11 tháng 5 2010

Petőfi Sándor - Hungary, thi sĩ của Tự do, Ái tình

Tiếng Hungary - ngôn ngữ của chừng 15 triệu dân trên thế giới - cho dù là một thứ tiếng “có khả năng diễn tả một cách linh hoạt tuyệt vời, nhạy cảm, tinh tế, có vốn từ phong phú hiếm thấy, đồng thời cô đọng và nhịp điệu dồn dập” (Bödők Zsigmond), nhưng chỉ người Hungary mới biết rõ và cảm nhận được điều đó.

Ấy thế mà, bằng bản lĩnh và tài năng của các nhà văn, bằng những nỗ lực phổ biến và truyền bá văn hóa của các cá nhân và nhà nước, văn học Hungary đã có một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học nhân loại, đã có những tác gia được vinh danh ở tầm thế giới.

Văn học Hungary thường được hiểu theo nghĩa hẹp là tất cả các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Hungary, cho dù, theo những định nghĩa rộng hơn, nó còn bao hàm những công trình nghiên cứu văn học, các tác phẩm dịch, thi ca dân gian truyền miệng tiếng Hungary..., cũng như các tác phẩm văn học được viết bằng các ngôn ngữ khác, nhưng có liên hệ đến Hungary thông qua các tác giả hoặc các đề tài mà chúng hàm chứa.

Trên cơ sở định nghĩa rộng đó, nền văn học Hungary đã có chừng một ngàn năm lịch sử, phù hợp với lịch sử hình thành, lập quốc và phát triển của dân tộc Hungary ở vùng lòng chảo Carpathian (Kárpát).

Khởi đầu (thế kỷ 11-14)

Sự hình thành của ngôn ngữ Hungary được các nhà nghiên cứu ấn định là vào cuối thiên kỷ thứ hai trước CN, khi tiếng Hungary được tách khỏi “người anh em” gần gũi nhất của nó là hệ ngôn ngữ Ugor (ugrian), tuy nhiên, ngôn ngữ cổ Hungary thì chỉ khởi đầu từ thời lập quốc của dân tộc Hungary (cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10). Cho dù không còn giữ được những văn bản của Hungary trước thế kỷ XI, nhưng căn cứ những di tích chữ khắc cổ sơ trên đá của Hungary, có thể giả định rằng vào thời lập quốc hoặc thậm chí trước đó, dân tộc Hungary đã có chữ viết, và có lẽ đã có một nền văn học.

Sau khi vua István Đệ nhất đăng quang vào năm 1.000 và thành lập Vương quốc Hungary Công giáo, nền văn học Hungary thoạt tiên được viết bằng tiếng Latin và có liên quan mật thiết đến giới tăng lữ, được coi là những người đi đầu trong sự phát triển văn hóa và khoa học của đất nước. Mốc khởi đầu của nền văn học Hungary là tác phẩm “Libellus de institutione morum ad Emericum” (khoảng 1.015), là những lời dặn dò, khuyên nhủ của vua István viết gửi con, hoàng tử Imre.

Trong những thế kỷ sau của thời Trung cổ, nền văn học Hungary được đánh dấu bởi những huyền thoại về các vị Thánh có xuất xứ Hungary (như István, Imre, Gellért, László, András...), những cuốn biên niên sử, mà đáng kể nhất là “Gesta Hungarorum” (cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13), cuốn sử viết đầu tiên còn giữ lại được của một tác giả vô danh (Anonymus, có lẽ là thư ký của vua Béla Đệ tam) và những cuốn sách ghi chép du hành, ký sự đi đường, mà khởi đầu là tác phẩm “De facto Ungariae Magnae” (1.237) của một tăng lữ nổi tiếng thuộc dòng Dominican tên là Julianus, người đã thực hiện hai chuyến du hành về phương Đông để tìm thủy tổ của dân tộc Hungary.

Mặc dù trong nhiều thế kỷ, chữ viết chính thức được sử dụng tại Vương quốc Hungary là Latin, nhưng nhiều khả năng là văn học tiếng Hungary đã tồn tại từ rất sớm. Dấu vết của một vài từ ngữ Hungary được tìm thấy trong văn kiện thành lập tu viện Tihany (1.055), viết bằng tiếng Latin, được coi là văn bản Hungary cổ nhất còn được lưu lại cho đến nay. Văn bản xưa nhất được viết hoàn toàn bằng tiếng Hungary là “Halotti beszéd és könyörgés” (Văn điếu và khẩn cầu, 1.192-1.195), bản dịch một bài giảng tiếng Latin, hàm chứa khoảng 130 từ tiếng Hungary. Cần ghi nhận bài thơ đầu tiên bằng tiếng Hungary là “Ómagyar Mária-siralom” (Cung oán Mária Hungary cổ, thế kỷ 13), cũng là bản dịch khá tự do của một văn bản tiếng Latin.

Những thế kỷ phát triển (thế kỷ 15-19)

Sau những thế kỷ đầu, văn học Hungary đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển như Phục hưng (thế kỷ 15-17), Baroc (thế kỷ 17-18), Khai sáng (1772-1800), Cổ điển và Lãng mạn...(đầu thế kỷ 19), với nhiều tác gia quan trọng như Janus Pannonius (1434-1472, giám mục, nhà thơ viết bằng tiếng Latin, được coi là thi sĩ Hungary đầu tiên mà tên tuổi được biết đến một cách chính xác), Bornemisza Péter (1535-1584, linh mục Tin lành, người khởi động và đại diện đầu tiên của văn xuôi cổ điển Hungary), Balassi Bálint (1554-1594, thi sĩ, đại diện xuất sắc đầu tiên của thi ca Hungary, được coi là tác gia kinh điển đầu tiên của nền văn học Hungary), Mikes Kelemen (1690-1761), Csokonai Vitéz Mihály (1773-1805, một trong những thi sĩ quan trọng nhất của văn học Hungary)...

