác sĩ dám bất chấp đạo đức và con người thử nghiệm! Đó là những tên tội phạm, điệp viên nhị trùng bị phát hiện, dân da màu... Tóm lại, những con người mà nếu có chết cũng không ai thương tiếc! Theo ngôn ngữ đặc biệt của CIA, họ được gọi là chất liệu hy sinh CLHS - matériel sacrifiable. Nhưng mặc cho rất nhiều thí nghiệm, bí mật kỹ thuật tẩy não của Cộng sản vẫn còn nguyên! Dulles vẫn đinh ninh đó là ma túy loại nặng, nên ông ta đã chở cả một chiếc máy bay đầy thuốc LSD đến TSS để làm thí nghiệm trên chính nhân viên của mình. Người ta lén trộn nó trong cà phê, rượu và cả thức ăn! Kết quả rất kinh ngạc. Họ bắt đầu phi thân giữa các bức tường trong sào huyệt bí mật của CIA ở Washington. Một ông bác sĩ của TSS bất ngờ hét lên: muốn nhảy xuống sông Potomac. Và người ta chỉ kịp thời nắm lưng ông ta ngay trên bờ sông. Nhưng nếu tác dụng của LSD làm cho con người mất khả năng kiểm soát mình, cũng không thể nào làm thay đổi thái độ của hắn được. Dulles hạ quyết tâm phải làm lại mọi thí nghiệm mà người cộng sản đã từng làm. Muốn vậy, phải có cả một bệnh viện riêng. Giáo sư Donald Ewen Cameron, một nhà tâm lý học hàng đầu của Bắc Mỹ, cũng là bạn thân của Giám đốc CIA đã hiến bệnh viện tâm thần Allan Memorial Hospital tại Montréal, Canada với tất cả bệnh nhân trong đó cho... Allen Dulles làm thí nghiệm!

Nhưng 4 năm sau, 1957, trong khi CIA chi tiêu những số tiền khổng lồ cho các thí nghiệm, kết quả vẫn là con số zêrô to tướng. Dù sao tiến sĩ Cameron vẫn cho thấy còn nhiều tia hy vọng, nhưng với nguy cơ có thể gây tử vong. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Dulles đồng ý. Một phần của khu bệnh viện Allan Memorial được khoanh vùng cô lập. Trong một căn phòng mà chỉ có bác sĩ và y tá phụ trách mới được đến gần, người ta cho tiến hành điện giật nhiều lần, chích ma túy cực nặng và thuốc gây mê trên những bệnh nhân được nhét vào hai lỗ tai ống nghe chỉ lập lại có một vài từ trong suốt 16 giờ liền! Cho đến năm 1961, người ta đã bắt hàng ngàn bệnh nhân phải bị điện giật đến 60.000 lần! Bệnh viện nằm dưới sự điều khiển của một gã bác sĩ điên, nhận tiền tài trợ của một cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới, chẳng khác gì các phòng thí nghiệm của Đức Quốc xã...

Tháng 9-1961, John Alex McCone lên làm giám đốc CIA và tức tốc triệu tập 2 nhà tâm lý học đến để đánh giá công trình của tiến sĩ Cameron. Sau đó ông ta bị cắt hết tiền tài trợ, khủng hoảng tâm lý nặng nề và phải từ chức. Người kế tiếp, bác sĩ Cleghorn, đóng cửa tức khắc các phòng thí nghiệm. Nhưng sau đó một thời gian ngắn, một phòng thí nghiệm khác được tái lập trên đất Mỹ, và chỉ dùng khỉ làm vật thí nghiệm thay cho con người. Chiến dịch được đổi tên một lần nữa là Phục hồi và còn sản sinh ra nhiều hệ phái quái đản khác.

Mệnh lệnh trực tiếp che giấu vụ án đến từ giới chức cao cấp nhất trong Chính phủ Mỹ. Zbigniew Brezezinsky ủy thác cho Robert Pastor. Ông này ra lệnh cho trung tá Gordon Sumner lột hết lý lịch các xác chết. Pastor sau đó trở thành Phó giám đốc CIA.
KẾT LUẬN
Bây giờ người ta mô tả vụ án Jonestown như là một âm mưu diệt chủng người da đen. Joyce Shaw, một chức sắc cao cấp của giáo phái ĐTND gọi đó là “một kiểu thí nghiệm khủng khiếp của Chính phủ, một cách thức phân biệt sắc tộc bệnh hoạn, một âm mưu giống như  Đức Quốc xã, nhằm tiêu diệt người da đen”. Bọn người giết chết nhóm Leo Ryan chẳng bao giờ phải đền tội. Phiên tòa xét xử Larry Layton tổ chức láo lếu tại Guyana. Vụ án bị nhận chìm trong im lặng. Bọn giết người ở Jonestown vẫn sống phây phây ngoài vòng pháp luật. Có lẽ chúng còn đang bận “đánh thuê” ở Phi châu hay Trung Mỹ. Joe Holsinger, một bạn thân và trợ lý của Leo Ryan, điều tra vụ án này trong suốt hai mươi năm và đi đến kết luận: những người này bị giết chết, có chứng cớ của thí nghiệm tẩy não tập thể, có sự tham gia của các quan chức tình báo quân sự và dân sự cao cấp. Nhưng muốn đưa bọn người này ra trước tòa án, họ phải có một số tiền khổng lồ để chuẩn bị. Cuối cùng, vì gia đình các nạn nhân không thể gom góp đủ kinh phí, vụ án phải đành tạm thời bỏ qua!

Thảm kịch Jonestown thực sự không phải như đã xảy ra, nhưng có quá ít người tự tìm hiểu: tại sao và bằng cách nào? Quá ít người tìm hiểu sự thực phía sau những lời giải thích dối trá về cái chết đồng loạt của hơn 900 con người. Và sẽ còn rất nhiều người cố tình bịt mắt làm ngơ trước những tội ác của các cơ quan tình báo. Với thời gian, sự thực sẽ phô bày ra tất cả. Chỉ có sự đồng lõa của chúng ta với kẻ lừa đảo mới tiếp tục làm nhục người chết...
ĐINH CÔNG THÀNH /CA Tp.HCM

Phóng sự về vụ việc thảm khốc này trên National Geographic (chương trình Seconds from Disaster) cho biết chỉ có 2 người còn sống sót - theo như lời kể của những nhân chứng này, thì hơn 909 người đã cùng tự tử tập thể bằng cách uống rượu nho có pha thuốc độc (1/3 là trẻ em bị buộc uống trước, sau đó là người lớn). Jim Jones - người chủ giáo phái, cũng tự sát bằng súng lục. Khẩu hiệu của họ lúc đó là "Nếu chúng ta không thể sống trong yên bình, thì chúng ta sẽ ra đi trong bình yên"

Vụ tự sát tập thể khủng khiếp ở Jonestown năm 1978

Giành Lại Jonestown

Di tích của Ðền Hội Chúng Jim Jones nằm sâu trong rừng rậm Ghi-nê cách cửa khẩu Kaituma 5 dậm. Ðây là nơi vào năm 1978, hơn 900 người đã chết trong một cuộc thảm sát và tự sát tập thể tệ hại nhất của một nhóm tà giáo trong lịch sử hiện đại. Bây giờ di tích này lọt trong diện tích 4 triệu mẫu rừng thuộc vùng qui hoạch dành cho những công ty khai thác lâm sản Mã Lai và Ðại Hàn.

Từng đám ruồi bu quanh những cây hạnh nhân và cây bánh mì do đám môn đệ của Jim Jones trồng. Những chiếc máy cày rỉ sét, một nhà máy xay bột cũ kỹ và những trục sứ cách điện nằm ngổn ngang trên vùng đất đầy cỏ dại. Cái mái vòm đã xụp đổ từ lâu, bị tháo gỡ lấy sắt và gỗ. Ðây cũng chính là nơi từng để cái chậu lớn đựng nước bưởi có pha chất độc thạch tín (cyanide) cho đám người cuồng tín uống. Ngày nay ở đó có một bụi gai lớn mà người ta bảo rằng trước kia cũng là nơi để cái “ngai” Jim Jones ngồi, bên cạnh đó là chiếc đàn piano hư mục.

Làng Jonestown đã biến mất trong rừng rậm, đem theo nó những bài học quan trọng về hiểm họa vô cùng kinh khủng của niềm tin mù quáng. Gerald Gouveia là một cảnh vệ người Ghi-nê cũng là một phi công tư từng lái máy bay chở Jim Jones ra vào lãnh địa này mong bảo tồn Jonestown như một khu di tích cho ngành du lịch, nói rằng, “Những chuyện như thế vẫn thường tái diễn luôn. Chúng ta cần giữ Jonestown như là một chứng tích sống.”

Cuối tháng Ba 1997, 39 thành viên của nhóm tà giáo Heaven’s Gate (Cổng Thiên Ðàng) tại California cũng đã tự sát tập thể, và tất cả đã chết tại San Diego, bảo rằng họ trút bỏ thân xác trần gian để linh hồn có thể bay lên đáp một phi thuyền không gian mà lãnh tụ nhóm này bảo rằng sẽ đi theo sao chổi Hale-Bopp. Các nhà nghiên cứu về tà giáo tin rằng những hiện tượng đại loại như trên sẽ cứ còn tái diễn.
Những gì Jonestown để lại là một bằng chứng cho thấy những thảm kịch như vậy sẽ phải bị xét xử.

Jim Jones sinh năm 1931, từng học ở Trường Kinh Thánh Ngũ Tuần ở Springfield, Missouri. Năm 1953 Jim thành lập một tà phái lấy tên là Ðền Hội Chúng. Khởi đầu tà phái này phát triển nhanh chóng vì đặc tính cuồng nhiệt của phái ân tứ và hoạt động hướng về đối tượng là những thành phần da đen, nghèo khổ sống trong các vùng ngoại ô. Năm 1965 nhóm này chuyển về Ukiah, California rồi lên San Francisco năm 1971. Sau đó nhiều việc bị phanh phui do các thành viên đào thoát kết hợp với các cuộc điều tra của giới truyền thông về các hành vi vô luân cũng như nhũng lạm tài chánh của lãnh tụ Jim Jones, anh ta đã di chuyển toàn thể tổ chức sang Guyana, thành lập một cộng đồng làm nông theo tổ chức xã hội, không phân biệt chủng tộc. Jim Jones tự coi mình là Ðấng Cứu Thế, nắm được sự tùng phục tuyệt đối của hầu hết tín đồ. Vào ngày 18 tháng 11, 1978, hơn 900 người đã theo lệnh của Jim Jones mà họ gọi là “cha”, uống thuốc độc và tất cả đã ngã chết trong lãnh địa này giữa rừng rậm Ghi-nê.

