19 tháng 4 2013

VN những năm 1980

Khám phá kho ảnh cực kỳ quý giá về VN năm 1980 (1)

Fri, 19 Apr 2013 13:30:00 GMT
(Kienthuc.net.vn) - Một cuộc sống mới đang hình thành ở Việt Nam năm 1980, 5 năm sau khi cuộc chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi…


Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Philip Jones Griffiths (1936 –2008) được cả thế giới biết đến với nhứng bức ảnh kinh điển về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết đến một loạt ảnh đặc sắc được ông thực hiện ở Việt Nam năm 1980, 5 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt. Sau đây là những hình ảnh của ông được đăng tải trên trang Magnum Photos.



5 năm sau chiến tranh, những dẫy hào trú ẩn trong một ngôi trường ở vùng quê vẫn chưa bị vùi lấp.


Trong chiến tranh, do điều kiện y tế thiếu thốn nên cắt bỏ chi là một biện pháp được thực hiện phổ biến với những người lính bị thương. Vào thời hậu chiến có rất nhiều người bị mất chi, và sản xuất chân tay giả trở thành một ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam.


Chiếc máy may MiG-21 từng được phi công Việt Nam dùng để bắn hạ máy bay B-52 của Mỹ được trưng bày trong bảo tàng Quân đội, Hà Nội.


Trẻ em trong một trường mẫu giáo ở nông thôn.


Bên trong cửa hàng bách hóa trung tâm ở Hà Nội.


Ca sĩ biểu diễn phục vụ quần chúng ngoài trời, TP HCM.


Vật dụng của học viên trường giáo dưỡng Bình Triệu, nơi quy tụ những người nghiện ma túy ở TP HCM.


 Các học viên trong trường giáo dưỡng Bình Triệu.



Một bé gái là con lai Mỹ - Việt bán thuốc lá dạo ở TP HCM.


Dân làng đào kênh dẫn nước vào đồng ruộng.



Một khoảng ao gần Hoàng thành Huế được khoanh lại để nuôi cá.


 Đổ mực bút bi, một nghề trên phố phường Hà Nội thời hậu chiến.



Những người phụ nữ nhặt phế liệu tại địa điểm từng là trại Evans, một căn cứ bộ binh lớn của Mỹ.



Những người ăn xin phía ngoài nhà thờ Lớn, Hà Nội.



Những đứa trẻ hiếu kỳ tập trung bên bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long để ngắm các phóng viên ngoại quốc. Việc kết thúc cuộc chiến đã khiến dân số Việt Nam bùng nổ.



Du khách xem những quả bom tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP HCM.



Các tân binh tập thể dục buổi sáng tại một đơn vị quân đội.



Một khối nhà tập thể mang phong cách Xô Viết được xây ở Hải Phòng, trên nền của khu dân cư đã bị bom Mỹ san bằng.



Một đứa trẻ trên con đường lịch sử ở Mỹ Lai, nơi 504 dân thường vô tội đã bị lính Mỹ thảm sát năm 1968.



Những người trẻ tuổi đua xe máy vào buổi đêm tại TP HCM, một hoạt động bị luật pháp ngăn cấm.



Người đồng tính luyến ái, những đối tượng chưa được xã hội Việt Nam công nhận vào năm 1980.



Một cụ bà, người đã trải qua ít nhất 2 cuộc chiến tranh và những đứa trẻ đang được lớn lên trong hòa bình.



Buổi lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ cách mạng V. I. Lenin.



Trên một con kênh ở đồng bằng sông Cửu Long.



Lễ kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước tại TP HCM.



Tín đồ Công giáo ở TP HCM tham gia buổi lễ diễu hành.




Người dân cầm chân dung Hồ Chủ tịch trong buổi lễ.



Người dân cầm chân dung Hồ Chủ tịch trong buổi lễ.



Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường phố của thành phố mang tên Người.


Các thanh niên tập quân sự tại công viên Lênin, Hà Nội.


Khám phá kho ảnh cực kỳ quý giá về VN năm 1980 (2)

Sat, 20 Apr 2013 08:25:47 GMT
(Kienthuc.net.vn) - Sau 5 năm, những dấu tích của cuộc chiến tranh khốc liệt vẫn hiện hữu trong mọi mặt đời sống, xã hội ở Việt Nam.



