31 tháng 12 2013

Made in Vietnam! - Citroën La Dalat (III)

Chúng ta thường nghe rằng: nền Giáo dục VNCH là “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” v.v, sau hai cái Made in Vietnam! - Citroën La DalatMade in Vietnam! - Citroën La Dalat (I) và Made in Vietnam! - Citroën La Dalat (II) nghe thấy truyền thông thi nhau ca ngợi nền  Giáo dục VNCH, Khoằm lại dở chứng tí chơi về cái gọi là “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” này, gọi là Made in Vietnam! - Citroën La Dalat (III)!

Tại Made in Vietnam! - Citroën La Dalat (I) Khoằm đã có trình bày sơ lược về giáo dục của VNDCCH, dưới đây, Khoằm sẽ sưu tầm về nền giáo dục của VNDCCH (phông chữ bình thường có chân) và cũng như hai bài trước, có chen các đoạn so sánh với nền giáo dục của VNCH (của những thành phần "tiếc nuối vô bờ bến nền Giáo dục VNCH" bằng phông chữ mờ không có chân) giai đoạn 1945 - 1954, có một vài điểm tạm thấy là:

- Nền giáo dục của VNCH mang nặng ảnh hưởng của thời Pháp thuộc và văn hóa của đạo Cong giáo. 
- Nền giáo dục của VNDCCH ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Liên Xô (chứ không phải Tàu). Học phải đi đôi với hành, lý luận phải được liên hệ với thực tiễn. Học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. 

Học sinh sinh viên học nhiều về triết học và do đó các cụ thời này trình độ lý luận rất cứng, quan điểm lập trường rất vững. Tuy nhiên điểm yếu là không khuyến khích thảo luận đối thoại ý kiến ngược chiều, cho nên các cụ nhìn chung là hơi bảo thủ .


- VNCH cử khá nhiều du học sinh đi du học. Nhưng phần nhiều số này lại không trở về nước vì tình hình chiến tranh.


- VNDCCH thì có hàng nghìn, thậm chí cả vạn nghiên cứu sinh gửi sang các nước Liên Xô và Đông Âu. Đại đa số đều trở về phục vụ Tổ Quốc. Đóng góp của họ vào y tế, công nghiệp và nông nghiệp của miền Bắc là có rất nhiều dấu ấn, ví dụ như cố Giáo sư Lương Định Của. Thế hệ sau này cũng rất nhiều nhân tài. Nhưng tất nhiên nước nghèo thì sự phát huy cũng bị giới hạn.

Giáo sư Nguyễn Mộng Hùng của ĐH KHTN đã mất chẳng hạn. Ông Hùng có một thành tích mà lẽ ra người Việt nào cũng nên biết và tự hào, nhưng tiếc thay mãi sau này nhờ một bài báo Tiền Phong mà tôi mới biết. Đó là GSư Hùng khi còn là NCS tiến sĩ ở Liên Xô đã tự chính mình bảo vệ thành công công trình NHÂN BẢN VÔ TÍNH ĐỘNG VẬT là con cá chạch, 20 năm trước khi cừu Dolly được công bố, và Việt Nam trở thành dân tộc thứ 2 trên thế giới nhân bản thành công vô tính động vật (sau Liên Xô đã thành công nhân bản ếch). Tiếc thay công trình này khi đó không được đánh giá đúng mức và chìm vào quên lãng, cũng một phần do hai hệ thống nghiên cứu của khối Tư bản và XHCN không thông nhau. 

Ít năm trở lại đây, nhà nước chịu đầu tư vào ngành CN Sinh học phân tử. Và giáo sư Hùng ngay lập tức "tái xuất giang hồ" với các công trình như tế bào gốc từ cuống rốn , nhân bản vô tính gà Thượng Phương , cấy tế bào gốc để tạo giác mạc ... Tiếc thay ông mất khá sớm, ai làm chủ được công nghệ tế bào gốc là thay được vai trò của Đấng Sáng Tạo. Vì thế mà các nước trên thế giới chạy đua tới tấp vào nghiên cứu này. Hàn Quốc có bác Hwang Woo Seok làm giả kết quả nghiên cứu tế bào gốc, vậy mà từng được xem là anh hùng dân tộc (Hàn Quốc nhờ bác này là quốc gia đầu tiên nhân bản thành công chó - một loài động vật có đặc trưng noãn bào rất khó xử lý).

Chúng ta cũng nên lưu ý là làm NCS của hệ các nước XHCN khó hơn làm NCS các nước tư bản. Khó ở chỗ, NCS của các nước tư bản thường là phục vụ trong dự án của giáo sư, đã có giáo sư định hướng và phân công nhiệm vụ. Còn trong hệ XHCN thì NCS thường là phải tự đề ra đề tài của mình và được hội đồng khoa học duyệt. Sau đó NCS phải thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn có tính cố vấn (hơn là chỉ đạo) của giáo sư hướng dẫn.

Bên VNCH cũng có mấy nhân tài tầm cỡ như ông Trịnh Xuân Thuận về vũ trụ , ông Nguyễn Xuân Vinh tham gia NASA . Nhưng có một điểm không mấy thuyết phục là vì mấy ông này thành danh ở nước ngoài trong điều kiện rất tốt chứ không phải là có nguồn gốc giáo dục từ Việt Nam rồi cử đi làm nghiên cứu sinh.

Để đến với thời tòi ra cái VNCH, chúng ta cùng quay lại thời kỳ chữ Quốc ngữ bắt đầu được người Pháp đưa vào hệ thống giáo dục thộc địa, để đào tạo thuộc chức bản xứ cho đến khi mọc ra cái Đệ Nhứt Cộng Hòa.


Trước khi người Pháp ban hành một chính sách giáo dục ở VN, trong một thời gian nhiều thế kỷ,  VN đã rập khuôn theo hệ thống giáo dục Khổng giáo.

Trong quá trình xâm lược và sau khi đặt được ách thống trị lên đất Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện nhiều chính sách, thủ đoạn để khai thác thuộc địa, trong đó có chính sách về văn hóa, giáo dục. 

Pháp bắt đầu lấn chiếm Việt Nam trong thời vua Tự Đức. Khoảng năm 1858 đến năm 1884, coi như Pháp đã chiếm toàn bộ nước ta sau khi ký kết với Tàu và Pháp trả lại Tô Giới tại Thượng Hải, đổi lại Tàu rút quân về nước không đánh giúp các vua triều Nguyễn nữa. 

Hiệp ước Thiên Tân được ký giữa Tàu và Pháp ngày 27 tháng 4 năm Ất Dậu - 1885, Tàu đã nhượng bộ để Việt Nam hoàn toàn cho Pháp đô hộ và cam kết không còn giúp Việt Nam chống lại Pháp nữa.

Cho đến khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết thất trận, Pháp hoàn toàn cai trị nước ta, tuy chỉ có 2 vua Thành Thái và Duy Tân còn cố gắng chống cự lại Pháp. Thực dân Pháp đã bắt đi tù 3 vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân mãi tận Phi Châu, rồi những vua sau đời nhà Nguyễn thực tế chỉ là bù nhìn của Pháp mà không còn chút quyền hành nào cả.

Hoàn tất việc bảo hộ xong, Pháp chuẩn bị mở mang nền giáo dục. Tuy nhiên, vì chưa có một nền giáo dục nào cả nên lúc đầu, họ vẫn xử dụng các tri huyện là những người biết chữ Nho. Đến khoảng năm 1900, Pháp bắt đầu thiết lập bậc Tiểu Học rồi Trung Học.

Mặc dù Liên Bang Đông Dương được thành hình từ 1887, mãi đến 1906, Toàn quyền Bô (Paut Beau) mới cho tiến hành cuộc cải cách giáo dục đầu tiên ở Việt Nam theo mô hình giáo dục của Pháp. 

Từ năm 1917, người Pháp mới thành công trong việc thành lập một chính phủ ổn định cho Liên Bang và quyết định thay thế nền giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục Pháp, Toàn quyền Anbe Xaro (Albert Sarraut) đã ban hành “Học chính tổng quy”, thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1917 - 1929). 


Cũng trong thời gian này, Pháp mở các trường Thông ngôn và các trường Huấn luyện Hành chánh có dạy kèm một số Dân Luập Pháp nằm phục vụ cho chính quyền bảo hộ. Mãi đến năm 1917, Pháp bãi bỏ các kỳ thi chữ Nho và mở trường Đại Học Hà Nội năm 1918.

Các cuộc cải cách giáo dục đó có mục đích là xoá bỏ nền giáo dục Nho học của triều Nguyễn, mở rộng hệ thống giáo dục Pháp - Việt, phục vụ sự cai trị, vì "mẫu quốc" hơn là để "khai hóa văn minh" cho Việt Nam. 

Đây chỉ là sự áp đặt nền giáo dục Pháp vào xã hội VN (và Đông Dương nói chung), Pháp đã dùng giáo dục như là một dụng cụ phổ biến văn hóa Pháp đến các thuộc địa, Pháp ngữ đã được dùng làm chuyển ngữ chính thức ở các học đường và trong các cơ quan công quyền. 


Tổ chức giáo dục của Pháp trên thực tế chỉ phục vụ cho nền cai trị và quyền lợi của thực dân Pháp. Họ đào tạo một số công chức nhà nước sẵn sàng theo lệnh của nhà cầm quyền Pháp mà không có một mục đích nào để phát triển văn hóa và phục vụ cho xã hội và nhân dân Việt Nam cả.

Trừ những năm đầu của bậc tiểu học, quốc ngữ (Việt ngữ) chỉ giữ một vai trò nhỏ trong chương trình học như là một ngoại ngữ. Tình trạng nầy kéo dài cho đến năm 1945, khi chánh phủ Trần Trọng Kim được thành lập. 

Mặc dù bị nền giáo dục truyền thống phản ứng quyết liệt, song các cuộc cải cách giáo dục đó đã thu được một số kết quả quan trọng. 

Một số môn học mới được đưa vào Việt Nam, số người Tây học tăng lên, có điều kiện tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, tư tưởng tiến bộ của Pháp và của thế giới. 

Nhờ đó, cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, gắn liền với cuộc đấu tranh yêu nước cách mạng vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ở Việt Nam có bước phát triển mới. 


Pháp chia nền giáo dục Tiểu Học thành 7 năm học.

Muốn vào lớp Năm phảỉ theo học từ một đến hai năm Dự Bị, tương đương với Mẫu Giáo (École Maternelle) bây giờ.

Lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba được giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng buộc học sinh bắt đầu học tiếng Pháp. Sau lớp Ba, học sinh thi văn bằng tốt nghiệp gọi là bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Études Élémentaires). Đậu Sơ Học Yếu Lược xong, học sinh phải thi vào lớp Nhì (Cours Moyen) nhưng nếu rớt học sinh không được tiếp tục việc học nữa.

Tất cả các môn học ở lóp Nhì đều phải học bằng tiếng Pháp, do vậy Pháp đặt ra 2 lớp Nhì:

Lớp Nhì năm thứ nhất
Lớp Nhì năm thứ hai.

Cuối năm lớp Nhất, học sinh phải thi bằng Tiểu học trong đó tất cả các môn thi được thi bằng tiếng Pháp như Chính tả (Dictée), Luận văn (Composition), Toán (Mathématiques), Khoa học (Sciences) và Sử - Địa (Histoire – Géographie).

Nếu phạm 5 lỗi viết chính tả, thí sinh dự thi viết đương nhiên rớt. Do đó các kỳ thi Tiểu Học (Primaire) cũng ít khi đậu quá 30%. Sau khi tốt nghiệp Tiểu Học, học sinh phải thi vào năm thứ nhất bậc Trung Học. 


Sau 4 năm học, học sinh thi bằng Trung Học Tốt Nghiệp, nếu đậu, học sinh phải thi vào lớp Seconde (École secondaire) tương đương với lớp 10 bây giờ. Sau khi học một năm lớp Seconde, học sinh lên lớp Première tương đương với lớp 11 bây giờ, cuối năm đó thi Tú Tài I. Đậu xong Tú Tài I, học sinh lên lớp Terminale (lớp 12 bây giờ) là lớp cuối cùng của bậc chót Trung Học để thi Tú Tài II.

Trung Học Phổ Thông, Tú Tài (Baccalauréat) I và II đều phải thi bằng tiếng Pháp.

Việc giáo dục được Pháp chia ra một phần dành cho con cháu của các quan cai trị người Pháp theo học tại trường Pháp và có chương trình y hệt bên Pháp, phần còn lại cho các trường Trung Học Việt Nam để cho dân Việt Nam theo học.

Đại đa số những người học ở trường Pháp là con của các nhân viên người Pháp nằm trong bộ máy cai trị tại Việt Nam như con của các quan công sứ, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, luật sư, chánh án, các thương nhân, chủ đồn điền cao su….và rất ít những người con của Việt Nam được học nhưng sau dư chỗ vì không đủ sĩ số học sinh nên Pháp cho phép một số ít dân Việt Nam theo học sau khi đậu kỳ thi tuyển vào trường Pháp.

Bằng cấp phát theo hệ thống giáo dục bên Pháp, bằng Trung Học được gọi là bằng Brevet, bằng Tú Tài gọi là bằng Tú Tài Pháp và tỷ số thi đỗ khoảng 50-60% trong khi đó bằng Trung Học cho dân bản xứ học thì gọi là bằng Tú Tài nội địa (Baccalauréat local) và bằng Trung Học được gọi là Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương (DEPSI – Diplôme d’Études Primaire Supérieure Indochinois). Thông thường, thi Tú Tài Pháp thì dễ hơn thi Tú Tài bản xứ, do đó đề thi của Tú Tài Pháp và Tú Tài bản xứ khác nhau. Điều này có nghĩa rằng, thi đỗ bằng Tú Tài Việt Nam rất khó. Trong các kỳ thi, Tú Tài I có sĩ số thí sinh đậu chiếm từ 10 tới 20% và Tú Tài II khoảng chừng 20 đến 40%.

Rất ít trường Trung Học được Pháp thiết lập trên khắp lãnh thổ Việt Nam từ Bắc tới Nam. Ngoài Bắc chỉ có trường Bưởi và trong Nam có trường Petrus Ký là dạy được Tú Tài II. Còn các trường khác như trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ hoặc trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, chỉ dạy đến Trung Học Đệ Nhất Cấp mà thôi. Ở miền Trung chỉ ở Huế có trường Trung Học Đệ Nhất Cấp gọi là trường Bảo Hộ (École Protectorate Française).

Ngoài ra, ở Hà Nội có trường Trung Học của Pháp tên là Lycée Albert-Sarraut, trong Nam có trường Chasseloup- Laubat ở Sài Gòn là dạy đến lớp cuối cùng (Terminale) của chương trình Pháp. Và vì vậy cả Bắc lẫn Nam, mỗi năm sản xuất chỉ được trên dưới 100 người có bằng Tú Tài mà thôi. Tuy nhiên, Pháp không đặt trường Đại Học ở trong Nam vì con cháu của các người giàu có thường là dân Tây (có quốc tịch Pháp) gửi con theo học các Đại Học tại Pháp. Vì vậy ta không lấy làm lạ là trường Đại Học chỉ được mở tại Hà Nội năm 1918 mà không mở tại Sài Gòn.

Xem như vậy, thực dân Pháp không thực sự mở mang nền giáo dục của nước ta mà họ chỉ muốn đào tạo một số công chức và người làm tay sai cho Pháp mà thôi. Và với dân số khoảng 25 triệu người Việt Nam khoảng thập niên 1940 mà mỗi năm không quá 100 người tốt nghiệp bậc Đại Học thời Pháp thuộc.

Pháp mở trường Đại Học tại Hà Nội năm 1918 nhưng chỉ có 3 phân khoa: Y Khoa, Dược Khoa và Luật Khoa. Tùy theo môn học nên thời gian học khác nhau, thí dụ trường Luật đòi hỏi 3 năm ra Cử nhân Luật (Licence en Droit), trường Dược mất 5 năm ra Dược Sĩ (Pharmacien), Trường Y với thời gian lâu hơn đòi hỏi 7 năm ra Bác Sĩ Y Khoa (Docteur en Médecine). Trường Công Chánh đào tạo Cán Sự Kỹ Thuật (Agent Technique), đòi hỏi sinh viên cần có bằng Trung Học và thời gian theo học là 2 năm.

Tuy nhiên, trước khi đào tạo ra các Bác Sĩ và Dược Sĩ, vì nhu cầu cấp bách trong khoảng thập niên 1920 nên Pháp đã tạo ra bằng Y Sĩ Đông Dương (Médecin Indochinois) chỉ giảng dạy ở Đại Học Hà Nội. Điều kiện để tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương buộc sinh viên phải có bằng Trung Học Phổ Thông (Brevet) hoặc Cao Đẳng Tiểu Học (DEPSI) và mất 4 năm theo học. 

Trình độ của những vị này tương đương với Y Tá nhưng cũng được quyền chữa trị bệnh nhân như Bác Sĩ trong bất cứ các địa phương nào không có Bác Sĩ ở đó. Song song với việc đào tạo các Y Sĩ Đông Dương, Pháp mở trường dạy các Dược Sĩ Đông Dương (Pharmacien Indochinois) cũng chỉ cần văn bằng tốt nghiệp Trung Học, thời gian theo học 4 năm rồi ra làm Dược Sĩ hạng 2 (Deuxième Classe) và được phép mở nhà thuốc Tây (Pharmacie) tại những nơi không có Dược Sĩ hạng 1 (Première Classe).


Sư Phạm Tiểu Học (École de Pédagogie pour L’enseignment Primaire) đào tạo các giáo viên Tiểu học có trình độ tương đương với Trung học Đệ Nhất Cấp ngày nay vậy.

Muốn vào trường Sư Phạm Tiểu Học, thí sinh chỉ cần văn bằng Tiểu Học và tiếp tục học 4 năm. Sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm làm Giáo viên (Instituteur) đi dạy bậc Tiểu học từ lớp Năm đến lớp Nhất.

y là chưa kể những người có bằng Tiểu Học nhưng không được huấn luyện Sư phạm (Pédagogie) 4 năm trong các trường Sư Phạm. Những vị này được cử làm Hương Sư tại những vùng nhà quê dạy từ lớp Năm đến lớp Ba trong các làng không có Giáo viên Tiểu học.

Muốn trở thành Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, thí sinh cần có bằng Trung Học (Brevet) hoặc Cao Đẳng Tiểu Học (DEPSI) và phải qua kỳ thi tuyển vào trường Sư Phạm Trung Học Đệ Nhất Cấp (École de Pédagogie pour L’enseignment secondaire du Premier Cycle). Thời gian học là 3 năm được chia làm hai ban:

Ban Khoa Học học chuyên về Toán, Lý, Hóa và Vạn Vật. Sinh viên tốt nghiệp trở thành Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp (Premier Cycle) dạy môn Toán, Lý, Hóa hay Vạn Vật (Sciences Naturelles).
Ban Văn Chương học chuyên về Pháp Văn, Sử Ký và Địa Lý. Sau khi tốt nghiệp dạy những môn đó.

Ngành Trung Học Đệ Nhị Cấp gồm có các lớp: Classe Seconde, Classe Première và Classe Terminale, tương đương với lớp 10, 11 và 12 thời nay vậy. Vì Pháp không mở trường đào tạo Giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp tại Việt Nam nên muốn dạy, Giáo sư phải đậu bằng Cử Nhân hay Thạc Sĩ (Agrégé) bên Pháp. Bằng Cử Nhân do các Đại Học cung cấp trong khi bằng Thạc Sĩ thường do các trường Đại Học Sư Phạm tại Pháp (École Normale Supérieure) hoặc những người có bằng Cử Nhân Khoa Học hoặc Văn Chương thi dự tuyển để lấy văn bằng Thạc Sĩ.

 Pháp, những người có bằng Thạc Sĩ tốt nghiệp tại các trường Đại Học Sư Phạm hoặc những người có văn bằng Cử Nhân thi đậu, được cử làm Giáo Sư chính ngạch (professeur titulaire), còn những người chỉ có bằng Cử Nhân muốn hành nghề phải xin phép bổ nhiệm từ Bộ Giáo Dục, làm Giáo Sư khế ước (contrat) một thời gian, nếu công tác tốt mới được chuyển sang chính ngạch.

Những vị dạy ở Trung Học Đệ Nhị Cấp (Deuxième Cycle) thường được danh hiệu là Giáo sư Trung học, vì họ tốt nghiệp từ trường Đại Học Khoa Học (Faculté des Sciences) hoặc Văn Khoa (Faculté des Lettres) hay Sư Phạm (École Normale Supérieure) tại Pháp. 

Muốn theo học trường Luật, sinh viên phải có văn bằng Tú Tài phần II (Baccalauréat - deuxième partie).

Sinh viên Luật thi tốt nghiệp mỗi cuối năm và sau 3 năm, nếu đậu được cấp bằng Cử Nhân Luật (Licence en Droit). Các giáo sư trường này thường là người Pháp có bằng Tiến Sĩ (Doctorat en Droit) hoặc Thạc Sĩ Luật Khoa (Agrégation en Droit). Thời gian học để lấy bằng Tiến Sĩ Luật Khoa mất khoảng 3 năm, sau khi đã đậu bằng Cử Nhân Luật. Muốn dự thi bằng Thạc Sĩ Luật Khoa, trước tiên thí sinh phải có bằng Tiến Sĩ.

Trường Đại Học Hà Nội chỉ đào tạo Cử Nhân Luật Khoa. Do đó, sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Luật (3 năm) nếu muốn học Tiến Sĩ sinh viên phải sang Pháp vì hai bằng Tiến Sĩ và Thạc Sĩ chỉ có giảng dạy ở Pháp mà thôi. Nước ta trong thời Pháp thuộc có ông Nguyễn Mạnh Tường là người duy nhất đậu cả hai văn bằng Tiến Sĩ Luật Khoa và Tiến Sĩ Văn Chương Pháp.

Các sinh viên tốt nghiệp Luật Khoa tại Việt Nam có thể nộp đơn xin làm Chánh Án (Juge), Biện Lý (Procureur) hoặc là Tri Phủ, Tri Huyện (Chef de district), hoặc làm đơn xin Tập Sự Luật Sư (Avocats stagiaires) trong 3 năm, nếu tốt nghiệp kỳ thi Luật Sư do Luật Sư đoàn tổ chức, sẽ được phép hành nghề Luật Sư (Avocat).

Thường Chánh án kiêm luôn Dự Thẩm, Biện Lý và ngay cả Lục Sự trong thời Pháp thuộc. Thậm chí ở những quận huyện,Tri phủ hoặc Tri huyện kiêm luôn vai trò Chánh Án, Biện Lý và quyết định số phận của người dân không qua bất cứ một luật lệ nào.

Pháp tổ chức trường Đại Học Y- Nha- Dược hỗn hợp.

a- Trường Đại Học Y Khoa:

Ngành Y Khoa đào tạo Bác Sĩ Y Khoa. Điều kiện nhập học ngành chuyên môn này đòi hỏi sinh viên phải có bằng Tú Tài II và hoàn tất lớp Lý Hóa Sinh PCB (Physique, Chimie et Biologie).

Chứng chỉ PCB chỉ được giảng dạy ở trường Đại Học Khoa Học. Tốt nghiệp PCB xong, sinh viên nộp đơn xin vào năm thứ nhất của trường Y Khoa rồi học thêm 6 năm nữa nhưng mỗi cuối năm đều có kỳ thi, đủ điểm mới được lên lớp. Đến năm thứ 6, kể cả PCB là năm thứ 7, sinh viên Y Khoa phải trình một Luận án (Thèse) để ra trường. Luận án thường nghiên cứu và nêu ra các bệnh tật xảy ra trong nước Việt Nam cùng cách chữa trị và thống kê.

Vì lúc bấy giờ Pháp mở rất hạn chế nhà thương, bệnh viện tại nước ta cho nên muốn thực tập nội trú, sinh viên cuối năm thứ ba phải thi vào nội trú (interne), nếu không đậu vẫn tốt nghiệp Y Khoa sau năm thứ 6 và vẫn được hành nghề Bác Sĩ. Chỉ có sự khác biệt là những Bác Sĩ nào mang nhãn hiệu nguyên là nội trú ở Bệnh Viện thì Bác Sĩ ấy có nhiều kinh nghiệm hơn.

Xem như vậy, nền Y khoa của Pháp rất yếu kém so với nền Y Khoa của các nước khác vì ở nước Mỹ sau khi tốt nghiệp Y Khoa phải thực tập ở Bệnh viện từ 1 đến 5 năm hoặc nhiều hơn nữa trước khi đi thi lấy giấy phép hành nghề Bác Sĩ. Theo lý thuyết, các giáo sư tại trường Y Khoa cần có bằng Thạc Sĩ Y Khoa, và muốn có bằng Thạc Sĩ, các Bác Sĩ phải làm trong Bệnh viện 5 năm rồi sau đó sang Pháp thi bằng Thạc Sĩ Y Khoa. Như vậy các giáo sư Đại Học Y Khoa, đại đa số là các Bác Sĩ (không có bằng Thạc Sĩ) giảng dạy.

Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội mỗi năm chỉ cấp phát chừng một vài chục văn bằng Y Khoa Bác Sĩ. Do đó, trong thời Pháp thuộc, nhiều Bác Sĩ hành nghề ở Việt Nam thường là các Bác Sĩ người Pháp chữa trị cho Pháp kiều và cho những người Việt Nam giàu có trong các bệnh viện do Pháp quản trị chẳng hạn ngoài Bắc có bệnh viện St. Paul ở Hà Nội và trong Nam có bệnh viện Grall và St. Paul ở Sài Gòn.

Ngoài ra, còn có các trường Y Tá thường thuộc Bộ Y Tế quản lý nhưng do các Bác Sĩ giảng dạy chứ không thuộc trường Y Khoa.

b- Trường Đại Học Nha Khoa: Trường Nha Khoa là một phần của trường Y-Nha-Dược hỗn hợp đào tạo các Nha Sĩ.

Ghi danh học trường Nha Khoa đòi hỏi sinh viên phải có văn bằng Tú Tài phần II và thời gian học là 5 năm.  Trường chuyên đào tạo các Nha Sĩ chuyên về Răng Hàm Mặt.

c- Trường Đại Học Dược Khoa: Trường Dược Khoa cũng là một phần của trường Y-Nha-Dược hỗn hợp đào tạo các Dược Sĩ.

Muốn vào trường Dược Khoa, sinh viên phải có bằng Tú Tài II cộng thêm tập sự một năm tại các Bệnh Viện hay tại các Dược Phòng và cuối năm phải thi vấn đáp và thực tập tại trường Dược Khoa, nếu đậu thì được vào năm thứ nhất trường Dược, tiếp tục học 4 năm học và mỗi năm đều có thi cuối năm. Sau năm thứ tư (tổng cộng là 5 năm) nếu tốt nghiệp thì được bằng Dược Sĩ hạng nhất và được phép hành nghề tức là mở Dược Phòng, hay làm tại các nhà thương.

Nội dung học ở trường gồm có Thực Vật Học, Hóa Học Đại Cương, Hóa Học Vô Cơ (Chimie minérale), Hóa Học Hữu Cơ (Chimie organique), Hóa Dược (Chimie pharmaceutique), Vật Lý Học và ảnh hưởng của các dược phẩm vào con người. Tất cả các môn học đều có kỳ thi cuối năm gồm có thi viết, thực tập và vấn đáp. 

Nhưng trái với phân khoa Khoa Học, phân khoa Dược chú trọng về Giáo Khoa trong các kỳ thi nhiều hơn. Tuy nhiên, trường Dược Khoa phải học thêm một môn gọi là môn Dược Bất Đồng (kỵ nhau - Incompatibilité) nghĩa là học những vị thuốc nếu uống cùng với nhau có thể gây phản ứng phụ làm chết người. 