Tất cả đã tạo nên một tiền đề để khi Hungary bước vào thời kỳ Đổi mới ngôn ngữ và Cải cách (1825-1849) - cùng với sự hứng khởi trong phong trào yêu nước, mộng ước giành độc lập khỏi đế chế Áo (vương triều Habsburg), xây dựng một nước Hungary độc lập, dân chủ, phú cường về văn hóa, khoa học - đời sống tinh thần Hungary nói chung và nền văn học Hungary đã có những bước tiến mạnh mẽ. 

Năm 1825, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary được thành lập, nhiều tờ báo ra đời truyền bá tư tưởng cải cách, các nhà văn trước đó thường sáng tác đơn độc, co cụm, ít có sự liên hệ thì giờ đây có điều kiện trao đổi, thảo luận cùng nhau những vấn đề lớn tại các trung tâm văn hóa của đất nước, mà địa điểm chính là Pest (khi đó Buda và Pest còn là hai thành phố riêng rẽ hai bên bờ sông Duna (Danube), và chỉ được hợp nhất thành Budapest (cùng Óbuda) vào năm 1873).

Có thể kể đến ở đây những gương mặt xuất chúng nhất ở giai đoạn này như Kazinczy Ferenc (1759-1831, nhà thơ, nhà văn, thủ lĩnh phong trào đổi mới ngôn ngữ Hungary), Katona József (1791-1830, tác gia xuất chúng của nền kịch nghệ Hungary, tác giả vở kịch “Bánk bán” - "Nhiếp chính bang”, Lê Xuân Giang dịch), Kölcsey Ferenc (1790-1838, nhà thơ, nhà đổi mới ngôn ngữ, tác giả thi phẩm “Hymnus, a' Magyar nép zivataros századaiból”, sau được nhạc sĩ Erkel Ferenc phổ nhạc thành bản Quốc ca Hungary), Vörösmarty Mihály (1800-1855, nhà thơ, nhà văn, đại diện lớn của trường phái Lãng mạn Hungary, tác giả bài thơ “Szózat” lừng danh ngợi ca tình yêu quê hương đất nước), Arany János (1817-1882, nhà thơ với tác phẩm nổi tiếng “Toldi”), Petőfi Sándor (1822-1849)...

Trong số đó, Petőfi Sándor nổi lên với cương vị thi hào vĩ đại nhất của Hungary thế kỷ 19, như nhận định của nhà phê bình văn học Hegedűs Géza: 
Nếu ai đó nói bằng tiếng Hung từ “thi sĩ”, người đó trước hết đã nghĩ đến Petőfi. Kể từ khi bước chân vào văn đàn, ông hiện diện không ngừng ở đó. Ông là tấm gương và là thước đo” (Bảng chân dung của nền văn học Hungary - A magyar irodalom arcképcsarnoka). 
Tượng Petőfi tại Budapest, trên quảng trường mang tên ông
Bức tượng được dựng bởi sự đề xuất và chi phí của nghệ sĩ vĩ cầm Reményi Ede
Tên tuổi Petőfi được thế giới đánh giá cao và xếp ngang hàng những văn sĩ lớn của Châu Âu thời bấy giờ, như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Viktor Hugo (Pháp).

Tên tuổi và sự nghiệp Petőfi Sándor được đất nước và dân tộc Hung gìn giữ và trân trọng, tên ông được đặt cho một trong bảy cây cầu bắc qua sông Danube, và vô số đường phố trên lãnh thổ Hung. Bức tượng ông được đặt ở trung tâm thủ đô Budapest, nhìn ra sông Danube, vẫn thường có những bó hoa tươi của khách thập phương...

Nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của Petőfi, GS. VS. Németh G. Béla đã có một đánh giá ngắn gọn và chuẩn xác:
Ở nước ngoài, cho đến nay, Petőfi là nhà thơ được biết đến nhiều nhất của Hungary. Ông là người Hungary được thánh thần sủng ái. Ông được nhận tất cả để trở thành một thi hào lớn: tài năng, lịch sử và số phận. Sống hai mươi sáu năm, ông để lại một sự nghiệp mang tầm kích thế giới, đánh dấu bước biến chuyển thời đại trong nền văn học của xứ sở ông”. (“Lịch sử Văn học Hungary” - A magyar irodalom története, NXB Kossuth, năm 1982).
Đã và vẫn có thể bắt chước ông, cũng như đã và vẫn có thể tránh mọi thứ khiến ta nghĩ đến phong cách của ông, nhưng bất cứ một nhà thơ nào viết bằng tiếng Hung, không thể tránh được mối tương giao tinh thần với ông.  
Những bài phê bình, nghiên cứu, sách vở viết về ông chứa đầy cả một thư viện, từ những góc nhìn mới, thời nào người ta cũng nói thêm được những điều mới về ông.Một phần thi nghiệp của ông chẳng những được biết đến rộng rãi, mà còn trở thành những bản dân ca mà ai cũng thuộc, chỉ có điều nhiều người không biết đó là của ông. Không thể biết tiếng Hung, nếu không thuộc ít nhất dăm bảy khổ thơ Petőfi. Và cuối cùng, ông là thi sĩ vĩ đại nhất của Hungary trên trường quốc tế: nếu một người ngoại quốc có chút hiểu biết văn hóa nghe đến từ “văn học Hung”, trước tiên, họ phải nghĩ đến Petőfi!.


Đó là những từ trân trọng mà nước Hung đã dành cho Petőfi Sándor, nhà thơ, vị anh hùng dân tộc, một trong những người con ưu tú nhất của xứ sở này, mà độc giả Việt Nam đã có dịp biết tới qua những vần thơ hào sảng của thi phẩm “Tự do, Ái tình” - "Szabadság, szerelem".