Sự việc diễn biến như sau.
Những tín đồ của Jim Jones được bảo rằng quân đội Ghi-nê dưới sự chỉ huy của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ đang tiến đến Jonestown để thiến hoạn, tra tấn và bắn giết cho nên tất cả người lớn, đàn ông, đàn bà và trẻ con, hầu hết là người Mỹ và một số nhỏ các sắc tộc khác đã làm theo cách họ đã diễn tập nhiều lần, đó là uống một ly nước bưởi ngọt theo lệnh của Jim Jones. Nhưng lần này thuốc độc trong những thùng nước bưởi có thật. Một máy ghi âm được mở sẵn, ghi lại mọi diễn tiến với những tiếng kêu hấp hối cũng như tiếng súng và tiếng kêu của những người trúng đạn khi cố gắng chạy thoát thân.

Từ năm 1974, một tu sĩ cao tuổi dòng Tên, Linh Mục Andrew Morrison, đã bắt đầu ngờ vực có những chuyện không hay trong cộng đồng Jonestown trong dịp Jim Jones xin phép được dùng một nhà thờ Công Giáo trong vùng để diễn giảng về nông nghiệp. Nhưng thay vì diễn giảng, lãnh tụ Jones, tự coi mình là Chúa Giê-xu hóa thân, lại biểu diễn chữa bệnh bằng phép lạ trước một cử tọa đông nghẹt. Jones dùng những bộ phận của súc vật đầy máu me quấn trong bông gòn mà Jones bảo rằng đó là những bướu ung thư lấy từ trong cơ thể các bệnh nhân.
Kinh khủng trước sự việc bịp bợm này, Linh Mục Morrison bắt đầu điều tra.

Trong những năm kế tiếp, khởi sự có những báo cáo từ những người bỏ ngũ, cho biết tình trạng đối xử tàn tệ trong cộng đồng Jonestown. Những đồ đệ thiếu ăn bị buộc làm việc cực nhọc suốt ngày ngoài nương rẫy. Tất cả những biểu hiện tiêu cực của đồ đệ đều bị đám thuộc hạ tai mắt báo cáo cho Jones và tên này thẳng đánh đập, nhục mạ những kẻ dám lên tiếng chống đối. Ðã có những người bị đem chôn sống trong các thùng gỗ dưới đất.

Ðám đồ đệ cho biết trốn trại khỏi Jonestown là chuyện hầu như không thể thực hiện được. Jones cho lính gác ngày đêm tuần tra cổng ra vào. Giấy thông hành và tiền bạc của tất cả các đồ đệ đều bị tịch thu, thư từ gửi về gia đình bị Jones kiểm duyệt, trong khi Georgetown là thủ đô của Guyana cách xa đến gần 200 km, ngăn cách bởi rừng già dầy đặc.

Vào tháng Mười Một, 1978, nghị sĩ Mỹ Leo Ryan, một số phóng viên và thân nhân các đồ đệ của Jim Jones đến Guyana để tìm hiểu về những cáo buộc bạo hành, áp bức trong trại Jonestown. Jones ra lệnh cấm họ không được đến, nhưng Leo Ryan, là một nghị sĩ tiểu bang California cứ đi. Sau khi đi thăm quanh một vòng doanh trại ông hỏi nếu có ai muốn có thể theo ông rời khỏi nơi này. Mười hai người bước ra quyết định trở về.

Linh Mục Morrison nhớ lại giây phút đó, bảo rằng, “đối với Jim Jones, đây là dấu hiệu mọi sự đã mất. Jim Jones không thể chịu nổi, và không thể chấp nhận tình huống đó.”
Khi phái đoàn nghị sĩ Ryan rời lãnh địa, Jim Jones cử một toán sĩ quan có vũ trang đuổi theo trên một chiếc máy kéo tới phi đạo ở cảng Kaituma. Năm người bị bắn chết, trong đó có nghị sĩ Ryan. Những người khác sống sót là do giả chết hoặc trốn vào rừng.

Tối hôm đó, ở Jonestown, Jim Jones tập trung tất cả đồ đệ lại lần cuối.
Binh sĩ Ghi-nê được phái tới điều tra vụ mưu sát ở phi đạo, đêm hôm sau đã có mặt tại Jonestown. Vào đến nơi họ vấp phải nhiều chướng ngại vật ở xung quanh và cả trung tâm Jonestown, hóa ra đó chính là những xác chết của nhóm tà giáo này, trong đó có cả Jim Jones.

Sáng hôm sau Linh Mục Morrison biết tin này qua đài phát thanh. Ông đã hoàn toàn đúng khi nghĩ về Jim Jones từ nhiều năm trước. Ông cũng như bao nhiêu người Ghi-nê khác đều coi vụ Jonestown này là một nỗi sỉ nhục quốc tế.

Cho đến nay hầu như không ai lưu ý đến chuyện bảo toàn khu trại kinh khủng đầy tiếng xấu này. Cách đây nhiều năm một hàng rào đã được dựng lên bao quanh khu trại, nhưng đã bị những người hôi của gỡ lấy hết. Rất ít du khách đến đây ngoại trừ những người đi tìm kho tàng, nghe đồn rằng Jim Jones và đồ đệ có chỗ chôn giấu vàng bạc ở dưới đường hầm bê-tông.
Phi công Gouveia, người có dịch vụ chuyên chở máy bay hy vọng sẽ thay đổi được tình huống này và đưa được nhiều du khách tới Jonestown. Anh nói, “Chỗ này rất quan trọng và nổi tiếng hơn cả Guyana, với một ý nghĩa lịch sử rất sâu sắc. Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể dùng Jonestown như một bài học đắt giá cần ghi nhớ. Khi chúng ta dấu diếm những sự việc này với giới trẻ thì khuynh hướng tự nhiên là nó sẽ tiếp tục xảy ra.”

(Theo Chicago Tribune October 5, 1997)
Bài học chúng ta rút ra từ thảm kịch đã xảy ra 26 năm trước tại Jonestown, Guyana là gì? Tà giáo không phải chỉ là giáo lý sai lạc, nhưng luôn luôn gắn liền với một con người gian ác, lệch lạc nhưng có cá tính rất mạnh, có thể lôi kéo, cuốn hút người khác theo mình một cách mù quáng, với một ma lực không thể giải thích bằng lý trí được. Những người theo các tà giáo không phải chỉ là giới thất học, bình dân, nhưng có một tỉ lệ khá lớn những người trí thức, có nghề nghiệp chuyên môn vững chắc, và tất nhiên, lúc nào cũng có một số đông tín nữ nhẹ dạ. Cái hấp lực tinh thần bí mật kia ở đâu mà có thể khiến nhiều người sợ hãi, tùng phục đến nỗi bằng lòng đi vào chỗ chết?

Nguyên Ðình


Giải mã bí ẩn vụ 918 người tự sát tập thể tại Jonestown

Cao Anh Lâm, Theo About
ANTĐ - Diễn ra vào ngày 18-11-1978, vụ tự sát tập thể này đã gây ra cái chết của 918 người. Đây cũng được xem là thảm họa khủng khiếp nhất do con người gây ra tại Mỹ cho đến trước khi sự kiện 11-9 xảy ra. 
Vụ Jonestown cũng gây ra cái chết của một nghị sĩ quốc hội Mỹ, trong khi ông này đang thi hành nhiệm vụ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho gần 1.000 con người có thể hành động mù quáng đến như vậy?

Đền Hội Chúng - Nơi khởi đầu của thảm kịch

Đền Hội Chúng được Jim Jones xây dựng năm 1956 với mục đích chiêu mộ và giúp đỡ những người nghèo khó, đặc biệt là người da đen. Ban đầu, đền được xây dựng tại Indianna, sau đó chuyển tới California vào năm 1966. Lý tưởng của Jones là xây dựng một cộng đồng hòa hợp, mọi người cùng nhau làm việc và cùng hưởng lợi ích chung. Ông đã có thể thành lập tổ chức tại California nhưng không dừng lại ở đó, Jones muốn “phủ sóng” giáo phái của mình ra bên ngoài nước Mỹ, lúc đó, mọi quyền lực trong giáo phái sẽ thuộc về Jones và thoát khỏi sự can thiệp của chính phủ Mỹ.


Giáo chủ Jim Jones

Năm 1973, Jones tìm được một vùng đất hẻo lánh tại Guyana (Nam Mỹ) đáp ứng nhu cầu mở rộng giáo phái của mình. Ông thuê đất của chính phủ Guyana và thuê các công nhân dọn rừng để lấy mặt bằng. Vì việc vận chuyển vật liệu khá khó khăn nên việc xây dựng cũng diễn ra khá chậm. Cho đến đầu năm 1977, mới chỉ có 50 người sống trong Đền Jonestown tại Guyana, trong khi Jones tiếp tục phát triển giáo phái ở Mỹ. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Jones nhận được tin rằng cuộc phỏng vấn các thành viên cũ đào thoát khỏi giáo phái sắp được đăng tải, trong đó chứa nhiều cáo buộc về những hành vi vô luân và lạm phát tài chính của Jones. Đêm trước khi bài báo được in, Jones cùng vài trăm giáo đồ của Đền Hội Chúng đã bay đến Guyana và chuyển vào khu đền Jonestown trong rừng sâu.

Rối loạn tại Jonestown

Jonestown lẽ ra phải là thiên đường với các giáo đồ, tuy nhiên, khi tới đây họ mới gặp phải hàng loạt vấn đề như: không có đủ chỗ cho tất cả mọi người, các cabin chỉ có giường tầng và luôn quá tải, hơn nữa, các cabin được phân chia theo giới tính nên các cặp vợ chồng buộc phải sống tách nhau. Và nhiệt độ cũng như độ ẩm ngột ngạt tại Jonestown làm các giáo đồ trở nên ốm yếu. Trong khi đó, họ bị bắt phải làm việc nhiều giờ dưới cái nắng gắt, có khi lên tới 11h/ngày. Jones cho mắc các loa ở khắp khu đền để thuyết giảng suốt ngày đêm. Sau một ngày làm việc kiệt sức, các giáo đồ vẫn phải cố hết sức mới ngủ được vì màn tra tấn của “Đấng cứu thế” Jones.

Mặc dù có những người thích sống tại Jonestown nhưng cũng có không ít người nuôi ý định đào thoát. Tuy nhiên, khu đền được bao quanh bởi rừng rậm và có nhân viên vũ trang bảo vệ nên những giáo đồ muốn ra ngoài phải được phép của Jones, thế nhưng hắn không muốn ai bước ra khỏi thế giới của hắn. 

Chuyến thăm của Nghị sĩ Ryan và cuộc tấn công tại sân bay

Nghị sĩ Mỹ Leon Ryan đến từ San Mateo, California đã nhận được các báo cáo về những sự việc đang diễn ra tại Jonestown. Ông quyết định đến đó cùng với cố vấn của mình, đoàn làm phim của hãng NBC và những người thân của các giáo đồ của Đền Hội Chúng để tìm hiểu sự thật về Jonestown.

