Vũ Quần Phương
Những năm cuối đời, Lưu Quang Vũ được đông đảo công chúng mến mộ với tư cách nhà viết kịch. Sự cống hiến của anh cho sân khấu đáng được ghi nhận. Nhưng đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian. Hình như Lưu Quang Vũ cũng nhận ra điều đó. Anh nói với nhiều bạn bè rằng anh thích được làm thơ hơn cả viết kịch lẫn viết truyện, rằng thành công của thơ thường mang cho anh niềm vui lâu hơn dù nhuận bút tiêu có chóng hết hơn. Cố nhiên với Lưu Quang Vũ hay với chúng ta, không có sự khinh trọng giữa các loại hình nghệ thuật. Ở đây chỉ muốn nói tới cái tạng của anh. Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài, sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về kịch.
Anh mất sớm nhưng với thơ, anh đã có hơn hai mươi năm sáng tác. Anh đã kịp đặt tên cho mười hai tập thơ, trong đó nhiều tập đã hoàn chỉnh : Cỏ tóc tiên, Hương cây, Mây trắng của đời tôi, Cuốn sách xếp lầm trang, ... Hương cây đã in năm 1968 và Mây trắng của đời tôi thì vừa ấn hành. Các tập khác đang sắp xếp dở dang và cũng cần viết bổ sung, trong dự định có một tập thơ tình yêu Tin ở hoa hồng, một trường ca tám chương. Rõ ràng Lưu Quang Vũ đang nhiều trù liệu cho thơ. Đọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người, và làm thơ để sống với riêng mình.
Một buổi chiều sau ngày anh mất được nửa năm - đã nửa năm - tôi tới thăm gia đình anh và đọc những tập thơ, bài thơ chép tay của anh. Lưu Quang Vũ còn nhiều bài chưa đăng quá ! Gần như cả tập Cuốn sách xếp lầm trang, hai mươi hai bài, đều chưa đăng cả. Mà đây là một tập thơ hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ. Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết.
Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì mà nó đang sống.
Để thấy rõ lộ trình thơ của Lưu Quang Vũ, tốt nhất chúng ta đọc theo thứ tự thời gian. Lưu Quang Vũ làm thơ khá sớm. Cha và chú ruột đều là nhà thơ, chắc anh đã có các bài viết từ thuở thiếu niên. Năm hai mươi tuổi anh đã cùng Bằng Việt xuất bản tập thơ đầu tay trong đó có những bài anh viết từ năm mười bảy tuổi. Ở tập Hương cây này rồi tậpCỏ tóc tiên (chưa in) và một ít bài sau này đưa vào tập Mây trắng của đời tôi, Lưu Quang Vũ có cái tươi tắn chung của những người làm thơ trẻ hồi ấy. Cũng một cách nhìn đời hồn hậu, lạc quan, quay phía nào cũng thấy sự hài hoà ưu ái.
Lúc này Lưu Quang Vũ đã rời ghế nhà trường, vào bộ đội, anh bộ đội này khá nhiều mơ mộng, mỗi bước đường hành quân, mỗi làng mạc đi qua gợi lên trong anh bao cảm xúc còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường : thiêng liêng, trong trẻo, đầy tin cậy.
Anh tin rằng, trong cuộc đời này, khi một tiếng gọi cất lên thì bao giờ cũng có tiếng thưa, không tiếng gọi nào lại rơi vào im lặng đáng sợ cả. Nếu anh lên tiếng gọi đò, thì :
Bờ xa lúc nào cũng có tiếng người ơi
Tiếng đất nước cất lên cùng sóng vỗ
Nghe quen rồi mà mắt cứ rưng rưng
(1968)
Những năm ấy buồn vui riêng của mỗi người đều hoà trong tình cảm chung của cả đất nước. Trong lòng nhà thơ trẻ, cũng như nhiều bạn viết trẻ khác, chưa thấy và chưa biết những gì gọi là nghịch cảnh. Sự từng trải cá thể, những chiêm nghiệm cá nhân chưa có ở Lưu Quang Vũ lúc này. Anh yên tâm với cái chung và phấn đấu để hoà nhập, để được tan mình vào toàn thể.