Các chiến sĩ diễu hành về Nhà Hát Lớn trong buổi lễ kỷ niệm chiến thắng ở Hà Nội.


Những đứa trẻ chơi đùa trên xác một con tàu quân sự bị bỏ lại tại bãi biển gần thành phố Đà Nẵng.


Những người đã nổ phát súng đầu tiên trong phong trào Đồng Khởi chống chính quyền Ngô Đình Diệm ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, ngày 17/1/1960. Từ trái qua phải là các ông Nguyễn Văn Thông, Lê Văn Kính, Phạm Văn Giai và Nguyễn Văn Dũng.


Các thương binh tập hợp để xem trận đá bóng tại một trung tâm phục hồi chức năng gần Hà Nội.

Người thương binh và đứa con xem đá bóng.

Bên cạnh thương binh chiến tranh, những vụ tai nạn do nổ bom mìn còn sót lại xảy ra hàng ngày khiến nhu cầu về chân tay giả ở Việt nam thời hậu chiến rất cao.


Những đứa trẻ Mỹ Lai đứng trên con đường làng, nơi 12 năm trước rất nhiều người họ hàng của chúng đã bị lính Mỹ thảm sát.

Một người dân làng Mỹ Lai đứng trước bản danh sách các nạn nhân của vụ thảm sát ngày 17/2/1968.


Hai cậu bé ngồi trên xác trực thăng Mỹ để lại từ thời chiến.


Thị trấn Xuân Lộc, nơi 5 năm trước đã diễn ra trận đánh lớn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, trước khi quân đội Giải phóng tiến về Sài Gòn và thống nhất đất nước.


Trẻ em ở Xuân Lộc - thị trấn từng bị hủy hoại nặng nề khi không lực Sài Gòn thả một quả bom nhiệt áp CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ nhằm tiêu diệt sinh lực quân đội Giải phóng.


Trẻ em bên một khu nhà bị đạn bom phá hủy ở nông thôn Việt Nam.


Lớp học ở miền quê, nơi việc khắc phục hậu quả chiến tranh diễn ra chậm hơn vùng đô thị.


Khu chung cư do CHDC Đức (cũ) xây dựng tại Vinh, thành phố miền Trung đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh Việt Nam.


Một quán giải khát mở tại nhà riêng, dấu hiệu hiếm hoi của kinh tế tư nhân tại Việt Nam sau chiến tranh.

Một cửa hiệu tạp hóa mọc lên phía ngoài ngôi nhà bỏ trống do gia đình đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Trẻ em trên cầu Thê Húc, Hà Nội.


Trong một vườn trẻ, nơi trẻ em được hưởng bữa trưa miễn phí.

Thị xã Lạng Sơn, một năm sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979.


Các chiến sĩ trẻ tham gia buổi mít-tinh tại nhà hát TP HCM.


Chiếc xe bọc thép của Mỹ trở thành "tài sản" có giá trị nhất của một hộ dân ở Củ Chi.

Một cậu bé người Việt lai "Mỹ đen" đi xem biểu diễn văn nghệ mừng ngày 30/4.


Trẻ em tập trung quanh một thương binh để nghe kể chuyện.


Một thương binh bị mất cả hai mắt níu tay một tân binh, người chăm sóc ông tại nhà tình nghĩa dành cho cựu chiến binh.


Một chiến sĩ đứng gần cánh cổng của Hoàng thành Huế.


Du khách xem sa bàn tái hiện chiến dịch giải phóng Sài Gòn ở Bảo tàng Quân đội, Hà Nội.


Xác xe cơ giới vẫn chất đầy ven Quốc lộ 1 trên địa phận miền Bắc sau gần 1 thập niên. Đây là tàn tích của hoạt động đánh phá đường giao thông có quy mô lớn nhất lịch sử do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam.


Học viên trong trại giáo dưỡng dành cho các phụ nữ từng hành nghề mại dâm tại TP.HCM tập dượt biểu diễn văn nghệ.

Khung cảnh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1980.

Khung cảnh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1980.


Khám phá kho ảnh cực kỳ quý giá về VN năm 1980 (3)

Sun, 21 Apr 2013 06:00:00 GMT
(Kienthuc.net.vn) - Việt Nam năm 1980 là, những ngôi nhà mới được xây dựng trên miền quê bị tàn phá, nụ cười dần dần thay thế cho những đau thương mất mát...



Bà Lê Thị Nhiếp, người làng Bình Khánh, tỉnh Bến Tre kể: "Tôi bị dính bom napalm vào 3h chiều ngày 9/4/1964, khi ba chiến đấu cơ Mỹ ném bom xuống làng... Rất nhiều người chết dù không có binh sĩ Giải phóng nào trong làng. Tôi sẽ không bao giờ quên tội ác mà người Mỹ ra với cơ thể tôi. Bây giờ tôi phải chịu đựng đau đớn. Nhưng tôi không phải là ai đó quá quan trọng, đã có hàng nghìn trẻ em phải chịu thảm cảnh như vậy".

Trong một ngôi làng từng bị hủy diệt, những đứa trẻ của một số gia đình còn sống sót sau cuộc chiến đang chờ đợi những ngôi nhà được xây dựng lại.

Sau cuộc chiến, nhiều người dân làng bị li tán đã trở về miền quê của mình, nơi hứng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh.
Một tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ những người dân vô tội bị giết hại trong chiến tranh.

Trường giáo dưỡng dành cho gái mại dâm, nơi các phụ nữ lầm lỡ được quan tâm chăm sóc, chu cấp về vật chất, học nghề và tham gia các hoạt động văn hóa.

Một học viên trong trại giáo dưỡng. Từ năm 1975 - 1990, nạn mại dâm được kiểm soát khá hiệu quả ở Việt Nam. Nhưng sự phát triển của kinh tế thị trường đã khiến hoạt động mại dâm bùng nổ thời kỳ sau đó.
Những đứa trẻ trong trại giáo dưỡng dành cho gái mại dâm, TP HCM.

Một chiếc ô tô chạy trên con đường chất đầy những bó lúa vừa gặt. Người nông dân tận dụng điều này thay cho việc đập lúa.

Trại trẻ mồ côi số 6, TP HCM.

Nhiều đứa trẻ trong trại có cha mẹ đã mất trong cuộc chiến tranh Việt nam.

Trẻ em trong trại trẻ mồ côi số 6, TP HCM.
Xe tăng, máy bay, súng ống... là những đồ chơi ưa thích của trẻ em Việt Nam thời hậu chiến.

Một buổi sáng chủ nhật trong nhà thờ Lớn, Hà Nội.
Một cựu chiến bịnh bị chấn thương cột sống do mảnh bom trong thời gian hoạt động trên Đường mòn Hồ Chí Minh ngồi xe lăn trên con đường mòn của làng A Lưới, Huế.

Các mặt phẳng sạch sẽ, kể cả mặt đường Quốc lộ 1 thường được người dân tận dụng để phơi thóc lúc trời nắng.

Một quán nước phía ngoài Hoàng thành Huế.

Bé gái mặc áo dài ngồi phía ngoài đền thờ của đạo Cao Đài ở Tây Ninh.

Bên trong đền thờ, các tu sĩ Cao Đài tiến hành các buổi lễ 8 tiếng một lần.

Tín đồ đạo Cao Đài mặc một kiểu áo dài màu trắng, chia thành hai bên nam nữ khi hành lễ.

Các tín đồ nam giới.
Bao thuốc lá bên trong đựng dược phẩm trị liệu của học viên trường giáo dưỡng Bình Triệu, nơi tập trung những người nghiện ma túy ở TP HCM.

Một người ăn xin tàn tật trên đường phố của TP HCM.

Cây rừng bị thiêu rụi để người dân làm nương rẫy. Những thân cây khô sau đó sẽ được tận dụng để làm củi.

Người dân làm nông nghiệp trên những khoảng rừng bị đốt trụi.

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982) bên một bệnh nhi. Ông là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan.
Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng bên một cựu chiến binh, người đã nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh và biến chứng thành ung thư gan. Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng bên một cựu chiến binh, người đã nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh và biến chứng thành ung thư gan.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng cầm hình vẽ lá gan minh họa bệnh tình của bệnh nhân.

Trẻ em trong bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP HCM.
Những thân cây trơ trụi ở Tây Ninh, gần biên giới Campuchia.
Một cửa hàng bán sách cũ trên vỉa hè.


Thanh Bình (tổng hợp)

13 tháng 4 2013

Khát


Thảng trong chốc lát dầu nhiều
Tình yêu cũng giống cánh diều chơi vơi
Phải chăng trời đã định rồi
Đi đâu cũng chỉ gặp người éo le
Khát như cơn khát trưa hè
Giữa cồn cát trắng ngóng về nơi đâu?

Chang chang cái nắng trên đầu
Ước gì có phép nhiệm màu hỡi anh!
Ước thôi lên thác xuống ghềnh
Ước thân cò chẳng một mình sang sông!
Ước không tháng đợi, ngày mong
Câu thơ không ngắt giữa dòng vì ai
Khát chi sao cứ khát hoài
Nửa đời còn lại đâu dài nữa anh
Ngước nhìn thăm thẫm trời xanh
Mỗi lần KHÁT - là biến thành... giọt mưa !

27-4-1989


Nguyễn Thị Hồng Ngát 

12 tháng 4 2013

Lời thú tội rùng rợn của tên cai ngục tàn ác bậc nhất lịch sử Việt Nam


Đỗ Doãn Hoàng
Báo Lao Động

Nguyễn Minh Chánh - người phụ trách Đội K92 của Tỉnh đội Kiên Giang tiết lộ, ông có gặp Bảy Nhu một lần để “tham vấn” ý kiến của ông ta trong việc định hướng đào tìm hài cốt. Than ôi, có những mồ chôn tập thể khai quật rồi phát hiện tới 500 di cốt người tù đã “vị quốc vong thân”.
Lời thú tội rùng rợn của tên cai ngục tàn ác bậc nhất lịch sử Việt Nam 
 Tên cai ngục Trần Văn Nhu.

Lời thú tội rùng rợn của tên cai ngục tàn ác bậc nhất lịch sử Việt Nam

(LĐ) - Thứ sáu 12/04/2013 14:06 Trang chủ | Lao Động & Đời sống


Hai lần kỳ công tìm gặp “thượng sĩ bẻ răng” Trần Văn Nhu

Có lẽ, chúng tôi sẽ không sợ mình đã hồ đồ, khi nói: Lao Động là tờ báo đầu tiên công bố một bức chân dung xác thực nhất, cụ thể nhất, sinh động nhất về viên cai ngục tàn ác bậc nhất trong lịch sử Việt Nam Trần Văn Nhu (tức Bảy Nhu). Từ những thông tin như huyền thoại, từ các tác phẩm đậm chất văn chương của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Chu Lai, Xuân Ba…, từ lời kể của hàng vạn tù nhân cộng sản và yêu nước từng bị giam giữ ở địa ngục trần gian “Trại tù binh Phú Quốc” (tỉnh Kiên Giang), người ta đã biết trên đời có một “ác quỷ Bảy Nhu”. Nhưng hình hài ông ta ra sao, ông ta còn sống hay đã chết, những “chiến tích” tra tấn tù nhân gồm 24 ngón đòn được “sử sách lưu danh” của “quỷ sa tăng” kia cụ thể ra sao? Khi chúng tôi cất bước lần tìm Bảy Nhu, hầu như ai cũng bảo đó là hành động mò kim đáy bể. Bấy giờ, lên mạng Internet tìm kiếm, gõ tên của Bảy Nhu (Trần Văn Nhu) thì tuyệt nhiên không thấy một tấm ảnh nào, ngoài vài dòng miêu tả hoặc ghi theo ký ức của những nạn nhân từng bị Bảy Nhu hành hạ.

Ông Nguyễn Văn Vạn (Bến Lức, Long An) từng bị Bảy Nhu tẩm xăng đốt miệng.

Những ngày lang thang ở đảo Phú Quốc, chúng tôi tình cờ gặp được đại tá Nguyễn Minh Chánh - người phụ trách Đội K92 của Tỉnh đội Kiên Giang. Anh Chánh đang chỉ huy việc đào bới tìm kiếm di cốt của rất nhiều trong số khoảng 4.000 người tù cộng sản và yêu nước từng bị “tập đoàn quỷ sa tăng” do Trần Văn Nhu đầu têu giết hại. Ông Chánh tiết lộ, ông có gặp Bảy Nhu một lần để “tham vấn” ý kiến của ông ta trong việc định hướng đào tìm hài cốt. Than ôi, có những mồ chôn tập thể khai quật rồi phát hiện tới 500 di cốt người tù đã “vị quốc vong thân”. Một ý nghĩ lóe lên trong tôi: Bảy Nhu giờ ân hận, đang lẩn lút, ăn chay trường niệm Phật để sám hối, hắn ta muốn chuộc lỗi với cách mạng bằng cách “chỉ điểm” cho cán bộ đào tìm ở những nơi hắn đã vùi thây tù nhân. Vậy thì tôi sẽ đóng vai một người viết sử đi ghi lại sự kiện bi tráng này. Sau nhiều ngày dò dẫm, cuối cùng cán bộ quân đội ngoài công trường đào mộ khổng lồ ở Phú Quốc đã giới thiệu tôi đến gặp ông Hai M - một người từng tham gia làm tiếp quản cho Trại tù binh (đã bị cải tạo), giờ là chủ hãng nước mắm có tiếng của Kiên Giang. Ông Hai M dè dặt nhận lời giúp.

Đặc điểm của Bảy Nhu là luôn lẩn tránh người lạ, ông ta sẵn sàng tọt ra vườn sau khi đàn chó dữ sủa ầm ĩ báo tin có khách. Đã có lần ông ta mắc võng nằm mấy ngày ngoài đồi vắng, chỉ để đỡ phải gặp một ai đó. Hồi mới giải phóng, sau khi đi cải tạo về, nghĩ rằng mình đang bị chửi rủa, sẽ bị hắt hủi và trả thù, Bảy Nhu còn gài lựu đạn trên bờ rào dây thép gai quanh nhà mình để đề phòng. Ai ngờ trong đi mua rượu cho bố uống quên sầu, con trai ông ta đã vướng vào và cụt một chân.

Một tù nhân khác bị Bảy Nhu móc mắt đang được đồng đội cõng đi.

Trần Văn Nhu đã ngoài 80 tuổi, quê gốc ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Sau này, lên Sài Gòn sống rồi đi lính quân cảnh, sợ vào bộ binh dễ mất mạng nên ông ta đồng ý ra Trại tù binh Phú Quốc làm cai ngục. Khi gặp chúng tôi, Bảy Nhu thừa nhận nhiều ngón đòn dã man đã được mình và cộng sự thực thi, như: Đập vỡ xương bánh chè, ép ván vỡ lồng ngực, đốt dương vật, đốt miệng cho chín lưỡi những người tù vì tội không chịu khai báo… Thỉnh thoảng tức giận cái gì, đám cai ngục lại cho bắn vài quả đạn cối, giết mấy chục người “bướng bỉnh” khênh đi ném bỏ ngoài bìa rừng. Có khi chúng bắt người tù phải ăn cơm chấm với phân và máu của họ. Lũ đồ tể cũng sẵn sàng nướng người trên than hồng, luộc người trong chảo nước sôi, đập vỡ hết các mắt cá chân và xương bánh chè, cắt da “chỗ kín” của người tù, nhét đỉa sống vào rồi khâu lại, nướng thanh sắt đỏ rồi xuyên liên tục qua bắp chân, mổ bụng moi gan người mà chúng coi là “ương bướng”. Đặc biệt là trò dùng “gậy biệt ly” và “vồ sầu đời” (coi tra tấn, giết người như một thú chơi, nên bọn chúng đều đặt tên cho từng dụng cụ) ghè từng chiếc răng trong miệng tù nhân, bắt họ uống máu họ rồi nhè từng chiếc răng ra nộp cho “thầy cai”. “Thầy” mua vui bằng cách đeo nó trong ống bơ sữa bò treo tung tăng trên cổ. Mỗi lúc Bảy Nhu sắp đến tra tấn ai, họ đều nghe tiếng lóc xóc của hàng trăm chiếc răng bỏ trong lon sữa bò. Những bức ảnh khoang miệng người tù lởm chởm, không còn chiếc răng nào nguyên vẹn sau khi gặp Bảy Nhu có thể khiến bất cứ ai toát mồ hôi hột.

Dựng lại cảnh tra tấn tù nhân dã man tại Côn Đảo.