SZABADSÁG, SZERELEM!

Szabadság, szerelem!
E kettő kell nekem.
Szerelmemért föláldozom
Az életet,
Szabadságért föláldozom
Szerelmemet.

Pest, ngày 1-1-1847
TỰ DO VÀ ÁI TÌNH

Tự do và ái tình
Vì các người ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.
Thơ Petőfi mang sức mạnh biểu cảm mạnh mẽ vì ông đi thẳng vào nhân dân, sử dụng thứ ngôn ngữ tinh tế, nhưng dễ hiểu và đơn giản của người dân. Petőfi chủ trương coi trọng nội dung, xem phần tư tưởng như trung tâm của các thi phẩm, coi nó quan trọng hơn sự hoàn thiện hình thức thi ca. Tuy nhiên, có thể coi rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông như những viên ngọc toàn bích cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, như “Az alföld” (Vùng bình nguyên, 1844), “A Tisza” (Sông Tisza, 1847), “Reszket a bokor, mert…” (Bụi cây run rẩy, vì…, 1846), “Szeptember végén” (Cuối tháng chín, 1847), “Szabadság, szerelem...” (Tự do và ái tình, 1847), “Minek nevezzelek?” (Anh biết gọi em là gì?, 1848), “Nemzeti dal” (Bài ca Dân tộc, 1848), “Föltámadott a tenger…” (Biển thét gào, 1848), “Európa csendes, újra csendes…” (Châu Âu lại tĩnh lặng…, 1849)... 

Qua đời khi mới 27 tuổi, Petőfi để lại hàng ngàn bài thơ và một di sản tinh thần lớn lao cho các thế hệ thi sĩ Hungary mà “bất cứ một nhà thơ nào viết bằng tiếng Hungary, không thể tránh được mối tương giao tinh thần với ông”, thi ca và cuộc đời của Petőfi Sándor, vĩ nhân từ một xứ sở rất xa và lạ đối với Việt Nam, lại được biết đến rất sớm ở nước ta qua những bản dịch (với ngôn ngữ trung gian là tiếng Pháp) của nhiều nhà thơ Việt Nam như Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Tú Nam…

Thi nghiệp và con người của thi sĩ - người đã thổi lửa vào những vần thơ - còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà thơ - chiến sĩ Việt Nam thông qua những bản dịch Việt ngữ giữa thế kỷ 20, cho thấy sự đồng điệu giữa tình cảm và tâm thế của những nhà thơ, đặc biệt, mảng thơ của Petőfi về đề tài tình yêu và bổn phận ái quốc của người trượng phu thời ly lạc đã có ảnh hưởng rất lớn đến Phùng Quán, một gương mặt nổi bật của phong trào Nhân văn Giai phẩm thuở nào. Thi phẩm “Hôn” (1956) nổi tiếng của Phùng Quán, với những vần thơ rực lửa “Nhưng dù chết em ơi - Yêu em anh không thể - Hôn em bằng đôi môi - Của một người nô lệ“, là một ví dụ điển hình về sự đồng điệu giữa tình cảm và tâm thế của hai nhà thơ, hai dân tộc cách nhau một khoảng rất xa về địa lý.

Lần lại những trang lịch sử, Petőfi Sándor (tên thật là Petrovics Sándor) chào đời tại vùng Kiskőrös trong một gia đình lao động nghèo. Thuở nhỏ, ông học hành thất thường và đến năm 16 tuổi, bị cha từ, ông bắt đầu cuộc đời lang bạt của một lãng tử. Làm giúp việc tại Nhà hát Quốc gia, ông đã có những năm tháng lăn lộn với nghề kịch nghệ. 19 tuổi, ông đạt được thành công đầu tiên trong văn chương với bài thơ “Quán rượu” (A borozó). Cũng trong năm đó, lần đầu tiên, ông ký bút danh Petőfi dưới thi phẩm “Trên đất nước tôi” (Hazámban).

Nhà văn, nhà thơ
Szendrey Júlia (1828-1868)
"Nàng thơ" của Petőfi Sándor
Sống bần hàn, đói khát thường xuyên, nhiều bận, chỉ nhờ bạn bè giúp đỡ mà Petőfi Sándor mới thoát khỏi cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó, ông có dịp đi bộ qua rất nhiều vùng - từ làng mạc đến thị thành - nước Hung, chứng kiến những cảnh đời bất hạnh và có những trải nghiệm mà ít người ở độ tuổi 20 như ông có được.

Ngày 8-9-1846, tại một dạ hội ở vùng Nagykároly, nhà thơ làm quen với Szendrey Júlia, một cô gái học thức, gia cảnh khá giả. Trong nhiều tháng trời, Szendrey lưỡng lự trước tình yêu bất ngờ và say đắm của nhà thơ: do đôi bên không được "môn đăng hộ đối" nên thân phụ Júlia còn cấm cô gặp gỡ hoặc thư từ với Petőfi.

Một phần vì vậy, cô gái 18 tuổi không có quyết định dứt khoát và đã chối từ lời cầu hôn của thi sĩ. Dầu vậy, Petőfi vẫn cảm thấy người thiếu nữ đã mang lại mùa xuân trong ông, như qua thi phẩm tươi tắn "Em yêu mùa xuân" - "Te a tavaszt szereted...", với ước vọng có nhau trong đời:
TE A TAVASZT SZERETED…

Te a tavaszt szereted,
Én az őszt szeretem.
Tavasz a te életed,
Ősz az én életem.
 
Piros arcod a tavasz
Virító rózsája,
Bágyadt szemem az ősznek
Lankadt napsugára.
 
Egy lépést kell tennem még,
Egy lépést előre,
S akkor rájutok a tél
Fagyos küszöbére.
 
Lépnél egyet előre,
Lépnék egyet hátra,
S benne volnánk közösen
A szép meleg nyárba.

Szatmár, 1846. október 7 – 10
EM YÊU MÙA XUÂN...

Em yêu mùa xuân
Anh yêu mùa thu
Mùa xuân là đời em
Mùa thu là đời anh

Gương mặt em ửng hồng
Là nụ hồng hé nở mùa xuân
Ánh mắt anh mệt nhoài
Là tia nắng héo hắt mùa thu

Anh cần phải đi thêm một bước
Một bước về phía trước
Và khi ấy anh đến
Ngưỡng cửa mùa đông lạnh lẽo

Giá em bước tới một bước
Giá anh lùi lại một bước
Thì chúng ta sẽ cùng nhau
Trong mùa hè ấm, đẹp

NCTG dịch nghĩa.
Cuối tháng Mười một năm ấy, Petőfi viết thêm "Bụi cây run rẩy, vì..." mang âm hưởng và hình thức một bản dân ca, như lời tỏ tình mới với người yêu với câu hỏi ở cuối bài như một lời cầu xin: "Còn yêu anh nữa không?"
RESZKET A BOKOR, MERT...

Reszket a bokor, mert
Madárka szállott rá.
Reszket a lelkem, mert
Eszembe jutottál,
Eszembe jutottál,
Kicsiny kis leányka,
Te a nagy világnak
Legnagyobb gyémántja!

Teli van a Duna,
Tán még ki is szalad.
Szivemben is alig
Fér meg az indulat.
Szeretsz, rózsaszálam?
Én ugyan szeretlek,
Apád-anyád nálam
Jobban nem szerethet.

Mikor együtt voltunk,
Tudom, hogy szerettél.
Akkor meleg nyár volt,
Most tél van, hideg tél.
Hogyha már nem szeretsz,
Az isten áldjon meg,
De ha még szeretsz, úgy
Ezerszer áldjon meg!

Pest, 1846. november 20. után.
BỤI CÂY RUN RẨY, VÌ...

Bụi cây run rẩy, vì
Con chim nhỏ đậu xuống
Hồn anh run rẩy, vì
Anh nghĩ đến em yêu
Anh nghĩ đến em yêu
Người con gái nhỏ
Viên kim cương lớn nhất
Của thế gian này.

Sông Danube dâng tràn
Có khi nước ngập bờ
Trái tim anh cũng khó
Giữ được nỗi lòng mình
Yêu anh không, nhành hồng của anh?
Vì anh yêu em
Nhiều hơn hết thảy
Người trên đời này.

Những khi ở bên nhau
Anh biết em đã yêu
Khi ấy, mùa hè nóng
Giờ, mùa đông lạnh lẽo
Dẫu không còn yêu anh nữa
Cầu Chúa ban phước lành cho em
Nhưng nếu vẫn còn yêu
Hãy ban phước cho em ngàn lần hơn thế!

NCTG dịch nghĩa.
Bài thơ là một đỉnh cao của thơ tình Petőfi năm 1846, trong đó, có sự hòa hợp giữa hy vọng và nỗi nghi ngờ, nói đúng hơn, sự nghi ngờ xuất hiện rất nên thơ trong niềm hy vọng. Trong thi phẩm này, nhà thơ đã sử dụng những phép tu từ, so sánh của thi ca dân gian một cách nhuần nhuyễn, đạt hiệu quả cao.

Những vần thơ đẹp nhất và mang tính tiên trị của Petőfi Sándor
là dành cho Szendrey Júlia, người yêu và người vợ ông...
"Bụi cây run rẩy, vì..." được đăng lần đầu vào trung tuần tháng Giêng 1847 trên tạp chí "Những hình ảnh cuộc sống" (Életképek). Đọc báo, Júlia biết rằng những tình cảm mà nhà thơ dành cho cô vẫn còn nguyên vẹn sau nhiều tháng xa nhau. Cô đã trả lời ngắn gọn Petőfi: "Ngàn lần, Júlia".

Rốt cục, gia đình Júlia phải chấp thuận mối tình của hai người và họ đã làm lễ cưới ngày 8-9-1847, đúng dịp kỷ niệm 1 năm ngày quen nhau. Tuy nhiên, cặp vợ chồng trẻ không được nhận bất cứ sự giúp đỡ gì về phía gia đình và phải tự lo liệu cho cuộc sống.

Đầu năm 1948, Szendrey có thai, nhưng Petőfi không chờ được đến khi cậu con trai Zoltán tròn tuổi tôi (ngày 15-12-1949): ngày 31-7, nhà thơ đã mất tích trong trận chiến giành độc lập dân tộc ở vùng Segesvár (có nhiều khả năng ông hy sinh tại đó).

Szendrey Júlia là nguồn cảm hứng để Petőfi sáng tác những thi phẩm lãng mạn nhất, như "Không lạ, nếu anh lại sống" (Nem csoda, ha újra élek), "Gọi tên em là gì?" (Minek nevezzelek?), "Mùa thu tới, thu lại tới" (Itt van az ősz, itt van újra) và nhất là "Cuối tháng Chín" (Szeptember végén), một thi phẩm chứa chất những hồ nghi chính yếu của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu và cái chết.
SZEPTEMBER VÉGÉN

Még nyílnak a völgyben a kerti virágok,
Még zöldel a nyárfa az ablak előtt,
De látod amottan a téli világot?
Már hó takará el a bérci tetőt.
Még ifju szivemben a lángsugarú nyár
S még benne virít az egész kikelet,
De íme sötét hajam őszbe vegyűl már,
A tél dere már megüté fejemet.
Elhull a virág, eliramlik az élet...
Űlj, hitvesem, űlj az ölembe ide!
Ki most fejedet kebelemre tevéd le,
Holnap nem omolsz-e sirom fölibe?
Oh mondd: ha előbb halok el, tetemimre
Könnyezve borítasz-e szemfödelet?
S rábírhat-e majdan egy ifju szerelme,
Hogy elhagyod érte az én nevemet?
Ha eldobod egykor az özvegyi fátyolt,
Fejfámra sötét lobogóul akaszd,
Én feljövök érte a síri világból
Az éj közepén, s oda leviszem azt,
Letörleni véle könyűimet érted,
Ki könnyeden elfeledéd hivedet,
S e szív sebeit bekötözni, ki téged
Még akkor is, ott is, örökre szeret!