Ban đầu, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Tuy nhiên, vào một buổi tối, trong khi các thành viên trong đoàn đang dùng bữa và khiêu vũ trong hội trường, một giáo đồ đã bí mật chuyển cho 1 nhân viên đài NBC một mẩu giấy có ghi tên của những thành viên muốn rời khỏi Jonestown. Ngày hôm sau, Ryan tuyên bố sẽ đưa tất cả những thành viên muốn rời giáo phái trở lại Mỹ, nhưng các giáo đồ vì e sợ thái độ của Jones nên chỉ rất ít người chấp thuận.


918 người đã chết trong vụ tự sát tập thể diễn ra ngày 18-11-1978

Vào ngày Ryan ra về, những giáo đồ muốn rời khỏi giáo phái được sắp xếp ngồi trong một xe tải với những người trong đoàn của ông. Ryan để cho xe đi trước vì ông muốn đảm bảo rằng mình không bỏ sót những người muốn thoát khỏi giáo phái. Đúng lúc đó, một thành viên của giáo phái đã tấn công ông. May mắn là tên này đã không thể ám sát Ryan.

Nhận thấy nguy hiểm, Ryan lập tức lên xe tải (lúc đó chưa đi xa) rời khỏi Jonestown. Chiếc xe đưa đoàn đến sân bay an toàn, tuy nhiên, máy bay vẫn chưa sẵn sàng cất cánh khi họ tới. Trong khi chờ đợi, một chiếc xe thùng đột nhiên tiến tới, từ trong xe là những thành viên của giáo phái đang xả đạn liên hồi vào nhóm của Ryan. 5 người đã tử vong, trong đó có Ryan và rất nhiều người khác đã bị thương nặng. Cuộc đào thoát tại sân bay đã thất bại.

Cuộc tự sát tại Jonestown - kết cục bi thảm

Quay trở lại Jonestown, Jim Jones ra lệnh cho mọi người xếp hàng tại hội trường. Hắn tỏ ra rất hoảng loạn và bị kích động. Jones nói với các giáo đồ rằng nhóm của Ryan đã bị tấn công tại sân bay và Jonestown không còn an toàn nữa, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ về vụ ám sát Ryan.

Hắn nói: “Khi quân đội tới đây, chúng sẽ bắn chết những đứa trẻ vô tội của chúng ta” và nói với các giáo đồ rằng, cách duy nhất để thoát khỏi sự truy cứu là tự tử - cái mà hắn gọi là “hành động mang tính cách mạng”. Một phụ nữ đã lên tiếng phản đối nhưng trước lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của “Đấng cứu thế” rằng không còn lựa chọn nào khác, tiếng nói của cô đã bị đám đông áp đảo.

Khi nhận được tin Ryan đã chết, Jones càng thúc ép các giáo đồ phải tự sát tập thể, hắn nói với họ rằng “Nếu chúng tới đây, chúng sẽ tra tấn các con của chúng ta, các giáo đồ của chúng ta. Không thể để chuyện đó xảy ra được". Và hắn lệnh mang các ấm lớn chứa thuốc độc Xyanua được trộn trong vị nho ra giữa hội trường. Đồng thời cũng để Valium-một loại thuốc chống căng thẳng ở lối vào hội trường.

Jones đã ra lệnh bơm các xi-lanh thuốc độc cho trẻ em đầu tiên, tiếp đó là các bà mẹ, cuối cùng là những thành viên khác trong giáo phái. Nếu ai phản đối sẽ bị những tên vệ sỹ cầm súng và cung tên đe dọa. Thời gian trung bình gây tử vong cho mỗi người là vào khoảng 5 phút. Chỉ trong ngày 18-11-1978, đã có tới 912 người chết do thuốc độc, trong đó có 276 trẻ em. Jones cũng chết do súng lục, nhưng không rõ là do tự sát hay bị bắn.

Tổng số người chết đã lên đến 918 người, cả ở sân bay và trong khu đền Jonestown. Chỉ có một nhóm người sống sót bằng cách chạy trốn vào rừng hoặc ẩn nấp đâu đó trong khu đền. 

Cuộc thảm sát là một minh chứng cho sức ảnh hưởng lớn của các giáo phái tới con người trong xã hội. Những thế lực tinh thần đôi khi còn mạnh hơn cả lý trí, con người sẵn sàng vì lý tưởng tinh thần mà đi vào chỗ chết.



19 tháng 1 2006

Hoàng Sa, thông tin từ Mỹ, VNCH và TQ


Trích Tuyên bố 3 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoa miền Nam Việt Nam ngày 26/4/1974 tại Hội nghị Hiệp thương La Cellesaint Clou - Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa")

Hoàng Sa năm 1974: những thông tin từ phía Mỹ

(do Thềm Sơn Hà sư tầm và lược dịch, đăng trên www.hqvnch.net)

TRUNG CỘNG ĐỔ BỘ TẤN CÔNG QUẦN ĐẢO HOÀNG SA THÁNG 1 NĂM 1974

Lời mở đầu

Tài liệu này do Bộ Lục Quân Hoa Kỳ, Văn Phòng Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Đặc Trách Tình Báo đúc kết và phổ biến vào tháng 12 năm 1974.

Tài liệu dựa trên báo cáo của ông Gerald E.Kosh phối hợp với các tin tình báo đã được Hoa Kỳ thu thập được trong khoảng vài tháng trước ngày Trung Cộng cưởng chiếm Hoàng Sa.

Người dịch thân kính gởi lời cám ơn đến niên trưởng Nguyễn Hải (K10/SQHQ/NT) đã ưu ái góp ý và tu sửa cũng như cám ơn nhiệt tình của đệ nhị Hải sư Bùi Văn Tẩu (K17) đã đến tận Thư viện Lục quân Hoa Kỳ để lấy ra tài liệu này.

Thềm Sơn Hà

I. Lời Giới Thiệu

Bài tường trình này nêu lên những điểm chính yếu của cuộc hành quân tấn công đổ bộ vào ngày 20 tháng 1 năm 1974 bởi lực lượng Trung Cộng (TC) lên 2 đảo nhỏ do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phòng thủ trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Phần đầu của bản báo cáo trình bày những quan sát trong cuộc hành quân rất là tường tận của một nhân chứng duy nhất đầy đủ khả năng.

Phần thứ nhì định giá vài khía cạnh chính yếu của nguồn tin, đối chiếu lại các dử kiện Hoa Kỳ sẳn có và đưa ra những nhận định tổng quát về sự hiệu quả của lực lượng TC tham dự vào cuộc hành quân.

1) Nguồn gốc:

Gerald E.Kosh là viên chức Hoa Kỳ liên lạc với Vùng Chiến Thuật trực thuộc cơ quan DAO Saigon, chính ông đã quan sát cuộc đổ bộ của TC lên đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, ông đã bị bắt trên đảo Hoàng Sa vào ngày 20 tháng 1 năm 1974. Ông Kosh là cựu Sĩ quan Bộ binh, đã phục vụ 2 năm ở Việt Nam, tại đây Ông đã học được rất nhiều kinh nghiệm tác chiến khi chỉ huy toán thám sát. Ông đã qua các khóa huấn luyện về Lực lượng Đặc biệt, Nhảy dù và Biệt động quân, thêm vào đó là kinh nghiệm chiến trường, sự quen thuộc với các loại vũ khí cở nhỏ của TC và sự đánh giá đúng mức khi viết báo cáo về Tình báo, ông Kosh được xem là người duy nhất có khả năng như là một quan sát viên về chiến thuật và quân cụ và Ông đã đưa ra những nhận xét rất có giá trị.

Sự chính xác trong cách mô tả chi tiết về hình thể của đảo Hoàng Sa đã được xác nhận và khả năng ký ức của ông được xem là hoàn hảo.

2) Bối cảnh.

- Ngày 11 tháng 1 năm 1974, TC tái xác nhận chủ quyền đã có từ lâu trên các nhóm quần đảo trong vùng Biển Đông (South China Sea) trong số này có quần đảo Hoàng Sa mà từ giữa thập niên 1950 đã được chiếm giử bởi TC (Nhóm Tuyên Đức) và VNCH (Nhóm Nguyệt Thiềm).

- Trong 9 ngày tiếp theo đó, TC đã thực hiện cuộc hành quân phối hợp với mục đích chiếm đoạt các đảo dưới sự kiểm soát của VNCH. Sau trận hải chiến vào khoảng giữa sáng ngày 19 tháng 1, những chiến hạm VNCH đã hoạt động trong nhóm Nguyệt Thiềm từ ngày 14 tháng 1, triệt thoái ra khỏi vùng, kể từ sau đó các chiến hạm TC đã hiện diện một cách liên tục và hoạt động tự do trong nhóm Nguyệt Thiềm.

- Ngày 20 tháng 1, các thành phần của Lực lượng Bộ binh và Hải quân TC đã phối hợp thực hiện những cuộc hành quân đổ bộ thật chu đáo tấn công lực lượng yếu kém của VNCH trên ba đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa và Vĩnh Lạc trong Nhóm Nguyệt Thiềm. Như vậy TC đã nới rộng sự kiểm soát trong toàn thể quần đảo Hoàng Sa.

II. Những sự Quan Sát của nguồn tài liệu.

1) Cuộc tấn cộng lên đảo Cam Tuyền:

Đảo Cam Tuyền là một đảo nhỏ (500m X 700m), cây cỏ vừa phải, bao quanh bởi một bãi cát rộng từ 20m đến 50m và bãi đá ngầm kéo dài từ hướng Tây Bắc độ sâu 2fathoms ( 1fathom=1,83m=6feet) đến hướng Đông có độ sâu 1fathom (xem đính kèm số 2). Đảo được bảo vệ bởi một toán 14 hải kích VNCH (1) đưa lên đảo trong ngày 18 tháng 1. Họ trang bị súng M.16, vài khẩu súng phóng lựu M.203 cở 40 ly và lựu đạn cầm tay. Đơn vị đồn trú nhỏ này không chuẩn bị các vị trí phòng thủ.

- Lúc 09.00 giờ (giờ địa phương) ngày 20 tháng 1, hai chiến hạm Tuần duyên (CHTD) thuộc loạì Shanghai của Hải quân TC đến cách đảo Cam Tuyền 400m về hướng Đông Nam và ngừng lại ở vị trí này. Ngay tiếp theo đó, một chiến hạm lớn hơn không xác định được loại nào (CH.X) tiến vào vị trí phía Tây Nam đảo.

- Lúc 10.00 giờ, ba chiến hạm bắt đầu tác xạ lên đảo Cam Tuyền. CHTD tác xạ hình như là đại bác 37ly trước mủi và sau lái và CH.X tác xạ bằng loại súng lớn giống như loại đại bác 105 ly nòng ngắn của Mỹ (Lời người dịch: Đây có lẽ là loại đại bác 100ly thì đúng hơn vì chiến hạm TC không trang bị loại 105ly).