Như vậy, trường Dược Khoa ở Việt Nam thời Pháp thuộc khác với trường Dược ở Mỹ là sau khi tốt nghiệp bằng Dược Sĩ ở Mỹ, Dược Sĩ tương lai sẽ phải đi thực tập tại các bệnh viện rồi sau đó dự thi cấp bằng hành nghề, trái lại ở Việt Nam phải tập sự ngay từ năm thứ nhất. Như vậy nền giáo dục của Pháp đào tạo các Dựợc sĩ không có phẩm chất cao vì thực tập đã thực hiện ngay từ năm thứ nhất trong khi chưa có một kiến thức hiểu biết gì về Dược Khoa. 

Điểm lưu ý, ở Việt Nam ai có bằng Dược Sĩ sẽ được phép mở Dược Phòng hay ra làm tại các bệnh viện mà khỏi cần giấy phép hành nghề như ở bên Mỹ đòi hỏi vậy.

Đối với các nhà yêu nước dân chủ tiến bộ Việt Nam đầu thế kỷ XX, việc nâng cao dân trí đều được họ chú trọng đề cao, tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc. 

Năm 1919, trong 8 điểm của Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi Hội nghị Vécxây, ở điểm thứ 6, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu “Tự do được lập trường học trong các tỉnh để dạy về 
kỹ thuật và nghề nghiệp cần thiết cho dân bản xứ"(Viện Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh ,biên niên tiểu sử, t .1, Nxb CTQG,Hà Nội, 1993, tr 62). 

Trong cuốn “Đường kách mệnh" (1927), Nguyễn Ái Quốc chủ trương: "Lập trường cho công nhân; Lập trường học cho con cháu nông dân; Lập nơi xem sách báo". 

Chánh cương vắn tắt của Đảng thông qua tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng), tháng 2-1930, vấn đề “phổ thông giáo dục theo công nông hoá” được coi là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. 

Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã nêu khẩu hiệu thứ 9 là “thực hành giáo dục toàn dân”. 

Trong Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng), tháng 10 - 1930, vấn đề chống nạn thất học được quan niệm là "một bộ phận quan trọng của nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng và xây dựng lực lượng cách mạng". 

Trên thực tế, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), các uỷ ban Xô viết đã “tổ chức các lớp dạy chữ quốc ngữ và các buổi đọc sách, giảng báo” cho đồng bào. 

Thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), nhiều phong trào giáo dục được tổ chức, nhất là phong trào "Truyền bá Quốc ngữ". 


Năm 1938, Pháp mở trường Đại Học Khoa Học tại Hà Nội để đào tạo Cử Nhân Khoa Học gồm có Cử Nhân Toán, Cử Nhân Lý Hóa và Cử Nhân Vạn Vật. Các giáo sư ở trường này thường có văn bằng Tiến Sĩ hay Thạc Sĩ từ Pháp sang giảng dạy.

Trước khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945, không có một giáo sư Việt Nam nào dạy ở trường Đại Học Khoa Học trừ Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn nhưng chỉ được chức Giảng Sư (không được chức Giáo Sư) vì ông chỉ có bằng Thạc Sĩ và theo cách tổ chức của Pháp, ông chỉ đủ tư cách dạy Trung Học mà thôi.

Trường này không sản xuất một bằng Cử Nhân Toán nào cả mà chỉ có một vài Cử Nhân Khoa Học Lý Hóa hay Vạn Vật. Trong thời gian này, quy định muốn có bằng Cử Nhân Giáo Khoa Toán Học sinh viên phải có 3 chứng chỉ là Toán Học Đại Cương, Cơ Học Thuần Lý và Vi Tích Phân Toán Học. Và vì trường không có dạy chứng chỉ Vi Tích Phân Toán Học cho nên không có một người nào tốt nghiệp Cử Nhân Toán tại Đại Học Hà Nội trước năm 1945. Do đó, những người muốn có văn bằng Cử Nhân Toán, phải sang Pháp học chứng chỉ Vi Tích Phân Toán.

Cử Nhân Giáo Khoa Lý Hóa gồm có các chứng chỉ Toán Lý Hóa, Vật Lý Đại Cương và Hóa Học Đại Cương.
Cử Nhân Vạn Vật gồm có Chứng Chỉ Lý Hóa Nhiên (SPCN), Thực Vật Học Đại Cương và Địa Chất Học. Lúc này chưa mở chứng chỉ Sinh Học Đại Cương.

Có 3 bộ Cử Nhân như sau:

Cử Nhân Giáo Khoa* Lý Hóa: 
    MPC (Toán Lý Hóa – Mathématiques, Physique et Chimie)
    Vật Lý Đại Cương (Physique générale)
    Hóa Học Đại Cương (Chimie générale)
Cử Nhân Giáo Khoa* Vạn Vật:
    SPCN (Science Physique, Chimie et Naturelle)
    Thực Vật Đại Cương (Botanique générale)
    Khoáng Vật Đại Cương (Minéralogie générale - có thể thay bằng Sinh Vật Đại Cương - Biologie)
Cử Nhân Giáo Khoa* Toán:
    Toán Đại Cương (Mathématiques générales)
    Cơ Học Thuần Lý (Mécanique rationnelle)
    Vi Tích Phân Toán (Calcul différentiel et intégral)
* Giáo khoa có nghĩa là những người có bằng này được phép dạy tại các trường Trung Học Đệ Nhị Cấp mà không cần tốt nghiệp tại Đại Học Sư Phạm.

Sinh viên có 3 chứng chỉ không vào bộ trên được cấp bằng Cử Nhân Khoa Học Tự Do. Thí dụ có Toán Đại Cương, Cơ Học Thuần Lý và Vật Lý Đại Cương thì gọi là Cử Nhân Khoa Học Tự Do(Licence ès Sciences Libres).

Trường Đại Học Khoa Học Hà Nội chỉ đào tạo được Cử Nhân Lý Hóa hoặc Vạn Vật. Những sinh viên nào muốn có bằng Cử Nhân Toán sau khi đã có các chứng chỉ Toán Đại Cương và Cơ Học Thuần Lý thì sang Pháp học tiếp chứng chỉ Vi Tích Phân Toán Học.

Ta đừng nên nhầm lẫn với thời Việt Nam Cộng Hòa, nếu chỉ có Toán Cơ Học và Vật Lý thì không gọi là Cử Nhân, phải thêm hoặc Vi Tích Phân Toán tức 4 chứng chỉ thành Cử Nhân Giáo Khoa Toán hoặc thế chứng chỉ Hóa Học Đại Cương thành Cử Nhân Giáo Khoa Lý Hóa.

Khoảng năm 1940 trường Đại Học Khoa Học được thành lập và giảng dạy cho tới khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945, nhưng chỉ có vài người tốt nghiệp tại Việt Nam mà thôi. Trong suốt thời Pháp thuộc không có trường Văn Khoa. Tuy nhiên, trường Văn Khoa đầu tiên tại Hà Nội là do chính phủ Quốc Gia Việt Nam thiết lập từ năm 1950.

Sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng vào tháng 6 - 1940 và toàn quyền Decoux phải nhường cho Nhật quyền làm chủ về quân sự ở Đông Dương vào tháng 9, thì uy tín và quyền thế của Pháp bị sụp đổ mau chóng đối với các xứ thuộc địa ở Đông Dương. 

Các đảng phái chính trị Việt Nam bỗng thấy có động lực mới và thời cơ hoạt động để đòi lại độc lập cho đất nước, trừ những lãnh tụ chính trị đã lưu vong ở Trung Hoa hoặc đang hợp tác với chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch để chống Nhật hầu hết các lãnh tụ chính trị và trí thức ở trong nước đều muốn dựa vào thế lực của Nhật để loại trừ Pháp ra khỏi Đông Dương. 


Tổ chức có triển vọng nhất lúc bấy giờ là Việt Nam phục quốc đồng minh hội do Hoàng thân Cường Để thành lập ở Nhật (thường gọi là nhóm Phục quốc) đã từng tổ chức lực lượng quân sự mang tên là Việt Nam kiến quốc quân đi theo quân đội Thiên hoàng về đánh Pháp ở trận Lạng Sơn ngày 23 - 9 - 1940. 


Một số người, đã liên lạc với nhóm Phục quốc để mưu đồ chống Pháp, có nhiều hi vọng sẽ được Nhật ủng hộ thành lập chính quyền trong trường hợp Pháp bị lật đổ. 


Tuy nhiên, vì còn bận chiến đấu với quân đội đồng minh, mục đích trước mắt của Nhật là sử dụng Đông Dương vào mục tiêu quân sự nên Nhật đã bằng lòng để cho Pháp tiếp tục cai trị về mặt hành chính.


Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 - 1945), Chương trình của mặt trận Việt Minh (năm 1941) nhấn mạnh: phải huỷ bỏ giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bậc sơ đẳng, cho các dân tộc được quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục, lập trường chuyên môn quân sự, chính trị, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài. 
Hồ Chí Minh cho rằng "phong trào Việt Minh tới đâu tổ chức học văn hoá tới đó. Người biết dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít". 

Năm 1943, trong Đề cương về văn hoá Việt Nam, Đảng đã nêu lên ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa Việt Nam là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, 1940-1945, Nxb CTQG,Hà Nội, 2000, tr 319). 

Các phong trào cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa, những chủ trương giáo dục mới của Nguyễn Ái Quốc và của Đảng trước năm 1945 đã làm cho giáo dục Việt Nam có một số chuyển biến tích cực. 


Nói về cách học và thi cử ở các bậc Đại Học, ta phải công nhận rằng trường Đại Học Khoa Học là khó nhất. Giả tỉ 50 người dự thi cuối năm, kết quả chỉ đậu được vào khoảng 5 người, và vì vậy mỗi năm số Cử Nhân Khoa Học ra trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong thời Pháp thuộc, có năm không có một người nào đủ điều kiện đậu, thật ư là khó, khó hơn thi Tiến Sĩ thời Hán học. Trong khi đó, nếu ai đã vào được trường Y Khoa và Dược Khoa, cuối năm thi lên lớp hầu như đậu hết.

Trường Luật Khoa tương đối có tỷ số đậu cao hơn, khoảng 50%. Trường Y-Nha-Dược khá hơn nhưng tỷ số đậu chỉ khoảng 80-90%.

a- Trường Đại Học Khoa Học (Faculté des Sciences)

Trường Khoa Học thời Pháp thuộc có 4 chứng chỉ dự bị:

Toán Đại Cương (Mathématiques générales)
Toán Lý Hóa (MPC)
Lý Hóa Nhiên (SPCN) dùng cho các bằng Cử Nhân
    Khoa Học
PCB (Physique Chimie Botanique) dùng để vào trường
    Y Khoa

Và các chứng chỉ chuyên khoa như phần 4 (Cách Tổ Chức của trường Đại Học Khoa Học) đã liệt kê đầy đủ.

Các Giáo Sư thường là các Tiến Sĩ từ Pháp sang dạy. Các bài giảng trong lớp thường theo lối diễn văn (conférence). Thường thường sau mỗi giờ khi Giáo Sư ra về, các sinh viên đứng dậy vỗ tay hoặc để tán thưởng việc giảng dạy của Giáo sư hoặc làm một cách "nịnh bợ" cốt cho Giáo Sư ngoại quốc vui lòng để hy vọng cuối năm Giáo Sư cho đậu nhiều. Nhưng thực tế, vì việc học và việc thi không giống nhau, lúc học thì học toàn lý thuyết, lúc thi thì làm Toán cho nên kết quả thi của trường Khoa Học thường rất là bi đát.

Giáo sư các môn Toán, Vật Lý hoặc Hóa Học chỉ giảng lý thuyết sau đó các phụ tá giáo sư (Giảng Nghiệm Viên Assistant - hoặc Giảng Nghiệm Trưởng Chef de TP) chỉ có bằng Cử Nhân, dạy thực tập hoặc là làm các bài tập mà thôi. Mỗi năm bài thi tốt nghiệp một chứng chỉ (certificat) thí dụ như Toán Đại Cương được thi hai lần và thi 2 buổi mỗi buổi 4 giờ, thường thì cho một bài Toán lớn từ đầu đến cuối, nếu làm trật câu đầu thì hỏng luôn cả bài.

Tuy nhiên, một vài thầy tử tế cho 3, 4 đề thi và nếu điểm trung bình của 2 bài từ 10/20 thí sinh đậu thi Viết (Écrit), sau đó phải vào Vấn Đáp (Oral), và thầy sẽ hỏi Giáo Khoa hoặc cho bài tập làm tại chỗ. Nếu như vậy, ai không biết làm Toán hoặc thiếu sót thì rớt ngay từ kỳ thi viết. Nếu đậu thi viết, thí sinh sẽ vào vấn đáp và nếu không trả lời được các câu hỏi lý thuyết hoặc thực hành, môn vấn đáp ấy coi như rớt. Lần sau trở lại dự thi, thí sinh phải thi lại từ đầu mà không được giữ điểm thi viết.

T số thi đậu của các chứng chỉ ờ trường Khoa Học chiếm khoảng 5 đến 30%. Thậm chí có nhiều kỳ thi khi ra bảng, không có ai đậu cả. Các chứng chỉ trong trường Đại Học Khoa Học ngành Vạn Vật Học (Sciences Naturelles) tương đối có tỷ số đậu cao hơn tỷ số tốt nghiệp từ 10 đến 40 %.

Xem như vậy trường Đại Học Khoa Học có tỷ số đậu thấp nhất trong tất cả các trường Đại Học.

b- Trường Luật (Faculté de Droit):

Trường Luật thi vào mỗi cuối năm. Muốn đậu cử nhân Luật thì phải tốt nghiệp hết năm thứ ba. Thi Luật gồm có hai phần: thi Viết và Vấn Đáp. Thời Pháp thuộc, sinh viên phải thi Dân luật và Hình luật của Pháp, các môn Kinh Tế, Luật Đối Chiếu Quốc Tế…. Đậu thi Viết xong, thí sinh vào thi Vấn đáp, và mỗi môn thì có một Giáo Sư phụ trách môn ấy hỏi. Tỷ số trường Luật đậu từ 30 đến 50%. Các bài thi của trường Luật được các giáo sư căn cứ vào Luật Pháp để bình giải một sự việc Pháp Lý. Thí dụ đề tài nói về thuyết Nhân Trị và Pháp Trị.

Ngoài các trường Đại Học kể trên, ta phải kể một số trường dạy nghề như Điện Máy Nổ hoặc là Nguội Hàn Lạnh. Thí dụ như trường Cán Sự Công Chánh đòi hỏi có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp thi vào học 3 năm, xong thi tốt nghiệp và được cấp phát bằng Cán Sự Công Chánh (Agent Technique).

Thí dụ muốn vào trường Kỹ Nghệ Thực hành ở Hà Nội, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp Tiểu Học rồi thi trúng tuyển vào học 4 năm và tùy theo ban được cấp bằng cơ khí, sửa máy ô tô, điện (làm thợ điện), nguội (làm thợ nguội).

Song song với trường Kỹ Nghệ Thực Hành, trong Nam có trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Ta nhớ là sau năm 1945, trường Cao Thắng phát triển đệ nhị cấp và có thi Tú Tài Kỹ Thuật nhưng việc đó không xảy ra trong thời thực dân Pháp tức là khoảng năm 1884-1945. Sau năm 1945, khoảng 1945-1954, trướng Cao Thắng mới dạy tới bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp kỹ Thuật còn trong thời Pháp thuộc chỉ đào tạo tới những ngành và nghề như trường Trung học Kỹ Thuật Thực Hành ở Hà Nội.

Đọc về "sự giáo dục và thi cử của nuớc Việt Nam trong thời Pháp thuộc", ta thấy không có nước nào cai trị tàn nhẫn như nước Pháp. Thật vậy, Pháp không chịu mở mang nền giáo dục ở Việt Nam và là một nước bảo hộ tồi tệ nhất thế giới vì mỗi năm tổng số sinh viên tốt nghiệp Đại học dưới thời Pháp cai trị không quá 100 nhà trí thức gồm các Bác Sĩ, Dược Sĩ, Luật Khoa, Khoa Học so với dân số 25 triệu người trong khoảng năm 1945. Đại Học Hà Nội là Đại Học duy nhất nhưng mỗi năm chỉ sản xuất vài chục Bác Sĩ, vài chục Dược Sĩ, một ít Luật Khoa; trong khi Cử Nhân Khoa Học (Licence ès Sciences) mỗi năm sản xuất không tới 10 người và Cử Nhân Văn Khoa thì hoàn toàn không có.

Suốt thời Pháp thuộc, các trường Đại học ở Việt Nam do Pháp cai quản đã không cấp được một bằng Tiến Sĩ Khoa Học (Doctorat ès Sciences), Tiến Sĩ Luật Khoa (Doctorat en Droit), Tiến Sĩ Dược Khoa (Doctorat en Pharmacie), Cử Nhân Văn Khoa (Licence ès Lettres) và không sản xuất được một giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp nào cả. Ngoài ra, Pháp cũng không cấp phát được văn bằng Đại Học Sư Phạm, mà chỉ có Sư Phạm dạy Trung Học Đệ Nhất Cấp. Pháp cũng không cấp phát bất cứ một bằng Kỹ Sư nào như Điện, Cơ Khí, Hóa Học v.v…nhưng Pháp chỉ cấp phát văn bằng Kỹ Sư Canh Nông (Ingénieur d’Agriculture).

Một số rất ít những người hoặc làm công cho Pháp (Tri Huyện, Tri Phủ, Tham Biện…) hoặc mở mang đồn điền do thực dân Pháp ban ơn, có tiền cho con du học bên Pháp nhưng cũng không nhiều lắm, mỗi năm du học trở về Việt Nam cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trên dưới 50 người.

Cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp năm 1945, nền học vấn của Pháp mới chấm dứt tại Việt Nam. Ta phải nói rằng nền giáo dục của Pháp trong suốt thời gian thống trị đã để lại cho nước ta là một con số không to lớn.

Vì nền giáo dục đã yếu kém như vậy cho nên nền kinh tế còn thê thảm hơn nữa. Thực dân Pháp và Phát-xít (fasciste) Nhật đã làm chết đói dân ta 2 triệu người, ngoài ra người dân Viêt Nam có sản xuất được chút gì thì chỉ làm giàu cho những chủ của các đồn điền cao su người Pháp và chủ của các mỏ than Hòn Gai, Uông Bí mà thôi.

Xem như vậy thời Pháp thuộc từ năm 1945 trở về trước, việc học của trường Đại Học Khoa Học không hoàn toàn đầy đủ.

Năm 1944, Nhật bắt đầu nghĩ đến việc loại bỏ Pháp để phòng ngừa việc Pháp có thể làm hậu thuẫn cho liên quân Anh - Mỹ vì mặt trận đã được mở rộng sang vùng Đông Nam Á, mặt khác, giải phóng cho các nước Đông Dương khỏi bị lệ thuộc vào nước Pháp cũng sẽ giúp cho Nhật củng cố được ảnh hưởng và thế lực của "khối Đại Đông Á" mà Nhật muốn lãnh đạo để chống lại khối Tây phương. 

Vào giữa năm 1944, tin đồn về chuyện Trung tá tình báo Hayashi Hidezumi đang chuẩn bị cho Cường Để trở về thay thế Bảo Đại và cho Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng được lan truyền trong giới chính trị khá lộ liễu đến nỗi, để tránh cho Ngô Đình Diệm khỏi bị mật thám Pháp lùng bắt, Nhật phải cải trang cho ông Diệm thành một sĩ quan Nhật và đưa ông từ Huế vào Sài Gòn ẩn náu trong một nhà thương quân đội Nhật. 


Đến tháng Giêng 1945, hai tháng trước ngày đảo chính, Tổng tư lệnh Nhật Tsuchihashi Yuichi quyết định không dùng lá bài Cường Để nữa.


Ngày 09/03/19945,  6 giờ chiều Matsumoto, Đại Sứ Nhật ở Việt Nam ra tối hậu thư cho Toàn Quyền Đông Dương Decoux phải cam kết chống phe Đồng Minh trong trường hợp quân Anh Mỹ đổ bộ, đặt tất cả quân đội cũng như các công sở Pháp dưới quyền của Tổng Tư Lệnh Nhật, và ra kỳ hạn trong vòng 2 tiếng đồng hồ phải trả lời.


Decoux từ chối các điều kiện của Matsumoto và bị Nhật giam giữ vào lúc 9 giờ tại dinh Norodom, Sài Gòn, nhưng ngay từ lúc 8 giờ tối quân Nhật đã nổ súng đánh Pháp ở Hà Nội và trên toàn cõi Đông Dương, ở nhiều nơi quân Pháp đầu hàng ngay, nội trong đêm, các viên chức cao cấp Pháp đều bị bắt, Nhật hoàn toàn làm chủ tình hình. 


Sang ngày 10/03, chính phủ Nhật tuyên bố lý do phải lật đổ Pháp ở Đông Dương vì Pháp đã vi phạm các hiệp ước hợp tác giữa hai nước, Nhật duy trì hoàng đế Bảo Đại và hứa hẹn sẽ để cho Việt Nam được độc lập, đồng thời xác nhận sẽ giúp các nước ở Đông Dương thực hiện độc lập. 


Bảo Đại cũng không ngờ rằng Nhật lại để ông tiếp tục làm vua thay vì đưa Hoàng thân Cường Để về nước cầm quyền, ông đã hỏi Đại sứ Marc Masayuki Yokohama về chuyện này và nói: "Tôi gắn bó với dân tộc tôi chứ không phải ngai vàng", Đại sứ Nhật đã trả lời: "Những người gieo mầm không phải là người gặt hái kết quả", điều đó cho thấy lý do Nhật không ủng hộ Cường Để vì không tiện lập một chính phủ Việt Nam tuy chống Pháp nhưng thân Nhật, trong khi Bảo Đại không phải là người của Nhật và có thể được dân chúng tin tưởng nếu ông chống lại mưu toan của Pháp trở lại Việt Nam. 


Ngày 11/03/1945, Viện Cơ Mật Triều Đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hiệp Ước Bảo Hộ năm Nhâm Tuất 1884 với Pháp.



Ngày 17/03/1945, Hoàng Đế Bảo Đại (1913-1997: con của Nguyễn Phúc Bửu Đảo tức Hoàng Đế Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22/08/1913 tại Huế là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn 1926-1945, Cố vấn Cấp cao của Chính phủ Lâm thời  VNDCCH năm 1946 đắc cử đại biểu Quốc Hội khoá I đơn vị tỉnh Thanh Hóa, cùng năm dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang thăm Trung Hoa và từ đó lưu vong sang Hồng Kông sau đó đào nhiệm trước ngày Toàn quốc Kháng chiến 19/12/1946 rồi sang Pháp và trở thành Quốc Trưởng chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Pháp đẻ ra 1949-1955, cuối năm 1955 bị Ngô Đình Diệm truất phế, định cư luôn tại Pháp cho đến khi từ trầnra tuyên chiếu đích thân cầm quyền theo nguyên tắc “Dân Vi Quí” và chỉnh đốn lại quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu Cố vấn Vĩnh Thụy (bên trái Chủ tịch Hồ Chí Minh)
và Chính phủ lâm thời với Quốc hội VNDCCH khóa I (1946). Ảnh: Báo Xưa và Nay
Ngày 17/04/1945, Bảo Đại cử Phan Kế Toại làm Khâm Sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ, và học giả Trần Trọng Kim (1882-1953: hiệu Lệ Thần, quê làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 

Năm 1903 tốt nghiệp trường Thông Ngôn hạng ưu được  bổ làm việc ở tỉnh lỵ Ninh Bình. 
Cuối năm 1904 ông cùng Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp học ở Lyon. 
Trở về nước năm 1911 ông làm việc cho Nha Học Chánh, thanh tra các trường tiểu học, tham gia hội đồng soạn sách giáo khoa, dạy trường Sư Phạm Thực Hành Hà Nội, giám đốc các trường Nam thuộc Hà Nội. 
Ông về hưu năm 1943. 
Đến cuối năm 1944, trước sự lung bắt của mật thám Pháp, ông được quân đội Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapore. 
Năm 1945 được quân đội Nhật đưa trở về nước thành lập nội các. 
Sau hơn 4 tháng làm việc tích cực trong hoàn cảnh cực kỳ rối ren và khó khăn, nội các đổ theo sự thoái vị của Bảo Đại, sau đó ông sống ở Hà Nội. 
Năm 1953 làm chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia trong chính phủ Quốc Gia của Bảo Đại, nhưng ít lâu sau đột ngột từ trần ở Đà lạt ngày 02/12/1953, thọ 71 tuổi.
Các tác phẩm của Trần Trọng Kim gồm có: 
  • Sơ Học Luân lý -1914 
  • Luân Lý Giáo Khoa Thư - 1916
  • Sư Phạm Khoa Yếu Lược - 1916
  • Sơ Học An Nam Sử Lược - 1917
  • Sư Phạm Yếu Lược - 1918
  • Truyện Thúy Kiều, chú giải - 1925
  • Việt Nam Sử Lược I & II - 1928 (từ khi ra đời đã được đánh giá là một trong những quyển sử quy mô đầu tiên của VN viết bằng chữ quốc ngữ, đã từng bị coi là sách cấm, khiến cả những giáo sư dạy sử trong trường đại học (như GS Trần Quốc Vượng…) cũng chỉ dám cất giấu đọc lén, bởi vì theo quan điểm chính thống, “những người làm công tác sử học Việt Nam đã bóc trần các quan điểm sử học thực dân phong kiến trong một số sách lịch sử do bọn bồi bút thực dân biên soạn, mà tiêu biểu là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim” - xem Văn Tạo, “Khoa học lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua”, Sử học Việt Nam trên đường phát triển, Viện Sử học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981, tr. 9)
  • Nho Giáo I & II - 1930
  • Vương Dương Minh - 1934
  • Hạnh Thục Ca, chú thích cổ văn - 1936
  • Phật Giáo Thuở Xưa và Phật Giáo Ngày Nay - 1938
  • Phật Lục - 1940
  • Việt Nam Văn Phạm - 1941
  • Vũ Trụ Đại Quan - 1943
  • Đường Thi - 1944
  • Việt Thi - 1946
  • Một Cơn Gió Bụi, hồi ký - 1971) được giao việc thành lập chánh phủ (thành phần chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ngày 17/04/1945:
  • Tổng Lý Nội Các (Thủ Tướng): Trần Trọng Kim
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao: Trần Văn Chương
  • Bộ Trưởng Tiếp Tế: Nguyễn Hữu Thi
  • Bộ Trưởng Thanh Niên: Phan Anh
  • Bộ Trưởng Tài Chánh: Vũ Văn Hiền
  • Bộ Trưởng Nội Vụ: Trần Đình Nam
  • Bộ Trưởng Y Tế Cứu Tế: Vũ Ngọc Anh
  • Bộ Trưởng Tư Pháp: Trịnh Đình Thảo
  • Bộ Trưởng Kinh Tế: Hồ Tá Khanh
  • Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật: Hoàng Xuân Hãn
  • Bộ Trưởng Công Chánh: Lưu Văn Lang). 
Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc-bảo hoàng. Chính Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các của ông đã từng nhận xét: “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị”.