Koltó, tháng 9-1847
CUÔI THÁNG CHÍN

Dưới thung lũng hoa vẫn còn nở rộ
Lá xanh vẫn mượt mà bên cửa sổ
Nhưng mắt em có thấy nét trời đông?
Đỉnh núi mờ xa tuyết trắng như bông

Tim anh vẫn rực lửa hè nóng bỏng
Máu đỏ đào xuân rực rỡ tràn trề
Nhưng tóc anh đã nhuốm màu thu đọng
Đầu lạnh sương đông u ám tái tê

Hoa rụng lá rơi đời trôi mải miết
Lại đây em... lòng anh đợi em ngồi
Đầu em ngả ngực anh nào có biết
Ngày mai còn xõa tóc đội tang tôi?

Nếu một mai anh xuôi tay vĩnh biệt
Lệ em còn rỏ đẫm mắt anh không?
Liệu rồi đây một mối tình thắm thiết
Có xóa tên anh em giữ trong lòng?

Đừng em! tấm khăn tang em đừng vứt
Xé lòng anh cô quạnh lạnh dưới mồ
Anh sẽ lại xin em làm kỷ vật
Lau lệ hồn anh nhỏ xuống xương khô

Mặc! Mặc ai đổi lòng đi bước nữa
Trái tim này vĩnh viễn của em tôi
Khăn tang kia anh xiết kìm máu ứa
Để mãi yêu em dù đã-giã-từ-đời

(AK dịch)
Bản thảo viết tay của thi phẩm "Cuối tháng Chín"
bài thơ được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới
Không chỉ là một nhà thơ lớn, Petőfi còn được biết tới như nhà anh hùng dân tộc và điều này đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thi nghiệp của ông với hai mảng thơ đề tài tiêu biểu - tình yêu lứa đôi và hồn dân tộc, bổn phận ái quốc của người trượng phu thời ly lạc.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, ông còn là người đổi mới thi ca Hungary bằng cách đưa nhiều đề tài mới vào thơ: thơ ngợi ca tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, vợ chồng, ngợi ca những miền đất, phong cảnh của quê hương đất nước...

Để rồi, trong những giờ khắc đầu của năm 1848 lịch sử, khi cả châu Âu rung chuyển vì những cuộc cách mạng dân chủ, Petőfi đã có trong mình những cảm xúc tràn đầy về tự do và tình yêu, như trong thi phẩm ngắn mà ông viết cho mình nhân ngày sinh nhật thứ 25 trước đó một năm: “Tự do và Ái tình - Vì các ngươi ta sống…”.

Vào khoảnh khắc ấy, ông thổ lộ: “Tôi cảm nhận cách mạng như chú cẩu cảm nhận cơn địa chấn…” Và, trong những vần thơ rực lửa, Petőfi Sándor đón chờ cuộc cách mạng toàn cầu vì một xã hội dân chủ, công bằng, vì nền độc lập của những xứ sở.



Cuộc đời Petőfi đã trở thành huyền thoại và hầu như, mọi người dân Hung đều biết tất cả về ông với sự sùng kính chân thành. Đời ông rộng mở và sáng tỏ như chính những vần thơ ông. 

Ai cũng biết Petőfi sinh vào đúng đêm Giao thừa năm 1823. Ai cũng biết sinh thời, trong 26 năm ngắn ngủi, Petőfi đã sáng tác hàng ngàn bài thơ với những chủ đề như tình yêu, lòng yêu nước, yêu tự do, dân chủ, ý chí dân tộc quật cường…, và ông đã chứng tỏ sự xác tín trong tâm tình của mình bằng chính cuộc đời: tên tuổi ông gắn liền và rạng ngời với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1848, với mục tiêu đưa nước Hung trở thành một quốc gia độc lập. 

Ai cũng biết Petőfi hy sinh năm 1849 tại trận chiến chống quân Áo ở vùng Segesvár, trên tư cách một nhà cách mạng Hung mang tư tưởng cương quyết và cấp tiến nhất của thời đại ông sống, một thi sĩ của dân tộc, của châu Âu. 

Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi Petőfi đã được đưa vào hàng những văn sĩ lớn của châu Âu thời bấy giờ, những người mang trong mình ngọn lửa dân chủ, cách mạng, như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Viktor Hugo (Pháp). Và, nếu chỉ hạn chế trong khuôn khổ văn học, tất cả những gì diễn ra sau đó trong nền thi ca Hung đều có khởi nguồn và xuất xứ từ ông!

Petőfi đọc “Bài ca Dân tộc” - Tranh của Zichy Mihály
Petőfi Sándor đã đốt cháy mình trong cuộc cách mạng gắn liền với tên tuổi ông. Ngày 15-3-1848, “Ngày Petőfi” trong lịch sử Hung, trước Bảo tàng Quốc gia tại trung tâm thủ đô Budapest, thi sĩ đã đọc “Bài ca Dân tộc” (Nemzet dal), thi phẩm được coi là bài ca tượng trưng cho cuộc cách mạng dân chủ Hung.

Đó là một khúc hát bi tráng và hào hùng, với ngôn từ ngắn gọn và mang âm hưởng hồi kèn chiến đấu, có sức mạnh như một đạo quân, trong trận chiến đòi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi quyền độc lập dân tộc.