Hai CHTD đã phối hợp nhau chia đảo ra thành từng khu vực tác xạ cho mỗi chiến hạm và mỗi loại súng. Đại bác 37ly trước mủi và sau lái thay phiên nhau bắn từng loạt từ 3 đến 5 phát.

Nhận thấy những loạt đạn đầu tiên rớt trên mặt biển về hướng Bắc của đảo Cam Tuyến. CH.X đã điều chỉnh bắn quét khắp đảo đều đặn, tuy nhiên không biết rỏ được nhịp độ tác xạ.

Toán Hải kích bố trí ngay bờ bụi rậm ở hướng Đông của đảo đã báo cáo qua máy truyền tin về toán phòng thủ trên đảo Hoàng Sa là họ bị thiệt hại một người chết và 3 người bị thương qua những đợt pháo kích của chiến hạm TC. (2)

- Lúc 10 giờ 30 sáng, 2 tàu đánh cá tiến vào hướng Đông và giử lấy vị trí cách bãi đá ngầm khoảng 250m về hướng Đông Đông Bắc đảo nằm ngoài vùng tác xạ của các khẩu 37ly. Loại tàu này đã được nhận dạng là loại tàu đánh cá NanYu. Có ít nhất là một chiếc (số 407) và có thể cả 2 chiếc đã hiện diện trong lần đụng độ đầu tiên vào ngày 17 tháng 1. Trong ngày hôm đó, Kosh đã thấy tàu đánh cá số 407 cố tình ép chiến hạm VNCH là HQ4 (Khu trục hạm Trần Khánh Dư) vào vùng đá ngầm. Tuy nhiên vào lúc bấy giờ, chiếc tàu TC có vẻ như là một tàu đánh cá được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn có bình thường mặc đồ xanh loại tập thể dục (sweatsuit) và đội nón rơm. Điều thật ngộ nghỉnh là trong lúc tàu đang có hành động khiêu khích, một vài nhân viên vẫn dùng cần câu bằng tre và quăng dây câu xuống nước.

Trong khoảng thời gian từ 14 đến 20 tháng 1, không thấy có chiếc tàu đánh cá nào có mang theo lưới cá, lúc ban đầu Kosh đã xem chúng như là một loại tàu đánh cá vì chúng không có vẻ giống như chiến hạm.

- Khoảng ngắn sau khi 2 chiếc tàu đánh cá tiến vào, một lực lượng hơn 100 lính TC xuất hiện trên boong của mội chiếc và bắt đầu nhanh nhẹn chuyển xuống nước những chiếc bè cao su màu đen.

 Trong quân phục tiêu chuẩn của bộ binh TC (xem hình 4), họ quăng mỗi lần 2 chiếc bè ở phía sau lái hữu hạm chiếc 407, xong kéo chúng về phía trước đúng vào vị trí cạnh bên 2 thang dây, có từ 6 đến 8 lính TC leo từ mỗi thang dây xuống bè (xem hình 5). Khi bè chứa đủ người, họ chèo lên hướng Bắc của chiếc 407. Nơi đây họ lập nên một đội hình gồm 30 bè. Do vị trí của 2 tàu đánh cá nên chỉ quan sát được có hữu hạm của chiếc 407, tuy nhiên qua sự mau lẹ trong sự họp thành đội hình cơ bản đủ để ông Kosh suy luận là cách thức đưa bè và người khỏi tàu đã được sử dụng cả 2 bên mạn tàu với 8 bè được đưa xuống ở mỗi bên.

- Lính TC điều hành việc hạ bè và đưa người xuống một cách nhanh chóng và hiệu quả chứng tỏ là thao tác này đã được tập dượt kỹ càng. Thêm vào đó, họ chèo bè rất nhịp nhàng và giữ đúng đội hình.

- Lực lượng tấn công tổng cộng từ 200 đến 240 người trên 30 bè. Khi chiếc bè dẫn đầu của toán bè theo đội hình mũi giáo vừa qua khỏi cạnh đá ngầm, một trái hỏa pháo màu đỏ được bắn lên từ CH.X ra hiệu cho tất cả các khẩu hải pháo ngưng tác xạ. Đồng thời, lằn đạn xanh chỉ đường trên đám bụi cây chứng tỏ là lính TC đã khởi sự bắn áp đảo bằng súng nhỏ. Toán Hải kích đã bắn trả qua những loạt đạn rơi xuống nước gần những chiếc bè nhưng không thấy chiến hạm TC đáp lại bằng hải pháo yểm trợ. Lực lượng tấn công vẫn giữ vững đội hình chặt chẻ cho đến khi hầu hết các bè đã vượt qua khỏi vùng đá ngầm, sau đó các bè ở phía sau đổ bộ dài theo phía Đông Bắc đảo Cam Tuyền. (xem hình 6). Lính TC lội lên bờ trong những vùng nước cạn và tiến ngay vào trong mà không cần kéo bè lên bãi cát. Không có sự tổn thất nào được ghi nhận về phía TC.

Khi những người lính TC đầu tiên tiến vào bờ, hai CHTD di chuyển về hướng đảo Hoàng Sa.

2) Tấn công lên đảo Hoàng Sa.

Nằm cách 2 hải lý về hướng Đông Bắc của đảo Cam Tuyền, đảo Hoàng Sa là một đảo nhỏ (400m X 800m). Trên đảo có 7 cơ sở cố định, một trong số này được VNCH (cho đến ngày 20 tháng 1) dùng làm Đài khí tượng. Đảo có rất nhiều đường mòn, cây cỏ mọc từ lưa thưa cho đến tương đối rậm rạp và một bãi cát rộng từ 20m đến 30m. Bãi đá ngầm bao quanh đảo sâu từ 1fathom đến 2 fathoms và rộng từ 300m đến 900m.

Vào ngày 20 tháng 1, trong số 48 quân nhân VNCH phòng thủ đảo chỉ có 20 lính địa Phương Quân là trang bị vũ khí (súng trường M16), không có sẳn vị trí hay kế hoạch phòng thủ.

- Lúc 11.00 giờ, hai CHTD vào vị trí cách hướng Nam đảo 400m. CH.X di chuyển lên hướng Bắc nhưng vẫn còn nằm về hướng Tây đảo Cam Tuyền để tránh khỏi bị nhận dạng.

- Lúc 11.30 giờ, các chiến hạm TC bắt đầu pháo kích lên đảo Hoàng Sa theo đúng như cách thức đã tấn công đảo Cam Tuyền. Tác dụng của những viên đạn bắn ra từ CH.X lại một lần nữa cho thấy là của loại đại bác 105ly. Một điều hơi lạ là mặc dù chiến hạm TC bắn dọn đường liên tục với mức độ vừa phải trong gần một tiếng đồng hồ nhưng đã không gây ra tổn thất nhân mạng nào về phía VNCH cũng như không có một cơ sở nào bị hư hại. Hai chiếc tàu đánh cá loại NanYu chưa từng xuất hiện từ trước, tiến vào vị trí cạnh bãi đá ngầm cách đảo 600m về hướng Tây Nam.

- Lúc 12.30 giờ, chấm dứt đợt tác xạ dọn đường, cuộc đổ bộ tấn công lên đảo Hoàng Sa bắt đầu. Mặc dù Kosh không quan sát được những diễn tiến hạ bè và người cùng cách thức đổ bộ lên đảo nhưng chắc là cũng giống hệt như cách thức tấn công lên đảo Cam Tuyền. Lực lượng tấn công được ước tính khoảng 2 đại đội chỉ chạm trán với tràng đạn M16 lẻ tẻ từ lính phòng thủ.

Sự củng cố đảo Hoàng Sa đã được thi hành rất có hệ thống và rất nhịp nhàng. Lực lượng tấn công lục soát khắp nơi trên đảo, có điều nhận thấy rõ ràng là họ dùng các đặc điểm về địa thế có thể nhận dạng được để chia khu vực cho từng trung đội. Trong những vùng đã được phân chia, những nhóm gồm từ 5 đến 8 người lục soát những khu vực được giao phó, họ hay dừng lại để bắn thăm dò trước khi vào lục soát những nơi rậm rạp.

Các toán kiểm soát nội bộ hay liên lạc với nhau bằng thủ và khẩu lịnh, và họ thường dùng thủ lịnh. Trong tất cả các trường hợp được quan sát, các chỉ thị đã được thi hành lập tức và chính xác. Cùng lúc với sự lục soát, một lực lượng gồm 2 trung đội đã củng cố và bảo đảm khu vực được dựng lên để dùng làm Bộ Chỉ Huy (BCH)Trung Cộng. Mỗi tòa nhà được giải tỏa bằng lựu đạn tay và được lục soát rất có hệ thống.

Kosh đã bị bắt bởi một toán 7 người và được đưa vô khu vực BCH chung với những tù nhân khác.

- Khoảng 13.30 giờ, khi đã nắm chắc đảo và kiểm nhận tất cả quân nhân VNCH, lực lượng tấn công đã đào các hầm trú ẩn cá nhân quanh đảo sát cạnh phía bên trong bụi rậm.

Sự củng cố sau cùng đã được hoàn tất thật nhanh và không có sơ hở nào rõ rệt. Lực lượng tấn công đã được kiểm soát rất chặt chẻ, rất có kỷ luật và được huấn luyện kỹ. Ông Kosh cho biết là sự chính xác và hiệu nghiệm của cuộc tấn công sẽ không đạt được nếu không có những cuộc tập dượt đi sâu vào chi tiết và sự hiểu biết tường tận về sự bố trí hình thể của đảo Hoàng Sa.

3) Những quan sát đặc biệt khác.

Ông Kosh cũng đã nhấn mạnh đến những khía cạnh sau đây của cuộc hành quân.

- Không quân yểm trợ chiến thuật. Có vài nguồn tin công khai lên tiếng cho là cuộc hành quân đổ bộ của TC đã được yểm trợ bởi những cuộc oanh kích chiến thuật, tuy nhiên ông Kosh cho là không có những cuộc oanh kích nào để yểm trợ cho quân TC hay VNCH. Vì khoảng cách giữa 5 đảo của nhóm Nguyệt Thiềm tương đối ngắn, Kosh có thể phát giác được sự yểm trợ của loại phi cơ có khả năng tác chiến cao ở bất cứ nơi nào trong nhóm Nguyệt Thiềm.

- Quân phục: Sĩ quan và binh sĩ mặc quân phục tiêu chuẩn quân đội C ộng Sản Trung Hoa. Tất cả quân lính của lực lượng đổ bộ đội nón mềm, thắt lưng có khóa thắt bằng bạc trơn và mang giày bố xanh olive. Kosh có thể nhận biết được cấp sĩ quan bởi nón họ đội có chóp cao, áo có 4 túi và mang súng lục. Điều đặc biệt nhất trong phần mô tả của Kosh là tất cả quân phục đều đồng một màu (không có đấu vết bạc màu) và hoàn toàn mới toanh.

- Vũ khí và dụng cụ: Mỗi sĩ quan thuộc lực lượng tấn công chỉ mang theo một khẩu súng lục loại 51 hay 54 đựng trong bao súng ngắn màu nâu nằm trên dây thắt lưng và được giữ chặt bởi một sợi dây xéo ngang ngực vòng qua vai bên trái.

Những người lính mang súng trường loại 56 hoặc súng Carbin với số lính mang súng Carbin nhiều hơn súng trường. Mỗi người lính còn mang loại thắt lưng như mạng lưới có gắn 2 bi-đông nước, 4 lựu đạn loại dài, 1 bao nhỏ và một dao găm dài loại dùng cho các toán Biệt kích (xem hình 9). Điều lạ nhất của loại dao này là bao đựng dao lại không được dùng để giữ chặt cán dao, con dao để một cách lỏng lẻo trong bao. Những người lính trang bị loại súng trường tấn công còn mang trên ngực loại dụng cụ như mạng lưới dùng để chứa 4 băng đạn, mỗi băng 30 viên. Họ không có đeo túi hay ba-lô trong lúc tấn công, tuy nhiên khi củng cố vị trí lần cuối cùng, toán 25 người mang 3 ba-lô loại lớn được cài chặt chẻ có dạng giống nhau, từ bờ biển đến mặt phía Bắc của đảo. Mỗi ba-lô được trét một lớp bóng có lẽ là để chống thấm nước.

Trong lúc đổ bộ và củng cố vị trí không thấy súng đại liên hay là loại súng cộng đồng hoặc nghe tiếng súng cùng loại. Vào khoảng xế trưa ngày 20 tháng 1, có toán người mang lên bờ 3 khẩu súng cối 60ly, 3 khẩu súng không giật 57ly và có thể có thêm 3 khẩu súng phóng lựu (RPG), họ mang mỗi thứ một khẩu đặt vào các vị trí ở hướng Tây, Bắc và Đông của đảo.

- Toán chỉ huy Trung Cộng: Khoảng xế trưa ngày 20 tháng 1, một toán chỉ huy rất để nhận dạng có mặt trên đảo Hoàng Sa. Những người thuộc toán chỉ huy gồm có 7 người mặc quân phục rất là vừa vặn màu xám, không túi theo kiểu đồng phục của Mao Trạch Đông, vớ màu đen trơn, giày da màu nâu, một người trong nhóm mặc quần dài màu xanh đậm, áo lạnh màu xám mặc bên trong áo trắng tay dài kiểu thông thường và mang giày màu đen, một số sĩ quan mặc quân phục quân đội TC, không có ai trong nhóm mang theo vũ khí. Tất cả những người có mặt tỏ vẻ tôn kính đối với một người đặc biệt trong nhóm mặc quân phục màu xám có 2 sĩ quan theo sau mang cặp sách loại đựng giấy tờ màu xám đậm. Những người mặc quân phục xám rỏ ràng lớn tuổi hơn (khoảng 50 hoặc 60 tuổi) những người mặc quân phục quân đội TC.

Toán chỉ huy được bổ sung bởi 2 nhân viên vô tuyến không mang vũ khí và 2 người lính kèn, tất cả mặc quân phục. Có khoảng 2 trung đội giữ an ninh cho toán người này và cho cả khu vực được dùng làm BCH.

- Dụng cụ truyền tin: Ông Kosh tin là lực lượng tấn công không có mang theo máy truyền tin. Tuy nhiên sau khi bị bắt, ông thấy 2 máy truyền tin Type 63 ở cùng vị trí khoảng giữa BCH. Mỗi máy có bộ ống nghe vòng qua đầu, 1 micro cầm tay và 1 antenne lá lúa cao khoảng 6ft, không có một nguồn cung cấp điện nào được dùng với máy truyền tin này. Sau khi đã củng cố xong, 1 cột antenne lớn (được giữ chặt bởi 2 sợi dây cáp) tương tự như loại RC-292 của Mỹ được dựng lên cạnh bên căn nhà từng là nơi trú đóng của lính VNCH.
Một máy phát điện cở lớn được 6 người gánh bằng một đòn gánh dài đem đặt trong một cái lều kế bên và một loại dây cáp cở 1/4 inch đã được nối liền từ máy phát điện vào trong tòa nhà.

Vào xế trưa ngày 20, 2 máy truyền tin loại Type 63 đã được đưa vào bên trong BCH. Thêm vào đó, TC còn thiết trí 1 antenne thật dài không rỏ dài đến bao nhiêu và họ đang tìm cách đặt cho đúng hướng trên mái nhà.

- Đối xử với tù binh: Lúc ban đầu, một số nhỏ tù binh bị trói tay bằng những sợi dây nhỏ, nhưng đến khi củng cố xong, tất cả tù binh đều được thong thả. Tập trung cạnh bên BCH, 48 tù binh được canh chừng bởi khoảng từ 35 đến 40 lính TC mang súng trên vai. Mỗi tù binh được cho uống nước và được mời hút thuốc lá. Họ không được nói chuyện, sĩ quan và binh sĩ không bị tách rời. Sau khi kiểm soát thẻ căn cước của từng người, những đồ dùng cá nhân được giữ lại và mang vào BCH để lục soát. Sau đó TC trả lại các đồ dùng cá nhân không liên quan đến quân sự (kể cả tiền bạc). Nhiếp ảnh viên TC xử dụng loại máy hình Leica chụp rất nhiều hình tất cả tù binh, có vài bức hình chụp cả nhóm tù binh chung với nhóm BCH.TC.

- Khẩu phần: Khoảng 5 giờ chiều, nhà ăn được dựng lên trong khu vực đã được thiết trí với 2 vạc nấu ăn lớn (cao 2ft, đường kính 3ft), một số nồi nấu bằng sắt và 5 bao vải chứa gạo (khoảng 50lbs mỗi bao), sau đó 6 người vào trong nhà ăn và mỗi người khiêng đi 2 nồi cơm bằng sắt.

III. Lượng Định

1) Huấn luyện và tập dượt cho cuộc hành quân.

- Cuộc hành quân tấn công đổ bộ do TC thực hiện trong ngày 20 tháng 1 rất là hoàn hảo. Nghiên cứu kỹ mỗi giai đoạn của cuộc đổ bộ tấn công cho thấy việc soạn thảo kế hoạch thật kỹ lưỡng và những cuộc thực tập thật cần thiết để TC có thể tung ra cuộc hành quân với sự hữu hiệu đã thấy.

- Với mục đích phân tách, cuộc tấn công đổ bộ được chia ra làm 3 giai đoạn rỏ rệt. Giai đoạn đầu đòi hỏi việc xử dụng hải pháo để sửa soạn cho các khu vực lựa chọn. Giai đoạn hai gồm việc đưa bè xuống nước và đưa người xuống bè, các bè họp vào thành lập đội hình tấn công và sự di chuyển đội hình vào bãi đổ bộ. Giai đoạn ba hoàn tất việc tê liệt hóa các toán chống cự và củng cố các mục tiêu.

- Sự thi hành giai đoạn một tuy không phức tạp đã cần đến sự điều hợp chặt chẻ giữa 3 chiến hạm TC thực hiện việc tác xạ mở đường và lực lượng tấn công. Các khu vực, mục tiêu và khoảng thời gian tác xạ phải được định rỏ và dự tính trước. Loại và thời điểm các tín hiệu ra dấu ngưng tác xạ phải cần được phối hợp. Trong khi sự huấn luyện đặc biệt cho cách thức kiểm soát việc tác xạ không cần thiết lắm nhưng 3 chiến hạm TC có lẻ đã phối hợp và thực tập kỹ lưỡng những phương thức này.

- Hiện tại không có một đơn vị nào của TC được gọi là ''đã được huấn luyện về hành quân đổ bộ''. Trên thực tế từ các cuộc hành quân thủy bộ của thập niên 1950, không có tin tức khả tin cho thấy là TC có tổ chức huấn luyện cho loại hành quân này. Việc đưa bè xuống nước, đưa người xuống bè và sự hợp thành đội hình và duy trì đội hình tấn công một cách chặt chẻ là những công việc đòi hỏi kinh nghiệm. Để thi hành những phương thức này với sự chính xác và tự tin như lực lượng tấn công đã chứng tỏ trong giai đoạn hai, đơn vị bộ binh và thủy thủ của các tàu đưa người xuống nước đã phải huấn luyện và tập dượt chung thật nhuần nhuyễn.

- Hầu hết các đơn vị bộ binh TC đều có khả năng cô lập hóa và củng cố mục tiêu như là đảo Hoàng Sa hay đảo Cam Tuyền, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt của đảo Hoàng Sa, đơn vị bô binh được chọn lựa đã chứng tỏ sự phối hợp chặt chẻ giữa các đơn vị trực thuộc như là việc họ xử dụng rất an toàn phương pháp bắn thăm dò trong lúc càn quét khắp đảo. Sự chấp nhận xử dụng phương pháp hữu hiệu nhưng có thể nguy hiểm, cùng với hậu quả rất đáng ca ngợi qua sự càn quết và củng cố đã được thi hành trong giai đoạn ba là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những cuộc tập dượt kỹ càng đã được chuẩn bị cho cuộc hành quân này. Thêm vào đó, khả năng của lực lượng tấn công khai dụng những đặc điểm về địa thế của đảo để phân chia khu vực trách nhiệm cho từng đơn vị, chứng tỏ TC đã biết rõ từ trước địa thế của đảo Hoàng Sa và đã tập dượt cho mục tiêu rõ ràng.

- Có bằng chứng cho thấy sớm nhất là vào khoảng trung tuần tháng 12 - và có thể trước đó vào khoảng tháng 9 - TC đã tích cực huấn luyện lực lượng tấn công của họ cho cuộc hành quân vào ngày 20 tháng 1 năm 1974. Trong thời gian 10 ngày, khoảng hạ tuần tháng 12, 6 tàu đánh cá (loại tàu đánh cá NanYu mang số 401, 402, 405, 406, 407 và 408) đã được quan sát hoạt động từ hải cảng và cũng là căn cứ hải quân Bắc Hải (PeiHai). Những tàu đánh cá hoạt động từng cặp rời hải cảng vào mỗi buổi sáng và trở về vào mỗi buổi chiều.

- Những chứng cớ dưới đây cho thấy một cách rỏ ràng là hoạt động này dùng vào việc huấn luyện cho lực lượng đổ bộ:

a) Có ít nhất 100 người trên boong mỗi tàu. Thủy thủ đoàn của tàu đánh cá ít khi trên 15 người. Như vậy việc một chiếc tàu chở nhiều hơn 100 người là một chuyện bất thường.

b) Có ít nhất 2 trong số các tàu đánh cá này - chiếc mang số 402 đã được Việt Nam nhận dạng và chiếc mang số 407 đã được cả Kosh lẩn Việt Nam nhận dạng - được xử dụng làm tàu đổ quân cho ngày 20 tháng 1 tấn công đổ bộ.

c) Có ít nhất 4, mặc dù có thể là 6, tàu đánh cá dùng làm tàu đổ quân cho cuộc tấn công đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa và con số (ít nhất) 100 người trên mỗi tàu (tổng cộng: ít nhất 600 người) phù hợp gần đúng với tổng số lực lượng đổ bộ ước lượng là 6 đại đội.

d) Một số khu vực có lối vào, bãi biển rất giống với vùng bao quanh các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa cách Bắc Hải khoảng 2 giờ hải hành. Sự thiếu kinh nghiệm của Hải quân TC với loại hành quân này cộng với sự nguy hiểm rỏ ràng khi hoạt động trong khu vực kế cận bãi đá ngầm khiến cho việc huấn luyện và tập dượt trong một khu vực với những địa thế tương tự là một điều tối cần.

e) Các tàu đánh cá quan sát ở Bắc Hải và những chiếc đã tham dự trong cuộc tấn công đổ bộ đã hoạt động từng đôi. Mặc dù hoạt động này được quan sát trong tháng 12 nhưng có thể là những chuẩn bị cho cuộc hành quân tháng 1 thật ra đã được khởi sự vài tháng trước đó. Trong tháng 9, TC đã ban hành các biện pháp an ninh trong căn cứ hải quân Bắc Hải. Những biện pháp này không những được áp dụng nghiêm ngặt hơn những biện pháp thông thường trong vùng mà nó còn khắt khe hơn tất cả các hải cảng khác của TC trong cùng thời gian. Lý do cho sự thận trọng bất thường này không được rỏ nhưng có lẻ là liên quan đến các sự chuẩn bị tấn công đang tiến hành ở căn cứ hải quân.
2) Thám sát đối tượng.

- Từ cách thức cuộc tấn công đổ bộ đã được thực hiện, điều có thể nhận rỏ ngay là TC đã nắm được tin tức tình báo chính xác về thành phần, sự bố trí và khả năng của lực lượng trú đóng VNCH trong nhóm Nguyệt Thiềm và địa thế trên từng đảo một. Sự thu thập dữ kiện thiết yếu phần lớn đạt được là do những ''tàu đánh cá'' thi hành như là các điểm chính yếu cho việc dọ thám.

- Các ''tàu đánh cá'' TC đã được tự do ra vào trong hải phận của nhóm Nguyệt Thiềm từ nhiền năm qua. Vì các tàu đánh cá này bề ngoài có vẻ chú tâm vào hoạt động đánh cá thương mại nên những sự hiện diện thường xuyên của họ trong hải phận của VNCH không bị cản trở. Ngoài các hoạt động đánh cá thực sự, những tàu đánh cá này còn phục vụ như là nền tảng cho việc thu thập tin tức tình báo. Với sự ra vào hoàn toàn không bị giới hạn đến các khu vực được lựa chọn là mục tiêu tối hậu, thủy thủ đoàn của các ''tàu đánh cá'' đã có cơ hội chụp hình mỗi đảo, cập nhật hóa trên hải đồ những vùng nước cạn, theo dỏi các hoạt động của VNCH và thám sát các bãi đổ bộ xử dụng sau này. Ông Kosh đã được người Việt Nam trú đóng trên đảo Hoàng Sa cho biết là nhiều lần trong khoảng mùa Thu năm 1973, một phái đoàn thiện chí TC đổ bộ lên đảo. Mỗi lần như vậy, một toán đổ bộ từ tàu đánh cá lên đảo và tặng quà ''như thực phẩm và nước uống'' cho toán lính VNCH trú đóng trên đảo. Mặc dù bày tỏ mục đích thân thiện qua những lần thăm viếng nhưng qua sự quen thuộc với địa hình của đảo Hoàng Sa mà lực lượng tấn công đã chứng tỏ cho thấy một cách hùng hồn là những phái đoàn ''thiên chí'' này thật ra chỉ là những toán thu thập tình báo.

- Khi mà dữ kiện tình báo đã có đầy đủ để cho phép việc sửa soạn kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công đổ bộ. Các ''tàu đánh cá'' vẫn duy trì sự quan sát chặt chẻ các đảo được chọn làm mục tiêu. Qua sự theo dỏi này, TC đã có thể phát giác và báo cáo những sự thay đổi lực lượng bộ binh VNCH và sau nữa là sự điều động chiến hạm của VNCH. Nhờ thế sau khi VNCH đổ quân lên đảo Cam Tuyền vào ngày 16 và đảo Vĩnh Lạc vào ngày 17 tháng 1, TC đã có thể điều chỉnh lại kế hoạch của họ thêm vào yếu tố có lực lượng chống trả lại cuộc tấn công đổ bộ của họ lên 2 đảo này.

- Thêm vào những hoạt động thám sát và theo dỏi bằng cớ cho thấy là những đơn vị thám sát tiền phương thuộc lực lượng tấn công TC đã dò lại các mục tiêu trong ngày 14 tháng 1 (3). Vào lúc 09.00 giờ sáng ngày hôm đó, khi chiến hạm đầu tiên của VNCH đến nhóm Nguyệt Thiềm, thủy thủ đoàn của chiến hạm này đã quan sát thấy ''tàu đánh cá'' TC mang số 402 và 407 bỏ neo cách đảo Cam Tuyền 300m về hương Đông. Sự hiện diện vào lúc bấy giờ của 2 chiếc tàu đánh cá TC đặc biệt này - cả 2 đã tham dự huấn luyện ở Bắc Hải và sau cùng trong cuộc đổ bộ tấn công vào ngày 20 tháng 1 - cho thấy là các đơn vị dẫn đầu của TC đang thăm dò mục tiêu của họ. Sự liên quan này đã được củng cố thêm qua sự kiện là trong ngày 20 tháng 1, tàu đánh cá số 407 (và có thể luôn cả chiếc 402) đã chuyển các bè cao su tấn công lên đảo Cam Tuyền từ đúng vị trí mà tàu này đã bỏ neo vào ngày 14 tháng 1.

3) Tổ chức các lực lượng tấn công.

Danh xưng và sự thống thuộc của đơn vị bộ binh tham dự cuộc tấn công đổ bộ vẫn chưa được xác định rõ. Trong khi tin tức được loan tải từ Bắc Kinh cho là cả lực lượng dân quân và lực lượng bộ binh TC tham dự vào những cuộc đổ bộ nhưng sự hiệu quả và kỷ luật mà lực lượng tấn công đã chứng tỏ đưa đến một kết luận chắc chắn là lực lượng này chính yếu phần lớn bao gồm quân lính từ các đơn vị thuộc chính qui hay từ lực lượng địa phương.

-Tổng số lực lượng tấn công được ước tính có khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh. Lực lượng này được tổ chức thành 4 thành phần tấn công, mỗi thành phần được chọn lựa và tập dượt cho một đảo được chọn làm mục tiêu. Ngày chiếm đoạt và thành phần của lực lượng tấn công được xử dụng trên mỗi đảo như sau:

Đảo <-> Ngày cưỡng chiếm <-> Lực lượng TC - VNCH
Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) <-> 11 hay 17-18 tháng 1/74 (các báo cáo tương phản) <-> 1 Đại đội - Không

Cam Tuyền (Robert) <-> 20 tháng 1 năm 1974 <-> 2 Đại đội - 14 hải kích (1)

Hoàng Sa (Pattle) <-> 20 tháng 1 năm 1974 <-> 2 đại đôi - 20 địa phương quân có võ trang và 28 người không võ trang (4)

Vỉnh Lạc (Money) <-> 20 tháng 1 năm 1974 <-> 1 Đại đội - 15 hải kích (5)

Ta thấy rỏ ràng là mỗi Đại đội gồm có 3 Trung đội, mỗi Trung đội được chia thành 6 toán từ 5 đến 8 người, mỗi toán có nhiệm vụ riêng thay vì theo thông lệ có 3 Tiểu đội. Điều này cho thấy TC đã nhận ra và đã điều chỉnh để kiểm soát khoảng thời gian khống chế (span of control) thường hay đi đôi với loại hành quân này. Loại vũ khí cộng đồng cơ hửu của Đại đội Bộ binh đã không được đưa lên bờ cho đến khi hoàn tất việc củng cố. Ông Kosh đã lưu ý đến việc không thấy súng đại liên (thông thường cơ hữu của Tiểu đội) và máy truyền tin đơn vị (thường cơ hữu của Trung đội). Điều này cho thấy là TC tin tuyệt đối vào sự chính xác về tình báo của họ và đã thấy trước là sẽ không có thể xảy ra sự kháng cự đáng kể nào từ phía VNCH.

- Nói chung, cuộc hành quân của TC trong nhón Nguyệt Thiềm đã được dựa trên ước đoán rất chính xác về khả năng của VNCH. Sau khi Hải quân TC đã dành được sự kiểm soát không thể chối cải được vùng biển quanh vùng trong ngày 19 tháng 1, VNCH không thể nào ngăn chận được TC chiếm trọn hết cả nhóm Nguyệt Thiềm.

- Ngày 20 tháng 1, TC đã mang đội quân tác chiến hùng hậu với mục đích làm khiếp sợ lính phòng thủ trên các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa.

- Được sự yểm trợ bởi hải pháo và quân số đông hơn với tỷ lệ 10 chọi 1, lực lượng tấn công đổ bộ đã lần lượt chiếm đảo Cam Tuyền tiếp đến đảo Hoàng Sa và sau hết là đảo Vĩnh Lạc mà phải chỉ đụng độ với một lực lượng không đáng kể.

- Sự kiện phía VNCH chịu tổn thất rất ít về nhân mạng cho thấy là quân đồn trú đã bị áp đảo và họ chỉ kháng cự yếu ớt, ngoài ra mặc dù TC quyết tâm dùng vũ lực để chiếm lấy Hoàng Sa nhưng họ chỉ xử dụng một lực lượng vừa đủ để đạt mục tiêu của họ mà thôi.

IV. Kết Luận

Dựa vào dữ kiện đã được trình bày, xin đưa ra những kết luận sau đây:

1) Lực lượng TC đổ bộ tấn công chiếm đoạt nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20 tháng 1 năm 1974 rất có kỷ luật, được huấn luyện chu đáo, tập dượt thuần thục và đã được xử dụng đúng mức.

2) Soạn thảo kế hoạch và những sự chuẩn bị cho cuộc hành quân đổ bộ đã được bắt đầu ít nhất là vào tháng 12 và có thể sớm hơn vào tháng 9 năm 1973. Huấn luyện đi vào chi tiết và các cuộc tập dượt cho những cuộc đổ bộ đã được thực hiện trong khu vực Bắc Hải thuộc vùng quân sự Quảng Châu trong tháng 12 năm 1973.

3) Kế hoạch tấn công đổ bộ đã dựa trên tin tức tình báo cực kỳ chính xác. Từ tin tức thâu thập được bởi các ''tàu đánh cá'' của TC hoạt động trong vùng biển thuộc nhóm Nguyệt Thiềm, TC đã ước định chính xác thành phần, sự phối trí và thực lực của các lực lượng VNCH trong vùng.

4) TC đã đưa vào nhóm Nguyệt Thiềm một khả năng tác chiến hùng hậu nhưng chỉ xử dụng vũ lực cần thiết để làm tê liệt sự kháng cự của VNCH.

Chú Thích

(1) Tuyển tập Hải Sử (TTHS) ấn hành năm 2004, trang 310: Toán 14 người này là nhân viên của Khu trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ4) đã được đưa lên đảo Cam Tuyền vào sáng ngày 18 tháng 1 để thay thế toán Biệt hải do HQ/Trung Úy Lê Văn Dũng làm Trưởng toán.
(2) TTHS trang 310: Không ghi nhận tổn thất nhân mạng về phía toán 14 người trên đảo Cam Tuyền.
(3) TTHS-trang 298: Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) đến Hoàng Sa và phát giác tàu đánh cá TC hoạt động gần đảo Cam Tuyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1974.
(4) TTHS - trang 310 và tài liệu ''Thế giới lên Án TC xâm Lăng Hoàng Sa của VNCH'' do TC/CTCT/Cục TLC ấn hành năm 1974 - trang 11: Tổng số quân nhân và nhân viên Đài Khí Tượng trên đảo Hoàng Sa trong ngày 20 tháng 1 năm 1974 là 34 người.
(5) TTHS - trang 299, 277 và TC/CTCT - trang 10: Đây là toán 15 nhân viên của HQ16 do HQ/Trung Úy Lâm Trí Liêm làm Trưởng toán đã đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc trong ngày 17 tháng 1 năm 1974. Ngày 19 tháng 1 trên đường trở về Đà Nẵng, Hạm trưởng HQ16 đã liên lạc với Trung Úy Liêm và sau đó toán này xuống bè đào thoát. Sau 10 ngày gian khổ trên biển khơi, toán người này đã được ngư phủ vớt ở vị trí cách Qui Nhơn khoảng 55 cây số.



Thông tin tVNCH



HQ-10 NHẬT TẢO

Nguồn gốc :

Hộ Tống Hạm Nhật Tảo thuộc loại Admirable Class Minesweeper (AM) do hảng tàu Winslow Marine Railway and Shipbuilding Co ở Winslow tiểu bang Washington đóng.

Chiến hạm được hạ thủy ngày 31 tháng 10 năm 1943 và được đăt tên là USS Serene (AM 300).

Ngày 7 tháng 2 năm 1955 đổi thành loại Fleet Minesweeper MSF 300.

Ngày 24 tháng 1 năm 1964 chuyển giao cho Hải Quân VNCH và được đặt tên là Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10.
Đặc Tính Hộ Tống Hạm Nhật Tảo :
Trọng tải: 650 tấn (tiêu chuẩn) ?" 945 tấn (tối đa)
Kích thước: dài 184,5 ft ?" ngang 33 ft - tầm nước 9,75 ft
Máy chánh: 2 máy dầu cặn (Cooper Bessemer), 2 trục chân vịt, 1710 mã lực
Vũ khí:
- 1 khẩu đại bác 76,2 ly phía sân trước có tầm tối đa 14,000 yds, tầm hữu hiệu 7,500 yds, tác xạ với tốc độ nhanh 50 phát/phút, với tốc độ thích ứng 20 phát/phút.
- 2 khẩu đại bác 40 ly (tả và hữu) phía sân sau có tầm tối đa 11,000 yds, tầm hữu hiệu 4,000 yds, tác xạ với tốc độ 140 phát/phút
- 4 khẩu đại bác 20 ly đôi bao quanh phòng lái có tầm tối đa 4,800 yds, tầm hữu hiệu 2,000 yds, tác xạ với tốc độ 450 phát/phút
- 2 khẩu đại liên 30
- Có trang bị súng cối 81 ly ( không rõ số lượng)
- Vũ khí chống tàu ngầm: với nhiệm vụ tuần tiểu và hộ tống các dụng cụ rà mìn đã được tháo gỡ và thay vào đó là 2 dàn thủy lựu đạn ( depth charge rack) đã được thiết trí ở phía sau lái, ngoài ra còn có 1 dàn phóng thủy lựu đạn hedgehog ở phía sân trước.

Vận tốc: Tối đa 14,5 knots, có tầm hoạt động 6,500 miles với vận tốc tiết kiệm là 8 knots
Thủy thủ đoàn: 82 người







HQ-04 TRẦN KHÁNH DƯ
Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4

Nguyên là USS Forster DER 334 của Hải Quân Hoa Kỳ.

Được chuyển giao cho HQVN vào ngày 25/9/ 1971.

Đóng tại thủy xưởng Consolidated Steel Corporation, Orange tiểu bang Texas.

Hạ thủy ngày 13/11/1943 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 25/1/1944.

Trọng tải: 1.590 tấn tiêu chuẩn, 1.850 tấn tối đa.

Kích thước: dài 306 ft, ngang 36.6 ft, tầm nước 14 ft.

Máy chánh: 2 máy dầu cặn loại Fairbank Morse 6,080 mã lực.

Vận tốc tối đa 21 knots

Vũ khí : 2 đại bác 76 ly, một tại sân trước có pháo tháp và một tại sân sau lộ thiên cùng một số đại bác 20 ly.

Thủy thủ đoàn: chừng 175 người.
HQ-4 nguyên là một Khu Trục Hạm thuần túy có nhiệm vụ yểm trợ phòng không và chống tàu ngầm, nhưng sau thế chiến thứ hai đã được hoàn toàn tân trang và gắn loại radar TACAN (Tactical Aircraft Navigation) để trở thành loại chiến hạm chuyên dùng radar để phát hiện hỏa tiễn địch (radar picket). Chiến hạm này đã từng tham dự chiến dịch Market Times ngoài khơi Việt Nam để ngăn chận sự xâm nhập bằng đường biển.





HQ-05 TRẦN BÌNH TRỌNG

Nguyên là tàu thuộc lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ (USCG - US Coast Guard) mang tên Castle Rock (WHEC 383).

Được chuyển giao cho HQVN vào ngày 21-12-1971.

Đóng tại thủy xưởng Lake Washington thuộc tiểu bang Washington

Hạ thủy ngày 11/5/1944 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 8/10/1944.

Trọng tải: 1766 tấn tiêu chuẩn, 2800 tấn tối đa

Kích thước: dài 310.75 ft, chiều ngang 41.1 ft, tầm nước 13.5 ft.

Máy chánh: 2 máy dầu cặn loại Fairbank Morse 6080 mã lực, 2 chân vịt.

Vận tốc tối đa: chừng 18 knots.

Vũ khí: 1 khẩu 127 ly (5 inch) phía trước mũi, 1 đại bác 40 ly đôi cũng ở sân trước nhưng ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly, 2 khẩu 40 ly bên tả và hữu hạm tại sân sau và 2 khẩu đại bác 20 ly đôi ở hai bên hông đài chỉ huy. Nguyên thủy khi chuyển giao, HQ-5 chỉ có đại bác 127 ly, sau này Hải Quân Công Xưởng gắn thêm các ụ đại bác 40 ly để tăng cường hỏa lực tác chiến.

Thủy thủ đoàn: chừng 200 người.



 
HQ-16 LÝ THƯỜNG KIỆT
Nguyên thuộc lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ, trước đây mang tên Chicoteague (WHEC 375).

Được chuyển giao cho HQVN vào ngày 21/6/1972.

Đóng tại thủy xưởng Lake Washington thuộc tiểu bang Washington.

Hạ thủy ngày 15/4/1942 và bắt đầu hoạt động kể từ ngày 12/4/1943.

Đặc tính tương tự như HQ-5.

CLASS: Barnegat Class - Small Seaplane Tender
Displacement 1,766 t.(lt) 2,592 t.(fl)
Length 310'''' 9"
Beam 41'''' 2"
Draft 13'''' 6"
Speed 18.2 knots
Complement 367
Armament:
- three single 5"/38 dual purpose gun mounts
- four twin 40mm AA gun mounts
- four twin 20mm AA gun mounts
- six .50-cal machine guns
- two depth charge tracks
Propulsion diesel, two shafts, 6,000hp



BẢN ĐỒ TRẬN HOÀNG SA 1974


Công tác tìm kiếm và cứu vớt các chiến sĩ đào thoát.

Lực lượng tham dự cuộc tìm kiếm gồm có Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6, hai chiếc Tuần Duyên Đỉnh (WPB) và 1 phi cơ C-119.

Khu vực tìm kiếm nằm trong giới hạn bởi các tọa độ dưới đây :
- A. 15 độ 30 phút 28 giây Bắc - 110 độ 00 phút 18 giây Đông
- B. 14 độ 50 phút 30 giây Bắc - 110 độ 40 phút 27 giây Đông
- C. 15 độ 30 phút 36 giây Bắc - 111 độ 10 phút 00 giây Đông
- D. 16 độ 00 phút 00 giây Bắc - 110 độ 40 phút 48 giây Đông
Bản văn từ Tòa Đại Sứ Mỹ cũng cho biết là các giới chức thẫm quyền VNCH quan tâm đến số phận của thủy thủ đoàn HQ10 mà lần sau cùng đã được thấy không người điều khiển gần đảo Vĩnh Lạc (Money). Với dòng nước biển chảy bình thường sẽ đưa HQ10 hoặc là nếu chiến hạm bị chìm sẽ đưa những người sống sót đến khoảng 70 hải lý về hướng Tây Nam của khu vực nằm trong các tọa độ A, B, C và D.

Bản văn còn cho biết là chánh phủ VNCH chỉ thị phái đoàn VN ở Geneva lập tức thông báo cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế những điều đã đề cập ở trên và yêu cầu Hội thông báo Bắc Kinh về bản chất và phạm vi của cuộc hành quân, ngoài ra còn yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ xử dụng các phương tiện thông tin trực tiếp với Bắc Kinh trong nỗ lực để đảm bảo là Bắc Kinh cũng biết rõ về chiến dịch hoàn toàn có tính chất nhân đạo này.

Về phần Đại Sứ Martin, ông cũng khuyến cáo Bộ Ngoại Giao Mỹ nên tiếp xúc với Phái đoàn liên lạc TC ở Hoa Thịnh Đốn hoặc Văn phòng Liên Lạc Hoa Kỳ ở Bắc Kinh để yêu cầu TC thông báo đến các giới chức thẫm quyền quân sự của họ về chiến dịch này và Bộ Ngoại Giao có thể chỉ thị Phái Đoàn Hoa Kỳ ở Geneva tạo điều kiện để Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và Hội HTT quốc tế gặp gỡ nhau.

Những lời khuyến cáo của Đại Sứ Martin đã được Ngoại Trưởng Kissinger chấp thuận, vì vậy ngay sau đó Ngoại Trưởng Kissinger đã gởi điện thư cho Văn Phòng Liên Lạc Mỹ ở Bắc Kinh yêu cầu họ thông báo với Bộ Ngoại Giao TC về cuộc hành quân cứu cấp này. Ngoài ra cũng giải thích cho Bắc Kinh biết là Mỹ làm việc này theo sự yêu cầu của chánh phủ VN và với tính cách nhân đạo, còn việc đề nghị Bộ Ngoại giao TC thông báo cho cấp chỉ huy quân sự TC là tùy ở Văn Phòng Liên Lạc.

Trong khi các chiến hạm và phi cơ VNCH đang bắt đầu việc tìm kiếm thì vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 22-1-1974 tàu dầu Kopionella thuộc hảng Shell mang quốc tịch Hòa Lan đã tìm thấy và vớt tất cả 22 người (5) thuộc HQ10 còn sống sót lên tàu tại toạ độ 16 độ 10?T N và 110 độ 46?T E cách Đà Nẵng khoảng 287 km về hướng Đông, như vậy toán đào thoát đã trôi trên biển trong khoảng 78 giờ với khoảng cách độ 110 km.

Sau khi lên tàu Thượng Sĩ Châu vì quá kiệt sức nên đã trút hơi thở cuối cùng, ngoài ra có 4 người bị thương nặng. Tất cả đã được từ Thuyền Trưởng, Thuyền Phó và phu nhân của các vị này cùng thủy đoàn tàu dầu Kopionella tận tình chăm sóc. Với tư cách Sĩ quan thâm niên hiện diện, HQ Trung Úy Phạm Văn Thì đã được Thuyền Trưởng đưa vào phòng của ông để liên lạc với cấp chỉ huy Hải Quân Việt Nam.

Sáng ngày 23-1 lúc 5 giờ 15 tất cả đã được chuyển sang Tuần dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6 để đưa về Đà Nẵng.

Qua lời thuật lại của các chiến sĩ sống sót, cuộc hành quân cứu vớt tiếp tục sang ngày 23-1 với hy vọng tìm thấy bè bằng cây trên đó có TS/VC Đa và TS/TP Nam, nhưng đến 6 giờ 15 phút chiều cùng ngày phi cơ tuần tiểu đã phát giác hai mãnh ván tại tọa độ 15 độ 43?T Bắc ?" 110 độ 02?T Đông, nhưng khi chiến hạm được điều động đến nơi mọi người đều thất vọng vì chỉ thấy 2 miếng ván không người.

Cuộc hành quân tìm kiếm và cấp cứu đã được chấm dứt ngay sau đó.

Ảnh chiếc tàu Hòa Lan Kopionella đã vớt một số sỹ quan, binh lính VNCH trôi dạt trên biển.

Các báo miền Nam rầm rộ đưa tin, phản đối TQ, không quên phỉ báng cọng sảng Bắc Dziệt.


Dân chúng rầm rộ xuống đường biểu tình


Các tài liệu sách báo của VNCH về vụ Hoàng Sa


Rõ ràng là một thất bại quân sự nhưng chính quyền Sài gòn cố gắng che đậy sự yếu kém của mình bằng cách kích động chóng cọng

Tuy đánh đấm quá kém nhưng vẫn được huy chương




 


Thông tin từ phía TQ

Nhà cầm quyền TQ luôn bảo dân TQ rằng HS, TS là lãnh thổ của TQ từ rất lâu đời.

Họ đưa bằng chứng mộ cổ
đồ cổ
Đây là phim của TQ về trận HS đúng theo luận điệu tuyên truyền nói trên http://blog.sina.com.cn/s/blog_3ee29bcd01008dic.html

Lực lượng tham chiến của TQ ở HS theo tài liệu TQ

Ngày 17 tháng 1, Quân Ủy Trung Ương ra lệnh Hạm Đội Nam Hải lập tức phái chiến hạm tuần tiễu tại Hoàng Sa, đồng thời ra lệnh Quân Khu Hải Nam gửi quân lính theo tàu ra giữ đảo.

Theo lệnh Quân Ủy Trung Ương, quân khu Quảng Châu ra lệnh Hạm Đôi Nam Hải phái hai Trục Lôi Hạm 396 và 389 (ghi chú của tác giả: tạm gọi tắt là T-396 và T-389) thuộc Phân Đội Trục Lôi 10 căn cứ tại Quảng Châu và hai Hộ Tống Hạm loại Kronstad 271 và 274 (ghi chú của tác giả: tạm gọi tắt là K-271 và K-274) thuộc Phân Đội chống Tiềm Thủy Đĩnh (TTÐ) 73 căn cứ tại Yulin, lên đường ra Hoàng Sa vào các ngày 17 và 18 để tuần tiễu.

Ngoài ra, Quân Khu Hải Nam còn phái 4 Đại Đội Bộ Binh để chiếm đóng các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Quang Hòa. Thêm vào đó, Căn Cứ Hải Quân Quảng Châu còn phái 2 chiến hạm K-281 và K-282 thuộc Phân Đội Chống TTĐ 74 tới Hoàng Sa sau đó làm lực thành phần tiếp ứng.

Toàn thể lực lượng được đặt dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam hải tên Wie Ming Sen lúc đó có mặt tại can Cứ Hải Quân Yulin nằm vế phía Nam đảo Hải Nam. Bộ Tư Lệnh Hành Quân được đặt trên soái hạm K-271 thuộc Phân Đội 73.

Về không yểm, quân khu Quảng Châu ra lệnh Phi Đoàn 22 thuộc Hạm Đội Nam Hải cử 2 phi cơ túc trực bao vùng, đồng thời yêu cầu Không Quân thuộc Quảng Châu sẵn sàng yểm trợ.

Nếu nhìn vào lực lượng Hải, Không và Lục quân được phái ra Hoàng Sa, mọi người đều thấy chúng ta chỉ đưa ra một lực lượng quân sự rất hạn chế với mục đích bảo vệ Hoàng Sa chứ không phải tiêu diệt hạm đội địch."

Đây là hình TQ so sánh tàu TQ với tàu VNCH

Lực lượng tham chiến của TQ ở HS theo tài liệu TQ

Hộ Tống Hạm loại Kronstad 271 và 274 
Hai chiếc này thuộc loại chống ngầm, tàu nhỏ lượng choán nước 300 tấn, tốc độ 27mph

hỏa lực được trang bị 1 pháo 85 mm , 1 súng pk 37 mm, 1 súng pk 25 mm, 20 mìn, thiết bị chống ngầm
Thủy thủ đoàn: 40

Hộ Tống Hạm loại Kronstad 271 và 274 
Ảnh này chụp từ tàu vận tải 402 của TQ, xa xa là tàu 271, quân TQ lúc nhúc trên bong

Tàu 274 sau trận chiến. Chiếc này bị HQ-4, HQ-5 bắn bay đài chỉ huy

Trục Lôi Hạm 396 và 389 thuộc Phân Đội Trục Lôi 10 căn cứ tại Quảng Châu là loại tàu vớt mìn, lượng choán nước 600 tấn, tốc độ 15 mph, trang bị pháo giống như 271 và 274

Chiếc 389 bị HQ-10 và HQ-16 bắn bị thương nặng phải ủi vào bờ. Trên ảnh nhìn thấy tàu nghiêng và đuôi tàu ngập nước. Hạm trưởng chết.

Ảnh các tàu chiến trên trước lúc vào trận
Ảnh bộ binh lên tàu ở căn cứ Yu lin

Tàu 392

2 tàu 281 và 282 thuộc Phân Đội Chống TTĐ 74 tới Hoàng Sa sau đó làm lực thành phần tiếp ứng là loại hạm mới có trang bị tên lửa.

Ra đa VNCH (HQ-04) dò thấy hai tàu này xuất hiện và đó là lý do chính tại sao HQ-05 và HQ-04 vội vàng tháo chạy vì 2 tàu này đi nhanh về hướng họ.

Hai tàu này mới đóng mới về Yulin mấy ngày trước trận chiến, thuộc loại tàu chống ngầm lớp 037-Hainan, lượng choán nước 392 tấn, tốc độ 30.5

Trang bị 2 pháo 57 mm, 2 pháo 25 Mm bắn nhanh , 5 tên lửa RBU1200, 10 mìn chống ngầm.

Cả hai tàu 281 và 282 đang bắn tên lửa (Nhờ các bác VNCH, giờ nhà cháu mới biết RBU cũng được tính là tên lửa chống hạm, chứ trước giờ nhà cháu cứ hiểu rằng RBU là rocket phóng bom chìm chống tàu ngầm, chả ai tính nó là tàu tên lửa hết.)


(Hồi ký cựu binh TQ nói là khi hai tàu 281 và 282 đến trận địa thì chỉ còn tàu HQ-10 thôi. Sau đó tàu 281 tấn công đánh chìm HQ-10 vì trên tàu HQ-10 vẫn còn lính chống trả. 


Không có nói gì vừa chạy vừa bắn từ xa, hình trên có thể là minh họa thôi, tức là HQ-5 và 4 mới nghe hơi chưa thấy mặt đã vội chuồn.)

TQ cử 4 chiếc  F/J-5 bay ra. HQ-10 đã phát hiện thấy 1 chiếc là đúng, do liên lạc không tốt, chỉ chút thôi là các tàu TQ đã bắn vào các máy bay này, trong trang hồi ký này nói tàu chiến TQ suýt bắn máy bay TQ http://blog.sina.com.cn/s/blog_3ee29bcd010003xs.html

Lực lượng HQ VNCH

Nổ súng
Ngày 20 tháng 1, các thành phần của Lực lượng Bộ binh và Hải quân TQ đã phối hợp thực hiện những cuộc hành quân đổ bộ tấn công lực lượng yếu kém của VNCH trên ba đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa và Vĩnh Lạc trong Nhóm Nguyệt Thiềm.

Như vậy TQ đã nới rộng sự kiểm soát trong toàn thể quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi chống trả yếu ớt toàn bộ lực lương VNCH trên 3 đảo đầu hàng, không có thương vong.

Quân TQ củng cố trên các đảo chiếm được

Các phương tiện truyền thông ầm ỉ về "chiến thắng vĩ đại"

Có cả một cuốn truyện tranh về vụ này

Trích "Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc"


Tài liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn, lời bình của Khoằm được in nghiêng.