Bùi Diễm cháu gọi ông bằng chú (miền Nam gọi dượng) có lẽ là một trong những người có điều kiện tiếp xúc gần gũi và rành rẽ hơn hết về tính cách ngây thơ chính trị của ông cũng như của cả nhóm bộ trưởng dưới quyền ông, đã từng đánh giá: 

Cụ Kim vẫn còn bị những khuynh hướng tổ chức theo lối cổ ngày xưa ảnh hưởng rất nhiều. 
Khi tìm người ra phục vụ, cụ đã mời những người vừa xuất sắc về học vấn, vừa chánh trực thanh liêm về cùng làm việc. 
Cụ coi đây là những đức tính tiên quyết, bắt buộc phải có ở những người phục vụ đất nước. 
Khi nhìn lại bằng con mắt hiện thời thì quả thật lúc loạn ly bấy giờ chưa chắc đã phải là lúc của những đức tính như vậy…. 
Tuy thế, hầu hết các nhân viên trong cả chánh phủ đều thiếu kinh nghiệm chính trị thực tiễn. 
Khi giải quyết các vấn đề chính trị, họ thường giải quyết dựa vào các quan niệm lý thuyết. 
Họ sẵn sàng tán thành các giải pháp được đề ra, miễn là những giải pháp đó có vẻ hợp luận lý…. 
Tuy không hề nghe lệnh [người Nhật], họ cũng chẳng hề biết rõ thấu đáo tình hình chính trị và quân sự đang gây sóng gió chung quanh…. 
Họ chẳng biết tí gì về người Mỹ…. 
Theo tôi nhớ thì hình như các bộ trưởng chưa bao giờ nói gì đến chuyện ông Hồ Chí Minh hoặc Việt Minh…. 
Ngay cả đến người Nhật, mà tôi nghĩ là họ phải hiểu hơn cả, họ cũng chẳng biết rõ ý định của người Nhật. 
Dường như họ cũng chẳng lo lắng mấy về vấn đề người Nhật sắp sửa thất bại…. 
Theo tôi thấy thì có lẽ ông [ông chú tôi] không màng gì đến chuyện tranh chấp quyền lực trong tương lai. 
Ngược lại, ông đã nghe về Việt Minh và đang tự hỏi xem thật sự họ có phải là nhóm người lãnh đạo hữu hiệu nhất cho quốc gia vào những ngày khó khăn sắp tới hay không? 
Ông bảo tôi rằng hình như đảng Việt Minh đã được Hoa Kỳ ủng hộ. “Nếu đúng như vậy thật”, ông nói tiếp “thì ta vui lòng nhượng quyền cho họ”… 
Một tuần sau thì có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, ở Huế tình hình chẳng những đã cực kỳ sôi sục, mà còn rối ren mù mịt. 
Vì chưa sửa soạn kỹ lưỡng để nắm quyền, khi định mệnh xô ngã Nhật, chánh quyền của ông chú tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, không biết phải hành động ra sao…. 
Tuy thế sau khi cụ Kim đã quyết định [từ chức] thì tất cả những cảm giác vui buồn lẫn lộn đều hoàn toàn biến mất. 
Cụ đã nói với tôi rằng: ‘Giờ chú hoàn toàn vui mừng như xưa, sẽ có người khác phải gánh trách nhiệm. Thật là nhẹ nhàng vô cùng’.
Không ai phủ nhận Nội các Trần Trọng Kim là do Nhật lập ra để lèo lái theo ý đồ chính trị của Nhật, chuyện này chính Trần Trọng Kim và những người xung quanh ông cũng đã biết trước và sau khi chấp chính.

Trong khoảng thời gian ngắn sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 09/03/1945, chương trình trung học Việt Nam đầu tiên, thường gọi là Chương Trình Hoàng Xuân Hãn, được soạn thảo gấp rút trong một thời gian kỷ lục nhưng có giá trị và tiến bộ do học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật trong nội các Trần Trọng Kim, sau khi nhậm chức đã cùng các giáo sư tên tuổi bắt tay ngay vào việc soạn thảo một chương trình giáo dục dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ để thay thế chương trình giáo dục Pháp Việt (Enseignement Franco-Indigiène).

Nhóm trí thức tham gia việc soạn thảo Chương Trình Hoàng Xuân Hãn gồm có: Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Đào Duy Anh, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Đình Thụ, Nguyễn Duy Thanh, Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán.

Những người đóng góp trong việc cải cách ban chuyên khoa cổ văn gồm có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn.


Chỉ hơn một tháng sau, Chương Trình Hoàng Xuân Hãn hoàn thành và được Hoàng Đế Bảo Đại ban hành bằng dụ số 67 ngày 03/06/1945. 

Đây là chương trình giáo dục Việt Nam đầu tiên được áp dụng trên toàn quốc niên khóa 1945-1946 dù rằng các thí sinh được giáo dục trong 12 năm từ lớp Năm đến lớp Đệ Nhất bằng chương trình Pháp-Việt mà tiếng Pháp là ngôn ngữ chính.


Ông Hoàng Xuân Hãn tốt nghiệp từ trường Bách Khoa Pháp, ngoài ra ông còn có văn bằng Cử Nhân Toán tại Đại Học Sorbonne và bằng Thạc Sĩ Toán tại Paris. Công trạng đáng kể của ông là đã xuất bản lần đầu tiên năm 1942 và được tái bản nhiều lần quyển "Danh Từ Khoa Học - Hoàng Xuân Hãn" bao gồm các môn Toán, Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật Học, và là cơ sở cho việc học Khoa Học từ Tiểu, Trung và Đại Học kể từ năm 1945 cho đến ngày nay. Mặc dầu nền khoa học đã tiến bộ nhiều nhưng cơ bản các danh từ khoa học vẫn lấy Danh Từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn là chính, về sau chỉ bổ túc thêm mà thôi.

Ông Hoàng Xuân Hãn rất giỏi về Hán tự và chữ Nôm cho nên ngoài Danh từ Khoa học, ông còn dịch truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ và có lời bình giải rất uyên thâm.

Ông đã ra lệnh cho toàn thể các trường học giảng dạy bằng tiếng Việt ở bất cứ chỗ nào có thể thi hành được, tuy nhiên chỉ có Trung học và Tiểu học là cố gắng dạy tiếng Việt còn các trường Đại học hầu như không hoạt động được nữa vì rằng đại đa số giáo sư người Pháp dạy trường này đều bị Nhật bỏ tù vào ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945. 

Nói như vậy có nghĩa rằng chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tổ chức được các kỳ thi Tiểu học, và Trung học Phổ thông, Tú Tài I và II bằng tiếng Việt nhưng không tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp Đại Học năm 1945. 

Mãi cho đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền và sau ngày đó những vùng do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cai trị, các việc học được tổ chức bằng tiếng Việt gồm có miền Bắc và một phần miền Trung. 

Như vậy, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ lập được nền giáo dục tại miền Bắc và một vài tỉnh ở miền Trung là dạy theo tiếng Việt. Năm 1946, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức các kỳ thi Tiểu học, Trung học, Tú Tài và bậc Đại học hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Các trường phổ thông khai giảng trong niên học 1945-1946 gồm có 4.952 trường tiểu học với 284.341 học sinh, 25 trường trung học phổ thông (cao đẳng tiểu học) với hơn 2.000 học sinh, 4 trường trung học chuyên khoa (tú tài) với gần 500 học sinh.

Đây là khóa thi Tú Tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam trong lịch sử giáo dục nước ta.

Giai đoạn 1945 - 1954

Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giành được độc lập, chế độ VNDCCH phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có nền giáo dục hết sức lạc hậu với  95% dân Việt Nam mù chữ, đây là một trong các quốc nạn đối với một quốc gia mới giành độc lập.

Huyện lớn mới có trường tiểu học, vài tỉnh mới có một trường trung học cơ sở, cả nước có 5 năm trường trung học phổ thông toàn cấp và cả Đông Dương mới có một trường đại học với vài trăm sinh viên. Do vậy, bên cạnh việc tiến hành chiến dịch chống nạn mù chữ, Chính phủ VNDCCH phải bắt tay ngay vào việc xây dựng nền giáo dục mới của một nước độc lập và dân chủ. 

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh (Chủ tịch Chính phủ) đã trình bày về những vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để xây dựng chính quyền mới, ổn định đời sống, giữ gìn độc lập tổ quốc thì nhất định phải thực hiện song song ba vấn đề cấp bách đó. 

Chủ tịch Chính phủ cho rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hoá". 

Vì vậy, Chủ tịch Chính phủ đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và đích thân phát động chiến dịch Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí. "Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong hoàn cảnh éo le chúng ta cũng quả quyết tiến hành”. 

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ ký ba Sắc lệnh liên quan đến vấn đề xây dựng nền giáo dục mới. Sắc lệnh số 17/SL, thành lập Nha bình dân học vụ, qui định nhiệm vụ của Nha là lo việc học cho nhân dân; Sắc lệnh số 19/SL, qui định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học và Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ quốc ngữ là "bắt buộc và không mất tiền"(Tổng mục lục văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam 1945-2002. Nxb CTQG,Hà Nội, 2003, tr 22), hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. 

Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ dân chủ cộng hoà, tháng 9-1945, Chủ tịch Chính phủ viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Chỉ 2 tuần lễ sau khi Nhật đầu hàng, Pháp đem quân tái chiếm Luang Prabang (29/08/1945) và Hạ Lào (14/09/1945). 

Ngày 4-10-1945, trong "Lời kêu gọi chống nạn thất học”, Chủ tịch Chính phủ nhấn mạnh "một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí", "Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập, người biết chữ phải có nghĩa vụ dạy những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại càng cần phải học". 

BÌNH DÂN HỌC VỤphong trào xoá nạn mù chữ trong toàn dân được Chính phủ phát động sau Cách mạng tháng Tám (sắc lệnh 19/SL và 20/SL ngày 8/9/1945), cùng với sự thành lập Nha bình dân học vụ (sắc lệnh 17/SL ngày 8/9/1945), nhằm giải quyết "giặc dốt" - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ, chỉ sau "giặc đói"tạo điều kiện để nâng cao dân trí (đọc được sách báo, mở mang kiến thức về thường thức khoa học, chính trị, văn hoá, v.v). 

Ngày 06/10/1945 quân đội Pháp của Tướng Leclerc đổ bộ vào Vũng Tàu và trong tháng này chiếm lại 5 tỉnh Nam Bộ gồm Tây Ninh (09/10), Mỹ Tho (25/10), Gò Công (28/10), Vĩnh Long (29/10), Cần Thơ (30/10).

Khoá huấn luyện cán bộ BDHV đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh mở tại Hà Nội. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Vì nhà nước non trẻ ngân sách thiếu thốn, phong trào dựa vào sức dân là chính. Ngân quỹ được chỉ dụng cho chương trình chỉ trả lương được tối đa 1.000 giáo viên, trong khi số giáo viên cần thiết tối thiểu là 100.000.
Người đi học được miễn phí. Giáo viên không nhận lương. Mỗi tỉnh phải tự túc giáo viên. Khi ngân sách còn eo hẹp, các lớp bình dân học vụ dùng phấn hay gạch để viết xuống đất thay cho bút và giấy.
Lớp học bình dân học vụ tại huyện vùng cao Đà Bắc. ảnh: T.L

Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp học bình dân được mở khắp nơi, trong nhà dân, đình chùa, miếu mạo, chỉ cần mấy chiếc ghế băng, ghế tựa đặt quanh bàn, quanh chiếc phản, cánh cửa, tấm ván mộc làm bảng đã thành lớp học.

Các đội Nhi đồng cứu vong khua trống ếch cổ động người dân đi học. 

Tại các nơi nhiều người qua lại, như các ngõ xóm, điếm canh, cổng đình, cổng làng, người ta treo nong, nia, mẹt, phên cốt, trên viết các chữ cái bằng vôi để ai đi qua cũng có dịp nhẩm, ôn các chữ đã học. 

Các câu văn vần miêu cả các chữ cái được sử dụng để người học dễ thuộc:

T, T (tờ), có móc cả hai.
I ngắn có chấm, T (tờ) dài có ngang;
E, Ê, L (lờ) cũng một loài.
Ê đội nón chóp, L (lờ) dài thân hơn
hay:
O tròn như quả trứng gà, 
Ô thời đội nón, Ơ thời thêm râu
hay:
Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn, 
Hỏi lom khom đứng, Ngã thời nằm ngang

Bài văn vần  này do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đặt ra đã được Hội Truyền bá Quốc ngữ sử dụng từ trước cách mạng tháng Tám, đồng thời còn xuất hiện nhiều ca dao, hò vè cổ động cho phong trào Bình dân học vụ:

Hôm qua anh đến chơi nhà.
Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa.
Thấy nàng mải miết xe tơ.
Thấy cháu "i - tờ" ngồi học bi bô.
Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ.
Cả nhà yêu nước "thi đua" học hành.

Cổ động phong trào Bình dân học vụ năm 1946.
(Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh Phông Bộ Ngoại giao,KH: 3373, 3379)
Vào những năm 1950, lại có dĩa hát " Cô Tú":
Ai về chợ huyện, huyện Thanh-Vân, 
Hỏi thăm, hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa. 
Đánh vần năm ngoái, năm xưa. 
Năm nay quên hết nên chưa biết gì. 
Lưng trời tiếng sáo vu-vi, 
Vẳng nghe ai học chữ i, chữ tờ. 

Để thúc giục người dân học chữ, một số nơi còn dựng "cổng mù" ở đầu chợ, người muốn vào chợ phải thử đọc chữ, ai đọc được thì được đi cổng chính, ai chưa đọc được thì phải qua "cổng mù" để vào chợ.

Ngày 10-10-1945, Chủ tịch Chính phủ đã ra sắc lệnh 14/SL lập Hội đồng cố vấn học chính để giúp Chính phủ chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy học chính các cấp và các trường theo đúng tinh thần mới, nghiên cứu chương trình cải cách giáo dục. Nhưng sau đó, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp nên không thực hiện được. 
Lễ khai giảng Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945, khóa đầu tiên dưới chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Lễ khai giảng Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 1945, khóa đầu tiên dưới chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Viện Đại học Đông Dương (tiếng Pháp: Université Indochinoise) khai giảng vào cuối năm 1945 với tên mới: Trường Đại học Quốc gia Việt Nam với hơn 1.100 sinh viên ghi danh, trường có năm ban: Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội, và Mỹ thuật.

Ngày 19/11/1945 Pháp chiếm Nha Trang rồi từ đó mang quân chiếm các tỉnh vùng cao nguyên  (01/12). 

Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc", trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”. 

Tính đến cuối năm 1945, sau hơn ba tháng phát động, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh Bắc bộ gửi về Bộ Quốc gia giáo dục thì đã mở được hơn 22.100 lớp học với gần 30 nghìn giáo viên và đã dạy biết chữ cho hơn 500 nghìn học viên mà tổng chi phí xuất từ ngân sách trung ương là 815,68 đồng, còn lại đều do các địa phương và tư nhân chi trả. 

Nỗ lực của thập niên 1940 và 1950 là phải xóa nạn mù chữ, với sự đóng góp của Nha Bình dân Học vụ chỉ ba tháng sau ngày đất nước được độc lập, cả nước ta đã trở thành một trường học lớn. 

Điều 15, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 ghi: "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước."

Đầu năm 1946 Pháp chiếm thêm 6 tỉnh miền Nam gồm Long Xuyên (09/01), Sa Đéc (09/01), Châu Đốc (21/01), Hà Tiên (20/01), Rạch Giá (26/01), Cà Mau (04/02).

Tính đến 05/02/1946 Pháp chiếm lại được toàn bộ các tỉnh phía nam vĩ tuyến 16.

Ngày 16/02/1946 Việt Minh chấp nhận nguyên tắc điều đình với Pháp.

Hội nghị Fontainebleau khai mạc ngày 06/07/1946, trưởng phái đoàn Pháp là Max André, phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng cầm đầu.

Không khí căng  thẳng ngay ban đầu vì Pháp đòi tối đa quyền lợi và không chịu trao trả Nam Bộ.

Hai bên không đạt được thỏa hiệp, hội nghị bế tắc và tan rã ngày 10/09/1946 đưa đến chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946.

Ngày 9-7-1946, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 119/SL thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục. 

Ngày 10 - 8 - 1946  Chủ tịch Chính phủ đã ban hành thành Sắc lệnh số 146 và Sắc lệnh số 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới và mục đích tôn chỉ của nó.

SẮC LỆNH SỐ 146 NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1946 VỀ VIỆC ĐẶT NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ.
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Số: 146
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 1946                          

SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

SỐ 146 NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1946



CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh số 119 ngày 9-7-1946 tổ chức Bộ Quốc gia giáo dục;
Chiểu theo Sắc lệnh số 44 ngày 10-10-1945 thiết lập Hội đồng Cố vấn Học chính;
Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục;
Sau khi đã trình Ban thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;


RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1Nền giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một nền giáo dục duy nhất, đặt trên ba nguyên tắc căn bản: đại chúng hoá, dân tộc hoá, khoa học hoá, và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng Quốc gia và dân chủ.
Điều thứ 2Nền giáo dục ấy được phân phát, sau bậc giáo dục ấu trĩ, trong ba cấp học là:
Đệ nhất cấp: bậc học cơ bản
Đệ nhị cấp: có hai ngành: ngành học tổng quát và ngành học chuyên môn
Đệ tam cấp: bậc đại học.
Điều thứ 3Bậc ấu trĩ nhận giáo dục trẻ con dưới 7 tuổi và sẽ tổ chức tuỳ theo điều kiện thuận tiện do Bộ Quốc gia giáo dục ấn định sau.
Điều thứ 4Bậc học cơ bản dậy những điều thường thức cần thiết và luyện những tập quán tốt cho các trẻ con từ 7 tuổi. Hạn học là 4 năm. Học sinh học hết năm thứ tư sẽ thi lấy bằng giáo dục cơ bản. Bậc học cơ bản sẽ là bậc học cưỡng bách bắt đầu từ năm 1950. Sự cưỡng bách ấy sẽ tuỳ theo tình trạng kinh tế và xã hội trong nước mà thi hành dần làm nhiều thời kỳ, theo thủ tục do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định sau.
Điều thứ 5Sau bậc học cơ bản, có lớp dự bị hạn học một năm mục đích ngoài sự ban phát cho học sinh một cái học phổ thông đại cương, còn chú trọng đến khuynh hướng và khả năng của chúng để chọn lọc và đưa chúng vào ngành học tổng quát hay ngành học chuyên môn ở đệ nhị cấp. Lớp dự bị sẽ tổ chức khi nào xét ra có điều kiện thuận tiện về nhân viên và dụng cụ. Chi tiết tổ chức lớp này do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định.
Điều thứ 6Ngành học tổng quát ban phát cho các trẻ em một cái học phổ thông và một cái học chuyên khoa để dự bị chúng lên bậc đại học. Ngành này gồm hai bậc:
1) Bậc phổ thông, hạn học là 4 năm , có sự hướng dẫn và tuyển trao đưa trẻ sang ngành học chuyên nghiệp hay lên bậc chuyên khoa để dự bị vào học. Hai năm đầu dậy theo một chương trình duy nhất hoàn toàn phổ thông năm sau theo một chương trình phân hoá ở những lớp dự bị chuyên nghiệp, dự bị chuyên khoa chia ra làm 4 ban: ban Văn học, ban Khoa học cho lớp dự bị chuyên khoa, ban Vạn vật và ban Kỹ thuật cho lớp dự bị chuyên nghiệp.
2) Bậc chuyên khoa dành cho học sinh đã học quá các lớp dự bị cho chuyên khoa và chia ra là 3 ban: ban Toán-lý-hoá, ban Vạn vật và ban Văn (?). Hạn học 3 năm. Học sinh học hết năm thứ 3 sẽ thi lấy lấy bằng học thuật (?) quát để vào các ban đại học hay vào các trường Cao đẳng chuyên môn.
Điều thứ 7Ngành học chuyên môn ban phát ngoài cái học phổ thông và một cái học chuyên môn và thực hành để đào tạo những người làm ruộng thợ, đi buôn lành nghề và những cán bộ thực tiễn đủ năng lực để điều (???) các cơ quan xã hội, kinh tế v.v... ngành này gồm hai bậc:
1) Bậc thực nghiệm dành cho học sinh sau một năm hướng dẫn tuyển (??) tỏ ra có năng khiếu và khuynh hướng về thực nghiệm để luyện chúng thành những nông gia, thương gia và công nhân thành nghề. Có nhiều ban dạy nghề và hạn học từ một năm đến ba năm tuỳ từng ban. Những học sinh đỗ tốt nghiệp ưu hạng ở bậc học thực nghiệm có thể xin học lớp dự bị chuyên nghiệp để thi vào các trường chuyên nghiệp.
2) Bậc chuyên nghiệp dành cho học sinh đã theo các lớp dự bị chuyên nghiệp chia ra nhiều ban và mục đích huấn luyện các cán bộ thực tiễn về phần học lý thuyết và thực hành để giúp việc kiến thiết Quốc gia về các ngành kinh tế xã hội. Hạn học ít nhất là 3 năm và bằng tốt nghiệp là bằng kỹ sư. Những sinh viên đã đỗ kỹ sư vào ưu hạng có thể xin vào học các trường Cao đẳng chuyên môn bậc đại học mà không cần có bằng thuật học tổng quát.
Điều thứ 8Bậc đại học gồm các ban Văn khoa, Pháp lý theo sơ đồ từng môn và những trường Cao đẳng chuyên môn, học theo chương trình đã định và niên hạn nhất định là 3 năm (Y học, Dược học, Mỹ thuật, Thương mại, Nông lâm, Kiến trúc, Điện học, Khoáng sản. v.v...) Sinh viên tốt nghiệp bậc Đại học sẽ có bằng Đại học sĩ hoặc Bác sĩ.
Điều thứ 9Ngành học sư phạm mục đích đào tạo giáo viên cho các bậc học và chia ra làm 3 cấp:
1) Sư phạm sơ cấp đi song hàng với các lớp dự bị chuyên khoa và chuyên nghiệp, hạn học 2 năm để đào tạo giáo viên dạy ở các lớp cơ bản.
2) Sư phạm trung cấp, hạn học 3 năm đi song hàng với bậc chuyên nghiệp và chuyên khoa, và chia làm hai ban để đào tạo giáo sư dạy văn chương khoa học ở các lớp phổ thông hay thực nghiệp.
3) Sư phạm cao cấp, chuyên luyện cho các người đã có bằng đại học văn khoa (văn học hay khoa học) để thi lấy bằng sư phạm ở ban văn khoa đại học. Có bằng này mới được bổ giáo sư thực thụ các lớp chuyên khoa và chuyên môn.
Điều thứ 10Cách tổ chức đại cương và các môn dạy trong chương trình bậc học sẽ có sắc luật định riêng. Còn các chi tiết tổ chức và chương trình học các bậc học sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định. Sự tổ chức và chương trình các bậc học trong thời kỳ chuyển tiếp cũng nghị định của Bộ trưởng Bộ giáo dục ấn định.
Điều thứ 11
 tất các bậc học học sinh không phải trả học phí, và các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh cũng không phải nộp một phí khoản nào.
Điều thứ 12Học sinh xuất sắc mà nghèo sẽ được học bổng của Chính phủ. Thể lệ cấp học bổng sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục ấn định.
Điều thứ 13Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục chiểu Sắc lệnh thi hành./.
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Huỳnh Thúc Kháng

Sắc lệnh 146/SL đã qui định ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới là: đại chúng hoá, dân tộc hoá và khoa học hoá, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ.
  • Tính dân tộc, có ý nghĩa là nội dung giáo dục phải thấu triệt việc giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục tinh thần yêu dân tộc, tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc. Đó là cơ sở của toàn bộ nội dung giáo dục, thực tế dân tộc là cơ bản của nền giáo dục nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người phụng sư dân tộc một cách đắc lực. 
  • Tính khoa học, có ý nghĩa là nội dung giảng dạy cho học sinh những tri thức và phương pháp khoa học tiến bộ, chống giáo điều, dạy và học theo nguyên tắc học để hành, giáo dục gắn liền với cuộc sống của nhân dân. Lấy nền giáo dục làm công cụ để giải phóng về mặt tư tưởng. 
  • Tính đại chúng, có nghĩa là nền giáo dục có nhiệm vụ mang tri thức tới quần chúng, từ chỗ mù chữ đến chỗ biết chữ, phổ cập một trình độ học vấn nhất định từ thấp đến cao, cũng như đem các tri thức khoa học đến với quần chúng rộng rãi để họ áp dụng những tri thức ấy vào cuộc sống, vào sản xuất. 
Nền giáo dục mới theo qui định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học. 

Trên cơ sở đó Bộ Quốc gia Giáo dục đã thể hiện thành chính sách giáo dục mới. Dự án cải cách giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục chuẩn bị ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập; sau khi nhận được những ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Chính phủ, đã được chỉnh sửa và đưa ra Hội đồng Cố vấn học chính, thành lập theo Sắc lệnh số 44 ngày 10 - 10 - 1945, tập họp đến 30 trí thức nổi tiếng đương thời, để thảo luận và góp ý kiến tại hai kỳ họp của Hội đồng từ mồng 6 đến 14 - 12 - 1945 và từ 14 đến 16 - 2 - 1946. 

Tuy Dự án cải cách giáo dục đã “được Hội đồng Chính phủ chuẩn y cùng ban Thường trực Quốc hội thoả hiệp”, Chủ tịch Chính phủ vẫn yêu cầu đưa ra báo cáo trước Hội nghị Văn hoá toàn quốc để trưng cầu ý kiến rộng rãi của các giới văn hoá - giáo dục.


Nhân đây cũng xin trích đăng một phần về chính sách giáo dục mới trong đề mục III.B. trong bản báo cáo 33 trang đánh máy của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Đình Hoè, nhan đề: “Tình hình giáo dục nước Việt Nam xưa và nay (Báo cáo về dịp Hội nghị Văn hoá toàn quốc 1946)”, bài đã đăng trên tạp chí của Hội Sử học Việt Nam Xưa & Nay, số 319, tháng 11 / 2008.