Là một trong những thi phẩm được biết đến nhiều nhất của thi hào, nhà cách mạng Petőfi Sándor (theo nhà thơ Illyés Gyula, bản thân tác giả cũng rất thích bài thơ này), “Bài ca Dân tộc” được sáng tác vào ngày 13-3-1848, đêm trước của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1848 khai sinh nước Cộng hòa Hungary theo thể chế đại nghị hiện đại.

Tác phẩm lớn này vang lên vào khởi điểm của cuộc cách mạng (15-3-1848) và từ đó, được coi là hiệu kèn chiến đấu thúc giục mọi người dân Hung. Đưa ra hình ảnh đối lập giữa quá khứ điêu tàn và thực tại thôi thúc, giữa cảnh nô lệ đớn đau và niềm vui tự do sáng lạn, “Bài ca Dân tộc” là một khúc ca lãng mạn và bi hùng, hừng hực niềm khát khao tự do của tinh thần quật khởi Hungary.

Được đưa vào chương trình giảng dạy phổ cập, “Bài ca Dân tộc” đã được rất nhiều nghệ sĩ lớn của Hungary thể hiện, cũng như, được phổ nhạc rất thành công và trọn vẹn bởi ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng Tolcsvay László. Ở Việt Nam, dịch giả Vũ Ngọc Cân đã chuyển ngữ thi phẩm này.

NEMZETI DAL

Talpra magyar, hí a haza!
Itt az idõ, most vagy soha!
Rabok legyünk vagy szabadok?
Ez a kérdés, válasszatok! –

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Rabok voltunk mostanáig,
Kárhozottak õsapáink,
Kik szabadon éltek-haltak,
Szolgaföldben nem nyughatnak.

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Sehonnai bitang ember,
Ki most, ha kell, halni nem mer,
Kinek drágább rongy élete,
Mint a haza becsülete.

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Fényesebb a láncnál a kard,
Jobban ékesíti a kart,
És mi mégis láncot hordtunk!
Ide veled, régi kardunk!

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

A magyar név megint szép lesz,
Méltó régi nagy hiréhez;
Mit rákentek a századok,
Lemossuk a gyalázatot!

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Hol sírjaink domborulnak,
Unokáink leborulnak,
És áldó imádság mellett
Mondják el szent neveinket.

A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Petőfi Sándor, Pest, ngày 13-3-1848
BÀI CA DÂN TỘC

Hỡi mỗi người dân, Hungary
Vận mệnh Tổ quốc đang lâm nguy
Độc lập tự do hay nô lệ?
Cơ hội ngàn năm, quyết định đi!

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Chúng ta chịu khổ, nhiều trăm năm
Đau thương nô lệ, nói lên rằng
Thà rằng phải chết, vì tranh đấu
Còn hơn chịu nhục lũ xâm lăng.

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Hãy đừng như những kẻ đê hèn
Cuộc sống ích kỷ, đang kề bên
Hiện thân là những kẻ sợ chết
Bán rẻ đất nước, run sợ lên.

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Xiềng xích đang đeo ở trên tay
Cơ hội ngàn năm, đang có đây
Hãy vứt xiềng xích, cầm thanh kiếm
Như giành chiến thắng vào trong tay.

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Làm thân nô lệ, nhiều năm rồi
Biết bao nhục nhã, âm thầm trôi
Chiến thắng hôm nay, rũ sạch hết
Tự hào lại đến, những niềm vui.

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Vì dân, vì nước, đã hy sinh
Thế hệ mai sau, nhắc tên mình
Ghi nhận công lao, thiêng liêng nhất
Sống rất anh hùng, chết quang vinh.

Dưới ánh hào quang của Chúa Trời
Chúng con xin thề, chỉ tiến thôi!
Cương quyết không chịu làm nô lệ
Dù phải hy sinh cả cuộc đời.

Hoàng Sơn (một cựu DHS Việt Nam tại Hung - dịch và đăng trên diễn đàn VNKATONÁK của các cựu học viên quân sự Việt Nam tại HungaryBudapest ngày 9-7-2006

Từ những trường học, những tiệm cà phê, cùng thi hào Petőfi và bản “Yêu sách 12 điểm”, giới trẻ học đường đã lao vào một cuộc cách mạng lãng mạn nhưng không cân sức. Giới quý tộc, được sự trợ giúp của các thế lực quân sự nước ngoài, đã phản công dữ dội. Một cuộc chiến bảo vệ độc lập và tự do dân tộc diễn ra và Petőfi Sándor, nhà thơ với những thi phẩm thấm đẫm tình yêu nước và tự do, đã không muốn đứng ngoài cuộc, cho dù bạn hữu ông ngăn cản, không muốn ông phải liều mình.

Và, điều xấu nhất đã xảy ra đối với Petőfi và dân tộc Hung: 6 giờ chiều ngày 31-7-1849, thi sĩ của tình yêu và lòng ái quốc đã ngã xuống trong một trận chiến ở vùng Segesvár, để lại đứa con thơ duy nhất vừa tròn nửa năm tuổi!

Đất nước Hung, trong một thời gian dài, không thể tin và không muốn tin vào sự ra đi vĩnh viễn của người con ưu tú của mình. Nhiều huyền thoại đã được truyền tụng, rằng Petőfi không hy sinh, ông chỉ bị bắt và đi đày ở Siberia, rằng ông đã trở về… Illyés Gyula, nhà thơ nổi tiếng của Hung thế kỷ XX, một hậu duệ xuất sắc của Petőfi, đã viết như sau trong cuốn sách về Petőfi:
Các bạn có thể nói với một bà mẹ rằng con trai bà đã qua đời ở một miền xa xôi nào đó. Bà sẽ không tin. Và nếu bằng lý trí, với thời gian, bà đành bằng lòng với thực tế ấy, thì trong lòng bà, trái tim bà vẫn dội nên niềm hy vọng trước một nguồn tin ngược lại, cho dù nó vô lý đến đâu đi nữa, rằng con bà vẫn còn trên cõi đời này…


*
Dưới đây xin giới thiệu hai bài thơ về người dân của Petőfi Sándor cùng bản dịch tiếng Việt.