Ông Vũ Minh Tằng (hiện sống ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có lẽ là người duy nhất trên thế giới này có 9 cái răng đang trưng bày ở bảo tàng. Sau khi giúp gần 100 cán bộ ta vượt ngục Phú Quốc, Bí thư chi bộ Vũ Minh Tằng đã bị Bảy Nhu tóm gọn khi vừa nhô ra khỏi đường hầm bí mật. Bảy Nhu đã đập vỡ bánh chè, bắt ông Tằng ăn cơm trộn phân và máu, thậm chí hắn còn trực tiếp bắt ông Tằng há miệng để hắn đủng đỉnh “lấy” lần lượt 9 cái răng rồi bắt ông nuốt cả máu lẫn chùm răng đó. “Một giọt máu chảy ra ngoài, tao sẽ giết mày, ném xác xuống biển” - Bảy Nhu nó cứ rít lên” - ông Tằng kể. Ông Tằng đã bới phân mình, giắt 9 cái răng đó trong cạp quần suốt gần chục năm tù đày và hơn 30 năm được phóng thích theo Hiệp định Paris rồi sống ở vùng chiêm trũng Vụ Bản. Ông giữ vì muốn ghi dấu tội ác của giặc, muốn sau này mình về với các cụ có đủ bộ phận cơ thể vào… quan tài. Thế rồi, những người bạn từng ở địa ngục trần gian Phú Quốc sống sót trở về đã vận động ông Tằng hiến 9 cái răng kia cho “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày” của ông Lâm Văn Bảng ở Phú Xuyên (Hà Nội).

Gặp chúng tôi, Bảy Nhu thừa nhận nhiều ngón đòn dã man đã được mình và cộng sự thực thi, như: Đập vỡ xương bánh chè, ép ván vỡ lồng ngực, đốt dương vật, đốt miệng cho chín lưỡi những người tù vì tội không chịu khai báo… Thỉnh thoảng tức giận cái gì, đám cai ngục lại cho bắn vài quả đạn cối, giết mấy chục người “bướng bỉnh” khênh đi ném bỏ ngoài bìa rừng. Có khi chúng bắt người tù phải ăn cơm chấm với phân và máu của họ. Lũ đồ tể cũng sẵn sàng nướng người trên than hồng, luộc người trong chảo nước sôi, đập vỡ hết các mắt cá chân và xương bánh chè, cắt da “chỗ kín” của người tù, nhét đỉa sống vào rồi khâu lại, nướng thanh sắt đỏ rồi xuyên liên tục qua bắp chân, mổ bụng moi gan người mà chúng coi là “ương bướng”…
Khi bài viết “Chín cái răng lưu lạc” đăng trên báo Lao Động, nhân vật đau khổ Vũ Minh Tằng đã được hỗ trợ 30 triệu đồng làm bộ răng giả, 90 triệu đồng xây dựng lại mấy gian nhà để tiếp tục nuôi vợ yếu và cậu em trai tàn tật từ nhỏ. Cũng từ ý tưởng và kinh phí của độc giả, chúng tôi đã đưa ông Tằng trở lại đảo Phú Quốc sau gần 40 năm “xa cách” để gặp lại Bảy Nhu. Tại đây, trước máy quay, máy ảnh và hàng chục nhân chứng, Bảy Nhu đã bất ngờ nhận ra người tù quật cường Vũ Minh Tằng. Ông Tằng chửi bới, rút hàm răng giả ra căm phẫn gí vào mặt Bảy Nhu. Nhưng rồi cả hai đều khóc. Bởi như Bảy Nhu nói: “Bấy giờ tôi hành động như thằng điên. Tôi bị chúng nó bắt phải làm như con chó săn thế. Tôi xin lỗi ông Tằng và đồng đội của ông. Ngực tôi đây, mặt tôi đây, ông muốn đánh bao nhiêu cũng được, ông giết tôi, tôi cũng phải chịu. Lúc tra tấn các ông, tôi bị chúng nó ép phải làm thế, chứ thấy các ông can đảm, quật cường, một lòng vì nước vì dân, trong lòng tôi cũng kính trọng lắm chớ…”.

Sau khi Lao Động vào cuộc, tính đến nay đã có hàng trăm bài báo, hàng chục bộ phim “làm” về Bảy Nhu và ông Vũ Minh Tằng. Cái gì của lịch sử, xin hãy trả nó cho lịch sử, dù đau đớn và thao thức dằn vặt bao nhiêu đi nữa. Và, mới đây khi cùng ông Tằng trở lại “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày”, chúng tôi đã được ông Lâm Văn Bảng cho xem một tài liệu thuyết phục cùng những bức ảnh rợn người liên quan đến “bức chân dung của quỷ”, đến “bóng ma đang sống Trần Văn  Nhu”. Với mong muốn, “cái gì của lịch sử hãy trả nó cho lịch sử”, chúng tôi xin tiếp tục cung cấp hầu như nguyên văn tài liệu quý này để độc giả tự suy ngẫm.

Bấy giờ “tôi như một con thú độc”, cứ giết người tàn ác như vậy thôi

Tài liệu được ông Bảng đóng khung, treo lên bờ tường đó, viết như sau:

Sau hai mươi năm, đồng chí Đoàn Thanh Phương, một “tử tù” bị tra tấn tàn độc trong Trại tù binh cộng sản Phú Quốc (nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) đã gặp lại với tên cai ngục khủng khiếp Trần Văn Nhu.

Lời giới thiệu của đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Quốc và Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang:

Xin giới thiệu với ông Bảy đây là phái đoàn của các tỉnh và bảo tàng của Bộ Quốc phòng, đến gặp ông để nghe kể lại sự thật đã diễn ra trong nhà tù Phú Quốc. Ngày trước đây ông làm Trưởng trại giam tù binh Phú Quốc. Ông kể đúng sự thật, thật sự khách quan, để chúng tôi ghi lại, để đời sau con cháu ta biết được tội ác của Mỹ - ngụy, đồng thời các cán bộ cũng có cơ sở để để xây dựng Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc.

Lời thú tội của tên cai ngục Trần Văn Nhu.

Thượng sĩ nhất - viên cai ngục khét tiếng Trần Văn Nhu đáp: “Tôi ra đây làm Giám thị trưởng năm 1970. Đúng là tôi có đánh đập anh em tù binh, có bỏ họ biệt giam vào chuồng cọp, có đánh nhiều anh em, rồi giam riêng cho họ đói khát. Tôi cũng hành hạ, đánh đập, (nhổ) lấy móng tay, lấy móng chân, đục lấy răng của họ. Tôi có đánh roi cá đuối, rọi bóng đèn làm nổ con ngươi của mắt, dùng chày “vồ sầu đời” đánh vào đầu gối, bàn tay, bàn chân, mắt cá, cùi chỏ của họ. Vì khi đó thằng trung úy Hiển bảo tôi phải làm như vậy. Bấy giờ tôi như một con vật, loài thú độc ác cứ  “ăn thịt người” và giết người như vậy thôi. Nay, tôi xin nhận tội lỗi của tôi. Nhờ ơn Đảng và Nhà nước, tất cả anh em tù binh thương tôi thì để tôi sống. Nếu không thương tôi thì giết tôi cũng được. Vì tôi có lỗi với các anh tù binh, tội của tôi đáng chết”.
Đồng chí Đoàn Thanh Phương hỏi: “Có phải ông Bảy Nhu ra đây làm giám thị khu B2 không? Tôi nói lại cho ông biết ông ra đây năm 1967. Tôi nói cho ông nhớ lại nhé: Phía buồng giam bên kia là thượng sĩ Ty quản lý, đó là khu A2; bên này là ông Giám thị trưởng khu B2; còn chính giữa là trung sĩ Thu làm Giám thị trưởng khu A4 và trung sĩ Danh (phụ trách nhà dù); còn thượng sĩ nhất tên là Trần Văn Nhu phụ trách cái gì chắc ông biết rõ hơn tôi?”.

Trần Văn Nhu đáp: “Đúng. Nhưng có điều ông nói không đúng. Không phải tôi ra Phú Quốc năm 1967. Mà tôi ra năm 1970”.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương hỏi: “Như vậy ông có biết trung tá Phước đang ngồi cạnh ông đây không? Tôi giới thiệu cho ông biết ngày trước ông gọi em Phước này là “con nít con mà đi làm cộng sản”.

Thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu đáp: “Vì ngày đó ông Phước còn nhỏ, tôi xin lỗi ông, tôi không nhớ vì tôi hiện nay đã già, đã lớn tuổi rồi”.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương: “Tôi sẽ kể cho ông nghe. Tức là ông ra Phú Quốc năm 1967 làm giám thị cho khu B2 như hồi nãy nói mà ông không chịu công nhận. Giờ tôi sẽ nói cho ông biết là trung sĩ Thu, trung sĩ Sanh làm giám thị của khu A4. Ngày 28.5.1968, tôi tự giới thiệu cho ông biết là, tôi tên trong tù là Đoàn Văn Công, ông nhớ chứ, ông từng bỏ biệt giam chuồng cọp, tôi đã từng vượt ngục ông nhớ chứ?”.


Ông Vũ Minh Tằng và khoang miệng bị Bảy Nhu bẻ hết răng.

Thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu hoảng hốt, xỉu lật ngửa ra phía sau rồi gục đầu xuống khóc: “Xin lỗi, tha tội chết cho tôi vì hồi đó tôi ác quá. Tôi nhớ ra rồi. Ông Đoàn Thanh Phương cho phép tên Nhu này được quyền gọi ông bằng chú em, vì tuổi tác tôi đã cao. Thưa chú Phương, chú kể lại thì tôi nhớ ra. Đúng rồi, tôi ra đây năm 1967, lâu quá tôi quên. Giờ tôi già quá nên nó lẫn lộn. Phải rồi, chính tôi đánh chú, tôi đánh, bỏ biệt giam chú 4 lần và chú vượt ngục 4 lần. Tôi bỏ biệt giam chuồng cọp chú, hành hạ đánh đập chết đi sống lại. Nhiều lần tôi bỏ chú đói khát, phơi nắng phơi mưa, lột hết lớp da này đến lớp da khác. Tôi còn nhổ bỏ móng tay, móng chân, đục răng, đánh gãy hai bẹ sườn, đánh gãy xương đòn, đánh dùi cui vào đầu, vào người chú. Đánh chày vồ vào hai bàn chân, bàn tay, mắt cá, cùi chỏ, đầu gối, đánh roi cá đuối, đánh bể đầu, đánh không biết bao nhiêu mà kể cho hết. Tôi tính đánh đòn hiểm như thế là chú đã chết, tôi không ngờ bây giờ chú vẫn còn sống. Tôi nhớ hồi đó là thằng trung úy Hiển bảo tôi nên có tội ác như vậy. Xin lỗi tha tội cho tôi”.
Ông Tằng trong một lần trở lại Phú Quốc.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương lên xe, Bảy Nhu chạy theo xin lỗi tha thứ cho những tội ác trong quá khứ.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương nói: “Nếu tôi giết ông thì tôi đã giết từ lâu rồi. Ông nên nhớ rằng Đảng ta sẽ tha thứ kẻ có tội mà biết nhận lỗi, biết được như thế thì sẽ được khoan hồng. Chỉ sợ có tội mà không nhận tội, đó mới là người xấu. Hiện nay tôi còn sống như ông thấy, và tôi đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng quân đội”.

Đồng chí Đoàn Thanh Phương quay lại nói với những người xung quanh: “Yêu cầu tất cả anh em tù binh của chúng ta không được có hành động gì quá khích với tên Trần Văn Nhu, để sau khi bảo tồn di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, Trần Văn Nhu sẽ là nhân chứng sống (viên cai ngục tàn ác) trong chiến tranh vệ quốc của người Việt Nam. Việc “ác quỷ” Trần Văn Nhu được sống đến hôm nay, nó cũng là bằng chứng về chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta”.

Biên bản viết tháng 2.1993 tại nhà Trần Văn Nhu (những người có mặt ký tên)


Lời tác giả: Trong văn bản có bị mờ, theo suy luận của chúng tôi thì có lẽ năm ấy là năm 1993. Vì như tiêu đề của tài liệu, “sau 20 năm tử tù gặp lại”, tức là ông Phương cùng đồng đội được phóng thích sau Hiệp định Paris năm 1973 (nhà tù Phú Quốc hết sứ mệnh giam giữ tù binh), hai mươi năm gặp lại là năm 1993. Điều này cũng phù hợp với nội dung kể trên, nói về việc đoàn cán bộ bảo tàng, lãnh đạo Sở Văn hóa Kiên Giang đi tìm hiểu, làm hồ sơ cấp bằng di tích cho “nhà lao”, để rồi 2 năm sau, năm 1995, Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận như hôm nay chúng ta đã thấy.