Văn bản này, liên quan đến giai đoạn đặt cơ sở cho nền giáo dục mới của nước ta, nhưng suốt hơn sáu chục năm qua chỉ lưu trữ dưới dạng bản đánh máy trong hồ sơ tài liệu riêng của Cụ Vũ Đình Hoè, nguyên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhưng tiếc rằng báo cáo đã không thể trình bày được do tình hình căng thẳng, quân Pháp đã gây hấn nhiều nơi ở Hải Phòng và ngay tại Hà Nội, Hội nghị Văn hoá toàn quốc dự kiến họp trong 3 ngày thì chỉ họp 01 ngày 24 - 11 - 1946, nghe Chủ tịch Chính phủ phát biểu (văn bản này tiếc rằng đến nay chưa tìm lại được), thảo luận báo cáo của Uỷ ban Vận động văn hoá toàn quốc, bầu Uỷ ban Văn hoá toàn quốc, rồi bế mạc ngay trong ngày.
Chính sách giáo dục mới và sự tổ chức các bậc học 
Chính phủ nhân dân mới lên cầm quyền đã chú trọng đến việc cải cách căn bản để xây dựng một nền giáo dục mới cho nước Việt Nam. Muốn cho công cuộc cải cách ấy được vững chắc và hợp với nguyện vọng và quyền lợi của quốc dân, Bộ Quốc gia Giáo dục đã cử một Hội đồng Cố vấn học chính, thiết lập do sắc lệnh ngày 10 - 10 - 1945. Hội đồng này gồm những nhà trí thức nam nữ hoặc trong giáo giới, hoặc ngoài giáo giới, nhưng đều là những vị có nhiều kiến thức và lịch duyệt về vấn đề giáo dục. 
Sau khi Hội đồng Cố vấn học chính đã thảo luận về dự án cải cách giáo dục của Bộ đưa trình, Bộ Quốc gia Giáo dục đã định rõ chính sách giáo dục sẽ thi hành để thay cái chế độ giáo dục thực dân đặt trên những nguyên tắc bất lợi cho sự phát triển các khả năng của thanh niên và làm cản trở sự tiến hoá của dân tộc mình. Chính sách ấy đã được Hội đồng Chính phủ chuẩn y cùng Ban Thường trực Quốc hội thoả hiệp, và nền giáo dục mới của nước nhà sẽ tổ chức theo sắc lệnh số 146 ngày 10 - 8 - 1946. 
Nền giáo dục mới ấy đặt trên ba nguyên tắc căn bản: dân chủdân tộckhoa học, và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia [1]
Với tinh thần dân chủ, nền giáo dục mới của ta không phải là nền giáo dục dành riêng cho một thiểu số, nhờ ở cảnh sung túc mà có thể theo đuổi sự học đến nơi đến chốn, còn đại đa số dân chúng vì thiếu điều kiện vật chất mà phải chịu ở trong vòng tối tăm của nạn mù chữ hay là ở trong cái cảnh bỡ ngỡ dở dang của người thấp học. Trước đây áp dụng chính sách ngu dân, người ta không những không chịu mở nhiều trường mà lại còn lập ra nhiều luật lệ nghiêm khắc để hạn chế việc học. Nền giáo dục mới của ta sẽ là nền giáo dục chung cho toàn thể quốc dân, không phân biệt hai nền học khác nhau: nền tiểu học cho dân chúng và nền trung học đưa lên bực đại học cho giai cấp tư sản. 
Nền giáo dục mới sẽ là một nền giáo dục duy nhất và bình đẳng: trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giàu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp, vì các khả năng về tinh thần có nhiều hay ít mà thôi. Một trẻ em nghèo mà thông minh cũng có thể học đến nơi đến chốn như một đứa trẻ con nhà giàu mà thông minh ngang nó: không có sự gì hạn chế, bắt buộc nó phải bỏ dở con đường học vấn. Với nền giáo dục duy nhất và bình đẳng này, chắc có nhiều nhân tài sẽ xuất hiện để giúp ích cho quốc gia, mà xưa kia phải mai một chỉ vì sự giáo dục thiếu tinh thần dân chủ. 
Nền giáo dục mới của ta sẽ phát huy tinh thần dân tộc, sẽ khác hẳn nền giáo dục dưới chế độ thực dân. Trước kia bọn thống trị thực dân, muốn cho ta quên cỗi rễ và không thể phát triển được những khả năng đặc biệt của nòi giống, đã áp dụng cái chính sách đồng hoá trong việc giáo dục, mong cho ta thành một bọn vong bản, quên cả tổ tiên anh dũng, quên cả lịch sử vẻ vang, cam tâm làm nô lệ. Nền giáo dục mới, xây dựng trên nguyên tắc dân tộc, sẽ một mặt mở mang những đặc tính, những năng lực của giống nòi, một mặt đào tạo một tinh thần quốc gia mạnh mẽ sáng suốt, để quốc dân biết đem toàn lực phụng sự Tổ quốctrong khi phụng sự lý tưởng dân chủ
Với tinh thần khoa học, nền giáo dục mới sẽ làm phát triển những năng khiếu của thiếu niên về phương diện sinh lý cũng như về phương diện tâm lý, và không bắt các trẻ em phải làm những việc không hợp với tuổi chúng để những năng lực về thể chất và tinh thần không thể nở nang một cách điều hoà được. 
Nó sẽ không có tính cách nhồi sọ, với những chương trình quá nặng, làm cho trẻ vì phải vùi đầu suốt ngày đêm trong đống sách, đến nỗi sức lực hao mòn, tinh thần kiệt quệ, đang là một đứa trẻ thông minh lanh lợi mà có thể biến thành một đứa trẻ đần độn lờ đờ. 
Nó sẽ không quá trọng lý thuyết mà coi rẻ thực hành để cho học vấn không thể đem ứng dụng vào đời sống hàng ngày của cá nhân và đoàn thể. Nó sẽ không quá thiên về mặt giáo huấn mà nhãng bỏ phần dưỡng dục, chỉ chú trọng về trí dục mà coi thường đức dục, để tạo nên những kẻ có học thức nhưng thiếu lương tâm và ý chí, thành ra những phần tử vô ích và có khi có hại cho quốc gia và xã hội. Xây dựng trên nguyên tắc khoa học, nền giáo dục mới sẽ căn cứ vào những định luật về sinh lý và tâm lý và sẽ áp dụng những phương pháp sư phạm mới phát minh để điều hoà sự phát triển những năng khiếu của trẻ em về thể chất cũng như về tinh thần. 
Chương trình các bậc học, nhất là ở bậc học cơ bản [2] và phổ thông, đều gồm hai phần: phần giáo huấn có mục đích ban phát cho các trẻ em một cái học thức cần thiết và mở mang trí tuệ chung, phần dưỡng dục có mục đích gây cho chúng những tập quán tốt, những đức tính hay, rèn luyện ý chí và huấn luyện tình cảm chung, để sau này chúng trở nên những người có đủ khả năng mà sống mạnh mẽ, một cách có lợi cho mình và cho quốc gia. 
Sau hết nền giáo dục mới sẽ có tính cách thực tế, không vì cái mục đích “học thuật vị học thuật” mà bỏ phần thực nghiệp, và sẽ chú trọng về phần thực hành cũng như về phần lý thuyết để gây cho thanh niên một tinh thần khoa học, biết dùng cái học thức vào đời sống của mình và của đoàn thể. Ngang với nền học phổ thông sẽ có một nền học chuyên môn [3] để huấn luyện thanh niên thành những cán bộ đủ năng lực tham gia vào các ngành hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và dự một phần thiết thực vào công cuộc kiến thiết quốc gia. 
<Lược phần trình bày các bậc học: sau bậc “ẫu trĩ” (trước 7 tuổi) là: đệ nhất cấp, tức 4 năm cơ bản; đệ nhị cấp 4 năm, với hai ngành “tổng quát”, tức phổ thông và “chuyên môn”; đệ tam cấp, tức đại học. – Xin bạn đọc tham khảo Sắc lệnh 146 bên trên
Nói tóm lại nền giáo dục mới của nước Việt Nam, thiết lập do Sắc lệnh ngày 10 - 8 - 1946, là một nền giáo dục xây dựng theo quan niệm: “giáo dục vị nhân sinh”, chủ việc rèn luyện đức tính và năng lực của tất cả công dân một cách bình đẳng, chia ra từng ngành học khác nhau không phải vì học sinh thuộc những giai cấp khác nhau mà chỉ vì sự khác nhau về năng khiếu và chí hướng của học sinh, và mục đích không phải là phụng sự học thuật mà là gây một đời sống mạnh mẽ, dồi dào cho cá nhân và đoàn thể. 
Cái quan niệm giáo dục này trái hẳn với quan niệm cũ. Cho nên chúng ta chắc chắn ai cũng cảm thấy sự lớn lao cùng tất cả những nỗi khó khăn của một công cuộc cải cách mới; từ việc sửa soạn chương trình, bài dạy, sách học, đến việc lập trường, mở lớp, sắm sửa dụng cụ. Có lẽ công việc khó khăn nhất là việc đào tạo giáo viên mới và huấn luyện lại giáo viên cũ. Bao nhiêu nếp xưa phải xoá bỏ, bao nhiêu đức tính mới phải tự rèn lấy, cả một thái độ tinh thần phải thay đổi! 
Việc xây dựng về giáo dục liên quan mật thiết đến công cuộc kiến thiết quốc gia. Nền giáo dục mới sẽ cung cấp cán bộ cho các ngành hoạt động kinh tế trong nước từ những thợ giỏi, những nông dân lành nghề cho đến những cán bộ thực tiễn và cán bộ chỉ huy. Trái lại nền giáo dục mới lại phải nhờ sự phát triển kinh tế mới được mở mang và có cơ sở chắc chắn: những ngành học thực nghiệp, chuyên nghiệp và chuyên môn từ trước đến nay chưa có một tổ chức gì, nay cần phải xây dựng gấp và muốn xây dựng được, nó cần phải được cùng xây dựng với công cuộc kiến thiết kinh tế trong nước.
                                                                                                                      Vũ Đình Hoè 


[1] Tất cả những từ gạch chân trong bài này đều do tác giả; trong Sắc lệnh số 146 ngày 10 - 8 - 1946 do Bộ Tư pháp mới công bố trên mạng và giữ bản quyền, thay cho 3 từ gạch chân này là những từ: “đại chúng hoá, dân tộc hoá, khoa học hoá” và tiếp sau các từ “lý tưởng quốc gia” còn có các  từ “và dân chủ”. 
[2] sau này dùng từ “tiểu học”. 
[3] Theo Điều thứ 7 trong Sắc lệnh 146 ngày 10 - 8 - 1946, thuật ngữ “ngành học chuyên môn” gồm: a) “bậc thực nghiệp” dành cho học sinh đã tốt nghiệp 4 năm “cơ bản” (tức tiểu học) và đã qua 1 năm hướng dẫn - tuyển trạch, vào học nghề tiếp 1 hoặc 3 năm (tuỳ nghề); b) “bậc chuyên nghiệp” dành cho đối tượng đã qua 2 năm dự bị chuyên nghiệp theo phân ban ở bậc học phổ thong (4 năm kế tiếp 4 năm cơ bản) nhằm đào tạo các loại kỹ sư thực hành; số đõ hạng ưu có thể vào thẳng bậc đại học.
Như vậy, tính đại chúng của nền giáo dục cũng đồng nghĩa với tính dân chủ, được thực hiện từng bước. 

Sắc lệnh 147/SL đã ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học trong tất cả các bộ môn khoa học: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. 

Để cụ thể hoá nội dung của các sắc lệnh trên, một loạt chủ trương biện pháp nhằm khuyến khích học tập đã được ban hành và thực hiện như: bãi bỏ tiền học ở tất cả các bậc học, gia hạn tuổi cho học sinh các lớp, cấp học bổng và mở ký túc xá cho học sinh các trường trung học. 

Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa… 

Đặt trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên, nhất là ba nguyên tắc (ba tính chất) của nền giáo dục do Đảng, Nhà nước và Hồ Chí Minh xác định đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phong kiến, thực dân của nền giáo dục cũ, đồng thời đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới. 

Nền giáo dục đó, theo Hồ Chí Minh, là “một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em". 

Như vậy, sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới sau Cách mạng tháng Tám 1945 có hai cơ sở/tiền đề quan trọng: cơ sở lịch sử và những quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước VNDCCH và của Hồ Chí Minh. 

Đến cuối năm 1946, Bộ Quốc gia giáo dục báo cáo có 74.975 lớp với 95.665 giáo viên, riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có 2.520.678 người biết đọc, biết viết.

Trong giai đoạn 1946-1954 nước ta bị chia làm 2 vùng luôn luôn biến động theo tương quan lực lượng quân sự giữa 2 bên: một vùng dưới quyền kiểm soát của VNDCCH, vùng kia do Pháp chiếm đóng, diện tích hai vùng này luôn luôn thay đổi theo tình hình chiến sự, do đó, Việt Nam có 2 chương trình giáo dục, một của VNDCCH, một của các chính phủ tay sai trong Liên hiệp Pháp.

Trong vùng tạm bị chiếm, những năm 1945-1954 đại thể có hai nền giáo dục đan xen. 

Một số lớp, trường chịu ảnh hưởng hay do cách mạng chỉ đạo vẫn hoạt động nhưng không thật ổn định, chủ yếu là bình dân học vụ và bậc tiểu học. 

Tuy vậy cũng đã có tác dụng tích cực đối với việc nâng cao dân trí cho con em nhân dân lao động và những người nghèo, nhất là vùng nông thôn. 

Những địa phương có phong trào bình dân học vụ khá trong vùng tạm bị chiếm là Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, một số nơi ở Tây Nguyên. Ở Nam Bộ, phong trào bình dân học vụ tiếp tục được duy trì rộng khắp, với hình thức linh hoạt. 

Trong thời gian chiến tranh Việt Pháp nước ta bị chia ra làm 2 vùng: một do Việt Minh và một do Pháp kiểm soát. 

Năm 1954 Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ phải ký hiệp định Genève chia đôi Việt Nam, bắc vĩ tuyến 17 thuộc Cộng Sản, phía nam thuộc Quốc Gia. 

Vì thế, trong khoảng thời gian 1945-1954 và 1954-1975 Việt Nam đã có 2 chương trình giáo dục khác nhau: chương trình giáo dục của Cộng Sản và chương trình giáo dục dưới chính thể Quốc Gia. 

Ngay sau ngày chiến tranh bùng nổ 19/12/1946, vùng do Pháp kiểm soát bao gồm các thành phố và thị xã và các vùng nông thôn xung quanh như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn la, Hòa Bình, Quảng Ninh, Móng Cái, Tiên Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình .v.v, các trường ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng sơ tán ra vùng tự do, các trường ở Huế dời ra Thanh Nghệ Tĩnh, một số trường ở Hà Nội dọn lên Phú Thọ, Tuyên Quang, các trường ở đồng bằng sông Hồng được chuyển về các vùng nông thôn ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa. 

Đặc biệt các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội đều lên Việt Bắc, trường Cao Đẳng Công Chánh lúc đầu sơ tán về Thanh Hóa nhưng sau cũng dời lên Việt Bắc. Việc di chuyển chủ yếu là người, tức giáo sư và học trò, tài liệu sách vở được mang theo rất hạn chế. Sau một thời gian tổ chức và sắp xếp, đến niên khóa 1947-1948 mới khai giảng trở lại với trường ốc sơ sài, thiết bị thiếu thốn, giáo sư ít ỏi. 

Trừ các phần nói trên, toàn bộ Việt Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên), Khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), phần lớn Khu V (Quảng Ngãi, Bình Định) thuộc VNDCCH kiểm soát, vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là vùng tranh chấp giữa hai bên. 

Đến ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến khiến chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chạy vào bưng biền ẩn náu trong các tỉnh miền Bắc Việt Nam và có tổ chức các kỳ thi Tiểu học, Trung học và Tú Tài Toàn Phần trong những năm 1947-1950 nhưng bỏ kỳ thi Tú Tài I. Còn các trường Đại Học hầu như tê liệt hoàn toàn, nhưng cũng có một số trường chạy sâu vào nội địa Trung Quốc an toàn và mang theo một số giáo sư Việt Nam theo dạy.

Về chương trình giáo dục bậc tiểu và trung học, từ 1946 đến 1949 VNDCCH tiếp tục sử dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân, là chương trình Hoàng Xuân Hãn nguyên thủy được sửa đổi do Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục dười thời Bộ Trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè soạn thảo và sau đó được Hội Đồng Chính Phủ Liên Hiệp ban hành bằng sắc lệnh số 146 ngày 10/08/1946 rút ngắn học trình bậc tiểu học từ 6 còn 5 năm và sửa đổi các môn văn, sử, địa, công dân. 

Sau khi sơ tán năm 1946, một số các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp được khai giảng trở lại với các giảng viên trẻ mới tốt nghiệp từ các trường này, phần nòng cốt đảm nhiệm bởi một số giáo sư có tên tuổi từng du học ở Pháp về. Đây là các nhà trí thức đã tản cư về vùng tự do. 

Từ 1947 đến 1949 nhiều giáo trình vẫn dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, đến niên khóa 1950 trở đi mới hoàn toàn dùng tiếng Việt.

Đại Học Luật được đổi là Đại Học Chính Trị Xã Hội, đến năm 1948 đổi là Trường Pháp Chính. Mở thêm trường Đại Học Văn Khoa và 2 ban ngoại ngữ Anh và Nga Văn, đến niên khóa 1947-1948 mở thêm trường ngoại ngữ dạy Anh, Nga và Hoa Văn. Có 2 trường Sư Phạm Cao Cấp, một ở Thanh hóa, một ở Khu Học Xá Trung Ương gồm nhiều trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp, chứa khoảng vài ngàn học sinh ở sát biên giớI, nằm trong lãnh thổ Trung Hoa.

Sở dĩ các trường Đại Học vào nội địa Trung Quốc vì năm 1949 chính phủ Quốc Gia Trung Hoa do Thống Chế Tưởng Giới Thạch làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc đã bỏ đất liền tới đảo Đài Loan và vì vậy Trung Cộng đã lập được chính quyền trên toàn lục địa Trung Hoa. 

Lúc này, Trung Cộng sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong việc giáo dục tại nội địa Trung Hoa trong những vùng sát Việt Nam trong thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.


Từ khi Chương Trình Hoàng Xuân Hãn được ban hành ngày 03/06/1945, chính quyền Việt Minh lúc đầu, và sau đó, các chính phủ quốc gia trong vùng Pháp kiểm soát vẫn áp dụng chương trình này tuy ở mỗi thời điểm có thay đổi chút ít. 

Do sắc lệnh ngày 10/10/1945 Bộ Trưởng Giáo Dục trong chính phủ lâm thời Vũ Đình Hòe thành lập Hội Đồng Cố Vấn Học Chính, sau đó hội đồng chính phủ ban hành sắc lệnh số 146 ngày 10/08/1946 sửa đổi chương trình cũ cho hợp với tình thế mới.

Do đề nghị của Bộ Giáo Dục, Hội Đồng Cố Vấn Học Chính thành lập Hội Đồng Cải Cách Chương Trình với phương châm “Dân Chủ, Dân Tộc, Khoa Học và theo tôn chỉ phục vụ lý tưởng Quốc Gia” do Bộ Trưởng Vũ Đình Hoè chủ tọa, thành viên gồm các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Phạm Đình Ái, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hữu Tạo. Chương trình mới, hay Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân, chỉ thay đổi các môn Việt Văn, Sử, và Công Dân, các môn khoa học tự nhiên vẫn giữ nguyên như chương trình cũ. 

Trên thực tế chương trình mới chỉ được áp dụng tại các trường ở miền Trung, vì miền Bắc, sau ngày chiến tranh bùng nổ, các trường ở Hà Nội và Nam Định đều tản cư vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. 

Các trường trong Nam còn đóng cửa vì chiến tranh đã xảy ra ngay từ tháng 9/1945, khi mở lại các trường vẫn áp dụng chương trình Pháp vì Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.

Từ đầu năm 1947, giáo dục Việt Nam diễn ra theo hai khuynh hướng khác nhau. 

Nền giáo dục mới tiếp tục được xây dựng, phát triển ở vùng tự do, do chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức và hệ thống giáo dục cũ được hồi phục ở vùng tạm bị chiếm, do chính quyền thực dân và Bảo Đại quản lý. 

Trong vùng tự do, từ ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), hoạt động của ngành giáo dục đã có những biến động to lớn, sâu sắc để thích ứng với cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Trung ương Đảng chỉ rõ kháng chiến phải toàn diện, trong đó văn hóa, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng. 

Trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng đã nhấn mạnh: Kháng chiến về mặt văn hoá có hai nhiệm vụ: một là đánh đổ văn hoá ngu dân, nô dịch, xâm lược của thực dân Pháp; hai là xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên ba nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng, coi "văn hoá, giáo dục cũng là một mặt trận đấu tranh của nhân dân ta". 

Tháng 4 - 1947, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng xác định: "chú trọng mở mang giáo dục kháng chiến", "Chương trình học phải thiết thực, nhằm mục đích đào tạo nhân tài, cần dùng cho kháng chiến trước hết, về tất cả các ngành y tế, canh nông, quân giới cũng như thương mại, ngoại giao. Học sinh phải vừa học vừa tham gia sản xuất để tự túc một phần nào. Tiếp tục phát triển bình dân học vụ. Chú ý mở trường ở các vùng quốc dân thiểu số"(Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 8, 1945-1947, Nxb CTQG,Hà Nội, 2000, tr 182, 188). 

Từ giữa năm 1947, phần lớn các trường học sau khi sơ tán đến các vùng tự do, vùng căn cứ du kích, đã đi vào hoạt động. 

Các trường cao đẳng kinh tế, kỹ thuật ở Huế chủ yếu chuyển ra vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, các trường ở Hà Nội, ở Liên khu III một số lên Việt Bắc, một số vào Thanh Hóa… 

Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, việc dạy và học trong vùng tự do đi dần vào ổn định và phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu phải có sự thay đổi căn bản, toàn diện của nền giáo dục kháng chiến. 

Từ tháng 8-1947 Sở giáo dục Nam Bộ đã chỉ đạo thành lập các ban bình dân học vụ từ cấp tỉnh xuống cấp xã, kể cả các địa phương sát Sài Gòn như An Phú Đông, Thạch Lộc… 

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến, những nơi chịu ảnh hưởng hay có sự chỉ đạo của cách mạng, tình hình các trường lớp có những thay đổi lớn. 

Số học sinh, sinh viên, giáo viên bỏ học, bỏ dạy để tránh bắt lính, chống văn hóa nô dịch, đi theo kháng chiến ngày càng nhiều. 

Những trường, lớp do chính quyền Bảo Đại tổ chức, quản lý, về cơ bản vẫn được duy trì, chương trình, nội dung giáo dục hầu như không có sự thay đổi so với trước năm 1945. 

Tuy nhiên, những kiến thức khoa học, kỹ thuật mà học sinh, sinh viên, trí thức tiếp thu được từ hệ thống giáo dục này rất cần thiết cho công tác chuyên môn trước mắt và về sau, đối với họ và cho đất nước. 

Nhằm đưa sự nghiệp giáo dục đi vào ổn định và có bước phát triển mới trong hoàn cảnh kháng chiến, tháng 1-1948, Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ của Bộ giáo dục là: “họp hội nghị giáo giới chấn chỉnh và mở mang việc học trong thời chiến, định chương trình học cho các cấp, soạn sách giáo khoa mới, định cách dạy học trò theo lối mới, vừa tránh được nạn nhồi sọ của thời thuộc Pháp, vừa thích hợp với tinh thần kháng chiến và dân chủ, mở trường Sư phạm đào tạo giáo sư mới và bổ túc cho giáo sư cũ, rút kinh nghiệm của các trường hiện nay và mở thêm các trường mới theo kế hoạch hẳn hoi (đặc biệt chú ý mở các trường đại học và gửi du học sinh ra nước ngoài), thiết thực giúp đỡ bình dân học vụ, khuyến khích văn nghệ, soạn lại bộ Sử nước ta, bắt đầu viết ngay cuốn sử cách mạng Việt Nam chống Pháp và cuốn sử kháng chiến. Mở trường và đặt chữ cho các vùng dân tộc thiểu số" (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 35). 

Ngày 20-5-1948, Trung ương Đảng chủ trương "Chỉnh đốn giáo dục, sửa chữa lại chương trình giáo dục các cấp, Chính phủ mở thêm trường (tiểu học, trung học, đại học) và khuyến khích tư nhân mở trường tư", "tiếp tục quét nạn mù chữ", "Đi đến bình dân học vụ bổ túc, dạy kiến thức phổ thông. Không công chức hoá giáo viên bình dân học vụ, nhưng tùy theo địa phương mà thù lao cho giáo viên". Đối với các dân tộc thiểu số, Trung ương Đảng lưu ý: “Mở thêm trường tiểu học", "Phát triển bình dân học vụ, đào tạo cán bộ bình dân học vụ người địa phương. Cung cấp học bổng cho một số học sinh người thiểu số” (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 9, 1948, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 104 - 106). 

Trong các năm 1948-1950, số người được xoá nạn mù chữ trong nước là trên 10 triệu người, tiêu biểu là tỉnh Hà Tĩnh (vùng tự do) và tỉnh Thái Bình (vùng tạm bị chiếm). Phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa phát triển vừa thể hiện tính ưu việt của chế độ mới, vừa năng cao dân trí phục vụ thiết thực cuộc kháng chiến kiến quốc đi tới thắng lợi. 

Những năm 1948 - 1949, phong trào Thi đua ái quốc phát triển sôi nổi, nhất là ở các vùng tự do. Ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc thi đua và giành thêm nhiều kết quả mới, nổi bật là phong trào bình dân học vụ và phong trào xây dựng, chấn chỉnh giáo dục cấp tiểu học, trung học.

Trong vùng tạm bị chiếm, thời gian đầu sau cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều giáo viên, học sinh đã rời các đô thị, các vùng địch tạm chiếm đi về các vùng tự do lớn như Việt Bắc, Thanh - Nghệ - Tĩnh, Nam – Ngãi - Bình-Phú... để tiếp tục dạy và học. Tuy nhiên do hoàn cảnh khách quan, chủ quan, nhiều giáo viên, học sinh phải ở lại vùng địch kiểm soát và dạy, học theo chương trình, nội dung cũ. 

Đến đầu năm 1948, với âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", thực dân Pháp đã ra sức bình định vùng tạm bị chiếm, gây nhiều khó khăn cho việc học tập của nhân dân, nhất là vùng thôn quê, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Trong vùng quốc gia, tức vùng do Pháp kiểm soát, trường học đóng cửa 2 niên khóa 1946-1947 và 1947-1948, đến niên khóa 1948-1949 mới khai giảng trở lại. 

Năm 1948, Bộ Trưởng Giáo Dục và Nghi Lễ Nguyễn Khoa Toàn trong chính phủ Nguyễn Văn Xuân tổ chức Hội Nghị Giáo Dục ở Hà Nội từ 15/09/1948 đến 24/09/1948 nhưng chưa soạn thảo được một chương trình giáo dục cụ thể.

Chính Phủ Nguyễn Văn Xuân (thàng lập ngày 02/06/1948):
-          Chủ Tịch Hội Đồng Tổng Trưởng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân
-          Quốc Vụ Khanh, Phó C.T. Hội Đồng Tổng Trưởng kiêm Tổng Trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu
-          Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Trung Phần: Phan Văn Giáo
-          Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Bắc Phần: Nghiêm Xuân Thiện
-          Quốc Vụ Khanh: Lê Văn Hoạch
-          Tổng Trưởng Giáo Dục & Nghi Lễ: Nguyễn Khoa Toàn
-          Tổng Trưởng Nội Vụ: Nguyễn Hữu Trí (sau không nhận, Nguyễn Văn Xuân kiêm nhiệm)
-          Tổng Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ
-          Tổng Trưởng Tài Chánh & Kinh Tế Quốc Gia: Nguyễn Trung Vinh
-          Tổng Trưởng Công Tác & Kế Hoạch: Nguyễn Văn Tỵ
-          Tổng Trưởng Thông Tin, Báo Chí & Tuyên Truyền: Bác Sĩ Phan Huy Đán (sau này đổi tên là Phan Quang Đán)
-          Tổng Trưởng Canh Nông: Trần Thiện Vàng
-          Tổng Trưởng Y Tế: Bác Sĩ Đặng Hữu Chí
-          Quốc Vụ Khanh Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh
-          Thứ Trưởng dinh Chủ Tịch: Đinh Xuân Quảng
-          Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục: Hà Xuân Tế
Chỉ dụ ngày 09/06/1948 bổ nhiệm Đỗ Quang Giai làm Thứ Trưởng Nội vụ, Ngô Quốc Còn làm Thứ Trưởng Lao Động & Hoạt Động Xã Hội, Lê Công Bộ làm Thứ Trưởng Nội An.
Tuy vậy, sau khi thực dân Pháp lập lại chính quyền tay sai, trao trả độc lập cho Việt Nam" do chính quyền Bảo Đại làm đại diện, hệ thống trường lớp các cấp học được củng cố, tái giảng. 

Hệ thống trường, lớp tiểu học được tái lập, duy trì ở nhiều địa phương. Một số tỉnh có trường trung học. 

Các đô thị lớn như Hà Nội, Nam Định, Huế, Sài Gòn có một số trường đại học, cao đẳng, trung học. 

Trong thư gửi cho Hội nghị Giáo dục toàn quốc (tháng 7/1948), Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn xây dựng một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc cần phải sửa đổi chương trình giáo dục cho hợp với yêu cầu kháng chiến và kiến quốc, phải biên soạn sách, sửa đổi cách dạy học, đào tạo cán bộ. 

Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, Hội nghị đã đặt vấn đề phải tiến hành cuộc cải cách giáo dục (CCGD) ở Việt Nam. 

Sau thời gian vận động tích cực với chính phủ Pháp, cựu Hoàng Bảo Đại đạt được Thỏa Ước 08/03/1949. 

Thỏa Ước được công bố tại điện Élysée nên còn gọi là Thỏa Ước Élysée: Pháp thừa nhận Việt Nam có tổ chức riêng về hành chánh, tài chánh, quân đội và có quyền thiết lập ngoại giao với các nước Đông Nam Á. Pháp ủng hộ Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. 

Việt Nam phải tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, để Pháp sử dụng các căn cứ quân sự. 

Việt Nam thuận tổ chức những cơ quan chung với các quốc gia liên kết là Miên và Lào, cử đại diện vào hội nghị Liên Hiệp Pháp và Thượng Hội Đồng Liên Hiệp Pháp. 

Cao Ủy Pháp tại Đông Dương sẽ đóng vai trò trọng tài giữa các quốc gia liên kết. Nam Kỳ sẽ tùy ý định đoạt việc tái nhập vào Việt Nam.

Đến 03/06/1949 quốc hội Pháp chuẩn y sự sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại chính thức thiết lập Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam bằng sắc lệnh số 1/CP ngày 01/07/1949 thành lập nội các do Bảo Đại làm Thủ Tướng. 
Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam: 
-          Thủ Tướng: Bảo Đại, Quốc Trưởng  
-          Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân 
-          Tổng Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Phan Long 
-          Tổng Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ 
-          Tổng Trưởng Quốc Gia Kinh Tế và Kế Hoạch: Trần Văn Văn 
-          Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng kiêm Nội Vụ: Vũ Ngọc Trản 
-          Bộ Trưởng Tài Chánh: Dương Tấn Tài 
-          Bộ Trưởng Ngoại Giao: Lê Thăng 
-          Bộ Trưởng Quốc Phòng: Trần Quang Vinh 
-          Bộ Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ: Hoàng Cung 
-          Bộ Trưởng Canh Nông, Xã Hội, Lao Động: Phan Khắc Sửu 
-          Bộ Trưởng Công Tác, Giao Thông, Kiến Thiết: Trần Văn Của 
-          Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục: Phan Huy Quát 
-          Bộ Trưởng Thanh Niên: Nguyễn Tôn Hoàn 
-          Bộ Trưởng Y Tế: Nguyễn Hữu Phiếm 
-          Bộ Trưởng Thông Tin: Trần Văn Tuyên 
-          Tổng Thư Ký Chính Phủ: Đặng Trinh Kỳ 
Thủ Hiến Bắc Việt: Nguyễn Hữu Trí. Thủ Hiến Trung Việt: Phan Văn Giáo. Thủ Hiến Nam Việt: Trần Văn Hữu.
Chương trình giáo dục Pháp còn áp dụng ở trong Nam đến thời điểm này mới thực sự bị bãi bỏ và thay bằng Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân.

Hai tháng sau ngày Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam, Bác Sĩ Phan Huy Quát, Bộ Trưởng Giáo Dục trong nội các Bảo Đại, soạn thảo và ban hành chương trình Trung Học bằng nghị định số 9/NĐ ngày 05/09/1949. 

Chương trình Phan Huy Quát được áp dụng đến niên khóa 1952-1953 chủ yếu tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Mỹ Tho, Long Xuyên mà thôi. 

Năm 1949, Hà Nội có Trường Albert Sarraut, cho trẻ con Pháp và một số ít trẻ con Việt Nam; Trường Chu Văn An cho học sinh Việt Nam, trường nữ học Trưng Vương cho nữ học sinh, và 4-5 trường tiểu học.. 

Trường tư thục có Trí Tri, Dũng Lạc, Hồng Bàng, Thăng Long, có hai ban Tiểu học và Trung học. 

Có 2 ngành học: Sơ học cấp tốc, 9 tháng cho học sinh từ 5 đến 18 tuổi và Tráng niên giáo dục, 4 tháng cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra còn có Trường Đại học Y khoa… 

Nam Định có 3 trường ở thành phố: Trường công (Ecole Muncipale), 450 học sinh; Lê Bảo Tịnh, 69 học sinh; Sacré Coeur, 200 học sinh. 

Huế do Nha học chính và văn hóa Trung phần quản lý, có trường Khải Định, Đồng Khánh. 

Tây Nguyên do Phòng học vụ, sau đổi thành Ty Thanh tra tiểu học kiêm bình dân học vụ Tây Nguyên quản lý. 

Darlac, Gia Lai mỗi tỉnh có 1 trường tiểu học, Kontum có 3 trường ở Komplong, Daglây, Cheo 
Reo. 

Các trường đại học, cao đẳng chủ yếu dành cho con em tầng lớp trên và những người khá giả. 

Đại đa số con em nhân dân lao động không được đi học, nếu có thì cũng chỉ hết bậc Tiểu học. 

Những người đến trường đều phải tiếp thu nền giáo dục thực dân, phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. 

Ngoài những môn tự nhiên, kỹ thuật, các môn học khác thường nặng về ca tụng sự viện trợ của Pháp, Mỹ, ca tụng nền độc lập giả hiệu của bọn bù nhìn tay sai. 

Các loại văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, như phim ảnh, sách báo, thơ ca nhạc họa phản động, bi quan, hoặc liều lĩnh, hung ác được phổ biến trong thanh niên, học sinh. 

Thực dân Pháp còn dùng nhà trường để thu hút, quản lý và theo dõi thanh niên, bắt học sinh phải "báo cáo về tình hình Việt Minh", tham gia các "tổ lượm tin", theo dõi, gây nghi kỵ lẫn nhau. 

Các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, làm sa đọa và lừa bắt học sinh, sinh viên đi lính làm bia đỡ 
đạn cho chúng được thực thi ráo riết. 

Những giáo viên, công chức, học sinh, sinh viên tiến bộ, không chịu sự áp bức, nô dịch của nhà cầm quyền đều bị thực dân Pháp và bọn bù nhìn dùng các biện pháp cứng rắn để đe dọa, khủng bố. 

Nhiều giáo viên công chức giáo dục, học sinh, sinh viên đã bị bắt, bị tù, bị giết, bị thương trong các cuộc đàn áp do tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, dân chủ tiến bộ. 

Phần đông nhân sĩ trí thức, học sinh, sinh viên vẫn hướng về cách mạng, về kháng chiến. 

Nhiều cuộc bãi khoá, biểu tình chống giáo dục nhồi sọ, chống khủng bố, bắt lính đã diễn ra trong các nhà trường, sôi nổi là phong trào đấu tranh chống các trò hề dân chủ, đề cao Bảo Đại và ngụy quyền tay sai, của giáo chức, học sinh, sinh viên Hà Nội, Hải Phòng năm 1948. 

Tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại chiến khu Việt Bắc, Người ghi vào cuốn Sổ vàng truyền thống của Trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư


Đến năm 1950, Cộng Sản thực hiện một cuộc cải cách giáo dục, trước tiên nhằm thay đổi quan niệm sai lầm của các giáo chức quan niệm giáo dục có nhiệm vụ phải phục vụ cho chính trị mà cơ bản trong giai đoạn này là phục vụ cho cuộc Kháng chiến chống Pháp. 

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ Trưởng Giáo Dục, đã dùng hệ thống giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và Liên Xô làm mẫu với sự giúp đỡ của cố vấn Liên Xô. 

Chủ trương của hệ thống giáo dục mới đặt trọng tâm ở mặt thực dụng, tác phẩm Giáo Dục Dân Chủ Mới (1948) và Những Vấn Đề Giáo Dục (1950) trình bày một cách có hệ thống các quan điểm và tư tưởng giáo dục dựa trên lý luận của chủ nghĩa Marx-Lénine của Nguyễn Khánh Toàn được dùng làm căn bản cho việc cải tổ giáo dục năm 1950.

Cuộc cải cách được Hội Đồng Chính Phủ thông qua vào tháng 07/1950 và Bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành và thực hiện từ 1950 đến 1952. Các sửa đổi gồm có:

  -Bậc Giáo Dục Phổ Thông: cấu trúc được sửa đổi như sau: 
Vỡ Lòng: 1 năm
Cấp I: 4 năm
Cấp II: 3 năm
Cấp III: 4 năm (2 năm, không chia ban + 2 năm dự bị đại học), xong năm lớp 10 học sinh thi lấy bằng trung học phổ thông.

 - Bậc Đại Học và Cao Đẳng: Tạm đình giảng các lớp đại học và cao đẳng, chỉ giữ lại hoặc chỉ mở thêm các lớp trung cấp như Nông Lâm, Công Chánh, Mỹ Thuật, Thú Y, v.v., và tổ chức các đợt đi phục vụ sản xuất, chiến đấu.

Trường Đại Học Y Dược, lúc này chỉ còn Đại Học Y, rút ngắn năm học và tăng thời gian thực tập, phục vụ công tác quân y cho các chiến dịch được mở liên tục từ 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Tổ chức Trường Sư Phạm Cao Cấp về văn, sử, địa, học trình 2 năm, và lớp Dự Bị Đại Học ở Thanh Hóa do một số trí thức ở vùng đó phụ trách, gồm các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Trần Văn Giàu v.v...

Tổ chức Trường Khoa Học Cơ Bản và Trường Sư Phạm Cao Cấp về khoa học tự nhiên, đặt trong Khu Học Xá Trung Ương, học trình 2 năm, chia làm 2 ban: Toán Lý Hóa và Lý Hóa Sinh với các giáo sư chính phụ trách là Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kontum v.v..

- Bắt đầu tổ chức và tuyển chọn học sinh du học các nước Cộng Sản.

Về nội dung, chương trình giáo dục mới chú trọng về văn, sử, địa hiện đại và cách mạng Việt Nam, các giáo chức phải quan niệm giáo dục là một hiện tượng xã hội chứ không phài là một hiện tượng tự nhiên, như vậy giáo dục và chính trị không phải là 2 vấn đề riêng biệt mà giáo dục phải phục vụ cho mục tiêu chính trị, quan niệm này làm nền tảng cho mục đích chính lúc đó là phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Pháp, bất kể học ở chuyên ngành nào, sinh viên đại học đều phải học triết học Mác-Lê và lý thuyết đấu tranh giai cấp, trường Y khoa Hà Nội cũng phải tham gia chỉnh huấn Cải cách ruộng đất cùng "học tập công nông", sinh viên khi tốt nghiệp không trình luận án mà chỉ thi hai phần: Chuyên môn và Chính trị.

Đầu năm 1950, một phong trào học sinh, sinh viên đã diễn ra rầm rộ trong cả nước, mở đầu và trung tâm là ở Sài Gòn. 

Học sinh Trần Văn Ơn đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của học sinh, sinh viên vùng tạm bị chiếm. 

Cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên thành phố Sài Gòn ngày 9-1-1950 với hơn 10 vạn nhân dân thành phố xuống đường biểu tình đưa tang học sinh Trần Văn Ơn và các học sinh bị thực dân Pháp giết hại đã lan rộng ra cả nước, lôi kéo hàng vạn học sinh, sinh viên, trí thức, công chức Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác mít tinh, bãi khóa. 

Ngày 9-1-1950 trở thành ngày học sinh, sinh viên toàn quốc. 

Tháng 1-1950, nước Việt Nam DCCH được các nước XHCN công nhận và tạo điều kiện giúp đỡ. 

Vấn đề là phải phát huy nội lực của đất nước để tận dụng được sự viện trợ của nước ngoài đưa cuộc kháng chiến nhanh đến thắng lợi và phải lo đến việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. 

Tháng 2-1950, tại Việt Bắc, Bộ Quốc gia Giáo dục đã triệu tập Hội nghị trù bị về CCGD. 

Lý do tiến hành cuộc CCGD là vì sau cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ dân chủ nhân dân được thiết lập, song sau 5 năm, ngành giáo dục vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong chương trình cũng như trong cách tổ chức, còn mang nặng tàn tích của hệ thống giáo dục cũ. 

Trừ bình dân học vụ, "các hoạt động đều chậm chuyển biến, chưa đáp ứng được đầy đủ những đòi hỏi của nhân dân ngày càng nhiều và càng cao", chưa phù hợp với những chuyển biến lớn của đất nước, chưa tương xứng với sự tiến bộ của nhân dân và học sinh. 

Thực tế ấy đòi hỏi phải có một cuộc cải cách giáo dục, không phải chỉ là sửa đổi chắp vá để thích nghi hoàn cảnh mà phải thay đổi căn bản toàn bộ hệ thống giáo dục, tạo lập một hệ thống giáo dục duy nhất và liên tục. 

Để đáp ứng yêu cầu đó và theo chủ trương của Đảng, Hội nghị đã quyết định tiến hành cuộc CCGD và mở cuộc vận động "Rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ sở", gọi tắt là "Rèn cán chỉnh cơ" sâu rộng trong ngành giáo dục để xóa bỏ triệt để những quan điểm, chương trình, nội dung giáo dục lạc hậu của nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới cả về quan điểm, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên. 

Đây là cuộc cải cách đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam mới. 

Hội nghị đã đề ra phương hướng và nguyên tắc cải cách giáo dục là: Dân chủ hoá nền giáo dục; Đào tạo con người mới, gột rửa những tàn tích cũ; Chương trình học phải thiết thực theo nhu cầu của xã hội hiện tại. Sau hội nghị này, Bộ đã thành lập Tiểu ban chương trình để dự thảo chương trình mới cho các cấp học, cho từng năm và từng môn và Tiểu ban kế hoạch tổ chức nghiên cứu, thảo dự án tổ chức lại hệ thống giáo dục cũ và sắp đặt lại các cấp học theo tinh thần của hệ thống mới. 

Đến tháng 5 - 1950, cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất mới được thực hiện. Qua đó, ta thấy mục tiêu là giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân trung thành với Tổ quốc; phương châm là học đi đôi với hànhlý luận gắn với thực tiễn được thiết kế trên nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng

Về nội dung giáo dục phổ thông tập trung vào một số môn như tiếng Việt, Văn, Toán, Lý, Hoá, Sinh, Thời sự - Chính sách, Giáo dục công dân, Tăng gia sản xuất; không học các môn như ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nữ công gia chánh. 

Cơ cấu nhà trường cải cách gồm có hệ phổ thông 9 năm và các hệ thống giáo dục: bình dân, chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. 

Trong khi đó các vùng địch tạm chiếm vẫn duy trì hệ 12 năm.

Tháng 7/1950, Đề án CCGD được Hội dồng Chính phủ thông qua. 

Đề án CCGD chỉ rõ “nền giáo dục là một bộ phận của chế độ chính trị, nêu cao vấn đề giáo dục chỉ có thể giải quyết trong khuôn khổ chung của cuộc cách mạng”(Đại hội nghị giaó dục toàn quốc (7/1951), Bộ Quốc gia giáo dục (1951), Bộ giáo dục xuất bản)

Bởi vậy, phương châm của nền giáo dục là phục tùng chính trị. Nó dựa theo tinh thần dân tộc, khoa học, đại chúng

Vì vậy, nhân dân Việt Nam sau khi giành được chính quyền làm chủ về chính trị nhất thiết phải phải xây dựng một nền giáo dục dân chủ nhân dân, phù hợp với lợi ích cơ bản của mình. 

Trước hết cần phải xoá bỏ triệt để nền giáo dục cũ cùng với những tàn dư của nó về nội dung, phương pháp giáo dục và xây dựng một cơ sở tư tưởng mới, nhận thức mới về nền giáo dục dân chủ nhân dân với những thiết chế giáo dục và hệ thống giáo dục tương ứng. 

Tính chất của nền giáo dục mới của ta là một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân, được xây dựng trên ba nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng, phục vụ lợi ích của nhân dân Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc và phong kiến giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho người cày. 

Về mục tiêu của nhà trường phổ thông, đề án chỉ rõ phải giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những người “công dân lao động tương lai”, trung thành với chế độ nhân dân; có đủ năng lực và phẩm chất phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến kiến quốc. 

Phương châm giáo dục là: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn

Về nội dung giáo dục, đề án nhấn mạnh yêu cầu bồi dưỡng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần yêu lao động, tinh thần tập thể, phương pháp suy luận và thói quen làm việc khoa học. 

Về cơ cấu nhà trường: Cần phải được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến nên phải rút bớt số năm học của phổ thông và đặt mối quan hệ giữa các ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (phổ thông; bổ túc văn hoá; chuyên nghiệp). 

Về tổ chức nhà trường: cần được dân chủ hóa thêm một bước. 

Vai trò của các đoàn thể giáo viên và học sinh được đề cao nhằm phát huy khả năng tích cực của giáo viên và học sinh trong việc xây dựng nhà trường về mọi mặt. 

Hệ thống nhà trường trung tiểu học cũ 12 năm được thay thế bằng hệ thống nhà trường phổ thông duy nhất 9 năm, chia làm 3 cấp và vẫn đảm bảo tính liên tục. 

Ngày 31-7-1950, Bộ giáo dục đã ra thông tư số 56/TT về “tổ chức trường phổ thông 9 năm”, thông tư chỉ rõ cơ cấu trường phổ thông 9 năm gồm 3 cấp học: Cấp I: 4 năm (lớp 1, 2, 3, 4) thay thế cho cấp tiểu học cũ (không kể 1 năm học lớp Ấu trĩ hay vỡ lòng). Cấp II: 3 năm (lớp 5, 6 và 7) thay thế cho bậc học trung học phổ thông cũ (4 năm). Cấp III: 2 năm (lớp 8 và lớp 9) 
thay thế cho bậc trung học chuyên khoa cũ (3 năm). 

Cùng với hệ thông nhà trường phổ thông 9 năm, hệ thống giáo dục bình dân (bổ túc văn hóa) và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng được quy định các cấp học, thời gian học nhằm đảm bảo cho người học ở bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng đạt một trình độ học vấn tương đương và bằng con đường nào cũng có thể học lên được bậc cao hơn. 

Hệ thống giáo dục bình dân gồm có: Sơ cấp bình dân: thời gian 4 tháng, dạy cho người chưa biết chữ; Dự bị bình dân: thời gian 4 tháng dạy đến trình độ ngang lớp nhì cũ, lớp 3 phổ thông; Bổ túc bình dân: thời gian 8 tháng dạy đến lớp 5 phổ thông; Trung cấp bình dân (trung học bình dân) thời gian 18 tháng dạy đến lớp 8 phổ thông hoặc cao hơn một ít. 

Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp có: Chuyên nghiệp sơ cấp: lấy học sinh phổ thông đã học xong cấp I hoặc bổ túc bình dân vào học nghề; Chuyên nghiệp trung cấp: Lấy học sinh phổ thông đã học xong lớp 7 phổ thông hoặc trung cấp bình dân vào học, thời gian học của hệ thống này tuỳ thuộc tính chất ngành nghề có thể quy định từ 1-2 năm cho sơ cấp , từ 2-4 năm cho trung cấp. 

Đề án đã quy định thêm bậc Dự bị đại học 2 năm nhằm bổ túc cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông 9 năm để tiếp tục học lên đại học. 

Mục đích của 2 năm dự bị đại học này là huấn luyện cho học sinh nắm vững phương pháp suy luận, phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tức là phương pháp chung của các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. 

Cuộc vận động phát triển giáo dục cho các dân tộc thiểu số, cho nhân dân miền núi cũng được quan tâm. 

Về nội dung giảng dạy: Để có điều kiện tập trung vào dạy và học các môn cơ bản, cấp thiết, chương trình phổ thông 9 năm phải bỏ bớt hoặc tạm gác lại một số môn chưa thật cần thiết hoặc chưa có điều kiện giảng dạy tốt như ngoại ngữ, nhạc, vẽ, nữ công… đồng thời cũng đưa vào những môn học và hoạt động mới như: thời sự, chính sách giáo dục, công dân, tăng gia sản xuất ở tất cả các lớp. Và cũng lược bỏ bớt những phần kiến thức chưa thật cần thiết như: lịch sử cổ đại, văn học cổ, địa lý thế giới, để có thời gian dạy văn học cách mạng, lịch sử cách mạng, địa lý Việt Nam. 

Các kỳ thi cuối cấp bị xoá bỏ, cuối năm lớp 9 học sinh chỉ phải qua một kỳ thi tốt nghiệp nhẹ nhàng nhằm mục đích kiểm tra tổng quát những kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. 

Về cải tổ bộ máy quản lý của nhà trường: Đề án nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh hội đồng chuyên môn và hội đồng kỷ luật đã có từ trước (đối với các trường lớn), thành lập thêm hội đồng quản trị, thành phần gồm có đại biểu giáo viên, đại biểu phụ huynh đều do hiệu trưởng làm chủ tịch. 

Các thành viên hội đồng đều có quyền thảo luận, biểu quyết ngang nhau. 

Đây là một biện pháp nhằm dân chủ hoá việc quản lý về tư tưởng và chuyên môn của các trường học. 

Mặt khác thông qua các ý kiến của đại biểu phụ huynh và học sinh, những nghị quyết và chỉ thị về giáo dục của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương dễ dàng biến thành chương trình hành động và kế hoạch công tác của nhà trường, tạo ra những cơ sở thực tế để phối hợp công tác giáo dục và tuyên truyền ở địa phương, đảm bảo ngày càng vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với trường học. 

Biên chế năm học theo hệ thống giáo dục mới quy định năm học mới bắt đầu từ tháng 1 dương lịch đến tháng 12 năm đó. 

Thời gian học chia làm 2 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng xen giữa 2 đợt nghỉ để học sinh có thời gian tham gia sản xuất vào lúc mùa  màng bận nhất, hoặc vào lúc thời tiết khắc nghiệt nhất để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, quy định này bắt đầu thực hiện và áp dụng từ thông số 54/TT của Bộ giáo dục ngày 22/12/1951

Về việc biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đã tập hợp một số giáo viên của tất cả các cấp học, tổ chức một trung tâm viết sách giáo khoa. 

Năm 1951, Bộ giáo dục thành lập trại tu thư để viết sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới 9 năm, coi cả 9 năm là một chỉnh thể, thay ở tất cả các lớp cùng một lúc với một sự hướng dẫn chuyển tiếp từ chương trình cũ sang chương trình mới, không thay sách kiểu cuốn chiếu như hiện nay, chương trình này chỉ áp dụng từ liên khu V trở ra cho đến khi giải phóng miền Bắc. 

Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về CCGD là không chỉ có thay đổi hệ thống nhà trường, chương trình học và sách giáo khoa mà còn phải nêu cao tinh thần, năng lực và trình độ của giáo viên. 

Đội ngũ giáo viên vốn do trường học thời Pháp thuộc đào tạo ra, nói chung có chất lượng chuyên môn tốt, nhưng một bộ phận vẫn có quan điểm lập trường, nhất là quan điểm giáo dục còn mơ hồ, có tư tưởng giáo dục trung lập và văn hoá thuần tuý. 

Cho nên, công việc cần thiết là bồi dưỡng cho họ về lập trường chính trị, để họ có quan điểm mới về giáo dục theo chủ trương của Đảng. 

Bên cạnh việc bồi dưỡng giáo viên cũ về mặt tư tưởng, Đảng, Nhà nước còn chú ý đào tạo một lớp giáo viên mới từ những thanh niên lớn lên trong kháng chiến. 

Nhiều trường và lớp sư phạm được mở ra ở Trung ương và các khu, các tỉnh vùng tự do. 

Trong phong trào “Rèn cán chỉnh cơ”, được phát động từ tháng 5 - 1950 và phát triển rầm rộ vào các tháng hè sau đó, lần đầu tiên phương pháp phê bình và tự phê bình được áp dụng trong giáo giới, tạo nên bầu không khí mới trong sinh hoạt của các nhà trường, giúp cho các giáo viên tiến bộ về ý thức nghề nghiệp và kỹ thuật chuyên môn. 

Cuộc CCGD năm 1950 được triển khai ở các vùng tự do, vùng giải phóng từ liên khu V trở ra, còn các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Miền đông và Tây Nam Bộ do điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục học theo chương trình cũ đã cải tiến. 

Trong khi đó tại các vùng do thực dân Pháp tạm chiếm, các trường vẫn dạy học theo hệ phổ thông từ tiểu học đến hết trung học đệ nhị cấp là 12 năm. 

Nội dung và chương trình học gần giống như trước năm 1945. 

Trong vùng tự do, tháng 2-1951, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng) do Đại hội lần thứ hai thông qua đó nhấn mạnh: “Để đào tạo con người mới và cán bộ mới và để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc phải bài trừ những di tích văn hóa giáo dục thực dân và phong kiến, phát triển nền văn hóa giáo dục có tính chất: về hình thức thì dân tộc, về nội dung thì khoa học, về đối tượng thì đại chúng". 

Chính sách văn hóa giáo dục là: “Thủ tiêu nạn mù chữ, cải cách chế độ giáo dục, mở mang các trường chuyên nghiệp. Phát triển khoa học kỹ thuật và văn nghệ nhân dân. Phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc đồng thời học tập văn hóa Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Phát triển văn hóa dân tộc thiểu số" (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, 1951, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 440). 

Mùa hè 1951, nhóm học sinh đầu tiên gồm 21 người được cử sang Liên Xô học tập, mở đầu quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giữa Việt Nam và các nước anh em. 

Trung tuần tháng 7-1951 tại Thanh Hóa, Bộ Quốc gia giáo dục đã tổ chức Hội nghị giáo dục toàn quốc để rút kinh nghiệm các thí điểm cải cách giáo dục và triển khai hệ thống giáo dục mới. Hội nghị đó có mặt đông đủ các đại biểu ở các vùng tự do, vùng bị địch chiếm, miền núi, đồng bằng. 

Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị, có đoạn “kiểm thảo công tác giáo dục để thấy những khuyết điểm mà sửa chữa, những ưu điểm mà phát triển thêm". 

Hội nghị xác định phương châm “giáo dục phục vụ kháng chiến chủ yếu là tiền tuyến, giáo dục phục vụ nhân dân chủ yếu là công nông binh, giáo dục phục vụ sản xuất chủ yếu là nông nghiệp”. 

Nội dung chương trình là chuyển các môn học lịch sử, địa lý, khoa học thường thức ở cấp I thành môn học thống nhất là tập đọc để làm tinh giảm nội dung giảng dạy và cải tiến phương pháp giảng dạy cho phù hợp với lứa tuổi. 

Chương trình tăng gia sản xuất được đưa vào hoạt động chính khóa và sinh hoạt tập thể. 

Hoạt động đoàn thể của học sinh (hiệu đoàn học sinh) được đề cao. 

Tổ chức công đoàn được xây dựng, tổ chức thiếu sinh quân được bãi bỏ. 

Hội nghị nhận định “tình hình giáo dục của toàn quốc tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xét kinh nghiệm những năm vừa qua, chúng ta nhận thấy nhà trường đã bước vào con đường xây dựng chắc chắn. Ta thấy con đường dân chủ nhân dân là con đường độc nhất của giáo dục”. 

Mùa hè 1951, tại Đào Dã (Phú Thọ), Bộ Quốc gia giáo dục đó tập hợp 30 giáo viên giỏi của tất cả các cấp học, tổ chức một trung tâm viết sách giáo khoa. 

Ngày 21-8-1951, khi nói chuyện với cán bộ dự biên soạn sách giáo khoa, Tổng Bí thư Trường  Chinh đề nghị trước hết tập trung vào các môn quốc văn, lịch sử, địa lý và chính trị thường thức. 