A NÉP

Petőfi Sándor

Egyik kezében ekeszarva,
Másik kezében kard,
Igy látni a szegény jó népet,
Igy ont majd vért, majd verítéket,
Amíg csak élte tart.
Miért hullatja verítékét?
Amennyit ő kiván
Az eledelbül és ruhábul:
Hisz azt az anyaföld magátul
Megtermené talán.

S ha jő az ellen, vért miért ont?
Kardot miért foga?
Hogy védje a hazát?... valóban!...
Haza csak ott van, hol jog is van,
S a népnek nincs joga.

(Pest, 1846. június–augusztus.)

Người dân

Người dịch: Vũ Ngọc Cân

Một tay cầm đòn cày
Một tay mang gươm giáo
Người dân thường suốt đời
Đổ mồ hôi và máu
Để đổi lấy đói nghèo

Sao phải đổ mồ hôi?
Muốn đồ ăn, quần áo
Cho mình sống một đời
Đất mẹ sản sinh đủ
Lao động tất thế rồi!

Kẻ thù đến vì sao dân đổ máu?
Vì sao phải cầm giáo cầm gươm?
Bảo vệ Tổ quốc chăng?... Nhưng sự thật!...
Tổ quốc chỉ có ở đâu lợi quyền cũng có
Mà người dân thì chẳng có lợi quyền!

Pest, khoảng tháng 4 đến tháng 8 năm 1846

Nguồn: Ba nhà thơ vĩ đại Hungary, NXB Thanh niên, 2010
A NÉP NEVÉBEN

Petőfi Sándor

Még kér a nép, most adjatok neki!
Vagy nem tudjátok, mily szörnyű a nép,
Ha fölkel és nem kér, de vesz, ragad?
Nem hallottátok Dózsa György hirét?
Izzó vastrónon őt elégetétek,
De szellemét a tűz nem égeté meg,
Mert az maga tűz; ugy vigyázzatok:
Ismét pusztíthat e láng rajtatok!
S a nép hajdan csak eledelt kivánt,
Mivelhogy akkor még állat vala;
De az állatból végre ember lett,
S emberhez illik, hogy legyen joga.
Jogot tehát, emberjogot a népnek!
Mert jogtalanság a legrútabb bélyeg
Isten teremtményén, s ki rásüti:
Isten kezét el nem kerűlheti.

S miért vagytok ti kiváltságosok?
Miért a jog csupán tinálatok?
Apáitok megszerzék a hazát,
De rája a nép-izzadás csorog.
Mit ér, csak ekkép szólni: itt a bánya!
Kéz is kell még, mely a földet kihányja,
Amíg föltűnik az arany ere...
S e kéznek nincsen semmi érdeme?

S ti, kik valljátok olyan gőgösen:
Mienk a haza és mienk a jog!
Hazátokkal mit tennétek vajon,
Ha az ellenség ütne rajtatok?...
De ezt kérdeznem! engedelmet kérek,
Majd elfeledtem győri vitézségtek.
Mikor emeltek már emlékszobort
A sok hős lábnak, mely ott úgy futott?

Jogot a népnek, az emberiség
Nagy szent nevében, adjatok jogot,
S a hon nevében egyszersmind, amely
Eldől, ha nem nyer új védoszlopot.
Az alkotmány rózsája a tiétek,
Tövíseit a nép közé vetétek;
Ide a rózsa néhány levelét
S vegyétek vissza a tövis felét!

Még kér a nép, most adjatok neki;
Vagy nem tudjátok: mily szörnyű a nép,
Ha fölkel és nem kér, de vesz, ragad?
Nem hallottátok Dózsa György hirét?
Izzó vastrónon őt elégetétek,
De szellemét a tűz nem égeté meg,
Mert az maga tűz... ugy vigyázzatok:
Ismét pusztíthat e láng rajtatok!

(Pest, 1847. március.) pusztíthat e láng rajtatok!

Thay mặt nhân dân

Người dịch: Phạm Hổ

Hãy gấp rút trao cho dân những gì dân đòi hỏi
Các ngài không biết ư: dân mà vùng lên sẽ thành niềm kinh hãi
Khi dân không đòi, mà giật lấy, chẳng buông ra
Có thật các ngài chưa nghe tên của Gioóc Đô-xa
Các ngài bắt Đô-xa ngồi trên sắt nung thiêu chết
Nhưng tâm hồn Đô-xa lửa nào thiêu huỷ được
Vì tâm hồn Người rừng rực cháy luôn
Hãy coi chừng, ngọn lửa Người còn gieo lắm tai ương

Trước kia, dân chỉ đòi thức ăn để sống
Vì như loài thú thôi, dân đã sống bấy nay
Từ kiếp thú, giờ dân thành người thật
Và cho người đó, quyền lợi phải trao tay
Quyền lợi! Phải trao quyền lợi làm người cho quần chúng
Thiếu quyền lợi là một tổn thương rất lớn
Đối với danh dự những con người Thượng đế sinh ra
Kẻ nào không trao, Thượng đế sẽ không tha

Tại sao các ngài hưởng đủ điều ân huệ
Tại sao quyền lợi kia chỉ có nghĩa với các ngài?
Cha ông các ngài chiếm đất đai Tổ quốc
Nhưng chính mồ hôi của dân đã chảy dài trên đất
Có nghĩa gì đâu khi mồm có thể nói: mỏ đây!
Mà phải có những bàn tay moi lấy đất này
Cho tới lúc những vỉa vàng xuất hiện
Không giá trị gì ư? Những bàn tay lao động?

Và các ngài, các ngài đã từng tuyên bố huênh hoang
"Tổ quốc này, quyền lợi này là của chúng ta"
Các ngài sẽ làm gì, chỉ các ngài thôi, khi địch đến
Tấn công các ngài, Tổ quốc các ngài?
Xin lỗi vậy, tôi nêu lên câu hỏi
Phần nào tôi đã quên những chiến công anh dũng của các ngài ở Đ-ơ
Các ngài có định dựng một kỳ đài vòi vọi
Dưới chân những anh hùng hôm ấy xéo nhanh chân?

Nhân danh vinh quang của toàn nhân loại
Quyền lợi kia, các ngài hãy trao trả nhân dân
Nhân danh cả Tổ quốc có thể bị nguy vong
Nếu thiếu nhân dân, rường cột mới của bức thành chống địch
Những hoa hồng của Hiến pháp kia, các ngài giành chiếm hết
Chỉ để cho dân toàn những cành gai
Hãy gieo quanh các ngài những cánh hồng tươi đẹp
Và hãy nhận phần mình, phần những cành gai

Hãy gấp rút trao cho dân những gì dân đòi hỏi
Các ngài không biết ư: dân mà vùng lên sẽ thành niềm kinh hãi
Khi dân không đòi, mà giật lấy, chẳng buông ra
Có thật các ngài chưa nghe tên của Gioóc Đô-xa
Các ngài bắt Đô-xa ngồi trên sắt nung thiêu chết
Nhưng tâm hồn Đô-xa lửa nào thiêu huỷ được
Vì tâm hồn Người rừng rực cháy luôn
Hãy coi chừng, ngọn lửa Người còn gieo lắm tai ương

Pest, 3-1847
Nguồn: Thơ Petofi, NXB Văn hoá, Viện Văn học, 1962
Sau khi cuộc cách mạng dân chủ tư sản 1848 thất bại, Hungary phải chịu ách thống trị độc đoán của Áo cho đến năm 1867, khi Đế chế Áo - Hungary (hay chính xác hơn là Nền Quân chủ Áo - Hungary) ra đời như kết quả của sự thỏa thuận giữa triều đình Áo không đủ lực để biến Hungary thành một phần của đế chế Áo đơn độc, và Hungary luôn có ý muốn giành độc lập nhưng cũng không đủ sức mạnh để thực hiện ý nguyện đó.

Trong những thập niên cuối của nửa sau thế kỷ 19, Hungary có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đặc biệt là nền công nghiệp. Thủ đô Budapest sau khi được hợp nhất từ các thành phố Buda, Pest và Óbuda, được hình thành và hoàn chỉnh với những đại lộ và công trình kiến trúc nổi bật, nhiều nhà hát, tòa soạn báo xuất hiện, các nhà xuất bản cũng mọc lên hàng loạt. Tinh thần tự tôn dân tộc và ái quốc vẫn được gìn giữ trong lòng giới trí thức, văn nghệ sĩ - đặc biệt, được gia tăng trong dịp kỷ niệm một ngàn năm Vương quốc Hungary (896-1896) - và tiếp tục được duy trì trong các sáng tác của họ.

Trên đà ấy, sau thi ca một bước, nhưng nền văn xuôi và kịch nghệ Hungary đã sản sinh nhiều tên tuổi lớn như Kemény Zsigmond (1814-1875, tiểu thuyết gia lớn của trường phái Lãng mạn Hungary), Madách Imre (1823-1864, nhà văn, nhà thơ, tác giả vở kịch được coi là kinh điển nhất trong nền kịch nghệ Hungary, “Az ember tragédiája” - “Tấn thảm kịch con người”, Vũ Ngọc Cân dịch), Jókai Mór (1825-1904, tiểu thuyết gia, tác giả “A kőszívű ember fiai” - "Con trai người có trái tim đá”, Lê Xuân Giang dịch, tác phẩm lớn ca ngợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1848-49), Mikszáth Kálmán (1847- 1910, nhà văn, ký giả), Gárdonyi Géza (1863-1922, nhà văn, tác gia nổi bật của văn học Hungary đầu thế kỷ 20 với những tác phẩm lớn đề tài lãng mạn lịch sử như “Egri csillagok”, “Láthatatlan ember”, “Ido regénye”... "Những ngôi sao thành Eger”, Lê Xuân Giang dịch; “Tâm hồn bí ẩn” và “Nàng Iđo”, Hà Anh My dịch).

Để kết thúc, mời theo dõi bản dịch Việt ngữ một thi phẩm xinh xắn của Petőfi Sándor về tình yêu đôi lứa, để thấy rằng sự thể hiện tâm hồn và tình yêu của mọi dân tộc trên thế giới này cũng hàm chứa rất nhiều điểm tương đồng, giản đơn và nồng thắm. Đó là bài “Em yêu nhất mùa xuân” - "Te a tavaszt szereted…", được sáng tác năm tác giả 23 tuổi, ba năm trước khi ông ra đi:

Em yêu nhất mùa xuân
Anh yêu nhất mùa thu
Vì mùa xuân giống em
Vì mùa thu giống anh

Mặt em đỏ hồng hồng
Là dáng hồng xuân đấy
Ánh mắt em long lanh
Như ánh trời thu vậy

Nếu anh bước chân lên
Một bước, rồi bước nữa
Anh sẽ đến bên thềm
Của mùa đông giá lạnh

Nhưng nếu anh lùi về
Còn em thì bước tới
Ta sẽ gặp gỡ nhau
Giữa mùa hè chói lọi.

Nguyễn Hoàng Linh
Trần Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét