30 tháng 4 2019

Từ Trang An Biên đến Kẻ Chợ: Ngày xửa ngày xưa

Dẫn nhập:

Khi tìm hiểu về những mảnh đất, địa danh, con người ở một vài vùng tại Hải Phòng - Hà Nội, do bản tính tham lam mà vấn đề cứ mở rộng, khoét sâu thêm mãi, thôi thì cóp nhặt chôm chỉa xào nấu thành loạt bài về chủ đề này, cũng là để cho các con người xào nấu tham khảo. Đây là một món hầm bà lằng xắng cấu, hổ lốn lộn xà ngầu, rất dài và rất xa, hy vọng người đọc có đủ kiên nhẫn!

Vì tài liệu tham khảo quá nhiều nên không liệt kê hết ra đây, chủ yếu là tài liệu đã công bố của các đơn vị: Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ; Viện Khảo cổ học; Viện Sử học; Viện Nghiên cứu Hán - Nôm 院研究漢喃; Viện Thông tin Khoa học Xã hội; Viện Vật lý; Viện Việt học; Thư viện Khoa học Kĩ thuật Trung ương; Viện Bảo tàng Lịch sử; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên; Bảo tàng Địa chất; các Bảo tàng Địa phương; Tạp chí Khảo cổ học; Tạp chí Khoa học Xã hội; Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Khoa Việt Nam học, ĐHSP Hà Nội; Viện Viễn đông Bác cổ (École française d'Extrême - Orient, EFEO); Bulletin de L'École française d'Extrême - Orient (BEFEO, Tập san của EFEO); và các ngành liên quan cũng như tài liệu nước ngoài, một số do người xào nấu chuyển ngữ... Thời gian trong bài, nếu theo lịch Tây thì viết bằng số (1/1/2019), nếu theo lịch ta thì viết bằng chữ (ngày Mùng một tháng Giêng năm Nhâm Thân).

Lịch sử:

Lịch sử, tiếng Hy Lạp: ἱστορία / historia, có nghĩa là "sự tìm hiểu kiến thức bằng cách điều tra" (Hy Lạp: Ελλάδα; La-tinh hóa: Ellada hay Ελλάς; La-tinh hóa: Hellas; La-tinh: Graecia, "Vùng đất của người Hellas"; Anh: Greece; "Hellas" phiên âm tiếng Hán: Xīlà 希臘, âm Hán - Việt: “Hy Lạp"; Phạm Phú Thứ (范富恕, 1821 - 82) trong sách "Tây hành nhật ký" / "Nhật ký đi sứ phương Tây", ghi lại khá tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe về kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán của người phương Tây, trong chuyến đi sứ dài ngày vào năm 1863 - 64, phiên âm "Graecia"/ "Greece" là "Cừ Sách", "Cừ Rách" hoặc "Ca Lê Cô"). Điều tra trước nhất là từ ghi chép lịch sử, thế nhưng nước ta trải qua những cuộc cướp đoạt, tiêu hủy của giặc ngoại xâm, cổ sử cũng như những tài liệu quý báu của tổ tiên chúng ta không còn gì thì lấy gì điều tra?

Suốt chiều dài lịch sử, giặc ngoại xâm luôn tìm mọi phương cách hủy hoại Văn hoá của ta, quyết không cho người Việt biết đến mặt chữ, đến sách vở của tổ tiên, mỗi lần tràn sang là mỗi lần hủy diệt tất cả những gì có thể để cho văn hóa được lưu truyền, đặc biệt là phương tiện lưu giữ chữ viết, như bia đá, trống đồng, hay bất cứ đồ gì có khắc chữ viết chữ trên đó một cách có hệ thống sau khi thu gom hoặc tiêu hủy hết sách vở. Có người hỏi rằng: "Tại sao quân giặc sang nước ta cướp sử về?". Tất cả đều nhằm xóa bỏ văn hóa, đồng hóa cộng đồng Bách Việt (百戉 / 鉞 / 粵 / 越) ở Lĩnh Nam (嶺南, "lĩnh" 嶺 có nghĩa là "thổ nhân cát [cứ]", tức là "lĩnh thổ" / "lãnh thổ", "nam" 南 là phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh 五岭) như trước đó đã thành công ở miền Giang Nam (江南, "phía nam sông Dài" [長江, Trường Giang, con sông dài nhất châu Á tức là sông Cái, nghĩa chữ là "sông Mẹ", theo thói quen của cộng đồng Bách Việt gọi sông lớn nhất trong vùng] đoạn hạ lưu sông Dài chảy qua khu vực thành phố Dương Châu 揚州 tỉnh Giang Tô 江苏 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [中华人民共和国, Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc - Trung Quốc 中国, TQ] được gọi là sông Dương Tử [揚子江, Dương Tử giang] người phương Tây biết đến Dương Tử trước khi biết toàn bộ sông Dài nên dùng Dương Tử để chỉ cả con sông Dài, thành quen). Để dòng giống người nước Nam không biết sử! Để lịch sử sẽ do quân giặc viết ra, và rằng người nước Nam ta từ phương Bắc mà ra!

Lạc Việt (雒 / 駱 / 貉 越) chỉ là một bộ phận nhỏ của cộng đồng Bách Việt mà, như cố Giáo sư Trần Văn Giàu (1911 - 2010, nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và nhà giáo) viết, rằng:
“Bị đô hộ hàng mười thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn, số dân đông hơn gấp bội mà sau mấy ngàn năm - Ta vẫn là Ta - hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ văn hóa lấy sức đọ sức, lấy số đọ số thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng khảo cổ học”
Công cuộc chống đồng hóa vô cùng bền bỉ, dai dẳng trong suốt quá trình vừa duy trì, gìn giữ, phát triển văn hóa bản địa, vừa tiếp thu có chọn lọc để làm phong phú văn hóa dân tộc. Chống đồng hóa trước hết là giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ, suốt ngìn năm Bắc thuộc dài đằng đẵng với những cuộc di dân cả tự do lẫn có kế hoạch một cách ồ ạt từ tù nhân, tội dân, những người bị đi đày, cùng dân, dân thường đến quan lại, để người Hán (Hán tộc 漢族 hay Hán nhân 漢人, một trong các dân tộc bản địa TQ và là dân tộc đông dân nhất trên thế giới) sống quần cư quần canh, lẫn lộn với các dân tộc Việt nhằm phá vỡ cơ cấu dân cư truyền thống sản xuất lúa nước nhiệt đới gió mùa vẫn không thể biến dân tộc ta “ăn theo nói leo” thành tộc Hoa Hạ 華夏, nói tiếng Hán (hay tiếng Hoa 漢語 Hán ngữ / Hoa ngữ hay tiếng Trung). Chỉ có một bộ phận nhỏ trí thức, lại thuộc ở kinh kỳ, phố thị bị cưỡng bức tiếp nhận khuôn thước quy củ của giới đô hộ mới học nói tiếng Hán, viết chữ Hán (漢字 Hán tự hay 漢文 Hán văn hay 中文 Trung văn). Còn ở sau lũy tre làng, nơi cố thủ cuối cùng trước nạn đồng hóa, vẫn là tiếng mẹ đẻ. Các nhà ngôn ngữ học đã khẳng định rằng tiếng mẹ đẻ của người Việt hơn ngìn năm trước đây dù có biến đổi theo thời đại nhưng so với ngày nay cơ bản là không khác mấy. Nước ta hiểm trở, xa xôi, rừng rú hoang dã đầy lam sơn chướng khí, tộc Hoa Hạ xứ lạnh không chịu nổi khí hậu nhiệt đới ẩm ướt gió mùa. Quan lại người Hán có thể cắm đến châu, huyện, chứ chưa bao giờ với được xuống tận làng. Làng vẫn do người Việt điều hành và lũy tre làng cứ như một bức tường vô hình ngăn chặn thế giới văn hóa Hoa Hạ xâm nhập, nên dù đã nhiều phen mất nước nhưng chưa bao giờ ta mất làng.

Từ huyền sử:

Dù không còn chữ viết, sách vở nhưng nhờ giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ mà tổ tiên truyền lại được cho chúng ta những truyền thuyết, dã sử, huyền sử. Nói về thể loại truyền thuyết có lẽ không một định nghĩa, ý kiến nào sâu sắc và xác đáng như ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đăng trên báo Nhân Dân ngày 29/4/1969 nhân ngày giỗ Tổ Vua Hùng 雄王:
"Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó là tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người yêu thích".
Tài liệu truyền thuyết khá phong phú, kho tàng cổ tích, ca dao lịch sử truyền miệng lưu truyền trong dân gian, từ những truyện thần thoại gắn với nguồn gốc dân tộc, có liên quan với những di tích văn hóa cổ đại của dân tộc từ thời Vua Kinh Dương (涇陽王, 2879 - 2792 TTL, tên húy Lộc Tục [祿續 2919 - 2792 TTL]) quân chủ Vương quốc ([王國, nước có quân chủ là Vua - Quốc vương 國王) Xích Quỷ (赤鬼, 2879 - 2524 trước Tây lịch), bố Lạc Long Quân (貉龍君, 2825 TTL - ?) và mẹ Âu Cơ 嫗姬, nước Văn Lang (文郎, 2524 - 258 TTL) thời các Vua Hùng … đến các sự tích thời Bắc thuộc và những nhân vật lịch sử, thần tích thời Đế quốc (帝國, nước có quân chủ là Hoàng đế 皇帝) Đại Cồ Việt (大瞿越, 968 - 1054) - Đế quốc Đại Việt (大越. 1054 - 1400 , 1428 - 1804). "Đại" 大 là "lớn", "Cồ" 瞿 là âm Hán - Việt cổ của từ "Cự" 巨 hay "Cừ" cũng là "lớn". Hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên, nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, Đại Thắng Minh (大勝明皇帝, 968 - 79, Đinh Bộ Lĩnh [丁部領, 924 - 79], sử gọi Đinh Tiên Hoàng 丁先皇) lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một hoàng triều bề thế, nhà Đinh (丁朝, 968 - 80), muốn ghép hai chữ "lớn" để khẳng định nước Việt là nước lớn, về sau Cồ được viết theo chữ Nôm là "Đại ở trên và Cù 瞿 ở dưới.

Truyền thuyết có nhiều truyện rất hay, tiêu biểu cả về mặt tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa của văn học dân gian, thể hiện thái độ yêu chính nghĩa, ghét phi nghĩa, yêu điều thiện, ghét điều ác, đề cao những mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa người và người của nhân dân. Lại có những truyện mang những tư tưởng, tình cảm rất phóng khoáng, là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần ở một thời kỳ mà mối quan hệ đạo lý giữa người với người còn cởi mở, chưa bị những khuôn sáo, tín điều Nho giáo gò bó quá chặt chẽ. Chỉ riêng miền đất Kẻ Chợ (chữ Nôm: "kẻ" viết bằng chữ "Kỷ" [, Hán - Việt], chữ "chợ" trên là chữ "trợ" [助, trợ giúp], dưới là chữ "thị" [市, chợ], thuộc cấu trúc biểu âm kiêm biểu ý) cổ tích là cả kho tàng ngồn ngộn. Với vị thế là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, miền đất Kẻ Chợ trong trường kỳ lịch sử phát triển, đặc biệt là từ thời Lý (家李 / 李朝, 1009 - 1225, còn gọi là nhà Hậu Lý [後李朝 / nước Đại Việt] để phân biệt với nhà Tiền Lý [前李朝 / nước Vạn Xuân 萬春, 544 - 602]), cùng với việc định đô là cuộc phục hưng văn hoá dân tộc, cùng với những chủ trương của các nhà nước phong kiến về việc thu hút nhân tài thì tự thân miền đất Kẻ Chợ cũng đã là “miền đất hứa” đối với nhân tài, kẻ sĩ và cư dân tứ chiếng, thực sự là “nơi hội tụ của bốn phương trời đất”, của không chỉ người Việt mà còn cả nhân thần và nhiên thần… Chính điều này đã tạo nên kho tàng các truyền thuyết dân gian vô cùng phong phú về miền đất này.

“Nùng sơn chính khí” là khí chất thiêng liêng của Kẻ Chợ. Quan niệm ấy vốn bắt nguồn từ một quá khứ xa xăm thời thần thoại. Trong kho tàng thần thoại của một cộng đồng người, có một thần thoại phủ lên một trái núi thiêng liêng, thiên tạo hoặc nhân tạo. Trái núi này mọc ở chính giữa lãnh thổ của cộng đồng và được coi như cái trục trung tâm của thế giới. Đấy là nơi giao tiếp giữa Trời và Đất. Trên núi có đền. Quan niệm về ngôi đền núi ấy có ở trong các nền văn hóa cổ xưa ở châu Á, từ Lưỡng Hà cho tới Ấn Độ, từ Đông Nam Á cho tới Trung Hoa 中華. Khi nước đã dựng, có quân chủ, thì trái núi ấy là nơi giao tiếp giữa Trời và nhà vua. Cùng một dòng tư duy thần thoại ấy, người Kẻ Chợ xưa quan niệm núi Nùng ở giữa đất trời, nghĩa là "rốn rồng" (Long Đỗ hay Long Độ, 龍肚), núi Rốn Rồng. Trên đỉnh có “lỗ thông hơi” của núi chằm. Trên núi cũng có một ngôi đền núi, hẳn là ngôi đền xưa nhất của Kẻ Chợ từ thuở đất này chưa mang tên ấy. Kẻ Chợ cổ có nhiều núi khác, phần nhiều là nhân tạo. Trong trại Hàng Hoa xưa (nay là vườn Bách Thảo) có núi Sưa (Sư Sơn); xế của Phủ Chủ tịch bây giờ, khi xưa có núi Khán. Và nào là núi Bò, núi Cung, núi ngũ Nhạc… nay đều còn dấu vết ở khu Ba Đình.

Có núi có sông, nhánh con của sông Cái (người Pháp phiên âm thành Song-Koï, sông Hồng [Hồng Hà 紅河 Honghe], đoạn từ chảy từ Lào Cai đến "ngã ba Hạc" ở Việt Trì gọi là sông Thao, đoạn qua Hà Nội còn gọi là sông Nhị hay sông Nhĩ) là dòng sông quê hương của người Kẻ Chợ xưa, dòng Tô Lịch (蘇瀝江, Tô Lịch giang, tương truyền lấy từ tên một vị già làng của một thôn làng Kẻ Chợ mé ven sông Tô, họ Tô, húy là Lịch, đến thời thuộc nhà Đại Đường [大唐朝, 618 - 907, Đế quốc], một cái thành nhỏ, La Thành 羅城, được đắp tại làng, làm phát sinh nhiều thần thoại liên quan, vị già làng về sau được tôn làm thần), vốn là sông thiên nhiên qua bao nghìn năm đã đượm sắc hương huyền thoại, đượm chất thơ và đượm màu lịch sử:
“Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya…”
Cũng như con người, con sông có một đời sống. Sông Cái xưa, khi chảy tới làng Yên Hà thì chỉ có một nhánh thôi. Nhánh ấy chảy qua Hải Bối, Chiêm Trạch, Lực Canh và Xuân Canh (nay thuộc Đông Anh). Nhưng tới Xuân Canh, nhánh ấy không chảy ngay vào sông Đuống mà cũng không chảy thẳng xuống phía Nam. Nó uốn vòng, chảy băng qua bãi Tầm Châu, mà dấu vết hiện còn là khoảng đất trũng hình lòng máng bắc ngang qua bãi gần xóm Cưu Quan. Trước thế kỷ X chưa có hồ Tây, hồ Tây bây giờ là đoạn sông Nhị chảy từ Nhật Tân xuống đến Hồ Khẩu (cửa hồ), thời có một nhánh sông con. Nhánh ấy là sông Tô Lịch, chia đôi ngả, một chảy xuống phía nam, một chảy lên bắc, qua Thụy Khuê, đường Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược (tên cũ là phố Sông Tô Lịch) băng qua Hàng Đường (tên cũ Cầu Đông) rẽ vào Ngõ Gạch và phố Nguyễn Văn Siêu, rồi lại nhập vào sông Nhị ở khoảng nhà tắm công cộng phố Chợ Gạo. Sông Tô ngày ấy là nhánh sông to, nhiều bến cảng. Sông bạc, sông vàng, sông buôn, sông bán, thuyền mành chen vai sát cánh. Sông Tô của chợ búa, mà nổi tiếng nhất là chợ Ngựa Trắng (白馬, Bạch Mã, tức chợ Đông, ở cửa sông Tô). Con sông kinh tế cũng là con sông văn hoá:
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu!”
Mấy câu ca dao trên và chứng cứ địa lý cũng rõ ràng sông Tô là nhánh sông to: đi dọc sông Tô, còn thấy những doi đất cao hơn 6m chạy dài một đoạn tới 2 -3 km sóng đôi nhau trên đôi bờ, chẳng hạn từ Láng đến Ngã tư Khổ, đó là những doi đất do phù sa sông Tô bồi cao qua lịch sử. Sông to mới có thể mang nặng phù sa để bồi những doi đất cao và dai như thế. Sông Tô xưa đầy ắp nước, chở nặng phù sa sông Nhị tưới nhuần đồng Thọ Xương, Vĩnh Thuận (nay là nội thành), Từ Liêm, Thanh Trì… đến thôn Hà Liễu (huyện Thanh Oai) thì dồn nước vào sông Nhuệ. Bình thường nước chạy xuôi dòng từ sông Nhị về sông Nhuệ. Mùa nước lũ, có khi nước đồng dồn xuống sông Tô, thế nước chênh cao hơn sông Cái, nước chảy ngược dòng từ phía sông Nhuệ ra sông Cái. Vì thế mà từ xưa sông Tô còn bị khoác thêm tên Nghịch Thuỷ (dòng sông chảy ngược, sử ghi từ thế kỷ VIII, khi La Thành được mở rộng). Cũng như mọi sông, qua thời gian và vượt không gian, sông mang nhiều tên: sông Tô Lịch, sông Lai Tô, sông Lương Bì, sông Địa Bảo, dòng chính của sông khi chảy qua các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là sông Kim… Có tên dân gian, có tên do phong kiến ghi từ năm 545 và sống mãi đến ngày nay.

Núi thiêng có đền núi. Sông thiêng có thần sông, được biểu tượng bằng rồng. Con vật thần thoại vốn gắn với nước này giữ bầu nước của trời, phun nước làm mưa khi “rồng mây gặp hội”. Cư dân làm ruộng lúa nước, ai chẳng mong mưa thuận gió hoà. Ngày trước, đất nước chưa được thuỷ lợi hóa, người dân quê chất phác hằng năm phải tổ chức những lễ cầu mưa và cầu tạnh. Thế là rồng nghiễm nhiên chiếm vị trí quan trọng trong vũ trụ tôn giáo thần thoại cổ. Những doi đất thiên tạo và cả nhân tạo được hình dung thành rồng uốn khúc cả. Kẻ Chợ xưa liền được xem như đất Chín Rồng. Vốn là mười nhưng có con ăn ở bất nhân quay đầu hướng khác nên bị bẻ què. Ca dao cổ vùng Kim Mã, Thủ Lệ có câu:
“Chín con một mẹ thong dong
Một con ăn ở ra lòng bất nhân”
Thế giới người trần tục làm sao thì thế giới thần thiêng làm vậy! Non sông xoắn xuýt tạo thành đất nước: thế là núi Nùng cũng được đồng nhất với rồng, thành ra Long Đỗ - Rốn Rồng. Đền núi Nùng trở thành đền thờ thần Long Đỗ, đôi khi mang cả dáng dấp thần núi lẫn thần sông. Đôi bờ sông Tô có làng, làng Kẻ Chợ gốc. Núi Nùng được xem như ở giữa làng. Làng có đình, thờ Thành hoàng 城隍, vị thần bảo vệ cho cả xóm làng. Thế là đền núi Nùng trở thành đình làng Kẻ Chợ, thần Long Đỗ trở thành Thành hoàng làng Kẻ Chợ. Thành hoàng là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng, dù có hay không có họ tên lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là "hộ quốc tỳ dân" [hộ nước giúp dân] ở địa phương. Xét mặt chữ, "Thành" 城 là cái thành, "hoàng" 隍 là cái hào bao quanh cái thành (sông Tô Lịch xưa là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long, đường bao nước của Kinh thành Thăng Long), ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Nhà văn Sơn Nam (bút danh của nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Tày, 1926 - 2008) cho biết thêm:
"Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh..."
Sơn Nam viết rằng thần Thành hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí Dương đem sức mạnh cho muôn loài, muôn vật, gọi ông "Thần hoàng" là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ là thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến. Học giả Đào Duy Anh (1904 - 88, nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng, được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội VN) gọi tục này là "Phần hoàng". Nên khi trích lại đoạn viết về tục "thờ thần" ở trong sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính (潘繼炳, 1875 - 1921, nhà báo, nhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ XX), Sơn Nam đã sửa từ "Thần hoàng" ra "Thành hoàng" cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ. Tuy nhiên, xét trong sách "Việt Nam phong tục", lễ Thần hoàng được xếp vào mục "Phong tục trong gia tộc" còn việc thờ phụng Thần hoàng được xếp vào mục "Phong tục hương đảng", thì rõ là Phan Kế Bính đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau. Phan Kế Bính viết:
"Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (三國, 190 - 280) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ (李德裕, 787- 850) làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô (成都, nay là tỉnh lỵ tỉnh Tứ Xuyên [四川, còn có biệt danh là Ba Thục 巴蜀, do thời Tiên Tần 先秦 - trước triều đại nhà Tần {秦朝, 221 - 207 TTL, Để quốc}, trên đất Tứ Xuyên có hai nước chư hầu, Tử quốc (子國, nước có quân chủ là Tử tước 子爵) của nhà Chu {周朝 ~1123 - 249 TTL, Vương quốc} là Thục {蜀國, ? - 316, ở đồng bằng Thành Đô, vùng Trung và Tây bồn địa Tứ Xuyên 四川盆地 và vùng thượng thung lũng sông Hán Thủy 漢水} và Ba {巴國, ? - 316, 巴 nghĩa đen là 'đại xà, rắn lớn', ở vùng nay là thành phố trực thuộc trung ương TQ Trùng Khánh 重庆 và vùng Đông Tứ Xuyên dọc theo sông Dài và một số chi lưu của nó}, tên gọi tắt là Thục 蜀]); kế đến nhà (Đại) Tống (大宋朝, 960 -1279), nhà (Đại) Minh (大明朝, 1368 - 1644), thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
...
Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn, thời cổ ghi sông [,江 giang] bằng chữ xuyên 川); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình... Dân ta tin rằng: 'Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân', vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh..."
Vẫn theo sách "Việt Nam phong tục" thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc thần, có ba hạng:
  • Thượng đẳng thần là những thần danh sơn đại xuyên, và các bậc thiên thần như Tản viên Sơn thánh, Cao sơn, Quý Minh Đổng thiên vương, Sóc thiên vương, Chử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa... Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Triệu Quang Phục (趙光復 524 - 71, Hoàng đế thứ hai nước Vạn Xuân, Vua Triệu Việt [趙越王, 548 - 71), Tô Hiến Thành (蘇憲誠 1102 - 79, đại thần phụ chính, Nhập nội Kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự [Tể tướng 宰相], phụng sự hai triều nhà Lý, sự nghiệp võ công của ông buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164), Trần Hưng Đạo (陳興道, 1232 - 1300, tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian đời sau gọi vắn tắt thay cho cách gọi tên Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân cả nước đầy đủ và trang trọng hơn là Vua lớn Hưng Đạo 興道大王 Trần Quốc Tuấn 陳國峻, hay Vua lớn Nhân Vũ Hưng Đạo 仁武興道大王 là tước phong chính thức cao nhất do Hoàng đế nhà Trần (陳家 / 陳朝, 1225 - 1400) ban tặng cho ông lúc sinh thời do công lao trận mạc của ông và tước 'Vua lớn Hưng Đạo' có cấp bậc cao hơn tước 'Vua Hưng Đạo' 興道王)... Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần. Cũng có vị là nhân thần nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết như Đức thánh Tam Giang (danh xưng mà người dân tôn vinh chung hai vị tướng anh em 'sinh vi dũng tướng, tử vi minh thần' Trương Hống và Trương Hát thời Vua Triệu Việt, được nhắc tới nhiều nhất trong truyền thuyết gắn liền với huyền thoại ra đời tác phẩm 'Nam quốc sơn hà' [南國山河, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt, được văn bản hóa sớm nhất ở sách 'Việt điện U Linh tập' [粵甸幽靈集 / 越甸幽靈集, 'Việt điện': 'đất nước Việt', 'U Linh': 'thiêng liêng, 'Tập truyện về cõi thiêng liêng của nước Việt', viết tắt 'Việt điện'] bản nhuận chính năm 1329 của Lý Tế Xuyên 李濟川, không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan, trong đó có chức vụ trông coi việc tế tự dưới triều Trần], được thờ ở 372 làng thuộc lưu vực ba con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ, danh xưng xuất phát từ cách gọi chung của ba con sông nói trên và từ tước 'Tam Giang thượng đẳng thần' mà các triều đại Việt phong cho hai ông).
  • Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần. Có những trung đẳng thần được thờ rất phổ biến như anh em Cao Lịch, Cao Khiển là tướng nhà Đinh thuộc tướng của Đinh Điền (丁佃; 924 - 79, một trong số những công thần khai quốc Đại Cồ Việt, Ngoại giáp, Nhập nội kiểm giáo Đại Tư đồ, Bình chương trọng sự và là người tận trung với nhà Đinh, bạn đồng hương, sinh và mất cùng năm với Hoàng đế Đinh Tiên; được Hoàng đế đầu tiên nhà Tiền Lê Đại Hành [大行皇帝, 980 - 1005, Lê Hoàn {黎桓, 941 - 1005}] sắc phong ông là 'Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh quang Đại vương', vợ ông là Phan Môi Nương cũng được sắc phong là 'Huệ Hoa Gia Tĩnh Trinh Thục phu nhân', Hoàng đế sáng lập nhà Lê [家黎 / 黎朝, 1427 - 1789], còn gọi là nhà Hậu Lê [家後黎 / 後黎朝], để phân biệt với nhà Tiền Lê [前黎朝 / 家前黎, 980 - 1009], Thái Tổ [太祖皇帝, 1428–33, Lê Lợi {黎利, 1383 - 1433}] sắc phong ông là 'Thượng đẳng Vạn cổ Phúc thần Trung thánh Đại tư đồ Bình chương sự Khai quốc Công đức Văn Đại vương'). Ở các đền thờ vùng Ninh Bình thì Cao Lịch được sắc phong 'Lịch Lộ Đại vương trung đẳng thần', Cao Khiển được phong 'Hành Khiển Đại vương trung đẳng thần'.
  • Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.
"Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết... Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì..."
Theo học giả Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947, từng làm việc tại BEFEO Hà Nội chuyên về văn học cổ Việt Nam, Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945, Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ Liên hiệp Việt Nam Lâm thời 1946, bị Pháp bắt, tra khảo và giết tại Bắc Kạn trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Pháp vào chiến khu trong chiến dịch Việt Bắc ngày 7/10/1947) thì:
"... khởi đầu đình chỉ là cơ ngơi để dân làng hội họp, là nơi dành để treo những sắc lệnh và huấn dụ của nhà vua... Để thờ phụng Thần hoàng, nhiều làng lập miếu thờ. Rồi theo lệ ngày sóc (mùng 1) và ngày vọng (ngày rằm) dân làng đến miếu để làm lễ Vấn (theo nghĩa kính viếng). Miếu này còn gọi là 'nghè', nơi gìn giữ sắc thần. Ngày tế lễ, dân làng rước sắc thần từ miếu đến đình để cử hành việc tế lễ, sau đó đưa trở về miếu. Để đơn giản hóa, sau nhiều làng chỉ xây một cái đình lớn, phía ngoài làm nơi hội họp (đình), phía trong là miếu..."
Làng lớn dần, thành huyện, thành phủ thì thần Long Đỗ trở thành “Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân” (thế kỷ VII - VIII). Đất Kẻ Chợ trở thành kinh đô cả nước (1010) thì thần Long Đỗ núi Nùng được phong là “Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương”. Làng trở thành kinh thành, đó là phía trần tục. Thành hoàng làng trở thành thành hoàng kinh đô, đó là phía tôn giáo tín ngưỡng. Lại một lần nữa ta chiêm nghiệm một chân lý duy vật: “Thần thánh chẳng qua chỉ là sự thần thánh hóa sức mạnh trần gian” (theo Phơ - bách [Ludwig Andreas Feuerbach {1804 - 72}, nhà triết học lớn của triết học cổ điển Đức]). Đền thần Long Đỗ núi Nùng được dời ra ngoài Cửa Đông, thành đền Ngựa Trắng, một trong bốn ngôi đền thờ bốn vị thần để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn), đền Ngựa Trắng trấn giữ phía Đông kinh thành, nay ở số 78 phố Hàng Buồm. Còn núi Nùng nằm gọn trong hoàng thành nơi xưa là trục trung tâm giao tiếp giữa trời và nhà vua. Đền núi cổ xưa chuyển thành “điện Kính Thiên” phong kiến. Chính là nơi thiết triều của các thời Lý, Trần, Lê, tức là nơi trung tâm của Hoàng thành Thăng Long (昇龍皇城: Thăng Long hoàng thành, Long Thành 城龍).

Thăng Long 昇龍 là đất rồng bay lên, chữ "Thăng" 昇 có bộ "Nhật" 日 (ngày, tức là lúc có ánh Mặt trời) đặt lên trên chữ "Thăng" 升, bao hàm hai nghĩa: “Rồng bay lên” và “Rồng (bay) trong ánh Mặt trời lên cao", mang sức mạnh kỳ diệu và tốt lành của giống Rồng, rất gần gũi với “con Rồng cháu Tiên”. Rồng là một con vật truyền thuyết mà khi chọn con vật này để đặt tên cho kinh đô thì cũng đã thừa nhận đây là xứ sở của những truyền thuyết. Truyền thuyết xưa nhất mà lại còn cả dấu tích văn hoá vật thể trên đất Kẻ Chợ là “Bảy cây gạo”. Tương truyền, một người vợ của Lạc Long Quân, Lạc phi, đã sinh ra một bọc bảy trứng, bèn đem bỏ ra ngoài bờ sông Cái (ở phía tây bắc hồ Tây nay). “Trứng rồng lại nở ra rồng”, bảy trứng nở thành bảy rồng, bay khắp nước non. Chuyện đến tai Lạc phi, bà đã đến và trồng bảy cây gạo để ghi dấu các con. Nơi có dãy bảy cây gạo cổ thụ sau trở thành phường Nhật Chiêu rồi đổi là làng Nhật Tân, kề cận làng Quảng Bá, nay là phường Nhật Tân quận Tây Hồ.

Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi, trong đó bãi là chủ yếu, ở thôn Bắc có miếu Cung, nằm dưới hai cây gạo cổ thụ trên khu đất cao ngoài bãi, tương truyền là nơi sinh của Uy Đô, con thứ bảy Hoàng đế thứ ba nhà Trần, Nhân Tông (陳仁皇宗, 1278 - 1293, Trần Khâm [陳昑, 1258 - 1308]), mẹ ông là con gái dân gian, được vua vời đến cợt ghẹo rồi có mang và sinh ra ông. Cũng vẫn mô típ “ông hoàng không may mắn” trong chuyện dân gian như ông hoàng Linh Lang thời Lý. Thuở nhỏ, hoàng tử Linh Lang sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở nơi sinh, nhiều lần hoàng tử xin xuất gia đầu Phật nhưng không được vua cha chấp thuận. Có tài nhưng không thích chen cạnh trong đám bụi quan trường. Ông Hoàng Bảy xin vua cha dựng riêng nhà ở phường Nhật Chiêu, đọc sách, ngâm thơ, xa lánh chính sự. Khi Chiêu Minh phu nhân mất, nhà vua cho lập đền thờ, gọi là “Chiêu thánh điện”. Giặc Nguyên - Mông sang xâm lăng nước Việt. Ông tạm gác cuộc cờ, giá sách, khảng khái xin ứng nghĩa, mộ được hơn 1.000 nghĩa sĩ, huấn luyện binh pháp, đặt tên là “Thiên tử quân”, xông pha giết giặc ở Mạn Trù, Đông Kết (Khoái Châu), lập được nhiều chiến công nên được phong là Vua Dâm Đàm (vương tử hồ Mù Sương). Ông không nhận tước lộc, hàng ngày chăm chỉ tu thiên, 36 tuổi ông mất. Vua Dâm Đàm cũng gọi là thánh Linh Lang, còn gọi là Uy Linh Lang để tiện phân biệt với ông thánh Linh Lang triều Lý được thờ ở đền Voi Phục Thủ Lệ. Uy Linh Lang được thờ ở Nhật Tân, Yên Phụ và đền Voi Phục Thụy Khuê, chạ em của Thủ Lệ, trông thẳng ra hồ Tây, tương truyền được lập trên nền cũ điện Thụy Chương đời Trần trong phường phố cùng tên, nay có bàn thờ ông trong chùa Trấn Quốc 鎭國寺.

Dấu tích bảy cây gạo ngày nay không còn nhưng vẫn để lại dấu ấn trong bài phú chữ Nôm "Tụng Tây Hồ phú" (Phú ca tụng hồ Tây, gồm 86 liên, dùng chỉ một vần "hồ") ca ngợi cảnh đẹp của hồ Tây được Nguyễn Huy Lượng (阮輝諒, ? - 1808) làm theo lệnh Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn Tây Sơn (阮家西山 / 阮西山朝, 1778 - 1802), Cảnh Thịnh (景盛皇帝, 1792 - 1802, Nguyễn Quang Toản [阮光纘, 1783 - 1802]) vào tháng 6 năm Tân Dậu 1801. Dân Kẻ Chợ hồi ấy gọi là "Phú ông Lựợng", đổ xô đi tìm mua bản chép tay bài phú này. Có thể coi truyền thuyết "Bảy cây gạo" như mảnh vỡ của hệ thần thoại Việt cổ Lạc Long Quân - Âu Cơ được các đời sau truyền thuyết hoá; đồng thời phần nào lý giải cho tên gọi Thăng Long.

Vì nơi đây là “đất thiêng ngàn năm văn vật” nên chúng ta còn gặp ở Kẻ Chợ ất nhiều con vật huyền thoại mà đi cùng với đó là những truyền thuyết về lịch sử, văn hoá của nơi đây. Có Rùa Vàng giúp Vua An Dương (安陽王, Thục Phán 蜀泮) quân chủ nước Âu Lạc (甌雒 / 甌駱, 218 - 179 TTL) xây thành Ốc Cổ Loa, có Rồng Vàng bay lên mở ra một kỷ nguyên độc lập và Lê Thái Tổ giả gươm Rùa Vàng để khẳng định đất nước có chủ quyền và đã hoàn toàn độc lập, hoà bình. Đó còn là thần Ngựa Trắng, với vai trò như là kiến trúc sư chỉ rõ con đường quy hoạch thành Thăng Long mà nay còn đền thờ thần Ngựa Trắng. Có Trâu Vàng (金牛, Kim Ngưu) tắm nước hồ Tây tạo cho Kẻ Chợ rất nhiều gương diễm lệ, có hồ và sông còn giữ được cái tên Trâu Vàng (hồ là hồn Tây, sông là một nhánh của sông Tô). Rồi lại có khá nhiều rắn, phải là rắn mới gợi ra những huyền tích xa xưa để ta nhớ đến Giao Long thần kỳ, được người Việt gọi tên bố về hỗ trợ cháu con gặp nạn. Dấu tích của rắn có ở khắp mọi nơi: ở Lệ Mật phía Đông, ở Dịch Vọng phía Bắc và ở Linh Lang ngay chính giữa Kinh đô. Có thể nói Kẻ Chợ là xứ sở của những câu chuyện huyền thoại, những con vật huyền thoại gắn liền với đời sống của nhân dân, những con vật linh thiêng phù trợ cho nhân dân. Điều đó lý giải vì sao Kẻ Chợ có nhiều đền thờ, nhiều địa danh gắn liền với những huyền thoại, những con vật huyền thoại đó: hồ Tây, hồ Giả Gươm (湖還劍 / Hoàn Kiếm 還劍湖, bản đồ Hà Nội năm 1886, ghi là Lac de Hoan Guom - Hồ Hoàn Gươm), sông Trâu Vàng, Lệ Mật, Linh Lang…

Khi Lê Thái Tổ giả gươm Rùa Vàng thì chưa có hồ Giả Gươm, dựa theo bản đồ Hồng Đức (洪德版圖冊, Hồng Đức bản đồ sách hay Hồng Đức địa dư, vào năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận [光順, 1460 - 1469] đời Hoàng đế thứ tư nhà Hậu Lê giai đoạn Lê sơ [家黎初 / 黎初朝, 1427 -1527], Thánh Tông [聖宗皇帝, 1460 - 17, Lê Tư Thành 黎思誠 / Lê Hạo 黎灝, 1442 - 97], Hoàng đế xuống chiếu sai các thừa tuyên vẽ bản đồ từng thừa tuyên gửi về Bộ Hộ [戸部, quản lý các công việc đất đai, hộ tịch, sưu thuế, bổng lộc, quân lương, đồ cống nạp cùng các công việc khác có liên quan tới tài chính], bản đồ được hoàn tất và ban hành vào năm thứ 21 niên hiệu Hồng Đức [洪德, 1470 - 97], 1490) thì phần lớn xung quanh kinh thành khi ấy là nước. Sông Cái có một nhánh chảy qua vị trí của các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Chuối rồi đổ ra nhánh chính của sông Cái. Cũng như lòng người có lúc đổi dạ, sông Cái một ngày không chảy theo dòng ngày xưa nữa mà chảy một cách khác. Sự thay đổi này không có gì là lạ, vì những con sông lớn thường đổi dòng luôn trên những đồng bằng bồi tích phù sa do chính những con sông ấy tạo lập. Sông Cái đổi dòng, từ Hải Bối chạy thẳng về phía đông nam, không đem nước qua nơi sẽ là hồ Tây nữa, lại cuốn đất đóng cửa sông vào là Quảng Bá, cửa sông ra là Nghi Tàm. Hồ Tây vì vậy mà thành lập, rộng dài từ tây qua bắc sang đông, nước sông Tô vì thế mà cạn dần đi, hồ Giả Gươm cũng hình thành từ nơi rộng nhất của nhánh sông đã mất nguồn nước sông Cái. Nhưng sông Tô có một cửa nữa thông với sông Cái: cửa Giang Khẩu, nên sông vẫn còn to. Danh sĩ Phạm Đình Hổ (范廷琥, 1768 - 1839) chép trong "Vũ trung tuỳ bút" (雨中隨筆, "Tùy bút trong mưa") rằng:
“Kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu ở tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hằng năm bờ sông bị nước xói vào, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê Trung hưng (黎中興, 1533 - 1789, giai đoạn Trung hưng 中興 của nhà Hậu Lê sau 6 năm nhà Mạc [莫朝,1527 - 92] nắm giữ kinh thành) mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ (tức phố Hàng Buồm). Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá để hàn chắn trên thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông phía nam dần dần nổi bãi phù sa mãi ra người đến tụ họp đông đúc… Nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long (gần Nhà hát thành phố) và đều thành ra phố phường đô hội cả”
Hàng Buồm xưa là phường Giang Khẩu, vì kỵ húy Vua thứ 6 họ Trịnh (主鄭 / 鄭王, 1599 - 1787), thời Lê Trung hưng, Uy Nam (威南王, 1729 - 40, Trịnh Giang [鄭杠, 1711 - 62]) nên đổi tên là Hà Khẩu, cả hai tên đều có nghĩa là "cửa sông". Cửa sông Tô! Sông Tô của trai thanh gái lịch những đêm trăng trong gió mát:
“Biết nhà cô ở đâu đây,
Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?”
Hồ Tây, mặt gương của Thăng Long, lá phổi của Long Thành, nơi lắng đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại, thơ ca xưa kia. Theo thần thoại và truyền thuyết, thần thoại suy nguyên dẫn ta trở về với một hồ Tây huyền thoại. Đầm Xác Cáo - hồ Trâu Vàng - hồ Mù Sương - hồ Tây … mỗi tên gắn với một câu chuyện truyền kỳ. Tư duy lưỡng hợp (chia hai - hoà một) thời thần thoại hình dung có nước thì phải có non, hồ đầm đương nhiên có nước, dưới nước có thuồng luồng, rùa, giải… sau hoá thân thành Long Vương, thành Lạc Long Quân. Giữa hồ đầm có núi, không phải núi đá, mà núi gỗ tầm, những cây gỗ tầm cổ, mọc thành rừng, cao to như núi cho nên thường gọi là núi, núi và rừng vẫn thường lẫn lộn. Trên bờ hồ đầm phía tây nam, nay là Yên Ninh, Yên Quang, tre ngà cũng mọc thành rừng. Núi rừng có hổ, voi, cầy, cáo, trâu rừng… Từng ở giữa và ven hồ đầm, nên đặc biệt có rái cá, con vật vừa ở nước vừa ở cạn. Non nước hoà làm một, lưỡng hợp, thì con vật biểu trưng là rái cá, thấy chạm khắc trên trống đồng Kẻ Chợ (trống đồng Ngọc Hà, Giao Tất, Trung Màu…). Non nước lưỡng phân thì thế lực dưới nước được biểu tượng bằng thuồng luồng, rùa, giải, rồng, Lạc Long Quân…; thế lực trên núi (cạn to như núi) được biểu tượng bằng ông Khổng Lồ (cao to như núi) hoặc bằng một con quái vật nào đó của núi rừng. Hai thế lực vừa đối lập vừa hoà đồng, vừa tương sinh vừa tương khắc, vì thế hồ Tây có huyền thoại “bến bắt thuồng luồng”, ở phía tây hồ, thuộc địa phận làng Xuân Tảo.

Sách "Tây Hồ chí" (chưa rõ tác giả, năm xuất bản) ghi rằng thời Vua Hùng nơi đây là một bến nằm giáp sông Cái, thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp, làng Long Đỗ. Tục truyền, trong bến có con thuồng luồng thành tinh ẩn nấp lâu ngày. Một bà mẹ xuống bến rửa chân, bị thuồng luồng nuốt. Nhưng con của mẹ lại là ông Khổng Lồ - thần núi (đền Quán La - Xuân Tảo, sau là đền Phù Đổng Thiên Vương) đã xuống giết thuồng luồng cứu mẹ. Quái vật dưới nước cũng có khi là con giải. Cho đến gần đây, người dân chài Kẻ Chợ vẫn tin rằng khúc sông Cái từ bến Chèm đến bến Phà Đen xưa nay không bao giờ có giải. Vì sao? Vì có ông Khổng Lồ dạng chân qua đôi bờ sông Hồng khua bắt giết giải báo thù cho mẹ, từ đó giải khiếp kinh, không dám bén mảng đến vùng sông nước kinh thành! Đó là hai trong nhiều huyền thoại về thế lực Non thắng Nước. Cũng có huyền thoại về Nước thắng Non: đó là chuyện Hồ tinh.

Tục truyền ở phía tây thành Long Biên (龍編, sau là kinh đô nhà Tiền Lý) có hòn núi đá nhỏ có con cáo trắng chín đuôi, sống hơn ngàn năm, thành yêu quái, có thể biến hóa vạn trạng, khi thành người khi thành quỷ ở khắp dân gian. Lạc Long Quân liền dẫn sáu đạo quân các loài thuỷ tộc, dâng nước lên cùng sấm gió phá hang cáo. Cáo trắng chín đuôi bỏ chạy, quân thuỷ tộc đuổi theo, bắt cáo nuốt ăn, hang con cáo chín đuôi phá hoại dân lành trở thành một cái vũng sâu, sau gọi là “đầm Xác Cáo”. Để giữ kỷ niệm xưa, người ta đã đặt tên cho cánh đồng ở phía Tây đầm là Hồ Đỗng (hang cáo) và thôn xóm cạnh cánh đồng đó là Làng Cáo (Xuân Tảo), sau dân làm nhà ở, làm ruộng vườn nơi cánh đồng Hồ Đỗng, gọi là Hồ Thôn (làng Hồ Khẩu nay). Huyền thoại đã được pha thêm cách giải thích tên đất theo từ nguyên học dân gian, từ “hồ” là đầm hồ đã chuyển thành “hồ” là con cáo. Và địa danh “Hồ Khẩu”, “Cáo Đỉnh”… nay được gắn cho một nghĩa lý hẳn hoi… Đối với nhân dân, ý nghĩa huyền thoại và đời sống hiận thực thật khó lòng tách bạch. Nguyễn Huy Lượng trong "Tụng Tây Hồ phú" có câu nói về sự tích này:
"Trước bạch hồ nào ở đó làm hang
Long vương hổ nên vùng đại trạch"
Ngày nay con đường bao quanh phía Tây hồ Tây mang tên Lạc Long Quân, còn đường bao quanh phía Đông chạy dọc đê sông Hồng từ Nghi Tàm đến Nhật Tân là Âu Cơ thể hiện lòng biết ơn đối với ân đức của Vua Bố.

Đến thời Vua Bà Trưng (徵女王, 40 - 43, Trưng Trắc [徵側, 14 - 43], Trưng Nhị [徵貳, ? - 43]) bến Lâm Ấp còn ăn thông với sông Cái, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm... Cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn. Ngoài ra, xung quanh bờ hồ còn có sự xuất hiện của các hang động vừa và nhỏ, bờ phía Tây có Già La Động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Cư dân sinh sống còn thưa thớt, chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng tỉa cây cối. Theo "Tây Hồ chí", thì sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, Tướng thứ ba của nhà Hán Mã Viện (馬援, 14 TTL - 49) đã gọi nơi đây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Tên gọi này thể hiện ý nghĩa rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ. Một viên tướng là Bình Lạc hầu Hàn Vũ đã chết ở đây.

Với thời gian, cùng sự ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, người ta lại ghép thêm yếu tố mới vào câu chuyện cũ. Lạc Long Quân, vị anh hùng văn hoá có công diệt Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh trên ba miền đất nước (biển, đồng bằng, núi rừng), trở thành bộ hạ của Huyền Thiên Chân Vũ Đế (玄天真武帝, vốn là thần trấn phương Bắc của thần thoại TQ), Huyền Thiên giáng trần diệt Hồ tinh! Và quán Chân Vũ, trấn giữ phía Bắc kinh thành, ta gọi quen là quán Trấn Võ hay đền Quán Thánh, mọc lên bên bờ hồ Tây, đánh dấu sự hình thành của Đạo giáo Việt Nam. Thời Lý là quán Bắc Đế. Thời Lê, vào năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Trị (永治, 1676 - 1680) đời Hoàng đế thứ 21 nhà Hậu Lê và thứ 10 giai đoạn Trung hưng, Hy Tông (僖宗皇帝, 1675 – 1705, Lê Duy Cáp [黎維祫, 1663 -1716]), 1677 đúc “tượng đồng Trấn Võ”, bằng đồng đen, nặng 4 tấn, cao 3,76m. Huyền thoại càng ngày càng bị xuyên tạc để phục vụ "giáo hóa"! Ở Hàng Châu, TQ, có Tây Hồ (西湖, hồ Hàng Châu, cũng gọi là hồ Trâu Vàng, Kim Ngưu hồ). Bằng loại suy, hồ Tây Kẻ Chợ cũng có tên hồ Trâu Vàng. Và câu chuyện trâu vàng của phương Bắc được Việt Nam hoá: núi Tiên Du có trâu vàng. Nhà sư lấy tích trượng yểm trán trâu. Trâu bỏ chạy, húc đất thành thôn Húc, quần đất thành cũng Trâu Đằm (Văn Giang, Hưng Yên), chạy ngược lên, đường trâu chạy thành sông Kim Ngưu, trâu ẩn vào hồ thành hồ Trâu Vàng tức hồ Tây! Trong dân gian còn truyền tụng câu:
"Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi"
Sông Trâu Vàng cổ, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 - 2005), nhà sử học, nhà khảo cổ học), là một nhánh của sông Tô, lấy nước từ sông Tô ở ô Cầu Giấy, chảy theo hướng Tây - Đông tới Đội Cấn, lại lấy nước từ sông Tô khi tới ô Thụy Chương (Thụy Khê), chảy theo hướng Bắc - Nam (đoạn này còn gọi là sông Ngọc Hà), chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi lại đổ ra sông Tô ở Văn Điển. Sông Trâu Vàng lại có các nhánh là sông Trung Liệt tách ra tại Hào Nam, sông Sét và sông Lừ đều tách khỏi Trâu Vàng tại khu vực Kim Liên, Phương Liệt. Để chỉ Tô Lịch ở phía Tây kinh thành, còn Trâu Vàng ở phía Nam, dân gian có câu:
"Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này"
Lại có chuyện Thiền sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không [阮明空, 1065 - 1141], tên gọi theo quốc tính nhà Lý ban cho và ghép với chức danh pháp lý cao nhất của vị thiền sư từng là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư là Lý Quốc Sư 李國師) có tài thu hết đồng đen của phương Bắc, đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh lên, trâu vàng phương bắc nghe tiếng chuông ngỡ tiếng mẹ gọi, chạy sang ta, đường nó chạy lún xuống thành sông Trâu Vàng. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, nó quần mãi đất sụp thành hồ rồi xuống đó ẩn, đó là hồ Trâu Vàng hay chính đó là hồ Tây! Sư Không Lộ, vì cái tên gần gũi, lại được đồng nhất với ông Khổng Lồ của huyền thoại, được thợ đúc đồng Kẻ Chợ - Huế và cả Tây Nam Bộ thờ làm tổ sư nghề đúc đồng. Kẻ Chợ có đền Lý Quốc Sư. Chùa Thần Quang bên bờ hồ Tây, trong vùng Ngũ Xã đúc đồng cũng thờ vị tổ sư đúc đồng Không Lộ - Khổng Lồ đó! Huyền thoại, tôn giáo và lịch sử xoắn chặt lấy nhau tưởng không gỡ ra được nữa!

Hồ mù sương nên, theo sách "Hồn sử Việt: Những giai thoại và truyền thuyết nổi tiếng” (do Minh Châu sưu tầm và tập hợp, nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành năm 2016), thì khi Hoàng đế đầu tiên nhà Lý, Thái Tổ (李太祖, 1009 - 1028, Lý Công Uẩn [李公蘊, 974 - 1028]) dời đô từ Hoa Lư 華閭 về Thăng Long, hồ Trâu Vàng trở thành một địa điểm du ngoại được Hoàng đế và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du ngoại, Hoàng đế gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ được gọi là Dâm Đàm. Hoàng đế thứ tư nhà Lý, Nhân Tông (仁宗皇帝, 1072 - 1128, Lý Càn Đức ±李乾德, 1066 - 1128]) đi chơi thuyền xem bắt cá trên hồ mù sương, thấy hổ nhe răng múa vuốt chực vồ mình, sai người dân chài Mục Thận, người hồ Dâm Đàm, quăng lưới bắt hổ. Hổ lại hoá ra Thái sư đầu triều Lê Văn Thịnh (黎文盛, 1038 - 95)! Hoàng đế tin nhảm, quan học ma thuật cũng tin nhảm. Kết cục, Thái sư bị đày lên Thao Giang (Tam Nông, Vĩnh Phú) và người dân chài hồ Dâm Đàm được phong hàm Đô úy, được ban đất ở vùng Dâm Đàm làm thực ấp. Khi ông mất được dân chúng lập đền thờ, và còn được truy tặng là Thái úy, thụy Trung Duệ, tước Võ Lượng công!

Khi Hoàng đế thứ 15 nhà Hậu Lê và thứ tư giai đoạn Trung hưng, Thế Tông (世宗皇帝, 1573 - 99, Lê Duy Đàm [黎維潭, 1567 - 99) lên ngôi, kỵ húy Hoàng đế, hồ đổi tên là Tây Hồ, ngoài kỵ húy, có lẽ việc đổi tên còn nhằm sánh với Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu phương Bắc, việc đặt các địa danh, sông hồ theo TQ là điều thường gặp. Cũng do kỵ, tước không phải húy, Vua thứ ba họ Trịnh là Tây Định (西定王, 1657 - 82, Trịnh Tạc [鄭柞, 1606 - 82]) đời Hoàng đế thứ 19 nhà Hậu Lê và thứ tám giai đoạn Trung hưng, Huyền Tông (玄宗皇帝, 1662 - 71, Lê Duy Vũ 黎維禑 / Lê Duy Hi [黎維禧, 1654 - 71]), các địa danh nào có chữ Tây đều bị đổi thành Đoài (兌 hay Đầm 澤, quẻ Đoài ☱ thuộc phương Tây - ý nghĩa như nhau, âm và chữ khác nhau) như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là hồ Tây hơn.

Người Kẻ Chợ - Long Đỗ - Đại La 大羅 - La Thành - Thăng Long - Đông Đô 東都 - Đông Kinh 東京 qua thời gian ngăn đắp và lấp từng đoạn hồ Tây lớn, thành hồ Cổ Ngựa, hồ Trúc Bạch (hồ Giặt Lụa), hồ Tây ngày nay. Đê Cố Ngự, theo văn bia cổ chùa Trấn Quốc, vốn từ bờ đê dời vào bán đảo hồ Tây năm 1616 cho biết, được dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam hồ Tây để nuôi bắt cá vào khoảng 1620, con đê tên gọi Cố Ngự Yển, nghĩa đen là "đập ngăn nước", sau đọc chệch thành đường Cổ Ngư. Từ năm 1957 - 1958, theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường được thanh niên học sinh Hà Nội lao động trong những ngày thứ bảy cộng sản mở rộng thành đường Thanh Niên.

Thời Vua Uy Nam Trịnh Giang cũng cho ngăn hồ Giả Gươm lớn thành hồ Tả Vọng (hồ Giả Gươm nay) và Hữu Vọng để dùng làm nơi duyệt quân thủy của triều đình. Đến đời Hoàng đế thứ tư nhà Nguyễn Gia Long / thuộc Pháp (家阮 / 阮朝, 1802–58 / 1945), Đế quốc Việt Nam (越南帝國,1804 - 39), Tự Đức (嗣德皇帝, 1847 - 1883, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm [阮福洪任, 1829 - 1883, sau khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì 阮福時]), hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân. Từ năm 1884, thực dân Pháp cho lấp hồ Thuỷ Quân để xây dựng, mở mang Hà Nội.

Trải qua hàng ngàn năm, vùng Kẻ Chợ đã được bồi đắp thêm nhiều nên độ cao của núi Nùng không còn như xưa, giờ chỉ còn lại dấu tích là nền điện Kính Thiên, trong khu thành cổ Hà Nội, nơi còn lưu giữ đôi rồng đá tuyệt tác. Sông Tô, sử chép nhiều được lần nạo vét các thời Lý - Trần - Lê, từ thời Pháp thuộc tới ngày nay sông Tô đã bị lấp nhiều đoạn, không còn thông với sông Cái nữa. Con sông quê hương một thời hai bên bờ sông buôn bán tấp nập của người Kẻ Chợ giờ chỉ là dòng thoát nước thải của thành phố, ô nhiễm nặng nề. Sông Trâu Vàng xưa là một tuyến giao thông đường thủy, cũng bị lấp hoặc bị lấn bờ nhiều đoạn, không còn thông với sông Sét và sông Lừ, giờ cũng chỉ là dòng thoát nước cho nội thành, đoạn cuối sông Trâu Vàng đổ vào sông Tô cũng đang mất dần.

Có vật linh thiêng, Kẻ Chợ lại có cả những vị thần linh thiêng, cả nhân thần và nhiên thần. Đó là những vị thần đã trợ giúp nhân dân, trợ giúp Kẻ Chợ trong quá trình hình thành ngoài vị Thành hoàng của thành Đại La (thành đắp trước La Thành, ở khoảng giữa Thành Hà Nội và sông Tô còn La Thành sát bên sông Tô) xưa, thần Tô Lịch / Long Đỗ, vốn được nhân dân vùng Kẻ Chợ cổ lập đền thờ từ lâu, đến đời Lý được tôn làm Quốc đô Thành hoàng, tức là vị thần bảo vệ thủ đô của cả nước, còn là những con người đã giúp nhân dân nơi đây an cư lạc nghiệp. Nhiều người trong số họ được tôn thờ thành thánh như: Thánh Gióng, người đã đánh tan giặc Ân (殷代, giai đoạn sau của nhà Thương [商朝, 1600 - 1046 TTL], khi vua thứ 18 [hoặc 19] nhà Thương, Bàn Canh [盘庚, 1401 ~ 1374 TTL, Tử Tuần {子旬, ? ~ 1374 TTL}] từ khoảng năm 1387 TTL đến 1384 TTL chuyển Kinh đô nhiều lần, lần cuối cùng về phía Đông đến đất Bắc Mông 北蒙, đổi tên thành Ân Khư [殷墟, "khư" 墟 nghĩa là "đồi", "Ân Khư" ngày nay mang nghĩa là "Tàn tích của nhà Ân"] gần An Dương huyện 安阳县 thuộc An Dương thị 安陽市, thành phố cực bắc của tỉnh Hà Nam [河南, "phía nam Hoàng Hà" 黃河, "sông màu vàng", chữ "Hoàng" ám chỉ nước màu vàng do dòng sông mang nhiều vật liệu có nguồn gốc từ đất vàng 黃土: hoàng thổ, con sông dài thứ hai châu Á sau sông Dài, các tài liệu Hoa Hạ cổ gọi Hoàng Hà đơn giản là "Hà" 河, tức "sông", Hoàng Hà được đề cập đầu tiên trong "Hán thư" 漢書, chép về thời kỳ đầu nhà Đại Hán {大漢朝, 206 TTL - 220} giai đoạn 206 TTL - 25, còn gọi là Tây Hán {西漢, 206 TTL - 9}, "Hán thư" cũng được gọi là "Tiền Hán thư" 前漢書 để phân biệt với "Hậu Hán thư" chép về thời kỳ cuối nhà Đại Hán giai đoạn 25 - 220, còn gọi là Đông Hán {東漢, 23 - 220}], do vậy còn gọi là nhà Ân 殷代 hoặc nhà Ân Thương 殷商朝, triều đại đầu tiên của TQ được xác nhận rõ ràng về mặt lịch sử từ các bằng chứng khảo cổ, chữ giáp cốt [chữ {文 văn} được khắc trên yếm rùa {甲 giáp}, xương {骨 cốt} thú, 甲骨文 giáp cốt văn}, di tích, lăng mộ... với những cây giáo mũi đồng và rìu đồng), rồi hóa về trời, hiện nay đền thờ Thánh Gióng có ở nhiều nơi, nhưng đền thờ chính và lễ hội Gióng chính thức là ở Sóc Sơn, Hà Nội. Đó còn là thánh Chèm, thánh Đồng Đen ở giữa lòng Hà Nội… Mỗi thánh đều có sự tích để đi vào văn học dân gian. Không những thế Kẻ Chợ còn có các thánh mẫu như bà Chúa Kho, Ỷ Lan, Liễu Hạnh, Quỳnh Hoa. Không những thế, các anh hùng chống giặc ngoại xâm cũng được nhân dân tôn xưng là thánh như thánh Phạm, thánh Trần…

Ở thể loại thần tích thì hầu như đình, chùa, đền, sông, hồ… nào cũng đều có truyền thuyết, thần tích, thần phả. Một số dòng họ còn giữ được gia phả, ngọc phả.

Đến sách sử:

Sau khi khôi phục Tự chủ hồi thế kỷ X, tổ tiên ta lại làm sách vở nhưng sách vở chữ viết đời trước không còn nên cơ sở để dựng lại lịch sử VN từ Thời đại Hồng Bàng (鴻龐, 2879 - 258 TTL) đến thời Vua An Dương rồi đến trước thời Tự chủ đều là chép lại từ dã sử, huyền sử, truyền thuyết, thần tích, hoặc sách vở, tài liệu lịch sử TQ. Các sách của ta kể cả chính sử ra đời muộn hơn nhiều so với các sách của TQ cho nên các sự tích và tên tuổi, địa danh... chắc là có sự chép lại từ sách TQ vì Việt đã không còn chữ viết hàng ngìn năm. Và đó là nội dung bài tiếp theo.

¤¤¤
Chôm chỉa từ:
¤ Ủy ban Khoa học Xã hội:
- Lịch sử Việt Nam, Hùng Vương dựng nước (4 tập), Ủy ban Khoa học Xã hội, 1971
¤Viện Lịch sử Quân sự:
- Anh hùng dân tộc thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định, Viện Lịch sử Quân sự, Nxb. Quân đội Nhân dân, 2000
- Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003
¤ Viện nghiên cứu Hán - Nôm:
- Về vị thần thờ ở Đền Bạch Mã phố Hàng Buồm - Hà Nội, Mai Hồng, Viện Hán Nôm
- Nghiên cứu chữ Húy trên các văn bản Hán Nôm, Ngô Đức Thọ, 1995
¤ Viện Sử học:
- Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1987
- Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007
¤ Viện Triết học:
- Một số vấn đề lý luận về Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, lưu hành nội bộ, Ủy ban Khoa học Xã hội - Viện Triết học xuất bản, Hà Nội, 1984
¤ Địa danh:
- Từ điển di tích văn hoá Việt Nam, Ngô Đức Thọ
- Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, Nbx. Văn hóa Thông tin, Hà Nội,1998
- Sổ tay địa danh Việt Nam, Nguyễn Dược - Trung Hải, Nxb. Giáo dục, 2001
- Từ điển địa danh lịch sử văn hóa du lịch Việt Nam, Nguyễn Văn Tân, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002
- Cố đô Hoa Lư, Nguyễn Văn Trò, Nxb. Văn hóa Dân tộc, 2008
- Thăng Long – Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm, Lê Đình Sỹ chủ biên, Nxb. Hà Nội, 2010
- Hà Nội thời tiền Thăng Long, Nguyễn Việt, Nxb. Hà Nội, 2010
- Sự tích đền Bạch Mã trong Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần, Nbx. Giáo dục
¤ Dư địa chí:
- Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Trương Đình Tưởng, Nbx. Thế giới
- Từ Hoa Lư đến Thăng Long, in trong Văn hóa Thăng Long – Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002
- Tổng tập dư địa chí Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, 2012
¤ Lịch sử:
- Trịnh giai chính phả, Trịnh Như Tấu, 1933
- Lịch sử Trung Quốc, Trần Văn Giáp, 1956
- Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đào Duy Anh, 1957
- Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến thế kỷ X, Đào Duy Anh, 1958, Nxb. Văn hóa Thông tin (in lại), Hà Nội, 2007
- Trung Quốc sử lược, Phan Khoang, Văn sử học xuất bản, Sài Gòn, 1970
- Khởi nghĩa Lam Sơn, Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Nxb. Khoa học Xã hội, 1977
- Cố sự Quỳnh Lâm, Trình Doãn Thắng - Ngô Trâu Cương - Thái Thành, Nxb. Thanh Hoá, 1998
- Nước Văn Lang thời đại Vua Hùng đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội Nhân dân
- Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, 1972, Nxb. Quân đội Nhân dân (in lại), 2003
- Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984
- Sự hình thành của làng xã Việt Nam, (a. Betonamu sonraku no keisei), Lịch sử khai phá đồng bằng sông Hồng, (b. Betonamu Koga deruta no kaitakushi), Sakurai Yumio, Tokyo: Sobunsha, 1987, trong cuốn Lịch sử châu Á lúa nước (Ine no Ajia-shi 2), Watabe Tadayo (chủ biên), Tập 2, Tokyo: Heibonsha
- Hai ngàn năm Việt Nam & Phật giáo, Lý Khôi Việt, Phật học Việt Quốc tế, 1988
- Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, Nguyễn Danh Phiệt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990
- Lịch sử Trung Quốc từ thượng cổ đến Năm đời mười nước, Học viện quân sự cấp cao, 1992
- Nguyễn Phước tộc thế phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995
- Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, Nxb. Văn hóa, 1997
- Kể chuyện chín Chúa mười ba Vua triều Nguyễn, Tôn Thất Bình, Nxb. Đà Nẵng, 1997
- Nhà Nguyễn chín Chúa mười ba Vua, Thi Long, Nxb. Đà Nẵng, 1998
- Việt Nam thế kỷ XIX: 1802-1884, Nguyễn Phan Quang, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999
- Đối thoại sử học, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1999
- Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất,Trần Bá Chí, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003
- 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc. Nxb. Quân đội Nhân dân. Hà Nội, 2003
- Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003
- Nhìn lại lịch sử, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2003
- Việt Nam văn minh sử, Lê Văn Siêu, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004
- Theo dòng lịch sử dân tộc, Nguyễn Phan Quang, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004
- Việt sử kỷ yếu, Trần Xuân Sinh, Nxb. Hải Phòng, 2004
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004
 - Theo dòng Lịch sử Dân tộc, Nguyễn Phan Quang, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005
- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, Nxb.Thanh niên, 2005
- Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005
- Lê triều dã sử, Nguyễn Huy Thức - Lê Văn Bảy, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2006
- Thuyết Trần, Trần Xuân Sinh, Nbx. Hải Phòng, 2006
- Một số công trình sử học Việt Nam, Nguyễn Phan Quang, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006
- Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, Lê Mạnh Thát, Nbx. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006
- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, Nxb. Thanh niên, 2007
- Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, Nhiều tác giả , Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007
- Sử ký Tư Mã Thiên - Những điều chưa biết - thiên Ân bản kỷ, Bùi Hạnh Cẩn - Việt Anh dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2007
- Giở trang sử Việt, Lê Thái Dũng, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2008
- Giáo trình lịch sử Việt Nam, Đào Tố Uyên (chủ biên), Nxb. Đại học Sư phạm, 2008
- 54 vị Hoàng đế Việt Nam, Đặng Việt Thủy - Đặng Thành Trung, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008
- Lịch sử thế giới cận đại (chương viết về Trung Quốc), Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng, Nxb. Giáo dục, 2008
- Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn, Nguyễn Thế Anh, Nxb. Văn Học, 2008
- Lịch sử và văn hóa Trung Quốc, Scott Morton và CM. Lewis, biên dịch: Tri thức Việt, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008.
- Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử, Lê Nguyễn, Nxb. Công an Nhân dân, 2010
- Tầm nhìn đa tầng về lịch sử Đại Việt thời Lý - Trần, Momoki Shiro Momoki Shiro, 2011
- Sự thành lập và biến đổi của quốc gia Đại Việt trong giai đoạn Trung Đại (Chusei Daietsu kokka no seiritsu to henyo), Nxb. ĐH Osaka
- Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, Lưỡng Kim Thành, Nxb. Thuận Hóa, 2012
- Biên niên sử thế giới – Từ tiền sử cho đến hiện đại, Nguyễn Văn Dâu biên soạn, Nxb. Tri thức, Hà Nội năm 2009- Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, (Bản dịch tiếng Pháp từ L’Histoire du Vietnam: Des origines à 1858, Nxb. Sud Est Asie, Paris, 1982 và mục V (chương VII), và chương IX cuốn Le Viet-Nam, histoire et civilisation, Minuit, Paris, 1955), Lê Thành Khôi, Nxb. Nhã Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014
- Cách tiếp cận mới của phương pháp sử học toàn cầu và một số vấn đề lý luận sử học, Momoki Shiro, 2019
+ Đại cương lịch sử Việt Nam, Trương Hữu Quýnh - Đinh Xuân Lâm - Lê Mậu Hãn (chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008:
- Chương V: Thế kỷ X: Bước đầu xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, thống nhất thời Khúc - Ngô - Đinh - Tiền Lê, Trương Hữu Quýnh, 2007
¤ Nhân vật:
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thế, Nxb. Khoa học Xã hội, 1992
- Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm, Lê Mạnh Thát, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000
- Quan chức nhà Nguyễn, Trần Thanh Tâm, Nxb. Thuận Hóa, 2000
- Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (chủ biên), Nxb. Hà Nội, 2004
- Danh tướng Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005
- Họ và tên người Việt Nam, Lê Trung Hoa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005
- Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919), Ngô Đức Thọ (chủ biên), Nxb. Văn học (in lại), Hà Nội, 2006
- Danh nhân quân sự Việt Nam, Nhiều tác giả, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
- Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam, Tạ Ngọc Liễn, Nxb. Thanh Niên, 2008
- Người có vấn đề trong lịch sử nước ta, Vũ Ngọc Khánh, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2008
- Ngoại giáp Đinh Điền trong Những nhân vật lịch sử thời Đinh - Lê, Trương Đình Tưởng, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009
- Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê, Trương Đình Tưởng, Nbx. Văn hóa Dân tộc
+ Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nxb. Hà Nội, 2005:
- Nam quốc sơn hà và Quốc tộ, hai kiệt tác mở đầu lịch sử văn học ngang qua triều đại Lê Hoàn, Bùi Duy Tân
- Lê Đại Hành và Sóc Thiên Vương
¤ Văn hóa:
- Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Quan Hải tùng thư, 1938
- Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng, Nbx. Văn học
- Lễ hội Việt Nam, Lê Hồng Lý, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội
- Đình miếu và lễ hội dân gian, Sơn Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992
- Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, Nbx.Thành phố Hồ Chí Minh, 2001
- Hoàng đế triều Trần: cội nguồn, ấn tựơng dân gian, Phạm Đình Ba, Nbx. Văn hóa Dân tộc, 2003
- Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Nbx. Khoa học Xã hội, 2003
- Việt Nam - Văn hóa và Du lịch, Trần Mạnh Thường - Nguyễn Minh Tiến hiệu đính, Nxb. Thông Tấn
- Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sơn Nam, (sách in chung), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005
- Sổ tay văn hoá Việt Nam, Đặng Đức Siêu, Nxb. Lao động Hà Nội, 2006
- Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần Nxb. Thời Đại, 2012
- Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt, Hà Văn Thùy, Nbx. Hội     Nhà văn, Hà Nội, 2016
¤ Văn học:
- Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu xuất bản (bản in lần thứ 10), Sài Gòn, 1968
- Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1968
- Tổng tập văn học Việt Nam, Đinh Gia Khánh, Nxb. Khoa học Xã hội, 2000
- Tổng tập văn học dân gian người Việt, Viện Khoa học Xã hội, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008
¤ Tạp chí:
+ Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội:
- Hà Nội thời Tiền - Sơ sử; Hoàng thành Thăng Long; Hoàng thành Thăng Long - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất; Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long, Trình Năng Chung, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
+ Tạp chí Kiến trúc, Hà Nội:
- Về ba kiến trúc liên quan đến thời định đô Thăng Long, Lê Văn Lan, Tạp chí Kiến trúc

02 tháng 6 2015

Cách thức làm sai lệch lịch sử của Kazakhstan

Chúng ta đã biết đến Cách thức làm sai lệch lịch sử của U-cơ-ren và nhiều thứ tương tự, phần nhiều chúng đã bị bác bỏ, có thể tìm trên mạng từ khóa "Holohoax" chúng ta sẽ thấy điều đó, thế nhưng, nhiều kẻ vẫn tiếp tay cho "Holohoax"loan truyền những thông tin bị bóp méo, ví dụ trang mạng sặc mùi chống Liên Xô cộng sản do một số người Việt tại không gian Xô Viết cũng như trong nước lập ra: Từ bỏ nền kinh tế du mục đã dẫn đến nạn ăn thịt người và tội diệt chủng ở Kazakhstan.
https://scontent-sjc2-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/t31.0-8/11357271_928298337234057_3860032832055918869_o.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9
https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/t31.0-8/11312698_928305180566706_3737569920300362507_o.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9
Trong bài này (cũng như nhiều bài tương tự, của các "tác giả" tương tự) Nguyễn Vinh chỉ chú một dòng (theo asiarussia.ru) mà không hề dẫn ra một địa chỉ cụ thể, một tài liệu cụ thể nào, cách thức quen thuộc của các đối tượng loan truyền sự bỉ ổi tởm lợm vô liêm sỷ Holohoax.
https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/11391426_928305350566689_4573846846416572136_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=229b7ce91af7645a624d0e9a1372f11f&oe=55FF41F8&__gda__=1442246912_7bfb3d27c1effd2b69143b12d61b1981
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/v/t1.0-0/11391426_928305553900002_7823436291193846097_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=0b8014fe93adce6dc0942a394d2f81e7&oe=55FC9963&__gda__=1442162163_b4a79131e9abaadfa21bb0cbe417c8b4
https://fbcdn-photos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/11140190_928306423899915_915738383786750461_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=ba7f903c4ad6f27793478f3c64c7dd65&oe=56021001&__gda__=1442861879_1a6949c267dee14c2942bca555035c92
https://fbcdn-photos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/11407128_928306743899883_3072069774826023998_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=5f28b840ea0372a82514c62bcdbbdce0&oe=5600E836&__gda__=1442639054_69f23bd1294214a3493601396206d438
https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xaf1/v/t1.0-0/11403493_928306947233196_5634070729711878811_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=263c2cd84bf7e8c7f78b3d3ed262630b&oe=55FB46B9&__gda__=1441562115_89abbceb3972d7c7febc15ad13e53d88
https://fbcdn-photos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/11391426_928307117233179_5025777611919404217_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=737b08be60eb4b7427b4e6b5a600d6a3&oe=55F5D36F&__gda__=1442147479_9110768eee8a90d36cb4b332d29a94ea
https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/11407108_928307263899831_1815667110438531083_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=c4fe9075ef41b1550883eca08e2f1f58&oe=560C5C6D&__gda__=1443172321_06923183803c182f49de355770da269c
https://fbcdn-photos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xat1/v/t1.0-0/11390375_928307617233129_7498594919697751519_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=076a7b8b9f171cd2db6940b74a8814ff&oe=560CD91A&__gda__=1441498600_924fe5be13b3a8c928475b9149825d37
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/10421265_928307827233108_2482214974351525008_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=ebab5d36c477dc0355b873f68189997b&oe=55F6C9CD&__gda__=1441846881_f700d167b44994ead6e761d4b97a2914
 https://fbcdn-photos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/11113936_928311357232755_2455104357497136196_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=be8d217a65f541ea8a5adcec513737a7&oe=55F19BA2&__gda__=1443522830_d69ab33d1eec844f927ce73cf360c4cd
https://fbcdn-photos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/11403352_928312103899347_4938984955132817680_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=b6a298f5e49d542dff5d1ce3557802e2&oe=55FDC5C4&__gda__=1443602236_43bbe62c570440e082511cccd8899bee
https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xat1/v/t1.0-0/11329823_928312290565995_3871114870453965125_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=7a24e56ba4679511d9208784eafe3b18&oe=55EF5009&__gda__=1443092731_242251beb4ca2a043c5aff7d52e33072
https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/11390194_928312457232645_2730418009067625675_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=c0a8deae1dab78905e66349ffdd847c6&oe=56063872&__gda__=1442094814_bd9ea321cc22ebab617ec6d5234a682a
https://fbcdn-photos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/11407124_928312667232624_7909948901435556675_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=51fa02868a222d4ad80af82837ff9298&oe=55FBA017&__gda__=1443170715_9bf2552f43e7ea3c2a0d650dfee1041e
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/1468744_928312837232607_3453833441514369862_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=62dd870a1b4ed13a7514fb67d4989878&oe=560229D5&__gda__=1442163211_09d3052178eb28be7cf9b6bf72b66ad9
 https://fbcdn-photos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xat1/v/t1.0-0/11390025_928313067232584_4678080381426903877_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=c97b542f49279a2d41bdb71a1f42dff0&oe=55F4F8C8&__gda__=1442710842_f270829b85d8db662ee19c0c5b0f658f
https://fbcdn-photos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/11407055_928313223899235_133192921710796004_n.png.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=a25f6f3ccd412fbd742167b421572518&oe=55FF9296&__gda__=1443550624_72d100783c5c98b85f96e052ce9b8b1b
Ngay cả những bức ảnh chụp văn bản, ảnh chụp người chết đói giống như những gì Nguyễn Vinh dẫn trong bài, cũng từng bị những nhà nghiên cứu nghiêm túc chỉ đó là giả mạocóp nhặt.
Theo nghị sĩ Duma Viktor Ilyukhin (của đảng CS) và các chuyên gia-sử học Sergei Strygin, Vladislav Swedes, quá trình giả mạo diễn ra trong khoảng thời gian sau 1990. Lúc đó bộ chính trị đảng CS Liên Xô đã lập một nhóm chuyên viên cao cấp để giả mạo tài liệu lưu trữ. Ilyukhin sau đó công bố tên nhân vật cao cấp trong nhóm này là Alexander Yakovlev, vị “kiến trúc sư” cải tổ dưới thời Gorbachov và làm việc trong cơ cấu của Yeltsin. Nhóm này đặt trụ sở tại Nagorno (Mat-xcơ-va), sau 1996 thì chuyển về quận khác. Ở Nagorno, nhóm này đã tung hàng trăm tài liệu lịch sử giả mạo vào kho lưu trữ của Nga, cũng như đã làm giả vô số tài liệu khác bằng cách bóp méo thông tin, giả mạo chữ kỹ.
Ông Ilyukhin sau đó đề nghị kiểm tra qui mô lớn tài liệu lưu trữ và xác minh các yếu tố giả mạo làm mất uy tín lịch sử quốc gia thời kỳ Xô Viết.
Ông cũng đã gửi thư cho ông Zyuganov, chủ tịch đảng CS Nga lúc đó; http://delostalina.ru/?p=1424
Cho đến lúc chết (2011), Ilyukhin vẫn tin rằng, việc giả mạo là nhằm làm mất uy tín của Stalin “theo chỉ đạo của một chiến dịch khổng lồ phỉ báng các lãnh đạo Xô Viết, được tiến hành một cách rất ích kỷ và miễn cưỡng đầu những năm 90”.
Ảnh từ: http://delostalina.ru/?p=1424
Viktor Ilyukhin và 2 cộng sự đang xem tài liệu và các phương tiện làm giả
Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Các mẫu giấy bỏ trống, con dấu và chữ ký (tất cả đều là của giả, còn mới tinh)
Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Mẫu con dấu, chữ ký được dùng để chế tác các tài liệu giả mạo
Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Các nguồn tham khảo:
http://www.slovensk.su/wiki/index.ph...293&oldid=1291
http://delostalina.ru/?p=1424
http://versia.ru/articles/2012/may/1...em_tak_katyniu
Như cái bài đã dẫn link có nói:
Nạn đói 1931-1934 là có thật, nó xảy ra trên khắp các châu lục Á, Âu, đặc biệt ở Mỹ, số liệu điều tra dân số cho thấy nạn đói và đại khủng hoảng thời kỳ những năm 1930, dân số nước Mỹ cũng bị tụt 7 triệu người (http://english.pravda.ru/world/americas/105255-famine-0). Ở các nước Xô Viết, nạn đói thời kỳ đó trải rộng trên nhiều vùng: Belarus, vùng Volga, vùng Đất Đen, Cossack sông Đông, lòng chảo sông Cuban, bắc Kavkaz, bắc Kazakhstan, nam Urals và tây Siberia. Ước tính trong nạn đói này, trong không gian các nước Xô Viết đã có 6-7 triệu người chết.
1933
By: неизв.
Nguồn: 1. A. Markoff "Nạn đói ở Liên Xô"


2. Các phụ lục của N 4-5 người di cư trên tạp chí "Lái xe", August-tháng 9 năm 1933. In lại của Bản tin kinh tế Nga, 9.

Nguyên nhân: Đầu tiên có thể kể đến là thiên tai, hạn hán mất mùa, tiếp theo là cung cách điều hành quan liêu yếu kém của các cấp chính quyền lúc đó, và đặc biệt là việc tập thể hoá (một thứ na ná như cải cách ruộng đất ở ta) đã không đem lại hiệu quả, cùng chính sách trưng thu nông sản. Phần lớn nông dân bất mãn và nổi loạn bỏ hoang ruộng đất, dân số thành thị tăng vọt chỉ trong 4 năm 1929-1932 tăng 12,4 triệu người.
Ước tính thiệt hại về người trong nạn đói tại không gian Xô Viết những năm 1931-1933:
  • Cuốn sách năm 2004: "Những năm tháng của đói nghèo: Nông nghiệp Xô Viết, 1931-1933" - "The Years of Hunger: Soviet Agriculture, 1931–33" của R.W. Davies và S.G. Wheatcroft, cho một ước tính 5,5-6.500.000 người tử vong.
  • "Sách Đen Cộng sản" - "The Black Book of Communism" ước tính 6.000.000 người chết trong 1932-1933.
  • Encyclopædia Britannica ước tính 6-8.000.000 người chết đói ở Liên Xô trong thời kỳ này, trong đó có 4 đến 5 triệu là người Ukraina.
  • Robert Conquest ước tính ít nhất là 7 triệu ca tử vong của nông dân do đói ở phần châu Âu của Liên Xô năm 1932-1933 (5 triệu tại Ukraine, 1 triệu người ở Bắc Caucasus, và 1 triệu nơi khác), và thêm 1 triệu ca tử vong do đói bởi kết quả của tập thể hóa tại Kazakhstan.
  • Một nghiên cứu khác, bởi Michael Ellman sử dụng dữ liệu được đưa ra bởi Davies và Wheatcroft, ước tính "'khoảng tám triệu rưỡi' nạn nhân của nạn đói kết hợp đàn áp", trong giai đoạn 1930-1933.
Nạn đói ở Kazakhstan là một phần của nạn đói của Liên Xô 1932-1933. Theo Wikipedia, Kazakhs đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói của Liên Xô về tỷ lệ phần trăm những người đã chết (khoảng 38%) khoảng 1,5 triệu người đã chết trong Kazakhstan trong đó 1,3 triệu là các dân tộc Kazakhs. Trong số 0,2 triệu người còn lại, chủ yếu là người Ukraine bị ảnh hưởng. Theo ước tính khác có 2,0-2.300.000 người Kazakhs đã chết trong nạn đói. Số liệu này đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định chính xác.
Còn số các nạn nhân Kazakhstan thật sự là bao nhiêu?
Thật đáng tiếc là đã không có con số thống kê có thể tin cậy được. Tất cả chỉ là sự đoán dựa trên các điều tra muộn màng vào thời gian mấy năm gần đây và một số nhân chứng ít ỏi còn sót lại.
Thuật ngữ Great Famine ở Kazakhstan và Holodomor ở Ukraine được dùng để chỉ nạn đói 1931-1933 và cuộc "thảm sát Do Thái" trong WWII cũng được dùng thuật ngữ Holodomor để chỉ, nạn đói được bọn bại não đôn lên thành mức diệt chủng/genocide. Sergey Mikheev từ Trung tâm chính trị tin rằng không có dấu vết của diệt chủng trong Holodomor. Nạn đói đã thực sự xảy ra trên khắp các vùng Xô Viết. Ông nói: "Chính sách tập thể hoá thực tế được Stalin chỉ đạo, nhưng tại địa phương nó đã được thực hiện bởi người Ukraina. Vì vậy, liệu chúng ta có thể nói về diệt chủng dân tộc? Chúng ta không thể lấy đó làm lý do".
Zbigniew Brzezinski một Zionist gốc Ba Lan quá nổi tiếng trong việc vạch chính sách cho các đời Tổng thống Mỹ và là tác giả của học thuyết đi đêm, bắt tay với Trung Quốc và chống Nga-Russophobia. Hậu quả trực tiếp của học thuyết này là VN bị bán đứng, bị Mỹ và Trung Quốc phản bội. Hậu quả địa chính trị cho đến ngày nay vẫn chưa giải quyết xong. Brzezinski, Catherine, và các thể loại chính trị bỉ ổi khác ở không gian hậu Xô Viết lập ra cả một bộ sậu trong đó có Uỷ ban an ninh quốc gia, các nhà 'sử học' nửa mùa ấu trĩ nhưng hám tiền điều tra nghiên cứu nạn đói như một vụ diệt chủng. Tiền, tất nhiên là có rất nhiều tiền 'đầu tư' từ Mỹ.
Hội Holodomor, Mỹ và đám bại não trên khắp thế giới đã rất tích cực tuyên truyền quảng bá vấn đề Holodomor ra quốc tế như một nạn diệt chủng có chủ tâm nhằm vào người Ukraina, người Kazakhstan .v.v nỗ lực nhiều lần đưa Holodomor vào chương trình nghị sự Liên Hiệp Quốc để được công nhận cùng mục tiêu xa hơn, biến nó thành một nghị quyết lên án Nga cũng như nhắm một cái đích xa hơn bắt Nga bồi thường thiệt hại, như một số nước vùng Ban tích đã ra nghị quyết đòi Nga bồi thường nhiều tỷ đô la vì "thiệt hại trong quá trình chiếm đóng". Cũng đã có 12 quốc gia đồng tình "chia xẻ quan điểm". Nhưng chưa cần đến Nga dùng quyền phủ quyết, âm mưu Holodomor đã thất bại. Lý do rất đơn giản: tài liệu và chứng cứ Holodomor quá yếu. Không ai ở UN dám liều mạng với một thứ có lắm sơ hở như thế. Người ta thấy nó có mùi chính trị quá lộ liễu.
Tuy nhiên Holodomor cũng tìm kiếm được một chút an ủi, đám ủng não ở Nghị viện châu Âu đã giúp công nhận Holodomor là một 'tội ác chống nhân loại' của chế độ CS Stalin, "Chế độ CS toàn trị" phải chịu trách nhiệm. Dù sao thì Liên Xô cũng đã bị bôi nhọ về tội lỗi diệt chủng mà họ không hề chủ tâm.
Đâu đó trong lịch sử trên toàn thế giới nhiều quốc gia đã phải hứng chịu vô số thảm hoạ này khác, nhiều nền văn minh nhân loại đã bị "xoá xổ khỏi mặt đất". Ấn Độ thời kỳ bị đế quốc Anh đô hộ là một ví dụ: từ thời kỳ 1770 đến nay đã có khoảng 10-15 triệu dân tính riêng khu vực vựa lúa Bengal chết đói. 180 năm đế quốc Anh đô hộ đã xảy ra 30-40 nạn đói. Đặc biệt chính sách trưng thu lúa gạo phục vụ chiến tranh WWII thời kỳ 1942-1943 khiến vô số thường dân Bengal chịu thảm cảnh chết đói ngay giữa vựa lúa.
VN chúng ta cũng đã từng hứng chịu thảm cảnh nạn đói Ất Dậu năm 1945 do hậu quả của chính sách trưng thu lúa gạo và nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật, Ước tính đã có từ 1 đến 2 triệu người chết đói. Nhưng chúng ta chưa bao giờ tuyên truyền quảng cáo kiểu Holodomor.
Quay trở lại nạn đói Liên Xô xảy ra năm 1932-1933, quan điểm đúng đắn hiện nay có lẽ là hãy xem đó như một thảm hoạ trong quá khứ chứ không phải là nạn diệt chủng cố ý gây ra bởi Liên Xô hay chế độ Cộng sản. Và hãy để quá khứ bi thương yên nghỉ. Nếu anh mang nặng hành trang quá khứ, anh sẽ nặng nề và chậm bước đến tương lai. Nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai bắn lại anh bằng đại bác.

01 tháng 6 2015

Tiệp Khắc 1968 và Hiệp ước Warsaw

Názor čtenáře Protiproudu na odvysílaný dokument Rossija 1
Người đọc quan tâm các tài liệu lịch sử phát sóng trên Truyền hình Nga Rossia 1
Rok 1968 a Varšavská smlouva.
1968 và Hiệp ước Warsaw.
Foto: Srpen 1968
Autor: Josef Koudelka
https://scontent-sjc2-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtf1/l/t31.0-8/11393608_559420834196786_7321614139152998550_o.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9
Những biến động chính trị diễn ra ở Tiệp Khắc từ tháng 4 đến tháng 8/1968.
Từ 1/1968, bí thư đảng bộ Xlôvakia (Slovakia) đã gạt Nôvôtny (A. Novotný) để nắm chức vụ bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đupchêch (A. Dubcek) đưa ra “Chương trình hành động” đi ngược đường lối của Đảng Cộng sản, đề xướng chủ trương “dân chủ hoá”, thực hiện chế độ nhiều đảng, xoá bỏ kiểm duyệt báo chí, giải tán lực lượng dân quân tự vệ, tự do hội họp, cho phép người dân đi lại với phương Tây, không tham dự cuộc họp của tổ chức Hiệp ước Vacsava (7/1968).

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố ủng hộ Đupchêch. Đupchêch cùng với ê kíp cải cách của mình: Ota Sik, Eduard Goldstuke, Giri Pelikan và Zdenek Mlinar. Một người trong số họ là Zdenek Mlinar đã có tình bạn tốt với Gorbachev trong thời gian học đại học Tổng hợp Matxcova, đưa ra khẩu hiệu "Chủ nghĩa xã hội mang mang diện mạo con người". Họ đã cố gắng cải cách nền kinh tế bằng cách đưa vào áp dụng những yếu tố thị trường.

Dần dần phong trào đối lập đạt được những hình thái căn bản. Các thành viên phong trào không chỉ nói về đổi mới chủ nghĩa xã hội mà đã bắt đầu nói về thay đổi chế độ nhà nước. Khách quan mà nói, hoạt động của phe đối lập có tính chất chống Liên Xô, bởi vì sự có mặt về quân sự của Liên Xô và tư cách thành viên của Tiệp Khắc trong tổ chức Hiệp ước Varsava được xem là trở ngại chính đối với tự do phát triển đất nước. Lực lượng chủ công của phe đối lập là giới thanh niên sinh viên và tầng lớp có học thức ở thành thị. Mùa hè năm 1968 các sự kiện ở Praha lên đến đỉnh điểm, các cuộc biểu tình đòi thay đổi chính quyền diễn ra trong thành phố.

Phái đối lập do Huxăc (Gustav Husák, 55 tuổi, người Slovac) đứng đầu yêu cầu sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô và Khối Vacsava. Ngày 21 tháng 8 Ban lãnh đạo Hiệp ước Vacsava thông qua quyết định can thiệp tập thể vào Tiệp Khắc.
Lý do can thiệp là thực hiện nghị quyết cuộc họp các đảng cộng sản CHDC Đức, Liên Xô, Ba Lan, Hungary và Bungary có sự tham gia của nhiều vị lãnh đạo đảng cộng sản Tiệp Khắc tổ chức tại Bratislava và lời kêu gọi “cứu nguy sự nghiệp chủ nghĩa xã hội” của một số thành viên chính phủ Tiệp Khắc. Và kết quả là lực lượng quân sự của CHDC Đức, Ba Lan, Hungary và Bungary tiến vào lãnh thổ Tiệp Khắc nhưng quân đội Liên Xô là lực lượng nòng cốt.

Chiến dịch Danube năm 1968 của Lực lượng đặc nhiệm ưu tú Spetsnaz GRU - Liên Xô ở Tiệp Khắc bắt đầu sau khi các nước thành viên Hiệp ước Warsaw (Vacsava) quyết định đưa quân vào nước này. Chiếc máy bay chở đội đặc nhiệm yêu cầu sân bay của thủ đô Praha cho phép hạ cánh khẩn cấp do động cơ trục trặc. Sau khi máy bay hạ cánh, các binh sĩ Spetsnaz trong chớp mắt chiếm sân bay, theo tài liệu giải mật của Bộ tổng tham mưu Nga, toàn bộ chiến dịch diễn ra trong 9 phút 21 giây.

      
    Курочкин Константин Яковлевич
    Начальник ОГ
 Кукушкин Алексей Васильевич
Начальник штаба ОГ
   Хохлушин Николай Николаевич    Голубков Алексей Тихонович
Sau báo cáo đã chiếm thành công sân bay, chỉ huy Liên Xô nhanh chóng triển khai tại sân bay sư đoàn dù để hỗ trợ Spetsnaz. Trong thời gian đó, các nhóm Spetsnaz tới Tiệp Khắc chiếm các tòa báo, nhà ga xe lửa, bưu điện - ngay tức thì một cách êm thấm. Sau khi chiếm tòa nhà chính quyền, chính phủ Tiệp Khắc được các binh sĩ Spetsnaz đưa về Moskva. Trong vòng 36 giờ, quân đội các nước Hiệp ước Vacsava đã hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ Tiệp Khắc.
Tướng L.N. Gorelov và Đại Tá A.N. Kalyadin tóm tắt hạ cánh.
Một trong những người tham gia chiến dịch là Trung tá Yuri Struzhnyak. Vào thập niên 1990, ông nhớ lại: "Với chúng tôi việc chiếm sân bay không phải nhiện vụ lạ lẫm. Chúng tôi được huấn luyện làm điều này, chúng tôi được trang bị tốt, bởi vậy vào lúc đó không có hành động nào thừa. Chúng tôi lo lắng hơn về việc toàn bộ chiến dịch Danube sẽ diễn ra như thế nào. Với các hành động của mình, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn yêu tâm. Chiến dịch diễn ra đúng kế hoạch và hầu như chẳng ai bị thương".

Cựu điệp viên Đức, Otto Skorzeny, người giám sát tình hình tại Tiệp Khắc, đã gọi chiến dịch chiếm sân bay là "xuất sắc".
Bức ảnh chụp thời điểm quân lính khối Warszawa chiếm trung tâm phát thanh tại Praha
Khi quân lính tiến vào Praha, những người dân Tiệp Khắc đã xuống đường để tuần hành biểu tình phản đối. Không hề có một cuộc đụng độ quân sự nào, chỉ có những cuộc tuần hành của người dân Tiệp Khắc bao gồm đủ các thành phần trí thức, thanh niên, sinh viên, công nhân, thậm chí có cả một sinh viên đã tự thiêu tại quảng trường để phản đối.

Lúc cả Tiệp Khắc thức cùng đêm trắng để bảo vệ đất nước của mình, Josef Kouldelka một kỹ sư hàng không người Tiệp, có sở thích chụp ảnh cũng thấy mình cần phải làm một điều gì để bảo vệ "nền dân chủ" của đất nước mình. Josef Kouldelka đã cùng chiếc máy ảnh ghi lại những khỏanh khắc trong suốt một tuần vào mùa xuân năm 1968. Đã có 5.000 bức ảnh được ông ghi lại.

Josef Koudelka trước đó chỉ coi việc chụp ảnh là một thú vui trong thời gian rảnh rỗi, chưa bao giờ ông nghe tới thuật ngữ Photojournalism hay được nhìn thấy những tạp chí như Life hay Paris March. Sau này như ông hồi tưởng lại “Đối với tôi, lúc đó điều quan trọng là tôi phải chụp lại những gì mà tôi là một phần trong đấy”.

Trong suốt tuần lễ, ông đã sử dụng chiếc máy ảnh Exakta của mình, cùng với những cuộn phim treo ở trên vai, được cắt ra từ hộp phim nhựa lớn dành cho quay phim mà ông đã mua rẻ từ một người bạn. “Tôi thường xuyên phải chạy về nhà để thay phim, tôi luôn nghĩ là mình đã bỏ lỡ mất điều gì đó quan trọng. Có một lần, điều đấy đã cứu sống tôi. Trong lúc tôi đang thay phim tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và rất nhiều người đã chết trước đài phát thanh”.

Josef Koudelka đã chụp những bức ảnh để đời với sự hiểm nguy khi quân lính khối Warsawa đuổi theo ông, ông đã phải núp vào giữa những người biểu tình để trốn. ‘Bây giờ khi tôi xem lại những bức ảnh, tôi không thể tin là tôi đã chụp chúng. Magnum cũng đã không thể tin đấy là công việc của một nhiếp ảnh gia duy nhất. Tôi đã ở khắp mọi nơi bởi vì tất cả mọi nơi khi tôi nhìn vào trong bảy ngày đó đều có sẵn một bức ảnh đang đợi tôi. Tôi thậm chí không có cả thời gian để suy nghĩ về sự nguy hiểm’.

Những bức ảnh của Koudelka đã ghi lại sự phẫn nộ, cơn giận dữ khổng lồ, sự bất lực của những người dân. Những bức ảnh sau sự kiện Mùa xuân 1968 đã được lén chuyển ra khỏi Tiệp Khắc tới Magnum và nhanh chóng phơi bày cho thế giới thấy "sự thật" về 7 ngày mùa xuân năm 1968.

Từ khi sự kiện xảy ra trong nhận thức của nhiều người hình thành một định kiến theo truyền thông phương Tây là cuộc "cách mạng" non trẻ đã bị đàn áp bởi hành động diệt chủng của xe tăng xô viết và Liên Xô là tên đao phủ tàn bạo đã giết chết nền dân chủ. Rằng cuộc cách mạng đã bị dìm trong biển máu, điều đó chỉ đúng một phần, phe "cách mạng" đã đầu hàng ngay từ đầu, ngay trong ngày 21/8/1968, phong trào của Đupchêch đã tắt.
Vào tháng Tám năm 1968 tại Prague. The Major Shevchenko NF - Đầu tiên trái - Hành động Trưởng Hoạt động của Bộ đội 7. Airborne Division.
Trên thực tế không hề xảy ra trận đánh nào. Quân đội Tiệp Khắc hoàn toàn không kháng cự dù họ có 200 nghìn người. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng, quân đội Tiệp Khắc án binh bất động và giữ thái độ trung lập trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Bình minh ngày 21 tháng 8 năm 1968 Sau khi hạ cánh tại Ruzyně. Tại phía sau, chỉ huy của lực lượng Vệ binh thứ 7. Airborne Division Tướng LN Gorelov
Trong dân chúng, chủ yếu ở Praha, Bratislava và các thành phố lớn, xuất hiện sự bất bình đối với tình hình. Sự chống đối của dân chúng thể hiện bằng cách lập chướng ngại vật trên đường di chuyển của các đoàn xe tăng, một số đài phát thanh bí mật, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Tiệp Khắc và binh sĩ các nước trong liên minh Vacsava. Lác đác xảy ra các cuộc tấn công vũ trang như ném chất cháy vào xe tăng xe bọc thép, phá phương tiện thông tin liên lạc và xe cộ, triệt hạ tượng đài chiến sỹ Xô Viết ở một vài thành phố và làng mạc.
Cùng với các quân nhân của 22 DNVVN Quân đội nhân dân Bungari trong vùng lân cận của sân bay. Tháng 8 năm 1968, Tiệp Khắc.
Đã có những đoạn phim tư liệu nổi tiếng: đám đông những người bảo vệ "cách mạng" “dũng cảm” chặn xe tăng, nhiều sỹ quan tham gia sự kiện ở Tiệp Khắc vẫn nhớ là đã có lệnh không được nổ súng: “Vì vậy họ nằm bò ra dưới xe tăng vì biết chắc là chúng tôi sẽ dừng lại – các sỹ quan nhớ lại - Họ có thể nhổ vào mặt , thậm chí bắn vào lưng chúng tôi. Còn chúng tôi lại chẳng thể làm gì, ngay cả đấm vào mõm họ cũng không thể - mệnh lệnh là mệnh lệnh”.

Xin nói thêm là quân đội CHDC Đức hành động cứng rắn hơn nhiều: họ vẽ một vòng tròn và cảnh cáo nếu có kẻ nào ngu ngốc vượt qua đường kẻ sẽ bị tiêu diệt. Không hiểu vì sao chẳng ai chê trách người Đức trong sự kiện ở Tiệp Khắc.
Đến mùa thu năm 1968 đảng cộng sản đã kiểm soát được tình hình ở Tiệp Khắc. Ông Ludvic Svoboda (73 tuổi, người Séc) trở thành chủ tịch mới của đảng, còn bí thư thứ nhất BCH trung ương đảng CS Tiệp Khắc là Huxăc. Họ là đại diện cho thế hệ già hơn trong đảng cộng sản.
Trong khi đó hậu quả của việc đưa quân đội vào Tiệp Khắc thể hiện rất rõ rệt và người ta sẽ còn la ó Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa rất lâu. Việc can thiệp vào Tiệp Khắc làm cho những người biết suy nghĩ tức giận, trong số đó có cả những người có quan điểm cộng sản xã hội chủ nghĩa cánh tả trong phe xã hội chủ nghĩa và trên toàn thế giới. Đã có những nhóm bất đồng chính kiến phát biểu phản đối ở Matxcova liên quan đến tình hình ở Tiệp Khắc. Dấu hiệu đáng lo ngại nhất đối với Liên Xô là thái độ của Rumani từ chối ủng hộ hành động ở Tiệp Khắc. Đây là bằng chứng rõ ràng về sự bất hoà trong khối Hiệp ước Vacsava.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu - cuộc diễu hành đầu tiên của 7 Guards Airborne Division tại sân bay Ruzyne. Phó tư lệnh sư đoàn Đại Tá AS Kite báo cáo Tướng LN Gorelov trên bộ phận xây dựng sẵn sàng cho các cuộc diễu hành. Tiệp Khắc, tháng 9 năm 1968
Ngày 12/9/1968 Anbani rút ra khỏi khối Hiệp ước Vacsava. Sự kiện ở Tiệp Khắc làm cho ban lãnh đạo CHND Trung Hoa nghĩ rằng Liên Xô có ý định lặp lại “kịch bản Tiệp Khắc” ở Trung Quốc dười chiêu bài giúp đỡ cuộc đấu tranh phe phái trong lãnh đạo Trung Quốc.
Báo cáo về sự sẵn sàng của Tư lệnh các Lực lượng Nhảy Dù của Liên Xô tối cao Anh hùng Liên Tướng Margelov VF
Những đảng cộng sản lớn ở Tây Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha) trước đây cố gắng phối hợp cương lĩnh của mình với ý kiến của các đảng cầm quyền Đông Âu đã quay ra phê phán hành động của Liên Xô và đoạn tuyệt với quan điểm chính trị tư tưởng của các nước khối Vacsava. Các đảng cộng sản Nam Tư, Nhật Bản và cả Trung Quốc cũng lên tiếng phê phán hành động Liên Xô.
Cuộc diễu hành trọng thể.
Còn một hậu quả nữa là người ta ngày càng nghi ngờ đối với các đảng viên trẻ được đề bạt và thế là xuất hiện tầng lớp “lão làng Kremli”.
Tư lệnh các Lực lượng Nhảy Dù, Tướng Margelov VF trong cuộc diễu hành.
Xu hướng chuyển giao quyền lực “theo vòng tròn” trong phạm vi những người cùng một thế hệ những năm chiến tranh càng rõ hơn. Điều đó phá vỡ tiến trình đổi mới cán bộ và làm lão hoá tầng lớp lãnh đạo cao cấp trong đảng.

Ngoài việc trấn áp bọn phản cách mạng, cuộc can thiệp này còn có một khía cạnh nữa. Trước năm 1968 quân đội Liên Xô không có mặt ở Tiệp Khắc. Bị ràng buộc bởi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Liên Xô không thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại đó. Ngày 16 tháng 10/1968 chính phủ Liên Xô và Tiệp Khắc ký thoả thuận về điều kiện có mặt tạm thời quân đội xô viết trên lãnh thổ Tiệp Khắc “để đảm bảo an ninh của phe xã hội chủ nghĩa”. Thoả thuận này cho phép bố trí tên lửa ở Tiệp Khắc.
Một năm sau, mùa xuân năm 1969, khi Koudelka đang viếng thăm London cùng một nhóm diễn viên nhà hát Tiệp Khắc, ông kinh ngạc khi nhìn thấy bức ảnh của mình trên tờ bìa Sunday Times, kỷ niệm 01 năm sự kiện mùa xuân năm 1968. Bức ảnh được chú thích chụp bởi một người vô danh. Ông đã lo lắng đến số phận của mình và gia đình nếu bị phát hiện là tác giả của những bức ảnh đó. Chính vì vậy ông đã viết thư cho Magnum để xin được tị nạn.

Sau sự kiện 1968, một làn sóng di cư khổng lồ của những người Tiệp Khắc đã xảy ra, ước tính khoảng 300.000 người đã rời bỏ đất nước để sống lưu vong. Koudelka cũng là một trong số kẻ lưu vong, ông đã trở thành một người lang thang không nhà cửa với những người Digan, lang thang khắp Châu Âu trong một thời gian dài: “Suốt 17 năm trời tôi đã không phải trả tiền thuê nhà
---------------
Falšuje Putin historii?
Putin đã bóp méo lịch sử?
„Co tomu říkáš? To jsem zvědav, jak budeš teď obhajovat Putina, hajzle!“
"Bạn nói gì? Tôi tự hỏi bây giờ làm thế nào để bạn bảo vệ Putin, motherfucker! "
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-frc3/v/t1.0-0/10517466_559420840863452_3468519204894368142_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=6d71d311d5046207c45bb247d87eafa6&oe=560116E6&__gda__=1441956598_4d67859f17235e9d30912f40def9a0e7
Tento dopis sice nebyl podepsán, ale patří mezi několik podobných, daleko vulgárnějších, které mi někteří specifičtí čtenáři Protiproudu (obdivuji tuto skupinu, že nás čte, když při tom musí nevýslovně trpět) na dané téma adresovali: O co jde?
Mặc dù bức thư này đã không được ký kết, nhưng là một trong một số tương tự, thô tục xa hơn với tôi bởi một số độc giả SpecificTo dòng chảy (Tôi ngưỡng mộ nhóm này mà chúng ta đọc, trong khi thực tế phải chịu đau đớn khôn tả) về chủ đề này được giải quyết: đó là gì?
https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xft1/v/t1.0-0/11391520_559420837530119_3029860802767811512_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=4b535aace41e8b8eecaa3a0edd69b01a&oe=55F3B919&__gda__=1442292371_4b1e56103c28eff627df0d7c24e5a460
Ruská televize Rossia 1 odvysílala dokumentární film o „odtajněných stránkách" dějin vojenského paktu Sovětského svazu a jeho satelitů – států Varšavské smlouvy. Invazi pěti zemí tohoto uskupení do Československa v roce 1968 vysvětluje ve filmu ruský historik Vladimir Bruz jako „důsledek socialistického internacionalismu“, který stanovoval „povinnost poskytnout členu Varšavské smlouvy pomoc v případě ohrožení socialismu". A z tohoto hlediska (jako autoři filmu) tehdejší invazi obhajuje.
Truyền hình Nga Rossia 1 phát sóng một bộ phim tài liệu về "trang giải mật của" Lịch sử của một liên minh quân sự của Liên Xô và các vệ tinh của nó -. Warsaw Hiệp ước Cuộc xâm lược của năm quốc gia của nhóm này ở Tiệp Khắc năm 1968, giải thích trong bộ phim sử Nga Vladimir Bruz là "một hậu quả của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa", mà đặt ra các "nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ cho một thành viên của Hiệp ước Hiệp ước trong trường hợp đe dọa đến chủ nghĩa xã hội." Và từ quan điểm này (như là một nhà làm phim) sau đó bảo vệ các cuộc xâm lược.
https://fbcdn-photos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-0/11232013_559421047530098_9069121698215905433_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=5a50b1a42d9d46a8c04e9e9d3d685d8a&oe=55F7B72C&__gda__=1441533605_d34e3449028f96d4c484196c50295752
Česká televize a následně všechna hlavní média šílí: Teď se Putin ukázal v plné parádě! Takové falšování historie! Chystá se na nás jako tehdy, už je to tady!
Czech Truyền hình và sau đó tất cả các phương tiện truyền thông lớn điên: Bây giờ Putin xuất hiện trong y phục! Giả mạo như của lịch sử! Đi vào chúng tôi như thể nó ở đây!
https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/10425167_559420994196770_636445299180634550_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=c1ae6dc1b5d60c764f9d1c2f40619c4e&oe=55F87B77&__gda__=1442400949_80465e5d11ab333fb9d738edd571ab97
Můj názor? Mystifikace, jako vždycky. O prezidenta Putina ani vládu Ruské federace přece vůbec nejde. Současný, minulý i předminulý ruský prezident – jako šéfové nástupnického státu po Sovětském svazu – nejednou řekli (několikrát i v Praze), že invaze z osmašedesátého byla neomluvitelná chyba. Přesto se za ni omluvili. Co k tomu víc?
Ý kiến của tôi? Sự bao trùm bí mật, như mọi khi. Chính phủ của Tổng thống Putin hay Liên bang Nga đã không ở tất cả. Qua, Tổng thống Nga hiện tại hoàn thành và quá khứ - như tình trạng ông chủ kế thừa của Liên Xô - thường nói (nhiều lần trong Prague), cuộc xâm lược của sáu mươi tám là sai lầm không thể tha thứ. Tuy nhiên, họ đã xin lỗi cho nó. Những gì làm được nhiều hơn?
https://fbcdn-photos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/v/t1.0-0/11108976_559420997530103_1197454905386680776_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=051801a59ea64ae39c1e8b073a2b7bed&oe=55EBFE03&__gda__=1442860682_e41742d8c92e7fa8abce5d8a023b3e8f
Ruská televize se věnuje historii Sovětského svazu – podobně jako naše televize se věnuje historii naší země v době předchozí totality (a buduje tím tu současnou) – tak, jak ona soudí. Relativně svobodně. Určitě nepoměrně svobodněji než ta naše „státní“ Česká. V Rusku prostě různí autoři točí různé dokumentární filmy různé úrovně, s různým názorovým zázemím. Tito se věnovali invazi do Československa. Dospěli k „překvapivému“ závěru, že z hlediska tehdejšího Sovětského svazu (a „států socialistického společenství) byla okupace nezbytností. Což samozřejmě byla, jinak by k ní nedošlo.
Truyền hình Nga dành cho lịch sử của Liên Xô - cũng như truyền hình của chúng tôi dành cho lịch sử của nước ta trong thời chế độ độc tài toàn trị trước đó (và do đó xây dựng hiện hành) - cách cô ấy nghĩ. Tương đối tự do. Chắc chắn không hai tự do hơn so với chúng ta, "nhà nước" Cộng hòa Séc. Ở Nga, các tác giả khác nhau có chỉ đơn giản là quay phim tài liệu nhiều cấp độ khác nhau, với các nền tảng khác nhau và ý kiến. Họ cống hiến mình cho cuộc xâm lược Tiệp Khắc. Họ đến "đáng ngạc nhiên" kết luận rằng các điều khoản của Liên Xô cũ (một "cộng đồng xã hội chủ nghĩa quốc gia) là cần thiết chiếm đóng. Trong đó tất nhiên là, nếu không nó đã không xảy ra.
https://fbcdn-photos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xta1/v/t1.0-0/11391528_559421020863434_7823382069312002880_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=d698456fbc2a3c30e2c79293b98ad49b&oe=56088DC2&__gda__=1441991499_965eb16f5cf70915169566e2ccb90976
Ostatně soudím: Článek 5 washingtonské smlouvy zaručuje podobnou „bratrskou pomoc“ členským státům NATO v podstatě stejným způsobem. Umím si živě představit, co by nastalo, kdyby se u nás začal dnes odvíjet nějaký takový „obrodný proces“: Kdyby se objevil politik, který by požadoval vystoupení z NATO, odchod z EU a třeba naše přistoupení do „Euro-asijské unie – a většina národa by šla za ním. To by byl panečku „Majdan“! A kdyby se nepodařil, ukázalo by se, že to tady Rusko chtělo „napadnout“ – a už by tu byli. Vyzkoušeli si to přece s „konvojem“ (také nic nového)...
Thật vậy, tôi xem xét Điều 5 của Hiệp ước Washington đảm bảo tương tự như "trợ giúp huynh đệ" quốc gia thành viên NATO, trong nhiều cách giống nhau. Tôi chỉ có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta bắt đầu ở đây hôm nay phụ thuộc vào một số loại "quá trình hồi sinh": Đã xuất hiện các chính sách đó sẽ yêu cầu rút tiền từ NATO, rút từ EU và cần gia nhập của chúng tôi để các "Euro-Asian Union - và hầu hết mọi người sẽ theo anh ta. Đó sẽ là Crikey "Majdan"! Và nếu nó không thành công, nó sẽ xuất hiện ở đây mà Nga muốn "tấn công" - và họ ở đó. Họ đã thử nó đã làm với "Convoy" (cũng không có gì mới) ...
https://fbcdn-photos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/11377337_559421000863436_9201316035146893072_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=9a0f6e9a4d4bb311d2ac8182304cfc64&oe=56044B68&__gda__=1442646835_57a5d082315e260078b709c904e66890
Nevím – jak autoři tvrdí – zda tehdy NATO bylo připraveno pomoci „pokrokovému křídlu“ Komunistické strany (Dubček a spol.). Že stálo na našich západních hranicích, o tom samozřejmě pochyb není. Že Západ „demokratizačnímu procesu“ všemožně napomáhal, také není pochyb. Bylo to v době studené války v jeho zájmu. Zato osobně pochybuji o tom, že by NATO u nás tehdy přímo zasáhlo. Soudím tak z reakce Západu po invazi, která v podstatě zněla stejně jako Brežněvova doktrína: „Eto vaše dělo“, to je vaše věc. Amerika ani NATO nehnuli ani prstem.
Tôi không biết - như các tác giả khẳng định - rằng nếu NATO đã sẵn sàng để giúp đỡ "cánh cấp tiến" của Đảng Cộng sản (Dubcek et al.). Đó là vào biên giới phía Tây của chúng tôi, không có nghi ngờ gì về điều đó, tất nhiên là không. Rằng phương Tây "quá trình dân chủ hóa" đã giúp bằng mọi cách, cũng không cần bàn cãi. Đó là trong thời chiến tranh lạnh trong quan tâm của mình. Nhưng tôi nghi ngờ rằng sẽ với chúng tôi khi NATO can thiệp trực tiếp. Tôi đoán rằng phản ứng của phương Tây sau cuộc xâm lược, mà về cơ bản có vẻ như các học thuyết Brezhnev: "Eto pháo của bạn," đó là điều của bạn. Mỹ không phải NATO cũng không nhấc một ngón tay.
 https://fbcdn-photos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-0/10958815_559421007530102_1074616510125687372_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=2d7e68be641b1291f54746bb90338eb1&oe=55F2E0C1&__gda__=1438592939_ae4a6efd4632b92472af81c2b0fb8011
Neberu však autorům filmu jejich přesvědčení, že to bylo naopak. Nemám o tom dostatek dokumentů. Ale to je naprosto vedlejší. Jedna televize odvysílala historický dokument, který je v rozporu s oficiální politickou linií tamní vlády. Tak už to v demokraciích chodí. V totalitách, nebo zemích, které k ní směřují, je to naopak:
Tuy nhiên, các tác giả không đưa bộ phim đến niềm tin của họ rằng nó là ngược lại. Tôi không có đủ tài liệu về nó. Nhưng nó là hoàn toàn bên cạnh điểm. Một truyền hình phát sóng một tài liệu lịch sử, đó là mâu thuẫn với đường lối chính trị chính thức của chính phủ đó. Đó là cách nó đi trong các nền dân chủ. Trong chế độ độc tài toàn trị, hoặc quốc gia đang hướng đến nó, nó là ngược lại:
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/11350421_559421014196768_5457569093880937032_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=ecfdf5c33dff058a34c91d0987d1f750&oe=55F03597&__gda__=1443326113_0debc76251dc3ff984267ae0d4cff00d
Když washingtonský list uveřejní kritiku českého prezidenta, zabývá se tím u nás málem parlament. Proč? Vědí snad politici (i ti nevolení v našich médiích), že jde fakticky o postoj americké vlády? Chovají se tak. Závěr?
Khi lá Washington công bố những lời chỉ trích của Tổng thống Cộng hòa Séc, chúng tôi đang nghiên cứu với chúng tôi hầu như quốc hội. Tại sao? Họ biết có lẽ chính trị gia (ngay cả những người không được bầu lên trong phương tiện truyền thông của chúng tôi), nó là de facto vị trí của chính phủ Mỹ? Họ cư xử như vậy. Các kết luận?
https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-0/11069695_559421027530100_8314602014487710953_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=16a32c745baaa4e20ed37776220494bc&oe=55C18A11&__gda__=1438643608_b2beac49c230b226970b9a16ecaea9f8
Případ televizního dokumentu o osmašedesátém dokazuje jediné: Rusko směřuje k demokracii, od níž se my naopak rychle vzdalujeme. Nic víc se k tomu říci nedá. Nebo přece něco:
Trường hợp tài liệu truyền hình sáu mươi tám chứng minh một điều: Nga đang tiến tới dân chủ, từ đó chúng ta, trái lại, nhanh chóng di chuyển ra. Không có gì nhiều để nói không thể. Hoặc đã làm cái gì khác:
https://fbcdn-photos-e-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/11329973_559421034196766_8494796921973172826_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=3df47497df03f90b4bbec55c2a26029f&oe=55FF988D&__gda__=1443703995_b977c09b2ed793791fe5ebc4b10e21d5
Rozesmálo mě, když nedávno intervenovala OBSE u Vladimíra Putina, aby nepodepisoval zákon na ochranu země před rozkladnými akcemi zahraničních rozvědek skrze takzvané „neziskovky“ placené ze Západu.
Nó làm cho tôi cười khi ông gần đây đã can thiệp với OSCE Vladimir Putin không ký một đạo luật để bảo vệ đất nước từ những hành động phá hoại của các dịch vụ tình báo nước ngoài thông qua cái gọi là "phi lợi nhuận" trả của phương Tây.
https://scontent-sjc2-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/l/t1.0-0/11393185_559420984196771_5387998119563536701_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=b37a5a4ef69f93c90146e78c90ee1e16&oe=55F58668
Zmocněnkyně OBSE pro svobodu tisku Dunja Mijatovičová v prohlášení uvedla, že nejasné a příliš obecné formulace zákona mohou "ohrozit široké spektrum demokratických práv, včetně svobody slova a tisku". A vyzvala ruského prezidenta, aby zákon vetoval "v zájmu zachování plurality" (samozřejmě to Vladimír Putin ignoroval – a podepsal). Ale je to přece půvabné: OBSE argumentovala tím, že by takový zákon mohl „ohrozit pluralitu a demokracii v Rusku“. Tam ale přece žádná není – tedy alespoň pokud jsem konzument českých (a západních) hlavních médií, nemohu o tom mít pochyb. Tak co že to ve skutečnosti bylo v ohrožení?
https://fbcdn-photos-d-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-0/10906265_559421157530087_6076255123572679295_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=c37c557315d4cccaf43cb6c20749da9a&oe=56057531&__gda__=1443555419_1b2324c9af8cd1c5cf91f500a8568c87
Ủy viên OSCE tự do báo chí Dunja Mijatovičová cho biết trong một tuyên bố rằng nó là quá mơ hồ và từ ngữ chung của Đạo luật có thể "đe dọa một phổ rộng các quyền dân chủ, bao gồm tự do ngôn luận và báo chí." Và mời của Tổng thống Nga phủ quyết luật pháp "để bảo tồn đa nguyên" (tất nhiên Vladimir Putin bỏ qua - và có chữ ký). Nhưng nó vẫn còn duyên dáng: OSCE lập luận rằng một đạo luật như vậy có thể "làm suy yếu chủ nghĩa đa nguyên và dân chủ ở Nga." Nhưng vẫn không có - ít nhất là nếu tôi là một người tiêu dùng Séc (và phương Tây) phương tiện truyền thông chính thống, tôi không có nghi ngờ gì về điều đó. Vì vậy, những gì nó thực sự là nguy hiểm?
https://fbcdn-photos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfp1/v/t1.0-0/10653598_559421194196750_5222515101094507433_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=f1eba80e748ddfa8cc54c78820225793&oe=55C0F598&__gda__=1443120913_2db368621e51dbe5fd14c4a884568d97
U nás „po našom“
Đối với chúng tôi "sau khi chúng tôi"
https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-0/10479157_559421210863415_8979814186225942558_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=f8720ab3e0f1e2b5e8df067522f322ed&oe=55EBF6A5&__gda__=1441433491_b67b6435f6cdceb2db4077cd141fadeb
Je pozoruhodné, jak některé lidi vzrušil jeden dokument ruské televize, ale nenapíší mi ani slovo o záplavě „historických dokumentů“ České televize – zvláště pak v souvislosti s nedávným výročím konce 2. světové války. Jiní zase – a je jich absolutní většina – píší především o tom.
Nó là đáng chú ý cách một số người hơi bối rối một phim tài liệu trên truyền hình Nga, nhưng tôi sẽ không viết một chữ về một trận lụt của "tài liệu lịch sử" Czech Truyền hình - đặc biệt là với những kỷ niệm gần đây của sự kết thúc của WW2. Khác - và có một đa số tuyệt đối - đặc biệt là viết về nó.
https://fbcdn-photos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xat1/v/t1.0-0/11246187_559421204196749_7127414032004025922_n.jpg?efg=eyJpIjoiYiJ9&oh=2c3eb2a1096d2b557a2bccea32cb1788&oe=55C1CA17&__gda__=1443541960_3830bc5532ec71c61ac0ecb40c6d46d4
-------------------


http://rassvet21-go.ru/index.php/kto-zhe-oni/124-davidovskij
http://www.magnumphotos.com/C.aspx?VP3=SearchResult&VBID=2K1HZOQ3T2X9OD