Tháng 9-1951, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 đã đề ra nhiệm vụ, phương châm của công tác giáo dục trong giai đoạn mới là: "tiếp tục công tác sửa chữa chương trình, soạn sách giáo khoa, phát triển giáo dục các tầng lớp công nông" (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, 1951, Nxb CTQG,Hà Nội, 2001, tr 582). 

Cuối năm 1951, Bộ Quốc gia giáo dục đã có Nghị định chỉ đạo áp dụng Kế hoạch giảng dạy theo chương trình mới, tập trung vào các môn quốc văn, toán, lý, sinh ngữ (sau đó môn sinh ngữ tạm hoãn vì thiếu điều kiện học tập). 

Năm 1952, sự nghiệp giáo dục được đẩy mạnh, tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm là: Xúc tiến tiếp tục cuộc cải cách giáo dục, nhằm kiện toàn giáo dục phổ thông; Bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân; Xúc tiến công cuộc xây dựng ngành giáo dục chuyên nghiệp; Tiến hành giáo dục chính trị cho cán bộ quản lý. 

Ngoài ra, ngành giáo dục còn có nhiệm vụ hoàn thành công tác thanh toán nạn mù chữ, kiện toàn các cơ sở Dự bị đại học và Y học, chỉnh đốn tổ chức và cải tạo tư tưởng cho cán bộ và học sinh để đẩy mạnh công tác giáo dục, đồng thời kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với công tác trung tâm sản xuất tiết kiệm (Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, Nxb GD, Hà Nội, tr 1069-1070, 1076-1077). 

Kết quả của giáo dục năm 1952 là đã hoàn thành tốt bốn nhiệm vụ đã đặt ra ở trên, song chất lượng giáo dục còn thiếu sót, công việc còn chậm chạp, không tiến kịp những yêu cầu của kháng chiến, tổ chức chưa được chỉnh đốn sát, sự bồi dưỡng tinh thần cho cán bộ chưa làm được mấy". 

Năm 1953, để phục vụ công tác trung tâm số một là Phát động quần chúng, bồi dưỡng lực lượng cho kháng chiến, tiến hành cách mạng phản đế và phản phong, Bộ giáo dục đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện chương trình công tác gồm 6 điểm: Cải tạo tư tưởng cho cán bộ; Bổ túc văn hóa cho nhân dân; Huy động lực lượng các trường phổ thông phục vụ phát động quần chúng; Phát triển giáo dục chuyên nghiệp; Đào tạo cán bộ miền núi; Tăng cường cơ sở giáo dục ở miền mới giải phóng và trong địch hậu", chủ yếu là ba việc đầu (Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, Nxb GD, Hà Nội, tr 1127). 

Thực hiện chương trình công tác đó, năm 1953 ngành giáo dục đã đạt được những tiến bộ mới:  "Sự lãnh đạo dần dần được sát hơn và cụ thể hơn. Cán bộ và học sinh tuy có chỗ lệch lạc nhưng trong phong trào cải tạo tư tưởng và Phát động quần chúng đã tiến bộ hơn trước nhiều. Việc chỉnh đốn tổ chức và nội dung giảng dạy trong công tác Phổ thông và Bổ túc văn hóa tuy chưa được sâu sắc nhưng đã gây được cơ sở tốt để đẩy mạnh ngành giáo dục trong năm tới". 

Năm 1953, nhờ các lớp chỉnh huấn, các cuộc hội nghị, sự thúc đẩy của phong trào Phát động quần chúng mà Bộ đã nắm được tình hình tốt hơn, nhưng vấn đề phát triển giáo dục vẫn chưa phát hiện được đầy đủ và toàn diện, đôi chỗ rất thiếu sót, như ở vùng địch hậu, Tây Bắc, Nam Bộ. Vì vậy, Bộ và các Khu, tỉnh đã thực hiện việc sâu sát trong mọi công tác, vận dụng tất cả kinh nghiệm và khả năng của cán bộ, phát huy mọi tổ chức để nắm vững được tình hình, để dự kiến công tác đúng, để chỉ đạo công tác sát với đà tiến tới càng mãnh liệt của Phát động quần chúng và tiền tuyến (Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, Nxb GD, Hà Nội, tr 11136-1137). 

Bộ đã cử các đoàn cán bộ đi chỉ đạo thực hiện kế hoạch tại ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Thanh Hóa để rút kinh nghiệm hướng dẫn cho các địa phương khác. 


Ngày 14/10/1953, Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong 2 nội các Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm ban hành nghị định số 193-GD/NĐ thay đổi chương trình trung học và áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. 

Về thực chất thì các chương trình Phan Huy Quát và Nguyễn Thành Giung đều chỉ sửa đổi chút ít Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân.

Các Trường Cao Đẳng và Đại Học trong thời kỳ 1945-1954 cũng bị gián đoạn hai niên khóa 1946-1947 và 1947-1948 như các trường Tiểu Học và Trung Học. Từ 1948 cho đến khi Hiệp Định Genève 1954 không có thay đổi nào đáng kể về mặt tổ chức cũng như chương trình ở bậc Đại Học.

Tóm lại, giáo dục Việt Nam thời kỳ 1945 - 1954 đã diễn ra ở hai khu vực khác nhau về mục đích, tính chất. 

Nền giáo dục mới được hình thành sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã tiếp tục được xây dựng, phát triển mạnh ở vùng tự do trong những năm kháng chiến.

Đã hình thành được những quan điểm, phương châm giáo dục đúng đắn, tiến bộ với mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thực hiện quyền được học tập của mọi người dân, vận hành theo nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá, và tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ. 

Những quan điểm, phương châm, nguyên tắc, tôn chỉ giáo dục đó không chỉ đã xây dựng nên nền giáo dục Việt Nam mới, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, kiến quốc thời kỳ 1945-1954 mà còn có giá trị lâu dài đối với nền giáo dục Việt Nam ở các giai đọan sau. 

Đã xây dựng được phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa bước đầu hình thành một xã hội học tập với sự hưởng ứng sôi nổi của quảng đại nhân dân, làm cho số người biết chữ tăng lên đáng kể. 

Đã cải tổ và xây dựng được ngành học phổ thông và đội ngũ giáo viên, học sinh đông đảo, chất lượng ngày càng cao. Ngoài một số thành công như hình thành được ngành học phổ thông mới trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tuy nhiên việc chuyển đổi từ nền giáo dục cũ sang nền giáo dục mới nhiều nơi, nhiều lúc còn chậm và lúng túng. Ở giai đoạn 1945 - 1946, hạn chế đó đã gây trở ngại cho việc thu dung, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, học sinh. Khi kháng chiến nổ ra, việc sơ tán, chuyển đổi môi trường giảng dạy, học tập lúc đầu còn có tư tưởng tạm bợ, một số giáo viên, học sinh không khắc phục được khó khăn nơi sơ tán, phải trở lại vùng tạm bị chiếm.

Bước đột phá quan trọng đưa nền giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện sang giai đoạn mới là cuộc "cải cách giáo dục" và phong trào "rèn cán chỉnh cơ" năm 1950, cuộc CCGD và phong trào “Rèn cán chỉnh cơ” được phát động và thực hiện từ năm 1950 cơ bản đã đưa ngành học này sang giai đoạn mới, cả về quan điểm, chương trình, nội dung giáo dục và xây dựng đội ngũ giáo viên. 

Đã xây dựng được bậc giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong điều kiện kháng chiến. Nét nổi bật trong phát triển giáo dục đại học, cao đẳng những năm kháng chiến là tiếng Việt đã được dùng để dạy và học ở tất cả các bộ môn khoa học. Tiếng Việt từ địa vị phụ thuộc trở thành địa vị làm chủ và là ngôn ngữ chung cho tất cả các dân tộc trong nước và trong văn bản giao lưu quốc tế của Việt Nam. 

Đã hình thành được ngành học mầm non và quan điểm Nhà nước bảo vệ quyền lợi của bà mẹ, trẻ em. Nhiều nơi đã mở các lớp ấu trĩ, vỡ lòng, khai tâm. Phần lớn giáo viên là những người dạy bình dân học vụ kiêm nghiệm, với tinh thần “công tâm”. 

Đã quan tâm đúng mức giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tạm bị chiếm. Phòng giáo dục Quốc dân miền núi của Bộ, Phòng giáo dục Thượng du các liên khu đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ giáo dục cho các vùng đặc biệt này, với những chế độ ưu đãi, khuyến khích.  

Đã chú trọng việc dân chủ hóa nhà trường, xây dựng các quy chế quản lý, xây dựng đoàn thể chính trị và giáo dục tư tưởng trong nhà trường, chú ý đưa giáo dục phục vụ kháng chiến và đấu tranh chống giáo dục phản động ở vùng địch hậu. Việc kết hợp giáo dục ở nhà trường với thực tế cuộc kháng chiến, kiến quốc, thực hiện các công tác xã hội được giáo viên, học sinh thực hiện ngày càng sâu rộng. Phần đông học sinh, sinh viên có tinh thần khắc phục thiếu thốn, bám theo trường lớp đi sơ tán, tích cực tăng gia sản xuất tự túc, chăm chỉ học tập, chú ý rèn luyện đạo đức, tư tưởng.  

Trong cuộc CCGD năm 1950, việc sắp xếp từ hệ thống phổ thông cũ 12 năm thành hệ thống mới 9 năm còn thiếu đồng bộ trong kế hoạch; chương trình, tổ chức học tập, chưa phục vụ đắc lực nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm. Sách giáo khoa in ấn chậm, phát hành chưa cấn đối. 

Cán bộ phụ trách, quản lý giáo dục còn thiếu và yếu, việc sử dụng cán bộ, bố trí giáo viên chưa hợp lý, phí phạm, lương, phụ cấp còn thấp. Tổ chức đoàn thể của giáo viên, học sinh trong các trường chưa làm tốt chức năng của mình. Sự phối hợp giữa địa phương với nhà trường có nơi lỏng lẻo, có nơi, có lúc lại quá mức cần thiết. Chất lượng giáo dục trường tư thục còn thấp. Công tác thanh tra giáo dục chưa toàn diện, thiếu kịp thời… (Nguyễn Văn Huyên, Toàn tập, tập 3, Nxb GD, Hà Nội, tr 1071-1077). Số học sinh có tăng lên, song nữ sinh còn thấp so với nam sinh (nơi cao như Liên khu IV cũng chỉ có 20%). 

Giáo dục bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, giáo dục chuyên nghiệp còn nhiều lệch lạc, không sát với khả năng và nhu cầu của nhân dân, phong trào thiếu liên tục, sâu rộng. Có nơi mở lớp bình dân học vụ tràn lan, không có sự theo dõi, kiểm tra, nên việc dạy và học chỉ có tính chất phong trào, hình thức, lãnh phí thì giờ và lực lượng. Chương tình, nội dung, phương pháp dạy và học của các trường phổ thông lao động chưa phù hợp, chưa gắn với thực tế kháng chiến và kiến quốc. Số trường chuyên nghiệp không phát triển được mấy. Việc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất trong nhân dân còn hạn chế, việc hướng nghiệp cho học sinh các trường, lớp phổ thông, bổ túc văn hóa thiếu kế hoạch,… 

Việc giáo dục chính trị nhiều nơi chưa kịp thời, đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Nhìn chung, việc này thường tập trung đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Bộ, Liên khu, tỉnh, còn cấp cơ sở, các trường và trong học sinh, sinh viên chưa được chú ý đúng mức, chưa sát thực tế. 

Phong trào "Rèn cán chỉnh cơ" năm 1950, trong kiểm thảo phê bình, tự phê bình, có nơi thái quá, có nơi lại coi nhẹ. Những thiếu sót, hạn chế đó đã làm giảm sút phần nào thành tích của giáo dục Việt Nam thời kỳ kháng chiến. 

Những năm 1953-1954, do thắng lợi của cuộc kháng chiến tác động tới và do kẻ địch tăng cường tuyên truyền, mở nhiều cuộc càn quét, bắt lính, cướp phá phục vụ chiến tranh, nên hoạt động giáo dục do chính quyền đối phương quản lý gặp khó khăn. 

Nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên mất lòng tin vào chế độ thực dân, tay sai, dẫn tới việc chán học, bỏ học, một số tìm đường ra vùng tự do đi theo kháng chiến. 

Nắm vững đặc điểm truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc để có có niềm tin, có quan điểm, định hướng giáo dục đúng đắn, phù hợp với nhân dân. Từ đó mà đề ra các nguyên tắc, phương châm đúng đắn cho giáo dục là phát triển theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, là nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập của của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Coi trọng giáo dục đào tạo trong sự nghiệp cách mạng, coi giáo dục đào tạo là sự nghiệp trồng người, là đầu tư cho lâu dài, để có chủ trương, chính sách đúng với vai trò, vị trí “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Dù khó khăn đến đâu cũng phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức và thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo, phải dạy tốt, học tốt để xây dựng lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. 

Xây dựng nền giáo dục gắn liền với đời sống xã hội và nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, kết hợp lợi ích của xã hội với lợi ích học tập của cá nhân người học. Từ đó làm cho giáo dục có ý thức tự coi mình là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, phải phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đó, đồng thời qua đó mà đưa lại lợi ích thiết thực cho học sinh, sinh viên, nhân dân nhất là về trình độ học vấn, khả năng hội nhập cộng đồng, cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. 

Thể chế hoá quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng thành các chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể của ngành giáo dục đào tạo. Các chủ trương, biện pháp đó phải vừa bảo đảm tính nguyên tắc, tập trung, đồng thời có sự linh hoạt, dân chủ phù hợp với từng thời kỳ, từng hoàn cảnh của đất nước, vừa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hài hòa các quan hệ ngang và dọc để tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất.   

Xây dựng nền giáo dục gắn bó với quần chúng nhân dân, thực hiện dân chủ, dựa vào dân và nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh trong quá trình xây dựng, phát triển. Phải phát huy quyền làm chủ của đội ngũ giáo viên, công chức và học sinh, sinh viên, thu hút sự quan tâm của địa phương và nhân dân để họ tích cực tham gia quản lý, đóng góp công sức xây dựng nhà trường, 

Thường xuyên coi trọng và không ngừng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, nhân tố quan trọng quyết định thành bại của sự phát triển giáo dục về số lượng cũng như chất lượng. 

Từ đó làm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và làm tốt chức năng không chỉ là người truyền bá kiến thức cho học sinh, sinh viên và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường, mà còn giáo dục cho học sinh, sinh viên tư tưởng đạo đức tiến bộ, ý thức tổ chức kỷ luật cao, thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, hướng dẫn học sinh tham gia sản xuất, công tác, làm cho cán bộ, giáo viên thực sự trở thành tấm gương về mọi phương diện để học sinh, sinh viên noi theo. 

Nào bây giờ ta cùng "tiếc nuối vô bờ bến nền Giáo dục VNCHvới Dr. Nikoniandưới đây, Khoằm chèn thêm các đoạn sưm tầm về nền giáo dục của VNDCCH (phông chữ bình thường có chân) và các đoạn so sánh với nền giáo dục của VNCH (của những thành phần "tiếc nuối vô bờ bến nền Giáo dục VNCH" bằng phông chữ mờ không có chân) vào thời đó, vào bài chép từ blog  Dr. Nikonian





Nhìn lại nền Giáo dục VNCH
Sự tiếc nuối vô bờ bến
(sic Nhãn dán)
Sách giáo khoa thời VNCH


Sách giáo khoa thời VNCH


Quốc Trưởng Bảo Đại lập chính phủ Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn.

Trong suốt thời gian làm Quốc Trưởng, Hoàng thân Vĩnh Thụy đều ở bên Pháp, và từ Pháp ông cử các vị Thủ Tướng tại miền Nam Việt Nam, Thủ Tướng Trần Văn Hữu rồi Nguyễn Văn Tâm. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam tổ chức nền Giáo Dục trong khoảng năm 1948 - 1954, Bộ Trưởng Giáo Dục là ông Vương Quang Nhường. 

Từ năm 1948 đến năm 1954, chính phủ Quốc Gia tổ chức các kỳ thi Trung Học, Tú Tài I và II bằng tiếng Việt, còn Đại Học vẫn bằng tiếng Pháp. Chỉ có trường Đại Học Văn Khoa tại Hà Nội là dạy bằng tiếng Việt được chính phủ Quốc Gia Việt Nam mở ra năm 1950 và trực thuộc Bộ Giáo Dục. 

Ngoài ra cũng tại Hà Nội, chính phủ Quốc Gia còn tổ chức được trường Cao Đẳng Sư Phạm gồm có 2 ban Khoa Học và Văn Chương cũng dạy bằng tiếng Việt để cung cấp Giáo sư Trung học Đệ Nhất Cấp. Còn tất cả các trường Đại Học khác kể cả trường Luật, từ Viện Trưởng đến Khoa Trưởng và hầu hết các Giáo sư đều là người Pháp, tất nhiên dạy và học bằng tiếng Pháp.

Các trường của Pháp ở Hà Nội (Lycée Albert Sarraut) cũng như ở Sài Gòn (Chasseloup Laubat), học sinh được phép thi bằng Tú Tài của Pháp cũng giống như thời Pháp thuộc. Tú Tài Pháp hay Việt cũng đều được phép ghi danh vào Đại Học như nhau và thí sinh không phải thi vào.

Trung Học Đệ Nhất Cấp không phân ban, chỉ có Trung Học Đệ Nhị Cấp phân ban rõ rệt và có 3 lớp, tương đương với lớp 10, 11 và 12 ngày nay. Học sinh học hết lớp 11 thi Tú Tài I, nếu đậu được học lớp 12 và cuối năm 12, thi Tú Tài II.

Chính phủ Quốc Gia Việt Nam cũng đã tổ chức được 4 ban khác nhau là A, B, C, D cho bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp hay trong kỳ thi Tú Tài, như sau:

  Ban  A đặt trọng tâm vào Vạn Vật Lý Hóa
  Ban  
B trọng tâm là Toán Lý Hóa
  Ban  
C chú trọng về Triết Học và các Sinh Ngữ Anh,  Pháp
  Ban 
D chú trọng về Hán Văn, cộng một sinh ngữ nữa thí dụ như Anh hoặc Pháp và Triết Học. Riêng phần Triết Học học thêm về Triết Học Đông Phương thí dụ như Lão Tử.

Ban A Tú Tài II có môn Triết Học hệ số 3, môn Lý Hóa hệ số 3 và môn Vạn Vật Học cũng hệ số 3. Phần Triết Học của ban A, ngoài Luận Lý Học, có thêm phần Tâm Lý Học và phần này sẽ giúp cho các học sinh ban A khi lên Đại Học có thể theo học Y Khoa để biết tâm lý của bệnh nhân. Ngoài ra, môn Vạn Vật của Tú Tài II, ban A cũng chuyên chú về thân thể con người ta và phần này cũng giúp ích cho các sinh viên Y Khoa tương lai.

Ban B Tú Tài II, thi viết gồm có 3 môn chính. Môn Toán Học hệ số 4, môn Lý Hóa hệ số 3 và môn Triết Học hệ số 1. Triết Học ban B chỉ chuyên nhiều về Luận Lý Học vì phần này giúp ích cho luận lý khoa Học. Đặc biệt, môn Toán Học ban B gồm 7 môn Toán: Hình Học, Đại Số Học, Cơ Học, Hình Học Họa Hình, Số Học, Thiên Văn Học, và Lượng Giác Học.

Phần chính của Ban B Tú Tài II là Hình Học, chứa đựng nhiều phần phức tạp như các phép biến đổi vị tự, nghịch đảo, đối cực, trục đẳng phương,… và phần sau bao gồm 3 hình Cônic là Ellipse, Parabole và Hyperbole. Tất cả các hình Cônic này đều dùng định nghĩa của Quỹ Tích, thí dụ:

Ellipse là quỹ tích của tất cả những điểm trên mặt phẳng có tổng số khoảng cách đến hai điểm cố định (gọi là tiêu điểm), bằng một hằng số.

Parabole là quỹ tích của các điểm trên mặt phẳng mà khoảng cách từ điểm đó đến tiêu điểm, bằng khoảng cách từ điểm đó đến một đưởng thẳng (gọi là đưởng chuẩn).

Hyperbole là quỹ tích của những điểm trên mặt phẳng mà hiệu số khoảng cách đến hai điểm cố định (tiêu điểm), bằng một hằng số.

Những môn khác thì có Đại Số Học gồm Giải Tích và một phần Tích Phân, Cơ Học gồm Cơ Học Chất Điểm và Cố Thể trên mặt phẳng có ma sát hay không ma sát, Hình Học Họa Hình, Lượng Giác Học. Ngoài ra còn có môn Thiên Văn Học học về sự chuyển động của các vì tinh tú, nhật thực và nguyệt thực, ngày đêm dài ngắn khác nhau và tại sao ngày mùa đông thì ngắn hơn ngày mùa hè. Ấy là chưa kể môn học rất phức tạp, đó là môn Số Học (Arithmétique) và nếu môn Toán này được ra trong kỳ thi Viết, thí sinh chỉ có nước ngậm viết mà thôi.

Trong những đề thi Tú Tài II về Lượng Giác, thí sinh phải dùng bảng Logarithm để giải Toán, cho nên nhiều người thi rớt môn này. Và mặc dầu môn Hình Học Phẳng là môn khó nhất nhưng nếu thí sinh Tú Tài II gặp đề này thường dễ đậu hơn vì lý do trong suốt năm học, họ thường bỏ nhiều thì giờ để học môn Hình Học Phẳng và dường như cả thầy lẫn trò không còn đủ thì giờ làm các môn khác như Thiên Văn, Số Học và Lượng Giác chỉ vì rằng 7 môn Toán học chỉ được dạy 8 giờ một tuần. Dù giảng dạy bằng tiếng Việt và bài vở được dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt nhưng cách học trong thời gian này hoàn toàn theo Pháp, mang tính chất nhồi sọ và không giúp học trò Tú Tài II phát triển tính luận lý diễn dịch của Toán Học.

Học sinh Tú Tài II ban B sau khi đậu thường tiếp tục việc học ở Đại Học Khoa Học và các trường Kỹ Sư hoặc đi du học ngoại quốc.

Tú Tài II ban C thi viết gồm có môn Triết Học hệ số 4, môn Sinh Ngữ 1 hệ số 3 và Sinh Ngữ 2 hệ số 2. Sinh Ngữ mà các thí sinh ưa chọn là Anh Văn và Pháp văn. Tuy nhiên, trình độ sinh ngữ của ban C lớp 12 (đệ nhất) dù là ban Pháp văn (sinh ngữ 1) vẫn thua xa trình độ học sinh trường Pháp lớp tốt nghiệp Trung học Đệ Nhất Cấp (Brevet). Bởi vậy, rất nhiều học trò trường Tây sau thi rớt Tú Tài Pháp nếu chuyển sang thi Tú Tài Việt Nam, họ đậu một cách dễ dàng.

Phần Triết Học của Tú Tài II ban C gồm có Luận Lý Học, Đạo Đức Học, Tâm Lý Học và Siêu Hình Học (Métaphysique). Riêng môn Siêu Hình được dạy về những vấn đề không tưởng ngả về tôn giáo nhiều hơn, thí dụ học về Thượng Đế. Như vậy, học sinh theo học ban C có khuynh hướng lên Đại Học Văn Khoa hoặc là học làm Linh Mục.

Thời gian này, Chính phủ Quốc gia lựa những người đi du học tại Mỹ chỉ cần thi đủ điểm Anh Văn, cho nên các sinh viên Việt Nam Tú Tài II ban C thi đậu dễ hơn các sinh viên ban khác nhưng thường thất bại khi đi du học vì không có căn bản về Toán Lý Hóa. Trong khi đó bất cứ trường Đại học nào ở Mỹ dù học về Kinh Tế, Tài Chánh hay Quản Trị Xí Nghiệp cũng đòi hỏi một số lớp Toán căn bản trong 2 năm đầu tiên.

Tú Tài II ban D, sinh ngữ 1 là Hán Văn, đề thi gồm có Triết Học hệ số 4, Hán Văn hệ số 3 và một sinh ngữ hoặc Anh hoặc Pháp có hệ số 2. Phần Triết Học cũng giống như ban C chỉ có phần Hán Văn thì chỉ những người nào có căn bản Hán Học chẳng hạn con cái của các cụ đồ Nho cũ hay người Việt gốc Hoa mới thi nổi ban Hán Văn. Cũng như ban C, học sinh tốt nghiệp Tú Tài II ban D thường tiếp tục việc học của họ ở Đại Học Văn Khoa học ban Việt Hán, và sau khi tốt nghiệp họ trở thành Giáo Sư Trung học dạy Việt Văn và Hán Văn tại những trường Trung Học nào có tổ chức ban D. Sinh viên Việt gốc Hoa, sau khi tốt nghiệp Tú Tài II ban D thường sang du học ở Hồng Kông hoặc Đài Loan để tiếp tục bậc Đại Học.

Sau khi đậu các môn thi Viết, tất cả các thí sinh Tú Tài II đều được vào Vấn Đáp từ 1 đến 3 ngày để thi tất cả các môn có trong chương trình khảo thí. Thí dụ như ban khoa học B phải thi lại Triết, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật, Sử, Địa, Anh Văn, Pháp Văn.

Mặc dầu thi cử bằng tiếng Việt nhưng tỷ số thi đậu Tú Tài I thường rất thấp, độ khoảng từ 15 đến 30% trong mỗi kỳ thi, trong khi Tú Tài II đậu khoảng từ 30 đến 45%.

Trong giai đoạn này, việc học Đại học vẫn giống như của Pháp chỉ có sự khác biệt là trường Đại Học Khoa Học trước kia cần 3 chứng chỉ để tốt nghiệp Cử Nhân, bấy giờ thành 4 chứng chỉ và thời gian theo học tối thiểu là 4 năm thay vì 3 năm như trước. Trường Luật chưa có gì thay đổi vẫn 3 năm, trưởng Dược vẫn 5 năm, trường Y vẫn 7 năm, trường Nha vẫn 5 năm, vẫn giống như thời Pháp Thuộc.

Do nền học ở Trung học hoàn toàn bằng tiếng Việt và Đại học thì hoàn toàn bằng tiếng Pháp cho nên các sinh viên khi lên Đại học rất vất vả, vì vậy ta thấy tỷ số thi đậu ở bậc Đại Học rất thấp. Trường Dược, Nha và Y khoa dạy nghề chuyên môn có tỷ số tốt nghiệp cao hơn. 

Như đã đề cập trong phần trước, tại các bậc Đại Học trong giai đoạn này, toàn thể các môn vẫn được giảng dạy bằng tiếng Pháp ở những trường Luật Khoa, Khoa Học, Y Khoa, Nha Khoa, Dược Khoa, trường Kỹ Sư Công Chánh vì phần lớn giáo sư từ Pháp gửi sang, chỉ trừ phân khoa Văn Khoa và Cao Đẳng Sư Phạm mở tại Hà Nội năm 1950, dạy bằng tiếng Việt. Điều kiện nhập học trường Cao Đẳng Sư Phạm, thí sinh cần có bằng Tú Tài II và nộp đơn theo học 2 năm.

Trường Cán Sự Vô Tuyến Điện có nhận dạy Cán Sự, học hai năm và điều kiện nhập học đòi hỏi học sinh phải có văn bằng Trung học Phổ Thông. 