Phần thơ Hương cây của Lưu Quang Vũ đã được bạn đọc hồi ấy yêu mến không phải vì những khám phá chân lý đời sống mà chủ yếu vì những cảm xúc tươi trong, tin cậy của anh, đặc biệt vì một giọng thơ rất đắm đuối. Đắm đuối đó là một đặc điểm của suốt đời Lưu Quang Vũ. Vui hay buồn, tin cậy hay hoang mang... bao giờ anh cũng đắm đuối. Đặc điểm này ít thấy ở các nhà thơ khác. Hình như từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, thơ Việt Nam ta chuộng sự tỉnh táo, chắc khoẻ, giàu chất liệu cụ thể của đời sống công nông binh, các nhà thơ thường sử dụng bút pháp hiện thực sáng rõ. Thơ có ít mê hơn. Giọng thơ còn mang nhiều sự đắm đuối, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có lẽ chỉ thấy ở Nguyễn Đình Thi, trong tập Người chiến sỹ và Quang Dũng. Ngay Xuân Diệu nổi tiếng về say đắm ở giai đoạn trước, giờ đây cũng tỉnh táo nhiều, anh chủ trương chân chân chân thật thật thật. Vào những năm sáu mươi, một vài nhà thơ có uy tín đã bắt đầu kêu lên : thơ cần phải mê hơn. Mỗi người tìm một cách để mê, có người mê và mộng hơn, nhưng có nhiều người chưa mê được, nên cái giọng say đắm, đắm đuối của Lưu Quang Vũ lúc ấy rất được mến chuộng. Những câu thơ của anh được nhà phê bình Hoài Thanh, vốn là người rất sành với cái mê đắm của thời Thơ mới trích khen là những câu thơ kết tinh sự đắm đuối. Tìm ra những yếu tố cấu thành cái chất đắm đuối này cũng là cách tìm ra bản chất thi pháp Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ đắm đuối không chỉ ở cách nói, ở thủ pháp diễn đạt mà còn ở cái cách cảm thụ đời sống của anh. Anh cảm thụ bằng cảm giác. Vốn nhạy cảm, anh nắm bắt thực tại bằng giác quan rất tinh tế và phong phú. Tôi có ấn tượng chính cảm giác là hạt nhân đầu tiên của cảm hứng thơ Lưu Quang Vũ. Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Tứ thơ như tự hình thành trong quá trình cảm thụ. Đọc thơ Lưu Quang Vũ ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập. Ở các bài thơ dài : Tiếng Việt, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, ... rất dễ nhận ra đặc điểm này. Cảm hứng ấy đã tạo nên cái đắm đuối của thơ. Anh viết như trong một cơn say, như sự nhập đồng bất chấp cực đoan và phi lý trong chi tiết. Thế giới trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng. Giàu tưởng tượng nên mới mê đắm, mới thành đắm đuối. Trong thơ anh có cả cánh buồm đen của tên cướp bể, có ngọn lửa bập bùng người Âu Lạc múa trên châu thổ sông Hồng còn nguyên nếp phù sa. Có những đoạn thơ anh làm mê lòng ta như cổ tích. Tôi nghĩ đây chính là dấu ấn của năng khiếu thơ :
Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương
(Trung Hoa, 1974)
Đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh. Anh sống như đuổi theo những yêu thích của lòng, đáp ứng những nhu cầu ở bên trong, ít đếm xỉa tới những quy ước của ngoại cảnh. Mải mơ mộng với đại dương nên có khi anh đã mắc cạn ngay ở một lạch sông đào. Lưu Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên : ra bộ đội, nghề ngỗng chưa ra sao, xin mãi không được việc làm; hạnh phúc gia đình tan vỡ, con thì nhỏ, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, những tiêu cực xã hội bắt đầu phát sinh. Anh lúng túng không phải chỉ vì nghèo mà chủ yếu vì hướng đi. Cảnh ngộ của anh là riêng biệt, nó không đại diện gì cho cả thế hệ thanh niên lúc đó, do vậy những cảm nghĩ của anh khi ấy có thể ít đại diện cho thời cuộc, có thể không tiêu biểu cho số đông nhưng đích thực nó là nỗi lòng của một người. Nỗi lòng đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ nhuần chín. Đây là giai đoạn sáng tác khá đặc biệt trong đời thơ Lưu Quang Vũ, chỉ khoảng hai năm quãng 1971- 1972, nội dung khác với giai đoạn trước và cũng khác với giai đoạn sau. Giai đoạn này tâm hồn anh như già đi trong những nhận thức đau buồn về đời. Quả thật, hai mươi hai bài trong Cuốn sách xếp lầm trang mang rất nhiều dằn vặt, nhiều nghĩ ngợi chiêm nghiệm, có phấn đấu và cũng có thất vọng. Trong giọng điệu chung phấn khởi tự hào, cổ động đánh giặc hồi ấy tập thơ này quả có lạc điệu. Đây là thơ được viết ra do một thúc bách nội tâm, từ cảnh ngộ cá thể của mình. Sự thành công của Lưu Quang Vũ bắt nguồn từ lẽ đó. Chúng ta đọc thơ cũng có sự cảm thông ; đừng máy móc cào bằng, đòi hỏi thơ của ai cũng phải có một công dụng tức thì với xã hội. Thơ hay bao giờ cũng có công dụng, nhưng đấy là một công dụng xa, giúp cho sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách hình thành từ những chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này rất nhiều chiêm nghiệm. Anh nhìn và khái quát việc đời trên cảnh ngộ của anh. Anh thấy cuộc đời lúc đó sao lộn xộn như cuốn sách xếp lầm trang : chuyện đôi trai gái tự tình lẫn với chuyện chia gia tài, chuyện án mạng, rồi lại sa mạc Gô bi: phu nhân đa tình, gián điệp, triết gia, lái bò, số học... Có thể có một chút bi quan quá sớm, nhưng cũng đã thấy một cái gì như linh cảm trước thời cuộc. Mười bảy năm sau những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ, cố nhiên chín chắn hơn, chừng mực hơn, nhưng rõ ràng nó đã được định hướng từ ngày ấy. Cái mạnh của hiện thực đã ngự trị khá sớm trong nhà thơ mơ mộng này. Mùi lá bưởi lá chanh nên thơ sẽ không bao giờ còn quay về tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn của chiến tranh nữa. Lưu Quang Vũ đã mang một cái nhìn khác và tìm một chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn trước của anh và khác với cả khuynh hướng chung của cả nền thơ . Thay vì sự ngọt ngào ca ngợi, là sự chất vấn rát bỏng :
Những tuổi thơ không có tuổi thơ
Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp
Chúng ăn cắp, đánh nhau, chửi tục
Lang thang hè đường tàu điện quán bia
Những bông hoa chưa nở đã tàn đi
Những cành cây chưa xanh đã cỗi
...
Sao mọi người có thể dửng dưng
Nhìn em đi trên đường tối
Mọi người đều có tội
Trước tuổi thơ đã chết của em.
(Những tuổi thơ, 1971)
Những điều trông thấy đã làm kết đọng trong lòng Lưu Quang Vũ một nỗi buồn ám ảnh, không dễ nguôi ngoai. Liên tưởng của anh, anh vốn giầu tưởng tượng, càng đắp thêm vào những cái, gọi bằng từ bây giờ là tiêu cực một sắc độ bi thương hơn nữa. Có lúc anh đã chạm vào bế tắc :
Có những lúc tâm hồn tôi rách nát - Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu!
Anh luôn luôn băn khoăn một câu hỏi Con người là gì đối với nhau. Sách vở đã dạy : người với người là bạn. Thơ Tố Hữu cũng đã viết : Người yêu người sống để yêu nhau. Có nên tin ở mắt mình không hay tin theo niềm tin có sẵn.
Nhiều nhà thơ hồi ấy đã chọn cách thứ hai, tiện và lợi. Nhưng cũng không ít người đã chọn cách thứ nhất. Đau trong tâm hồn hơn, có khi còn khổ cả thân xác, nhưng đã có thơ đích thực và với thời gian những thơ này sẽ có ích thực sự, nó giúp vào sự hình thành những nhân cách lương thiện, vị tha.
Cho nên khoan hãy lên án Lưu Quang Vũ khi thấy anh quá tuyệt vọng, tuyệt vọng đến hư vô chủ nghĩa. Độ lượng một chút sẽ thấy cái tuyệt diệu của thơ trong sự nâng đỡ của con người.
Trong vài năm ấy, Lưu Quang Vũ đã thấy được nhiều điều. Anh nhận thức xã hội sâu lên nhiều, nhất là anh nhận thức được chính anh, anh khám phá ra anh. Nỗi buồn của anh đi từ cảnh ngộ của anh nhưng ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều. Trong nỗi buồn ấy, thấy được số phận của dân ta và của con người nói chung:
Tôi khao khát yêu người
Mà không sao yêu được
Lời tự thú bi quan đó là một cách đấu tranh cho vẻ đẹp con người:
Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được
Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.
Trong lời than tuyệt vọng này bạn có đọc thấy một sự trưởng thành không? Những câu thơ buồn này đã có sức nâng đỡ những ai buồn cùng cảnh. Nhận ra cái vô tích sự của mình là bắt đầu để thành có ích. Tôi không thấy những câu thơ đắc chí về mình lại có thể nâng người ta lên được. Cái hay trong thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này có cái lắt léo như vậy.
Đây là chưa nói tới một bước tiến dài về nghệ thuật thơ so với Hương cây. Tôi cho rằng đây là điểm đỉnh trong nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Sau này anh viết vui hơn, ấm áp hơn nhưng không tài hơn. Vốn hào hoa phóng túng trong ngôn từ nhưng lúc này Lưu Quang Vũ lại tìm đến sự giản dị, câu thơ bớt nhiều tính từ, thích dựng lại việc cụ thể. Cái tài của anh là ở chỗ từ những việc, những vật cụ thể anh làm bật lên một cảm xúc, một nhận thức, một tâm trạng vốn rất khó diễn đạt khó nắm bắt:
Những chiếc xe tăng đi qua
Những khẩu súng đi qua
Những người lính đi qua
Chẳng có gì cùng ta ở lại
(Mặt trời trong nước lạnh tháng 6-1972)
Năm 1972 là năm chiến sự diễn ra ác liệt. Trong bốn câu thơ tôi trích, ba câu trên là ba việc thông thường của thời chiến, nhưng đến câu thứ tư bỗng làm rung chuyển chúng ta và chúng ta cảm thấy hết cái sức nặng của chiến tranh. Chẳng có gì cùng ta ở lại, đâu phải chỉ nói đến xe tăng, người lính, súng ống, còn nhiều thứ lớn lao hơn nữa. Lưu Quang Vũ từ một hoàn cảnh riêng của mình, đã lắng nghe được bản kết toán chiến phí mà đến nay nhiều người mới biết. Anh hiểu cái giá của những ngày cô đơn. Nỗi cô đơn của anh người ngoài không thấy, nhưng anh ý thức nó rất sâu và đã diễn đạt được tận cùng:
Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ
Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào
Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao
(Mấy đoạn thơ, 1971)
Cô đơn và hồ nghi hết thảy, không biết nương tựa vào đâu. Muốn khát khao yêu người thì không sao yêu được. Muốn nương tựa vào tình yêu thì tình yêu tan vỡ.
Những kỷ niệm tuổi thơ mà cách đó vài năm anh hay chi chút quay về, bây giờ cũng không đủ an ủi anh nữa. Có lúc lòng anh thật hoang vắng thật rêu phong, cõi lòng của một người mới ngoài hai mươi tuổi ! Mang cõi lòng ấy nhìn đổ vỡ chiến tranh, Lưu Quang Vũ có những câu thơ thật ấn tượng:
Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ .
Sao hạt mưa có màu đen. Ai biết ? Chỉ biết nó gợi tro than, loạn lạc ly tán.
Có lúc anh như kẻ bất đắc chí, cười khóc thảng thốt, nói năng văng mạng, rồi lại ngồi lặng xót xa. Thơ Lưu Quang Vũ lúc này có một sức chứa nội tâm rất lớn. Anh đã giúp cho chúng ta thấy một phía khác của chiến tranh, cái phía mà - vì cần cổ động cho chiến tranh - cả nền thơ đã phải nén lại và giấu đi. Ngày nay chiến tranh đã qua đi, kẻ thù cũ đang thành bè bạn mới, đọc lại những dòng thơ Lưu Quang Vũ chúng ta càng hiểu cái giá của tự do độc lập mà dân tộc đã phải trả. Thắng một cuộc chiến với Mỹ, đâu phải chuyện nhẹ nhàng. Chúng ta đã đọc những tổn thất về người về của, giờ đây chúng ta đọc thêm những tổn thất của tâm trạng. Và chúng ta hiểu rằng trong cõi người này, những vui buồn thật đa dạng. Trước một sự kiện, có thể có nhiều tâm trạng. Ngay một dạng thức tình cảm cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, trái ngược nhau. Trong một bài thơ mang cái tên rất dài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn, các nhân vật gọi nhau bằng bác ấy đều chưa quá ba mươi tuổi và hình như lúc ấy họ đều không biết uống rượu. Lưu Quang Vũ chưa lúc nào nghiện rượu. Anh thích cái tư thế ngang tàng của các ông rượu và đọc được ở đấy những nỗi niềm thảng thốt xót đau của những cõi lòng bỏ ngỏ:
Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau.
Lưu Quang Vũ thuộc loại người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy một hiện tượng nào làm tim anh đau nhói, anh đều viết thành thơ. Còn cái hiện tượng ấy là cá biệt hay phổ biến, là bản chất hay không bản chất anh dành cho các nhà lý sự kết luận. Anh muốn được trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Một chiều cuối năm 1972, không biết xuất xứ do đâu mà anh viết:
Cuộc chém giết lặng dần
Các dũng sĩ thân tàn ma dại
Đập nát những cây đàn quý
Ngồi nướng thịt cóc ăn
Con mèo đi hai chân
Kêu lên tiếng trẻ khóc
(Chiều cuối tháng 11/ l972)
Chiến tranh lúc ấy đang găng và không ai biết bao giờ nó kết thúc. Những câu thơ này chỉ là dự cảm hậu chiến. Đến nay, sau hơn mười năm chiến tranh kết thúc nhưng dự cảm ngỡ như quái gở ấy không phải là không có lý.
Nhiều người nhận xét : Lưu Quang Vũ hay khinh bạc, thích diễu người. Quả có vậy thật nhưng nếu ta lắng nghe chút nữa trong thơ anh, hình như khinh bạc chỉ là cái vỏ bọc nỗi lòng ấy. Thông thường ai có nỗi niềm sâu sắc thường hay che dấu, nhất là khi nỗi niềm ấy quá khác biệt với cái đa số. Lại là người hay diễu sự “trang trọng” của những “đau khổ vĩ đại”, Lưu Quang Vũ càng không muốn mình thành đề tài hài hước. Xót đau che dấu bằng cười cợt Lưu Quang Vũ đang giao tiếp với mọi người kia là một Lưu Quang Vũ được quy ước. Chính vì vậy anh mới thấy cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ. Chính vì vậy khi đọc những bài thơ chưa in này của anh tôi mới có cảm giác như gặp một Lưu Quang Vũ khác. Lưu Quang Vũ ấy nói với con, lúc ấy cháu lên hai:
Con ơi con hãv tha thứ cho cha
Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
Đời cha nắng gắt
Mẹ con cần suối mát của đồng vui
Con khôn lớn trên đời
Hãy yêu thương mẹ
Và hãy hiểu cho cha
Đó là lòng cha của ngàn đời và cũng là của tình cảnh riêng Lưu Quang Vũ. Giọng thơ, ý thơ dễ dàng, trân trọng, biết mình, biết người. Tôi chắc cháu Lưu Minh Vũ đọc lại những dòng này sẽ hiểu và vô cùng thương nhớ bố. Bài thơ Lưu Quang Vũ khóc thương khi cha anh qua đời, rồi những bài sau này anh viết tặng Xuân Quỳnh cũng trong một tâm trạng thành kính và biết ơn. Khinh bạc, diễu cợt không phải là chủ đạo trong tính cách anh. Nó chỉ là một nét, cái nét dễ bộc lộ sự thông minh ranh mãnh của anh. Sau này Lưu Quang Vũ đã sử dụng song song được cả lòng yêu kính trân trọng, nỗi xót đau bàng hoàng cùng với giọng diễu cợt khinh bạc trong một thể loại khác - đó là kịch. Ở đấy, Lưu Quang Vũ sẽ thăng bằng hơn, tỉnh táo hơn và đã được mến chuộng, được coi là tác giả ăn khách nhất, sung sức nhất. Nhưng tôi vẫn nghĩ, với anh, thơ mới là chủ yếu vì nó nói được anh nhiều nhất và cũng nói được chuyện đời nhiều hơn. Có điều tiếng nói của thơ chỉ là những tín hiệu, người đọc phải diễn giải tín hiệu đó thành tiếng nói thường, nghĩa là khám phá cái bề sâu, cái bề xa của tâm trạng để hiểu hiện thực.
*
* *
Cảm hứng dân tộc, trong tiến trình lịch sử, trong vẻ hùng vĩ của đất đai, trong vẻ đẹp óng ánh của ngôn ngữ và nhất là trong đời sống làm lụng cực nhọc, trận mạc gian lao của người dân là một cảm hứng bền chắc trong thơ Lưu Quang Vũ. Ca ngợi hay phê phán gì, anh cũng yêu thương thành kính, cảm phục, xót xa. Ở mảng thơ này có những nhận thức chắt ra từ sách vở. Nhưng dù từ sách hay từ đời, tất cả đều nhuyễn vào cảm xúc anh, thành cá tính thơ của anh. Và cái giọng thơ đắm đuối đến mê hoặc đã tạo nên nhiều đoạn thơ lôi cuốn, chất chồng hình ảnh lạ. Trong Đất nước đàn bầu (viết trong năm 1972 và 1983) trí tưởng tượng phóng túng dắt Lưu Quang Vũ đi dọc lại con đường dân tộc đã đi từ hồng hoang đến bây giờ. Cái kỳ ảo hoang sơ Những rìu đá cổ sơ, những hang động khổng lồ, những đống lửa còn tro tàn sót lại xen với nét trữ tình êm ả của làng mạc thanh bình Hoa móng rồng thơm ngát của những đêm hội làng truyền thống “Thấy cô bán rượu ống quần cỏ may” rồi vẻ dữ dội của binh lửa: Bao đền đài bị đốt thành than - Bao cuốn sách bị quăng vào lửa - Bao đầu người bêu trên cọc gỗ... tạo nên một giai điệu phức hợp làm nền cho sự hình thành nhân cách dân tộc. Lưu Quang Vũ yêu thương và ngợi ca nhân cách ấy. Sự ngợi ca này của anh dễ lẫn vào giọng ca chung của cả nền thơ, nếu anh không biết cá thể hoá nó. Anh cá thể hoá bằng cảm giác của cái tôi bàng bạc suốt bài thơ và cá thể hoá bằng bút pháp, bởi cái tài hoa của Lưu Quang Vũ có nhiều nét cá biệt. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là hoạ sĩ:
Những con chim Lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.
Đặc biệt là sức gợi từ những chi tiết nhỏ bé đan vào các ý thơ như cái đêm nồng trong bốn câu vừa trích. Một chữ nồng đã phả vào đêm cái hơi hướng nhiệt đới còn nguyên sơ và khung cảnh trở nên phập phồng đầy sự sống.
(Nhân tiện cũng nhận xét từ nồng, nồng nàn rất hay gặp trong thơ Lưu Quang Vũ - đó cũng là một chứng tích về kiểu cảm xúc của anh). Từ những bài thơ đầu tay đến những bài cuối cùng, câu thơ Lưu Quang Vũ bao giờ cũng khêu gợi, đánh thức vào hồn người đọc những kỷ niệm, những tưởng tượng của riêng họ. Chính đấy là chỗ tạo ra chất đắm đuối ở thơ anh. Dưới bút anh cảnh sắc bây giờ thường đẹp hơn lên, say đắm hơn lên:
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông
Với những bài thơ trong tập Mây trắng của đời tôi, Lưu Quang Vũ đã ra khỏi những dằn vặt cô đơn của thời kỳ Cuốn sách xếp lầm trang. Khuynh hướng cảm hứng nối lại được với Hương cây nhưng chắc chắn hơn... chứa đựng hơn; từng trải hơn. Anh không cực đoan như giai đoạn 1971-1972, nhưng anh cũng không né tránh những nghịch cảnh chua chát của đời sống. Anh đã viết về nhà nghệ sĩ kịch câm người Pháp Mác xen Macxô:
Anh có nhớ con người đùa bỡn
với cái mặt nạ cười
rồi không sao cởi được
đau đớn mệt nhoài kiệt sức
tuyệt vọng ôm vai, cái mặt vẫn cười
Anh bình giá về nhân dân, ca ngợi tầm vóc vĩ đại, hy sinh cao cả của những người dân vô danh và cũng thấy hết những nhược điểm của họ, thấy để xót thương.
Đây là một phạm trù khoa học lịch sử, đánh giá thái quá hay bất cập đều không nên. Lưu Quang Vũ đã có cái nhìn biện chứng.
Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô,
người cùng Quang Trung đi đánh giặc
Quang Trung trên bành voi, người cầm dáo
xông lên phía trước
Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng
Bị lão trương tuần quát nạt cũng run.
Đã bao nhiêu tiếng đoạn trường mới cũ cất lên từ đám đông gọi là nhân dân ấy. Ca ngợi dân mà thờ ơ với nỗi khổ của dân ta đã là một thứ sáo rỗng tệ hại của một thời văn chương chúng ta. Lưu Quang Vũ không bị trượt vào vết xe đổ ấy. Đây cũng là một bước trưởng thành của anh so với thời Hương cây. Phải tự thấy, tự nghĩ thì ca ngợi hay âu lo mới có cơ sở, mới thuyết phục. Văn chương như áo quần mỗi thời đều có “mốt” của nó. Có mốt “ngợi ca” lại cũng có mốt “xỉ vả”. Lưu Quang Vũ rất biết tâm lý công chúng nhưng anh không lạm dụng, ít nhất là ở thơ.
Cùng với năm tháng của đời mình, những biến thiên của đất nước, anh có đổi thay nhiều quan niệm, nhiều cấp độ nhận thức. Những đổi thay ấy đều bắt nguồn từ trong anh.
Anh nghĩ lại về chiến tranh khi làm thơ cho Năm thế giới hoà bình. Giọng thơ bớt đi cái cay đắng rách xé vì anh đã thấy, đã tin hơn vào cái thiện, và vào con người của thế giới này.
Anh bằng lòng và chi chút với hạnh phúc đang có. Anh đã lập gia đình. Đã có sự yên ổn trong hạnh phúc và nghề nghiệp. Vả lại trong sự phát triển của tâm hồn con người, tuổi lớn hơn người ta hay nghĩ tới những điều nông gần nhưng thiết thực. Thơ Lưu Quang Vũ về sau bớt đi cái phóng túng ngang tàng nhưng lại thêm được cái ấm áp đời thường rất dễ thân với mọi người:
Không ôm được cả bầu trời lồng lộng
Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay
Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày
Không tới được một vì sao xa lắc
Nhưng có thể đến trong mùa cấy gặt
Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng
Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong
Và nhận hết niềm vui trên cõi sống.
Cốt lõi của tình cảm này chính là niềm lạc quan trần thế, là triết lý sống tích cực. Lưu Quang Vũ đã đi qua một chặng dài không êm ả gì để tới được nhân sinh quan ấy. Anh đang ở vào giai đoạn chín trong việc khám phá đời sống và sáng tạo. Anh đã tìm đến kịch là nơi có thể phô diễn trực diện hơn những khám phá của anh, là nơi anh có thể đóng góp được tích cực hơn vào việc xây dựng xã hội.
Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài của những năm 1971 - 1972. Nhưng thật ra nó rất liền mạch. Giai đoạn trước đã kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được bắt đầu từ câu thơ mất mát. Có mất mát mới biết giá trị của sự có lại:
Mùa gió mới có em tôi có lại
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội
Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya
Lưu Quang Vũ đang sống những ngày đầy hào hứng. Anh viết rất nhiều, năng suất kỳ lạ. Niềm yêu đời tràn trong các câu thơ:
Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buột giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời
Giữa lúc ấy, tai nạn ập đến. Mười hai tập thơ đã dàn ra chưa kịp viết đầy.
Đau xót qua rồi không nói lại. Cái gì đáng còn sẽ còn mãi mãi. Khen chê cũng có thể đổi thay. Điều gì anh tin anh cứ tin. Kinh nghiệm đời anh anh vùi trong những câu thơ, hôm nay chúng ta soi lại, mỗi người thể nghiệm với riêng mình. Tôi viết những dòng này để trò chuyện với anh, trân trọng những gì anh tặng lại chúng ta. Đòi hỏi gì ở anh bây giờ cũng vô nghĩa.
Tạp chí Văn học, số 4-1989