Ngoài ra, chính phủ Quốc Gia còn tổ chức mở trường Đại Học Quốc Gia Hành Chánh từ năm 1952 khởi đầu tại Đà Lạt. Muốn vào trường này, sinh viên phải có văn bằng Tú Tài II và ghi danh theo học với học trình là 3 năm, được giảng dạy hoàn toàn cũng bằng tiếng Việt. Trường này cốt đào tạo Đốc Sự Hành Chánh, những năm về sau trường phát triển thêm ngành Tài Chánh. Những người tốt nghiệp ban Đốc Sự thường được cử làm Phụ Tá Tỉnh Trường (Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh) còn những người tốt nghiệp ban Tài Chánh được bổ làm trưởng Ty Thuế Vụ ở mỗi tỉnh.

Trường học trong vùng kiểm soát của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:

1946-1950: Tổ chức được các kỳ thi Tiểu học, Trung học Phổ thông và Tú Tài, bỏ Tú Tài I từ năm 1946 nên chỉ gọi Tú Tài Toàn Phần.

1950-1954: Các kỷ thi Tú Tài và Trung Học không còn tổ chức được nữa vì lý do chiến sự lan tràn, bởi vậy nền giáo dục ở miền Bắc do chính phủ này kiểm soát, bậc Trung học chỉ tới lớp 9 mà thôi, nghĩa là Trung học không có phân ban và học trình chỉ có 4 năm thay vì 7 năm.

Đặc điểm của nền Trung Học này là nâng hệ số của môn Toán lên 6, còn tất cả các môn khác chỉ là hệ số 1 hay hệ số 2 vì lý do có một số người lãnh đạo giáo dục muốn học sinh chú trọng đến môn Toán để sau này có thể theo học các môn Khoa Học và Kỹ Thuật để phát triển đất nước trong tương lai.

Như vậy trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ tổ chức được một nền giáo dục rất yếu kém và nền Trung Học chỉ tới lớp 9. 

Từ lúc xuất hiện Quốc Gia Việt Nam tới năm 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã xây dựng một nền Tiểu Học 5 năm trong đó bỏ lớp Nhì năm thứ 2 có từ thời Pháp thuộc. Và nền Trung Học có thời gian 7 năm, thi Tú Tài có 2 sinh ngữ : sinh ngữ 1 và sinh ngữ 2. 

Nền giáo dục ở bậc Đại Học gần như không có gì thay đổi vì sự quản trị hoàn toàn vẫn do giáo sư người Pháp điều hành. Tuy vậy nhưng cũng có rất ít thay đổi thí dụ ban Cử Nhân Khoa Học trước năm 1945 chỉ có 3 chứng chỉ nay lên 4 chứng chỉ và trước năm 1945 không cấp phát văn bằng Cử Nhân Toán, nay cấp phát được bằng Cử Nhân Toán. 

Điều đáng kể là chứng chỉ Vi Tích Phân Toán Học chỉ mở tại Sài Gòn, sinh viên không cần phải qua Pháp để hoàn tất như trong thời Pháp thuộc. Như vậy có nghĩa rằng muốn có văn bằng Cử Nhân Toán Học, các sinh viên Khoa Học tại Hà Nội phải vào Sài Gỏn học chứng chỉ đó để hoàn tất Cử Nhân Toán Học. 

Lúc này, Cử Nhân Giáo Khoa Toán gồm các chứng chỉ Toán Đại Cương, Cơ Học Thuần Lý, Vi Tích Phân Toán và Vật Lý Học Đại Cương.
Cử Nhân Giáo Khoa Lý Hóa gồm các chứng chỉ Toán Lý Hóa ( hoặc Toán Đại Cương), Vật Lý học Đại Cương, Hóa học Đại Cương, Cơ học Thuấn Lý (hay Vi Tích Phân Toán).
Cử Nhân Giáo Khoa Vạn Vật gồm có chứng chỉ Lý Hóa Nhiên, Thực Vật Đại Cương, Khoáng Vật Đại Cương, Sinh Vật Đại Cương.

Những năm 1950-1954, gần như không còn tổ chức các kỳ thi nào nữa vì lý do chiến tranh.

Tóm lại, chính phủ Quốc Gia trong những năm 1949-1954 tổ chức được nền Tiểu Học (5 năm) và Trung Học (7 năm), các kỳ thi Tú Tài I và II bằng tiếng Việt. Đại Học Văn Khoa, Hành Chánh và Cao Đẳng Sư Phạm cũng được tổ chức bằng tiếng Việt còn tất cả các Đại Học khác đều bằng tiếng Pháp kể cả trường kỹ sư Công Chánh và trường Cán Sự Vô Tuyến Điện. 

Ngoài ra, với chính sách chiêu hồi, học sinh nào có bằng Tú Tài do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cấp đều được thi bằng Tú Tài tương đương, chỉ thi Viết mà không phải thi Vấn Đáp và chương trình thi được giới hạn, thí dụ Toán có 7 môn nhưng chỉ thi 2 hoặc 3 môn. Thí sinh chỉ thi những môn chính như Toán Lý Hóa và Triết vì Tú Tài ở hậu phương (những vùng kiểm soát của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) không có chia ban cho nên Tú Tài tương đương cũng không có chia ban và vì chương trình này nhẹ hơn Tú Tài II nhiều nên tỷ số đậu từ 60 đến 80%, và được phép lên Đại Học nếu đậu.

Cách tổ chức này kéo dài đến năm 1974 và chỉ có sự thay đổi nhỏ là năm 1965 tách rời chứng chỉ lớn thành chứng chỉ nhó.


Nền giáo dục trong miền Nam do chính phủ Quốc Gia Việt Nam quản lý chỉ tạo được một nền kinh tế tương đối yếu kém nhưng nhờ có vựa lúa ở miền Nam trù phú cho nên người dân không bị chết đói dù rằng lúc bấy giờ viện trợ của Mỹ Quốc chưa đến tay của nhân dân Việt nam. 

Trong khi đó, những vùng do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát, nền kinh tế quay lại thời sơ khai nhân dân rất đói khổ ăn độn ngô khoai sắn (bắp, khoai lang, khoai mì) và nhờ vào viện trợ của Trung Cộng.


Một nền giáo dục tử tế thì như thế này này, thưa quí vị!

Hôm nay, VietNam Net đăng bài viết đặc sắc này. Xét vì giá trị lịch sử sống động, chứng cứ xác thực, hình ảnh minh hoạ rất công phu…, tôi xin phép tác giả đăng lại nguyên văn bài viết ở đây. Tự thân những dẫn chứng và hình ảnh trong bài viết này đã nói lên chân lý: “vì lợi ích trăm năm trồng người” và chỉ cách để biến chân lý ấy thành sự thực, thay vì những khẩu hiệu suông,
Là người đã được may mắn hấp thu một phần của nền giáo dục ưu tú này và là thành viên của một gia đình giáo chức miền Nam, tôi chia sẻ “niềm tiếc nuối vô bờ bến” của người đã dụng công viết bài này.
Chân thành cảm ơn tác giả.
____________________________________

Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến

sc3a1ch-gic3a1o-khoa
Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng “nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí”, “nền giáo dục đại học được tự trị”, và “những người có khả năngmà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”. Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương.
1468720_354694488000497_1492264788_n
Phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Sài Gòn (Internet)
Tổng quan
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Campuchia. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam – còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.
PKý lễ
Một buổi lễ ở trường Petrus Ký ( trường Lê Hồng Phong ngày nay )
Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ Nhất Cộng Hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở Miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trunghọc, và 101.454 sinh viên đại học; số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số. Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Hành Chính Quốc Gia và ở các trường đại học cộng đồng).
Cảnh giờ rước học sinh.
Cảnh giờ rước học sinh tan trường.
Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh vànhững bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển. Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo cóý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia, và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở Miền Nam Việt Nam.
750Thay_Co_truong_QGNT
Thầy cô giáo ( Giáo sư ) thời VNCH 

Triết lý giáo dục

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế, Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu họcđến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” được chính thức hóa ởhội nghị này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967).
vnch-giao-duc6
Khóa Hội Thảo Cải Tổ Chương Trình Sư Phạm.
Quan điểm về giáo dục VNDCCH trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: 

Một là, giáo dục phải gắn với với mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ

Hai là, nội dung giáo dục toàn diện

Ba là, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn 
Giáo dục toàn diện, theo Hồ Chí Minh, bao gồm thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục và kết hợp các nội dung trên: 

- Thể dục: để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu). 
Kiến thức là đặc biệt cần thiết để kiến thiết quốc gia, bảo vệ đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách, bên cạnh tài thì đức là một nhân tố quan trọng để tập hợp, động viên lực lượng thực hiện mọi công việc của đất nước, của nhân loại: “giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế,  y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. 

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn việc vận dụng nội dung giáo dục cho mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, bậc học:

Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu.
Các em cần rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm.
Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.

Ở xã hội thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung...

Trong Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vai trò của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì  đến kinh tế văn hoá”.

Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục đào tạo: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. chúng ta phải đào tạo ra các công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang”. 

Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 tại Điều 33 ghi: "Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hoá, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó".

Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng

Căn bản của sự phát triển hệ thống giáo dục VNCH trong thời gian 1954-1974 có thể xem như bắt nguồn từ sự phổ biến quyển Luật lệ về Giáo Dục của Albert Sarraut, toàn quyền Liên Bang Đông Dương, vào năm 1917. 

Trước khi người Pháp ban hành một chính sách giáo dục ở VN, trong một thời gian nhiều thế kỷ,  VN đã rập khuôn theo hệ thống giáo dục Khổng giáo.

Mặc dù Liên Bang Đông Dương được thành hình từ 1887, mãi đến 1917 người Pháp mới thành công trong việc thành lập một chính phủ ổn định cho Liên Bang và quyết định thay thế nền giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục Pháp.  

Đây chỉ là sự áp đặt nền giáo dục Pháp vào xã hội VN (và Đông Dương nói chung). 

Pháp đã dùng giáo dục như là một dụng cụ phổ biến văn hóa Pháp đến các thuộc địa.

Pháp ngữ đã được dùng làm chuyển ngữ chính thức ở các học đường và trong các cơ quan công quyền.

Trừ những năm đầu của bậc tiểu học, quốc ngữ (Việt ngữ) chỉ giữ một vai trò nhỏ trong chương trình học như là một ngoại ngữ.

Ngay trong thời Pháp thuộc, một số nhân sĩ  VN đã tỏ bày với các vua nhà Nguyễn về những ý tưởng liên quan đến việc hiện đại hóa giáo dục ở VN. 

Các ông Đinh văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định, Nguyễn Trường Tộ là những người tiên phong.  
Những vị trong phong trào Đông du cũng đã phổ biến những ý tưởng về cải tổ giáo dục.  

Từ năm 1941, đã có những bình luận về các khuyết điểm của giáo dục VN.  

Có người đã chỉ rõ rằng cải tổ là một điều phải làm. 

Đại ý của khuynh hướng mới nầy là làm sao có một nền giáo dục mới thích hợp với nhu cầu của xã hội tương lai.  

Mẫu người Việt lý tưởng được nêu ra với những đặc điểm sau:  một cơ thể mạnh khỏe,  hoạt động,  tự tin, có óc khoa học, và thực tiễn, và có một tinh thần quốc gia.  

Tình trạng nầy kéo dài cho đến năm 1945, khi chánh phủ Trần Trọng Kim được thành lập. 

Thủ Tướng Trần Trọng Kim cho xúc tiến và thay đổi trong giáo dục và cho bắt đầu một chương trình giáo dục VN.

Chương trình mới nầy có tên  “chương trình Hoàng Xuân Hản.”

Trên thực tế, chương trình nầy là bản dịch của chương trình đã dùng dưới thời Pháp thuộc.

Việt ngữ, Khoa học và Toán học được chú trọng.

Trung và Bắc Phần VN bắt đầu dùng Việt ngữ trong việc giảng dạy ở bậc Trung học.

Tuy nhiên, thực sự chưa có gì thay đổi một cách sâu rộng, vì hệ thống trường học và chương trình vẫn rập khuôn theo chương trình Pháp.

Sau 1945, tinh thần độc lập và tinh thần quốc gia càng ngày càng sáng tỏ hơn.

Chính điều nầy là chất xúc tác cho việc phát triển của hệ thống giáo dục địa phương.

Ngay từ năm 1948, Hội thảo giáo dục toàn quốc có nhấn mạnh đặc điểm kiến tạo tuổi trẻ như là một điều cần thiết cho sự sinh tồn của quốc gia.
Từ năm 1951, ở Nam Phần VN tất cả các môn học ở bậc trung học đều được giảng dạy bằng Việt ngữ.

Và cứ mỗi năm sau đó, Việt ngữ được dùng ở lớp kế tiếp cho đến khi tất cả các lớp ở bậc  Trung học đều dùng Việt ngữ.
Trước khi có một nền giáo dục dạy bằng tiếng Việt cho Tiểu học và Trung học, VN đã nhận hai truyền thống giáo dục:  truyền thống “Khổng giáo” hay “Nho giáo” của Trung Hoa và  truyền thống “cổ điển” của Pháp.
Năm 1954, Pháp ký hiệp đinh Geneva, giao miền bắc vĩ tuyến 17 cho cộng sản VN, và miền Nam vĩ tuyến nầy cho một chánh phủ thuộc khối tự do. 

Xin nhắc lại, tất cả những sự kiện lịch sử hay giáo dục trong khoảng 1954-1974 chỉ liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa hay Nam VN mà thôi.  

Năm 1955 quân đội Pháp hoàn toàn rút khỏi Nam VN và đệ nhất Cộng Hòa được thành lập. 

Trong khung cảnh chính trị đó, trong những năm đầu của nền Cộng Hòa, giáo dục chỉ là một sự nối tiếp  của những gì đã có. 

Với không khí mới của một nền Cộng Hòa, nhiều ý tưởng giáo dục mới được bàn cãi rất nhiều.  

Nhưng thực sự những người có trách nhiệm về giáo dục còn lúng túng, và đang tìm một hướng đi cho giáo dục VN lúc đó.

Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. 

Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.

Người Việt Quốc Gia, thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa đã có một triết lý giáo dục rất tốt do sự nghiên cứu của nhiều thành phần trong xã hội, các học giả độc lập, có trình độ trí thức và luận lý cao, thêm vào một lòng yêu nước chân thật.

Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.

Cuộc “Hội thảo Giáo dục Toàn Quốc” (lần thứ nhất) được tổ chức năm 1958 dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế, Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. 

Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật…

Hội thảo đã chú ý tới và đem đến cho giáo dục VN một cái nhìn mới liên quan đến triết lý giáo dục bằng cách đề nghị ba nguyên tắc hướng dẫn cho một nước Cộng Hòa VN trong khuynh hướng dân chủ.  

Ba nguyên tắc (hay đường hướng, triết lý) đó là: nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” (ăn cắp từ SẮC LỆNH SỐ 146 VỀ ĐẶT NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1946!) được chính thức hóa ở hội nghị này.

1. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản.
Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốclấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa cáccá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá conngười, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôngiáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
vnch-giao-duc1 (1)
·         Giáo dục VN là một nền giáo dục “nhân bản”:
Giáo dục phải tôn trọng những giá trị thiêng liêng của con người, coi con người là một cứu cánh, và chú trọng vào sự phát triển toàn diện của con người.



2. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục dân tộc.
Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thốngtốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thếhệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong nhữngnền văn hóa khác.
Sinh viên đại học Dược Khoa Sài Gòn gói bánh chưng để đem giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt năm Thìn 1964
Sinh viên đại học Dược Khoa Sài Gòn gói bánh chưng để đem giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt năm Thìn 1964.
        Giáo dục VN phải là một nền giáo dục “dân tộc.”

Giáo dục phải tôn trọng những giá trị quốc gia và phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên của con người (gia đình, nghề nghiệp, quốc gia) và bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc.
Truyền thống giáo dục Nho giáo
Có thể nói trong 10 thế kỷ trước khoảng thời gian 54-74, cuộc sống ở VN mang tính chất Khổng giáo hay còn gọi là Nho giáo. 
Mặc dầu vài thế kỷ sau cùng VN có nhiều tiếp xúc với văn minh tây phương, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo trên các liên hệ xã hội và tổ chức xã hội vẫn còn rất nhiều.
·         Nguồn gốc
Nho giáo, có nguồn gốc ở Trung Hoa (TH) có thể coi như một hệ thống đạo đức học, một triết học, hay một tôn giáo.  
Những điều giảng dạy của Khổng Tử đều đặt căn bản trên nguyên tắc đạo đức và sự liên hệ giữa con người với nhau.  
Khổng Tử ít chú trọng vào những lý luận liên hệ đến siêu hình học.  
Ông nghĩ rằng chỉ trừ những bậc thiên tài, người thường không thể và không cần hiểu những vấn đề siêu hình.  
Ông không coi mình là người sáng lập ra một tôn giáo và cũng không giảng dạy về tôn giáo.  
Chính các môn đệ của ông và những học giả nho gia đã phổ biến triết lý của ông qua những tác phẩm của họ.   
Những quyển sách liên hệ đến Nho giáo và các ý tưởng của Khổng Tử gồm có Ngũ Kinh (Kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, và Kinh Xuân Thu), và Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, và Luận Ngữ). 
·         Những nguyên tắc căn bản của Nho giáo
Theo ông Lin Yutang, (Lâm Ngữ Đường)  nhận định triết lý cao đẹp nhất của Khổng Tử là sự đo lường con người bằng con người.  
Khổng Tử chú trọng nhiều vào sự liên hệ giữa con người.
Ông coi sự rèn luyện về đạo đức là sự quan trọng nhất cho trật tự thế giới.  
Việc tự rèn luyện về đạo đức giúp điều hành đời sống gia đình và do đó đưa đến trật tự quốc gia.  
Để đạt được những liên hệ tốt đẹp, con người cần phải hoàn tất năm nhiệm vụ căn bản.  
Đó là nhiệm vụ giữa kẻ cầm quyền và người dân;  giữa cha con, giữa vợ chồng;  giữa anh (chị) em;  và giữa bạn bè với nhau. 
Có năm nguyên tắc căn bản về đức hạnh mà con người phải theo để tự giáo dục và để có những liên hệ hỗ tương tốt đẹp.  
Đó là: nhân & nghĩa, hay tình thương và tình nhân loại được thể hiện bằng hành động;   lễ,  hay là việc áp dụng các nghi thức; trí : sự tự học và tự rèn luyện;   và tín: tạo sự tin cậy, giữ được sự tin cậy. 
Khi các môn đệ hỏi ông về chữ nhân, câu trả lời của Khổng Tử đã thay đổi tùy theo trình độ học thức của từng đồ đệ.  
Nhân có thể giải thích là tử tế, hiền hòa, có tình nhân loại.   
Nhân cũng có thể hiểu là luật trời, hay luật thiên nhiên.  
Nói chung, nhân có nghĩa là tình thương.  
Lễ bên trên áp dụng cho cá nhân.
Nho giáo còn giải thích xa hơn về quan niệm lễ và nhạc.  
Lễ, quan niệm rộng, là một trật tự xã hội hợp lý với những thái độ xã hội rõ ràng giữa những cá nhân.  
Lễ có thể coi như sự kính trọng lẫn nhau.  
Nó còn có nghĩa cao hơn: đó là tinh thần tôn trọng kỷ luật của hành vi của mỗi người.  
Lễ đã được bàn nhiều trong sách Lễ Kinh và trong quyển Luận Ngữ. 
Ý niệm về  “nhạc” tăng thêm phần quan trọng của “lễ”, vì nhạc là sự hòa điệu của thiên nhiên.  
Lễ và nhạc đem lại sự điều hòa trong cuộc sống vì chúng ảnh hưởng đến tình cảm con người.
Trong Nho giáo, nguyên tắc “lễ nhạc” được áp dụng vào cả chính trị.  
Nhà cầm quyền theo nho giáo, phải cố gắng đặït để mọi vật, mọi việc đúng vào trật tự của chúng.  
Và do đó sẽ có một xã hội hợp lý trong đó con người có thể sống hòa hợp với nhau.
·         Nho giáo và giáo dục:
Giáo dục là một phần rất quan trọng trong những điều giảng dạy của Khổng Tử, nhứt là sự  tự giáo dục để đạt đến tình trạng hòa điệu cá nhân, một sự cần thiết cho việc đạt thành sự hòa điệu trong chiùnh trị.  
Một trật tự xã hội hợp lý sẽ được thể hiện cho toàn quốc khi đã có một sự hòa điệu về chính trị.  
Giáo dục, vì vậy, có địa vị cao nhất trong xã hội và là điều cần thiết cho mọi người. 
Khổng Tử đã trình bày một phương thức dạy và học mà trong ấy “hướng dẫn” giữ vai trò quan trọng.  
Theo ông, tự giáo dục chính mình là cách duy nhất để trở nên người “quân tử”, và giáo dục là cách duy nhất để người quân tử văn minh hóa dân chúng.  
Phải có thực tâm chú trọng đến giáo dục, vì không có giáo dục thì con người không thể trở nên khôn ngoan và không hiểu được luật luân lý. 
·         Ảnh hưởng tổng quát giáo dục của Nho giáo
Từ thế kỷ đầu trước Giáng sinh đến thế kỷ 20 sau Giáng sinh, những điều giảng dạy của Khổng Tử đã có ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa TH.  
Vào thế kỷ thứ 2 sau Thiên Chúa, các kinh sách của ông đã được tuyên bố là sách giáo lý của TH và được dùng làm sách giáo khoa cho học sinh.  
Các sách nầy, về sau cũng được dùng ở Đại Hàn, Nhật, và VN.  
Ở TH, hệ thống thi tuyển công chức là một truyền thống của nho giáo, trong đó Ngũ Kinh và Tứ Thư vẫn là sách giáo khoa chính.  
Ngay cả đời Đường và Tống vào thế kỷ 12 và 13, khi Phật giáo có nhiều ảnh hưởng hơn Khổng giáo trong triều đình, các vị quan lại ở triều cùng các vị thống đốc ở tỉnh và một số quan chức khác ở các địa phương vẫn được tuyển chọn bằng các kỳ thi theo Khổng giáo. 
Những điều giảng dạy của Khổng Tử đã đứng vững không thử thách cho đến đầu thế kỷ 20 và là một phần không thể tách rời ra khỏi xã hội TH, Đại Hàn, Nhật, và VN cho đến thời cận, và hiện đại.  
Một cá nhân có thể cho mình là người theo Đạo giáo, Phật giáo, hay Công giáo, nhưng đồng thời người đó vẫn là một người của Nho giáo trong cuộc sống hàng ngày.
·         Ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo ở VN
Từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 20, VN đã ở dưới ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo.  
Lịch sử văn minh VN cho chúng ta thấy VN có những đặc điểm văn hóa có tính chất thuần túy VN.  
Tuy nhiên, VN trong thời gian vừa nói đã có một nền giáo dục rập khuôn theo giáo dục Nho giáo. 
Có ba điểm chánh trong ảnh hưởng giáo dục nho giáo ở VN.
-Việc dùng chữ Hán, giọng Hán Việt, và việc giảng dạy luân lý:
Chúng ta đã mượn chữ TH (chữ Hán) để làm chữ viết và đọc theo cách riêng của VN gọi là giọng Hán Việt (HV).  
Chỉ có những người VN có học chữ Hán mới biết đọc chữ Hán, giọng HV, và mới hiểu những chữ nầy. 
Trong suốt thời gian dài từ đầu thế kỷ thứ nhất cho đến cuối thế kỷ 19, chỉ có một thiểu số biết chữ Hán hay còn gọi là chữ nho. 
Sau nầy khi quốc ngữ trở thành phổ thông, việc dùng những chữ HV (viết bằng quốc ngữ) cũng bành trướng theo.  
Hiện tại, có  khoảng 60 phần trăm những chữ trong ngôn ngữ VN là chữ HV hoặc biến thể từ tiếng HV. 
Trong học đường, môn luân lý ở cấp Tiểu học,  hay  công dân giáo dục ở cấp Trung học là một môn học bắt buộc.  
Những bổn phận của con người như  bổn phận đối với thầy, với cha mẹ, với bạn bè và với tha nhân được giảng dạy trong nhiều năm.  
Đây là những điều căn bản trong thang giá trị của Nho giáo.
-Kỳ thi tuyển chọn nhân tài làm công chức
Kỳ thi tuyển chọn nhân tài theo Nho giáo bắt đầu ở VN vào thế kỷ 11, năm 1075, đời nhà Lý.  
Kỳ thi nầy được cải tổ dưới đời nhà Trần (1225-1400). 
Các kỳ thi nầy có những thay đổi trong các triều đại kế tiếp nhưng không ngoài khuôn khổ của Nho giáo.  
Những người thi đậu đã giữ những vai trò quan trọng trong xã hội và những chức vụ cao cấp trong guồng máy hành chánh công quyền. 
Dưới đời Trần, Phật giáo cũng phát triển mạnh. Nhiều học giả Phật giáo đã nắm vai trò cố vấn cho các vua. 
Tuy nhiên, trong giáo dục, Nho giáo vẫn giữ vai trò chánh yếu.
-Sự liên hệ giữa thầy trò và giữa con cái với gia đình:
Trong nấc thang giá trị của giáo dục Nho giáo, người thầy có một địa vị cao quí.  
Ngay cả ông vua cũng  kính trọng vị thầy của mình. 
Trong xã hội, về phương diện tinh thần, sự kính trọng thầy còn cao hơn người cha trong gia đình:
Muốn khôn thì phải có thầy,
Không thầy dạy dỗ đố mầy làm nên.
Trong tiếng nói của VN, sự kính trọng thầy được diễn tả qua cách xưng hô.  
Người nghe có thể nhận định ngay vai trò và thứ bực xã hội trong cách xưng hô.  
Sự kính trọng thầy vẫn là một truyền thống tốt đẹp, và lẽ dĩ nhiên là cách dạy và cách học phải thay đổi cho kịp với sự tiến bộ và những tiêu chuẩn chung ở xứ mới.
-Đặt trọng tâm của xã hội vào đại gia đình.
Theo truyền thống nầy, đại gia đình quyết định nhiều khía cạnh của sự phát triển của những cá nhân trong gia đình ấy.
Về ưu điểm, trong một hệ thống xã hội xưa không có bảo đảm hay bảo kê về tài chánh, đại gia đình là nguồn giúp đỡ hữu hiệu nhất cho tương lai của những người trong gia đình. 
Sức mạnh của gia đình về cả vật chất lẫn tinh thần đều giúp đỡ cho sự thành công của cá nhân. 
Nhưng cũng có những khuyết điểm như sự phát triển của cá nhân bị hy sinh cho ý muốn của gia đình. 
Cho tới ngày nay, vẫn còn nhiều trường hợp con cái đã học những ngành chuyên môn theo ý muốn hay ý thích của cha mẹ hơn là học ngành mình thích.  
Một số sự đổ vỡ giữa con cái và cha mẹ do đấy mà ra.

Truyền thống cổ điển của Pháp
Truyền thống cổ điển về triết lý văn hóa giáo dục của Pháp đã có trước thời kỳ cách mạng dân chủ.  
Đó là triết lý về một nền văn hóa quốc gia hợp nhất, không chia cắt. 
Trong quyển “Tham luận về giáo dục”, Charlotais, vào thế kỷ 18, đã đưa ra một đường hướng và động lực đầu tiên cho nền giáo dục quốc gia Pháp.  
Ông đề nghị rằng hệ thống giáo dục phải do dân chúng kiểm soát và phải là mối quan tâm của quốc gia.  
Ông nhấn mạnh ở điểm là những thường nhân, chớ không phải là những người của các tôn giáo, phải có tiếng nói trong giáo dục.  
Hiến pháp 1791 của Pháp qui định rõ vai trò của quốc gia trong giáo dục. 
Hiến pháp đó ghi rõ là quốc gia bảo đảm cho mọi đứa trẻ và người lớn có cơ hội đồng đều được nhận lãnh giáo dục, được đào tạo chuyên nghiệp và văn hóa.  
Tổ chức giáo dục công lập không có tính cách tôn giáo, và là giáo dục miễn phí cho mọi cấp bậc, cũng là bổn phận của quốc gia. 
Qua nghị định 1806 và 1808,  Hoàng đế Napoléon đã đặt giáo dục là một phương tiện của quốc gia với một tổ chức rất phức tạp có nhiều cấp bực.  
Tổ chức đó cho đến 1968 vẫn còn kiểm soát hữu hiệu nền giáo dục Pháp quốc. 
Đó là một tổ chức trung ương tập quyền mà trên hết là vị Bộ Trưởng giáo dục.  
Bộ nầy kiểm soát mọi hoạt động giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học kể cả công lẫn tư, từ chương trình cho đến việc đào tạo giáo chức, và việc tổ chức các kỳ thi trên toàn quốc.
Sự kiểm soát nầy được thực hiện qua các giáo chức do bộ tuyển chọn.  
Giáo dục tư lập tuy được hưởng một mức độ độc lập về một vài khía cạnh, nhưng vẫn thuộc dưới quyền kiểm soát gián tiếp của Bộ giáo dục. 
Sự kiểm soát nầy không nhắm vào chương trình học, mà là để bảo đảm rằng những điều giảng dạy không trái với luật pháp quốc gia, và để bảo đảm rằng trường ốc có đủ an ninh và vệ sinh.  
Thêm vào đó, các học sinh tư thục cũng phải trải qua những kỳ thi toàn quốc.
·         Những kỳ thi toàn quốc
Các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp (THĐNC) và Đệ nhị cấp (Túù Tài) là truyền thống của nền giáo dục tập trung đó.   
Những kỳ thi nầy bắt nguồn từ thế kỷ thứ 13, khi Viện đại học Sorbonne đưa ra quyết nghị để định xem coi học sinh Trung học có đủ khả năng để tiếp tục việc học ở đại học không.
Trước năm 1965, Pháp có hai kỳ thi tú tài: Tú tài 1 và Tú tài 2. 
Sau năm 1965, Pháp chỉ còn giữ lại kỳ thi Tú tài 2.  
Bằng Tú tài 2 là chìa khóa cửa vào đại học.  
Cũng từ năm nầy, Bộ Giáo Dục Pháp chuyển quyền thi cử cho các Khu học chánh địa phương, và chỉ giữ quyền kiểm soát thôi.
Cho mãi tới năm 1974, lúc tài liệu được tham khảo cho vấn đề giáo dục VN (1954-1974),  bằng Tú tài 2 vẫn còn là chiếc chìa khóa mầu nhiệm mở cửa vào các đại học ở Pháp.  
Bằng nầy không những ảnh hưởng đến tương lai học sinh mà lẽ dĩ nhiên là mối quan tâm của cha mẹ. 
Thời gian chuẩn bị thi là một thời gian căng thẳng trong gia đình và nó là mối quan tâm của toàn quốc. 
·         Kiến thức tổng quát
Quan niệm về “kiến thức tổng quát” (culture générale) là một quan niệm độc đáo trong triết lý giáo dục của Pháp. 
Dân Pháp chấp nhận rằng, tâm trí của dân chúng phải được huấn luyện để suy nghĩ hợp lý, và đạt được những kiến thức tổng quát.
Một cách rõ ràng hơn, kiến thức nầy gồm triết lý, văn chương, khoa học lý thuyết, sử, và nghệ thuật.  
Nó bao gồm sự đào tạo một con người với khối óc, một sự đào tạo quan trọng nhất của con người. 
Ba năm cuối của bậc Trung học nhấn mạnh các môn học nầy. 
Chúng được coi là quan trọng vì chúng góp phần vào kiến thức, giúp phát triển sự phán đoán của những nhà lãnh đạo tương lai.
Sau thế chiến thứ hai, vào giữa thập niên 1940, sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật được thêm vào phần kiến thức tổng quát. 
Sự bành trướng của môn nầy cũng gặp nhiều thử thách vì nhóm cổ điển không coi trọng kỹ thuật, trong lúc nhóm các nhà giáo dục cấp tiến coi quan niệm giáo dục tổng quát là hẹp hòi, làm cản bước tiến của khoa học thực dụng. 
Sau năm 1958 học sinh có thể chọn một trong hai thứ tiếng Hy Lạp hay La Tinh.  
Khoa học áp dụng và giáo dục kỹ thuật càng ngày càng bành trướng hơn.  
Nhưng việc giảng dạy triết lý ở lớp 12 vẫn giữ vững địa vị.  
Môn triết lý ở trung học là một điểm độc đáo của giáo dục Pháp.  
Triết lý được coi là một dụng cụ quan trọng trong việc đào tạo trí tuệ và đào tạo những học giả. 
Ngay cả cho đến năm 1974, mặc dầu chương trình trung học đệ nhị cấp đã chia ra nhiều ban, nhưng triết lý (gồm tâm lý học, luận lý học, đạo đức học và siêu hình học) vẫn là môn bắt buộc ở tất cả các ban học.
·         Truyền thống Pháp trong giáo dục VNCH
Pháp  đã để lại cho VNCH một tổ chức giáo dục y như của Pháp quốc.
Bộ Giáo Dục theo công thức trung ương tập quyền, có bổn phận và trách nhiệm trong mọi cấp học vấn.  
Bộ ban hành một  chương trình học thuần nhất cho toàn quốc ở cấp tiểu và trung học. 
Các đại học tuy được một phần tự trị trong chương trình học nhưng vẫn ở đưới sự kiểm soát của Bộ Giáo dục, nhất là phần ngân sách.
Kiến thức tổng quát vẫn được đề cao trong chương trình trung học.  
Triết lý vẫn là môn học chánh cho tất cả các ban ở trung học đệ nhị cấp. 
Chương trình nhắm vào việc đào tạo những sinh viên đại học có một “kiến thức tổng quát” theo truyền thống Pháp, sẽ trở thành những công chức có khả năng phục vụ cho guồng máy hành chánh công quyền.
Các kỳ thi toàn quốc vẫn được duy trì: Việc thi cử nầy đã gạn lọc học sinh quá nhiều.  
Sĩ số  tốt  nghiệp trung học so với sĩ số  thi vào lớp đầu của trung học quá nhỏ.  
Do đó đưa đến tệ trạng coi trọng văn bằng hơn là sự học hỏi thực tiễn với kiến thức thực dụng. Giáo dục tiếp tục đào tạo ra nhiều sinh viên ngành nhân văn nói chung. 
Các đại học về nhân văn như Văn khoa, Luật khoa thì dư sinh viên và thiếu phòng ốc, trong lúc quốc gia lại cần nhiều chuyên viên các ngành công nghệ, kỹ thuật, canh nông, kiến trúc v.v…
Vào năm 1954 và 1955, khi Pháp trao trả độc lập lại cho chính phủ Hồ Chí Minh (ở bắc vĩ tuyến 17), và cho chính phủ Ngô Đình Diệm (ở nam vĩ tuyến 17), VNCH  nằm trong thực trạng của sự thừa hưởng truyền thống giáo dục cổ điển của Pháp. 
Tuy xã hội VN có chịu ảnh hưởng của hơn 80 năm đô hộ của Pháp, vẫn là một xã hội có căn bản Nho giáo vì nền giáo dục Nho giáo chỉ thật sự ra đi hoàn toàn vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20.
3. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục khai phóng.
Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếpnhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinhthần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việchiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minhthế giới.
Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại.
·         Giáo dục VN phải là một nền giáo dục khai phóng:

Giáo dục phải dùng phương pháp khoa học như là một yếu tố của tiến bộ, phát triển thái độ xã hội và dân chủ, và kính trọng giá trị văn hóa chân chính của mọi quốc gia trên thế giới.
Ba đường hướng triết lý giáo dục  trên được coi như là căn bản triết lý cho mọi thay đổi về chương trình hay tổ chức học đường cho những năm tiếp theo. 
Đường hướng “dân tộc” là một ước nguyện tối cao của dân VN trong thời điểm lịch sử đó và sẽ đứng vững mãi trong lòng dân tộc VN.   
Đường hướng “nhân bản” rất cao quý, có tính cách phổ quát và có thể áp dụng cho bất cứ dân tộc nào trên thế giới.   
Trong thực tế, từ nhân bản đã có nguồn gốc từ truyền thống “giáo dục tổng quát” hay “kiến thức tổng quát” (culture générale tradition) ở Pháp.  
Alfred Bouglé đã diễn tả truyền thống nầy như sau:  “Truyền thống nầy gồm có ba đặc điểm: có tính cách nhân bản (humanism), có liên hệ đến việc giảng dạy xã hội học, và có liên hệ đến việc giảng dạy triết học.”  
Theo ông Bouglé, nhân bản là sự bổ túc và hỗ trợ cần thiết cho lý thuyết cá nhân (individualism). 
Tuy nhiên “nhân bản và dân tộc” đều có tính cách trừu tượng, nên khó thể hiện qua một chương trình học thực cụ thể, rõ ràng.  

Môn Công dân giáo dục và môn Sử được dùng trực tiếp trong việc thể hiện hai đường hướng trên.  
Ngoài ra, sự thể hiện đã rải rác trong các buổi tu nghiệp giáo chức, những bài diễn văn trong các buổi lễ khai trường, hay các buổi phát phần thưởng cho những học sinh ưu tú. 
Chỉ có đường hướng “khai phóng” là nổi bật trong những công cuộc cải tổ chương trình học, và việc thay đổi tổ chức các học đường để tiến theo trào lưu mới trên thế giới.  

Ba nguyên tắc “Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng” đã được hội nghị chính thức hóa. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến Pháp đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa (1967).
Sau đó VNCH nhận thêm truyền thống giáo dục “thực tiễn” của Hoa Kỳ (HK).

Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc thứ hai năm 1964
Mặc dầu có biến cố chính trị đưa đến sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào năm 1963, và các khủng hoảng chính trị trong những năm tiếp theo,  Bộ Quốc Gia Giáo Dục (sau nầy có tên Bộ Văn Hóa và Giáo Dục) vẫn tiếp tục nhiệm vụ thường xuyên trong việc tổ chức các kỳ thi trên toàn quốc ở Nam VN, và vẫn tiến hành các việc đã dự định. 
Năm 1964, một cuộc “Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc” thứ hai được tổ chức với hai đề tài đặc biệt. 
Đề tài đầu tiên là sự tổ chức lại hệ thống học đường với dự án nhấn mạnh sự học hành liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.  
Tuy rằng cuộc hội thảo không hề nhắc đến một phong trào giáo dục mới ở Pháp có tên là phong trào “học đường độc đáo” (l’école unique) trong thời gian trước và cả sau thế chiến thứ 2 (1939-1945) mà dự án  Hội Thảo 1964 đã phỏng theo. 
Bên Pháp, ý tưởng về l’école unique, với trọng tâm đặt vào sự khác biệt cá nhân của mỗi học sinh, cũng gây tranh luận sôi nổi một thời gian gần hai thập niên, mới được đem ra áp dụng. 
Đề tài thứ hai là sự xác nhận lại ba đường hướng căn bản: “Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng”, đã được thảo luận và chấp nhận trong cuộc hội thảo sáu năm về trước.
Dầu có nhiều cố gắng cải tổ, giáo dục VNCH cho đến thời điểm 1964-1965 vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo dục Pháp. Tuy nhiên, với đường hướng triết lý “khai phóng”, chúng ta thấy có một luồng gió mới trong giáo dục.
Tóm lại, trong ba đường hướng chính của triết lý giáo dục VNCH trong thời gian 1954-1974, khuynh hướng khai phóng được thể hiện một cách rõ rệt nhất. VNCH muốn tiến theo đà tiến bộ về kỹ thuật, và sự mở rộng về hợp tác của thế giới, nên đã thực thi đường hướng phát triển khai phóng.
Truyền thống giáo dục thực tiễn của Hoa Kỳ
Ảnh hưởng của nền giáo dục “thực tiễn” (pragmatism) của Hoa Hỳ đã bắt đầu phát triển để trở thành một truyền thống thứ ba sau truyền thống  “Nho giáo” và “cổ điển Pháp”.
Điều cần nói đến trong các thập niên 1954-1974 là các hoạt động giáo dục của HK ở VN.  
Ngay từ năm 1954, một nhóm giáo chức thuộc đại học Michigan đã đến VN với nhiệm vụ giúp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VN.  
Thật ra nhóm nầy nhắm vào giáo dục chính trị nhiều hơn là giáo dục thuần túy
Họ có mục tiêu giúp VNCH cải tổ guồng máy hành chánh.  
Khi  sang, họ đã có trong tay một bản phúc trình khá đầy đủ về hệ thống giáo dục ở VN do ông  Lavergne và ông Sassani viết (Education in VietNam. Washington D.C.: U.S. Department of Health, Education & Welfare, 1954) . 
Nhiều sinh viên VN được gởi đi du học ở HK và các quốc gia khác như  Australia, New Zealand, Germany, Japan.  
Họ đã đi du học bằng học bổng, hoặc tự túc.  
Phần lớn đã học các ngành kỹ thuật, thương mại, canh nông v.v… là những ngành thực tiễn. 
Bộ Giáo dục và các Bộ khác cũng gởi công chức của nhiều ngành khác nhau đi tu nghiệp, hoặc ngắn hạn, hoặc dài hạn (có học lấy thêm cấp bằng). 
Nơi có nhiều sinh viên và công chức du học nhất là HK.  
Do đó trong thập niên 64-74 có nhiều dự án cải tiến giáo dục do các nhà giáo dục VN và HK đề nghị.
·         Truyền thống giáo dục thực tiễn ở HK
HK tách khỏi truyền thống của Âu Châu trong vấn đề giáo dục. 
Sau khi lập quốc, họ hướng về việc địa phương phân quyền và phát triển truyền thống thực dụng.
Ý niệm địa phương tự quản trị đã được đem từ Anh sang.  Nhưng hiến pháp HK không ghi chú vai trò của chính phủ liên bang, và vì vậy, quyền nầy thuộc về mỗi tiểu bang. 
Lịch sử giáo dục HK cho thấy giáo dục là trách nhiệm của mỗi tiểu bang, do đó có nhiều khác biệt về tổ chức giáo dục giữa các tiểu bang.  
Nhưng hầu hết các bang lại ủy quyền quyết định lại cho các học khu qua luật của từng bang, và bang chỉ giữ lại một số rất ít quyền hạn.  
Nói cách khác, học khu ở địa phương là đơn vị chính yếu quyết định mọi vấn đề liên quan đến giáo dục tiểu học và trung học. 
Các học khu nầy hoàn toàn độc lập về hành chánh và tài chánh đối với các thị xã hay county.
Các trung học tổng hợp của HK là một sự thể hiện của triết lý giáo dục thực tiễn.  
Trung học không chỉ là chỗ đào tạo ra những sinh viên đại học, mà còn chuẩn bị cho những học sinh có thể ra đời với một nghề trong tay nếu học sinh lựa chọn điều đó.
Các đại học được cấp đất: Phong trào thiết lập những đại học canh nông và cơ khí, mở đầu cho việc thực hiện triết lý thực tiễn ở giáo dục hậu trung học.  
Phong trào nầy gắn liền với sự tăng gia tin tưởng vào khoa học và các thực dụng của nó.  
Đạo luật Morill vào năm 1862 cấp 30,000 mẫu đất liên bang cho mỗi đại học mở ở cấp tiểu bang. 
Các đại học nầy đều mang tính chất thực tiễn với các môn canh nông, kinh tế gia đình, thú-y, và khoa học ứng dụng. 
Các đại học cộng đồng: Vào đầu thế kỷ 20, phong trào đại học cộng đồng được phát khởi. 
Đại học cộng đồng chỉ dạy những môn của hai năm đầu của chương trình cử nhân (bachelor) 4 năm. 
Sinh viên muốn theo đuổi chương trình cử nhân, thì lúc vào phải có tốt nghiệp trung học.  
Thêm vào các đại học nầy còn giảng dạy hầu hết những môn thực dụng cho học sinh nào muốn ra trường với một nghề sau hai năm học. 
Để đáp ứng với nhu cầu của sự thay đổi trong các nghề nghiệp, và để giúp cho người lớn trong cộng đồng có thể trở lại với giáo dục hậu trung học, các đại học cộng đồng thâu nhận bất cứ người nào trên 18 tuổi, muốn học nghề, dù không có tốt nghiệp trung học.  
Họ sẽ được học thêm Anh văn và toán, nếu cần, để có thể theo đuổi một ngành chuyên môn mới.
Nói khác đi, đại học cộng đồng là trung tâm giáo dục ở địa phương, mà nơi đó dân chúng có thể theo đuổi học vấn tổng quát, để tiếp tục học cao hơn, hay học vấn chuyên nghiệp để có một nghề.  
Học phí ở đại học cộng đồng rất nhẹ. 
Tóm lại các cơ chế giáo dục như khu học chánh địa phương, các trường trung học tổng hợp, các đại học cộng đồng, và các đại học chuyên nghiệp là sự thể hiện truyền thống giáo dục thực tiễn của HK.        
·         Ảnh hưởng của truyền thống thực tiễn trên triết lý “khai phóng” của VNCH
Trong thập niên 1964-1974, đã có khá nhiều sinh viên, công chức tốt nhiệp ở HK trở về phục vụ trong nhiều ngành khác nhau ở VNCH.  
Qua cơ quan USAID (United States Agency for International Development), nhiều đại học HK gởi các toán chuyên viên sang giúp các đại học VNCH.  
Một vài thí dụ: Nhóm Florida trong ngành canh nông, nhóm Missouri lo về kỹ thuật, nhóm Ohio lo về đào tạo giáo chức cho các trung học tổng hợp và sự phát triển các trung học nầy, nhóm Illinois lo về đào tạo giáo chức tiểu học v.v… 
Với khuynh hướng cải tổ và với số nhân lực mới, triết lý khai phóng đã được thi hành.
-Việc dân chủ hóa nền giáo dục nói chung:  Bộ Giáo dục đã đưa ra chính sách dân chủ hóa giáo dục với chiều hướng kêu gọi sự thành lập các hội đồng giáo dục địa phương.  
Bước đầu của chính sách nầy là sự thành lập Sở Văn Hóa và  Giáo Dục ở mỗi tỉnh. 
Sở nầy coi luôn trung và tiểu học (không như trước kia chỉ có Ty Tiểu Học ở mỗi tỉnh, trong lúc các trung học vẫn trực thuộc Bộ).  
Bên cạnh mỗi Sở có một Hội Đồng Cố Vấn để dân chúng địa phương có tiếng nói trong việc giáo dục con em.
-Việc giáo dục hướng nghiệp qua các trung học kỹ thuật  và trung học tổng hợp
Hai trung học tổng hợp đầu tiên có tên là Trung học Kiểu Mẫu, một ở Huế (1964) và một ở Thủ Đức (1965).  
Hai trường nầy trực thuộc hai Đại học Sư Phạm Huế và Saigòn theo thứ tự trên.  
Chương trình học phỏng theo mô hình của trung học tổng hợp HK. 
Ngoài các môn kiến thức tổng quát, các trường nầy còn thêm các ngành như kỹ thuật, canh nông, và kinh tế gia đình. 
Điều đáng chú ý là khuynh hướng école unique ở Pháp cũng có ảnh hưởng nhiều đến việc cải tổ chương trình trung học. 
Lý do là những người giữ vai trò quan trọng trong guồng máy giáo dục đa số vẫn là những người đã được đào luyện từ giáo dục Pháp.
Việc tổ chức các ban chuyên khoa ở đệ nhị cấp là một tổng hợp giữa ảnh hưởng Pháp, Mỹ và tinh thần “khai phóng” của VNCH
Đệ nhị cấp ở các trung học tổng hợp mới có thể lên đến tám ngành thay vì chỉ có 4 như các trung học thường.
-Việc thiết lập các Đại học Cộng Đồng và Đại học Bách Khoa:
Ý tưởng về giáo dục cộng đồng đã được giới thiệu vào VNCH ngay từ năm 1954, bắt đầu với một số các trường tiểu học.
Đến đầu năm 1970, ý tưởng đại học cộng đồng (ĐHCĐ) được giới thiệu ở VNCH do một công chức kỳ cựu của Bộ Giáo Dục.  
Ông nầy đã được đào tạo trong hệ thống  giáo dục Pháp và đã đi tu nghiệp ba năm ở HK và trở về VN với bằng Ph.D. về giáo dục.   
Chính luận án của ông về đại học cộng đồng và vai trò của ông trong Bộ Giáo Dục mà ý tưởng về việc thành lập các Đại học cộng đồng được bàn cãi sâu rộng, và được chấp thuận. 
Năm 1971, Tổng thống VNCH ban hành nghị định thành lập hệ thống đại học cộng đồng.  
Hai ĐHCĐ đầu tiên ở VNCH: Tiền Giang (ở Mỹ Tho) và Duyên Hải (Đà Nẵng) được thành lập cùng năm 1971.  
Sau đó có nhiều địa phương khác xin xúc tiến việc mở các đại học nầy vì thấy tính cách thực dụng của nó trong việc đào tạo các chuyên viên trung cấp ở nhiều ngành cho phù hợp với sự phát triển ở địa phương. 
Ngoài ra, vào năm 1973, VN cũng thành lập một đại học bách khoa ở Thủ Đức với nhiều trường chuyên nghiệp về kỹ thuật, canh nông, công kỹ nghệ v.v… nằm ngay trong khu đại học nầy.  
Mục tiêu chánh là để mở rộng các ngành học thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng đất nước.

Triết lý giáo dục hay đường hướng giáo dục “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” đã ảnh hưởng đến hơn 25 triệu dân ở nam vĩ tuyến 17 trong khoảng thời gian 1954-1974. 

Những cải tổ giáo dục liên quan đến khai phóng đã có một thời sôi nổi.  
Từ 1971-1972 đã có những toán học sinh tốt nghiệp từ hai trung học tổng hợp đầu tiên trong nhiều ngành mới trong kỹ thuật, canh nông, kinh tế gia đình v.v… 
Cho tới năm 1974 chưa có khóa sinh nào tốt nghiệp từ các đại học Cộng đồng, hay Bách khoa.
Những cải tổ về giáo dục theo đường hướng “khai phóng” chưa có một kết quả rõ rệt.


Mục tiêu giáo dục thời VNCH:

Bích chương của Bộ Y Tế VNCH
Bích chương của Bộ Y Tế VNCH


1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân.
Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.
Thanh nữ VNCH
Thanh nữ VNCH
2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết,tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
Người dân miền Nam biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1974
Người dân miền Nam biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1974
Vấn đề độc lập của VN và vai trò của Bảo Đại thì Sử của VNDCCH và Sử của VNCH cũng không khác nhau là mấy.
[​IMG]
[​IMG]
 Rõ ràng cuốn sử chính thống này của chế độ cũ đã công nhận vai trò của CMT8 và trận Điện biên Phủ để đem lại nền độc lập và hiệp ước năm 1949 giữa PHÁP và Bảo Đại chỉ là trò lừa gạt. Những vấn đề khác chưa bàn đến.
3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ýthức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệmvà kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.
Mặt tiền của Viện Đại Học Sài Gòn (Số 3 Công Trường  chiến sĩ)
Mặt tiền của Viện Đại Học Sài Gòn (Số 3 Công Trường chiến sĩ)
 Như vậy có thể thấy rõ ràng mấy câu mà hậu duệ VNCH cũng như một số trí thức VNDCCH hô hào: “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” là thừa hưởng từ nền giáo dục thuộc địa, ăn cắp từ SẮC LỆNH SỐ 146 VỀ ĐẶT NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1946! và là một sự giằng xé tìm tòi trong mớ hổ lỗn kim cổ Tàu - Pháp - Mỹ mà chưa có sự định hình cụ tỷ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Chương Trình Trung Học, Nhóm Sinh Viên Cựu Học Sinh Trường Bưởi xb, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Hà Nội, 1945.
Nguyên Tắc Cơ Bản của Nền Giáo Dục Việt Nam Ngày Nay, Đặng Thái Mai, Giáo Dục Tân San số tháng 1/1946, Hà Nội, 1946.
Một Cơn Gió Bụi, hồi ký, Trần Trọng Kim - 1971
Lịch Sử Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Việt Nam, Lê Văn Giạng, Nguyễn Được, Nguyễn Tùy, Nguyễn Hoặc, Viện Nghiên Cứu Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985.
Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Văn Hóa tái bản, Hà Nội, 1998.
35 Năm Phát Triển Sự Nghiệp Giáo Dục Phổ Thông, Võ Thuần Nho, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1980.
Sử học Việt Nam trên đường phát triển, Viện Sử học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981
Khoa học lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua, Văn Tạo, SVNTĐPT, VSH, NXB KHXH, HN, 1981
Nguyễn Trường Tộ - Con Người và Di Thảo, Trương Bá Cần, NXB Tp. HCM, 1988
Viện Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, t.1, NXB CTQG, Hà Nội, 1993
Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn Hóa tái bản, Hà Nội, 1998.
Từ Điển Tác Gia Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1999.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, 1940-1945, NXB CTQG,Hà Nội, 2000
Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975, Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên, Lưu Thị Tuyết Vân, NXB Giáo Dục tái bản lần 1, Pleiku, 04/2003.
Tổng mục lục văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam 1945-2002. NXB CTQG,Hà Nội, 2003
Lịch Sử Giản Lược Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, Lê Văn Giạng, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.
Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975, Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên, Lưu Thị Tuyết Vân, Viện Sử Học, NXB Giáo Dục tái bản, Hà Nội, 2003.
GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1945 - 1954 - PGS.TS Ngô Đăng Tri, ThS Đỗ Thanh Loan, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội
Lịch sử hình thành khoa Kỹ thuật Hóa học
Lịch sử Trường Đại học Y Hà Nội, Trăm năm dạy ứng xử nghề nghiệp ở đại học Y Hà Nội
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) 
Việt Nam niên giám thống kê
Giáo sư Trần Chung Ngọc
Hoang Huu Phuoc, MIB
bachkhoatoanthu.gov.vn
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
Kim Định. (1970). Hiến chương giáo dục. An Tiêm, Saigòn, Việt Nam.
Trần, Kim T. (?) . Nho giáo. Tân Việt, Saigon, Việt Nam
Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, Việc Từng Ngày 1945-1964, tái bản ở Hoa Kỳ
Xây Dựng và Phát Triển Văn Hóa Giáo Dục, Nguyễn Khắc Hoạch, Lửa Thiêng xb, Sài Gòn, 1970.
Diễn Tiến của Chương Trình Trung Học Tổng Hợp tại Việt Nam, Dương Thiệu Tống, Giáo Giới, 9-10 tháng 5, 1971, Sài Gòn, 1971.
Việt Nam 1945 -1995, Lê Xuân Khoa (quốc tịch Mỹ, gốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, tiến sĩ triết học) NXB Tiên Rồng, Hoa Kỳ, 2004.
Bougle, C.C. Alfred. (1938). The French conception of “culture generale” and its influence upon instruction. Columbia University, New York.
Lin, Yutang. (1943). The wisdom of Confucius. Random House, New York.
Nguyen, Phuoc H. (1974). Contemporary educationalphilosophies in VietNam, Unpublished doctoral thesis, University of Southern California (USC), Los Angeles, California.
Wikipedia
SỰ GiÁO DỤC VÀ THI CỬ QUA CÁC THỜI  ĐẠI Ở VIỆT NAM - Nguyễn Văn Thành, 2005 

Khoằm biên tập và thêm hình ảnh sưu tầm từ sưu tập cá nhân và Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét